Vả, chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho kẻ được gọi theo ý muốn Ngài đã định.
Rô-ma 8:28 Dạy Chúng Ta điều Gì?
–
Ở đây một lần nữa, chúng ta thấy một câu Kinh Thánh rất phổ biến, thường bị áp dụng sai, và thậm chí gây tranh cãi. Bất chấp thông điệp vô cùng an ủi của nó, một số Cơ đốc nhân đã có một mối quan hệ khó xử với câu này trong nhiều năm. Điều đó một phần là do quá dễ dàng để lấy câu này ra khỏi ngữ cảnh của Rô-ma chương 8. Việc lược bỏ những phần thượng hạ văn trong ngữ cảnh của chúng sẽ phá hủy bản chất của điều Kinh Thánh đang nói. Cũng có thể giải thích câu này chính xác, nhưng vẫn có thể áp dụng sai khi gạt bỏ hay không quan tâm đến nỗi đau thật sự của những người khác.
–
Phao-lô đã mô tả cuộc sống của các Cơ đốc nhân ở phía bên này của thiên đàng như một sự than thở khi chúng ta khao khát thoát khỏi sự đau khổ của cuộc sống này và được ở với Cha thiên thượng là Đức Chúa Trời của chúng ta (Rô-ma 8:18–23). Chúng ta chờ đợi với hy vọng chắc chắn về ngày thân thể của chúng ta sẽ được phục sinh và dự phần trong vinh hiển của Đức Chúa Trời (Rô-ma 8:24–25).
Còn tất cả những điều khó khăn, hoạn nạn xảy đến trong khi chúng ta đang chờ đợi thì sao? Phao-lô dường như đưa ra lời hứa trong câu này như một sự an ủi cho chúng ta.
–
Tuy nhiên, điều quan trọng là lời hứa này chỉ giới hạn cho “những ai yêu mến Đức Chúa Trời,” và “những người được gọi theo ý định của Ngài.” Tóm lại, điều đó có nghĩa là lời hứa dành cho Cơ đốc nhân: dành cho những người đã được cứu, những người đã đặt niềm tin nơi Chúa Giê-xu Christ (Giăng 3: 16–18; 14: 6; Rô-ma 3:26). Bất kể cảm xúc của chúng ta như thế nào thì yêu mến Đức Chúa Trời là một phần của việc sống trong Đấng Christ. Đó là con người thực sự của chúng ta. Mỗi người chúng ta cũng được kêu gọi để thực hiện các ý định đời đời của Đức Chúa Trời.
Có một tổng kết rất hay: “Mục đích của đời người là làm vinh hiển Đức Chúa Trời và vui hưởng chính Ngài mãi mãi.”
–
Lưu ý là, câu này không thể áp dụng cho những người chưa tin Chúa là những người từ chối Đức Chúa Trời.Họ không bày tỏ lòng kính mến của họ đối với Đức Chúa Trời bằng cách đến với Ngài qua đức tin nơi Chúa Giê-xu. Đối với những người chết mà không có Đấng Christ, mọi việc sẽ không có gì tốt đẹp. Họ đã từ chối cơ hội áp dụng lời hứa trong Giăng 3:36.
–
Lời hứa đó là gì? Đối với những người được cứu, tất cả mọi thứ kết hiệp lại là tốt đẹp. “Mọi sự hiệp lại” nên được hiểu có nghĩa là mỗi và mọi hoàn cảnh mà một người có thể trải qua, thậm chí đau đớn hoặc hoạn nạn.
Từ “làm ích” không nhất thiết có nghĩa là hạnh phúc hoặc không đau đớn hoặc thành công về tài chính hoặc ý tưởng của chúng ta về kết quả tốt nhất có thể có. Điều tốt lành cuối cùng của Đức Chúa Trời đối với chúng ta là làm vinh hiển chúng ta trong cõi đời đời (Khải Huyền 21:1–4). Ngoài ra, Đức Chúa Trời làm việc trong và thông qua chúng ta để hướng tới một điều tốt lành cuối cùng phục vụ cho mục đích của Ngài trong hoàn vũ.
–
Niềm an ủi của câu này là không có gì trong cuộc đời chờ đợi và đau khổ của chúng ta là lãng phí. Tất cả đều có ý nghĩa đối với những ai ở trong Đấng Christ, ngay cả khi điều đó không làm giảm bớt nỗi đau của họ vào lúc này.
–
Tóm tắt ngữ cảnh của Rô-ma chương 8.
Rô-ma 8: 18–30 nói về sự tham gia của Cơ đốc nhân vào những đau khổ hàng ngày mà mọi tạo vật phải trải qua. Tất cả chúng ta cùng nhau rên rỉ như một phụ nữ lâm bồn trong khi chờ đợi Đức Chúa Trời bày tỏ cho con cái của Ngài sự vinh hiển đời đời. Là con cái của Ngài, chúng ta đang chờ đợi Đức Chúa Cha hoàn thành việc nhận chúng ta làm con nuôi của Ngài bằng cách cứu chuộc thân thể của chúng ta để được ở với Ngài. Thánh Linh của Đức Chúa Trời giúp chúng ta trong khi chờ đợi bằng cách dâng lên Cha thiên thượng những lời cầu nguyện mà chúng ta không thể nói ra hết được. Chúng ta tin rằng Đức Chúa Trời sử dụng mọi hoàn cảnh trong cuộc sống của chúng ta cho các mục đích của Ngài và Ngài đã chọn chúng ta từ trước buổi sáng thế để làm con của Ngài. Ha-lê-lu-gia!