MỤC SƯ CẦN GÌ NHẤT TRONG CHỨC VỤ
Mục sư cần nhiều điều từ các hội thánh họ phụ trách bao gồm: cầu nguyện, tình yêu, sự tôn trọng, khuyến khích và hỗ trợ. Nhưng ngay cả khi hội thánh có thể không cung cấp cho mục sư tất cả những điều này, hội thánh phải trao cho mục sư quyền giữ bánh lái của con tàu hội thánh và sự hợp tác để ông ấy có thể dẫn dắt hội chúng hoàn thành đại mạng lệnh từ Chúa. Đồng thời, mục sư phải biết làm thế nào tận dụng những điều hội thánh trao cho. Mục sư cần biết cách giảng để hội thánh biết rõ ý muốn của Chúa và làm thế nào để lãnh đạo hội thánh làm theo ý muốn Chúa.
LÀM THẾ NÀO MỤC SƯ CÓ THỂ DẪN DẮT HỘI THÁNH ĐỂ PHỤC VỤ ĐỨC CHÚA TRỜI & NGƯỜI KHÁC
Biết Chúa muốn hội thánh làm việc gì.
Mỗi Cơ đốc nhân và mỗi hội thánh đều làm những gì Chúa đã truyền lệnh. Chúng ta trở thành Cơ đốc nhân khi chúng ta chấp nhận Chúa Giê-su làm Chúa và Cứu Chúa của chúng ta. Để có Ngài là Chúa có nghĩa là chúng ta sẽ làm theo những gì Chúa dạy. Để có Ngài là Đấng Cứu Rỗi của chúng ta có nghĩa là Ngài sẽ ban cho chúng ta quyền năng để làm điều Ngài truyền cho chúng ta làm.
Chúa Jesus nói hai điều răn lớn nhất là: 1) Kính mến Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí. Và 2) Yêu thương người khác như chính mình. Tất cả Luật pháp và các lời tiên tri đều theo hai điều răn này. Ma-thi-ơ 23:35-40
Trong những lời cuối cùng của mình, ngay trước khi bị đóng đinh để hoàn thành sự cứu chuộc cho nhân loại, Chúa Jêsus đã làm cho điều răn thứ hai trở nên mạnh mẽ hơn: “Điều răn của ta đây nầy: Các ngươi hãy yêu nhau, cũng như ta đã yêu các ngươi. Chẳng có sự yêu thương nào lớn hơn là vì bạn hữu mà phó sự sống mình. Ví thử các ngươi làm theo điều ta dạy, thì các ngươi là bạn hữu ta.” (Giăng 15: 12-14). Trong tình yêu vĩ đại của Đức Chúa Trời, Đấng Christ đã hi sinh mạng sống Ngài cho chúng ta. Trong tình yêu của chúng ta đối với Ngài, chúng ta sẽ dâng hiến đời sống của chúng ta cho Ngài – dù sống hay chết?
Sau đó, trong những lời cuối cùng được phán trên đất, Chúa Giê-su dạy về cách chúng ta phải sống cho Ngài – với tư cách cá nhân và tập thể hội thánh (Xem Ma-thi-ơ 28: 18-20). Chúng ta phải làm điều này như là bằng chứng của tình yêu đích thực của chúng ta đối với Ngài và chúng ta sẽ làm nó trong sự đầy trọn tình yêu của chúng ta đối với tất cả mọi người, bất kể họ là ai và nơi họ sống.
Nói tóm lại, Đức Chúa Trời phán với chúng ta bốn điều mà hội thánh và các thành viên phải làm: 1) Đi khắp thế gian giảng Tin Lành. 2) Môn đồ hóa muôn dân, 3) Báp-têm những người tin (đem họ vào trong hội thánh) và 4) Huấn luyện những người tin làm tất cả mọi điều Chúa đã truyền.
Vậy thì chúng ta phải làm gì để huấn luyện các tín nhân? Có rất nhiều bài học, nhưng chúng ta phải bắt đầu với những điều chúng ta vừa mới học xong: yêu mến Chúa với tất cả những gì chúng ta có, và yêu thương người khác theo cùng một cách mà Chúa yêu chúng ta. Với 4 bước được đề cập ở trên. Đây là nhiệm vụ cơ bản của hội thánh và mọi điều chúng ta cố gắng dẫn dắt hội chúng làm là phải hoàn thành những điều này.
Cơ đốc nhân yêu hội thánh mà họ đang sinh hoạt. Nhưng điều quan trọng thực tế về hội thánh là: sẽ không bao giờ có một tòa nhà tốt, âm nhạc vừa ý, một chương trình sinh hoạt tốt, một mục sư và những người lãnh đạo tốt theo suy tưởng của chúng ta. Điều quan trọng nhất về hội thánh là nó phải chứa đầy tình yêu đích thực cho Chúa, cho người khác và cho những người bên ngoài mà cần biết về tình yêu, sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Tòa nhà nhóm họp có thể gần như trống rỗng, hoặc nó có thể chứa đầy người, nhưng không nên để cho nó trống vắng tình yêu thương. Tòa nhà chỉ là nơi chúng ta gặp nhau – đó không phải là hội thánh. Thậm chí cơ sở nhà thờ và mọi thứ khác có thể mất đi, nhưng nếu giữa vòng chúng ta có loại tình yêu của Đức Chúa Trời với nhau, chúng ta vẫn là một hội thánh phong phú và mạnh mẽ.
Hãy suy nghĩ về những gì mà Hội thánh quyền năng, yêu thương sẽ làm.
Trước khi ra đi giảng Tin lành, chúng ta sẽ: XIN – cầu nguyện, TÌM – tìm kiếm, GÕ – kiểm tra những gì có thể được làm. Rồi chúng ta sẽ làm bốn điều Chúa Jesus sai chúng ta:
1. ĐI. Chúng ta sẽ tổ chức, huấn luyện và hành động để đi vào thế giới – nơi nhiều người đang bị hư mất, họ không có Đức Chúa Trời.
2. MÔN ĐỒ HÓA. Chúng ta sẽ tìm kiếm những người sẽ sẵn lòng tiếp nhận sự dạy dỗ. Họ thuộc giai cấp hay thành phần nào trong xã hội thì không quan trọng. Điều này sẽ dẫn chúng ta đến với những người mà bị thế giới bỏ rơi: những người nghèo hoặc yếu đau hoặc đang ở trong tù. Họ bao gồm trẻ em và người cao tuổi, và tất cả mọi người khác – là những người đang có nhu cầu cần một ai đó chăm sóc họ bằng tình yêu. Những người này có thể không thích hoặc thậm chí ghét chúng ta. Chúng ta sẽ đến với họ bằng tình yêu của Đấng Christ.
3. LÀM BÁP-TEM. Mọi người đều được Chúa kêu gọi đầu phục đời sống của mình và vâng lời Ngài. Điều trước tiên cho thấy người đó thuộc về Chúa là chịu phép báp têm và trở thành thuộc viên của hội thánh, sẵn sàng làm việc cho Đức Chúa Trời.
4. HÃY DẠY HỌ LÀM TẤT CẢ NHỮNG GÌ CHÚA TRUYỀN. Giống như bài học này đã trình bày cho chúng ta!
GIỐNG NHƯ CÁC SỨ ĐỒ – LƯỚI CÁ, KHÔNG CÂU CÁ
SO SÁNH
Bắt cá với móc câu – Bắt cá với lưới.
Truyền giáo cho cá nhân – Môn đồ hóa cộng đồng
Tìm cách tiếp cận từng người một lần – Tìm cách tiếp cận các gia đình và cộng đồng
Nhấn mạnh một cách nhanh chóng vào sự công bố của đức tin – Nhấn mạnh vào các quyết định sâu sắc làm thay đổi cuộc sống.
Bắt đầu với lời mời Phúc âm – Bắt đầu với sự tham gia vào nhóm học Kinh Thánh.
Đôi khi môn đồ hóa là bước hai – Môn đồ hóa luôn luôn là bước một.
Sức mạnh của thuyết phục cá nhân – Quyền năng thuyết phục từ: Kinh Thánh, Chúa Thánh Linh, Tình yêu thương.
Tách cá nhân ra khỏi gia đình – Lồng ghép mọi người thông qua nhóm môn đồ hóa.
Được xem là chia rẽ, phá hoại – Bao gồm tất cả mọi người
Kích động sự phản đối mạnh mẽ – Giúp tránh sự phản đối
Đem Cơ đốc nhân ra khỏi xã hội – Làm cho Cơ đốc nhân trở thành người lãnh đạo cộng đồng.
Tạo ra thù hận đối với hội thánh và phúc âm – Đánh giá cao đối với hội thánh và phúc âm
Từ từ tuyển dụng và phát triển các nhà lãnh đạo – Nhanh chóng phát triển các nhà lãnh đạo
Kết quả tăng trưởng chậm – Kết quả tăng trưởng nhanh
Có xu hướng nản lòng và thất vọng – Có khuynh hướng vui vẻ và chiến thắng
🙂
Một số cách để quăng lưới
Chúng tôi tin cậy vào Chúa, Một Phút với Chúa, Những trại hè miễn phí, Những nhà tù.
Hướng dẫn những nỗ lực cộng đồng giữa các thiếu nhi với sự tôn trọng nhân cách của các em.
Cung cấp phim, các hội nghị, sự kiện cho phụ huynh và cộng đồng.
Cung cấp sự lãnh đạo thể thao cho thanh niên, dạy học thực tế cho tất cả mọi người, đặc biệt tổ chức các hội nghị về y tế, hướng dẫn cuộc sống gia đình, các chương trình cho người bị tổn thất, thiệt hại vì một lý do nào đó.
Giúp đỡ các quan chức dân sự và công nhân trong việc cải thiện đời sống địa phương.
Giúp đỡ các trường học và nhân viên của họ.
Xây dựng hội thánh như là tập thể các nhà lãnh đạo cho các dịch vụ tình nguyện của cộng đồng.
Các ví dụ từ Kinh Thánh: Phi-e-rơ và Cọt-nây, Chúa Giê-su và những người bạn của Xa-chê, Phao-lô và Si-la trong nhà tù, Ma-thi-ơ 28: 18-20
Những ví dụ hiện đại: Người Kekchi ở Trung Mỹ, Ấn Độ, Triều Tiên
RAO GIẢNG TÁC ĐỘNG ĐẾN NHỮNG LINH HỒN
Việc rao giảng mà tác động đến các linh hồn phải đưa ra một sứ điệp quan trọng, khẩn cấp và cá nhân. Bài giảng đến trực tiếp từ Lời và Thánh Linh của Đức Chúa Trời, nó không có chỗ cho sự tự hào cá nhân. Chúng ta hãy giảng rõ ràng bản văn Kinh thánh nói gì, không phải bằng cách sử dụng các câu Kinh Thánh một cách hời hợt để chứng minh quan điểm của chúng ta. Chúng ta phải làm ít nhất năm việc:
MỘT Tìm phần Kinh thánh có thông điệp mà cộng đồng của bạn cần nghe khẩn cấp. Bạn có thể tìm kiếm nó dựa trên nhu cầu khẩn cấp của giáo đoàn hoặc nó có thể là một sứ điệp mang tính cấp bách. Hãy khám phá ra nó trong suốt bài học của Kinh thánh. Nghiên cứu đoạn văn rất cẩn thận, viết xuống mọi điều liên quan đến trọng tâm của thông điệp. Đây sẽ là “nguyên liệu thô” của bạn cho bài giảng.
HAI Hãy suy nghĩ cẩn thận và sau đó nêu ra lý do chính rằng thông điệp này là quan trọng, khẩn cấp và cá nhân đối với mỗi người nghe. (Tại sao tôi phải chú ý đến sứ điệp của bạn?)
BA Luôn luôn nói với mọi người ngay từ đầu những gì bạn sẽ giảng và sau đó trình bày nó! Hãy nói rất rõ ràng trong việc phác thảo thông điệp của bạn để cả bạn và người nghe biết bạn đang đi đâu với hai hoặc ba ý chính. Chọn và chỉ sử dụng những chân lý để thuyết phục người nghe về lẽ thật chính. Mỗi điểm phải được dựa trên các yếu tố được tìm thấy trong bản văn Kinh Thánh. (Bạn đang cố gắng để nói với tôi cái gì?)
BỐN Minh hoạ mỗi điểm với những so sánh đơn giản hoặc các giai thoại thú vị. LƯU Ý: Những câu chuyện có thể đến từ: Kinh thánh, kinh nghiệm cá nhân của bạn hoặc của người khác. Không đặt thực phẩm sống trên bàn. Thay vào đó, nó phải được chuẩn bị tốt và hấp dẫn. (Ghi nhớ sự quan tâm của tôi và cho tôi biết thực tế về những gì bạn đang rao giảng).
NĂM Hướng dẫn thính giả của bạn về cách thực hiện những gì bạn đang giảng và mời họ làm điều đó. Bài giảng có thực tế như thế nào đối với mỗi người nghe? (Được rồi, tôi hiểu. Nhưng, tôi có thể làm gì sau bài giảng này và tại sao tôi muốn làm như vậy?)
LƯU Ý CUỐI CÙNG: Hãy chắc chắn rằng bạn tuân theo từng điều trong năm điều được liệt kê ở trên. Dành ít nhất ba ngày khác nhau để chuẩn bị bài giảng của bạn. Hoàn thành bài giảng cơ bản vào ngày đầu tiên và đánh bóng nó trong hai ngày tiếp theo – làm theo những thay đổi mà Chúa Thánh Linh chỉ cho bạn. Nếu đó là thông điệp của Đức Chúa Trời, Ngài cần thời gian để cho bạn biết chính xác những gì bạn phải giảng. Nếu đó chỉ là thông điệp của bạn, bạn có thể nhanh chóng có nó trong vòng một giờ hoặc ít hơn.
NĂM LỖI CHÚNG TA THƯỜNG PHẠM SAI LẦM KHI GIẢNG DẠY
1. Rao giảng những quan điểm của chúng ta, cố gắng chứng tỏ chúng bằng Lời của Đức Chúa Trời. Đây có lẽ là lỗi phổ biến nhất của chúng ta. Chúng ta nghĩ về chủ đề mà chúng ta sẽ giảng và tìm kiếm các câu Kinh Thánh để chứng minh ý kiến của chúng ta là đúng. Chúng ta quyết định sẽ đi tới đâu với thong điệp đưa ra chỉ là quan điểm của chúng ta chứ không phải của Chúa. Chúng ta trích dẫn các câu Kinh thánh, nhưng không bao giờ giải thích chúng một cách cẩn thận – chúng ta chỉ cố thuyết phục người khác về quan điểm của chúng ta. Những bài giảng như vậy không lớn hơn người giảng! (Ông truyền đạo thế nào thì bài giảng thế ấy)
Câu trả lời cho vấn đề này: Cẩn thận học đoạn Kinh Thánh, có thể là một hay nhiều câu, và tìm ra mọi điều mà Đức Chúa Trời muốn nói với dân sự Ngài. Quyết định sứ điệp chính của Chúa cho bài giảng là gì và đưa ra hai hoặc ba điều lớn nhất về thông điệp đó – đây sẽ là dàn bài của chúng ta.
2. Giảng những điều không quan trọng. Nhiều lời giảng rất yếu và không đáng kể vì chính nhà truyền giảng không thuyết phục được bản thân rằng ông có một sứ điệp quan trọng, khẩn cấp và cá nhân. Mỗi Chủ nhật đến và chúng ta phải rao giảng một điều gì đó cho những người có nhu cầu tiếp nhận thông điệp khẩn cấp của mình. Nếu chúng ta không gần gũi với Chúa và biết được tấm lòng của Ngài và nếu chúng ta không ý thức được nhu cầu khẩn cấp và bi thảm của dân sự, chúng ta sẽ thất bại thảm hại.
3. Không chỉ rao giảng tin tốt của Đức Chúa Trời cho thính giả. Vâng, chúng ta còn có tin xấu để rao giảng, đặc biệt là về tội lỗi và giá phải trả cho nó. Nhưng chúng ta không bao giờ thất bại khi giảng tin tốt, và kết thúc thông điệp của chúng ta bằng những tin tức tốt đẹp và mời người nghe áp dụng tin tốt lành cho họ.
4. Làm xao lãng hoặc mang lại cho giáo đoàn nhiều chi tiết không liên quan hoặc không quan trọng. Chúng ta sẽ tìm thấy nhiều chân lý trong đoạn Thánh Kinh, nhưng chúng ta phải nhấn mạnh một lẽ thật lớn lao từ đầu đến cuối. Tất cả các chi tiết chúng ta đề cập đến phải gia tăng lẽ thật tuyệt vời đó. Nếu không, hội chúng sẽ tự hỏi, “Điểm chính của bài giảng là gì?” và rồi họ về nhà cảm thấy trống rỗng.
5. Giảng những lẽ thật vĩ đại của Kinh thánh mà không bao giờ làm cho chúng trở nên thực tiễn. Ví dụ: Nếu chúng ta giảng về tình yêu của Chúa, làm thế nào để chúng ta giải thích nó một cách thực tế? Có lẽ chúng ta làm điều đó bằng cách mô tả tình yêu thiết thực của người mẹ dành cho con cái, nhưng tình yêu của Chúa còn vĩ đại, cá nhân và thiết thực hơn. Làm sao chúng ta rao giảng về sự chết do hậu quả của tội lỗi? Có thể kể những câu chuyện về những người mất tất cả vì họ để cho tội lỗi có được một chỗ đứng trong tâm trí và rồi cuối cùng nó phá hủy cuộc sống của họ. Chúng ta phải giảng những lẽ thật và giáo lý rất quan trọng, nhưng phải minh họa khéo léo đến nỗi các em thiếu nhi cũng có thể hiểu những gì chúng ta đang nói. Cũng hãy kể nhiều câu chuyện Kinh Thánh ngắn và các câu chuyện thực tế khác để minh họa lẽ thật này.
Dr. Ted Lindwall
Translated by Tuong Vi