Trang Chủ TRANG CHỦ Nhìn Những Mùa Xuân Đi Qua

Nhìn Những Mùa Xuân Đi Qua

665
0
SHARE

Mỗi năm vào ngày sinh nhật của mình, tôi dành thời gian đầu tiên trong ngày để đọc câu Kinh Thánh:

Kìa, Chúa khiến ngày giờ tôi dài bằng bàn tay,
Và đời tôi như không không trước mặt Chúa;
Phải, mỗi người, dầu đứng vững, chỉ là hư không 
(Thi thiên 39:5)

Tôi cho rằng nhắc nhở chính mình về sự thật này là một viêc cần làm. Nhưng sau đó Đức Chúa Trời khắc ghi một ấn tượng khác trong lòng tôi ở câu Kinh Thánh trước đó:

Hỡi Đức Giê-hô-va, xin cho tôi biết cuối cùng tôi,
Và số các ngày tôi là thể nào;
Xin cho tôi biết mình mỏng mảnh là bao.
 (Thi thiên 39:4)

Trong chú thích tham khảo bên lề Kinh Thánh của tôi. Cụm từ biết mình mỏng mảnh là bao, tôi chú thích: Những thì giờ nào tôi có. Nói cách khác câu này được hiểu là: Lạy chúa, xin cho tôi biết những thì giờ nào tôi có. Bản Kinh Thánh The Living Bible dịch câu này: Lạy Chúa xin giúp con cách tổng kết thời gian của con trên trái đất này. Đó chính là những gì David đang cầu nguyện. Ông ta đang hỏi Đức Chúa Trời hãy cho ông biết số ngày của cuộc đời ông.

Bạn không cầu nguyện tương tự như thế sao? Tôi ước gì Chúa có thể cho tôi biết chính xác còn bao lâu nữa tôi sẽ ra đi khỏi thế giới này. Kay, con chỉ còn có 10 ngàyCon chỉ còn có 10 năm, hay thậm chí ngắn hơn: Con chỉ còn có 5 phút trên thế giới này. Đức Chúa Trời đang phát đi những tín hiệu cảnh báo chúng ta về thời gian. Chúng ta thực sự không có nhiều thời gian trên mặt đất này.

CÁC DẤU HIỆU CỦA NHỮNG NGÀY SAU CÙNG

Hãy mở ra trong 2 Phi-e-rơ chương 3 chúng ta sẽ được Chúa dạy bảo về tình hình của thế giới trong những ngày sau cùng. Lúc âý nhiều người sẽ mê ăn uống, sống theo tư dục của mình. Họ quên mất Đức Chúa Trời là Đấng sáng tạo nên các từng trời và mặt đất. Rồi chúng ta đọc thấy trong câu 11 và 12:

Vì mọi vật đều phải bị hủy diệt như thế, nên anh em càng phải sống cuộc đời thánh khiết và tin kính,  trong lúc nóng lòng trông đợi ngày của Đức Chúa Trời mau đến. Đó là Ngày mà các tầng trời sẽ bị thiêu đốt và hủy diệt, các nguyên tố sẽ bị tan chảy trong lửa!

Từ hủy diệt được dùng 2 lần trong phân đoạn này. Hiển nhiên là Đức Chúa Trời nhắc chúng ta biết rằng tất cả mọi thứ cuối cùng sẽ bị tiêu tan trong lửa. Không còn gì tồn tại mãi mãi chỉ trừ linh hồn chúng ta. Chỉ có những gì chúng ta làm cho Ngài – đó không phải là gỗ, cỏ khô, rơm rạ nhưng là vàng tinh khiết đã được thử nghiệm qua lửa sẽ còn lại đời đời. Đây chính là những gì Đức Chúa Trời đang cảnh báo.

Những thảm họa thiên nhiên cũng là một cảnh báo khác từ Đức Chúa Trời. Núi lửa phun, động đất, bão lớn, lụt lội, lở đất, những đám cháy lớn, dịch Covid-19… nói lên một điều là con người bất lực không thể kiểm soát nổi chúng. Những điều đó cảnh báo cho chúng ta biết đây là những ngày sau cùng.

Tình hình kinh tế bấp bênh vì dịch Covid-19. Chính phủ đang xem xét gói cứu trợ sắp tới cho người dân Mỹ. Mọi thứ có vẻ khó khăn hơn trong những ngày sau rốt.

Chiến tranh đương nhiên là một dấu hiệu của thời kỳ cuối cùng. Đức Chúa Jesus phán:

Vì dân nầy sẽ nổi lên nghịch với dân khác, nước nọ chống đối nước kia; đói kém, động đất xảy ra ở nhiều nơi.
 Tất cả những điều nầy chỉ là khởi đầu của các cơn đau chuyển bụng
 (Ma-thi-ơ 24:7-8)

Hoa Kỳ có căn cứ quân sự ở nhiều vùng lãnh thổ  trên thế giới hơn bất kỳ quốc gia nào. Theo Kinh Thánh thì chiến tranh có thể xảy ra, và chắc chắn sẽ xảy ra trước khi Chúa Giê-su trở lại. Bắc Triều Tiên vẫn còn nuôi tham vọng hạt nhân.I-ran bị nghi ngờ chương trình hạt nhân của họ là để sản xuất vũ khí hạt nhân. Và đất nước này không che giấu ý định là sẽ hủy diệt cả Y-rơ-ra-ên và Hoa-Kỳ. Trong bối cảnh thế giới như vậy, bạn không thể không thấy là chúng ta đang ở trong thời kỳ sau cùng.

Đức Chúa Trời không bao giờ hủy diệt một xã hội mà Ngài lại không cảnh báo cho xã hội đó. Trong thời của Nô-ê, những người cùng thời với ông đã nhìn thấy ông đóng tàu trong suốt thời gian trên một trăm năm. Cùng lúc đó Nô-ê giảng đạo công bình và báo động  rằng nước lụt sẽ đến. Ngày hôm nay cũng tương tự như thế. Đức Chúa Trời đang cảnh báo rằng sự hủy diệt đang đến rất gần.

ĐỨC CHÚA TRỜI MUỐN GÌ?

Trong 2 Phi-e-rơ 3 có một câu hỏi. Điều gì là quan trọng nhất cho Cơ đốc nhân trong những ngày sau cùng? Loại người nào mà bạn phải trở thành? Nói một cách khác thời gian chúng ta ở trên đất rất ngắn và Đức Chúa Trời muốn chúng ta phải làm gì với số thời gian đó? Nếu tôi có 20 năm, vài tháng hay vài tuần, hoặc thậm chí là vài giờ còn ở lại trên đất này. Đức Chúa Trời muốn tôi phải làm gì trong khoảng thời gian đó?

Giả định là Chúa Jesus đến với Hội Thánh Ngài ngay bây giờ. Bạn muốn khi Ngài đến thì bạn đang làm gì? Bạn có muốn là bạn đang cầu nguyện? làm chứng? hay là bạn đang tắm cho em bé, nấu bữa ăn tối  hay làm việc trong văn phòng? Thái độ nào bạn có trong tấm lòng bạn?

Càng ngày càng có thêm nhiều lời tiên tri được ứng nghiệm trong những năm qua. Sự nhận thức rằng Đức Chúa Trời có thể trở lại bất cứ lúc nào đã khuấy động tôi đặt ra những câu hỏi này.  Và kể từ khi đọc đoạn Kinh Thánh 2 Phi-e-rơ 3, điều này trở nên sáng tỏ hơn cho tôi. Trước thực tế đó chúng ta phải siêng năng trong mục vụ, giữ gìn đời sống thánh khiết. Chúng ta phải có một nếp sống chuẩn mực để làm vui lòng Đức Chúa Trời. Nói một cách chính xác thì điều đó nghĩa là gì? Nó có nghĩa điều ưu tiên hàng đầu trong cuộc đời của chúng ta là sống để làm vui lòng Đức Chúa Trời.

Tôi được nghe một câu chuyện minh họa về thái độ này. Có một lần Ramona Jensen một nhà truyền giáo được mời đến nói chuyện với sinh viên của Trường Kinh Thánh Evangelical Sisterhood of Mary tại Darmstar, Đức. Vào lúc đó Ramona 28 tuổi. Khi cô đến, một người phụ nữ trạc 60 tuổi ra đón và yêu cầu được mang giúp hành lý của cô. Ramona lịch sự: Ồ không tôi tự di chuyển hành lý được. Nhưng người phụ nữ trả lời: Tôi sẵn sàng giúp cô. Hãy để cho tôi làm. Và thế là người chị em lớn tuổi này giúp Ramona mang hành lý đến phòng lễ tân của Trường. Và đang khi hai người cùng đi với nhau, người chị em này bắt đầu phỏng vấn Ramona về sở thích của cô ấy. Ramona thích màu gì nhất? Loại hoa nào ưng ý nhất? Thích loại thức uống nào? Đâu là đoạn Kinh Thánh mà Ramona thích nhất? Người chị em lớn tuổi giới thiệu với Ramona những người mà họ gặp bên ngoài hành lang. Ramona ghi tên mình vào sổ của phòng lễ tân và nói chuyện xã giao với những người mới quen. Sau đó cô được đưa về phòng. Khi Ramona bước vào phòng cô nhận thấy có một người nào đó đã vào phòng trước và chuẩn bị mọi thứ theo sở thích của cô. Màu của chiếc khăn tắm chính là màu cô ưa thích được chuẩn bị sẵn sàng móc lên giá đỡ trên tường. Một bình hoa trên bàn đúng là loại hoa mà cô thích. Bên cạnh bình hoa là loại nước uống cô thích- một bình trà vẫn còn đang bốc hơi. Và có cả một cái khung trên tường với một đoạn Kinh Thánh  viết bằng tay – đúng là đoạn Kinh Thánh cô thích. Nhưng sự việc vẫn chưa dừng lại ở đó. Khi cô đi xuống phòng ăn chuẩn bị ăn tối. Romona đã dễ dàng nhận ra chỗ ngồi của mình, chung quanh đĩa thức ăn của cô là những vòng hoa và sô-cô-la cô ưa thích. Và khi cô ngồi xuống chuẩn bị ăn thì những người trong phòng đứng dậy hát bài: “Cầu xin Chúa chúc phước cho bạn Ramona”.

Ramona đã rất phước hạnh trong suốt một tuần lễ ở đó. Trước khi cô ra đi, Ramona được tặng một quyển sách nhỏ. Và khi cô đọc nó trên phi cơ, Ramona nhận ra một điều: Cô được đối xử vô cùng lịch sự không phải vì cô là Ramona. Nhưng tất cả các diễn giả tới Trường Kinh Thánh đó đều được đối xử như thế. Ramona hiểu rằng họ đã làm điều đó để làm vui lòng Đức Chúa Trời .

Kay Smith

Translated by Tuong Vi

http://huongdi.today

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên