Trang Chủ TRANG CHỦ Hãy Để Con Hướng Về Ngài Mà Sáng Tác

Hãy Để Con Hướng Về Ngài Mà Sáng Tác

553
0
SHARE

Thư Viện Tin Lành xin giới thiệu với bạn đọc một  tác phẩm thánh nhạc của nhạc sĩ Beethoven.

Vài Nét Về Tác Phẩm

Christus am Ölberge (Op. 85) – Đấng Christ Trên Núi Olive – là một tác phẩm do Ludwig van Beethoven sáng tác. Tác phẩm diễn tả những cảm xúc nội tâm của Đức Chúa Jesus lúc Ngài cầu nguyện trong vườn Gethsemane trước khi Ngài hy sinh trên thập tự.

Tác Giả

Ludwig van Beethoven (1770-1827) là một nhạc sĩ nổi tiếng người Đức.  Ông được các nhà nghiên cứu đánh giá là một trong những nhà soạn nhạc cổ điển xuất sắc nhất mọi thời đại.  Vào năm 2020, nhiều nơi trên thế giới sẽ tổ chức kỷ niệm 250 năm ngày sinh của nhạc sĩ Ludwig van Beethoven.

Bối Cảnh Sáng Tác

Các nhà nghiên cứu âm nhạc đã phân chia sự nghiệp sáng tác của Ludwig van Beethoven thành ba giai đoạn chính: giai đoạn đầu từ thời niên thiếu cho đến năm 1802, giai đoạn giữa từ năm 1802 cho đến năm 1812, và giai đoạn cuối từ năm 1812 cho đến khi Beethoven qua đời vào năm 1827.

Tác phẩm Christus am Ölberge được Beethoven sáng tác vào mùa thu năm 1802.  Đây thời điểm đánh dấu sự khởi đầu của giai đoạn giữa, là giai đoạn mà Beethoven sáng tác những tác phẩm xuất sắc nhất của mình.

Theo những bức thư mà Beethoven đã gởi cho các em trai của mình, Beethoven cho biết tác phẩm Christus am Ölberge đã được viết vào mùa thu năm 1802.    Trong một bức thư khác gởi cho nhà xuất bản Breitkopf & Härtel, Beethoven nói rằng tác phẩm Christus am Ölberge được viết trong vài tuần.  Về sau, Beethoven cho biết thật ra tác phẩm Christus am Ölberge chỉ được viết trong vòng 14 ngày mà thôi.  Lời ca trong tác phẩm do nhà thơ người Đức Franz Xaver Huber viết, và do Wiener Zeitung, một cộng sự của Beethoven, hiệu đính.

Nội Dung

Christus am Ölberge oratorio là một tác phẩm thánh nhạc.  Tựa đề của tác phẩm được trích từ câu Kinh Thánh Mác 14:26 “Sau khi hát thánh ca, họ đi ra để đến núi Ô-liu”.  Nội dung của tác phẩm dựa trên ký thuật trong Phúc Âm Mác 14:26-52 trình bày tâm trạng của Đức Chúa Jesus lúc Ngài cầu nguyện trong vườn Gethsemane. Tác phẩm nhấn mạnh rằng dù có băn khoăn, nhưng Đức Chúa Jesus đã tự nguyện và chấp nhận hy sinh để đền tội cho cả nhân loại trên thập tự.

Cấu Trúc Âm Nhạc

Trong oratorio Christus am Ölberge, Beethoven đã viết nhạc cho ba giọng đơn ca soprano, tenor, và bass;  với ban hợp xướng gồm bốn giọng soprano, alto, tenor, bass;  và cùng với phần trình bày của dàn nhạc giao hưởng. Ca sĩ đơn ca tenor minh họa Đức Chúa Jesus, ca sĩ hát soprano là thiên thần, và ca sĩ hát giọng bass mô tả Sứ đồ Phi-e-rơ.

Trình Diễn & Nhận Định

Tác phẩm được trình bày lần đầu tiên vào ngày 5/4/1803 tại Theater an der Wien ở Vienna, thủ đô của nước Áo (Austria).  Toàn bộ tác phẩm kéo dài khoảng 50 phút. Sau lần công diễn đầu tiên này, Beethoven đã nhận được rất nhiều góp ý từ giới phê bình và công chúng.

Về âm nhạc, Beethoven đã nhận được những ý kiến lẫn lộn.  Nhà phê bình của tờ  Zeitung für die Elegante Welt viết rằng có vài đoạn trong tác phẩm Christus am Ölberge oratorio thật đáng ngưỡng mộ.  Trong khi đó, bình luận viên của tờ Freymüthige Blätter nói rằng cấu trúc của tác phẩm quá cứng ngắt, thiếu diễn cảm, đặc biệt trong phần phổ nhạc cho lời ca.  Một số nhà phê bình khác cho rằng các ca sĩ  đã không diễn đạt đúng mức những đoạn cần phải thể hiện cảm xúc trong những ca khúc.

Về lời thơ – và cũng là lời ca – của tác phẩm, các nhà phê bình cho rằng lời thơ do Franz Xaver Huber viết,  mặc dù đã được hiệu đính, vẫn còn quá yếu – đặc biệt khi phổ thơ cho một tác phẩm ghi lại một trong những sự kiện rất quan trọng trong cuộc đời của Đức Chúa Jesus.  Khi nghe nhận định này từ, bản thân của Beethoven cũng nhận biết rằng lời thơ trong Christus am Ölberge oratorio chưa được tốt, nhưng ông đã biện minh cho người cộng sự của mình.  Beethoven nói rằng đây là một tác phẩm âm nhạc lấy ý từ Kinh Thánh, chỉ được viết trong một khoảng thời gian rất ngắn, nếu cần nghe thơ hay thì hãy để ông phổ nhạc thơ  của Homer, Klopstock, và Schiller –  Homer, Klopstock, và Schiller là những thi hào nổi tiếng trên thế giới – Học từ kinh nghiệm này, khi biết công chúng chú trọng cả âm nhạc lẫn lời ca, về sau Beethoven đã phổ nhạc cho thơ của Schiller, trong tác phẩm Symphony No. 9 nổi tiếng của ông. Về sau, Symphony No. 9 được xem là một trong những tác phẩm thành công nhất của Beethoven.

Mặc dầu có những phê bình và góp ý như vậy, Beethoven đã ghi lại rằng sau lần công diễn đầu tiên vào năm 1803, năm 1804 tác phẩm Christus am Ölberge oratorio đã được trình diễn 4 lần, và được liên tục trình diễn hằng năm cho đến khi bị cấm vào năm 1825.

Năm 1809, Christus am Ölberge oratorio, với tựa đề trong tiếng Anh là Christ on the Mount of Olives, đã được trình diễn tại Hoa Kỳ.  Đây là tác phẩm đầu tiên của Beethoven đạt thành công tại Hoa Kỳ.

Trong những năm về sau, ca khúc “Welten singen” – là ca khúc kết thúc của trường ca Christus am Ölberge – đã được rất nhiều ca đoàn tại các trường trung học, đại học, và nhà thờ khắp nơi trên thế giới trình bày.

Nhân dịp kỷ niệm 250 năm (1770-2020) ngày sinh của nhạc sĩ Ludwig van Beethoven, bước vào mùa Phục Sinh năm 2020, mời bạn đọc lắng nghe tác phẩm Christus am Ölberge mà Beethoven đã sáng tác để kỷ niệm sự thống khổ của Đức Chúa Jesus.

Phước Nguyên

Thư Viện Tin Lành
ww.thuvientinlanh.org

Beethoven sinh tại Bonn thuộc La-mã. Cha là Johann van Beethoven, người gốc  Vlaanderen, và mẹ là Magdalena Keverich van Beethoven. Cho đến tận thời gian gần đây, nhiều công trình tham khảo coi ngày 16/12/1770 là “ngày sinh” của Beethoven, với lý do là ông được rửa tội vào ngày 17/12/1770. Vì trẻ con vào thời đó thường được rửa tội vào ngày hôm sau ngày sinh.

Thầy dạy nhạc đầu tiên cho Beethoven là cha ông, là ca sĩ ở  Bonn, tuy nhiên cha ông hay đánh ông và không thành công trong việc chứng minh ông là thần đồng như  Mozart. Cha của Ludwig van Beethoven vốn rất ngưỡng mộ Mozart, người chỉ mới 5 tuổi đã là một nhà soạn nhạc. Thấy Beethoven còn nhỏ mà đã thích bấm lên những phím đàn piano của ông nội để lại, cha muốn ông trở thành một thiên tài âm nhạc như Mozart để gia đình sung sướng và danh giá nên ông được tập đàn clavio lúc ba tuổi, tiếp đó là những bài luyện đàn violon, piano, organ… Tuy nhiên, sự kỷ luật nghiêm ngặt của bố lại làm ngăn cản sự phát triển của cậu con trai. Ông bị cha mình ép đánh đàn suốt ngày đến nỗi ngón tay bị tê dại, sưng vù.

Tuy nhiên, tài năng của Beethoven sớm được mọi người chú ý. Beethoven được Christian Gottlob Neefe dạy bảo và nhận vào làm việc.

Kể từ khi sinh ra vào năm 1770, Beethoven đã phải đối mặt với một hoàn cảnh gia đình khó khăn. Cha ông nghiện rượu, hà khắc và vô trách nhiệm, trong khi người mẹ nhân từ của ông thì thường ốm đau bệnh tật. Mẹ của ông được cho là rất sùng đạo và đã gửi Beethoven đến một trường học Công giáo từ khi ông còn nhỏ. Khi Beethoven lên 17 tuổi thì mẹ ông mất sớm.

Người ta nói, thời thế tạo ra con người, nhưng với Beethoven thì không chỉ vậy. Bắt đầu từ tuổi 28, Beethoven đã cảm nhận được chứng điếc từ từ, và căn bệnh ngày càng trở nặng trong suốt quãng đời còn lại của ông.

Một thánh đồ chia sẻ: “Tôi cầu nguyện Chúa cho tôi khỏe mạnh để làm những công việc vĩ đại, nhưng Ngài khiến cho tôi bệnh tật để làm được những việc tốt hơn.” Bởi thế, trong bi kịch của Beethoven, nhìn từ một phương diện, là gây tổn hại tới cuộc đời và sự nghiệp của Beethoven, nhưng nhìn từ một phương diện khác lại là một thử thách, một cú sốc bộc lộ niềm tin đáng kinh ngạc của Beethoven vào Chúa, và có lẽ cũng là điều tác thành nên những bản nhạc lưu danh thiên cổ của ông.

Một số các nhà phân tích hiện đại cho rằng chính bệnh điếc thúc đẩy tài năng âm nhạc của ông theo nhiều cách.

Trong bản di chúc Heligenstadt  của mình, nhà soạn nhạc đã bày tỏ ước vọng sâu xa nhất của ông: “Lạy Thiên Chúa toàn năng, Chúa soi xét linh hồn trong tim con. Ngài cũng thấu tỏ lòng con và biết rằng trong đó tràn đầy tình yêu thương con người và khát vọng hướng tới cái thiện.”

Bệnh điếc của Beethoven càng trở nên trầm trọng thì ông càng khép kín, càng rút lui khỏi xã hội hơn. Beethoven sống cho đến năm 1827. Khi hấp hối trên giường, một lần nữa ông bày tỏ với em trai rằng mình đã “chuẩn bị đầy đủ” để trở về với vòng tay bình yên của Chúa.


Hành động cuối cùng của Beethoven vào cuối đời là nhận Tiệc thánh. Người bạn Anselm Hüttenbrenner đã ở lại với ông cho đến khi ông qua đời trong một ngày giông bão. Một người bạn khác nhấn mạnh rằng: “Toàn bộ cuộc đời của Beethoven là bằng chứng về lòng mộ đạo trong nội tâm của ông.”

Nhật ký, thư từ và sách đối thoại của Beethoven (dùng để giao tiếp với người khác sau khi bị điếc) nhiều lần đề cập đến Chúa, và là bằng chứng mạnh mẽ về đức tin kiên định của ông. Khi cảm thấy bất công trong cuộc đời, ông đã cầu nguyện: “Vì vậy, con sẽ chịu đựng mọi điều phi lý một cách bình thản và đặt niềm tin vào sự lương thiện vĩnh hằng của Chúa. Ôi Chúa ơi, trong Chúa vĩnh viễn mang theo Thần tính. Tâm hồn con đang ca hát và Ngài là tảng đá, là ánh sáng và sự tin cậy vĩnh hằng của con.”

Vào năm 1815, Beethoven còn bày tỏ mong muốn trở thành  nhà soạn nhạc trong một nhà thờ  để tìm kiếm sự bình an và mãn nguyện, nơi ông sẽ cống hiến các tác phẩm của mình cho “sự vinh diệu vĩnh hằng của Đức Chúa Trời”. Lời cầu nguyện nhiệt thành được ghi lại trong nhật ký của ông: “Dù thế nào đi nữa, hãy để con hướng về Ngài mà sáng tác.”

Năm 1810, ông thú nhận lòng tin  của mình với một người bạn. Ông viết: “Tôi không có bạn bè và phải sống một mình. Tuy nhiên, tôi biết rằng Chúa ở gần tôi hơn những người khác. Tôi không sợ Ngài chút nào, tôi luôn có thể nhận biết và thấu hiểu Ngài.”

Beethoven hiểu rõ sứ mệnh của mình và đã viết trong di chúc: “Tôi sẽ sống cho đến khi hoàn thành điều Chúa muốn tôi làm, nếu không, tôi sẽ không thể rời khỏi thế giới này.”

 

admin tổng hợp

bài này cũng đã đăng tại:

https://huongdionline.com/2021/12/16/hay-de-con-huong-ve-ngai-ma-sang-tac/

 

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên