Trang Chủ TRANG CHỦ NHỮNG TRUYỆN TÍCH TÂN ƯỚC

NHỮNG TRUYỆN TÍCH TÂN ƯỚC

1035
0
SHARE

NHỮNG TRUYỆN TÍCH TÂN ƯỚC
Phần một: CHÚA JESUS ĐẾN TRẦN GIAN
Các Bài Học Kinh Thánh Dành Cho Mọi Lứa Tuổi.

story

VUI HƯỞNG DẠY TRUYỆN TÍCH KINH THÁNH CHO CÁC LỨA TUỔI
Dạy Kinh Thánh là một trải nghiệm vui thú cho cả giáo viên và học viên. Bài học Kinh Thánh sẽ trở nên hiệu quả khi người dạy và người học đều vui hưởng các lẽ thật từ Kinh Thánh. Những bài học này được chuẩn bị cho thiếu nhi, nhưng nó cũng được dạy cho cả thanh niên và người lớn tuổi.
Chúng tôi giới thiệu 11 bước sau đây để dạy tập tài liệu này.
1. Đọc cẩn thận từng bài học. Chú ý các câu hỏi và những câu gốc KT.
2. Đọc chính bản văn KT. Có thể dùng bản hiệu đính, hoặc các bản dịch rõ nghĩa nhất.
3. Suy nghĩ về câu chuyện trong KT. Hãy tưởng tượng rằng bạn có mặt ở đó khi xảy ra câu chuyện, và suy nghĩ đến những chi tiết khác không được đề cập trong KT để làm phong phú thêm câu chuyện.
4. Ghi vào sổ tay những bài học thuộc linh (hay các nguyên tắc thuộc linh) mà bạn tìm thấy từ câu chuyện.
5. Mỗi một học viên phải có tập tài liệu này khi tham gia lớp học.
6. Hãy nói cho lớp học biết tên của câu chuyện, hãy giải thích tầm quan trọng khi học câu chuyện này.
7. Yêu cầu các thành viên trong lớp học đọc lớn tiếng câu chuyện. Có thể đọc đối đáp hoặc đọc từng người.
8. Hãy kể lại câu chuyện sao cho thật kịch tính. Có thể thay đổi giọng nói khi đề cập đến từng nhân vật.
9. Đọc từng câu hỏi và khích lệ các học viên trả lời từng câu.
10. Giúp các học viên ghi nhớ các câu gốc KT. Hãy kiên nhẫn hướng dẫn từng học viên học thuộc lòng câu gốc. Cuối buổi học, mọi người phải trả bài với câu gốc mình đã học thuộc.
11. Hướng dẫn học viên tô màu các bức tranh cho thật sống động. Giáo viên phải làm mẫu trong việc này. Nói chuyện với từng học viên về các bài học thuộc linh khi họ tô màu. Khích lệ các bạn thanh niên và người lớn tuổi giữ lại bức tranh để họ có cơ hội dạy lại bài học này cho người khác.

Bài 1.
HÃY ĐẶT TÊN CHO NGÀI LÀ JESUS
Các lẽ thật:
1. Không có gì là không thể đối với Đức Chúa Trời
2. Chúng ta là những người phục vụ Đức Chúa Trời và Ngài có thể dùng chúng ta để làm những việc lành cho người khác.
Lu-ca 1:26-38

Đức Chúa Trời sai thiên sứ Gáp-ri-ên đến thị trấn Na-xa-rét. Vị thiên sứ này đem đến cho cô thiếu nữ Ma-ri một thông điệp từ Chúa. Ma-ri chưa kết hôn nhưng đã đính hôn với Giô-sép. Thiên sứ Gáp-ri-ên đến với Ma-ri, “Hỡi người được ơn, mừng cho ngươi; Chúa ở cùng ngươi.” Ma-ri nghe nói thì bối rối, tự hỏi rằng lời chào ấy có nghĩa gì.
Thiên sứ giải thích, “Hỡi Ma-ri, đừng sợ, vì ngươi đã được ơn trước mặt Đức Chúa Trời. Nầy, ngươi sẽ chịu thai và sanh một con trai mà đặt tên là Jêsus. Con trai ấy sẽ nên tôn trọng, được xưng là Con của Đấng Rất Cao; và Chúa, là Đức Chúa Trời, sẽ ban cho Ngài ngôi Đa-vít là tổ phụ Ngài. Ngài sẽ trị vì đời đời nhà Gia-cốp, nước Ngài vô cùng.”
Ma-ri vẫn còn có điều chưa hiểu, “Tôi chẳng hề nhận biết người nam nào, thì làm sao có được sự đó?”
Thiên sứ trả lời, “Đức Thánh Linh sẽ đến trên ngươi, và quyền phép Đấng Rất Cao sẽ che phủ ngươi dưới bóng mình, cho nên con thánh sanh ra, phải xưng là Con Đức Chúa Trời.”
Ma-ri vẫn chưa hiểu làm thế nào mà một việc kỳ diệu như vậy lại có thể xảy ra. Vì vậy thiên sứ tiếp tục giải thích, “Không việc chi Đức Chúa Trời chẳng làm được.”
Ma-ri thưa cùng thiên sứ, “Tôi đây là tôi tớ Chúa; xin sự ấy xảy ra cho tôi như lời người truyền!” Sau đó thiên sứ lìa khỏi Ma-ri.
Kể chuyện:
1. Tại sao Ma-ri bối rối khi nhìn thấy thiên sứ lần đầu tiên?
2. Tên “Jesus” có nghĩa là gì?
3. Tại sao bạn cho rằng Đức Chúa Trời muốn con trẻ Ma-ri sinh ra được đặt tên là Jesus?
4. Người ta sẽ nói rằng Chúa Jesus là C…. của Đ…….
5. Chúa Jesus luôn luôn là Vua của những người nào?
6. Ma-ri đã trả lời như thế nào với thiên sứ Gáp-ri-ên sau khi được nghe thiên sứ giải thích?
Bạn nói gì?
Ma-ri đã nói rằng tôi đây là tôi tớ của Đức Chúa Trời. Bạn có muốn trở thành một tôi tớ của Chúa? Làm thế nào bạn có thể phục vụ Chúa cách tốt hơn?

Bài 2.
NHỮNG NGƯỜI CHĂN CHIÊN TÌM THẤY CỨU CHÚA MỚI SINH RA
Các lẽ thật:
1. Đức Chúa Trời gởi chúng ta đến những nơi chốn, mà tại đó chúng ta có thể làm những gì Ngài muốn ở chúng ta.
2. Chúng ta sẽ luôn luôn sẵn sàng để vâng theo tiếng phán của Chúa.
Lu-ca 2:1-22

luke
Ma-ri chuẩn bị để sinh đứa con đầu lòng – Ấu Chúa Jesus. Đây không phải là thời gian thích hợp để Ma-ri di chuyển. Tuy nhiên lúc bấy giờ chính quyền Rô-ma thông báo mọi người phải trở về quê hương của mình để đăng ký tên cho việc kiểm tra dân số. Vì vậy Giô-sép và Ma-ri phải thực hiện một cuộc hành trình 150 km từ Na-xa-rét đến Bết-lê-hem cho việc tổng kiểm tra dân số. Khi họ đến Bết-lê-hem thì các nhà trọ không còn chỗ trống. Gia đình Giô-sép chỉ còn một chỗ tá túc qua đêm đó là một chuồng chiên phía sau nhà quán. Chính trong chuồng chiên hôi hám ấy Ma-ri đã hạ sinh Ấu Chúa. Vua của muôn vua và Cứu Chúa của toàn thế giới đã giáng sinh trong chỗ thấp hèn. Điều này ứng nghiệm với lời hứa của Đức Chúa Trời trong Cựu Ước là Đấng Cứu thế sẽ được sinh ra tại Bết-lê-hem.
Đức Chúa Trời muốn mọi người ở Bết-le-hem biết rằng Con Ngài đã được sinh ra. Vì vậy Đức Chúa Trời đã sai thiên sứ Ngài đến với những người chăn chiên đang ở cùng bầy chiên của họ trên một sườn đồi lạnh lẽo bên ngoài Bết-lê-hem. Thiên sứ của Chúa đến gần họ, và một luồng ánh lớn của Chúa chiếu sáng xung quanh, họ rất sợ hãi. Thiên sứ thông báo: “Đừng sợ chi; vì nầy, ta báo cho các ngươi một tin lành, sẽ là một sự vui mừng lớn cho muôn dân; ấy là hôm nay tại thành Đa-vít đã sanh cho các ngươi một Đấng Cứu-thế, là Christ, là Chúa. Nầy là dấu cho các ngươi nhìn nhận Ngài: Các ngươi sẽ gặp một con trẻ bọc bằng khăn, nằm trong máng cỏ.” Rồi tiếp sau đó có muôn vàn thiên binh với thiên sứ đó cùng ngợi khen Đức Chúa Trời:
“Sáng danh Chúa trên các từng trời rất cao,
Bình an dưới đất, ân trạch cho loài người!”
Sau khi các thiên sứ từ giã họ về trời, những người chăn chiên nói với nhau: “Chúng ta hãy tới thành Bết-lê-hem, xem việc đã xảy đến mà thiên sứ cho chúng ta hay.” Thế là họ vội vàng đi đến đó, thấy Ma-ri, Giô-sép, và thấy hài nhi đang nằm trong máng cỏ. Khi ấy họ bèn thuật lại những lời thiên sứ nói về con trẻ đó. Mọi người nghe chuyện những người chăn chiên nói, đều kinh ngạc. Còn Ma-ri thì ghi nhớ những lời ấy và đăm chiêu suy nghĩ. Những người chăn chiên trở về, tôn vinh và ngợi khen Đức Chúa Trời về mọi điều họ đã nghe và thấy.
Kể chuyện:
1. Tại sao Ma-ri và Giô-sép phải di chuyển một chặng đường xa trong khi ngày sinh nở của Ma-ri gần đến?
2. Chọn ý đúng. Tại sao Đức Chúa Trời để Con Ngài được sinh ra trong chuồng chiên thấp hèn?
– Đức Chúa Trời không thể tìm thấy một nơi nào tốt hơn.
– Đức Chúa Trời sẵn lòng cho Con Ngài đến trần gian trong chỗ thấp hèn để bày tỏ tình yêu của Ngài dành cho loài người.
3. Bạn sẽ có cảm xúc gì nếu bạn là một người chăn chiên, và các thiên sứ hiện ra nói chuyệ với bạn?
4. Chọn ý đúng. Tại sao Đức Chúa Trời ban một thông điệp về Cứu Chúa Jesus cho những người chăn chiên?
– Đức Chúa Trời muốn nhân loại biết rằng Chúa Jesus đến trần gian để làm Cứu Chúa của mọi người, bao gồm cả những người nghèo khổ.
– Có lẽ Đức Chúa Trời nghĩ về Đa-vít – thời niên thiếu đã từng chăn chiên trên ngọn đồi ở gần Bết lê-hem.
– Đức Chúa Trời tin rằng những người chăn chiên là thích hợp để loan báo tin mừng Chúa giáng sinh.
– Đức Chúa Trời đã không thể tìm ra người nào khác để Ngài có thể thong báo tin tức tốt lành.
5. Những người chăn chiên làm gì khi các thiên sứ chia tay với họ?
6. Bài học tốt nhất của câu chuyện này đối với bạn là gì?

Câu hỏi cá nhân.
Bạn có tin rằng Chúa Jesus đến trần gian để trở thành Cứu Chúa của bạn? Lý do?
Bài 3.

CHÚA JESUS ĐƯỢC DÂNG LÊN CHO ĐỨC CHÚA TRỜI TẠI ĐỀN THỜ
Các lẽ thật:
1. Đức Chúa Trời bày tỏ ý muốn Ngài cho những ai tìm kiếm Ngài.
2. Chúng ta phải nói cho người khác những điều chúng ta biết về Đức Chúa Trời.
Lu-ca 2: 22-38

Baby-Jesus-Dedication-Luke2-1024x573
Theo truyền thống của Do Thái giáo, Ma-ri và Giô-sép phải đem Ấu Chúa lên đền thờ dâng cho Đức Chúa Trời sau 40 ngày sinh. Ma-ri, một người mẹ nghèo phải chuẩn bị 2 con chim bồ câu cho sự kiện này. Ma-ri, Giô-sép và hài nhi Jesus bước vào đền thờ Giê-ru-sa-lem giống như những gia đình nghèo khác. Có lẽ không ai chú ý tới họ.
Tuy nhiên, có một người đàn ông tên là Si-mê-ôn đã bước vào đền thờ ngay khi Ấu Chúa Jesus xuất hiện ở đó. Ông ta rất phấn khích khi nhìn thấy hài nhi Jesus. Si-mê-ôn có khải tượng là ông sẽ được nhìn thấy sự hiện đến của Đấng Mê-si trước khi ông qua đời. Ngay khi gia đình của Ma-ri đến đền thờ thì Đức Thánh Linh đã thông báo cho Si-mê-ôn về sự xuất hiện của Ấu Chúa Jesus tại nơi đó. Trong lòng Si-mê-ôn đầy phấn khích. Ông chạy đến với gia đình Giô-sép và xin phép bồng ẵm Chúa Jesus. Một đám đông đang vây quanh họ. Vì Si-mê-ôn là một người nổi tiếng nên mọi người rất chú ý đến trạng thái phấn khích của ông.
Si-mê-ôn ngợi khen Đức Chúa Trời, “Lạy Chúa, bây giờ xin Chúa cho tôi tớ Chúa được qua đời bình an, theo như lời Ngài;
Vì con mắt tôi đã thấy sự cứu vớt của Ngài,
Mà Ngài đã sắm sửa đặng làm ánh sáng trước mặt muôn dân,
Soi khắp thiên hạ,
Và làm vinh hiển cho dân Y-sơ-ra-ên là dân Ngài.”
Giô-sép và Ma-ri lấy làm lạ về những lời người ta nói về Ấu Chúa. Si-mê-ôn chúc phước cho hai vợ chồng, ông nói với Ma-ri: “Đây, con trẻ nầy đã định làm một cớ cho nhiều người trong Y-sơ-ra-ên vấp ngã hoặc dấy lên, và định làm một dấu gây nên sự cãi trả; còn phần ngươi, có một thanh gươm sẽ đâm thấu qua lòng ngươi. Ấy vậy tư tưởng trong lòng nhiều người sẽ được bày tỏ.” Lúc đó cũng có nữ tiên tri An-ne, con gái của Pha-nu-ên, thuộc chi phái A-se, đã cao tuổi lắm. Từ lúc còn đồng trinh đã ở với chồng được bảy năm; rồi thì ở góa. Bấy giờ đã tám mươi bốn tuổi, chẳng hề ra khỏi đền thờ, cứ đêm ngày hầu việc Đức Chúa Trời, kiêng ăn và cầu nguyện. Bà cũng thình lình đến đó, ngợi khen Đức Chúa Trời, và nói chuyện về hài nhi Jesus với mọi người đang trông đợi sự sự cứu rỗi dành cho dân sự Đức Chúa Trời.
Kể chuyện:
Tại sao Giô-sép và Ma-ri đem hài nhi Jesus lên đề thờ? Ma-ri phải dâng của lễ nào đi kèm với hành động dâng con trẻ? Si-mê-ôn là ai và tại sao trong lòng ông đầy phấn khích khi nhìn thấy hài nhi Jesus? Ông đã nói gì về Chúa Jesus? An-ne là ai? Bà ấy đồng tình hay không đồng tình với lời nói và thái độ của Si-mê-ôn?
Bạn nói gì?
Bạn nghĩ xem, Giô-sép và Ma-ri cảm thấy thế nào, khi có một người nổi tiếng như Si-mê-ôn chạy đến với họ và xin được bồng ẵm con trẻ? Bạn sẽ nghĩ gì nếu bạn có mặt ở đó và nghe những lời của Si-mê-ôn và An-ne nói về Chúa Jesus?
Bài 4

CÁC BÁC SĨ TÌM ĐẾN VỚI ĐẤNG CHRIST

wise

Các lẽ thật:
1. Món quà tốt nhất mà chúng ta có thể dâng lên cho Đức Chúa Trời là chính đời sống chúng ta.
2. Chúng ta có thể trở thành ngọn đèn soi sáng cho người khác đến với Đấng Christ.
Ma-thi-ơ 2:1-12
Khi Đức Chúa Jêsus đã sanh tại thành Bết-lê-hem, xứ Giu-đê, đang đời vua Hê-rốt, có các thầy bác sĩ ở đông phương đến thành Giê-ru-sa-lem, mà hỏi rằng: “Vua dân Giu-đa mới sanh tại đâu? Vì chúng ta đã thấy ngôi sao Ngài bên đông phương, nên đến đặng thờ phượng Ngài.” Nghe tin ấy, vua Hê-rốt cùng cả thành Giê-ru-sa-lem đều bối rối. Vua bèn nhóm các thầy tế lễ cả và các thầy thông giáo trong dân lại mà tra hỏi rằng Đấng Christ phải sanh tại đâu. Họ tâu rằng: “Tại Bết-lê-hem, xứ Giu-đê; vì có lời của đấng tiên tri chép như vầy:
Hỡi Bết-lê-hem, đất Giu-đa!
Thật ngươi chẳng phải kém gì các thành lớn của xứ Giu-đa đâu,
Vì từ ngươi sẽ ra một tướng,
Là Đấng chăn dân Y-sơ-ra-ên, tức dân ta.”

Vua Hê-rốt bèn mời mấy thầy bác sĩ cách kín nhiệm, mà hỏi kỹ càng về ngôi sao đã hiện ra khi nào. Rồi vua sai mấy thầy đó đến thành Bết-lê-hem, và dặn rằng: “Các ngươi hãy đi, hỏi thăm cho chắc về tích con trẻ đó; khi tìm được rồi, hãy cho ta biết, đặng ta cũng đến mà thờ lạy Ngài.” Các bác sĩ nghe vua phán xong, liền đi. Kìa, ngôi sao mà họ đã thấy bên đông phương, đi trước mặt cho đến chừng ngay trên chỗ con trẻ ở mới dừng lại. Các bác sĩ thấy ngôi sao, mừng rỡ quá bội. Khi vào đến nhà, thấy con trẻ cùng Ma-ri, mẹ Ngài, thì sấp mình xuống mà thờ lạy Ngài; rồi bày của báu ra, dâng cho Ngài những lễ vật, là vàng, nhũ hương, và một dược. Kế đó, trong giấc chiêm bao, các bác sĩ được Đức Chúa Trời mách bảo đừng trở lại nơi vua Hê-rốt; nên họ đi đường khác mà về xứ mình.

Kể câu chuyện:
1. Từ “thờ phượng” có nghĩa gì? Khi các bác sĩ thờ phượng Ấu Chúa Christ, họ có hành động như thể Ấu Chúa lớn hơn một đứa bé?
2. Tại sao bạn cho rằng vị vua gian hùng Hê-rốt bối rối khi nghe tin; “Vua dân Do-thái mới sinh tại đâu?” Tại sao ông ta muốn giết Chúa Jesus?
3. Các tiên tri thời Cựu ước nói rằng Đấng Christ được sinh ra ở đâu? Bết-lê-hem bây giờ ở đâu?
4. Tại sao bạn cho rằng các bác sĩ rất hạnh phúc khi cuối cùng họ đã tìm thấy Cứu Chúa?
5. Những món quà nào các bác sĩ đã dâng lên cho Đấng Christ?
6. Tại sao các bác sĩ không quay lại chỗ vua Hê-rốt để nói cho nhà vua biết địa chỉ của Ấu Chúa?
Những câu hỏi cá nhân:
Bạn muốn biết những điều gì về Đấng Christ? Bạn có cố gắng để hiểu biết thêm về Ngài? Làm thế nào để bạn có thể khám phá thêm về Chúa? Bạn thích dâng điều chi cho Chúa?
Bài 5.

GIA ĐÌNH CHÚA JESUS THOÁT KHỎI CUỘC TÀN SÁT

matthew-2-13-23

Các lẽ thật:
1. Khi vâng lời Đức Chúa Trời chúng ta được cứu thoát khỏi những khó khăn và nguy hiểm.
2. Đức Chúa Trời trao cho cha mẹ trách nhiệm bảo vệ con cái trước những nguy hiểm và khó khăn.
Ma-thi-ơ 2:13-23
Sau khi các bác sĩ đi rồi, có một thiên sứ của Chúa hiện đến cùng Giô-sép trong chiêm bao, mà truyền rằng: Hãy chờ dậy, đem con trẻ và mẹ Ngài trốn qua nước Ê-díp-tô, rồi cứ ở đó cho tới chừng nào ta bảo ngươi; vì vua Hê-rốt sẽ kiếm con trẻ ấy mà giết. Giô-sép bèn chờ dậy, đem con trẻ và Ma-ri lập tức lên đường. Trước bình minh, một phụ nữ ẵm một đứa trẻ trên một con lừa. Giô-sép đưa Ma-ri và Ấu Chúa băng ngang sa mạc lạnh lẽo trong đêm tìm đến Ai-cập.

Khi các bác sĩ thông báo cho Hê-rốt, họ đã nhìn thấy ngôi sao huyền nhiệm của Vua dân Y-sơ-ra-ên mới sinh ra, nhà vua đã âm thầm lên một kế hoạch trừ khử Chúa Jesus. Sau đó các bác sĩ đã không quay lại để báo cho Vua Hê-rốt về nơi ở của Ấu Chúa, nhà vua vô cùng tức giận, ông ra lệnh giết hết thảy con trai từ hai tuổi sấp xuống ở thành Bết-lê-hem và cả hạt, theo đúng ngày tháng mà các bác sĩ đã cho vua biết. Trong đêm đó một cuộc đại tàn sát đã xảy ra, tiếng than khóc vang động cả thành Bết-lê-hem.
Trong khi đó Giô-sép, Ma-ri và Ấu Chúa đang băng ngang sa mạc. Ban ngày trời nóng như lửa đốt, ban đêm lạnh thấu xương. Sau vài ngày gia đình nhỏ đã đến được Ai-cập. Giô-sép cảm tạ Đức Chúa Trời về các món quà mà các bác sĩ đã dâng cho Vua hài nhi Jesus. Nhờ có nó mà gia đình nhỏ của ông có thể sống được trên một đất nước xa lạ.
Nhưng sau khi vua Hê-rốt băng, có một thiên sứ của Chúa hiện đến cùng Giô-sép trong chiêm bao, mà truyền rằng: Hãy chờ dậy, đem con trẻ và mẹ Ngài trở về xứ Y-sơ-ra-ên, vì những kẻ muốn giết con trẻ đã chết rồi. Giô-sép bèn chờ dậy, đem con trẻ và mẹ Ngài trở về xứ Y-sơ-ra-ên. Nhưng khi nghe vua A-chê-la-u nối ngôi vua cha là Hê-rốt mà trị vì tại xứ Giu-đê, thì Giô-sép sợ, không dám về; và bởi đã được Đức Chúa Trời mách bảo trong chiêm bao, nên người vào xứ Ga-li-lê, ở trong một thành gọi là Na-xa-rét là nơi mà ông đã gặp Ma-ri lần đầu tiên. Vậy là ứng nghiệm lời các đấng tiên tri đã nói rằng: Người ta sẽ gọi Ngài là người Na-xa-rét.
Kể câu chuyện:
Tại sao bạn tin rằng vị vua gian ác Hê-rốt muốn giết hài nhi Jesus? Giô-sép được thiên sứ truyền bảo phải làm gì để bảo toàn mạng sộng của Chúa Jesus? Giô-sép có quan tâm đến mạng lệnh của Chúa? Ma-ri cảm thấy như thế nào khi cả gia đình của bà phải vội vã ra đi trong đêm lánh nạn qua xứ Ê-díp-tô? Những tặng phẩm nào từ các bác sĩ có thể giúp cho gia đình của Chúa Jesus có thể sống được ở ngoại quốc? Khi Chúa Jesus lớn lên, Ma-ri và Giô-sép có nói cho Chúa biết câu chuyện gia đình họ được Chúa bảo toàn mạng sống khỏi bàn tay độc hại của Hê-rốt? Ai là những người mạnh mẽ nhất trong câu chuyện này: vua Hê-rốt và quân lính hay là chính Đức Chúa Trời và gia đình mà đã vâng lời Ngài?
Những câu hỏi cá nhân:
Bạn có bao giờ được cứu khỏi một tình huống nguy hiểm? Nếu vậy, điều gì đã xảy ra? Bạn được cứu như thế nào? Bạn còn nhớ một vài phương cách đặc biệt mà Đức Chúa Trời đã giúp bạn và gia đình bạn?
——————

Bài 6
THIẾU NHI GIÊ-SU VÀO ĐỀN THỜ
GIÊ-RU-SA-LEM

images

Lẽ thật Kinh Thánh:
1. Gia đình khôn ngoan luôn cùng nhau đến nhà thờ.
2. Thiếu nhi và người trẻ là độ tuổi lý tưởng để nhận biết Chúa.
Lu-ca 2:41-52
Khi Đức Chúa Giê-su vẫn còn rất nhỏ, ông Giô-sép và bà Ma-ri quay trở về thành Na-xa-rét để sinh sống. Họ có truyền thống mỗi năm ít nhất một lần tham dự Lễ Vượt Qua. Lễ này được tổ chức tại Đền Thờ Giê-ru-sa-lem. Năm Đức Chúa Giê-su được mười hai tuổi, một điều đặc biệt đã xảy ra trong dịp lễ này. Như thường lệ, ông Giô-sép và bà Ma-ri dắt Đức Chúa Giê-su cùng các em trai, em gái của Ngài đến đền thờ Giê-ru-sa-lem, cùng đi với họ là bà con và hàng xóm. Họ đi bộ cùng nhau, và phải mất ba đến bốn ngày mới có thể đến được thành Giê-ru-sa-lem.
Khi kỳ lễ đã hết, mọi người cùng nhau trở về quê hương của mình. Bà Ma-ri và ông Giô-sép không thấy Đức Chúa Giê-su, nhưng nghĩ rằng Ngài đang đi cùng với bạn mình. Đến tối, khi mọi người dừng lại để ăn uống và ngủ đêm tại trong lều, bà Ma-ri và ông Giô-sép biết được Đức Chúa Giê-su không đi cùng với đoàn thì bắt đầu rất lo lắng. Ngày hôm sau họ vội vã quay trở lại thành Giê-ru-sa-lem để tìm Đức Chúa Giê-su trong ba ngày mà không thấy Ngài ở đâu cả.
Cuối cùng, họ tìm được Đức Chúa Giê-su đang ở trong đền thờ, ngồi xung quanh là những thầy dạy Kinh Thánh và luật pháp. Đức Chúa Giê-su đang hỏi họ, họ đều kinh ngạc trước sự khôn ngoan và hiểu biết của Đức Chúa Giê-su. Ông Giô-sép và bà Ma-ri vội chạy lại Đức Chúa Giê-su hỏi rằng: “Con ơi, tại sao con lại làm cho cha mẹ như vậy? Cha mẹ đã rất lo lắng cho con vì không tìm thấy con ở đâu.”
Đức Chúa Giê-su đáp lời cha mẹ: “Tại sao cha mẹ đi tìm con? Cha mẹ không biết con phải lo việc trong nhà Cha con sao?” Bà Ma-ri và ông Giô-sép không hiểu lời Chúa nói, nhưng họ đưa Ngài về nhà và nhiều lần suy nghĩ về những điều đã xảy ra. Đức Chúa Giê-su càng cao lớn hơn, khỏe mạnh hơn, càng hiểu biết về Đức Chúa Trời và Đức Chúa Cha nhiều hơn, và hiểu biết về những người khác, làm thế nào để sống tốt và đẹp lòng họ.
Ôn lại câu chuyện:
Hãy tưởng tượng cả thị trấn đi bộ cùng nhau trong nhiều ngày để đến thành Giê-ru-sa-lem. Theo các bạn nghĩ chuyến đi này có khó khăn không, hay là nó thú vị, hay là chuyến đi không vui chút nào? Hãy giải thích tại sao bạn nghĩ như vậy? Quan điểm: những người lớn dắt các em thiếu nhi đi là ai? Các cha mẹ đi với ai? Tại sao các bạn nghĩ Đức Chúa Giê-su có rất nhiều câu hỏi để hỏi những người thông thái trong đền thờ? Các bạn nghĩ những người thông thái đó nghĩ gì về Đức Chúa Giê-su? Ông Giô-sép và bà Ma-ri có đúng không khi lo lắng cho Đức Chúa Giê-su vì không tìm thấy Ngài? Các bạn sẽ cảm thấy thế nào khi chính mình là ông Giô-sép và bà Ma-ri? Tại sao Đức Chúa Giê-su gọi đền thờ là “nhà Cha”? Tại sao đây là thời gian đặc biệt cho Đức Chúa Giê-su? Đức Chúa Giê-su đã học gì giống như những thiếu nhi khác?
Câu hỏi cá nhân:
Các bạn có khi nào không hiểu những thành viên khác trong gia đình không? Có khi nào những người khác trong gia đình không hiểu các bạn không? Các bạn học biết hơn về Chúa như thế nào?
Đức Chúa Giê-su khôn ngoan càng thêm, thân hình càng lớn,
càng được đẹp lòng Đức Chúa Trời và người ta.
Lu-ca 2:52

Bài 7
CHUẨN BỊ CON ĐƯỜNG

images (1)

Lẽ thật Kinh Thánh:
1. Chúng ta đều có thể trở thành người đưa tin của Đức Chúa Giê-su Christ.
2. Nếu chúng ta thật lòng tin Chúa, chúng ta sẽ sống theo cách Ngài muốn.
Ma-thi-ơ 3:1-12
Khi Đức Chúa Giê-su đã lớn thành một người trưởng thành, trước khi Ngài bắt đầu giảng đạo và giúp đỡ người khác, Đức Chúa Trời sai một người đưa tin để tuyên bố Đức Chúa Giê-su sẽ đến. Người đưa tin ấy tên là Giăng, hay người ta còn gọi là Giăng Báp-tít. Ông đến vùng sa mạc xứ Giu-đê để giảng dạy và khuyên bảo người ta từ bỏ tội lỗi vì Nước của Đức Chúa Trời đã đến gần. Ông nói rằng ông là người mà đấng tiên tri Ê-sai đã nói từ 700 năm trước rằng: “Có tiếng kêu lớn trong đồng vắng, hãy dọn đường Chúa; chuẩn bị một con đường bằng phẳng để Ngài đi qua.”
Ông Giăng Báp-tít trông rất giống một tiên tri của Đức Chúa Trời. Ông mặc bộ đồ xù xì làm từ lông lạc đà, thắt lưng bằng da, ăn châu chấu và mật ong rừng. Người ta ở khắp mọi nơi đến sông Giô-đanh nơi ông Giăng giảng đạo và làm phép Báp-têm. Những người xưng tội và quyết định sống đúng theo lời dạy của Chúa thì được ông Giăng làm phép Báp-têm ở dưới sông.
Khi ông Giăng nhìn thấy những lãnh đạo tôn giáo người Do Thái đến để nghe ông, thì ông nói rằng: “Hỡi dòng dõi rắn lục kia, ai đã dạy các ngươi tránh khỏi hình phạt của Đức Chúa Trời sắp đến? Hãy sống theo lời dạy của Chúa và quay mặt khỏi tội lỗi mình. Đừng nghĩ các ngươi sẽ thoát khỏi hình phạt bởi vì các ngươi là con cháu Áp-ra-ham.” Ông dạy người ta rằng: “Ta làm phép Báp-têm cho các ngươi trong nước như là một dấu chứng tỏ các ngươi quay bỏ khỏi tội lỗi mình. Nhưng Đấng đến sau ta sẽ làm phép Báp-têm cho các ngươi bằng Đức Thánh Linh và bằng lửa. Ngài vĩ đại hơn ta, ta không xứng đáng xách giày cho Ngài. Khi Ngài đến, Ngài sẽ góp lúa tốt vào kho, và đốt rơm rạ trong lửa chẳng hề tắt”.
Ôn lại câu chuyện:
1. Tiên tri Ê-sai đã mô tả ông Giăng Báp-tít từ 700 năm về trước như thế nào?
2. Tại sao nhiều người thấy ông Giăng Báp-tít là tiên tri thật đến từ Đức Chúa Trời?
3. Ông Giăng Báp-tít gọi những lãnh đạo tôn giáo Do Thái là gì? Tại sao ông lại gọi họ như vậy?
4. Ông Giăng nói rằng ông làm phép Báp-têm cho họ bằng nước để biểu trưng cho quyết định quan trọng nào của họ?
5. Ông Giăng đã so sánh mình với Đức Chúa Giê-su là Đấng sẽ đến sau ông như thế nào?
6. Ông Giăng mô tả sự đoán phạt và phân chia con dân của Đức Chúa Trời với những người không phải thuộc về Ngài như thế nào?
Bạn nghĩ thế nào?
Ngày nay chúng ta có cần những người giảng đạo từ Đức Chúa Trời để nói với người ta hãy từ bỏ con đường tội lỗi và quay trở về với Chúa không? Tại sao bạn lại nghĩ như vậy? Những tội lỗi tồi tệ của chúng ta là điều nào?
Ta là tiếng của người kêu trong đồng vắng rằng:
“Hãy ban đường của Chúa cho bằng”.
Giăng 1:23

Bài 8
ÔNG GIĂNG BÁP-TÍT BÀY TỎ CHÍNH MÌNH

john-baptist

Lẽ thật Kinh Thánh:
1. Đức Chúa Giê-su có thể sử dụng chúng ta để dắt đem nhiều người đến với Ngài và sống theo Ngài.
2. Người đầy tớ thật của Đức Chúa Trời làm gương tốt và kêu gọi những người khác sống cho Ngài.
Giăng 1:19-28
Ông Giăng Báp-tít giảng dạy và làm phép Báp-têm cho những người từ bỏ con đường tội lỗi của mình. Người ta thấy ông là một con người vĩ đại của Đức Chúa Trời và một số người nghĩ rằng ông có thể là Đấng Mê-si. Những lãnh đạo tôn giáo Do Thái cảm thấy lo lắng, bởi vì họ thấy ông Giăng Báp-tít rất nổi tiếng và người dân thì thích đi theo ông hơn là đi theo họ. Chính vì vậy họ gửi một vài người đến để hỏi ông, và nếu có thể thì sẽ khiến ông Giăng sập bẫy khi trả lời họ.
Vì nghĩ rằng ông sẽ xưng mình là Đấng Mê-si nên họ hỏi rằng: “Ông là ai?”. Ông ngay thẳng đáp rằng: “Tôi không phải là Đấng Mê-si.” Họ hỏi: “Ông có phải là tiên tri Ê-li quay trở lại không?” “Không phải,” ông đáp. “Vậy ông có phải là đấng tiên tri sẽ đến mà Đức Chúa Trời đã hứa?” “Không,” ông đáp. “Vậy hãy cho chúng tôi biết ông thực sự là ai để chúng tôi trả lời cho những người sai chúng tôi đến.”
Ông Giăng Báp-tít đáp: “Ta là tiếng của người kêu trong đồng vắng rằng: hãy ban đường của Chúa cho bằng; như đấng tiên tri Ê-sai đã nói.”
“Nếu ông chẳng phải Đấng Mê-si, chẳng phải Ê-li, hay là đấng tiên tri đã hứa, vậy ông lấy quyền gì để làm phép Báp-têm?” Ông Giăng đáp rằng: “Ta chỉ làm phép Báp-têm bằng nước. Nhưng có một Đấng đến sau ta, ở giữa các ngươi mà các ngươi không nhận biết. Ta thậm chí không xứng đáng mở dây giày Ngài.”
Như vậy, ông Giăng Báp-tít khiến những thầy tế lễ và người dân biết rằng Chúa Cứu Thế, tức là Đấng Mê-si, sẽ đến ngay và ông Giăng chỉ chuẩn bị tấm lòng của người dân để sẵn sàng tiếp nhận Ngài.
Ôn lại câu chuyện:
Ông Giăng đòi hỏi người ta điều gì trước khi nhận phép Báp-têm? Những người lãnh đạo tôn giáo cảm thấy như thế nào về ông Giăng? Họ đã hỏi ông Giăng điều gì? Ông Giăng nói ông không phải là ai? Ông Giăng đã nói về mình như thế nào? Ông Giăng đã nói về Đức Chúa Giê-su là Đấng sẽ đến như thế nào?
Bạn nghĩ thế nàò?
Tại sao bạn nghĩ người dân lại quan tâm đến ông Giăng đến như vậy? Tại sao em nghĩ họ muốn được ông Giăng làm phép Báp-têm? Các bạn nghĩ tại sao những người lãnh đạo tôn giáo Do Thái lại muốn làm ông Giăng xấu hổ? Các bạn nghĩ họ sẽ cảm thấy như thế nào khi ông Giăng nói rằng Đấng Mê-si sắp xuất hiện?
“Ấy là Đấng đến sau ta;
Ta chẳng đáng mở dây giày Ngài.”
Giăng 1:27

Bài 9
ĐỨC CHÚA GIÊ-SU CHỊU PHÉP BÁP TÊM

Johnbaptizingjesus

Lẽ thật Kinh Thánh:
1. Đức Chúa Giê-su chịu phép Báp-têm để vâng theo ý muốn của Đức Chúa Trời.
2. Đức Chúa Giê-su là Con Trời và là Chiên Con của Đức Chúa Trời, Đấng cất tội lỗi của những ai tin Ngài.
Giăng 1:29-34, Ma-thi-ơ 3:3-17
Bất ngờ một ngày kia khi ông Giăng Báp-tít đang giảng đạo và làm phép Báp-têm dưới sông Giô-đanh thì Đức Chúa Giê-su đến. Ông Giăng lớn tiếng nói rằng: “Đây là Chiên Con của Đức Chúa Trời, Đấng cất tội lỗi thế gian đi!” Ông Giăng rất bất ngờ khi Đức Chúa Giê-su bảo ông hãy làm phép Báp-têm cho Ngài. Ông từ chối rằng: “Không” bởi vì Đức Chúa Giê-su là lớn hơn ông rất nhiều. Ông Giăng nói rằng: “Tôi đáng được Ngài làm phép Báp-têm, nhưng Ngài lại đến để tôi làm phép Báp-têm cho!” Đức Chúa Giê-su đáp rằng: “Hãy làm đi bởi vì đây là ý Chúa muốn”. Vậy ông Giăng đồng ý làm phép Báp-têm cho Chúa.
Ông Giăng nhấn chìm Đức Chúa Giê-su vào dòng nước sông Giô-đanh và nâng Ngài lên khỏi mặt nước. Khi Đức Chúa Giê-su ra khỏi nước, các từng trời mở ra với Ngài và ông Giăng nhìn thấy Thánh Linh của Đức Chúa Trời giáng xuống như một con bồ câu chiếu sáng trên Đức Chúa Giê-su. Kế đến, một giọng nói từ trời vọng xuống rằng: “Nầy là con yêu dấu của ta. Ta rất vui lòng về con ấy.” Ông Giăng Báp-tít kêu lên rằng: “Ta đã thấy, và ta nói với tất cả các ngươi, đây là Con Đức Chúa Trời.”
Ôn lại câu chuyện:
1. Ông Giăng Báp-tít trông như thế nào?
2. Tại sao các bạn tin rằng ông Giăng Báp-tít gọi Đức Chúa Giê-su là “Chiên Con của Đức Chúa Trời?” Ông Giăng đã nói gì về việc Đức Chúa Giê-su sẽ làm đối với tội lỗi của thế gian?
3. Các bạn sẽ cảm thấy như thế nào nếu là ông Giăng khi được Đức Chúa Giê-su yêu cầu hãy làm phép Báp-têm cho Ngài?
4. Tại sao Đức Chúa Giê-su nói rằng ông Giăng phải làm Báp-têm cho Ngài?
5. Đức Chúa Giê-su và ông Giăng đã nhìn thấy điều gì khi Ngài lên khỏi nước?
6. Đức Chúa Trời đã nói điều gì về Đức Chúa Giê-su?
7. Ông Giăng đã nói điều gì về Đức Chúa Giê-su?
Bạn nghĩ thế nào?
Tại sao em tin rằng Đức Chúa Giê-su một mực muốn làm phép Báp-têm? Các bạn đã quyết định làm phép Báp-têm chưa? Nếu rồi, việc ấy xảy ra như thế nào?
Tức thì có tiếng từ trên trời phán rằng:
“Nầy là Con yêu dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đàng”
Ma-thi-ơ 3:17

Bài 10
ĐỨC CHÚA GIÊ-SU CHỊU CÁM DỖ

images (2)

Lẽ thật Kinh Thánh:
1. Đức Chúa Giê-su là Con Đức Chúa Trời xứng đáng để chúng ta thờ phượng và làm công việc Chúa.
2. Khi chúng ta gần Chúa, Ngài sẽ giúp chúng ta vượt mọi cám dỗ ma quỷ đưa tới.
Lu-ca 4:1-13
Sau khi chịu ông Giăng Báp-tít làm phép Báp-têm cho Đức Chúa Giê-su, Ngài rời sông Giô Đanh. Chúa được đầy dẫy Đức Thánh Linh, và Đức Thánh Linh đưa Ngài vào sa mạc, cách xa với mọi người. Ngài không ăn trong bốn mươi ngày. Khi Đức Chúa Giê-su cảm thấy rất đói, ma quỷ đã đến để cám dỗ Ngài. Hắn nói rằng: “Nếu ngươi là Con Đức Chúa Trời thì hãy biến viên đá này thành bánh đi.” Ma quỷ muốn Đức Chúa Giê-su chứng tỏ Ngài là ai và khiến Ngài sử dụng phép màu cho lợi ích của riêng Ngài. Nhưng Đức Chúa Giê-su trả lời: “Kinh Thánh chép, Con người không chỉ sống nhờ bánh mà thôi.”
Kế đến, ma quỷ đưa Đức Chúa Giê-su đến một chỗ cao và cho Ngài thấy mọi vương quốc trên thế giới. Hắn nói với Ngài: “Nếu ngươi thờ phượng ta, ta sẽ ban cho ngươi mọi vương quốc đó với tất cả sự giàu có và vinh hiển.” Nhưng Đức Chúa Giê-su trả lời: “Kinh Thánh chép: Hãy thờ phượng Chúa là Đức Chúa Trời ngươi và chỉ hầu việc một mình Ngài mà thôi.”
Rồi ma quỷ đem Ngài vào thành Giê-ru-sa-lem lên nóc đền thờ. Hắn nói với Ngài: “Nếu ngươi thật là Con Đức Chúa Trời thì hãy nhảy xuống đi, bởi vì Kinh Thánh nói rằng: “Chúa sẽ truyền cho thiên sứ gìn giữ ngươi. Các đấng ấy sẽ nâng ngươi trong tay, kẻo ngươi vấp chân nhằm đá nào chăng.” Ma quỷ muốn Đức Chúa Giê-su nghi ngờ rằng Ngài có thật là Con Đức Chúa Trời không và dụ dỗ Ngài thể hiện phép màu. Nhưng Đức Chúa Giê-su trả lời: “Kinh Thánh chép: Ngươi đừng thử Chúa.”
Sau việc này, ma quỷ rời khỏi Đức Chúa Giê-su. Hết 40 ngày trong sa mạc, Đức Chúa Giê-su quay trở về Ga-li-lê và được tràn đầy năng quyền Đức Thánh Linh. Những tin tức về Ngài được lan truyền khắp mọi nơi. Bất cứ nơi đâu Ngài đi, mọi người đều đến lắng nghe Chúa giảng và tôn vinh Chúa.
Ôn lại câu chuyện:
1. Đọc qua câu chuyện này, làm thế nào bạn biết được Đức Chúa Giê-su thật sự là một con người dù Ngài cũng là Con Đức Chúa Trời?
2. Các bạn nghĩ vì sao Đức Chúa Giê-su từ chối biến đá thành bánh ngon khi Ngài đang đói?
3. Ý kiến: Nếu Đức Chúa Giê-su thờ phượng ma quỷ thì Ngài có thể cứu chúng ta khỏi tội lỗi được không?
4. Các bạn nghĩ vì sao Đức Chúa Giê-su không nhảy khỏi nóc đền thờ?
5. Những câu Kinh Thánh nào trong Cựu Ước được Đức Chúa Giê-su sử dụng để trả lời ma quỷ?
Bạn nghĩ thế nào?
Ngày nay ma quỷ cám dỗ chúng ta như thế nào? Điều gì xảy ra khi chúng ta phạm tội? Chúng ta có mạnh mẽ hơn để chống lại ma quỷ hay không khi chúng ta biết nhiều Kinh Thánh?
Chúng ta… có một thầy tế lễ bị thử thách
trong mọi việc cũng như chúng ta,song chẳng phạm tội.
Hê-bơ-rơ 4:15

Bài 11
NHỮNG MÔN ĐỒ ĐẦU TIÊN CỦA ĐỨC CHÚA GIÊ-SU

images (3)

Lẽ thật Kinh Thánh:
1. Chúa kêu gọi chúng ta đi theo và vâng lời Ngài.
2. Dâng chính mình cho Đức Chúa Giê-su là điều tốt nhất chúng ta có thể làm.
Giăng 1:35-51
Một ngày kia khi ông Giăng Báp-tít đang đứng cùng với hai môn đệ mình là ông Anh-rê và ông Giăng là anh em họ của Anh-rê. Ông Giăng Báp-tít thấy Đức Chúa Giê-su đi ngang qua thì bước lại mà nói: “Hãy nhìn kìa, Chiên con của Đức Chúa Trời.” Hai môn đệ liền quyết định đi theo Đức Chúa Giê-su. Sau một lúc, Đức Chúa Giê-su quay lại và hỏi: “Các ngươi muốn tìm gì?” Họ trả lời: “Thưa thầy, Ngài ở đâu?” Chúa trả lời: “Hãy đến xem.”
Họ ở cùng Đức Chúa Giê-su và nói chuyện với Ngài gần như cả ngày. Khoảng bốn giờ chiều, ông Anh-rê xin phép chạy đi tìm anh mình là ông Si-môn. Khi tìm thấy rồi, ông Anh-rê la lên: “Anh Si-môn ơi, chúng em đã tìm thấy Đấng Mê-si!” Ông Si-môn vội chạy lại và gặp được Đức Chúa Giê-su. Ngài nói cùng ông rằng: “Ngươi là Si-môn. Ngươi sẽ được gọi là Phi-e-rơ (nghĩa là “viên đá nhỏ”).
Ngày hôm sau, Đức Chúa Giê-su đi vào vùng Ga-li-lê. Khi Ngài gặp Phi-líp thì nói: “Hãy theo ta.” Phi-lip đi theo Đức Chúa Giê-su, và ngay sau đó, ông chạy đến bạn mình là ông Na-tha-na-ên để nói rằng ông và những người khác đã tìm thấy người mà Môi-se và các tiên tri đã nói trước. Lúc đầu, ông Na-tha-na-ên không tin. Nhưng khi ông đi đến chỗ Đức Chúa Giê-su thì Ngài nói: “Đây là một người Y-sơ-ra-ên thật, một người chân thật trọn vẹn.” Ông Na-tha-na-ên hỏi Chúa: “Làm sao Ngài biết tôi?” Đức Chúa Giê-su trả lời: “Trước khi Phi-líp gọi ngươi, ta đã thấy ngươi lúc ở dưới cây vả.” Ông Na-tha-na-ên đáp: “Lạy thầy, thầy là Con của Đức Chúa Trời, là Vua dân Y-sơ-ra-ên!”
Đức Chúa Giê-su đáp lời: “Ngươi tin nhanh vậy sao? Ta nói cùng ngươi, ngươi sẽ thấy việc lớn hơn điều đó. Các ngươi sẽ thấy trời mở ra và thiên sứ của Đức Chúa Trời nhóm lại xung quanh Con Người.”
Ôn lại câu chuyện:
Tại sao ông Anh-rê và ông Giăng ở gần ông Giăng Báp-tít khi ông gọi Đức Chúa Giê-su là “Chiên Con của Đức Chúa Trời”? Làm thế nào họ đến nói chuyện với Đức Chúa Giê-su được? Ông Anh-rê đi tìm và đem ai đến với Đức Chúa Giê-su? Đức Chúa Giê-su đặt cho ông Si-môn tên mới là gì? Ông Phi-líp đem người bạn nào đến với Đức Chúa Giê-su?
Bạn nghĩ thế nào?
Bạn nghĩ tại sao ông Anh-rê và ông Phi-líp đem bạn đến gặp Đức Chúa Giê-su? Các bạn đã từng nói về Đức Chúa Giê-su và Ngài có ý nghĩa với bạn như thế nào cho ai chưa? Các bạn nghĩ tại sao Đức Chúa Giê-su đặt tên mới cho ông Si-môn có nghĩa là “viên đá?” Các bạn có nghĩ cuộc sống của những người này sẽ thay đổi rất nhiều bởi vì họ đi theo Đức Chúa Giê-su không? Các bạn có nghĩ Đức Chúa Giê-su sẽ thay đổi cuộc sống của các bạn không?
Trước hết người gặp anh mình là Si-môn,
thì nói rằng: “Chúng ta đã gặp Đấng Mê-si”
Giăng 1:41

Bài 12
NHỮNG TAY ĐÁNH LƯỚI NGƯỜI

images (4)

Lẽ thật Kinh Thánh:
1. Đức Chúa Giê-Su kêu gọi chúng ta đến với những người khác cho Ngài.
2. Đức tin của chúng ta trong Chúa có thể khiến phép màu lớn xảy ra trong cuộc sống của chúng ta và của người khác.
Lu-ca 5:1-11
Đức Chúa Giê-su bắt đầu tìm kiếm những người Ngài có thể dạy dỗ và trở thành những người giảng dạy. Đây là cách mà thông điệp cứu rỗi của Đức Chúa Giê-su sẽ được loan truyền ra khắp thế giới. Nhưng Đức Chúa Giê-su tìm đâu được những con người mà Ngài cần? Có phải ở trong đền thờ Giê-ru-sa-lem hoặc là trong những nhà hội, nơi những người Do Thái sùng đạo nhóm họp hằng tuần? Không, Đức Chúa Giê-su tìm những con người đặc biệt của Ngài trong thế giới. Có lần Ngài đã phán: “Cánh đồng là thế gian này.”
Một ngày nọ, Đức Chúa Giê-su bước đi dọc bờ hồ lớn mà người ta gọi là Biển Ga-li-lê. Ở đó Ngài gặp hai anh em chài lưới đã từng là môn đồ của ông Giăng Báp-tít và là người mà Đức Chúa Giê-su đã nói chuyện lúc trước. Ngài bảo ông Si-môn và ông Anh-rê chèo thuyền ra ngoài bờ và từ trên thuyền Ngài dạy dỗ dân chúng đang đứng trên bờ. Khi giảng xong, Ngài bảo ông Si-môn: “Hãy ra vùng nước sâu thả lưới đánh cá.” Ông Si-môn đáp: “Chúng tôi đã thả lưới cả đêm nhưng chẳng bắt được gì. Dẫu vậy, chúng tôi sẽ làm theo điều Ngài bảo.” Khi hai anh em thả lưới của họ xuống nước, ngay lập tức lưới bắt được đầy cá. Họ gọi những anh em họ đến để giúp họ kéo mẻ cá lớn lên.
Khi ông Si-môn Phi-e-rơ nhận ra những gì đã xảy ra, ông nói: “Lạy Chúa, xin hãy lìa khỏi tôi, bởi vì tôi là một con người có tội.” Nhưng Đức Chúa Giê-su nói cùng ông, Anh-rê và những người khác là Gia-cơ và Giăng: “Đừng sợ. Các ngươi sẽ trở nên tay đánh lưới người.” Bốn người đánh cá cùng quỳ xuống và đi theo Đức Chúa Giê-su kể từ ngày đó.
Ôn lại câu chuyện:
1. Tại sao việc tìm kiếm những người đi theo lại quan trọng đối với Đức Chúa Giê-su như vậy?
2. Đức Chúa Giê-su tìm những con người đặc biệt của mình ở đâu?
3. Ông Phi-e-rơ có cảm thấy hợp lý không với yêu cầu đi ra đánh cá của Đức Chúa Giê-su?
4. Ông Phi-e-rơ và ông Anh-rê học biết về năng quyền của Đức Chúa Giê-su như thế nào?
5. Ý kiến: Các bạn có tin rằng bốn người đánh cá vẫn chưa biết Đức Chúa Giê-su là Con Đức Chúa Trời?
6. Những người đánh cá này bày tỏ niềm tin vào Đức Chúa Giê-su ra sao?
Bạn nghĩ thế nào?
Các bạn thấy điều gì đặc biệt về đức tin của bốn người đánh cá này? Đức Chúa Giê-su đang tìm những con người như thế nào để theo Ngài ngày hôm nay? Có phải Đức Chúa Giê-su vẫn đang tìm kiếm những người sẽ trở thành những thầy giáo để dạy người khác về tin mừng của Đức Chúa Trời? Ngài sẽ tìm họ ở đâu? Các bạn có phải là một trong số họ không?
“Các ngươi hãy theo ta,
ta sẽ cho các ngươi nên tay đánh lưới người.”
Ma-thi-ơ 4:19

Bài 13
ĐỨC CHÚA GIÊ-SU KÊU GỌI NGƯỜI BỊ RUỒNG BỎ

matthew-art-lds-jesus_1154683_inl

Lẽ thật Kinh Thánh:
1. Đức Chúa Giê-su kêu gọi mỗi chúng ta đi theo Ngài.
2. Cũng như ông Ma-thi-ơ, chúng ta cần phải từ bỏ những điều sai trái trong cuộc sống để trung tín đi theo Ngài.
(Ma-thi-ơ 9:9-17; Mác 2:13-17; Lu-ca 5:27-39)
Dần dần, Đức Chúa Giê-su kêu gọi nhiều người đi theo Ngài, học nơi Ngài và trở nên những người hỗ trợ đặc biệt cho Ngài trong việc giảng dạy. Ngài gọi họ là “Sứ đồ” có nghĩa là “những người được sai đi.” Họ là những người mà Chúa huấn luyện và sai đi để giảng dạy về tin mừng cứu rỗi. Một trong số những người cuối cùng Đức Chúa Giê-su mời gọi đi theo Ngài đó là ông Ma-thi-ơ Lê-vi, là người viết sách đầu tiên trong Tân Ước, sách Phúc Âm Ma-thi-ơ. Ông Ma-thi-ơ làm việc ở sở thâu thuế. Đó là công việc đem lại cho ông rất nhiều tiền. Nhưng ông bị người dân ghét bỏ vì họ không muốn đóng thuế, đặc biệt là đóng cho quân đội La-mã là những người xâm lược nước họ.
Một ngày nọ, Đức Chúa Giê-su đi ngang qua chỗ ông Ma-thi-ơ đang thâu tiền của người dân. Đức Chúa Giê-su khiến mọi người kinh ngạc, đặc biệt là ông Ma-thi-ơ, khi Ngài nhìn thẳng vào ông và nói: “Hãy theo ta.” Kế đến, ông Ma-thi-ơ khiến những người khác kinh ngạc khi ông đứng lên, bỏ số tiền thâu thuế ở đằng sau mà bước theo Đức Chúa Giê-su.
Trong đêm đó, ông Ma-thi-ơ mời tất cả những người bạn cùng làm thâu thuế đến ăn tối mừng cho quyết định bỏ công việc và đi theo Đức Chúa Giê-su. Tất cả những người bạn của ông đến, cũng có Đức Chúa Giê-su và những môn đệ của Ngài nữa. Những lãnh đạo tôn giáo nghiêm khắc thấy vậy thì rất giận dữ. Họ hỏi: “Tại sao thầy của các anh lại ngồi ăn với những người xấu?” Đức Chúa Giê-su nghe họ thì trả lời: “Những người khỏe mạnh không cần đến bác sĩ, nhưng chỉ những người bệnh mới cần bác sĩ mà thôi. Hãy đi và học xem Kinh Thánh dạy gì khi Đức Chúa Trời nói rằng ta muốn sự thương xót nhưng chẳng muốn của lễ tôn giáo. Ta đến để kêu gọi người có tội chứ không phải những người làm ra vẻ trang nghiêm như các ngươi.”
Ôn lại câu chuyện:
1. Tại sao mọi người bất ngờ khi Đức Chúa Giê-su mời ông Ma-thi-ơ đi theo Ngài?
2. Ma-thi-ơ đã làm điều gì để bày tỏ đức tin lớn của mình?
3. Ý kiến: Bạn nghĩ điều gì ở ông Ma-thi-ơ thu hút Đức Chúa Giê-su?
4. Bạn nghĩ những người bạn của ông Ma-thi-ơ nghĩ gì khi ông nói ông sẽ bỏ công việc để đi theo Đức Chúa Giê-su?
5. Tại sao những người lãnh đạo tôn giáo giận dữ trong câu chuyện này?
6. Đức Chúa Giê-su nói gì với họ?
Bạn nghĩ thế nào?
Bạn có nghĩ Đức Chúa Giê-su chọn ông Ma-thi-ơ là quyết định đúng đắn? Tại sao? Bạn sẽ làm gì nếu Đức Chúa Giê-su bảo bạn từ bỏ mọi thứ và đi theo Ngài? Ngài có thể gọi bạn không?
Đức Chúa Jêsus… phán cùng người rằng: “Hãy theo ta.”
Người liền đứng dậy, mà theo Ngài.
Ma-thi-ơ 9:9

blossom_banners

TED LINDWALL

Translated by Vinh Hien -Tuong vi

———– the end———-   

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên