Câu hỏi: Liệu Mác 16:9-20 có trong Kinh Thánh không?
Trả lời: Mặc dù phần lớn những văn bản Kinh Thánh chép tay tiếng Hy Lạp sau này có thêm Mác 16:9-20, Phúc Âm Mác lại kết thúc ở câu 8 trong hai bản Kinh Thánh cổ và đáng kính nhất, Codex Sinaiticus và Codex Vaticanus. Vì bản chép tay lâu đời nhất được cho là chính xác nhất bởi có ít hơn các thế hệ sao chép từ văn bản gốc (ví dụ như, những văn bản này gần thời gian với những văn bản gốc hơn), và các văn bản cổ nhất không có câu 9-20, chúng ta có thể kết luận rằng những câu này được các thầy thông giáo thêm vào sau đó. Bản dịch King James của Kinh Thánh, cũng như bản dịch King James Mới, đều có câu 9-20 bởi Vua James đã sử dụng bản thảo thời trung cổ làm cơ sở cho bản dịch. Tuy nhiên, từ năm 1611, các văn bản cổ và chính xác hơn được phát hiện và họ khẳng định rằng câu 9-20 không có trong văn bản gốc Phúc Âm Mác.
Thêm vào đó, các giáo phụ trong nhà thờ ở thế kỉ thứ 4 Eusebius và Jerome đã lưu ý rằng hầu hết tất cả các bản chép tay tiếng Hy Lạp mà họ có đều thiếu câu 9-20, mặc dầu họ biết chắc sự tồn tại của các phần kết khác. Trong thế kỷ thứ hai, Justin Martyr và Tatian đã biết những phần kết thúc khác. Cũng vậy, Irenaeus, vào những năm 150 đến 200 sau Công Nguyên, chắc phải biết đoạn kết dài này bởi vì ông đã trích dẫn câu 19 trong phần đó. Chính vì vậy, những giáo phụ trong hội thánh đầu tiên biết những câu được bổ sung, thậm chí vào thế kỷ thứ 4, Eusebius đã nói rằng các bản chép tay tiếng Hy Lạp không có phần kết thúc này trong văn bản gốc.
Bằng chứng nội tại từ phân đoạn này cũng tạo sự nghi ngờ về việc liệu Mác có phải là tác giả của sách. Có một điều, việc chuyển tiếp từ câu 8 sang câu 9 lại đột ngột và vụng về. Từ Hy Lạp dịch “bây giờ” bắt đầu trong câu 9 nên liên kết với những câu sau, giống như cách sử dụng từ “bây giờ” trong các sách Tin Lành cộng quan khác. Tuy nhiên, những câu sau không tiếp tục câu chuyện về những người phụ nữ được đề cập trong câu 8, mà mô tả Chúa Giê-xu hiện ra với Ma-ri Ma-đơ-len. Không có câu chuyển tiếp nào ở đó, nhưng chuyển đổi đột ngột và kì lạ, thiếu tính liên tục trong cách kể chuyện điển hình của Mác. Tác giả nên tiếp tục câu chuyện về những người phụ nữ đó dựa trên từ “bây giờ”, không chuyển ngay sang sự xuất hiện của Ma-ri Ma-đơ-len. Hơn nữa, việc để Mác giới thiệu về Ma-ri Ma-đơ-len ở đây giống như giới thiệu lần đầu (câu 9) thật lạ, vì bà đã được giới thiệu trong câu chuyện của Mác (Mác 15:40, 47, 16:1), một bằng chứng khác thể hiện rằng phân đoạn này không được viết bởi Mác.
Hơn nữa, từ vựng này cũng không phù hợp với sách Phúc Âm của Mác. Những câu cuối cùng không đọc giống như của Mác viết. Ở đây có mười tám từ chưa từng được Mác sử dụng ở bất kì chỗ nào, và cấu trúc cũng rất khác biệt với cấu trúc quen thuộc trong cách viết của ông. Tựa đề “Đức Chúa Giê-xu”, được sử dụng trong câu 19, chưa bao giờ được Mác sử dụng trong bất kì chỗ nào. Cũng vậy, các tham chiếu về những dấu lạ trong câu 17-18 cũng không xuất hiện trong bất cứ chỗ nào trong bốn sách Phúc Âm. Không có chỗ nào, về sự sống lại của Chúa Giê-xu đề cập đến bất kì cuộc thảo luận nào về các dấu lạ giống như bắt rắn, nói tiếng lạ, đuổi quỉ, uống chất độc, hay đặt tay trên người bệnh. Vì vậy, cả bằng chứng bên trong và bên ngoài, phân đoạn này xa lạ với Mác.
Trong khi kết thúc được thêm vào không cung cấp thêm thông tin mới, cũng không mâu thuẫn với những sự kiện/ hay giáo lý được bày tỏ trước đó, cả những bằng chứng bên trong và bên ngoài đều cho thấy chắc chắn rằng Mác không viết đoạn này. Trong thực tế, kết thúc sách Phúc Âm của mình ở câu 8 với việc mô tả sự kinh ngạc của những người phụ nữ tại hầm mộ là hoàn toàn phù hợp với toàn bộ câu chuyện. Sự kinh ngạc về Chúa Giê-xu dường như là chủ đề của sách Mác. “Họ ngạc nhiên về sự giảng dạy của Ngài” (Mác 1:22); “Ai nấy đều lấy làm lạ đến nỗi hỏi nhau” (Mác 1:27); “Ngài chữa lành kẻ bại, đến nỗi ai nấy đều lấy làm lạ và ngợi khen Đức Chúa Trời mà rằng: Chúng tôi chưa từng thấy việc thể này” (Mác 2:12). Sự kinh ngạc về công việc của Chúa Giê-xu được bày tỏ xuyên xuốt trong các câu chuyện của Mác (Mác 4:41; 5:15, 33, 42; 6:51; 9:6, 15, 32; 10:24, 32; 11:18; 12:17; 16:5). Tuy nhiên, một vài, hoặc thậm chí một trong những thầy thông giáo đầu tiên dường như đã không hiểu sự rõ ràng của chủ đề và cảm thấy cần thêm một kết thúc thông thường hơn vào đó.
Nguồn: https://www.gotquestions.org/Viet/