Trang Chủ BIỆN GIÁO Kinh Thánh Là Lời Soi Dẫn Của Đức Chúa Trời

Kinh Thánh Là Lời Soi Dẫn Của Đức Chúa Trời

4981
0
SHARE

TRÁI NGƯỢC VỚI những hình tượng ngoại đạo “có miệng, nhưng … không nói được” (Thi Thiên 115:5; 135:15-16), “Nếu có ai kêu cầu, thì thần chẳng trả lời, và không cứu khỏi nạn được” (Ê-sai 46:7).  Đức Chúa Trời của Kinh Thánh thì giao tiếp với dân sự của Ngài qua lời nói.  Bản chất Đức Chúa Trời vốn dĩ liên quan đến Ngôi Lời và Ngôi Lời thể hiện Ngài. “Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời, và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời.” (Giăng 1:1).   Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi Ngài giao tiếp với dân sự của Ngài trong suốt lịch sử bằng lời, như trước giả thư Hê-bơ-rơ đã từng tuyên bố.  “Đời xưa, Đức Chúa Trời đã dùng các đấng tiên tri phán dạy tổ phụ chúng ta nhiều lần nhiều cách, rồi đến những ngày sau rốt nầy, Ngài phán dạy chúng ta bởi Con Ngài, là Con mà Ngài đã lập lên kế tự muôn vật, lại bởi Con mà Ngài đã dựng nên thế gian.” (Hê-bơ-rơ 1:1-2). Vì Đức Chúa Trời của chúng ta là một Đức Chúa Trời phán dạy qua lời, vậy thì ngày nay Ngài có còn nói chuyện với dân sự của Ngài không?  Và nếu có, chúng ta có thể nghe thấy lời của Ngài ở đâu hoặc bằng cách nào?

Theo trước giả sách Hê-bơ-rơ, các nhà tiên tri dưới sự soi dẫn của Đức Thánh Linh đã viết những lời của Đức Chúa Trời.  Sự việc này đạt đến đỉnh điểm khi con trai của Đức Chúa Trời, người không chỉ nói những lời của một tiên tri, nhưng bản thân con trai ấy còn chính là Ngôi Lời của Đức Chúa Trời được bày tỏ trong lịch sử.  Như chúng ta sẽ thấy trong chương này, lời tiên tri của Đức Chúa Trời đã được viết ra và lưu giữ trong các tác phẩm thiêng liêng được gọi là Kinh Thánh.  Kết quả là dân sự của Đức Chúa Trời trong Cựu ước và Tân ước đều đã xác định Kinh Thánh là “Lời của Đức Chúa Trời”.

Trong suốt lịch sử hội thánh, các tín hữu hiếm khi thắc mắc về lẽ thật này.  Nhưng trong thời kỳ Khai Sáng, đã đề cao lý trí của con người trong việc tìm kiếm chân lý thông qua cái gọi là phương pháp khoa học, sự thật đấy đã bị nhiều người phủ nhận.  Đối với một số người, Kinh Thánh chỉ là một bản ghi chép về kinh nghiệm tôn giáo của con người.  Số khác xác định các phần của Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời, chẳng hạn như những phần được giới thiệu bởi công thức “Chúa phán như vậy”, hoặc “Lời của Chúa đã đến … phán như vậy.”  Nhiều người nói Kinh Thánh chỉ chứa đựng hoặc làm chứng cho Ngôi Lời, nhưng không phải là chính bản thân của Ngôi Lời.  Họ nói rằng chỉ khi Đức Thánh Linh phán với họ qua Ngôi Lời thì Kinh Thánh mới trở thành Lời của Đức Chúa Trời.

Đây là một vấn đề quan trọng.  Vì nếu Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời, thì bất chấp hình thức con người của Kinh Thánh, chúng ta có Lời Đức Chúa Trời ở dạng khách quan, hình dáng cụ thể và đó là những tạo vật của Ngài, chúng ta phải vâng theo lời ấy.  Mặt khác, nếu Kinh Thánh chỉ là lời của con người, không chừng sẽ được tâng bốc theo cách nào đó, thì vì một lý do nào đó chúng ta nhất định phải tìm kiếm Lời Chúa trong và đằng sau những lời của con người, hoặc có thể – theo như một số người gợi ý, tìm kiếm ngay cả trong các tác phẩm tôn giáo khác.

Chương này thảo luận về lời chứng của Kinh Thánh xung quanh bản chất của nó.  Điều này nghe có vẻ giống như lý luận luẩn quẩn theo một vòng tròn, tìm cách xác định bản chất của Kinh Thánh bằng những tuyên bố của chính Kinh Thánh.  Chúng ta sẽ nói nhiều hơn về phương pháp này trong phần thảo luận của chúng ta về tính cách đáng tin cậy trong chương 10.  Nhưng chúng ta có thể phải lưu ý hai quan điểm được đưa ra ở đây.

Quan điểm thứ nhất, nếu chúng ta cho phép một người tự làm chứng và không tán thành việc bị bác bỏ thì lời chứng của anh ta là giả dối, như vậy chúng ta cũng không thể cho phép Kinh Thánh tự làm chứng cho Kinh Thánh?  Mặc dù Chúa Giê-su có những nhân chứng khác. Ngài cũng đã làm chứng cho chính Ngài.  “Đức Chúa Giê-su đáp rằng: Dẫu ta tự làm chứng về mình, nhưng lời chứng ta là đáng tin…” (Giăng 8:14).  Sự đáng tin cậy của Kinh Thánh được chứng thực bằng những bằng chứng bên ngoài và bên trong.  Do đó, Kinh Thánh xứng đáng được chú ý trong các tuyên bố về chính Kinh Thánh.

Quan điểm thứ hai, Cơ đốc nhân biết rằng Kinh Thánh là nền tảng của tất cả các giáo lý quan trọng của đức tin, chẳng hạn như thần tính của Đấng Christ và sự cứu rỗi qua sự chết cũng như sự phục sinh của Ngài.  Nếu chúng ta chấp nhận Kinh Thánh là kim chỉ nam dẫn chúng ta đến lẽ thật trong những giáo lý trên, chẳng lẽ chúng ta cũng không nên chấp nhận những lời dạy của Kinh Thánh về bản chất của chính Kinh Thánh sao?

 

Ý NGHĨA VỀ “LỜI CỦA CHÚA”

Nói “Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời” không có nghĩa là Lời của Đức Chúa Trời chỉ giới hạn trong Kinh Thánh.  Lời nói của Đức Chúa Trời được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau.  Ví dụ, tác giả Thi Thiên viết rằng: “Ngài ra lịnh mình trên đất, Lời của Ngài chạy rất mau. Ngài cho mưa tuyết như lông chiên; Rải sương-móc trắng khác nào tro.  Ngài ném giá từng miếng; Ai chịu nổi được sự lạnh-lẽo của Ngài?  Ngài ra lịnh làm cho tuyết giá tan ra, khiến gió thổi, nước bèn chảy.” (Thi Thiên 147:15-18).  Rõ ràng “lời” trong phân đoạn trích trên không phải là   Kinh Thánh.  Và trong lời tuyên bố sau cũng vậy “Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta…” (Giăng 1:14), Ngôi Lời ở đây là chỉ về Đấng Christ.

Vì thế, Lời Chúa rộng hơn sự mặc khải bằng miệng hoặc bằng văn tự.  Điều đó có thể được định nghĩa là sự tự thể hiện của Đức Chúa Trời, theo Kinh Thánh thì bằng nhiều hình thức khác nhau.  Thứ nhất, đó là quyền năng của Đức Chúa Trời mà Ngài tác động và điều khiển mọi vật theo ý muốn của Ngài (ví dụ, sự sáng tạo trong Sáng Thế Ký 1:3; Thi Thiên 33:6-9; sự phán xét trong Thi Thiên 46:6; Ê-sai 30:30; sự chữa lành trong Ma-thi-ơ 8:8).  Thứ hai, đó là lời nói có thẩm quyền của Đức Chúa Trời mà qua đó Ngài giao tiếp cách cá nhân với các tạo vật của Ngài. Điều thú vị chính là, việc sử dụng “Lời” để thi hành ý muốn của Đức Chúa Trời trên thiên nhiên trong lời tuyên bố sau đây trích từ Thi Thiên 147, chúng ta đọc, “Ngài truyền lời mình cho Gia-cốp, luật-lệ và mạng-lịnh mình cho Y-sơ-ra-ên.” (Thi Thiên 147:19).  Thứ ba, lời của Đức Chúa Trời là sự hiện diện của chính Ngài với các tạo vật.  Tất nhiên, nhân cách của một người được tiết lộ qua cách người đó phát biểu.  (xem trong Ma-thi-ơ 12:34). Vì vậy, Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng “…Đức Giê-hô-va hiện ra cùng Sa-mu-ên, khiến cho người biết lời [của Ngài]”  (1 Sa-mu-ên 3:21).  Nhưng cách sử dụng thứ ba này vượt quá mọi ngôn từ về sự bày tỏ của Đức Chúa Trời trong thân vị của Con Ngài là Chúa Giê-su Christ – Ngôi Lời (Giăng 1:1; Khải huyền 19:13).  Cách sử dụng cuối cùng này đưa chúng ta đến sự thật sâu xa rằng “Ngôi Lời” của Đức Chúa Trời không kém gì sự tự mặc khải của Đức Chúa Trời ba ngôi. “Đức Chúa Cha là Đấng tuyên phán; Đức Chúa Con là lời được phán ra; Đức Thánh Linh là lời hà hơi quyền năng … khiến lời đó làm trọn được mục đích của nó.”

 

 

LỜI CHỨNG CỦA CỰU ƯỚC

Khi Kinh Thánh ghi lại lịch sử mối quan hệ của Đức Chúa Trời với con người, không có gì đáng ngạc nhiên khi trong Cựu Ước, chúng ta thường xuyên thấy đề cập đến lời Đức Chúa Trời như sự giao tiếp bằng lời nói. Ngài không chỉ phát ngôn, nhưng lời của Ngài còn được truyền đạt qua các văn tự của con người, để những gì họ nói và viết đều là những lời của Đức Chúa Trời.

Lời của Chúa đã tuyên phán

Một số từ Hebrew được sử dụng trong Cựu Ước để diễn đạt lời nói hoặc lời của Đức Chúa Trời.  “Miệng” của Đức Chúa Trời được nhắc đến khoảng năm mươi lần như một cơ quan ngôn luận, không chỉ nhấn mạnh đến nguồn gốc trực tiếp lời nói của Ngài mà còn là bản chất của chúng là lời nói. Thông điệp của Giê-rê-mi đến từ “miệng Đức Giê-hô-va” (Giê-rê-mi 9:12). “Tiên tri” là người nói những lời từ miệng của người khác.  Điều này được thể hiện rõ ràng trong sự việc khi Môi-se phàn nàn về khả năng diễn đạt không trôi chảy của mình và A-rôn đã trở thành người phát ngôn cho Môi-se.  “Con phải nói chuyện với người,” Đức Chúa Trời nói với Môi-se và đặt những lời phải nói trên môi miệng A-rôn … A-rôn sẽ nói chuyện với dân chúng thay ngươi; ấy là người đó sẽ nói cùng dân-sự thế cho ngươi, dùng làm miệng ngươi, còn ngươi sẽ dường như Đức Chúa Trời cho người vậy” (Xuất Ê-díp-tô Ký 4:15-16).  Đức Chúa Trời sau đó đã xác định chức vụ cho A-rôn đối với Môi-se bằng những lời này: “còn A-rôn, anh ngươi, sẽ làm tiên-tri của ngươi” (7:1).

Theo cùng một cách trên đây mà Đức Chúa Trời đã phán với Giê-rê-mi: “Nhưng Đức Giê-hô-va lại phán: Chớ nói…Nầy, ta đã đặt những lời ta trong miệng ngươi” (Giê-rê-mi 1:7-9). Sau đó, Giê-rê-mi nói một tiên tri thật là người “đã đứng được trong sự bàn-luận của Đức Giê-hô-va, để được ngắm-xem và nghe lời Ngài” và do đó công bố, “những lời ta đến với dân sự ta” (23:18, 22).

Các tiên tri đã nói với tư cách là “người phát ngôn” của Chúa, hoặc như Đức Chúa Trời đã phán với Giê-rê-mi, “sẽ như miệng ta” (15:19). Những lời cảnh báo về sự phán xét và lời hứa sự cứu rỗi của ông là chắc chắn vì “miệng Đức Giê-hô-va đã phán.” (Ê-sai 1:20,40:5). “Miệng của Đức Giê-hô-va” thường được dịch là “lời nói” hoặc “mệnh lệnh”, do đó nhấn mạnh bản chất lời nói của sự mặc khải của Đức Chúa Trời. “Môi-se kiểm kê họ đúng như lời [nghĩa đen là “miệng”] CHÚA truyền bảo mình.” (Dân số Ký 3:16, NVB). “Cả hội-chúng Y-sơ-ra-ên đi từ đồng vắng Sin, đi từng trạm, tùy theo lịnh [nghĩa đen là “miệng”] Đức Giê-hô-va. (Xuất Ê-díp-tô Ký 17:1).  Hành động của các bộ tộc Y-sơ-ra-ên ở lại phía đông sông Giô-đanh là “theo mạng-lịnh [nghĩa đen là “miệng”] của Đức Giê-hô-va cậy Môi-se truyền cho.” (Giô-suê 22:9). Điều đáng quan tâm trong ví dụ cuối cùng này là thực tế là chúng ta không có ghi chép nào về việc Đức Chúa Trời truyền lệnh cho Môi-se về những người lãnh đạo các bộ tộc Reuben, Gad và nửa bộ tộc Manasseh. Môi-se chỉ đơn giản đã đưa ra chỉ dẫn riêng của mình cho họ (xem Dân-số Ký 32:20-24). Nhưng là tiên tri của Đức Chúa Trời, lời nói từ miệng ông cũng là từ “miệng” của Chúa; những lời đó là lời của Đức Chúa Trời.

Lời Chúa trong Cựu Ước cũng thường được diễn đạt bằng động từ ‘dmar (“bày tỏ hoặc phán”) và các danh từ liên quan của nó, ‘dmer,‘emrd‘imrd, được dịch khác nhau như “lời nói”, “phát biểu” hoặc “lời”. Động từ ‘dmar luôn luôn diễn tả mối quan hệ cá nhân mà trong đó một người thốt ra “những mạng lịnh hợp lý … làm cho người khác có thể nghe và hiểu được.” Khi được Đức Chúa Trời sử dụng, điều đó đề cập đến sự mặc khải. “Các thành ngữ ‘Đức Chúa Trời đã bày tỏ (đã phán),’ ‘Đức Chúa Trời đang bày tỏ (đang phán).’ Và ‘Đức Chúa Trời sẽ bày tỏ (sẽ phán)’, ngụ ý rằng Đức Chúa Trời có thể được nghe thấy trong lĩnh vực tự nhiên và lịch sử, lĩnh vực kinh nghiệm và hiểu biết của con người … [Ngài] có thể phát ngôn để người ta có thể hiểu được. Vì vậy, Đức Chúa Trời thường truyền đạt ý muốn của Ngài cho con người bằng lời nói (ví dụ, “Đức Chúa Trời bèn phán cùng Nô-ê rằng”: Sáng Thế Ký 8: 15). “Vì vậy,  [‘dmar] CHÚA phán” là một công thức phổ biến của các tiên tri (hơn 130 lần trong  sách Giê-rê-mi), cho thấy rằng họ đang truyền tải một thông điệp giống như một sứ giả của con người mang thông điệp đến.” Các danh từ liên quan với “phán” hoặc “ngôn lời” cũng được dùng trong nội dung lời Đức Chúa Trời phán (ví dụ, Gióp 22:22; 23:12; Thi Thiên 77: 8; Ê-sai 41:26). Điều đặc biệt cần quan tâm là thực tế rằng từ ‘imrd  (“lời”) xuất hiện mười bảy lần trong Thi Thiên 119. Được sử dụng với các thuật ngữ khác như “quy chế”, “điều răn”, “lời chứng” và “giới luật”, rõ ràng trước giả Thi-thiên muốn nói rằng có nhiều hơn một số mặc khải chủ quan cá nhân đến từ Đức Chúa Trời. “Lời” của Đức Chúa Trời là Kinh Thánh được viết ra mà qua đó nhiều ơn phước đã được truyền lại cho các trước giả Thi Thiên.

Từ thông dụng nhất trong Cựu ước dùng để “nói” là động từ dãbar. Danh từ tương ứng của nó, “lời”, cũng có nghĩa là “điều”, “vấn đề”, “sự việc”, như trong “vấn đề mà người ta nói.” Động từ dãbar tập trung vào hoạt động nói, tức là việc tạo ra các từ và câu. Nhưng hoạt động này không làm giảm đi quan trọng của những gì đã được nói. Điều này được thể hiện rõ qua nội dung của cách “nói”, vì trong Kinh Thánh, những thuật ngữ này là những thuật ngữ phổ biến nhất được sử dụng để Đức Chúa Trời phán lời của Ngài. Có khoảng bốn lần cụm từ “CHÚA đã phán,” “CHÚA đã hứa” và “CHÚA đã truyền lệnh”  được ghi nhận, trong đó động từ này dịch là dãbar.

Dãbar đặc biệt nổi bật trong mối quan hệ của lời Đức Chúa Trời qua các tiên tri. Đức Chúa Trời đã phán với các tiên tri của Ngài như Ê-sai đã làm chứng. “Đức Giê-hô-va lại phán cùng tôi rằng” (Ê-sai 8:5;  xem thêm tại Giê-rê-mi 36: 2; Ê-xê-chi-ên 3:10). Nhưng lời phán của Ngài không chỉ đến với các tiên tri. Lời phán đó cũng thông qua các tiên tri để đến với những người khác, ví dụ,  “Đức Giê-hô-va nhờ con trai A-mốt, là Ê-sai, mà phán rằng: Hãy đi, cởi bao gai khỏi lưng ngươi, và lột giày khỏi chân ngươi. Ê-sai vâng lời, đi trần, và chân không” (Ê-sai 20:2, xem thêm  Xuất Ê-díp-tô Ký 9:35; 1 Các Vua 12:15; Giê-rê-mi 37:2; Ê-xê-chi-ên 38:17). Do đó, việc tiếp nhận lời Đức Chúa Trời từ các tiên tri và việc công bố lời ấy có thể được coi là một hành động phát ngôn của Đức Chúa Trời. Như Đa-vít đã nói: “Thần của Đức Giê-hô-va đã cậy miệng ta mà phán, và lời của Ngài ở nơi lưỡi miệng ta” (2 Sa-mu-ên 23:2). Ê-sai đã nói với A-háp những điều mà ông đã nhận được từ Đức Chúa Trời, nhưng quá trình tương tự được mô tả khi chúng ta đọc, “Đức Giê-hô-va lại phán cùng A-cha rằng” (Ê-sai 7:10; xem thêm 7:3-4).

Do đó “lời” mà các nhà tiên tri đã nói là “lời của CHÚA.” Xuất hiện khoảng 240 lần trong Cựu Ước, cụm từ này mô tả cả lời của Đức Chúa Trời cho các nhà tiên tri và lời mà họ đã công bố cho dân chúng (ví dụ, “Có lời Đức Giê-hô-va phán cùng Ô-sê” [Ô-sê 1:1; xem thêm tại Mi-chê 1:1; Sô-phô-nia 1:1], và “hãy để tai vào luật-pháp của Đức Chúa Trời chúng ta!” [Ê-sai 1:10; A-mốt 7:16]). Cụm từ này vì vậy là “một thuật ngữ kỹ thuật cho lời tiên tri về sự mặc khải.”

Các cách sử dụng khác của dãbar cho lời Chúa cũng được tìm thấy. Nói chuyện với Môi-se, A-rôn và Mi-ri-am, Chúa phán rằng, “Hãy nghe rõ lời ta” (Dân-số Ký 12:6). Theo trước giả Thi Thiên, Đức Chúa Trời “Ngài nhớ lại lời thánh Ngài” phán với Áp-ra-ham (Thi Thiên 105:42). Điều quan trọng là sự mô tả Mười Điều Răn cũng là “những lời của giao ước, Mười Điều Răn [nghĩa đen, ‘mười từ’]” (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:28; xem thêm Phục truyền Luật lệ Ký 4:13; 10:4), và các mệnh lệnh của Đức Chúa Trời nói chung (ví dụ, Thi Thiên 50:17).

Vậy rõ ràng, Đức Chúa Trời đã bày tỏ chính Ngài qua lời nói. Đức Chúa Trời đã tuyên phán với con người, và trách nhiệm của họ là phải “nghe” hoặc “lắng nghe” tiếng nói của Ngài.

 

Lời thành văn của Đức Chúa Trời

Lời Đức Chúa Trời cũng đã được viết ra. Chính Đức Chúa Trời đã viết ra các nguyên tắc cơ bản trong giao ước của Ngài với dân sự Ngài thời Cựu Ước trong Mười Điều Răn, “trên đó có đủ những lời mà Đức Giê-hô-va đã phán” với Môi-se. (Phục truyền Luật lệ Ký 9:10, VIE2010; xem thêm tại 10:4; 4:13; Xuất Ê-díp-tô Ký 24:12; 31:18; 32:15-16; 34:1). Đức Chúa Trời thường ra lệnh cho người khác viết lời Ngài muốn truyền đạt. Sau khi Y-sơ-ra-ên đánh bại A-ma-léc, Đức Chúa Trời nói với Môi-se, “Hãy chép điều nầy trong sách làm kỷ-niệm, và hãy nói cho Giô-suê biết rằng ta sẽ bôi sạch kỷ-niệm về A-ma-léc trong thiên-hạ.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 17:14). Và Đức Chúa Trời đã hướng dẫn Môi-se viết “bài hát này”, tức là “Bài ca của Môi-se,” “để bài ca nầy dùng làm chứng cho ta nghịch cùng dân Y-sơ-ra-ên” (Phục truyền Luật lệ Ký 31:19). Hành động ghi lại, như những hướng dẫn này chứng minh, là nhằm mục đích bảo tồn lời Chúa cho các thế hệ mai sau.

Môi-se đã viết ra những điều khoản trong giao ước mà Đức Chúa Trời ban cho dân Y-sơ-ra-ên. Sau khi kể lại “tất cả những lời của CHÚA và tất cả các giáo lễ” cho mọi người, “Môi-se chép hết mọi lời của Đức Giê-hô-va” (Xuất Ê-díp-tô Ký 24:3-4). Một lần nữa Chúa phán “Đức Giê-hô-va cũng phán cùng Môi-se rằng: Hãy chép các lời nầy; vì theo các lời nầy mà ta lập giao-ước cùng ngươi và cùng Y-sơ-ra-ên.” (34:27). Vào cuối cuộc hành trình trên đất của mình Môi-se đã lặp lại những lời của giao ước với dân chúng khi họ chuẩn bị băng qua sông Giô-đanh vào Đất Hứa (Phục truyền Luật lệ Ký 29:1; 30:1). “Khi Môi-se chép những lời luật-pháp nầy trong một cuốn sách xong rồi, thì ra lịnh cho người Lê-vi: Hãy lấy cuốn sách luật-pháp nầy, để bên hòm giao-ước của Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi. Nó sẽ ở đó làm chứng nghịch cùng ngươi” (Phục truyền Luật lệ Ký 31:24-26; xem thêm 31:9). “Quyển sách luật pháp này” không chỉ là những điều răn và quy chế khác nhau. Như chúng ta đã thấy, Môi-se đã viết tường thuật về sự thất bại của A-ma-léc. Và ông cũng ghi lại cuộc hành trình của dân tộc từ Ai Cập đến Y-sơ-ra-ên (Dân số Ký 33:2). “Sách giao ước,” như nó đã được biết đến (2 Các Vua 23: 3,21; xin xem 2 Sử ký 34:14), không chỉ đơn giản là các quy định của giao ước; nó cũng bao gồm bản ký thuật về hoạt động của các thành viên trong giao ước. Trong lời từ biệt của mình, Giô-suê đã ghi lại việc tái lập giao ước với dân chúng tại Si-chem (Giô-suê 24:25-26). Sau đó, các ghi chép lịch sử về hành động của các vị vua Y-sơ-ra-ên được  các tiên tri Sa-mu-ên, Na-than và Gát (1 Sử ký 29:29)7 chấp bút.

Các hướng dẫn để viết Lời Chúa cũng được trao cho các tiên tri sau này. Mệnh lệnh cho Ê-sai đặc biệt có tính hướng dẫn ở chỗ mục đích của việc viết ra phải được trình bày rõ ràng. “Bây giờ, ngươi hãy đi, chạm lời nầy trên bảng nhỏ ở trước mặt họ, hãy chép vào sách, để truyền lại đời sau, mãi mãi không cùng.” (Ê-sai 30:8). Thế hệ của Ê-sai là một “dân bội nghịch” (30: 9) là những người đã từ chối tiếng nói của Đức Chúa Trời. Nhưng lời của Đức Chúa Trời qua tiên tri sẽ vẫn giữ được sức mạnh của nó như là Lời của Đức Chúa Trời khi nói với các thế hệ sau này sau khi Ê-sai qua đời (Ê-sai 8:1). Giê-rê-mi và Ha-ba-cúc cũng được hướng dẫn viết ra những lời tiên tri (Giê-rê-mi 30: 2; 36: 2-4, 27-32; Ha-ba-cúc 2: 2). Các tài liệu tham khảo khác chỉ ra rằng các tiên tri đã viết cũng như nói các thông điệp của họ (ví dụ, Giê-rê-mi 15:13; 45:1; 51:60). Thậm chí toàn bộ sách tiên tri cũng được mô tả là “lời của CHÚA” (ví dụ, Ô-sê 1:1; Mi-chê 1:1; Sô-phô-ni 1:1).

Do đó, Cựu Ước làm chứng rõ ràng cho lẽ thật rằng Đức Chúa Trời phán lời Ngài qua văn tự cũng như lời nói. Hơn nữa, toàn bộ bài viết, không chỉ một số phần, được xác định là Lời Đức Chúa Trời. Điều này thậm chí càng trở nên rõ ràng hơn khi chúng ta xem xét thái độ của Chúa Giê-su và những người khác trong Tân Ước đối với các sách Cựu Ước. Nhưng nguyên tắc này đã được minh bạch trong chính Cựu Ước. Tất cả Ngũ Kinh, không chỉ một số mệnh lệnh, đều là Lời Đức Chúa Trời. Giô-suê phải làm tất cả những gì được chép trong “quyển sách luật pháp” (Giô-suê 1: 8), trong đó chính ông cũng đã viết nhiều điều. E-xơ-ra đọc “các lời của luật-pháp” (Nê-hê-mi 8:13). Và phần giới thiệu của toàn bộ sách tiên tri đi liền với tuyên bố, “Lời của Chúa đã đến … ngụ ý rằng toàn bộ sách được coi là [‘lời của Chúa’).”8 Không có sự phân biệt nào giữa những tuyên bố trong sách được quy trực tiếp cho Đức Chúa Trời và những bình luận lịch sử của nhà tiên tri. “Ở đây, chúng ta có một sự chuyển tiếp sang quan điểm cuối cùng rằng không chỉ là sách tiên tri, mà  toàn bộ Cựu Ước, là Lời của Đức Chúa Trời.”9

LỜI CHỨNG CỦA TÂN ƯỚC

Chúa Giê-su là Lời của Đức Chúa Trời

Lời Đức Chúa Trời đạt đến ý nghĩa đỉnh cao trong Tân Ước khi nó được dùng cho thân vị của Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời (Giăng 1:1). Hơn cả là lời nói hay câu chữ điều này còn truyền tải một thông điệp khái niệm, Lời Đức Chúa Trời là hành động cụ thể của chính Đức Chúa Trời. Chẳng hạn, Đấng Christ đã đến để hoàn thành  Luật pháp và các lời tiên tri, không chỉ bằng cách ban cho họ ý nghĩa đầy đủ trong sự dạy dỗ của Ngài mà còn bằng sự sống và cái chết của Ngài (Ma-thi-ơ 5:17). Vì vậy Ngài là “sự cuối-cùng của luật-pháp, đặng xưng mọi kẻ tin là công-bình” (Rô-ma 10:4). Giao ước mới được bày tỏ trong huyết của Ngài. “Nầy là huyết ta, huyết của sự giao ước đã đổ ra cho nhiều người được tha tội” (Ma-thi-ơ 26:28).  Giao ước mới được thực thi trong “những gì diễn ra trong con người Ngài, trong chính cuộc đời mà Ngài đã sống.”10 Chúa Giê-su là Tôi tớ được lời  tiên tri nói đến, là người sẽ làm “giao-ước của dân” (Ê-sai 42:6; 49:8, NVB). Ngài mang thông điệp về sự cứu rỗi, nhưng hơn thế nữa, Ngài là “sự công-bình, sự nên thánh, và sự cứu-chuộc” của chúng ta (1 Cô-rinh-tô 1:30), và “chính Ngài là sự hòa-hiệp của chúng ta” (Ê-phê-sô 2:14). Đấng Christ do đó không chỉ đơn giản là Đấng mang đến Lời của Đức Chúa Trời; “Ngài   hợp nhất nó trong thân vị của Ngài, trong tiến trình lịch sử … của cuộc đời và bản thể Ngài.”11

Lời dạy của các Sứ đồ tương đương như Lời của Đức Chúa Trời

Lẽ thật là Chúa Giê-su là hiện thân của Lời của Đức Chúa Trời, tuy nhiên, điều đó không làm lu mờ lời phán của Đức Chúa Trời hay Ngài trở nên kém hơn lời Đức Chúa Trời. Chính Chúa Giê-su đã rao truyền  “lời của Đức Chúa Trời” (Giăng 3:34, BPT: xem thêm 7:16; 8:26-28). Cụm từ được phổ biến là “lời của Đức Chúa Trời”  được sử dụng trong Tân Ước đề cập đến  thông điệp mà các nhân chứng ban đầu đã công bố. Họ mạnh dạn nói “lời Đức Chúa Trời cách dạn-dĩ” (Công-vụ 4:31). Phao-lô và Ba-na-ba công bố “lời của Đức Chúa Trời” trong các nhà hội ở Sa-la-min, “Đến thành Sa-la-min, hai người giảng đạo Đức Chúa Trời trong các nhà hội của người Giu-đa; cũng có Giăng cùng đi để giúp cho. 6 Trải qua cả đảo cho đến thành Ba-phô rồi, gặp một người Giu-đa kia, là tay thuật sĩ và tiên tri giả, tên là Ba-Giê-su, 7 vốn ở với quan trấn thủ tên là Sê-giút Phau-lút là người khôn ngoan. Người nầy đã sai mời Ba-na-ba và Sau-lơ đến, và xin nghe lời Đức Chúa Trời” (Công. 13:5-7). Sau đó họ trở lại để “thăm hết thảy anh em trong các thành mà  trước đó họ đã giảng lời Chúa” (15:36).

Phao-lô định cư ở Cô-rinh-tô trong mười tám tháng “dạy lời Đức Chúa Trời trong đám họ” (18:11). Các tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca nhận được  thông điệp của Đức Chúa Trời mà Phao-lô đã tuyên bố với họ là “Lời của Đức Chúa Trời” (1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:13). Sứ đồ Phi-e-rơ viết, “anh em đã được lại sanh, chẳng phải bởi giống hay hư nát, nhưng bởi giống chẳng hư nát, là bởi lời hằng sống và bền vững của Đức Chúa Trời.  Vì,

Mọi xác thịt ví như cỏ,

Mọi sự vinh hiển của nó ví như hoa cỏ.

Cỏ khô, hoa rụng,

Nhưng lời Chúa còn lại đời đời. Và lời đó là Tin lành đã giảng ra cho anh em”

(1 Phi-e-rơ 1:23,25). “Lời của Đức Chúa Trời”, “lời của Chúa,” hoặc “lời” được sử dụng gần như tám mươi lần trong các thông điệp mà các nhân chứng của Hội Thánh đầu tiên công bố về Chúa Giê-su. Ngoài ra, các câu khác cũng đề cập đến sự dạy dỗ của các sứ đồ3 như “lời có ích” (1 Ti-mô-thê 6:3) hay  “lời lẽ thật của phúc âm” (word of the truth of the gospel. NKJV) (Cô-lô-se 1:5).

Cựu ước là Lời của Đức Chúa Trời

Các trước giả Tân Ước cũng làm chứng về các cuộn giấy viết của Lời Đức Chúa Trời. Khi nhắc  Ti-mô-thê “biết những lời thánh” từ thời thơ ấu của mình, sứ đồ Phao-lô đã bày tỏ, “Cả Kinh Thánh đều được Đức Chúa Trời hà hơi vào” (2 Ti-mô-thê 3:15-16). Cụm từ “cả Kinh Thánh” cũng có thể được dịch là “mỗi câu Kinh Thánh,” đề cập đến các phần riêng lẻ. Phao-lô muốn nói đến toàn bộ Kinh Thánh. Điều này sẽ phù hợp với việc ông thường xuyên sử dụng cụm từ “Kinh Thánh có dạy, Kinh Thánh có nói …” (ví dụ, Rô-ma 4:3; 9:17; Ga-la-ti 4:30).

Từ “soi dẫn” ở đây có thể gây hiểu lầm. Hai trong số các nghĩa của nó trong tiếng Anh là “lấp đầy bằng một hoạt ảnh, hoặc nâng cao ảnh hưởng” và “tạo ra hoặc khơi dậy (một cảm giác, suy nghĩ, v.v.).” Cả hai ý nghĩa chính này đều gợi ý rằng “soi dẫn” có nghĩa là ủng hộ hoặc tạo ra điều gì đó trong một điều gì đó khác, cho thấy trong trường hợp này rằng Đức Chúa Trời đã lấp đầy Kinh Thánh bằng sự sống và năng quyền của Ngài. Mặc dù điều này đúng và được dạy trong Hê-bơ-rơ 4:12, nhưng ở đây Phao-lô không đề cập đến tác động của Kinh Thánh, mà là nguồn của chúng — từ Đức Chúa Trời.

Cụm từ “được soi dẫn bởi Chúa” trong tiếng Hy lạp là theopneustos, nó kết hợp danh từ “God” (theos) và tính từ pneustos  tạo thành từ động từ “hà hơi” (pnẽo). 13Theopneustos luôn có nghĩa bị động là “được Đức Chúa Trời hà hơi,” không phải là “hơi thở của Đức Chúa Trời.” Vậy  có nghĩa  Kinh Thánh là sản phẩm của hơi thở  Đức Chúa Trời; những tác phẩm đó đã được Ngài hà hơi vào. Do đó, câu này nhấn mạnh nguồn của Kinh Thánh. Nhưng nó cũng nói lên điều gì đó về bản chất của chúng. Chúng có nguồn gốc từ Đức Chúa Trời, chúng là lời của Ngài. Cần lưu ý rằng mặc dù “tất cả Kinh Thánh” trong 2 Ti-mô-thê 3:16 đề cập cụ thể đến Cựu Ước, nhưng lời dạy của sứ đồ trong các tác phẩm Tân Ước được xem là Kinh Thánh. Chúng cũng được các trước giả khác của Tân Ước xem là Kinh Thánh.

Tân Ước thường kết hợp các tài liệu tham khảo về Cựu Ước với các thông điệp mới về Đấng Christ, gọi cả hai là “lời của Đức Chúa Trời.” Trước giả Hê-bơ-rơ chắc chắn đã bao gồm toàn bộ các tác phẩm Cựu Ước khi ông nói Lời Đức Chúa Trời sống động và quyền năng (Hê-bơ-rơ 4:12). Ngoài ra khi Phao-lô rao giảng, ông thường trích dẫn Cựu Ước để chứng tỏ rằng Chúa Giê-su là Đấng Mê-si đã được hứa ban. Do đó, lời xác nhận của ông về Lời Chúa có bao gồm cả Cựu ước (Cô-lô-se 1:15).

Mặc dù các trước giả Tân Ước không qui cho toàn bộ Cựu Ước là “lời của Đức Chúa Trời”, nhưng có rất nhiều bằng chứng trong Tân Ước cho thấy họ đã coi toàn bộ Cựu Ước là lời của Đức Chúa Trời. Kinh Thánh Tân Ước thường nói rằng Đức Chúa Trời đã phán qua các trước giả Kinh Thánh là những người đã viết ra Cựu Ước. Và dĩ nhiên, các trước giả Tân Ước cũng thường nói Đức Chúa Trời cũng phán qua các trước giả. Ví dụ, Ma-thi-ơ giới thiệu lời tiên tri trong Cựu Ước về sự ra đời của Chúa Giê-su bằng cách viết, “Những việc nầy xảy ra để ứng nghiệm lời Chúa đã phán bởi tiên tri: ‘Nầy, một trinh nữ sẽ mang thai, và sinh một con trai’” (Ma-thi-ơ 1:22-23). Trong trường hợp này và những trường hợp khác, Cựu Ước được cho là sự giao tiếp trực tiếp từ Đức Chúa Trời (so sánh 2:15) với con người. Tuy nhiên, Cựu Ước là Lời của Đức Chúa Trời ngay cả khi phần trích dẫn là lời của người viết Cựu Ước. Ví dụ, trong Công vụ 4:25 Phi-e-rơ và Giăng nói đến việc Đức Chúa Trời phán “bởi Đức Thánh Linh” trong Thi thiên 2:1-2, nhưng đây thực sự là lời của Đa-vít, vì Đức Chúa Trời đã phán “qua miệng … của Đa-vít.” Đấng Christ đã ứng nghiệm những gì Đức Chúa Trời đã phán, “dùng miệng các tiên tri phán từ thuở trước” (Lu-ca 1:7). Và Thi thiên 95: 7-8 là những lời được Đức Chúa Trời phán ra “qua Đa-vít” (Hê-bơ-rơ 4:7).

Đôi khi các phần của Cựu ước được cho là được Đức Chúa Trời phán trực tiếp mà không có bất kỳ sự liên quan nào đến các trước giả. Một ví dụ là Mười Điều Răn. Ở đây Ma-thi-ơ và Gia-cơ cho biết, được Đức Chúa Trời phán ra, không liên quan đến Môi-se (Ma-thi-ơ 15:4; Gia-cơ 2:11). Ngoài ra, Phao-lô nói rằng Lời Đức Chúa Trời được phán với Pha-ra-ôn (Xuất Ê-díp-tô Ký 9:16) là Kinh Thánh (Rô-ma 9:17).

Ngược lại, Kinh Thánh Cựu ước là lời của Đức Chúa Trời ngay cả khi Đức Chúa Trời không được ghi lại là người phát ngôn. Một minh họa thú vị về sự hiểu biết của Tân Ước về tất cả Kinh Thánh như phát biểu hoặc lời phán của Đức Chúa Trời được trước giả sách Hê-bơ-rơ cung cấp khi ông trích dẫn sáu đoạn Kinh Thánh trong Cựu Ước (Hê-bơ-rơ 1:5-13). Khi giới thiệu mỗi trích dẫn đó, ông viết rằng Chúa đã nói những lời này. Tuy nhiên, bốn người trong số những  (1: 6, 7, 8-9, 10-12) người phát ngôn trong Cựu Ước thực sự là một người khác. Bởi vì những câu này là một phần của Kinh Thánh Cựu ước, chúng đều là lời của Đức Chúa Trời.

Tân Ước là lời của Đức Chúa Trời

Tân ước gọi những tác phẩm thiêng liêng của Cựu Ước là lời Đức Chúa Trời. Chúng ta cũng có thể gọi Tân Ước là Lời của Đức Chúa Trời? Vì quá trình viết và tập hợp các tác phẩm Tân Ước (trong thế kỷ đầu tiên) vẫn đang diễn ra, nên không có tuyên bố nào mô tả toàn bộ Tân Ước là “Kinh Thánh” hay “Lời của Đức Chúa Trời.” Tuy nhiên, một số yếu tố chỉ ra rằng các trước giả Tân Ước đã xem các tác phẩm của họ cùng thể loại với Kinh Thánh Cựu Ước, điều này có nghĩa Cựu và Tân ước đều là Lời của Đức Chúa Trời.

Các trước giả thường ghi lại lời phán trực tiếp của Đức Chúa Trời. Lời của Đức Chúa Trời đã được nghe khi làm phép báp têm và sự biến hình của Chúa Giê-su (Ma-thi-ơ 3:17; 17:5). Chúa phục sinh đã nói chuyện với Phao-lô trên Đường Đa-mách (Công vụ 9:4) và sau đó (19:9-10; 23:11) cũng như với những người khác (9:11-16; 10:13), và Chúa Giê-su Christ đã nói lời Ngài cho sứ đồ Giăng (Khải huyền 1:17-3:22).

Sự ngang bằng của Tân Ước với Cựu Ước như Lời của Đức Chúa Trời cũng nằm sau lời khuyến khích “đọc” (nghĩa là đọc to) các bức thư sứ đồ trong các nhà hội (Cô-lô-se 4:16; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:27; xem thêm 2 Cô-rinh-tô 1:13). Trong các buổi họp tại nhà nguyện Do Thái, Kinh Thánh Cựu Ước được đọc công khai (Lu-ca 4:16; Công vụ 13:15; 15:21; 2 Cô 3:15). Việc đọc các tác phẩm Tân Ước trong nhà thờ cùng với Cựu Ước chứng tỏ rằng ngay từ đầu chúng đã được xếp ngang hàng với Cựu Ước. Phi-e-rơ đã nói rõ điều này khi ông đề cập đến các thư của Phao-lô cùng với “phần còn lại của Kinh Thánh”. (2 Phi-e-rơ 3:16).

Khi Phao-lô trích dẫn trong 1 Ti-mô-thê 5:18 từ Phục truyền luật lệ ký 25:4 và Lu-ca 10:7, ông gọi chúng là “Kinh Thánh”, do đó chúng ta có thể xếp Cựu ước và Tân ước vào cùng một loại.

Cuốn sách cuối cùng của Kinh Thánh được gọi là “sự mặc khải của Chúa Giê-su Christ, mà Đức Chúa Trời đã ban … cho tôi tớ của Ngài là Giăng” (Khải huyền 1:1). Sau đó, Giăng đã làm chứng rằng ông “làm chứng cho lời của Đức Chúa Trời và cho lời chứng của Chúa Giê-su Christ” (1:2). Vì vậy, toàn bộ Sách Khải huyền là lời của Đức Chúa Trời được Đấng Christ làm chứng cho (22:16, 18, 20), lời tuyên bố ban phước cho người “đọc [người đọc công khai] và những người nghe những lời tiên tri [Sách Khải Huyền]” có thể liên tưởng đến những lời của Chúa Giê-su trong Lu-ca 11:28: “Phước cho những ai nghe lời Đức Chúa Trời và tuân giữ lời ấy.” Lời cảnh báo của Chúa chống lại bất kỳ ai thêm hoặc bớt “những lời tiên tri của sách này” cũng tương tự như lời cảnh báo của Cựu Ước về việc thêm vào các điều răn của Đức Chúa Trời (Phục truyền luật lệ ký 4:2; 12:32). Vì vậy, Sách Khải huyền đã được trình bày rõ ràng như là Lời Đức Chúa Trời.

LỜI THÀNH VĂN VÀ LỜI CÁ NHÂN CỦA CHÚA GIÊ-SU CHRIST

Các nhà thần học chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa duy lý đã nhất quán bác bỏ Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời và thay vào đó khẳng định rằng chỉ có Chúa Giê-su Christ là Lời của Đức Chúa Trời. Vào cuối thế kỷ XIX, F. W. Farrar người đứng đầu của Giáo hội Anh đã trích dẫn lời của một người khác để bày tỏ quan điểm: “Hãy loại bỏ sự thành kiến của những ai chấp nhận lời ghi chép của con người là Lời của Đức Chúa Trời.  Cơ đốc nhân được yêu cầu chỉ tin cậy Đấng Christ, và không kêu cầu với bất cứ ai khác mà chỉ duy Ngài mà thôi.”16 Gần đây hơn, John Barton trong một cách lập luận không phù hợp cho rằng “Chỉ có ‘Kinh Thánh’ là nguồn cho thẩm quyền của Phao-lô. Điều quan trọng đối với Phao-lô là các hành động của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ.”17  Karl Barth đã nói, “Phương trình này: Lời Đức Chúa Trời = Con của Đức Chúa Trời, khiến cho bất cứ giáo lý nào khác có liên quan đến Lời Đức Chúa Trời mà không theo phương trình trên đây đều  không thể chấp nhận.” Đối với những người này, Lời của Đức Chúa Trời là sự mặc khải của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ và không có bất kỳ một lời nào khác được phát ngôn.

 

Ngay cả một số tác giả Phúc âm cũng nhấn mạnh đến Đấng Christ là Lời Đức Chúa Trời hơn là về Kinh Thánh. Donald Bloesch, chẳng hạn, viết, “Chúng ta phải ghi nhớ rằng thẩm quyền tối thượng, cuối cùng không phải là Kinh Thánh mà là chính Đức Chúa Trời hằng sống khi chúng ta tìm thấy Ngài trong Chúa Giê-su Christ … Kinh Thánh có thẩm quyền bởi vì nó chỉ ra ngoài quyền lực tuyệt đối của chính nó, là Lời hằng sống và siêu việt của Đức Chúa Trời …. Cũng như Hội thánh phụ thuộc vào Kinh Thánh, nên đến lượt mình Kinh Thánh lại phụ thuộc vào Chúa Giê-su Christ, Đấng hiện thân cho tâm trí và lời khuyên của Đức Chúa Trời.”18 Alister McGrath, một nhà truyền giáo Phúc âm người Anh, khẳng định rằng Kinh Thánh không được coi là “sự mặc khải chính nó”, vì chúng là “một kênh mà qua đó Đức Chúa Trời mặc khải chính Ngài trong Chúa Giê-su Christ.” 19 Tuy nhiên, điều này ngược lại với thực tế. Kinh Thánh – như chúng ta đã thấy, rõ ràng là Lời của Đức Chúa Trời.

Đúng, một người không chỉ là lời nói. Nhưng chúng ta phải cẩn thận rằng chúng ta không phân biệt một cách chắc chắn một người từ những lời nói của anh ta. Một số điều cần lưu ý về mối quan hệ của Lời viết của Đức Chúa Trời, Kinh Thánh và Lời nói cá nhân của Chúa Giê-su Christ.

Thứ nhất, lẽ thật rằng Đấng Christ là sự mặc khải sau cùng và cuối cùng của Đức Chúa Trời không làm cho những hình thức mặc khải trước đây của Đức Chúa Trời trở thành điều gì đó khác với Lời mặc khải của Ngài. Như trước giả Hê-bơ-rơ khẳng định, Đức Chúa Trời phán cả “trong các tiên tri” và “trong Con Ngài” (Hê-bơ-rơ 1:1-2). Như chúng ta đã thấy, lời của các nhà tiên tri là lời của Đức Chúa Trời. Trên thực tế, bản thân Kinh Thánh đề cập đến cả Chúa Giê-su Christ và phần Kinh Thánh đã viết là Lời của Đức Chúa Trời, không có sự phân biệt nào ở đây. Ví dụ, Kinh Thánh là “lời sống và linh nghiệm” (Hê-bơ-rơ 4:12). Và Chúa Giê-su nói những lời của chính Ngài là “thần linh và… sự sống” (Giăng 6:63: xem thêm 1 Phi-e-rơ 1:23).

Một số tác giả tranh luận rằng Kinh Thánh là “lời chứng” hay “nhân chứng” cho Lời hằng sống, chứ không phải chính bản thân Lời. Họ chỉ ra rằng chính Chúa Giê-su đã nói rằng Kinh Thánh “làm chứng” về Ngài (Giăng 5:39). Việc Kinh Thánh làm chứng cho Chúa Giê-su Christ có làm cho nó kém hơn Lời Đức Chúa Trời không? Câu trả lời cho câu hỏi này được nhìn thấy khi chúng ta nhớ rằng Chúa Giê-su làm chứng cho chính Ngài (5:31; 8:14). Ngay cả Cha trên trời và Thánh Linh cũng làm chứng cho Ngài (5:37; 8:18; 15:26). Sự làm chứng của chính Ngài và của Đức Chúa Cha và Thánh Linh chắc chắn Ngài là “lời của Đức Chúa Trời.” Lời chứng của những trước giả Kinh Thánh được viết dưới sự soi dẫn của Thánh Linh chỉ đơn giản là sự tiếp tục của lời chứng này và do đó không khác gì Lời của Đức Chúa Trời. Như Chúa Giê-su đã nói với các sứ đồ của Ngài, Thánh Linh “sẽ làm chứng cho Ta và các ngươi cũng sẽ làm chứng” (15:26-27;  xem thêm Lu-ca 24:18; Khải Huyền 1:1).

Thứ hai, lời nói của một cá nhân không thể tách rời khỏi người đó, vì chúng “tiết lộ” bản chất của người nói. “Vì do sự đầy dẫy trong lòng mà miệng mới nói ra” (Ma-thi-ơ 12:34)  và “tấm lòng” ám chỉ điều thực sự ở bên trong chúng ta (Châm ngôn 27:19; 1 Phi-e-rơ 3:15). Do đó, lời nói của chúng ta là biểu hiện của chính chúng ta. Nếu một người nói những lời thô thiển hoặc ngu xuẩn, chúng ta có xu hướng nghĩ rằng bản thân anh ta thô thiển hoặc ngu ngốc. Nếu chúng ta tôn trọng lời nói của một người, chúng ta đang tôn trọng người đó. Vâng theo lời Đức Chúa Trời cho thấy chúng ta tôn trọng và yêu mến Ngài. Vì Chúa Giê-su đã nói, “Ai có các điều răn của ta và vâng giữ lấy, ấy là kẻ yêu mến ta” (Giăng 14:21, xem thêm 14:23-24; 15:10, 14).

Từ ngữ, trên thực tế, là cách quan trọng nhất mà chúng ta giao tiếp. Tất nhiên, chúng ta có thể giao tiếp thông qua các hành động của cơ thể (hay ngôn ngữ của cơ thể), nhưng tính ưu việt của lời nói được thể hiện rõ ràng hơn. Theo quan sát của Walter Ong, chúng ta không thể ngồi và nhìn thẳng vào mặt người khác một cách lặng lẽ mà không cảm thấy mất tự nhiên và thậm chí là khó chịu. Nhưng việc nhìn vào người khác khi chúng ta trò chuyện với người đó là điều hoàn toàn tự nhiên.20

Là con người, chúng ta được tạo ra để chia sẻ bản thân với người khác trong giao tiếp bằng lời nói. Lời nói của chúng ta thể hiện những gì chúng ta đang có và suy nghĩ trong tâm trí.

Theo cách tương tự, lời của Đức Chúa Trời không khác gì sự mở rộng của chính Ngài trong việc giao tiếp với chúng ta. Các trước giả của Kinh Thánh đã được Đức Thánh Linh điều khiển khi họ viết và do đó, lời của họ là sản phẩm của sự thần cảm từ Đức Chúa Trời – hay được Ngài hà hơi (2 Ti-mô-thê 3:16). Và vì vậy những lời đó không khác gì những lời của Đức Chúa Trời.

Sự thật này được thấy khi gần đến ngày kết thúc cuộc sống trên đất, Chúa Giê-su nói với các môn đồ của Ngài, “Ta còn có nhiều chuyện nói với các ngươi nữa; nhưng bây giờ những điều đó cao quá sức các ngươi. Lúc nào Thần lẽ thật sẽ đến, thì Ngài dẫn các ngươi vào mọi lẽ thật; vì Ngài không nói tự mình, nhưng nói mọi điều mình đã nghe, và tỏ-bày… Mọi sự Cha có, đều là của ta; nên ta nói rằng Ngài sẽ lấy điều thuộc về ta mà rao-bảo cho các ngươi vậy” (Giăng 16:12-15). Đức Thánh Linh sẽ tiếp tục dạy những gì Đấng Christ đã dạy các môn đồ. Ngài sẽ tiết lộ cho họ ý nghĩa đầy đủ về cái chết và sự phục sinh của Đấng Christ mà các môn đồ chỉ có thể hiểu được sau khi những sự kiện đó xảy ra. Do đó, những nhân chứng ban đầu đã công bố phúc âm của Đấng Christ là Lời của Đức Chúa Trời vì thực tế đó là sự giảng dạy của Đấng Christ qua Thánh Linh. Các lá thư gửi cho bảy hội thánh trong Khải huyền 2-3 là những ví dụ rõ ràng về tiến trình này. Chúa Giê-su Christ đã nói những lời của từng lá thư đến mỗi hội thánh, và kết thúc bằng lời tuyên bố: “Ai có tai, hãy nghe lời Đức Thánh Linh phán cùng các Hội Thánh” (2:7, 11, 17, 29; 3:6, 13, 22). Những lời của sứ đồ Giăng viết được xem là lời Chúa, tức là những lời của Đức Chúa Trời bày tỏ và truyền đạt qua Con Ngài. Vì vậy, lời phán của Đức Chúa Trời được viết trong Kinh Thánh không thể tách rời với Lời cá nhân của Chúa Giê-su.  Kinh Thánh, Lời được viết ra, là sự bày tỏ về Đấng Christ. Ngài là Lời hằng sống.

 

Ý NGHĨA CỦA KINH THÁNH LÀ “LỜI CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI”

Liệu Kinh Thánh có phải là lời mặc khải của Đức Chúa Trời hay là những tác phẩm của con người chỉ làm chứng cho Chúa Giê-su Christ? Niềm tin rằng Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời có ý nghĩa gì? Các câu trả lời sâu hơn cho những câu hỏi này sẽ được trình bày rõ ràng trong các chương sau, nhưng một số hàm ý quan trọng cần được lưu ý ở đây.

Trước tiên, nếu Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời, thì chúng ta có một sự mặc khải khách quan bằng lời nói về Đức Chúa Trời trong lịch sử nhân loại ngày nay. Lời của Ngài không chỉ đơn giản là lời nói bên trong của Ngài đối với tấm long con người mà chúng ta có thể dễ dàng nhầm lẫn với ý nghĩ của chúng ta. Tất nhiên, Đức Chúa Trời bởi Thánh Linh của Ngài nói lời của Ngài đến với tấm lòng của chúng ta, chỉ khi đó chúng ta mới thực sự có thể tiếp nhận được. Nhưng Lời của Ngài được ban cho chúng ta trong Kinh Thánh.

Nếu không có Kinh Thánh như một sự mặc khải khách quan của Đức Chúa Trời trong lịch sử, chúng ta sẽ khó biết được nội dung thực sự của Lời Ngài. Nếu Kinh Thánh chỉ là nhân chứng cho Ngôi Lời, thì Ngôi Lời là gì? Câu trả lời thông thường là Đấng Christ. Nhưng Đấng Christ là ai và điều gì được tiết lộ về Ngài? Nếu các tác phẩm của Kinh Thánh chỉ là những lời lẽ khó hiểu của con người, nếu chúng chỉ là một tài liệu của con người thì phải được nộp cho phương pháp nghiên cứu lịch sử-phê phán của con người để biết điều gì đã thực sự xảy ra, thì làm sao chúng ta biết được nội dung thực sự của chúng? Nghĩa là, làm sao nội dung của Kin h Thánh có thể xác định chắc chắn là lời vô ngộ hay chỉ là lời của con người?

Nếu ghi chép trong Kinh Thánh về sự chết và sự phục sinh của Chúa Giê-su Christ giống như một câu chuyện thần thoại, thì chúng ta không bao giờ có thể chắc chắn rằng các bản ghi chép này là đúng đắn. Nhưng nếu Kinh Thánh là Lời khách quan của Đức Chúa Trời, thì trách nhiệm của chúng ta là tìm cách hiểu và tiếp nhận nó trong sự vâng lời.

Thứ hai, nếu Kinh Thánh là Lời Đức Chúa Trời, thì chúng ta phải nghe Kinh Thánh như lời Đức Chúa Trời phán với chúng ta. Chúng ta bày tỏ chính mình cho người khác qua lời nói của mình thì Đức Chúa Trời bày tỏ chính Ngài cho chúng ta qua Kinh Thánh để chúng ta có thể nhận biết Ngài. Vì những lời của Kinh Thánh không chỉ đơn giản là lời của những trước giả ghi chép  mà là lời của Đức Chúa Trời hằng sống. Lời này vẫn tiếp tục sống động như khi chúng được viết ra lần đầu tiên. Những lời của tiên tri Ê-sai có thể đã bị những người đương thời bác bỏ, nhưng khi viết chúng trong Kinh Thánh, chúng sẽ “truyền lại các đời sau, mãi mãi không cùng” (Ê-sai 30:8; xem thêm 8:16). Lời Chúa vẫn liên tục được phát ngôn, và một ngày nào đó mọi người sẽ lắng nghe. Đức Chúa Trời vẫn đang “phán” Lời cảnh báo của Ngài về sự cứng long của con người. Lời cảnh báo lần đầu tiên được nói với dân Y-sơ-ra-ên trong đồng vắng (Dân-số Ký 14:22-23), sau đó được trước giả Thi-thiên viết lại (Thi-thiên 95:11), và sau đó được gửi đến các độc giả của Sách Hê-bơ-rơ (Hê-bơ-rơ 4:7). Đức Chúa Trời đã ban một số chỉ dẫn cụ thể cho một số người nhất định, những chỉ dẫn đó không thể áp dụng cho chúng ta ngày nay, nhưng lời dạy của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh vẫn  truyền đạt lẽ thật của Ngài đến bây giờ. Cha mẹ đưa ra những hướng dẫn cụ thể cho con cái, chẳng hạn như thời gian đi ngủ, nhưng những hướng dẫn đó không còn được áp dụng khi trẻ đã trưởng thành. Nhưng điểm chính yếu của những hướng dẫn đó – rằng mọi người cần nghỉ ngơi hợp lý – vẫn có giá trị đối với người lớn. Tương tự như vậy, Đức Chúa Trời nói lẽ thật của Ngài với chúng ta theo cách mới mỗi ngày qua những lời Kinh Thánh.

Thứ ba, vì Kinh Thánh là Lời khách quan của Đức Chúa Trời, nên nó luôn luôn là như vậy. Do đó, thật sai lầm khi nói rằng Kinh Thánh trở thành Lời của Đức Chúa Trời khi Ngài dùng nó để nói với ai đó. Kinh Thánh là Lời hằng sống của Đức Chúa Trời, cho dù người ta có công nhận nó như vậy hay không. Chúa Giê-su đã nói những lời của Đức Chúa Trời, nhưng nhiều người không nhận ra những lời đó bởi vì như Ngài đã nói, họ không thể “nghe lời Ta” (Giăng 8:43). Vì vậy, thay vì chờ đợi Kinh Thánh trở thành Lời Đức Chúa Trời, chúng ta nhận ra rằng đó là Lời của Ngài. Vì vậy, chúng ta cùng trước giả Thi-thiên cầu nguyện rằng, “Xin mở mắt tôi để tôi được nhìn thấy những điều lạ lùng trong luật pháp của Chúa” (Thi Thiên 119:18). Đó là, chúng ta cầu xin Đức Chúa Trời cho phép chúng ta hiểu những gì Ngài đã nói trong Kinh Thánh. Trách nhiệm của chúng ta là vâng theo lời của Chúa Giê-su là “hãy coi chừng về cách các ngươi nghe” (Lu-ca 8:18).

PHẦN KẾT LUẬN

Vì lời nói là nền tảng của mối quan hệ của chúng ta với người khác, nên chúng cũng nằm trong mối quan hệ của chúng ta với Đức Chúa Trời. Lời của Ngài được hiện diện trong thân vị và chức vụ của Đấng Christ. Nhưng nó cũng được đưa ra dưới dạng lời nói và văn bản để chúng ta có thể biết Ngài và những gì Ngài đòi hỏi ở chúng ta. Do đó, Đức Chúa Trời nhìn chúng ta trong Đấng Christ qua lời thành văn của Ngài là Kinh Thánh, và chúng ta đáp lại điều này. Dấu hiệu  thật của các môn đồ của Chúa Giê-su là “họ đã giữ lời Cha” (Giăng 17: 6; xem thêm 8:51; 15:10). Dân sự trong thời kỳ Cựu Ước đã ràng buộc với Ngài trong giao ước khi họ nghe lời Ngài và đáp lại rằng: “Chúng tôi xin làm mọi việc ĐỨC GIÊ-HÔ-VA đã phán dặn” (Xuất Ê-díp-tô Ký 19: 8; xem thêm 24:7). Do đó, bản sắc của dân sự Đức Chúa Trời nằm trong cuộc đàm thoại mà họ tiếp tục với Đức Chúa Trời, lắng nghe Lời Ngài và vâng theo Lời Ngài. Theo lời chứng của cả Cựu ước và Tân ước, những lời thành văn trong Kinh Thánh là Lời Đức Chúa Trời. Vì vậy, mối quan hệ của chúng ta với Ngài tùy thuộc vào việc chúng ta có Lời của Đức Chúa Trời hay không.

trích từ HIỂU BIẾT THẦN HỌC CƠ ĐỐC

8

 

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên