Bài giảng này được chia sẻ trên Zoom cho hội thánh Ân Điển, Texas vào ngày 25 tháng 4 năm 2021.
13 Hỡi anh em, chúng tôi chẳng muốn anh em không biết về phần người đã ngủ, hầu cho anh em chớ buồn rầu như người khác không có sự trông cậy. 14 Vì nếu chúng ta tin Đức Chúa Jêsus đã chết và sống lại, thì cũng vậy, Đức Chúa Trời sẽ đem những kẻ ngủ trong Đức Chúa Jêsus cùng đến với Ngài. 15 Vả, nầy là điều chúng tôi nhờ lời Chúa mà rao bảo cho anh em: chúng ta là kẻ sống, còn ở lại cho đến kỳ Chúa đến, thì không lên trước những người đã ngủ rồi. 16 Vì sẽ có tiếng kêu lớn và tiếng của thiên sứ lớn cùng tiếng kèn của Đức Chúa Trời, thì chính mình Chúa ở trên trời giáng xuống; bấy giờ những kẻ chết trong Đấng Christ, sẽ sống lại trước hết. 17 Kế đến chúng ta là kẻ sống, mà còn ở lại, sẽ cùng nhau đều được cất lên với những người ấy giữa đám mây, tại nơi không trung mà gặp Chúa, như vậy chúng ta sẽ ở cùng Chúa luôn luôn. 18 Thế thì, anh em hãy dùng lời đó mà yên ủi nhau.1 Tê-sa. 4: 13-18Tham khảo: Nầy là sự mầu nhiệm tôi tỏ cho anh em: Chúng ta không ngủ hết, nhưng hết thảy đều sẽ biến hóa, trong giây phút, trong nháy mắt, lúc tiếng kèn chót; vì kèn sẽ thổi, kẻ chết đều sống lại được không hay hư nát, và chúng ta đều sẽ biến hóa. 1 Cô. 15:51-52 |
13.Người đã ngủ: đã chết trong Chúa- những người tiếp nhận Chúa Giê-su và đã qua đời.
14. những kẻ ngủ trong Đức Chúa Jêsus – những thánh đồ, những con dân của Đức Chúa Trời đã chết. 15. những người còn sống là chúng ta sẽ không lên trước những người đã ngủ.
16. tiếng kêu lớn, tiếng của thiên sứ lớn, và tiếng kèn của Đức Chúa Trời- như vậy trước khi sự cất lên xảy ra sẽ có những âm thanh này.
17. cùng nhau được cất lên tại nơi không trung- gặp Chúa ở đó- sau đó sẽ được ở cùng Chúa mãi mãi.
18. Chúng ta sử dụng lẽ thật này để an ủi nhau.
Được biến hóa trong nháy mắt – để gặp Chúa. |
1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:13-18
Dẫn Nhập: Kính thưa Đức Chúa Trời và Hội thánh. Sứ đồ Phi-e-rơ viết trong thư tín: “Hỡi kẻ rất yêu dấu, anh em như người ở trọ, kẻ đi đường.” (1 Phi. 2:11). Và “họ (những anh hùng đức tin từ A-bên, Nô-ê cho đến Áp-ra-ham, Sa-ra) ham mến một quê hương tốt hơn, tức là quê hương ở trên trời; nên Đức Chúa Trời không hổ thẹn mà xưng mình là Đức Chúa Trời của họ, vì Ngài đã sắm sẵn cho họ một thành.” Hê 11:16.
Và Chúa Giê-su ban cho chúng ta lời hứa: “Lòng các ngươi chớ hề bối rối; hãy tin Đức Chúa Trời, cũng hãy tin ta nữa. 2 Trong nhà Cha ta có nhiều chỗ ở; bằng chẳng vậy, ta đã nói cho các ngươi rồi. Ta đi sắm sẵn cho các ngươi một chỗ. 3 Khi ta đã đi, và đã sắm sẵn cho các ngươi một chỗ rồi, ta sẽ trở lại đem các ngươi đi với ta, hầu cho ta ở đâu thì các ngươi cũng ở đó.” (Giăng 14 :1-3).
Như vậy những ngày tháng tương lai của chúng ta sắp tới là được ở cùng Chúa mãi mãi. Chúng ta được về nhà của Cha thiên thượng. Đây là niềm hy vọng, sự trông đợi, sự an ủi và sự vui mừng lớn của chúng ta. Hôm nay chúng ta cùng nhau suy ngẫm về một đề tài: Chúng ta sẽ được gặp Chúa ở đâu? Ngày hôm nay chúng ta cần chuẩn bị điều gì để sẵn sàng gặp Chúa?
–
Sự cất lên dành cho Hê-nóc và Ê-li đã được đề cập trong:
Cựu Ước.
Hê-nóc được cất lên.
Hê-nóc đồng đi cùng Đức Chúa Trời, rồi mất biệt, bởi vì Đức Chúa Trời tiếp người đi. Sáng. 5:24
Bởi đức tin, Hê-nóc được cất lên và không hề thấy sự chết;người ta không thấy người nữa, vì Đức Chúa Trời đã tiếp người lên. Bởi chưng trước khi được tiếp lên, người đã được chứng rằng mình ở vừa lòng Đức Chúa Trời rồi. Hêb. 11:5
Ê-li được cất lên trời. Khi đi qua rồi, Ê-li nói với Ê-li-sê rằng: Hãy xin điều ngươi muốn ta làm cho ngươi, trước khi ta được cất lên khỏi ngươi. Ê-li-sê thưa rằng: Nguyền xin thần của thầy cảm-động tôi được bội phần. Ê-li nói với người rằng: Ngươi cầu-xin một sự khó. Song nếu ngươi thấy ta lúc ta được cất lên khỏi ngươi, ắt sẽ được như lời; bằng chẳng, thì không được.Hai người cứ vừa đi vừa nói với nhau, kìa, có một cái xe lửa và ngựa lửa phân-rẽ hai người; Ê-li lên trời trong một cơn gió lốc. (2 các vua 2:9-11)
Trong Tân Ước có một trường hợp đặc biệt sau đây:
Tân Ước.
Phi-líp được cất đi (được di chuyển) đến…
Người biểu dừng xe lại; rồi cả hai (Phi-líp và hoạn quan Ê-thi-ô-pi) đều xuống nước, và Phi-líp làm phép báp-têm cho hoạn quan. Khi ở dưới nước lên, thì Thánh Linh của Chúa đem Phi-líp đi; hoạn quan chẳng thấy người nữa, cứ hớn hở đi đường. Còn Phi-líp thì người ta thấy ở trong thành A-xốt; từ đó người đi đến thành Sê-sa-rê, cũng giảng Tin lành khắp những thành nào mình đã ghé qua. Công. 8:38-40
Sự cất lên có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Hãy ăn ở như vậy, vì biết thời kỳ đương lúc chúng ta đây: Giờ anh em từ ngủ thức dậy đã đến, bởi sự cứu hiện nay đã gần chúng ta hơn lúc chúng ta mới tin. Đêm đã khuya, ngày gần đến; vậy chúng ta hãy lột bỏ những việc tối tăm mà mặc lấy áo giáp sáng láng. (Rô-ma 13:12-13)
Hỡi anh em, vậy hãy nhịn nhục cho tới kỳ Chúa đến. Hãy xem kẻ làm ruộng: họ bền lòng chờ đợi sản vật quí báu dưới đất cho đến chừng nào đã được mưa đầu mùa và cuối mùa. Anh em cũng vậy hãy nhịn nhục và bền lòng; vì kỳ Chúa đến gần rồi. (Gia-cơ 5:7-8)
Minh họa bài giảng: Bô phim Left behind dựa trên ý tưởng của Kinh Thánh:
Phim Left behind được dịch là: Bị bỏ lại/Những kẻ sống sót. Câu chuyện bắt đầu bởi khung cảnh bình thường của một ngày mới, khi chuyến bay định mệnh của cơ trưởng Rayford Steele (do Nicolas Cage thủ vai) chuẩn bị cất cánh. Chuyến bay có lẽ đã hoàn toàn tốt đẹp, nếu không có một sự kiện khủng khiếp đột nhiên xảy ra đẩy tất cả phi hành đoàn vào cơn hoảng loạn, và gần 50% hành khách biến mất. Toàn bộ trẻ em, một số thanh niên, người cao tuổi bỗng dưng “bốc hơi”, quần áo và hành lý của họ vẫn ở nguyên tại hiện trường, chỉ có họ là như tan biến đi trong không khí. Điều này không chỉ diễn ra trên chuyến bay của Rayford mà còn đồng loạt xuất hiện tại khắp nơi trên thế giới. Những tiếng gào khóc của những người còn lại, những hành động bạo lực, cướp bóc, hôi của… nhanh chóng nổ ra và bao trùm lên toàn Thế giới. Tất cả các quốc gia đều rơi vào hoảng loạn, các bệnh viện quá tải bệnh nhân do tai nạn, giết chóc, bạo động… Đâu là lối thoát cho những người còn ở lại trái đất?
–
Câu hỏi quan trọng:
Sau khi hội thánh được cất lên thì thế giới này sẽ ra sao?
Kinh Thánh trả lời:
Thế giới sẽ trải qua thời kỳ hoạn nạn lớn là khoảng thời gian 7 năm trong tương lại khi Chúa sẽ chấm dứt sự sửa phạt đối với dân Y-sơ-ra-ên và sự đoán xét với thế gian vô tín. Hội thánh, là bao gồm những người đặt niềm tin vào bản chất và công trình của Đấng Christ, được cứu khỏi hình phạt của tội lỗi, sẽ không phải có mặt trong thời kỳ hoạn nạn. “Vì ngươi đã giữ lời nhịn nhục ta, ta cũng sẽ giữ ngươi khỏi giờ thử thách, là giờ sẽ đến trong khắp thế gian, đặng thử những người ở trên đất” (Khải Huyền 3:10). Hội thánh sẽ được di chuyển khỏi mặt đất trong một sự kiện mà chúng ta gọi là “sự cất lên” (1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:13-18; 1 Cô-rinh-tô 15:51-53). Hội thánh sẽ thoát khỏi cơn thịnh nộ phải đến. “Vì Đức Chúa Trời chẳng định sẵn cho chúng ta bị cơn thạnh nộ, nhưng cho được sự giải cứu bởi Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta” (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:9).
Đây là thời kỳ khủng hoảng trầm trọng nhất trong lịch sử được bốn phân đoạn Kinh Thánh sau đây tiên báo. 1/Trước hết là Ma-thi-ơ 24:21, “…lúc ấy sẽ có hoạn nạn lớn, đến nỗi từ khi mới có trời đất cho đến bây giờ chưa từng có như vậy, mà sau này cũng không hề có nữa.” 2/Mác 13:19, “Vì trong những ngày ấy có tai nạn, đến nỗi từ ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất cho đến bây giờ chưa hề có như vậy, và về sau cũng sẽ chẳng hề có nữa” cũng viết tương tự. Các đoạn Kinh Thánh khác nói về thời kỳ đại nạn này là trong Cựu Ước, 3/Đa-ni-ên 12:1 thì chép, “Lúc đó sẽ có tai nạn, đến nỗi từ khi mới có nước đến kỳ đó cũng chẳng có như vậy bao giờ…” 4/Và trong tiên tri Giô-ên 2:2, “ngày mờ mịt tăm tối, ngày của mây và sương mù… đến nỗi từ trước chưa hề có, mà về sau này, về muôn đời sau này cũng sẽ không có như vậy nữa.”
Chúng ta sẽ nói về bảy năm đại nạn trong một bài học khác khi trưng dẫn nhiều phần Kinh thánh trong sách Khải huyền nói đến những tai họa mà thế giới phải hứng chịu trong thời kỳ này. Bài học hôm nay có những giới hạn nhất định.
Điểm cuối cùng của cơn đại nạn là sự hủy diệt Ba-by-lôn (Khải. 17-18) và trận đánh Armageddon (Khải. 16:16). Christ sẽ tái lâm cách hiển nhiên từ trời cùng với các thánh đồ của Ngài, đạo binh trên trời cưỡi ngựa bạch theo Ngài (Khải. 19:11-16). Vương quốc thiên hy niên được thiết lập (Xa-cha-ri 14:4; Khải. 20:4-6)
Có thể xem bản so sánh sau đây giữa sự cất lên và sự tái lâm của Chúa Giê-su Christ.
Sự Cất Lên Của Hội Thánh | Chúa Jesus Christ Trở Lại Địa Cầu Lần Thứ Hai |
Đấng Christ đến trên không trung (1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:16-17) | Đấng Christ đến trên trái đất (Xa-cha-ri 14:4) |
Đấng Christ đến để tập họp các thánh đồ của Ngài (1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:16-17) | Chúa Jesus cùng đến với các thánh đồ của Ngài (1 Tê-sa-lô-ni-ca 3:13; Giu-đe 14) |
Sự chuyển động chính là từ đất lên trời | Sự chuyển động chính là từ trời xuống trái đất |
Không cần thêm bất kỳ dấu hiệu nào – sự kiện này có thể xảy ra bất cứ lúc nào | Các dấu hiệu dự báo phải lần lượt được ứng nghiệm (Ma-thi-ơ 24:4-29) |
Hội thánh nhận lãnh phước hạnh và sự yên ủi (1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:18) | Đây là thời điểm của sự hủy diệt và phán xét (2 Tê-sa-lô-ni-ca 2:8-12) |
Chỉ liên quan đến những người thuộc về Chúa Jesus (Giăng 14:1-3; 1 Cô-rinh-tô 15:51-55; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:13-18) | Liên quan đến Israel và các quốc gia ngoại bang (Ma-thi-ơ 24-25) |
Sẽ xảy ra trong chớp mắt khi tiếng kèn của Đức Chúa Trời được thổi lên, là một sự kiện hội họp nội bộ của Đấng Christ và những người thuộc về Ngài (1 Cô-rinh-tô 15:51-51) | Cả thế giới sẽ nhìn thấy sự tái lâm của Đấng Christ (Ma-thi-ơ 24:27; Khải huyền 1:7) |
Vào thời điểm này của năm 2021, chúng ta đang chứng kiến những tin xấu dồn dập xảy ra hàng ngày trên các phương tiện truyền thông – đặc việt là Covid-19 vẫn chưa dừng lại. Những điều này nói lên điều gì?
Mục sư Philip De Courcy đã viết trong sách Finding Peace in God’s Protection:
“Tất cả những tin xấu này theo một cách nào đó phải được coi là tin tốt vì những dấu hiệu của thời đại chúng ta đang chỉ ra những dấu hiệu của thời kỳ cuối cùng và Đấng Christ sẽ trở lại để thi hành sự phán xét, thiết lập sự công nghĩa của Ngài. Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng mọi thứ sẽ trở nên tệ hại hơn trước khi chúng trở nên tốt hơn. Chúng ta không được cận thị, chúng ta phải có tầm nhìn xa hơn đến tương lai. Để sống sót và trưởng thành trong một thế giới đã trở nên điên loạn, chúng ta là Cơ-đốc nhân phải bắt đầu ở điểm cuối cùng, chúng ta phải liên tục và dán đôi mắt đức tin đến đường chân trời khi hướng tới sự tái lâm của Đấng Christ trên mây trong quyền năng và vinh hiển của Ngài.”
Kết luận:
-Sự cất lên
-Thời kỳ hoạn nạn (cơn đại nạn): 7 năm
-Sự tái lâm của Đấng Christ.
-Thái độ của chúng ta
Tôi biết Đấng tôi đang tin TC 262, “thật tôi không hiểu Christ tái lâm đây, hoặc khuya hay giữ ban ngày. Biết đâu tôi sẽ phải ngủ nay mai, hay lên không trung gặp Ngài.”
Vậy nên, hỡi kẻ rất yêu dấu, vì anh em trông đợi những sự đó (ngày của Chúa, Chúa sẽ tái lâm theo lời hứa của Ngài) thì phải làm hết sức mình, hầu cho Chúa thấy anh em ở bình an, không dấu vít, chẳng chỗ trách được. 2 Phi-e-rơ 3:14
Sự cuối cùng của muôn vật đã gần; vậy hãy khôn ngoan tỉnh thức mà cầu nguyện. 8 Nhứt là trong vòng anh em phải có lòng yêu thương sốt sắng; vì sự yêu thương che đậy vô số tội lỗi.9 Người nầy người khác phải tiếp đãi nhau, chớ có cằn rằn. 10 Mỗi người trong anh em hãy lấy ơn mình đã được mà giúp lẫn nhau, khác nào người quản lý trung tín giữ các thứ ơn của Đức Chúa Trời. 1 Phi-e-rơ 4:7-10
Mục sư Phạm Hơn. VMI