Trang Chủ TRANG CHỦ Giấc Mơ Mỹ Và Đức Tin Cơ Đốc

Giấc Mơ Mỹ Và Đức Tin Cơ Đốc

698
0
SHARE

Điều nguy hiểm tinh vi

Chúng ta đã biết giấc mơ Mỹ khác biệt so với sự kêu gọi của Đức Chúa Giê-su và điều cốt yếu của phúc âm như thế nào. Sự khác biệt này càng rõ rệt hơn khi chúng ta đối chiếu sự tin cậy nơi năng quyền của Đức Chúa Trời với sự nương cậy nơi khả năng của bản thân.

Dựa trên giấc mơ Mỹ, chúng ta có thể làm được bất cứ điều gì chúng ta quyết tâm đạt được. Những điều chúng ta có thể làm được là vô tận nếu chúng ta kết hợp tài khéo, sự tưởng tượng, sự cải tiến cùng với kỹ năng và sự chăm chỉ. Chúng ta có thể đạt được bất kỳ bằng cấp giáo dục, mở công ty, thăng tiến, được khen thưởng và đạt được bất kỳ mục tiêu nào. James Truslow Adams, người được cho là đã tạo ra khái niệm “giấc mơ Mỹ” năm 1931, đã nói về điều này như sau: “một giấc mơ… mà ai cũng có thể đạt được một cách trọn vẹn nhất điều mà họ hoàn toàn có thể làm được và được người khác công nhận.”[1]

Vậy bức tranh này có gì sai? Hiển nhiên chăm chỉ làm việc và khát vọng cao cả không phải là điều xấu, và chúng ta cũng nên tán dương sự tự do theo đuổi những mục đích cá nhân. Kinh Thánh rõ ràng khen ngợi những điều trên. Tuy nhiên giấc mơ Mỹ dựa trên cơ sở là một giả định nguy hiểm, nếu không thận trọng chúng ta sẽ vô tình chấp nhận giả định đó, đồng thời giấc mơ Mỹ có một đích đến chết người mà nếu không cẩn thận chúng ta sẽ đi đến vạch đích ấy.

Giả định nguy hiểm mà chúng ta vô tình chấp nhận trong giấc mơ Mỹ đó là: khả năng của bản thân chính là tài sản lớn nhất của chúng ta. Giấc mơ Mỹ đề cao những gì con người có thể đạt được khi nhờ cậy bản thân, và chúng ta bị cuốn theo suy nghĩ ấy. Tuy nhiên phúc âm có những ưu tiên khác. Phúc âm dạy chúng ta phải chết đi chính mình, tin vào Đức Chúa Trời và nhờ cậy quyền năng của Ngài. Trong phúc âm, chúng ta thấy mình bất lực hoàn toàn, ngoài Chúa chúng ta không thể đạt được điều gì giá trị. Đây chính là điều Đức Chúa Giê-su đã dạy: “Ta là gốc nho, các ngươi là nhánh. Ai cứ ở trong ta và ta trong họ thì sinh ra lắm trái; vì ngoài ta, các ngươi chẳng làm chi được.”[2]

Điều quan trọng hơn đó là đích đến chết người đầy tinh vi mà chúng ta sẽ đi đến khi theo đuổi giấc mơ Mỹ. Khi đạt được mục tiêu nhờ sức lực bản thân, chúng ta sẽ tôn vinh chính mình. Dùng lời của Adams, chúng ta sẽ “được người khác công nhận.” Tựu trung, đây mới chính là mục đích của giấc mơ Mỹ: khiến bản thân trở nên quan trọng. Nhưng ở điểm này, phúc âm và giấc mơ Mỹ rõ ràng đối lập với nhau. Giấc mơ Mỹ tôn cao con người, nhưng ngược lại mục đích của phúc âm là tôn vinh Đức Chúa Trời.

 

Sự bất lực được đề cao

Trái ngược với giấc mơ Mỹ, Đức Chúa Trời đề cao sự bất lực của chúng ta. Chúa đặt con dân Ngài vào những hoàn cảnh mà họ buộc phải nhờ cậy Chúa và Ngài sẽ giúp đỡ họ theo những cách mà họ không bao giờ có thể thực hiện hoặc tưởng tượng được. Đến cuối cùng, Đức Chúa Trời khiến chính Ngài được tôn cao.[3]

Hãy suy nghĩ về câu chuyện Giô-suê đánh chiếm thành Giê-ri-cô, một thành phố lớn mạnh có tường thành vững chắc. Chắc chắn Giô-suê đã cảm thấy lo lắng bởi vì đây là trận chiến đầu tiên ông lãnh đạo dân tộc của Đức Chúa Trời. Tôi chỉ có thể tưởng tượng Giô-suê đã cảm thấy không tương xứng khi suy tính cho nhiệm vụ trước mắt.

Đó là lý do vì sao ở cuối chương 5 chúng ta nhìn thấy Giô-suê một mình suy nghĩ về cuộc chiến này. Nhưng Đức Chúa Trời bất ngờ xuất hiện. Ở khoảnh khắc ấy Ngài đã hứa với Giô-suê rằng quân đội của ông sẽ chiến thắng và Ngài sẽ cho ông biết phương cách thực hiện.

Có thể bạn sẽ hình dung Giô-suê lắng nghe và suy nghĩ: Chiến lược như thế nào? Một cuộc đột kích ở phía trước? Một kỹ thuật nào đó? Hay là bao vây và khiến kẻ thù chết đói?

Hãy tưởng tượng bạn là Giô-suê và lắng nghe chiến lược sau:

Các chiến binh sẽ đi vòng quanh thành Giê-ri-cô mỗi ngày một lần và cứ đi nhứ thế trong sáu ngày. Bảy thầy tế lễ sẽ mang kèn bằng sừng đi trước hòm giao ước. Vào ngày thứ bảy, hãy đi quanh thành phố bảy lần, các thầy tế lễ đều thổi kèn. Khi các thầy tế lễ thổi một tiếng kèn dài, hãy ra lệnh cho toàn dân la lên thật lớn thì tường thành sẽ sụp đổ, mọi người sẽ tiến vào thành.[4]

Thành thật mà nói, chiến lược này thật lạ lùng. Nếu bạn là Giô-suê, bạn sẽ muốn có một kế hoạch khác.

Tại sao Đức Chúa Trời lên kế hoạch chiếm lấy thành phố đầu tiên ở Đất Hứa như thế này? Chúng ta đừng nên bỏ lỡ ý định của Chúa. Ngài sắp đặt các sự kiện của dân tộc của Chúa để cuối cùng chính Chúa sẽ được tôn vinh cho những sự việc đã xảy ra. Hãy đọc toàn bộ chương 6, bạn sẽ thấy dân Y-sơ-ra-ên chiếm thành Giê-ri-cô đúng như kế hoạch của Chúa. Nhưng hãy cẩn thận chú ý đến điều bạn không nhìn thấy. Bạn không nhìn thấy người Y-sơ-ra-ên khen ngợi những người thổi kèn rằng họ đã làm rất tốt nhiệm vụ. Ngày nay tôi lại nhìn thấy người ta nói với nhau rằng: “A-bi-sai, tôi chưa từng nghe anh chơi nhạc hay đến thế bao giờ.” “Nim-rốt, anh chơi nốt C thật hay.” Không, trái lại bạn nhìn thấy dân Y-sơ-ra-ên thừa nhận chỉ một mình Đức Chúa Trời mới có thể làm công việc này.

Đây chính là cách Đức Chúa Trời hành động. Ngài đặt con dân Chúa vào những vị trí mà họ phải nhờ cậy quyền năng của Ngài, và rồi Chúa sẽ giúp đỡ họ để bày tỏ sự vĩ đại của Ngài.

DAVID PLATT

Translated by Vinh Hien

 

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên