Sự thật chủ quan và khách quan
“Đây là cách tôi hiểu câu Kinh Thánh này” – nói như vậy rất nguy hiểm, bởi vì Kinh Thánh mang một ý nghĩa duy nhất mà Chúa đã đặt để, và Kinh Thánh đã nói điều gì thì điều đó có nghĩa như vậy, không thể biến tấu được. Sự thật mà bạn nói có thể theo quan điểm chủ quan cá nhân, hoặc quan điểm khách quan. Sự thật hoặc kiến thức bị biến tấu theo quan điểm cá nhân có thể sai, nhưng sự thật khách quan hiển nhiên (như 2 + 2 = 4) thì không bao giờ sai.
Sự thật theo quan điểm cá nhân chỉ là những suy luận dựa trên bằng chứng có sẵn, nhưng về sau có thể bị phủ nhận bất cứ lúc nào, vì vậy sự thật theo quan điểm cá nhân có thể sai lầm. Đó là lý do tại sao cứ vài năm các trường học lại phải đổi sách giáo khoa môn khoa học mới. Theo thời gian, những lý thuyết cũ bị lỗi thời vì nhiều “sự thật khoa học” mà chúng ta vẫn tin hóa ra là không chính xác.
Có thể sai lệch
Lẽ thật chủ quan có thể không chính xác, ví dụ điển hình là trong lịch sử loài người, hầu hết mọi người tin rằng trái đất phẳng. Họ nghĩ rằng những gì họ nhìn thấy bằng mắt là sự thật. Họ không biết rằng nếu nhìn từ ngoài không gian, trái đất không hề phẳng mà có hình cầu. Người Ai Cập và một số người Hy Lạp cổ đại đã biết đến điều này, nhưng mãi cho đến sau này phần lớn dân cư trên thế giới mới nhận ra. Đó là lý do tại sao nhiều người không dám đi thuyền quá xa trên biển, vì sợ rằng họ sẽ rơi khỏi mép trái đất. Những gì họ tin không phải là sự thật khách quan (hoặc sự thật hiển nhiên), mà là sự thật do quan điểm cá nhân, nghĩa là nó có thể sai lầm.
Cảm tạ Chúa vì sự thật trong Kinh Thánh là sự thật khách quan và không thể sai vì Tác giả (Đức Chúa Trời) là Đấng trọn vẹn về mọi mặt. Bởi vì chính Chúa Jêsus là Chân Lý (Giăng 14:6).
Đấng giúp đỡ
Sự thật chủ quan (“Đây là cách tôi hiểu câu Kinh Thánh này”) giống như một con đường trơn tuột khiến chúng ta dễ trượt khỏi lẽ thật của Lời Chúa.
Khi chúng ta giải thích theo ý mình, chúng ta đang chiếm lấy vị thế của Đức Thánh Linh, Đấng giúp chúng ta hiểu Lời Chúa (Giăng 15:26), bởi vì Kinh Thánh nói điều gì thì có nghĩa như vậy, không phải để chúng ta giải thích theo ý mình.
Kinh Thánh chỉ có một ý nghĩa duy nhất, vì vậy chúng ta không nên nói: “Đây là cách tôi hiểu câu Kinh Thánh này”.
Lời Chúa chỉ có một nghĩa duy nhất, và vì vậy hãy để Kinh Thánh tự giải thích. Kinh Thánh là Lời Chúa phán truyền, không phải điều chúng ta nghĩ. Thật nguy hiểm khi nghĩ rằng Lời Chúa có nghĩa này đối với người này và có nghĩa khác đối với người khác. Khi cảm thấy khó hiểu Kinh Thánh, chúng ta có thể tham khảo các câu Kinh Thánh khác liên quan đến chủ đề đó để hiểu rõ hơn.
Bạn có quyền nói: “Tôi không chắc” hoặc “Tôi thực sự không biết Lời Chúa có ý nghĩa gì”. Như vậy còn tốt hơn là cố gắng gượng ép Lời Chúa phải theo suy nghĩ của chúng ta. Nếu Kinh Thánh “im lặng” thì chúng ta cũng nên im lặng.
Không được giải thích theo ý riêng!
Kinh Thánh nhấn mạnh rằng chúng ta không được giải thích Lời Chúa theo ý riêng. Đầu tiên, chúng ta có thể dùng chính Kinh Thánh để giải thích Kinh Thánh, nhưng Đức Thánh Linh cũng giúp chúng ta hiểu sâu hơn về những lẽ thật của Đức Chúa Trời.
Sứ đồ Phi-e-rơ đã nói rằng “không có lời tiên tri nào trong Kinh Thánh được giải thích theo ý riêng của một người nào” (2 Phi-e-rơ 1:20), và rõ ràng, “không có lời tiên tri nào đến bởi ý người, nhưng người ta được Đức Thánh Linh cảm thúc nói ra từ Đức Chúa Trời” (2 Phi-e-rơ 1:21).
Nếu bạn không tin tôi, hãy đến gặp một người chưa được cứu và hỏi họ về Kinh Thánh, chẳng hạn như “Sự chuộc tội trên đồi Gô-gô-tha có ý nghĩa gì?”. Người chưa được cứu hẳn sẽ nhìn bạn ngơ ngác và nói: “Tôi không biết và tôi không quan tâm”.
Chúng ta biết rằng “Người không có Thánh Linh không nhận được những điều từ Thánh Linh của Đức Chúa Trời, bởi người ấy xem những điều nầy là điên rồ và không thể hiểu được, vì phải được phán đoán cách thuộc linh” (1 Cô-rinh-tô 2:14).
Con người không thể khám phá hay học được lẽ thật của Đức Chúa Trời bằng nghiên cứu học thuật hoặc thông qua sự hiểu biết tâm linh. Chỉ có Thánh Linh của Đức Chúa Trời mới có thể giúp chúng ta hiểu Lời Đức Chúa Trời. Điểm quan trọng là; đừng cố gắng đoán ý Chúa, hoặc khẳng định những điều mà bạn không chắc chắn (như vậy rất dễ sai trật và gây hiểu lầm cho người khác).
Chúng ta sẽ gặp hậu quả nghiêm trọng nếu dạy dỗ hoặc truyền đạt cho người khác những điều sai trật về Lời Đức Chúa Trời, vì những người dạy Lời Chúa sẽ bị phán xét nghiêm khắc hơn (Gia-cơ 3:1).
Kết luận
“Đây là cách tôi hiểu câu Kinh Thánh này” – tôi đã nhiều lần nghe nói như vậy.
Nhưng đây mới là điều chúng ta nên hỏi: “Câu Kinh Thánh này có nghĩa gì đối với tôi? Chúa muốn phán điều gì với tôi qua câu này? Lẽ thật của câu Kinh Thánh này là gì?”. Và điều cuối cùng nhưng rất quan trọng; nếu bạn chưa được cứu, bạn đang đứng trước sự phán xét của Chúa. Bạn đang ở trong tình trạng rất nguy cấp vì bạn chỉ cách cõi vĩnh hằng một hơi thở, một nhịp tim ngắn ngủi mà thôi. Khi có chuyện đột ngột xảy đến, sẽ không còn cơ hội để ăn năn. Đó là lý do tại sao hôm nay là ngày tuyệt vời nhất để tin nhận Chúa (2 Cô-rinh-tô 6:2). Chẳng ai trong chúng ta có thể chắc chắn rằng ngày mai sẽ đến. Nếu Chúa Jêsus trở lại hôm nay, liệu bạn có phải nghe những lời từ chối này chăng? (Ma-thi-ơ 7:21-23). Tôi ước mong rằng không. Đó là lý do tôi càng kêu gọi bạn khẩn thiết ngay bây giờ… hãy ăn năn ngay hôm nay và tin nhận Đấng Cứu Rỗi.
Nếu không, bạn chắc chắn sẽ phải đối mặt với sự phán xét của Đức Chúa Trời sau khi qua đời (Hê-bơ-rơ 9:27) hoặc khi Đấng Christ trở lại (Khải Huyền 20:12-15).
Bài: Jack Wellman; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: whatchristianswanttoknow.com)