Trang Chủ BIỆN GIÁO Life Sentences- March 2020 (33-37)

Life Sentences- March 2020 (33-37)

732
0
SHARE

Bài 33

RÔ-BÔ-AM

Rô-bô-am làm điều ác,

vì không rắp lòng tìm cầu Đức Giê-hô-va.

2 Sử ký 12:14

Khi tìm hiểu về lịch sử nước Anh, bạn sẽ sớm nhận ra nhiều vị vua không chỉ có một con số gắn liền với tên mà họ còn có biệt danh. Richard đệ nhất còn được gọi là Richard Dũng Cảm, và William đệ nhất thì có biệt danh là William Nhà chinh phạt. Bạn nghe nói về Edward Tử vì đạo, Edward Người bị đày ải, và Edward Người xưng tội. Tuy nhiên, nhà vua mà tôi  chú ý đến đó là Ethelred đệ nhị, người đã cai trị Anh Quốc từ năm 978 – 1016 và được gọi là Ethelred Người Chưa sẵn Sàng. Từ “chưa sẵn sàng” này được dịch từ chữ redeles trong tiếng Anglo-Saxon có nghĩa là “không có sự cố vấn.” (Từ “ready” – sẵn sàng – trong tiếng Anh có nguồn gốc từ chữ rede.) Khi người Đan Mạch tấn công nước Anh, Ethelred đã không lắng nghe lời cố vấn từ những nhà quý tộc mà quyết định mặc cả với kẻ thù. Ông đã lập ra một loại thuế mới tại Nước Anh để bóc lột dân chúng và mua chuộc người Đan Mạch. Nhưng sự việc không thành. Các nhà quý tộc hai lần từ bỏ nhà vua, và cuối cùng, người Đan Mạch xâm chiếm đất nước. Đáng lý Ethelred phải lắng nghe những cố vấn của mình để trở thành Ethelred Người sẵn sàng.

Câu chuyện lịch sử này khiến tôi nhớ đến vua Rô-bô-am, con Sa-lô-môn và cháu Đa-vít. Ông cũng là người đã bác bỏ lời khuyên của các trưởng lão mà lấy trộm các tài vật từ trong đền thờ của Đức Chúa Trời để mua chuộc Si-sắc, vua Ai Cập. Tôi không biết Rô-bô-am đã làm gì trong những năm tháng vua cha Sa-lô-môn đang trị vì, nhưng đến khi lên ngai, Rô-bô-am đã không được chuẩn bị và không biết đưa ra các quyết định đúng đắn. Ông chính là Rô-bô-am Không Có cố vấn.

Với những trải nghiệm của “Rô-bô-am Không Có cố vấn” chúng ta hãy cùng xác định những điều cốt yếu cho sự lãnh đạo hiệu quả. Làm thế nào để trở nên một người sẵn sàng để Chúa sử dụng?

TÌM KIẾM CHÚA

Trước giả sách Sử ký đã khẳng định Rô-bô-am “không rắp lòng tìm cầu Đức Giê-hô-va” (2 Sử ký 12:14). Tìm cầu Chúa nghĩa là tin cậy Chúa, mong muốn có mối tương giao với Chúa và làm đẹp lòng Ngài trong mọi sự. Điều này đòi hỏi phải có sự cầu nguyện, sự thờ phượng và suy ngẫm Lời Chúa. Nghĩa là chúng ta đói khát Chúa như khi chúng ta đói khát thức ăn và nước uống. Điều này sẽ dẫn chúng ta đến sự vâng phục và trải nghiệm cá nhân với Chúa một cách liên tục, khiến Chúa có thể uốn nắn và dẫn dắt chúng ta.

Khi đem hòm giao ước trở về Giê-ru-sa-lem, Đa-vít đã viết một Thi thiên đặc biệt để cảm tạ Đức Chúa Trời về sự kiện này. Bài thánh thi được chép lại trong 1 Sử ký 16 có đoạn: “Hãy lấy danh thánh Ngài làm vinh; phàm ai tìm cầu Đức Giê-hô-va, khá vui lòng!  Phải tìm cầu Đức Giê-hô-va và sức mạnh Ngài, phải tìm mặt Ngài luôn luôn” (c. 10-11). Khi chuẩn bị cho Sa-lô-môn kế vị ngai vàng, Đa-vít đã nói rằng: “Vậy bây giờ, hãy hết lòng hết ý tìm cầu Giê-hô-va Đức Chúa Trời của các ngươi” (1 Sử ký 22:19). Đã có ai dạy cho Rô-bô-am biết về những sự kiện trên không? Đã có ai cố gắng dạy dỗ Rô-bô-am và nhận thấy ông không sẵn lòng lắng nghe? “Người nào tìm cầu Đức Giê-hô-va sẽ chẳng thiếu của tốt gì.” Đã bao giờ Rô-bô-am từng đọc những lời của Đa-vít trong Thi thiên 34:10?

Một người tìm cầu Chúa nghĩa là họ phải hướng lòng về Chúa và không hai lòng. Động từ “tìm cầu” trong 2 Sử ký 12:14 nghĩa là cố định, xác định, không phải là sự dao động. Đa-vít đã viết rằng: “Hỡi Đức Chúa Trời, lòng tôi vững chắc; Tôi sẽ hát, phải, linh hồn tôi sẽ hát ngợi khen. (Thi thiên 108:1). Sa-lô-môn biết những bài học cá nhân mà Đức Chúa Trời đã dạy dỗ cho Đa-vít bởi vì Đa-vít đã kể lại cho ông (1 Sử ký 28; 1 Các vua 8:15-21), nhưng đã có ai kể cho Rô-bô-am về di sản thuộc linh đồ sộ này? Mẹ của Rô-bô-am là một người Am-môn (1 Các vua 14:21, 31), bà có lẽ là một trong số các “bà vợ ngoại giao” của Sa-lô-môn, và có lẽ bà đã góp phần đẩy Sa-lô-môn vào việc thờ lạy hình tượng. Có lẽ Sa-lô-môn đã quá bận rộn với tất cả dự án và công việc nên không thể chuẩn bị con trai mình cho sự lãnh đạo. Song không nghi ngờ gì, đứa con này đã dành nhiều thời gian ở với người mẹ của mình. Bà có thể dạy cho con mình được điều gì tốt đẹp?

Người lãnh đạo phải là người rất nổi tiếng của công chúng, tuy nhiên điều quan trọng nhất trong đời sống người đó là Đức Chúa Trời nhìn thấy những gì. Và những điều Chúa mong muốn nhìn thấy thì Rô-bô-am không có. Quốc gia thay đổi, người lãnh đạo thay đổi, hoàn cảnh thay đổi, nhưng Đức Chúa Trời muôn đời không bao giờ thay đổi và Ngài muốn dân sự Ngài học biết: “từ đời nầy qua đời kia Chúa là nơi ở của chúng tôi” (Thi thiên 90:1).

VÂNG THEO Ý MUỐN CHÚA

Theo tục lệ, vị vua mới của Y-sơ-ra-ên sẽ nhắc lại giao ước với Chúa và dân sự trong lễ đăng quang, ông hứa sẽ trung tín vâng theo luật pháp Chúa và phục vụ quốc gia. Sa-lô-môn được xức dầu làm vua tại Ghi-hôn trên núi Si-ôn, tuy nhiên vì biết đất nước có sự chia rẽ, Rô-bô-am chọn đi đến Si-chem trong chi phái Ép-ra-im. Hành động này sẽ làm hài lòng mười chi phái phía bắc là những người đã mất bảy năm mới có thể chấp nhận Đa-vít, và giờ đây dưới sự dẫn dắt của Giê-rô-bô-am, họ đang đứng lên phản kháng chế độ cai trị nặng nề của Sa-lô-môn (1 Các vua 11:26-40). Dân sự đang đứng bên bờ vực của một cuộc khởi nghĩa để thành lập một vương quốc mới, ứng nghiệm lời tiên tri của A-hi-gia. Từ Ai Cập, Giê-rô-bô-am trở về để xin vua giảm bớt gánh nặng thuế khóa, nghĩa vụ lao động và nghĩa vụ cung cấp lương thực cho hoàng tộc và ngựa của nhà vua. Rô-bô-am lắng nghe và hứa sẽ trả lời trong ba ngày. Phải chi ông tìm cầu Chúa, chắc hẳn ông đã có câu trả lời đúng đắn cho dân sự.

Vị vua mới cầu hỏi ý kiến của các quan chức trong cung, họ là những trưởng lão biết rõ các công việc quản trị nội bộ của vua Sa-lô-môn. Chúng ta có thể thấy nội các của Sa-lô-môn trước đây có sự chuẩn bị để làm việc với vị vua mới. Tuy nhiên, Rô-bô-am thay đổi cung cách làm việc. Thay vì nghe theo các trưởng lão, nhà vua đã quay lưng lại với họ. Ông muốn nghe các lời nói hợp với lỗ tai của mình từ những người trẻ tuổi.

Tôi có ấn tượng rằng Rô-bô-am dành nhiều thời gian chơi đùa cùng các bạn trẻ của mình hơn là dành thời gian học hỏi từ các trưởng lão khôn ngoan của đất nước. Đây không phải là vấn đề hai thế hệ khác nhau, nhưng chính là vấn đề thuộc linh. Tuổi tác không đảm bảo cho sự khôn ngoan, nhưng tuổi trẻ cũng không đồng nghĩa với sự ngu ngốc. Giô-sép, Đa-vít, Đa-ni-ên và những người bạn của ông là những người đã có những quyết định khôn ngoan khi còn trẻ. “Ai giao tiếp với người khôn ngoan, trở nên khôn ngoan; nhưng kẻ làm bạn với bọn điên dại sẽ bị tàn hại” (Châm ngôn 13:20). “Hãy nghe lời khuyên dạy, và tiếp nhận sự giáo hối, để con được khôn ngoan trong lúc cuối cùng” (Châm ngôn 19:20). Những nguyên tắc trong Kinh Thánh không hề lỗi thời và hoàn toàn đúng đắn với mọi thế hệ, tuy nhiên Rô-bô-am đã phớt lờ.

CHĂM LO CHO DÂN SỰ CHÚA

Ba ngày sau, các phái đoàn đến gặp vua, Rô-bô-am chỉ quan tâm đến việc họ tôn trọng thẩm quyền và chấp nhận quyết định của vua. Ông quên (hoặc chưa từng học được) rằng lãnh đạo hiệu quả cần có tầm vóc lẫn thẩm quyền, còn Rô-bô-am chỉ là một người nhỏ bé, không phải là người khổng lồ. Đa-vít, ông nội của Rô-bô-am, đã đánh bại nhiều kẻ thù và chiếm được tấm lòng của dân sự, và thậm chí Sa-lô-môn cũng được cả đất nước tôn trọng vì sự khôn ngoan và những thành tựu ông đạt được, thế còn Rô-bô-am là ai? Thậm chí ông còn không có tiếng nói bởi vì ông chỉ là tiếng vọng của những người bạn mình. Vị vua này nghĩ rằng chế độ độc tài chuyên chính sẽ làm dân sự ấn tượng, nhưng không, chúng chỉ khiến họ thêm chống đối. Chẳng phải Sa-lô-môn đã từng viết về những lời nói khắc nghiệt sao? “Lời đáp êm nhẹ làm nguôi cơn giận; còn lời xẳng xớm trêu thạnh nộ thêm” (Châm ngôn 15:1). “Lời của miệng người khôn ngoan có ơn; nhưng môi của kẻ khờ dại lại nuốt lấy nó” (Truyền đạo 10:12).

Đa-vít nhìn thấy dân Y-sơ-ra-ên như một đàn chiên, và người chăn thì không đánh đuổi, cũng không đánh chiên bằng roi. Ông yêu thương và dẫn dắt dân sự. Sa-lô-môn cũng bắt đầu triều đại của mình bằng thái độ trên, nhưng sau khi hoàn thành đền thờ, thái độ của ông thay đổi, nhà vua bắt đầu “sử dụng” dân sự để hoàn thành những kế hoạch của mình. Tệ hơn nữa, Rô-bô-am đã không bắt chước tấm gương của ông nội mình.

Các trưởng lão đã cố vấn cho Rô-bô-am trở nên một người phục vụ (1 Các vua 12:7), nhưng nhà vua muốn người dân phục vụ hơn, còn mình thì chỉ đạo. Khi Con Trời đến thế gian, Ngài đã đến như một tôi tớ và Ngài đã làm gương cho chúng ta noi theo (Phi-líp 2:1-10). Khi chúng ta phục vụ cho một người nhỏ nhất cũng có nghĩa là chúng ta đang phục vụ Chúa (Ma-thi-ơ 25:31-46). Trong gia đình của Đức Chúa Trời, chúng ta lãnh đạo bằng sự phục vụ và nhận lãnh bằng sự ban cho. Thế gian không hiểu điều này, nhiều người tuyên xưng là người tin Chúa cũng phớt lờ, nhưng đây vẫn luôn là phương cách mà Đức Chúa Trời hành động. Rô-bô-am không phục vụ dân sự nên hậu quả là ông phải hầu việc cho vua Ai Cập mà thậm chí ông phải trả tiền cho vua Ai Cập để được làm điều đó!

HÃY NHỚ SỨ MẠNG CỦA MÌNH

Đức Chúa Trời lựa chọn dân tộc Do Thái để trở nên đầy tớ của Ngài giúp đem lẽ thật vào thế gian – lẽ thật về một Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật, lẽ thật Kinh Thánh, và Đấng Mê-si chính là lẽ thật. Mỗi một đặc ân mà Đức Chúa Trời ban cho dân tộc này chính là cách thức trong ân sủng Chúa để giúp họ hoàn thành trách nhiệm của mình. Họ là một dân biệt riêng khỏi thế gian và thậm chí bị thế gian bắt bớ, nhưng họ có một sứ mệnh quan trọng. Mỗi khi quên đi sự kêu gọi lớn và thánh, người lãnh đạo đất nước đã khiến cho chính mình và dân sự của ông lâm vào khủng hoảng, và Đức Chúa Trời buộc phải trừng phạt họ.

Ngài đã trừng phạt Rô-bô-am. Khi Rô-bô-am sai A-đô-ram, một quan chức lớn tuổi nhất và đáng tin cậy nhất của mình đi đàm phán với Giê-rô-bô-am và dân sự của ông, họ đã ném đá A-đô-ram đến chết, và đây chính là dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng đang nổ ra. Như lời tiên tri A-hi-gia đã báo trước, đất nước bị chia cắt thành vương quốc Giu-đa và Bên-gia-min ở phía nam (1 Các vua 12:23) và vương quốc phía bắc bao gồm mười chi phái còn lại. Lẽ ra Rô-bô-am đã làm vua của một đất nước vĩ đại, nhưng kết cuộc, ông chỉ cai trị hai chi phái. Lẽ ra đất nước đã có được hòa bình, nhưng kể từ đó trở đi, giữa Y-sơ-ra-ên và Giu-đa luôn xảy ra chiến tranh và tranh chấp biên giới (1 Các vua 14:30).

Vương quốc Giu-đa có đền thờ và chức vụ tế lễ của người Lê-vi, tuy nhiên Rô-bô-am cũng cho phép dân sự lập các hình tượng ngoại giáo và ông thậm chí đã đến các nơi cao cùng với các người nam mại dâm phục vụ trong đền miếu (1 Các vua 14:22-24). Đến đây, chúng ta có nhìn thấy ảnh hưởng từ người mẹ ngoại bang của vua không? Năm thứ năm đời trị vì của vua Rô-bô-am, Chúa sai vua Ai Cập đến xâm lược và cướp đi những vật báu từ trong đền thờ, trong đó có các tấm khiên bằng vàng rất đắt giá của vua Sa-lô-môn (1 Các vua 10:16-17; 14:25-28). Sự việc này xảy ra không khiến cho Rô-bô-am hạ mình, ông không có điều gì thay đổi. Háo hức muốn giữ thể diện, Rô-bô-am đã dùng các khiên bằng đồng để thay thế cho các khiên đã mất, những lính bảo vệ sẽ vác các khiên này khi vua vào đền thờ. Dần dần, mọi thứ trong vương quốc trở nên mất giá trị, và chỉ bởi giao ước giữa Đức Chúa Trời với Đa-vít mà Ngài không tận diệt vương quốc này.

Qua đây, có một thông điệp gửi đến cho Hội Thánh ngày nay. Đức Chúa Trời ban cho chúng ta sứ mệnh đặc biệt đó là đem tin mừng của Đức Chúa Giê-su Christ đến với thế giới hư mất, và những người lãnh đạo cần phải làm gương và khích lệ dân sự noi theo. Khi Hội Thánh trở nên giống như thế gian thì không thể đến với thế gian cách hiệu quả được. Phải chăng chúng ta vẫn còn những tấm khiên bằng vàng, hay các khiên ấy được làm từ đồng thau hoặc giấy? Phải chăng chúng ta chỉ giữ thể diện của mình?

Rô-bô-am là thế hệ thứ ba bắt đầu từ Đa-vít, nhà sáng lập vương triều lẫn vương quốc, nhưng thường thì thế hệ này chính là thế hệ làm cho mọi thứ sụp đổ. Tôi đã nhìn thấy điều này xảy ra nơi thương trường, các mục vụ liên hệ phái, các tổ chức tình nguyện, và đặc biệt là ở các Hội Thánh. Đây chính là thế hệ người Do Thái thứ ba kể từ cuộc chinh phục xứ Ca-na-an (Các quan xét 2:6-15) cũng như là thế hệ thứ ba trong vương triều của nhà Đa-vít. Đã có nhiều Hội Thánh và các mục vụ liên hệ phái bắt đầu sụp đổ kể từ thế hệ lãnh đạo thứ ba. Nếu chúng ta không vâng lời dạy trong 2 Ti-mô-thê 2:2, điều này sẽ tiếp tục xảy ra: “Những điều con đã nghe nơi ta ở trước mặt nhiều người chứng, hãy giao phó cho mấy người trung thành, cũng có tài dạy dỗ kẻ khác.” Thành công hay thất bại đều phụ thuộc vào sự lãnh đạo, và người lãnh đạo cần được trang bị để lãnh đạo.

Sa-lô-môn viết trong Truyền đạo 2:18-19 rằng: “Ta cũng ghét mọi công lao ta đã làm ở dưới mặt trời, vì phải để lại cho người sau mình. Vả, ai biết rằng người ấy sẽ khôn ngoan hay là ngu dại?” Chúng ta biết rằng người con của Sa-lô-môn là ngu dại – và chúng ta cũng nên lưu ý không noi gương xấu của Rô-bô-am. Nếu chúng ta không biết về quá khứ và hiểu về thực tại thì chúng ta không thể lãnh đạo con người đi vào tương lai.

 

Bài 34

 

Ê-LI

“Lạy Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên… tôi là kẻ tôi tớ Ngài”

1 Các vua 18:36

Tên Ê-li có nghĩa là “Giê-hô-va là Đức Chúa Trời của tôi.” Điều này rất quan trọng, hãy ghi nhớ.

Trong đời vua A-háp và người vợ độc ác của ông, Giê-sa-bên, chỉ có Ê-li và bảy ngàn người Y-sơ-ra-ên khác mới có thể chân thành nói rằng: “Giê-hô-va là Đức Chúa Trời của tôi.” Gần như cả vương quốc Y-sơ-ra-ên đều thờ thần Ba-anh. Hoàng hậu Giê-sa-lên là công chúa vua Si-đôn, người đã đem thần tượng Ba-anh đến Y-sơ-ra-ên khi kết hôn cùng A-háp, và bà yêu cầu dân Y-sơ-ra-ên phải thờ phượng thần tượng của bà. Bà giết các tiên tri chân thật của Đức Giê-hô-va và dùng ngân sách nhà nước để cung cấp cho hàng trăm thầy tế lễ và tiên tri giả của thần Ba-anh cùng vợ của thần Ba-anh, nữ thần của Át-tạt-tê. Đất nước Y-sơ-ra-ên chính thức bội đạo.

Tại sao dân sự lại muốn thờ lạy thần Ba-anh trong khi chính Giê-hô-va Đức Chúa Trời mới là Đấng họ cần? Ba-anh và Át-tạt-tê là những hình tượng do con người dựng nên, nhưng Đức Giê-hô-va mới chính là Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật. Câu chuyện của Ê-li là một câu chuyện kể về Đức Chúa Trời, và từ những điều Ê-li nói và làm, chúng ta sẽ cùng khám phá Giê-hô-va Đức Chúa Trời thật sự là ai.

ĐỨC CHÚA TRỜI THÀNH TÍN VỚI GIAO ƯỚC NGÀI

Đất thuộc về Chúa, và dân sự được phép sống và hưởng lợi trên đất ấy miễn là họ tôn trọng các điều khoản của giao ước Chúa. Họ biết những điều khoản ấy là gì và Chúa sẽ làm gì nếu họ vi phạm các điều khoản ấy, chính vì thế việc dân sự thờ phượng thần tượng là không thể bào chữa được. Một điều khoản trong giao ước đó chính là Đức Chúa Trời sẽ không ban mưa nếu dân sự không thờ phượng một mình Ngài là Đức Chúa Trời. Nếu dân sự thờ lạy hình tượng, Đức Chúa Trời sẽ khiến hạn hán và đói kém xảy ra (xem Phục 11:8-21; 28:9-14, 23-24).

Chúa gọi Ê-li để ông kêu gọi dân sự chú ý đến sự vi phạm giao ước này và cảnh báo với họ rằng sự đoán phạt sắp xảy đến. Một ngày nọ Ê-li xuất hiện và nói cùng vua A-háp rằng Đức Chúa Trời sẽ giáng một cơn hạn hán và mưa sẽ không rơi cho đến chừng Ê-li nói. Gia-cơ 5:17 nói rằng Ê-li trước hết đã cầu nguyện về việc này, và trong Lu-ca 4:25 cho chúng ta biết rằng cơn hạn hán kéo dài ba năm rưỡi. Bởi vì người nông dân phải phụ thuộc vào những cơn mưa đầu mùa và cơn mưa cuối mùa, chính vì thế đây quả thật là một kỳ hạn hán lâu dài.

Đức Chúa Trời luôn luôn thành tín với lời hứa của Ngài, dù đó là phước lành hay sự sửa phạt. “Các đường lối Đức Giê-hô-va đều là nhân từ và chân thật cho kẻ nào giữ gìn giao ước và chứng cớ của Ngài” (Thi thiên 25:10). Người Do Thái giống như con trẻ, họ chỉ hiểu thưởng và phạt. Nếu họ vâng lời thì họ được thưởng; nhưng nếu họ không vâng lời thì họ chịu hình phạt. Còn bài học nào có thể đơn giản hơn thế nữa?

ĐỨC CHÚA TRỜI DẪN DẮT VÀ CHU CẤP

Ê-li không bao giờ thảy đồng xu hoặc nghiên cứu các ngôi sao để tìm biết Chúa muốn ông làm điều gì. Cụm từ “lời của Đức Giê-hô-va đến với Ê-li” xuất hiện sáu lần trong câu chuyện về cuộc đời của ông, và hai lần thiên sứ của Chúa truyền lệnh cho ông (2 Các vua 1:3, 15). Ba lần Ê-li nói với Ê-li-sê rằng: “Đức Giê-hô-va sai ta” (2 Các vua 2:2, 4, 6). Kể cả khi Ê-li không vâng theo ý muốn Chúa, Ngài vẫn phán cùng ông và giải quyết vấn đề với ông một cách đầy yêu thương (1 Các vua 19:9). Thần Ba-anh không thể hướng dẫn những người thờ phượng mình bởi vì đó là một thần chết, nó không thể nhìn thấy những người thờ phượng mình, cũng không thể nghe lời cầu nguyện của họ, và không thể phán cùng họ bởi vì nó không có thanh quản (Thi thiên 115:4-8).

Trong ba năm rưỡi hạn hán, Ê-li luôn có thức ăn và nước uống bởi vì ông tin cậy Chúa và vâng theo các mệnh lệnh của Ngài. Đây quả thực là một sự khích lệ lớn cho những đầy tớ trung tín của Chúa. “Nầy, các tôi tớ ta sẽ ăn, còn các ngươi thì đói; nầy, tôi tớ ta sẽ uống, còn các ngươi thì khát; nầy, tôi tớ ta sẽ được vui vẻ, còn các ngươi thì bị nhuốc nhơ” (Ê-sai 65:13). Những con chim quạ đem đến thức ăn cho Ê-li tại khe Kê-rít, và khi dòng nước trong khe đã cạn, Đức Chúa Trời sai Ê-li đi hàng trăm dặm đến Sa-rép-ta nơi một quả phụ chăm sóc cho ông. Sa-rép-ta nằm trong quê hương của Giê-sa-bên, nhưng Ê-li không hề sợ hãi. A-háp ráo riết tìm kiếm Ê-li (1 Các vua 18:10), nhưng Đức Chúa Trời bảo vệ đầy tớ của Ngài. Nơi an toàn nhất trên thế giới đó chính là ở trong ý muốn của Đức Chúa Trời.

ĐỨC CHÚA TRỜI ĐÁP LỜI CẦU XIN

Chính Đức Chúa Trời, Đấng đã sai Ê-li đi ẩn mình (1 Các vua 17:3), giờ đây phán cùng ông rằng hãy đi ra mắt A-háp và nhóm họp dân chúng (1 Các vua 18:1). A-háp gọi Ê-li là “kẻ làm rối loạn Y-sơ-ra-ên” (1 Các vua 18:17), tuy nhiên chính A-háp cùng vợ mình là Giê-sa-bên mới là kẻ gây ra sự rối loạn. Cuộc đối đầu giữa Đức Giê-hô-va và Ba-anh tại núi Cạt-mên (biên giới giữa Y-sơ-ra-ên và Phê-ni-xi) không hề là một cuộc thi thố bởi vì Giê-sa-bên và các tiên tri giả của bà không hề có cơ hội để làm điều đó. Khi cuộc đối đầu này kết thúc, không ai nghi ngờ rằng Đức Giê-hô-va chính là Đức Chúa Trời và Ê-li là tôi tớ của Ngài.

Hiện diện tại cuộc đối đầu này đó chính là Ê-li, tiên tri của Đức Giê-hô-va, cùng với đại diện của mười chi phái Y-sơ-ra-ên và 850 tiên tri và thầy tế lễ của Ba-anh. Chúng ta không biết có bao nhiêu khán giả thuộc về nhóm những người trung tín, những người vẫn hằng tôn kính Đức Giê-hô-va, nhưng khi dân sự nhìn thấy lửa từ trời giáng xuống thiêu đốt của tế lễ, họ bèn sấp mình xuống đất mà la lên rằng: “Giê-hô-va là Đức Chúa Trời! Giê-hô-va là Đức Chúa Trời!” (1 Các vua 18:39). Kế đến, dân sự đã giúp Ê-li bắt tất cả các thầy tế lễ và tiên tri Ba-anh mà giết đi, đây cũng là một mệnh lệnh trong giao ước (xem Phục 13:13-18; 17:2-5).

Tuy vậy vẫn còn một nhiệm vụ mà tiên tri Ê-li phải thực hiện: ông phải cầu nguyện xin Đức Chúa Trời chấm dứt kỳ hạn hán và ban mưa xuống. Đức Chúa Trời đáp lời cầu nguyện và ban một cơn mưa nặng hạt, một bằng chứng khác để thể hiện rằng chỉ duy Đức Giê-hô-va mới chính là Đức Chúa Trời chân thật và hằng sống. Ba-anh là thần giông tố của xứ Phê-ni-xi, nhưng hắn không thể khiến lửa để thiêu đốt của tế lễ huống hồ sai mưa để chữa lành đất! Gia-cơ 5:16-18 dùng câu chuyện này để chứng minh rằng: “người công bình lấy lòng sốt sắng cầu nguyện, thật có linh nghiệm nhiều.”

ĐỨC CHÚA TRỜI LÀ ĐẤNG NHẪN NẠI

Gia-cơ 5:17 viết rằng: “Ê-li vốn là người yếu đuối như chúng ta,” và 1 Các vua 19 thì minh chứng cho điều ấy. Alexander Whyte phát biểu rằng: “Ê-li có một cái tên rất thiêng liêng, nhưng ông phải bắt đầu với chính bản chất trần tục của mình.”[1] Giê-sa-bên có quyền sai một đao phủ thay vì một sứ giả, song mục đích thật của bà đó là để đe dọa tiên tri Ê-li và ngăn không cho ông tập hợp những người trung tín lại. Nếu Ê-li tử đạo, điều đó sẽ khiến cho dân chúng hiệp một và khuấy động họ tiếp tục cuộc chiến chống lại Ba-anh. Nếu Ê-li biến mất khỏi hiện trường, những người trung tín còn sót lại sẽ không có lãnh đạo, và Ê-li sẽ chỉ thắng cuộc chiến đấu nhưng không giành được thắng lợi. Cũng như bao lãnh đạo khác trong Kinh Thánh, Ê-li thất bại ở điều mà ông mạnh mẽ nhất, và trong trường hợp này chính là sự can đảm. Sợ hãi và đức tin không thể tồn tại trong cùng một tấm lòng.

Điều gì khiến cho vị tiên tri mạnh như bão tố này thất bại trong khi ông đang đứng ở ngưỡng cửa của một thắng lợi vĩ đại? Cuộc đối đầu tại núi Cạt-mên đã lấy đi của ông hết mọi sức lực; thần kinh căng thẳng, đói, khát và mệt mỏi. Ê-li đã có một quyết định tồi tệ nhất trong giờ phút yếu mệt nhất. Vị tiên tri này trải qua điều mà ngày nay chúng ta gọi là “kiệt sức,” và đây chính là giờ phút để kẻ thù nhân cơ hội tấn công. Khi Ê-li để tôi tớ của ông ở lại mà một mình ông trốn vào đồng vắng, ông đã khiến cho tình hình càng trở nên xấu hơn, bởi vì những người ở một mình là những người đặc biệt dễ bị tổn thương. Sa-lô-môn khuyên rằng: “hai người hơn một,” đây chính là lý do vì sao Đức Chúa Giê-su sai các môn đồ đi theo từng cặp. Trong những lúc sợ hãi và dường như thất bại, chúng ta cần một ai đó trò chuyện, cầu nguyện và cho chúng ta một cái nhìn rõ ràng về những gì đang xảy ra. Thậm chí Đức Chúa Trời đã ban cho Ê-li có một tình bạn với người kế vị của mình là Ê-li-sê, và mọi việc đã trở nên tốt hơn.

Ê-li đi một trăm dặm đến Bê-e-sê-ba và rồi 250 dặm nữa đến núi Si-nai. Có lẽ Ê-li mong có được đôi chút tinh thần của Môi-se khi ông gặp mặt Chúa tại núi Si-nai sau bi kịch dân Y-sơ-ra-ên sa vào sự thờ lạy hình tượng (Xuất 32-34). Tuy nhiên thay vì cầu thay cho dân Y-sơ-ra-ên giống như Môi-se đã làm, Ê-li đắm chìm trong sự thương hại bản thân và thưa cùng Chúa rằng ông là người trung tín duy nhất còn lại. “Mọi người đều đã sa ngã, chỉ một mình con là đầy tớ trung tín của Ngài.” Trung tín? Sau khi từ bỏ chiến trận?

Đức Chúa Trời luôn luôn nhẫn nại và Ngài kiên nhẫn hành động để đem đầy tớ của Ngài quay trở về với thực tại. Suốt hành trình của Ê-li, Chúa đã sai một thiên sứ đem đến cho ông thức ăn, nước uống và bảo vệ khi ông ngủ. Khi Ê-li ẩn mình trong hang, Đức Chúa Trời bày tỏ nhiều quyền phép – gió bão, động đất, lửa – nhưng không một điều nào có thể lay động vị tiên tri này; và rồi Đức Chúa Trời lấy tiếng êm dịu nhỏ nhẹ mà phán, và Ê-li rời khỏi chiếc hang ấy. Chúa nhắc nhở đầy tớ của Ngài không nên đoán xét công việc thiên thượng bằng những chuẩn mực của con người chẳng hạn như quy mô hay tiếng ồn. Bão tố, động đất và lửa có thể là những điều rất vĩ đại, thậm chí gây kinh khiếp, tuy nhiên những điều ấy không thể thay đổi lòng người. Chỉ có tiếng nói êm dịu nhỏ nhẹ của Đức Chúa Trời mới làm thay đổi lòng người. Những điều hấp dẫn có thể thu hút một đám đông nhưng không thể tạo nên một con người tin kính.

Hãy dâng lời cảm tạ vì Đức Chúa Trời là Đấng nhẫn nại đối với con cái của Ngài và nhẹ nhàng phán với chúng ta khi chúng ta bỏ trốn và cảm thấy tổn thương. “Đức Giê-hô-va có lòng thương xót, hay làm ơn, chậm nóng giận, và đầy sự nhân từ” (Thi 103:8).

ĐỨC CHÚA TRỜI XÉT ĐOÁN TỘI LỖI

Đức Chúa Trời vẫn còn nhiều công tác dành cho tiên tri Ê-li. Ông phải kêu gọi Ê-li-sê làm người kế vị của mình (1 Các vua 19:19-21), và về sau Ê-li-sê phải xức dầu cho Ha-xa-ên và Giê-hu, và Giê-hu sẽ là người quét sạch sự thờ lạy Ba-anh ra khỏi Y-sơ-ra-ên. Ê-li còn phải gặp vị vua độc ác A-háp thêm một lần nữa để cáo trách ông đã cho phép Giê-sa-bên giết Na-bốt để chiếm đất của ông mà đem cho chồng bà. Kết cuộc A-háp đã bị giết trong trận chiến tại Ra-mốt trong Ga-la-át, còn Giê-sa-bên thì bị đẩy ngã khỏi cửa sổ lầu hai mà chết, những con chó đến ăn xác và uống huyết của bà.

Có một sự khác biệt giữa cải cách và phấn hưng thuộc linh. Việc phá hủy mọi thần tượng và giết các tiên tri giả là một việc quan trọng, nhưng điều quan trọng hơn đó là thay đổi lấm lòng của con người. Y-sơ-ra-ên là một quốc gia của sự giao ước, và Đức Chúa Trời hoàn toàn có quyền xét đoán tội lỗi dân sự, tuy nhiên nếu họ không hạ mình mà quay về với Chúa, họ sẽ sớm trở lại đường lối gian ác. Cả Y-sơ-ra-ên và Giu-đa đều hầu việc Đức Chúa Trời nhưng cũng đồng thời thờ lạy hình tượng, và cả hai vương quốc đều bị diệt vong.

ĐỨC CHÚA TRỜI HÔM QUA NGÀY NGAY VÀ CHO ĐẾN ĐỜI ĐỜI

Chúa của chúng ta là Đức Chúa Trời đời đời, Đấng hôm qua, ngày nay và tương lai. “Đức Chúa Jêsus Christ hôm qua, ngày nay, và cho đến đời đời không hề thay đổi” (Hê-bơ-rơ 13:8). Ê-li đi thăm lại một số địa điểm lịch sử quan trọng trong xứ khiến ông và Ê-li-sê nhớ lại sự thành tín của Đức Chúa Trời trong quá khứ. Tại Ghinh-ganh, Chúa đã “đã cất khỏi các ngươi sự xấu hổ của xứ Ê-díp-tô” (Giô-suê 5:9); tại Bê-tên, Gia-cốp đã có một trải nghiệm với Chúa khiến thay đổi cuộc đời của ông (Sáng 28, 35); tại Giê-ri-cô, Giô-suê đã có được một thắng lợi vĩ đại (Giô-suê 6); và tại sông Giô-đanh, dân Y-sơ-ra-ên đã đi ngang qua dòng nước mà tiến vào Đất Hứa (Giô-suê 1-4). Hãy nhắc nhở chính mình rằng hằng năm Hội Thánh kỷ niệm những điều Đức Chúa Trời đã làm cho chúng ta trong quá khứ – Đức Chúa Giê-su giáng sinh, sống, chết, phục sinh và thăng thiên, và Đức Thánh Linh giáng lâm trong ngày Lễ Ngũ Tuần. Thật là một lịch sử vĩ đại mà Chúa đã làm!

Tuy nhiên những sự kiện trong quá khứ cũng có thể tác động đến đời sống tâm linh của chúng ta ngày nay. Ê-li-sê học được rằng Chúa của Ê-li không chết nhưng Ngài có thể đem đầy tớ của Ngài về nhà trong vinh quang và năng quyền vĩ đại. Ê-li-sê chính là “người con thuộc linh” của Ê-li, chính vì thế mà Ê-li-sê đã cầu xin một phần thừa kế gấp đôi, là quyền lợi của con trưởng nam (Phục 21:17) và ông đã nhận được. Đức Chúa Trời không chết và bất cứ nơi nào dân sự của Chúa có đức tin thì Ngài sẽ bày tỏ quyền năng vĩ đại của Ngài. Ê-li-sê tiến bước vào tương lai với lòng tin rằng Đức Chúa Trời ở cùng ông và công tác Chúa sẽ được tiếp tục.

Thật công tác Chúa đã được tiếp nối! Giăng Báp-tít đến trong “tâm thần quyền phép Ê-li” (Lu-ca 1:11-17; so sánh Ma-la-chi 4:5-6) và chuẩn bị con đường cho Đức Chúa Giê-su Christ. Ê-li gặp gỡ Đức Chúa Giê-su và Môi-se tại Núi Hóa Hình (Ma-thi-ơ 17:1-13), và họ đã bàn về sự chết của Đức Chúa Giê-su trên thập giá. Mọi việc phải được trọn như lời Kinh Thánh đã hứa!

Ê-li-sê hỏi rằng: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Ê-li ở đâu?” ông đập nước sông Giô-đanh thì dòng nước rẽ ra hai bên cho ông đi ngang qua. Tuy nhiên câu hỏi quan trọng ngày nay không phải là “Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Ê-li ở đâu?” nhưng là “Các Ê-li đang ở đâu?” Đâu là những người sẽ nói với Chúa rằng: “Ngài là Đức Chúa Trời… và con là tôi tớ Chúa” và tin cậy Ngài mà làm việc?

 

Bài 35

 

Ê-LI-SÊ

Hãy càng hơn nữa mà lấy lòng sợ sệt run rẩy làm nên sự cứu chuộc mình.

Phi-lips 2:12

 

Phao-lô viết cho Hội Thánh Phi-líp rằng: “hãy càng hơn nữa mà lấy lòng sợ sệt run rẩy làm nên sự cứu chuộc mình,” Phao-lô nài khuyên Hội Thánh Phi-líp hãy làm công tác mục vụ như thể Đức Chúa Trời đã truyền cho họ chứ không phải bắt chước các Hội Thánh khác. Tuy nhiên, vì Hội Thánh được hình thành từ những cá nhân nên lời khuyên răn của Phao-lô cũng được áp dụng cho từng người một, đồng thời lời khuyên dạy này cũng mô tả một cách tuyệt vời về đời sống và chức vụ của Ê-li-sê. Việc tiếp nối vị trí của một vĩ nhân như Ê-li không hề dễ dàng, nhưng Ê-li-sê đã làm được. Không phải người kế nhiệm nào cũng thành công, chính vì thế chúng ta hãy cùng tìm hiểu về Ê-li-sê và khám phám những điều thiết yếu để đạt thành công trong cuộc sống và mục vụ.

CHÚNG TA CẦN CAN ĐẢM ĐỂ ĐƯỢC LÀ CHÍNH MÌNH

Người thầy của Ê-li-sê, tiên tri Ê-li, là một người có tính cách mạnh mẽ, và bởi vì Ê-li-sê đã cùng sống và phục vụ thầy mình trong khoảng mười năm nên dù cố tình hay vô ý Ê-li-sê rất dễ trở nên một tiên tri nóng nảy. Tuy nhiên ông chọn là chính mình. George W. Truett viết rằng: “Ê-li-sê có một tính cách khác biệt. Ông không phải một người bắt chước. Ông không phải là một tiếng vọng. Ông giữ vững cá tính không bị thay đổi của mình.”[2]

Một điều rất đáng khích lệ đó là những tính cách trong Kinh Thánh rất đa dạng. Chúa là “Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Đức Chúa Trời của Y-sác, và Đức Chúa Trời của Gia-cốp” (Xuất 3:6) – ba người với những tính cách khác nhau nhưng đều là người tin Chúa và hầu việc Ngài. Khi Đức Chúa Giê-su chọn mười hai môn đồ, Ngài cố ý lựa chọn những con người khác nhau: Giăng thi sĩ, Phi-e-rơ bốc đồng, Thô-ma nghi ngờ, và thậm chí là Giu-đa bất trung. Hãy nhìn quanh thế giới mà Đức Chúa Trời đã tạo dựng và bạn sẽ tin rằng Ngài yêu thích sự đa dạng.

Những cộng đồng đức tin tuân thủ luật lệ một cách tuyệt đối đã sản sinh ra những Cơ Đốc Nhân giống hệt nhau, tuy nhiên nơi nào có Thánh Linh của Đức Chúa Trời hành động thông qua Lời Chúa thì nơi đó có sự hiệp một giữa những sự khác biệt. Ê-li là một người thích ở riêng một mình, nhưng Ê-li-sê là một người cần được ở cùng những người khác. Để lắng nghe tiếng Chúa, Ê-li đi vào một cái hang, còn Ê-li-sê thì gọi một người hát rong và chờ đợi Chúa phán cùng ông. Ê-li lìa đời một cách đầy ấn tượng trong cơn gió lốc, nhưng Ê-li-sê đơn giản chỉ qua đời và được chôn cất. (Về sau, người ta quăng một người chết vào mộ của Ê-li-sê và xác chết đã sống lại.) Cả Ê-li lẫn Ê-li-sê đều độc đáo, cá biệt, và cả hai đều hoàn thành công tác Chúa. Mục vụ của Ê-li gắn liền với bão tố, lửa từ trời và động đất, nhưng công tác của Ê-li-sê thì giống như tiếng nói nhỏ nhẹ.

Nếu chúng ta cùng bước đi với Đức Chúa Giê-su trong đức tin, chúng ta sẽ trở nên giống Ngài càng hơn, tuy nhiên chúng ta vẫn là chính mình và hoàn thành mọi công tác mà Ngài kêu gọi chúng ta thực hiện. Tại sao phải trở thành một bản sao trong khi chúng ta đều có thể là một bản gốc? Đức Chúa Trời tạo dựng mỗi một người đều khác biệt (Thi 139:13-16), Ngài đã cứu mỗi một người trong chúng ta, và Ngài vẽ cho mỗi chúng ta một hành trình đức tin riêng (Ê-phê-sô 2:10). Hãy can đảm để trở thành chính mình, và cùng nhau chúng ta sẽ dâng vinh quang cho Đức Chúa Cha. Vâng, có những nguyên tắc, quy tắc thuộc linh áp dụng cho tất cả mọi người và chúng ta không muốn trở thành người nổi loạn kỳ dị, nhưng công tác mà Đức Chúa Trời muốn thực hiện trong và qua chúng ta đó là một công tác độc nhất cho mỗi một cá nhân.

CHÚNG TA CẦN VÂNG THEO SỰ KÊU GỌI CỦA CHÚA (1 Các vua 19:19-21)

Cũng như bao nhân vật khác trong Kinh Thánh chẳng hạn như – Môi-se, Ghê-đê-ôn, Đa-vít, Phi-e-rơ, Anh-rê, Gia-cơ và Giăng – Ê-li-sê được Đức Chúa Trời kêu gọi khi ông đang làm việc. Ê-li-sê là người cuối cùng của một hàng gồm mười hai người đang cày ruộng của cha mình. Điều này cho chúng ta thấy cha của Ê-li-sê là một người khá giả và ông đã dạy con mình biết tầm quan trọng của việc chăm chỉ lao động. Các Ra-bi từng nói rằng: “Người nào không dạy con mình làm việc thì dạy cho chúng biết trộm cướp.” Các Ra-bi có được lời dạy trên là từ Châm ngôn 18:9: “Kẻ thả trôi trong công việc mình, Cũng là anh em của kẻ phá hại.” Kinh Thánh không dành một lời tốt nào cho những kẻ lười biếng.

Khi được Đức Chúa Trời kêu gọi một cách đầy bất ngờ và đột ngột, Ê-li-sê đã hoàn toàn dừng lại những công việc trong quá khứ để đi theo Ê-li mà không hề có ý định thoái lui. Ngày nay chúng ta gọi hành động này là “không chừa đường lui,” rằng Ê-li-sê đã đốt chiếc cày của mình, ta cũng thấy hình ảnh tương tự khi các môn đồ đầu tiên của Đức Chúa Giê-su đã bỏ thuyền và lưới cá của họ lại mà đi theo tiếng gọi của Chúa. Đức Chúa Giê-su phán rằng: “Ai đã tra tay cầm cày, còn ngó lại đằng sau, thì không xứng đáng với nước Đức Chúa Trời” (Lu-ca 9:62).

Từ sau sự kêu gọi của Ê-li-sê trong 1 Các vua 19 đến sự rời đi đột ngột của Ê-li trong 2 Các vua 2, tên Ê-li-sê không được Kinh Thánh nhắc đến! Từ địa vị là con của một địa chủ giàu có, Ê-li-sê trở thành đầy tớ của một tiên tri kỳ quặc, còn tên của ông thì vắng bóng trong sách sử. Ê-li-sê khởi đầu là một đầy tớ nhưng kết thúc là một lãnh đạo (Ma-thi-ơ 25:21), đây là một khuôn mẫu mà Chúa thường dùng để huấn luyện những tôi tớ của Ngài. Tuy nhiên điều quan trọng đầu tiên đó là vâng theo tiếng gọi của Chúa.

CHÚNG TA CẦN TÔN TRỌNG QUÁ KHỨ (2 Các vua 2:1-8)

Ê-li biết rằng mình sẽ được cất lên trời (2 Các vua 2:5) nên ông muốn gặp gỡ những người thuộc trường tiên tri do Sa-mu-ên sáng lập. Ê-li cho phép Ê-li-sê quyết định có đi theo thầy trong hành trình này hay không, và Ê-li-sê đã khôn ngoan mà đi theo người thầy của mình. Lãnh đạo mới có thể làm nhiều điều theo những cách mới, tuy nhiên có những điều không được thay đổi mà cần phải được giữ gìn. Lãnh đạo nào không giữ gìn những điều tốt đẹp trong quá khứ thì đánh đổ hiện tại và đe dọa đến tương lai. Ê-li-sê đã quan tâm và chăm sóc cho sinh viên của các trường tiên tri này.

Ngoài ra, mỗi một địa điểm mà hai vị tiên tri này đến thăm đều là một phần quan trọng trong lịch sử Y-sơ-ra-ên. Họ bắt đầu từ Ghinh-ganh là nơi Đức Chúa Trời “đã cất khỏi các ngươi sự xấu hổ của xứ Ê-díp-tô,” nơi mà dân sự đã làm mới lại giao ước với Đức Chúa Trời và kỷ niệm lễ Vượt Qua (Giô-suê 5:1-12). Phép cắt bì – dấu hiệu của giao ước, sự giải cứu khỏi Ai Cập và giao ước tại núi Si-nai là những tài sản quý báu của người Y-sơ-ra-ên, chính vì thế Ê-li-sê cần được nhắc nhở về những điều này.

Từ Ghinh-ganh họ đi đến Bê-tên là nơi thiêng liêng trong ký ức của Áp-ra-ham, Gia-cốp (Sáng 12:8; 13:3; 28:10-22; 35:1-8) và Sa-mu-ên (1 Sa-mu-ên 7:16; 10:3). Tuy nhiên trong đời tiên tri Ê-li-sê, Bê-tên là trung tâm thờ cúng hình tượng một con bò vàng mà vua Giê-rô-bô-am đã dựng tại đây và tại Đan (1 Các vua 12:26-33). Ê-li cùng tôi tới của ông rất ghét sự thờ lạy hình tượng, nhưng họ không từ bỏ thành phố này và trong tương lai, vua Giô-si-a sẽ dỡ bỏ mọi hình tượng mà kêu gọi dân sự trở về thờ phượng một mình Đức Chúa Trời mà thôi (2 Các vua 23:15-23).

Khi hai vị tiên tri cùng bước đi và trò chuyện với nhau lần cuối, họ đã đến Giê-ri-cô và sông Giô-đanh là nơi Giô-suê và dân Y-sơ-ra-ên đã kinh nghiệm phép lạ vĩ đại của Đức Chúa Trời (Giô-suê 3:6). Cũng như Giô-suê, Ê-li tin cậy Đức Chúa Trời để Ngài rẽ đôi dòng nước mà ông và Ê-li-sê cùng đi ngang qua bờ bên kia. Ê-li sẽ được cất lên ở một địa điểm gần nơi mà nhiều thế kỷ trước dân Y-sơ-ra-ên đã tiến vào Miền Đất Hứa, và Ê-li-sê sẽ một lần nữa tiến vào vùng đất này như một Giô-suê thứ hai.

Trong thời cổ đại, một số vị vua bắt đầu thời trị vì của mình bằng cách quét sạch tên và những ký thuật về người tiền nhiệm của mình mà quên rằng người kế vị của họ cũng sẽ làm điều tương tự; nhưng Đức Chúa Trời thì không thế. Quá khứ không phải là một chiếc neo giữ chân chúng ta ở lại nhưng là một bánh lái để dẫn dắt chúng ta, và lãnh đạo nào phớt lờ quá khứ sẽ được người ta nhớ đến là một kẻ thất bại. Có người nói rằng: “Phương pháp thì nhiều nhưng nguyên tắc thì ít; phương pháp luôn thay đổi nhưng nguyên tắc thì không.”

Đức Chúa Trời đã sử dụng Ê-li để chuẩn bị Ê-li-sê cho chức vụ của mình, và chính Đức Chúa Trời, Đấng đã ban phước cho Ê-li giờ đây cũng ban phước cho người kế nhiệm của Ê-li.

CHÚNG TA CẦN ĐỨC TIN SỐNG ĐỘNG VÀO MỘT ĐỨC CHÚA TRỜI HẰNG SỐNG (2 Các vua 2:9-18)

Ê-li đã dốc toàn bộ cuộc sống của ông cho Ê-li-sê, và ông muốn để lại cho người kế nhiệm một món quà cuối cùng nữa, vậy nên Ê-li hỏi chàng trai trẻ này ước ao điều gì. Câu trả lời của Ê-li-sê thể hiện ông là một người thuộc linh có nhận thức sáng suốt. Cụm từ “thần của thầy cảm động tôi được bội phần” không có nghĩa là gấp đôi Thánh Linh, bởi vì Đức Thánh Linh không được đo lường theo cách đó, và lời đề nghị này cũng không có nghĩa là gấp đôi sự nhiệt huyết của Ê-li. Ê-li-sê đang muốn nói về luật thừa kế của người Do Thái mà người con cả được gấp đôi phần tài sản (Phục 21:17). Trọng tâm trong lời cầu xin của Ê-li-sê chính là: “xin hãy cho tôi trở thành người thừa kế thuộc linh của thầy và được vinh dự tiếp tục mục vụ của thầy trong quyền năng của Đức Chúa Trời.” Hơn bất cứ mọi điều, Ê-li-sê mong muốn được Đức Chúa Trời ban phước cho đời sống và chức vụ của ông. Tuy nhiên nếu muốn nhận được phước hạnh thì Ê-li-sê phải để mắt đến người thầy của mình. Khi Ê-li bất chợt được Đức Chúa Trời cất lên, Ê-li-sê đã trông thấy! Đức Chúa Trời đã đáp lời cầu xin của ông!

Ê-li đã ra đi, nhưng Đức Chúa Trời của Ê-li vẫn ở trên ngai và Ngài là Đấng đáng để con người tin cậy. Trong 2 Các vua 2:12, Ê-li-sê ví sánh Ê-li với đạo quân Y-sơ-ra-ên, và hình ảnh này cũng được dành cho Ê-li-sê khi ông qua đời (2 Các vua 13:14). Vâng, mọi đầy tớ đều quan trọng đối với Đức Chúa Trời, và mỗi một chi thể trong thân đều cần thiết, tuy nhiên dù bạn có thích hay không thì vẫn có một số người quan trọng hơn và giữ công tác mang tính chiến lược hơn để phục vụ Chúa. Ê-li-sê tin cậy Đức Chúa Trời sẽ rẽ nước sông Giô-đanh cho ông giống như Ngài đã làm cho Giô-suê và Ê-li, và quả thật Chúa đã ban thưởng cho đức tin của Ê-li-sê. Đức Chúa Trời sẽ thay đổi đầy tớ của Ngài, tuy nhiên mỗi một đầy tớ đều phải phục vụ bằng đức tin, tin cậy rằng Chúa sẽ dẫn dắt và ban cho năng lực. Ê-li-sê không cố gắng thực hiện một công tác nào vĩ đại hơn những công việc Ê-li đã làm. Ông chỉ bắt đầu mục vụ của mình tại nơi mà Ê-li đã ngưng nghỉ và dâng mọi vinh quang cho Đức Chúa Trời.

CHÚNG TA CẦN CHUẨN BỊ CHO SỰ CHỐNG ĐỐI (2 Các vua 2:23-25)

Không lâu sau khi bắt đầu chức vụ, kẻ thù đã xuất hiện và chế nhạo Ê-li-sê trước mặt dân chúng. Chúng ta không nên bất ngờ trước việc này bởi vì “hết thảy mọi người muốn sống cách nhân đức trong Đức Chúa Jêsus Christ, thì sẽ bị bắt bớ” (2 Ti-mô-thê 3:12), và điều này đặc biệt đúng với các lãnh đạo tin kính Chúa.

Những người chối bỏ Kinh Thánh thích dùng phân đoạn Kinh Thánh này để tranh luận rằng nếu Đức Chúa Trời giết chết bốn mươi hai đứa trẻ vô tội chỉ vì trêu ghẹo người thầy truyền đạo này thì Ngài là một bạo chúa xấu xa, tuy nhiên sự việc không chỉ có thế. Trước hết, những người này là những chàng trai trẻ có trách nhiệm chứ không phải là các cháu nhỏ. Từ “trẻ con” trong nguyên ngữ cũng đường dùng cho Giô-sép, I-sác và Sa-lô-môn. Những chàng trai trẻ này hiểu họ đang nói và làm gì, và họ đã cố ý làm điều ấy. Việc cùng một lúc có quá nhiều người xuất hiện và cùng nói một điều chứng tỏ đây có thể là một cuộc mít-tinh đã được một số người trưởng thành lên kế hoạch và tổ chức.

Tuy nhiên hãy cân nhắc những điều mà các chàng trai trẻ này đã làm. Đầu tiên, họ chế giễu đầy tớ Chúa bằng việc gọi ông là “lão trọc.” Họ cũng giễu cợt về việc Ê-li được cất lên trời. Chắc chắn những người nhìn thấy phép lạ này đã kể lại cho những người khác, và các chàng trai trẻ này đã nghe được từ cha mẹ của chúng. Bê-tên là trung tâm của sự thờ lạy hình tượng, chính vì thế những con người này cần được nhìn thấy quyền năng của một Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật. Họ cũng cần được nhắc nhớ về giao ước của Đức Chúa Trời với dân sự của Ngài là giao ước không thay đổi cũng không bị hủy bỏ (Lê-vi ký 26; Phục 28-30). Nếu dân sự không vâng giữ luật pháp Chúa thì Ngài hứa sẽ sửa trị họ bằng nhiều cách, kể cả việc sai thú hoang tấn công con cái của họ (Lê-vi ký 26:21-22).

Nếu Ê-li-sê phớt lờ một cuộc công kích công khai đầy trắng trợn của một băng nhóm côn đồ vô lễ này thì có nghĩa ông đã bắt đầu chức vụ của mình trong sự yếu đuối chứ không phải trong sự mạnh mẽ. Thẩm quyền của một tiên tri ở đâu nếu cho phép những đứa trẻ tự phụ xấc xược này gọi mình là “lão trọc”? Có những lúc chúng ta sẽ bỏ qua lời nói của người ngu muội, nhưng cũng có những lúc chúng ta cần phải thi hành thẩm quyền mà quở trách người nói phạm đến Đức Chúa Trời và đầy tớ của Ngài. Tại Phi-líp, Phao-lô đã dùng quyền của cư dân La-mã để bảo vệ phúc âm và Hội Thánh mới thành lập tại đây (Công vụ 16:35-40).

CHÚNG TA CẦN TẤM LÒNG CỦA MỘT NGƯỜI ĐẦY TỚ (2 Các vua 2:19-8:6)

Ngoại trừ thời gian Ê-li đã quá sợ hãi mà cố gắng giải cứu mạng sống mình thì vị tiên tri này luôn là một tôi tớ cho dân Y-sơ-ra-ên, tuy nhiên Kinh Thánh cho biết Ê-li-sê còn phục vụ họ nhiều hơn thế nữa. Sau sự kiện nước sông Giô-đanh rẽ ra hai bên, có ít nhất mười lăm phép lạ khác được quy cho Ê-li-sê, kể cả một phép lạ xảy ra tại mồ của ông sau khi vị tiên tri này đã chết (2 Các vua 13:20-21). Ông chữa lành nguồn nước tại thành Giê-ri-cô và nhờ đó phục hồi khả năng sinh sản của đất. Ông cung cấp nước cho quân đội và thú vật của nhà vua và cũng qua đó giúp họ đánh thắng quân Mô-áp.

Cũng giống như tiên tri Ê-li, Ê-li-sê đã giúp đỡ cho một góa phụ nghèo bằng cách hóa ra nhiều dầu trong bình để bà đổ dầu ấy vào các bình khác, ngoài ra ông cũng chữa lành cho một phụ nữ hiếm muộn để bà sinh một con trai. Khi đứa con trai ấy chết, Ê-li-sê đã khiến cho đứa bé sống lại. Trong trường tiên tri tại Ghinh-ganh, ông đã chữa lành cho món thịt hầm bị nhiễm độc đồng thời hóa bánh và lúa mạch cho hàng trăm người ăn. Một phép lạ vĩ đại của Ê-li-sê đó là chữa cho Na-a-man được lành bệnh phung, tuy nhiên Ê-li-sê cũng đã khiến cho chính đầy tớ của mình là Ghê-ha-xi bị nhiễm bệnh phong bởi vì tội tham lam.

Một trong số các trường tiên tri phải mở rộng cơ sở và trong thời gian thi công một sinh viên đã đánh mất chiếc lưỡi rìu mà người ấy đã mượn, nhưng Ê-li-sê đã khiến cho chiến lưỡi rìu ấy nổi lên mặt nước để có thể lấy lại được. Ông khiến quân đội A-ram bị mù lòa nhưng mở mắt cho người đầy tớ của mình để thấy các đạo quân thiên sứ đang bảo vệ Ê-li-sê. Ông không giết các binh lính bị bắt nhưng đã đối đãi với họ đầy nhân từ và cho họ trở về nhà. Ê-li-sê dự báo về thời gian cơn đói kém sẽ kết thúc tại thành phố Sa-ma-ri lúc này đang bị vây hãm, và lời tiên tri này được ứng nghiệm khi quân đội A-ram kinh hãi trước tiếng động từ trời mà bỏ trốn. Lúc sắp lìa đời, Ê-li-sê đã ban quyền phép để vua Giô-ách có được ba chiến thắng trước người A-ram (2 Các vua 13:14-19). Một xác chết đụng vào hài cốt Ê-li-sê trong mồ thì được sống lại!

Tất cả mọi điều này thể hiện một tấm lòng thương xót và sự quan tâm đến nhu cầu của người khác. Lãnh đạo cần hy sinh và phục vụ bởi vì đây chính là dấu hiệu của một lãnh đạo chân chính. Chúng ta cần trở nên những lãnh đạo phục vụ và là những người tôi tớ ở vị trí lãnh đạo. Có thể bạn và tôi không có năng quyền thi hành các phép lạ giống như các tiên tri và môn đồ, tuy nhiên chúng ta vẫn có thể dùng những khả năng và nguồn lực của mình để phục vụ người khác và chúng ta có thể cầu nguyện. Trong các cấp bậc lãnh đạo của Hội Thánh ngày nay có quá nhiều người nổi tiếng nhưng lại có quá ít đầy tớ. Đức Chúa Giê-su phán rằng: “Ta ở giữa các ngươi như kẻ hầu việc vậy” (Lu-ca 22:27), và Ngài chính là gương mẫu để chúng ta noi theo (Phi-líp 2:1-12).

Bài 36

36

GIÊ-SA-BÊN

Ai phạm tội lỗi là tôi mọi của tội lỗi.

Giăng 8:34

 

Không phụ huynh nào muốn con của họ bị gọi là Giê-sa-bên hoặc Giu-đa. Cả hai cái tên này đều quá ô nhơ đến nỗi không một ai muốn đặt cho con trẻ cái tên gọi đó – tên đầu tiên là của một hoàng hậu sát nhân và tên còn lại là của một môn đồ phản bội. Rất có thể quyển từ điển của bạn sẽ có đề mục Giê-sa-bên với chú giải “vợ của vua A-háp,” và một đề mục khác ghi rằng: “giê-sa-bên (viết thường): một người phụ nữ độc ác và vô liêm sỉ.” Từ điển chuyên đề của tôi có ba lần nhắc đến cái tên này, một lần thuộc nhóm “độc ác” và hai lần thuộc nhóm “dâm ô,” còn riêng tôi thì có thể liệt tên của bà vào một số nhóm từ vựng khác nữa. Nhưng trước khi kết tội bà ta và chồng của bà mà khoe khoang về chính mình, chúng ta hãy dừng lại để suy ngẫm một số bài học mà bà để lại, những bài học đầy nguy hại cũng giống như bản tính của bà. Sau hết, chúng ta cũng có thể nằm trong vùng nguy hiểm!

CON NGƯỜI CÓ THỂ CHỌN CÁI ÁC

Giê-sa-bên sinh ra trong một gia đình ngoại quốc, bà là con của Ết-ba-anh vua dân Si-đôn và cũng là thầy tế lễ cả của thần Ba-anh, nhưng đó không phải là điều khiến bà độc ác. Cũng giống như bao người khác, bà được sinh ra với bản tính tội lỗi, và bản tính ấy ngày một thể hiện rõ hơn khi bà lớn lên và bắt đầu có những quyết định. Quả thật, việc xuất thân trong một gia đình và một nền văn hóa tôn thờ một vị thần Ba-anh giả dối bẩn thỉu dễ khiến cho bà xuôi theo, tuy nhiên thậm chí ngay tại xứ Phê-ni-xi với đầy sự thờ cúng hình tượng, Đức Chúa Trời vẫn luôn bày tỏ về chính Ngài. Giê-sa-bên có thể nhìn thấy bàn tay của Đấng Sáng Tạo qua thế giới xung quanh bà, và chắc chắn bà đã biết những điều Đức Giê-hô-va đã làm cho dân sự Y-sơ-ra-ên trong quá khứ. Tại thành Giê-ri-cô Đức Chúa Trời đã giải cứu kỵ nữ Ra-háp, và Ngài cũng có thể giải cứu Giê-sa-bên, song bà chọn trở nên độc ác và không hổ thẹn về quyết định của mình.

Khi Giê-sa-bên dời đến cung điện tại Sa-ma-ri, thủ đô của vương quốc phía bắc, bà đã đem theo 450 tiên tri Ba-anh và 400 tiên tri Át-tạt-tê là vợ của thần Ba-anh, đồng thời hoàng hậu cũng đã dùng ngân sách triều đình để chu cấp cho các tiên tri này. A-háp xây một đền thờ cho Ba-anh và công bố tôn giáo mới này là tôn giáo chính thức của vương quốc. Dường như hầu hết thần dân Y-sơ-ra-ên đều chọn thờ cúng cho Ba-anh bởi vì Chúa phán rằng chỉ có 7.000 người không quỳ gối xuống trước mặt Ba-anh (1 Các vua 19:18).

Đức Chúa Trời cho chúng ta có đặc ân được lựa chọn và đi cùng với đặc ân này đó là trách nhiệm to lớn. Mỗi một quyết định đều dẫn đến một kết quả, và một ngày trong tương lai Đức Chúa Trời sẽ đoán xét tất cả mọi quyết định và hậu quả của chúng ta. Chúng ta hãy đừng nghĩ rằng ý muốn thiên thượng của Đức Chúa Trời và trách nhiệm của con người chúng ta là hai kẻ thù đang chiến đấu với nhau, bởi vì đặc quyền được lựa chọn chính là một phần ảnh tượng mà chúng ta có nơi Đức Chúa Trời. Những Cơ Đốc Nhân tận hiến sẽ “nhờ một mình Đức Chúa Jêsus Christ mà cai trị” (Rô-ma 5:17), nghĩa là chúng ta đồng ngồi trên ngôi cùng với Chúa, cùng đưa ra những quyết định và thi hành những quyết định ấy. Đức Chúa Giê-su hành động trong và qua chúng ta, Ngài không làm thay chúng ta, cũng không bất chấp sự lựa chọn của chúng ta.

CHỦ TÂM CHỌN CÁI ÁC SẼ DẪN ĐẾN SỰ TRÓI BUỘC

A-háp, vua của vương quốc phía bắc, biết tính cách và đạo thờ cúng hình tượng của Giê-sa-bên, và đó chính là lý do ông chọn bà làm hoàng hậu. A-háp và Giê-sa-bên là đôi bạn có cùng tâm hồn và tội lỗi. Một lý do khác cho cuộc hôn nhân này đó là lý do chính trị: bởi vì cưới con gái của Ết-ba-anh. A-háp đóng ấn một hiệp ước hòa bình với dân Si-đôn và khiến họ trở thành đồng minh. Trước mặt Chúa, A-háp đã bán mình cho cái ác, và ảnh hưởng xấu xa của người vợ chỉ càng khiến ông trở nên nô lệ cho cái ác (1 Các vua 21:20, 25). Cả vua và hoàng hậu đã đưa Y-sơ-ra-ên lâm vào những ngày tháng tăm tối nhất của niềm tin và sự vâng lời.

Kinh Thánh sử dụng nhiều hình ảnh để nói về tội lỗi – sự tối tăm, bệnh tật, nợ nần, sự ô uế và thậm chí là sự chết – nhưng hậu quả của tội lỗi chính là sự trói buộc. Giê-sa-bên và A-háp đã chủ tâm bán mình vào sự trói buộc, và càng chối bỏ lẽ thật trong luật pháp Đức Chúa Trời thì cảnh nô lệ của họ càng tệ hơn, nhưng họ lại nghĩ đó là tự do! Tội lỗi luôn hứa sự tự do nhưng cuối cùng lại dẫn đến cảnh nô lệ (2 Phi-e-rơ 2:19).

Một châm ngôn quen thuộc nói rằng:

Gieo một suy nghĩ gặt một hành động.

Gieo một hành động gặt một thói quen.

Gieo một thói quen gặt một tính cách.

Gieo một tính cách gặt một số phận.

Lịch sử thế tục và lịch sử Kinh Thánh đều minh chứng cho nguyên tắc trên, bất kể bạn xem xét tiểu sử của A-háp, Giê-sa-bên, Sam-sôn, vua Sau-lơ, vua Đa-vít hay của Giu-đa. “Kẻ hung dữ sẽ bị gian ác mình bắt phải, và bị dây tội lỗi mình vấn buộc lấy” (Châm 5:22), và chỉ duy Đức Chúa Giê-su Christ có thể giải phóng chúng ta khỏi sự trói buộc của tội lỗi (Giăng 8:32, 36). Bởi đức tin mà nhận biết Đức Chúa Giê-su cách cá nhân, tiếp nhận và vâng giữ lẽ thật của Chúa chính là con đường chắc chắn duy nhất để chúng ta tránh khỏi cạm bẫy của Sa-tan. “Tôi cũng sẽ bước đi thong dong, vì đã tìm kiếm các giềng mối Chúa” (Thi 119:45).

CÁI ÁC LAN TRÀN VÀ TÀN PHÁ

Trong vương quốc của A-háp có ba dạng thần dân: một là vui vẻ thờ cúng Ba-anh, hai là những người bề ngoài thì thờ cúng Ba-anh bên trong nhưng bí mật thờ phượng Đức Giê-hô-va, và thứ ba là những người công khai thờ phượng một mình Đức Giê-hô-va bởi vì Ngài chính là Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật. Giê-sa-bên đã giết rất nhiều tiên tri của Chúa (1 Các vua 18:13), chính vì thế không còn nhiều lãnh đạo thuộc linh chăn dắt những người trung tín ít ỏi còn sót lại, song dù có nhiều khó khăn nhưng họ vẫn luôn trung tín. Qua câu chuyện A-háp có thể “sắp đặt” cho Na-bốt làm quan, khiến ông bị giết và rồi tịch thu vườn nho của ông (1 Các vua 21) chứng minh đa số người dân trong vương quốc phía bắc không thích vâng theo luật pháp Chúa. Cái ác lan từ người sang người và đem đến sự hủy phá.

Lần đầu tiên dân Y-sơ-ra-ên tiếp xúc với thần Ba-anh của người Ca-na-an đó là tại Mô-áp, ở biên giới Ca-na-an, khi ấy người Mô-áp mời người Do Thái cùng tham dự một bữa tiệc đặc biệt (Dân 25). Thờ lạy Mô-áp là một hành động không vâng lời đầy trắng trợn của người Y-sơ-ra-ên đến nỗi Đức Chúa Trời đã khiến một tai vạ làm chết 24.000 người Do Thái, và lãnh đạo các chi phái đã đầy can đảm mà giết nhiều người đang thỏa sức làm điều vô luân và thờ lạy hình tượng. Khi nhớ về cơn khủng hoảng ấy lẽ ra dân sự trong thời Giê-sa-bên đã không đi theo thần Ba-anh. Ba-anh cũng xuất hiện trong thời các quan xét (Các 2:11; 3:7; 8:33), và trước khi vương quốc được thành lập trong thời Sa-mu-ên, người Do Thái đã dẹp bỏ hình tượng Ba-anh (1 Sa-mu-ên 7:4). Từ thế hệ này đến thế hệ khác, các tiên tri đều phải kêu gọi dân Do Thái từ bỏ sự thờ cúng Ba-anh mà quay trở về với Đức Chúa Trời.

Ngày nay vấn đề trên có được cải thiện trong các Hội Thánh hay không? Giống như men trong đống bột, những sự dạy dỗ sai lạc đã bí mật len lỏi vào Hội Thánh và ngấm ngầm phát triển cho đến một ngày trên bục giảng và trong các lớp học Kinh Thánh sự dối trá đã thay thế lẽ thật. Điều tệ hại hơn nữa đó là những đời sống giả dối. Những người đi thăm dò ý kiến đã phát biểu rằng nhiều Cơ Đốc Nhân tự xưng có những giá trị sai lầm và phạm những tội lỗi đáng kinh thường không khác gì con người thế gian. Giê-sa-bên đã chết nhiều thế kỷ trước nhưng niềm tin và hành động của bà thì vẫn còn ở với chúng ta và đầu độc Hội Thánh! Đức Chúa Giê-su cảnh báo Hội Thánh Thi-a-ti-rơ rằng có một Giê-sa-bên đang ở giữa họ và đang làm chính những công việc mà hoàng hậu Giê-sa-bên khi xưa đã làm: xúi giục tín hữu thỏa hiệp giữa đức tin với sự thờ lạy các thần khác và sống vô luân (Khải 2:18-29). Chúa gọi những sự dạy dỗ đó là “điều sâu hiểm của quỷ Sa-tan” (c. 24). Hãy tưởng tượng một tín hữu tìm kiếm một “cuộc sống sâu sắc hơn” với Ma quỷ!

Chúng ta cần phải cẩn trọng không để Giê-sa-bên hoặc A-háp lẻn vào Hội Thánh địa phương mà làm ô uế Hội Thánh bằng những sự dạy dỗ sai trái và lối sống không kính sợ Chúa.

SỰ GIAN ÁC VÀ NHỮNG VIỆC LÀM CỦA CHÚNG SẼ BỊ ĐOÁN XÉT

Trong hai mươi hai năm trị vì của vua A-háp, có những lúc người trung tín trong vương quốc này đã nghĩ rằng đức tin thật sẽ biến mất mãi mãi, và đó là điều mà nhà thơ James Rusell Lowell đã diễn tả trong bài thơ “Khủng Hoảng Hiện Tại” rằng: “Lẽ thật mãi mãi trên đoạn đầu đài, sai trái mãi mãi trên ngai.” Tuy nhiên Chúa không bao giờ từ bỏ dân sự của Ngài, rồi đến một ngày vua A-háp “vô tình” bị giết trên chiến trường (1 Các vua 22:29-38) còn hoàng hậu Giê-sa-bên thì bị ném ra ngoài cửa sổ và bị ngựa giẫm đạp đến chết (2 Các vua 9:30-37). Sau đó vua Giê-hu quét sạch hậu tự của vua A-háp cũng như các thầy thế lễ Ba-anh. Sự chết của A-háp cùng vợ mình và cả dòng họ của ông đều bị tiêu diệt đã được Ê-li (1 Các vua 21:17-26) và một tiên tri vô danh khác báo trước (2 Các vua 9:1-10, 30-37).

Đôi khi Đức Chúa Trời đoán phạt kẻ ác trong đời của họ, nhưng không phải lúc nào cũng thế. Rất nhiều người không tin kính Chúa và kêu ngạo dường như được thoát khỏi luật pháp con người lẫn cơn thạnh nộ của Chúa mà qua đời một cách bình an, để lại gia sản giàu có cho con cái của họ. Song không tội nhân nào thoát được sự đoán xét sau cùng khi quyển sách được mở ra và công việc của họ sẽ bị đoán xét. Giống như những việc ác của A-háp và Giê-sa-bên, những công việc của tội nhân lạc mất sẽ gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến con người nhiều năm về sau, và người ta sẽ nhìn thấy tất cả hậu quả của tội lỗi trong ngày chung cuộc của thế gian khi thời gian không còn nữa. Nguyên tắc này cũng được áp dụng cho việc lành của con cái Chúa. Hạt giống mà dân sự của Đức Chúa Trời đã gieo qua nhiều thế kỷ sẽ tiếp tục kết quả và Đức Chúa Trời sẽ trọng thưởng cho đầy tớ của Ngài tại tòa án Đấng Christ. Bạn sẽ không bao giờ biết hết được mọi điều tốt lành mà bạn đang làm để hầu việc Đức Chúa Giê-su Christ, chính vì thế hãy bước đi và làm việc bởi đức tin chứ không bởi mắt thấy.

Còn đối với những A-háp và Giê-sa-bên trong thời hiện đại, chúng ta hãy giao phó họ cho Chúa, hãy nhìn xem Đức Chúa Giê-su Christ và đừng rời khỏi công tác mà Đức Chúa Trời đã kêu gọi bạn bước vào.

 

Bài 37

 

GIÔ-NA

“Tội lỗi các ngươi ngăn trở các ngươi được phước.”

Giê-rê-mi 5:25

 

Có lẽ chúng ta sẽ nói về tiên tri Giô-na và hành động dại dột của ông bằng những lời lẽ mà các môn đồ đã nói với Đức Chúa Giê-su khi Ma-ri dâng Ngài một món quà xa xỉ: “Sao phí của như vậy?” Hiển nhiên Giô-na là một tiên tri không có ích, người đã làm mất giá trị bản thân khi không vâng lời Chúa và lãng phí những cơ hội Chúa ban cho ông. Tuy nhiên đó là điều sẽ xảy ra khi chúng ta chống nghịch Chúa và chọn đi theo ý riêng. Chúng ta sẽ phải trả một cái giá rất đắt.

Giô-na là thầy tế lễ của vua Giê-rô-bô-am đệ nhị, người cai trị vương quốc phía bắc Y-sơ-ra-ên trong bốn mươi mốt năm. Giê-rô-bô-am đã mở rộng bờ cõi đất nước – theo như lời tiên tri Giô-na đã báo trước – nhưng ông cũng làm theo gương xấu của một vua cùng tên mà “làm điều ác trước mặt Đức Giê-hô-va” (2 Các vua 14:23-24). Vương quốc Y-sơ-ra-ên có được sự an ninh về chính trị, thịnh vượng về kinh tế nhưng lại sụp đổ về thuộc linh. Vì dân sự không quan tâm đến đức tính xấu của nhà vua nhưng tập trung vào những thành tựu vĩ đại của ông cho nên họ không nhìn thấy được “sự thịnh vượng” của họ chỉ là một chiếc vỏ bọc mỏng manh che giấu một nền móng đang bị mục nát nhanh chóng.

Quay trở lại với Giô-na. A-si-ry là một thế lực đang lên trong thời của ông, và Đức Chúa Trời kêu gọi ông đi đến thành Ni-ni-ve, thành phố then chốt của A-si-ry, mà cảnh báo cho họ rằng trong bốn mươi ngày nữa Đức Chúa Trời sẽ hủy diệt thành phố của họ. Chính vì biết rõ lòng thương xót của Đức Chúa Trời, đồng thời là một người giảng đạo nổi tiếng trong cung vua và là một người Do Thái yêu nước, Giô-na không muốn nhìn thấy thành Ni-ni-ve được tha thứ, và vì thế ông đã rời bỏ nhiệm vụ là một tiên tri mà bắt con đường ngược lại để đến thành Ta-rê-si tại Tây Ban Nha. Trong những ngày sau đó, Giô-na đã lãng phí ba cơ hội tuyệt vời.

GIÔ-NA BỎ LỠ CƠ HỘI LÀM ĐẸP LÒNG CHÚA

Giô-na hành xử giống như người con trai hoang đàng ở đất nước phương xa: lãng phí tài sản thừa kế mà làm đau lòng cha (Lu-ca 15:11-32). Đầu tiên Giô-na đã lãng phí sự kêu gọi lớn và thánh của một tiên tri của Đức Chúa Trời. Giô-na có đặc ân được đi cùng Chúa và học biết những sự kín giấu của Ngài, tuy nhiên ông đã từ bỏ đặc ân ấy mà lên tàu đi Ta-rê-si. Đức Chúa Trời đã không phán cùng Giô-na như trước nữa; ngược lại Ngài sai cơn bão khiến mọi người đều chú ý đến ngoại trừ Giô-na bởi vì ông đang ngủ! Khi thức dậy có phải Giô-na đã nhớ đến Thi thiên 29 hay không?

Tiếng Đức Giê-hô-va dội trên các nước;

Giê-hô-va Đức Chúa Trời vinh hiển sấm sét;

Trên các nước sâu…

Đức Giê-hô-va ngự trên nước lụt;

Phải, Đức Giê-hô-va ngự ngôi vua đến đời đời.

Câu 3, 10

Tại đây Đức Chúa Trời không còn là Vua nhưng chính Giô-na đang cai trị cuộc sống của mình. Quả là một ngày đáng buồn nếu tính bướng bỉnh khiến chúng ta không nghe thấy tiếng nói yêu thương của Đức Chúa Trời đến nỗi Ngài phải sai một cơn bão để đánh thức chúng ta và làm cho chúng ta phải suy nghĩ. Giô-na đã đánh mất giá trị. Ông không còn là người của Đức Chúa Trời nhưng chỉ là một hành khách bình thường trên con tàu. Ông đánh mất tiếng nói của Đức Chúa Trời, đánh mất năng quyền trong sự cầu nguyện và sự làm chứng của ông cho Chúa.

Sự việc không chỉ dừng lại ở đó. Là một người Do Thái, Giô-na đáng ra phải là một nguồn phước bởi vì họ được dự phần trong giao ước của Đức Chúa Trời với Áp-ra-ham: “Ta sẽ ban phước cho ngươi… và ngươi sẽ thành một nguồn phước” (Sáng 12:1-3). Nhưng thay vì đem đến phước hạnh, Giô-na đã gây ra một cơn bão khiến chiếc tàu suýt chút nữa thì bị đắm. Đây là điều thường xảy ra khi dân sự chống lại ý muốn Chúa. Hãy nghĩ về Áp-ra-ham trong giai đoạn ông đến Ai Cập (Sáng 12:10-20), A-can trên chiến trường (Giô-suê 7), và gia đình của Đa-vít sau khi ông phạm tội cùng Bát-sê-ba và sắp đặt cho chồng của bà bị giết (2 Sa-mu-ên 11-18). Cái tên Giô-na có nghĩa là “chim bồ câu,” song chắc chắn nhân vật Giô-na không phải là điềm báo cho sự bình an.

Giô-na tiếp tục hạ thấp chính mình mà tự xem bản thân như một món hàng hóa trên tàu! Ông nói rằng: “Hãy bắt lấy ta; hãy ném ta xuống biển, thì biển sẽ yên lặng cho các anh” (Giô-na 1:12). Các thủy thủ người ngoại còn thương xót cho Giô-na nhiều hơn lòng thương xót mà ông dành cho họ cũng như dân chúng thành Ni-ni-ve! Nhưng sự việc ngày một xấu hơn, “món hàng có tên Giô-na” đã biến thành thức ăn cho cá – và cuối cùng biến thành một bãi nôn mửa! Một người có thể xuống thấp đến mực nào? Mọi việc bắt đầu từ khi nào? Sự việc bắt đầu khi Giô-na chối bỏ ý muốn Chúa mà quyết định đi theo con đường của riêng mình.

Một khía cạnh quan trọng nhất trong đời sống Cơ Đốc đó chính là mối liên hệ giữa chúng ta với ý muốn của Đức Chúa Trời. Trong bài cầu nguyện chung, lời cầu xin quan trọng nhất chính là “ý cha được nên ở đất như trời,” bởi vì đây là cầu nối giữa lời cầu nguyện về Danh và vương quốc của Đức Chúa Trời với những lời cầu xin cho cá nhân chúng ta (Ma-thi-ơ 6:9-13). Chúng ta có quyền gì mà cầu xin Đức Chúa Cha ban cho thức ăn, sự tha thứ và sự dẫn dắt nếu chúng ta không thật sự quan tâm đến ý muốn của Ngài? Thời điểm duy nhất Giô-na muốn ý muốn Chúa đó là khi ông cầu nguyện để được giải cứu khỏi con cá lớn (Giô-na 2), và cũng giống như Giô-na, nhiều người chỉ tìm kiếm ý muốn Chúa khi gặp nguy nan.

Ý muốn Chúa đến từ tấm lòng và là sự giải bày tình yêu thương của Ngài. “Mưu của Đức Giê-hô-va được vững lập đời đời, ý tưởng của lòng Ngài còn đời nầy sang đời kia” (Thi thiên 33:11). Chính vì thế, phớt lờ hoặc cố tình không vâng theo ý Chúa là chối bỏ tình yêu thương của Ngài và làm Chúa buồn lòng. Đức Chúa Giê-su phán rằng: “Như Cha đã yêu thương ta thể nào, ta cũng yêu thương các ngươi thể ấy; hãy cứ ở trong sự yêu thương của ta. Nếu các ngươi vâng giữ các điều răn của ta, thì sẽ ở trong sự yêu thương ta, cũng như chính ta đã vâng giữ các điều răn của Cha ta, và cứ ở trong sự yêu thương Ngài” (Giăng 15:9-10).

Vâng theo ý Chúa thì được tôn lên; bất tuân ý Chúa thì bị hạ thấp.

GIÔ-NA BỎ LỠ CƠ HỘI CA NGỢI ÂN ĐIỂN CHÚA

Bởi ân điển, Đức Chúa Trời đã giữ cho Giô-na được sống trong bụng con cá lớn, Ngài lắng nghe ông cầu nguyện xin sự cứu giúp và giải cứu ông khỏi sự chết. Giô-na nhớ lại lời hứa trong 1 Các vua 8:46-51, hướng về đền thờ Giê-ru-sa-lem (Giô-na 2:4) và cầu xin Chúa tha thứ. Giống như điều những người không vâng ý Chúa thường làm khi cầu xin Chúa giúp đỡ, Giô-na có những lời hứa nguyện với Chúa. Ông nói rằng: “Tôi sẽ trả sự tôi đã hứa nguyện” (Giô-na 2:10), con cá lớn mửa Giô-na ra trên đất khô. Mặc dù Kinh Thánh không ghi lại đã có ai trông thấy phép lạ này xảy ra hay không, nhưng nếu thật đã có người trông thấy phép lạ này thì họ sẽ nhanh chóng đem tin ấy đến thành Ni-ni-ve và thành phố này sẽ được chuẩn bị để nhìn thấy và lắng nghe từ một người lạ khác thường này. Có lẽ ngoại hình của Giô-na đã bị thay đổi bởi vì ông đã ở trong bụng cá suốt ba ngày đêm và chắc chắn đều này sẽ thu hút sự chú ý của người khác. Giô-na giống như một người chết sống lại. Đức Chúa Trời giàu lòng ân điển đã ban cho ông một mạng lệnh mới và một thông điệp để gửi đến thành phố này. Chúng ta cần lưu ý rằng chủ đề chính của quyển sách này không phải là Giô-na, cũng không phải là con cá lớn hoặc thành phố Ni-ni-ve, nhưng là về Đức Chúa Trời. Con cá lớn được nói đến bốn lần, thành Ni-ni-ve chín lần, còn Giô-na mười tám lần, nhưng Đức Chúa Trời thì được nhắc đến ba mươi tám lần. Đây chính là câu chuyện về ân điển và lòng thương xót của Đức Chúa Trời.

Trong Giô-na 1 và 2, vị tiên tri này cư xử giống như Người con trai hoang đàng mà bỏ trốn và lãng phí những gì ông có, nhưng trong chương 3 và 4, Giô-na lại cư xử giống như người anh của người con trai hoang đàng (Lu-ca 15:25-32). Đầu tiên, ông vâng ý Chúa và hầu việc Ngài chỉ vì ông buộc phải làm vậy. Sự vâng lời của ông không bắt nguồn từ tấm lòng vui mừng đầy yêu thương, cũng không đến từ ý muốn đầu phục Chúa. Giống như người anh trai, Giô-na chỉ làm điều mà ông được truyền phải làm song động cơ của ông không tinh sạch. Tất nhiên, Giô-na không muốn bị Đức Chúa Trời sửa trị một lần nữa, và có lẽ ông đang mong rằng thành phố Ni-ni-ve sẽ không nghe lời mà phải bị diệt vong. Vâng ý Chúa nghĩa là “lấy lòng tốt làm theo ý muốn Đức Chúa Trời” (Ê-phê-sô 6:6), và đây chính là điều Giô-na thiếu.

Thông báo mà Giô-na công bố chính là một lời cảnh báo: “Còn bốn mươi ngày nữa, Ni-ni-ve sẽ bị đổ xuống!” (Giô-na 3:4). Theo Kinh Thánh ghi lại, Giô-na không hề nói đến sứ điệp ân điển hoặc sự tha thứ, tuy nhiên Chúa đã dùng những lời của Giô-na để cáo trách tội lỗi thành Ni-ni-ve và họ đã ăn năn mà quay về với Chúa trong đức tin. Nếu Giô-na thật sự biết ơn ân điển của Đức Chúa Trời và có động lực từ tình yêu thương của Chúa thì Giô-na đã kể cho dân thành này biết những việc Chúa làm cho ông, nhưng chúng ta không đọc thấy lời làm chứng của ông. Giống như người anh trong câu chuyện người con trai hoang đàng, Giô-na chỉ làm công việc của mình, không hơn không kém.

Tuy vậy Đức Chúa Trời chấp nhận sự ăn năn và đức tin của thành Ni-ni-ve! Đó chính là ân điển! Có thể Giô-na đã kỳ vọng Đức Chúa Trời sẽ đòi hỏi dân thành này phải cải đạo mà trở nên giống như người Do Thái, phải hành hương đến đền thờ tại Giê-ru-sa-lem hoặc ít nhất phải có một phái đoàn các thầy tế lễ đến đây để dâng tế lễ. Một đầy tớ khác của Chúa đã được Ngài kêu gọi giảng đạo cho người ngoại đó là Phi-e-rơ lúc ông đang ở thành Giốp-bê, phản ứng đầu tiên của Phi-e-rơ đó là “Lạy Chúa, chẳng vậy!” (xem Công vụ 10). Tuy nhiên khi Phi-e-rơ biết được rằng người ngoại quốc không cần phải trở nên giống như người Do Thái thì mới được làm Cơ Đốc Nhân, ông đã nói rằng: “Hết thảy các đấng tiên tri đều làm chứng nầy về Ngài [Đức Chúa Giê-su] rằng hễ ai tin Ngài thì được sự tha tội vì danh Ngài,” và Cọt-nây, gia đình và bằng hữu của ông đều tin và được cứu (Công vụ 10:43-48).

Giô-na bị hẹp hòi và mù lòa, và cả hai điều này đều xa lạ với sứ điệp ân điển của Đức Chúa Trời. Là một người Do Thái yêu nước, Giô-na muốn nhìn thấy kẻ thù của Y-sơ-ra-ên phải bị tiêu diệt còn đất nước của ông thì được phước. Ông giảng một sứ điệp về sự đoán phạt sắp xảy đến, nhưng cả thành phố, dân chúng và thú vật đều ăn năn và quay về với Chúa. “Nơi nào tội lỗi đã gia thêm, thì ân điển lại càng dư dật hơn nữa” (Rô-ma 5:20).

GIÔ-NA BỎ LỠ CƠ HỘI TRƯỞNG THÀNH TRONG TÌNH YÊU THƯƠNG CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

“Bấy giờ Giô-na rất không đẹp lòng, và giận dữ” (Giô-na 4:1). Thay vì dành thời gian hướng dẫn các tân tín hữu có sự hiểu biết về Chúa, Giô-na đã bỏ rơi họ và ngồi dưới một cái chòi mà ông tự dựng lên cho mình ở phía đông thành phố. Có lẽ Giô-na hy vọng rằng Ni-ni-ve sẽ làm điều gì đó chọc giận Chúa và Ngài sẽ hủy diệt họ. Người anh trai trong câu chuyện ngụ ngôn của Đức Chúa Giê-su đã rất giận dữ bởi vì người em trai hoang đàng được chào đón và tha thứ khi trở về nhà, không những thế, đứa em còn có giày mới, nhẫn mới, chiếc áo tốt nhất của cha và một bữa tiệc linh đình được tổ chức cho đứa em. Người anh trai ngoan ngoãn vẫn luôn mong muốn có được bữa tiệc ấy nhưng giờ đây đã được tổ chức cho đứa em trai và chúng bạn của hắn.

Nếu Giô-na trung tín mà thi hành chức vụ cho dân thành Ni-ni- thì chắc hẳn ông đã có được cái nhìn sâu sắc hơn về tình yêu thương của Đức Chúa Trời đồng thời phát triển những đức tính tin kính Chúa. Thực ra, Giô-na cần Ni-ni-ve cũng như Ni-ni-ve cần ông. Nhờ chức vụ với Cọt-nây và gia đình của ông tại thành Sê-sa-rê, Phi-e-rơ đã học được những lẽ thật mới về Chúa và lớn lên trong tầm vóc thuộc linh, và lẽ ra Giô-na cũng đã được tăng trưởng như thế. Nhưng thay vì trở nên giống như con trẻ mà phục vụ người khác, Giô-na trở nên như một đứa trẻ mà bĩu môi và phàn nàn. Ông tiếc nuối cho cây bầu bị héo úa và chết đi nhưng không tiếc cho hàng ngàn người trong thành – cùng bầy súc vật của họ – sẽ bị tiêu diệt khi Đức Chúa Trời phá hủy thành Ni-ni-ve. Thật Giô-na đã bỏ lỡ một cơ hội lớn là dường nào!

Nếu chúng ta vâng lời Chúa trong những việc khó thì chúng ta sẽ học được những lẽ thật tuyệt vời nhất mà Ngài muốn chúng ta học, cũng như tăng trưởng trong tâm linh và trở nên như giống như Đức Chúa Giê-su Christ. Đừng bỏ lỡ cơ hội của mình. Chúng sẽ không quay trở lại một lần nữa.

Ma-thi-ơ 12:38-42 dùng một hình ảnh trong Cựu Ước đó là Giô-na được cứu khỏi con cá lớn để nói về sự phục sinh của Đức Chúa Giê-su. Giô-na minh họa cho hình ảnh Đức Chúa Giê-su là một Đầy tớ chịu đau khổ khi Ngài trải qua sự chết, chôn và phục sinh. Đây quả thật là ân điển Chúa! Chắc chắn Giô-na không xứng đáng để được chọn làm hình ảnh cho Con Đức Chúa Trời, nhưng Ngài vẫn chọn ông. Ma-thi-ơ 12 nói rằng Đức Chúa Giê-su là Đấng tôn trọng hơn Giô-na (c. 41), tôn trọng hơn đền thờ (c. 6) và tôn trọng hơn vua Sa-lô-môn (c. 42) bởi vì Ngài chính là Tiên tri, Thầy tế lễ và Vua.

Phi-e-rơ và các sứ đồ khác đã dùng dấu hiệu của Giô-na để giảng trong sách Công vụ các sứ đồ (2:22-26, 32; 3:15; 5:30-32; 10:39; 13:26-37), và đây cũng chính là trọng tâm của sứ điệp phúc âm (1 Cô 15:1-8).

Chắc chắn Đức Chúa Giê-su “tôn trọng hơn Giô-na” về thân vị, bởi vì muôn đời Ngài chính là Con Đức Chúa Trời, và về sứ điệp, bởi vì thông điệp của Đức Chúa Giê-su là thông điệp cứu rỗi, không phải thông điệp đoán phạt. Giô-na có một thông điệp cho một thành phố, nhưng thông điệp của Đức Chúa Giê-su dành cho cả thế gian. Giô-na không chết, nhưng Đức Chúa Giê-su đã chết, được chôn và sống lại từ cõi chết như lời Ngài đã hứa. Sự chết của Giô-na không thể giải cứu con người, nhưng Đức Chúa Cha đã ban Đức Chúa Con đặng làm Cứu Chúa thế gian (1 Giăng 4:14). Giô-na bằng lòng bị ném khỏi tàu và chết vì tội lỗi của mình, nhưng Đức Chúa Giê-su sẵn lòng chịu chết vì tội lỗi của thế gian – nhưng trong Ngài không hề có tội lỗi! Giô-na miễn cưỡng đến Ni-ni-ve, song Đức Chúa Giê-su rời thiên đàng đến thế gian để bày tỏ tình yêu thương và ân điển của Đức Chúa Trời cho chúng ta. Giô-na chỉ cầu nguyện cho riêng ông, nhưng Đức Chúa Giê-su cầu nguyện cho kẻ thù của Ngài: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì” (Lu-ca 23:34). Đức Chúa Trời dung thứ cho Giô-na nhưng không dung thứ cho Con một của Ngài. Ngược lại, Đức Chúa Trời đã ban Đức Chúa Giê-su để chết vì chúng ta (Rô-ma 8:32).

Vì lãng phí những cơ hội của mình, Giô-na ngày một trở nên ít ỏi hơn, nhưng Đức Chúa Trời vẫn sử dụng ông để làm hình ảnh cho chính Con Ngài trong sự chết, chôn và phục sinh! Ân điển Ngài vĩ đại làm sao!

Nếu tôi gửi đến nhà xuất bản một bản thảo giống như sách Giô-na, rất có thể họ sẽ trả lại sách mà hỏi rằng: “Kết thúc đâu?” Sách Giô-na kết lại bằng một câu hỏi của Đức Chúa Trời dành cho Giô-na, nhưng chúng ta không biết Giô-na trả lời ra sao. Có phải ông đã ăn năn và học được bài học quan trọng chính là Đức Chúa Trời có thể cứu người ngoại quốc cũng như những người Do Thái và họ không cần phải trở nên giống như người Do Thái để được cứu? (Đây là một vấn đề lớn gây tranh cãi tại giáo hội nghị Giê-ru-sa-lem được ghi lại trong Công vụ 15.) Có phải Giô-na đã ăn năn sự giận dữ và hẹp hòi của mình mà trở về quê hương với một tấm lòng yêu thương? Hy vọng là thế nhưng chúng ta không thể biết chắc. Chúng ta không thể tác động đến quyết định của Giô-na nhưng chúng ta có thể thay đổi quyết định của chính mình. Có phải những con người lạc mất khiến chúng ta cảm thấy phiền toái hay nặng lòng? Phải chăng chúng ta mong muốn Đức Chúa Trời hủy diệt họ, hay là chúng ta cầu nguyện để Ngài giải cứu họ? Chúng ta có tin rằng ân điển của Đức Chúa Trời đủ để cứu dù là những tội nhân tồi tệ nhất?

Chúa … không muốn cho một người nào chết mất,

song muốn cho mọi người đều ăn năn.

2 Phi-e-rơ 3:9

 

Đức Chúa Trời, là Cứu Chúa chúng ta… muốn cho mọi người được cứu rỗi và hiểu biết lẽ thật.

1 Ti-mô-thê 2:3-4

Giữa hai câu Kinh Thánh trên là khoảng trống cho tất cả mọi người. Đâu là Ni-ni-ve của bạn, và bạn có sẵn lòng đi đến đó không?

 

 

 

 

 

 

 

 

 

[1] Whyte, Bible Characters, 363.

[2] George W. Truett, The Prophet’s Mantle (Nashville, Tenn.: Broadman Press, 1948).

 

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên