Trang Chủ TRANG CHỦ Đóng Tàu Và Giảng Đạo

Đóng Tàu Và Giảng Đạo

676
0
SHARE

 

Nghe bài chia sẻ, click vào nút hình tam giác trên.

Nô-ê làm các điều nầy y như lời Đức Chúa Trời đã phán dặn.”   (Sáng 6:22)

Làm mọi điều theo như chỉ thị của Đức Chúa Trời không phải là một việc làm dễ dàng khi mà thế giới chung quanh chúng ta đang chuyển hướng nhanh chóng tới những điều gian ác. Tuy nhiên có ít nhất là bốn lần Kinh Thánh ghi lại trường hợp của Nô-ê đã làm mọi điều y như lời Đức Chúa Trời đã phán dặn (Sáng 6:22; 7:5, 9, 16).

Thân phụ của Nô-ê là Lê-méc, một hậu tự của Sết. Ông ta dễ bị nhầm lẫn với Ca-in Lê-méc là người có hai vợ và là kẻ giết người (Sáng 4:19-24). Lê-méc có con trai là Nô-ê khi ông đã 182 tuổi. Lê-méc làm nghề nông, ông cố gắng thu hoạch nông sản từ đất mà Đức Giê-hô-va đã rủa sả, và đó là lý do ông đặt tên cho con trai mình là Nô-ê – có nghĩa  yên nghỉ  hay an ủi (Sáng 5:8-29). Lê-méc nói về Nô-ê, “Đứa nầy sẽ an ủi lòng ta về công việc và về sự nhọc nhằn mà đất bắt tay ta phải làm”, nhưng ông không giải thích bằng cách nào mà Nô-ê có thể làm được điều đó. Lê-méc nhớ lời hứa của Đức Chúa Trời về một Đấng Cứu Rỗi sẽ đến chiến thắng ma quỉ và cất bỏ sự rủa sả (Sáng 3:14-15). Và có thể ông ta đặt kỳ vọng vào Nô-ê sẽ hoàn thành lời hứa đó của Đức Chúa Trời.

Dĩ nhiên Lê-méc đã không suy nghĩ hoàn toàn đúng, nhưng ông đang hướng đến một cứu cánh. Ở đây có những điểm tương đồng giữa Chúa Jesus và Nô-ê. Nô-ê là một người đóng tàu (xây dựng) và giảng đạo. Chúa Jesus cũng là người xây dựng những giá trị căn bản và giảng đạo. Khi Chúa Jesus khởi sự chức vụ của Ngài với công chúng, mọi người gọi Ngài là người thợ mộc (Mác 6:1-3), vì Ngài đã từng phụ giúp cho cha nuôi bảo dưỡng Giô-sép trong xưởng mộc suốt một thời gian dài cho tới khi bước ra thi hành chức vụ. Sứ đồ Phi-e-rơ đã nối kết Nô-ê và trận đại hồng thủy với công tác Đấng Christ (1 Phi-e-rơ 3:18-22). Nước lụt và những gì xảy ra trong thời Nô-ê mang một ý nghĩa hình bóng. Khi nước lụt đến, sự cứu hộ duy nhất có sẵn trong chiếc tàu của Nô-ê. Và hôm nay sự cứu rỗi duy nhất có sẵn trong Đấng Christ. Sứ đồ Phi-e-rơ cũng tuyên bố điều này trong sách Công vụ 4:12.

noah111

1.NÔ-Ê BƯỚC ĐI VỚI ĐỨC CHÚA TRỜI

Cũng giống như Hê-nóc trước đó, Nô-ê đồng đi cùng Đức Chúa Trời (Sáng 5:22; 6:9). Ông là một người công bình trước mặt Chúa và không có điều chi đáng chê trách với những người chung quanh. Sự công bình của ông được Đức Chúa Trời xác nhận vì ông được ơn trước mặt Chúa và tin cậy vào lời hứa của Ngài. Nô-ê và gia đình của ông được cứu bởi ân điển – giống như chúng ta ngày hôm nay (Sáng 6:8) nhờ vào đức tin nơi Chúa Jesus Christ (Êph. 2:8-9; Hêb. 11:7). Các thành viên trong gia đình của Nô-ê đồng thuận với ông trong cả đức tin và việc làm. “Nếu hai người không đồng ý với nhau, thì há cùng đi chung được sao?” (A-mốt 3:3). Tất cả mọi người trong gia đình Nô-ê đồng thuận với Chúa, vì vậy họ cùng bước đi với Ngài.

Khi chúng ta nhìn vào tình trạng gian ác của thế giới ngày hôm nay, chúng ta hiểu được những khó khăn mà gia đình Nô-ê phải chịu đựng khi họ kiên trì bước đi với Đức Chúa Trời. Người công chính vui hưởng sự bình an với Chúa nhưng họ phải chịu đựng những khó khăn từ phía những người vô tín, đối nghịch với Ngài. “Công bình sẽ sanh ra bình an, trái của sự công bình sẽ là yên lặng và an ổn mãi mãi” (Ê-sai 32:17). Nhưng “ai làm ác thì ghét sự sáng và không đến cùng sự sáng” (Giăng 3:20). Ngày hôm nay chúng ta rất dễ phàn nàn vì có một số người tấn công, khủng bố các Cơ đốc nhân, nhưng Nô-ê ngày xưa đã từng đối lập với cả một thế giới chống nghịch với ông.

 

2. CÔNG BỐ SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

 

Người ta thường quên rằng Nô-ê không chỉ là người đóng tàu nhưng ông cũng là “thầy giảng đạo công bình” (2 Phi-e-rơ 2:5). Là một người đóng tàu, ông chuẩn bị cho sự phán xét sắp đến. Còn trong tư cách là người giảng đạo ông kêu gọi tội nhân ăn năn và mời gọi họ tìm đến sự an ninh trong con tàu mà ông đang trong tiến trình hoàn thành. Nô-ê là một người công chính vì vậy ông có đủ tư cách công bố sứ điệp của Đức Chúa Trời về sự công chính (Đọc Ê-xê-chi-ên 14:14, 20), nhưng con người không chú ý gì cả đến sứ điệp của ông. Trước đó trong Sáng thế ký 6:3, Đức Chúa Trời tuyên phán, “đời người sẽ là một trăm hai mươi năm mà thôi”, sau khi tổ phụ loài người sa ngã. Nhưng rồi sau đó cả nhân loại tiếp tục lún sâu vào sự gian ác. Điều này sẽ dẫn đến sự phán xét của Chúa (Sáng 6:5-6). Nhưng Nô-ê là một “người công bình trọn vẹn, được ơn trước mặt Đức Giê-hô-va”. Ông và gia đình gồm 8 người được cứu khỏi sự phán xét trong cơn nước lụt. Quí vị là những người giảng đạo, giáo viên dạy Kinh Thánh, nhà truyền giáo hay chứng nhân cho Chúa cảm thấy mọi nỗ lực của chúng ta dường như thất bại trong công tác phục vụ Chúa, thì hãy nhớ đến trường hợp của Nô-ê. Sự kiên nhẫn và trung tín của Nô-ê là bài học nhắc nhở mỗi chúng ta.

Nô-ê được Chúa kêu gọi để giảng, công bố sự  công bình cho dân chúng đang sống trong sự không công bình, vì vậy sứ điệp của ông không được ưa chuộng và phổ biến vào thời đó. Trước Nô-ê, một người khác là Hê-nóc đã công bố sứ điệp của Đức Chúa Trời trong một thời đại gian ác (Giu-đe 14-15), nhưng sau khi Hê-nóc được cất lên trời thì mọi thứ trên đất không trở nên tốt hơn chút nào. “Đức Giê-hô-va thấy sự hung ác của loài người trên mặt đất rất nhiều, và các ý tưởng của lòng họ chỉ là xấu luôn… Thế gian bấy giờ đều bại hoại trước mặt Đức Chúa Trời và đầy dẫy sự hung ác” (Sáng 6:5; 11). Những gì mà “nền văn minh” của Ca-in đem lại là đáng hổ thẹn và Đức Chúa Trời phải nhịn nhục chờ đợi để chuẩn bị kết thúc nó.

3.NÔ-Ê VÂNG PHỤC CÁC MỆNH LỆNH CỦA CHÚA

no e

Mục đích chiếc tàu của Nô-ê là để bảo tồn con người và những loài động vật sống. Hành động đóng tàu trong một thời gian dài của Nô-ê cũng là một sứ điệp mang tính cảnh báo con người vào thời đó. Rõ ràng là vào lúc đó trên thế giới không có mưa cho đến khi nước lụt đến (Sáng 2:4-6; Hêb 11:7), vì vậy những người chung quanh tự hỏi tại sao Nô-ê và các con trai của ông lại đóng  một chiếc tàu trên đất khô? Nô-ê công bố sứ điệp của Chúa về sự đoán phạt sắp đến, mọi người cười chế nhạo ông. Họ tiếp tục ăn uống, tiệc tùng, cưới gã cho đến ngày Nô-ê vào tàu. Chúa Jesus phán dạy rằng thế giới chúng ta đang sống cũng sẽ như thế trước khi Chúa tái lâm (Mat 24:36-41).

Đức Chúa Trời ban cho Nô-ê những hướng dẫn cụ thể khi ông đóng con tàu đi vào lịch sử, cũng như sau đó Chúa ban cho Môi-se những chỉ dẫn chi tiết trong việc thiết kế đền tạm (Xuất 25:9, 40; Hêb 8:5). Đa-vít cũng nhận được điều đó khi lên kế hoạch xây dựng đền thờ (1 Sử ký 28: 11-19). Khi chúng ta vâng phục Đức Chúa Trời trong mỗi bước đi, Ngài sẽ chỉ cho chúng ta biết con đường sự sống (Thi 16:11; 23:3).

Khi công việc đóng tàu hoàn tất, Đức Chúa Trời đưa các thú vật từng cặp, đực và cái , trống và mái  đến và Nô-ê dẫn chúng vào tàu để bảo tồn sự sống của chúng (Sáng 6:19-20; 7:8,9,15).  Nô-ê đưa gia đình vào tàu theo mạng lệnh của Đức Chúa Trời, và Chúa đóng cửa tàu lại (Sáng 7:1, 16). D. L. Moody đã nói, “Nô-ê bước vào tàu trước tiên, kế đến là người vợ và cả gia đình theo ông. Nô-ê đã có một đời sống công chính và khiến cho con cái tin tưởng cha của chúng nó. Nếu cha mẹ không bước vào tàu thì làm thế nào mong đợi con cái bước theo”. Sẽ là một bi kịch khi đưa dẫn người khác vào con tàu cứu rỗi nhưng trong đó không có gia đình của chúng ta!

 

4.TÍNH KIÊN ĐỊNH CỦA NÔ-Ê

Nô-ê đã công bố sứ điệp của Chúa và đóng tàu trong suốt một trăm hai mươi năm. Ông đã bước đi cùng Chúa và tìm kiếm điều đẹp lòng Ngài.  Khi Đức Chúa Trời truyền lệnh cho Nô-ê, “Ngươi và cả nhà ngươi hãy vào tàu” thì sau đó bảy ngày, mưa bắt đầu rơi xuống trên khắp đất (Sáng 7:4). Gia đình Nô-ê và các thú vật đã ở trên tàu trong một năm mười bảy ngày (Sáng 8:13-14). Một số giáo phụ của hội thánh nói rằng những người ở trên chiếc tàu Nô-ê cũng giống như các tín hữu ở trong hội thánh ngày nay: nếu không có sự đoán phạt bên ngoài, bạn sẽ không bao giờ đứng ở bên trong. Ngay cả khi nước đã giảm bớt trên mặt đất, Nô-ê vẫn phải chờ đợi chỉ dẫn từ Đức Chúa Trời để bước ra khỏi tàu. Ông đã vâng phục Chúa trong mỗi chi tiết của đời sống (Sáng 8:13-19).

Khả năng chờ đợi sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời đánh dấu cho đức tin và sự trưởng thành thuộc linh của một người. Nô-ê là mẫu người đó. “Bất cứ ai tin sẽ chẳng hành động gấp rút” (Ê-sai 28:16).

 

5.SỰ THỜ PHƯỢNG CỦA NÔ-Ê

 

Không có phần Kinh Thánh nào ghi lại rằng Đức Chúa Trời truyền lệnh Nô-ê thiết lập bàn thờ và dâng các của lễ. Tuy nhiên Nô-ê đã làm một số điều để đáp lại ân điển và sự thương xót mà Đức Chúa Trời đã ban cho ông và gia đình qua sự kiện nước lụt. Khi nghiên cứu về trường hợp của Ca-in, chúng ta biết rằng giá trị của lễ dâng lên cho Đức Chúa Trời tùy thuộc vào tấm lòng biết ơn của người thờ phượng. Nô-ê là một người có tấm lòng đó. Ông là người thuộc về “cõi sáng tạo mới”, hành động đầu tiên của ông là dâng hiến tấm lòng và linh hồn ông cho Đức Chúa Trời. Ông  qui tất cả mọi vinh hiển về cho Đấng đã cứu gia đình ông.

Đức Chúa Trời hài lòng với Nô-ê, Ngài bảo đảm rằng trong tương lai thế giới mới sau Nô-ê sẽ không có trận lụt nào khác, chu kỳ luân chuyển bốn mùa trên đất sẽ không bị gián đoạn. Dấu hiệu cho giao ước này của Chúa sẽ là hình ảnh cầu vồng lần đầu tiên xuất hiện. Đây là dấu hiệu nhắc chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời không bao giờ quên đi những lời hứa của Ngài.

 

rainbowl 2

6.HÀNH ĐỘNG XẤU HỔ CỦA NÔ-Ê

Nô-ê làm mọi điều theo lời Đức Chúa Trời phán dạy, ngoại trừ là ông đã  “uống rượu say, rồi lõa thể ở giữa trại mình” (Sáng 9:20-24). Kinh Thánh ghi lại rất trung thực những ưu và khuyết điểm của các tổ phụ đức tin, không bỏ sót những thất bại của họ. Áp-ra-ham đã hai lần nói dối về mối quan hệ thật sự giữa ông và người vợ Sa-ra. Và đến lượt Y-sác, con trai của Áp-ra-ham cũng theo gương xấu của cha. Môi-se đã phạm lỗi lầm khi dùng gậy đập vào hòn đá trong đồng vắng thay vì nói. Đa-vít đã phạm tội tà dâm cùng Bát-sê-ba, rồi sau đó dùng thủ đoạn để đưa chồng của Bát-sê-ba ra chiến trường chịu chết. Phi-e-rơ đánh mất dũng khí và chối thầy mình đến ba lần.

Một vài sinh viên Trường Kinh Thánh cảm nhận rằng Nô-ê đã không chịu trách nhiệm về những gì đã xảy ra. Họ đưa ra giả thuyết là sau trận đại hồng thủy đã có nhiều điều thay đổi đến trên trái đất và bầu khí quyển. Nô-ê đã thấy một vài điều mà trước đây ông chưa hề thấy. Nhưng nếu như mùi vị lạ thường của sự lên men từ các trái nho làm ông phấn khởi quá mức không kềm chế đã dẫn ông đến chỗ uống nhiều rượu, thì tại chỗ này nói lên rằng Nô-ê đã không kiểm soát được bản thân. Và hậu quả là ông đã say rượu và lõa thể. Hai hành động đáng xấu hổ này thường song hành với nhau (Ca thương 4:21; Ha-ba-cúc 2:15-16).

Khi đối chiếu Sáng 9:24 và 10:21, chúng ta biết rằng Cham là người con trai nhỏ nhất của Nô-ê. Gia-phết lớn nhất và Sem ở chính giữa. Sem được gọi tên đầu tiên bởi vì anh ta được ban cho phước hạnh vượt trỗi và được đối xử như đứa con đầu lòng (Sáng 9:26). Đây cũng là một trường hợp trong Kinh Thánh mà người con thứ nhì “thay thế” chỗ của người con thứ nhất. Cham đã không tôn trọng cha mình, và Nô-ê đã công bố sự rủa sả trên các con cái của Cham (bao gồm Ca-na-an là đứa con nhỏ nhất) phải làm nô lệ cho dòng dõi của Sem  (Sáng 9:26; 10:6). Lịch sử cho biết rằng dân xứ Ca-na-an là một dân cực kỳ gian ác (Lê-vi ký 18), và đó chính là lý do mà Môi-se muốn tuyển dân Israel phải tiêu diệt họ. Còn những ai được sống sót phải trở thành nô lệ cho tuyển dân.  Lẽ ra tôi không cần phải có thêm chú thích này, nhưng vì lời nguyền của Nô-ê đã không ảnh hưởng gì đến các chủng tộc da màu. Vậy thì lời nguyền đó vẫn còn nguyên giá trị của nó.

Tại sao Môi-se tường thuật sự kiện say rượu của Nô-ê và hành động thiếu khôn ngoan của Cham? Lý do là sự kiện này nhấn mạnh đến dòng dõi của Sem, đặc biệt là Áp-ra-ham (Sáng 11:10 – 12:9) và dòng dõi của Ca-na-an sẽ có một vị trí đầy thử thách trong lịch sử tuyển dân. Nhưng vẫn còn một nguyên nhân khác: Đức Chúa Trời muốn nhắc nhở chúng ta về những tổ phụ đi trước đều là những con người khiếm khuyết, tội lỗi. Nô-ê là một con người vĩ đại, làm những việc vĩ đại. Nhưng ông đã không có một kết thúc tốt. Và chúng ta, không miễn trừ ai cũng có thể giống như Nô-ê nếu không học được bài học lịch sử này. “Nô-ê làm các điều nầy y như lời Đức Chúa Trời đã phán dặn” ngoại trừ một điều: uống rượu say. Nếu chúng ta muốn có một kết thúc tốt, chúng ta phải thận trọng trong đời sống cá nhân. Bài học này thật đáng giá cho chúng ta hôm nay.

 

admin

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên