Trang Chủ KINH THÁNH E-xơ-ra (bài giảng ngày 18 tháng 2/2022)

E-xơ-ra (bài giảng ngày 18 tháng 2/2022)

875
0
SHARE

nghe bài giảng click vào nút hình tam giác.

 

E-XƠ-RA

Vì E-xơ-ra đã định chí tra xét luật pháp của Đức Giê-hô-va, giữ làm theo, và dạy cho dân Y-sơ-ra-ên biết những luật pháp và giới mạng.

E-xơ-ra 7:10

E-xơ-ra là một học giả hàn lâm, đồng thời ông cũng là một nhà lãnh đạo lớn của tuyển dân Israel. Người Do-thái gọi ông là “Môi-se thứ hai” với hàm ý tôn trọng đặc biệt. Truyền thống Do thái nói rằng E-xơ-ra đã tập hợp các bản văn Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ và tổ chức nhà hội đầu tiên sau khi tuyển dân trở về quê hương kết thúc thời kỳ bị lưu đày. Một số người cho rằng người lãnh đạo thật sự không đến từ những tháp ngà học thuật hàn lâm nhưng là từ những chiến hào. Tuy nhiên E-xơ-ra đã chứng minh lời phát biểu này không đúng. Ông đã bày tỏ rằng sự thông thái và chức vụ lãnh đạo nối kết với nhau như hai người bạn. Mẫu người lãnh đạo đó cần một tâm trí uyên bác và kỹ năng của một chiến binh.

E-xơ-ra được sinh ra trong thời gian tuyển dân bị phu tù ở Ba-tư. Khi trưởng thành ông trở nên một giáo sư hàng đầu của Israel. Trong E-xơ-ra 7:11, E-xơ-ra được giới thiệu là, “thầy tế lễ và văn sĩ, thạo biết những điều răn luật lệ của Đức Giê-hô-va đã truyền cho Y-sơ-ra-ên.” Đức Chúa Trời đã dùng ông lãnh đạo tuyển dân trở về quê hương và khôi phục đất nước đổ nát. Từ chương một đến chương sáu của sách, E-xơ-ra ghi chép lại cuộc hồi hương của khoảng 50 000 người lưu vong trở về vào năm 538 trước Công nguyên. Và phần còn lại của sách chúng ta thấy làm thế nào mà E-xơ-ra có thể dẫn dắt 2000 người Do Thái trở về Giê-ru-sa-lem hỗ trợ tái thiết quốc gia và hồi sinh các di sản thuộc linh. Mối quan tâm hàng đầu của E-xơ-ra là khôi phục các mục vụ trong đền thờ và làm mới lại giao ước của Đức Chúa Trời với tuyển dân. E-xơ ra tổ chức lại hệ thống các thầy tế lễ, người ca hát, người Lê-vi và những người phục vụ khác trong đền thờ. Ông cũng đem về theo một số lượng lớn vàng và bạc được nhà vua và những người Do Thái khác dâng hiến, và dĩ nhiên ông mang theo các cuộn sách Kinh văn là Lời của Đức Chúa Trời vốn là tài sản quí báu nhất của tuyển dân.

Điều gì khiến cho một người lãnh đạo được quần chúng đi theo? Chúng ta có bắt chước các khuôn mẫu lãnh đạo của thế giới và cầu nguyện cho họ sẽ làm việc trong đường lối Chúa? Chắc chắc là không. Chúa Giê-su đã dạy về lãnh đạo trong Ma-thi-ơ 20:25-28, “Các ngươi biết rằng các vua dân ngoại thì ép dân phải phục mình, còn các quan lớn thì lấy quyền thế mà trị dân.  Trong các ngươi thì không như vậy; trái lại, trong các ngươi, kẻ nào muốn làm lớn, thì sẽ làm đầy tớ các ngươi; còn kẻ nào muốn làm đầu, thì sẽ làm tôi mọi các ngươi.  Ấy vậy, Con người đã đến, không phải để người ta hầu việc mình, song để mình hầu việc người ta, và phó sự sống mình làm giá chuộc nhiều người.” Chúng ta có thể học tập có chọn lọc các nguyên tắc xử lý kinh doanh từ những người lãnh đạo của thế giới. Nhưng khi nói về lãnh đạo thuộc linh để ảnh hưởng tích cực lên người khác, chúng ta phải theo các nguyên tắc của Chúa Giê-su. Ở đây chúng ta có thể thấy các yếu tố liên quan sau đây làm cho E-xơ-ra trở nên một người lãnh đạo mạnh mẽ và thành công.      

1.LỜI CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

Khi nghiên cứu đời sống của những người lãnh đạo ưu tú trong Kinh Thánh, chúng ta khám phá rằng họ đã hết lòng sốt sắng đi theo Lời của Chúa. Môi-se đã truyền lại Lời Đức Chúa Trời cho tuyển dân và thế hệ mới chuẩn bị vào đất hứa trong Phục truyền luật lệ ký. Đức Chúa Trời phán dạy Giô-suê bí quyết của sự thành công:  “Quyển sách luật pháp nầy chớ xa miệng ngươi, hãy suy gẫm ngày và đêm, hầu cho cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong; vì như vậy ngươi mới được may mắn trong con đường mình, và mới được phước” (Giô-suê 1:8). Tình yêu của Đa-vít dành cho Lời Chúa được bày tỏ trong các Thi thiên. Chúng ta không biết chắc trước giả của Thi thiên 119 là ai, nhưng mỗi câu trong đó nhấn mạnh đến phước hạnh cho những ai vâng theo Lời Chúa.

Sứ đồ Phao-lô truyền bảo Ti-mô-thê rằng hiểu biết và vâng theo Lời Chúa là phương cách của Đức Chúa Trời cho chúng ta khám phá và phát triển các ân tứ lãnh đạo. “Cả Kinh thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, Nguyên bổn rằng: Cả Kinh-thánh đều chịu Đức Chúa Trời hà hơi vào có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình,  hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành.” (2 Ti-mô-thê 3:16-17)

Những sách vở khác có thể dạy làm thế nào để kiếm sống, nhưng Kinh Thánh dạy chúng ta làm thế nào để tạo ra một cuộc sống đáng sống khi phục vụ Chúa và dân sự của Ngài.

E-xơ-ra đã “dâng hiến chính mình” để học biết Lời Chúa. Động từ “dâng hiến” ở đây có nghĩa là cương quyết và thiết lập. Nghiên cứu Lời Đức Chúa Trời là trọng tâm trong cuộc sống của chính  E-xơ-ra. Điều này không phải là một hành động thỉnh thoảng ông thực hiện hay chỉ làm những khi nào thấy hứng thú. Những Cơ đốc nhân mà ưu tiên cho việc nghiên cứu Lời Chúa sẽ được Chúa sử dụng để hoàn thành mục đích Ngài. Nhưng nếu chỉ nghiên cứu Lời Chúa thì chưa đủ. Chúng ta cần phải giống như E-xơ-ra: vâng theo Lời Chúa. Sự vâng lời là yếu tố cần thiết cho sự nắm bắt, hiểu biết lẽ thật. Chúa Giê-su dạy, “Nếu ai khứng làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời, thì sẽ biết đạo lý ta có phải là bởi Đức Chúa Trời, hay là ta nói theo ý ta” (Giăng 7:17)

Cùng với việc học biết và vâng theo Lời Chúa, chúng ta cũng phải chia sẻ Lời ấy mỗi khi có cơ hội. “Dạy” không đòi hỏi phải có một ngôi trường cố định. Chúng ta có thể dạy, hay chia sẻ Lời Chúa trong bất kỳ không gian và thời gian nào. Chúng ta là những kênh dẫn nước sống đến cho người khác, chứ không phải là những hồ chứa nước.

2.SỰ VINH HIỂN CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

Khi E-xơ-ra tiếp cận vua để trình bày về việc tuyển dân Israel chuẩn bị trở về vùng đất quê hương, ông theo đuổi một ý tưởng nổi bật: Đức Chúa Trời toàn năng phải được vinh hiển trước các uy quyền cai trị của người ngoại bang. Vì lý do đó, E-xơ-ra không cầu xin vua cho quân lính đi theo để bảo vệ tuyển dân trên hành trình trở về, nhưng thay vào đó ông học tập tin cậy nơi sự bảo vệ của Đức Chúa Trời.  “Tại đó, gần bên sông A-ha-va, ta truyền kiêng cữ ăn, để chúng ta hạ mình xuống trước mặt Đức Chúa Trời chúng ta, và cầu xin Ngài chỉ cho biết đường chính đáng chúng ta, con cái chúng ta, và tài sản mình phải đi.  Vả lại, ta lấy làm thẹn, chẳng dám xin vua một đạo quân và lính kỵ binh vực chúng ta khỏi kẻ thù nghịch trong lúc đi đường; vì chúng ta có nói với vua rằng: Tay của Đức Chúa Trời chúng tôi phù trợ mọi kẻ nào tìm kiếm Ngài; nhưng quyền năng và thạnh nộ Ngài kháng cự những kẻ nào lìa bỏ Ngài.  Ấy vậy, chúng ta kiêng cữ ăn và cầu xin Ngài điều ấy; Ngài bèn nhậm lời chúng ta.” (E-xơ-ra 8:21-23). Đức tin mạnh mẽ của E-xơ-ra đến từ Lời Đức Chúa Trời (Rô-ma 10:17). Ông biết rằng Chúa luôn thành tín, Ngài không bao giờ quên lời hứa của Ngài. Vua Artaxerxes có thể là vua của các vua trên đất vào lúc đó (E-xơ-ra 7:12), nhưng Giê-hô-va Đức Chúa Trời là Vua của các từng trời, là Đấng cai trị cả hoàn vũ, bao gồm các từng trời và trái đất (E-xơ-ra 7:12, 21, 23) và Ngài ban cho các vua trên đất quyền cai trị theo ý Ngài (E-xơ-ra 1:2).

Mỗi khi đối diện với các thách thức, các vấn đề hay có một cơ hội để hầu việc Chúa, chúng ta phải xin Chúa giúp đỡ để qui tất cả vinh hiển về cho Ngài. Xin Chúa hướng dẫn để chúng ta biết cách thực hiện các mục vụ như thế nào, tại sao phải làm mục vụ đó. Sự vinh hiển của Đức Chúa Trời ở với dân sự Ngài là một phước hạnh đặc biệt của tuyển dân. Phao-lô viết, “Y-sơ-ra-ên, là dân được những sự làm con nuôi, sự vinh hiển, lời giao ước, luật pháp, sự thờ phượng và lời hứa” (Rô-ma 9:4). Trong thời gian lang thang ở đồng vắng, đám mây vinh hiển đã dẫn dắt tuyển dân trên mỗi bước đi, khi họ cắm trại đám mây che phủ trên đền tạm. Sự vinh hiển của Đức Chúa Trời ở ngay trung tâm của trại quân! Nếu Israel đi theo bất kỳ tuyến đường nào khác hoặc cắm trại ở nơi khác không theo hướng dẫn của Chúa sẽ là hành động nổi loạn chống lại Ngài.

Vì vậy, chúng ta là dân sự của Chúa ngày nay phải nhớ, “hoặc ăn, hoặc uống, hay là làm sự chi khác, hãy vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời mà làm” (1 Cô-rin-tô 10:31)

3. CÁNH TAY CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

Giống như sứ đồ Phao-lô, E-xơ-ra quân bình giữa Lời Đức Chúa Trời và sự cầu nguyện (Công vụ 6:4), và khi ông cầu nguyện thì tay của Đức Giê-hô-va phù trợ ông. Các trưng dẫn sau đây cho thấy cánh tay của Đức Chúa Trời làm việc trong sách E-xơ-ra:

7:6. Vì tay của Đức Giê-hô-va phù trợ E-xơ-ra, nên vua ban cho người mọi điều người xin.

 

7:28. Vì tay của Giê-hô-va Đức Chúa Trời tôi phù trợ E-xơ-ra, và ông chiêu tập các trưởng tộc Y-sơ-ra-ên đặng đồng đi với mình.

8:22. Tay của Đức Chúa Trời chúng tôi phù trợ mọi kẻ nào tìm kiếm Ngài; nhưng quyền năng và thạnh nộ Ngài kháng cự những kẻ nào lìa bỏ Ngài.

E-xơ-ra là một người cầu nguyện, và khi ông cầu nguyện thì Chúa hành động. Trước khi tuyển dân Israel khởi sự cuộc hành trình dài về lại quê hương, họ đã kiêng ăn, cầu nguyện tìm kiếm Chúa (E-xơ-ra 8: 21-23). Khi về đến nơi, E-xơ-ra khám phá rằng có một số người nam của tuyển dân đã lấy những phụ nữ ngoại bang làm vợ. Điều này phải được xử lý. E-xơ-ra kiêng ăn và cầu nguyện cho vấn nạn này (E-xơ-ra 9), và Đức Chúa Trời hướng dẫn ông và các trưởng lão giải quyết vấn đề theo giới răn của Chúa (E-xơ-ra 10). Lời cầu nguyện của E-xơ-ra trong chương thứ chín của sách có thể so sánh với lời cầu nguyện của Đa-ni-ên (Đa-ni-ên 9) và Nê-hê-mi (Nê-hê-mi 9). Cả ba người này đều hạ mình xuống và xưng tội trước mặt Chúa trên căn bản lời hứa của Ngài trong 2 Sử ký 7:14, “nhược bằng dân sự ta, là dân gọi bằng danh ta, hạ mình xuống, cầu nguyện, tìm kiếm mặt ta, và trở lại, bỏ con đường tà, thì ta ở trên trời sẽ nghe, tha thứ tội chúng nó, và cứu xứ họ khỏi tai vạ.”

Là một con người nghiên cứu Lời Chúa, E-xơ-ra cũng là con người của đức tin. Và bởi vì đức tin và lòng khao khát của ông là dâng vinh hiển về Đức Chúa Trời, ông có thể kêu cầu và trông đợi sự trả lời từ Chúa.

4.KÍNH SỢ ĐỨC CHÚA TRỜI

E-xơ-ra thất vọng biết bao khi về đến Giê-ru-sa-lem, ông khám phá rằng một số người Do Thái đã cưới vợ ngoại bang. Điều này trái nghịch với luật pháp của Chúa. “Sê-ca-nia, con trai Giê-hi-ên, cháu của Ê-lam bèn nói cùng E-xơ-ra rằng: Chúng ta phạm tội với Đức Chúa Trời chúng ta mà cưới những người nữ ngoại thuộc các dân tộc của xứ” (E-xơ-ra 10:2).  Giải pháp duy nhất vào lúc này là thú nhận tội lỗi và tái khẳng định sự vâng phục của tuyển dân đối với giao ước của Chúa. “E-xơ-ra nói rằng: Các ngươi đã phạm tội, cưới vợ ngoại bang, và thêm nhiều lên tội lỗi của Y-sơ-ra-ên. Nhưng bây giờ, khá xưng tội lỗi mình cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời của tổ phụ các ngươi, và làm điều đẹp ý Ngài: hãy phân cách khỏi các dân tộc của xứ và khỏi những người vợ ngoại bang. Cả hội chúng bèn đáp lớn tiếng rằng: Phải, điều ông đã nói, chúng tôi phải làm theo.” (E-xơ-ra 10:10-12). Vì thế E-xơ-ra đứng ra giải quyết vấn đề này.

Thầy tế lễ E-xơ-ra không chỉ dâng hiến chính mình để học biết Lời Chúa, ông còn vâng theo Lời Chúa, truyền dạy lại Lời ấy cho dân sự.  Ông thực hành áp dụng Lời Chúa cho chính mình và người khác. Ông có tấm lòng kính sợ Chúa, và biết rằng sự vâng theo Lời Chúa là chìa khóa dẫn đến các phước hạnh. Khi Phao-lô liệt kê các tội lỗi của người Do Thái và ngoại bang trong Rô-ma 3:9-20, ông nhấn mạnh, “chẳng có sự kính sợ Đức Chúa Trời ở trước mặt chúng nó.” (3:18). Đây là loại tội lỗi khiến cho con người dễ vi phạm hơn các tội khác. Khi kính sợ Đức Chúa Trời,  chúng ta không còn sợ bất cứ một chủ thể nào, vì Ngài ở về phía chúng ta. Ngược lại, khi con người không kính sợ Đức Chúa Trời thì họ có thể làm bất cứ điều gì họ muốn (gồm cả những điều gian ác khác nằm ngoài trí tưởng tượng của chúng ta).

Bởi vì E-xơ-ra cống hiến chính mình cho Lời của Chúa, nên Lời đó chuẩn bị cho ông những mục vụ tốt đẹp mà Chúa ủy thác. Lời Đức Chúa Trời làm cho ông trở thành một người lãnh đạo, giáo sư và khiến ông có đức tin để tin cậy Đức Chúa Trời trong những tình huống khó khăn. Ông phục vụ Chúa vì sự vinh hiển của Ngài – không vì các tư lợi cá nhân. Khi ông cầu nguyện, cánh tay của Chúa phù trợ ở trên ông và dân sự. Kết quả là Đức Chúa Trời được vinh hiển trong tất cả những gì ông làm.

E-xơ-ra mời gọi chúng ta ghi danh vào Trường học của Đức Chúa Trời về nghệ thuật lãnh đạo. Không có Trường nào tốt hơn.

admin

 

 

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên