Trang Chủ TRANG CHỦ Những Bài Học Từ Tuyển Dân Israel

Những Bài Học Từ Tuyển Dân Israel

1008
0
SHARE

Có thể nghe đọc tự động ở đây:

ĐƯỜNG VÒNG

“Vả, khi Pha-ra-ôn tha dân Y-sơ-ra-ên đi, Đức Chúa Trời không dẫn dân ấy đi theo đường về xứ Phi-li-tin, là đường gần hơn hết, vì Ngài nói rằng: E khi dân thấy trận mạc, dời lòng trở về xứ Ê-díp-tô chăng. Cho nên Đức Chúa Trời dẫn chúng đi vòng theo đường trong đồng vắng” (Xuất. 13:17-18)

Nhiều người đã lầm tưởng rằng tuyển dân Israel đi theo con đường quanh co, là do họ lựa chọn sau khi rời khỏi Ai Cập. Nhưng thực ra câu chuyện không hoàn toàn như thế.
Cũng có người cho rằng nếu tuyển dân vâng lời Chúa, họ sẽ đi nhanh hơn, họ sẽ rút ngắn thời gian đi trong đồng vắng. Bạn nghĩ thế nào?

Đức Chúa Trời dẫn dắt tuyển dân theo một con đường quanh co. Tại sao? Bởi vì Ngài biết đó là con đường tốt nhất dành cho họ. Họ phải đi vòng – đây là kế hoạch thiên thượng của Ngài.

Chúa không muốn tuyển dân nhanh chóng đến miền đất hứa! Tại sao? Một số người có thể hỏi: “Tuyển dân đi lang thang trong đồng vắng có thể nhận được điều gì?” Chúa muốn thử (test) và củng cố đức tin của họ. Sẽ không nhận được phước hạnh khi không tham gia chiến trận. Đức tin mà không trải nghiệm những kỷ luật của đường vòng thì chưa phải là vàng thật đã tôi luyện trong lửa. “Sự thử thách đức tin anh em quí hơn vàng hay hư nát, dầu đã bị thử lửa, sanh ra ngợi khen, tôn trọng, vinh hiển cho anh em khi Đức Chúa Jêsus Christ hiện ra” (1 Phi-e-rơ 1:7)

Có thể bạn cảm thấy chính mình đang đi trên một con đường vòng và không có mục đích nào cả. Chúa không hướng dẫn bạn trên con đường vòng để làm cho bạn bị chóng mặt. Hãy nhớ lẽ thật này: những ai yêu kính Đức Chúa Trời đều khao khát làm đẹp lòng Ngài bằng cách bày tỏ đức tin khi có cảm giác đang ở trong sự rối rắm. Sự chậm trễ của Đức Chúa Trời không phải là sự từ chối của Ngài (chúng ta thường muốn mọi việc phải xảy ra nhanh chóng).

Nếu cầu nguyện: “Lạy Chúa xin gia tăng đức tin của con.”  Chúa chắc sẽ trả lời cho điều này. Nhưng Ngài sẽ trả lời theo đúng thời điểm của Ngài.

Chúng ta có thất vọng khi tự đánh giá rằng con đường vòng là không cần thiết cho đời sống chúng ta? Đó là lúc chúng ta cần phải tiếp tục di chuyển bởi vì cuối con đường là miền đất hứa mà Chúa đã sắm sẵn.

Câu hỏi suy ngẫm: Lĩnh vực nào của đời sống mà chúng ta muốn về tới đích nhanh chóng, nhưng dường như chúng ta phải đi một con đường vòng?

ĐỪNG SỢ
Thỉnh thoảng con đường dẫn về miền đất hứa đi đến một ngõ cụt. Chúng ta rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan (ở vào tình thế bế tắc, khó xử, tiến cũng khó mà lui cũng khó.)
Trong trường hợp của Môi-se và tuyển dân, Đức Chúa Trời khiến cho Pha-ra-ôn cứng lòng, sau khi vua Ai-cập tha cho dân Israel ra đi (Xuất 14:8-10).
“Pha-ra-ôn bèn thắng xe và đem dân mình theo. Người đem sáu trăm xe thượng hạng và hết thảy xe trong xứ Ê-díp-tô, trên mỗi xe đều có chiến binh cả” (Xuất 14:6-7). Pha-ra-ôn và quân đội Ai-cập đuổi theo tuyển dân, nhưng họ bị sập bẫy. Đạo binh của Pha-ra-ôn sẽ bị nhấn chìm trong biển trong khi tuyển dân vượt qua Biển Đỏ như đi trên đất khô. Người Israel không biết đây là kế hoạch của Đức Chúa Trời.
Đức Chúa Trời được vinh hiển, được rạng danh qua sự kiện quân đội Ai-cập bị chết chìm trong biển. Và “người Ê-díp-tô sẽ biết ta là Đức Giê-hô-va” (Xuất 14:4b). Khi tuyển dân tiến thoái lưỡng nan, đi vào ngõ cụt: trước mặt là biển đỏ, sau lưng là quân đội Ai-cập đuổi theo. Đức Chúa Trời đã đem tuyển dân đến vị trí chính xác Ngài muốn.
“Vả, khi Pha-ra-ôn đến gần, dân Y-sơ-ra-ên ngước mắt lên, thấy dân Ê-díp-tô đuổi theo, bèn lấy làm hãi hùng, kêu van Đức Giê-hô-va. Chúng lại nói cùng Môi-se rằng: Xứ Ê-díp-tô há chẳng có nơi mộ phần, nên nỗi người mới dẫn chúng tôi vào đồng vắng đặng chết sao? Người đưa chúng tôi ra xứ Ê-díp-tô để làm chi? Chúng tôi há chẳng có nói cùng người tại xứ Ê-díp-tô rằng: Để mặc chúng tôi phục dịch dân Ê-díp-tô, vì thà rằng phục dịch họ còn hơn phải chết nơi đồng vắng? Môi-se đáp cùng dân sự rằng: Chớ sợ chi, hãy ở đó, rồi ngày nay xem sự giải cứu Đức Giê-hô-va sẽ làm cho các ngươi; vì người Ê-díp-tô mà các ngươi ngó thấy ngày nay, thì chẳng bao giờ ngó thấy nữa. Đức Giê-hô-va sẽ chiến cự cho, còn các ngươi cứ yên lặng. Đức Chúa Trời mách cho Môi-se biết mưu Ngài sẽ hại Pha-ra-ôn” (Xuất 14:10-14).
Chúng ta sẽ làm gì khi bị dẫn vào ngõ cụt, tiến và thoái đều bế tắc? Đừng sợ hãi, đây là cơ hội để đức tin của chúng ta phát triển.
Mệnh lệnh “Đừng sợ hay chớ sợ chi” xuất hiện ba trăm sáu mươi lăm lần trong Kinh Thánh (bạn có thể tra cứu điều này trong Thánh Kinh từ điển), như vậy mệnh lệnh này tương ứng với ba trăm sáu mươi lăm ngày trong một năm. Một sự trùng hợp kỳ diệu! Mỗi ngày bước đi với Chúa, Cơ đốc nhân phải giữ tâm thế “Đừng sợ.”
Chúng ta biết những gì xảy ra với tuyển dân khi họ vâng lời Môi-se. Sự giải cứu của Chúa đến khi tuyển dân bị dồn ép đến bước đường cùng – Ngài mở ra một sinh lộ cho họ ngay tại Hồng Hải. Và cũng chính tại đó kẻ thù bị tiêu diệt.
Chúng ta có đang rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan? Đừng sợ hãi, hãy nhìn lên Đức Chúa Trời là Đấng đi trước mở đường cho những người thuộc về Ngài và chính Ngài đánh bại kẻ thù thay thế cho chúng ta.
CÂU HỎI SUY NGẪM: Bạn đã từng rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan? Trải nghiệm của bạn như thế nào trong những tình huống đó?

THẤT VỌNG VÌ ĐẤT MA-RA

“Đoạn, Môi-se đem dân Y-sơ-ra-ên đi khỏi Biển Đỏ, đến nơi đồng vắng Su-rơ; trọn ba ngày đi trong đồng vắng, kiếm chẳng được nước đâu cả. Kế đến đất Ma-ra, nhưng vì nước tại đó đắng, uống chẳng được, nên chi chỗ nầy gọi là Ma-ra.
Dân sự bèn oán trách Môi-se rằng: Chúng tôi lấy chi uống? Môi-se kêu van Đức Giê-hô-va; Ngài bèn chỉ cho người một cây gỗ, người lấy liệng xuống nước, nước bèn hóa ra ngọt….
Đoạn, dân sự đến đất Ê-lim; nơi đó có mười hai suối nước, và bảy mươi cây chà là; dân sự đóng trại tại đó, gần bên suối nước.”
(Xuất. 15:22-27)
Sau khi vượt qua Hồng Hải và nhìn thấy đội quân hùng mạnh của Ai-cập bị nhấn chìm dưới biển. Tuyển dân Israel sẽ vững vàng trong đức tin và tiến về miền đất hứa? Không phải như vậy.
Sau ba ngày vượt Hồng Hải, dân Israel đối diện với một vấn đề: không có nước uống. Cổ họng họ bị khô, chắc chắn điều này không dễ chịu chút nào. “Nơi đồng vắng Su-rơ; trọn ba ngày đi trong đồng vắng, kiếm chẳng được nước đâu cả. Kế đến đất Ma-ra, nhưng vì nước tại đó đắng, uống chẳng được, nên chi chỗ nầy gọi là Ma-ra. Dân sự bèn oán trách Môi-se rằng: Chúng tôi lấy chi uống? Họ bắt đầu lằm bằm với Môi-se” (Xuất. 15:22-24). Tuyển dân không nằm ngoài ý muốn của Ngài khi họ ở đó. Đây là bài tập thử nghiệm đức tin tiếp theo dành cho tuyển dân. Họ tấn công Môi-se, đổ lỗi cho ông. Từ một vị anh hùng, Môi-se trở thành tội đồ đối với tuyển dân.
Chúng ta sẽ làm gì khi đối diện với một vùng đất khô hạn không có nước uống? Chúng ta sẽ tỏ ý bất bình lằm bằm chống lại Đức Chúa Trời và người của Ngài. Không nên như vậy. Những người xì xào các câu chuyện tiêu cực trong nhà thờ cản trở công việc của Đức Thánh Linh. Hãy nói “không” với những biểu hiện như thế.
Hãy nhìn những gì đã xảy ra với tuyển dân. Môi-se cầu nguyện với Đức Giê-hô-va, “Ngài bèn chỉ cho người một cây gỗ, người lấy liệng xuống nước, nước bèn hóa ra ngọt” (Xuất 15:25).
Cay đắng trở thành ngọt ngào chỉ dành cho những ai đã gặp Chúa Giê-su cách cá nhân.
“Một cây gỗ,” hãy nhớ rằng thập tự giá cũng là một cây gỗ!
Cây gỗ mà Chúa chỉ cho Môi-se đã có sẵn ở đó. Người Israel đang phàn nàn, nhưng chỉ ngay trên đồi – cách một vài cồn cát – là vùng đất Ê-lim có mười hai suối nước!
Chúng ta có lẽ đã nghe về Aleksandr Solzhenitsyn, một nhà văn xuất sắc của Nga chiếm giải Nobel Văn chương năm 1970. Ông bị kết án, bị giam giữ vì những tác phẩm của mình và phải lao động trong một trại tập trung với những điều kiện khủng khiếp nhất.Thật là một nơi giống như đất Ma-ra với những mạch nước ngầm cay đắng!
Sự đau khổ trong nhà tù là không thể tưởng tượng, và đến một thời điểm, Solzhenitsyn đã có ý định tự tử. Nhưng đức tin Cơ đốc trong ông không cho phép điều đó, vì vậy tâm trí đau khổ của ông đã nghĩ ra một kế hoạch, theo đó ông sẽ cố gắng vượt ngục. Nếu điều tệ hại nhất xảy ra, ông có chết cũng cam lòng.
Nhưng ngay khi Solzhenitsyn sẵn sàng trốn chạy, một người bạn đồng tù biết được suy nghĩ của ông, đã đến bên ông và yên lặng vẽ một cây thánh giá trên đất. Sau này Solzhenitsyn kể lại: “Tôi biết anh ấy là một sứ giả được Chúa gởi đến, và những gì tôi đang dự định làm là sai. Tôi ổn định tinh thần để tiếp tục cầu nguyện tin cậy Chúa. Tôi không biết rằng nhiều người trên khắp thế giới đều vận động để can thiệp cho trường hợp của tôi, và chỉ ba ngày sau đó, tôi đã được trả tự do và di chuyển đến Geneva, Switzeland.”
Đức Chúa Trời đã chỉ cho Solzhenitsyn một cái cây, và ngay cạnh bên ngọn đồi cay đắng là một vùng đất với các mạch nước tuôn tràn!
Các thánh đồ của Christ hãy nhớ rằng, khi bạn đang di chuyển trên con đường vòng, hay đi vào ngõ cụt, hay đến một nơi như đất Ma-ra đầy cay đắng. Những lúc như thế phải biết rằng Chúa đang tôi luyện đức tin và nâng chúng ta lên một tầm cao mới để xác tín vào sự thành tín của Ngài.
Trên thiên lộ lịch trình cam go, Đức Chúa Trời sẽ đổi mỗi nỗi đau của bạn thành lời ngợi khen Ha-lê-lu-gia, đổi mỗi giọt nước mắt thành các hạt ngọc trai, đổi đồng vắng khô hạn thành nơi có mạch nước tuôn trào, đổi đồi Calvary thành Lễ Phục sinh nếu bạn tiếp tục bước đi trong đức tin tín thác vào Ngài. Cầu xin Chúa gia tăng ân điển để bạn vượt qua các bài trắc nghiệm vì chúng tốt cho bạn và hơn thế nữa đó là vì sự vinh hiển của Ngài.
Mục sư Phạm Hơn

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên