Trang Chủ TRANG CHỦ LÀM SAO MƯU CẦU HẠNH PHÚC?

LÀM SAO MƯU CẦU HẠNH PHÚC?

598
0
SHARE

Mới đây tôi có đọc một bài viết trên mạng đề tài: Đất Nước Hạnh Phúc Nhất Thế Giới. Tôi được biết đất nước đó là Đan Mạch, một nước ở Bắc Âu.

Nước Đan Mạch là đất nước đặc biệt với rất nhiều ưu điểm về giáo dục, y tế, dinh dưỡng dư dật, kinh tế ổn định, nhà cửa rộng rãi, cảnh trí giàu đẹp, dân chúng lao động nhẹ nhàng (đi làm 5 ngày mỗi tuần, mỗi ngày 7 tiếng), người dân được bình đẳng về các quyền lợi. Nhiều người trên thế giới ngưỡng mộ và yêu thích Đan Mạch vì ở đây uống sữa thỏa mái, dư dật thức ăn, đa số người thích đi xe đạp, đời sống thỏa mái, dân chúng được sống tự do, bình đẳng, dân chủ, không có tham nhũng, không có đàn áp, không có ăn cắp, có nhiều cửa hàng tự mua tự trả tiền. Đan Mạch là đất nước ít dân (hơn 5 triệu người), nghĩa vụ đóng thuế 50%, vật giá rất cao, khí hậu lạnh lẽo. Người Đan Mạch trình độ tri thức cao, có tính thỏa lòng với những gì mình có, làm việc chăm chỉ, thích cho hơn là nhận lãnh, xã hội dễ dãi. Dân chúng Đan Mạch ham thích tự do, hài lòng với cuộc sống và không trông chờ hạnh phúc như các dân tộc khác. Cũng như các nước Bắc Âu, Đan Mạch là nước theo Đạo Tin Lành.

Theo tiêu chuẩn của người Việt có lẽ hình ảnh hạnh phúc trên đây thật là lý tưởng.
Sau nhiều năm tháng chiến tranh khó khăn, khổ sở, đấu tranh, người Việt cố gắng tìm kiếm giấc mơ: độc lập, tự do, hạnh phúc. Tôi cầu chúc cho người Việt sớm đạt được giấc mơ hạnh phúc của mình. Nhưng thử hỏi hạnh phúc là gì, có ai thật sự hạnh phúc và làm thế nào để được tự do hạnh phúc.
Có phải nhiều tiền nhiều bạc? Nhà cao cửa rộng? Có xe hơi đẹp, có máy bay, có du thuyền, có danh vọng, có quyền thế? Nếu hạnh phúc là có thêm đầy đủ mọi nhu cầu vật chất thế gian thì ở Việt Nam, ở Trung Quốc, ở Singapore, ở Nhật, ở Hàn Quốc, ở Mỹ và ở nhiều nước trên thế giới hiện nay, có nhiều người đã đạt đến hạnh phúc rồi.

Tôi là người Việt, tôi hãnh diện vì mình là người Việt, tôi nói tiếng Việt, ăn các món ăn Việt, có gia đình Việt, tôi vui, tôi buồn với người Việt, tôi cũng thường lo cho tương lai của người Việt. Từ Việt Nam tôi đã đến Mỹ, sống ở Mỹ và thấy ý nghĩa mưu cầu hạnh phúc không như nhiều người đang suy nghĩ.
Tôi biết có nhiều câu chuyện của những người giàu cũng khóc. Có một tỉ phú bị tù và tự tử trong tù. Có một tài tử điện ảnh nổi tiếng cũng tự tử. Nước Nhật giàu có cũng có tỉ lệ người tự tử cao nhất. Có những nhà triệu phú không bằng lòng với tài sản của mình và đang nổ lực để có thêm tiền. Đến bao giờ người giàu mới được hạnh phúc?

Dưới ánh sáng của Kinh Thánh tôi thấy hạnh phúc của loài người từ xưa đến nay không phải đến từ bên ngoài nhưng đến từ bên trong.
Đời sống không cốt tại của cải dư dật đâu!

XÂY DỰNG TÂM TÍNH THÍCH BAN CHO
Tôi nghĩ đến thế giới thay đổi nhiều là nhờ tinh thần ban cho rộng rãi.
Tôi nghĩ đến mạng lưới điện toán toàn cầu. Tôi nghĩ đến khả năng những người có khả năng quay phim, đóng phim và trình bày tác phẩm của mình cho hàng triệu người xem cùng một lúc, hoàn toàn miễn phí. Trên Youtube, trên Face Book., trên điện thoại cầm tay, trên màn hình TV trong nhà. Rõ ràng sự phát triển nầy bắt đầu bằng ý tưởng ban cho. Bạn muốn làm giàu, trước hết hãy ban cho. Ban cho càng nhiều bạn càng hạnh phúc.
Phải chăng đây là điều khác biệt, người Việt thường muốn nhận, còn người Mỹ lại muốn cho.
Tâm hồn người Việt không khác người Mỹ nhưng người Mỹ đã biết áp dụng tâm hồn của Đức Chúa Trời. Người Mỹ đã học theo gương của Con Một Chúa Trời là Chúa Giê-su. Tôi thích nhắc lại lời của sứ đồ Phao-lô, một môn đồ của Chúa Giê-su. Ông luôn kêu gọi, “hãy bắt chước tôi, như tôi bắt chước Chúa Giê-su.” Có lần ông làm chứng trước những nhà lãnh đạo Hội Thánh tại thành phố Ê-phê-sô. Ông nói, ” “Ban cho thì có phước hơn là nhận lãnh.” Càng ban cho bạn sẽ càng có tự do hạnh phúc. Càng ban cho bạn sẽ càng có phước.
Bạn không thể cho điều bạn không có.
Hãy bắt đầu ban cho bạn sẽ có thêm để ban cho.
Tôi thích câu nói của một Giáo Sĩ Mỹ đã bị thổ dân giết chết tại Ecuador, Nam Mỹ từ thời 1958. Ông nói, “Người cho đi điều mình không thể giữ để nhận được điều mình không thể mất không phải là người dại.”
Có lẽ chúng ta nên học người Mỹ để tìm ra bí quyết làm thể nào có thể ban cho. Người ban cho là người hạnh phúc trong đời nầy tiến tới hạnh phúc đời đời.

COI NGƯỜI KHÁC NHƯ TÔN TRỌNG HƠN MÌNH
Tôi thấy người Mỹ tôn trọng tinh thần tập thể nhưng quan tâm hơn đến giá trị của mỗi người. Mỗi người Mỹ là một công dân. Mỗi công dân Mỹ là người bình đẳng. Mỗi người Mỹ phải tự sống, không nhờ người khác sống thay. Mỗi người Mỹ phải quyết định không để người khác quyết định thay. Người Mỹ không vội tin nếu không có bằng chứng đáng tin. Người Mỹ chỉ muốn sự thực và nói thật. Đó cũng là ý nghĩa của hai chữ tự do, hạnh phúc. Ngược lại với tự do là nô lệ. Trong đời sống thể xác cũng vậy mà trong đời sống tinh thần cũng vậy.

NOI GƯƠNG MƯU CẦU HẠNH PHÚC TRONG LỊCH SỬ
Trong khoảng không gian và thời gian mà Đấng Tạo Hóa dành cho mỗi người. Bạn và tôi đã học được gì có thể áp dụng trong việc mưu cầu hạnh phúc?
1. Lời chứng của một ông vua Do Thái.
Vua Salomon của người Do Thái là người được xem là khôn ngoan nhất và thành đạt nhất thế giới đã đi đến một kết luận rất ngạc nhiên, khác với những gì mà người đời nay suy nghĩ. Ông đã lao khổ thử nghiệm tất cả mọi thứ tốt đẹp nhất dưới mắt loài người, ông đã đi tìm hạnh phúc qua mọi thứ lạc thú vinh hoa phú quý đời nầy. Cuộc đời kết thúc và lời chứng của vua Salomon đáng cho chúng ta suy nghĩ. Thế gian với tham dục nó đều qua đi…
Ta lại nói trong lòng rằng: Hè! Hãy thử điều vui sướng và nếm sự khoái lạc: Kìa, điều đó cũng là sự hư không. 2 Ta nói: Cười là điên; vui sướng mà làm chi?
3 Ta nghĩ trong lòng rằng phải uống rượu để cho thân mình vui sướng, mà sự khôn ngoan vẫn còn dẫn dắt lòng ta, lại nghĩ phải cầm lấy sự điên dại cho đến khi xem thử điều gì là tốt hơn cho con loài người làm ở dưới trời trọn đời mình sống.
4 Ta làm những công việc cả thể; ta cất nhà cho mình, trồng vườn nho cho mình, 5 Lập cho mình vườn cây trái và vườn hoa, và trồng cây trái đủ thứ ở đó; 6 ta đào hồ chứa nước đặng tưới rừng, là nơi cây cối lớn lên. 7 Ta mua những tôi trai tớ gái, lại có nhiều đầy tớ sanh ra trong nhà ta. Ta có bầy bò và chiên nhiều hơn hết thảy những người ở trước ta tại Giê-ru-sa-lem. 8 Ta cũng thâu chứa bạc vàng, và những vật báu của các vua, các tỉnh. Ta lo sắm cho mình những con hát trai và gái, cùng sự khoái lạc của con trai loài người, tức là nhiều vợ và hầu. 9 Như vậy ta trở nên cao trọng hơn hết thảy những người ở trước ta tại Giê-ru-sa-lem; dầu vậy, sự khôn ngoan vẫn còn ở cùng ta. 10 Ta chẳng từ điều gì mắt mình ước ao, cũng chẳng cấm điều gì lòng mình ưa thích; vì lòng ta vui vẻ vì mọi công lao của ta; và đó là phần ta đã được trong mọi công lao ta.

Vua Salomon suy nghĩ và nhận định: Điều đó là một sự hư không nữa.
16 Vì người ta chẳng nhớ người khôn ngoan đến đời đời, cũng như chẳng nhớ kẻ ngu muội; vì trong ngày sau cả thảy đều bị quên mất từ lâu. Phải, người khôn ngoan chết cũng như kẻ điên cuồng?
Vua Salomon không vui mà lại ghét, không thích mà là chán.

“Vậy, ta ghét đời sống, vì mọi việc làm ra dưới mặt trời là cực nhọc cho ta, thảy đều hư không, theo luồng gió thổi. 18 Ta cũng ghét mọi công lao ta đã làm ở dưới mặt trời, vì phải để lại cho người sau mình.
Vua Salomon cảm thấy ghen tức, giận hờn.
Bởi cớ ấy ta trở lòng thất vọng về mọi công việc ta đã lao khổ mà làm ở dưới mặt trời. Vì có người làm công việc mình cách khôn ngoan, thông sáng, và tài giỏi, rồi phải để lại làm cơ nghiệp cho kẻ chẳng hề lao khổ làm đến. Điều đó cũng là một sự hư không và một sự tai nạn lớn. Vậy, ích chi cho người lao khổ, cực lòng mà làm việc ở dưới mặt trời?
Vua Salomon cảm thấy mất ngủ và chán nản.
Vì các ngày người chỉ là đau đớn, công lao người thành ra buồn rầu; đến nỗi ban đêm lòng người cũng chẳng được an nghỉ. Điều đó cũng là sự hư không.
Vua chỉ còn thấy ăn và uống là tốt thôi.

Chẳng gì tốt cho người hơn là ăn, uống, khiến linh hồn mình hưởng phước của lao khổ mình. Ta xem thấy điều đó cũng bởi tay Đức Chúa Trời mà đến. Vì ai là người được ăn và hưởng sự vui sướng hơn ta?
Vua khám phá ra hạnh phúc thật. Chỉ có trong Chúa. Chỉ có ý Chúa được nên là quan trọng nhất.
Bởi Đức Chúa Trời ban sự khôn ngoan, thông sáng, và vui vẻ cho kẻ nào đẹp lòng Ngài; nhưng Ngài khiến cho kẻ có tội phải lao khổ mà thâu góp chất chứa, để rồi ban cho người đẹp lòng Đức Chúa Trời.

Cuối cùng chỉ còn hạnh phúc cho người sống đẹp lòng Chúa mà thôi.

Mục sư Nguyễn Văn Huệ

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên