Trang Chủ TRANG CHỦ Nhật Bản

Nhật Bản

836
0
SHARE

17 bài học để đời rút ra sau một thời gian sinh sống tại Nhật Bản

Dường như đối với bất kỳ ai đã từng đặt chân tới Nhật Bản, họ đều có ấn tượng sâu sắc về phong cách sống của người dân nơi đây. 

 

Cảm nhận đầu tiên của bạn là những đường phố sạch đẹp, tàu xe chạy luôn đúng giờ, người người đều trông lịch sự và thanh lịch nhưng vẫn có chút gì đó rất lạ khiến bạn phải tò mò. Liệu bạn có dám thử làm giống họ khi hóa trang thành nhân vật truyện tranh, xếp hàng để mua kem có vị mỳ gà, hoặc ăn burger 5 tầng đầy thịt của Lotteria hay không?

Cuộc sống tại Nhật Bản, dù là ở đây với thời gian lâu hay chỉ tham quan một vài ngày, thực sự là một trải nghiệm khác biệt. Có thể là sau khi rời Nhật Bản về nước, bạn không còn giống hệt mình như lúc mới bước chân ra đi. Có những thứ ở Nhật Bản đã gây ấn tượng sâu sắc với du khách nước ngoài, khiến họ phải suy ngẫm, thậm chí thay đổi cả cách suy nghĩ, cách hành động hay cách nhìn nhận thế giới.

Những gì xảy ra ở nơi đây, có thể nói ngắn gọn là sẽ thôi thúc họ thay đổi cuộc sống, ngay cả đối với những người lúc nào cũng cứ tưởng rằng cái gì mình cũng đã biết, đã từng trải qua…

Những bài học dưới đây là tập hợp với thứ tự ngẫu nhiên các trải nghiệm được ghi nhận từ những cuộc trò chuyện với một số người định cư và một số du khách thường xuyên ở Nhật Bản:

1. Luôn ghi nhận và đền đáp, cho dù đó là điều nhỏ nhất 

Bạn sẽ sớm nhận ra rằng không phải lúc nào mình cũng là người chỉ biết tiếp nhận ơn huệ mà còn phải biết đền đáp lại ơn huệ đó. Việc đền đáp nên thực hiện càng sớm càng tốt. Hãy nhớ lại những lần bạn định viết thư cảm ơn rồi quên khuấy đi mất, hay mấy tấm thiệp sinh nhật mua sẵn nhưng quên không gửi, những việc như vậy không thể xảy ra ở Nhật, bởi người Nhật cho rằng đền đáp công ơn là điều quan trọng bậc nhất để tạo dựng và duy trì những mối quan hệ tốt đẹp nơi đây.

Mặt khác, ở Nhật Bản, việc đền đáp người khác cũng có vẻ dễ dàng hơn vì bạn có nhiều lựa chọn. Khi ai đó giúp bạn một việc gì, ví dụ là chuyển giúp bạn cái ghế sofa mới mua vào nhà chẳng hạn, bạn chỉ cần mua lon nước ngọt từ máy bán hàng tự động mời họ là đủ để họ biết lòng cảm kích của bạn rồi. Hầu hết các việc bạn làm giúp người khác đều sẽ được đền đáp bằng cử chỉ thân thiện mà chẳng cần phải giải thích nhiều lời.

2. Trong lần sau gặp người đã giúp mình, bạn nên nhắc lại lời cảm ơn người đã giúp mình 

Không chỉ thế, người Nhật luôn ghi nhớ việc cảm ơn người đã giúp mình trong lần gặp gỡ kế tiếp. Nghe thì có vẻ khách sáo, nhưng chắc chắn người đã giúp bạn sẽ rất vui khi bạn mở lời: “Vâng, cảm ơn anh đã khiêng giúp tôi cái sofa hôm trước”. Điều đó thực sự là rất tuyệt!

3. Phép lịch sự không chỉ dừng lại ở câu nói “làm ơn” hay “cảm ơn” 

Phép lịch sự ghi đậm nét trong văn hóa Nhật Bản, thậm chí nó thấm sâu trong phong cách ứng xử, giao tiếp của người Nhật (thể hiện qua kính ngữ), bằng việc một nhân viên bán hàng sẵn sàng giúp bạn xách đồ, tiễn bạn ra tận cửa, hay như cách bạn được chào đón mỗi khi bước chân vào một nhà hàng.

Khi bạn hỏi thăm đường đi, bạn có thể sẽ nhận được tấm bản đồ vẽ tay với những lời chỉ dẫn rất chi tiết, thậm chí có chủ cửa hàng còn sẵn sàng nghỉ việc để đích thân đưa bạn đi cho tới khi chắc chắn bạn tìm được đúng đường đi. Phép lịch sự ở đây đồng nghĩa với việc họ không màng về lợi ích cá nhân, chỉ nghĩ đến người khác, và tuyệt nhiên không có ý nghĩ: “Tôi sẽ được lợi gì nếu làm điều này?”

4. Luôn vì người khác trước

Đây là cách tốt nhất để cho người khác thấy tầm quan trọng của họ đối với bạn. Nhường cho bạn bè phần bánh to hơn, dành cho mẹ chỗ ngồi tốt hơn khi đi nhà hàng, hoặc để khách đứng vào giữa tấm hình chụp chung v.v… là những chuyện thường ngày trong đời sống của người Nhật.

Trong mỗi gia đình truyền thống Nhật Bản đều có thiết kế riêng chỗ ngồi trang trọng cho khách ở vị trí ngay phía trước tokonoma (là một góc phòng được trang trí và hơi thụt vào trong so với vách tường dành riêng để trưng bày nghệ thuật như tranh thư pháp, bình cắm hoa nghệ thuật, đồ gốm), với ý nghĩa đặt khách vào không gian tươi đẹp, được tôn vinh bởi những tác phẩm nghệ thuật truyền thống. Và chẳng có lý do gì mà bạn lại không thể làm để khiến người khác cảm thấy đặc biệt. Bạn vừa mua chút quà ngọt từ tiệm bánh? Hãy mua thêm một phần nữa mang tặng hàng xóm hay bạn bè, họ sẽ cảm nhận được sự quan tâm của bạn. Ở Nhật có vô vàn cách để thắt chặt những mối quan hệ chỉ bằng những hành động nhỏ như vậy.

5. Quây quần tụ tập mọi người 

Ở Nhật Bản, bạn luôn mời tất cả những người quen ở gần bạn cùng tụ tập, mời cả người mà thậm chí bạn không thích. Ít ai chỉ mời những người bạn thân của mình đi uống bia hoặc chỉ mời một số người đồng nghiệp cùng đi chơi. Sẽ không xảy ra tình huống khó xử là ai đó phải ở lại văn phòng vì họ không được mời tham gia. Tất cả mọi người có mặt ở đó sẽ cùng chụp hình chung mà không cần bận tâm xem ai trong số đó là họ hàng hay là bạn bè hay ai đó là một phần của sự kiện này. Việc quây quần như thế dạy chúng ta biết đón nhận mọi người và biết hòa đồng với những người khác biệt với mình.

6. Tôn trọng tài sản

Trong tiếng Anh có câu “Finder’s keepers, losers weepers” tạm dịch là ‘Nhặt được của rơi tạm thời đút túi’. Nhưng chuyện này không xảy ra ở Nhật Bản: tại đây, bạn không lấy những gì không phải của bạn. Nếu ai đó làm rơi chiếc khăn tay trên lề đường, người khác nhìn thấy sẽ lập tức mang nó tới điểm tập trung đồ thất lạc gần nhất để người làm rơi đồ có thể dễ dàng tới nhận lại. Và đơn giản, một món đồ để ở đó mà không khóa, không buộc thì không có nghĩa là bạn có quyền lấy nó.

7. Không phải cứ nhậu nhẹt là gây gổ

Du khách tới Nhật Bạn có thể nhận thấy có nhiều người có thu nhập ổn định vẫn nhậu xỉn trên phố vào ban đêm, thậm chí thi thoảng cả ban ngày. Nhưng họ không bao giờ gây gổ. Những vụ xô xát nơi quán bar hiếm khi xảy ra và đa số dân Nhật khi uống say đều cảm thấy vui vui (hoặc là ngủ 1 mạch tới hôm sau mới tỉnh dậy và nhậu tiếp). Cứ uống rồi say, nhưng luôn trong hòa bình thôi!

8. Lựa chọn hòa bình

Ở Nhật Bản thời nay trẻ em được giáo dục từ rất sớm rằng bạo lực là sai và chiến tranh là không cần thiết. Sự hòa hoãn, yên bình được nuôi dưỡng thông qua giáo dục, qua những lễ tưởng niệm hằng năm và qua quy định tại Điều 9 Hiến pháp Nhật Bản về việc từ bỏ quyền tham chiến hoặc duy trì quân đội.

9. Sự kiểm soát của chính phủ trong nhiều lĩnh vực thực sự là một điều rất tốt! 

Hệ thống tàu hoả hàng đầu thế giới (và cả hệ thống giao thông công cộng nói chung), một trong những hệ thống bưu chính tốt nhất thế giới (ngày nay hoạt động với một phần tư sở hữu tư nhân khi Japan Post được tư nhân hoá) cùng với dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao nhưng không hề đắt… là những ví dụ điển hình cho những gì chính phủ Nhật Bản đã làm được. Những điều này ấn tượng tới mức khó có thể tưởng tượng là khu vực tư nhân có thể làm tốt hơn thế.

10. Hiền hoà là tính cách được ưa chuộng

Xã hội Nhật Bản là một xã hội lịch thiệp và hoà nhã. Người Nhật không ai ca thán gì khi phải đứng xếp hàng lâu; không có nạn lạng lách, vượt ẩu. Không ai lớn tiếng cãi vã, thở dài, không có những cái nhìn căm tức hay khiêu khích. Người Nhật giỏi nhẫn nhịn và dường như họ thực sự tận hưởng cách sống an nhiên tự tại này.

Giới kinh doanh Nhật Bản luôn tuân thủ luật lệ nên bạn đừng mong họ phá rào với bạn. Bạn sẽ không có lý do nào để nổi nóng với nhân viên bán hàng hay tức tối bỏ đi chỉ vì chính sách của họ không phù hợp với bạn.

11. Học cách lắng nghe nhiều hơn 

Người Nhật nói năng nhỏ nhẹ. Có thể nói là họ thường nhút nhát, khiêm tốn và nhẫn nhịn. Họ sẽ để người khác nói hết rồi mới có ý kiến. Họ là những người biết lắng nghe!

Tạo cho người khác cơ hội bày tỏ quan điểm mà không bị cắt ngang là rất quan trọng vì điều này khiến họ cởi mở chia sẻ và lắng nghe. Chúng ta sẽ bớt phán xét khi chúng ta cố gắng hiểu người khác từ góc nhìn của người đó. Khi chúng ta thôi tranh cãi, mà chỉ là thảo luận, tự khắc chúng ta sẽ nhỏ nhẹ và không ai lấn lướt ai trong cuộc hội thoại nữa.

Người Nhật còn đánh giá cao sự im lặng và tôn trọng những khoảng lặng giữa cuộc trò chuyện.

12. Giảm bớt tư tưởng tự hào dân tộc

Sâu trong tâm khảm mình thì ai cũng có niềm tự hào dân tộc lớn lao, ai chẳng cho rằng quê hương đất nước mình là một nơi đáng sống nhất trên đời. Nhưng sau khi đi từ khắp nơi trên thế giới để đến ở tại một đất nước có cực nhiều thứ đáng trân trọng như Nhật Bản, sẽ chẳng mất nhiều thời gian để bạn nhận ra rằng, bạn không phải được sinh ra tại “đất nước tuyệt vời nhất quả đất”.

13. Ganbaru – Làm hết sức mình!

Việc không thể tìm một từ chuẩn xác trong ngôn ngữ của nước mình để truyền tải hết ý nghĩa của từ Ganbaru trong tiếng Nhật có vẻ chỉ là một ‘cái cớ’. Bởi vì hầu hết chúng ta đều nhanh chóng bỏ cuộc đối với một công việc yêu cầu nhiều thời gian, tiền bạc hay công sức hơn chúng ta đã dự tính. Ở Nhật Bản thì ngược lại, người ta trông đợi nhau cố gắng tới cùng, chỉ với một kì vọng duy nhất rằng bạn làm hết sức mình. Nước Nhật Bản thấm nhuần tư tưởng “ganbaru” vì tất cả mọi người đều làm như vậy.

14. Tuân theo lời cam kết là điều quan trọng

Chúng ta học được rằng khi người Nhật nói họ sẽ làm gì đó, họ thực sự có ý định thế. Và họ sẽ không quên! Khi họ được mời tới một sự kiện, họ thấy có nghĩa vụ phải tham dự. Nếu họ nhận lời thì chắc chắn họ sẽ có mặt dù trời có mưa tầm tã. Họ không chấp nhận việc ai đó đã nhận lời rồi lại xù cho leo cây đâu – vì thế hãy gọi đến trước để thông báo sự vắng mặt của mình hay nhờ người khác đi giùm.

15. Học trở thành một công dân tử tế 

Trong một trận bóng đá thuộc khuôn khổ World Cup 2014 tại Brazil, người Nhật được tiếng thơm vì họ tự dọn sạch rác nơi họ ngồi. Nếu đã có dịp ghé thăm Nhật Bản, bạn sẽ chẳng lấy làm lạ vì người Nhật luôn tự dọn sạch những gì họ bày ra. Kể cả sau bữa tiệc ngắm hoa anh đào tưng bừng trong công viên, sẽ không có cái cốc nhựa hay lon bia nào bị sót lại cả.

Trong trường hợp bạn mở tiệc tại nhà, bạn có thể nhờ mọi người cùng giúp dọn dẹp, thậm chí rửa chén đĩa trước khi họ ra về. Người Nhật thậm chí còn quét dọn vỉa hè bên ngoài cửa hàng của mình mỗi ngày và cùng tham gia dọn dẹp khu phố họ sống. Họ còn dọn giùm người khác dù đó chẳng phải trách nhiệm của họ.

16. Làm mọi việc với vẻ hào hoa phong nhã

Nếu chỉ dùng một từ để tả người Nhật Bản, thì có lẽ chúng ta chọn từ “phong nhã”. Mọi tầng lớp xã hội đều hành xử thanh lịch như nhau, từ việc cúi chào để tỏ lòng kính trọng, chỉ hướng bằng cả bàn tay chứ không dùng một ngón trỏ. Dù việc bé như đưa đồ bằng cả hai tay, ăn mặc chỉn chu, hay nở một nụ cười tươi khi chào hỏi…, tất cả đều xuất phát từ sự nho nhã, thanh lịch, sự trân trọng và tinh tế.

17. Đúng giờ! 

Một trong những câu trả lời phổ biến nhất của những người được hỏi rút ra từ những trải nghiệm cuộc sống ở Nhật Bản là tầm quan trọng của việc đúng giờ hẹn. Nó không chỉ thể hiện sự tôn trọng người bạn hẹn gặp mà còn khiến mọi sự việc được thực hiện một cách chắc chắn và hiệu quả hơn.

Quả thật, những đức tính đáng nể trên của người Nhật khiến chúng ta cần phải học hỏi!

Theo Bussiness Insider
Minh Ngọc 

http://www.daikynguyenvn.com   

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên