Khi nghiên cứu về chủ đề trở nên một người lãnh đạo Cơ đốc, tôi có một cách tiếp cận hữu ích cho sinh viên của tôi là kiểm tra nhiều định nghĩa khác nhau của một khái niệm và xác định các cụm từ tái diễn. Khi các chủ đề đó được xác định, tôi khuyến khích sinh viên tạo ra một định nghĩa kết hợp ba hoặc bốn khái niệm mà các em cảm thấy rất quan trọng. Tôi đã khảo sát bài tập này nhiều lần trong các lớp, và mỗi lần như thế tôi đều kinh ngạc về cách mà các sinh viên đã nhanh chóng tổng hợp các khái niệm và phát triển một định nghĩa về lãnh đạo mang tính cá nhân mạnh mẽ.
Tôi đã tổng hợp được chừng sáu mươi lăm định nghĩa khác nhau về lãnh đạo và nghệ thuật lãnh đạo trong tập tin cá nhân từ sự nghiên cứu của nhiều người. Có một vài sự phân biệt giữa người lãnh đạo và nghệ thuật lãnh đạo.
Những nền tảng của người lãnh đạo
Khi nhìn vào các định nghĩa về lãnh đạo một số ý tưởng sau đây được nhắc đến nhiều lần:
- Gây ảnh hưởng trên người khác nhờ vào một nhân cách mẫu mực. Ý tưởng này được nói đến trong một phần hai các định nghĩa về lãnh đạo. Người lãnh đạo phải là người tác động đến người khác qua chính nhân cách và khải tượng của mình. Không có nhân cách tốt, mọi người sẽ đặt câu hỏi về động cơ của người lãnh đạo và cuối cùng sẽ không đi theo khải tượng của ông.
- Khải tượng và sự hướng dẫn. Người lãnh đạo biết mình sẽ đi đến đâu và làm cách nào để đi đến đó. Một người lãnh đạo có một hình ảnh trong tâm trí rõ ràng về tương lai, và họ đam mê theo đuổi để đạt được nó.
- Sự phát triển. Người lãnh đạo không chỉ hướng dẫn người khác làm theo khải tượng của mình mà còn phát huy hết tất cả những khả năng còn ẩn giấu (những tiềm năng) trong người khác.
Có thể tóm lược thế này:
Sự ảnh hưởng/Nhân cách tốt + Khải tượng + Sự phát triển = Người Lãnh đạo
Sự Ảnh Hưởng = Người Lãnh Đạo
Điều quan trọng được nhắc lại lần nữa là người lãnh đạo phải tạo một ảnh hưởng tích cực lên người khác. Có nhiều cách để làm điều này. Chúng ta có thể ảnh hưởng trên người khác qua sự trưởng thành thuộc linh của mình. Chúng ta có thể ảnh hưởng trên người khác thông qua: những gì chúng ta nói; nhân cách của chính mình; sử dụng các tài năng và ân tứ của mình.
Còn nữa, là người lãnh đạo Cơ đốc, chúng ta tác động ảnh hưởng đến người khác xuyên qua sự cầu nguyện. Chúng ta cầu nguyện cho người khác và khích lệ họ bằng Lời Chúa. Về cơ bản, đã là người lãnh đạo có nghĩa là chúng ta phải tạo một ảnh hưởng tích cực lên người khác.
Khải Tượng và Sự Mầu Nhiệm
Điều thứ hai mà chúng ta chú ý là người lãnh đạo phải nhìn thấy con đường mình đi và có khải tượng. Nhìn đường và biết lối đi là quan trọng để trở thành một nhà lãnh đạo. Có thể nhìn xa hơn, và rõ ràng hơn là một điều quan trọng cho trách nhiệm của một người lãnh đạo Cơ đốc. Khi chúng ta dành thì giờ với Đức Chúa Trời và Lời Ngài, ở trong sự hiện diện với Ngài, chúng ta có thể nghe tiếng phán của Ngài cách rõ rang để biết con đường mình đi.
Chúa Giê-su đã phán trong Giăng 10:27, “Chiên ta nghe tiếng ta, ta quen nó, và nó theo ta.” Thực tế là, Chúa Giê-su thường dành thì giờ ở với Cha thiên thượng để tìm biết ý muốn của Cha. Đây là điểm khởi đầu cho người lãnh đạo Cơ đốc. Người lãnh đạo thế tục thì khác, anh ta sẽ dành thì giờ cho các buổi hội thảo, nghiên cứu các dự án, phân tích các thông tin trong nhiều lĩnh vực để phát triển công ty của mình. Là người lãnh đạo Cơ đốc chúng ta phải dành thì giờ ở với Đức Chúa Trời. Blackaby đã nói về điều này, “Thế giới trần tục lờ đi ý muốn của Đức Chúa Trời, cho nên những kẻ không tin ngồi lại để dự trù, chuẩn bị cho kế hoạch của chính họ. Các Cơ đốc nhân được gọi đến một cách tiếp cận khác. Đối với tín hữu, chỉ có Chúa mới đặt ra chương trình nghị sự.”4 Kết quả là, người lãnh đạo Cơ đốc trau dồi khả năng lắng nghe tiếng Chúa để đi đến điểm mà Chúa sẽ bày tỏ cho người đó sự mầu nhiệm của vương quốc. Chúa Giê-su dạy, “Bởi vì đã ban cho các ngươi được biết những điều mầu nhiệm của nước thiên đàng, song về phần họ, thì không ban cho biết.” (Ma-thi-ơ 13:11; Đọc thêm Lu-ca 8:10). Sách Châm ngôn 3:23 viết, “Con sẽ bước đi vững vàng trong đường con, và chân con không vấp ngã.”
Khi dành thì giờ ở với Đức Chúa Trời, Ngài sẽ bày tỏ cho chúng ta những điều huyền nhiệm về ý muốn Ngài. Bạn có đang dành thì giờ trong hiện diện của Chúa và lắng nghe tiếng Ngài?
Biết Các Ân Tứ Và Sử Dụng Chúng
Ý tưởng thứ ba từ các định nghĩa về lãnh đạo là phát triển và giúp đỡ người khác trở nên mẫu người mà Chúa muốn. Tôi tin rằng nhiệm vụ trung tâm của người lãnh đạo Cơ đốc là khích lệ, huấn luyện, trang bị cho người khác, giúp họ trưởng thành trong ý muốn của Chúa. Tôi đồng ý với Warren Bennis khi ông nói, “Trở nên một người lãnh đạo đồng nghĩa với việc trở thành chính mình. Điều này chính xác mà đơn giản, và cũng khó khăn.”5 Khi một người trưởng thành vươn tới giống như hình ảnh của Đấng Christ, người ấy cần được khích lệ để khám phá các ân tứ mà Đức Chúa Trời đã ban cho mình và sử dụng chúng cho sự mở rộng nước Trời. Ê-phê-sô 2:10 viết, “chúng ta là việc Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Đức Chúa Giê-su Christ để làm việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước cho chúng ta làm theo.” Đức Chúa Trời đã cứu chúng ta không phải vì những việc lành mà chúng ta làm (Ê-phê-sô 2:8-9), nhưng Ngài đã cứu chúng ta, để chúng ta trở nên những người phục vụ – những người làm các việc lành, trong đó chủ yếu là rao giảng Phúc âm qua mọi phương cách. Cha thiên thượng đã dự bị sẵn một số việc mà Ngài muốn chúng ta làm. Nếu một người đã tiếp nhận Chúa Giê-su làm Cứu Chúa, người ấy đã có một chỗ đứng trong vương quốc để làm việc.
Đức Chúa Trời trông đợi con cái của Ngài biết các ân tứ Ngài ban cho và sử dụng chúng. Trong ngày tính sổ chung cuộc, mỗi chúng ta sẽ được Chúa phán xét. Sự phán xét này tùy thuộc vào sự trung tín của mỗi người sử dụng các ân tứ của mình. Chúng ta trông đợi được nghe tiếng Chúa phán trong ngày ấy: “Hỡi đầy tớ ngay lành trung tín kia, được lắm; ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ lập ngươi coi sóc nhiều; hãy đến hưởng sự vui mừng của Chúa ngươi.” (Ma-thi-ơ 25:23)
Định nghĩa người lãnh đạo
Từ những phân tích trên đây, chúng ta có thể diễn tả rõ hơn về người lãnh đạo Cơ đốc:
Một lãnh đạo Cơ đốc là người tạo ảnh hưởng trên người khác. Người đó bước theo khải tượng của Đức Chúa Trời bày tỏ cho mình và truyền cảm hứng cho người khác để họ bước theo kế hoạch của Đức Chúa Trời dành cho đời sống họ.
Từ định nghĩa này chúng ta có thể giúp đỡ cho các lãnh đạo Cơ đốc nhìn thấy trách nhiệm của chính mình để hướng dẫn dân sự của Chúa vươn tới khai thác hết các ân tứ tiềm năng của họ. Điều này cũng áp dụng trong phạm vi một gia đình. Là cha mẹ chúng ta là những người lãnh đạo Cơ đốc phải có trách nhiệm giúp đỡ con cái mình phát triển các ân tứ, tài năng để phục vụ hội thánh và cộng đồng. Chúng ta có mặt ở đây để giúp đỡ cho mỗi cá nhân trưởng thành, phát triển góp phần của mình cho vương quốc của Đức Chúa Trời.
Rod Dempsey
Translated by Tuong Vi
Bài đọc thêm:
http://huongdionline.com/2016/03/01/chan-dung-12-nha-lanh-dao-trong-kinh-thanh/