-“Làm thể nào để biết được ý Chúa?”
-Nhiều tín hữu trẻ đang đặt câu hỏi nầy và tôi thấy đây là câu hỏi hay, xứng đáng để nghiên cứu và tìm được câu giải đáp thích hợp nhất. Tôi đọc trong một quyển sách của Mục sư Charles Stanley và thấy ông khẳng định theo kinh nghiệm của ông: “Mọi điều gì bạn làm ngoài ý Chúa đều sẽ thành tro bụi.” Cũng như Kinh Thánh đã quả quyết: “Thế gian với sự tham dục nó đều qua đi nhưng ai làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời thì còn lại đời đời” (I Giăng 2: 17). Như vậy nếu bạn muốn mọi quyết định của bạn trong đời sống có giá trị lâu dài, hãy tìm kiếm ý Chúa và làm theo ý Chúa.
Có mấy nguyên tắc chúng ta cần nhớ. Trước hết, để biết ý Chúa chúng ta phải đầu phục Chúa hoàn toàn, nghĩa là chúng ta sẵn sàng nghe tiếng Chúa và quyết tâm vâng theo mọi mạng lịnh Chúa truyền cho chúng ta. Nếu chúng ta chỉ thích nghe những gì mình muốn nghe thì chúng ta không thể tìm được ý Chúa. Một Mục Sư người Mỹ chia sẻ kinh nghiệm gia đình. “Nếu tôi nói với bọn trẻ: “Hãy đi ăn kem!” Hoặc, “Hè, chúng ta đi Disneyland!” thì dù nói nhỏ, các con tôi cũng nghe rõ và hưởng ứng hào hứng ngay. Nhưng nếu tôi bảo: “Hãy dọn dẹp phòng ngủ,” “Hãy xếp gọn đồ chơi,” “Hãy đem đổ thùng rác!” thì dường như bọn chúng tỏ vẻ không nghe, không hiểu tôi muốn nói gì.”
Ý Chúa luôn luôn bày tỏ ra trong Kinh Thánh. “Vậy chớ nên như kẻ dại dột, nhưng phải hiểu rõ ý muốn của Chúa là thế nào” (Ê-phê-sô 5: 17). Trong Kinh Thánh có một số trường hợp chúng ta thấy Chúa phán rõ thành tiếng cho một số người. Chẳng hạn Chúa phán với ông Nô-ê (Sáng 7:1), với ông Áp-ra-ham (Sáng 17:1), với ông Môi-se (Xuất 3:14), với ông Giô-suê (Giô-sua 1:1-2), với Sa-mu-ên (1 Sa-mu-ên 3). Với Ê-li, Chúa lại phán với ông trong tiếng nói êm dịu nhỏ nhẹ (1 Vua 19:12). Khi đứng trước mặt Phi-lát, Chúa Giê-su nói, “Hễ ai thuộc về lẽ thật thì nghe tiếng ta” (Giăng 18:37). Chúa cũng phán, “Chiên ta nghe tiếng ta” (Giăng 10:4, 27). Nếu bạn muốn biết rõ ý Chúa là gì bạn hãy mở Kinh Thánh ra, đọc, suy gẫm và hứa làm theo. Hãy để ý tìm xem chỗ nào có nói đến ý muốn Chúa. Chẳng hạn: “Hãy vui mừng mãi mãi, cầu nguyện không thôi, phàm việc gì cũng phải tạ ơn Chúa, vì ý muốn của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Giê-su đối với anh em là như vậy (1 Tes. 5:16-18). Chúa muốn chúng ta cảm tạ Chúa luôn. Hoặc: “Ý muốn của Đức Chúa Trời là khiến anh em nên thánh: tức là phải lánh ô uế, mỗi người phải biết giữ thân mình cho thánh sạch và tôn trọng, chẳng bao giờ sa vào tình dục luông tuồng như người ngoại đạo, là kẻ không nhìn biết Đức Chúa Trời” (1 Tes:3:3-5). Chúa muốn chúng ta sống thánh khiết luôn.
Nếu chúng ta không nghe được tiếng Chúa thì thường là vì chúng ta không chịu lắng nghe. Chúng ta quá bận với công việc và không có thì giờ dành cho Chúa. Chung quanh chúng ta từ sáng tới tối có bao nhiêu âm thanh ồn ào chi phối. Trên xe hơi chúng ta mở radio, mở CD nghe nhạc, nghe tin thế giới. Tối về đến nhà chúng ta mở TV nghe tin tức thời sự, xem phim. Suốt ngày chúng ta nghe chuông reo điện thoại, cell phone, quảng cáo. Chúng ta không có chút thì giờ để đọc Kinh Thánh, để cầu nguyện tìm kiếm Chúa. Và chúng ta than, “Tại sao Chúa không nói chuyện với tôi?” Thật ra, Chúa có nói đấy, nhưng chúng ta không có chú ý lắng nghe.
Có lẽ nhiều khi chúng ta chỉ muốn nghe Chúa phán cách to lớn phi thường chẳng hạn qua trận động đất, trong cơn bão tố, trong trận hoả hoạn. Chúng ta thường muốn có dấu hiệu rõ rệt là Chúa đang nói. Thay vào đó, nhiều lần Chúa phán thật nhỏ nhẹ, rõ ràng, trầm lặng và muốn nghe Chúa phán chúng ta phải hết sức chú ý lắng nghe. Cũng có nhiều khi Chúa phán với sâu thẳm lòng ta, tự lòng chúng ta biết. Đó là những lúc Chúa phán với chúng ta khi đọc Kinh Thánh, khi cầu nguyện, khi đang suy gẫm hay khi đang tiếp xúc người khác. Tôi có kinh nghiệm thường dành thì giờ ngồi thinh lặng một mình, sáng sớm, đêm khuya, tắt hết mọi thứ âm thanh xung quanh, và nhắm mắt mở tai lắng nghe Chúa nói, Chúa dạy và Chúa nhắc.Trong những giờ phút đó, tâm hồn tôi (noi gương của Sa-mu-ên) lên tiếng: -“Lạy Chúa, xin hãy phán, kẻ tôi tớ Ngài đang nghe.”
Muốn nghe biết ý Chúa, mỗi người trong chúng ta phải quyết tâm làm theo lời Chúa dạy. Nếu Chúa bảo chúng ta làm gì đó mà chúng ta quyết định không làm theo, Chúa sẽ không có gì để phán nữa. Chẳng hạn, Chúa dạy hãy tha thứ. Hãy tha thứ cho người khác trước khi kêu cầu Chúa. Chúa nhắc chúng ta hãy vâng lời ngay. Có một lời nhắc nhở của Chúa được chép trong Kinh Thánh: “Nếu lòng tôi chú về điều ác, ắt Chúa chẳng nghe tôi” (Thi Thiên 66:18). Vậy hãy dò xét lòng mình, giữ cho mối liên hệ cá nhân giữa mình với Chúa thông suốt trước khi tìm kiếm tiếng nói của Chúa.
Cũng nên nhớ có nhiều khi chúng ta thấy ý Chúa quá rõ, chúng ta không cần đi tìm làm chi. Chẳng hạn chúng ta không cần cầu nguyện để xem có nên hay không nên nói dối, hay làm chứng dối. Đây là một trong 10 điều răn của Chúa. Cũng không cần cầu nguyện để hỏi là ý Chúa có cho tôi ăn cắp hay không? Điều răn của Chúa nói rõ không được trộm cắp, giết người, gian dâm, tham lam…
Những điều gì hoàn toàn trái với lời Chúa thì không thể là ý Chúa. Chúa sẽ không cho chúng ta làm điều chi trái với bản tánh của Chúa. Chẳng hạn ý Chúa là “chớ lấy ác trả ác cho ai.” “Sự trả thù thuộc về ta, ta sẽ báo ứng.” Ý Chúa thể hiện rõ ràng qua những mạng lịnh bắt đầu bằng chữ “Hãy…”” Chớ…””Đừng…””Phải…” (Xem Rô-ma 12-16). Ý Chúa là mỗi người tin Chúa phải sống thánh khiết, sống yêu thương, làm sáng danh Chúa trong cách ăn nết ở của mình. Mỗi người chồng hay vợ đều phải biết thương yêu nhau, kính nhường nhau, xây dựng gia đình hạnh phúc, và bảo vệ gia đình tồn tại. Hãy thường hỏi: – “Việc nầy có làm sáng danh Chúa hay không?”
Hãy cùng tôi suy gẫm đến một lời hứa của Chúa về sự tìm biết ý Chúa. Sứ đồ Phao-lô viết thư cho người La Mã như sau: “Vậy, hỡi anh em, tôi lấy sự thương xót của Đức Chúa Trời khuyên anh em dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của anh em. Đừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào” (Rô-ma 12:1-2).
Đây là một lời hứa có điều kiện. Lời hứa gì? – Chúng ta có thể biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời. Điều kiện gì? 1-Dâng thân thể mình làm một sinh tế sống cho Đức Chúa Trời. 2-Đừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình. Qua lời dạy của Phao-lô chúng ta cần tấm lòng hiến dâng, chúng ta cần đổi mới tâm trí mình. Những gì thế gian xuí giục, cám dỗ, lấn áp, mời gọi, đầy ắp trong tâm trí thì chúng ta phải xoá bỏ đi, giống như cách xử dụng máy tính (computer) là delete hết và hãy thay thế vào đó bằng lời dạy của Đức Chúa Trời. Hãy tập học thuộc lòng Kinh Thánh (nhất là những câu nói về ý Chúa và những câu lời hứa của Chúa).
Con người chúng ta được điều khiển bởi tâm trí chúng ta. Vì thế muốn đời sống được đổi mới chúng ta cần đổi mới tâm trí chúng ta. Phao-lô viết: “Rốt lại, hỡi anh em, phàm điều chi chân thật, điều chi đáng tôn, điều chi công bình, điều chi thanh sạch, điều chi đáng yêu chuộng, điều chi có tiếng tốt, điều chi có nhân đức đáng khen, thì anh em phải nghĩ đến. Hễ sự gì anh em đã học, đã nhận, đã nghe ở nơi tôi, hãy làm đi, thì Đức Chúa Trời của sự bình an sẽ ở cùng anh em” (Phi-líp 4:8-9). Đổi mới tâm trí bằng cách thay đổi nếp suy nghĩ. Hằng ngày. Nghe và làm theo lời Chúa bạn sẽ được phước. Hãy quyết tâm làm người mới, suy nghĩ theo lời Chúa, hãy noi gương Phao-lô, noi gương Chúa Giê-su, mỗi ngày gần guĩ với Chúa, bạn sẽ được đổi mới, bạn sẽ sống bình an.
Mục sư Greg Laurie có chỉ dẫn chúng ta áp dụng những nguyên tắc sau đây khi tìm kiếm ý Chúa:
- Nghiên cứu Lời Chúa trong Kinh Thánh.
- Hãy chú ý xem hoàn cảnh đang xảy ra khi Chúa dẫn dắt.
- Tìm kiếm sự bình an của Chúa trong tâm hồn mình.
Khi bạn biết kiên nhẫn chọn điểm hẹn và giữ giờ hẹn với Chúa mỗi ngày trong đời sống theo Chúa, bạn sẽ nghe được ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Chúa. Cũng hãy tiếp tay với chúng tôi để nói với các thân hữu người Việt của chúng ta rằng: ý muốn của Chúa là không muốn một người nào chết mất, nhưng muốn mọi người ăn năn để được Chúa cứu và được đến thiên đàng.
Mục Sư Nguyễn Văn Huệ