Trang Chủ KINH THÁNH Học Kinh Thánh

Học Kinh Thánh

608
0
SHARE

Hiểu ý nghĩa của Kinh Thánh là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất trong đời sống của một tín hữu. Đức Chúa Trời Không dạy rằng chúng ta chỉ cần đọc Kinh Thánh là đủ. Chúng ta phải nghiên cứu và vận dụng nó một cách chính xác (II Ti-mô-thê 2:15). Học Kinh Thánh là việc rất khó. Xem Kinh Thánh lượt qua hoặc vắn tắt đôi khi có thể dẫn đến những kiến thức sai lạc về Kinh Thánh. Vì vậy, việc nắm bắt một vài nguyên tắc giải kinh đúng rất là quan trọng.

Trước tiên, người học Kinh Thánh phải cầu nguyện và xin Chúa Thánh Linh ban cho sự hiểu biết, vì đó là một trong những chức vụ của Ngài. “Lúc nào Thần lẽ thật sẽ đến, thì Ngài dẫn các ngươi vào mọi lẽ thật; vì Ngài không nói tự mình, nhưng nói mọi điều mình đã nghe, và tỏ bày cho các ngươi những sự sẽ đến.”(Giăng 16:13). Chúa Thánh Linh hướng dẫn chúng ta trong sự hiểu biết Kinh Thánh cũng như Ngài đã hướng dẫn các môn đồ trong việc viết sách Tân Ước. Hãy nhớ rằng, Kinh Thánh là sách của Đức Chúa Trời và chúng ta cần phải hỏi Ngài ý nghĩa của nó. Nếu bạn là một Cơ Đốc nhân, tác giả của Kinh Thánh — Chúa Thánh Linh — cư ngụ trong lòng bạn, và Ngài muốn bạn hiểu những gì Ngài đã viết.

Thứ hai, chúng ta không được kéo một câu Kinh Thánh ra khỏi những câu chung quanh nó và cố gắng xác định ý nghĩa của câu bên ngoài ngữ cảnh. Chúng ta nên luôn luôn đọc những câu xung quanh và nhiều đoạn để phân biệt bối cảnh. Trong khi cả Kinh Thánh đến từ Đức Chúa Trời (II Ti-mô-thê 3:16; II Phi-e-rơ 1:21), Đức Chúa Trời sử dụng con người để ghi chép Kinh Thánh. Những tác giả này đã có một ý định trong tâm trí, một mục đích cho sách mà mình viết, một vấn cụ thể cần phải được giải quyết.. Chúng ta nên đọc phần bối cảnh của mỗi sách của Kinh Thánh, nghiên cứu để tìm ra người đã viết cuốn sách, ai là đối tượng đã được viết, viết khi nào, và tại sao nó được viết. Ngoài ra, chúng ta nên lưu ý là để văn bản Kinh Thánh quyết định ý nghĩa của nó. Đôi khi người ta dùng ý riêng để định nghĩa văn bản theo hướng giải thích mà họ mong muốn.

Thứ ba, chúng ta đừng cố gắng hoàn toàn độc lập trong việc học Kinh Thánh. Nếu chúng ta nghĩ rằng mình sẽ không lĩnh hội được gì qua những công trình nghiên cứu cả đời của những người khác, thì chúng ta đang trở nên kiêu ngạo. Một số người sai lầm trong phương pháp tiếp cận Kinh Thánh, khi họ có ý tưởng rằng họ sẽ phụ thuộc vào một mình Đức Thánh Linh để khám phá tất cả những sự thật giấu kín của Kinh Thánh. Đấng Christ, ban cho Thánh Linh, đã tặng các ân tứ thuộc linh cho những người trong thân thể của Đấng Christ. Một trong những ân tứ thuộc linh là sự dạy dỗ (Ê-phê-sô 4:11-12; I Cô-rinh-tô 12:28). Những người dạy được Chúa ban cho giúp chúng ta hiểu rõ và vâng lời Kinh Thánh. Nghiên cứu Kinh Thánh với các tín hữu khác, hỗ trợ lẫn nhau trong sự hiểu biết và áp dụng chân lý của Lời Chúa luôn luôn là sự khôn ngoan.

Tóm lại, cách thích hợp để nghiên cứu Kinh Thánh là gì? Thứ nhất, thông qua cầu nguyện và khiêm nhường, chúng ta phải dựa vào Chúa Thánh Linh để cho chúng ta sự hiểu biết. Thứ hai, chúng ta nên luôn luôn nghiên cứu Kinh Thánh trong bối cảnh của nó, công nhận sự tự giải bày của Kinh Thánh. Thứ ba, chúng ta nên tôn trọng các nỗ lực của các tín hữu khác, trong quá khứ và hiện tại, những người cũng đã nỗ lực nghiên cứu Kinh Thánh một cách bài bản. Hãy nhớ rằng, Đức Chúa Trời là tác giả của Kinh Thánh, và Ngài muốn chúng ta hiểu được nó.

ÁP DỤNG KINH THÁNH NHƯ THẾ NÀO?


HIỂU SAI DẪN ĐẾN ÁP DỤNG SAI KINH THÁNH

Kinh Thánh có những áp dụng không giới hạn, nhưng ý nghĩa của nó không bao giờ thay đổi. Ý nghĩa của lời Chúa ngày nay và trong quá khứ khi mới được viết ra là như nhau. Để hiểu ý nghĩa nguyên bản, chúng ta phải xem lại và hiểu được ngữ cảnh – của đoạn văn, của chương, của cuốn sách.

Dưới đây là các câu Kinh Thánh thường bị hiểu nhầm:
Xuất. 20:21

“Thế thì, họ hãy rửa tay và chân, hầu cho khỏi chết. Ấy là một lệ đời đời cho A-rôn cùng dòng dõi người trải qua các đời”

Câu này là dành cho A-rôn và dòng dõi của ông. Câu này không nên hiểu là trong thời Covid-19, chúng ta phải rửa tay để khỏi chết.

Lê-vi ký 13:4-5

“Còn nếu có một đốm trắng trên da thân người, đốm không lõm xuống sâu hơn da, và nếu lông không trở thành trắng, thì thầy tế lễ phải giam người đó trong bảy ngày.  Qua ngày thứ bảy, thầy tế lễ sẽ khám người, nếu vít đó ngừng lại, không ăn lan trên da, thì phải giam người một lần thứ nhì bảy ngày nữa.”

Câu này phải hiểu theo ngữ cảnh thời Cựu Ước, được áp dụng cho tuyển dân Israel trong trường hợp có người bị bệnh phung. Không nên áp dụng câu này để nói đến tình trạng bị cách ly hiện nay của đại dịch Covid-19.

1 Cô-rinh-tô 10:13

“Những sự cám dỗ đến cho anh em, chẳng có sự nào quá sức loài người. Đức Chúa Trời là thành tín, Ngài chẳng hề cho anh em bị cám dỗ quá sức mình đâu; nhưng trong sự cám dỗ, Ngài cũng mở đàng cho ra khỏi, để anh em có thể chịu được.”

Nhiều Cơ Đốc nhân công bố câu này như là một “lời hứa” rằng Đức Chúa Trời sẽ không bao giờ cho phép họ kinh nghiệm khó khăn nhiều hơn mức “họ có thể chịu đựng.”  Tuy nhiên, phân đoạn dài hơn 1 Cô Rinh Tô 10: 1-13 nói đến sự cám dỗ và khả năng chịu đựng của chúng ta. Chúa hứa sẽ luôn mở lối để chúng ta nói “không” với cám dỗ. Thật vậy, Phao-lô đã học được kinh nghiệm rằng Đức Chúa Trời sẽ cho phép chúng ta đối mặt với hoàn cảnh “vượt qua khả năng chịu đựng của mình” để chúng ta  học cách nương tựa Ngài. Xem 2 Cô Rinh Tô 1: 8-11.

Châm ngôn 22:6

 “Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo; Dầu khi nó trở về già, cũng không hề lìa khỏi đó.”

Hiểu nhầm Châm-ngôn 22: 6 là một lời hứa đã gây rắc rối cho nhiều bậc cha mẹ. Châm ngôn là cuốn sách theo thể loại văn học khôn ngoan, đưa ra các nguyên tắc chung cho cuộc sống thành công. Châm ngôn không phải là một lời hứa. Thay vào đó, chúng ta hãy sử dụng nó như là một công cụ để cha mẹ có quyết định phù hơp khôn ngoan, và dâng con cái lên cho Đức Chúa Trời thành tín!

Ma-thi-ơ 7:1

“Các ngươi đừng đoán xét ai, để mình khỏi bị đoán xét.”

Có phải tất cả “việc đoán xét” đều sai không? Chúa Giê-su đã lên án “việc đoán xét” gay gắt, chỉ trích với động cơ đạo đức giả, tự xưng công bình. Nhưng trong toàn bộ Kinh Thánh, Chúa đã ra lệnh rõ ràng cho các Cơ Đốc nhân chỉ ra tội lỗi một cách yêu thương và nâng đỡ nhau để sống thánh khiết. Chỗ của chúng ta không phải là xác định động cơ của họ, nhưng trách nhiệm của chúng ta là mềm mại nhận biết hành vi mà Chúa đã đoán xét là “tội lỗi”. Mục đích là để hòa giải người đó với Chúa và những người khác, để tội lỗi không lan ra (Ma-thi-ơ 18:15-17, I Cô-rinh-tô 5:5-7, Hê-bơ-rơ 12:15, Gia-cơ 5:19-20).

Thi-thiên 37:4

Cũng hãy khoái lạc nơi Đức Giê-hô-va, Thì Ngài sẽ ban cho ngươi điều lòng mình ao ước.”

Nếu tôi tìm thấy niềm vui trong Chúa, liệu Ngài sẽ đổ đầy cuộc sống của tôi bằng những thứ tôi trân trọng và yêu thích hay không? Đợi chút –hãy chú ý đến ngữ cảnh và trọng tâm. Trong đoạn Thi Thiên này, Đa-vít đang suy ngẫm lúc tuổi già câu hỏi tại sao người ác lại thịnh vượng trong khi người công bình thường gặp khó khăn. Đa-vít đã viết để khích lệ độc giả – và chúng ta – mở rộng quan điểm cá nhân, để sống trong ánh sáng vĩnh hằng và đặt niềm hy vọng của chúng ta vào mục đích đời đời của Chúa. Khi chúng ta tin cậy vào bàn tay quyền năng của Đa-vít, thì khao khát được thấy người công bình thắng thế sẽ được thấy trong thời điểm của Ngài.

Ma-thi-ơ 18:20

“Vì nơi nào có hai ba người nhân danh ta nhóm nhau lại, thì ta ở giữa họ.”

Xem xét câu này, chúng ta có thể tin rằng Chúa Giê-su ở với chúng ta chỉ khi chúng ta ở với các tín hữu khác. Nhưng ngữ cảnh của cả đoạn văn lớn hơn là về kỷ luật trong hội thánh. Khi một tín hữu phạm tội, nếu người đó không nghe lời một, hai hay ba tín hữu thì họ nên bày tỏ vấn đề với hội thánh (Ma-thi-ơ 18: 15-20).

Rô-ma 8:28

“Vả, chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho kẻ được gọi theo ý muốn Ngài đã định.”

Chúa có kiểm soát mọi hoàn cảnh trong cuộc đời chúng ta để làm cho chúng trở nên tuyệt vời hay không? Hãy lùi về một bước để hiểu được chân lí vĩ đại của Rô-ma 8:28. Thứ nhất, lời hứa này không dành cho tất cả mọi người, chỉ những Cơ Đốc nhân yêu mến Chúa và đi theo Chúa Giê-su. Thứ hai, trong bối cảnh lớn hơn, (Rô-ma 8:18-39), Phao-lô nhắc nhở chúng ta rằng mặc dù chúng ta phải tạm thời chịu bắt bớ trên đất này, Chúa vẫn tiếp tục thực hiện kế hoạch đời đời, vĩ đại hơn cho chúng ta (Rô-ma 8:28-30 ). Điều “tốt lành” Chúa đang hướng đến không phải là “thành công” tạm thời trên đất nhưng là mục đích đời đời khiến chúng ta được biến đổi để “nên giống như” Chúa Giê-su Rô-ma 8:29.

Ha-ba-cúc 1:5

“Hãy nhìn trong các nước và xem, hãy lấy làm lạ và sững sờ! Vì ta đang làm ra trong ngày các ngươi một việc, mà dầu có ai thuật lại cho các ngươi, các ngươi cũng không tin.”

Nếu chúng ta chỉ đọc câu này, chúng ta có thể tin rằng Đức Chúa Trời sẽ làm điều gì đó tuyệt vời và vinh quang trước mắt chúng ta. Vâng, Ngài chắc chắn đã làm, nhưng có lẽ không phải những gì bạn mong đợi. Đức Chúa Trời đã sai vị tiên tri Ha-ba-cúc lên tiếng phán xét dân Giu-đa vì đã quay lưng lại với Đức Chúa Trời. Điều đáng ngạc nhiên mà Đức Chúa Trời định là sai quốc gia tàn bạo Babylon đến chinh phạt dân Ngài và lưu đày họ. Câu này mang ý nghĩa như một lời nhắc nhở mạnh mẽ rằng Đức Chúa Trời kỷ luật con dân Ngài.

Giê-rê-mi 29:11

“Đức Giê-hô-va phán: Vì ta biết ý tưởng ta đối với các ngươi, là ý tưởng bình an, không phải tai họa, để cho các ngươi được sự trông cậy trong lúc cuối cùng của mình.”

Câu này chắc chắn là một lời hứa. Nhưng đó là lời hứa cho một dân cụ thể trong một thời điểm cụ thể. Qua tiên tri Giê-rê-mi, Đức Chúa Trời đã hứa rằng sau khi người Do Thái lưu vong ở Babylon, Ngài sẽ đưa họ trở về Đất Hứa. Chúng ta thường xuyên áp dụng sai lời hứa. Và trong khi Đức Chúa Trời có nhiều lời hứa cho các tín hữu, lời hứa đặc biệt này không nằm trong những lời hứa ấy.

Phi-líp 4:13

“Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi.”

Phi-líp 4:13 có lẽ là câu sử dụng sai trật nhất trong Kinh Thánh. Chúng ta đưa câu này ra khỏi phân đoạn và dùng để khiến Chúa có trách nhiệm ban quyền năng cho các kế hoạch và ước mơ của chúng ta. Tuy nhiên, Phao-lô đã viết về sự thỏa lòng trong mọi hoàn cảnh trên đất. Ông có thể chịu đựng bất kỳ khó khăn hay nhu cầu nhờ Đấng thêm sức cho ông. Ồ đúng vậy, Phi-líp 4:13 là một lời hứa tuyệt vời! Chúa Giê-su sẽ cho chúng ta sức mạnh giúp chúng ta vượt qua khó khăn tuyệt vọng. Sự hiện diện của Ngài sẽ giúp chúng ta trong mọi hoàn cảnh khó khăn

🙂

Những người yêu nhau thì thường trích dẫn lời của Gia-cốp và La-ban nói với nhau rằng khi chúng ta phân cách nhau, cầu xin Ðức Giê-hô-va coi sóc chúng ta. “Khi chúng ta phân cách nhau, cầu xin Đức Giê-hô-va coi sóc cậu và cháu” (Sáng. 31:49). Trong bối cảnh ban đầu, đây là một tuyên bố giữa hai kẻ thù: “Nếu anh mưu tính điều xấu với tôi hoặc làm điều xấu hại tôi trong khi chúng ta phân cách, chính Đức Chúa Trời của tôi sẽ báo trả lại anh.” Đây không phải là một câu Kinh Thánh lãng mạn dành cho cặp vợ chồng. Tất nhiên, ý định của người dùng câu này là tốt và họ chỉ muốn nói rằng xin Đức Chúa Trời trông chừng chúng ta và ban phước cho chúng ta khi chúng ta xa nhau.

Vậy, tại sao mọi người cứ lạm dụng các câu Kinh Thánh?

Những người khác nhau sẽ đưa ra các câu trả lời khác nhau cho câu hỏi này. Bài báo trên tạp chí đã đưa ra tương đối tốt về bối cảnh, giai đoạn văn học và cách sử dụng từ v.v…

Tuy nhiên, hãy thành thật với chính mình, lý do chính khiến mọi người thường lạm dụng các câu Kinh Thánh là vì họ không đọc Kinh Thánh. Ý tôi là điều này có nghĩa là mọi người thường đọc Kinh Thánh như đang đọc một cuốn danh bạ điện thoại. Mỗi câu sẽ mang một ý nghĩa độc lập khi bị đưa ra khỏi cả đoạn Kinh Thánh. Hãy tưởng tượng giống như bạn đọc văn hào Tolstoy (tác giả Chiến Tranh và Hòa Bình)  được công chúng biết đến nhiều  và kéo ra một câu từ ở giữa tác phẩm của ông và tuyên bố rằng mình hiểu những gì tác giả nói.

Một lĩnh vực mà tôi quan tâm thứ hai là về những người sử dụng Kinh Thánh như một cuốn sách ảo thuật để nhận được những tiết lộ hoặc chỉ dẫn được cá nhân hóa từ Đức Chúa Trời. Điều này thường là kết quả của việc áp dụng sai các câu chuyện và nguyên tắc trong Kinh Thánh. Gần đây, tôi đọc được lời chứng của một nhà lãnh đạo Cơ Đốc có con gái bị bệnh ung thư. Trong khi đau khổ trước tình cảnh khó khăn này, ông đã đọc lời của Chúa Giê-su trong Giăng 11:4, “Bệnh này không đến chết đâu, nhưng vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời.” Trên nền tảng của câu Kinh Thánh này, ông kết luận rằng Chúa sẽ chữa lành bệnh ung thư cho con gái ông. Tất nhiên, qua việc tra xem ngắn gọn Giăng 11 cho thấy Chúa Giê-su đang ám chỉ trong câu 4 là về La-xa-rơ người đã chết, nhưng cái chết không phải là kết quả cuối cùng của bệnh tật đối với người đó. Câu này áp dụng cho một hoàn cảnh lịch sử rất cụ thể. Thật là một sự lạm dụng Kinh Thánh khi áp dụng một câu như vậy cho một trường hợp bệnh tật cá nhân ngày nay. Mặc dù Kinh Thánh là dành cho chúng ta, nhưng không phải tất cả Kinh Thánh đều được dùng để giải quyết mọi điều theo cách áp dụng trực tiếp hoặc lời hứa. Nguyên tắc của Giăng 11:4, được áp dụng xuyên thời gian cho mọi tình huống, đó là thử thách, giống như bệnh tật, có thể mang lại vinh hiển cho Đức Chúa Trời khi chúng ta đáp ứng lại bằng đức tin và sự tin cậy nơi Ngài trước những khó khăn trong cuộc sống của mình.

.

KẾT LUẬN

Đọc Kinh Thánh hằng ngày để khỏi hiểu sai về Kinh Thánh. “Những người nầy  ý hẳn hoi hơn người Tê-sa-lô-ni-ca, đều sẵn lòng chịu lấy đạo, ngày nào cũng tra xem Kinh Thánhđể xét lời giảng có thật chăng” (Công .17:11)


ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên