Trang Chủ BIỆN GIÁO Nghịch Lý Của Đời Sống Cơ Đốc

Nghịch Lý Của Đời Sống Cơ Đốc

669
0
SHARE
.

VÌ KHI TÔI YẾU ĐUỐI, ẤY LÀ LÚC TÔI MẠNH MẼ

Đọc 2 Côr. 12:1-10

1 Tôi cần phải khoe mình, dầu chẳng có ích gì nhưng tôi sẽ nói đến các sự hiện thấy và sự Chúa đã tỏ ra. 2 Tôi biết một người trong Đấng Christ, cách mười bốn năm trước, đã được đem lên đến từng trời thứ ba (hoặc trong thân thể người, hoặc ngoài thân thể người, tôi chẳng biết, có Đức Chúa Trời biết). 3 Tôi biết người đó (hoặc trong thân thể người, hoặc ngoài thân thể người, tôi cũng chẳng biết, có Đức Chúa Trời biết) 4 được đem lên đến chốn Ba-ra-đi, ở đó, nghe những lời không thể nói, mà không có phép cho người nào nói ra. 5 Về người đó, tôi sẽ khoe mình nhưng về chính mình tôi, tôi không khoe, chỉ khoe về sự yếu đuối của tôi mà thôi. 6 Dầu tôi muốn khoe mình, thì cũng không phải là một người dại dột, vì tôi sẽ nói thật nhưng tôi giữ, không nói, hầu cho chẳng ai nghĩ tôi vượt quá sự họ thấy ở nơi tôi và nghe tôi nói. 7 Vậy nên, e rằng tôi lên mình kiêu ngạo bởi sự cao trọng cả thể của những sự tỏ ra ấy chăng, thì đã cho một cái dằm xóc vào thịt tôi, tức là quỉ sứ của Sa-tan, để vả tôi và làm cho tôi đừng kiêu ngạo. 8 Đã ba lần tôi cầu nguyện Chúa cho nó lìa xa tôi. 9 Nhưng Chúa phán rằng: Ân điển ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối. Vậy tôi sẽ rất vui lòng khoe mình về sự yếu đuối tôi, hầu cho sức mạnh của Đấng Christ ở trong tôi. 10 Cho nên tôi vì Đấng Christ mà đành chịu trong sự yếu đuối, nhuốc nhơ, túng ngặt, bắt bớ, khốn khó vì khi tôi yếu đuối, ấy là lúc tôi mạnh mẽ.

NGHỊCH LÝ HAY BÍ MẬT CỦA ĐỜI SỐNG CƠ ĐỐC

Phao-lô đã tìm ra bí mật cho đời sống Cơ đốc nhân. Ộng đã chết con người cũ của chính mình và sống trong đức tin của Con Đức Chúa Trời. “Tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Christ, mà tôi sống, không phải là tôi sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi; nay tôi còn sống trong xác thịt, ấy là tôi sống trong đức tin của Con Đức Chúa Trời, là Đấng đã yêu tôi, và đã phó chính mình Ngài vì tôi” (Ga-la-ti 2:20). Vì vậy bất kỳ sự yếu đuối nào trong xác thịt của Phao-lô sẽ mang lại cho Đức Chúa Trời sự vinh hiển khi ông chấp nhận những gì Đức Chúa Trời dành cho mình với niềm tin tuyệt đối vào kế hoạch và sự tốt lành của Ngài.

Khi suy ngẫm 2 Cô-rinh-tô 12:1-6, chúng ta thấy Phao-lô khuyên chúng ta đừng tìm kiếm sự vinh hiển cá nhân, vì ông nhận biết bản thân không có gì để nhận vinh hiển. Sau đó, Phao-lô nêu gương để chúng ta noi theo bằng cách tìm kiếm vinh hiển của Đức Chúa Trời giữa những yếu đuối, khó khăn trong 2 Cô-rinh-tô 12:7–8.

Từ “yếu đuối” được dùng trong 2 Côr. 12: 9-10 hàm ý không đủ năng lực để kháng cự với những hoàn cảnh bất lợi chung quanh. Nó diễn tả một trạng thái không mạnh mẽ, không tốt.

Và sau tất cả những điều này, chúng ta vẫn còn một câu hỏi: Tại sao Phao-lô nhấn mạnh không khoe khoang về cá nhân để nhận vinh quang, mà là hãy khoe mình trong sự yếu đuối? Trong 2 Cô-rinh-tô 12:9-10, Phao-lô không chỉ tiết lộ cái nhìn sâu sắc về cách sự yếu đuối đóng vai trò nền tảng cho sự sống của chúng ta trong Đấng Christ, mà còn là cách để chúng ta có thể thực sự vui mừng trước những yếu đuối của mình.

 

Ân điển của Chúa Giê-su là đủ cho chúng ta

Sau khi Phao-lô cầu xin Chúa Giê-su ba lần để cái dằm trong xác thịt lìa khỏi ông, Chúa Giê-su trả lời rằng Ngài sẽ không loại bỏ cái dằm khỏi Phao-lô. Nhưng Ngài phán, “Ân điển ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối của ngươi” (2 Cô 12:9).

Cái dằm xóc vào thịt mà Phao-lô nói ở đây là gì? Có nhiều ý kiến khác nhau về điều nầy nhưng đa số các nhà giải nghĩa Kinh Thánh  dựa vào cụm từ “xóc vào thịt tôi tin rằng cái dằm này có lẽ là một chứng bệnh kinh niên của Phao-lô. Dù vậy điều này cũng chỉ là suy đoán mà thôi.

Phao-lô ba lần cầu nguyện xin cho cái dằm đó bị loại bỏ đi nhưng ông được Chúa trả lời:

Ân điển ta đủ cho ngươi rồi (c. 9a)

Câu nầy hàm ý rằng dù Chúa không cất cái dằm khỏi Phao-lô, ân sủng Chúa sẽ giúp ông đủ sức để chịu đựng. Câu tiếp theo giải thích điều nầy:

Vì sức mạnh của ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối (c. 9b)

Câu nầy hàm ý rằng, con người không thể nào kinh nghiệm sức mạnh của Chúa khi còn dựa vào sức mình. Chỉ khi nào chấp nhận hoàn toàn sự yếu đuối của mình, sức mạnh của Chúa mới thể hiện hoàn toàn (1 Cô-rinh-tô 1:26-31). Với kinh nghiệm đó, Phao-lô đi đến kết luận:

Vậy tôi sẽ rất vui lòng khoe mình về sự yếu đuối tôi, hầu cho sức mạnh của Đấng Christ ở trong tôi (c. 9c)

Phao-lô muốn nói, khi càng nhận là mình yếu đuối, ông sẽ càng nhận thêm sức mạnh của Chúa. Do đó, điều ông sẽ khoe mình nhiều nhất là những yếu đuối của ông, chứ không phải những ưu thế hay thành tích mà ông có. Có yếu đuối mới cần nhận được sức mạnh của Chúa. Dựa vào nguyên tắc nầy, Phao-lô viết:

Cho nên tôi vì Đấng Christ mà đành chịu trong sự yếu đuối, nhuốc nhơ, túng ngặt, bắt bớ, khốn khó vì khi tôi yếu đuối, ấy là lúc tôi mạnh mẽ (c. 10)

Đây là cách Phao-lô áp dụng nguyên tắc trên, ông vui mừng chịu đựng những khó khăn trong đời sống vì càng chịu khổ (yếu đuối) ông càng kinh nghiệm sức mạnh của Chúa.

 

Để hiểu ý nghĩa đầy đủ lời Chúa Giê-su phán, “Ân điển ta đủ cho người rồi.” Chúng ta cần phải phân tích câu này trong nguyên ngữ Hy-lạp.

Đầu tiên, trật tự từ trong tiếng Hy Lạp trong câu nói của Chúa Giê-su nghe giống như thế này: “Đủ cho ngươi là ân sủng của ta…” Nói cách khác, Chúa Giê-su đặt từ “đủ” ở phía trước của câu. Trong tiếng Hy Lạp, đây là một phương pháp để nhấn mạnh vào một ý tưởng. Trong trường hợp này, sự nhấn mạnh ở đây là sự đầy đủ tuyệt đối hoàn toàn của ân điển Chúa Giê-su dành cho Phao-lô giữa lúc ông yếu đuối. Ở đây, Chúa Giê-su bảo đảm với Phao-lô rằng ông không thiếu điều gì trong sự yếu đuối của mình bởi vì ông sở hữu đầy đủ quyền năng của ân điển Chúa qua thử thách này.

Thứ hai, nhiều nhà bình luận chỉ ra rằng trong ngữ pháp, cụ thể là các thì của động từ của câu 9 rất nổi bật. Bây giờ, hãy chú ý, bởi vì điều này không chỉ dành cho những người nghiên cứu ngữ pháp, mà các thì của động từ còn có những hàm ý đặc biệt:

Cụm từ “nhưng Chúa phán rằng” ở thì hoàn thành, là thì mô tả một điều gì đó đã xảy ra trong quá khứ và còn kéo dài đến hiện tại. Ngược lại, động từ trong câu 8, “Tôi đã cầu xin” ở thì quá khứ, đã xảy ra trong quá khứ và không kéo dài đến hiện tại.

Các cụm từ “Ân điển của ta đủ cho ngươi” và “sức mạnh của ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối” được viết ở thì hiện tại, truyền đạt ý tưởng rằng những lời phán này là lẽ thật, không bao giờ thay đổi về ý nghĩa của chúng. (My grace is sufficient for you, for my power is made perfect in weakness. NIV)

Tổng hợp lại, cách viết câu này có nghĩa là những gì Chúa Giê-su đã nói trong quá khứ thì còn có ý nghĩa liên tục đến hiện tại, có nghĩa là quyền năng của Chúa Giê-su tiếp tục và được hoàn thiện trong cuộc đời của Phao-lô. Nhưng không chỉ trong cuộc đời của Phao-lô mà cũng là dành cho chúng ta. Hãy lắng nghe những lời của Charles Hodge:

Câu trả lời Chúa Giê-su đưa ra đã từng vang lên trong tai của sứ đồ, không phải chỉ trong tai của ông, mà là của tất cả những người đang đau khổ. Lời Ngài phán dạy dành cho những ai tìm kiếm sự giải thoát khỏi đau đớn và buồn phiền. “Ta yêu con là đủ rồi.” Điều này bảo đảm và bao hàm tất cả những điều tốt đẹp khác. (Charles Hodge, Giải nghĩa về 1 & 2 Cô-rinh-tô, trang 662–63.)

Nói cách khác, ân điển của Chúa Giê-su, nghĩa là, tình yêu của Ngài dành cho bạn có sức mạnh để bảo đảm mọi điều tốt đẹp khác cho bạn. Chúa Giê-su đã tuyên hứa điều này, và lời hứa của Ngài tiếp tục đến với dân sự của Ngài trong mọi thời đại.

 

Sự yếu đuối của chúng ta là Đền tạm – nơi vinh hiển Chúa Giê-su được bày tỏ.

Nhưng còn nhiều điều hơn để suy ngẫm về lẽ thật này. Phao-lô tiếp tục viết trong câu 9: “Vậy tôi sẽ rất vui lòng khoe mình về sự yếu đuối tôi, hầu cho sức mạnh của Đấng Christ ở trong tôi.” Cụm từ “ở trong tôi” (từ Hy lạp là epkenoo) là một từ chỉ được sử dụng ở đây trong Tân Ước.

Tuy nhiên, từ thứ hai “ở giữa hay ở với” (từ Hy lạp là tensnoo) được sử dụng  ở hai nơi khác trong Tân Ước:  Giăng 1:14 và  Khải huyền 21:3. Trong Giăng 1:14, chúng ta đọc, “Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta, đầy ơn và lẽ thật.” Theo nghĩa đen, “ở giữa” là từ chỉ việc dựng lều, giống như lều của đền tạm, vì vậy chúng ta hiểu Chúa Giê-su là sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, Đấng đã ngự trong chúng ta cũng như sự vinh hiển của Đức Chúa Trời ngự ở giữa dân sự Ngài trong đền tạm.

Và sau đó, trong sách Khải huyền, từ này được sử dụng để mô tả “đền tạm của Đức Chúa Trời ở với loài người” sau khi Chúa Giê-su đánh bại hoàn toàn kẻ thù và đưa dân Ngài đến ở với Ngài mãi mãi: “Tôi nghe một tiếng lớn từ ngai nói rằng: “Kìa, đền tạm của Đức Chúa Trời ở với loài người! Ngài sẽ ở với họ và họ sẽ làm dân Ngài; chính Đức Chúa Trời sẽ ở với họ” (Khải. 21:3). Ở đây một lần nữa, từ “ở với” chuyển tải ý tưởng về cách Đức Chúa Trời ở giữa dân sự Ngài:

 

▪Đức Chúa Trời ở giữa dân Ngài thông qua đền tạm.

▪Đức Chúa Trời ngự giữa dân Ngài trong thân thể của Chúa Giê-su Christ là Hội Thánh.

▪Đức Chúa Trời sẽ ở giữa dân Ngài trong trời mới và đất mới.

Nhưng ngay bây giờ, Phao-lô muốn nói rằng quyền năng của Đấng Christ ở với/ở trên chúng ta khi chúng ta yếu đuối. Sự yếu đuối của chúng ta đóng vai trò như đền tạm cho sự hiện diện  của Đức Chúa Trời. Nó như một ban hát ca ngợi sự vinh hiển của Chúa Giê-su.

Charles Hodge viết:

Như vậy, để được trở thành nơi cư ngụ của Đấng Christ, nơi Ngài bày tỏ vinh quang của chính Ngài, là cơ sở hợp lý để vui mừng trong những sự yếu đuối của chúng ta. Hầu hết các Cơ đốc nhân hài lòng khi cố gắng cam chịu trong đau khổ. Họ nghĩ rằng đó là một điều tuyệt vời nếu họ có thể đầu phục Chúa để trở thành nơi ngự trị của Ngài. Vui mừng trong cơn hoạn nạn vì qua đó Đấng Christ được tôn vinh trong đời sống tín nhân. Kinh nghiệm của Phao-lô đi theo tiêu chuẩn này. Vì thế, quyền năng của Đấng Christ không chỉ được biểu lộ qua sự yếu đuối của dân Ngài, mà còn là trong những phương tiện Ngài sử dụng để hoàn thành các mục đích của Ngài. (Charles Hodge, Giải nghĩa 1 & 2 Cô-rinh-tô, 663–64.)

 

Đây là lý do tại sao Phao-lô thúc giục chúng ta tìm kiếm điều gì đó tốt hơn vinh quang cá  nhân. Nếu tìm kiếm vinh quang bằng cách tích trữ quyền lực, tiền bạc hoặc danh vọng, thì chúng ta sẽ không bao giờ đạt được. Vinh quang trong cõi đời đời không thể được giành lấy theo cách đó. Thay vào đó, chúng ta tìm thấy vinh quang của Đức Chúa Trời, khi Ngài đưa chúng ta đến những nơi yếu đuối, vì sự yếu đuối là đền tạm cho sự hiện diện vinh hiển của Đấng Christ.

 

Và quả thật, sự yếu đuối của Chúa Giê-su cũng là nơi vinh hiển lớn nhất của Ngài, như Phao-lô viết trong chương tiếp theo: “Bởi vì, dầu Ngài nhân sự yếu đuối đã bị đóng đinh vào thập tự giá, nhưng Ngài sống bởi quyền phép Đức Chúa Trời; chúng tôi cũng vậy, dầu là yếu đuối trong Ngài, nhưng nhờ quyền phép Đức Chúa Trời thì cũng sẽ sống với Ngài, đặng làm việc giữa anh em” (2 Côr. 13:4). Đền tạm vinh quang của Chúa Giê-su không phải là sự hóa hình của Ngài trên núi, mà là chính cây thập tự, nơi Chúa Giê-su đổ máu và chết trong sự yếu đuối hoàn toàn, như một con chiên bị dẫn đến lò mổ bị Cha thiên thượng bỏ rơi.

Khi rút ra nghịch lý này, Phao-lô không nói rằng sự yếu đuối là sức mạnh. Đúng hơn, sự yếu đuối trở thành cơ hội để Đấng Christ biểu lộ quyền năng, cũng như sự yếu đuối trên thập tự giá của Chúa Giê-su là cơ hội để Đức Chúa Trời bày tỏ quyền năng Ngài trong Đấng Christ. Vì vậy:

▪Chúng ta có thể tin rằng Chúa Giê-su được tôn vinh trong sự yếu đuối của chúng ta.

▪Sự yếu đuối trở thành cơ hội để chúng ta trải nghiệm được quyền năng của Đấng Christ.

Lời Chúa phán: Sức mạnh của ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối (c. 9b). Câu nầy nên là phương châm cho đời sống, vì càng kinh nghiệm sự yếu đuối của mình, chúng ta sẽ càng kinh nghiệm sức mạnh và ân sủng của Đức Chúa Trời.

Đây là điều tốt hơn là vinh quang cá nhân. Đây là lý do mà Phao-lô từ chối khoe khoang về những khải tượng và sự mặc khải ông nhận được. Thay vào đó, ông khoe về những sự yếu đuối của ông. Bởi vì Đấng Christ được tôn vinh nhiều hơn trong những yếu đuối đó. Tại đó vị sứ đồ kinh nghiệm được quyền năng phục sinh của Đấng Christ.

Thần học đúng đắn phải thay đổi cách nhìn của chúng ta về cuộc sống một cách căn bản. Thay vì sống trong nỗi sợ hãi về sự yếu đuối, hay là phải trải qua nhiều cay đắng trong cuộc đời. Bài học này cho chúng ta một tầm nhìn để hiểu ít nhất là phần nổi của tảng băng chìm về lý do tại sao Đức Chúa Trời cho phép đau khổ xảy đến với chúng ta. Chúng ta sẽ không bao giờ hiểu hết “tại sao” về những sự đau khổ, nhưng ở đây Phao-lô giải thích cho chúng ta phương cách Chúa hoạt động. Ngài không hoạt động bằng cách làm cho dân sự của Ngài trở nên mạnh mẽ, bất khả xâm phạm và rồi nhận vinh quang cho bản thân họ.

Đúng hơn, Ngài đưa chúng ta vào sự yếu đuối và đau khổ mà sự yếu đuối của chúng ta trở nên Đền tạm nơi vinh quang của Chúa Giê-su ngự trị trong cuộc đời chúng ta.

 

KẾT LUẬN

Có những thử thách, khó khăn xảy ra trong đời sống mà chúng ta không hiểu, qua kinh nghiệm của Phao-lô, chúng ta biết rằng có thể Chúa cho phép những điều đó để hoàn thành mục đích tốt đẹp của Ngài trên chúng ta. Chúng ta có thể đồng thanh nói như Phao-lô:
Vì khi tôi yếu đuối, ấy là lúc tôi mạnh mẽ.

 

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên