Trang Chủ TRANG CHỦ Đức Chúa Trời Và Điều Ác

Đức Chúa Trời Và Điều Ác

613
0
SHARE

NHỮNG PHẦN KINH THÁNH KHÓ HIỂU VỀ ĐỨC CHÚA TRỜI VÀ ĐIỀU ÁC

 

Kinh thánh nói rõ ràng rằng Đức Chúa Trời hoàn toàn chống lại tất cả những gì xấu xa. Các tiên tri của Chúa đã được sai đến với những người thờ thần tượng của Giu-đa với thông điệp: “Sự gớm-ghiếc mà ta ghét đó thì đừng phạm đến.” (Giê. 44:4). Xa-cha-ri tuyên bố: “Chớ toan sự dữ trong lòng nghịch cùng kẻ lân-cận; và chớ ưa sự thề dối, vì ấy đó là những điều mà ta ghét, Đức Giê-hô-va phán vậy.” (Xa-cha-ri 8:17). Châm ngôn 6:16-19 liệt kê bảy hành động gian ác mà Đức Giê-hô-va ghét. “Kính sợ Chúa,” khi ở giữa những điều khác, có nghĩa là giống Đức Chúa Trời ở thái độ đối với tội lỗi, ghét tội lỗi như Ngài ghét nó (8:13). Gia-cơ nhắc nhở độc giả của mình rằng họ không thể đổ lỗi cho Đức Chúa Trời vì Đức Chúa Trời không phải là Đấng cám dỗ hoặc xúi giục điều ác (Gia-cơ 1:13).

Bất chấp những tuyên bố rõ ràng trên về ác cảm với tội lỗi và điều ác của Đức Chúa Trời, một số câu trong Kinh Thánh dường như liên kết Đức Chúa Trời trực tiếp với điều ác. Làm thế nào những câu Kinh Thánh này phù hợp với sự hình thành tín lý Đức Chúa Trời và điều ác của chúng ta?

Sa-mu-ên 16:14

Khi Thần của Đức Chúa Trời ra khỏi vị vua bất tuân Sau-lơ, thì “một ác thần khuấy khuất người.” (16:14). Một điều tương tự được ghi lại trong Sa-mu-ên 18:10, khi chúng ta đọc rằng “ác thần bởi Đức Chúa Trời” khiến nhập vào Sau-lơ (xem Các Quan Xét 9:23, 1 Sa-mu-ên 19:9). Những câu này không gợi ý rằng Đức Chúa Trời gây ra điều ác sao?

“Ác thần” trong Sa-mu-ên 16:14 được hiểu theo nhiều cách khác nhau: (1) bị ma quỷ nhập như sự trừng phạt của Chúa, (2) sự tấn công hoặc ảnh hưởng của ma quỷ, (3) tinh thần bất mãn do Đức Chúa Trời tạo ra trong lòng Sau-lơ. Vì Sau-lơ có vẻ là một người tin Chúa (10:6,9) nên không chắc rằng ông đã bị quỷ ám. Sự tương phản giữa “Thần của CHÚA. Và “ác thần” từ Chúa, sẽ loại trừ quan điểm “tinh thần bất mãn”. Thứ nhất Sa-mu-ên 16:14 có thể hiểu là Đức Chúa Trời đã chỉ định một cách toàn quyền một con quỷ, một trong những sứ giả của Sa-tan (Ma-thi-ơ 12:24), để hành hạ Sau-lơ.

Điều này có thể là do Đức Chúa Trời định ý khiến Sau-lơ quỳ gối và khuyến khích ông quay trở lại với Ngài. Bài học chính từ phần Kinh Thánh này là Đức Chúa Trời tể trị trên tất cả các thẩm quyền thuộc linh — kể cả Sa-tan và những tay chân hắn. Và Đức Chúa Trời có thể sử dụng ngay cả ma quỷ cho các mục đích thiêng liêng của Ngài. Như trong trường hợp của Gióp, điều ác đến trên Sau-lơ đến từ một nhân tố thứ hai là ma quỷ chứ không phải trực tiếp từ tay Đức Chúa Trời.

 

1 Các Vua 21:21

Khi rao truyền lời Chúa, Ê-li-sê tuyên bố với Vua A-háp gian ác: “Ta sẽ giáng họa, ‘sự dữ’ [raa]  trên ngươi” (1Các Vua 21:21). Trong một chỗ khác nổi bật tương tự, Đức Chúa Trời hứa sẽ mang “tai họa” đến trên nhà của vị vua thờ hình tượng Giê-rô-bô-am (14:10). Từ ‘raa’ trong tiếng Do Thái có nhiều nghĩa. Từ này có thể đề cập đến điều xấu, sự đau khổ, buồn thảm, tai họa, thảm họa, hoặc điều ác. Từ này cũng có thể được sử dụng cho điều ác về đạo đức. Mặc dù Đức Chúa Trời không thể là kẻ chủ mưu của điều ác về mặt đạo đức, nhưng Ngài đoán phạt những kẻ gian ác bằng tai họa và đau khổ như là sự kỷ luật cho tội lỗi của họ (Châm 3:11-12; Hê-bơ-rơ 12:5-11). Tai họa mà Đức Chúa Trời giáng trên A-háp và Giê-rô-bô-am là sự đoán phạt về tội không ăn năn.

 

Châm Ngôn 16:4

Câu châm ngôn này có nội dung: “Đức Giê-hô-va đã dựng nên muôn vật để dùng cho Ngài; Đến đỗi kẻ ác cũng vậy, để dành cho ngày tai họa.” Phần đầu của câu này nêu bật sự thật rằng Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa và Đấng điều khiển có quyền tối thượng của vũ trụ. Không có gì trong cả thế giới này là kết quả của sự tình cờ hoặc ngẫu nhiên. Tất cả mà chúng ta thấy phù hợp với sự thiết kế thiên thượng của Đức Chúa Trời. Phần thứ hai của câu này nhấn mạnh quyền tể trị của Đức Chúa Trời bằng cách tuyên bố rằng ngay cả những kẻ thủ ác cũng không thoát khỏi uy quyền và quyền hạn của Ngài.

Câu châm ngôn này không nói rằng Đức Chúa Trời đã lập kế hoạch để con người trở nên gian ác. Ngược lại, Sa-lô-môn viết, “Đức Chúa Trời đã dựng nên người ngay-thẳng; song loài người có tìm kiếm ra lắm mưu kế.” (Truyền 7:29). Kẻ ác chịu trách nhiệm về những quyết định, hành động và phải khai trình cho sự gian ác của mình. Và trong quyền tể trị của Ngài, Đức Chúa Trời đã lên kế hoạch cho một ngày mà họ sẽ nhận sự xét đoán mà họ xứng đáng (xem Khải Huyền 20:11-15). Đức Chúa Trời có quyền kiểm soát đối với kẻ ác, nhưng họ không thoát khỏi chịu trách nhiệm về hành động của mình.

Sa-lô-môn nhấn mạnh rằng tất cả các sự kiện trong cuộc sống đều nằm trong kế hoạch của Chúa. “Phàm sự gì có thì tiết.” (Truyền-đạo 3:1) Ý tưởng ở đây là có một thời điểm được Chúa chỉ định cho tất cả những kinh nghiệm trong cuộc sống (xem Ê-phê-sô 1:11). Danh sách trong Truyền đạo 3:2-8 bao gồm những điều phiền não như “kỳ để chết;” “kỳ để giết”, “kỳ để ghét” và “kỳ đánh giặc.” Điều này có nghĩa là Đức Chúa Trời là nguyên nhân của chiến tranh, chết chóc và hận thù chăng?

Không. Phần Kinh Thánh này không đề cập đến vấn đề nguyên nhân trực tiếp của những sự kiện này. Trong khi Đức Chúa Trời có quyền tối cao đối với tất cả các trải nghiệm của cuộc sống, và không có bi kịch nào xảy ra ngoài sự cho phép của Đức Chúa Trời, thì không có điều nào trong phần Kinh Thánh trên cho thấy rằng Đức Chúa Trời là nguyên nhân của những trải nghiệm đáng buồn và đau đớn này, và do đó phải chịu trách nhiệm về chúng.

 

Truyền Đạo 7:14

Sa-lô-môn đưa ra sự khôn ngoan sâu sắc để đối mặt với những tình huống trong cuộc sống, ông tuyên bố: “Trong ngày thới thạnh hãy vui mừng, trong ngày tai nạn hãy coi chừng; vì Đức Chúa Trời đặt ngày nầy đối với ngày kia, hầu cho người đời chẳng thấy trước đặng điều sẽ xảy ra sau mình.” (7:14). Một lần nữa câu này nhấn mạnh sự thật rằng không có gì xảy ra một cách tình cờ. Trong ngày thới thạnh, thật dễ dàng để vui mừng và cảm tạ Chúa. Nhưng khi những khó khăn xảy đến— những bi kịch gia đình, sự tan vỡ và mất mát cá nhân — Đức Chúa Trời vẫn ngự trên ngai! Cuộc sống không nằm ngoài tầm kiểm soát. Chúng ta có thể có niềm tin rằng Đức Chúa Trời đang thực hiện kế hoạch toàn diện, khôn ngoan và trong tầm kiểm soát của Ngài ngay cả khi kế hoạch chi tiết bao gồm nghịch cảnh và hoạn nạn.

 

A-mốt 3: 6

Khi loan báo về sự đoán phạt hầu đến của Đức Chúa Trời trên Y-sơ-ra-ên, A-mốt đã tuyên bố: “Sự tai-vạ (raa) há có xảy ra cho một thành kia nếu mà Đức Giê-hô-va chẳng làm? (A-mốt 3:6) Như trong 1Các Vua 14:10 và 21: 21, từ raa có thể được sử dụng để phán xét xứng đáng về tội lỗi không ăn năn. Tai họa được nói đến trong lời tiên tri của A-mốt là sự hủy diệt của Sa-ma-ri bởi người A-si-ri vào năm 722 SC, một bản án xứng đáng dành cho dân Y-sơ-ra-ên gian ác (xem 2Các Vua 17:7-17). Đức Chúa Trời muốn dân sự Ngài biết rằng tai họa này không xảy ra một cách ngẫu nhiên, nó được Đức Chúa Trời xác định là do tội lỗi của Y-sơ-ra-ên.

 

Ê-sai 45:7

Để nhấn mạnh quyền tể trị của Đức Chúa Trời đối với sự thăng trầm của các quốc gia, Ê-sai đã truyền ra lời tuyên bố của Đức Chúa Trời: “Ấy chính ta là Đấng gây nên sự sáng và dựng nên sự tối tăm, làm ra sự bình an và dựng nên sự tai vạ (raa); chính ta là Đức Giê-hô-va, làm mọi sự đó” (Ê-sai 45:7). Từ ‘raa’ được sử dụng trong Kinh Thánh chỉ về thương tích, thảm họa, đau khổ, và cụ thể hơn là các hoạt động phi đạo đức”). Vì Đức Chúa Trời hoàn toàn chống lại điều ác và liên tục kêu gọi mọi người quay lưng lại với điều ác, nên thuật ngữ ‘raa’ phải được hiểu trong ngữ cảnh này là không đề cập đến điều ác về mặt đạo đức mà là về thảm họa thiên nhiên hoặc sự đoán phạt đáng có. Trong bối cảnh của lời tiên tri này (45:1-7), Đức Chúa Trời đã phán rằng cuộc chinh phục của vua Si-ru đối với các nước ngoại bang là do sự can thiệp thiên thượng của Ngài (45:1-2).

 

Giê-rê-mi 25:29

Đức Chúa Trời đã tuyên bố qua Giê-rê-mi: “Vả, nầy, ấy là thành kia là thành được xưng bằng danh ta, mà ta bắt đầu xuống tai-vạ.” (Giê-rê-mi 25:29) Trong câu này và những câu tương tự khác (31:28; Mi-chê 4:6; Xa. 8:14), Đức Chúa Trời là chủ ngữ của động từ ritie, “làm điều ác, làm tổn thương, hoặc mang lại tai họa.” Trong những bối cảnh này, việc gây ra nỗi đau hoặc tai họa không phải do một số sai trật về đạo đức trong đặc tánh của Đức Chúa Trời mà là sự phán xét công bằng đối với những tội nhân không đáp lại lời kêu gọi ăn năn của Ngài. Vì sự đoán phạt đối với điều ác không giống như việc gây ra điều ác, Đức Chúa Trời không phạm một hành động trái đạo đức nào hoặc vi phạm sự thánh khiết của Ngài khi Ngài “mang tai họa” đến trên kẻ ác.

 

DUY TRÌ SỰ CÂN BẰNG

Trở thành một nhà thần học cẩn trọng cũng giống như đi xe đạp. Bạn phải duy trì sự cân bằng của mình. Nếu bạn không làm như vậy, bạn sẽ ngã. Trong quá trình nghiên cứu về Đức Chúa Trời và sự hiện diện của điều ác, chúng tôi đã khám phá ra rằng các học thuyết về quyền tể trị của Đức Chúa Trời và trách nhiệm của con người là phù hợp với nhau. Để duy trì sự cân bằng trong Kinh Thánh, chúng ta không thể nghiêng nhiều về học thuyết này hơn học thuyết kia. Cả hai đều phù hợp với Kinh Thánh và phải được suy xét cùng lúc.

Dù tôi đồng ý với nhận xét của Millard Erickson rằng “một giải pháp tổng thể cho vấn đề điều ác nằm ngoài khả năng của con người”, “chúng ta đã đạt được những tiến bộ đáng kể. Chúng ta đã khám phá ra rằng trong khi Chúa tể trị cả điều thiện và điều ác, thì Ngài đứng đằng sau hai điều đó theo những cách khác nhau. Đức Chúa Trời không cho phép điều ác thoát khỏi giới hạn quyền tể trị của Ngài. Dù Ngài cho phép điều ác, nhưng Đức Chúa Trời không bao giờ được coi là điều ác. Tuy nhiên, qua việc phép điều ác, điều luôn luôn thuộc trách nhiệm của các tác nhân thứ cấp, thì điều ác cũng đã được đưa vào sắc lệnh của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, các trước giả Kinh Thánh không nói rằng Đức Chúa Trời chỉ cho phép điều thiện. Đúng hơn, Đức Chúa Trời đứng sau điều thiện theo cách mà điều đó không chỉ hiện hữu như một phần trong sắc lệnh của Ngài, mà còn luôn đến từ Ngài.

 

Cuối cùng, chúng ta phải kết luận rằng trong sự khôn ngoan vô hạn của Ngài, Đức Chúa Trời đã công nhận rằng danh Ngài sẽ được vinh hiển hơn qua việc cho phép điều ác chứ không phải hoàn toàn không cho phép. Và vì vậy, chúng ta đang sống trong một thế giới đầy tội lỗi, nơi có đau đớn, bệnh tật và chết chóc. Tin lành cho Cơ Đốc Nhân là những kinh nghiệm của chúng ta trên đất này chỉ là một phần nhỏ của cõi vĩnh hằng. Một ngày nào đó Đức Chúa Trời sẽ phán xét mọi điều ác và xóa bỏ lời nguyền của tội lỗi. Sẽ không có “sự chết, cũng không có than-khóc, kêu-ca, hay là đau-đớn nữa” (Khải huyền 21:4) trong vương quốc đời đời của Đức Chúa Trời. Phao-lô viết, “Vì sự hoạn nạn nhẹ và tạm của chúng ta sanh cho chúng ta sự vinh hiển cao trọng đời đời, vô lượng vô biên, bởi chúng ta chẳng chăm sự thấy được, nhưng chăm sự không thấy được; vì những sự thấy được chỉ là tạm thời, mà sự không thấy được là đời đời không cùng vậy” (2Cô. 4:17-18). Một cái nhìn đời đời về những điều ác mà chúng ta gặp phải trong cuộc sống sẽ giúp các tín hữu đạt được chiến thắng qua Đấng Christ.

Chúng ta có nhớ Brian và Haley mà tôi đã giới thiệu ở đầu chương này chứ? Họ đã phản ứng như thế nào trước thảm kịch đã làm thay đổi cuộc đời họ một cách sâu sắc? Bất chấp những khó khăn, Haley vẫn trân trọng những bài học mà cô đang học. “Cuộc sống còn nhiều điều hơn là đẹp trai hay đẹp gái hay làm được mọi thứ bạn muốn”, cô nói. Brian cũng vậy, anh duy trì một thái độ tích cực. “Mọi người đều sẽ có những khó khăn,” anh nói. “Tôi nghĩ mình như một công cụ. Chúa đang sử dụng tôi để chạm đến cuộc đời một số người nào đó.”

Có lẽ Đức Chúa Trời đang cho phép một số điều ác trong cuộc sống của bạn để xây dựng tính cách Cơ Đốc trong bạn qua những đau khổ (Rô-ma 5:3-4). Có lẽ Đức Chúa Trời sẽ sử dụng điều ác mà Ngài đã cho phép trong cuộc sống của bạn để thu hút người khác và đem lại sự vinh hiển cho Ngài. Có lẽ qua những khó khăn của bạn, “những việc của Đức Chúa Trời” (Giăng 9:3) sẽ được tỏ ra.

admin

tham khảo UNDERSTANDING CHRISTIAN THEOLOGY

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên