Trang Chủ TRANG CHỦ Jerusalem – Thành Thật Với Lịch Sử

Jerusalem – Thành Thật Với Lịch Sử

1083
0
SHARE

Tổng thống Donald Trump ký một bản tuyên ngôn sau khi ông phát biểu về Jerusalem trong phòng tiếp tân ngoại giao của Nhà Trắng vào ngày 6/12/2017. (Ảnh: SAUL LOEB / AFP / Getty Images)

Nhiều lời chỉ trích và nhiều cuộc biểu tình phản đối đã diễn ra kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel hôm 6/12.

Người ta cảm thấy khó hiểu, vì sao đang yên đang lành ông Trump lại “rước vạ vào thân” khi quyết định thực hiện điều mà các tổng thống trước ông luôn tìm cách né tránh?

Một lý giải được nhiều người đồng thuận, là ông Trump muốn hoàn thành lời hứa với cử tri trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm ngoái. Nhưng cách giải thích cho việc này lại có nhiều khác biệt.

Một số người cho rằng ông Trump cố gắng hoàn thành lời hứa đơn thuần chỉ để giữ lá phiếu ủng hộ từ những người gốc Do Thái hoặc những cử tri thân Do Thái.

Một số khác lại tin rằng đây là hành động chứng tỏ chuẩn mực đạo đức của ông Trump. Nhiều chính trị gia có thể hứa lấy được để lôi kéo cử tri, sau khi đắc cử sẵn sàng “quên” tất cả những lời hứa đó. Nhưng ông Trump không phải là loại người như vậy. Chúng ta có thể thấy ông luôn cố gắng thực hiện những lời hứa khi tranh cử của mình, từ vấn đề nhập cư đến việc xây bức tường Mexico…

Một lý giải khác, đến từ chuyên gia Heather Hurlburt, cố vấn cấp cao tổ chức Mạng lưới An ninh quốc gia trụ sở tại Washington, là ông Trump cảm thấy không thoải mái khi cứ 6 tháng 1 lần phải đặt bút ký sắc lệnh trì hoãn để giữ Đại sứ quán Mỹ ở Tel Aviv.

Điều này bắt nguồn từ năm 1995, khi cả 2 đảng và 2 viện của Nghị viện Hoa Kỳ đã thông qua Luật Đại sứ quán Jerusalem, theo đó Đại sứ quán Mỹ cần phải được đặt ở Jerusalem. Tuy nhiên, kể từ khi luật này được thông qua, các Tổng thống Mỹ trước đây lại liên tục trì hoãn việc phê chuẩn thực thi nó.

Cũng như Tổng thống Trump hiện nay, các vị tổng thống trước đây đều nhận thức rõ họ sẽ trở thành tâm điểm của búa rìu dư luận nếu đặt bút ký thực thi đạo luật này. Do đó, họ luôn tránh né việc thực thi mong muốn của Nghị viện – cơ quan đại diện cho tiếng nói của người dân – với lý do rất “cao cả” là để “không làm tổn hại đến tiến trình hòa bình” ở Trung Đông.

Quang cảnh Jerusalem (Ảnh: Wikipedia)
Quang cảnh Jerusalem (Ảnh: Wikipedia)

Tuy nhiên, thực tế là việc trì hoãn của họ chẳng giúp gì cho tiến trình hòa bình của Trung Đông. Căng thẳng Israel – Palestine vẫn còn nguyên như cách nay hơn 20 năm.

Hôm thứ Tư (6/12), Tổng thống Trump đã bình luận rằng quyết định của ông là “công nhận thực tế”. Tất cả chúng ta đều biết rằng Tổng thống cảm thấy như thế nào về “tin giả mạo”. Hóa ra, ông cũng không thích “lịch sử giả mạo”. Hòa bình ở Trung Đông sẽ không bao giờ xảy ra nếu chúng ta cứ nói dối về lịch sử.

Tin giả gây ra nhiều vấn nạn cho xã hội. Lịch sử giả còn tai hại hơn. Vì vậy, điều cực kỳ quan trọng là cần bảo vệ sự trung thực của lịch sử. Để bảo vệ tính chân thật của lịch sử về vấn đề Jerusalem, có 3 điểm cần lưu ý.

Thứ nhất, việc bác bỏ Nhà nước Do Thái của Israel và phản đối việc Israel tuyên bố Jerusalem là thủ đô của quốc gia dựa trên lịch sử giả mạo.

Các nhà lãnh đạo Hồi giáo chủ chốt đã viết lại lịch sử, phủ nhận sự tồn tại lịch sử của Israel. Con đường tìm kiếm hòa bình ở Trung Đông không thể thông qua việc phủ nhận sự thật lịch sử.

Một số nước Hồi giáo ngày nay vẽ nên một lịch sử giả mạo kệch cỡm, xoay quanh những tuyên bố rằng chưa từng có một vương quốc Israel cổ đại và người Do Thái chưa bao giờ có một ngôi đền ở Jerusalem.

Không một nhà sử học dòng chính nào và chắc chắn không một nhà khảo cổ có lương tâm nào đồng ý với tuyên bố vô nghĩa như vậy. Tất nhiên Israel cổ đại đã tồn tại – và đã tồn tại ở chính nơi mà Israel ngày nay đang tồn tại.

Nhưng nhiều người Hồi giáo và các nhà lãnh đạo Hồi giáo chỉ đơn giản từ chối chấp nhận sự thật của lịch sử. Và điều kỳ lạ là nhiều nhà lãnh đạo thế giới lại nuông chiều sự giả dối này.

Thứ hai, Tổng thống Trump đứng về phía chân thật của lịch sử.

Bằng cách công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, Tổng thống Trump khẳng định lịch sử của người Do Thái. Ông cũng sửa chữa một vấn đề lịch sử lâu đời và một sự bất công nặng nề.

Tổng thống Trump không làm gì quá đáng. Sự ủng hộ của ông dành cho Israel là phù hợp với sự ủng hộ của Tây phương cho việc thành lập nhà nước độc lập của Israel thời hậu chiến tranh thế giới thứ 2 và Nạn diệt chủng người Do Thái (Holocaust).

Tổng thống Trump sẽ đến thăm Jerusalem.

Thứ ba, không thừa nhận Jerusalem là thủ đô của Israel đặt ra một tiền lệ nguy hiểm.

Nếu chúng ta vì e ngại sự trả thù của các phần tử khủng bố Hồi giáo mà phớt lờ sự thật lịch sử, chẳng khác nào chúng ta đang khen thưởng khủng bố. Và nó sẽ ngấm ngầm dẫn đến sự tin tưởng vào các câu chuyện lịch sử giả mạo và các bản đồ giả mạo của thế giới, nơi “Israel” cổ đại chưa từng xuất hiện.

Từ chối lịch sử cổ xưa của Israel giúp những người bài Do Thái chống lại lời tuyên bố của Israel hiện đại đối với đất đai, kể cả thủ đô Jerusalem lịch sử.

Nhiều người Do Thái và Kitô hữu đưa ra các lập luận về thần học, trích dẫn các câu văn của Kinh thánh và những lời tiên tri về Israel là nơi cư ngụ của người Do Thái.

Tranh vẽ Nehemiah xây thành Jerusalem.

Người Do Thái trên thực tế đã sống trên đất Israel hơn 3.000 năm và chiếm thành phố Jerusalem gần như chính xác cách đây 3.000 năm. Họ đã sống ở đó liên tục, mặc dù họ đã không luôn luôn cai trị mảnh đất của mình. Tất cả điều đó đều là sự thật lịch sử, không chỉ đơn giản là vấn đề đức tin.

Do đó, các tuyên bố hợp pháp của Israel đối với đất đai và thành phố Jerusalem phải được chấp nhận – bất kể niềm tin tôn giáo của bạn, hoặc thậm chí nếu bạn không có niềm tin trong bất kỳ tôn giáo nào.

Điều đó, tất nhiên không có nghĩa là người Palestine không có quyền. Họ có. Nhưng kế hoạch hòa bình sẽ không thành công cho đến khi quyền tồn tại của Israel và sự thật lịch sử về Jerusalem được công nhận rộng rãi.

Tổng thống Trump đã đi đúng bước. Những người tôn trọng sự thật lịch sử nên ủng hộ quyết định của ông.

Nếu chúng ta cứ nói dối về lịch sử, thì làm sao có thể xây dựng tương lai?

Ưu Đàm 

http://www.dkn.tv


http://www.nhulieuthanhkinh.com

Giê-ru-sa-lem\ Jerusalem. Jérusalem.

(“Giê-ru” có nghĩa là nền, chỉ về Chúa lập vững, Thi 87:1Ês 14:32; chỉ về phần thuộc linh Hêb 11:10. “Sa-lem” chỉ về bình yên).

I. Tên.– Tên rất cổ là Urusalim, vì rất lâu nước Giô-suê vào xứ Ca-na-an, có tìm được tên đó trong thơ mà quan trưởng nơi đó độ năm 1450 T.C., gởi cho vua Ai-cập là Amenophis IV. Trong Kinh Thánh cũng gọi Giê-ru-sa-lem là A-ri-ên, có nghĩa là “lò sưởi của Chúa”; Êxê 7:23 có “thành” là Giê-ru-sa-lem so với “đất”. Trong Ês 48:252:1Nê 11:1Mat 4:527:53 cũng gọi là “thành thánh”. Người Hồi giáo hay gọi là Beit el Makdis có nghĩa là “nhà thánh”, hay là el Mukaddas có nghĩa là “thánh”, ngày nay người A-rạp gọi cách vắn tắt là el Kuds nghĩa là “nơi thánh tôn trọng”. Tên rất cổ trong Kinh Thánh là Sa-lem (Sáng 14:18). Còn có tên của người Giê-bu-sít đặt là Giê-bu (Giô 15:8Quan 19:10; xem Giê-bu).

II. Địa dư.– Thành Giê-ru-sa-lem ở gần chính giữa xứ thánh, và từ miền đó có nước sông chảy xuống làm hai ngả: Phía Tây chảy ra Địa-trung-hải, phía Đông chảy vào sông Giô-đanh. Êxê 5:5 nói: “Ta đặt Giê-ru-sa-lem ở giữa các dân tộc và các nước bao chung quanh nó”, bởi đó có người tin Giê-ru-sa-lem ở chính giữa thế gian. Giê-ru-sa-lem cách xa Địa-trung-hải độ 48 cây số; cách sông Giô-đanh độ 28 cây số; cách phía Nam Hếp-rôn độ 30 cây số, và cách phía Bắc Sa-ma-ri độ 54 cây số. Giê-ru-sa-lem được xây ở chỗ bằng phẳng trên chót núi phương Nam: đây là nơi ở của Đức Giê-hô-va, “Ngài ngó xuống từ nơi ở của Ngài, xem xét hết thảy người ở thế gian” (Thi 33:14); có “Vua cao hơn hết các vua trên đất” (Thi 89:27). Thành cao hơn mặt biển Địa-trung-hải: về phần Si-ôn cao độ 785 thước, về phần Mô-ri-a cao độ 750 thước. Giữa thành phố có trũng Tyropoeon, song ngày nay đã bị vùi lấp nhiều, có chỗ lấp tới 25 thước. Giới hạn chung quanh thành, phía Tây nam núi là trũng của con trai Hi-nôm (Giô 15:8); phía Đông là trũng Xết-rôn, cũng gọi là “trũng Giô-sa-phát”, cả hai đều sâu và dốc độ 170 thước. Thành ở chỗ hai trũng ôm lại, nên hình thế khó rộng hơn được, trừ ra phía Bắc hơi dốc. Quanh thành, như có chép trong Thi 125:2, có núi cao hơn: về phía Đông có núi Ô-li-ve cao hơn độ 100 thước; phía Tây nam có núi, theo tên truyền khẩu là “Núi người đồng mưu ác”, cao hơn độ 50 thước, v.v…, vậy chỉ có thể thấy rõ thành từ phía Đông nam.

Theo sử gia Josèphe (Năm 37-95 S.C), chỗ đất phẳng của thành chia làm 5 núi hoặc 5 khu:

1. Núi Tây nam là “Thành Thượng” và “Nơi chợ Thượng”; cũng gọi là “Đồn lũy Đa-vít”. Từ thế kỷ thứ IV S.C., núi nầy cũng gọi là “Núi Si-ôn”, và trên đó, ngày nay có “Tháp Đa-vít”, xây trên hai đền của hai tháp lớn của Hê-rốt. Ngày nay có những người Arméniens ở khu nầy.

2. Khu Tây bắc là “Khu Bắc của thành”. Dầu trong Tân Cựu Ước, dường như không có tên khác, nhưng có học giả nói đó là “Akra”. Ngày nay nó là một khu giành riêng cho người theo Cơ đốc giáo, và chính giữa có nhà thờ gọi là “Nhà thờ Mộ Thánh”.

3. Núi Đông bắc là “Bezetha” hoặc “Thành mới”, ngày nay không có đông dân cư mấy, là khu vực người Hồi giáo, trong Kinh Thánh thì không có tên gì.

4. Núi Trung đông là “Núi thứ ba”, là chỗ ngày xưa xây cất Đền thờ (IISử 3:1), và trước vốn là “sân đạp lúa của A-rau-na, người Giê-bu-sít” (IISa 24:16). Có người nói đó là núi Mô-ri-a mà Áp-ra-ham dâng con mình là Y-sác (Sáng 22:2).

5. Núi Đông nam mà Josèphe gọi là “Akra” và “Thành Hạ”; dầu vậy, có khi người ta gọi núi nầy là “Thành Đa-vít”, “Si-ôn” và “Ophel”. Ngày nay khu nầy giành riêng cho người Giu-đa ở.

Sử gia Josèphe mô tả các vách thành như sau:

Vách thành thứ nhứt.– Khi Đa-vít chiếm lấy đồn lũy Giê-bu, thì cho xây tường chung quanh thành (IISa 5:9ISử 11:8). Sa-lô-môn và các vua đời sau cũng mở rộng và tu sửa lại, đến nỗi vách thành bắt đầu nơi tháp Hippicus, qua gần cửa Jaffa (hiện nay), phía Tây (IISử 26:9), gần trũng Hi-nôm phía Nam (Giê 19:2), gần ao Si-lô-ê gần vườn vua (IICác 25:4), gồm cả Ophel (IISử 27:333:14), và phía Bắc tới nơi phía Đông đền thờ (IICác 14:13IISử 33:14Giê 31:38). Tường nầy được gọi là tường Đa-vít và Sa-lô-môn.

Vách thành thứ hai.– Tường nầy bắt đầu từ cửa Gennath (vườn), trong tường cũ, có lẽ gần tháp Hippicus, và đi vòng qua khu Bắc của thành, gồm cả trũng lớn Tyropoeon, dẫn đến cửa Đa-mách, và cứ chạy tiếp về phía Nam tới đồn lũy Antonia. Hướng vách thành thứ hai nầy cũng là một với hướng các vách thành ngày nay, và ít nhứt có một vài phần tường xây trên tường phần Bắc ở phía Tây của khu Haram (Ophel). Vách tường nầy được gọi là tường Ê-xê-chia.

Vách thành thứ ba.– Năm 42 S.C vua Hê-rốt Ạc-ríp-ba xây thành nầy vì có ý muốn làm cho thành nới rộng ra các ngoại ô về phía Bắc. Tường thành bắt đầu từ tháp Hippicus, và tới đến tháp Psephinus cho đến đối diện với dinh thự hoàng hậu Hélène; kế đến qua những lăng tẩm các vua, trở về phía Nam đến ruộng Thợ Nện, tới thành cũ ở Kít-sôn. Tường nầy dài độ 6 cây số, và được gọi là tường Ạc-ríp-ba.

Tên các cửa thành.– Khoảng 445 năm T.C. Nê-hê-mi tu bổ các vách thành bị phá bởi Nê-bu-cát-nết-sa (Nê 2:13154:276:15), ông chép tên các cửa như sau: Vách thành đó bắt đầu từ cửa Chiên (3:1) gần ao Bê-tết-đa (Giăng 5:2), ở đó ngày nay gọi là cửa thánh Ê-tiên, đi từ Đông bắc có cửa Cá (3:3 và Sô 1:10), sau đến cửa Cũ phía Tây (3:6), cứ đi qua vách rộng (3:8), tháp lò (3:11), sau tới cửa Trũng (3:13; so 2:1315), ở góc phía Tây nam (3:13), sau đến cửa Phân mặt Nam (3:1314), kế đó đến cửa Giếng, gần ao Si-lô-ê trong vườn vua góc Đông nam (3:15), cho đến cái thang từ thành Đa-vít trở xuống (3:15), cứ đi ngược phía Bắc đến cửa Nước (3:26), qua các mộ địa nhà Đa-vít, qua nhà các dũng sĩ (3:16), sau qua các kho chứa binh khí góc tường nhà thầy tế lễ thượng phẩm Ê-li-a-síp (3:20), cứ đi nữa đến cửa Ngựa (3:28), phía Đông, hướng về trũng Kít-sôn phía Bắc, cứ đi đến cửa Đông (3:29) và cửa Mi-phơ-cát, có lẽ là cửa về Đền thờ dâng của lễ thiêu chuộc tội (3:21), và cuối cùng về cửa Chiên.

Còn hai cửa Nê-hê-mi không có chép trong đoạn 3; đó là cửa Góc ở góc Tây bắc (IICác 14:13IISử 26:9; so Xa 14:10; và Giê 31:38); và cửa Ép-ra-im ở phía Bắc của thành (Nê 8:1612:39), có lẽ cũng gọi là cửa Bên-gia-min (Giê 38:7Xa 14:10), và về sau dân bị làm phu tù trở về xây lại tường thì gọi là cửa Đa-mách. Ông cũng có chép mấy cửa nữa: cửa Giô-suê (IICác 23:8); cửa giữa hai vách thành (IICác 25:4), cửa Suối (Nê 12:37), cửa Ngục (Nê 12:39); cửa Gốm (Giê 19:2); cửa thứ nhứt (Xa 14:10).

Các ao, các bể.– Như nhiều thành xây trên núi, Giê-ru-sa-lem không đủ nước dùng. Ở ngoài thành phía Đông, ở đáy phần trên của trũng Kít-rôn, có nguồn nước từ khe hòn đá phun lên rất nhiều. Chắc vào thời rất cổ, người ta sinh sống trong các hang đá tự đục ra bên Tây trũng đó, và cần phải nhờ nước chảy xuống trũng để sống. Chừng 2.000 năm T.C., người ta cố sức xây tường bằng đá để làm ao sâu và có thể đựng nhiều nước. Từ khi đó, người ta đục đường hầm trong núi nằm phía Tây ao đó để dẫn nước vào núi Đông nam “Ophel”, vì vậy người trong thành có thể dùng được. Ngày nay vẫn còn hai loại đường hầm: Một bởi người Ca-na-an làm, nhờ đường hầm này mà Đa-vít phái Giô-áp với binh lính mình bí mật đi lên đánh người Ghê-bu-sít trong đồn lũy trên núi (ISử 11:6); và một đường hầm khác gọi là đường hầm Si-lô-ê, có lẽ là do vua Ê-xê-chia làm sau mấy thế kỷ như chép trong IICác 20:20, “Ê-xê-chia xây hồ chứa nước, và kênh dẫn nước vào trong thành”. Ngoài hai đường hầm dẫn nước đó, còn có ít nhất hai đường hầm nữa.

Những nơi có hồ và ao trong thành Giê-ru-sa-lem thì trở nên quan trọng. Phần nhiều phải nhờ các đường hầm nói trên mới có nước. Ngoài vách thành về phía Tây là những hồ Trên và hồ Dưới từ Ghi-hôn: hồ trên gần núi Si-ôn, hồ dưới gần phía Tây bắc đường đi Jaffa. Đến chỗ hai trũng Hi-nôm và Giô-sa-phát gặp nhau thì gọi là Ên-Rô-ghên, tức là giếng của Gióp ở giữa vườn vua. Trong tường thành, ngay phía Bắc Si-ôn, trước có hồ Ê-xê-chia. Ở dưới Đền thờ (theo sách Apocryphe, Ecclus. 1:3) có một cái ao lớn chắc cũng nhờ một đường hầm mà có nước. “Hồ vua” ở góc Nam núi Mô-ri-a, có điểm lạ là nước ở đây thường lên xuống, người ta tưởng là nhờ ao dưới Đền thờ. Từ cống lớn dưới đất đó, người ta tưởng nước chảy qua hòn đá đã đục dẫn nước đến ao Si-lô-ê. Theo truyền khẩu có lẽ ao Bê-tết-đa ở phía Bắc núi Mô-ri-a, ngày nay gọi là Birket Israil. Có người nói Giê-ru-sa-lem như một cái tổ ong, vì có những hang đá tự nhiên hay là những hóc đá mà người ta đã đục để làm những bể đựng nước, làm mộ bia, và để lấy đá.

Vườn, phố, nhà.– Ngày xưa, ngoài thành phía Đông nam có vườn vua Đa-vít và Sa-lô-môn, dường như ở chỗ hai trũng Kít-rôn và Hi-nôm gặp nhau (Nê 3:15). Phía Đông có núi Ô-li-ve, vườn Ghết-sê-ma-nê ở dưới chân núi đó. Phía Bắc, vốn có nhiều vườn hoa và cây ăn quả. Song năm 70 S.C., hoàng tử Tít phá hết để chiếm lấy thành. Ngày xưa để đến các vườn đó phải qua cửa Gennath (nghĩa là vườn). Kinh Thánh chỉ có chép một ít về các đường phố trong thành ngày xưa: IISử 29:4 chép nơi phố phía Đông; 32:6chép phố bên cửa thành; Nê 8:13 chép phố ở cửa Nước; Exơ 10:9 chép phố ở đàng trước đền, và Nê 8:16 chép nơi phố của cửa Ép-ra-im. Chắc chữ “nơi” chỉ về những khoảng đất trống trong các cửa thành để người ta họp lại được. Song có đường phố có tên thật như Giê 37:21 chép phố hàng bánh. Về kiến trúc nhà ở, không có nói là kiểu nào, chỉ biết là mái nhà bằng phẳng vì Kinh Thánh chép người ta trèo lên được.

Dân cư.– Dầu Giê-ru-sa-lem là kinh đô xứ Pha-lê-tin và là thành phố rất danh tiếng trên thế giới, nhưng nếu so sánh với dân cư một thành phố lớn ngày nay thì không đông mấy. Có người cho là trong hai vách tường thứ nhứt và thứ hai thì có độ 750.000 thước vuông, và tường thứ ba thì có 1.500.000 thước vuông. Vậy tổng cộng là độ 2.250.000 thước vuông. Nếu tính theo mật độ dân cư của thành cũ, cứ 1 người ở 50 thước thì có 15.000 người, hay một người ở 30 thước thì có 25.000 người. Và trong thành mới, một người ở 100 thước thì được thêm lên 15.000 người nữa. Vậy số dân cư Giê-ru-sa-lem vào thời kỳ thịnh vượng thì dân số là 30.000 người đến 45.000 người, song chắc không hơn 50.000 người. Vào những ngày lễ thì có thêm 30.000 người nữa, vậy cả thảy được 60.000 hay 80.000 người. Nhưng theo sử gia Tacite số dân là 600.000 người và theo Josèphe là 1.200.000 người. Lúc hoàng tử Tít chiếm lấy thành (70 năm S.C.), người ta tính số dân được bấy nhiêu. Có người tính năm 1930 S.C., dân số chừng 65.000, quá nửa là người Giu-đa và số này vẫn thêm luôn, và đứng đầu về thương mại.

Ngày nay, các nhà cửa và đài kỷ niệm của thành là nơi lý tưởng cho khách du lịch vì có ba vách tường, có đền Hồi giáo là nơi xưa có Đền thờ, có tháp vua tên là Hippicus, Phasaelus, Psephinus và Mariamne, có cầu bắc qua trũng Tyropoeon; có đồn lũy Baris hay Antonia, Ophel và mộ địa các vua. Từ 1858 S.C., ở phía Tây bắc thành cũ có thêm ngoại ô rộng và ở đó có nhiều nhà thờ và nhà chung của Cơ đốc giáo. Có đường cái đi tới hải cảng Jaffa, Bết-lê-hem, Hếp-rôn và Giê-ri-cô, lại có đường xe lửa đi Jaffa và sang nước Ai-cập.

Lịch sử.Lịch sử thành Giê-ru-sa-lem chia thành 6 giai đoạn:

1. Ngày nay không thể khảo cứu được người thượng cổ xây dựng thành Giê-ru-sa-lem như thế nào và thời đại xây cất thành, vì nó xảy ra đã quá lâu, dường như bị thời gian vùi lấp. Sáng 14:18 chép rằng Mên-chi-xê-đéc, làm vua Sa-lem. Thi 76:2 chép Đền Tạm Ngài ở Sa-lem. Sa-lem dường như là Giê-ru-sa-lem. Khi người Y-sơ-ra-ên vào xứ Ca-na-an, Giê-ru-sa-lem vẫn là một cái thành lớn đã có hiệu vua rồi (Giô 10:5). Đến khi chín chi phái chia đất, thành Giê-ru-sa-lem thuộc về chi phái Bên-gia-min. Song thành vẫn do người Giê-bu-sít ở trước chiếm giữ, chứ người Bên-gia-min chưa lấy được; nên lại gọi là Giê-bu (Giô 18:28Quan 1:21). Về sau người Giu-đa đánh lấy thành Giê-ru-sa-lem: giết dân, đốt thành. Ấy là lần thứ nhứt trong 17 lần kể đến khi dân La-mã vây thành (70 S.C.). Song thành vẫn thuộc về người Giê-bu-sít, chớ người Giu-đa cũng chưa chiếm được (Giô 15:63Quan 1:819:11, coi thêm Giê-bu).

2. Thuật về đời Đa-vít và Sa-lô-môn trị vì.Khi vua Đa-vít đem quân đánh thành Giê-ru-sa-lem, người Giê-bu-sít cậy vào vách thành bền vững, chế nhạo rằng hạng người đui què cũng đủ đuổi được vua, nên không có lý do gì để vua chiếm được thành. Nhưng Đa-vít dùng cách tháo nước vào thành mà chiếm lấy thành; nên đặt tên lại cho thành là thành Đa-vít. Từ tháp Mi-lô trở vào trong, vua xây vách thành tứ vi (IISa 5:69ISử 11:6). Về sau vua rước hòm giao ước đến Si-hôn và dâng của lễ (IISa 6:1-). Vua lại mua sân đạp lúa của A-rau-na để xây bàn thờ (IISa 24:1625) tức là cái nền của Đền thờ sau nầy.

Đến khi Đa-vít băng, Sa-lô-môn lên trị vì thì mới xây Đền thờ và cung vua (ICác 6:1-; 7:1-). Lại xây tháp Mi-lô để làm bình phong che đỡ (ICác 9:15). Song Đền thờ và cung vua đều ở ngoài thành Đa-vít; nên phải xây vách thành khác và thường phải tu bổ thêm.

3. Thuật về thời đại của người Y-sơ-ra-ên chia nước.– Từ sau khi mười chi phái chia ra thành nước, thành Giê-ru-sa-lem trở nên kinh đô của Giu-đa, nhiều lần bị vua nước khác xâm lấn và đánh phá (ICác 14:25IISử 21:161724:23; 25:23). Dầu các vua Ô-xia, Ê-xê-chi-ên và Ma-na-se có xây tháp, đào hào, đắp vách để ngăn ngừa quân địch (IISử 26:9101532:24533:14); song cuối cùng cũng bị nước Ba-by-lôn đánh chiếm, chúng cướp của báu, bắt dân chúng, chỉ để dân nghèo sót lại thôi (IICác 24:1-; 25:1-).

4. Thuật về thời đại của người Giu-đa trở về nước cũ.– Năm 538 T.C., người Giu-đa từ Ba-by-lôn trở về, xây lại thành Giê-ru-sa-lem, không khác gì trước. (Về việc nầy, xin coi thêm hai sách E-xơ-ra và Nê-hê-mi). Họ bắt đầu xây khoảng vào năm 444 T.C., chưa đầy hai tháng thì xong (Nê 6:15). Đến năm 332 T.C., thành thuộc về vua Alexandre le Grand ở Ma-xê-đoan. Khi vua Alexandre le Grand băng thì Ptolémée, vua Ai-cập, nhằm ngày Sa bát, đánh cướp lấy thành. Đến năm 172 T.C., người Sy-ri đuổi người Ai-cập mà cướp lấy thành. Năm 168 T.C., người Sy-ri, là Antiochus Épiphane, ngược đãi người Giu-đa, đổi tên Đền thờ làm miễu, thờ hình tượng, dâng heo làm của lễ, khiến người Giu-đa căm phẫn. Thế rồi có người tên là Judas Macchabée, đem dân chúng nổi lên chống lại, xua đuổi người Sy-ri. Đến năm 165 T.C., Đền thờ lại thuộc về người Giu-đa. Qua hai năm sau, thành Giê-ru-sa-lem lại bị người Sy-ri đánh hãm. Đến năm 139 T.C. Simon Macchabée lên ngôi lại đuổi hết thảy người Sy-ri. Năm 63 T.C., họ Macchabée đánh lẫn nhau. Vua La-mã là Pompée bèn đánh hãm thành Giê-ru-sa-lem, hủy phá vách thành, truất bỏ Macchabée. Từ đó, thành Giê-ru-sa-lem thuộc về nước La-mã, nước nầy bèn đặt quân canh giữ. Năm 47 T.C. La-mã phong Antipater làm vua chư hầu ở Giê-ru-sa-lem.

5. Thuật về thời đại Giu-đa thuộc La-mã.– Khi Hê-rốt đại đế, con của Antipater lên trị vì, vinh quang thành Giê-ru-sa-lem lại lớn hơn trong đời vua Sa-lô-môn. Hê-rốt đại đế xây cung điện rất nhiều trong có cung vua mới, rạp hát lớn, ba sở hộ vệ to; lại sửa sang xây dựng Đền thờ mới một cách đặc biệt. Năm 45 S.C., Ạc-ríp-ba I làm vua chư hầu xây riêng một thành kiên cố ở phía Bắc thành cũ. Khi con ông là Ạc-ríp-ba II làm vua chư hầu lên trị vì (Công 25:1-; 26:1-), thì việc làm nhà ở bốn phía Đền thờ đã xong. Năm 66 S.C, người Giu-đa dấy lên nghịch cùng La-mã; La-mã bèn đem quân đến đánh dẹp. Năm 70 S.C., thành Giê-ru-sa-lem bị quân La-mã vây ròng rã 143 ngày: thành và Đền thờ đều bị hủy hết! Người Giu-đa phải tản lạc ra khắp các nước. Sau đó hơn 60 năm, không còn một dân cư nào ở lại trong thành trừ ra một đội quân lính La-mã đóng giữ. Năm 136 S.C., La-mã lại xây một thành lên trên thành Giê-ru-sa-lem cũ, đổi tên là AElia Capitolina. Họ xây một cái miếu thờ thần Giu-bi-tê lên trên nền cũ Đền thờ xưa, và cấm người Giu-đa không được vào thành đó. Mãi đến năm 333 S.C., La-mã mới cho phép người Giu-đa mỗi năm được một lần vào khóc suốt một ngày ở nền cũ Đền thờ. Năm 312 S.C., vua La-mã, là Constantin, thờ phượng Chúa Jêsus, lập đạo Ngài làm quốc giáo. Từ đó mới hằng có tín đồ Đấng Christ tới thăm viếng Giê-ru-sa-lem, xem chỗ Chúa Jêsus chịu nạn. Vua Constantin cũng xây ở đó một cái nhà thờ đồ sộ, đẹp đẽ lắm. Năm 614 S.C., vua Phe-rơ-sơ phá hết nhà thờ của đạo Chúa Jêsus. Năm 637 S.C. Giáo chủ đạo Hồi hồi, tên là Omar. Đánh hãm được thành Giê-ru-sa-lem.

6. Thuật về thời đại đạo Hồi hồi chiếm cứ thành Giê-ru-sa-lem.– Sau khi chiếm thành Giê-ru-sa-lem, người đạo Hồi hồi liền đổi Đền thờ làm chùa Thanh chơn, cấm người Giu-đa và người theo Chúa Jêsus bước chân vào chỗ đó. Sau, họ lại bắt bớ tín đồ Đấng Christ nữa. Vậy nên, ở châu Âu, phàm những người nào theo đạo Đấng Christ đều tổ chức dội quân Thập tự để đi đánh người đạo Hồi hồi. Năm 1099 S.C., Thập tự quân mới vào được thành Giê-ru-sa-lem. Đến năm 1187, vua Ai-cập, là Saladin, lại chiếm giữ thành Giê-ru-sa-lem. Năm 1299 S.C., nước Ai-cập đem thành Giê-ru-sa-lem biếu nước Đức; người đạo Đấng Christ mới có thể trở về đó được. Đến năm 1244 S.C., giống Thát-đát giết hết người ở thành Giê-ru-sa-lem; người Đức không có cách nào để cứu chữa; thành đó lại thuộc về xứ Ai-cập. Năm 1517 S.C., nước Thổ-nhĩ-kỳ và nước Ai-cập đánh nhau: Ai-cập thua vỡ. Từ đó thành Giê-ru-sa-lem bèn là vật sở hữu của Thổ-nhĩ-kỳ. Năm 1917, quan tướng Allenby, nước Anh, chiếm lấy thành và từ đó thành ở dưới quyền hội Vạn quốc. Từ đó trở đi, người Giu-đa từ bốn phương thế gian trở về, song tùy theo tiên tri Kinh Thánh, chưa nhận biết Đấng Christ thật là Đấng Mê-si của mình.

Phần thuộc linh.– Giê-ru-sa-lem là thành trái ngược với Ba-by-lôn. Vì cớ bội đạo Chúa. “Thành trung nghĩa” trở nên “Mẹ kẻ tà dâm” (Ês 1:21Khải 17:5). Trong thời kỳ Tin lành, thành Giê-ru-sa-lem vì cớ chỉ chịu vâng phục luật pháp theo văn tự; và bỏ Đấng Christ là Đấng làm trọn Luật pháp đó, thì trở nên tôi mọi. Trái lại, thành “Giê-ru-sa-lem ở nên cao là tự do, và ấy là mẹ chúng ta” (Ga 4:26), Giê-ru-sa-lem mới đó là nơi trung tâm thế giới thuộc linh, cũng như thành Giê-ru-sa-lem xưa là nơi trung tâm của giáo Giu-đa. Ngày nay Giê-ru-sa-lem mới là Hội Thánh hay là nơi Đấng Christ trị vì, cuối cùng sẽ thành Giê-ru-sa-lem từ trên trời, “là Giê-ru-sa-lem mới từ trên trời, bởi Đức Chúa Trời ta mà xuống” (Khải 3:12). Nguyên văn Hy-lạp, chữ mới đó là Kaine, không phải Nea, nghĩa là mới khác nhau với thành Giê-ru-sa-lem cũ đã hư đi (Hêb 8:1312:22). Cái nền thứ nhứt của Hội Thánh thuộc linh đã lập trong thành Giê-ru-sa-lem cũ (Giăng 12:15IIPhi 2:6). Hội Thánh thuộc linh nầy là của cầm chỉ về Giê-ru-sa-lem đời đời từ trên trời xuống để ở lại luôn luôn trong “trời mới, đất mới” (Khải 21:12).

Thành Giê-ru-sa-lem được vinh hiển của “Ngàn năm bình yên” (Giê 3:1718Xa 14:1-; Khải 20:1-), là kinh đô của các nước thế giới theo Đấng Christ, sẽ làm đại biểu dọn đường cho thành Giê-ru-sa-lem từ trên trời còn lại đời đời, và theo sau sự hủy diệt trái đất cũ nầy với bầu không khí nó (Hêb 11:10Khải 21:227). Sứ đồ Giăng trong sách Tin lành dùng tên Hy-lạp Hiérousolyma, song đến sách Khải Huyền thì vẫn dùng tên thánh bằng tiếng Hê-bơ-rơ là Hiérousaleem. Sứ đồ Phao-lô chỉ làm như thế khi nào phản đối với giáo Giu-đa (Ga 4:26Hêb 12:20).

Dân của thành Giê-ru-sa-lem thánh hầu đến là Vợ mới của Chiên Con. Thành đó có hình một khối chỉ về Hội Thánh được chọn lựa cách đầy đủ. Trong một ngàn năm các thánh được chọn, đồng trị với Đấng Christ như vua kiêm chức thầy tế lễ trên thế gian, và trên dân Y-sơ-ra-ên cùng những nước trong xác thịt. Khi trái đất đã được đổi mới bằng lửa, thì mới đáng làm nơi ở cho các thánh đồ hay cho Giê-ru-sa-lem mới xuống để ở đó đời đời. Hiện nay, Đức Chúa Trời ngự trong đền thờ thuộc linh của Ngài là Hội Thánh (ICôr 3:176:19); khi đó Hội Thánh sẽ ở trong Ngài như là đền thờ của mình (so Thi 114:2). Khi đó không có đền thờ thật nữa, vì đền thờ vinh hiển mà Ê-xê-chi-ên tả, sẽ có chính Đức Chúa Trời thay mặt (Khải 21:22).

Tiến sĩ Scofield có chú thích về Giê-ru-sa-lem trong Lu 21:20.

Câu 20 và 24 không có trong bài giảng của Chúa trên núi Ô-li-ve như có chép trong Ma-thi-ơ và Mác. Trong bài đó có chỉ về hai lần Giê-ru-sa-lem bị vây. Lu 21:2024 chỉ về sự vây hãm thành bởi Hoàng tử Tít (70 S.C.) khi thành bị chiếm, và câu 24 thật đã được ứng nghiệm. Nhưng sự vây thành và những sự đáng gớm ghiếc đó chỉ làm rõ thêm lần vây cuối cùng của thời đại nầy, tận cùng bằng “Cơn đại nạn”. Vào thời đó, thành sẽ bị xâm chiếm, nhưng khi Chúa lấy vinh hiển hiện ra thì được giải cứu (Khải 19:1121). Những lời trưng dẫn trong Mat 24:1528Mác 13:1426 chỉ về sự vây trong thành trong ngày đại nạn cuối cùng, Lu 21:2024 chỉ về sự phá hủy thành Giê-ru-sa-lem bởi Hoàng tử Tít. Trong Lu-ca, dấu hiệu là vây thành Giê-ru-sa-lem bằng quân lính (Lu 21:20); trong Mat 24:15 và Mác 13:14, dấu hiệu là sự gớm ghiếc trong nơi thánh (IITê 2:4).

“Thời kỳ dân ngoại” khởi sự từ khi dân Giu-đa bị vua Nê-bu-cát-nết-sa bắt làm phu tù (IISử 36:121), từ đó thành Giê-ru-sa-lem vẫn cứ “bị dân ngoại giày đạp” (Lu 21:24).

Cũng chú thích về Xa 8:23 rằng:

“Sẽ xảy ra trong những ngày đó”, chỉ về khi Giê-ru-sa-lem đã trở nên nơi trung tâm của sự thờ phượng trên đất, và “người Giu-đa” sẽ làm người truyền giáo của Chúa cho “các dân tộc” hiện nay tự gọi mình là “tín đồ Đấng Christ”.

   

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên