Trang Chủ TRANG CHỦ Làm sao phát hiện ‘tin vịt’ dạy cách chữa bệnh

Làm sao phát hiện ‘tin vịt’ dạy cách chữa bệnh

886
0
SHARE
iStock

Khi báo Anh, the Independent, phân tích 20 câu chuyện được chia sẻ nhiều nhất trong năm 2016 có chữ ‘ung thư’ trong tiêu đề, thì có tới quá nửa đưa ra những nội dung mà giới chức ngành y tế hoặc các bác sỹ cho là không đáng tin cậy.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều triệu người coi đó là những bài viết có nội dung thú vị, đáng chia sẻ trên mạng xã hội.

 

Nếu như các bài viết nêu tin tức giả về chính trị có thể ảnh hưởng tới cách thức cử tri đi bỏ phiếu, thì các bài báo về sức khỏe đưa ra những cách chữa trị chưa hề được kiểm chứng có khiến độc giả bỏ qua biện pháp điều trị đang được bác sỹ chỉ định để thử nghiệm những gì được nêu trong bài báo không?

Một số người lo sợ rằng những bài báo như thế sẽ gây tác động rất nguy hiểm.

iStock

Mọi người cần phải thận trọng khi đọc tin, nhưng làm sao để biết được những gì ta nhìn thấy trên Facebook hay Twitter hàng ngày là những tin được dựa trên bằng chứng khoa học đúng đắn hay không?

Mỗi ngày, tôi nhận được hàng chục email từ các công ty quảng cáo, đôi khi là thư nói về những nghiên cứu rất hay, nhưng có lúc lại là thư nhảm.

Cũng giống như các phóng viên y tế khác, tôi dành nhiều thời gian để tìm hiểu xem làm thế nào để biết được tin nào đúng, tin nào không.

Tôi tự hỏi liệu cách tốt nhất để biết được chất lượng bài báo mà mình đang đọc có phải là bằng cách bắt tay vào tìm kiếm những thông tin tương tự hay không.

Thế là cho loạt chương trình phát thanh Health Check của BBC, tôi tìm đến ba phóng viên y tế dày dạn kinh nghiệm để tham vấn, gồm Sarah Boseley, chủ biên mảng y tế của tờ The Guardian, James Gallagher, phóng viên chuyên về khoa học và y tế của BBC, và Ivan Oransky, nhà bình luận của Stat News và cũng là cây viết của Distinguished tại Đại học New York. Và tôi cũng bổ sung thêm kinh nghiệm cá nhân nữa.

Bạn có phát hiện ra những dòng tin không đáng tin cậy không?
Bạn có phát hiện ra những dòng tin không đáng tin cậy không?

1. Trước tiên, hãy nhìn nguồn tham khảo của bài báo. Hãy kiểm tra xem đó có phải là bài đăng trên một tờ báo, một trang mạng hay của một hãng truyền thông có uy tín hay không.

2. Hãy tự hỏi xem liệu kết quả nghiên cứu được đưa ra trong bài đó có thực sự hợp lý không. Nếu thấy nó có vẻ hoàn hảo tới mức không thể tin được thì có lẽ nó không đáng tin.

3. Nếu như bài báo có những mô tả như “điều bí mật thậm chí bác sỹ cũng không nói cho bạn biết” thì ta nên thận trọng. Các bác sỹ chẳng có lợi gì khi giữ bí mật những cách chữa trị hiệu quả. Họ muốn chữa khỏi bệnh cho mọi người, bởi đó chính là công việc của họ.

4. Nội dung càng tuyên bố mạnh mẽ bao nhiêu thì bạn càng cần phải xem thêm bằng chứng nhiều bấy nhiêu, đủ để bạn có thể tin rằng nội dung đó đúng. Nếu thực sự có một bước đột phá thì hẳn là cách điều trị được nhắc tới đã phải được thử nghiệm trên hàng ngàn bệnh nhân, được công bố trên các tạp chí y khoa và được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện truyền thông lớn nhất thế giới. Nếu như đó là điều mới và chỉ có một bác sỹ khuyên dùng, thì bạn nên chờ đợi cho tới khi có thêm các bằng chứng trước khi nghe theo lời khuyên đó.

5. Nếu bài viết nói rằng kết quả nghiên cứu được nêu đã được công bố trong một tạp chí nào đó, thì bạn hãy tìm kiếm nhanh trên mạng để kiểm tra xem tạp chí đó có phải là loại được kiểm định nội dung (peer-reviewed) không. Tức là loại tạp chí trước khi in một bài báo thì họ sẽ gửi nội dung bài cho các khoa học gia làm việc trong cùng ngành đó để yêu cầu họ nghiên cứu, thẩm định. Ngay cả các tạp chí như thế cũng có khi rút lại những bài đã đăng nếu phát hiện có sự gian lận, nhưng đa phần các bài đều đạt chất lượng. Nếu như kết quả nghiên cứu chưa được công bố trên một tạp chí được kiểm định nội dung thì rất cần nghi ngờ, cảnh giác.

6. Cách chữa trị tuyệt vời được nêu trong bài viết đã từng được thử nghiệm trên con người chưa? Hay mới chỉ trong ống nghiệm, hay trên chuột trong phòng thí nghiệm? Nếu chưa được thử nghiệm trên người thì cách chữa trị đó có thể vẫn rất thú vị về mặt khoa học và hứa hẹn sẽ đem lại kết quả đáng mừng, nhưng vào lúc này thì vẫn còn quá sớm để biết liệu có hiệu quả gì khi áp dụng cho con người hay không.

7. Mạng internet có thể giúp bạn tiết kiệm được rất nhiều thời gian. Hãy tìm hiểu trên trang mạng chuyên bình luận về việc đưa tin trên truyền thông, như Health News Review, và bạn sẽ nhận ra là họ đã làm giúp bạn rất nhiều trong việc kiểm tra độ tin cậy của thông tin được nêu trong bài báo mà bạn quan tâm.

8. Nếu không, hãy tìm kiếm tên của phóng viên viết bài để xem họ thường viết về chủ đề gì. Nếu họ thường viết về khoa học hay y tế thì nhiều khả năng họ biết cần đặt ra những câu hỏi gì liên quan tới biện pháp chữa trị mới.

9. Hãy tìm kiếm trên mạng bằng các thông tin nêu trong câu chuyện, và kèm thêm chữ “myth” (hoang đường) hoặc “hoax” (tin vịt). Có thể bạn sẽ thấy là chủ đề này đã được chỉ trích, đề cập tới ở đâu đó rồi.

10. Và cuối cùng, một khi bạn xác định được là câu chuyện về sức khỏe đó không phải là tin giả, đã được công bố trên một tạp chí y khoa có uy tín, thì bạn vẫn nên kiểm tra phương pháp tiến hành cuộc nghiên cứu. Trang Behind the Headlines thuộc Cơ quan Y tế Anh quốc (NHS) xem xét chi tiết các nghiên cứu, thảo luận về cách thức các nghiên cứu đã được thực hiện, và về việc liệu các kết quả thu được có được tường thuật một cách chính xác hay không.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.

 

1. Đừng chỉ đọc tiêu đề. Hãy chịu khó bấm vào trang tin đầy đủ

“Tiêu đề”, “tít” quả thật vô cùng hấp dẫn trong thời đại mạng xã hội, nơi nhu cầu tiêu thụ thông tin nhấn mạnh vào sự nhanh chóng và gọn gàng. Thêm vào đó, việc đang sử dụng nền tảng Facebook lại phải chuyển qua các loại trình duyệt khác thật sự sẽ khiến bạn khó chịu và cảm thấy rất mất thời gian. Song dù thao tác này làm mất đi của bạn chừng vài chục giây, nó sẽ mang lại nhiều thông tin chi tiết và rõ ràng hơn, thậm chí thú vị hơn cả tiêu đề.

Ngược lại, nếu thứ bạn nhận được chỉ là những thông tin sơ sài, câu cú lủng củng, và những nội dung không ra gì; hay bạn nhận thấy tiêu đề bài viết trái ngược hoàn toàn với nội dung trong bài, thì đã đến lúc loại bỏ nguồn tin đó ra khỏi danh sách theo dõi của bạn.

2. Thử tìm nguồn trong nội dung bài viết

“Nguồn” là một vấn đề cực kỳ quan trọng trong nghiên cứu khoa học, báo chí, lẫn các thảo luận thường ngày.

Thử tưởng tượng xem bạn sẽ khó chịu đến như thế nào khi có một người phản bác quan điểm hay thông tin của bạn bằng luận điệu “người quen tôi nói thế”, “người chị sống bên Mỹ của tôi nói thế”, “một bài nghiên cứu khoa học nói thế”, “một facebooker nổi tiếng sống ở Đức nói thế”…

Vì vậy, hãy tiếp cận với báo chí theo cách tương tự.

Nếu bạn đã thực hành bước đầu tiên của bài viết, sẽ rất dễ dàng để bạn nhận ra rằng ngay cả báo chính quy  cũng không dẫn link bài viết nguồn của họ từ báo tiếng Anh, tiếng Nga, hay tiếng Nhật… Nhiều phóng viên chỉ ghi hời hợt “Tổng hợp” là xong chuyện.

Lý do để họ làm việc này? Lười? Không muốn bạn đọc kiểm tra thông tin vì có thể nội dung đã bị chỉnh sửa hoặc đưa không đầy đủ? Trong mùa COVID-19, nếu không tìm thấy rõ link dẫn của nguồn thông tin, đừng vội tin những gì bài viết nói, cho dù nó xuất phát từ một tờ báo chính quy đi chăng nữa.

3. Thử dùng các từ khóa ngược lại với thông tin bạn tiếp nhận 

Đây là một kỹ năng tương đối mất thời gian và phức tạp hơn. Song chúng cũng sẽ mang lại cho bạn nhiều thông tin trái chiều hơn, từ đó cho bạn cơ hội có một bức tranh toàn cảnh của vấn đề. Bất kể thông tin bạn vừa tiếp nhận có hợp ý mình đến như thế nào đi chăng nữa, có thêm thông tin là cách tốt nhất để không rơi vào trạng thái cực đoan chính trị.

Ví dụ, bạn sẽ đọc thấy rất nhiều tin về “Nga hỗ trợ Mỹ” thiết bị hay y tế, hay thiết bị y tế của Việt Nam được nhiều nước hỏi mua…

Giờ hãy thử tìm các thông tin ngược lại. Mỹ hỗ trợ gì cho quốc tế trong đợt dịch? Hay Việt Nam đang nhập khẩu hay nhờ đến thiết bị y tế từ ai?

Bạn sẽ bất ngờ với sự đa dạng của các thông tin và hiện thực xã hội đa nguyên ngày nay. Có sự thật, nhưng thiếu góc nhìn, sẽ rất dễ dẫn đến việc tiếp cận thông tin một chiều, gây định kiến cho quá trình sàng lọc và tiếp nhận thông tin sau đó.

4. Cẩn trọng với báo Tây

Báo Tây, báo nước ngoài (và thông thường là tiếng Anh) thường được xem là một nguồn thông tin rất đáng tin cậy và trung lập với người Việt Nam. Điều này không sai, cho đến đầu thế kỷ 21.

Theo nhà báo kỳ cựu của đài CBS (Mỹ) Dan Rather, ngày xưa, khoản tiền để đầu tư vào hệ thống thu thập tin tức, thành lập các đài truyền hình, in ấn báo chí và kể cả thành lập và quản trị các website cực kỳ tốn kém. Chỉ có những hãng thông tấn, hãng truyền thông lớn mới có thể gia nhập cuộc chơi tin tức. Vì vậy, họ có lý do để đưa tin và bình luận một cách chuẩn xác nhất có thể: vừa bảo vệ danh tiếng của hãng tin, vừa bảo vệ số tiền khổng lồ mà họ đầu tư vào quá trình sản xuất tin tức.

Ngày nay, mọi thứ đã thay đổi. Khi mà chi phí quản trị mạng, chi phí thành lập trang điện tử, chi phí mua tên miền thậm chí còn không đáng một đôi giày Nike bạn mang, hàng loạt những “quầy tin tức nhanh” mọc lên như nấm. Và rất nhiều trong số đó được tài trợ cho các mục tiêu chính trị khác nhau. Ví dụ, Nga bị cáo buộc là lập nên những trang kiểu này để gây ảnh hưởng lên bầu cử Hoa Kỳ.

Vì vậy, hãy tiếp cận báo Tây như cách bạn tiếp cận với báo Việt Nam: luôn nghi ngờ và cẩn trọng.

Để có một điểm tựa đầu tiên, bạn có thể dùng “Biểu đồ Thiên kiến của Truyền thông” (Media Bias Chart) để bắt đầu hiểu thêm về cách mà giới quan sát Hoa Kỳ phân loại các nguồn tin, nguồn nào khách quan và có thể xem như nguồn tin, nguồn nào mang đậm tính định kiến và có khả năng dùng để thao túng người đọc.

5. Đọc để biết. Đừng đọc để share

Sự thật là rất nhiều “người có ảnh hưởng” trên mạng xã hội lợi dụng tinh thần yêu nước và cảm xúc của đám đông để lan truyền thông tin giả.

Chẳng hạn, hiện có thông tin lan truyền về việc vài triệu thuê bao Trung Quốc mất tích khó hiểu, ám chỉ rằng có đến hàng triệu người tử vong vì đại dịch virus Vũ Hán tại quốc gia này. Cho đến nay, thuyết âm mưu trên vẫn chưa được kiểm chứng hay phủ nhận hoàn toàn. Tuy vậy, những con số khủng khiếp như thế sẽ rất khó để giấu diếm.

Vì vậy, trước khi share, hãy thử thực hiện bốn động tác nêu trên xem thông tin bạn vừa đọc có đáng để share hay không.

Võ Văn Quản

 

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên