Trang Chủ CÁC SÁCH BIÊN DỊCH Người Nữ Đầu Tiên

Người Nữ Đầu Tiên

762
0
SHARE

A-đam gọi vợ là Ê-va, Ê-va nghĩa là sự sống vì là mẹ của cả loài người.

(Sáng thế ký 3:20)

eva

A-đam có nghĩa là bụi đất, và cái tên này đồng nhất ông với sự chết (Sáng 3:19). Nhưng tên gọi Ê-va đồng nhất với sự sống và cũng mang ý nghĩa đó. A-đam đặt tên vợ mình là Ê-va, hành động này như một thông báo đức tin của ông vào lời hứa của Đức Chúa Trời  là dòng dõi người nữ sẽ sống và giày đạp đầu con rắn (Sáng 3:15).

Trước khi A-đam đặt tên cho vợ, Đức Chúa Trời đã cảnh báo rằng ông và vợ sẽ chết vì tội không vâng lời (Sáng 3:19), nhưng A-đam tin rằng lời hứa về sự cứu rỗi sẽ đến vì vậy ông đặt tên cho vợ mình là “sống” đối lập với “chết”. Đức Chúa Trời chấp nhận đức tin của A-đam và Ngài đãlấy da thú kết thành áo dài cho vợ chồng A-đam, và mặc lấy cho” (Sáng 3:21) sau khi họ phạm tội.  Huyết của một con sinh đã đổ ra, nó bị giết để lấy da may thành áo cho vợ chồng A-đam. Đây là minh họa đầu tiên cho ân điển của Đức Chúa Trời được tìm thấy trong Kinh Thánh – huyết đã đổ ra cho sự tha tội loài người.  Sáng thế ký 3:15 cũng là lời tiên tri đầu tiên về Chúa Cứu Thế trong Kinh Thánh.

Rõ ràng là có nhiều ngụ ý về tên của Ê-va (nghĩa là sự sống).

Ê-VA ĐƯỢC TẠO NÊN TỪ SỰ SỐNG

Trong phần chú giải Sáng thế ký 2:21, Matthew Henry đã viết, “Người nam ra từ bụi đất đã qua tinh chế của Người Thợ Gốm thiên thượng, nhưng người nữ là bụi đất mà đã qua hai lần tinh chế.” Đức Chúa Trời tạo nên A-đam từ bụi đất, rồi sau đó Ngàihà sanh khí vào lỗ mũi; thì người trở nên một loài sanh linh.” (Sáng 2:7). Nhưng Ê-va được tạo dựng theo một cách khác: từ xương sườn của A-đam –  một phần của cơ thể sống, và Kinh Thánh không nói rằng Đức Chúa Trời phài hà sanh khí vào lỗ mũi của Ê-va! Chúng ta tự hỏi có phải chăng sứ đồ Giăng đã nhìn thấy lẽ thật này khi ông viết Giăng 19:31-37 đề cập đến sườn của Chúa Jesus trên thập tự giá. A-đam đã nói về vợ mình, “Người nầy là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi mà ra.” (2:23) và sứ đồ Phao-lô cũng viết về bức tranh của Đấng Christ và Cô Dâu của Ngài là Hội Thánh trong Ê-phê-sô 5:30-32. A-đam đầu tiên đã ngủ mê, rồi từ đó ra một cô dâu, nhưng A-đam sau cùng đã chết đau đớn trên thập tự giá để cho ra đời một Cô Dâu khác là Hội Thánh.

a

Ê-va đã được chia sẻ từ sự sống của A-đam, thì người tín hữu cũng được chia sẻ từ sự sống của Đấng Christ. “Ai tin Con, thì được sự sống đời đời; ai không chịu tin Con, thì chẳng thấy sự sống đâu, nhưng cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời vẫn ở trên người đó” (Giăng 3:36). Và “Chứng ấy tức là Đức Chúa Trời đã ban sự sống đời đời cho chúng ta, và sự sống ấy ở trong Con Ngài” (1 Giăng 5:11).

Ê-VA ĐƯỢC TẠO DỰNG ĐỂ CHIA SẺ SỰ SỐNG

Trước khi A-đam đặt tên cho vợ mình, ông đã đặt tên “cho mỗi vật sống, đều thành tên riêng cho nó.  A-đam đặt tên các loài súc vật, các loài chim trời cùng các loài thú đồng; nhưng về phần A-đam, thì chẳng tìm được một ai giúp đỡ giống như mình hết” (2:19-20). A-đam lúc ấy đã không tìm thấy trong các  loài động vật “một người giúp đỡ phù hợp”. Từ “giúp đỡ” ở đây không hàm ý rằng Đức Chúa Trời sẽ gởi đến cho A-đam một người đầy tớ. Câu Kinh Thánh này phải được hiểu là: Người giúp đỡ là người tương ứng, phù hợp và bình đẳng với A-đam để hỗ trợ ông trong công tác mà Chúa ủy thác. “Người giúp đỡ” trong văn cảnh này không mang nghĩa là một người thấp bé hơn hay ở vào một vị trí kém hơn. Từ này nếu được hiểu là “một đối tác” thì nghĩa của nó sẽ gần hơn với ý tưởng được nói ở đây. Friedich Nietzsche, triết gia theo chủ nghĩa hoài nghi đã viết, “phụ nữ là tạo vật ngớ ngẩn thứ hai của Tạo hóa”, nhưng rõ ràng F. Nietzsche đã sai lầm. Ê-va  là tặng phẩm tuyệt vời nhất mà Đức Chúa Trời dành cho A-đam, cũng là cho nhân loại và thế giới.

Khi Phi-e-rơ nói rằng người vợ là một cái “bình yếu đuối hơn” (Bản KT Tiếng Anh KJV dùng từ weaker vessel. Bản KT Tiếng Việt dịch là giống yếu đuối hơn), vị sứ đồ hàm ý rằng người chồng phải xem vợ mình như là một bình sứ xinh đẹp, dễ vỡ đắt tiền, phải tỏ ra nhẹ nhàng lịch sự với cô ấy trong mọi cách cư xử (1 Phi-e-rơ 3:7). Người vợ và chồng phải đánh giá đúng những điểm mạnh và yếu của nhau, cùng nhau xây dựng gia đình hạnh phúc theo chuẩn mực của Lời Chúa.

Matthew Henry đã chú giải Sáng thế ký 2:22, ông yêu cầu chúng ta lưu ý về cách Đức Chúa Trời tạo nên người nữ, “Chúa không lấy một phần nào trên đầu của A-đam để tạo nên Ê-va, nếu vậy Ê-va sẽ cai trị trên A-đam. Người nữ cũng không được tạo nên từ xương bàn chân của người nam, nếu vậy người nam sẽ giày đạp người nữ. Nhưng người nữ được tạo nên từ xương sườn của người nam – có nghĩa là người nữ bình đẳng với người nam, cái xương sườn này ở dưới cánh tay để được người nam bảo bệ, và ở gần trái tim để được yêu thương”.

Trong hôn nhân, người nam và người nữ cùng bổ túc, bù đắp cho nhau những thiếu hụt của mỗi người. Vì vậy họ cần sự chăm sóc và yêu thương từ hai phía. Không phải tất cả mọi người đều kết hôn (Ma-thi-ơ 19:11-12), nhưng ai đã kết hôn trong Chúa thì phải xem người phối ngẫu là một đối tác để yêu thương phục vụ. Hai người phải đồng cam cộng khổ với nhau, chia ngọt sẻ bùi trong những lúc vui hay buồn, thành công hay thất bại.

Khi một người nam và nữ kinh nghiệm đời sống chăn gối trong hôn nhân, họ trở nên “một thịt”. Sự hiệp nhất giữa vợ chồng trở nên sâu đậm trong mỗi lĩnh vực của đời sống khi họ cùng ăn ở với nhau và phục vụ người khác theo ơn Chúa gọi. Ý chỉ của Đức Chúa Trời là người nam và nữ phải tách ra khỏi cha mẹ để tạo lập một gia đình mới trong Chúa, họ phải thực hiện cam kết ràng buộc yêu thương nhau trọn đời sống. Đức Chúa Trời “dựng nên người nam cùng người nữ, ban phước cho họ, và trong ngày đã dựng nên, đặt tên là người” (Sáng 5:2). Mỗi khi A-đam suy nghĩ về tên của mình, ông liên tưởng đến sự chết, nhưng khi nhìn vào Ê-va ông nghĩ đến sự sống.

Martin Luther đã khôi hài gọi Catherine, vợ mình, “Kitty, xương sườn của anh”. Ông làm chứng rằng đời sống hôn nhân của ông và Catherine rất hạnh phúc. Ông nói thêm, “Tài sản lớn nhất trên đất của tôi là người vợ yêu quí này”.

Sứ đồ Phao-lô am hiểu rõ ràng câu chuyện sáng thế, ông viết trong 1 Cô-rin-tô 11:9, “Bởi chưng không phải đàn ông ra từ đàn bà, bèn là đàn bà ra từ đàn ông”, nhưng lời phát biểu này không hàm ý người nữ thấp kém hơn người nam về phương diện địa vị trước mặt Chúa. Tiến sĩ Dwight Hervey, một chuyên gia về hôn nhân Cơ đốc giải thích, “Một người nữ khiêm nhường sẽ nhận biết rằng nàng được tạo dựng để dành cho người nam, và vinh hiển cho nàng khi biết rằng một mình nàng là chưa đầy đủ nếu không có chàng. Cũng giống như vậy, một người nam khiêm nhường sẽ nhận biết rằng một mình anh ta thì không đầy đủ nếu chưa có nàng, nhưng vinh hiển cho người nam là nàng được tạo nên để dành cho anh.” (1).

Ê-VA ĐƯỢC TẠO DỰNG ĐỂ  NUÔI DƯỠNG SỰ SỐNG

Trải nghiệm đời sống chăn gối trong hôn nhân làm cho người nam và nữ trở nên “một thịt”. Họ là hai người ăn ở với nhau, người nữ thụ thai và họ sẽ có thêm người thứ ba và còn có thể có thêm nữa! Khuynh hướng của một số người ngày nay xem con cái là những trở ngại cho đời sống tự do phóng túng của họ. Tình dục – họ chấp nhận, nhưng sinh con cái họ nói: Không. Phá thai là phương pháp của con người để kiểm soát việc sinh sản. Nhưng Đức Chúa Trời yêu thương các con trẻ và trước giả Thi thiên nhìn nhận chúng là: “Kìa, con cái là cơ nghiệp bởi Đức Giê-hô-va mà ra; Bông trái của tử cung là phần thưởng” (Thi 127:3). Tử cung không bao giờ được thiết kế để trở nên một nơi gieo rắc sự chết hay cản trở sự sống, bởi vì nó là nơi mà Đức Chúa Trời cho phép một đứa bé được hình thành và Ngài thấy “thể chất vô hình” của nó (Thi 139:13-16). Đức Chúa Trời tôn trọng người nữ trong thiên chức nuôi dưỡng sự sống ngay khi sự sống này vừa mới bắt đầu. Trong giai đoạn đầu của việc sinh con, người nữ phải thụ thai hơn chín tháng, rồi sau đó tiếp tục nuôi dưỡng con trẻ cho đến khi nó dứt sữa. Cánh tay người mẹ bảo bọc, ôm chặt con mình, tập cho nó ăn, khích lệ vỗ về nó, đôi khi mỉm cười hay rơi nước mắt vì con trẻ…vân vân…Người mẹ là người nuôi dưỡng sự sống!

Heavenly-Father

Bởi vì các Cơ đốc nhân đôi khi dùng những thuật ngữ về giống đực để chỉ các thân vị trong Ba Ngôi Đức Chúa Trời, nên một vài người xem chúng ta là những người “phân biệt đối xử theo giới tính” và họ xếp Kinh Thánh vào loại “sách phân biệt đối xử theo giới tính”. Nhưng Đức Chúa Trời là thần linh và Ngài không có thân thể vật lý giống như con người, Ngài không có giới tính.  Khi chúng ta nói về Chúa là “Cha thiên thượng”, chúng ta hàm ý đến chức vụ và hoạt động của Ngài, chứ không nói đến giới tính của Ngài. Còn Chúa Jesus thì khác, Ngài đã chịu thụ thai bởi quyền phép Đức Thánh Linh và nhập thế vào đời với cơ thể một bé trai, Ngài là A-đam sau cùng, Chúa của cõi sáng tạo mới. Giống như Cha thiên thượng, Đức Thánh Linh cũng không có giới tính, Ngài ngự bên trong những tín hữu nam và nữ.

Tuy nhiên, điều quan trọng mà chúng ta cần biết đó là: “Chức năng làm mẹ” là một trong những khía cạnh (aspect) thuộc về Đức Chúa Trời mà chúng ta không thể phủ nhận hay phớt lờ. Giống như một người mẹ, Đức Chúa Trời không thay đổi  tình yêu của Ngài dành cho con cái. Ngài phán, “Đàn bà há dễ quên con mình cho bú, không thương đến con trai ruột mình sao? Dầu đàn bà quên con mình, ta cũng chẳng quên ngươi” (Ê-sai 49:15). Trong tinh thần của một người mẹ, Chúa cũng phán, “Ta sẽ yên ủi các ngươi như mẹ yên ủi con, và ấy là tại trong Giê-ru-sa-lem mà các ngươi sẽ được yên ủi” (Ê-sai 66:13). Trẻ con khi bị đau ốm, tổn thương, hay sợ hãi một điều gì đó….chúng nó thường gọi mẹ cầu cứu, mặc dù chúng nó biết rằng người cha cũng rất yêu thương chúng. Tại sao? Bởi vì sự an ủi của người mẹ là vô cùng đặc biệt.

Đức Chúa Trời hào phóng chia sẻ niềm vui của Ngài, “Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi ở giữa ngươi; Ngài là Đấng quyền năng sẽ giải cứu ngươi: Ngài sẽ vui mừng cả thể vì cớ ngươi; vì lòng yêu thương mình, Ngài sẽ nín lặng; và vì cớ ngươi Ngài sẽ ca hát mừng rỡ” (Sô-phô-ni 3:17). Bạn có thể tưởng tượng là Chúa ôm chặt các con cái Ngài trong cánh tay toàn năng và ca hát vui mừng với chúng? Thật là một bức tranh tuyệt vời về “chức năng làm mẹ” của Đức Chúa Trời.

Giống như một người mẹ, Đức Chúa Trời không thay đổi mục đích của Ngài. Mục đích đó là gì? Chính là nuôi dưỡng, hướng dẫn con cái đến tuổi trưởng thành để chúng nó bước đi trong sự khiêm nhường, ý thức được trách nhiệm cá nhân với gia đình và xã hội. Trước giả Thi thiên đã viết, Hỡi Đức Giê-hô-va, lòng tôi không kiêu ngạo, Mắt tôi không tự cao, Tôi cũng không tìm tòi những việc lớn, Hoặc những việc cao kỳ quá cho tôi. Tôi đã làm cho linh hồn tôi êm dịu an tịnh, Như con trẻ dứt sữa bên mẹ mình; Linh hồn ở trong mình tôi cũng như con trẻ dứt sữa vậy” (Thi 131:1-2).

Chúng ta có thể không thích khi Đức Chúa Trời lấy đi trong tay chúng ta những đồ chơi rồi thay vào đó là những dụng cụ để làm việc, nhưng đó là qui luật của đời sống. Chúa có một chương trình tuyệt vời cho mỗi cuộc đời chúng ta, Ngài rất yêu thương chúng ta đến nỗi không cho phép chúng ta cứ ở mãi trong tình trạng non nớt chưa trưởng thành chỉ biết ham thích các đồ chơi.

Người cha có trách nhiệm bảo vệ, cung ứng những nhu cầu căn bản cho mọi người trong gia đình và đôi khi ông thi hành kỷ luật trên con cái. Người mẹ mang nặng đẻ đau con trẻ từ khi nó còn là một bào thai, và tiếp tục theo đuổi từng bước chân của con cho đến khi nó trưởng thành. Tình mẫu tử thiêng liêng vỗ về, chăm chút cho con không gì thay thế được. Cả hai người cha và mẹ phải ”bền đỗ trong đức tin, trong sự yêu thương, và trong sự nên thánh” (1 Ti-mô-thê 2:15) nếu họ muốn Đức Chúa Trời  ban phước trên thiên chức của người mẹ trong việc nuôi dưỡng con trẻ. Trong thời xưa sinh con không phải là một công việc dễ dàng, và nhiều bà mẹ phải chết vì điều này. Tại thành phố Ê-phê-sô, nơi Ti-mô-thê đang phục vụ Chúa, nhiều bà mẹ dâng hiến chính họ và con trẻ trong đền thờ của nữ thần Diana để cầu xin sự ban phước. Nhưng sứ đồ Phao-lô khích lệ các cặp cặp vợ chồng trong hội thánh phải tin cậy và tìm kiếm sự ban phước từ Đức Chúa Trời.

Ê-VA CÓ MỘT VAI TRÒ QUAN TRỌNG TRONG VIỆC CHUYỂN TẢI SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI CHO THẾ GIỚI

Đức Chúa Trời phán với Satan, “Ta sẽ làm cho mầy cùng người nữ, dòng dõi mầy cùng dòng dõi người nữ nghịch thù nhau. Người sẽ giày đạp đầu mầy, còn mầy sẽ cắn gót chân người” (Sáng 3:15).

Đây là lời hứa đầu tiên về một Đấng Cứu Rỗi sẽ đến trên dòng dõi của Ê-va sau khi Lucifer chiến thắng vợ chồng A-đam trong vườn Ê-đen. Đó là bản “tuyên ngôn chiến tranh” từ Đức Chúa Trời đối với Satan, và cuối cùng sự chiến thắng thuộc về Đức Chúa Trời và dòng dõi người nữ. Con của Đức Chúa Trời đã đến trong hình dạng của con loài người, Ngài đã đến phục vụ con người trong tinh thần của một đầy tớ, và cuối cùng Ngài đã vâng phục Đức Chúa Trời chịu chết trên thập tự giá hoàn thành chương trình cứu chuộc. Satan bị đánh bại tại thập tự giá của Đấng Christ. “Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta, đầy ơn và lẽ thật”

(Giăng 1:14).  “Nhưng khi kỳ hạn đã được trọn, Đức Chúa Trời bèn sai Con Ngài bởi một người nữ sanh ra” (Ga-la-ti 4:4).

Đấng Christ được sinh ra từ một người nữ!

Sáng thế ký 3:15 thông báo rằng Đấng Cứu Rỗi sẽ đến dưới hình dạng một con người từ dòng dõi người nữ. Ngài không phải là một thiên sứ. Sáng thế ký 12:1-3 bày tỏ Đấng Cứu Rỗi là một người thuộc tuyển dân Israel, không phải là người ngoại bang. Và Sáng thế ký 49:10 cho biết rằng Ngài đến từ chi phái Giu-đa. Đức Chúa Trời cũng phán với Đa-vít rằng Chúa Cứu thế sẽ ra từ gia đình ông (2 Sa-mu-ên 7), và tiên tri Mi-chê đề cập đến Bết-lê-hem là “thành của Đa-vít” hàm ý nơi mà Cứu Chúa sẽ được sinh ra. Lời tiên tri trong Ê-sai 7:14 bày tỏ một người nữ đồng trinh sẽ sinh ra một bé trai là Em-ma-nu-ên. Lu-ca 1: 26-56 ghi lại câu chuyện của Ma-ri, một nữ đồng trinh được chọn để sinh ra Cứu Chúa nhận được tin báo tốt lành từ thiên sứ Gáp-ri-ên.

A-đam được tạo dựng đầu tiên từ bụi đất. Ê-va được tạo dựng từ xương sườn của A-đam. Còn tất cả chúng ta được sinh ra theo cách thông thường từ cha mẹ. Tuy nhiên Cứu Chúa Jesus sinh ra từ một người nữ (từ dòng dõi của Ê-va) bởi quyền phép siêu nhiên của Đức Thánh Linh, không có yếu tố người nam trong câu chuyện giáng sinh này. Không có người nam nào tham gia trong quá trình thụ thai của Ma-ri. Ma-ri khiêm nhường dành sự tôn vinh chúc tụng cho Đức Chúa Trời trong sự kiện có một không hai này. Và sau cùng thiên sứ Gáp-ri-ên đã nói với nàng: “Con trai ấy sẽ nên tôn trọng, được xưng là Con của Đấng Rất Cao” (Lu-ca 1:32).

Mỗi người chồng đều gọi tên vợ mình theo một nghĩa nào đó (dù nói ra hay không).

Phước hạnh thay cho những đôi vợ chồng trong Chúa, mà ở đó người chồng gọi vợ là “Sự Sống”.

—————–

  • Dwight Hervey Small, Mô hình Hôn Nhân Cơ đốc (Westwood, N. J. Revell, 1959, 32)

Translated by Tuong Vi 

 

Các bài trước:
Bài 1:   http://huongdionline.com/2015/10/11/gie-ho-va-duc-chua-troi/
Bài 2:   http://huongdionline.com/2015/10/13/lucifer/

Bài 3:  http://huongdionline.com/2015/10/22/a-dam/
Bài 5: h ttp://huongdionline.com/2015/11/05/ca-in/

w

Warren Wendel Wiersbe là một mục sư, một giáo sư, một nhà văn, một nhà thần học và là một học giả về Kinh Thánh. Mục sư Warren W. Wiersbe đã xuất bản hơn 150 cuốn sách. Một trong những tác phẩm nổi tiếng của ông là bộ sách Be Series, gồm 50 cuốn,  mang các tựa đề như Be Real, Be Alert, Be Rich, Be Obedient, Be Hopeful, Be JoyfulBe Right, Be Ready, Be Successful, Be Free, Be FaithfulBe Mature, Be Confident, Be Complete,…

 

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên