Trang Chủ TRANG CHỦ Dũng Sĩ Ghê-đê-ôn

Dũng Sĩ Ghê-đê-ôn

1067
0
SHARE

Nghe bài chia sẻ tại đây:

Hỡi người dõng sĩ! Đức Giê-hô-va ở cùng ngươi.

Các Quan Xét 6:12

Zoom  của Hội Thánh Giê-rê-mi:
 ID: 678 321 4567 và PW: 123456. Hội Thánh Giê-rê-mi nhóm lại vào lúc 5 giờ chiều mỗi ngày (giờ Việt Nam). Kính mời các bạn hữu vào Zoom tham dự.   

Bất cứ khi nào người Do Thái trong Cựu Ước muốn tả về một chiến thắng vĩ đại thì đều so sánh chiến thắng đó với chiến thắng của Đức Chúa Trời trên Ai Cập trong hành trình ra khỏi Ai Cập hoặc cuộc chinh phục của Ghê-đê-ôn đối với dân Ma-đi-an trong thời Các Quan Xét. Quả thật “ngày của Ma-đi-an” là một trải nghiệm đầy vinh quang trong lịch sử Do Thái, và họ không bao giờ quên ngày ấy (Thi 83:9, 11; Ê-sai 9:4; 10:26). Trước giả sách Các Quan Xét dành một phần đáng kể của sách để viết về Ghê-đê-ôn, và trước giả Hê-bơ-rơ 11 đã tôn vinh Ghê-đê-ôn khi liên tưởng ông với những anh hùng vĩ đại như Sa-mu-ên và Đa-vít (Hê-bơ-rơ 11:32).

Tuy nhiên, Ghê-đê-ôn không có khởi đầu của một “người dõng sĩ,” và không ai trong chi phái Ma-na-se nghĩ về ông như một chiến binh. Chúng ta có ấn tượng rằng gia đình Ghê-đê-ôn là một gia đình khá giả với ít nhất mười đầy tớ (Các 6:27), và Ghê-đê-ôn là người con út trong gia đình (Các. 6:15). Rất có thể cha của ông là một trong số các lãnh đạo của nhóm người thờ tà thần Ba-anh, song dường như Ghê-đê-ôn biết Đức Chúa Trời và những công việc của Ngài đối với dân Y-sơ-ra-ên trong quá khứ (Các. 6:13). Làm thế nào Đức Chúa Trời đã biến đổi Ghê-đê-ôn từ một chàng trai trẻ đầy sợ hãi trở thành một “người dõng sĩ,” người đã cứu Y-sơ-ra-ên? Ngài đã đối đãi với ông cùng một cách mà Ngài sẽ đối đãi với chúng ta khi Ngài muốn chúng ta hầu việc Ngài.

1.ĐỨC CHÚA TRỜI THÁCH THỨC CHÚNG TA (Các Quan Xét 6:1-14)

Nhiều học giả tin rằng thiên sứ của Chúa hiện ra cho Ghê-đê-ôn chính là ngôi hai trong Ba Ngôi Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Giê-su Christ. Người viếng thăm được gọi là “Đức Giê-hô-va” (Các 6:14, 16, 18) và thậm chí người đã tiếp nhận sự thờ phượng (c. 17-22), điều mà không thiên sứ nào dám nhận. (Chúng ta tìm thấy một cảnh tượng tương tự trong Các quan xét 13.) Nhưng dù chính Đức Chúa Trời hay một thiên sứ đặc biệt nào của Ngài đã đến thăm Ghê-đê-ôn, việc một sứ giả xuất hiện tại đây là vô cùng ý nghĩa. Nó có nghĩa là Đức Chúa Trời có một công tác đặc biệt cho Ghê-đê-ôn.

Đức Chúa Trời biết chàng trai trẻ này là ai – người nhỏ tuổi nhất trong một gia đình nông dân khá giả; Ngài biết ông đang ở đâu – nấp tại một bàn ép nho để đập lúa mạch. Ông đang lẩn trốn! Song Đức Chúa Trời gọi Ghê-đê-ôn là “người dõng sĩ” và khẳng định Đức Chúa Trời ở cùng ông. Ngài đã gọi ông là một dõng sĩ! Tuy nhiên Đức Chúa Trời không dùng mẹo tâm lý rẻ tiền để cải thiện hình ảnh cá nhân của Ghê-đê-ôn. Đức Chúa Trời biết tiềm năng bên trong của Ghê-đê-ôn, và Ngài đang hành động để khai phóng tiềm năng đó. Đức Chúa Giê-su đã nói điều tương tự với Si-môn Phi-e-rơ: “Ngươi là Si-môn, con của Giô-na; ngươi sẽ được gọi là Sê-pha (nghĩa là Phi-e-rơ)” (Giăng 1:42). Cả Phi-e-rơ và Sê-pha đều có nghĩa là “hòn đá.” Đó chính là cách Đức Chúa Trời thách thức chúng ta: “Bạn chính là – người mà bạn sẽ trở thành.” Và quả thật Phi-e-rơ đã trở nên một hòn đá, và Ghê-đê-ôn trở thành một người dõng sĩ.

Cũng như Ghê-đê-ôn, chúng ta thường có xu hướng tranh luận và cố gắng thuyết phục Chúa rằng khẳng định của Ngài về tiềm năng của chúng ta đã bị phóng đại quá mức. Môi-se đã làm điều đó khi Đức Chúa Trời kêu gọi ông (Xuất. 3-4), và chàng trai trẻ Giê-rê-mi cũng thế (Giê-rê-mi 1); tuy nhiên cuối cùng họ đều thuận phục và đầu phục ý muốn Chúa. Mừng cho họ vì đã làm thế, bởi vì nhờ đó mà họ mới trở thành người mà Chúa muốn họ trở thành. “Vì, ai biết ý tưởng Chúa, ai là kẻ bàn luận của Ngài?” (Rô-ma 11:34) Vì có khi nào Đức Chúa Trời cần chúng ta làm người cố vấn cho Ngài? Sau hết, từ trước khi chúng ta sanh ra, Đức Chúa Trời đã có kế hoạch cho tử cung một người mẹ sẽ hoài thai chúng ta, Ngài trang bị chúng ta để hoàn thành ý muốn Ngài (Thi 139:1-16). Ý muốn của Đức Chúa Trời chính là tình yêu của Ngài dành cho chúng ta (Thi 33:11), vậy chúng ta hãy tiếp nhận lời phán của Chúa và cho phép Ngài hành động.

2.ĐỨC CHÚA TRỜI LÀM VỮNG CHẮC ĐỨC TIN CỦA CHÚNG TA (Các quan xét 6:16-7:14)

Dù Ghê-đê-ôn có nghĩ về chính mình như thế nào, nhưng Đức Chúa Trời phán rằng ông sẽ trở nên một dũng sĩ. Lời hứa và sự hiện diện của Chúa đảm bảo cho sự thành công với điều kiện Ghê-đê-ôn phải tin cậy và vâng lời. Đức Chúa Trời ban mệnh lệnh thì Ngài cũng ban cho năng lực, bởi vì đó chính là ý nghĩa của việc sống bởi đức tin. Song đức tin Ghê-đê-ôn rất yếu, chính vì thế Chúa đã bắt đầu làm vững chắc đầy tớ của Ngài để thực hiện nhiệm vụ Ngài giao.

Ít nhất mười hai lần Đức Chúa Trời đã phán cùng Ghê-đê-ôn trong chương các chương 6 – 7, bởi vì đức tin thật đến từ việc lắng nghe “lời đức tin” là Kinh Thánh và tiếp nhận lời ấy vào lòng (Rô-ma 10:8, 17). Đức Chúa Trời cũng bày tỏ sự vinh hiển và quyền năng Ngài cho Ghê-đê-ôn khi Ngài chạm đến của dâng hiến và lửa từ hòn đá bốc lên thiêu hóa chúng. Sau đó người đưa tin biến đi khỏi mắt người! Đầu tiên chúng ta nghe và tin, sau đó đức tin được xác nhận bởi mắt thấy. Đáp lại, Ghê-đê-ôn xây một bàn thờ cho Chúa. Khi bạn tin cậy Đức Chúa Trời, bạn sẽ muốn thờ phượng Ngài.

Nhưng đó chỉ mới là bài học đầu tiên về đức tin. Bước tiếp theo Đức Chúa Trời truyền lệnh cho Ghê-đê-ôn phải phá dỡ bàn thờ thần Ba-anh tại nhà cha của mình và đánh hạ hình tượng nữ thần A-sê-ra ở trên đó. Sau đó ông phải dâng con bò đực thứ nhì của cha ông trên bàn thờ mà ông đã lập cho Đức Giê-hô-va. Đức tin không trưởng thành ngay tức khắc, chính vì thế chúng ta đừng nên chỉ trích Ghê-đê-ôn vì đã thực hiện những mệnh lệnh ấy trong đêm. Sáng hôm sau, các người nam trong thành muốn giết Ghê-đê-ôn vì việc ông đã làm, nhưng cha của ông đã chỉ ra rằng thật ngu muội khi thờ một thần không thể tự bảo vệ chính mình. Sau cuộc tranh cãi này, tất cả những gì Ghê-đê-ôn nhận được đó là biệt danh – Giê-ru-ba-anh, nghĩa là “địch thủ của Ba-anh.” Trước tiên Đức Giê-hô-va đã thử thách Ghê-đê-ôn tại nhà, bởi vì nơi đó phải là nơi đức tin bắt đầu.

Sau đó Đức Chúa Trời làm vững chắc đức tin của Ghê-đê-ôn khi đổ đầy ông bằng quyền năng của Đức Thánh Linh. Đức tin nghĩa là sống không bởi mưu kế, cũng không bởi nỗ lực hay kinh nghiệm cá nhân. Giờ đây khi đã có một lãnh đạo đầy dẫy Đức Thánh Linh, Chúa đem lại một đội quân 32.000 người tình nguyện từ A-bi-ê-xê-rít thuộc chi phái Ma-na-xe (chi phái của Ghê-bê-ôn) cũng như những người tình nguyện từ chi phái A-se, Sa-bu-lôn và Nép-ta-li (Các 6:34). Nhưng làm thế nào 32.000 người có thể chiến đấu với một đội quân đông như châu chấu trong thung lũng còn lạc đà của họ thì như cát bờ biển (Các 7:12)? Có lẽ Ghê-đê-ôn đang nhụt chí.

Tuy nhiên bài học thứ ba chính là: Đức Chúa Trời đã thông cảm cho sự yếu đuối của Ghê-đê-ôn và thực hiện những yêu cầu của ông đối với bộ lông cừu (Các 6:36-40). Khi Cơ Đốc Nhân nói về việc “để ngoài sân bộ lông cừu,” nghĩa là họ đang thú nhận sự nghi ngờ và sợ hãi chứ không phải đức tin. Ghê-đê-ôn biết lời hứa của Chúa (Các 6:36), nhưng ông muốn Ngài chứng minh lời hứa đó. Quả thật Đức Chúa Trời giàu ân điển, “Vì Ngài biết chúng tôi nắn nên bởi giống gì, Ngài nhớ lại rằng chúng tôi bằng bụi đất” (Thi 103:14).

Ghê-đê-ôn thử Chúa, vậy nên Ngài tiếp tục thử thách Ghê-đê-ôn bằng việc loại bỏ 99 phần trăm quân đội của ông! Con số giảm từ 32.000 xuống còn 300! Đức Chúa Trời muốn Ghê-đê-ôn phải tin cậy Ngài chứ không tin cậy vào con người, vũ khí hay chiến thuật. Phục truyền luật lệ ký 20:1-9 ghi lại chỉ dẫn của Chúa để chuẩn bị một đội quân chiến đấu, và tại đó không có chỗ cho những binh lính nhút nhát. Chúng ta có thể không nhận thấy ý nghĩa sâu xa nào sau phần thử thách uống nước bên bờ sông. Đó chỉ là phương cách của Chúa để nhanh chóng tìm ra cho Ghê-đê-ôn 300 người mà Chúa đã chọn. Một lần nữa, Đức Chúa Trời hứa với Ghê-đê-ôn rằng Ngài sẽ đánh bại kẻ thù (Các. 7:7).

Bởi ân điển, Chúa đã ban cho Ghê-đê-ôn sự khích lệ cuối cùng khi cho phép ông lắng nghe cuộc trò chuyện và bàn mộng của các lính canh Ma-đi-an (Các. 7:9-15). Lúa mạch là một loại hạt rẻ tiền và thường được người nghèo sử dụng, chính vì vậy thật chẳng ngoa khi ví sánh Ghê-đê-ôn với một chiếc bánh lúa mạnh. Chúa muốn nhắc ông rằng nếu ông tin cậy nơi Đức Chúa Trời thay vì tin vào chính mình, thì ông sẽ nhận được phần thắng. Nếu lính canh của kẻ thù tin rằng Ghê-đê-ôn sẽ thắng thì tại sao Ghê-đê-ôn lại nghi ngờ về điều đó? Nhưng Ghê-đê-ôn không được tôn mình lên, bởi vì ông chỉ là một chiếc bánh lúa mạch!

3.ĐỨC CHÚA TRỜI BAN PHƯỚC KHI CHÚNG TA VÂNG LỜI (Các quan xét 7:15-8:35)

Chắc chắn 300 quân lính đều được trang bị vũ khí, song họ bắt đầu tấn công bằng những cái bình không, kèn và đuốc. Đức Chúa Trời vẫn sử dụng những điều ngu muội và yếu đuối để làm xấu hổ những điều “vĩ đại” trong thế gian nầy (1 Cô-rinh-tô 1:26-31), bởi vì đó chính là cách mà Ngài được tôn vinh nhiều nhất. Ghê-đê-ôn đã có thể tổ chức một cuộc họp lãnh đạo xuyên đêm và bàn cãi về chiến thuật của Chúa, nhưng đó chỉ là một sự lãng phí thời gian đầy nguy hại. Ánh sáng bất ngờ bùng lên, tiếng kèn thổi, và tiếng la lớn của đội quân khiến cho người Ma-đi-an bất ngờ, kẻ thù bắt đầu đâm chém lẫn nhau và chạy trốn. Ghê-đê-ôn kêu gọi tiếp viện, vậy số còn lại của quân đội cùng những tình nguyện viên mới (thật dễ tham gia tình nguyện khi ta đã biết một đội quân đang thắng cuộc), và họ đuổi theo quân địch và giết 120.000 người (Các 8:10).

Cách Ghê-đê-ôn giải quyết vấn đề với người Ép-ra-im (Các. 8:1-3) cho thấy ông biết cách dùng lời đáp êm nhẹ như thế nào (Châm. 15:1; 17:14), và cách ông trừng phạt người Su-cốt (Các 8:4-21) cho thấy ông có sự khôn ngoan sáng suốt. Người Ép-ra-im có lời phàn nàn cá nhân với Ghê-đê-ôn, nhưng người Su-cốt thì chống lại người chỉ huy của Chúa. Trong chiến lược “càn quét” của Ghê-đê-ôn, ông biết cần phải tha cho ai và cần phải phạt ai. Tuy nhiên điều rõ ràng đó là Đức Chúa Trời đã làm điều kỳ diệu theo một cách vượt trội nhất, và Ghê-đê-ôn đã hành động bởi đức tin.

Nếu câu chuyện kết lại tại đây ắt hẳn sẽ tốt hơn rất nhiều cho Ghê-đê-ôn và dân Y-sơ-ra-ên: Ghê-đê-ôn thắng một trận chiến nhưng gặt lấy thất bại sau đó. Andrew Bonar đã phát biểu rằng: “Hãy cẩn trọng trước lúc bước vào cuộc chiến cũng như sau khi đã chiến thắng,” nhưng Ghê-đê-ôn không biết hoặc không lưu tâm đến lời cảnh báo ấy. Ông tỏ vẻ thuộc linh khi từ chối ngôi vương và nói rằng: “Đức Giê-hô-va sẽ quản trị các ngươi” (Các 8:23), nhưng trong lòng ông lại muốn thu về cho mình những hoa lợi mà đất nước tạo ra. Ông không làm vua, nhưng ông đã sống những năm cuối đời như một vị vua! Sau khi giải cứu dân Y-sơ-ra-ên khỏi sự trói buộc do sự thờ lạy hình tượng gây ra, Ghê-đê-ôn đã dẫn dân sự quay trở về với chính sự thờ lạy hình tượng mà tay họ tự tạo nên!
Trưng dẫn KT:
24 Đoạn, Ghê-đê-ôn nói cùng chúng rằng: Ta chỉ xin các ngươi một điều nầy, là mỗi người trong các ngươi phải giao cho ta những vòng mình đã đoạt lấy. (Vả, quân nghịch có những vòng vàng, vì chúng nó vốn là dân Ích-ma-ên). 25 Chúng đáp: Chúng tôi sẵn lòng giao cho ông. Họ trải một áo tơi ra, rồi hết thảy đều ném vào đó những vòng của mình đã đoạt lấy. 26 Những vòng vàng mà Ghê-đê-ôn đã xin, cân được một ngàn bảy trăm siếc-lơ vàng, không kể những đồ trang sức hình như trăng lưỡi liềm, hoa tai, và áo sắc điều của vua Ma-đi-an thường mặc, cùng những kiềng nơi cổ lạc đà. 27 Ghê-đê-ôn lấy vật đó làm một cái ê-phót, để trong thành mình tại Óp-ra. Cả Y-sơ-ra-ên đều cúng thờ cái ê-phót đó; nó trở thành một cái bẫy cho Ghê-đê-ôn và cả nhà người. (Các. 8:24-27)
Chú thích:

Ê-phót là một phần trong trang phục của thầy tế lễ thượng phẩm. Kinh Thánh không mô tả rõ ràng hình dáng của ê-phót nhưng dựa vào chất liệu là vải gai đậu mịn, được thêu tinh xảo bằng chỉ kim tuyến, chỉ màu tím, đỏ điều, đỏ sặm; phía trên có hai đai vai, được cột ở phía ngoài, phía trước ngực được gắn một bảng đeo ngực, chúng ta có thể hình dung ê-phót giống như chiếc áo dài không có tay gồm bốn mảnh để mặc lót và làm nền cho những trang phục thánh được gắn lên.

Ghê-đê-ôn đã bỏ lỡ cơ hội quý báu để dẫn đất nước quay trở về với Đức Chúa Trời và luật pháp Môi-se. Đánh bại kẻ thù vẫn chưa đủ; họ phải đầu phục Chúa và sống làm đẹp lòng Ngài. Ngay khi Ghê-đê-ôn qua đời, dân sự đã quay trở về với thần Ba-anh. Thân thể của họ được giải phóng khỏi trói buộc, nhưng tấm lòng họ vẫn là nô lệ cho hình tượng. Nhờ đức tin, “người dũng sĩ” đã đưa Y-sơ-ra-ên đến chiến thắng, nhưng vì kiêu ngạo và tham lam, ông đã dẫn dân sự về với sự thất bại.

KT:
Sau khi Ghê-đê-ôn qua đời, dân Y-sơ-ra-ên trở lại hành dâm cùng các Ba-anh, và chọn Ba-anh-Bê-rít làm thần. 34 Như vậy, dân Y-sơ-ra-ên không nhớ đến Giê-hô-va Đức Chúa Trời mình, là Đấng đã giải cứu họ khỏi tay các kẻ thù nghịch ở chung quanh; 35 và cũng không có lòng thảo chút nào với nhà Giê-ru-ba-anh, là Ghê-đê-ôn, về các ơn mà người đã làm cho Y-sơ-ra-ên. (Các. 8:33-35).

KẾT LUẬN: Ghê-đê-ôn đã khởi đầu tốt, nhưng không có một kết thúc tốt.

admin

 

 

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên