Trên con đường mòn của thành phố quê hương.
Có một người trong cơn đại nạn.
Thầy tế lễ đi qua, kẻ xấu số rơi vào dĩ vãng.
Trên bục giáo đường, ông giải nghĩa tình thương.
Thầy thông giáo đi qua, chân vội bước lên đường.
Để kịp ngày mai, ông giảng bài đạo đức.
Người Sa-ma-ri, một đời cơ cực
Trở về quê, dừng lại ở bên đường.
Cúi xuống ôm người, truyền hơi ấm yêu thương
Vét sạch hầu bao, đắp lên trái tim già cạn máu.
Giữa ngã ba đường:
– Không bục giảng – không đền thờ – không ngôi báu
Tôi thấy người, hình ảnh Chúa Yêu Thương.
Nguyễn Luận
Ngày xưa, bên vùng Palestine, giữa thủ đô Giê-ru-sa-lem và thành Giê-ri-cô có một con đường rất là nguy hiểm. Con đường này không những vắng vẻ, cheo leo mà còn nổi tiếng là con đường chết chóc, nhiều người đi qua đây không bao giờ trở về. Các bạn biết vì sao không? Con đường này nguy hiểm vì hai bên đường có những toán cướp ẩn núp, đợi khi có người đi qua thì nhảy ra cướp của và giết chết những người đó. Thỉnh thoảng nhà cầm quyền cho lính đến để diệt trừ bọn cướp, nhưng không sao diệt hết được.
–
Một ngày kia, có một người phải đi ngang qua đoạn đường nguy hiểm này. Trên đường đi, ông ta lo lắng, cố đi mau cho qua khỏi đoạn đường đầy chết chóc. Vừa đi, người đàn ông vừa nhìn trước nhìn sau xem có ai cùng đi chung cho đỡ sợ. Nhưng nhìn quanh, ông thấy chỉ có một mình ông đi trên đường. Trong lúc người khách đang suy nghĩ lo lắng thì thình lình hai bên đường một toán cướp nhảy ra. Bọn cướp tràn đến tấn công ông. Chúng lục soát khắp người ông để lấy tiền, xong chúng lại lục tung bao hành lý của ông để lấy thức ăn, đồ dùng… Tội nghiệp, người khách vô phước chỉ biết yên lặng nhìn bọn cướp lấy đồ đạc của mình chứ không dám kêu cứu hay phản đối gì cả.
Thế mà bọn cướp cũng chẳng thương xót ông. Khi đã lấy hết tiền bạc và đồ đạc của ông rồi, chúng còn xúm lại đánh ông, lột hết áo quần của ông rồi bỏ ông nằm dở sống dở chết bên đường. Sau đó bọn cướp bỏ chạy. Vì bị thương nặng, người đàn ông không thể ngồi dậy hay vẫy tay kêu cứu với ai cả. Ông nằm thiêm thiếp trên đường, mong có người trông thấy và đem ông đi cấp cứu, nếu không chắc ông sẽ chết.
Người đàn ông nằm một lúc thì có một người đi ngang qua. Đó là một thầy tế lễ Do Thái, là người thay mặt dân chúng để cầu nguyện và dâng tế lễ cho Đức Chúa Trời. Thầy tế lễ thấy có người nằm rên rỉ trên đường thì đi tránh qua một bên rồi bỏ đi luôn. Có lẽ ông ta thấy quãng đường nguy hiểm quá nên không dám dừng lại. Nhất là dừng lại để cứu một người bị cướp đánh như thế thì vừa mất thì giờ lại vừa có thể gặp rắc rối nữa. Nghĩ vậy nên thầy tế lễ đi thẳng, làm như không thấy ai nằm bên đường cả. Người bị thương nghe tiếng chân người đến gần rồi lại đi xa thì thất vọng vô cùng.
Một lát sau, lại có một người đi ngang qua đoạn đường vắng vẻ đó. Lần này là một người Lê-vi, là người lo việc trong đền thờ. Thấy có người nằm bên đường, ông ta tò mò bước lại xem. Khi thấy đó là một người bị thương tích nằm rên rỉ chờ người cứu, có lẽ ông cũng thương và muốn giúp, nhưng rồi ông nghĩ: Không được, mình phải đi lên đền thờ gấp để lo công việc, nếu nán lại đây giúp người này thì hỏng hết chương trình ở đền thờ, mà cũng hỏng luôn cả bộ áo lễ mình đang mặc nữa. Nghĩ vậy nên người Lê-vi cũng bước tránh qua một bên rồi bỏ đi.
–
Người bị cướp nằm bên đường nửa mê nửa tỉnh, không biết mình nằm đây đã bao lâu rồi và nãy giờ có những ai đi qua. Ông mong có người đến cứu mà chờ mãi không thấy người nào đến. Cả con đường thật là vắng vẻ. Ông ta thấy đau nhức cả người, muốn ngồi dậy nhưng không sao nhúc nhích được. Ông đành nằm yên, buông xuôi chờ chết.
–
Trong lúc người bị cướp không còn hy vọng nữa thì có một người cỡi lừa đi đến gần. Đó là một người đi buôn. Ông là người Sa-ma-ri, là nhóm người bị người Do thái khinh rẻ. Có lẽ chính ông cũng đã từng bị người Do thái xua đuổi. Thấy có người nằm bên đường, người Sa-ma-ri kéo dây cương cho con lừa dừng lại, xong ông nhảy xuống và đến gần xem. Thấy người đó bị thương nặng, ông lấy dầu và rượu rửa sạch vết thương rồi băng lại cẩn thận. Sau đó ông đỡ người ấy lên lưng lừa và dắt vào ngôi làng gần đó để tìm quán trọ. Đến quán trọ, người Sa-ma-ri đưa người bị thương vào để người trong quán chăm sóc. Lúc ấy có lẽ trời cũng đã tối nên ông cũng nghỉ lại trong quán.
Sáng hôm sau, vì phải tiếp tục lên đường lo công việc nên người Sa-ma-ri gởi người bị thương mà ông đã cứu hôm qua cho người chủ quán chăm sóc. Ông đưa cho chủ quán một ít tiền, dặn lo liệu mọi sự cho người ấy, nếu tốn nhiều hơn, khi trở về ông sẽ trả thêm. Sau đó người Sa-ma-ri lên đường, tiếp tục hành trình.