Trang Chủ TRANG CHỦ Ê-li

Ê-li

859
0
SHARE

Nghe bài chia sẻ, click vào hình tam giác nhỏ bên trên.

“Lạy Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên… tôi là kẻ tôi tớ Ngài”

1 Các vua 18:36

Tên Ê-li có nghĩa là “Giê-hô-va là Đức Chúa Trời của tôi.” Điều này rất quan trọng, hãy ghi nhớ.

Trong đời vua A-háp cùng với Giê-sa-bên là người vợ độc ác của vua cai trị, chỉ có Ê-li và bảy ngàn người Y-sơ-ra-ên khác  có thể chân thành nói rằng: “Giê-hô-va là Đức Chúa Trời của tôi.” Gần như cả vương quốc Y-sơ-ra-ên đều thờ thần Ba-anh. Hoàng hậu Giê-sa-lên là công chúa vua Si-đôn, người đã đem thần tượng Ba-anh đến Y-sơ-ra-ên khi kết hôn cùng A-háp, và bà yêu cầu dân Y-sơ-ra-ên phải thờ phượng thần tượng của bà. Bà giết các tiên tri chân thật của Đức Giê-hô-va và dùng ngân sách nhà nước để cung cấp cho hàng trăm thầy tế lễ và tiên tri giả của thần Ba-anh cùng nữ thần Át-tạt-tê. Đất nước Y-sơ-ra-ên chính thức bội đạo, quay lưng với Đức Chúa Trời.

Tại sao dân sự lại muốn thờ lạy thần Ba-anh trong khi chính Giê-hô-va Đức Chúa Trời mới là Đấng họ cần? Ba-anh và Át-tạt-tê là những hình tượng do con người dựng nên, nhưng Đức Giê-hô-va mới chính là Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật. Câu chuyện của Ê-li là một câu chuyện kể về Đức Chúa Trời, và từ những điều Ê-li nói và làm, chúng ta sẽ cùng khám phá Giê-hô-va Đức Chúa Trời thật sự là ai.

1.ĐỨC CHÚA TRỜI THÀNH TÍN VỚI GIAO ƯỚC NGÀI

Đất thuộc về Chúa, và dân sự được phép sống và hưởng lợi trên đất ấy miễn là họ tôn trọng các điều khoản của giao ước Chúa. Họ biết những điều khoản ấy là gì và Chúa sẽ làm gì nếu họ vi phạm các điều khoản ấy, chính vì thế việc dân sự thờ phượng thần tượng là không thể bào chữa được. Một điều khoản trong giao ước đó chính là Đức Chúa Trời sẽ không ban mưa nếu dân sự không thờ phượng một mình Ngài là Đức Chúa Trời. Nếu dân sự thờ lạy hình tượng, Đức Chúa Trời sẽ khiến hạn hán và đói kém xảy ra (xem Phục 11:8-21; 28:9-14, 23-24).

Chúa gọi Ê-li để ông kêu gọi dân sự chú ý đến sự vi phạm giao ước này và cảnh báo với họ rằng sự đoán phạt sắp xảy đến. Một ngày nọ Ê-li xuất hiện và nói cùng vua A-háp rằng Đức Chúa Trời sẽ giáng một cơn hạn hán và mưa sẽ không rơi cho đến chừng Ê-li nói. Gia-cơ 5:17 nói rằng Ê-li trước hết đã cầu nguyện về việc này, và trong Lu-ca 4:25 cho chúng ta biết rằng cơn hạn hán kéo dài ba năm rưỡi. Bởi vì người nông dân phải phụ thuộc vào những cơn mưa đầu mùa và cơn mưa cuối mùa, chính vì thế đây quả thật là một kỳ hạn hán lâu dài.

Đức Chúa Trời luôn luôn thành tín với lời hứa của Ngài, dù đó là phước lành hay sự sửa phạt. “Các đường lối Đức Giê-hô-va đều là nhân từ và chân thật cho kẻ nào giữ gìn giao ước và chứng cớ của Ngài” (Thi thiên 25:10). Người Do Thái giống như con trẻ, họ chỉ hiểu thưởng và phạt. Nếu họ vâng lời thì họ được thưởng; nhưng nếu họ không vâng lời thì họ chịu hình phạt. Còn bài học nào có thể đơn giản hơn thế nữa?

2.ĐỨC CHÚA TRỜI DẪN DẮT VÀ CHU CẤP

Ê-li không bao giờ thảy đồng xu hoặc nghiên cứu thiên văn học để tìm biết Chúa muốn ông làm điều gì. Cụm từ “lời của Đức Giê-hô-va đến với Ê-li” xuất hiện sáu lần trong câu chuyện về cuộc đời của ông, và hai lần thiên sứ của Chúa truyền lệnh cho ông (2 Các vua 1:3, 15). Ba lần Ê-li nói với Ê-li-sê rằng: “Đức Giê-hô-va sai ta” (2 Các vua 2:2, 4, 6). Kể cả khi Ê-li không vâng theo ý muốn Chúa, Ngài vẫn phán cùng ông và giải quyết vấn đề với ông một cách đầy yêu thương (1 Các vua 19:9). Thần Ba-anh không thể hướng dẫn những người thờ phượng nó bởi vì đó là một thần chết, nó không thể nhìn thấy những người thờ phượng mình, cũng không thể nghe lời cầu nguyện của họ, và không thể phán cùng họ bởi vì nó có miệng nhưng không thể nói (Thi thiên 115:4-8).

Trong ba năm rưỡi hạn hán, Ê-li luôn có thức ăn và nước uống, vì ông tin cậy Chúa và vâng theo các mệnh lệnh của Ngài. Đây quả thực là một sự khích lệ lớn cho những đầy tớ trung tín của Chúa. “Nầy, các tôi tớ ta sẽ ăn, còn các ngươi thì đói; nầy, tôi tớ ta sẽ uống, còn các ngươi thì khát; nầy, tôi tớ ta sẽ được vui vẻ, còn các ngươi thì bị nhuốc nhơ” (Ê-sai 65:13). Những con chim quạ đem đến thức ăn cho Ê-li tại khe Kê-rít, và khi dòng nước trong khe đã cạn, Đức Chúa Trời sai Ê-li đi hàng trăm dặm đến Sa-rép-ta nơi một quả phụ chăm sóc cho ông. Sa-rép-ta nằm trong quê hương của Giê-sa-bên, nhưng Ê-li không hề sợ hãi. A-háp ráo riết tìm kiếm Ê-li (1 Các vua 18:10), nhưng Đức Chúa Trời bảo vệ đầy tớ của Ngài. Nơi an toàn nhất trên thế giới đó chính là ở trong ý muốn của Đức Chúa Trời.

3. ĐỨC CHÚA TRỜI ĐÁP LỜI CẦU XIN

Chính Đức Chúa Trời, Đấng đã sai Ê-li đi ẩn mình (1 Các vua 17:3), giờ đây phán cùng ông rằng hãy đi ra mắt A-háp và nhóm họp dân chúng (1 Các vua 18:1). A-háp gọi Ê-li là “kẻ làm rối loạn Y-sơ-ra-ên” (1 Các vua 18:17), tuy nhiên chính A-háp cùng vợ mình là Giê-sa-bên mới là kẻ gây ra sự rối loạn. Cuộc đối đầu giữa Đức Giê-hô-va và Ba-anh tại núi Cạt-mên (biên giới giữa Y-sơ-ra-ên và Phê-ni-xi) không hề là một cuộc thi thố bởi vì Giê-sa-bên và các tiên tri giả của bà không hề có cơ hội để làm điều đó. Khi cuộc đối đầu này kết thúc, không ai nghi ngờ rằng Đức Giê-hô-va chính là Đức Chúa Trời và Ê-li là tôi tớ của Ngài.

Hiện diện tại cuộc đối đầu này đó chính là Ê-li, tiên tri của Đức Giê-hô-va, cùng với đại diện của mười chi phái Y-sơ-ra-ên và 850 tiên tri và thầy tế lễ của Ba-anh. Chúng ta không biết có bao nhiêu khán giả thuộc về nhóm những người trung tín, những người vẫn hằng tôn kính Đức Giê-hô-va, nhưng khi dân sự nhìn thấy lửa từ trời giáng xuống thiêu đốt của tế lễ, họ bèn sấp mình xuống đất mà la lên rằng: “Giê-hô-va là Đức Chúa Trời! Giê-hô-va là Đức Chúa Trời!” (1 Các vua 18:39). Kế đến, dân sự đã giúp Ê-li bắt tất cả các thầy tế lễ và tiên tri Ba-anh mà giết đi, đây cũng là một mệnh lệnh trong giao ước (xem Phục 13:13-18; 17:2-5).

Tuy vậy vẫn còn một nhiệm vụ mà tiên tri Ê-li phải thực hiện: ông phải cầu nguyện xin Đức Chúa Trời chấm dứt kỳ hạn hán và ban mưa xuống. Đức Chúa Trời đáp lời cầu nguyện và ban một cơn mưa nặng hạt, một bằng chứng khác để thể hiện rằng chỉ duy Đức Giê-hô-va mới chính là Đức Chúa Trời chân thật và hằng sống. Ba-anh là thần giông tố của xứ Phê-ni-xi, nhưng hắn không thể khiến lửa để thiêu đốt của tế lễ huống hồ sai mưa để chữa lành đất! Gia-cơ 5:16-18 dùng câu chuyện này để chứng minh rằng: “người công bình lấy lòng sốt sắng cầu nguyện, thật có linh nghiệm nhiều.”

4. ĐỨC CHÚA TRỜI LÀ ĐẤNG NHẪN NẠI

Gia-cơ 5:17 viết rằng: “Ê-li vốn là người yếu đuối như chúng ta,” và 1 Các vua 19 thì minh chứng cho điều ấy. Alexander Whyte phát biểu rằng: “Ê-li có một cái tên rất thiêng liêng, nhưng ông phải bắt đầu với chính bản chất trần tục của mình.”[1] Giê-sa-bên có quyền sai một sát thủ thay vì một sứ giả đến với Ê-li, song mục đích thật của bà là để đe dọa tiên tri Ê-li và ngăn không cho ông tập hợp những người trung tín lại. Nếu Ê-li tử đạo, điều đó sẽ khiến cho dân chúng hiệp một và khuấy động họ tiếp tục cuộc chiến chống lại Ba-anh. Nếu Ê-li biến mất khỏi hiện trường, những người trung tín còn sót lại sẽ không có lãnh đạo, và Ê-li sẽ chỉ thắng cuộc chiến đấu nhưng không giành được thắng lợi. Cũng như bao lãnh đạo khác trong Kinh Thánh, Ê-li thất bại ở điều mà ông mạnh mẽ nhất, và trong trường hợp này chính là sự can đảm. Sợ hãi và đức tin không thể tồn tại trong cùng một tấm lòng.

Điều gì khiến cho vị tiên tri mạnh như bão tố này thất bại trong khi ông đang đứng ở ngưỡng cửa của một thắng lợi vĩ đại? Cuộc đối đầu tại núi Cạt-mên đã lấy đi của ông hết mọi sức lực; thần kinh căng thẳng, đói, khát và mệt mỏi. Ê-li đã có một quyết định tồi tệ nhất trong giờ phút yếu mệt nhất. Vị tiên tri này trải qua điều mà ngày nay chúng ta gọi là “kiệt sức,” và đây chính là giờ phút để kẻ thù nhân cơ hội tấn công. Khi Ê-li để tôi tớ của ông ở lại, và ông trốn vào đồng vắng, ông đã khiến cho tình hình càng trở nên xấu hơn, bởi vì những người ở một mình là những người đặc biệt dễ bị tổn thương. Sa-lô-môn khuyên rằng: “hai người hơn một,” đây chính là lý do vì sao Đức Chúa Giê-su sai các môn đồ đi theo từng cặp. Trong những lúc sợ hãi và dường như thất bại, chúng ta cần một ai đó trò chuyện, cầu nguyện và cho chúng ta một cái nhìn rõ ràng về những gì đang xảy ra. Thậm chí Đức Chúa Trời đã ban cho Ê-li có một tình bạn với người kế vị của mình là Ê-li-sê, và mọi việc đã trở nên tốt hơn.

Ê-li đi một trăm dặm đến Bê-e-sê-ba và rồi hai trăm năm mươi dặm nữa đến núi Si-nai. Có lẽ Ê-li mong có được đôi chút tinh thần của Môi-se khi ông gặp mặt Chúa tại núi Si-nai sau bi kịch dân Y-sơ-ra-ên sa vào sự thờ lạy hình tượng (Xuất 32-34). Tuy nhiên thay vì cầu thay cho dân Y-sơ-ra-ên giống như Môi-se đã làm, Ê-li đắm chìm trong sự thương hại bản thân và thưa cùng Chúa rằng ông là người trung tín duy nhất còn lại. “Mọi người đều đã sa ngã, chỉ một mình con là đầy tớ trung tín của Ngài.” Trung tín? Sau khi từ bỏ chiến trận?

Đức Chúa Trời luôn luôn nhẫn nại và Ngài kiên nhẫn hành động để đem đầy tớ của Ngài quay trở về với thực tại. Suốt hành trình của Ê-li, Chúa đã sai một thiên sứ đem đến cho ông thức ăn, nước uống và bảo vệ khi ông ngủ. Khi Ê-li ẩn mình trong hang, Đức Chúa Trời bày tỏ nhiều quyền phép – gió bão, động đất, lửa – nhưng không một điều nào có thể lay động vị tiên tri này; và rồi Đức Chúa Trời lấy tiếng êm dịu nhỏ nhẹ mà phán, và Ê-li rời khỏi chiếc hang ấy. Chúa nhắc nhở đầy tớ của Ngài không nên đoán xét công việc thiên thượng bằng những chuẩn mực của con người chẳng hạn như quy mô hay tiếng ồn. Bão tố, động đất và lửa có thể là những điều rất vĩ đại, thậm chí gây kinh khiếp, tuy nhiên những điều ấy không thể thay đổi lòng người. Chỉ có tiếng nói êm dịu nhỏ nhẹ của Đức Chúa Trời mới làm thay đổi lòng người. Những điều hấp dẫn có thể thu hút một đám đông nhưng không thể tạo nên một con người tin kính.

Hãy dâng lời cảm tạ vì Đức Chúa Trời là Đấng nhẫn nại đối với con cái của Ngài và nhẹ nhàng phán với chúng ta khi chúng ta bỏ trốn và cảm thấy tổn thương. “Đức Giê-hô-va có lòng thương xót, hay làm ơn, chậm nóng giận, và đầy sự nhân từ” (Thi 103:8).

5. ĐỨC CHÚA TRỜI XÉT ĐOÁN TỘI LỖI

Đức Chúa Trời vẫn còn nhiều công tác dành cho tiên tri Ê-li. Ông phải kêu gọi Ê-li-sê làm người kế vị của mình (1 Các vua 19:19-21), và về sau Ê-li-sê phải xức dầu cho Ha-xa-ên và Giê-hu, và Giê-hu sẽ là người quét sạch sự thờ lạy Ba-anh ra khỏi Y-sơ-ra-ên. Ê-li còn phải gặp vị vua độc ác A-háp thêm một lần nữa để cáo trách ông đã cho phép Giê-sa-bên giết Na-bốt để chiếm đất của ông mà đem cho chồng bà. Kết cuộc A-háp đã bị giết trong trận chiến tại Ra-mốt trong Ga-la-át, còn Giê-sa-bên thì bị đẩy ngã khỏi cửa sổ trên lầu mà chết, những con chó đến ăn xác và uống huyết của bà.

Có một sự khác biệt giữa cải cách và phấn hưng thuộc linh. Việc phá hủy mọi thần tượng và giết các tiên tri giả là một việc quan trọng, nhưng điều quan trọng hơn đó là thay đổi lấm lòng của con người. Y-sơ-ra-ên là một quốc gia của giao ước, và Đức Chúa Trời hoàn toàn có quyền xét đoán tội lỗi dân sự, tuy nhiên nếu họ không hạ mình mà quay về với Chúa, họ sẽ sớm trở lại đường lối gian ác. Cả Y-sơ-ra-ên và Giu-đa đều hầu việc Đức Chúa Trời nhưng cũng đồng thời thờ lạy hình tượng, và cả hai vương quốc đều bị tàn lụn, bị kẻ thù cai trị.

6. ĐỨC CHÚA TRỜI HÔM QUA NGÀY NGAY VÀ CHO ĐẾN ĐỜI ĐỜI

Chúa của chúng ta là Đức Chúa Trời đời đời, Đấng hôm qua, ngày nay và tương lai. “Đức Chúa Jêsus Christ hôm qua, ngày nay, và cho đến đời đời không hề thay đổi” (Hê-bơ-rơ 13:8). Ê-li đi thăm lại một số địa điểm lịch sử quan trọng trong xứ khiến ông và Ê-li-sê nhớ lại sự thành tín của Đức Chúa Trời trong quá khứ. Tại Ghinh-ganh, Chúa đã “đã cất khỏi các ngươi sự xấu hổ của xứ Ê-díp-tô” (Giô-suê 5:9); tại Bê-tên, Gia-cốp đã có một trải nghiệm với Chúa khiến thay đổi cuộc đời của ông (Sáng 28, 35); tại Giê-ri-cô, Giô-suê đã có được một thắng lợi vĩ đại (Giô-suê 6); và tại sông Giô-đanh, dân Y-sơ-ra-ên đã đi ngang qua dòng nước mà tiến vào Đất Hứa (Giô-suê 1-4). Hãy nhắc nhở chính mình rằng hằng năm Hội Thánh kỷ niệm những điều Đức Chúa Trời đã làm cho chúng ta trong quá khứ – Đức Chúa Giê-su giáng sinh, sống, chết, phục sinh và thăng thiên, và Đức Thánh Linh giáng lâm trong ngày Lễ Ngũ Tuần. Thật là những cột mốc lịch sử vĩ đại mà Chúa đã làm!

Tuy nhiên những sự kiện trong quá khứ cũng có thể tác động đến đời sống tâm linh của chúng ta ngày nay. Ê-li-sê học được rằng Chúa của Ê-li không chết nhưng Ngài có thể đem đầy tớ của Ngài về nhà trong vinh quang và năng quyền vĩ đại. Ê-li-sê chính là “người con thuộc linh” của Ê-li, chính vì thế mà Ê-li-sê đã cầu xin  phần thừa kế gấp đôi, là quyền lợi của con trưởng nam (Phục 21:17) và ông đã nhận được. Đức Chúa Trời không chết và bất cứ nơi nào dân sự của Chúa có đức tin thì Ngài sẽ bày tỏ quyền năng vĩ đại của Ngài. Ê-li-sê tiến bước vào tương lai với lòng tin rằng Đức Chúa Trời ở cùng ông và công tác Chúa sẽ được tiếp tục.

Thật công tác Chúa đã được tiếp nối! Giăng Báp-tít đến trong “tâm thần quyền phép Ê-li” (Lu-ca 1:11-17; so sánh Ma-la-chi 4:5-6) và chuẩn bị con đường cho Đức Chúa Giê-su Christ. Ê-li gặp gỡ Đức Chúa Giê-su và Môi-se tại Núi Hóa Hình (Ma-thi-ơ 17:1-13). Trước đó KT ghi chép về Ê-li: “Hai người (Ê-li và Ê-li-sê) cứ vừa đi vừa nói với nhau, kìa, có một cái xe lửa và ngựa lửa phân-rẽ hai người; Ê-li lên trời trong một cơn gió lốc.” (2 Các vua 2:11)

Ê-li-sê hỏi rằng: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Ê-li ở đâu?” (2 Các vua 2:14) ông đập nước sông Giô-đanh thì dòng nước rẽ ra hai bên cho ông đi ngang qua. Tuy nhiên câu hỏi quan trọng ngày nay không phải là “Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Ê-li ở đâu?” nhưng là “Các Ê-li đang ở đâu?” Đâu là những người sẽ nói với Chúa rằng: “Ngài là Đức Chúa Trời… và con là tôi tớ Chúa” và tin cậy Ngài mà làm việc?

admin

[1] Whyte, Bible Characters, 363.

 

 

 

 

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên