http://baotreonline.com
Một chàng trai post ảnh lên mạng xã hội khoe: “Vừa có người khen tớ có nụ cười tỏa nắng!” Vài giây sau, một cô gái xinh đẹp mừng rỡ chạy vào bình luận: “Ôi thế thì may quá! Mấy nay trời mưa quá, em đang lo về một đống quần áo phơi mãi không khô đây. Anh sang nhà cười hộ mấy hôm nhé!”
Cười cũng có nhiều loại, cười mỉm chi, cười xã giao, cười gằn, cười hả hê, cười châm chọc, cười tỏa nắng, cười cho… vui! Không những kiểu cười mà định nghĩa từng loại cười cũng khác nhau. Ví dụ như nụ cười tỏa nắng là nụ cười được báo chí, truyền thông, các tác giả “xem trọng” nhất. Có nhiều định nghĩa cho rằng nụ cười ấy phải đi kèm với hàm răng trắng đều, đôi môi xinh đẹp, hoặc khuôn mặt “ăn hình”. Nhưng theo tôi nghĩ, chỉ cần một nụ cười rạng rỡ, thật lòng, truyền ra cho mọi người biết niềm vui của chủ nhân là đủ tỏa nắng rồi.
“Công hiệu” của nụ cười.
Theo… thời giá, giá trị của nụ cười ngày càng sa sút. Không còn những “nụ cười mỹ nhân” cứu nước lẫn làm mất nước (truyện Tàu thường có câu “nhất tiếu khuynh thành”), hay nụ cười khiến khoa học nhức đầu của nàng Mona Lisa (Vào năm 1962, bức tranh Mona Lisa của Leonardo Da Vinci đã được bảo hiểm với giá 100 triệu USD. Ðến nay, số tiền đó tương ứng với hơn 700 triệu USD và trở thành bức họa đắt nhất thế giới).
Nụ cười chính là chìa khóa thần kỳ cho nhiều mối quan hệ, cứu rỗi nhiều cuộc đời, tạo nên những siêu sao danh tiếng ( nên khi mọi người thi nhau mua bảo hiểm cho chân, tay, mông, ngực thì cô diễn viên gạo cội Julia Roberts – bảo hiểm nụ cười 30 triệu USD.) Nụ cười không chỉ giúp làm… khô quần áo như nụ cười tỏa nắng đầu bài viết, mà những nụ cười còn có thể giúp nhiều người tự tin, kết nối nhiều mối quan hệ trong cuộc sống. Ví dụ như với người quen, bạn thân thiết, nụ cười của bạn như càng thêm khẳng định sự thân thiết, vững bền. Với kẻ thù, đối thủ thì nụ cười của bạn sẽ khiến họ dè chừng hơn. Còn khi bạn cười tỏa nắng với người lạ, họ sẽ cảm thấy bạn nổi bật hơn so với những người lạ khác xung quanh, mặc kệ sau khi thấy bạn cười họ sẽ nghĩ bạn thân thiện, bạn có ý đồ hay bạn muốn lừa họ (hoặc nghĩ bạn bị điên)… Cuộc sống mà, đâu thể bắt người khác luôn nghĩ tốt về mình!
Chuyện gì cũng có nhiều mặt trái ngược nhau. Không phải lúc nào nụ cười cũng khiến người khác thấy được thiện chí và mang lợi ích đến cho chủ nhân của nó. Bởi vậy chúng ta mới có câu “chết cười”. Người chết vì cười không phải chết do bị… phỏng bởi sự… tỏa nắng của nụ cười chính mình. Họ chết vì cười quá trớn, không ngừng được dẫn tới suy tim, biến chuyện vui thành chuyện buồn. Ví dụ năm 263, trước Công Nguyên nhà thơ Hy Lạp Philemon đã chết do cười vì một câu chuyện cười của mình. (Tôi đã cố tìm hiểu câu chuyện cười này nhưng không thấy). Hay ngày 24 tháng 3 năm 1975, Alex Mitchell, một thợ xây người Anh 50 tuổi xem chương trình hài kịch “The Goodies” trên truyền hình rồi cười liên tục trong 25 phút và chết vì nhồi máu cơ tim. Hoặc gần đây nhất, năm 2003, Damnoen Saen-um, một người bán kem ở Bangkok, Thái Lan bật cười trong khi ngủ. Ông cười liên tục trong hai phút và khi vợ thức dậy thì ông đã chết… (Nếu có hứng thú, bạn có thể tìm hiểu thêm những nhân vật chết (vì) cười ở google, rất là nhiều. Ða số là nhà… thơ!)
Không những gây chết người, nụ cười còn tạo ra những án oan khuất khó nói nên lời. Không ít người đã bị chết vì “hung thủ” hiểu lầm, dẫn đến chướng mắt với nụ cười của khổ chủ. Nói đến hiểu lầm, phải cho luôn hai từ này vào “danh sách đen”, đen không phải vì quý hiếm mà đen vì nguy hiểm. Vì gần đây rất nhiều người ở Việt Nam bị đánh, bị giết vì hai chữ “hiểu lầm” này. Bạn tưởng tượng được không? Một người cha đang dẫn con đi chơi bị “lụi” chết vì bị “hiểu lầm” là kẻ bắt cóc con nít. Một người đàn bà trung niên cho trẻ lang thang ăn cũng bị đánh “hội đồng” vì bị “hiểu lầm” là môi giới bán nội tạng trẻ em. Hai thanh niên đi tìm nhà bạn gái, nhờ lũ trẻ trong làng chỉ đường thì bị dân làng vây đánh cũng vì “hiểu lầm”. Ba vụ trên đều mới xảy ra từ Tết Nguyên đán 2019 đến nay.
Cách đây vài năm, một bạn gái đi mua hủ tiếu bị đâm chết vì… cười, bởi kẻ sát nhân “hiểu lầm” cô gái kia cười mỉa hắn. Khi bạn sống ở xã hội mà người ta sợ nhau hơn là tin nhau thì mọi việc tốt đều rất dễ bị hiểu lầm là xấu và mọi ý nghĩ xấu luôn có dịp sinh sôi. Ðôi khi một nụ cười cũng sẽ trở thành con dao lấy đi tính mạng của chủ nhân nó. Không phải vì đạo lý, không phải do pháp luật, không phải tại cái số, đôi khi chỉ do… “hứng” của một kẻ nào đó mà bạn có thể không còn nở được bất kỳ nụ cười nào nữa!
Không chỉ là những hiểu lầm vì các nụ cười ngoài cuộc sống thực. Con người thời đại 4.0 còn rắc rối với cả những nụ cười “ảo”, Nụ cười lúc này không phải là nụ cười trên môi bạn nữa, chúng là những nụ cười được tạo ra từ bàn phím và màn hình smartphone nhưng đôi khi “uy lực” vượt xa những nụ cười “bằng xương bằng thịt”. Vì cười ở cuộc sống thật còn có thể chia ra là cười chia sẻ, cười khinh bỉ, cười thân thiện… còn cười trên mạng chỉ là một cái icon vô tri, mạnh ai nấy… hiểu. Ví dụ như khi bạn bè của bạn đăng tin buồn mà bạn lỡ tay nhấn nhầm nút “haha” (tỏ ý vui vẻ) vào bài đăng đó. Hoặc ví dụ khi bạn kể một câu chuyện cười bằng những từ ngữ, câu cú mỉa mai nhưng bạn của bạn là một “thanh niên nghiêm túc” luôn hiểu vấn đề theo chiều thẳng tưng. Sau những hiểu lầm ngày một chất chồng, không ai có cảm giác muốn giải thích, vì không rảnh, vì không bỏ được mặt mũi, vì không bỏ được tự tôn… Thế là xa nhau, vì cười mà mất bạn, mất người yêu, mất đối tác… thậm chí mất luôn nụ cười.
Riêng chuyện bị hiểu lầm vì cười ngoài đời lẫn trên mạng, tôi tự tin bản thân là người rất có… kinh nghiệm trong “lĩnh vực” này. Không chỉ mới đây thôi mà từ hồi xưa, xưa dữ lắm. Tuy tôi chưa gây chết người, cũng chưa bị người ta quánh chết vì cười lần nào nhưng cũng có những “thiệt hại” khó mà bù đắp ngoài việc mất vài… chục người bạn thật và ảo.
Xin bật mí một bí mật không được “kín kẽ” cho lắm, nụ cười cũng là một trong những nguyên nhân khiến tôi… ế tới bây giờ. Vì để tiết kiệm… giấy, chỉ xin kể vài mẩu chuyện nhỏ rải rác cuộc đời mình, nếu quý vị có hứng thú xin hãy nhắn cho tôi biết đường mà kể tiếp:
– Lúc tôi chừng bảy, tám tuổi. Xóm tôi có bà Hạnh sáng bán bánh canh chiều bán chè, sirô đá bào (đá bào nhỏ rồi xịt sirô lên trên). Bánh canh của bà Hạnh không ngon nên hay ế nhưng sirô đá bào thì lại rất ngon (Chỉ là nước đường và phẩm màu, nhưng con nít mà!). Một hôm tôi đi học về, cũng đã là giờ ăn trưa, đi ngang tiệm bánh canh bà Hạnh, tôi cười xã giao với bả rồi về vì nghĩ chắc cũng… thân. Chỉ có như thế thôi. Không ngờ, chừng hai tiếng sau, bà Hạnh qua nhà tôi mắng vốn với người lớn. Bảo tôi cười mỉa mai bả bán ế, mốt bả không bán thứ gì cho tôi ăn nữa. Cũng vì chuyện này mà cháu bà Hạnh bị cấm chơi với tôi. Tôi đã khóc vì oan ức và tiếc rẻ phần sirô đá bào mỗi xế trưa đến tận khi tìm được chỗ bán sirô đá bào khác mới nguôi ngoai. Tuy chuyện này không được xem là lớn đối với bất kỳ ai, nhưng với tôi nó như một “vết thương lòng”. Vì vậy tôi mới nhớ đến giờ.
– Lúc tôi chừng mười mấy tuổi. Ðương tuổi mới biết rung rinh. Tôi và cô bạn thân thích một anh chàng “soái ca” trong xóm. Ban đầu, chàng cũng rất thích tôi, hay quan tâm và mua quà tặng tôi. Nhưng khi chàng tỏ tình thì tôi từ chối vì còn học, bảo ra trường rồi tính. Hai người cứ như thế mà “tình trong như đã mặt ngoài còn e” suốt hai năm trời trước sự chứng kiến của cô bạn thân, đùng một cái chàng bị tai nạn giao thông. Tôi và cô bạn thân vào thăm. Vì thường ngày tính cách tôi khá vô tư, hay đùa với chàng nên khi thấy chàng tay chân băng bó một cục, mỏ sưng vêu, không phải không lo lắng nhưng có lẽ vì bất ngờ hay lý do nào đó mà tôi lại bật… cười. Còn cô bạn tôi khi thấy cảnh đó lại khóc òa lên rồi… xỉu. Sau khi chàng ra viện chừng nửa năm, họ (chàng và cô bạn thân tôi) cưới nhau, giờ đã có 3 đứa con.
– Cách đây vài hôm. Tôi đi ăn phở, quán đang đông nên mạnh ai nấy “điền vào chỗ trống”, chẳng ai được có bàn riêng. Một vị khách nam vô sau phải ngồi chung bàn với tôi và hai người khách nữa. Lúc đang ăn thì vị khách nam có video call từ bạn gái hoặc vợ ảnh. Không biết bên kia nói gì mà ảnh hét lên thảng thốt giữa quán:
– Anh đang ăn phở…
Có những người, chỉ một cử chỉ liền vụt sáng thành ngôi sao. Anh chàng này là thế, chỉ một câu đủ khiến các khách hàng trong quán phải ngoái nhìn ảnh. Tôi ngồi kế bên, chịu đựng nhiều nhất, nên cũng hết hồn quay qua nhìn. Vô tình thấy trong video, mặt của chị vợ/người yêu anh này có vẻ căng, vì phép lịch sự mà tôi cũng cười gượng một cái coi như là chào hỏi. Cuộc sống mà, ra đường phải lễ phép. Không hiểu sao, cô kia bỗng dưng hỏi dồn dập:
– Anh ăn với ai đó? Con nào đó…
Câu này cũng không nhỏ, và “thiên thời địa lợi nhân hòa” là vẫn còn đương lúc cả quán cùng nhìn về một hướng nhìn anh khách nam tội nghiệp này. Như đã nói, vì rõ ràng ảnh vô sau tôi, nên ai cũng biết là ảnh tới quán quả tình ăn phở chớ hông phải dắt phở – là tôi đi ăn. Anh ta gật đầu nhẹ với mọi người rồi cầm điện thoại đi ra ngoài nghe máy tiếp…
… Sau một phút ngơ ngơ ngẩn ngẩn, tôi chợt nhận ra hình như nụ cười hữu nghị của mình vừa “thắp sáng” một gia đình! Xem ra, sắp tới, thay vì tìm cách lái xe bằng hơi nước, bằng không khí thì hãy nghiên cứu cách lái xe bằng… nụ cười xem sao?
DU UYÊN