Trang Chủ LỜI CHỨNG CÁ NHÂN Này Là Truyện Ký Tôi

Này Là Truyện Ký Tôi

686
0
SHARE

Tôi sẽ không bao giờ quên những cột mốc quan trọng trong cuộc đời. Sau mùa Hè đỏ lửa năm 1972 tôi vào học lớp  6 của một Trường Trung Học tại Quảng Ngãi. Vào một hôm nọ tình cờ tôi đọc một  truyền đạo đơn của Cục Truyền Giáo Tin Lành. Sau khi đọc xong quyển sách nhỏ giới thiệu về con đường cứu rỗi của Chúa Jesus Christ, tôi quyết định đăng ký học các lớp Kinh Thánh Hàm Thụ bằng thư của trường Kinh Thánh hàm thụ Si-ôn. Một năm sau đó tôi học tiếp lớp Thánh Kinh Tìm Về Nguồn Sống của Đài Phát Thanh Tin Lành Manila, Philippines. Đồng thời tôi cũng mạnh dạn đến nhà thờ Tin Lành 143 Phan Bội Châu, Quảng Ngãi để dự các buổi thờ phượng, tham gia sinh hoạt với hội thánh. Tôi được nuôi dưỡng đời sống đức tin qua chức vụ của mục sư Nguyễn Phú Ngọc, thầy truyền đạo Nguyễn Ngọc Dư và những anh chị trưởng thành tại đó. Những bài học Trường Chủ nhật làm cho đời sống thuộc linh của tôi được lớn lên theo năm tháng. Hình ảnh ông trưởng ban Trường Chủ nhật, thầy Đức Na với sơ mi trắng, cà-vạt nghiêm chỉnh, tay cầm chuông lắc kêu leng keng tập trung các lớp để truy bài câu gốc Kinh Thánh vẫn còn đọng lại trong ký ức tuổi thiếu niên. Lúc ấy tôi không bị ngăn trở từ phía gia đình. Ba tôi là giáo viên  được chuyển đến làm việc ở Sở Học Chánh Quảng Ngãi trên đường Phan Bội Châu cách nhà thờ Tin lành không xa. Ông không phải là Cơ đốc nhân nhưng lại có cơ hội tiếp xúc với vài người trong hội thánh Tin Lành, và ông nghĩ Đạo Tin Lành có lẽ cũng tốt cho tôi. Vì thế ông bằng lòng cho phép tôi sinh hoạt với hội thánh. Trong những ngày đó nhìn dáng vẻ oai phong, mô phạm của các vị mục sư, giáo sĩ, tôi suy nghĩ lan man không biết sau này mình có thể trở thành một mục sư được như họ hay không.

Tôi vẫn còn nhớ những buổi nhóm thanh niên vào các  chiều Chủ nhật hằng tuần. Lúc ấy anh Trần Trọng Luật là một sĩ quan của quân đội làm việc trong thị xã được Ban thanh niên mời chia sẻ Lời Chúa. Có lần chị Chung Thị Hoàng Bích, phát thanh viên của Đài Nguồn Sống cũng đã từng ghé thăm nói chuyện tâm tình với chúng tôi. Thỉnh thoảng tôi đứng ngoài hành lang nhà thờ nhìn về hướng công viên thị xã. Nơi đó các bạn cùng trang lứa đang tham gia sinh hoạt Hướng Đạo với nhiều trò chơi hấp dẫn. Nhìn bộ đồng phục ka-ki và mũ nón xinh đẹp  của họ, tôi thầm ao ước giá như mình cũng có mặt ở đó chắc là vui lắm. Khi nghĩ như vậy, tự nhiên trong lòng tôi  có một sự nhắc nhở nhẹ nhàng: “Tham gia hướng đạo thì vui thật, nhưng chỗ đó không có sự cứu rỗi, rồi linh hồn sẽ về đâu?” Thế là tôi lặng lẽ từ bỏ niềm ao ước thầm kín này để tiếp tục sinh hoạt với hội thánh.

totnghiep_wams

Từ năm 1972-1975 là quãng thời gian mà Lời Chúa được gieo trồng vào tâm hồn non trẻ của tôi. Mùa hè năm 1974 tôi tham dự lớp Thánh Kinh tiểu học đường tại hội thánh do mục sư Kiều Toản tổ chức. Đến tháng 3 năm 1975 khi tôi đang học lớp 9 của Trường Trung học Trần Quốc Tuấn thì đất nước chuẩn bị bước sang một ngã rẽ mới. Tình hình chiến sự đang sôi động, khu vực Tây Nguyên không còn được chính quyền Việt Nam Cộng Hòa kiểm soát nữa. Bảy giờ tối hôm ấy, đại tá tỉnh trưởng Lê Văn Ngọc tuyên bố trên Đài phát thanh, lệnh cho mọi người  phải di tản khỏi thị xã vì quân đội không thể bảo đảm an ninh vào lúc này. Tôi theo đoàn người đông đúc di tản từ Quảng Ngãi ra Đà Nẵng trong một thời khắc thay đổi của lịch sử. Ba tôi  dẫn  chị Hoa, anh Hùng, một sinh viên của Đại học Y khoa Huế là người yêu của chị Hoa và tôi chạy ra hướng cầu Trà Khúc.  Khi đi ngang qua ngã tư chính của thị xã, chúng tôi nhìn thấy lửa cháy trong khu vực tiểu khu. Binh lính phóng hỏa Trại Hoa Lư và tháo chạy trong sự hốt hoảng. Ra khỏi ngã ba Sơn Tịnh ba tôi rút trong túi quần đưa cho chị Hoa 2 lượng vàng rồi nghẹn ngào nói: “Con giữ lấy số vàng này, hãy cùng với Hùng, thằng Hưng  di tản ra khỏi Quảng Ngãi để tìm một con đường sống, ba phải ở lại vì không thể bỏ mặc má của con và thằng út đang ở Mộ Đức.”  Ông gạt nước mắt chia tay với chúng tôi lúc 8 giờ tối trong đêm ấy. Chúng tôi tiếp tục đi trong tiếng đạn pháo và súng nổ vang rầm khắp nơi. Quân đội miền Bắc đã bắt đầu bắn đại bác vào thị xã.  Dọc đường  tôi  nhìn thấy không biết bao nhiêu người  ngã xuống vì bom đạn, đặc biệt là ở khu vực Bình Liên,  Bình Sơn. Tôi kinh hãi khi  thấy nhiều người chết không thể đếm hết trên đường. Có người nằm chết trên Quốc lộ 1, bị xe bọc thép dẫm lên cán phẳng ra như tàu lá chuối. Có những người lính Việt Nam Cộng Hòa bị trúng đạn bắn tỉa chết đứng trên xe vận tải GMC. Nằm rải rác hai bên đường là những tử thi với vết máu loang lổ, tay chân không còn nguyên vẹn. Thật là một cảnh tượng kinh hoàng mà có lẽ cho đến cuối cuộc đời tôi sẽ không bao giờ quên được những hình ảnh rùng rợn của chiến tranh!

Khi chạy từ Quảng Ngãi ra đến bãi biển Chu Lai tôi đã lạc mất người chị, mặc dù chúng tôi cùng nắm tay đi với nhau. Để đến được Chu Lai chúng tôi đã chạy bộ một ngày đêm. Lúc bấy giờ tôi đứng trên cầu Cảng Chu Lai và trước mặt là một con tàu của Hải quân. Khi lên được trên tàu tôi mới biết con tàu mang số hiệu 505. Lúc ấy vào khoảng bảy giờ tối, chung quanh tôi các quân nhân và người di tản ô hợp chen chúc tranh giành lên tàu. Cả một biển người giày đạp lẫn nhau để trèo lên con tàu đang há mồm. Quang cảnh vô cùng hỗn độn. Tôi bị ép cứng giữa biển người tưởng chừng như sắp ngộp thở và chết đến nơi. Khi  ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ mong manh trong gang tấc, tôi dâng lên lời cầu nguyện với Chúa Jesus Christ: “Lạy Chúa, nếu Ngài cứu sống con trong hoàn cảnh này, con sẽ dâng cuộc đời con để phục vụ Ngài.” Thình lình một tiếng nổ lớn trước cửa chiến hạm 505. Có lẽ là một người lính nào đó đã rút kíp nổ lựu đạn để mở đường trèo lên tàu. Những người đứng ở phía trước tôi ngã rạp xuống như chuối đổ sau tiếng nổ. Máu của họ bắn vào người tôi thấm đẫm chiếc áo sơ mi trắng. Những người đứng hai bên và sau lưng tôi sợ hãi bỏ chạy tán loạn. Tôi thu hết can đảm nhảy lên trên các tử thi và lao nhanh vào cửa tàu. Trong tâm trí tôi lúc đó có một lời mách bảo kỳ lạ: “Muốn sống phải bước lên trên sự chết”.

Vào được trong hầm tàu, rồi trèo lên boong tàu, nhìn lại chiếc áo sơ mi trắng của mình, tôi kinh ngạc vì những vết máu  còn đỏ tươi trên đó. Tôi cởi áo ra và hỏi một người lính trên tàu: “Chú ơi, xem thử thân thể cháu có vết thương nào không?”. Ông ấy quan sát tôi từ đầu đến chân rồi trả lời: “Mày may mắn thật đó, bao nhiêu người chết trước cửa tàu, vậy mà mày lên được tới nơi đây, toàn thân thể của mày không sao cả. Đúng là một phép lạ đấy.” Trên tàu tôi gặp lại anh Hùng, nhưng chị Hoa của tôi không có ở đó. Chúng tôi không biết chị ấy sống chết như thế nào trong biển người dày đặc trên bờ biển.

Thế là tôi thoát nạn tại bãi biển Chu Lai và con tàu 505 đưa tôi ra đến Cảng Tiên Sa, Đà Nẵng. Từ đây tôi được anh Hùng  đưa  về  Vũng Tàu qua đường  biển, rồi từ đó về Sài Gòn. Chúa đã rất nhân từ, Ngài sắp xếp cho tôi gặp được chị Trần thị Quang Toàn, thư ký của mục sư Trần Đào là một người chị đã từng hướng dẫn tôi trong lớp học Thánh Kinh hàm thụ Tìm về Nguồn Sống, tại văn phòng liên lạc của Đài phát thanh Nguồn Sống trên đường Lê Văn Duyệt (bây giờ là đường 3/2). Chị Toàn đã giúp tôi tìm gặp người anh của mình lúc ấy là chuyên viên của Đài Phát Tuyến Chí Hòa. Tôi ở lại Sài Gòn chứng kiến những cảnh nháo nhác, hỗn loạn của thành phố trước ngày 30/4. Chiến tranh kết thúc, không bao lâu sau đó tôi trở về Quảng Ngãi bằng xe vận tải. Lúc này một trang sử mới cho hội thánh và đất nước được mở ra!

Cho đến bây giờ tôi vẫn không bao giờ quên những ngày cuối tháng 3 năm 1975 và lời cầu nguyện tôi đã dâng lên với Chúa trong buổi tối kinh hoàng hôm ấy. Tôi biết mình đã thuộc về Chúa trong thời khắc đặc biệt đó. Tôi không biết tại sao người bạn đã cho tôi quyển sách nhỏ giới thiệu về Tin Lành vào năm 1972 cho đến bây giờ anh ấy vẫn chưa tin Chúa. Nhưng tôi đã tin nhận Ngài từ những năm tháng ấu thơ chỉ qua một chứng đạo đơn của hội thánh Tin Lành. Tại sao tôi đã tiếp nhận Chúa Jesus làm Cứu Chúa của mình? Qua Lời Chúa tôi đã tìm thấy câu trả lời:

“Những điều huyền nhiệm chỉ có CHÚA, Đức Chúa Trời chúng ta biết. Nhưng những điều đã được khải thị, là những lời trong kinh luật này, thuộc về chúng ta và con cháu chúng ta đời đời, để chúng ta vâng giữ và làm theo.” (Phục 29:29)

“Không phải các con đã chọn Ta, nhưng chính Ta đã chọn các con và sai phái các con, để các con ra đi đạt nhiều thành quả và bông trái của các con tồn tại mãi. Như vậy, bất kỳ điều gì các con nhân danh Ta mà cầu xin Cha, Ngài sẽ ban cho các con.” (Giăng 15:16).

Thế nhưng sau biến cố 30/4/75 đời sống đức tin của tôi tuột dốc nghiêm trọng. Tôi không còn duy trì sự sinh hoạt với hội thánh nữa. Gia đình tôi từ thị xã Quảng Ngãi chuyển về quê ở Mộ Đức. Tôi vào học Trường Cấp 3 Nam Đàn, huyện Mộ Đức. Năm 1978 tôi trúng tuyển vào Khoa Toán của Đại Học Sư Phạm Tây Nguyên, nhưng ngay sau đó tôi phải lên đường nhập ngũ vì lúc bấy giờ có lệnh tổng động viên toàn quốc. Biên giới Tây Nam và phía Bắc  đang có chiến tranh. Tôi vào quân ngũ, được huấn luyện 4 tháng quân trường tại Trường huấn luyện của bộ đội biên phòng Quảng Ngãi. Một khóa huấn luyện với 200 tân binh, riêng tôi có một hồ sơ đặc biệt: Đã trúng tuyển vào Đại Học, được bảo lưu kết quả, sau 3 năm thi hành nghĩa vụ quân sự về học lại.

Ra khỏi quân trường tôi được chọn về làm  bộ đội trinh sát của Đồn biên phòng 638 Cảng Qui Nhơn. Đó là một may mắn cho tôi trong khi hầu hết các  bạn bè cùng nhập ngũ phải đi chiến đấu ở Cam-pu-chia. Có thằng đi không trở lại. Có đứa trở về với tấm thẻ thương binh. Còn tôi nhàn nhã ở lại Qui Nhơn bảo vệ tàu nước ngoài mỗi khi tàu vào Cảng. Khi không có tàu  thì đi trinh sát, tuần tra bằng ca-nô dọc theo bờ biển.

Đến năm 1981, vì lý do sức khỏe kém, tôi không thể được đào tạo tiếp lên cấp sĩ quan. Đơn vị làm hồ sơ cho tôi xuất ngũ. Tôi trở lại  trường Đại Học Sư Phạm Tây Nguyên chuẩn bị thủ tục nhập học. Vào niên khóa đó, Trường này không có khoa Toán. Thế là tôi được chuyển về học tập ở Khoa Toán Đại học Sư Phạm Qui Nhơn. Chính tại nơi đây ân điển của Chúa đã đem tôi trở lại với Ngài và cộng đồng hội thánh.

quy

Năm 1982, tôi vừa học vừa đi dạy kèm ở đường Biên Cương, khu 6 Qui Nhơn. Vào một buổi  sáng Chủ nhật kia, tình cờ tôi đi ngang qua nhà thờ Tin lành Khu 6. Một bài Thánh Ca quen thuộc từ bên trong vọng ra làm tôi bừng tỉnh. Đó là bài Thánh Ca 267: “Chỉ có Jesus siêu phàm là chính Cứu Chúa tôi.” Thật kỳ lạ, lúc bấy giờ nghe lại bài Thánh ca đó, trong lòng tôi có một sự thức tỉnh lớn: “Chúa đang gọi tôi trở về nhà của Ngài. Và duy chỉ có Ngài mới là phao cứu sinh của tôi.” Tôi đã bước  vào thánh đường bé nhỏ Khu 6 quỳ xuống cầu nguyện, và tự dưng những giọt nước mắt tuôn ra: “Lạy Chúa, con là đứa con hoang đàng hôm nay xin trở  về nhà Cha. Con không muốn tiếp tục bước đi mà không có Ngài. Xin Chúa nắm giữ con từ đây.”  Vậy là tôi giã từ dĩ vãng với những thú vui trần gian để tìm gặp lại chính mình trong ý định đời đời của Chúa.

Bốn năm học tập ở Đại học Sư Phạm Qui Nhơn và đi nhà thờ trở lại là quãng thời gian nhiều kỷ niệm với tôi. Trong thời gian này tôi được nghe nhiều bài giảng và những lời làm chứng của các anh chị em. Vào mùa Hè, tôi cùng với chị Quách Thúy vào học Kinh Thánh và tham gia các buổi nhóm ở nhà thờ Tin Lành số 7 Trần Cao Vân, Sài Gòn. Tại đây tôi ghi danh học lớp “Cơ đốc nhân trưởng thành” do anh Trương Văn Hoàng, thư ký của hội thánh phụ trách. Lúc này một làn sóng phấn hưng đang đến với hội thánh. Được nuôi dưỡng tâm linh ở đó, nghe mục sư Hạ cầu nguyện và giảng là một khoảng thời gian tuyệt vời cho tôi.

Tại Qui Nhơn, một trong những bài chia sẻ Thánh Kinh mà tôi vẫn còn nhớ được trích dẫn  từ phần Kinh Thánh này:

Nước thiên đàng giống như của báu chôn trong một đám ruộng kia. Một người kia tìm được thì giấu đi, vui mừng mà trở về, bán hết gia tài mình, mua đám ruộng đó.Nước thiên đàng lại giống như một người lái buôn kiếm ngọc châu tốt,  khi đã tìm được một hột châu quí giá, thì đi bán hết gia tài mình mà mua hột châu đó. (Ma-thi-ơ 13: 44-46).

Thầy Võ Minh Hùng từ Pleiku xuống thăm và đã chia sẻ với thanh niên chúng tôi 3 câu Kinh Thánh trên. Khi anh giảng xong, tôi nói với chính mình: “Đúng rồi, mình đã tìm được  viên ngọc châu quí giá đó, những vinh quang của đời này làm sao sánh được?” Lúc ấy anh Minh Hùng rất đẹp trai và cũng dễ thương như một thiếu nữ tuổi đôi mươi với làn da trắng mượt. Anh ấy giảng dạy sâu sắc, có ý tứ rõ ràng. Đúng là sinh viên Thần học viện có khác! Anh ấy  cùng đi picnic với chúng tôi vào Trại Phong Cùi Qui Hòa, và suốt lộ trình di chuyển anh truyền đạo dễ mến này chia sẻ Lời sự sống. Những gì anh nói đã thách thức và làm cho tôi thêm can đảm để có những quyết định đúng đắn trong hoàn cảnh khó khăn sau đó.

Trong thời gian  còn là sinh viên, tôi và Trần Văn Thanh – một sinh viên khoa Toán quê ở Nha Trang đã tổ chức  các buổi nhóm học Kinh Thánh trong khu Ký túc xá. Điều này là trái với nội qui của Trường. Các bạn sinh viên cơ đốc trong Trường cùng trốn ra ngoài trong đêm Giáng sinh đễ dự lễ  tại các nhà thờ cũng là một hành động mạo hiểm, vì nhà trường không cho phép như thế. Các sách truyền đạo đơn được bí mật phân phát trong cộng đồng sinh viên là một trong những hoạt động của chúng tôi. Tôi bị mời lên Phòng Quản Lý sinh viên của Trường để giải trình các hoạt động mình. Một giáo viên phụ trách công tác tư tưởng đưa ra lời thuyết phục lẫn răn đe:

Nếu em tiếp tục truyền bá văn hóa Tin Lành, thì tốt nhất em nên viết đơn xin nghỉ học. Còn nếu không, chúng tôi cũng sẽ cho em thôi học. Em có một tuần để suy nghĩ rồi trả lời về việc này.

Tôi trở về  khu nội trú miên man suy nghĩ và cầu nguyện. Vào lúc này tôi đang đi thực tập tại Trường Cấp 3 Quang Trung. Tương lai tôi sẽ như thế nào nếu viết đơn xin nghỉ học? Gia đình tôi chắc chắn  không bao giờ chấp nhận việc này. Tôi có đủ đức tin để tin cậy Chúa sẽ lo toan và nắm giữ tương lai của tôi? Bước thử thách này quá lớn, liệu tôi có vượt qua được không?

Đây là một trong những thời điểm khó khăn nhất trong cuộc đời của một thanh niên 24 tuổi như tôi.

Trong tuần đó, tôi tham dự một buổi nhóm thanh niên vào tối thứ bảy tại nhà thờ 71 Hai Bà Trưng. Một thanh niên đứng lên tôn vinh Chúa bài hát: “Chim sẻ mắt Chúa vẫn chú vào, về phần tôi Jesus bỏ sao?” Lạ thật, người chị em này hát để nhắc nhở tôi hay sao đây? Hết một tuần suy nghĩ, tôi ngậm ngùi viết đơn xin nghỉ học và nộp cho Trường. “Âu đó cũng là định mệnh của mình.” Tôi thầm nghĩ.

Trước khi giã từ mái trường sư phạm, thầy giáo Phó chủ nhiệm Khoa gọi tôi lên:

– Thầy rất tiếc phải để cho em rời khỏi ngôi trường này, mặc dù em là một trong những sinh viên có tiềm năng. Đối với em thì chúng tôi và ngôi trường này là ảo ảnh, chỉ có niềm tin của em là thực. Thôi thì thầy chúc cho em đi trọn con đường mà em đã chọn.

Và như thế tôi bước vào đời như một kẻ mộng du. Bị nhà trường từ bỏ, sau đó gia đình thực hiện “lệnh cấm vận” của ba tôi đối cùng tôi (ông ấy yêu cầu mọi người trong gia đình dừng lại mọi nguồn trợ cấp cho tôi). Lời Chúa đến với tôi trong lúc ấy: “Những sự thử thách đến cho anh em, chẳng có sự nào quá sức loài người. Đức Chúa Trời là thành tín, Ngài chẳng hề cho anh em bị thử thách quá sức mình đâu; nhưng trong sự thử thách, Ngài cũng mở đàng cho ra khỏi, để anh em có thể chịu được” (1 Cô-rinh-tô 10:13).

p h

Bởi ân điển Chúa, tôi đã vượt qua được những khó khăn của đời sống theo Chúa trong nhiều năm sau đó. Nhìn lại những  chặng đường gai góc đã đi qua, tôi ngạc nhiên trước ân điển vô hạn của Ngài. Ngày hôm nay khi bước  sang lứa tuổi U sáu mươi, con cái đã học hành đến nơi đến chốn và trưởng thành, tôi biết Chúa là thành tín. Những ai tin cậy Ngài sẽ không hề bị hổ thẹn. Lời của bài hát này vẫn mãi âm vang trong lòng tôi: “Tương lai tôi còn biết bao nhiêu điều, tôi chẳng hề lắng lo làm sao. Bởi tôi biết Đấng nắm tương lai mình, và tôi biết Người đi trước tôi.”

                                                                           TƯỜNG VI
http://www.songdaoonline.com/e2359-nay-la-truyen-ky-toi-tuong-vi-bai-chon-dang-so-209-.html  

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên