Trang Chủ BIỆN GIÁO Disciple Making Is…

Disciple Making Is…

1075
0
SHARE

 

Mục Lục

Lời nói đầu

Phần 1

Triết Lý Làm Môn Đồ Christ: Những nền tảng Thần học và Kinh Thánh.

 

  1. Khám phá một nguyên tắc nền tảng
  2. Bắt Đầu Từ Một Nền Tảng Vững Chắc
  3. Hợp tác với Đức Thánh Linh
  4. Nhận biết vị trí trung tâm của Hội Thánh

Phần 2

Những Kiến Thức Cơ Bản Về Môn Đồ Hóa: Trở Nên Một Môn Đồ

  1. Vâng phục mọi lời Đức Chúa Giê-su đã truyền
  2. Hiểu biết bước đầu tiên của sự vâng phục
  3. Nhận diện bước thứ hai của sự vâng phục
  4. Tiếp nhận bước thứ ba của sự vâng phục
  5. Mang lấy thập giá: Sự công bố
  6. Từ bỏ tất cả để đi theo Chúa Giê-su: Sự phát triển
  7. Ở trong Đức Chúa Giê-su và kết quả: Sự sai phái

Phần 3

Phương pháp môn đồ hóa: đào tạo một môn đồ

  1. Nhận thức năng quyền của sự nhân cấp
  2. Giúp môn đồ tiến lên một cấp độ cao hơn
  3. Chinh phục người lạc mất – Đam mê theo đuổi
  4. Các môn đồ trưởng thành trở nên giống như Chúa Giê-su
  5. Trở Thành Người Đào Tạo Môn Đồ Nhân Bội Giống Như Phao-lô
  6. Phân Biệt Mục Tiêu Tổng Thể Và Tiến Trình Môn Đồ Hóa
  7. Tập Chú Vào Mùa Gặt Nhân Bội.

Phần 4 Mô Hình Môn Đồ Hóa: Lãnh Đạo Mục Vụ Và Hội Thánh Địa Phương

  1. Nhận Thức Tầm Quan Trọng Của Thân Thể
  2. Nắm Bắt Các Nguyên Tắc Lãnh đạo
  3. Tái Sản Sinh Các Nhà Lãnh Đạo Công Tác Truyền Giáo
  4. Khai Sinh Một Hội Thánh Khỏe Mạnh.
  5. Duy Trì Sự Tập Trung Cao Độ
  6. Tìm một biểu thức chung cho các mô hình hội thánh khác nhau.
  7. Khảo Sát Mô hình Hội thánh truyền thống.
  8. Phân Tích Mô Hình Hội Thánh Hấp Dẫn
  9. Giải thích Mô hình Hội thánh hữu cơ
  10. Khám Phá Mô Hình Hội Thánh Hỗn Hợp
  11. Khám Phá Những Hệ Thống Đem Lại Hiệu Quả

Kết luận

 

 

 

 

 

 

Lời Nói Đầu

Quyển sách mà bạn cầm trên tay nói về việc trở nên môn đồ và khiến người khác trở nên môn đồ của Đức Chúa Giê-su Christ. Đã có rất nhiều quyển sách nói về chủ đề này (trên trang Amazon có hơn hai trăm tựa sách về chủ đề “môn đồ hóa”). Thế nên bạn sẽ hỏi: tại sao lại phải có thêm một quyển sách nữa về chủ đề này? Lý do của quyển sách này khá đơn giản. Rod và tôi muốn chia sẻ với bạn một vài nguyên tắc quan trọng về việc theo Chúa, đồng thời giúp đỡ những người theo Chúa Giê-su vươn tới bậc trưởng thành, đứng từ quan điểm của một Hội Thánh địa phương và từ những trải nghiệm của chúng tôi. Mục đích cao nhất của chúng tôi đó là vâng phục và giúp đỡ người khác vâng phục Vua Giê-su và những mạng lệnh của Ngài. Để hoàn thành mục đích này, chúng ta sẽ nghiên cứu những phân đoạn Kinh Thánh quan trọng và từ đó rút ra những nguyên tắc Kinh Thánh cốt lõi. Từ những nguyên tắc này, chúng tôi sẽ đề nghị một vài bài tập thực hành giúp độc giả trở nên những môn đồ và những người đào tạo môn đồ tốt hơn.

Trong quyển sách này, chúng ta sẽ khám phá việc làm một môn đồ có ý nghĩa gì (con người) và đào tạo môn đồ có ý nghĩa gì (tiến trình). Chúng tôi tin chắc rằng phương cách tốt nhất và hiệu quả nhất để phát triển môn đồ của Đức Chúa Giê-su Christ đó là trong bối cảnh thân thể của Chúa (một Hội Thánh địa phương). Dẫu đúng là nhiều quyển sách đã viết về chủ đề này, nhưng rất ít sách được viết từ sự tin quyết rằng Hội Thánh là môi trường thiết yếu để một người trở thành và khiến người khác trở thành môn đồ của Đức Chúa Giê-su. Với sự nhận biết này, Dave sẽ nghiên cứu các sách Phúc Âm, chú giải những lời của Đức Chúa Giê-su đã phán và hành động liên quan đến phát triển môn đồ. Rod sẽ khám phá sách Công vụ các sứ đồ và các Thư tín, khám phá cách mà các Hội Thánh đầu tiên đã nỗ lực môn đồ hóa như thế nào.

Quyển sách có ba mươi chương được chia làm bốn phần. Phần 1 sẽ tập trung vào “Triết lý môn đồ hóa,” nhằm thiết lập một nền tảng thần học và Kinh Thánh vững chắc. Phần 2 sẽ bao quát về “Những kiến thức căn bản về môn đồ hóa,” nêu bật ý nghĩa của việc trở nên môn đồ là gì. Phần 3 phác thảo “Những phương pháp môn đồ hóa” chính, đây là những điều khiến chi phối mục vụ đào tạo môn đồ. Phần 4 sẽ khảo sát và bình luận một số “Mô hình môn đồ hoá,” chú giải tầm quan trọng của sự lãnh đạo của Mục sư và Hội Thánh địa phương trong nỗ lực đào tạo môn đồ. Chúng tôi hy vọng khi đọc hết quyển sách này, bạn sẽ không chỉ hiểu ý nghĩa của việc làm một môn đồ của Đấng Christ là thế nào, nhưng bạn cũng sẽ biết cách khiến người khác trở nên môn đồ của Đức Chúa Giê-su tại Hội Thánh địa phương.

Rod và tôi không bao giờ muốn thôi sống làm môn đồ của Chúa; chúng tôi là những người học tập trọn đời. Kinh Thánh của chúng tôi đầy những câu được gạch chân, những từ ngữ được tô đậm, và những dòng ghi chú ở lề sách. Chúng tôi cũng rất thích đọc sách. Cả hai chúng tôi đều sẽ nói với bạn rằng những quyển sách giúp định hình chúng tôi nhiều nhất là những quyển sách mà chúng tôi đã đánh dấu vào đó nhiều nhất. Chúng tôi đã đọc đi đọc lại những phần chính của những quyển sách ấy. Chúng tôi đã lấy được những câu trích dẫn đầy mạnh mẽ từ những quyển sách ấy. Chúng tôi đã truyền đạt lại những gì chúng tôi học được từ những quyển sách ấy cho

 

người khác. Chính vì vậy, sau đây chúng tôi xin đề xuất những ý kiến giúp bạn học và ghi nhớ tốt hơn:

– Dùng một cây bút chì hoặc bút mực trong khi đọc.

– Gạch chân những điều bạn thích.

– Đánh dấu sao ở lề sách gần những câu trích dẫn hay hoặc những ý tưởng mang tính thách thức.

– Đánh dấu chấm hỏi ở lề sách trước những điều khó hiểu.

– Tóm tắt mỗi chương sách bằng một câu.

– Cẩn thận suy nghĩ những câu hỏi ở cuối mỗi chương sách.

– Viết xuống một câu áp dụng cho mỗi chương.

Những gợi ý khác giúp bạn tận dụng các lợi ích khi bạn đầu tư  thời gian và tiền bạc vào quyển sách này là:

  • Trao đổi với một ai đó về những điều bạn đã đọc được.
  • Dạy lại những điều bạn đang học cho người khác.
  • Áp dụng càng nhiều càng tốt những điều bạn đang học vào trong đời sống và mục vụ.
  • Hãy có một quyển sách này cho mỗi người mà bạn đang đầu tư vào và hãy đọc cùng với họ.

Vậy hãy làm một ly cà phê, lấy một cây bút, lấy quyển Kinh Thánh của bạn, và bắt đầu.

Chúng tôi cầu nguyện rằng quyển sách này sẽ trở thành công cụ quan trọng mà Chúa sử dụng để đưa bạn vào hành trình trọn đời. Quyển sách này có tiềm năng không chỉ thay đổi cuộc sống của bạn mà còn thay đổi cuộc sống của những người xung quanh bạn. Vậy đừng cảm thấy tội lỗi khi đọc quyển sách này về việc môn đồ hóa nhưng chính bạn lại không làm một môn đồ trong tiến trình. Và đừng cảm thấy tội lỗi khi đọc quyển sách này về việc làm môn đồ nhưng chính bạn không nỗ lực khiến người khác trở nên môn đồ! Hãy xác định ngay bây giờ rằng bạn là người làm theo những mệnh lệnh của Đức Chúa Giê-su và làm trọn Đại Mạng Lệnh. Chúng tôi cầu nguyện rằng quyển sách này sẽ có ích lợi cho bạn trong việc làm một môn đồ và khiến người khác trở nên môn đồ của Đức Chúa Giê-su Christ.

Dave Earley, Tiến sĩ Mục vụ

Mục sư quản nhiệm, Hội Thánh Grace City, Henderson, Nevada

Phó giáo sư của Mục vụ Mục sư

Chủng viện Thần Học Baptist Liberty

 

Rod Dempsey, Tiến sĩ Mục vụ

Giám đốc, Trường Đời Sống và Lãnh Đạo

Hội Thánh Baptist Thomas Road, Lynchburg, Virginia

Giáo sư Mục vụ Giáo dục

Chủng viện Thần Học Baptist Liberty

Dẫn nhập

Môn đồ hóa là…

Làm trọn Đại Mạng Lệnh

Dave Earley

Đại Mạng Lệnh đã được người ta ca tụng, nhưng không được vâng theo. Hội Thánh đã cố gắng truyền bá Phúc Âm ra toàn thế giới nhưng lại không khiến người khác trở nên môn đồ.1

 

Cái Giá Của Việc Làm Trọn Đại Mạng Lệnh

Một vài năm trước tôi đã đến Thổ Nhĩ Kỳ, khi ấy tôi ngồi tại một quán cà phê ngoài trời với một vị giáo sĩ. Trong những năm trước đó, Cơ Đốc Nhân tại Thổ Nhĩ Kỳ bị bắt bớ dữ dội. Chính quyền đã liên tục quấy rầy vị giáo sĩ này, nhiều lần trục xuất ông và gia đình. Ba người giáo sĩ khác đã tử đạo dưới tay người Hồi Giáo. Hai trong số đó cùng cộng tác với người bạn của tôi đây.

Chúng tôi đã nói về sự bắt bớ gia tăng, ông chia sẻ về cái giá của việc theo Chúa Giê-su và làm trọn Đại Mạng Lệnh của Ngài. Ông kiên quyết làm trọn Đại Mạng Lệnh của Chúa dù cái giá phải trả là thế nào.

Ông là một môn đồ của Đức Chúa Giê-su Christ.

Quyển sách mà bạn đang cầm trên tay là một quyển sách viết về việc làm môn đồ và khiến người khác trở nên môn đồ của Chúa. Rod Dempsey và tôi sẽ chia sẻ với bạn những kiến thức về việc môn đồ hóa từ trải nghiệm của chúng tôi với cương vị là lãnh đạo nhóm nhỏ, người mở mang Hội Thánh, mục sư, người cố vấn, và giáo sư. Trước khi chúng ta bước vào phần thiết yếu của việc môn đồ hóa, chúng ta cần phải bám chặt vào Đại Mạng Lệnh.

Đại Mạng Lệnh

Một vài ngày trước khi Đức Chúa Giê-su thăng thiên về nơi vinh hiển, Ngài đã ban cho các môn đồ một số chỉ dẫn cuối cùng. Những lời đó đã và hằng luôn là điều quan trọng nhất bởi vì đó là những lời cuối cùng mà Đức Chúa Giê-su phán cùng các môn đồ của Ngài. Vì là những lời cuối cùng của Chúa, những lời đó thể hiện đầy hùng hồn sự tha thiết vĩ đại và sự ưu tiên hàng đầu của Chúa.

Những lời này cũng vô cùng quan trọng bởi vì về bản chất Đức Chúa Giê-su muốn nói rằng: “Đây là điều quan trọng tột bậc và đáng chú ý nhất trong tất cả những điều mà ta đã dạy cho các con trong ba năm qua.” Nói cách khác, khi Ngài nói những lời này, Ngài muốn nói rằng: “Nếu các con không nhớ những điều ta đã nói, thì hãy nhớ điều này!”

Hơn thế nữa, những lời chỉ dẫn cuối cùng này được lặp lại vào ba dịp khác nhau và đây cũng là mệnh lệnh duy nhất của Đức Chúa Giê-su được ghi lại trong cả bốn sách Phúc Âm sách Công vụ các sứ đồ (Ma-thi-ơ 28:18-20; Mác 16:15; Lu-ca 24:46-47; Giăng 20:21; Công vụ 1:8). Như thể Ngài muốn nói với họ rằng: “Nầy, Ta lặp đi lặp lại chỉ một điều này bởi vì đó là điều quan trọng nhất. Nếu các con không làm những điều khác, thì hãy làm điều này!”

Ngày nay chúng ta gọi sự bày tỏ cuối cùng này là “Đại Mạng Lệnh.” Trong năm phần Kinh Thánh ghi lại về Đại Mạng Lệnh thì Phúc Âm Ma-thi-ơ ghi lại đầy đủ nhất:

Đức Chúa Giê-su đến gần, phán cùng môn đồ như vầy: “Hết cả quyền phép ở trên trời và dưới đất đã giao cho ta. Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp-têm cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và nầy,ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế.” (28:18-20)

 

 

Đại Mạng Lệnh Là Ý Muốn Của Chúa Cho Cuộc Đời Bạn

Khi Dempsey và tôi dạy các sinh viên Cơ Đốc, họ cực kỳ quan tâm đến câu hỏi: “Ý muốn của Chúa cho cuộc đời tôi là gì?” Câu trả lời cho câu hỏi này có hai phần: “Trở nên môn môn đồ và khiến người khác trở thành môn đồ! Hãy định hướng cuộc đời bạn xoay quanh Đại Mạng Lệnh.” Đó là những lời cuối cùng của Đức Chúa Giê-su. Đó là mệnh lệnh rõ ràng của Chúa dành cho tất cả những ai đi theo Ngài. Đó là ý muốn của Chúa cho cuộc đời của chúng ta.

Việc khiến người khác trở nên môn đồ của Chúa ở tại đâu và bằng cách nào, đối với mỗi người có một câu trả lời khác nhau, tuy nhiên về bức tranh tổng quát thì mỗi người đều giống nhau: Ý muốn của Đức Chúa Trời cho mỗi một người theo Đấng Christ đó là khiến cho người khác trở nên môn đồ của Ngài. David Platt đã phát biểu rằng:

Thật chẳng hợp lý nếu chúng ta cứ hỏi rằng: “Lạy Chúa, Ngài muốn con làm gì?” câu trả lời đã quá rõ ràng. Ý muốn của Đức Chúa Trời đó là tôi và bạn khẩn thiết dâng đời sống mình để khiến phúc âm và sự vinh hiển của Chúa được mọi người biết đến.2

Ý muốn của Đức Chúa Trời cho cuộc đời bạn đó là hoàn thành Đại Mạng Lệnh. Ý muốn của Đức Chúa Trời cho cuộc đời bạn đó là khiến người khác trở nên môn đồ của Ngài.

Đại Mạng Lệnh Không Phải Là Một “Đề Xuất” Vĩ Đại

Đức Chúa Giê-su lập ra một bối cảnh để bắt đầu Đại Mạng Lệnh: “Hết cả quyền phép ở trên trời và dưới đất đã giao cho ta.” Về cốt lõi, Ngài muốn nói rằng: “Ta có thẩm quyền tối cao để ra những sắc lệnh. Chính vì thế, hãy nghiêm túc tiếp nhận tất cả những gì ta sẽ nói đây.”

Thật ngu ngốc cho những ai tự gọi mình là môn đồ của Đức Chúa Giê-su nhưng lại không hoàn thành ý muốn cuối cùng của Ngài và không vâng theo mệnh lệnh quan trọng nhất của Ngài. Bởi vì mệnh lệnh rao truyền phúc âm ra khắp thế giới bằng việc môn đồ hóa đã được ban cho một cách rõ ràng và lặp đi lặp lại (Mác 16:15; Lu-ca 24:47; Giăng 20:21; Công vụ 1:8), hiển nhiên mệnh lệnh này phải được vâng theo. Bởi vì chúng ta đã thấy những sứ đồ và những người không phải là sứ đồ vâng phục mạng lệnh này (Công vụ 8:1, 4), chúng ta biết rằng mạng lệnh này được ban cho tất cả chúng ta.

Môn đồ hóa không phải là một đề xuất để chúng ta cân nhắc, cũng không phải là một lựa chọn để xem xét. Môn đồ hóa phải chiếm trọn đời sống của một người đi theo Chúa.

 

Đại Mạng Lệnh Là Môn Đồ Hóa

Từ ngữ chính trong Đại Mạng Lệnh đó là động từ mệnh lệnh “đào tạo môn đồ.” Những từ ngữ khác bao gồm “đi,” “làm phép báp-têm,” và “dạy” tất cả những động từ này đều bổ nghĩa và diễn giải phương cách để chúng ta hoàn thành nhiệm vụ chính của Đại Mạng Lệnh đó là: đào tạo môn đồ. Để làm rõ điều này cho độc giả, tôi xin diễn đạt lại Ma-thi-ơ 28:18-20 như sau:

Ta là Thủ Trưởng Tối Cao, và đây là những mệnh lệnh mà ta sẽ ban cho các con: Khi các con bước vào thế giới, HÃY KHIẾN NGƯỜI KHÁC TRỞ NÊN MÔN ĐỒ!!!

Hãy tạo ra môn đồ từ mọi nhóm người qua việc làm phép báp-têm cho họ và ở cùng họ để dạy dỗ họ vâng theo mọi điều ta đã dạy cho các con. Khi đó các con sẽ thật sự trải nghiệm sự hiện diện của ta.

Quyển sách mà bạn đang đọc là một quyển sách viết về Đại Mạng Lệnh. Quyển sách này được soạn ra nhằm trang bị bạn hoàn thành Đại Mạng Lệnh. Chính vì thế, toàn bộ quyển sách này xoay quanh vấn đề môn đồ hóa bởi vì việc hoàn thành Đại Mạng Lệnh đó là môn đồ hóa, và môn đồ hóa là phương cách duy nhất để làm trọn Đại Mạng Lệnh.

Đại Mạng Lệnh Được Làm Trọn Qua Việc Ra Đi, Giảng Dạy, Làm Phép Báp-têm, và Huấn Luyện

Ra Đi

Đại Mạng Lệnh không thể nào được hoàn thành nếu chúng ta không chủ tâm theo đuổi những con người lạc mất. Đức Chúa Cha đã sai Đức Chúa Giê-su thể nào thì Đức Chúa Giê-su cũng sai chúng ta thể ấy để chúng ta ra đi, tìm kiếm và chinh phục những người chưa tin để đưa họ đến với niềm tin nơi Đấng Christ (Giăng 20:21, 31). Những người được sai đi sẽ không vâng theo mạng lệnh cho đến khi họ đi. Aubrey Malphurs cho chúng ta một cái nhìn thấu đáo về tầm quan trọng của từ “đi” này và hành động theo đuổi những con người lạc mất:

Đấng Cứu Rỗi làm rõ ý định mà Ngài muốn nói về từ ngữ này qua các phân đoạn như Lu-ca 5:27-32, 15:1-10 và 19:1-10, tại đó Ngài xây dựng khái niệm về việc tìm kiếm những con người lạc mất như Xa-chê, Lê-vi là người thâu thuế và các người bạn của họ cũng là những người thâu thuế và các đối tượng khác. Có quá nhiều Hội Thánh đang chờ đợi những con người lạc mất đến với họ. Tuy nhiên Hội Thánh phải chủ động và theo đuổi những con người lạc mất.3

Đức Chúa Giê-su đã kể nhiều ngụ ngôn để bày tỏ về tầm quan trọng của việc chủ tâm tìm kiếm những người lạc mất. Trong Lu-ca 14, Ngài nói về việc đi ra “ngoài chợ và các đường phố” để đem về “những kẻ nghèo khó, tàn tật, đui, què!” (Lu-ca 14:21). Lu-ca 15 bắt đầu với câu chuyện những người Pha-ri-si quở trách Đức Chúa Giê-su vì Ngài ngồi ăn cùng với những người thâu thuế và người có tội (Lu-ca 15:1-2). Đức Chúa Giê-su đáp lại họ bằng hai câu chuyện ngụ ngôn để nói đến sự cần thiết phải tha thiết theo đuổi những người lạc mất. Câu chuyện đầu tiên kể về một người chăn chiên, anh ta đã rời đàn chiên chín mươi chín con của mình để đi tìm một con bị lạc mất (Lu-ca 15:3-6). Niềm vui của người chăn chiên khi tìm được con chiên bị lạc bầy được ví sánh với niềm vui của thiên đàng khi một người có tội ăn năn (Lu-ca 15:7). Kế đến, Đức Chúa Giê-su kể về câu chuyện một người nữ chăm chỉ tìm kiếm một đồng xu bị mất. Một lần nữa, niềm vui này được ví sánh với niềm vui lớn trên thiên đàng khi một người có tội ăn năn (Lu-ca 15:8-10).

Phúc Âm Lu-ca kể câu chuyện Đức Chúa Giê-su đến với một người thâu thuế tên Xa-chê. Sau khi dùng bữa tối và tuyên bố rằng sự cứu rỗi đã đến nhà của Xa-chê, Đức Chúa Giê-su công bố mục đích của Ngài: “Bởi Con người đã đến tìm và cứu kẻ bị mất” (Lu-ca 19:1-10).

Giảng Dạy

Ra đi thôi vẫn chưa đủ; chúng ta cũng phải nói. Hành động thứ hai cần để hoàn thành Đại Mạng Lệnh đó là rao truyền Phúc Âm: công bố tin lành. Cơ Đốc Nhân phải thể hiện Phúc Âm. Họ cũng phải nói cho những người chưa tin biết về sự chết, chôn và phục sinh của Đức Chúa Giê-su vì cớ tội lỗi của họ. Đại Mạng Lệnh khẳng định rằng: “người ta sẽ nhân danh Ngài mà rao giảng cho dân các nước sự ăn năn để được tha tội” (Lu-ca 24:47). Những người tin Chúa phải “giảng Tin Lành” với mục đích dẫn dắt người khác đến với “niềm tin” (Mác 16:15-16). Kết quả của việc giảng dạy hoặc công bố phúc âm phải là “khiến người khác trở nên môn đồ” (Ma-thi-ơ 28:19).

Làm phép Báp-têm

Hành động thứ ba cần phải thực hiện để hoàn thành Đại Mạng Lệnh đó là “nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp-têm cho họ” (Ma-thi-ơ 28:19). Điều này bao gồm việc giúp họ gia nhập vào cộng đồng những người tin Chúa là những người tự xác định mình trong danh Đức Cha, Đức Con và Đức Thánh Linh. Bởi vì phép báp-têm là một nghi thức của Hội Thánh địa phương, hiển nhiên Đại Mạng Lệnh không thể được hoàn thành nếu không có sự tham gia của các Hội Thánh địa phương. Không có Hội Thánh địa phương, việc cố gắng khiến người khác trở nên môn đồ của Chúa không chỉ không có hiệu quả mà còn sai Kinh Thánh.

Huấn luyện

Theo mệnh lệnh của Đức Chúa Giê-su, hành động thứ tư để hoàn thành Đại Mạng Lệnh đó là “dạy họ giữ hết cả mọi điều”. Điều này không chỉ là tiếp nhận thông tin. Môn đồ hóa là sự huấn luyện toàn diện trong sự vâng phục để dẫn đến sự phát triển và nhân cấp.

Khi nhiều người nói về việc hoàn thành Đại Mạng Lệnh, họ chỉ đang nói về việc truyền bá phúc âm. Song, Đức Chúa Giê-su đã nói rõ rằng: môn đồ hóa không được làm trọn nếu môn đồ của Chúa chưa thực hiện trọn vẹn mọi điều mà Đức Chúa Giê-su đã truyền dạy, bao gồm mệnh lệnh khiến cho nhiều người trở nên môn đồ hơn.

 

Hoàn Thành Đại Mạng Lệnh Dẫn Đến Kết Quả Là Mở Mang Hội Thánh

Với những sự hiểu biết của chúng ta về Đại Mạng Lệnh như đã bàn đến ở trên, câu hỏi còn lại là: Đức Chúa Trời mong muốn các môn đồ của Ngài thi hành điều đó như thế nào? Câu trả lời hiển nhiên là: bằng việc mở mang Hội Thánh. Mở mang Hội Thánh bao gồm tất cả những yếu tố để làm trọn Đại Mạng Lệnh. Những Hội Thánh mới là kết quả từ việc các Cơ Đốc Nhân chủ tâm theo đuổi người lạc mất, giảng dạy phúc âm, làm báp-têm cho người tin Chúa, và dạy họ sống cho Đấng Christ và khiến nhiều người khác trở nên môn đồ của Chúa.

Sau khi các môn đồ của Chúa được ban cho Đại Mạng Lệnh, họ đã làm gì để thực hiện sứ mệnh đó? Sách Công vụ các sứ đồ bày tỏ những công việc của các sứ đồ sau khi họ nhận lãnh Đức Thánh Linh, họ đã mở ra những Hội Thánh mới. Theo Aubrey Malphurs: “Đọc kỹ sách Công vụ các sứ đồ sẽ thấy rằng Hội Thánh đầu tiên đã thực hiện nhiệm vụ Đại Mạng Lệnh chủ yếu bằng việc mở mang Hội Thánh.”4 Ed Sterzer của Hội Thánh Tăng Trưởng Toàn Cầu đã mở những Hội Thánh tại New York, Pennsylvania, và Georgia đồng thời ông đã thay đổi những Hội Thánh đang xuống dốc tại Indiana và Georgia. Ông viết rằng: “Cơ Đốc Nhân trong thời đại Tân Ước thực hiện những mệnh lệnh của Chúa cũng như bất kỳ người tin Chúa nào vâng phục và có đời sống tâm linh khỏe mạnh: họ mở ra nhiều hơn những Hội Thánh mới.”5 Ông kết luận với phương châm: “Đại Mạng Lệnh đó chính là mở mang Hội Thánh.”6

Phương cách mà các môn đồ đầu tiên của Đức Chúa Giê-su thi hành Đại Mạng Lệnh dẫn đến kết quả trực tiếp trong việc mở mang Hội Thánh. Phi-e-rơ (và các môn đồ khác) đã giảng dạy Phúc Âm (Công vụ 2:14-36); những người đáp ứng với lời dạy được làm phép Báp-têm (Công vụ 2:37-41); và những người tin Chúa đã được làm phép Báp-têm thì ngay lập tức được gia nhập vào Hội Thánh bởi vì họ bắt đầu vâng theo lời dạy của Đức Chúa Giê-su (Công vụ 2:42-47). Những người đi theo họ, những người không phải là sứ đồ cũng đi ra và giảng dạy Phúc Âm (Công vụ 8:1, 4), dẫn đến việc nhiều Hội Thánh mới được mở ra (Công vụ 11:19-26). Việc hoàn thành Đại Mạng Lệnh luôn luôn dẫn đến kết quả cuối cùng đó là mở mang Hội Thánh.

Hoàn Thành Đại Mạng Lệnh Sẽ Dẫn Đến Kết Quả Cuối Cùng Đó Là Mở Mang Hội Thánh Toàn Cầu

Hoàn thành Đại Mạng Lệnh đòi hỏi việc giảng dạy phúc âm đến toàn thế giới: “Hãy đi khắp thế gian, giảng Tin lành cho mọi người.” (Mác 16:15). Điều này nghĩa là môn đồ hóa mọi nhóm dân trên toàn thế giới: “Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân” (Ma-thi-ơ 28:19). Mặc dù mạng lệnh này được bắt đầu từ thành Giê-ru-sa-lem, nhưng Phúc Âm cần phải được lan truyền đến mọi nước: “Có lời chép rằng Đấng Christ phải chịu đau đớn dường ấy, ngày thứ ba sẽ từ kẻ chết sống lại, và người ta sẽ nhân danh Ngài mà rao giảng cho dân các nước sự ăn năn để được tha tội, bắt đầu từ thành Giê-ru-sa-lem” (Lu-ca 24:46-47).

Trong ký thuật cuối cùng về Đại Mạng Lệnh, Đức Chúa Giê-su đã nhấn mạnh đến sự bày tỏ, sự tập trung lan rộng của Đại Mạng Lệnh: “Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền phép, và làm chứng về ta tại thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri, cho đến cùng trái đất” (Công vụ 1:8). Để hoàn thành Đại Mạng Lệnh, chúng ta không được thỏa mãn nếu chúng ta vẫn chưa mở mang Hội Thánh trên toàn thế giới.

Đại Mạng Lệnh Chứa Đựng Lời Hứa Vĩ Đại

Đức Chúa Giê-su kết luận mệnh lệnh cuối cùng của Ngài bằng một lời hứa tuyệt vời đó là sự hiện diện rõ ràng của Ngài: “Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế” (Ma-thi-ơ 28:20). Thật tuyệt vời khi được đứng giơ đôi tay lên cao và hát cho Chúa với sự say mê bởi vì Ngài “ở cùng chúng ta.” Đừng bỏ qua sự thật đó là Đức Chúa Giê-su ở cùng chúng ta khi chúng ta khiến người khác trở nên môn đồ của Ngài. Bằng một phương cách đặc biệt, tấm lòng của Đức Chúa Trời ở cùng những ai làm trọn mệnh lệnh của Ngài đó là môn đồ hóa. Ngài xuất hiện khi chúng ta bước ra bên ngoài để làm thành mạng lệnh mà Ngài ban.

Đại Mạng Lệnh Phải Trở Thành Điều Chiếm Hữu Trọn Vẹn Tâm Trí Của Chúng Ta

Hiển nhiên, Đức Chúa Trời và sự vinh hiển Ngài là những điều chiếm hữu trọn vẹn tâm trí của chúng ta. Sau cùng thì chúng ta được tạo dựng nên vì sự vinh hiển của Ngài (Ê-sai 43:7). Chúng ta phải công bố sự vinh hiển Chúa (I Sử ký 16:24; Thi Thiên 96:3, 7-8). Mọi điều chúng ta làm đều phải hướng về sự vinh hiển của Đức Chúa Trời (I Cô-rinh-tô 10:31). Chúng ta phải phản chiếu sự vinh hiển Chúa (II Cô-rinh-tô 3:18). Sự cứu rỗi của chúng ta nhằm mục đích đời sống của chúng ta sẽ đem lại sự tôn vinh cho vinh hiển của Ngài (Ê-phê-sô 1:12, 14). Mục đích cuối cùng trong những lời cầu thay của chúng ta cho người khác đó là vinh hiển của Đức Chúa Trời qua đời sống họ (Ê-phê-sô 3:14-21; Phi-líp 1:9-11; Hê-bơ-rơ 13:21). Sự vinh hiển của Đức Chúa Trời phải là mục đích cao nhất trong đời sống và lời cầu nguyện của chúng ta (Rô-ma 11:36; 16:27; Ga-la-ti 1:5; Phi-lip 4:20; II Phi-e-rơ 3:18; Giu-đe 1:25).

Làm thế nào chúng ta dâng lên Chúa sự vinh hiển cao quý nhất? Một cách để trả lời câu hỏi này đó là nhìn xem những môn đồ đầu tiên của Chúa đã làm điều gì. Ngay sau khi lắng nghe Đại Mạng Lệnh được công bố (Công vụ 1:8), họ đã tổ chức một kỳ nhóm lại để cầu nguyện kéo dài một tuần (Công vụ 1:12-15). Sau kỳ lễ Ngũ Tuần và sự ban cho Đức Thánh Linh (Công vụ 2), họ bắt đầu giảng phúc âm và môn đồ hóa bằng cách làm phép báp-têm cho những người theo đạo và giúp họ gia nhập vào một Hội Thánh địa phương là nơi họ được dạy mọi điều mà Đức Chúa Giê-su đã truyền dạy (Công vụ 2).

Họ đã tôn vinh Đức Chúa Trời bằng cách khiến cho Đại Mạng Lệnh là trọng tâm trong cuộc sống họ. Họ đã bỏ tất cả mọi điều để theo Đức Chúa Giê-su và hoàn thành Đại Mạng Lệnh của Ngài. Đại Mạng Lệnh là một điều chi phối và chiếm trọn trong đời sống của họ, đến nỗi họ đã đi khắp thế giới để giảng về Đại Mạng Lệnh đó, dù cái giá phải trả là thế nào. Chẳng hạn như, một người chấp sự tên là Ê-tiên giảng phúc âm ở thành Giê-ru-sa-lem vào kỳ lễ vượt qua sau khi Đức Chúa Giê-su Christ chịu đóng đinh. Ông đã bị tống ra khỏi thành và bị ném đá cho đến chết (Công vụ 8). Gia-cơ, con của Xê-bê-đê và người anh tên là Giăng, đã bị giết khi Hê-rốt Ạc-ríp-ba cai trị tại xứ Giu-đê (Công vụ 12).

Lịch sử kể lại rằng Phi-lip đã tử đạo khi đem phúc âm đến Heliopolis tại Phrygia. Ông đã bị đánh đập, bỏ tù, và cuối cùng là bị đóng đinh (khoảng năm 54 SCN). Ma-thi-ơ, người thu thuế từ thành Na-xa-rét mà sau này đã viết nên một trong bốn sách Phúc Âm, ông đã rao giảng tại Ê-thi-ô-pi và tử đạo (khoảng năm 60 SCN). Anh-rê, người anh của Phi-e-rơ, đã giảng phúc âm ở khắp Châu Á. Khi bước chân đến Edessa, ông đã bị bắt và bị đóng đinh trên cây thập tự, hai đầu của cây thập tự này được gắn cố định trên nền đất bằng phẳng (thế nên mới có thuật ngữ cây thánh giá của thánh Anh-rê). Ba-thê-lê-mi đã dịch Phúc Âm Ma-thi-ơ sang tiếng Ấn Độ. Ông bị đánh đập tàn nhẫn và đã bị đóng đinh. Thô-ma giảng đạo tại Parthia và Ấn Độ. Ông bị giáo đâm và tử đạo.

Gia-cơ, em của Đức Chúa Giê-su, đã lãnh đạo Hội Thánh tại thành Giê-ru-sa-lem và là tác giả của thư tín được đặt theo tên của ông. Ở tuổi chín mươi bốn, bởi vì sự tận tâm với Đại Mạng Lệnh, ông đã bị đánh, bị ném đá và bị người ta dùng gậy đánh đập cho đến chết. Ma-thia là sứ đồ thay thế cho Giu-đa. Ông đã bị ném đá tại thành Giê-ru-sa-lem và sau đó bị chém đầu. Mác trở thành Cơ Đốc Nhân và sau đó qua lời kể của Phi-e-rơ ông đã ghi lại câu chuyện của Đức Chúa Giê-su trong sách Phúc Âm của mình. Mác bị dân thành Alexandria phân thây trước tượng Serapis là một thần ngoại giáo của họ.7

 

Đáp Ứng Của Bạn

Việc môn đồ hóa phải được hiểu trong bối cảnh Đại Mạng Lệnh. Đại Mạng Lệnh là ý muốn của Đức Chúa Giê-su cho đời sống bạn. Đó là một mệnh lệnh cần phải vâng theo. Mệnh lệnh đó được làm trọn bằng việc ra đi, giảng dạy, làm phéo Báp-têm,  huấn luyện, và kết quả là việc mở mang Hội Thánh.

Đây là quyển sách nói về môn đồ hóa. Nhưng trước khi chúng tôi có thể nói cho bạn biết làm thế nào để khiến người khác trở nên môn đồ của Chúa, chúng ta cần phải đảm bảo rằng bạn hiểu những nền tảng Kinh Thánh và nền tảng thần học nói về việc môn đồ hóa cũng như những điều cơ bản của việc làm một môn đồ có ý nghĩa gì. Nếu bạn vẫn chưa từ bỏ cuộc sống của mình để tiếp nhận lấy lối sống được dạy ở đây, thì những phương pháp được nêu ra chỉ là những từ ngữ hoa mỹ trên một trang giấy. Mục đích của việc đọc chương sách này đó là giúp bạn tạo lập một cam kết vững chắc sẽ dành phần còn lại của cuộc sống bạn để hoàn thành Đại Mạng Lệnh.

 

– Câu Hỏi Suy Ngẫm –

  1. Bạn đã tìm thấy ý muốn Chúa cho đời sống bạn chưa?
  2. Bạn sẽ đến với cuộc sống của những con người lạc mất ở tại đâu và khi nào? Bạn có thể làm gì để ra đi một cách tốt hơn?
  3. Lần cuối cùng mà bạn công bố phúc âm cho một người chưa tin là khi nào?
  4. Bạn có sẵn lòng rời bỏ nơi bình yên của mình để khiến người khác trở nên môn đồ của Chúa bất chấp cái giá phải trả là như thế nào và ở bất cứ nơi nào mà Chúa dẫn dắt?
  5. Bạn sẽ cam kết dành phần còn lại của cuộc sống bạn để hoàn thành Đại Mạng Lệnh?

 

Chú thích

  1. Bill Hull, The Disciple-Making Pastor (Old Tappan, NJ: Flemming Revell, 1988), 23, emphasis in original.
  2. David Platt, Radical: Taking Back Your Faith from the American Dream (Colorado Springs, CO: Multnomah, 2010), 159-60.
  3. Aubrey Malphurs, Planting Growing Churches for the Twenty-First Century (Grand Rapids: Baker, 1992), 42.
  4. , 43.
  5. Ed Stetzer, Planting New Churches in a Postmodern Age (Nashville, TN: Broadman & Holman, 2003), 37.
  6. , 35.
  7. “Christian Persecution” on the website, All About Following Jesus, http://www.allaboutfollowingjesus.org/christian-persecution.htm (accessed March 23, 2007).

Phần 1

Triết Lý Môn Đồ Hóa:

Những Nền Tảng Kinh Thánh và Thần Học

 

Những nền tảng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong hầu hết mọi nỗ lực của con người. Chính phủ của chúng ta có một tài liệu nền tảng được gọi là Hiến Pháp. Một lãnh đạo kinh doanh thành công học sự thành công từ những nguyên tắc kinh doanh có nền tảng tốt. Trong thể thao, bạn cần có một nền tảng tốt để đạt được trình độ cao nhất.

Điều tương tự đối với việc làm môn đồ và khiến người khác trở nên môn đồ của Đức Chúa Giê-su Christ. Để hoàn thành được nhiệm vụ này, chúng ta cần hiểu một số nền tảng Kinh Thánh và thần học nhất định. Chính vì thế, phần 1 sẽ kiểm chứng một số khái niệm nền tảng và những điều ưu tiên được rút ra từ Kinh Thánh mà từ đó xây dựng một hệ thống môn đồ hóa. Những chương sách sau đây sẽ trả lời những câu hỏi mang tính nền tảng như: Môn đồ là gì? Tại sao chúng ta phải khiến người khác trở nên môn đồ? Và, vai trò của Đức Thánh Linh và vai trò của Hội Thánh là gì trong tiến trình môn đồ hóa?

 

 

Môn Đồ Hóa là…

1

Khám phá một nguyên tắc nền tảng

Rod Dempsey

Hãy Bắt Đầu Với Một Mục Đích

Tại sao Đức Chúa Trời tạo dựng vũ trụ? Tại sao Ngài tạo dựng trái đất? Tại sao Ngài tạo dựng muôn thú? Tại sao Ngài tạo dựng con người? Tại sao Ngài tạo dựng nên bạn? Đức Chúa Trời có mục đích gì khi tạo dựng nên bạn và tôi? Chúng ta tìm thấy câu trả lời cho câu hỏi cuối cùng này tại Ê-sai 43:7: “…Ta đã dựng nên họ vì vinh quang ta; ta đã tạo thành và đã làm nên họ.” Đức Chúa Trời tạo dựng nên bạn để dâng sự vinh hiển cho Ngài.

John Piper đã phát biểu rằng: “Cả Kinh Thánh đều dạy rằng mọi công việc của Đức Chúa Trời đều có một mục đích cuối cùng đó là dâng vinh quang lên cho Chúa.”1 Đức Chúa Trời đã tạo dựng tất cả mọi điều để đem lại vinh quang cho Ngài. Trong Khải Huyền 4:11 chúng ta đọc thấy rằng: “Lạy Đức Chúa Trời là Chúa chúng tôi, Chúa đáng được vinh hiển, tôn quí và quyền lực; vì Chúa đã dựng nên muôn vật, và ấy là vì ý muốn Chúa mà muôn vật mới có và đã được dựng nên.” Trong Ê-sai 6:3, chúng ta được biết rằng sự vinh quang của Chúa đầy dẫy đất, và trong Ha-ba-cúc 2:14 chúng ta đọc thấy rằng cả trái đất sẽ đầy dẫy sự nhận biết vinh quang của Đức Chúa Trời. Sự vinh quang của Đức Chúa Trời là mục đích cao nhất của mọi loài. John Calvin đã đề cập đến điều này khi ông nói rằng: “sự sáng tạo là sân diễn bày tỏ vinh hiển Chúa.”2 Bạn và tôi là một phần trong sự sáng tạo của Chúa và được tạo dựng để dâng vinh hiển về Chúa.

Sứ đồ Phao-lô đã nói thế này: “Cho nên, chúng tôi vì anh em cầu nguyện không thôi, hầu cho Đức Chúa Trời chúng ta khiến anh em xứng đáng với sự gọi của Ngài, và cho Ngài lấy quyền phép làm trọn trong anh em mọi ý định thương xót của lòng nhân Ngài và công việc của đức tin; đến nỗi làm sáng danh Đức Chúa Giê-su chúng ta trong anh em, và anh em trong Ngài, tùy theo ân điển của Đức Chúa Trời chúng ta và của Đức Chúa Giê-su Christ.” (II Tê-sa-lô-ni-ca 1:11-12). Vậy sứ đồ Phao-lô đã xác nhận quả quyết rằng… mục đích của Đức Chúa Trời cho bạn đó là dâng vinh hiển cho Ngài.

 

Làm thế nào tôi dâng vinh hiển cho Chúa?

Là môn đồ của Chúa, việc dâng vinh hiển lên cho Ngài phải được thể hiện qua từng khía cạnh trong đời sống của chúng ta. Có những giai đoạn tăng trưởng khác nhau trong hành trình làm môn đồ của Chúa. Song, trong mọi giai đoạn, chúng ta đều được tạo dựng để dâng vinh hiển lên cho Chúa: chúng ta được cứu để dâng vinh hiển cho Chúa; tâm linh của chúng ta lớn lên để dâng vinh hiển cho Chúa; chúng ta phục vụ để dâng vinh hiển cho Chúa; khi gặp đau khổ chúng ta dâng vinh hiển cho Chúa; chúng ta sử dụng những ân tứ, sanh bông trái để dâng vinh hiển cho Chúa. Mỗi một khía cạnh trong cuộc sống của chúng ta đều phải được dùng để hoàn thành kế hoạch mà Chúa dành cho cuộc đời của chúng ta, đó chính là dâng vinh hiển cho Ngài. Đây là nguyên tắc nền tảng dành cho người theo Vua Giê-su. Nguyên tắc này hướng dẫn những quyết định hằng ngày của chúng ta và ảnh hưởng đến cách chúng ta tổ chức cuộc sống của mình.

Hãy suy nghĩ về ba giai đoạn phát triển này và xem chúng dâng vinh hiển lên cho Chúa như thế nào. Đầu tiên, chúng ta được cứu để dâng vinh hiển lên cho Chúa. Trong Ê-phê-sô 1:12, chúng ta hiểu rằng mục đích của sự cứu rỗi đó là “hầu cho sự vinh hiển của Ngài nhờ chúng ta là kẻ đã trông cậy trong Đấng Christ trước nhứt mà được ngợi khen.” Kế hoạch của Đức Chúa Trời khi Ngài kêu gọi bạn đến với sự cứu rỗi đó là sự vinh hiển của Ngài sẽ được bày tỏ qua đời sống bạn. II Tê-sa-lô-ni-ca 2:14 khẳng định: “Ngài đã dùng Tin lành chúng tôi gọi anh em, đặng anh em hưởng được sự vinh hiển của Đức Chúa Giê-su Christ chúng ta.” Chúng ta được cứu để hưởng sự vinh hiển của Đức Chúa Trời và để dâng sự vinh hiển lên cho Ngài.

Thứ hai, chúng ta không chỉ được cứu để dâng sự vinh hiển lên cho Chúa, nhưng chúng ta cũng tăng trưởng để dâng sự vinh hiển lên cho Chúa, Trong II Phi-e-rơ 3:18 chúng ta thấy động cơ cho sự tăng trưởng thuộc linh: “Hãy tấn tới trong ân điển và trong sự thông biết Chúa và Cứu Chúa chúng ta là Đức Chúa Giê-su Christ. Nguyền xin vinh hiển về nơi Ngài, từ rày đến đời đời! A-men.” Dâng vinh hiển lên cho Chúa, nguyên tắc nền tảng này ảnh hưởng đến mỗi một khía cạnh trong cuộc sống của chúng ta. Chúng ta được cứu để dâng vinh hiển lên cho Chúa, và chúng ta tăng trưởng trong Đấng Christ cũng vì mục đích đó. II Cô-rinh-tô 3:18 viết như vầy: “Chúng ta ai nấy đều để mặt trần mà nhìn xem vinh hiển Chúa như trong gương, thì hóa nên cũng một ảnh tượng Ngài, từ vinh hiển qua vinh hiển, như bởi Chúa, là Thánh Linh.” Tâm linh của chúng ta tăng trưởng để phản ánh sự vinh hiển của Đức Chúa Trời và do đó dâng vinh hiển lên cho Chúa.

Thứ ba, sứ đồ Phi-e-rơ nói rằng chúng ta hầu việc Chúa để dâng vinh hiển lên cho Ngài. “Ví bằng có người giảng luận, thì hãy giảng như rao lời sấm truyền của Đức Chúa Trời; nếu có kẻ làm chức gì, thì hãy làm như nhờ sức Đức Chúa Trời ban, hầu cho Đức Chúa Trời được sáng danh trong mọi sự bởi Đức Chúa Giê-su Christ; là Đấng được sự vinh hiển quyền phép đời đời vô cùng. A-men” (I Phi-e-rơ 4:11). Tác giả sách Hê-bơ-rơ cũng khẳng định rằng chúng ta hầu việc Đức Chúa Trời để dâng vinh hiển lên cho Ngài, ông nói rằng: “Đức Chúa Trời bình an, là Đấng bởi huyết giao ước đời đời mà đem Đấng chăn chiên lớn là Đức Chúa Giê-su chúng ta ra khỏi từ trong kẻ chết, nguyền xin Ngài bởi Đức Chúa Giê-su Christ khiến anh em nên trọn vẹn trong mọi sự lành, đặng làm thành ý muốn Ngài, và làm ra sự đẹp ý Ngài trong chúng ta; sự vinh hiển đáng về Ngài đời đời vô cùng! A-men” (Hê-bơ-rơ 13:20-21).

Thứ tư, bên cạnh những điều trên, sứ đồ Phi-e-rơ cũng nói rằng thậm chí những sự đau khổ của chúng ta cũng nhằm dâng vinh hiển lên cho Chúa: “hầu cho sự thử thách đức tin anh em quí hơn vàng hay hư nát, dầu đã bị thử lửa, sanh ra ngợi khen, tôn trọng, vinh hiển cho anh em khi Đức Chúa Giê-su Christ hiện ra” (I Phi-e-rơ 1:7). Sự đau khổ thậm chí cũng có thể phản ánh mục đích của Đức Chúa Trời cho đời sống chúng ta.

Cuối cùng, mỗi một người tin Chúa đều được ban cho những ân tứ thuộc linh mà khi những ân tứ đó được sử dụng thì sẽ sanh bông trái để dâng vinh hiển lên cho Chúa. Giăng 15:8 viết rằng: “Nầy, Cha ta sẽ được sáng danh là thể nào: Ấy là các ngươi được kết nhiều quả, thì sẽ làm môn đồ của Ta vậy. Đức Chúa Giê-su muốn nói rằng Đức Chúa Trời được tôn vinh khi chúng ta được kết quả. Hơn thế nữa, qua việc kết quả mà chúng ta chứng tỏ mình là môn đồ của Đức Chúa Giê-su. Vậy, ở đây có một mối liên kết quan trọng giữa việc trở nên môn đồ, sanh bông trái và sự vinh hiển của Đức Chúa Trời.

Trong mỗi một giai đoạn mà chúng ta trải qua – sự cứu chuộc, tăng trưởng thuộc linh, phục vụ, đau khổ và sanh bông trái – Đức Chúa Trời đều đã tạo dựng chúng ta để dâng vinh hiển lên cho Ngài. Mặc dầu mục đích ấy đã bị phá vỡ khi A-đam phạm tội, tuy nhiên, mục đích ấy giờ đây đã được khôi phục. Phao-lô nói rằng: “Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, thì nấy là người dựng nên mới; những sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới” (II Cô-rinh-tô 5:17). Một trong những “sự mới” ở đây đó là chúng ta được khôi phục để dâng vinh hiển lên cho Chúa qua việc chúng ta được thay đổi theo hình ảnh của Đức Chúa Giê-su (Rô-ma 8:28-19). Khi chúng ta sống và bước đi như Đức Chúa Giê-su, chúng ta sẽ dâng vinh hiển lên cho Chúa. Bạn được cứu để dâng vinh hiển lên cho Chúa. Bạn tăng trưởng để dâng vinh hiển lên cho Chúa. Bạn phục vụ để dâng vinh hiển lên cho Chúa. Bạn trải qua sự đau khổ để dâng vinh hiển lên cho Chúa. Bạn khám phá và sử dụng những ân tứ (và sanh bông trái) để dâng vinh hiển lên cho Chúa.

Kỳ 5

 

Nguyên tắc nền tảng đối với môn đồ hóa

Vậy nguyên tắc nền tảng NÀY đó chính là dâng vinh hiển lên cho Đức Chúa Trời. Hãy xem I Cô-rinh-tô 10:31: “Vậy, anh em hoặc ăn, hoặc uống, hay là làm sự chi khác, hãy vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời mà làm.” Cũng vậy, sự vinh hiển của Đức Chúa Trời chính là nguyên tắc nền tảng cho môn đồ của Chúa. Sứ đồ Giăng đã liên kết sự vinh hiển của Đức Chúa Trời với việc trở nên môn đồ của Chúa khi ông nói: “Nầy, Cha ta sẽ được sáng danh là thể nào: Ấy là các ngươi được kết nhiều quả, thì sẽ làm môn đồ của ta vậy” (Giăng 15:8). Kế hoạch cuối cùng của Đức Chúa Trời dành cho cuộc đời bạn là một môn đồ của Đức Chúa Giê-su Christ (môn đồ) đó chính là dâng vinh hiển cho Danh Ngài, được minh chứng qua việc sanh bông trái, hay nói cách khác là môn đồ hóa. Môn đồ hóa được thể hiện qua việc giúp người khác nhận biết Đức Chúa Giê-su, giúp họ tăng trưởng và làm theo lời Chúa. Kế đến, họ sẽ bắt đầu cam kết làm theo những mệnh lệnh của Chúa và vâng theo Đại Mạng Lệnh. Sự theo đuổi nhiệt thành này sẽ giúp mỗi một môn đồ của Đức Chúa Giê-su dâng lên Chúa nhiều sự vinh hiển nhất, và điều này cũng kết nối các môn đồ với sứ mệnh truyền giáo toàn cầu của Đức Chúa Trời. Dâng vinh hiển lên cho Đức Chúa Trời là mục đích của mỗi một cá nhân và cũng là kế hoạch mà Đức Chúa Trời dành cho cả địa cầu này. Là những người môn đồ hóa, chúng ta có đặc quyền chia sẻ tin mừng của Đức Chúa Giê-su cho tất cả mọi người và khích lệ những ai đã tiếp nhận Đức Chúa Giê-su Christ tiếp tục tăng trưởng và phát triển cho Đấng Christ.

 

TÔN VINH ĐỨC CHÚA TRỜI

Ý muốn của Đức Chúa Trời dành cho bạn gắn liền với sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Ý muốn của Đức Chúa Trời có thể được tìm thấy trong Lời Ngài, và như chúng ta đã chứng minh, ý muốn của Đức Chúa Trời cho cuộc đời bạn đó là dâng vinh hiển lên cho Ngài. Trong mỗi một giai đoạn tăng trưởng và phát triển của bạn là một môn đồ của Đấng Christ, ý muốn của Đức Chúa Trời đó là Ngài được tôn vinh qua cách bạn sống. Song, câu hỏi vẫn là làm thế nào? Làm thế nào tôi có thể dâng vinh hiển lên cho Chúa? Tương tự: “Làm thế nào tôi có thể giúp người khác dâng vinh hiển lên cho Chúa?”

Giúp người khác tham dự vào chương trình của Chúa

Như chúng ta đã đề cập ở trên, môn đồ có những giai đoạn phát triển nhất định. Mỗi một giai đoạn phải được gắn chặt với ý muốn của Đức Chúa Trời và gắn chặt với nguyên tắc nền tảng đó là tôn vinh Chúa. Là những người môn đồ hóa, mục đích của chúng ta đó là tôn vinh danh Ngài. Chúng ta hoàn thành mục đích này bằng cách “giúp người khác tham dự vào chương trình của Chúa.”3 Giúp người khác tham dự vào chương trình của Chúa bao gồm việc giúp họ khám phá, kinh nghiệm ý muốn Chúa cho cuộc đời họ. Khi chúng ta xem xét ý muốn Chúa trong mỗi một giai đoạn, chúng ta cũng sẽ khám phá những khía cạnh cụ thể trong ý muốn Chúa cho môn đồ.

Về mặt này, môn đồ hóa rất giống với việc làm cha mẹ. Để được làm cha mẹ thuộc thể, bạn phải có con cái. Để trở nên cha mẹ thuộc linh, người khác phải tiếp nhận Đức Chúa Giê-su là Chúa và Đấng Cứu Chuộc thông qua bạn. Cha mẹ thuộc thể thì muốn nhìn con cái của họ lớn lên và phát triển. Khi chúng trưởng thành, chúng cũng sẽ lập gia đình và trở nên những bậc phụ huynh, rồi chúng cũng sẽ có những đứa con của chúng. Cũng vậy, những cha mẹ thuộc linh muốn nhìn thấy những đứa con của họ tăng trưởng và phát triển.

Khi những tân tín hữu trưởng thành về mặt thuộc linh, họ sẽ tăng trưởng đến lúc sản sinh ra những đứa con thuộc linh. Khi những đứa con thuộc linh được sinh ra, những cha mẹ thuộc linh chăm sóc và giúp đỡ chúng “lớn lên” cho đến lúc chúng cũng sẽ có những đứa con thuộc linh riêng của chúng. Mục đích cuối cùng của những cha mẹ thuộc linh đó là nhìn thấy “những đứa con” của họ trưởng thành và ra đi! Những đứa con này sẽ trưởng thành và trở nên hình ảnh phản chiếu của cha mẹ chúng. Chúng sẽ đem lại cho cha mẹ chúng sự vinh hiển. Đó là tiến trình của tự nhiên và cũng nên là tiến trình trong lĩnh vực thuộc linh. Con cái là sự vinh hiển của cha mẹ, và cháu chắt là “mão triều thiên của ông già” (Châm Ngôn 17:6).

 

Tôi phải bắt đầu từ đâu?

Hãy cùng ôn lại, giai đoạn đầu tiên của ý muốn Chúa cho mỗi một người đó là sự cứu rỗi. Ngài muốn mỗi một người có được mối quan hệ tốt lành với Đức Chúa Giê-su Christ. Được sinh lại đó là điểm khởi đầu cho một đời sống dâng vinh hiển cho Đức Chúa Trời. II Phi-e-rơ 3:9 viết rằng: “Chúa không chậm trễ về lời hứa của Ngài như mấy người kia tưởng đâu, nhưng Ngài lấy lòng nhịn nhục đối với anh em, không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn năn.” Đức Chúa Trời không muốn bất kỳ ai bị chết mất trong tội lỗi và sự hư mất của họ. Đó là lý do vì sao Ngài ban Con Ngài để chết trên thập giá. Ngài đã thay thế chỗ của chúng ta trên thập giá. Ngài đã thay thế chúng ta, và nhờ đó, chúng ta được tha thứ tội lỗi và sống đời sống dâng vinh hiển lên cho Ngài.

Giai đoạn kế tiếp của ý Chúa cho mỗi một môn đồ của Ngài đó là tăng trưởng tâm linh. Hãy suy nghĩ điều Phao-lô đã nói trong I Tê-sa-lô-ni-ca 4:3-4: “Vì ý muốn Đức Chúa Trời, ấy là khiến anh em nên thánh: tức là phải lánh sự ô uế, mỗi người phải biết giữ thân mình cho thánh sạch và tôn trọng.” Câu Kinh Thánh này đã quá rõ ràng. Ý muốn của Đức Chúa Trời đó là bạn tăng trưởng trong sự nên thánh. Sự thánh hóa là một từ ngữ mà chúng ta không thường sử dụng trong ngày hôm nay, nhưng nó có nghĩa đơn giản đó là bạn luôn luôn nói vâng với Đức Chúa Trời và nói không với tội lỗi. Đức Chúa Trời được tôn vinh qua việc chúng ta khích lệ và truyền sức cho môn đồ của Ngài tăng trưởng và phát triển.

Giai đoạn phát triển thứ ba của môn đồ đó là sự phục vụ. Hãy lắng nghe điều sứ đồ Phao-lô đã nói trong Ê-phê-sô 2:10: “vì chúng ta là việc Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Đức Chúa Giê-su Christ để làm việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước cho chúng ta làm theo.” Ê-phê-sô 2:8-9 nói rằng chúng ta không được cứu nhờ việc làm, nhưng câu 10 nói rõ rằng chúng ta được cứu để làm việc lành. Đức Chúa Trời đã suy nghĩ những điều mà Ngài muốn con cái của Ngài thực hiện. Ngài đã chuẩn bị chúng ta trước để phục vụ trong vương quốc của Ngài. Bạn đã bao giờ tự hỏi tại sao Đức Chúa Trời ban cho mỗi một Cơ Đốc Nhân ít nhất một ân tứ thuộc linh? Mỗi một Cơ Đốc Nhân đều có một ân tứ, và người đó phải sử dụng ân tứ của mình để dâng vinh hiển cho Chúa. Chúng ta sử dụng ân tứ của mình trong thân thể của Chúa để phục vụ lẫn nhau và xây dựng thân thể của Đấng Christ (Ê-phê-sô 4: 16). Greg Ogden nhận định rằng: “Chúng ta đóng góp vào sức khỏe của cả thân thể bởi mục vụ hoặc ân tứ thuộc linh của mình.”4 Nếu bạn tuyên bố mình là môn đồ của Đấng Christ song bạn vẫn chưa hầu việc Ngài, thì tôi nghiêm túc đặt vấn đề chỗ đứng của bạn trong Đấng Christ. Trong Ma-thi-ơ 7:16, Đức Chúa Giê-su đã phán rằng: “Các ngươi nhờ những trái nó mà nhận biết được.”

Giai đoạn phát triển thứ tư của một môn đồ đó là học để hy sinh và chịu đựng đau khổ. Tôi xin nhắc lại những điều Phi-e-rơ đã nói về sự đau khổ của chúng ta và sự vinh hiển của Đức Chúa Trời: “hầu cho sự thử thách đức tin anh em quí hơn vàng hay hư nát, dầu đã bị thử lửa, sanh ra ngợi khen, tôn trọng, vinh hiển cho anh em khi Đức Chúa Giê-su Christ hiện ra” (I Phi-e-rơ 1:7). Leith Andersen đã nêu lên quan điểm sau đây về sự đau khổ: “Đức Chúa Trời luôn luôn là người chủ tối cao, chúng ta tin cậy Ngài sẽ có câu trả lời đúng đắn dù chúng ta có thích câu trả lời đó của Ngài hay không. Khi Đức Chúa Trời chọn thi hành phép lạ và hóa giải vấn đề của chúng ta, chúng ta biết ơn Ngài vô cùng. Nhưng khi Ngài nói không, chúng ta vẫn phải trung tín và cầu nguyện rằng Ngài sẽ ban cho chúng ta sức mạnh để vượt qua khó khăn đó, khiến Ngài được tôn trọng, và dũng cảm trong những lời nói của chúng ta cho Đức Chúa Giê-su.”5

Đức Chúa Giê-su đã cho các môn đệ của Ngài một thông điệp thẳng thắn: “Nếu có ai đến theo ta mà không ghét cha mẹ, vợ con, anh em, chị em mình, và chính sự sống mình nữa, thì không được làm môn đồ ta. Còn ai không vác thập tự giá mình mà theo ta, cũng không được làm môn đồ ta” (Lu-ca 14:27-27). Mang lấy thập giá của Đức Chúa Giê-su có nghĩa là môn đồ của Chúa phải sẵn sàng chịu khổ vì Vua muôn vua. Nếu chúng ta bền lòng hy sinh và chịu đau khổ vì Đức Chúa Giê-su, khi ấy Đức Chúa Trời sẽ được tôn vinh.

Giai đoạn thứ năm phản ánh mục đích cuối cùng của môn đồ Chúa Giê-su: ý muốn của Đức Chúa Trời dành cho bạn đó là sanh bông trái, và khi bạn sanh bông trái, Đức Chúa Trời được tôn vinh. Một lần nữa hãy lắng nghe lời của Đức Chúa Giê-su trong Giăng 15:8: “Nầy, Cha ta sẽ được sáng danh là thể nào: Ấy là các ngươi được kết nhiều quả, thì sẽ làm môn đồ của ta vậy.” Mục đích cao nhất của môn đồ Đức Chúa Giê-su đó là phát triển đến một lúc họ sanh bông trái cho sự vinh hiển của Đức Chúa Trời.

Có nhiều cách đễ diễn giải từ “kết quả” trong câu Kinh Thánh trên. Đầu tiên, đó là bông trái tốt lành nói về tính cách của Cơ Đốc Nhân. Chẳng hạn như, chúng ta có thể nghĩ về bông trái Đức Thánh Linh sản sinh ra những hành động tốt lành trong đời sống của chúng ta, cụ thể là: “Nhưng trái của Thánh Linh, ấy là lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ” (Ga-la-ti 5:22-23). Khi những bông trái này được thể hiện, Đức Chúa Trời vui lòng và Ngài được tôn vinh. Loại bông trái này định hình phẩm chất của môn đồ Đức Chúa Giê-su, đó cũng là nền tảng cho mọi mục vụ; trở nên những lãnh đạo để phục vụ. Thêm vào đó, chúng ta cũng có thể kết quả bằng việc chia sẻ phúc âm và giúp đỡ những người mới tiếp nhận Chúa được tăng trưởng. Chúng ta cũng có thể kết quả bằng việc sử dụng những ân tứ thuộc linh và phục vụ những người xung quanh chúng ta. Tất cả những điều trên sản sinh “bông trái” trong đời sống của chúng ta và dâng vinh hiển về Chúa.

 

Dù bạn làm gì…

Là những người môn đồ hóa, động lực của chúng ta đó là dâng lên Chúa thật nhiều sự vinh hiển qua đời sống chúng ta và qua đời sống của những người mà chúng ta phục vụ. Cuối cùng, chúng ta khao khát muốn nghe Đức Chúa Giê-su phán rằng: “Hỡi đầy tớ ngay lành trung tín kia, được lắm” (Ma-thi-ơ 25:21). Chúng ta khao khát được nghe điều đó trong cuộc sống của chúng ta, nhưng chúng ta cũng khao khát cho những người mà chúng ta phục vụ cũng được nghe điều đó nữa.

Đây là nguyên tắc khởi điểm và có tính nền tảng đối với việc môn đồ hóa. Cách mà chúng ta dâng vinh hiển cho Đức Chúa Trời đi theo tiến trình từ được cứu chuộc, đến tăng trưởng thuộc linh, phục vụ, chịu đau khổ, và cuối cùng đó là kết quả. Nguyên tắc nền tảng của môn đồ đó là dâng sự vinh hiển cho Đức Chúa Trời!

 

– Câu hỏi suy ngẫm –

  1. Mục đích cuộc sống của bạn là gì?
  2. Bạn đang ở giai đoạn nào trong những giai đoạn được nêu ở trên?
  3. Bạn cần làm gì để bước lên giai đoạn tiếp theo?
  4. Bạn có đang kết nhiều quả cho Chúa?
  5. Bạn cần thay đổi gì để được nghe Chúa phán rằng: “Hỡi đầy tớ ngay lành trung tín kia, được lắm” (Ma-thi-ơ 25:23)?

 

Chú thích

  1. http://www.desiringgod.org/resource-library/articles/the-glory-of-god-as-the-goal-of-history (truy cập vào ngày 27 tháng 9 năm 2012)
  2. John Calvin, Institutes of the Christian Religion, ed. John T. McNeill, trans. and indexed by Ford Lewis Battles (Philadelphia, PA: Westminster, 1967), 1:6:2 (72).
  3. Henry T. Blackaby and Richard Blackaby, Spiritual Leadership: Moving People on to God’s Agenda (Nashville: Broadman & Holman, 2001), 20.
  4. Greg Ogden, Unfinished Business: Returning the Ministry to the People of God (Grand Rapids: Zondervan, 2010), 11.
  5. Leith Anderson, The Jesus Revolution: Learning from Christ’s First Followers (Nashville: Abingdon, 2009), Kindle location 585-87.

J

Nhận ngày 23/9

Kỳ 6

2

Môn Đồ Hóa Là…

Bắt Đầu Từ Một Nền Tảng Vững Chắc

Rod Dempsey

Những nền tảng vững chắc

Đức Chúa Giê-su cảnh báo chúng ta về mối nguy hại khi xây nhà trên cát. Ngài giải thích rằng nếu ta xây nhà trên cát, khi mưa xuống, nước lên, gió lay động thì ngôi nhà sẽ sụp đổ. Lý do sụp đổ là vì ngôi nhà đó không được xây dựng trên đá. Ngôi nhà đó không có một nền tảng vững chắc (Ma-thi-ơ 7:24-27). Chúng ta đã xem xét qua một yếu tố của nền tảng này, yếu tố đó nói rằng động cơ của việc làm môn đồ và khiến người khác trở nên môn đồ của Chúa đó là vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Trong chương này, chúng ta sẽ xây dựng trên nền tảng đó qua việc tạo ra một định nghĩa đơn giản về một môn đồ của Đức Chúa Giê-su Christ.

Như vậy, chương sách này sẽ là một nền tảng dựa trên Kinh Thánh về môn đồ hóa trong Hội Thánh địa phương. Chương sách là tổng hợp lời dạy của Đức Chúa Giê-su về đề tài môn đồ hóa. Từ bên trong một Hội Thánh địa phương, khởi điểm của môn đồ hóa trước hết là phải hiểu môn đồ của Đức Chúa Giê-su là như thế nào. Nếu không hiểu được điều này, chúng ta không mong có hy vọng tạo ra được những môn đồ mà Đức Chúa Trời mong đợi. Chúng ta sẽ xem xét Kinh Thánh và suy nghĩ về những đặc tính của các môn đồ trong thế kỷ đầu tiên, từ những phần Kinh Thánh đó rút ra những nguyên tắc căn bản của một môn đồ. Những phần Kinh Thánh và nguyên tắc này là nền tảng cho công tác môn đồ hóa, và nền tảng đó là một vầng đá vững chắc.

Zig Ziglar đã ghi lại những lời rất nổi tiếng như sau: “Nếu bạn không nhắm vào điều gì, bạn sẽ chạm phải tất cả mọi điều.”1 Rất nhiều lần các Hội Thánh cố gắng tạo ra nhiều môn đồ nhưng họ không hiểu rõ một môn đồ thật sự là như thế nào. Kết quả là nhiều Hội Thánh đang chạy, chạy rất nỗ lực, nhưng lại không có chút tiến triển nào trong tiến trình môn đồ hóa. Chính vì thế, khởi điểm của việc môn đồ hóa phải là xem xét kỹ lưỡng Đấng Chủ Tể đã nói gì về việc này. May mắn thay, các sách Phúc Âm của Đức Chúa Giê-su thường nói về ý nghĩa của việc làm môn đồ của Chúa, và từ môn đồ xuất hiện xuyên suốt trong các sách Tân Ước.

 

Bắt đầu bằng sự hiểu rõ

Từ môn đồ xuất hiện 266 lần trong Tân Ước, đa số là ở trong các sách Phúc Âm. Trong những bối cảnh mà từ ngữ này xuất hiện, việc trở nên một môn đồ có nghĩa tổng quát là từ bỏ những điều trong thế gian này và đi theo Đức Chúa Giê-su. Thêm vào đó, việc làm môn đồ đòi hỏi người đó phải được kỷ luật trong những thói quen thuộc linh và mục đích (xem phần 2). Các thư tín nhấn mạnh một cộng đồng có mối liên hệ với nhau, nơi đó các môn đồ được phát triển trong bối cảnh là thân thể của Đấng Christ. Họ khám phá và sử dụng những ân tứ thuộc linh để yêu thương và phục vụ lẫn nhau và phục vụ những người chưa tin. Các môn đồ vâng theo Điều răn lớn nhất (Ma-thi-ơ 22:37), Điều răn mới (Giăng 13:34), và Đại Mạng Lệnh (Ma-thi-ơ 28:19), và qua đó họ trở thành những bàn tay, đôi chân và tiếng nói của Đức Chúa Giê-su trong thế giới của họ. Các môn đồ được phát triển khi cả thân thể tăng trưởng đến sự trưởng thành và khi mỗi một phần trong thân thể thực hiện chức năng của mình (Ê-phê-sô 4:16).

Chúng ta không thể bỏ qua sự kêu gọi của Đức Chúa Giê-su trong các sách Phúc Âm rằng hãy đến và theo Ngài. Đức Chúa Giê-su xác định rõ những tiêu chuẩn của một môn đồ trong các sách Phúc Âm, và đây phải là khởi điểm của chúng ta. Đây là những phần Kinh Thánh chính nói về việc trở nên môn đồ được chính Đức Chúa Giê-su dạy dỗ. Môn đồ là người:

  1. Người cân nhắc kỹ lưỡng cái giá phải trả trước khi theo Chúa. Lu-ca 14:28 nói rằng: “Vả, trong các ngươi có ai là người muốn xây một cái tháp, mà trước không ngồi tính phí tổn cho biết mình có đủ của đặng làm xong việc cùng chăng sao?” Câu Kinh Thánh này nói rõ rằng trước khi một người quyết định theo Đức Chúa Giê-su, người ấy phải ngồi tính cái giá phải trả nếu theo Ngài. Bởi vì làm môn đồ thật của Đức Chúa Giê-su, cái giá là tất cả cuộc đời, thân thể, tài sản lẫn tương lai của bạn. Nói tóm lại, cái giá là tất cả mọi điều thuộc về bạn. Nếu cái giá của kế hoạch và ý muốn của Đức Chúa Trời đó là sự sống của Đức Chúa Giê-su, thì đối với các môn đồ của Ngài cũng vậy.
  2. Người hoàn toàn phó thác vào Đấng Christ. Dietrick Bonhoeffer đã nói rằng: “Môn đồ là phó thác vào Đấng Christ. Bởi vì Ngài là Đấng sống, nên người ta theo Ngài.”2 Đức Chúa Giê-su là trên hết! Ngài là sự ưu tiên số một. Hãy suy nghĩ câu Kinh Thánh sau đây trong Lu-ca 14:26: “Nếu có ai đến theo ta mà không ghét cha mẹ, vợ con, anh em, chị em mình, và chính sự sống mình nữa, thì không được làm môn đồ ta.” Từ ghét ở đây là một từ mang tính chất so sánh. Tình yêu thương của chúng ta đối với Đấng Christ quá lớn, quá nhiều, đến nỗi khi so sánh thì giống như chúng ta đang ghét (coi thường) người khác vậy. Đức Chúa Giê-su đã nói trong Ma-thi-ơ 6:33: “Nhưng trước hết, hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa.” Đức Chúa Giê-su được ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống của một con người được thể hiện qua việc người đó sẵn lòng đi đến bất cứ nơi đâu và làm bất cứ điều gì mà Ngài phán. Đã bao giờ bạn khao khát theo Chúa đầu tiên và trước hết dù cái giá phải trả là gì?
  3. Người sẵn lòng mang lấy gánh nặng của cá nhân để hy sinh cho Đấng Christ và Danh Ngài. Lu-ca 14:27 viết rằng: “Còn ai không vác thập tự giá mình mà theo ta, cũng không được làm môn đồ ta.” Đã có rất nhiều tác phẩm lẫn bài giảng nói về “vác thập tự giá mình” có nghĩa là gì. Tóm lại điều đó đơn giản có nghĩa là môn đồ của Đức Chúa Giê-su được kêu gọi để hy sinh sự sống của mình (những khao khát và quyết định của bản thân) và đầu phục ý muốn Chúa. Vương quốc của Đức Chúa Trời không được tấn tới theo giờ làm việc hành chính. Bạn không thể phục vụ một người mà bạn không đầu phục ý muốn mình theo ý của người mà bạn phục vụ. Hãy xem Lu-ca 17:10: “Các ngươi cũng vậy, khi làm xong việc truyền phải làm, thì hãy nói rằng: Chúng tôi là đầy tớ vô ích; điều chúng tôi đã làm là điều chắc phải làm.” Vâng phục đến độ hy sinh, nếu người đó được kêu gọi, đó là một phần của việc trở nên một môn đồ của Đức Chúa Giê-su.
  4. Người sẵn lòng từ bỏ mọi tài sản trên đất. Lu-ca 14:33 khẳng định: “Như vậy, nếu ai trong các ngươi không bỏ mọi sự mình có, thì không được làm môn đồ ta.” Một lần nữa chúng ta thấy sự kêu gọi từ bỏ hoàn toàn bất cứ điều gì mà mình sở hữu. Đức Chúa Giê-su phán dạy trong Ma-thi-ơ 6:24: “Chẳng ai được làm tôi hai chủ; vì sẽ ghét người nầy mà yêu người kia, hoặc trọng người nầy mà khinh người kia. Các ngươi không có thể làm tôi Đức Chúa Trời lại làm tôi Ma-môn nữa.” Trước đó cũng trong đoạn này, Đức Chúa Giê-su đã phán rằng: “Vì chưng của cải ngươi ở đâu, thì lòng ngươi cũng ở đó” (Ma-thi-ơ 6:21). Điều này không có nghĩa là môn đồ của Chúa thì phải thề nguyện sống trong cảnh nghèo nàn, nhưng môn đồ phải là người “nghèo thiếu trong tâm linh” (Ma-thi-ơ 5:3) và sẵn lòng đầu phục mọi tài sản mình có nếu Chúa đòi hỏi.
  5. Người tiếp tục bước đi trong lời Chúa và kinh nghiệm sự tự do trong Đấng Christ. Giăng 8:31-32 viết rằng: “Bấy giờ Ngài phán cùng những người Giu-đa đã tin Ngài, rằng: ‘Nếu các ngươi hằng ở trong đạo ta, thì thật là môn đồ ta; các ngươi sẽ biết lẽ thật, và lẽ thật sẽ buông tha các ngươi.’” Lời của Đức Chúa Trời là “sống và linh nghiệm.” Lời Chúa có khả năng “biến đổi tâm trí” và đời sống của chúng ta nếu chúng ta kiên trì đọc, học, ghi nhớ và suy ngẫm lời Chúa. Lời Chúa có thể khiến chúng ta được tự do khỏi sự dối trá của ma quỷ và ban cho chúng ta có năng lực vượt qua những mũi tên của quân thù. Nếu chúng ta không tiếp tục trong lời Chúa thì chúng ta đang mở rộng cửa cho sự lừa dối, nản lòng và thất bại. Bạn không thể là một môn đồ của Chúa nếu không cam kết nhiệt thành trong việc học hỏi và làm theo Kinh Thánh. Khi chúng ta uống lấy Lời của Chúa, Lời Chúa có năng quyền để biến đổi tâm trí chúng ta, và khi tâm trí của chúng ta được biến đổi, chúng ta sẽ có thể kinh nghiệm ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời (Rô-ma 12:2).
  6. Người thật lòng yêu những người tin Chúa khác. Giăng 13:35 khẳng định rằng: “Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn đồ ta.” Nếu bạn không yêu những Cơ Đốc Nhân khác thì bạn vẫn chưa nhận biết Đức Chúa Trời của tình yêu thương. Nhiều năm về trước Burt Bacharach đã sáng tác những ca từ sau đây: “Điều thế giới cần lúc này là tình yêu, tình yêu ngọt ngào. Một tình yêu dành cho tất cả mọi người chứ không cho riêng ai.”3 Những ca từ này nắm bắt sự kêu gọi và thách thức của Đức Chúa Giê-su trong bài giảng trên phòng cao, lúc ấy Ngài nhóm các môn đồ của Ngài lại và dạy họ phải “yêu mến lẫn nhau” (Giăng 15:17). Francis Schaeffer nhận xét rằng tình yêu mà chúng ta dành cho nhau phải thật mạnh mẽ để có thể hiệp nhất các Cơ Đốc Nhân lại với nhau, đến nỗi thế giới “tin rằng” Đức Chúa Giê-su đến từ Đức Chúa Trời.4 Môn đồ thời hiện đại phải cam kết yêu thương: yêu Chúa, yêu người lân cận và yêu các anh chị em trong Đấng Christ. Khi chúng ta yêu như lời Chúa dạy, không có lý lẽ nào có thể chống lại sức mạnh của tình yêu ấy. Mức độ yêu thương của bạn lúc này là bao nhiêu?

Kỳ 7   – sau ngày 1/10/18

  1. Người ở trong Đấng Christ, cầu nguyện, kết quả và tôn vinh Đức Chúa Trời. Giăng 15:5, 7-8 nói rằng: “Ta là gốc nho, các ngươi là nhánh. Ai cứ ở trong ta và ta trong họ thì sinh ra lắm trái; vì ngoài ta, các ngươi chẳng làm chi được… Ví bằng các ngươi cứ ở trong ta, và những lời ta ở trong các ngươi, hãy cầu xin mọi điều mình muốn, thì sẽ được điều đó. Nầy, Cha ta sẽ được sáng danh là thể nào: Ấy là các ngươi được kết nhiều quả, thì sẽ làm môn đồ của ta vậy.” Khi chúng ta ở trong Đấng Christ, chúng ta sẽ cầu xin ý muốn Chúa và nhận biết ý muốn của Ngài, điều đó được làm thành cho môn đồ của Chúa. Kết quả là họ sanh bông trái và tôn vinh Đức Chúa Trời. Giăng 15 là phân đoạn diễn tả rõ ràng nhất về đời sống của môn đồ Đấng Christ. Phân đoạn này phải là trải nghiệm quy chuẩn cho môn đồ của Chúa. Hãy chú ý đến phân đoạn này. Hãy học và làm theo.
  2. Người đầy dẫy Đức Thánh Linh. Công vụ các sứ đồ 13:52 nói rằng: “Còn các môn đồ thì được đầy dẫy sự vui vẻ và Đức Thánh Linh vậy.” Trong những bông trái từ việc ở trong Đấng Christ có bông trái của Đức Thánh Linh, đó là tình yêu thương, vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại và tiết độ (Ga-la-ti 5:22-23). Những bông trái còn lại đó là những kết quả từ sự phục vụ và sử dụng những ân tứ thuộc linh của mình. Giăng 15 nói rằng môn đồ phải kết nhiều quả – những bông trái từ trong tính cách và những bông trái từ trong hành động. Bản chất phải luôn luôn dẫn đến hành động. Đức Chúa Giê-su ban Đức Thánh Linh để ở với chúng ta và dẫn dắt chúng ta trong mọi sự. Để hoàn toàn đi theo Đấng Christ, chúng ta cần phải được đầy dẫy Đức Thánh Linh. Ngài sẽ dẫn dắt chúng ta vào con đường vâng phục và kết quả, và điều đó cuối cùng sẽ dẫn đến sự vui mừng. Chúng ta sẽ bàn sâu hơn về vấn đề này trong chương tiếp theo.
  3. Người vâng theo những mong muốn của Chúa mình. Ma-thi-ơ 26:19 viết rằng: “Môn đồ làm y như lời Đức Chúa Giê-su đã dạy mà dọn lễ Vượt qua.” Sự vâng phục hoàn toàn và ngay lập tức đó là dấu hiệu của một môn đồ. Không bao giờ có thể nói rằng: “Không thưa Chúa!” bởi vì khi bạn nói “không” thì Ngài cũng không còn là “Chúa” của bạn nữa. Các sách Phúc Âm miêu tả việc đi theo Chúa qua hình ảnh một thành viên trong vương quốc của Ngài. Là những thần dân trung thành trong vương quốc của Chúa, công việc của chúng ta đó là tuân lệnh Đức Vua và đi đến bất cứ nơi nào, làm bất cứ điều gì mà Ngài phán. Jim Putnam nhắc lại điều này khi ông nói rằng: “Để trở nên là những môn đồ, chúng ta cũng phải công nhận và chấp nhận con người thật của Đức Chúa Giê-su, và chúng ta phải đặt mình dưới thẩm quyền của Ngài.”5 Quá nhiều lần chúng ta tiếp cận vương quốc thiên đàng một cách hững hờ. Ví dụ về những Ta-lâng (Ma-thi-ơ 25:14-30) và ví dụ về những nén bạc (Lu-ca 19:11-27) nói rõ rằng một ngày nào đó Đấng Chủ Tể sẽ trở lại và những đầy tớ của Ngài sẽ phải báo cáo công việc của họ cho Ngài. Để được nghe Ngài phán rằng: “Hỡi đầy tớ ngay lành trung tín kia, được lắm,” chúng ta cần phải hiểu và khoác lấy vai trò của người đầy tớ. Bạn sẽ không được Chủ ban thưởng nếu bạn không vâng theo những mong muốn của Chủ mình.
  4. Người tham gia mật thiết vào mục vụ môn đồ hóa của Đức Chúa Giê-su. Ma-thi-ơ 28:16, 18-20 viết rằng: “Mười một môn đồ đi qua xứ Ga-li-lê, lên hòn núi mà Đức Chúa Giê-su đã chỉ cho… Đức Chúa Giê-su đến gần, phán cùng môn đồ như vầy: ‘Hết cả quyền phép ở trên trời và dưới đất đã giao cho ta. Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp-têm cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế.’” Đây là những lời cuối cùng của Đức Chúa Giê-su phán cho các môn đồ của Ngài trước khi Ngài thăng thiên về trời. Họ phải cẩn thận học lấy và chăm chỉ vâng theo. Cẩn thận đọc cấu trúc câu trong lời nói của Ngài chúng ta sẽ thấy: một mệnh lệnh, ba nguyên tắc, và một lời hứa. Động từ mệnh lệnh (ở thể cầu khiến) đó là từ “môn đồ hóa.” Là những môn đồ của Chúa, chúng ta làm bất kỳ điều gì khác cũng không quan trọng bằng việc thực hiện sứ mệnh mà Ngài giao. Môn đồ không thể đáp ứng với Đấng Christ nếu người đó không đáp ứng với sứ mệnh của Ngài. Chúng ta phải bước đi, như cách mà chúng ta đang bước đi ở đây, chúng ta phải đứng trong công tác phát triển môn đồ của Đấng Christ. Thêm vào đó, chúng ta phải làm phép báp-têm cho người mới và dạy họ làm theo mọi mệnh lệnh và lời dạy của Đức Chúa Giê-su. Khi chúng ta ra đi và khiến người khác trở nên môn đồ của Chúa, Đức Chúa Giê-su hứa Ngài sẽ ở cùng chúng ta. Tôi thường hỏi các sinh viên rằng: “Bao nhiêu người trong các em muốn Đức Chúa Giê-su ở cùng mình?” Thường thì tất cả mọi người trong phòng học đều sẽ giơ tay. “Tốt, nếu các em muốn Đức Chúa Giê-su ở cùng mình thì các em phải đứng trong công tác môn đồ hóa. Nếu các em vâng lời Ngài, Ngài hứa sẽ ở cùng với các em!”

Kỳ 8 – sau ngày 8/10

 

 

Đúc kết các nguyên tắc

Chúng ta vừa mới xem qua mười phân đoạn Kinh Thánh cùng với những nguyên tắc khác nhau giúp xác định rõ những đặc tính của môn đồ vào thế kỷ đầu tiên. Bạn có thể nào tưởng tượng được những môn đồ đầu tiên đã kinh ngạc và sửng sốt như thế nào khi nghe Đức Chúa Giê-su xác định cái giá phải theo Ngài là thế nào không? Bạn phản ứng ra sao khi đọc những lời của Đức Chúa Giê-su khi Ngài giải thích cái giá của việc trở nên môn đồ của Ngài? Chúng tôi hy vọng rằng khi bạn đọc những câu Kinh Thánh và những nguyên tắc này, tấm lòng của bạn sẽ được khuấy động để đón nhận thách thức đơn giản của Đức Chúa Giê-su đó là “hãy theo Ta.”

Trước khi một Hội Thánh bắt đầu tiến trình môn đồ hóa, họ phải hoàn toàn hiểu rõ một môn đồ của Đức Chúa Giê-su là như thế nào. Chúng ta không thể bỏ qua tầm quan trọng của việc bắt đầu với Kinh Thánh. Từ Kinh Thánh, chúng ta có thể đúc kết những nguyên tắc định hướng, từ đó giúp chúng ta tạo lập một định nghĩa cho môn đồ trong thời hiện đại. Định nghĩa đó phải xuất phát từ những nguyên tắc trong Kinh Thánh để có thể nắm lấy hình ảnh mà Đức Chúa Trời muốn thấy ở môn đồ của Ngài. Vì lý do này, tôi đề xuất ba nguyên tắc định hướng tóm tắt lại những phần Kinh Thánh trên.

Một môn đồ của Chúa là người:

  1. Hy sinh. Người đó quyết định quy phục Đấng Christ và đầu phục những ý muốn của mình để đi theo Đấng Christ dù cái giá phải trả là thế nào. Khởi điểm của sự cam kết này đó là sự cứu rỗi. Sau khi được cứu rỗi, người đó đã nghiêm túc xem xét cái giá phải trả và sẵn lòng từ bỏ gia đình và những tài sản của mình vì Đấng Christ nếu Ngài đòi hỏi người ấy. Môn đồ này cũng sẵn lòng vác cây thập tự của mình để đi theo Đấng Christ cho đến cùng trái đất. Hy sinh thời gian, công sức, thân thể và những dự tính trong tương lai, đó là một phần trong cam kết đi theo Đấng Christ. Quy phục Đấng Christ và kế hoạch của Ngài là mục đích cao cả nhất của người muốn theo Đấng Christ.
  2. Có mối quan hệ tốt đẹp. Người đó hiểu rằng tình yêu là dấu hiệu để thể hiện môn đồ của Đấng Christ. Yêu kính Đức Chúa Trời, yêu mến người lân cận, và yêu thương những môn đồ khác là điều rất quan trọng trong hệ thống giá trị của một môn đồ. Người đó phải dành thời gian với những Cơ Đốc Nhân khác trong việc khích lệ và nuôi dưỡng tâm linh. Yêu thương người lân cận là kết quả tự nhiên của tình yêu dành cho Đức Chúa Trời. Hơn thế nữa, nếu tôi yêu kính Đức Chúa Trời, tôi cũng sẽ muốn dành thời gian với Ngài và các con cái của Ngài. Những môn đồ của Đấng Christ cũng ưu tiên phục vụ thân thể của Chúa qua việc khám phá các ân tứ thuộc linh và sử dụng ân tứ đó để phục vụ những người tin Chúa lẫn những người chưa tin. Hội Thánh địa phương là trung điểm cho cộng đồng có mối liên hệ tốt đẹp này và là trung điểm của sự phục vụ. Một Hội Thánh làm theo Kinh Thánh sẽ ưu tiên phát triển những người tin Chúa trong cộng đồng. Yêu kính Đức Chúa Trời và yêu thương người khác không chỉ là một xúc cảm không ngừng, nhưng đó cũng là một hành động không ngừng.
  3. Có sự biến đổi. Người đó hiểu rằng mục đích của việc tăng trưởng tâm linh dẫn đến việc trở nên giống như Đấng Christ trong lời nói, suy nghĩ, thái độ, và hành động. Những thói quen như học Kinh Thánh, viết nhật ký, ghi nhớ, suy ngẫm, yên lặng, ở nơi vắng vẻ, cầu nguyện, kiêng ăn, và ban cho. Tất cả những điều đó đều quy về một điểm. Chúng kết nối chúng ta với ân điển của Đức Chúa Trời, và qua ân điển đó chúng ta được biến đổi trở nên hình ảnh của Đấng Christ. Khi chúng ta trở nên giống Đấng Christ trong tính cách, chúng ta cũng giống như Đức Chúa Giê-su và thực hành những giá trị của Ngài để trở nên người lãnh đạo – phục vụ. Sự biến đổi mà chúng ta đang nói đến xảy ra cho môn đồ của Chúa không chỉ kết nối họ lại trong thân thể Đấng Christ, nhưng cũng kết nối họ lại trong sứ mạng mà Ngài giao cho. Môn đồ khám phá, phát triển và sử dụng các ân tứ của mình vì vương quốc của Đức Chúa Trời. Bạn không thể là môn đồ của Đấng Christ nếu bạn không thực hiện sứ mệnh của Ngài.

 

Tạo ra một định nghĩa

Từ ba nguyên tắc mang tính định hướng trên – hy sinh, có mối quan hệ tốt, có sự biến đổi – chúng ta có thể tạo ra một định nghĩa giúp làm rõ một môn đồ của Đức Chúa Giê-su là như thế nào. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể bắt đầu thiết kế một tiến trình môn đồ hóa đơn giản và có mối liên hệ tốt đẹp. Từ nền tảng cơ bản nhất này, các Hội Thánh có thể thiết kế những hệ thống hoặc cơ cấu phát triển con người, là những người suy nghĩ, cảm nhận và hành động giống như Đức Chúa Giê-su. Đây là định nghĩa của tôi về một người theo Đức Chúa Giê-su là như thế nào:

Một môn đồ là người tin cậy Đức Chúa Giê-su để nhận sự cứu rỗi và đầu phục Ngài hoàn toàn. Người ấy cam kết thực hiện những kỷ luật thuộc linh trong cộng đồngphát triển tối đa tiềm năng của mình vì Đấng Christ và sứ mệnh mà Ngài giao.

 

Câu hỏi suy ngẫm

  1. Bạn đã đầu phục tất cả mọi điều cho Đấng Christ chưa?
  2. Bạn có đang tăng trưởng tâm linh với Đấng Christ (dành thời gian hằng ngày bằng các kỷ luật thuộc linh)?
  3. Bạn có gắn kết với Đức Chúa Giê-su và những môn đồ khác của Đức Chúa Giê-su không?
  4. Bạn có khám phá và có đang sử dụng những ân tứ thuộc linh của mình không?
  5. Bạn có tham gia vào sự tấn tới sứ mệnh của Đấng Christ không?

 

Chú thích

  1. Xem http://www.goodreads.com/quotes/show/78121 (accessed September 27, 2012).
  2. Dietrich Bonhoeffer, Discipleship, vol. 4 in Dietrich Bonhoeffer works (Minneapolis, MN: Augsburg: Gortress, 2003), Kindle location 1509.
  3. Xem http://www.metrolyrics.com/what-the-world-needs-now-is-love-lyrics-burt-bacharach.html (accessed September 27, 2012).
  4. Xem http://www.ccel.us/schaeffer.html, p. 15 (accessed September 27, 2012).
  5. Jim Putman, Real-Life Discipleship: Building Churches That Make Disciples (Colorado Springs: NavPress, 2010), 28.

 

3

Môn đồ hóa là…

Hợp tác với Đức Thánh Linh

Dave Earley

Để trở nên môn đồ của Đức Chúa Giê-su Christ, người đó cần phải tiếp nhận Đức Chúa Giê-su là Chúa và Đấng Cứu Chuộc của mình. Tiến trình dẫn đến quyết định như trên được gọi là “truyền giáo.” Đức Chúa Giê-su gọi đó là đánh cá “người” (Ma-thi-ơ 4:19). Nói cách khác, “không có truyền giáo… thì không có môn đồ.” Khởi điểm của việc trở nên một môn đồ của Đức Chúa Giê-su, và khiến người khác trở nên môn đồ của Đức Chúa Giê-su, đó là phải hiểu vai trò của Đức Thánh Linh trong tiến trình truyền giáo. Việc giúp một người tin Chúa không bao giờ là công việc đơn độc của một người. Ít nhất có ba người cùng tham gia vào tiến trình này. Thứ nhất, người chưa tin Chúa được nghe Phúc Âm và tiếp nhận Đức Chúa Giê-su bởi đức tin và sự ăn năn. Thứ hai, cần phải có người chia sẻ phúc âm cho người chưa tin được biết. Thứ ba, vai trò của Đức Thánh Linh, là Đấng giúp cho người chưa tin được hiểu phúc âm.

Chìa khóa để truyền giáo hiệu quả đơn giản đó là học cách hợp tác công việc mà Đức Thánh Linh đang thực hiện và nói với người mà chúng ta muốn truyền giáo cho họ. Tôi tin rằng thời gian mà tôi kém hiệu quả nhất trong việc truyền giáo đó là những khi tôi cố gắng thực hiện điều đó một mình, không nhạy bén với Đức Thánh Linh hoặc, cố gắng đóng vai trò của Đức Thánh Linh trong đời sống của người chưa tin.

 

Gặp người quan trọng nhất trong đời sống thuộc linh của bạn: Đức Thánh Linh

Một số Hội Thánh nói rất nhiều về Đức Thánh Linh. Nhưng một số Hội Thánh khác thì không. Mặc dù Kinh Thánh thường nhắc đến Đức Chúa Con và Đức Chúa Cha, nhưng Kinh Thánh cũng nói nhiều đến Đức Thánh Linh. Tôi xin trình bày cho các bạn tổng quan về Đức Thánh Linh.

Đức Thánh Linh là Đức Chúa Trời

Kinh Thánh dạy về Đức Chúa Trời ba ngôi hiệp nhất. Trong lịch sử, Cơ Đốc Nhân tin vào một Đức Chúa Trời duy nhất là Đấng bày tỏ chính Ngài qua ba ngôi vị. Ba ngôi vị đó chính là Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh. Cả ba đều là Đức Chúa Trời.

Kinh Thánh mô tả Đức Thánh Linh có những thuộc tính của Đức Chúa Trời. Đức Thánh Linh hiện diện ở khắp mọi nơi (Thi Thiên 139:7). Ngài toàn tri (I Cô-rinh-tô 2:10-11). Ngài toàn năng (Sáng Thế Ký 1:2; Lu-ca 1:35). Ngài hằng có đời đời (Hê-bơ-rơ 9:14). Ngài là thánh (Lu-ca 11:13). Hơn thế nữa, Đức Thánh Linh thường được nhắc đến với cương vị là Đức Chúa Trời (Công vụ 5:3-4; II Cô-rinh-tô 3:18; Sáng Thế Ký 1:1-2; Lu-ca 4:18). Ngài bình đẳng với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con (Ma-thi-ơ 28:19-20).

Đức Thánh Linh là một thân vị

Một số người đã sai khi dùng từ “nó” để nói về Đức Thánh Linh. Đây là một lỗi nghiêm trọng nhất. Đức Thánh Linh là một thân vị cũng như Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con. Ngài có sự khôn ngoan (I Cô-rinh-tô 2:10-11; Ê-phê-sô 1:17; Rô-ma 8:27), Ngài có cảm xúc (Ê-phê-sô 4:30), và ý muốn (I Cô-rinh-tô 12:11). Ngài có sự sáng tạo (Sáng Thế Ký 1:2). Ngài có tình yêu thương (Rô-ma 15:30). Hơn thế nữa, Ngài được nhắc đến bằng một đại từ nhân xưng (Giăng 15:26; 16:13-14).

Đức Thánh Linh không phải là một con ma khiến cho những người không tin Chúa sợ hãi. Ngài không phải là một năng lực độc đoán để đánh gục những người chưa tin. Ngài một thân vị, là một Đấng đầy yêu thương theo đuổi những người chưa tin và nói vào tấm lòng của họ.

Đức Thánh Linh là Đấng thực hiện công tác của Đức Chúa Trời trên đất ngày hôm nay

Tất cả phúc âm là nói về Đức Chúa Giê-su – sự chết, chôn và sống lại của Ngài vì tội lỗi của chúng ta. Song để đưa phúc âm vào lòng người chưa tin đó là công tác của Đức Thánh Linh. Ngài là thân vị của Đức Chúa Trời, là Đấng thực hiện công tác của Đức Chúa Trời trên đất ngày hôm nay.

Thời Cựu Ước Thời kỳ Phúc Âm Thời hiện tại
1400 TCN-4 TCN 4 TCN-30 SCN 30 SCN – Ngày nay (Đại nạn)
Đức Chúa Cha Đức Chúa Con Đức Thánh Linh

 

Billy Graham đã viết rằng: “Con người có hai nhu cầu tâm linh lớn nhất. Một là sự tha tội. Hai là sự tốt lành… chúng ta cần món quà có hai phần này mà Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta: trước hết là công tác của Đức Chúa Con cho chúng ta; thứ hai là công tác của Đức Thánh Linh trong chúng ta.”2 Kể từ sau ngày lễ Ngũ Tuần khoảng năm 30 SCN, Đức Thánh Linh đã là Đấng thực hiện công tác của Đức Chúa Trời trên đất. Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng Đức Chúa Giê-su ngồi trên ngôi bởi vì công tác chính của Ngài đã hoàn tất.

Con là sự chói sáng của sự vinh hiển Đức Chúa Trời và hình bóng của bổn thể Ngài, lấy lời có quyền phép Ngài nâng đỡ muôn vật; sau khi Con làm xong sự sạch tội, bèn ngồi bên hữu Đấng tôn nghiêm ở trong nơi rất cao, (Hê-bơ-rơ 1:3)

Song, bởi vì công tác của Đức Chúa Giê-su trên đất đã trọn, điều đó không có nghĩa công tác của Đức Chúa Trời được hoàn thành. Khi nói về sự thăng thiên của Ngài, Đức Chúa Giê-su giải thích Ngài sẽ chuyển giao trách nhiệm cho Đức Thánh Linh.

Ta đi sắm sẵn cho các ngươi một chỗ. (Giăng 14:2)

Ta lại sẽ nài xin Cha, Ngài sẽ ban cho các ngươi một Đấng Yên ủi khác, để ở với các ngươi đời đời, tức là Thần lẽ thật, mà thế gian không thể nhận lãnh được, vì chẳng thấy và chẳng biết Ngài; nhưng các ngươi biết Ngài, vì Ngài vẫn ở với các ngươi và sẽ ở trong các ngươi. Ta không để cho các ngươi mồ côi đâu, ta sẽ đến cùng các ngươi. (Giăng 14:16-18)

Đức Thánh Linh là Đấng đem con người lạc mất đến với sự cứu rỗi.

Tôi có gần bốn mươi cuốn sách nói về chủ đề truyền giáo. Tôi sửng sốt khi chỉ số ít trong đó đề cập đến vai trò của Đức Thánh Linh trong công tác truyền giáo hiệu quả. Lướt nhanh Kinh Thánh chúng ta sẽ thấy vai trò cốt yếu của Đức Thánh Linh trong việc đem người khác về với Đấng Christ.

THUYẾT PHỤC VỀ NHU CẦU

Tất cả những người được cứu đều là kết quả công việc của Đức Thánh Linh. Khi chúng ta chia sẻ phúc âm, Đức Thánh Linh phán với lòng của người chưa tin, thuyết phục và khiến họ thấy rõ sự sai lầm, Ngài theo đuổi và khiến họ tin. Đức Chúa Giê-su phán rằng Đức Thánh Linh khiến cho họ nhận thấy tội lỗi, sự công chính và sự đoán xét. Hãy xem Giăng 16:8-11:

Khi Ngài đến thì sẽ khiến thế gian tự cáo về tội lỗi, về sự công bình và về sự phán xét. Về tội lỗi, vì họ không tin ta; về sự công bình, vì ta đi đến cùng Cha, và các ngươi chẳng thấy ta nữa; về sự phán xét, vì vua chúa thế gian nầy đã bị đoán xét.

Nếu một người chưa tin không tin rằng mình là người lạc mất, họ sẽ không có động lực hoặc khao khát được cứu. Khi chúng ta chia sẻ phúc âm, Đức Thánh Linh sử dụng Lời của Đức Chúa Trời để khiến cho người chưa tin nhận biết tội lỗi của mình. Nhờ công tác của Đức Thánh Linh, người chưa tin sẽ được thuyết phục theo như mức độ tội lỗi thực tế của người đó.

Song, Đức Thánh Linh không dừng lại tại đó. Ngài cũng khiến cho những người chưa tin nhận biết về sự công chính. Chỉ Đức Thánh Linh mới có thể mở mắt người chưa tin để họ nhìn thấy mình thiếu sự công chính thật và sự trọn vẹn, thiếu sự công chính và không có chút tội lỗi nào của Đức Chúa Giê-su Christ, Đấng Cứu Chuộc.

Hơn thế nữa, Đức Thánh Linh cũng khiến cho người chưa tin nhận biết về sự phán xét. Khi Đức Thánh Linh hành động trong lòng của người chưa tin, người ấy sẽ hiểu rõ sự nghiêm trọng của tội lỗi mình và nhận biết tội lỗi đáng bị hình phạt như thế nào.

Không lời nào đủ để diễn tả về sự tối quan trọng của Đức Thánh Linh trong việc thuyết phục và khiến cho người chưa tin nhận biết về tội lỗi, sự công chính và sự đoán xét. Không có công tác của Đức Thánh Linh, người chưa tin sẽ không, và không thể kinh nghiệm sự cứu rỗi. Song, công tác của Đức Thánh Linh trong việc đem một linh hồn lạc mất đến với sự cứu rỗi không dừng lại tại đó.

BAN SỰ SỐNG MỚI

Có thể bạn đã quen thuộc với câu chuyện Đức Chúa Giê-su trò chuyện với một người tìm kiếm Ngài tên là Ni-cô-đem. Trong cuộc nói chuyện đó (Giăng 3:1-8), Kinh Thánh mô tả sự cứu rỗi là được sinh lại. Khi một người được cứu, người ấy được sinh lại về mặt thuộc linh; một sự sống mới được ban cho. Đức Chúa Giê-su cũng phán rằng dù sự sanh ra về mặt thuộc linh khó có thể nhìn thấy được không như sự sanh ra về mặt thuộc thể, tuy nhiên không có nghĩa sự sinh ra về mặt thuộc linh là không thật. Công tác của Đức Thánh Linh được ví sánh như gió. Con người không thể nhìn thấy gió, nhưng con người có thể nhìn thấy tác động của gió. Đức Thánh Linh cũng vậy, Chúng ta không thể nhìn thấy bằng mắt rằng Đức Thánh Linh sinh ra một đứa bé thuộc linh, nhưng chúng ta chắc chắn nhìn thấy những kết quả trong đời sống của người mới tin nhận Chúa. “Gió muốn thổi đâu thì thổi, ngươi nghe tiếng động; nhưng chẳng biết gió đến từ đâu và cũng không biết đi đâu. Hễ người nào sanh bởi Thánh Linh thì cũng như vậy” (Giăng 3:8).

 

BƯỚC VÀO CUỘC ĐỜI CỦA NGƯỜI TIN CHÚA

Thường người chia sẻ phúc âm sẽ khích lệ người chưa tin mời Đức Chúa Giê-su bước vào tấm lòng của họ. Dẫu điều này không sai, nhưng cũng không hoàn toàn đúng. Khi một người kêu gọi danh Chúa để nhận được sự cứu rỗi, Đức Chúa Giê-su không bước vào tấm lòng của họ. Thánh Linh của Đức Chúa Trời, hay chúng ta còn gọi là Đức Thánh Linh, mới chính là Đấng bước vào cuộc đời của họ. Hãy xem những câu Kinh Thánh sau đây:

Ta lại sẽ nài xin Cha, Ngài sẽ ban cho các ngươi một Đấng Yên ủi khác, để ở với các ngươi đời đời, tức là Thần lẽ thật, mà thế gian không thể nhận lãnh được, vì chẳng thấy và chẳng biết Ngài; nhưng các ngươi biết Ngài, vì Ngài vẫn ở với các ngươi và sẽ ở trong các ngươi. (Giăng 14:16-17)

Về phần anh em, nếu thật quả Thánh Linh Đức Chúa Trời ở trong mình, thì không sống theo xác thịt đâu, nhưng theo Thánh Linh; song nếu ai không có Thánh Linh của Đấng Christ, thì người ấy chẳng thuộc về Ngài. (Rô-ma 8:9)

Chính Đức Thánh Linh ngự trong đời sống của họ. Qua đó, Ngài khiến thân thể của những Cơ Đốc Nhân trở nên đền thờ của Ngài, là nơi Đức Chúa Trời được thờ phượng: “Anh em há chẳng biết rằng thân thể mình là đền thờ của Đức Thánh Linh đang ngự trong anh em… sao?”  (I Cô-rinh-tô 6:19)

Đức Thánh Linh giúp người tin Chúa tăng trưởng và phục vụ

Công tác của Đức Thánh Linh không dừng lại khi một người nhận được sự cứu rỗi. Đức Thánh Linh là Đấng Yên Ủi (Giăng 14:16-17) và là Giáo Sư quan trọng nhất của chúng ta (Giăng 14:26; I Cô-rinh-tô 2:12; II Phi-e-rơ 1:21). Ngài là Đấng ban cho chúng ta các ân tứ thuộc linh (I Cô-rinh-tô 12:4-11). Đức Thánh Linh là Đấng quan trọng nhất trong đời sống thuộc linh của bạn.

Hơn thế nữa, Ngài là Đấng dẫn dắt chúng ta (Rô-ma 8:14; I Tê-sa-lô-ni-ca 5:19) và là Đấng ban cho chúng ta năng quyền (Ê-phê-sô 3:16; Lu-ca 24:49; Công vụ 1:8). Để dẫn dắt người khác đến với Đấng Christ, chúng ta cần sự dẫn dắt và năng quyền thuộc linh nhờ Đức Thánh Linh ban cho. Đức Thánh Linh là Đấng quan trọng nhất trong đời sống mục vụ của bạn.

Đức Thánh Linh đồng công với người tin Chúa để chia sẻ phúc âm một cách hiệu quả

Tôi thường hỏi những Cơ Đốc Nhân đi chứng đạo rằng: “Bao nhiêu người trong các bạn từng chia sẻ phúc âm cho người chưa tin và nhận thấy mình đang nói những điều rõ ràng và khôn ngoan hơn là mình tưởng?” Họ luôn gật đầu và trả lời: vâng. Tại sao? Lý do là Đức Thánh Linh là Đấng tích cực đồng công với chúng ta khi chúng ta chia sẻ phúc âm. Truyền giáo hiệu quả đơn giản đó là hợp tác với Chúa. Một lần nữa hãy đọc kỹ lời hứa trong Đại Mạng Lệnh của Đức Chúa Giê-su:

Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp-têm cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế. (Ma-thi-ơ 28:19-20)

Hãy nghĩ về Đức Chúa Giê-su đã hứa. Ngài phán rằng khi chúng ta đặt cuộc sống của mình vào việc môn đồ hóa muôn dân, Ngài sẽ ở cùng với chúng ta. Kinh Thánh cho chúng ta biết Đức Chúa Giê-su hiện đang ngồi bên hữu Đức Chúa Cha trên thiên đàng (Ê-phê-sô 1:20; Hê-bơ-rơ 8:1). Vậy làm thế nào mà Ngài có thể ở cùng với chúng ta khi chúng ta hoàn thành Đại Mạng Lệnh? Đức Chúa Giê-su ở cùng với chúng ta trong thân vị của Đức Thánh Linh. Nếu bạn muốn kinh nghiệm sự hiện diện của Đức Thánh Linh, hãy đi khiến người khác trở nên môn đồ của Ngài.

 

Hợp tác với Đức Thánh Linh

Đức Thánh Linh muốn cứu vớt những con người lạc mất hơn cả chúng ta mong muốn. Ngài có quyền năng siêu nhiên mà chúng ta không có để khiến cho những người lạc mất nhận biết tội lỗi, sự công chính và sự đoán xét. Đức Thánh Linh là Đấng toàn tri. Khi chúng ta trò chuyện với người chưa tin, Ngài biết điều gì đang diễn ra trong đời sống và suy nghĩ của họ. Duy Đức Thánh Linh có năng quyền để phục hồi một con người lạc mất trở nên một tạo vật mới trong Đức Chúa Giê-su Christ. Chính vì thế, nếu chúng ta hy vọng truyền giáo hiệu quả cho một ai đó, chúng ta nên nhờ cậy Ngài, đó là điều hợp lý.

 

“Tôi đã ở trên con đường rượu chè say sưa”

Trước khi hoàn toàn dâng hiến đời sống mình cho Đức Chúa Giê-su, tôi đã gặp vấn đề với bia rượu. Khi tôi còn học trung học, gia đình tôi lâm vào cảnh khó khăn. Để thoát khỏi hoàn cảnh đó, tôi bắt đầu nấu rượu. Tôi cũng nghĩ rằng tiếp cận với rượu khi còn học Trung học sẽ giúp tôi nổi tiếng hơn. Tôi và những người bạn của mình đã say sưa với nhau vào những buổi cuối tuần. Không lâu sau, việc kinh doanh rượu của tôi trở nên phát đạt. Lao nhanh xuống con đường lầm lạc và đi sai hướng, tôi thật đáng thương. Nhờ một người bạn Cơ Đốc không đoán xét và một mục sư trẻ đầy nhiệt thành trong tâm linh, tôi đã dâng hiến trọn vẹn đời sống mình cho Đức Chúa Giê-su một vài năm sau đó. Tôi tràn ngập niềm vui thật và ngay lập tức ngừng uống bia rượu.

Tôi hiếm khi chia sẻ câu chuyện này khi tôi chia sẻ phúc âm cho người khác, nhưng một ngày nọ khi tôi đang nói về Đấng Christ cho một doanh nhân, tôi được Đức Thánh Linh thúc thẩy đặc biệt để kể lại Đức Chúa Giê-su đã giải cứu tôi khỏi bia rượu như thế nào. Lúc đó, tôi không thể nào biết rằng vợ của doanh nhân đó vừa mới dọa sẽ bỏ anh ta nếu anh ta không bỏ rượu bia. Khi tôi nói rằng: “Tôi đã ở trên con đường rượu chè say sưa,” điều đó khiến anh chú ý, và tôi đã có được chìa khóa để mở tấm lòng của anh ấy. Đức Thánh Linh đã sử dụng câu chuyện tôi được giải thoát khỏi bia rượu để động chạm con người này và đem anh ta về với Đức Chúa Giê-su.

Chúng tôi muốn khích lệ bạn khi chia sẻ niềm tin rằng: đừng cậy vào sức riêng của mình. Bạn không thể thuyết phục, cũng không thể khiến cho người khác nhận thấy điều gì. Nhưng Đức Thánh Linh thì có thể. Bạn không thể biết hết mọi việc đang diễn ra trong đời sống hoặc tâm trí của người khác. Nhưng Đức Thánh Linh thì biết. Bạn không thể cứu người khác. Nhưng Đức Thánh Linh có thể. Bởi vì Đức Thánh Linh chiếm vai trò quan trọng trong việc đem người khác đến với sự cứu rỗi, nên chúng ta phải nương dựa nơi sự giúp đỡ của Ngài.

Đức Chúa Giê-su đã hứa Đức Thánh Linh sẽ ban cho tín nhân quyền phép

Những lời cuối của một người thường được coi là những lời quan trọng nhất. Những lời cuối của một con người quan trọng nhất từ trước đến nay – đó là Đức Chúa Giê-su – hiển nhiên phải được xem là những lời quan trọng nhất từng được nói ra. Thú vị thay, những lời đó chứa đựng lời hứa về sự hiện diện của Đức Thánh Linh trong công tác môn đồ hóa:

“Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền phép, và làm chứng về ta tại thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri, cho đến cùng trái đất.”  (Công vụ các sứ đồ 1:8)

Những nhà truyền giáo đầu tiên đã nhờ cậy nơi quyền phép của Đức Thánh Linh

Khi Đức Chúa Giê-su hứa ban Đức Thánh Linh cho các môn đồ của Ngài khi họ chia sẻ phúc âm, Ngài đã thực hiện lời hứa ấy chứ không chỉ nói những lời nghe êm tai. Ngài đã ban một lời hứa mà các môn đồ của Ngài đã nương cậy và sử dụng lời hứa ấy một cách hiệu quả. Chẳng hạn như, sứ điệp đầu tiên trong Hội Thánh đầu tiên trong lịch sử đó chính là sứ đồ Phi-e-rơ công bố đầy đủ chi tiết về phúc âm. Khi Phi-e-rơ và những người khác được Đức Thánh Linh hành động, họ đã công bố đầy mạnh mẽ về sự chết, chôn và sống lại của Đức Chúa Giê-su vì tội lỗi con người. Đức Thánh Linh đã ban năng quyền cho lời  của Phi-e-rơ để 3.000 người được cứu và được làm phép báp-têm trong ngày hôm đó (Công vụ 2:1-41).

Sau đó, Phi-e-rơ và Giăng đã bị bắt giữ vì rao giảng về Đức Chúa Giê-su. Khi bị đe dọa, thay vì giữ im lặng, họ đã dựa nơi năng quyền của Đức Thánh Linh giúp đỡ để công bố về Đấng Christ không chút gì sợ hãi (Công vụ 4:1-12). Sự dạn dĩ của họ đã làm sững sờ giới cầm quyền (Công vụ 4:13). Không biết phải làm gì tiếp theo, giới cầm quyền đã đe dọa Phi-e-rơ và Giăng, rồi sau đó thả họ ra. Hãy xem lời cầu nguyện vui mừng khi Phi-e-rơ và Giăng được đoàn tụ cùng với cộng đồng đức tin:

Nầy, xin Chúa xem xét sự họ ngăm dọa, và ban cho các đầy tớ Ngài rao giảng đạo Ngài một cách dạn dĩ, giơ tay Ngài ra, để nhờ danh đầy tớ thánh của Ngài là Đức Chúa Giê-su,mà làm những phép chữa lành bịnh, phép lạ và dấu kỳ. Khi đã cầu nguyện, thì nơi nhóm lại rúng động; ai nấy đều được đầy dẫy Đức Thánh Linh, giảng đạo Đức Chúa Trời cách dạn dĩ. (Công vụ 4:29-31)

Các sứ đồ đã không ngưng nghỉ trong công tác chia sẻ niềm tin. Họ đã kêu cầu Chúa ban cho thêm sự dạn dĩ để nói Lời Chúa. Câu trả lời của Đức Chúa Trời đó chính là Đức Thánh Linh.

– Câu hỏi suy ngẫm –

  1. Bước đầu tiên trong việc khiến người khác trở nên môn đồ của Đức Chúa Giê-su Christ là gì?
  2. Hãy nhận biết rằng khi một người dâng đời sống họ cho Đức Chúa Giê-su Christ, đó không phải là hành động của chỉ một người – luôn có ít nhất ba người tham gia vào tiến trình này: Đầu tiên đó chính là người chưa tin lắng nghe phúc âm và tiếp nhận Đức Chúa Giê-su. Thứ hai là người chia sẻ phúc âm cho người chưa tin. Thứ ba là Đức Thánh Linh, là Đấng giúp cho người chưa tin hiểu được phúc âm. Điều nào trong ba điều trên là quan trọng hơn hết?
  3. Vai trò của Đức Thánh Linh quan trọng như thế nào trong đời sống bạn lúc này?
  4. Bạn đang làm gì để cùng hợp tác với Đức Thánh Linh ngay lúc này?
  5. Bạn cầu nguyện để ai được biết đến Đấng Christ ngay lúc này?

 

Chú thích

  1. Chương này phỏng theo sách của Dave Earley và David Wheeler, Evangelism is…: How to Share Jesus with Passion and Confidence (Nashville: B&H Academic, 2010), và sử dụng với sự cho phép của nhà xuất bản.
  2. Billy Graham, The Holy Spirit: Activating God’s Power in Your Life (Nashville: Thomas Nelson, 2000), xi.

4

Môn đồ hóa là…

Nhận biết vị trí trung tâm của Hội Thánh

Rod Dempsey

Câu chuyện của tôi

Vào một buổi sáng mùa xuân tuyệt đẹp tháng 5, lần đầu tiên tôi đã hiểu và làm theo phúc âm của Đức Chúa Giê-su Christ. Lúc đó tôi chín tuổi. Như thường lệ tôi cùng gia đình đi đến nhà thờ. Chúng tôi tham gia vào lớp Trường Chúa Nhật. Sau lớp Trường Chúa Nhật, chúng tôi đến buổi nhóm thờ phượng. Sau buổi nhóm chúng tôi có lễ báp têm, và sau đó mục sư nói rằng ông tin Đức Thánh Linh đang hành động và vẫn còn một người nữa trong buổi sáng hôm đó cần tiếp nhận Đấng Christ. Tôi chính là người đó. Một điều gì đó thật lạ. Khi ông nói những lời ấy, tim tôi bắt đầu đập thình thịch trong lồng ngực như một chuyến tàu chở hàng. Tôi biết rằng Đức Chúa Trời đang hành động trong đời sống tôi. Tôi quay sang người bên cạnh và nhờ anh ấy giữ giúp tài liệu Trường Chúa Nhật, anh ấy nhanh chóng đáp rằng: “không thể nào.” Tôi vội vàng đặt tập tài liệu xuống và đi lên phía trước. Sau khi nói chuyện với Mục sư, tôi đã xưng nhận Đức Chúa Giê-su là Đấng Cứu Chuộc và là Chúa của tôi (Rô-ma 10:9-10) và ngay sau đó tôi được làm phép báp têm! Tôi cảm thấy được tự do, được tinh sạch và  tâm hồn nhẹ nhàng thư thới. Tôi biết tội lỗi của mình đã được tha và tôi sẽ được lên thiên đàng.

Tôi đã rất phấn khởi được trở thành một môn đồ của Đấng Christ, đến nỗi tôi đã nói cho tất cả các bạn của tôi. Không may thay, niềm phấn khởi của tôi sớm héo tàn bởi vì những người bạn của tôi không có cùng một niềm tin mới giống như tôi. Không lâu sau, tôi đã không còn nói cho họ về Đấng Christ nữa. Tôi đã sớm học phải giữ “quan điểm cá nhân” cho riêng mình tôi. Tôi bắt đầu bỏ nhóm khi có một lý do nào đó, và một vài năm sau, bạn sẽ không nhận ra cuộc sống của tôi có gì khác biệt với những người bạn của tôi không biết Chúa. Tôi đã đi từ niềm phấn khích vì được làm môn đồ của Đấng Christ và rồi trở nên sợ hãi không dám nhắc đến Đức Chúa Giê-su. Thay vì là một môn đồ của Đức Chúa Giê-su, tôi đã đã trở thành một môn đồ của thế gian.

Trong thời Trung học, tôi tham gia rất nhiều hoạt động thể thao và chỉ muốn hòa nhập với đám đông. Bạn gần như khó có thể nhận ra tôi là một người tin Chúa. Song nhìn lại khoảng thời gian đó, tôi tin là mình đã được cứu. Tuy nhiên, tôi hiển nhiên không phải là một “môn đồ” của Đức Chúa Giê-su theo như cách mà chúng ta định nghĩa trong quyển sách này. Tôi là một người tin Chúa những vẫn rất “thế tục” (I Cô-rin-tô 3:1-3). Tôi không tăng trưởng trong linh trình với Đấng Christ. Tôi là một Cơ Đốc Nhân non nớt về mặt thuộc linh, một người cần được lớn lên và trưởng thành.

Trở nên một môn đồ của Đức Chúa Giê-su có nghĩa là bạn phải chủ tâm theo Ngài. Các sách Phúc Âm nói rõ về điều này. Bạn vâng theo lời dạy và sứ mệnh mà Ngài giao. Bạn ăn năn về thói ích kỷ và về việc bạn đã sống theo cách riêng của mình, rồi sau đó bạn đầu phục để vâng theo những lời dạy và sứ mệnh mà Đức Chúa Giê-su Christ đã giao. Đó chính là ý nghĩa của việc trở nên một môn đồ. Tiến trình giúp đỡ các Cơ Đốc Nhân tăng trưởng và phát triển tâm linh được gọi là môn đồ hóa.

Kinh Thánh dạy chúng ta rằng bất kỳ một Cơ Đốc Nhân nào khi mới bắt đầu tiếp nhận Đấng Christ thì người đó được sanh lại (Giăng 3:1-5). Họ được ví sánh như là những đứa trẻ thuộc linh (Hê-bơ-rơ 5:13-14), là những người cần “trưởng thành” trong mọi mặt để trở nên giống Đấng Christ (Ê-phê-sô 4:14). Đó chính là cuộc sống bình thường của Cơ Đốc Nhân. Tuy nhiên sự tăng trưởng tâm linh của tôi trong tuổi niên thiếu có lúc thành công, nhưng cũng lắm lúc thất bại. Tôi đã đầu phục Đấng Christ và muốn theo Ngài, nhưng tôi cũng luôn cảm thấy bất lực không thể thực hiện được điều đó. Chỉ một vài năm sau, tôi đi từ một môn đồ nhiệt thành của Đấng Christ trở nên một “Cơ Đốc Nhân thầm lặng”, bất lực, bối rối, và khốn khổ.

 

Bài học đau thương

Đáng buồn thay, gần như ba mươi năm trong chức vụ Cơ Đốc, tôi đã nhiều lần chứng kiến những câu chuyện tương tự như lời chứng của tôi – những bạn trẻ hứa nguyện với Đấng Christ khi còn nhỏ nhưng sau đó lại lạc lối đi xa Ngài trong độ tuổi niên thiếu. Trong hầu hết các trường hợp, đứa con hoang đàng đó đã trở về, nhưng mang trên mình những vết sẹo đầy đau đớn. Có thể trường hợp của tôi cũng giống như câu chuyện của bạn.

Có thể bạn sẽ hỏi rằng: tại sao những đứa trẻ, người lớn hay bất kỳ ai cũng có thể lạc hướng và đi xa khỏi Chúa? Có rất nhiều lý do, nhưng một trong những lý do lớn nhất khiến con người lạc lối và đi xa khỏi Chúa đó là bởi vì họ không bước đi với Chúa nhiều hơn. Tôi đã không “lấy lòng sợ sệt run rẩy làm nên sự cứu chuộc mình” (Phi-líp 2:12), và Hội Thánh nơi tôi lớn lên đã không giúp đỡ tôi. Hội Thánh nơi tôi lớn lên là một Hội Thánh vùng quê, nơi đó người giảng đạo thì giảng, còn các gia đình thì tham dự buổi nhóm. Song tại đó không có một kế hoạch chủ động giúp đỡ những Cơ Đốc Nhân trẻ tuổi tăng trưởng và phát triển. Những lãnh đạo Hội Thánh là những người tốt và tin kính Chúa, song họ không có chủ tâm nỗ lực giúp đỡ các thanh niên lớn lên và trưởng thành về mặt thuộc linh. Câu chuyện này không xa lạ đối với nhiều người.

Không may thay, rất nhiều Hội Thánh đã không chủ động tập trung vào công tác trang bị và giúp sức cho những tân tín hữu lớn lên và phát triển tối đa khả năng của họ cho Vương quốc của Chúa. Hậu quả là rất nhiều tân tín hữu lạc bước đi xa khỏi Chúa và Đấng Cứu Chuộc của họ. Tân tín hữu đó không đủ mạnh để chống lại “ba mối đe dọa”-mê tham của xác thịt, mê tham của mắt, và sự kiêu ngạo của đời – và họ cách xa Chúa và Đấng Cứu Chuộc của họ (I Giăng 2:16).

 

Thất bại trong việc lập kế hoạch đồng nghĩa với việc lập kế hoạch cho sự thất bại

Hội Thánh của Đức Chúa Giê-su Christ cần phải có những kế hoạch cụ thể để giúp mọi người tăng trưởng và phát triển tối đa tiềm năng của họ trong Đấng Christ. Mệnh lệnh chính trong Đại Mạng Lệnh đó chính là “môn đồ hóa.” Tôi không đổ lỗi cho Hội Thánh mà tôi đã lớn lên. Tôi là người đã có những quyết định sai cho cuộc đời mình. Chúng ta đều là những con người tự do về đạo đức. Chúng ta có quyền lựa chọn, và cho đến cuối cùng chúng ta sẽ phải chịu trách nhiệm cho những sự lựa chọn của mình. Mặc dầu vậy, tôi vẫn tin rằng Hội Thánh cần phải rất chú tâm đến việc giúp đỡ những Cơ Đốc Nhân non trẻ để họ lớn lên và trưởng thành, trở nên những môn đồ hết lòng tận tụy của Đức Chúa Giê-su Christ. Trong quyển sách Chiến lược môn đồ hóa (Strategic Disciple Making), tác giả Aubrey Malphurs khẳng định: “Mệnh lệnh dành cho Hội Thánh là rất rõ ràng… chúng ta phải môn đồ hóa. Hội Thánh phải theo đuổi, khiến người khác trở nên người tin Chúa và giúp họ trưởng thành, ở tại quê nhà lẫn hải ngoại.”1 Thanh niên Cơ Đốc cần phải đi lên từ uống sữa rồi chuyển sang thức ăn đặc là Lời Chúa. Họ phải lớn lên từ những em bé  để trở thành những người lớn và trưởng thành, khi đó họ sẽ tham dự vào kế hoạch của Đức Chúa Trời để tiếp tục nhân bội lên những môn đồ của Chúa trong thế gian.

 

Vai trò của Hội Thánh

Hội Thánh phải đóng vai trò trung tâm trong kế hoạch môn đồ hóa của Đức Chúa Trời trên toàn cầu. Chữ Hội Thánh xuất hiện tám mươi hai lần trong Tân Ước, và lần đầu tiên Đức Chúa Giê-su nói về khái niệm “Hội Thánh” là ở Ma-thi-ơ 16:18, tại đó Ngài phán rằng: “Còn ta, ta bảo ngươi rằng: Ngươi là Phi-e-rơ, ta sẽ lập Hội Thánh ta trên đá nầy, các cửa âm phủ chẳng thắng được hội đó.” Chúng ta nhận thấy từ câu Kinh Thánh này rằng khi ấy Hội Thánh vẫn chưa tồn tại. Hội Thánh là điều sẽ xảy ra trong tương lai. Đức Chúa Giê-su phán rằng: “ta sẽ,” đó là để nói về tương lai. Chúng ta cũng nhận thấy rằng chính Chúa sẽ xây dựng nên điều mới mẻ này, đó chính là Hội Thánh. Nghĩa là Đức Chúa Giê-su là nhà sáng lập và cũng là đầu của Hội Thánh (Ê-phê-sô 1:22; 5:23; Cô-lô-se 1:18). Ngài nói thêm về Hội Thánh rằng đó là một lực lượng tập thể sẽ khóa các cửa âm phủ lại. Chúng ta nhận thấy từ câu Kinh Thánh này rằng Hội Thánh sẽ là công cụ tấn công vương quốc của sự tối tăm (Cô-lô-se 1:13).

Trong sách Công vụ các sứ đồ, Hội Thánh xuất hiện sau khi Phi-e-rơ lần đầu tiên rao giảng sứ điệp phúc âm. Hàng ngàn người tin, ăn năn, và hiệp lại cùng nhau để hình thành nên thân thể đầu tiên của Đấng Christ (Công vụ 2:42-47). Từ Hội Thánh xuất hiện 21 lần trong sách Công vụ các sứ đồ. Đã có rất nhiều tác phẩm nói đến cộng đồng những người tin Chúa đầy năng động này, họ đã nhóm nhau lại để cầu nguyện, thông công, dạy dỗ và chủ tâm thực hiện Đại Mạng Lệnh. Khi chúng ta đọc đến Công vụ 9:31, Lu-ca đã diễn tả Hội Thánh như sau: “Ấy vậy, Hội Thánh trong cả xứ Giu-đê, xứ Ga-li-lê và xứ Sa-ma-ri được hưởng sự bình an, gây dựng và đi trong đường kính sợ Chúa, lại nhờ Đức Thánh Linh vùa giúp, thì số của hội được thêm lên.” Từ câu Kinh Thánh này chúng ta có thể thấy một số yếu tố cơ bản cho sinh hoạt của một Hội Thánh. Ở họ có sự hòa hợp. Các thành viên được gây dựng và tăng trưởng trong sự thông biết về đời sống được đầy dẫy Đức Thánh Linh. Hội Thánh đã có ảnh hưởng đến xã hội tại khắp xứ Giu-đê, xứ Ga-li-lê và xứ Sa-ma-ri, và sự ảnh hưởng đó bắt nguồn từ những đời sống được biến đổi.

 

Vai trò của Mục sư là gì?

Vậy thì vai trò của Mục sư trong một Hội Thánh hướng đến việc môn đồ hóa muôn dân là gì? Sách Ê-phê-sô cho chúng ta nhận biết thấu đáo về điều này. Phao-lô viết sách Ê-phê-sô khi ông đang ở trong tù (Ê-phê-sô 6:20) khoảng năm 62 sau Công nguyên.2 Trong Ê-phê-sô 4:11-16, Phao-lô đã viết nên những mô tả rõ ràng và đầy năng quyền nhất về những nhiệm vụ trong thân thể của Đấng Christ. Cũng vậy, ông xác định vai trò và nhiệm vụ của mục sư và vai trò của các thánh đồ:

“Ấy chính Ngài đã cho người nầy làm sứ đồ, kẻ kia làm tiên tri, người khác làm thầy giảng Tin lành, kẻ khác nữa làm mục sư và giáo sư, để các thánh đồ được trọn vẹn về công việc của chức dịch và sự gây dựng thân thể Đấng Christ, cho đến chừng chúng ta thảy đều hiệp một trong đức tin và trong sự hiểu biết Con Đức Chúa Trời, mà nên bậc thành nhân, được tầm thước vóc giạc trọn vẹn của Đấng Christ. Ngài muốn chúng ta không như trẻ con nữa, bị người ta lừa đảo, bị mưu chước dỗ dành làm cho lầm lạc, mà day động và dời đổi theo chiều gió của đạo lạc, nhưng muốn cho chúng ta lấy lòng yêu thương nói ra lẽ chân thật, để trong mọi việc chúng ta đều được thêm lên trong Đấng làm đầu, tức là Đấng Christ. Ấy nhờ Ngài mà cả thân thể ràng buộc vững bền bởi những cái lắt léo, khiến các phần giao thông với nhau, tùy lượng sức mạnh của từng phần, làm cho thân thể lớn lên, và tự gây dựng trong sự yêu thương.”

Mục sư phải “huấn luyện” và “trang bị” cho các thánh đồ, còn các thánh đồ thì phải thực hiện “công tác mục vụ.” Ghi chú Kinh Thánh của Barnes giải thích rằng từ “huấn luyện” này (katartismon) là chỉ về việc “khôi phục bất kỳ điều gì về đúng chỗ của nó. Câu Kinh Thánh này [ở tại  Ê-phê-sô] có nghĩa là nhiều người lãnh đạo đã được bổ nhiệm để mọi việc trong Hội Thánh được sắp sếp tốt, hay nói cách khác là được đặt vào đúng vị trí của nó; hoặc cũng có nghĩa là Hội Thánh sẽ được ‘trọn vẹn.’”3 Sự sắp đặt này cũng gắn liền với việc giúp cách thánh “trong mọi việc được tăng trưởng trong Chúa,” và trở nên những Cơ Đốc Nhân “trưởng thành.” Sự trưởng thành này được thể hiện qua việc họ “không như trẻ con nữa, bị người ta lừa đảo, bị mưu chước dỗ dành làm cho lầm lạc, mà day động và dời đổi theo chiều gió của đạo lạc.” Việc này cũng liên quan đến cả thân thể được “ràng buộc vững bền bởi những cái lắt léo, khiến các phần giao thông với nhau, tùy lượng sức mạnh của từng phần, làm cho thân thể lớn lên, và tự gây dựng trong sự yêu thương.” Điều này đòi hỏi những Cơ Đốc Nhân trong thân thể phải được kết nối với nhau một cách đúng đắn theo như Đấng Christ mong muốn.

Sự phát triển thuộc linh bao gồm việc môn đồ của Chúa khám phá và phát triển tối đa tiềm năng ân tứ của mình (xem I Phi-e-rơ 4:10-11), trong thân thể của Chúa (nghĩa là trong cộng đồng Cơ Đốc), vì Đấng Christ và Vương Quốc của Ngài. Nếu mỗi một Cơ Đốc Nhân lớn lên và trưởng thành, thì thân thể của Chúa sẽ trở nên khỏe mạnh. Thân thể của Chúa càng có nhiều bộ phận hoạt động “một cách đúng đắn” (theo cách mà Ngài muốn), thì cả thân thể sẽ càng trở nên mạnh mẽ hơn. Lãnh đạo Hội Thánh cần phải coi trọng sức khỏe trong thân thể của Đấng Christ. Greg Ogden nhận xét rằng: “Hội Thánh không phải là một tổ chức của con người, nơi mà mọi người thống nhất với nhau sẽ giữ mãi kỷ niệm của một vĩ nhân, đó là Đức Chúa Giê-su Christ. Ngược lại, Hội Thánh là một tổ chức thiên thượng được hòa quyện một cách đầy nhiệm mầu vào sự sống và sự cai trị của Đấng Christ, là Đấng vẫn tiếp tục bày tỏ chính Ngài cho những người mà Ngài đã đem về.”4 Một Hội Thánh khỏe mạnh có nghĩa là thân thể của Đấng Christ cũng khỏe mạnh.

 

Hãy nói về cá nhân

Tôi xin hỏi: Bao nhiêu bộ phận trên cơ thể của bạn muốn hoạt động? Nếu bạn suy nghĩ giống tôi thì mọi bộ phận trên cơ thể tôi đều muốn nó hoạt động cả. Nếu tôi có một bộ phận nào đó không hoạt động, có nghĩa là tôi không cảm thấy khỏe chút nào. Nếu điều này là đúng với cơ thể vật lý của bạn, thì nó cũng đúng với thân thể tâm linh của Đấng Christ. Tại sao chúng ta cảm thấy hài lòng với việc chạy ì ạch khi chỉ có một số ít con cái của Ngài tham dự vào công việc Chúa?

Hội Thánh phải chủ tâm phát triển mọi con cái Chúa để họ đạt đến tiềm năng tối đa của mình. Có lẽ thách thức lớn nhất của việc vươn ra thế giới đó chính là phải sinh sản/phát triển con cái Chúa. Mặc dù Hội Thánh phải rao giảng phúc âm, nhưng Hội Thánh cũng phải tập trung vào mục vụ phát triển các thánh đồ.

Tôi nên làm gì đây?

Hội Thánh sẵn sàng giúp đỡ Cơ Đốc Nhân tăng trưởng và phát triển đến sự trưởng thành. Trưởng thành không hoàn toàn có nghĩa là tìm biết Đấng Christ là ai, hoặc thậm chí là tìm hiểu Cơ Đốc Nhân là gì. Sự trưởng thành được thể hiện đầy đủ khi Cơ Đốc Nhân hoàn thành vai trò mà Chúa giao cho. Bạn có khi nào hỏi rằng: “Tại sao Đức Chúa Trời ban cho mỗi một Cơ Đốc Nhân ít nhất một ân tứ?” Theo I Phi-e-rơ 4:10-11, mỗi một Cơ Đốc Nhân có ít nhất một ân tứ siêu nhiên:

“Mỗi người trong anh em hãy lấy ơn mình đã được mà giúp lẫn nhau, khác nào người quản lý trung tín giữ các thứ ơn của Đức Chúa Trời. Ví bằng có người giảng luận, thì hãy giảng như rao lời sấm truyền của Đức Chúa Trời; nếu có kẻ làm chức gì, thì hãy làm như nhờ sức Đức Chúa Trời ban, hầu cho Đức Chúa Trời được sáng danh trong mọi sự bởi Đức Chúa Giê-su Christ; là Đấng được sự vinh hiển quyền phép đời đời vô cùng. A-men.”

Phần Kinh Thánh này nói rõ rằng mỗi một Cơ Đốc Nhân có ít nhất một ân tứ thuộc linh, và chúng ta phải sử dụng ân tứ đó để tôn vinh Đức Chúa Trời. I Cô-rinh-tô 12:7 nói như thế này: “Đức Thánh Linh tỏ ra trong mỗi một người, cho ai nấy đều được sự ích chung.” Bạn có biết ân tứ thuộc linh của mình là gì không? Bạn có biết mình cần phải sử dụng ân tứ thuộc linh đó để phục vụ người khác không? Bạn có biết mình cần làm gì với ân tứ thuộc linh đó để dâng vinh hiển lên cho Chúa không? Nếu bạn đã biết ân tứ của mình rồi, bạn có đang thường xuyên sử dụng nó để gây dựng người khác không?

 

Hỡi Hội Thánh, hãy tiến lên!

Hội Thánh hiện diện là để truyền bá phúc âm và phát triển Cơ Đốc Nhân để họ trở nên những giáo sĩ. Ed Stetzer đã phát biểu về sứ mệnh của Hội Thánh như sau: “Đức Chúa Giê-su đã đến để cứu rỗi và phục vụ, còn chúng ta thì tham gia vào sứ mệnh của Ngài.”5 Sự tăng trưởng và phát triển của Cơ Đốc Nhân phải được thực hiện ở bề trong (trở nên giống Đấng Christ qua lời nói, suy nghĩ, và thái độ) lẫn bề ngoài (trở nên giống Đấng Christ qua hành động). Khi chúng ta lớn lên và trưởng thành, chúng ta phải tham gia vào sứ mệnh của Đấng Christ đó là đi đến cùng trái đất.

Từ Hội Thánh đơn giản có nghĩa là một nhóm “những người được gọi.”6 Cơ Đốc Nhân được kêu gọi ra khỏi thế gian để đến với một Đấng Cứu Rỗi, là Đấng kêu gọi họ đến với sứ mệnh. Hội Thánh nghĩa là vương quốc được hoàn thành, vương quốc là làm trọn sứ mệnh của Đức Chúa Trời; và sứ mệnh của Đức Chúa Trời bắt nguồn từ bản tính và tình yêu thương của Ngài. Giăng 3:16 thể hiện tốt nhất về điều này: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời.” Đức Chúa Trời ban Con Ngài với một sứ mệnh cứu rỗi thế gian. Ngài đã hoàn thành sứ mệnh của Ngài và giờ đây Ngài đòi hỏi chúng ta phải hoàn thành sứ mệnh đó. Giăng 20:21 giải thích về điều này như sau: “Cha đã sai ta thể nào, ta cũng sai các ngươi thể ấy.” Hội Thánh tồn tại là để chinh phục con người cho Đấng Christ, giúp đỡ họ phát triển trong bước đi của họ với Chúa, và sai phái họ vào sứ mệnh chinh phục thế gian.

Đã 2000 năm trôi qua kể từ khi Hội Thánh đầu tiên bắt đầu sứ mệnh chinh phục và môn đồ hóa thế gian. Vòng thời gian trôi qua, Hội Thánh trong lịch sử cũng đối diện với những khó khăn như sự bắt bớ và đạo lạc. Thêm vào đó, đôi khi Hội Thánh đã phải tranh đấu để hiểu rõ họ cần phải làm gì. Một số Hội Thánh nghĩ rằng nhiệm vụ chính của họ là bày tỏ tình yêu thương cho thế gian. Một số Hội Thánh khác thì tin rằng họ cần phải kết tội và lên án thế gian. Một số Hội Thánh khác nữa thì tin rằng họ phải trở nên giống như thế gian, và hậu quả là họ gần như không khác gì với thế gian. Một số Hội Thánh tin rằng cần phải tập trung vào sự giảng dạy. Một số Hội Thánh khác tin rằng cần tập trung vào truyền giáo. Một số Hội Thánh nghĩ rằng cần tập trung vào sự cầu nguyện. Một số Hội Thánh khác thì nghĩ rằng cần tập trung vào Đức Thánh Linh. Hiển nhiên đối với một người quan sát thông thường, sự diễn giải Hội Thánh cần phải làm gì trở nên mập mờ hơn cả việc một người suy nghĩ như thế nào.

 

Hội Thánh là thân thể của Chúa

Tôi xin nói rõ rằng: Hội Thánh của Đức Chúa Giê-su Christ là thực hiện công tác giảng dạy phúc âm và giúp đỡ những người đáp ứng với phúc âm được lớn lên vững mạnh về mặt thuộc linh. Khi tâm linh của họ lớn lên vững mạnh, những lãnh đạo Hội Thánh phải giúp đỡ họ khám phá và phát triển ân tứ thuộc linh của mình. Khi những Cơ Đốc Nhân đó sử dụng ân tứ của họ theo đúng cách, thì thân thể của Chúa phát triển khỏe mạnh. Khi thân thể của Chúa phát triển khỏe mạnh, họ sẽ dùng tình yêu thương để đến với thế giới chưa biết đến Chúa bằng sứ điệp của Đấng Christ, khiến nhiều người nghe và tiếp nhận món quà ân điển của Đức Chúa Trời.

Càng nhiều người tăng trưởng và phát triển thì Hội Thánh càng khỏe mạnh. Hội Thánh càng khỏe mạnh, thì thân thể của Chúa càng khỏe mạnh. Đức Chúa Giê-su tiếp tục được nhiều người nghe và nhìn thấy. Thân thể hiện hữu và khỏe mạnh của Đấng Christ sẽ tiếp tục ra đi “truyền tin lành cho kẻ nghèo… cho kẻ bị cầm được tha… kẻ bị hà hiếp được tự do” (Lu-ca 4:18-19). Trong các sách Phúc Âm, Đức Chúa Giê-su kêu gọi các môn đồ theo Ngài và thực hiện kế hoạch của Ngài. Chúng ta khám phá trong các thư tín và nhận thấy Mục vụ cùng sứ mệnh của Đức Chúa Giê-su được tiếp tục qua Hội Thánh của Ngài! Bạn là một phần trong thân thể của Chúa… vai trò của bạn trong sứ mệnh toàn cầu của Đức Chúa Trời là gì?

 

Câu hỏi suy ngẫm –

  1. Bạn nhận biết Đấng Christ khi nào?
  2. Bạn nhận biết Chúa trong trường hợp nào?
  3. Bạn có biết ân tứ của mình là gì không?
  4. Bạn có biết vị trí/vai trò của mình trong thân thể Đấng Christ là gì không?
  5. Hội Thánh nên tập trung vào điều gì?

 

Chú thích

  1. Aubrey Malphurs, Strategid Disciple Making: A Practical Tool for Successful Ministry (Grand Rapids: Baker, 2009), 21.
  2. Charles Ryrie, The Ryrie Study Bible (Chicago: Moody, 1978), 1799.
  3. Xem http://bible.cc/ephesians/4-12.htm (accessed December 12, 2012).
  4. Greg Ogden, Unfinished Business: Returning the Ministry to the People of God (Grand Rapids: Zondervan, 2010), Kindle location 605-7
  5. Xem http://www.edstetzer.com/2010/02/what-is-a-missional-church.html (accessed December 12, 2012).
  6. Xem http://www.xenos.org/classes/um1-1a.htm (accessed December 12, 2012).

 

 

Kỳ 13   sau ngày 25/10

 

Phần  2

Những Kiến Thức Cơ Bản Về Môn Đồ Hóa: Trở Nên Một Môn Đồ

Trong phần trước, chúng ta đã thiết lập những nền tảng vững chắc từ Kinh Thánh và thần học. Chúng ta đã khám phá nguyên tắc nền tảng đó là  làm tất cả vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Sau đó chúng ta đã thảo ra một định nghĩa về môn đồ dựa trên những phần Kinh Thánh chìa khóa trong Tân Ước, qua đó thiết lập một nền tảng cho quá trình môn đồ hóa. Kế tiếp, chúng ta đã bàn về tầm quan trọng của sự hợp tác với Đức Thánh Linh trong công tác truyền giáo. Cuối cùng, chúng ta đã vạch ra vai trò của Hội Thánh trong việc hoàn thành Đại Mạng Lệnh.

Trong phần này, chúng ta sẽ tập trung vào những lời nói và mệnh lệnh của Đức Chúa Giê-su cũng như những phương pháp của Ngài. Tập trung là một điều tốt. Nếu không có sự tập trung, chúng ta sẽ đi lòng vòng và đôi bàn tay quờ quạng ở phía trước để cố gắng tìm phương hướng. Đôi khi trong mục vụ tôi cũng cảm thấy như thế. Tuy nhiên, nếu chúng ta tập trung vào Đức Chúa Giê-su, vào những công việc Ngài đã làm và phương cách mà Ngài thực hiện, sẽ có nhiều vấn đề được giải quyết. Khi chúng ta xem xét những điều Đức Chúa Giê-su đã nói về việc trở nên và khiến người khác trở nên môn đồ, sự tập trung của chúng ta sẽ trở nên sắc bén hơn, chúng ta chỉ chú tâm vào những điều ưu tiên mà thôi. Những điều ưu tiên này sẽ dẫn dắt quá trình môn đồ hóa khi bạn đọc thực hành theo sau đó.

 

 

 

5

Môn đồ hóa là…

Vâng theo mọi lời Đức Chúa Giê-su đã truyền

Dave Earley

Sẽ ra sao nếu Đức Chúa Giê-su có nghĩa là những điều Ngài phán

Một vài tháng trước, tôi đã dùng bữa trưa với Shane Claiborne. Shane là một Cơ Đốc Nhân hoạt động chính trị, anh chọn sống với những cư dân nghèo ở thành phố Philadelphia. Mặc dù chúng tôi không đồng tình với nhau về mọi điều liên quan đến chính trị và thần học, nhưng chúng tôi có đồng quan điểm với nhau ở hầu hết những điều quan trọng, và chúng tôi đều tha thiết khao khát trở nên những người sống theo phúc âm. Shane đã nêu lên một câu hỏi vang động sâu trong tôi: “Sẽ ra sao nếu Đức Chúa Giê-su có nghĩa là những điều Ngài phán?”1

Đó thật là một câu hỏi quan trọng! Nếu Đức Chúa Giê-su có nghĩa là tất cả những gì Ngài phán, thì tôi phải đáp ứng với điều đó như thế nào. Từ lúc ấy, tôi bắt đầu hỏi chính mình rằng: Nếu tôi thật sự tin, đọc, học, ghi nhớ, và làm theo mọi điều Đức Chúa Giê-su đã dạy mỗi ngày, liệu đời sống tôi có khác đi không?

Một vài tuần sau cuộc gặp mặt với Shane, tôi đã dùng bữa trưa với đôi vợ chồng mục sư của một Hội Thánh lớn nọ, Tôi đã hỏi họ: “Liệu Hội Thánh của anh chị có khác đi không nếu tín hữu tại đó thật sự tin, đọc, học, ghi nhớ và làm theo mọi điều Đức Chúa Giê-su dạy mỗi ngày? Liệu cuộc sống của anh chị có khác đi không nếu các tín hữu của anh chị thật sự tin, đọc, học, ghi nhớ và làm theo mọi điều Đức Chúa Giê-su dạy mỗi ngày?”

Đôi vợ chồng mục sư đáp ứng tức thì và có phần xúc động. Một trong hai người nói rằng: “Tôi xấu hổ khi nói rằng Hội Thánh của tôi sẽ rất khác và tôi cũng vậy.” Người kia trả lời rằng: “Tôi thật sự muốn sống như thế. Chúng tôi đã chệch hướng từ khi nào?”

Sau đó, họ hỏi làm thế nào tôi đã lập kế hoạch để sống theo mọi điều mà Đức Chúa Giê-su đã truyền. Điều kế tiếp mà tôi nhớ đó là một khải tượng ập đến trong tôi về việc mở mang thật nhiều Hội Thánh ở một thành phố lớn và rất thiếu thốn về thuộc linh, nơi đó có một Trường Đại học lớn trong nội thành.

Kết quả của buổi nói chuyện ngày hôm đó chính là giờ đây tôi đang mở Hội Thánh Thành Phố Ân Điển tại chính “Thành Phố Tội Lỗi,” Las Vegas (www.gracecityvegas.com), gần khu sòng bạc khét tiếng đối diện với Đại Học Nevada tại Las Vegas. Cộng đồng mà chúng tôi lựa chọn (mỉa mai thay lại nằm trong khu được gọi là Thiên Đường), cộng đồng đó có 50.000 dân, nhưng chỉ có một Hội Thánh Tin Lành nói Tiếng Anh. Có hơn một chục sòng bạc, năm câu lạc bộ thoát y, ba nơi nhóm lại của hội Mormon, ba nơi nhóm lại của hội Thời Đại Mới, nhưng chỉ có một Hội Thánh Tin Lành. Tại đây mỗi ngày có hơn 29.000 sinh viên đến học tại Đại Học Nevada, nhưng chỉ có một Hội Thánh Tin Lành.

Trong quyển sách này, chúng tôi không biết chính xác bạn sẽ làm theo mọi lời Đức Chúa Giê-su truyền dạy và vâng theo Đại Mạng Lệnh như thế nào. Nhưng chúng tôi quyết tâm giúp bạn thực hiện và thực hiện tốt điều đó.

 

Điều vĩ đại bị bỏ sót trong Đại Mạng Lệnh

Một lần nữa hãy cùng xem lại sứ điệp Đại Mạng Lệnh:

“Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp-têm cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi.Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế.” (Ma-thi-ơ 28:19-20)

Tôi đã nghe rất nhiều bài giảng và đã đọc khá nhiều quyển sách về Đại Mạng Lệnh. Những bài giảng và những quyển sách đó rất tuyệt vời trong việc tạo động lực cho Cơ Đốc Nhân ra đi và dạy họ làm thế nào để chia sẻ phúc âm. Một số thậm chí còn tạo mối liên kết giữa Đại Mạng Lệnh với Hội Thánh địa phương bằng việc tập trung vào từ làm phép báp-têm. Tuy nhiên đa số những bài giảng và quyển sách ấy đã bỏ sót một phần quan trọng. Như John Piper đã viết: “Mệnh lệnh cuối cùng của Đức Chúa Giê-su đó là dạy dỗ tất cả mọi mệnh lệnh của Ngài.” Thực ra, mệnh lệnh cuối cùng thậm chí đã thể hiện rõ ràng hơn câu nói trên. Chúa không phán rằng: “Dạy họ tất cả mọi mệnh lệnh của ta.” Nhưng Ngài phán rằng: “dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi.”2 Đức Chúa Giê-su truyền cho tất cả các môn đồ của Ngài phải dạy mọi người trong thế gian làm theo tất cả các mệnh lệnh của Ngài. Chính vì thế, chúng ta không thể nói rằng chúng ta đang làm trọn Đại Mạng Lệnh trong khi chúng ta vẫn chưa dạy các môn đồ của mình “giữ hết cả mọi điều mà Đức Chúa Giê-su phán.” Không dạy dỗ tất cả và không vâng theo tất cả đó chính là điều vĩ đại bị bỏ sót trong Đại Mạng Lệnh.

 

Giả định vĩ đại trong Đại Mạng Lệnh

Khi Đức Chúa Giê-su truyền cho mười một môn đồ của Ngài hãy đi môn đồ hóa bằng việc dạy dỗ người ta giữ mọi điều mà Ngài đã truyền, Chúa đang tạo ra một giả định khá lớn và khá quan trọng. Khi truyền cho các môn đồ hãy đi môn đồ hóa, Chúa thừa nhận rằng họ đã là những môn đồ. Khi truyền cho các môn đồ giữ tất cả mọi điều mà Ngài đã truyền, Chúa thừa nhận rằng họ đã làm theo mọi điều mà Ngài đã truyền dạy (đây là giả định). Chính vì thế, trước khi bạn có thể môn đồ hóa, bạn cần phải trở nên một môn đồ.

Trước khi bạn có thể trở nên một môn đồ, bạn cần phải bắt đầu vâng theo mọi điều Đức Chúa Giê-su phán dạy.

Trong ba năm qua, tôi đã đọc những lời phán của Đức Chúa Giê-su mỗi ngày. Nói thật là những lời phán đó đã làm đảo lộn cuộc sống của tôi. Nó khiến thay đổi hoàn toàn từ rất nhiều điều mà tôi đã từng nghĩ, từng tin, từng coi trọng và từng mơ ước. Trong thời gian này, tôi đã tự hỏi mình những câu hỏi lớn. Tôi thách thức bạn hãy tự hỏi những câu mà tôi đã hỏi chính mình:

  • Bạn có biết tất cả mọi điều Đức Chúa Giê-su đã phán dạy? Nếu ai đó chỉa súng vào đầu và đưa cho bạn một tờ giấy và một cây bút, lúc đó bạn vẫn có thể viết xuống hết mọi điều Đức Chúa Giê-su đã truyền?
  • Bạn có sẵn sàng làm theo mọi điều Đức Chúa Giê-su đã truyền không? Có mệnh lệnh nào mà bạn bỏ qua bởi vì quá khó thực hiện không? Đã bao giờ bạn biện hộ cho việc không làm theo mọi điều Đức Chúa Giê-su đã phán không?
  • Bạn đã dạy “môn đồ” của mình làm theo mọi điều Đức Chúa Giê-su truyền dạy chưa? Họ có biết những mệnh lệnh của Chúa không, và họ có đang sống vâng theo những mệnh lệnh đó không?

 

Môn đồ vâng theo mệnh lệnh của Đức Chúa Giê-su

Từ môn đồ có nghĩa là học trò. Từ ngữ này diễn tả một người được đỡ đầu đi theo và học hỏi những lời giáo huấn và dạy dỗ từ người thầy của mình. Từ ngữ này nói về một người tiếp nhận lối sống của thầy mình. Trong thế kỷ đầu tiên, mối quan hệ trong việc môn đồ hóa được dựa trên sự thân mật và vâng lời. Chắc chắn Đức Chúa Giê-su đã phán những lời sau để kết nối hai điều trên với nhau:

Nếu các ngươi yêu mến ta, thì giữ gìn các điều răn ta. (Giăng 14:15)

Nếu các ngươi vâng giữ các điều răn của ta, thì sẽ ở trong sự yêu thương ta, cũng như chính ta đã vâng giữ các điều răn của Cha ta, và cứ ở trong sự yêu thương Ngài. (Giăng 15:10)

Ví thử các ngươi làm theo điều ta dạy, thì các ngươi là bạn hữu ta. (Giăng 15:14)

Một vài tháng trước, tôi đã dùng bữa trưa cùng một số mục sư và các giáo sư trong Chủng viện Thần học. Tôi đã hỏi họ những câu hỏi mà tôi đã vật lộn với chúng: “Tôi có thật sự tin Đức Chúa Giê-su có nghĩa là tất cả mọi điều mà Ngài phán, và nếu tôi tin thì đời sống của tôi sẽ khác đi thế nào?” Tôi kinh ngạc trước câu trả lời của họ. Một người đã kể với chúng tôi rằng ông vừa mới giảng một bài giảng về sự vâng lời. Một người khác thì thuật lại chuyện ông ấy đã giảng về việc vâng lời Đức Chúa Giê-su như thế nào trong lớp học của ông. Người thứ ba kể rằng một tuần trước đó ông đã chia sẻ sứ điệp về sự vâng lời Đức Chúa Giê-su trong một buổi ăn trưa của các mục sư. “Rất tốt,” tôi đáp, “nhưng các ông có đang thật sự vâng theo mọi điều Đức Chúa Giê-su đã phán, hay là các ông chỉ đang nói về điều đó? Quan ngại của tôi đó là chúng ta rất thường xuyên bị rơi vào cái bẫy hay nói về Cơ Đốc Giáo chân thật nhưng lại không sống theo những điều đó.” Tôi nói tiếp: “Tôi không muốn mắc tội vì chỉ đơn thuần nói về Cơ Đốc Giáo chân thật nhưng lại chưa từng sống theo những điều đó.”

Không riêng tôi cảm thấy thất vọng. Một triết gia người Đan Mạch ở thế kỷ mười chín tên Soren Kierkegaard đã viết:

Vấn đề khá đơn giản. Kinh thánh thật sự dễ hiểu. Nhưng chúng ta, những Cơ Đốc Nhân, là những kẻ bịp bợm đầy xảo quyệt. Chúng ta giả vờ như mình không thể hiểu Kinh Thánh bởi vì chúng ta biết rằng một khi chúng ta hiểu Kinh Thánh, chúng ta buộc phải làm theo. Hãy lấy bất kỳ lời nào trong Tân Ước và quên đi tất cả những điều khác, chỉ tự hứa nguyện với chính mình rằng tôi sẽ làm theo. Có lẽ bạn sẽ phản ứng rằng: thưa Chúa, nếu con làm thế, cả cuộc đời của con sẽ bị hủy hoại.3

Kierkegaard không dừng lại tại đó. Ông viết tiếp rằng:

Các học giả Cơ Đốc là một phát hiện vĩ đại của Giáo Hội để bảo vệ chính họ khỏi những ràng buộc của Kinh Thánh, để đảm bảo rằng chúng ta có thể trở nên những Cơ Đốc Nhân tốt mà không phải đến quá gần với Kinh Thánh… Điều tệ hại là phải rơi vào tay của Đức Chúa Trời hằng sống. Vâng, điều đáng sợ hơn nữa đó là một mình đối diện với Tân Ước.4

Tôi sợ rằng điều đó đã hiện diện trong phần lớn khoảng thời gian bảy năm mà tôi đã có đặc ân được viết sách, giảng dạy, thực hiện các buổi chuyên đề, và giảng những bài giảng về Cơ Đốc Giáo. Song, tôi đã không hoàn toàn sống đạo như những điều các sách Phúc Âm đã đòi hỏi.

Nói về những điều “các sách Phúc Âm đòi hỏi” có thể gây khó chịu. Chúng ta cần phải hiểu rõ về việc: Đức Chúa Trời đòi hỏi vâng lời trọn vẹn những mệnh lệnh của Ngài. Hãy xem những lời phán của Đức Chúa Giê-su sau đây:

Chẳng phải hễ những kẻ nói cùng ta rằng: “Lạy Chúa, lạy Chúa,” thì đều được vào nước thiên đàng đâu; nhưng chỉ kẻ làm theo ý muốn của Cha ta ở trên trời mà thôi. (Ma-thi-ơ 7:21)

Vậy, kẻ nào nghe và làm theo lời ta phán đây, thì giống như một người khôn ngoan cất nhà mình trên vầng đá. (Ma-thi-ơ 7:24)

David Platt đã nắm bắt tầm quan trọng của những câu Kinh Thánh trên khi phát biểu như sau: “Đầu tiên, từ khi bắt đầu, bạn cần phải cam kết tin vào tất cả mọi điều Đức Chúa Giê-su phán… kế đến bạn cần cam kết vâng theo mọi điều bạn đã nghe. Phúc âm không chỉ đơn thuần thúc giục bạn phải suy ngẫm, nhưng phúc âm đòi hỏi một sự đáp ứng… ‘tôi sẽ phải làm gì?’”5

  1. T. Studd là một trong số những người hùng của tôi. Ông là một người khá giả, tốt nghiệp Đại học Cambridge, ông vô tình trở nên một vận động viên cricket giỏi nhất thế giới trong thời điểm cricket là một trong những môn thể thao phổ biến nhất thế giới. Ông là vận động viên nổi tiếng nhất vào cuối những năm 90. Song, ông đã từ bỏ tất cả để vâng theo tiếng gọi truyền giáo đến Trung Quốc. Trong bài phát biểu tại một buổi tiệc trưa của các doanh nhân, ông đã kể lại câu chuyện cuộc đời ông đã thay đổi như thế nào khi vâng theo mệnh lệnh của Đức Chúa Giê-su:

“Tôi từng có một tôn giáo khác: săn lùng những lẽ thật được che giấu trong Kinh Thánh một cách đầy nhạy bén, hồi hộp. Tuy nhiên tôi không có sự vâng lời, không có sự hy sinh. Rồi một cơ hội đến. Điều chân thật đã đến với tôi… Những lời nói trở thành tín điều. Những mệnh lệnh của Đấng Christ không chỉ đơn thuần là lời kể lại trong ngày Chủ Nhật, nhưng đó là tiếng hô xung trận để làm theo…”6

Thật vậy, Đại Mạng Lệnh và những mệnh lệnh của Đức Chúa Giê-su chính là “tiếng hô xung trận” để chúng ta làm theo. Bạn có đang vâng theo tiếng hô xung trận của Đức Chúa Giê-su không?

 

Môn đồ hóa có cực đoan không?

Môn đồ hóa không đơn thuần là vấn đề ghi nhớ thông tin. Nhưng môn đồ hóa là thực hành theo một lối sống. Đó là lối sống từ bỏ trọn vẹn để yêu kính Đức Chúa Trời và vâng theo mệnh lệnh của Ngài. Tuy nhiên, môn đồ hóa đã bị bóp nghẹt bởi Giấc Mơ Mỹ (mọi người đều có cơ hội bình đẳng để thành công và thịnh vượng) đến nỗi môn đồ chân thật bị cho là cực đoan và phi hiện thực. Francis Chan đã tuyên bố rằng: “Hiếm có ai suy nghĩ đến việc nghiêm túc tiếp nhận từng lời từng chữ mà Đấng Christ đã phán. Chỉ có những người “cực đoan”, “bất ổn” và “quá nhiệt tình.’”7

Ông viết tiếp rằng: “Những người lãnh đạm cảm động trước những câu chuyện về những người làm các công việc cực đoan cho Đấng Christ, song họ không làm theo những điều đó. Họ cho rằng những hành động như thế là dành cho những Cơ Đốc Nhân “quá khích”, chứ không dành cho những người trung dung. Những người lãnh đạm gọi sự ‘cực đoan’ là điều Đức Chúa Giê-su mong đợi ở các môn đồ của Ngài.”8

Một người bạn của Shane Claiborne đã nói với anh rằng: “Tôi bỏ Cơ Đốc Giáo để đi theo Đức Chúa Giê-su.” Trong cuốn: Cuộc Cách Mạng Không Thể Tránh: Sống như một người cực đoan bình thường (The Irresistible Revolution: Living as an Ordinary Radical), Shane đã viết rằng: “Tôi tự hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta quyết định thật sự đi theo Đức Chúa Giê-su.”9 Khi anh và một số ít người bạn của mình bắt đầu cố gắng sống theo điều đó, những người khác đã gọi họ là “những người cực đoan.” Anh viết rằng: “nếu chúng ta hiểu từ cực đoan theo nghĩa là ‘triệt để’ thì tôi nghĩ rằng đó là từ đúng đắn để nói về những điều mà chúng tôi đang làm, đó là: đi đến tận gốc rễ ngọn ngành ý nghĩa của việc trở nên những môn đồ Đấng Christ. Mặc dầu vậy, tôi nghĩ đa số các trường hợp, nếu những điều mà chúng ta đang làm bị cho là cực đoan thì điều đó bày tỏ sự lãnh đạm của Cơ Đốc Giáo Phương Tây nhiều hơn là chỉ về bản chất môn đồ của Đức Chúa Giê-su.”10 Lần cuối cùng bạn bị người khác nói bạn là một “môn đồ cực đoan” của Đức Chúa Giê-su là khi nào?

 

Môn đồ vâng theo tất cả mệnh lệnh của Đức Chúa Giê-su, thậm chí là những điều khó

Một số mệnh lệnh của Đức Chúa Giê-su rất khó và khiến chúng ta cảm thấy phiền muộn. Kết quả là những điều đó thường bị bỏ qua. Hãy xem mệnh lệnh dành cho một môn đồ phải “ghét cha mẹ mình.” Lu-ca 14:26 viết rằng: “Nếu có ai đến theo ta mà không ghét cha mẹ, vợ con, anh em, chị em mình, và chính sự sống mình nữa, thì không được làm môn đồ ta.” Tôi không nhớ đã bao giờ từng nhìn thấy một tấm bảng hiệu của Hội Thánh nào ghi rằng “Hãy ghét mẹ của bạn”, nhưng chúng ta sẽ bàn sâu hơn về điều này trong chương sau.

Mác 10:21 thì viết rằng: “Hãy đi, bán hết gia tài mình, bố thí cho kẻ nghèo khổ.” Tôi chưa bao giờ nhìn thấy điều đó trên tấm bảng trong hiệu sách Cơ Đốc nào. Song, những môn đồ chân thật vâng theo tất cả mệnh lệnh của Đức Chúa Giê-su, thậm chí là những mệnh lệnh khó nhất. Để xem danh sách đầy đủ những mệnh lệnh của Đức Chúa Giê-su, hãy truy cập tại: http://www.wowzone.com/commandm.htm.

Bạn có đang vâng theo mọi điều Đức Chúa Giê-su đã truyền không? Thậm chí là những điều khó?

 

Không có Chúa, chúng ta không thể vâng theo mọi điều Đức Chúa Giê-su đã truyền

Cách đây không lâu, tôi đã đăng câu hỏi này lên Facebook: “Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta vâng theo mọi điều Đức Chúa Giê-su đã truyền?” Tôi đã nhận được vô số bình luận thú vị. Một lời quở trách từ một mục sư, giáo sư thần học đã về hưu. Ông viết rằng: “Anh điên à? Vâng theo mọi điều Đức Chúa Giê-su phán là điều không thể.” John Piper đồng ý với quan điểm trên, nhưng ông khẳng định rằng Đức Chúa Giê-su cho chúng ta niềm hy vọng:

Đối với con người thì không thể, nhưng Đức Chúa Trời thì có thể. Bởi vì “Đức Chúa Trời làm mọi sự được cả” (Mác 10:25-27). Chính vì thế, những ai vâng theo lời dạy mà Đức Chúa Giê-su đã ban – chẳng hạn như, dạy một người giàu vâng giữ mệnh lệnh “từ bỏ mọi điều mà người ấy có” (Lu-ca 14:33) – môn đồ đó đang nỗ lực thực hiện điều không thể xảy ra. Nhưng Đức Chúa Giê-su phán rằng đó không phải là điều không thể thực hiện được. “Đức Chúa Trời làm mọi sự được cả.”11

Bạn có đang nhờ cậy Đức Chúa Giê-su ban cho bạn ân điển để hoàn toàn vâng theo mọi điều Đức Chúa Giê-su đã truyền không?

 

Mọi điều Đức Chúa Giê-su đã truyền

Một vài năm trước, tôi bắt đầu đọc xuyên suốt các sách Phúc Âm ít nhất một năm một lần đồng thời liệt kê ra tất cả mọi điều mà Đức Chúa Giê-su đã phán. Tôi đã tìm thấy hơn hai trăm mệnh lệnh. Tôi nhanh chóng chú ý thấy một số mệnh lệnh chỉ dành cho một người và một thời điểm cụ thể, chẳng hạn như: “mà phán rằng: Hãy đi đến làng ở trước mặt các ngươi, tức thì sẽ gặp một con lừa cái bị cột, với một con lừa con; hãy mở ra và dắt đến cho ta” (Ma-thi-ơ 21:2). Hiển nhiên đó không phải là những mệnh lệnh mà chúng ta sẽ thực hiện và dạy người khác làm theo. Song, tôi đã lập ra một danh sách một trăm mệnh lệnh phổ thông có thể áp dụng cho tất cả chúng ta là những người muốn trở nên môn đồ của Đức Chúa Giê-su.

Peter Wittstock đã liệt kê 124 mệnh lệnh mà Đức Chúa Giê-su đã phán. Ông kết hợp các mệnh lệnh đó vào 70 chủ đề chính.12 John Piper phát biểu rằng nếu cộng thêm những mệnh lệnh được ngụ ý (chẳng hạn như câu: “Phước cho những kẻ hay thương xót” ngụ ý rằng “Hãy thương xót”) và đếm những phát biểu được lặp đi lặp lại trong các sách Phúc Âm, thì ông có một danh sách hơn năm trăm mệnh lệnh của Đức Chúa Giê-su.13 Ông đã nhóm các mệnh lệnh đó thành năm mươi chương sách với những chủ đề khác nhau.14

Nếu việc này khiến bạn cảm thấy choáng ngợp, hãy bắt đầu bằng việc vâng theo ba mệnh lệnh lớn nhất: (1) Điều Răn Lớn Nhất: hãy yêu Đức Chúa Trời bằng tất cả những gì mà bạn có và yêu người lân cận như chính mình (Ma-thi-ơ 22:37-40); (2) Điều Răn Mới: yêu mến lẫn nhau (Giăng: 13:34-35); và (3) Đại Mạng Lệnh: môn đồ hóa những người sẽ tiếp tục công tác môn đồ hóa.

 

– Câu hỏi suy ngẫm –

  1. Bạn có thật sự vâng theo mọi điều Đức Chúa Giê-su đã truyền?
  2. Có mệnh lệnh nào mà bạn bỏ qua bởi vì nó quá khó không?
  3. Bạn đã bao giờ bào chữa cho mình vì không làm theo tất cả mọi điều mà Đức Chúa Giê-su đã phán?
  4. Bạn đã bao giờ dạy “môn đồ” của mình vâng theo tất cả mọi điều mà Đức Chúa Giê-su đã phán?
  5. Họ có biết Đức Chúa Giê-su phán điều gì không? Và họ có đang sống với những điều đó không?

 

Chú thích

  1. Shane Claiborne, The Irresistible Revolution: Living as an Ordinary Radical (Grand Rapids: Zondervan, 2006), 72.
  2. John Piper, What Jesus Demands from the World (Wheaton, IL: Crossway, 2006), 17; italics his.
  3. Soren Kierkegaard, Provocations: Spiritual Writings of Kerkegaard, Charles Moore (Farmington, PA: Plough, 2002), 201.
  4. Kierkegaard, Provocations, 201.
  5. David Platt, Radical: Taking Your Faith Back from the American Dream (Colorado Springs, CO: Multnomah, 2010), 20; italics his.
  6. T. Studd, quoted in Norman Grubb, C. T. Studd: Cricketer and Pioneer (Ft. Washington, PA: Christian Literature Crusade, 1933), 108.
  7. Francis Chan, Crazy Love (Colorado Springs, CO: David C. Cook, 2008), 68.
  8. , 70-71.
  9. Claiborne, Irresistible Revolution,
  10. , 129-30.
  11. Piper, What Jesus Demands from the World, 17-18.
  12. Peter Wittstock, Hear Him! The One Hundred and Twenty-five Commands of Jesus (Longwood, FL: Xulon Press, 2004), 221-22.
  13. Piper, What Jesus Demands of the World,
  14. , 35, 7-11. Danh sách năm mươi thể loại mệnh lệnh mà Đức Chúa Giê-su dành cho thế giới do Piper tổng hợp như sau:
  • Ngươi phải được sanh lại
  • Ăn năn
  • Hãy đến cùng Ta
  • Hãy tin Ta
  • Hãy yêu Ta
  • Hãy lắng nghe Ta
  • Hãy ở trong Ta
  • Hãy vác thập tự giá mình mà theo Ta
  • Yêu Đức Chúa Trời với hết cả tấm lòng, linh hồn, tâm trí và sức lực
  • Hãy vui mừng
  • Kính sợ Đấng có thể hủy diệt linh hồn và thân thể nơi địa ngục
  • Thờ phượng Đức Chúa Trời bằng tâm linh và lẽ thật
  • Luôn luôn cầu nguyện và đừng nản lòng
  • Đừng lo lắng về những nhu cầu cuộc sống
  • Đừng lo lắng về sự đe dọa của con người
  • Hãy khiêm nhường bằng cách chống lại sự kiêu ngạo
  • Hãy khiêm nhường như con trẻ, như người đầy tớ, và can đảm với lòng đau thương
  • Đừng giận dữ – hãy tin vào sự dự phòng của Chúa
  • Đừng giận dữ – hãy thương xót và tha thứ
  • Làm theo ý muốn của Cha Ta trên thiên đàng – Được xưng công bình bởi tin Đức Chúa Giê-su
  • Làm theo ý muốn của Cha Ta trên thiên đàng – được biến đổi bởi tin cậy Đức Chúa Giê-su
  • Hãy nỗ lực vào cửa hẹp, bởi vì toàn bộ cuộc sống là một trận chiến
  • Hãy nỗ lực vào cửa hẹp, bởi vì Đức Chúa Giê-su đã hoàn thành Giao Ước Mới.
  • Hãy nỗ lực vào cửa hẹp, bởi vì bạn đã có năng quyền của Vương Quốc.
  • Sự công bình của bạn phải vượt trội hơn sự công bình của những người Pha-ri-si, bởi vì họ là những người giả hình và xấu xa
  • Sự công bình của bạn phải vượt trội hơn sự công bình của những người Pha-ri-si, hãy lau sạch bề trong
  • Sự công bình của bạn phải vượt trội hơn sự công bình của những người Pha-ri-si, bởi vì cây tốt thì sanh trái tốt
  • Hãy yêu kẻ thù mình – hãy dẫn dắt họ đến lẽ thật
  • Hãy yêu kẻ thù mình – hãy cầu nguyện cho những người ngược đãi bạn
  • Hãy yêu kẻ thù mình – hãy làm việc lành cho những ai ghét bạn; hãy ban cho những ai xin bạn
  • Hãy yêu kẻ thù mình để bày tỏ bạn là con cái của Đức Chúa Trời
  • Hãy yêu người lân cận như chính bạn, bởi vì đây là luật pháp và lời tiên tri
  • Hãy yêu người lân cận như cách mà bạn yêu chính mình
  • Hãy yêu người lân cận như chính mình và như cách mà Đức Chúa Giê-su đã yêu chúng ta
  • Hãy chứa của cải ở trên trời bằng việc ban cho một cách rộng rãi và đầy đức hy sinh
  • Hãy chứa của cải ở trên trời và gia tăng niềm vui trong Đức Chúa Giê-su
  • Hãy chứa của cải ở trên trời – “Cha các ngươi đã bằng lòng cho các ngươi nước thiên đàng”
  • Đừng thề – hãy coi trọng sự thật và nói lên sự thật một cách đơn giản
  • Đừng thề – hãy nói một cách đơn giản “có” hoặc “không”
  • Những gì Đức Chúa Trời đã tác hiệp thì con người không được chia rẽ, bởi vì hôn nhân là hình bóng cho giao ước của Đức Chúa Trời và chúng ta
  • Những gì Đức Chúa Trời đã tác hiệp thì con người không được chia rẽ, bởi vì người nào ly hôn và cưới người khác thì phạm tội ngoại tình
  • Những gì Đức Chúa Trời đã tác hiệp thì con người không được chia rẽ – Một người nam cùng một người nữ sẽ chung sống với nhau bởi Ân điển cho đến khi lìa đời
  • Hãy trả cho Sê-sa những gì thuộc về Sê-sa, và trả cho Đức Chúa Trời những gì thuộc về Ngài
  • Hãy trả cho Sê-sa những gì thuộc về Sê-sa như là một hành động để trả cho Đức Chúa Trời những gì thuộc về Ngài
  • Hãy làm điều này để nhớ đến Ta, bởi vì Ta sẽ xây dựng Hội Thánh của Ta
  • Hãy làm điều này để nhớ đến Ta – hãy làm phép báp-têm cho các môn đồ và dự Tiệc Thánh
  • Sự sáng của bạn hãy soi trước mặt người khác để họ tôn vinh Cha của bạn trên thiên đàng
  • Sự sáng của bạn hãy soi trước mặt người khác sự hy sinh đầy vui mừng của tình yêu thương trong sự hoạn nạn
  • Môn đồ hóa muôn dân, vì mọi thẩm quyền thuộc về Đức Chúa Giê-su
  • Môn đồ hóa muôn dân, vì sứ mệnh không thể thất bại

6

Môn Đồ Hóa Là…

Hiểu biết bước đầu tiên của sự vâng phục

Dave Earley

 

Tozer

Vài tháng trước, chúng tôi có nhận nuôi một con chó con giống Miniature schnauzer. Nó được đặt tên theo tên của A. W. Tozer, là người tình cờ trở thành một trong số những tác giả yêu thích nhất của tôi. Ở một khía cạnh nào đó, Tozer không thay đổi so với cái ngày mà chúng tôi đem nó về từ trại nuôi. Vẫn màu lông đen và những chấm trắng trên ngón chân, ngực và dưới cằm. Nhưng mặt khác, lúc mới đem về, chú cún chỉ nặng chừng 1,3 ký; còn bây giờ nó đã gần 6 ký. Khi chúng tôi đem Tozer từ trại chó về, nó đã được trải qua huấn luyện kỷ luật dành cho cún con. Cuộc huấn luyện dạy cho nó biết vâng lời. Mỗi tuần, chú chó sẽ thực hành một số bước để phát triển như:

  1. “Tin tưởng chúng ta” và “không làm bừa bộn sàn nhà.”
  2. “Không cắn” và “không tè” trong nhà
  3. Làm theo mệnh lệnh “ngồi” và “chạy lại”
  4. Trò chơi với chủ: “tìm đồ vật,” “trốn tìm,” “nhặt bóng đem về,” và “nhảy qua vòng.”
  5. Làm theo mệnh lệnh “ngồi và chờ đợi” cho đến khi nghỉ. Đớp lấy những miếng bánh yến mạch “trên không”… và “không ăn phân dê sau vườn.”
  6. Học cách “đi dạo với dây buộc.”

Tozer vẫn còn là một con chó con. Khi Tozer lớn hơn, chúng tôi càng có nhiều kỳ vọng đối với nó, và chú chó cũng có thể tin tưởng, vâng lời chúng tôi ở mức độ sâu hơn. Chú chó đã học được rằng càng tin tưởng và vâng lời thì càng có nhiều niềm vui, và chúng tôi cũng có nhiều niềm vui với chú chó. Khi chú chó càng học tin tưởng và vâng lời thì chúng tôi càng cảm thấy gần gũi với Tozer, và Tozer cũng cảm thấy thế.

Chìa khóa để Tozer nhận ra tiềm năng của nó đó là học cách tin cậy chúng tôi và bước đi những bước tiếp theo của sự vâng lời. Cũng giống như Tozer, chìa khóa để môn đồ nhận diện tiềm năng của mình đó là tin cậy Đức Chúa Trời và đi những bước tiếp theo của sự tin cậy và vâng lời.

 

Bước đi bước tiếp theo

Trước khi chúng ta bắt đầu tìm hiểu ý nghĩa của việc trở nên một môn đồ của Đức Chúa Giê-su, tôi xin lập ra giới hạn cho chủ đề này với một số ý tưởng sau:

Đầu tiên, Đức Chúa Giê-su là một Rabbi người Do Thái, nghĩa là một người thầy, là người sử dụng phương pháp của học giả Do Thái trong việc môn đồ hóa. Về sau chúng ta sẽ bàn chi tiết hơn về điều này.

Thứ hai, từ môn đồ có nghĩa là “học viên” hoặc “người đi theo.” Từ ngữ này thường được dùng chuyên biệt để nói về học viên của một Rabbi trong bối cảnh Do Thái Giáo thế kỷ thứ nhất.

Thứ ba, tiến trình mà Đức Chúa Giê-su dùng để môn đồ hóa là một hệ thống của học giả Do Thái Giáo được xây dựng trên những cấp bậc tăng dần về sự cam kết, sự tin cậy, sự vâng lời, và sự học hỏi. Ở mỗi một bước, Ngài đòi hỏi nhiều cam kết hơn, và điều đó cũng tác động lớn hơn đối với môn đồ của Ngài. Tiến trình này phát triển suốt bốn năm và đỉnh điểm là Đại Mạng Lệnh (Ma-thi-ơ 28:19) và rồi Hội Thánh đầu tiên trong lịch sử được ra đời.

Thứ tư, chìa khóa để môn đồ nhận ra tiềm năng của họ đó là tin cậy Đức Chúa Trời và bước đi bước tiếp theo của sự tin cậy và vâng lời.

Thứ năm, môn đồ càng tiến xa trong tiến trình thì càng ít người cùng đồng hành với họ.

Thứ sáu, khi một môn đồ không tin cậy và vâng lời thì họ sẽ đi ngược trở lại trên dòng tiến trình.

 

Ba giai đoạn phát triển của Môn đồ

Trong thời hiện đại, có lẽ sách: Cuộc huấn luyện của mười hai môn đồ (The Training of the Twelve), một quyển sách kinh điển nói về môn đồ của tác giả A. B. Bruce sẽ giúp chúng ta hiểu rõ nhất bản chất tịnh tiến của việc theo Chúa Giê-su. Bruce viết rằng: “Mười hai môn đồ đã tiến đến mối liên hệ mật thiết cuối cùng với Đức Chúa Giê-su nhờ những cấp độ, đó chính là ba giai đoạn rõ rệt trong tiến trình đi theo Chúa của họ.”1

Giai đoạn một: Công bố

(Sự tìm hiểu dẫn đến sự ăn năn và niềm tin nơi Đức Chúa Giê-su)

Bruce viết rằng: “Trong giai đoạn đầu tiên, họ đơn giản chỉ là những người tin rằng Đức Chúa Giê-su là Đấng Christ, và họ là những người thỉnh thoảng đi theo Ngài trong những dịp thuận tiện, đặc biệt là những mùa lễ hội.”2 Nghiên cứu về mục vụ môn đồ hóa của Đức Chúa Giê-su theo tiến trình thời gian cho thấy rằng giai đoạn này kéo dài khoảng một năm, từ khi Đức Chúa Giê-su chịu phép Báp-têm trải đến đám cưới tại Ca-na. Các sách Phúc Âm nói rất ít về giai đoạn này, trong đó Giăng 1:35-2:12 đã đề cập đến giai đoạn này một cách ngắn gọn.

Chúng ta thấy ngoài Mười hai môn đồ, Đức Chúa Giê-su cũng đã mời những người khác cùng tham gia vào giai đoạn này trong thời gian Ngài giảng sứ điệp: “các ngươi hãy ăn năn và tin đạo Tin lành.” (Mác 1:15). Ngài kêu gọi Ni-cô-đem đến sự “sanh lại” (Giăng 3:3-8) và kêu gọi người nữ bên giếng nước hãy uống nguồn nước sống (Giăng 4:13-14). Giai đoạn này là một sự kêu gọi để tìm hiểu về con người và công tác của Đức Chúa Giê-su. Mục đích của giai đoạn này đó là niềm tin nơi Chúa. Tại thời điểm Đức Chúa Giê-su phục sinh, có hơn năm trăm anh em đang ở giai đoạn đầu tiên này (I Cô-rinh-tô 15:6). Tôi gọi giai đoạn đầu tiên này là sự công bố, với đặc điểm là tìm hiểu để dẫn đến sự ăn năn và niềm tin nơi Đức Chúa Giê-su.

Giai đoạn hai: Phát triển

(Dấn thân, từ bỏ, và học hỏi trong mục vụ)

Bruce viết rằng: “Trong giai đoạn thứ hai, mối liên hệ với Đấng Christ được thể hiện qua việc luôn luôn đi cùng Ngài, bao gồm việc từ bỏ hoàn toàn hoặc ít nhất là thường xuyên từ bỏ công việc thế tục.”3 Đối với mười hai môn đồ, chúng ta thấy giai đoạn này kéo dài khoảng một năm. Ở giai đoạn này, các môn đồ của Đức Chúa Giê-su bước vào cấp độ đầu tiên của việc học tập theo Rabbi của họ. Mười hai môn đồ dành nhiều thời gian hơn với Chúa, quan sát Ngài thi hành những phép lạ và lắng nghe Ngài giảng dạy. Tôi gọi giai đoạn thứ hai là phát triển, tập trung vào tầm quan trọng của việc dấn thân, từ bỏ và học hỏi trong mục vụ.

Giai đoạn ba: Sai phái

(Tiếp nhận sứ mệnh toàn cầu)

Bruce bàn về giai đoạn ba như sau: “Từ những phân đoạn Kinh Thánh viết về việc truyền giáo, ta có thể thấy ngay từ giai đoạn đầu trong chức vụ, Đức Chúa Giê-su đã tập hợp xung quanh Ngài một nhóm các môn đồ, với tầm nhìn là chuẩn bị một lực lượng tiếp tục vương quốc thiên thượng.”4 Giai đoạn này kéo dài hai năm. Các sách Phúc Âm đa phần xoay quanh những sự kiện của hai năm cuối này. Đỉnh điểm của giai đoạn này đó là Đức Chúa Giê-su ban Đại Mạng Lệnh và tuyên bố các môn đồ của Ngài thích hợp để tiếp tục thực hiện tiến trình môn đồ hóa của Ngài trong đời sống của những người khác. Rabbi đã huấn luyện thành công các môn đồ để giờ đây họ trở nên những người tiếp tục khiến người khác trở nên môn đồ. Các môn đồ đã thực hiện công tác này khi họ thành lập Hội Thánh đầu tiên. Tôi gọi giai đoạn ba là sự sai phái, sự kêu gọi các môn đồ tiếp nhận sứ mệnh toàn cầu.

Tóm tắt ba giai đoạn

Có nhiều cách để minh họa ba giai đoạn trên:

  1. Giai đoạn đầu tiên nêu lên câu hỏi: Bạn có tin Đức Chúa Giê-su không? Giai đoạn thứ hai: Bạn có theo Đức Chúa Giê-su không? Giai đoạn thứ ba: Bạn có ra đi vì Đức Chúa Giê-su không?
  2. Kết quả của giai đoạn thứ nhất là sự tái sinh. Giai đoạn thứ hai tạo ra sự biến đổi. Giai đoạn thứ ba dẫn đến môn đồ sản sinh ra môn đồ và sự nhân cấp.
  3. Giai đoạn đầu tiên nói về việc bỏ đi nghi ngờ. Giai đoạn thứ hai là từ bỏ “chiếc lưới cá” của bạn. Giai đoạn thứ ba là khởi xướng.
  4. Vấn đề của giai đoạn thứ nhất là được cứu. Vấn đề của giai đoạn thứ hai là được huấn luyện. Vấn đề của giai đoạn thứ ba đó là được sai đi.
  5. Giai đoạn thứ nhất là đến với Đức Chúa Giê-su. Giai đoạn thứ hai là ở cùng Đức Chúa Giê-su. Giai đoạn thứ ba là ra đi vì Đức Chúa Giê-su.
  6. Giai đoạn thứ nhất nói về việc Đức Chúa Giê-su là Đấng Cứu Chuộc của bạn. Giai đoạn thứ hai nói về việc Đức Chúa Giê-su là Người Thầy của bạn. Giai đoạn thứ ba nói về việc Đức Chúa Giê-su là Đấng Sai phái bạn.
  7. Giai đoạn thứ nhất là trở nên một người tin Chúa có cam kết. Giai đoạn thứ hai là trở nên một người theo Chúa tận hiến. Giai đoạn thứ ba là trở nên một lãnh đạo nhân cấp.
  8. Trọng điểm của giai đoạn thứ nhất là cam kết niềm tin. Trọng điểm của giai đoạn thứ hai là sự vâng phục không lo toan. Trọng điểm của giai đoạn thứ ba là môn đồ sản sinh ra môn đồ ở khắp mọi nơi.

Môn đồ chỉ có thể phát triển khi họ bước đi bước tiếp theo của sự tin cậy, vâng lời và từ bỏ vì Đức Chúa Giê-su. Trang tiếp theo là bảng liệt kê những yêu cầu của Đức Chúa Giê-su trong từng giai đoạn của ba giai đoạn làm môn đồ của Đức Chúa Giê-su.

Kỳ 17 – sau ngày 8/11

NHỮNG YÊU CẦU TRONG TIẾN TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA MÔN ĐỒ

GIAI ĐOẠN MỘT GIAI ĐOẠN HAI GIAI ĐOẠN BA
NGƯỜI TIN CHÚA MÔN ĐỒ NGƯỜI MÔN ĐỒ HÓA
Bạn có tin Đức Chúa Giê-su không?

CÔNG BỐ

Bạn có theo Đức Chúa Giê-su không?

PHÁT TRIỂN

Bạn có ra đi vì Đức Chúa Giê-su không?

SAI PHÁI

ĂN NĂN VÀ ĐỨC TIN

Cam kết niềm tin

TÌNH YÊU VÀ VÂNG PHỤC

Vâng phục không lo toan

MỤC VỤ VÀ SỨ MỆNH

Lãnh đạo nhân rộng

Đấng Cứu Rỗi Đấng Chủ Tể Đấng sai phái
Người tin Chúa với cam kết Người theo Chúa tận hiến Lãnh đạo nhân rộng
Tái sinh Biến đổi Môn đồ sản sinh ra môn đồ và nhân cấp
Bỏ đi nghi ngờ Từ bỏ “chiếc lưới cá” Khởi xướng
Đến với Đức Chúa Giê-su Ở cùng Đức Chúa Giê-su Ra đi vì Đức Chúa Giê-su
ĐƯỢC CỨU ĐƯỢC HUẤN LUYỆN ĐƯỢC SAI PHÁI
Hãy ăn năn và tin đạo Tin Lành (Mác 1:15; Ma-thi-ơ 4:17)

Bạn phải được sanh lại (Giăng 3:3-8)

Hãy uống nguồn nước sống (Giăng 4:13-14)

Hãy hết lòng yêu mến Chúa và yêu người lân cận như chính mình (Ma-thi-ơ 22:37-40)

Theo Đức Chúa Giê-su và đánh lưới người (Ma-thi-ơ 4:18-22)

Hãy ở cùng [Ta] và được sai phái (Mác 3:13-14)

Làm theo ý muốn của Đức Chúa Giê-su (Mác 3:35)

Vâng theo Bài giảng trên núi (Ma-thi-ơ 5-7)

Từ bỏ chính mình, mang lấy thập tự giá và theo Ta (Lu-ca 9:23-27)

Hãy theo Ta và đừng nhìn lại đằng sau (Lu-ca 9:57-62)

Tiếp tục trong Lời Ta (Giăng 8:31-32)

Cầu nguyện xin Chúa sai người gặt (Ma-thi-ơ 9:37-38)

Đừng lo lắng, đừng sợ hãi, hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời, hãy bán những gì mình có, hãy ban cho người nghèo, hãy đầu tư vào nước Thiên Đàng (Lu-ca 12:24-33)

Hãy yêu Đức Chúa Giê-su hơn tất cả mọi điều (Lu-ca 14:25-33)

Theo đuổi người lạc mất, thúc ép người lạc mất (Lu-ca 14:16-24; 15:1-7)

Theo Đức Chúa Giê-su và bỏ sự sống mình (Lu-ca 17:32-33)

Bán tất cả và ban phát cho người nghèo (Lu-ca 18:18-30)

Phục vụ tất cả mọi người (Mác 10:43-45)

Khiến nhà Cha thành nhà cầu nguyện (Mác 11:17)

Tỉnh thức, chịu đựng, sẵn sàng, sử dụng tài năng của mình, cứ luôn làm việc (Ma-thi-ơ 24-25)

Yêu thương lẫn nhau (Giăng 13:34-35)

Chết để kết quả được nhiều (Giăng 12:23-37)

Cầu xin trong Danh Chúa (Giăng 14:14; 15:16; 16:23-24)

Giữ các điều răn của Chúa (Giăng 14:15, 21-24)

Ở trong Đấng Christ và kết nhiều quả (Giăng 15:1-8, 16)

Hoàn thành Đại Mạng Lệnh

Được sai đi như Đức Chúa Giê-su đã được sai đi (Giăng 20:21)

Hãy chăn chiên Ta, hãy theo Ta (Giăng 21:15-20)

Hãy rao giảng phúc âm cho mọi người (Mác 16:15)

Môn đồ hóa (Ma-thi-ơ 28:19-20)

Làm chứng cho Chúa tại thành Giê-ru-sa-lem, xứ Giu-đê, sứ Sa-ma-ri và đến cùng trái đất (Công vụ 1:8)

 

Thế thì sao?

Các sách Phúc Âm bày tỏ rằng môn đồ tiếp tục phát triển là nhờ bước đi bước tiếp theo. Đó là một mối quan hệ tịnh tiến dựa trên mức độ đức tin, vâng phục và cam kết. Khi các môn đồ hoàn thành một giai đoạn, Đức Chúa Giê-su mời gọi họ bước vào cấp độ tiếp theo trong mối quan hệ với Ngài. Ở giai đoạn mới, họ tiếp cận với lối sống và triết lý mới, tại đó họ bị thách thức để khiến lối sống và triết lý đó trở nên là của họ. Khi các môn đồ vâng theo, Đức Chúa Giê-su sẽ mời họ bước vào cấp độ tiếp theo trong mối quan hệ với Ngài.

Mỗi cấp độ đòi hỏi nhiều niềm tin, sự vâng phục và cam kết hơn.

Mỗi cấp độ mang lại sự gần gũi với Đức Chúa Giê-su hơn.

Mỗi cấp độ tạo ra tác động lớn hơn trên người khác.

Hiểu tiến trình này sẽ giúp bạn đối diện với các cấp độ môn đồ mà bạn đang trải qua. Hơn thế nữa, điều này sẽ giúp ích rất nhiều khi bạn giúp đỡ những người khác trở nên những môn đồ của Chúa. Tóm lại, trở nên một môn đồ là việc bước đi bước tiếp theo của niềm tin, sự vâng phục, và sự cam kết.

 

Giai đoạn một: Sự công bố

(Sự tìm hiểu dẫn đến sự ăn năn và đức tin nơi Đức Chúa Giê-su)

Các sách Phúc Âm ghi lại rất ít về giai đoạn này. Hầu hết những gì chúng ta biết được về giai đoạn đầu tiên này được nói đến trong Giăng 1:35-51; 2:1-12. Kết quả của giai đoạn này đó là giúp cho người có tiềm năng trở thành môn đồ tin rằng Đức Chúa Giê-su là Đấng Mê-si, là Con của Đức Chúa Trời hằng sống.

Những môn đồ đầu tiên của Đức Chúa Giê-su là những người kính sợ Đức Chúa Trời và cũng là những môn đồ của Giăng Báp-tít (Giăng 1:35). Khi Đức Chúa Giê-su chịu phép báp-têm, Giăng đã giới thiệu cho Anh-rê và Giăng biết về Đức Chúa Giê-su, ông nói rằng: “Kìa, Chiên con của Đức Chúa Trời!” (Giăng 1:36). Vậy họ tìm đến với Đức Chúa Giê-su. Sau đó Đức Chúa Giê-su mời họ tự tìm hiểu về Ngài (Giăng 1:37-39). Chỉ cần dành thời gian ở riêng với Đức Chúa Giê-su cũng đã đủ để Anh-rê kể cho người anh của mình là Si-môn (sau này gọi là Phi-e-rơ) rằng ông đã tìm thấy Đấng Mê-si (Giăng 1:40-42).

Ngày hôm sau, Đức Chúa Giê-su mời Phi-líp là bạn của Na-tha-na-ên mà nói rằng: “Hãy theo Ta” giống như một môn đồ tiềm năng đi theo một Ra-bi (Giăng 1:43-51). Ngày hôm sau, Đức Chúa Giê-su và những môn đồ mới của Ngài tham dự một tiệc cưới, tại đó Ngài đã thực hiện phép lạ đầu tiên đó là hóa nước thành rượu (Giăng 2:1-10). Đây chính là bằng chứng mà họ cần để tin rằng Ngài chính là Đấng Mê-si (Giăng 2:11).

Hãy ăn năn và tin

Ở những phân đoạn khác trong các sách Phúc Âm, chúng ta thấy Đức Chúa Giê-su đối diện với những người chỉ mới ở giai đoạn đầu tiên trong tiến trình môn đồ hóa. Trong bài giảng đầu tiên, Ngài đọc sách tiên tri Ê-sai và công bố rằng chính Ngài là Đấng Mê-si (Lu-ca 4:16-21). Tiếc thay, những người trong nhà hội ngày hôm đó đã từ chối lời mời của Ngài (Lu-ca 4:22-30).

Chủ đề những bài giảng đầu tiên mà Đức Chúa Giê-su đã giảng cho các đoàn dân trên hành trình Ngài đi khắp xứ Ga-li-lê đó chính là “hãy ăn năn, vì nước thiên đàng đã đến gần!” (Ma-thi-ơ 4:12-17). Hoặc diễn đạt bằng cách khác đó là: “Kỳ đã trọn, nước Đức Chúa Trời đã đến gần; các ngươi hãy ăn năn và tin đạo Tin lành!” (Mác 1:15).

Về sau trong Phúc Âm Giăng, Đức Chúa Giê-su nói chuyện với Ni-cô-đem và đưa ra lời mời gọi hãy được tái sinh bởi tin Ngài (Giăng 3:1-21). Sau này, chúng ta thấy rằng Ni-cô-đem đã bênh vực Đức Chúa Giê-su trước những người Pha-ri-si (Giăng 7:50). Ni-cô-đem có thể là môn đồ ở giai đoạn một bởi vì chúng ta nhìn thấy ông đem những hương liệu đến xức xác Chúa tại mộ của Ngài (Giăng 19:39).

Đối với người nữ Sa-ma-ri bên giếng nước, Đức Chúa Giê-su đã nói về nước uống rồi chuyển sang phúc âm. Ngài bày tỏ cho người nữ này thấy chính Ngài là Đấng ban nước sống (Giăng 4:10) và là một giếng nước tuôn ra sự sống đời đời (Giăng 4:14). Trong cuộc nói chuyện, về cơ bản, Đức Chúa Giê-su đã kêu gọi người nữ này ăn năn bằng việc chỉ cho cô thấy lối sống vô luân của cô (Giăng 4:16-18). Sau đó Ngài bày tỏ cho cô thấy Ngài chính là Đấng Mê-si (Giăng 4:26). Điều này đã dẫn cô đến bước đầu tiên của đức tin cứu rỗi khi cô công bố niềm tin của mình cho khắp cả thành được biết cũng như đưa những người khác đến với niềm tin (Giăng 3:39-42).

Người bị quỷ ám nơi mồ mả cũng là một môn đồ ở giai đoạn một. Sau khi được giải cứu, anh đã trở thành một nhân chứng đầy sống động cho Đấng Christ (Mác 5:19-20). Trong suốt thời gian chức vụ của Đức Chúa Giê-su có rất nhiều người đang ở giai đoạn đầu tiên trong tiến trình làm môn đồ, trong đó có những người được Chúa chữa lành, được Chúa đuổi quỉ. Đức Chúa Giê-su khen ngợi đức tin của những người bạn đã tìm cách thả người bạn đau bại của họ từ mái nhà xuống chỗ của Ngài (Mác 2:5). Ngài công nhận đức tin của một người mẹ ngoại quốc có đứa con bị quỉ ám (Ma-thi-ơ 15:28).

Quan chỉ huy quân đội La-mã, có người con được Đức Chúa Giê-su chữa lành, cũng được khen ngợi về đức tin (Ma-thi-ơ 8:10). Một trong những tên trộm bị đóng đinh cạnh Đức Chúa Giê-su cũng được phán là sẽ được ở cùng Đức Chúa Giê-su trong nơi Ba-ra-đi (Lu-ca 23:43). Chúng ta cũng biết rằng Giô-sép người thành A-ri-ma-thê đã trở thành môn đồ giai đoạn một khi ông công khai mối quan hệ gắn bó với Đức Chúa Giê-su bằng việc xin được chôn xác Chúa trong chính ngôi mộ của ông (Ma-thi-ơ 27:57-58; Mác 15:43; Giăng 19:28). Như chúng ta đã đề cập đến ở trên, tại thời điểm Đức Chúa Giê-su phục sinh, có khoản hơn năm trăm anh em ở giai đoạn một trong tiến trình làm môn đồ (I Cô-rinh-tô 15:6).

Tất cả đều xoay quanh Đức Chúa Giê-su

Khi chúng ta suy nghĩ kỹ về mỗi một ví dụ được nêu ra như trên, hãy chú ý kỹ rằng trọng tâm trong mỗi một ví dụ đó chính là sự nhận biết Đức Chúa Giê-su:

Có phải Đức Chúa Giê-su là Đấng Mê-si không?

Ngài có đáng tin cậy không?

Ngài có đáng tìm hiểu và đi theo không?

Ngài có phải là Đấng đáng để chúng ta từ bỏ tất cả mà theo Ngài không?

Toàn bộ vấn đề trong giai đoạn một chính là Đức Chúa Giê-su. Giai đoạn đầu tiên trong tiến trình làm môn đồ là một lời mời gọi để tìm hiểu về con người và công việc của Đức Chúa Giê-su. Khi một người chân thành lắng nghe Đức Chúa Giê-su, họ sẽ từ bỏ lối sống cũ của mình và đi theo Ngài.

 

Những bước trong giai đoạn một

Tiến sĩ Elmer Towns là một trong số những cố vấn của tôi. Trong quyển sách có tựa đề Chiến thắng người có thể chiến thắng (Winning the Winnable), ông đã nói đến tiến trình mà hầu hết mọi người trải qua để đến với sự cứu rỗi. Ông viết rằng:

Lần đầu tiên nghe phúc âm, tôi đã không trở thành một Cơ Đốc Nhân… Tôi không tìm kiếm Đức Chúa Trời và cũng không quan tâm đến số phận đời đời của mình. Tôi đến với ban thanh niên bởi vì tôi nhìn thấy những người trẻ Cơ Đốc có điều mà tôi không có. Tôi muốn trở nên giống như họ. Kế đến, tôi đến nghe Jack Wyrtzen, một mục sư truyền giáo trẻ giảng về phúc âm. Lần đầu tiên tôi cảm thấy mình là con người lạc mất và sẽ đi đến địa ngục. Tôi đã không tiến lên để tiếp nhận sự cứu rỗi, nhưng tôi cũng không còn thỏa mãn trong tội lỗi của mình nữa. Sau đó tôi tham dự một đại hội phục hưng, tại đó tôi đã nghe về phúc âm. Tôi được dạy phải mời Đức Chúa Giê-su Christ vào lòng để được cứu rỗi. Và tôi đã làm theo… Tôi đã trải qua nhiều bước để nhận thấy nhu cầu của mình và được cứu.5

Đối với tiến sĩ Towns, cũng như với chúng ta, giai đoạn đầu tiên trong tiến trình làm môn đồ là một chuỗi các bước tiến đến với Đức Chúa Giê-su để dẫn đến sự ăn năn tội lỗi và niềm tin nơi Đấng Christ.

Giai đoạn đầu tiên của quá trình trở nên môn đồ đó là một tiến trình để dẫn đến một sự kiện

Theo cuốn Truyền giáo là… (Evangelism is…), sự cứu rỗi là một tiến trình dẫn đến một sự kiện. Trong Kinh Thánh, tiến trình này được so sánh với tiến trình sanh sản (Giăng 3:1-8) và chu trình cày cấy, trồng trọt, tưới nước, và gặt hái trong nông nghiệp (I Cô-rinh-tô 3:6-9).6 Một giáo sĩ tên là James Engle đã phác họa hành trình tiêu biểu mà một người sẽ trải qua để đến với sự cải đạo và khoảng thời gian sau đó. Trên một thước đo mức độ, ông đã xác định mỗi một bước tiến mà một người, hoặc một nhóm người sẽ phải thực hiện để đến với Đấng Christ.7 Về sau, thước đo của Engle được điều chỉnh để bao gồm vai trò của Đấng Christ, vai trò của người rao truyền phúc âm, song song với đáp ứng của người chưa tin.

Thước đo của Engle nhìn chung là đúng cho hầu hết mọi người. Song, cần phải hiểu rằng không hẳn những ai đến với Đấng Christ đều phải trải qua đúng những bước này hoặc luôn luôn theo trình tự mà ông đưa ra. Tiến trình cứu rỗi là một điều huyền nhiệm (xem Giăng 3:8) và không phải lúc nào cũng có thể được đặt trên thang đo, tuy nhiên điều chắc chắn đó là luôn có một tiến trình (Giăng 3:3). Tiến trình này dẫn đến sự ăn năn và niềm tin để tạo ra sự tái sinh và tạo vật mới.

Từ sự hiếu kỳ dẫn đến nhận biết tội lỗi sau đó là được thuyết phục và cuối cùng là cải đạo

Trong Phúc Âm Giăng chương sáu, chúng ta thấy Đức Chúa Giê-su đã rất bận rộn chữa lành người bệnh. Để hoàn thành công việc đó, Ngài đã thi hành một phép lạ tuyệt vời đó là cho 5.000 người ăn chỉ từ một phần ăn trưa của cậu bé trai gồm có năm bánh lúa mạch và hai con cá nhỏ (Giăng 6:1-15). Đám đông tỏ ra hiếu kỳ về người đàn ông thực hiện phép lạ nầy, cho nên họ đã đi theo Ngài, họ muốn biết Ngài sẽ làm điều gì tiếp theo và hy vọng Ngài sẽ thỏa mãn nhu cầu của họ nhiều hơn nữa (Giăng 6:26-28).

VAI TRÒ CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI VAI TRÒ CỦA NGƯỜI TRUYỀN ĐẠT PHÚC ÂM   ĐÁP ỨNG CỦA CON NGƯỜI
Bày tỏ chung   -8 Ý thức về một Đấng tối cao nhưng chưa biết về Phúc Âm
Công bố -7 Bắt đầu ý thức về Phúc Âm
Khiến cho con người nhận biết tội lỗi   -6 Ý thức về những điều căn bản của Phúc Âm
    -5 Nắm rõ Phúc Âm
    -4 Thái độ tích cực đối với Phúc Âm
    -3 Nhận diện vấn đề cá nhân
    -2 QUYẾT ĐỊNH HÀNH ĐỘNG
  Thuyết phục -1 Ăn năn và niềm tin nơi Đấng Christ
TÁI SINH   TẠO VẬT MỚI
Thánh hóa Tiếp tục +1 Đánh giá sau khi quyết định
+2 Tham gia vào Hội Thánh
  Chăm sóc +3 Tăng trưởng về quan điểm và hành vi
  +4 Tương giao với Đức Chúa Trời
    +5 Quản gia của Chúa
      Tiếp tục sản sinh ra môn đồ mới
      Bên trong (ân tứ thuộc linh, v.v..)
      Bên ngoài (làm chứng, xã hội, hành động, v.v..)
                                                                                    ĐỜI ĐỜI

 

Như chương Kinh Thánh này đã bày tỏ, Đức Chúa Giê-su nhận thấy sự cống hiến hời hợt của những đám đông theo Ngài. Đức Chúa Giê-su đã khiến họ đi đến quyết định rằng họ nhìn nhận Ngài là ai và kêu gọi họ có một mức độ cam kết đối với Ngài, đó là điều cần thiết để họ trở thành những môn đồ thật (Giăng 6:29-65). Đáng buồn thay, tại đây, những người đã bước một vài bước đến với Đức Chúa Giê-su đã trở lui, nhưng không phải toàn bộ mọi người:

Từ lúc ấy, có nhiều môn đồ Ngài trở lui, không đi với Ngài nữa. Đức Chúa Giê-su phán cùng mười hai sứ đồ rằng: “Còn các ngươi, cũng muốn lui chăng?” Si-môn Phi-e-rơ thưa rằng: “Lạy Chúa, chúng tôi đi theo ai? Chúa có những lời của sự sống đời đời; chúng tôi đã tin, và nhận biết rằng Chúa là Đấng Thánh của Đức Chúa Trời!” (Giăng 6:66-69)

Mặc dù sự cứu rỗi thường bắt đầu từ sự hiếu kỳ, nhưng để đến với sự tin đạo thật trong Đức Chúa Giê-su thì cần có nhiều điều khác. Cần phải trải qua sự cáo trách của Đức Thánh Linh khi Ngài khiến cho chúng ta nhận thức tội lỗi, thiếu sự công bình thật, và hậu quả là sự đoán phạt (Giăng 16:8). Cần phải được thuyết phục rằng Đức Chúa Giê-su chính là Đấng Christ, là Con của Đức Chúa Trời, là Đấng vô tội, nhờ tin vào Lời của Chúa (Giăng 16:30-31). Cần phải có đức tin chắc chắn rằng Ngài thật sự có Lời sự sống, và kết quả đem lại đó là sự cam kết đi theo Đức Chúa Giê-su (Giăng 6:68-69).8

Một người thật lòng bước theo Đức Chúa Giê-su sẽ có kết quả là quay khỏi lối sống cũ tội lỗi và quay về với Đức Chúa Trời trong niềm tin trọn vẹn trong Đức Chúa Giê-su và quả quyết vâng phục Lời Chúa. Sự cải đạo đó dẫn đến một đời sống thật sự được thay đổi.

  1. Sự hiếu kỳ: hiếu kỳ về việc Đức Chúa Giê-su là ai và Ngài có thể làm gì cho bạn.
  2. Bị cáo trách: bị Đức Thánh Linh cáo trách về tội lỗi và sự đoán xét tội lỗi.
  3. Được thuyết phục: được thuyết phục rằng Đức Chúa Giê-su là Con Đức Chúa Trời, là Đấng vô tội, và tin chắc rằng sự cứu rỗi bởi một mình Ngài.
  4. Cam kết và cải đạo: Cải đạo (sự thay đổi hoàn toàn) bởi đức tin hành động khiến bạn quay mặt khỏi tội lỗi và quay về với Đức Chúa Trời để nhận được sự cứu rỗi.

Đức Chúa Giê-su đã tạo ra những môn đồ của Ngài qua ba giai đoạn. Việc trở nên một môn đồ đòi hỏi bạn phải tiến lên trong đức tin và sự vâng phục. Giai đoạn đầu tiên – công bố – là trở nên một người tin Chúa có sự cam kết. Giai đoạn thứ hai – phát triển – là trở nên một người đi theo Chúa nhiệt thành. Giai đoạn thứ ba – sai phái – là trở niên một lãnh đạo nhân cấp. Cả ba giai đoạn này đều diễn ra trong bối cảnh Hội Thánh địa phương/cộng đồng những người tin Chúa. Giai đoạn một là sự tìm hiểu một cách nghiêm túc về con người và công tác của Đức Chúa Giê-su, kết quả đó là niềm tin được cam kết. Bạn đã quyết định rằng Đức Chúa Giê-su là Đấng đáng để bạn đánh đổi tất cả mọi điều chưa? Cuộc sống của bạn có phản ánh đáp ứng của bạn với sự kêu gọi của Chúa không?

 

Câu hỏi suy ngẫm

  1. Ba giai đoạn theo Đức Chúa Giê-su là gì?
  2. Bạn hiện đang ở giai đoạn nào?
  3. Bạn đã tiếp nhận Đức Chúa Giê-su trong trường hợp nào?
  4. Bạn đã phát triển như thế nào kể từ khi tiếp nhận Chúa?
  5. Bạn đang giúp đỡ ai nhận biết và tăng trưởng trong Đấng Christ?

Chú thích

  1. B. Bruce, The Training of the Twelve (Grand Rapids, MI: Kregel, 1988), 11.
  2. , 11.
  3. , 12.
  4. Elmer Towns, Winning the Winnable (Lynchburg, VA: Church Leadership Institute, 1986), 13.
  5. Dave Earley and David Wheeler, Evangelism Is… (Nashville, TN: B&H Academic, 2010), 81-82.
  6. James F. Engel and Wilbert Norton, What’s Gone Wrong with the Harvest? (Grand Rapids, MI: Zondervan, 1975), 146.
  7. Earley and Wheeler, Evangelism Is…, 72.

 

7

Môn đồ hóa là…

Nhận diện bước thứ hai của sự vâng phục

Dave Earley

Rabbi Giê-su

Tôi có một điều phải thú nhận. Hầu hết trong quãng đời của tôi, việc Đức Chúa Giê-su là một rabbi người Do Thái là một sự thật vô cùng hiển nhiên. Nếu bị ép buộc, tôi vẫn có thể nói rằng, vâng, Đức Chúa Giê-su là một người Do Thái và, vâng, những người theo Ngài gọi Ngài là  “Thầy” hoặc “Rabbi.” Nhưng điều đó hầu như không bao giờ tác động đến những điều mà tôi đọc trong các sách Phúc Âm… quả là một thiếu sót lớn của tôi.

Đức Chúa Giê-su là một người Do Thái. Đức Chúa Giê-su lớn lên trong nền văn hóa Do Thái, ăn thức ăn của người Do Thái, và ghi nhớ luật pháp Do Thái. Ngài thường đến đền thờ của người Do Thái tại Giê-ru-sa-lem. Ngài được lớn lên trong một gia đình Do Thái tại Ga-li-lê. Ngài thường giảng dạy tại các nhà hội trong xứ Ga-li-lê, sử dụng các nhà hội làm nơi giảng đạo cho mục vụ của Ngài.

Đức Chúa Giê-su cũng là một rabbi người Do Thái. Đức Chúa Giê-su được các môn đồ xưng là rabbi (Lu-ca 7:40). Ngài cũng được cả người Pha-ri-si và Sa-đu-sê gọi là rabbi (Lu-ca 19:39; Ma-thi-ơ 22:35-36; Lu-ca 20:27-28) và người dân thường trong những đám đông đi theo cũng gọi Ngài là rabbi (Lu-ca 12:13). Vì là một rabbi nên Đức Chúa Giê-su có những môn đồ. Cũng giống các rabbi khác thời bấy giờ, Đức Chúa Giê-su đòi hỏi môn đồ của Ngài phải có sự cam kết trọn vẹn vì mục đích mà Ngài dành cho họ đó là chính họ cũng sẽ trở thành rabbi, những người tự gây dựng nên các môn đồ của mình.

Trong chương vừa qua, chúng ta đã quan sát một số người trẻ dành khoảng một năm tìm hiểu về Đức Chúa Giê-su để cuối cùng quyết định Ngài có phải là một rabbi đáng tin cậy hay không… Họ đã khám phá ra rằng Ngài đáng tin cậy hơn họ tưởng rất nhiều lần. Chúng ta gọi giai đoạn đầu tiên này là công bố, với đặc điểm là sự tìm hiểu dẫn đến sự ăn năn và niềm tin nơi Đức Chúa Giê-su. Những con người này kết lại giai đoạn đầu tiên trong tiến trình phát triển của môn đồ bằng việc bày tỏ cam kết niềm tin nơi Đức Chúa Giê-su là Đấng Mê-si. Hành trình phát triển của môn đồ không kết thúc tại đó. Đức Chúa Giê-su kêu gọi họ bước đến giai đoạn tiếp theo: phát triển.

 

Giai đoạn hai: Phát triển

(Dấn thân, từ bỏ và tập sự bước vào mục vụ)

“Hãy theo Ta”

Một số người trẻ (trong đó có Anh-rê, Phi-e-rơ, và Giăng) bắt đầu quan tâm đến mục vụ và lời giảng dạy của Đức Chúa Giê-su (Giăng 1:35-50). Sự quan tâm theo đuổi đó đã đưa họ đến với sự ăn năn và đức tin nơi Đức Chúa Giê-su. Tiến trình phát triển của môn đồ không dừng lại tại đó. Đức Chúa Giê-su kêu gọi họ đến với giai đoạn tiếp theo đó là phát triển:

Khi Ngài đang đi dọc theo mé biển Ga-li-lê, thấy hai anh em kia, là Si-môn, cũng gọi là Phi-e-rơ, với em là Anh-rê, đương thả lưới dưới biển, vì hai anh em vốn là người đánh cá. Ngài phán cùng hai người rằng: “Các ngươi hãy theo ta, ta sẽ cho các ngươi nên tay đánh lưới người.” Hai anh em liền bỏ lưới mà theo Ngài. Từ đó đi một đỗi xa xa nữa, Ngài thấy hai anh em khác, là Gia-cơ, con của Xê-bê-đê, với em là Giăng, đang cùng cha mình là Xê-bê-đê vá lưới trong thuyền; Ngài bèn gọi hai người. Tức thì hai người đó bỏ thuyền và cha mình mà theo Ngài. (Ma-thi-ơ 4:18-22)

Quyết định đi theo rabbi đồng nghĩa với một cam kết trọn vẹn. Họ phải ghi nhớ những lời của Chúa và sao chép lại lối sống của Ngài. Đi theo Chúa nghĩa là họ chọn ở cùng Ngài, học từ Ngài và trở nên giống như Ngài. Để tiếp nhận lời mời của Chúa, họ phải từ bỏ mọi điều khác để đi theo Ngài.

Song, cũng như các môn đồ đã có một cam kết vô cùng quan trọng đối với Chúa, Ngài cũng có một cam kết to lớn đối với họ. Ngài sẽ dành khoảng thời gian ba năm sắp tới để sống cùng họ và huấn luyện họ trở nên những “tay đánh lưới người,” hay nói cách khác là khiến họ trở nên những rabbi.

Trở nên môn đồ của Đức Chúa Giê-su không đơn thuần chỉ là tin nơi Ngài. Giai đoạn thứ hai trong tiến trình phát triển của môn đồ đòi hỏi chúng ta phải ôm lấy thập giá (xem chương 9), từ bỏ tất cả để đi theo Đức Chúa Giê-su (xem chương 10), và kết nhiều quả nhờ ở trong Đấng Christ (xem chương 11). Nhưng điều đó bắt đầu với việc tiến sâu hơn trong mối liên hệ với Đức Chúa Giê-su, hòa mình vào cộng đồng Cơ Đốc, gắn kết với lời dạy của Đức Chúa Giê-su, và dấn thân trong mục vụ.

  1. Tiến sâu hơn trong mối liên hệ với Đức Chúa Giê-su

Ngày đó, khi Anh-rê, Phi-e-rơ, Gia-cơ và Giăng nhìn thấy Đức Chúa Giê-su và nghe Ngài mời gọi họ đi theo Ngài, đối với họ đó không phải là điều hoàn toàn bất ngờ. Họ đã đi theo Ngài trong giai đoạn thứ nhất suốt một năm. Giờ đây họ hiểu rằng đây là một lời mời để bước vào thời gian tập sự nghiêm túc và quan trọng dưới sự dẫn dắt của một rabbi để họ có thể trở thành những rabbi. Lời đáp đồng ý và đi theo Chúa đồng nghĩa với việc mối liên hệ của họ với Chúa sẽ tiến triển ở một mức độ mới. Họ sẽ không còn là những khán giả khi Đức Chúa Giê-su giảng dạy và thi hành các phép lạ. Họ thật sự “ở cùng Ngài” (Mác 3:14).

Đức Chúa Giê-su không nói rằng: “Hãy tuân theo những luật lệ” hoặc “Làm theo những nghi thức.” Nhưng Ngài phán rằng: “Hãy theo Ta.” Làm môn đồ của một rabbi đồng nghĩa với một mối liên hệ cá nhân rất mật thiết. Họ phải thật sự ở cùng Ngài trong ba năm sắp đến.

Tuy không phải tất cả mọi khía cạnh trong tiến trình phát triển môn đồ của Do Thái Giáo thế kỷ thứ nhất đều được áp dụng cho chúng ta ngày nay, nhưng điều luôn đúng trong mọi trường hợp đó là tất cả môn đồ của Đức Chúa Giê-su phải tiến sâu hơn vào mối quan hệ với Ngài. Chúa phải là mối quan hệ ưu tiên nhất đối với các môn đồ. Bởi vì Đức Chúa Giê-su là Đức Chúa Trời, Ngài cũng phải được các môn đồ yêu mến với hết cả “tấm lòng, linh hồn và tâm trí” (Ma-thi-ơ 22:37). Như chúng ta sẽ tiếp tục nói đến trong chương 11, yêu Chúa có nghĩa là mối liên kết chặt chẽ và liên tục với Ngài phải luôn được trau dồi và gìn giữ (Giăng 15:1-17).

Cầu nguyện

Sau khi Đức Chúa Giê-su thăng thiên, các môn đồ đã duy trì mối liên hệ sâu sắc với Ngài qua việc tiếp tục đời sống cầu nguyện đầy năng quyền. Điều đầu tiên mà họ thực hiện đó là tổ chức một buổi cầu nguyện kéo dài (Công vụ 1:14, 24). Khi Hội Thánh được thành lập, sự cầu nguyện là một phần trong sinh hoạt của Hội Thánh (Công vụ 2:42). Khi đối diện với sự bắt bớ, họ quỳ xuống cầu nguyện (Công vụ 4:24-31). Khi trách nhiệm quản trị Hội Thánh tăng cao, họ đã không bị phân tâm bởi những công việc cấp bách, nhưng thay vào đó, họ đã một lần nữa ưu tiên cầu nguyện là điều quan trọng hàng đầu (Công vụ 6:4). Những quyết định quan trọng được đưa ra sau khi cầu nguyện (Công vụ 1:24; 6:6). Khi sự chống đối gia tăng, sự cầu nguyện càng được gia tăng (Công vụ 12:5). Trên hết tất cả, các môn đồ là những con người cầu nguyện.

Cơ Đốc Nhân ở thế kỷ thứ nhất là những người Do Thái nên họ đã áp dụng chuẩn mực của người Do Thái trong việc cầu nguyện, nghĩa là giữ giờ cầu nguyện ba lần mỗi ngày. Hội Thánh đầu tiên đã tiếp tục thông lệ đó. Chẳng hạn như giáo phụ Tertullian đã khẳng định rằng:

Về thời gian, cần phải nghiêm túc giữ một số thì giờ nhất định: tôi muốn nói về những giờ phổ biến mà từ trước tới nay đánh dấu sự phân chia của một ngày, giờ thứ ba, giờ thứ sáu, và giờ thứ chín, và đó là điều mà chúng ta sẽ giữ theo như Kinh Thánh một cách trọng thể hơn những giờ khác.1

Tại thời điểm mà giáo phụ viết ra điều này, một ngày bắt đầu lúc 6 giờ sáng. Chính vì thế, giờ thứ ba, giờ thứ sáu và giờ thứ chín nghĩa là 9 giờ sáng, giữa trưa, và 3 giờ chiều. Song rất nhiều lãnh đạo Hội Thánh trong thời kỳ đầu tiên giữ nhiều hơn ba lần cầu nguyện mỗi ngày. Chẳng hạn như, Hippolytus, vào đầu thế kỷ thứ ba, ông đã nói đến việc cầu nguyện sáu lần trong một ngày:

Nếu bạn ở nhà, hãy cầu nguyện vào giờ thứ ba [9 giờ sáng] và chúc tôn Đức Chúa Trời. Nhưng nếu bạn đang đi vắng thì hãy cầu nguyện Đức Chúa Trời ở trong lòng… Hãy cầu nguyện như thế vào giờ thứ sáu [giữa trưa]… Hãy dâng lên Chúa lời cầu nguyện đặc biệt và chúc tôn Ngài vào giờ thứ chín [3 giờ chiều]… Cũng hãy cầu nguyện trước khi thân thể của bạn nghỉ ngơi trên giường [9 giờ tối]. Nhưng hãy trỗi dậy lúc nửa đêm, rửa tay và cầu nguyện [12 giờ đêm]… Và hãy trỗi dậy lúc bình minh và cầu nguyện một lần nữa [6 giờ sáng].2

Tôi và bạn không thể hy vọng sống đời sống của một môn đồ nếu không có đời sống cầu nguyện nghiêm túc. Nếu bạn đang cân nhắc để sống đời sống của một người môn đồ hóa, hãy cam kết sống một đời sống cầu nguyện.

 

  1. Hòa mình vào cộng đồng Cơ Đốc

Khi Đức Chúa Giê-su kêu gọi các môn đồ đi theo Ngài, Ngài muốn kêu gọi họ sống đời sống của một cộng đồng. Họ không chỉ dành những tháng ngày đi khắp nơi và ở cùng với Chúa, nhưng họ cũng dành những thời gian để ở cùng với nhau. Họ không chỉ học hỏi qua việc ở cùng Người Thầy của mình, nhưng cũng qua việc sống cùng với nhau. Đối với các môn đồ, tiến trình phát triển của họ không chỉ là học hỏi thông tin từ trong lớp học; nhưng đó là học hỏi Đức Chúa Giê-su cùng với các môn đồ khác.

Tất cả chúng ta đều có khao khát bất tận được tham gia và kết nối, khao khát yêu và được yêu. Có lẽ sự đói khát mối liên hệ này là niềm khao khát mãnh liệt nhất trong tâm hồn con người. Đối với đời sống tinh thần, nhu cầu về mối quan hệ cộng đồng với người khác và mối liên hệ với Chúa là Đấng tạo dựng nên chúng ta cũng giống như thức ăn, không khí và nước uống đối với thân thể con người. Nhu cầu đó không bao giờ mất đi. Nó đi theo chúng ta từ khi chúng ta ở trong nôi cho đến lúc chúng ta được chôn nơi mộ phần. Chúng ta cần tương tác trực diện với những người khác – được nhìn thấy, được biết đến, được thấu hiểu, và được phục vụ, và chúng ta cũng làm điều tương tự đối với họ.

Từ chương đầu tiên trong sách Sáng Thế Ký cho đến toàn bộ Kinh Thánh, Đức Chúa Trời nói về nhu cầu mối liên hệ của chúng ta. Chẳng hạn như Sáng Thế Ký 2:18 viết rằng: “Loài người ở một mình thì không tốt.” Từ câu Kinh Thánh này chúng ta thấy rằng thậm chí trước khi con người sa ngã, Đức Chúa Trời đã phán rằng sự cô độc không phải là một điều tốt. Con người cần phải sống trong cộng đồng với nhau. Sống đơn độc không phải là cách tốt nhất, cũng không phải là phương cách lành mạnh hoặc có thể chấp nhận được để trải qua cuộc sống này.

Sáng Thế Ký 1:26 viết rằng: “Chúng ta hãy làm nên loài người như hình ta và theo tượng ta.” Hãy lưu ý cách dùng từ “chúng ta” và “ta.” Các từ này nhắc nhở chúng ta rằng Đức Chúa Trời luôn là cộng đồng có ba ngôi, được nói rõ trong Kinh Thánh là Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh. Cả ba thân vị trong Ba Ngôi Thiên Chúa là tách biệt lẫn nhau, nhưng cả ba đều hiệp lại làm một. Nói cách khác “Ba Ngôi Hiệp Một vĩ đại” là sự bày tỏ vĩnh hằng về một cộng đồng khắng khít và phụ thuộc lẫn nhau trong sự vinh hiển.

Sáng Thế Ký 1:27 viết rằng: “Đức Chúa Trời dựng nên loài người như hình Ngài.” Dược tạo dựng theo ảnh tượng của Chúa, con người phản ánh bản chất cộng đồng từ chính Đức Chúa Trời. Là những con người được tạo dựng theo ảnh tượng của Chúa, bản chất cộng đồng được đóng vào mỗi chúng ta một cách sâu sắc và độc nhất. Song, không giống như Đức Chúa Trời, chúng ta không thỏa mãn khao khát mối liên hệ cộng đồng từ chính mình, nhưng chúng ta thỏa mãn khao khát đó ở trong Chúa giữa con người với nhau. Nói cách khác, chúng ta không chỉ có một “khoảng trống cho Chúa,” nhưng chúng ta cũng có “khoảng trống cho nhau” trong tấm lòng mình. Chúng ta cần đến nhau.

Cuộc sống không chỉ có “Đức Chúa Giê-su và tôi.” Nhưng cuộc sống là “Đức Chúa Giê-su và chúng ta.” Không ai là toàn diện nếu không có những mối quan hệ lành mạnh với những người khác. Cộng đồng là lý do mà bạn và tôi được tạo dựng nên. Đó là lý do vì sao môn đồ hóa trong bối cảnh Hội Thánh địa phương lại rất quan trọng. Hội Thánh là chỗ dựa cho các mối liên hệ trong việc môn đồ hóa.

Cơ Đốc Nhân trong thời kỳ đầu tiên không theo Cơ Đốc Giáo như một tôn giáo, lễ nghi, tín điều, hoặc sự công bố về tín lý. Nhưng đó là một mối liên hệ sống động với Đức Chúa Trời với nhau. Tiến trình phát triển của môn đồ không phải là một chương trình; nhưng là một mối liên hệ cộng đồng. Từ ngày đầu tiên trở thành Cơ Đốc Nhân, những người tin Chúa đầu tiên đã tiến sâu vào mối liên hệ cộng đồng với nhau (Công vụ 2:42). Lịch sử trong Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng: “Vả, những người ấy bền lòng giữ lời dạy của các sứ đồ, sự thông công của anh em, lễ bẻ bánh, và sự cầu nguyện…. Ngày nào cũng vậy, cứ chăm chỉ đến đền thờ; còn ở nhà, thì bẻ bánh và dùng bữa chung với nhau cách vui vẻ thật thà” (Công vụ 2:42, 46). Họ đặt hai cuộc họp mặt lên thứ tự ưu tiên hàng đầu. Họ tham dự những giờ dạy dỗ và thờ phượng ở đền thờ, tại đó hàng ngàn người sẽ cùng nhóm họp, họ cũng gặp nhau thông công trong các nhóm nhỏ nhiều lần trong tuần (Công vụ 5:42).

Những Cơ Đốc Nhân đầu tiên này đã đương đầu với một thế giới mà tại đó họ bị bắt bớ vì niềm tin nơi Đấng Mê-si phục sinh. Họ không chỉ muốn mà còn cần được ở cùng nhau. Nhu cầu đó vẫn tồn tại trong nền văn hóa của chúng ta. Chuck Colson đã viết rằng: “Cơ Đốc Nhân không thể lớn mạnh và đứng vững trước những áp lực của cuộc sống nếu không đứng giữa một nhóm người giúp chăm sóc và gây dựng người ấy trong đức tin.”3

Đối với Đức Chúa Giê-su, sống trong một cộng đồng yêu thương chính là đặc trưng của tiến trình phát triển của môn đồ. Hãy lắng nghe mệnh lệnh rõ ràng của Ngài: “Ta ban cho các ngươi một điều răn mới, nghĩa là các ngươi phải yêu nhau; như ta đã yêu các ngươi thể nào, thì các ngươi cũng hãy yêu nhau thể ấy. Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn đồ ta” (Giăng 13:34-35). Chúng ta biết rằng phương cách cơ bản để bắt đầu thiết lập cộng đồng đó là gặp gỡ nhau ít nhất một lần một tuần trong môi trường nhóm nhỏ. Dù nhóm nhỏ đó được gọi với những tên khác nhau như những nhóm đời sống, những nhóm tế bào, những Hội Thánh tư gia, hoặc những cộng đồng truyền giáo, nhưng mục đích của tất cả các nhóm trên đều giống nhau: những người bạn cùng đi theo Đức Chúa Giê-su. Khi các nhóm nhỏ này hoạt động hiệu quả, thành viên trong nhóm sẽ sống với sứ mệnh bởi vì họ đã trải nghiệm mối thông công thật, hay còn gọi là koinonia, và cùng nhau chia sẻ cuộc sống.

 

  1. Gắn kết với Lời dạy của Đức Chúa Giê-su

Trong thế kỷ thứ nhất, giáo dục tập trung vào việc học thuộc lòng. Lúc lên năm, trẻ em Do Thái bắt đầu học thuộc lòng phần lớn kinh Torah (năm sách đầu tiên trong Cựu Ước). Vào tuổi mười hai, các bé trai phải ghi nhớ được kinh Torah và tiếp tục học những phần chính trong Cựu Ước, còn các bé gái thì học Thi Thiên. Ben Witherington đã nhận xét rằng:

Trong số những người Do Thái, các rabbi được khích lệ phải ghi nhớ toàn bộ các sách trong Cựu Ước, nghĩa là toàn bộ Cựu Ước. Giáo dục của người Do Thái đề cao việc học thuộc lòng… Các môn đồ Do Thái ban đầu là những học viên, và cũng là những người học thuộc lòng và ghi nhớ. Đây là phương cách giáo dục của người Do Thái. Thực ra đó cũng là yếu tố chính trong toàn bộ nền giáo dục cổ đại, kể cả nền giáo dục La-mã – Hy Lạp.4

Vào tuổi mười hai, các bé trai sẽ bắt đầu tập sự học hỏi một nghề nghiệp. Các bé gái sẽ học các kỹ năng nội trợ để chuẩn bị cho hôn nhân. Từ tuổi mười hai cho đến tuổi mười tám, các bé trai có thể bắt đầu tập sự để trở nên một rabbi. Các bé trai đó phải hoàn thành việc ghi nhớ kinh Torah, cùng với phần lớn Cựu Ước, những lời dạy từ thầy.

Khi mười hai môn đồ trải qua sự dạy dỗ của Đức Chúa Giê-su là rabbi của họ, các môn đồ phải cam kết ghi nhớ và sống theo không chỉ những Lời trong Cựu Ước, mà còn là những lời dạy của Đức Chúa Giê-su.

Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ. Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; nên hãy gánh lấy ách của Ta, và học theo Ta; thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ. Vì ách Ta dễ chịu và gánh Ta nhẹ nhàng. (Ma-thi-ơ 11:28-30)

“Ách” là thứ rất phổ biến trong thời của Đức Chúa Giê-su. Các con bò phải bị buộc vào một miếng gỗ để có thể kéo vật nặng. Cũng vậy, thuật ngữ này được dùng cho một môn đồ đặt mình dưới ách là sự hướng dẫn của rabbi. Trong nền văn hóa Do Thái, các học trò của rabbi phải ghi nhớ lời dạy của rabbi đó. Chính vì thế, trong sách giảng giải về giáo luật Do Thái, Mishna, Aboth, ii, 8 có viết: “Một học trò giỏi giống như một bể chứa được trát vữa, không để rơi một giọt nước nào.” Trong câu Kinh Thánh được trích dẫn bên trên, Đức Chúa Giê-su phán rằng: “hãy gánh lấy ách của Ta, và học theo Ta.” Từ “học” có nguồn gốc từ một chữ mà ngày nay chúng ta dịch ra trong Tân Ước đó là từ “môn đồ.”

Ngày nay, trường Uppsala của Harald Riesenfield và Birger Gerhardsson đã phân tích mối quan hệ giữa Đức Chúa Giê-su với các môn đồ của Ngài trong bối cảnh các thông lệ rabbi người Do Thái vào năm 200 SCN. Họ đã khám phá rằng trong vai trò là người thầy có thẩm quyền hay nói cách khác là một rabbi, Đức Chúa Giê-su đã huấn luyện các môn đồ của Ngài phải tin và ghi nhớ những lời dạy của Ngài. Bởi vì nền văn hóa của họ rất đặt nặng việc truyền miệng kiến thức, họ phải ghi nhớ một lượng tài liệu khổng lồ dựa theo chuẩn mực của ngày hôm nay. “Giá trị văn hóa đề cao việc môn đồ phải ghi nhớ đúng lời dạy và hành động của người thầy của họ, rồi tiếp tục truyền cho thế hệ kế tiếp.”5 Đối với mười hai môn đồ, lời kêu gọi trở nên môn đồ là sự kêu gọi gắn kết cuộc sống của họ với lời dạy của Đức Chúa Giê-su.

Trong thời gian tôi làm giám đốc phát triển môn đồ của một trường đại học Cơ Đốc lớn và tự hào vì đã đọc tất cả các sách về phát triển môn đồ và môn đồ hóa sẵn có vào lúc đó. Đôi khi vợ của tôi, Cathy, hỏi rằng: “Giáo trình phát triển môn đồ nào tốt nhất trên thị trường?” Tôi đáp: “Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca và Giăng, cùng với sách Công vụ các sứ đồ, và đặc biệt coi trọng những phần chữ đỏ.”

“Chỉ thế thôi sao?” vợ tôi hỏi, tỏ vẻ bình thường. “Tại sao?”

Tôi đáp: “Bởi vì nếu tôi có thể khiến một người sống theo các sách Phúc Âm và áp dụng các mệnh lệnh của Đức Chúa Giê-su giống như cách các môn đồ đã áp dụng trong sách Công vụ các sứ đồ, tôi tin rằng mình đã đào tạo được một môn đồ. Và tôi tin rằng những môn đồ như thế sẽ thay đổi thế giới.”

 

  1. Dấn thân trong mục vụ

Lời kêu gọi trở nên môn đồ xuất phát từ biển Ga-li-lê. Ma-thi-ơ 4:19 viết rằng: “Ngài phán cùng hai người rằng: ‘Các ngươi hãy theo ta, ta sẽ cho các ngươi nên tay đánh lưới người!’” Biển Ga-li-lê ngày nay vẫn nổi tiếng với số lượng cá lớn sống trong nguồn nước trong lành và sạch sẽ. Là một người thầy tài năng, Đức Chúa Giê-su đã kết nối điều mà các môn đồ này biết (chính là đánh cá) với điều mà họ sẽ phải học hỏi: dùng phúc âm để đánh lưới người. Là những người đi theo Đức Chúa Giê-su, nhiệm vụ của các môn đồ đó là trở nên “những người đánh lưới” cho vương quốc của Chúa. Sự kêu gọi bước vào tiến trình môn đồ là sự kêu gọi dấn thân trong mục vụ. Đối với Đức Chúa Giê-su và mười hai môn đồ, tiến trình phát triển của môn đồ chính là thời gian tập sự để bước vào mục vụ.

Theo nghĩa chuyên môn, thời gian tập sự là một chương trình huấn luyện một kỹ năng nào đó cho một lớp những người học việc mới. Hầu hết các huấn luyện này được hoàn tất trong quá trình khi học viên làm việc cho một người chủ là người giúp cho các học viên đó được học biết công việc và ngược lại họ sẽ tiếp tục lao động cho chủ trong một khoảng thời gian thỏa thuận sau khi đã đạt được kỹ năng đó. Trong một xã hội mà sự học việc là phương pháp chính để phát triển thế hệ những người học việc mới, Đức Chúa Giê-su đã kêu gọi mười hai môn đồ bước vào thời gian tập sự với Ngài. Dưới sự giám sát của Ngài, họ có thể phát triển những kỹ năng cần để tiếp tục mục vụ của Chúa sau khi Ngài ra đi. Anthony Gittins đã viết rằng:

Mục đích của phát triển môn đồ đó là truyền giáo… Phát triển môn đồ đòi hỏi người tin Chúa được tuyển mộ để tiếp tục công tác của Đức Chúa Giê-su ở bất cứ nơi nào họ đến và bất cứ nơi đâu họ được dẫn dắt đến… Kết quả của sự phát triển môn đồ thật được thể hiện qua cam kết không ngừng của những người đã gặp gỡ Đức Chúa Giê-su trước hết và sau đó được Ngài sai phái vào mục vụ.6

Về sau, Đức Chúa Giê-su tái khẳng định sự kêu gọi phát triển môn đồ khi Ngài kêu gọi họ không chỉ ở cùng Ngài, nhưng cũng được Ngài sai đi vào mục vụ. Mác 3:13-15 viết rằng:

Kế đó, Đức Chúa Giê-su lên trên núi, đòi những người Ngài muốn, thì những người ấy đến kề Ngài. Ngài bèn lập mười hai người, gọi là sứ đồ, để ở cùng Ngài và sai đi giảng đạo, lại ban cho quyền phép đuổi quỉ.

Trong một ý nghĩa rất thật, môn đồ là một người được “triệu tập để được sai đi.” Bất kỳ kế hoạch phát triển môn đồ nào loại trừ mục vụ này đều không hiệu quả. Đức Chúa Giê-su đã huấn luyện họ thực hiện một số công việc: đánh lưới người và được sai phái để giảng đạo.

Vào đúng thời điểm, Đức Chúa Giê-su đã sai mười hai môn đồ ra đi ít nhất là trong một hành trình truyền giáo không có Ngài đi theo (Ma-thi-ơ 10). Không có huấn luyện mục vụ thì không thể có phát triển môn đồ. Ở cùng với Đức Chúa Giê-su và học những lời dạy của Ngài không thôi vẫn chưa đủ. Để trở nên một môn đồ cần phải có nhiều điều hơn là chỉ sống trong một cộng đồng yêu thương. Họ phải học mục vụ. Mục vụ là lý do trước hết để họ được huấn luyện để trở nên những môn đồ.

Cuối cùng, mấu chốt của việc trở nên một môn đồ đó chính là trở nên một người môn đồ hóa. Tôi sẽ bàn về điều này sâu hơn trong chương tiếp theo, tuy nhiên trước khi tiếp tục bước qua chương mới, một nhận định cuối cùng về những thông lệ rabbi của người Do Thái đó là:

Khi người thầy tin rằng talmidim [các môn đồ] của mình đã được chuẩn bị để trở nên giống như mình, người thầy đó sẽ bổ nhiệm cho họ trở nên những người làm công tác môn đồ hóa. Người thầy nói rằng: “Đến đây có thể con đã giống như ta. Giờ thì hãy đi và tìm những người sẽ bắt chước con. Bởi vì con giống ta, khi họ bắt chước con, họ cũng sẽ trở nên giống như ta.” Thông lệ này chắc chắn là ẩn ý của đại mạng lệnh mà Đức Chúa Giê-su đã ban (Ma-thi-ơ 28:18-20)…. Khi rabbi sống và dạy dỗ sự hiểu biết của mình về Kinh Thánh thì học trò của ông (talmidim) lắng nghe, theo dõi và bắt chước để họ cũng trở nên giống như thầy của mình. Cuối cùng họ sẽ trở nên những người thầy tiếp tục truyền dạy một lối sống cho talmidim của họ.7

 

– Câu hỏi suy ngẫm –

  1. Bạn có đang sống một đời sống gắn kết với Đức Chúa Giê-su?
  2. Bạn có hết lòng với Chúa? Điều đó có được thể hiện qua đời sống cầu nguyện của bạn?
  3. Bạn có đang sống trong một cộng đồng Cơ Đốc với những môn đồ khác không? Noi gương Cơ Đốc Nhân trong thế kỷ thứ nhất, bạn giống họ như thế nào?
  4. Bạn có ở trong Lời Chúa không? Các môn đồ trong thế kỷ đầu tiên đã ghi nhớ rất nhiều Kinh Thánh Cựu Ước và những lời dạy của người thầy của họ. Bạn đang đọc, học, ghi nhớ và suy ngẫm bao nhiêu phần trong Kinh Thánh (không chỉ đơn thuần là các sách viết về Kinh Thánh)?
  5. Mục vụ của bạn là gì? Bạn có chia sẻ phúc âm cho người lạc mất? Bạn đang chia sẻ sự sống của Đức Chúa Giê-su cho ai?

Chú thích

  1. Tertullian, De Oratione, xxiii, xxv, in P.L., I, 1191-3.
  2. Hippolytus, Apostolic Tradition, quoted in Boniface Ramsey, Beginning to Read the Fathers (Mahwah, NJ: Paulist, 1985), 165-66.
  3. Charles Colson, Kingdoms in Conflict (Grand Rapids, MI: Zondervan, 1987), 47.
  4. Ben Witherington, The Jesus Quest (Downers Grove: IVP, 1995), 48.
  5. Is the Bible the Word of God? A Rational Defense of the Judeo-Christian Scriptures, chap. 2, http://www.biblestudy.org/maturart/is-the-bible-the-word-of-god/chapter2.html (accessed December 12, 2012).
  6. Anthony Gittins, Called to Be Sent (Liguori, MO: Liguori Press, 2008), 1, 15.
  7. Ray Vander Laan, “Rabbi and Talmidim,” http://www.followtherabbi.com/guide/detail/rabbi-and-talmidim (accessed December 12, 2012).

8

Môn đồ hóa là…

Tiếp nhận bước thứ ba của sự vâng phục

Dave Earley

 

Hãy là giáo sĩ mỗi ngày

Tôi còn nhớ khi còn nhỏ đã được học rất nhiều bài hát. Có một bài hát rất dễ nhớ và cũng có thông điệp thuộc linh mạnh mẽ. Chúng tôi đã học bài hát đó trong một khóa Thánh Kinh mùa hè. Có thể bạn biết bài hát này:

Hãy là giáo sĩ mỗi ngày!

 

Hãy nói cho thế giới biết Đức Chúa Giê-su là con đường!

Hãy rao báo nơi thành thị hoặc thôn quê

Hoặc trên con đường nhộn nhịp!

Ở Châu Phi hoặc Châu Á, nhiệm vụ phụ thuộc vào BẠN!

 

Vậy hãy là một giáo sĩ

Là phái viên của Đức Chúa Trời

Hãy là giáo sĩ ngay hôm nay!

Hãy ra đi nào!!!

 

Điều gì sẽ xảy ra nếu mọi người trong Hội Thánh của tôi đều nghiêm túc cân nhắc bài hát này và sống như những giáo sĩ? Chúng tôi có thể đã đem phúc âm đến cho cho cả thành phố của mình. Tôi đồng tình với Charles Spurgeon khi ông nói rằng: “Mỗi một Cơ Đốc Nhân hoặc là một giáo sĩ hoặc là một kẻ mạo danh.”1 Môn đồ của Chúa không sống chỉ như những thành viên trong Hội Thánh. Họ cũng không thỏa lòng trong giới hạn chỉ một mục vụ được thực hiện hằng tuần tại Hội Thánh của họ. Không. Các môn đồ của Chúa sống như những giáo sĩ. Nếu bạn trở thành môn đồ của Đức Chúa Giê-su Christ, bạn sẽ là một giáo sĩ. Sống với sứ mệnh không phải là một nghề nghiệp của một số ít người được chọn. Đó là sự kêu gọi, nhiệm vụ và là mệnh lệnh của tất cả mọi môn đồ. Chúng ta được kêu gọi như là những giáo sĩ. Câu hỏi đó là: Chúng ta có vâng theo không? Trong chương này, chúng ta sẽ bàn về giai đoạn thứ ba cũng là giai đoạn cuối cùng trong tiến trình phát triển của môn đồ – sự sai phái.

 

Giai đoạn ba: sai phái

(Tiếp nhận sứ mệnh toàn cầu)

Như chúng ta đã đề cập trong chương 6, mục vụ môn đồ hóa của Đức Chúa Giê-su trải qua ba giai đoạn riêng biệt. Giai đoạn thứ nhất đặt ra câu hỏi: Bạn có tin Đức Chúa Giê-su không? (SỰ CÔNG BỐ). Giai đoạn thứ hai đặt câu hỏi: Bạn có theo Đức Chúa Giê-su không? (SỰ PHÁT TRIỂN). Giai đoạn thứ ba đặt ra câu hỏi: Bạn có ra đi vì Đức Chúa Giê-su không? (SỰ SAI PHÁI). Giai đoạn cuối cùng trong chiến lược môn đồ hóa của Đức Chúa Giê-su có đỉnh điểm là sự ban cho Đại Mạng Lệnh, khi đó Đức Chúa Giê-su tuyên bố các môn đồ của Ngài đã sẵn sàng lặp lại quy trình môn đồ hóa này trong cuộc sống của những người khác (Ma-thi-ơ 28:18-20). Rabbi Giê-su đã huấn luyện thành công các môn đồ của Ngài để họ trở nên những người đi môn đồ hóa. Họ đã thực hiện công việc này khi thiết lập Hội Thánh đầu tiên (Công vụ 2). Tôi gọi giai đoạn thứ ba là sai phái, sự kêu gọi các môn đồ tiếp nhận sứ mệnh toàn cầu.

 

Missio Dei

Missio Dei là cụm một từ tiếng Latin dùng để nhắc nhở Hội Thánh rằng sứ mệnh của Hội Thánh không phải là sự phát minh, nhiệm vụ, hoặc chương trình của con người. Nhưng nó bắt nguồn từ đặc tính và mục đích của Đức Chúa Trời.2 Theo lịch sử, thuật ngữ sứ mệnh được dùng để diễn tả các công tác của Đức Chúa Trời, thay vì những hoạt động của Hội Thánh. Sứ mệnh không phải là điều Hội Thánh làm vì Đức Chúa Trời. Thay vào đó, Hội Thánh hòa nhịp với tấm lòng của Đức Chúa Trời và hiệp tác với công tác của Ngài.

Theo Tom Jones:

Bản chất của Đức Chúa Trời chính là cốt lõi của sứ mệnh. Đức Chúa Trời hằng sống được khắc họa trong Kinh Thánh là một Đức Chúa Trời sai phái. Ngài sai phái bởi tình yêu của Ngài dành cho thế giới (Giăng 3:16). Ngài truyền bảo Áp-ra-ham rời khỏi quê hương của ông để đến một nơi ông chưa từng biết, và nếu ông vâng theo thì Ngài hứa sẽ ban phước cho thế giới thông qua ông (Sáng thế ký 12:1-3). Đức Chúa Trời sai phái Giô-sép đến Ai Cập để giúp gìn giữ dân sự của Đức Chúa Trời trong thời kỳ hạn hán (Sáng thế ký 45:4-8). Vào đúng thời điểm, Đức Chúa Trời sai phái Con Ngài. Sau đó, Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con sai phái Đức Thánh Linh trong ngày lễ Ngũ Tuần (Ga-la-ti 4:4-6; Giăng 14:26; 15:26; 16:7; Công vụ 2:33). Cuối cùng, Đấng Christ sai phái Hội Thánh của Ngài (Ma-thi-ơ 28:19-20).3

Thần học gia Emil Brunner đã có phát biểu đáng ghi nhớ: “Hội Thánh tồn tại bởi sứ mệnh, cũng giống như lửa tồn tại là nhờ đám cháy.”4 Đối với môn đồ cũng vậy. David Borsh đồng tình với quan điểm trên, ông viết rằng: “Không thể nói về Hội Thánh mà không đồng thời nhắc đến sứ mệnh. Bởi vì Đức Chúa Trời là một Đức Chúa Trời truyền giáo, nên dân sự của Ngài cũng phải là những giáo sĩ. Sứ mệnh của Hội Thánh không phải là điều thứ cấp so với sự hiện diện của Hội Thánh: Hội Thánh tồn tại khi được sai phái và được gây dựng để thực hiện sứ mệnh của nó.”5 Đối với môn đồ cũng vậy.

 

Đức Chúa Giê-su Christ: Một Giáo sĩ

Giáo sĩ vĩ đại nhất trong lịch sử đó chính là Đức Chúa Giê-su Christ.6 Chính trong bài giảng đầu tiên, Đức Chúa Giê-su đã trích dẫn tiên tri Ê-sai nói về Đấng Mê-si sẽ được sai phái để giảng phúc âm (Ê-sai 61:1-2; Lu-ca 4:18). Khi công bố lời tiên tri đó là nói về chính Ngài, Đức Chúa Giê-su bày tỏ rằng Ngài chính là một giáo sĩ. Về sau, Đức Chúa Giê-su nhấn mạnh rằng Ngài được Đức Chúa Cha sai phái (Giăng 17:1-25; Ma-thi-ơ 10:40).

Là một giáo sĩ, Đức Chúa Giê-su sẵn lòng rời Đức Chúa Cha, rời bỏ nhà cửa, tài sản, địa vị, văn hóa, sự thoải mái, sự tiện nghi, an toàn và an ninh để đến với thế giới và thực hiện nhiệm vụ của Ngài. So với thiên đàng, là một giáo sĩ ở trên đất, Đức Chúa Giê-su đã trải qua những giới hạn không thể tưởng tượng được, cảnh nghèo khó, đàn áp và bắt bớ. Là một giáo sĩ, Ngài sống giữa vòng những người Ngài mong muốn tiếp cận. Ngài ăn thức ăn của chúng ta, mặc quần áo như chúng ta, và nói ngôn ngữ của chúng ta. Ngài chịu những nỗi đau buồn của chúng ta và chia sẻ niềm vui với chúng ta. Ngài hoàn toàn coi mình là bình đẳng với chúng ta và chết vì chúng ta.

Theo từ điển, một giáo sĩ là “người được sai đi với một sứ mệnh.”7 Từ sứ mệnh bắt nguồn từ chữ “được sai phái” hoặc “sai phái.” Hãy xem Đức Chúa Giê-su đã chất vấn môn đồ của Ngài sau khi truyền giáo cho người phụ nữ Sa-ma-ri bên giếng nước. Hãy lưu ý đến việc Đức Chúa Giê-su đề cập đến sứ mệnh của Ngài và sử dụng điều đó làm cơ sở để chỉ ra sứ mệnh của họ.

Đức Chúa Giê-su phán rằng: “Đồ ăn của Ta tức là làm theo ý muốn của Đấng sai Ta đến, và làm trọn công việc Ngài. Các ngươi há chẳng nói rằng: ‘còn bốn tháng nữa thì tới mùa gặt sao?’ Song Ta nói với các ngươi: Hãy nhướng mắt lên và xem đồng ruộng, đã vàng sẵn cho mùa gặt. Con gặt đã lãnh tiền công mình và thâu chứa hoa lợi cho sự sống đời đời, hầu cho người gieo giống và con gặt được cùng nhau vui vẻ. Vì đây người ta có thể nói rằng: ‘Người nầy thì gieo, người kia thì gặt,’ là rất phải. Ta đã sai các ngươi gặt nơi mình không làm; kẻ khác đã làm, còn các ngươi thì đã vào tiếp lấy công lao của họ.” (Giăng 4:34-38)

Đức Chúa Giê-su được sai đi làm một giáo sĩ đến thế gian để môn đồ hóa. Ngài đã sai các môn đồ của Ngài vào thế gian để khiến người khác trở nên môn đồ. Theo Đức Chúa Giê-su nghĩa là bạn và tôi phải noi gương Ngài và trở nên những giáo sĩ. Tôi xin giải thích như sau.

 

Tất cả các môn đồ đều được sai đi

Các môn đồ được lựa chọn với một mục đích quan trọng nhất đó là: trở nên các giáo sĩ. Khi chúng ta quay trở về với sự kêu gọi của họ, chúng ta thấy rằng họ được kêu gọi để đươc sai phái. Hãy xem Mác 3:14:

Ngài bèn lập mười hai người, gọi là sứ đồ, để ở cùng Ngài và sai đi giảng đạo.

Về sau, khi họ tiến đến thành Giê-ru-sa-lem Đức Chúa Giê-su một lần nữa nhấn mạnh nhiệm vụ được sai phái vào mùa gặt. Trong Ma-thi-ơ 9:37-38 ghi lại lời phán của Đức Chúa Giê-su:

Mùa gặt thì thật trúng, song con gặt thì ít. Vậy, hãy cầu xin chủ mùa gặt sai con gặt đến trong mùa mình.

Đức Chúa Giê-su dự định họ sẽ là câu trả lời trước tiên cho lời cầu nguyện này. Vậy nên Ngài đã sai phái họ ra đi:

Đức Chúa Giê-su nhóm họp mười hai sứ đồ, ban quyền năng phép tắc để trị quỉ chữa bịnh. Rồi Ngài sai đi rao giảng về nước Đức Chúa Trời cùng chữa lành kẻ có bịnh. (Lu-ca 9:1-2; xem Ma-thi-ơ 10:1-5)

Khi Đức Chúa Giê-su ở trong vườn Ghết-sê-ma-nê, chiến đấu trong sự cầu nguyện. Trong lời cầu nguyện như của một thầy tế lễ, Đức Chúa Giê-su đã cầu nguyện cho các môn đồ của Ngài, nhắc Đức Chúa Cha nhớ rằng Đức Chúa Cha đã sai Ngài thể nào, thì Ngài cũng đã sai các môn đồ vào thế gian thể ấy. Giăng 17:18 viết rằng:

Như Cha đã sai Con trong thế gian, thì Con cũng sai họ trong thế gian.

Sau khi Đức Chúa Giê-su chịu đóng đinh, các môn đồ đầy sợ hãi bí mật nhóm lại. Đêm Chủ Nhật sau khi Ngài phục sinh, Đức Chúa Giê-su đã hiện ra cho họ và đảm bảo với họ về sự bình an của Ngài. Sau đó Ngài nhắc họ về việc Ngài đã chịu đóng đinh và phục sinh khi cho họ nhìn thấy bàn tay Ngài mang dấu đinh. Rồi Ngài nhắc nhở họ về sứ mệnh:

Cha đã sai Ta thể nào, Ta cũng sai các ngươi thể ấy. (Giăng 20:21)

Về câu Kinh Thánh này, Stetzer và Putnam đã viết rằng: “Với mệnh lệnh này, Đức Chúa Giê-su đã tuyên bố hướng đi hai ngàn năm cho Hội Thánh, và vẫn còn hiệu lực đối với Hội Thánh ngày nay.” Họ viết tiếp: “Hội Thánh nói chung, và bạn nói riêng, là giáo sĩ của Đức Chúa Trời cho thế giới… Chúng ta được Đức Chúa Trời sai đi thực hiện sứ mệnh.”8 Có thể bạn đang nghĩ rằng: “Vâng, dĩ nhiên mười hai sứ đồ là những giáo sĩ. Tất cả các mệnh lệnh trên đều ban cho họ. Tôi chỉ là một môn đồ bình thường. Tôi không thấy lý do tại sao bạn có thể ngụ ý tôi phải trở nên một giáo sĩ.” Không lâu sau khi sai phái mười sai môn đồ bước vào sứ mệnh, Đức Chúa Giê-su cũng đã sai phái bảy mươi môn đồ khác bước vào sứ mệnh. Rõ ràng, sống thực hiện sứ mệnh không hoàn toàn dành riêng cho mười hai môn đồ. Tất cả những ai theo Đức Chúa Giê-su đều phải sống theo sứ mệnh. Lu-ca 10:1-3, 9 đã ghi lại sự kiện này:

Kế đó, Chúa chọn bảy mươi môn đồ khác, sai từng đôi đi trước Ngài, đến các thành các chỗ mà chính Ngài sẽ đi. Ngài phán cùng môn đồ rằng: “Mùa gặt thì trúng, song con gặt thì ít. Vậy, hãy xin Chủ mùa gặt sai con gặt đến trong mùa của mình. Hãy đi; nầy, ta sai các ngươi đi, khác nào như chiên con ở giữa bầy muông sói… Hãy chữa kẻ bịnh ở đó, và nói với họ rằng: ‘Nước Đức Chúa Trời đến gần các ngươi.’”

Không chỉ mười hai con người đặc biệt đã được sai đi làm giáo sĩ. Tất cả chúng ta đều được sai đi. Không chỉ những con người thật đặc biệt mới được sai đi vào sứ mệnh cho Đức Chúa Trời. Tất cả các môn đồ đều được sai đi.

 

Tất cả môn đồ phải ra đi

Bởi vì tất cả các môn đồ đều được sai đi, nên tất cả các môn đồ đều phải ra đi. Chẳng hạn như, Lu-ca 14:16-23 ghi lại câu chuyện Đức Chúa Giê-su kể một ví dụ về một bữa tiệc lớn, nhiều người được mời đến dự bữa tiệc ấy:

Nhưng Đức Chúa Giê-su đáp rằng: “Có người kia dọn tiệc lớn, mời nhiều người ăn. Khi đến giờ ăn, sai đầy tớ mình đi nói với những kẻ được mời rằng: ‘Hãy đến, mọi sự đã sẵn rồi.’” (câu 16-17)

Song, từng người khách một bắt đầu xin kiếu. Hãy chú ý lời người chủ đáp lại với người hầu như sau:

“Đầy tớ trở về, trình việc đó cho chủ mình. Chủ bèn nổi giận, biểu đầy tớ rằng: ‘Hãy đi mau ra ngoài chợ, và các đường phố, đem những kẻ nghèo khó, tàn tật, đui, què vào đây.’ Sau lại đầy tớ trình rằng: ‘Thưa chủ, điều chủ dạy, đã làm rồi, mà hãy còn thừa chỗ.’ Chủ nhà lại biểu rằng: ‘Hãy ra ngoài đường và dọc hàng rào, gặp ai thì ép mời vào, cho được đầy nhà ta.’” (câu 21-23)

Về sau, khi những người Pha-ri-si bắt gặp Ngài ngồi ăn uống với những “tội nhân”, Đức Chúa Giê-su đã kể một ví dụ khác để giải thích tấm lòng và sứ mệnh của Ngài đó là theo đuổi những người lạc mất. Lu-ca 15:1-7 ghi lại rằng:

Hết thảy các người thâu thuế và người có tội đến gần Đức Chúa Giê-su đặng nghe Ngài giảng. Các người Pha-ri-si và các thầy thông giáo lằm bằm mà nói rằng: “Người nầy tiếp những kẻ tội lỗi, và cùng ăn với họ!” Ngài bèn phán cho họ lời thí dụ nầy: “Trong các ngươi ai là người có một trăm con chiên, nếu mất một con, mà không để chín mươi chín con nơi đồng vắng, đặng đi tìm con đã mất cho kỳ được sao? Khi đã kiếm được, thì vui mừng vác nó lên vai; đoạn, về đến nhà, kêu bạn hữu và kẻ lân cận, mà rằng: ‘Hãy chung vui với ta, vì ta đã tìm được con chiên bị mất.’ Ta nói cùng các ngươi, trên trời cũng như vậy, sẽ vui mừng cho một kẻ có tội ăn năn hơn là chín mươi chín kẻ công bình không cần phải ăn năn.”

Sau khi chịu đóng đinh, Đức Chúa Giê-su ban lệnh xuất kích cuối cùng cho các môn đồ của Ngài, đó chính là Đại Mạng Lệnh. Họ đã tiếp nhận sứ mệnh ra đi để mời gọi người khác đến với bữa tiệc của Đức Chúa Cha và đi tìm con chiên lạc. Giờ đây, lúc Ngài chuẩn bị lìa họ, Ngài phán cùng họ rằng đây là lúc họ phải ra đi:

Ngài phán cùng các sứ đồ rằng: “Hãy đi khắp thế gian, giảng Tin lành cho mọi người.  (Mac 16:15)

Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp-têm cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và nầy,ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế. (Ma-thi-ơ 28 :19-20)

Hãy lưu ý, để hoàn thành Đại Mạng Lệnh, các môn đồ phải ra đi. Cũng hãy lưu ý Đức Chúa Giê-su phán rằng phúc âm phải bao gồm tất cả những điều Ngài đã truyền, và phải rao giảng cho tất cả mọi người.

Song, vẫn còn một điều nữa. Hãy chú ý đến bốn từ cuối cùng của Đại Mạng Lệnh: “cho đến tận thế.” Khi nói đến cụm từ này, Đức Chúa Giê-su muốn truyền rằng Đại Mạng Lệnh phải được tiếp diễn mãi mãi. Ra đi và môn đồ hóa không chỉ là một hoạt động của thế kỷ thứ nhất. Mệnh lệnh đó kéo dài cho đến tận thế. John Piper đã viết về điều này rằng:

Mệnh lệnh này không chỉ được ban cho thế hệ môn đồ đầu tiên. Cho đến khi lời hứa của sứ mệnh này vẫn còn thì sứ mệnh vẫn tiếp diễn. Và lời hứa đó chính là: Đức Chúa Giê-su với tất cả quyền phép sẽ ở cùng chúng ta “cho đến tận thế.” Khi thời gian vẫn còn tồn tại, và vẫn còn những quốc gia để chúng ta cần phải đem phúc âm đến, khi đó mệnh lệnh của Đức Chúa Giê-su hãy ra đi và môn đồ hóa vẫn còn giá trị.9

Chính vì thế, Đại Mạng Lệnh không chỉ bao hàm tất cả mọi điều Ngài đã truyền, hoặc đi đến mọi nước, nhưng Đại Mạng Lệnh cũng bao gồm mọi thế hệ những con người theo Chúa Giê-su.

Sứ mệnh bắt đầu ngay tại đây, ngay lúc này

Những lời cuối cùng của một người có thể là những lời ý nghĩa nhất họ từng nói. Thường đó là những lời tóm tắt về đời sống, sứ mệnh, giá trị và đam mê của một con người. Chắc chắn đối với Đức Chúa Giê-su cũng vậy. Trong những lời cuối cùng của Ngài, Chúa không chỉ phán cùng các môn đồ phải trở nên những chứng nhân, nhưng cũng phải lan rộng lời chứng ấy – cho đến cùng trái đất. Công vụ 1:8 viết rằng:

Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền phép, và làm chứng về ta tại thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri, cho đến cùng trái đất.

Hãy nhớ rằng các môn đồ xuất thân từ xứ Ga-li-lê. Để vâng theo Đại Mạng Lệnh, họ phải đi đến thành Giê-ru-sa-lem. Bắt đầu cuộc sống làm giáo sĩ tại thành Giê-ru-sa-lem là một thay đổi chiến lược về mặt địa điểm đối với họ. Song khởi điểm đó vẫn nằm trong nền văn hóa của họ. Trở nên một giáo sĩ không bắt đầu tại một nền văn hóa khác ở hàng nghìn dặm xa nhà. Trở nên một giáo sĩ bắt đầu ngay tại đây và ngay lúc này. David Platt viết rằng: “Bất cứ nơi nào bạn và tôi đang sống, chúng ta được truyền lệnh phải ra đi và môn đồ hóa. Noi gương Đức Chúa Giê-su, tác động chính của chúng ta trên các nước sẽ được xảy ra qua việc môn đồ hóa mà chúng ta thực hiện ngay xung quanh mình.”10 Jason Dukes thêm rằng: “Đấng sai phái đã sai bạn và tôi trở thành bức thư tình yêu dành cho con người. Nguyện chúng ta được gửi đi mỗi ngày. Và nguyện chúng ta bắt đầu ngay lúc này.”11

 

Giáo sĩ Sally

Sally là một trong những lãnh đạo nhóm nhỏ của chúng tôi, cô xem mình là một giáo sĩ cho những người xung quanh cô. Mỗi ngày cô bước dọc theo những ngôi nhà xung quanh mình và cầu xin sự cứu rỗi đến trên mỗi một gia đình. Cô cũng phục vụ các hàng xóm của cô và được các đứa trẻ xung quanh yêu mến. Cô là người đem súp và bánh sandwich đến cho những gia đình vừa dọn đến ở, hoặc khi họ có bệnh. Cô là người mẹ với những chiếc bánh quy mới nướng cho những đứa trẻ trên đường đi học về.

Một ngày Chủ Nhật nọ, sau suất nhóm thờ phượng cuối cùng, Sally đến chỗ tôi và hỏi rằng: “Thưa Mục sư Dave, tôi muốn hỏi chúng ta có thể dành một phòng học lớn của nhà thờ để tổ chức một buổi tiệc cho các hàng xóm của tôi vào Chủ Nhật tuần sau được không?”

Tôi hỏi: “Đó là bữa tiệc gì vậy?”

Cô đáp: “Gần mười hai người hàng xóm và các con của họ đã được cứu trong thời gian gần đây và sẽ được làm phép báp têm trong tuần sau. Chúng tôi muốn tổ chức một bữa tiệc cho họ.”

Giai đoạn thứ ba trong tiến trình phát triển của môn đồ đó là sai phái, đó là sự kêu gọi mọi môn đồ bước vào sứ mệnh toàn cầu. Đừng chờ đợi. Giống như Sally, hãy sống với sứ mệnh cùng với Đức Chúa Trời ngay hôm nay. Hãy sống mỗi một ngày mới như cách của một người giáo sĩ. Hãy phục vụ người khác, hãy đầu tư vào người khác, hãy yêu thương người khác, hãy kiên trì cầu nguyện cho họ, hãy sống phúc âm, hãy chia sẻ phúc âm, hãy gắn kết với Hội Thánh và khiến người khác trở nên môn đồ.

– Câu hỏi suy ngẫm –

  1. “Missio Dei” nghĩa là gì?
  2. Đức Chúa Giê-su làm một giáo sĩ như thế nào?
  3. Những phân đoạn Kinh Thánh nào bày tỏ chúng ta là những “người được sai phái”?
  4. David Platt đã viết gì?
  5. Đâu là một số cách để bạn có thể sống như những “người được sai phái”?

 

Chú thích

  1. Charles Spurgeon, The Soul Winner: Or, How to Lead Sinners to the Saviour (Grand Rapid, MI: Eerdmans, 1965), 127.
  2. Stewart Murray, Church Planting (Scottsdale, PA: Herald, 2001), 39.
  3. Tom Jones, Church Planting from the Ground Up (Joplin, MO: College, 2004), 10.
  4. Emil Brunner, được trích bởi Wilbert R. Shenk, Write the Vision (Harrisburg, PA: Trinity, 1995), 87.
  5. David J. Borsch, Believing in the Future (Harrisburg, PA: Trinity, 1995), 32.
  6. Robert Garrett, “The Gospels and Acts: Jesus the Missionary and His Missionary Followers,” in Missiology (Nashville, TN: B&H, 1998), 63.
  7. Webster’s Ninth New Collegiate Dictionary (Springfield, MA: Merriam-Webster, 1986), s.v. “mission.”
  8. Ed Stezer and David Putnam, Breaking the Missional Code: Your Church Can Become a Missionary in Your Community (Nashville, TN: B&H, 2006), 31, italics in original.
  9. John Piper, What Jesus Demands of the World (Wheaton, IL: Crossway, 2006), 366.
  10. David Platt, Radical (Nashville, TN: Thomas Nelson, 2010), 198.
  11. Jason Dukes, Live Sent: You Are a Letter (Birmingham, AL: New Hope, 2011), 16.

9

Môn đồ hóa là…

Mang lấy thập giá:

Sự công bố

Dave Earley

Kỳ 25 – sau ngay22/12

Bạn có sẵn lòng chết vì Đấng Christ?

Thứ ba ngày 20 tháng 4 năm 1999, Cassie Bernal đang đọc Kinh Thánh trong thư viện trường Columbine Colorado thì có hai học sinh mang súng ập đến. Theo lời của một nhân chứng, Josh, bạn của Cassie, một tên sát nhân đã chỉa súng vào Cassie và hỏi: “Ngươi có tin Đức Chúa Trời không?”

John kể lại rằng: “Bạn ấy ngừng lại như thể không biết phải trả lời thế nào, rồi bạn đáp rằng ‘có.’ Cô chắc hẳn đã sợ lắm, nhưng giọng của cô không run chút nào. Rất mạnh mẽ. Rồi chúng hỏi cô tại sao, mặc dù không cho cô có cơ hội được nói. Chúng đã bắn cô ấy.”1

Việc Cassie tử đạo còn có ý nghĩa hơn nữa khi bạn biết rằng chỉ một vài năm trước cô đã có dính líu đến tà thuật, kể cả phù chú. Cô đã từng ở trong sự tối tăm. Tuy nhiên hai năm trước, Cassie đã hiến dâng cuộc sống cho Đấng Christ và được thay đổi.

Theo báo Boston Globe, vào đêm cô qua đời, anh trai của Cassie là Chris đã tìm thấy một câu Kinh Thánh mà cô đã ghi ra chỉ hai ngày trước khi cô bị sát hại. Câu Kinh Thánh đó viết rằng:

“Đó là phương pháp duy nhất để biết Chúa Cứu Thế, để kinh nghiệm quyền năng phục sinh của Ngài, để chia sẻ những nỗi khổ đau và chịu chết với Ngài. Như thế, tôi có thể đạt đến sự sống lại từ cõi chết!” (Phi-líp 3:10-11 Bản hiệu đính)

Bạn có sẵn lòng chết vì Đức Chúa Giê-su?

 

Từ bỏ để đi theo

Như chúng ta đã thấy, đối với mười hai môn đồ trẻ của Đức Chúa Giê-su, tiến trình phát triển môn đồ bắt đầu từ khi họ nghiêm túc tìm hiểu về Đức Chúa Giê-su để cuối cùng hoàn toàn tin vào Ngài. Điều này khiến họ tiến sâu vào đời sống của Đức Chúa Giê-su với vai trò là những người thực hiện mục vụ môn đồ hóa tiềm năng. Để thực hiện điều này, các môn đồ phải từ bỏ sự an ninh, an toàn, sự nghiệp, sự thoải mái, gia đình, bạn bè, tài sản và thậm chí là chính mạng sống của họ để theo Chúa.

Phi-e-rơ và Anh-rê từ bỏ lưới cá để đi theo Ngài (Ma-thi-ơ 4:19-20). Gia-cơ và Giăng từ bỏ chiếc thuyền, từ bỏ nghề gia truyền và cả cha của họ để đi theo Ngài (Ma-thi-ơ 4:21-22). Ma-thi-ơ hay còn được gọi là Lê-vi, người thu thuế, đã từ bỏ việc thu thuế, là công việc sinh lợi rất lớn, để đi theo Đức Chúa Giê-su (Ma-thi-ơ 2:13-14).

Bất kỳ chiến lược môn đồ hóa nào chỉ đơn thuần thêm Đức Chúa Giê-su vào trong một cuộc sống vốn đã quá bận rộn thì tất sẽ thất bại. Những môn đồ tiềm năng phải được kêu gọi từ bỏ tất cả để theo Chúa Giê-su. Oswald Chambers đã viết rằng: “Từ ngữ vĩ đại dành cho môn đồ của Đức Chúa Giê-su đó chính là Từ bỏ.”2

 

Theo Đức Chúa Giê-su dẫn đến thập giá

Sau khi theo Ngài một thời gian, Đức Chúa Giê-su bắt đầu nêu lên vấn đề phải từ bỏ tất cả để theo Ngài. Ngài dùng chính Ngài và thập giá để làm nền vẽ nên bức tranh về cái giá phải trả của môn đồ:

Đức Chúa Giê-su nghiêm cấm môn đồ nói sự ấy với ai, và phán thêm rằng: “Con người phải chịu nhiều điều khốn khổ, phải bị các trưởng lão, các thầy tế lễ cả, và các thầy thông giáo bỏ ra, phải bị giết, ngày thứ ba phải sống lại.” (Lu-ca 9:21-22)

Con đường của Đức Chúa Giê-su dẫn Ngài đến sự khốn khổ, bị chối bỏ, và cuối cùng là chịu chết trên cây thập tự. Chúng ta hoàn toàn có thể vui mừng trong Đấng Cứu rỗi phục sinh, nhưng chúng ta cũng không bao giờ quên rằng trước khi sống lại từ cõi chết, Đức Chúa Giê-su đã chịu đau khổ, bị chối bỏ, và chịu chết. Đức Chúa Giê-su đã phó tất cả vì chúng ta, và Ngài kêu gọi chúng ta làm điều tương tự cho Ngài. Như Dietrick Bonhoeffer đã phát biểu: “Khi Đấng Christ kêu gọi một người, thì có nghĩa là Ngài phán bảo người ấy hãy đến và chịu chết.”3 Điều này không sai, theo Chúa Giê-su luôn luôn dẫn đến thập giá. Trong Lu-ca 9:23, Đức Chúa Giê-su phán rằng: “Đoạn, Ngài phán cùng mọi người rằng: ‘Nếu ai muốn theo Ta, phải tự bỏ mình đi, mỗi ngày vác thập tự giá mình mà theo Ta.’” Khi dịch câu Kinh Thánh này, học giả Hy Lạp Kenneth Wuest đã thể hiện rất rõ ràng như sau:

Nếu ai có ý muốn theo ta, người đó phải xem nhẹ quyền lợi của mình, và dứt khoát mang lấy thập tự giá mình mỗi ngày, người đó sẽ đi con đường của ta như là lối sống của họ. (Lu-ca 9:23)4

Con đường Đức Chúa Giê-su đi dẫn Ngài đến thập giá. Nếu chúng ta đi con đường đó, nó sẽ dẫn chúng ta đến cùng một nơi. Theo Chúa Giê-su luôn luôn dẫn chúng ta đến với thập giá. Chương này sẽ đào sâu vào giai đoạn đầu tiên trong tiến trình phát triển môn đồ – sự công bố – khám phá việc mang lấy thập giá có nghĩa là gì.

Mang lấy thập giá

  1. Mang lấy thập giá nghĩa là nói “không” với chính mình.

Một lần nữa hãy xem Lu-ca 9:23: “Ngài phán với mọi người: Nếu ai muốn theo Ta, phải từ bỏ chính mình [bỏ chính mình, quên đi, không nhìn vào chính mình và quyền lợi của mình, từ chối và bỏ chính mình]…” Trong thế kỷ thứ nhất, một người bị hành hình trên thập giá thì không có quyền gì. Người ấy không có tương lai, không có tài sản, không bạn hữu, không có bất cứ điều gì. Mang lấy thập giá nghĩa là sẵn lòng đánh mất tất cả để chỉ có một mình Đức Chúa Giê-su mà thôi. David Platt trong quyển sách Radical (Triệt để) đã viết rằng:

… đôi khi chúng ta đã quên đi niềm tin triệt để là gì và thay thế bằng sự dễ dàng. Chúng ta an nhàn với một Cơ Đốc Giáo chỉ xoay quanh việc chăm sóc cho chính mình trong khi sứ điệp trọng tâm của Cơ Đốc Giáo thực ra là từ bỏ chính mình.5

Lời dạy về việc từ bỏ chính mình là điều mà Đức Chúa Giê-su đã phán rất nhiều lần trong nhiều cách khác nhau. Chẳng hạn như về sau trong sách Phúc Âm của mình, Lu-ca đã ghi lại tuyên bố của Đức Chúa Giê-su rằng:

“Nếu có ai đến theo ta mà không ghét cha mẹ, vợ con, anh em, chị em mình, và chính sự sống mình nữa, thì không được làm môn đồ ta. Còn ai không vác thập tự giá mình mà theo ta, cũng không được làm môn đồ ta.” (Lu-ca 14:26-27)

John Piper chú thích rằng mang lấy thập giá dẫn đến việc “cắt đứt các mối quan hệ với con người, mối quan hệ với tài sản, và mối quan hệ với sự nghiệp.”6 Mang lấy thập giá đòi hỏi tình yêu đối với Đức Chúa Giê-su phải lớn hơn bất kỳ điều gì hoặc bất kỳ một người nào, kể cả chính bản thân mình.

Bạn có sẵn lòng chết vì Đức Chúa Giê-su? Một cách hỏi tốt hơn của câu hỏi này đó là: “Bạn có sẵn lòng từ bỏ sự nghiệp vì Đức Chúa Giê-su không? Bạn có sẵn lòng từ bỏ tài sản của bạn nếu đó là điều cần thiết không? Bạn có sẵn lòng từ bỏ các mối quan hệ của bạn để hoàn toàn gắn kết với Đức Chúa Giê-su không?”

  1. Mang lấy thập giá nghĩa là đầu phục cuộc sống bạn cho Đức Chúa Giê-su

Từ bỏ chính mình nghĩa là xem nhẹ lợi ích của bản thân. Bản dịch The Message diễn đạt lại Lu-ca 9:23 như sau: “Ai muốn theo Ta phải để Ta dẫn dắt. Người ấy không ngồi chỗ của tài xế – nhưng là Ta.” Ralph Wilson đã viết rằng: “Đó là vấn đề đầu phục ngai lòng của bạn cho Đức Chúa Trời. Hãy rời khỏi chiếc ngai đó, cúi lạy và để Ngài chỉ huy.”7

Trong nền văn hóa của chúng ta, chìa khóa xe chính là biểu tượng của sự tự do. Hãy lấy chiếc chìa khóa ấy ra khỏi túi của bạn. Bạn có thật sự sẵn lòng trao chiếc chìa khóa xe cho Đức Chúa Giê-su không? Một điểm quan trọng hơn, tôi xin hỏi: “Bạn đã giao tất cả chìa khóa của cuộc đời bạn cho Đức Chúa Giê-su chưa? Bạn có sẵn lòng nhường chỗ và để Ngài ngồi ở ghế tài xế trong cuộc đời bạn không?”

  1. Mang lấy thập giá nghĩa là chọn theo ý Chúa khi ý muốn của tôi và ý muốn của Ngài trái ngược nhau.

Hãy lấy ngón tay đan chéo lại với nhau. Ngón tay chỉ lên biểu trưng cho ý muốn của Chúa. Ngón tay chỉ ngang là ý muốn của bạn. Theo Chúa Giê-su nghĩa là chọn ý muốn của Chúa khi ý muốn của bạn và ý muốn của Ngài trái ngược nhau. Trở nên môn đồ không có nghĩa là thêm Đức Chúa Giê-su vào đời sống vốn đã đầy ắp và do chính bạn điều khiển. Phát triển môn đồ có nghĩa là cố tình chọn đi theo con đường của Chúa thay vì con đường của bạn. Đây chính là ý nghĩa của việc từ bỏ chính mình và mang lấy thập giá mỗi ngày như một lối sống. Hiển nhiên, bạn sẽ không bao giờ thật sự chết vì Đức Chúa Giê-su nếu bạn không cho phép Ngài quyết định tương lai của bạn.

  1. Mang lấy thập giá nghĩa là chịu đựng hy sinh vì niềm vui khi vâng theo Đức Chúa Giê-su

Khi Đức Chúa Giê-su nói về việc vác thập tự giá, Ngài không chỉ đơn thuần nói về một gánh nặng, một vật nặng hoặc một rủi ro. Thập giá trong thời của Đức Chúa Giê-su là một công cụ tra tấn và hành hình. Con người trong thế kỷ thứ nhất không biết cách nói ẩn dụ của từ “thập giá” theo nghĩa “gánh nặng” hoặc “thử thách.” Cái chết trên thập tự giá thật nhục nhã, dã man, kinh tởm, thô bỉ, hết sức đau khổ, khốc liệt, dữ dội và kéo dài. Điều này được chứng minh bằng những lời thơ Hy Lạp cổ nói về việc hành hình trên thập giá.

Chịu án phạt với tay chân bị duỗi ra, họ nhìn thấy chiếc cọc hành hình là số phận của họ; họ bị trói chặt (và) đóng đinh vào chiếc cọc ấy trong sự đau khổ đắng cay tột cùng, là thức ăn gớm ghiếc cho chim săn mồi và đồ ăn thừa đáng kinh tởm của chó.8

Trong tiếng Hy Lạp, từ airo trong Lu-ca 9:23 là một động từ có ý nghĩa đặc biệt, được dịch là “nâng lên, nhặt lấy, mang vác.” Đức Chúa Giê-su muốn nói rằng người bị kết án phải vác lấy các thanh gỗ làm thập tự giá của chính người ấy như thế nào thì chúng ta cũng phải “vác thập tự giá mình” giống như vậy (Mác 15:21; giăng 19:17). Nói cách khác, môn đồ phải nhận lấy địa vị của một người đã bị định tội chết.

Những con người trực tiếp lắng nghe lời dạy nầy đã sẵn lòng chịu đựng bất kỳ hy sinh nào cho Đức Chúa Giê-su. Như đã được nói đến từ trước, Phi-lip bị đánh bằng roi vọt, bị tống vào tù và chịu chết trên cây thập tự. Ma-thi-ơ tử đạo bởi gươm giáo. Ma-thia bị ném đá tại thành Giê-ru-sa-lem, sau đó bị chặt đầu. Anh-rê bị bắt và đóng đinh trên thập tự giá, hai đỉnh của thập giá đó được gắn cố định trên mặt đất (nên có thuật ngữ, Thập giá của Thánh Anh-rê). Phi-e-rơ chịu đóng đinh trên thập giá, ông đã xin cho ông được đóng đinh ngược đầu xuống đất bởi vì ông không xứng đáng được đóng đinh giống như Chúa trong sự chết của Ngài. Lu-ca bị treo trên một cây ô-li-ve tại Hy Lạp.9

Khi nhận ra rằng chỉ có một môn đồ qua đời theo cách tự nhiên, bạn sẽ thấy hiển nhiên Đức Chúa Giê-su không nói ẩn dụ về việc mang lấy thập giá và từ bỏ cuộc sống của mình. Ngài muốn nói về cái chết theo nghĩa đen, nếu đó là điều cần thiết. Môn đồ là phải sẵn lòng hy sinh vì Đức Chúa Giê-su.

 

Kỳ 26- sau ngày 29/12

  1. Mang lấy thập giá nghĩa là theo Đức Chúa Giê-su đến bất cứ nơi nào Ngài dẫn dắt bạn

Tôi rất thích lời Đức Chúa Giê-su đã phán trong Lu-ca 9:23, “Hãy theo Ta” – chứ Ngài không phán rằng: “Hãy theo những luật lệ,” hoặc “Hãy tin vào tín điều,” nhưng Ngài phán “Hãy theo Ta. Chúng ta hãy đi cùng nhau.” Cơ Đốc Giáo là một mối quan hệ chứ không phải là một tôn giáo. Đó là niềm hân hoan bước đi theo Đức Chúa Giê-su. Hãy nghĩ về điều này. Ngài đã thi hành những phép lạ! Ngài đã chữa lành những người đau ốm, cho người đói được ăn, và thậm chí khiến người chết sống lại. Ngài đã khiến những người Pha-ri-si phải bối rối. Ngài đã dùng roi đuổi những kẻ đổi tiền tham lam ra khỏi đền thờ. Ngài bước đi trên nước. Cuộc sống với Đức Chúa Giê-su chưa bao giờ tẻ nhạt. Nếu đời sống Cơ Đốc của bạn trở nên tẻ nhạt, bạn hãy hỏi: “Tôi có đang thật sự theo Đức Chúa Giê-su không?”

Theo Chúa Giê-su cũng không hề dễ chịu. Theo Chúa Giê-su nghĩa là các môn đồ bị coi là học trò của một người điên rồ. Họ bị các lãnh đạo tôn giáo ghét bỏ. Theo Chúa Giê-su nghĩa là họ sẽ sớm bị cho là có liên đới với một tội phạm bị chỉ trích và kết án.

Theo Chúa Giê-su dẫn chúng ta đến với những nơi không dễ chịu. Ngài đến với những người đau khổ, những người vô vọng, và những người vô gia cư. Ngài đến những nơi khó khăn và đối diện với những con người dơ bẩn. Đức Chúa Giê-su luôn luôn kêu gọi chúng ta ra khỏi chốn yên bình.

Bạn sẽ không bao giờ kinh nghiệm trọn vẹn Đức Chúa Giê-su nếu cứ ở trong nơi yên bình của chính bạn. Có thể đó là cùng Chúa ra khỏi chốn yên bình của chính bạn để dạy cho các cháu thiếu nhi vào sáng Chủ Nhật. Hoặc cũng có thể là dâng 15 phần trăm thu nhập của bạn cho Chúa trước hết. Hoặc cũng có thể là chia sẻ niềm tin cho người khác tại sở làm. Hoặc cũng có thể là đi đến Trung Quốc làm giáo sĩ.

Bạn sẽ không bao giờ hoàn toàn kinh nghiệm Đức Chúa Giê-su nếu cứ ở trong chốn yên bình của chính bạn. Bạn chỉ có thể kinh nghiệm Chúa khi bạn đi đến nơi mà Ngài đến. Theo Chúa Giê-su nghĩa là đi đến bất cứ nơi nào Ngài dẫn bạn đi đến, thậm chí nếu điều đó không dễ chịu chút nào. Bạn có sẵn lòng chết vì Đức Chúa Giê-su? Hiển nhiên bạn sẽ không bao giờ thật sự chết vì Đức Chúa Giê-su nếu bạn không hoàn toàn theo Ngài ngay lúc này.

  1. Mang lấy thập giá nghĩa là mạnh dạn làm chứng cho Đức Chúa Giê-su

Mang lấy thập giá và đi theo Đức Chúa Giê-su là hai điều không thể tách rời. Sau đó một vài câu trong Lu-ca, Đức Chúa Giê-su đã nói về mối liên kết này:

“Vì nếu ai hổ thẹn về ta và lời ta, thì Con người sẽ hổ thẹn về họ, khi Ngài ngự trong sự vinh hiển của mình, của Cha, và của thiên sứ thánh mà đến.” (Lu-ca 9:26)

Một vài năm trước, tôi đã bắt gặp tuyên bố sau đây và luôn luôn thách thức chính bản thân mình khi đọc tuyên bố ấy. Hãy đọc thật chậm rãi và so sánh nó với cuộc sống của bạn:

Thông công với những người không hổ thẹn

Tôi thuộc về mối thông công với những người không hổ thẹn, tôi có năng quyền của Đức Thánh Linh, quyết định đã được đưa ra, tôi đã bước qua làn vạch: Tôi là một môn đồ của Đức Chúa Giê-su Christ. Tôi sẽ không quay về phía sau, không ngưng lại, không chậm lại, không rút lui và cũng không đứng yên.

Quá khứ của tôi đã được mua chuộc, hiện tại của tôi có ý nghĩa, tương lai của tôi được đảm bảo. Tôi đã kết thúc cuộc sống thấp hèn, không còn bước đi bởi mắt thấy, không còn những đầu gối bằng phẳng, không còn những giấc mơ tẻ nhạt, không còn những khải tượng bị chế ngự, không còn những lời nói thế tục, không còn sự ban cho rẻ rúng và những mục tiêu nhỏ nhoi.

Tôi không còn cần sự xuất chúng, hoặc thịnh vượng, hoặc địa vị, hoặc sự thăng tiến, hoặc sự tung hô, hoặc nổi danh. Tôi không cần phải là người thích hợp, hoặc là người đầu tiên, hoặc là người đứng đầu, hoặc được công nhận, hoặc được ca tụng, hoặc được để ý hoặc tán thưởng. Giờ đây tôi sống bởi đức tin, dựa vào sự hiện diện của Chúa, bước đi bởi sự kiên nhẫn, được nâng lên nhờ lời cầu nguyện, và tôi nỗ lực nhờ năng quyền từ Chúa.

Vẻ mặt tôi nghiêm trang, chân tôi bước nhanh, mục đích của tôi là thiên đàng, con đường tôi nhỏ hẹp, lối đi của tôi không bằng phẳng, bạn đồng đi với tôi rất ít, người dẫn dắt tôi đáng tin cậy, sứ mệnh của tôi rõ ràng. Tôi sẽ không từ bỏ, không im lặng, không chậm bước cho đến khi tôi tỉnh thức, cầu nguyện vì Đức Chúa Giê-su Christ.

Tôi phải ra đi cho đến khi Ngài đến, ban ra cho đến khi tôi không còn, giảng đạo cho đến khi mọi người đều biết, làm việc cho đến khi Chúa dừng tôi lại, và cho đến khi Ngài đến, Ngài sẽ nhận thấy tôi bởi vì ngọn cờ của tôi được treo lên rõ ràng.

Những lời này được tìm thấy trong túi hành lý của một chàng trai Phi Châu sau khi anh tử đạo vì niềm tin của mình tại Zimbabwe.10 Anh đã từ bỏ chính mình, mang lấy thập giá và hoàn toàn bước đi theo Đức Chúa Giê-su.

Bạn có sẵn lòng chết vì Đức Chúa Giê-su Christ? Hiển nhiên, bạn sẽ không bao giờ thật sự chết vì Đức Chúa Giê-su nếu bạn không lên tiếng vì Đức Chúa Giê-su một cách không hổ thẹn ngay lúc này.

  1. Mang lấy thập giá là con đường duy nhất để khám phá cuộc sống thật

Đức Chúa Giê-su ban ra một nghịch lý lớn – từ bỏ sự sống mình để tìm thấy sự sống. Lu-ca 9:24-25 nói về lẽ thật này: “Vì ai muốn cứu [giữ cho bình an, giữ gìn] sự sống mình thì sẽ mất [bị hủy diệt], còn ai vì cớ ta mất sự sống, thì sẽ cứu [tìm được sự sống]. Nếu ai được cả thiên hạ, mà chính mình phải mất hoặc hư đi, thì có ích gì?” Hy sinh chính mình là con đường duy nhất để tìm thấy chính mình. Chết là cánh cổng mở ra sự sống. Ban cho là chìa khóa để nhận lãnh. Trong Mác 10:29-30, Đức Chúa Giê-su phán rằng:

Quả thật, ta nói cùng các ngươi, chẳng một người nào vì ta và Tin lành từ bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái, đất ruộng, mà chẳng lãnh được đương bây giờ, trong đời nầy, trăm lần hơn về những nhà cửa, anh em, chị em, mẹ con, đất ruộng, với sự bắt bớ, và sự sống đời đời trong đời sau.

John Piper thêm rằng:

Con đường của Đức Chúa Trời – niềm vui cao quý phải trả giá bằng mạng sống. Đức Chúa Giê-su phán rằng: “Ai vì cớ Ta và đạo ta mà mất sự sống mình thì sẽ được cứu.” Nói cách khác, thà mất sự sống hơn là lãng phí nó. Nếu bạn vui sống để khiến người khác vui vẻ trong Đức Chúa Trời, sự sống của bạn sẽ khó khăn, rủi ro của bạn sẽ lớn, và niềm vui của bạn được đầy trọn. Điều này không phải là… làm thế nào để tránh bị tổn thương trong cuộc sống, nhưng làm thế nào để tránh một cuộc sống lãng phí. Một số người trong số các bạn sẽ chết vì phục vụ Đấng Christ. Đó không phải là bi kịch. Quý trọng mạng sống hơn Đấng Christ mới là bi kịch.11

Còn điều gì tốt hơn trong cuộc sống này? Tôi chẳng biết điều gì tốt hơn cả.” Jim Elliot là một sinh viên đầy hứa hẹn của trường Đại Học Wheaton tại Illinois. Anh là quán quân đấu vật, là sinh viên danh dự, là nhà thơ nghiệp dư, và được các sinh viên trường Wheaton nồng nhiệt ngưỡng mộ. Anh hẹn hò và kết hôn với cô gái xinh đẹp nhất trong trường. Anh đúng là một “con người nổi trội” của trường.

Khi nghiên cứu học tập, anh đã đọc những dòng Lu-ca 9 và nghiêm túc tiếp nhận những lời ấy. Trong năm học cuối cùng, anh đã viết trong quyển nhật ký những dòng rất nổi tiếng như sau: “Người từ bỏ những gì mình không thể giữ được để có được những gì mình không thể đánh mất, đó không phải là một người ngu xuẩn.”12

Đức Chúa Trời đã kêu gọi anh đem phúc âm đến với những bộ tộc chưa biết về Chúa, họ là người Waodomi, được gọi là người Auca hoặc người Ấn Độ Hoang Dã tại Ecuador. Elliot đã viết rằng: “Thật vui khi có cơ hội giảng dạy phúc âm về ân điển vô song của Đức Chúa Trời cho những người Ấn Độ khắc kỷ chưa biết về Chúa. Tôi chỉ hy vọng rằng Chúa sẽ cho phép tôi giảng đạo cho những ai chưa từng nghe danh Giê-su. Còn điều gì tốt hơn trong trong cuộc sống này? Tôi chẳng biết điều gì tốt hơn cả. ‘Lạy Chúa, xin sai con!’”13

Không may thay, anh và bốn cộng sự đã bị các chiến binh giết chết trước khi có thể tiếp cận với họ. Jim đã từ bỏ những gì anh không thể giữ. Anh đã từ bỏ cuộc sống trên đất này để có được điều mà anh không bao giờ đánh mất: sự sống đời đời.

Câu chuyện các giáo sĩ tử đạo được lan ra, hàng ngàn người trẻ khác đã cam kết với sứ mệnh để thế chỗ của họ. Hơn thế nữa, góa phụ của các giáo sĩ tử đạo đã quay trở về với bộ tộc đó và dẫn dắt các chiến binh đến với Đấng Christ.

Jim Elliot không chết tại Ecuador.” Nhiều năm sau, một chàng trai trẻ đến Ecuador trên một chiếc máy bay nhỏ. Viên phi công lái chiếc máy bay đó đã nghe về mục vụ của Jim Elliot.

“Khi nào chúng ta bay qua nơi mà Jim Elliot và những người khác đã chết thì hãy chỉ cho tôi,” chàng trai nói với viên phi công.

“Tôi không thể đưa anh đến đó,” viên phi công đáp lời.

“Tại sao?”

“Bởi vì Jim Elliot không chết tại Ecuador.”

Cảm thấy bối rối, chàng trai nói: “Vâng, tôi biết Jim Elliot đã chết tại Ecuador.”

“Thân thể của Jim Elliot đã chết ở Nam Mỹ,” viên phi công trả lời, “nhưng Jim Elliot đã chết từ khi là một sinh viên tại trường Wheaton nhiều năm trước khi anh đầu phục đời sống anh cho Đức Chúa Trời dù cái giá phải trả là gì.”14

Trở nên môn đồ đòi hỏi chúng ta phải đi theo Đức Chúa Giê-su đến với thập giá. Bạn có sẵn lòng chết vì Đức Chúa Giê-su Christ không? Bạn sẽ không chết nếu bạn không sống vì Ngài ngay lúc này.

– Câu hỏi suy ngẫm –

  1. Đức Chúa Giê-su phán gì về thập giá và theo Ngài?
  2. Theo bạn “mang lấy thập giá và theo Chúa” có nghĩa là gì?
  3. Bạn đã bao giờ “công bố” bạn sẽ theo Đức Chúa Giê-su dù cái giá phải trả là gì chưa?
  4. Nếu có, đó là khi nào và trong trường hợp nào?
  5. Nếu không… bạn có nghĩ rằng bạn cần công bố bước quan trọng này không?

Chú thích

  1. Misty Bernal, She Said Yes: The Unlikely Martyrdom of Cassie Bernall (Nashville, TN: Thomas Nelson, 2002), 11.
  2. Oswald Chambers, quoted in David McCasland, Oswald Chamber: Abandoned to God (Grand Rapids, MI: Discovery House, 1996), 137.
  3. Deitrich Bonhoeffer, The Cost of Discipleship, trans. R. H. Fuller (New York: Touchstone, 1997), 44.
  4. Kenneth Wuest, Wuest’s Expanded Translation of the Greek New Testament (Grand Rapids: Eerdmans, 1961), 156, emphasis added.
  5. David Platt, Radical: Taking Back Your Faith from the American Dream (Portland, OR: Multnomah, 2010), 7.
  6. John Piper, What Jesus Demands of the World (Wheaton, IL: Crossway, 2006), 72.
  7. Ralph Wilson, Jesus Walk: Discipleship Training in Luke’s Gospel (Pasadena, CA: JesusWalk, 2010), 235.
  8. , 236.
  9. Andrew Nugent Dugger and Clarence Orville Dodd, A History of True Religion: Traced from 33 AD to Date (Salem, WV: The Andrew Dugger Republishing Project, 1936), 15-22.
  10. From veteran missionary Louise Chapman Robinson (African missionary: 1920-1940). Quoted in Brennan Manning, The Signature of Jesus (Portland, OR: Multnomah, 2004), 156.
  11. John Piper, Don’t Waste Your Life (Wheaton, IL: Crossway, 2003), 10.
  12. Jim and Elizabeth Elliot, The Journals of Jim Elliot (Grand Rapids: Fleming Revel, 2002), 123.
  13. , 176 (emphasis added).
  14. Quoted by Alvin Reid, “Willing to Die, Ready to Live,” Sept 2, 2005, Crossmap.com (accessed August 1, 2006).

 

10

Môn đồ hóa là…

Từ bỏ tất cả để theo Chúa Giê-su: Sự phát triển

Dave Earley

Hãy theo Ta

Sự kêu gọi trở thành môn đồ là một lời mời tham dự vào chuyến phiêu lưu kỳ thú. Nó không hề buồn chán, không ngột ngạt, không lặp đi lặp lại, và cũng không buồn tẻ. Đó là một nỗ lực đầy kích thích đến nín thở để có thể giữ chúng ta với Đấng Mê-si. Theo Chúa Giê-su nghĩa là ngoài việc đầu phục Ngài, bạn cũng phải phát triển bước đi với Ngài.

Khi các môn đồ theo Đức Chúa Giê-su nghĩa là họ đang đi theo một Đấng bước đi trên mặt nước, Đấng cung cấp thức ăn cho hàng ngàn người chỉ bằng một bữa trưa của một cậu bé, và cũng là Đấng khiến người chết sống lại. Họ đi theo một Đấng dám thách thức hệ thống tôn giáo vào thời đó và giải cứu những người bị ma quỷ trói buộc.

Đức Chúa Giê-su phán rằng: “Hãy theo Ta.” Đức Chúa Giê-su không nói rằng: “Hãy theo những quy tắc” hoặc “Hãy làm theo những nghi thức.” Nhưng Ngài phán rằng: “Hãy theo Ta.” Tiến trình phát triển của môn đồ là một sự theo đuổi cá nhân đầy mãnh liệt. Điều này không sai. Trở nên môn đồ của Đức Chúa Giê-su không chỉ có nghĩa là thêm một số hoạt động vào cuộc sống vốn đầy bận rộn của bạn. Nhưng trở nên môn đồ của Đức Chúa Giê-su trước tiên và trên hết đó là sự đáp lại đầy mạnh mẽ tiếng gọi theo Ngài.

Tiếng gọi “Hãy theo Ta” là điều cốt lõi, là động lực, là sự thách thức và cũng là cuộc hành trình mà môn đồ phải trải qua. Tiếng gọi đó là lời thách thức để sống, học tập và học hỏi từ Rabbi Giê-su. Đó là sự kêu gọi để ở gần Ngài, vâng theo lời dạy của Ngài, đi chung một hướng và bước chung một đường với Ngài. Điều đó đòi hỏi chúng ta mỗi ngày tăng trưởng và phát triển với cái giá phải trả đó là mất đi sự thoải mái của cá nhân. Lời kêu gọi đó đòi hỏi phải từ bỏ tất cả mọi điều khác để trọn vẹn đi theo Đức Chúa Giê-su. Chương sách này sẽ đào sâu hơn vào giai đoạn thứ hai trong tiến trình phát triển môn đồ (sự phát triển), giúp khám phá việc theo Chúa Giê-su có nghĩa là gì.

 

Từ bỏ mọi điều khác để theo Ta

Mệnh lệnh thông thường từ Chúa Giê-su trong lần đầu tiên Ngài gặp gỡ các môn đồ đó là: “Hãy theo Ta.” Trong chương 6 chúng ta đã bàn về việc Đức Chúa Giê-su mở ra mối quan hệ giữa Ngài với các môn đồ tương lai như thế nào khi thách thức họ “Hãy theo Ta” (Giăng 1:43). Trong chương 7, khi Đức Chúa Giê-su chính thức mời Si-môn, Anh-rê, Gia-cơ, và Giăng bước vào mối liên hệ giữa Rabbi và môn đồ, Chúa cũng phán những lời tương tự: “Hãy theo Ta,… và ta sẽ khiến các ngươi nên tay đánh lưới người!” (Ma-thi-ơ 4:19). Đức Chúa Giê-su lại đưa ra cùng một lời kêu gọi, kèm theo lời tuyên bố rằng Đức Chúa Cha sẽ dẫn Ngài đến thập giá. Ngài phán rằng: “Nếu ai muốn theo Ta, phải tự bỏ mình đi, mỗi ngày vác thập tự giá mình mà theo Ta.” (Lu-ca 9:23).

Gần đến thời gian Đức Chúa Giê-su chịu đóng đinh, một lần nữa Ngài đưa ra lời kêu gọi bước đi theo Ngài và kết nối lời kêu gọi này với sự chết mà Ngài sắp phải chịu. Lần này, Chúa ban cho họ thêm một lời hứa đó là nếu sự chết của Ngài đem lại một mùa gặt vĩ đại và làm vinh hiển Đức Chúa Trời như thế nào thì sự chết của họ cũng sẽ đem lại kết quả tương tự:

Đức Chúa Giê-su bèn đáp rằng: “Giờ đã đến, khi Con Người sẽ được vinh hiển. Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, nếu hột giống lúa mì kia, chẳng chết sau khi gieo xuống đất, thì cứ ở một mình; nhưng nếu chết đi, thì kết quả được nhiều. Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất đi, ai ghét sự sống mình trong đời nầy thì sẽ giữ lại đến sự sống đời đời. Nếu ai hầu việc Ta, thì phải theo Ta, và Ta ở đâu, thì kẻ hầu việc Ta cũng sẽ ở đó; nếu ai hầu việc Ta, thì Cha Ta ắt tôn quí người.” (Giăng 12:23-26)

Sau khi phục sinh, Đức Chúa Giê-su đã hiện ra cho một số môn đồ của Ngài trên bờ biển Ga-li-lê. Mục đích chính của Ngài trong lần gặp này đó là một lần nữa trao nhiệm vụ cho Phi-e-rơ phải sống một đời sống thực hiện công tác môn đồ hóa. Sau khi từ chối Đức Chúa Giê-su ba lần, Phi-e-rơ cảm thấy ông không xứng đáng. Song Đức Chúa Giê-su cho Phi-e-rơ một cơ hội thứ hai và lặp lại sự kêu gọi (Giăng 21:15-17). Lần này, Đức Chúa Giê-su đặc biệt phán cùng Phi-e-rơ rằng theo Ngài sẽ dẫn đến thập giá:

Ngài phán cùng người đến lần thứ ba rằng: “Hỡi Si-môn, con Giô-na, ngươi yêu Ta chăng?” Phi-e-rơ buồn rầu vì Ngài phán cùng mình đến ba lần: “Ngươi yêu Ta chăng?” Người bèn thưa rằng: “Lạy Chúa,Chúa biết hết mọi việc; Chúa biết rằng tôi yêu Chúa!” Đức Chúa Giê-su phán rằng: “Hãy chăn chiên Ta. Quả thật, quả thật, Ta nói cùng ngươi, khi ngươi còn trẻ, ngươi tự mình thắt lưng lấy, muốn đi đâu thì đi; nhưng khi ngươi già, sẽ giơ bàn tay ra, người khác thắt lưng cho và dẫn ngươi đi đến nơi mình không muốn.” Ngài nói điều đó để chỉ về Phi-e-rơ sẽ chết cách nào đặng sáng danh Đức Chúa Trời. Và sau khi đã phán như vậy, Ngài lại rằng: “Hãy theo Ta!” (Giăng 21:17-19)

Lời phán của Đức Chúa Giê-su: “Ngươi… sẽ giơ bàn tay ra, người khác thắt lưng cho và dẫn ngươi đi đến nơi mình không muốn,” được hiểu là diễn tả về cái chết trên cây thập tự. Ta không quá ngạc nhiên với lời đáp của Phi-e-rơ:

Phi-e-rơ xây lại, thấy môn đồ mà Đức Chúa Giê-su yêu đến sau mình, tức là người đương bữa ăn tối, nghiêng mình trên ngực Đức Chúa Giê-su mà hỏi rằng: “Lạy Chúa, ai là kẻ phản Chúa?” Khi thấy người đó, Phi-e-rơ hỏi Đức Chúa Giê-su rằng: “Lạy Chúa, còn người nầy, về sau sẽ ra thế nào?” Đức Chúa Giê-su đáp rằng: “Nếu Ta muốn người cứ ở cho tới khi Ta đến, thì can hệ gì với ngươi? Còn ngươi, hãy theo Ta.” (Giăng 21:20-22)

Đức Chúa Giê-su phán cùng Phi-e-rơ rằng mỗi môn đồ có một con đường riêng mà người đó phải bước đi. Mỗi môn đồ đều trả cái giá khác nhau. Vấn đề là không được so sánh cái giá của bạn với cái giá của người khác. Điều quan trọng đó là bạn phải chắc chắn mình theo Đức Chúa Giê-su dù cái giá phải trả là thế nào. Tôi đồng ý với Oswald Chambers khi ông nói: “Đừng lo lắng cho Đức Chúa Giê-su!”1

 

Cái giá để đi theo Chúa

Quyết định theo Đức Chúa Giê-su gắn liền với lựa chọn từ bỏ tất cả mọi điều khác để có thể thực hiện quyết định ấy. Theo Đức Chúa Giê-su có một cái giá phải trả. Bất kỳ chiến lược môn đồ hóa nào chỉ đơn thuần thêm Đức Chúa Giê-su vào cuộc sống vốn đã quá bận rộn thì tất phải thất bại. Các môn đồ tiềm năng phải được kêu gọi để từ bỏ tất cả mà đi theo Đức Chúa Giê-su. Oswald Chambers đã viết rằng: “Từ ngữ vĩ đại nhất để nói về các môn đồ của Đức Chúa Giê-su đó là Sự từ bỏ.”2

Khi theo Đức Chúa Giê-su, chúng ta phải nhận biết rằng chúng ta phó tất cả mọi điều cho Chúa và tăng trưởng vì Ngài. Không phải ai cũng muốn trả giá để theo Chúa Giê-su. Chẳng hạn như Lu-ca đã ghi lại ba trường hợp những người được Đức Chúa Giê-su kêu gọi đã từ chối không theo Ngài:

Đang khi đi đường, có kẻ thưa Ngài rằng: “Chúa đi đâu tôi sẽ theo đó.” Đức Chúa Giê-su đáp rằng: “Con cáo có hang, chim trời có ổ; song Con người không có chỗ mà gối đầu. Ngài phán cùng kẻ khác rằng: “Ngươi hãy theo Ta.” Kẻ ấy thưa rằng: “Xin cho phép tôi đi chôn cha tôi trước đã.” Nhưng Đức Chúa Giê-su phán rằng: “Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết; còn ngươi, hãy đi rao giảng nước Đức Chúa Trời.” Có kẻ khác nữa thưa rằng: “Lạy Chúa, tôi sẽ theo Chúa, song xin cho phép tôi trước về từ giã người trong nhà tôi.” Đức Chúa Giê-su phán rằng: “Ai đã tra tay cầm cày, còn ngó lại đằng sau, thì không xứng đáng với nước Đức Chúa Trời.” (Lu-ca 9:57-62)

 

 

Người trai trẻ giàu có

Một ngày nọ, khi Đức Chúa Giê-su đang đi từ thành Giê-ri-cô lên thành Giê-ru-sa-lem thì có một người trai trẻ giàu có đến gặp Ngài, người trai trẻ này đã được cất nhắc lên một vị trí lãnh đạo đáng kính trong nhà hội. Mặc dù chàng trai này đã leo lên nấc thang thành công về mặt tôn giáo, anh ấy cảm thấy điều đó vẫn chưa đủ. Vẫn còn thiếu điều gì đó (Ma-thi-ơ 19:20). Chính vì thế anh ta đã đến gặp Rabbi nổi tiếng nhất trong vùng, chính là Đức Chúa Giê-su. Mác 10:17 ký thuật lại cuộc gặp mặt này: “Ngài đang ra đi, có một người chạy lại, quì trước mặt Ngài, mà hỏi rằng: ‘Thưa thầy nhân lành, tôi phải làm chi cho được hưởng sự sống đời đời?’”

Điều quan trọng cần phải hiểu đó là cuộc gặp mặt này đã thực sự xảy ra. Đây không phải là một câu chuyện ngụ ngôn, nhưng thật sự đã có một người trai trẻ mạnh dạn đối diện với cái giá phải trả để đi theo Đức Chúa Giê-su. Theo Đức Chúa Giê-su có một cái giá phải trả. Chàng trai trẻ cảm thấy một khoảng trống trong cuộc sống và muốn biết anh cần phải làm điều gì nữa để trải nghiệm sự sống đời đời. Thay vì phán bảo người trai trẻ hãy tin và được cứu, Đức Chúa Giê-su khiến anh đối diện với một câu hỏi bất ngờ, tiếp theo đó là một lời nhận định: “Đức Chúa Giê-su phán rằng: ‘Sao ngươi gọi ta là nhân lành? Chỉ có một Đấng nhân lành, là Đức Chúa Trời.’” (Mác 10:18).

Đức Chúa Giê-su đang làm điều gì đây? Tôi cho rằng Ngài đã đánh vào điểm cốt lõi của chàng trai này, đó chính là sự kiêu ngạo. Là một lãnh đạo nhà hội, chàng trai trẻ này chắc phải biết Thi Thiên 14:3: “Chẳng có ai làm điều lành, dầu một người cũng không.” (Xem Thi 12:1; 53:3). Song Đức Chúa Giê-su muốn anh ta thấy rằng tốt lành về mặt đạo đức không phải là điều tương đối và cũng không là điều bình thường. Sự tốt lành thật chỉ có thể tìm thấy ở Đức Chúa Trời. Để làm rõ điều này, Đức Chúa Giê-su chỉ cho chàng trai trẻ cấp độ thứ hai của Mười Điều Răn (hãy xem Xuất Ê-díp-tô Ký 20:12-16):

Ngươi biết các điều răn: Đừng phạm tội tà dâm; đừng giết người; đừng trộm cướp; đừng làm chứng dối; đừng làm gian; hãy hiếu kính cha mẹ. (Mác 10:19)

Mục đích của Luật pháp đó là công cụ đánh tan sự kiêu ngạo của chúng ta và giúp chúng ta nhận thấy nhu cầu cần đến một Đấng Cứu Rỗi. Chàng trai trẻ này đã hoàn toàn đánh mất điều ấy. Anh phẩy tay, bày tỏ sự kiêu ngạo và sự công bình của bản thân anh: “Người thưa rằng: ‘Lạy thầy, tôi đã giữ mọi điều đó từ khi còn nhỏ.’” (Mác 10:20). Giống như một trinh thám vạch trần bộ mặt thật của kẻ sát nhân, Đức Chúa Giê-su bày tỏ rằng người trai trẻ với bề ngoài tốt lành này thực ra là một kẻ thờ hình tượng, anh ta yêu mến mãnh liệt và thờ bái một thần khác (của cải vật chất):

Đức Chúa Giê-su ngó người mà yêu, nên phán rằng: “Ngươi còn thiếu một điều. Hãy đi, bán hết gia tài mình, bố thí cho kẻ nghèo khổ, chắc sẽ được của báu ở trên trời, rồi hãy đến mà theo Ta.” Song nét mặt người nầy rầu rĩ về lời đó, đi ra rất buồn bã, vì có nhiều của lắm. (Mác 10:21-22)

Người trai trẻ này ban đầu đến với Đức Chúa Giê-su để hỏi anh cần phải làm gì để được sự sống đời đời. Anh muốn biết anh cần bổ sung thêm điều gì trong bản lý lịch của mình. Đức Chúa Giê-su đã cho anh một câu trả lời khiến sự kiêu ngạo của anh tan vỡ và phơi bày tấm lòng của anh: “Ngươi còn thiếu một điều. Hãy đi, bán hết gia tài mình, bố thí cho kẻ nghèo khổ, chắc sẽ được của báu ở trên trời, rồi hãy đến mà theo Ta.”

Khi Đức Chúa Giê-su cho anh thấy cái giá phải trả để làm môn đồ của Ngài, chàng trai trẻ này đã chùn bước. Anh không sẵn lòng yêu Đức Chúa Trời với trọn cả tấm lòng, linh hồn, tâm trí và sức lực bởi vì anh yêu một thứ khác hơn, đó chính là: của cải – “Song nét mặt người nầy rầu rĩ về lời đó, đi ra rất buồn bã, vì có nhiều của lắm.”

Có thể điều này sẽ khiến bạn cảm thấy khó chịu. Môn đồ thật đó là đi theo một Đức Chúa Giê-su thật, chứ không phải là một Đấng chỉ xuất hiện trong tâm trí và là Đấng mà chúng ta cảm thấy thoải mái, dễ chịu. Kinh Thánh mô tả Đức Chúa Giê-su là Đấng đã bện một cây roi và đuổi những người trong đền thờ bởi vì họ không dùng đền thờ làm nơi cầu nguyện cho muôn dân. Trong ngày lễ Ngũ Tuần, các môn đồ đã giảng về Đức Chúa Giê-su là Đấng đã kết tội những người Pha-ri-si xứng đáng cho địa ngục. Đức Chúa Giê-su mà chúng ta hầu việc đã bị đánh đập và bị treo trên cây thập tự như một kẻ tội phạm đáng nguyền rủa. Môn đồ thật đòi hỏi chúng ta phải đi theo một Đức Chúa Giê-su thật, và Ngài đòi hỏi chúng ta phải từ bỏ tất cả mọi điều để theo Ngài.

Có thể bạn sẽ phản biện rằng việc Đức Chúa Giê-su truyền phải bán tất cả tài sản và phân phát cho người nghèo, đó chỉ là một trường hợp cá biệt. Tôi đã nghe một vài người chia sẻ với tôi rằng họ không cần phải vâng theo mệnh lệnh này bởi vì Đức Chúa Giê-su chỉ phán cùng người trai trẻ giàu có. Nhưng Đức Chúa Giê-su cũng đã phán cho chỉ một người rằng anh ta cần phải được sinh lại (Giăng 3:1-7), song chúng ta xem đó là điều ràng buộc cho tất cả mọi người. Hơn thế nữa, sự kiện gặp gỡ người lãnh đạo nhà hội giàu có không phải là lần duy nhất Đức Chúa Giê-su phán phải bán tất cả mà phân phát cho người nghèo. Chẳng hạn như trong Lu-ca 12, Đức Chúa Giê-su đã phán điều này với các môn đồ của Ngài, kèm theo đó là mệnh lệnh phải tìm kiếm Vương Quốc của Ngài trước tiên:

Đức Chúa Giê-su bèn phán cùng môn đồ rằng… “Nhưng thà các ngươi hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời, rồi mọi sự đó sẽ được cho thêm. Hỡi bầy nhỏ, đừng sợ chi; vì Cha các ngươi đã bằng lòng cho các ngươi nước thiên đàng. Hãy bán gia tài mình mà bố thí. Hãy sắm cho mình túi không hư, và của báu không hề hao kém ở trên trời, là nơi kẻ trộm không đến gần, sâu mọt không làm hư nát. Vì của báu các ngươi ở đâu, thì lòng cũng ở đó.” (Lu-ca 12:22, 31-34)

Có thể bạn không thích phần Kinh Thánh này. Nó có vẻ quá cao, cái giá quá đắt. Hãy nghĩ về điều này. Nếu Đức Chúa Giê-su thật sự đáng giá hơn tất cả mọi điều khác, thì thật đáng để bỏ mọi điều khác để theo Ngài.

 

Ghét gia đình bạn

Chúng ta sống trong nền văn hóa Hội Thánh tại Mỹ, nơi coi trọng bất kỳ việc làm và lời nói nào cần thiết để nhóm hiệp và giữ cho hội chúng càng đông càng tốt. Ý niệm của chúng ta đó là hội chúng càng lớn thì càng tốt cho Hội Thánh. Diễn giả càng nổi tiếng thì người ấy càng tin kính và được phước. Song, Đức Chúa Giê-su chú tâm vào môn đồ hóa chứ không đơn thuần xây dựng một đám đông. Trong thực tế, Ngài dường như thường làm mỏng đi đám đông. Một ví dụ đó là: hãy đọc lời thách thức này trong Lu-ca 14:25-26:

Có đoàn dân đông cùng đi với Đức Chúa Giê-su; Ngài xây lại cùng họ mà phán rằng: “Nếu có ai đến theo Ta mà không ghét cha mẹ, vợ con, anh em, chị em mình, và chính sự sống mình nữa, thì không được làm môn đồ Ta.”

Ngài có thật sự phán điều đó không? Ghét cha mẹ mình ư? Ghét vợ và con mình? Ghét anh chị em mình? Ghét chính mình? Vâng, Ngài đã phán những lời ấy. Ngài không có ý nói “ghét” phải không?

  1. D. Pentecost đã bàn khá nhiều về phần Kinh Thánh này trong quyển sách của ông, Thiết kế cho sự Phát Triển Môn đồ (Design for Discipleship). Ông lập luận rằng trong phân đoạn này Đức Chúa Giê-su “không giải quyết vấn đề về lòng yêu thương, nhưng Ngài đang giải quyết lĩnh vực thẩm quyền trong cuộc sống của một người.”3 Ông nhận xét rằng: “Chúa của chúng ta đang giải quyết câu hỏi về thẩm quyền. Ngài đang giải quyết câu hỏi về quyền cai trị, câu hỏi rằng ai là người chúng ta phục tùng.”4 Pentecost đã diễn đạt lại Lu-ca 14:26 như sau:

Đức Chúa Giê-su phán rằng: nếu ai nghe lời mời của Ta và đến với Ta nhưng không sẵn lòng từ bỏ tất cả mọi thẩm quyền chi phối người ấy, không hoàn toàn đầu phục thẩm quyền của Ta, thì người ấy không thể làm môn đồ của ta được.5

Vậy câu hỏi đó là: ai đang nắm quyền trên cuộc đời bạn: bạn, gia đình bạn, tài sản của bạn, hay là Đức Chúa Giê-su?

Đức Chúa Giê-su là Chúa. Đó là sự thật. Môn đồ đơn giản là những người công nhận sự thật đó và sống với sự thật đó khi họ đưa ra những quyết định lớn trong cuộc đời. Họ liên tục phát triển và trưởng thành trong Đấng Christ.

Pentecost dùng phân đoạn Kinh Thánh nói về Gia-cốp và Ê-sau trong Ma-la-chi 1:1-2 để giải thích rằng sự tương phản trong Kinh Thánh giữa từ “yêu” và “ghét” đó chính là sự lựa chọn. Đức Chúa Trời yêu (chọn) Gia-cốp và ghét (không chọn) Ê-sau. Pentecost cũng nói rằng khi một người cha Do Thái nhận nuôi một người con nuôi, thì người khác sẽ nói ông yêu đứa mà ông chọn và ghét đứa mà ông không chọn. Đó không phải là tình cảm hoặc cảm xúc, nhưng đó là mục đích và ý muốn.6

Đôi khi phương cách tốt nhất để diễn giải một phân đoạn Kinh Thánh đó là so sánh phân đoạn đó với phân đoạn Kinh Thánh khác. Hãy suy nghĩ về điều này: sau khi nói chuyện với người trai trẻ giàu có, Đức Chúa Giê-su đã hỏi các môn đồ của Ngài. Ngài nói đến cái giá phải trả của môn đồ đó là sự ảnh hưởng đến các mối quan hệ trong gia đình, nhưng lần này Chúa ban một lời hứa:

Phi-e-rơ liền thưa cùng Ngài rằng: “Nầy, chúng tôi đã bỏ hết mà đi theo Thầy.” Đức Chúa Giê-su đáp rằng: “Quả thật, ta nói cùng các ngươi, chẳng một người nào vì ta và Tin lành từ bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái, đất ruộng, mà chẳng lãnh được đương bây giờ, trong đời nầy, trăm lần hơn về những nhà cửa, anh em, chị em, mẹ con, đất ruộng, với sự bắt bớ, và sự sống đời đời trong đời sau. Nhưng có nhiều kẻ đầu sẽ nên rốt; có kẻ rốt sẽ nên đầu.” (Mác 10:28-31)

Môn đồ chọn từ bỏ tất cả để đi theo Đức Chúa Giê-su. Đức Chúa Giê-su hứa rằng phần thưởng của Cha trên trời gấp trăm lần hơn. Vậy khi phải đối diện với sự lựa chọn, liệu bạn sẽ chọn Đức Chúa Giê-su thay vì chọn gia đình? Khi áp lực xô đẩy, liệu bạn sẽ chọn Đức Chúa Giê-su thay vì chọn chính mình? Nếu Đức Chúa Giê-su kêu gọi bạn truyền giáo ở hải ngoại, liệu bạn sẽ rời bỏ gia đình và đi? Nếu Đức Chúa Trời kêu gọi bạn từ bỏ sự nghiệp để theo Ngài trong công tác môn đồ hóa trọn thời gian, liệu bạn sẽ vâng theo?

Kỳ 29 –sau ngày 10/1

 

Tính cái giá phải trả

Trong Lu-ca 14:28-33, Đức Chúa Giê-su tiếp tục luận về cái giá phải trả của môn đồ qua việc thách thức thính giả của Ngài tính cái giá phải trả đó:

Vả, trong các ngươi có ai là người muốn xây một cái tháp, mà trước không ngồi tính phí tổn cho biết mình có đủ của đặng làm xong việc cùng chăng sao?… Hay là có vua nào đi đánh trận cùng vua khác, mà trước không ngồi bàn luận xem mình đem đi một muôn lính có thể địch nổi vua kia đem hai muôn cùng chăng sao?… Như vậy, nếu ai trong các ngươi không bỏ mọi sự mình có, thì không được làm môn đồ ta.

 

Hãy bán tất cả! Hãy bố thí!

Trước đây tôi đã kể về việc C. T. Studd là vận động viên Cricket nổi tiếng nhất tại Anh vào cuối thế kỷ mười chín. Đến năm 1882, ông được cho là một trong số những vận động viên Cricket giỏi nhất trên thế giới, và có thể là vận động viên nổi tiếng nhất Anh Quốc thời đó. Tuy nhiên, năm 1884, sau khi người anh tên là George lâm trọng bệnh, Studd đối diện với câu hỏi: “Giá trị của danh tiếng và sự tán thưởng là gì khi tất cả mọi người đều đối diện với cõi đời đời?”7

Căn bệnh của người anh đã để lại tác động mạnh trên Studd. Kết cục là anh đã làm trái với ý muốn của gia đình khi quyết định từ bỏ danh tiếng để phục vụ Chúa qua mục vụ truyền giáo tại Trung Quốc. Cùng với sáu sinh viên khác từ trường Đại Học Cambridge (tất cả họ tạo thành một nhóm nổi tiếng “Bảy người Cambridge”), Studd là giáo sĩ tiên phong dưới sự lãnh đạo của Hudson Taylor trong Mục vụ Nội Địa Trung Quốc.

Vào sinh nhật thứ hai mươi lăm, Studd thừa kế 145.000 đô la, một gia sản lớn thời bấy giờ. Ông đã quyết định dành hết số tài sản này cho công việc Chúa. Ông đã gửi rất nhiều ngân phiếu đến nhiều mục vụ khác nhau và gửi phần còn lại cho người vợ mới cưới của mình, Priscilla.

Cùng là môn đồ của Đức Chúa Giê-su, Priscilla đã từ chối món tiền này. Cô nói rằng: “Anh Charlie, Chúa đã nói gì với người trai trẻ giàu có?” “Hãy bán tất cả.” “Vậy thì chúng ta sẽ bắt đầu trọn vẹn với Chúa kể từ hôn lễ của chúng ta.”8 Họ bắt đầu dâng tất cả số tiền còn lại cho công việc của Chúa.

Sau mười năm tại Trung Quốc, Studd và gia đình bắt đầu mục vụ tại Ấn Độ, với hy vọng khí hậu tại đó sẽ tốt hơn cho bệnh suyễn của ông. Chúa đã trọng dụng ông, mỗi tuần đều có người tin nhận Đức Chúa Giê-su. Sau gần một thập kỷ tại Ấn Độ, họ trở về Anh Quốc bởi vì sức khỏe của vợ ông. Tại đó, Studd nghe về nhu cầu cấp thiết cần có giáo sĩ tại một khu vực hoang dã chưa được khám phá tại Châu Phi. Lúc đó ông đã năm mươi tuổi và là một Cơ Đốc Nhân nổi danh tại Anh Quốc. Song, sau khi bàn bạc cùng người vợ gần như tàn phế của mình, Priscilla, họ đồng ý với nhau rằng Studd sẽ đi Châu Phi mà không có vợ cùng đi. Bà sẽ ở nhà và chiêu mộ những người khác tham gia cùng ông.

Studd để lại gia đình tại Anh Quốc, đi đến nơi nào chưa có Cơ Đốc Nhân đặt chân đến. Ông đến nơi khắc nghiệt nhất trên trái đất để đưa phúc âm đến cho những người cần nghe. Một trong những sứ điệp cuối cùng mà ông đã giảng tại Anh Quốc đó là tính cái giá phải trả:

Điều kiện là gì? Chỉ có một điều kiện: “Hãy bán tất cả!”

Cái giá của Đức Chúa Trời chỉ có một. Không có giảm giá. Người đó phải ban cho tất cả đến nỗi tất cả đều được ban cho.

“Tất cả! Tất cả! Hãy làm chết đi TẤT CẢ thế gian, chết đi TẤT CẢ xác thịt, chết đi cái ác, và làm chết đi kẻ thù lớn nhất, đó là: CHÍNH BẠN!”… Tôi không quan tâm điều gì sẽ xảy ra đối với tôi, sống hay chết, thuận lợi, hoặc âm phủ, miễn là Đức Chúa Giê-su của tôi được tôn vinh!9

 

Câu hỏi suy ngẫm

  1. Ai có quyền điều khiển cuộc đời bạn?
  2. Cụm từ “ghét cha mẹ” nghĩa là gì?
  3. Làm thế nào bạn bày tỏ Đấng Christ là Đấng có quyền trên bạn?
  4. Bạn có đang tăng trưởng trong bước đi với Đấng Christ?
  5. Sự tăng trưởng của bạn bao gồm những gì?

 

Chú thích

  1. Oswald Chambers, quoted in David MacCasland, Oswald Chambers: Abandoned to God (Grand Rapids, MI: Discovery House, 1993), 160.
  2. Oswald Chambers, Studies in the Sermon on the Mount (Fort Washington, PA: The Christian Literature Crusade, 1960), 137.
  3. D. Pentecost, Design for Discipleship (Grand Rapid, MI: Zondervan, 1971), 67.
  4. , 68.
  5. T. Studd, quoted in Norman P. Grubb, C. T. Studd: Cricketeer and Pioneer (Fort Washington, PA: Christian Literature Crusade, 1985), 34.
  6. Pricilla Studd, quoted in Norman P. Grubb, T. Studd, 66-67.
  7. T. Studd, “The Chocolate Soldier or Heroism – The Lost Chord of Christianity” on Wholesome Words, http://www.wholesomewords.org/missions/msctserm.html (accessed February 12, 2012).

Nhận ngày 23/11
11

Môn đồ hóa là…

Ở trong Đức Chúa Giê-su và kết quả: Sự sai phái

Dave Earley

Kỳ 30- sau ngày 13/1

Người không kết quả

Chúng ta đều đã gặp họ. Họ rất tử tế, trong sạch, và thân thiện, họ đã tham dự rất nhiều hội thảo Cơ Đốc, đã hoàn thành hàng tá khóa học Cơ Đốc, và đã ghi đầy các trang bài tập trong những cuốn sách Cơ Đốc. Họ trung tín tham dự các buổi nhóm. Họ không uống rượu bia, không hút thuốc, không chửi thề và cũng không bài bạc. Thậm chí nhiều người đã có bằng cấp đào tạo chuyên sâu từ các trường Cơ Đốc. Song, họ chưa bao giờ dắt đem một người nào đến với Đấng Christ. Đức Chúa Giê-su không hiện lên cách rõ ràng thông qua cuộc sống của họ. Họ không biết làm thế nào để bắt đầu và dẫn dắt một nhóm truyền giáo tại gia, một nhóm tập trung vào truyền giáo cho những người xung quanh họ. Họ không môn đồ hóa. Họ có phải là môn đồ không?

Theo như các sách Phúc Âm, sự phát triển của môn đồ không chỉ dừng lại ở việc tiếp nhận thông tin. Môn đồ thật luôn luôn đem lại kết quả là sự biến đổi tâm linh và tái sản sinh môn đồ mới. Môn đồ thật phải dẫn đến sự yêu thương và thâm nhập vào cộng đồng. Môn đồ thật sẽ xúc tác để nhân lên kết quả thuộc linh và mở mang Hội Thánh. Chương này sẽ đào sâu vào giai đoạn thứ ba trong tiến trình phát triển của môn đồ (sự sai phái), khám phá tầm quan trọng của việc ở trong Đức Chúa Giê-su và kết quả.

 

Không kết quả, không phải môn đồ: Bằng chứng của việc môn đồ hóa đó là liên tục kết quả

Trước chịu đóng đinh trên thập tự giá, Đức Chúa Giê-su đã có cuộc nói chuyện cuối cùng với các môn đồ. Họ đang ở trong khu vườn Ghết-sê-ma-nê. Mới trước đó, Giu-đa, người sẽ phản Ngài, đã bỏ đi. Đức Chúa Giê-su dùng ẩn dụ gốc nho và nhánh để dạy về bản chất của môn đồ thật (Giăng 15:1-16). Trong hình ảnh này, Ngài là gốc nho và chúng ta là nhánh. Có hai điểm chính được nêu ra trong cuộc nói chuyện này. Thứ nhất, bằng chứng của môn đồ đó là kết quả (Giăng 15:8). Thứ hai, năng quyền để kết quả tuôn chảy từ Đức Chúa Giê-su khi môn đồ gắn kết chặt chẽ với Ngài (Giăng 15:4-5).

Hãy bắt đầu với điểm đầu tiên. Giăng 15:8 tóm tắt lại rằng: “Nầy, Cha ta sẽ được sáng danh là thể nào: Ấy là các ngươi được kết nhiều quả, thì sẽ làm môn đồ của ta vậy.” Dĩ nhiên, mục đích cuối cùng của cuộc đời chúng ta đó là làm sáng danh Chúa (chương 1). Nhưng làm cách nào? Đức Chúa Giê-su phán rằng Ngài sẽ được sáng danh khi chúng ta kết quả, chỉ khi kết quả chúng ta mới chứng minh được mình là môn đồ của Ngài. Theo lời Đức Chúa Giê-su, thước đo của môn đồ không phải là đã tham dự bao nhiêu hội thảo, đã hoàn thành bao nhiêu sách bài tập, đã có bao nhiêu chứng chỉ, và đã tham gia bao nhiêu khóa học Kinh Thánh. Thước đo của môn đồ đó là kết quả. Không có kết quả thì cũng không có môn đồ.

Nhiều lần trong lời dạy này, Đức Chúa Giê-su nói đến tầm quan trọng của kết quả trong đời sống môn đồ (phân đoạn này nhắc đến tám lần). Thực ra, Đức Chúa Giê-su không chấp nhận nhành cây nào không kết quả. Đối với môn đồ, việc sanh bông trái là cực kỳ quan trọng đến nỗi Đức Chúa Giê-su đã phán một cách mạnh mẽ rằng nhánh cây nào không kết quả thì sẽ bị cắt bỏ và quăng vào lửa. Quan điểm của Ngài rất rõ ràng: Không kết quả thì cũng không phải là môn đồ:

Hễ nhánh nào trong Ta mà không kết quả thì Ngài chặt hết; và Ngài tỉa sửa những nhánh nào kết quả, để được sai trái hơn… Nếu ai chẳng cứ ở trong Ta thì phải ném ra ngoài, cũng như nhánh nho; nhánh khô đi, người ta lượm lấy, quăng vào lửa, thì nó cháy. (Giăng 15:2, 6)

Điểm số đo lường của môn đồ đó là kết quả. Không kết quả, không phải là môn đồ. Đức Chúa Giê-su cũng nói rõ rằng mục đích của sự phát triển môn đồ đó là kết quả. Giăng 15:16 ghi rằng: “Ta đã chọn và lập các ngươi, để các ngươi đi và kết quả, hầu cho trái các ngươi thường đậu luôn.” Ngài lập các môn đồ với mục đích rõ ràng đó là họ phải kết quả.

Đức Chúa Giê-su phán rằng các môn đồ được chọn để “ra đi và kết quả.” Dĩ nhiên, về sau Đức Chúa Giê-su làm rõ trách nhiệm này hơn khi Ngài phán rằng: “Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân” (Ma-thi-ơ 28: 19-20). Kết quả là mục đích của tiến trình môn đồ hóa. Sự khác biệt giữa môn đồ hóa hiệu quả và môn đồ hóa không hiệu quả đó là bạn đang huấn luyện con người đó trở thành ai và bạn đang trang bị con người đó làm gì. Các môn đồ được lập nên để trở thành một ai đó (người sanh bông trái) và làm điều nào đó (kết quả). Chính vì thế, nếu bạn không kết quả, bạn không phải là môn đồ.

Cách sử dụng động từ trong thời hiện tại xuyên suốt phân đoạn Kinh Thánh này ám chỉ rằng kết quả là điều xảy ra liên tục, luôn luôn, không ngừng nghỉ trong cuộc sống của môn đồ. Bằng chứng của tiến trình môn đồ hóa không chỉ là những kết quả vào ngày xưa trong quá khứ. Đòi hỏi dành cho môn đồ đó là liên tục kết quả.

Chính vì thế, nếu bạn không liên tục kết quả, thì bạn không phải là môn đồ.

 

Kết quả là gì?

Bởi vì bằng chứng của môn đồ đó là liên tục kết quả, câu hỏi nảy sinh ra đó là: Kết quả là gì? “Quả” trong chương này là một khái niệm rộng, bao gồm ít nhất bốn khía cạnh. Đầu tiên, từ trong văn cảnh, đó là kết quả thuộc linh là tình yêu như Đấng Christ đã yêu. John Piper viết rằng:

Bởi vì quả đơn thuần là những gì được truyền từ gốc nho đến cành, nên chúng ta cần phải hỏi rằng: Chúng ta đã nhận được gì từ gốc nho? Câu trả lời của Đức Chúa Giê-su đó là tình yêu thương. Ở trong Đức Chúa Giê-su nghĩa là ở trong tình yêu thương… theo câu 9 – “Như Cha đã yêu thương Ta thể nào, Ta cũng yêu thương các ngươi thể ấy; hãy cứ ở trong sự yêu thương của Ta.” Cụm từ “ở trong Ta” được thay thế bằng “ở trong sự yêu thương của Ta,” điều này thể hiện cụ thể điều mà chúng ta nhận được khi chúng ta gắn kết với gốc nho, cụ thể đó là dưỡng chất tình yêu thương thiên thượng. Và hiển nhiên, những gì chúng ta nhận được từ gốc nho sẽ truyền đến nhánh và sanh bông trái yêu thương, nhằm nuôi dưỡng và làm tươi mới cho người khác.1

Thứ hai, đó là bông trái Thánh Linh: yêu thương, vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ (Ga-la-ti 5:22-23). Hiển nhiên, khi sự sống của Đức Chúa Giê-su tuôn chảy trong môn đồ của Ngài (Ga-la-ti 2:20; Cô-lô-se 1:27), những tính cách của Đức Chúa Giê-su cũng sẽ được hình thành trong môn đồ đó.

Thứ ba, đó là bông trái ân tứ thuộc linh. Mục đích của bông trái thuộc linh đó là phục vụ cho thân thể của Đấng Christ (xem Ê-phê-sô 4:12). Khi môn đồ khám phá, phát triển và sử dụng ân tứ của mình, thì thân thể của Đấng Christ trở nên mạnh mẽ hơn. Kết quả của một thân thể khỏe mạnh, trưởng thành đó là khả năng sản sinh ra những Hội Thánh mới!

Thứ tư và quan trọng nhất, kết quả là những môn đồ mới. Cũng giống như kết quả của một cây táo khỏe mạnh đó là những trái táo, và kết quả của một cây cam khỏe mạnh đó là những trái cam, kết quả của một môn đồ khỏe mạnh đó là những môn đồ khác. Trong bối cảnh trực tiếp của Giăng 15:16, Đức Chúa Giê-su liên kết việc kết quả với công tác môn đồ hóa:

Ấy chẳng phải các ngươi đã chọn Ta, bèn là Ta đã chọn và lập các ngươi, để các ngươi đikết quả, hầu cho trái các ngươi thường đậu luôn: Lại cũng cho mọi điều các ngươi sẽ nhân danh Ta cầu xin Cha, thì Ngài ban cho các ngươi.

Trước đó, sau khi truyền giáo cho người nữ Sa-ma-ri, Đức Chúa Giê-su đã thách thức các môn đồ của Ngài qua đó Ngài liên kết một cách rõ ràng việc kết quả với truyền giáo và môn đồ hóa. Giăng 4:35-36 ghi lại lời phán của Đức Chúa Giê-su:

“Các ngươi há chẳng nói rằng: ‘còn bốn tháng nữa thì tới mùa gặt sao’? Song Ta nói với các ngươi: Hãy nhướng mắt lên và xem đồng ruộng, đã vàng sẵn cho mùa gặt. Con gặt đã lãnh tiền công mình và thâu chứa hoa lợi cho sự sống đời đời, hầu cho người gieo giống và con gặt được cùng nhau vui vẻ.”

Trong sự kiện này, Đức Chúa Giê-su kết nối việc kết quả với truyền giáo. Ngài vừa mới giới thiệu cho người phụ nữ biết lẽ thật Ngài là ai, kết quả là bà làm chứng cho những người khác cũng tin Ngài (Giăng 4:39).

Vậy Đức Chúa Giê-su phán cùng chúng ta rằng bằng chứng của việc môn đồ hóa đó là không ngừng kết quả. Môn đồ sanh bông trái thuộc linh và không ngừng kết quả. Bông trái đó là tình yêu thương như Đấng Christ đã yêu, tính cách của Cơ Đốc Nhân, và quan trọng nhất đó là tạo ra những môn đồ khác. Song, đó là những bông trái siêu nhiên. Những bông trái đó bắt nguồn từ chính Đức Chúa Giê-su tuôn chảy trong cuộc sống của môn đồ. Con người làm thế nào có thể sản sinh bông trái siêu nhiên được?

 

Không gắn kết, không kết quả: Chìa khóa để không ngừng kết quả đó là luôn luôn kết nối với Đức Chúa Giê-su

Bằng chứng của môn đồ đó là luôn luôn kết quả (Giăng 15:8). Năng quyền để liên tục sản sinh bông trái tuôn chảy từ Đức Chúa Giê-su khi môn đồ gắn kết chặt chẽ với Ngài. Đức Chúa Giê-su phán trong Giăng 15:4-5 rằng:

Hãy cứ ở trong Ta, thì Ta sẽ ở trong các ngươi. Như nhánh nho, nếu không dính vào gốc nho, thì không tự mình kết quả được, cũng một lẽ ấy, nếu các ngươi chẳng cứ ở trong Ta, thì cũng không kết quả được. Ta là gốc nho, các ngươi là nhánh. Ai cứ ở trong Ta và Ta trong họ thì sinh ra lắm trái;vì ngoài Ta, các ngươi chẳng làm chi được.

Khi nhánh nho gắn kết chặt chẽ với gốc nho, chất nhựa ban sự sống và sản sinh bông trái sẽ tuôn chảy vào trong nhánh và tuôn ra thành những bông trái. Đức Chúa Giê-su là gốc nho. Khi môn đồ gắn kết với Ngài, sự sống của Ngài sẽ chảy vào trong họ và tràn tuôn ra thành những bông trái thuộc linh. Bông trái đó là tình yêu thương, tính cách và sự cải đạo.

Đức Chúa Giê-su làm rõ quan điểm của Ngài. Như nhánh nho, nếu không gắn vào gốc nho thì chỉ là một miếng gỗ chết và vô dụng, cũng vậy, nếu môn đồ không gắn kết chặt chẽ với Chúa thì môn đồ đó sẽ trở nên cằn cỗi và không kết quả. Nếu không chủ động theo đuổi mối liên hệ mật thiết với Chúa, môn đồ không có hy vọng nào cho việc kết quả thuộc linh. Mối thông công mang tính sống còn giữa môn đồ và Đức Chúa Giê-su là vô cùng quan trọng đến nỗi Ngài nói về điều này mười lần trong Giăng 15:4-10. Không có môn đồ hóa nếu không có kết quả, và sẽ không có kết quả nếu không có sự gắn kết vào Đấng Christ.

Một mặt, Đức Chúa Giê-su khẳng định rằng nếu không ở trong Ngài thì không thể sống đời sống kết quả. Ngài phán rằng: “Như nhánh nho, nếu không dính vào gốc nho, thì không tự mình kết quả được, cũng một lẽ ấy, nếu các ngươi chẳng cứ ở trong Ta, thì cũng không kết quả được” (Giăng 15:4). Ngài cũng phán rằng: “ngoài Ta, các ngươi chẳng làm chi được” (Giăng 15:5). Mặt khác, Đức Chúa Giê-su hứa rằng: “Ai cứ ở trong Ta và Ta trong họ thì sinh ra lắm trái” (Giăng 15:5). Chìa khóa để kết quả đó là ở trong Đấng Christ.

Ông luôn luôn ở trong Chúa”

Là nhà sáng lập và giám đốc của Hội Truyền Giáo Nội Địa Trung Hoa, Hudson Taylor phải chịu đựng căng thẳng cực kỳ kinh khủng. Ông luôn chịu áp lực phải gây quỹ và chiêu mộ những người làm việc từ Anh Quốc trong khi ông thì sống ở Trung Hoa. Ông nhìn thấy những giáo sĩ của mình phải đối diện với sự thiếu thốn và bách hại dữ dội, rất nhiều người đã tử đạo. Không lâu sau khi gửi các con trở về Anh Quốc để được chăm sóc bởi vì điều kiện tại Trung Quốc quá nguy hiểm, ông đã phải chứng kiến người vợ trẻ và đứa con mới sinh của mình qua đời. Song, bằng một cách nào đó, ông vẫn giữ bình tĩnh, bình an và đầy đức tin. Niềm khao khát của ông được đến với “tất cả mọi người” tiếp tục lan tỏa, làm ngập tràn trong những người khác và đem lại kết quả.

Ông đã làm điều đó như thế nào? Người viết tiểu sử đã ghi lại lời từ một người bạn của ông rằng:

Nương nơi Đấng Christ, ông ở gần với chính Ngài… và ông đã làm điều đó bởi đức tin không ngừng nghỉ… Ông luôn ở trong Chúa và Ngài trong ông. Đó là sự “ở trong” thật mà Giăng chương 15 nói đến.2

Đối với Hudson Taylor, đời sống môn đồ gắn kết chặt chẽ với gốc nho này đã tạo ra một mùa gặt lớn. Khi ông qua đời, tổ chức truyền giáo của ông bao gồm 205 trung tâm truyền giáo với hơn 800 giáo sĩ và 125.000 Cơ Đốc Nhân người Trung Hoa. Vậy nếu mối liên kết liên tục với Đấng Christ là điều hoàn toàn thiết yếu đối với môn đồ, thì câu hỏi đó là điều này thực hiện như thế nào? Đức Chúa Giê-su đưa ra ba yêu cầu:

  1. Ở trong lời phán của Đức Chúa Giê-su

Giăng 15:2-3 viết rằng: “Ngài tỉa sửa những nhánh nào kết quả, để được sai trái hơn. Các ngươi đã được trong sạch, vì lời Ta đã bảo cho.”

Người trồng nho khôn ngoan biết rằng việc tỉa sửa sẽ khiến cây nho sai trái hơn. Người ấy sẽ cắt đi những nhánh hời hợt, hút nhiều dưỡng chất để cho chất nhựa nuôi sống sẽ chảy vào những nhánh có tiềm năng sinh trái nhiều nhất. Đức Chúa Giê-su hứa rằng Đức Chúa Cha (người trồng nho) sẽ tỉa sửa chúng ta để chúng ta kết quả hơn. Ngài cũng phán cùng chúng ta rằng Chúa sẽ dùng lời Ngài làm công cụ tỉa sửa chúng ta.

Khi chúng ta đọc, học, ghi nhớ và suy ngẫm lời của Đức Chúa Giê-su, Đức Thánh Linh sẽ sử dụng những lời ấy để khiến chúng ta nhận biết tội lỗi (Hê-bơ-rơ 4:12). Khi chúng ta đồng ý với Đức Chúa Trời về tội lỗi của mình và ăn năn tội lỗi, Ngài là Đấng thành tín để làm sạch, tỉa sửa tất cả mọi điều không công bình (I Giăng 1:9). (Từ “làm sạch” trong I Giăng 1:9 và từ “tỉa sửa” trong Giăng 15:2-3 là cùng một từ trong tiếng Hy Lạp: kathairo.) Việc làm sạch này giúp chúng ta kinh nghiệm Đức Chúa Giê-su nhiều hơn trong cuộc sống của chúng ta, và kết quả là chúng ta sẽ kết nhiều quả hơn.

Cũng trong Giăng 15:7, Đức Chúa Giê-su phán về việc môn đồ ở trong Ngài và Lời Ngài ở trong người ấy. Theo John Piper, mệnh lệnh này có nghĩa rằng: “Hãy cứ tin cậy nơi Lời Ta. Hãy cứ tin cậy những gì ta đã bày tỏ cho con về chính ta, về Cha Ta, và về công tác của Ta.”3

Đức Chúa Giê-su cũng phán về tầm quan trọng của việc vâng theo Lời Ngài: “Nếu các ngươi vâng giữ các điều răn của Ta, thì sẽ ở trong sự yêu thương Ta, cũng như chính Ta đã vâng giữ các điều răn của Cha Ta, và cứ ở trong sự yêu thương Ngài” (Giăng 15:10). Trước đó, Đức Chúa Giê-su cũng liên kết tiến trình phát triển của môn đồ với việc ở trong, tin cậy, vâng lời và trải nghiệm lời Chúa.

Bởi Đức Chúa Giê-su nói như vậy, nên có nhiều kẻ tin Ngài. Bấy giờ Ngài phán cùng những người Giu-đa đã tin Ngài, rằng: “Nếu các ngươi hằng ở trong đạo Ta, thì thật là môn đồ Ta; các ngươi sẽ biết lẽ thật, và lẽ thật sẽ buông tha các ngươi.” (Giăng 8:30-32)

Khi Đức Chúa Giê-su phán cùng các môn đồ phải “hằng” ở trong Lời Ngài, đó cũng là chữ mà Đức Chúa Giê-su đã mười lần dùng đến trong Giăng 15. Từ đó có nghĩa là “ở trong.” Trong Giăng 8, điều kiện của tiến trình môn đồ hóa đó là luôn luôn ở trong lời của Đức Chúa Giê-su, nhờ đó sẽ được trải nghiệm sâu sắc lẽ thật và sự tự do trong Lời Ngài.

Trong mỗi câu trên (Giăng 8:31; 15:2-3, 7, 10) Đức Chúa Giê-su nói về Lời Ngài. Dĩ nhiên cả Kinh Thánh đều là Lời Chúa bởi vì Ngài là Đức Chúa Trời. Có thể nào một yếu tố bị bỏ sót trong tiến trình môn đồ hóa đó là, dù chúng ta không bỏ sót phần còn lại của cả Kinh Thánh, nhưng môn đồ kết quả thì đặc biệt tập trung vào Lời của Đức Chúa Giê-su?

Môn đồ kết quả thì luôn ở trong Đấng Christ qua việc dành thời gian gặp gỡ Đức Chúa Trời mỗi ngày trong Lời Ngài và trong sự cầu nguyện. Joel Comiskey đã nghiên cứu các Hội Thánh tế bào lớn nhất và phát triển nhanh nhất thế giới. Ông khảo sát các lãnh đạo nhóm nhỏ của những Hội Thánh trên để tìm mẫu số chung của những người kết quả và những người không kết quả. Thú vị thay, ông nhận thấy rằng những ân tứ, tuýp tính cách, giáo dục, và mức độ thu nhập không tác động đến mức độ kết quả.

Khảo sát của ông thể hiện mối tương quan đầy thú vị giữa thời gian dành cho việc cầu nguyện và sự nhân cấp của các nhóm nhỏ. Điều này thể hiện rằng những ai dành ít nhất chín mươi phút mỗi ngày cho việc tĩnh nguyện sẽ nhân cấp nhóm nhỏ của họ nhiều hơn gấp hai lần những ai dành ít hơn ba mươi phút.4

Theo người viết tiểu sử, cuộc sống của Hudson Taylors “tràn ngập niềm vui và năng quyền.” Taylors đã khám phá bí mật của sự kết quả “trong mối thông công mỗi ngày, mỗi giờ với Chúa, và ông nhận thấy rằng điều này chỉ có thể được duy trì bởi lời cầu nguyện riêng tư và ăn nuốt Lời Chúa.”5 Người viết tiểu sử viết tiếp: “Hai đến bốn giờ sáng là lúc ông thường cầu nguyện, đó là thời gian mà ông chắc rằng sẽ không bị quấy rầy để có thể chờ đợi Chúa.”6 Chính Taylor đã khuyên rằng:

Hãy dành thời gian. Hãy dành thời gian để Chúa bày tỏ chính Ngài cho bạn. Hãy dành thời gian yên tĩnh trước Chúa, hãy chờ đợi để thông qua Đức Thánh Linh nhận lãnh sự đảm bảo rằng Ngài hiện hiện cùng bạn, năng quyền của Ngài hành động qua bạn. Hãy dành thời gian đọc Lời Chúa như là ở trong sự hiện diện của Ngài, rằng bởi đó mà bạn biết Ngài muốn bạn làm điều gì và những điều Ngài hứa với bạn là gì. Hãy để lời Chúa tạo ra bên trong bạn và xung quanh bạn một bầu không khí thánh, một ánh sáng thánh từ trời, nơi đó linh hồn bạn được tươi mới và làm mạnh mẽ cho công việc mỗi ngày.7

  1. Hoàn toàn nương dựa nơi Đấng Christ

Như chúng ta đã bàn đến trước đây, ngoài Đức Chúa Giê-su thì môn đồ không thể kết quả. Trong Giăng 15:4-5 viết rằng:

Hãy cứ ở trong Ta, thì Ta sẽ ở trong các ngươi. Như nhánh nho, nếu không dính vào gốc nho, thì không tự mình kết quả được, cũng một lẽ ấy, nếu các ngươi chẳng cứ ở trong Ta, thì cũng không kết quả được. Ta là gốc nho, các ngươi là nhánh. Ai cứ ở trong Ta và Ta trong họ thì sinh ra lắm trái; vì ngoài Ta, các ngươi chẳng làm chi được.

Độc lập và không phụ thuộc sẽ không sản sinh ra bông trái thuộc linh. Chỉ có sự sống của Đức Chúa Giê-su mới có thể sản sinh ra bông trái thuộc linh. Không có môn đồ nào có thể tự bịa đặt hoặc tái tạo sự sống của Đức Chúa Giê-su. Phương cách duy nhất để kết quả đó là gắn kết chặt chẽ với Đức Chúa Giê-su, là gốc nho, để cho sự sống của Ngài sẽ tuôn chảy trong bạn. Không có Đức Chúa Giê-su, mọi điều chúng ta cố gắng làm đều vô ích nếu đó không phải là kết quả của sự nương dựa có ý thức nơi Ngài (Giăng 15:5). Một đời sống đức tin và cầu nguyện không thôi sẽ đưa đến kết quả là sự kinh nghiệm năng quyền của Chúa để sản sinh bông trái.

  1. Chết với mọi điều khác ngoài Đức Chúa Giê-su

Mục đích của môn đồ đó là làm sáng danh Chúa qua việc nhân lên số lượng môn đồ. Đây là một mục đích rất cao và không dễ đạt được. Thực ra, chỉ có một cách để nhân lên số lượng môn đồ – sự chết. Trước đó Đức Chúa Giê-su đã nói trong Giăng 12:24-26:

Quả thật, quả thật, Ta nói cùng các ngươi, nếu hột giống lúa mì kia, chẳng chết sau khi gieo xuống đất, thì cứ ở một mình; nhưng nếu chết đi, thì kết quả được nhiều. Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất đi, ai ghét sự sống mình trong đời nầy thì sẽ giữ lại đến sự sống đời đời. Nếu ai hầu việc Ta, thì phải theo Ta.

Hudson Taylor nhìn thấy sự sống của Đấng Christ trong ông đã nhân lên một cách đầy năng quyền đến nỗi sản sinh hàng trăm giáo sĩ, hàng trăm lãnh đạo Hội Thánh người Trung Hoa, và hàng ngàn tân tín hữu. Ông đã sống và nhận thức rõ về cái giá phải trả:

Một đời sống dễ dàng, không từ bỏ chính mình sẽ không bao giờ là một đời sống có năng quyền. Kết quả cũng đồng nghĩa với mang lấy thập giá. Không bao giờ có hai Đấng Christ, một Đấng Chist dễ chịu cho những Cơ Đốc Nhân thoải mái, và một Đấng Christ chịu khổ cho những Cơ Đốc Nhân cá biệt. Chỉ có một Đấng Christ. Bạn có sẵn lòng ở trong Ngài, và kết quả?8

Trở nên môn đồ đòi hỏi phải ở trong Đức Chúa Giê-su và kết quả. Kết quả là mục đích và cũng là bằng chứng cho sự phát triển của môn đồ. Năng quyền để kết quả chỉ đến từ việc liên tục ở trong Đấng Christ. Ở trong Ngài bao gồm việc sống trong Lời Chúa, nương dựa nơi Ngài trong sự cầu nguyện, và chết đi tất cả mọi điều khác ngoài Đức Chúa Giê-su.

Tình yêu thương, vui mừng và bình an có tăng trưởng rõ rệt trong đời sống bạn?

Bạn có đang sử dụng ân tứ thuộc linh trong thân thể của Đấng Christ?

Bạn có đang sanh bông trái thuộc linh?

Có người nào hiện đang theo Chúa là kết quả bông trái thuộc linh trong đời sống bạn?

Truyền giáo thành công có phải là điều đã xảy ra trong quá khứ, hay đó đang là điều diễn ra trong hiện tại?

 

Câu hỏi suy ngẫm

  1. Hãy hoàn thành câu: “Không có kết quả thì không….”
  2. Bốn loại bông trái trong chương sách này là gì?
  3. “Bông trái” nào bạn kết quả mạnh mẽ nhất?
  4. “Bông trái” nào bạn kết quả yếu nhất?
  5. Bạn làm gì để có thể cải thiện điểm yếu của mình?

 

Chú thích

  1. John Piper, from sermon given October 11, 1981 at Bethlehem Baptist Church, http://www.desiringgod/resource-library/sermons/i-chose-you-to-bear-fruit (accessed October 22, 2011).
  2. Hudson Taylor, quoted by Howard Taylor, Hudson Taylor’s Spriritual Secret (Chicago: Moody, 1989) 231-32.
  3. John Piper, What Jesus demands (Wheaton, IL: Crossway, 2006), 65.
  4. Joel Comiskey, Leadership Explosion (Houston, TX: TOUCH, 2000), 38.
  5. Hudson Taylor, quoted in Howard Taylor, Hudson Taylors Spiritual Secret, 238.
  6. , 239.
  7. , 239-40.

Nhận: 16/12

Phần 3

Phương pháp môn đồ hóa: đào tạo một môn đồ

 

Đến nay chúng ta đã đi qua những nền tảng Kinh Thánh và những nền tảng thần học nói về ý nghĩa của việc trở nên một môn đồ của Đức Chúa Giê-su và ý nghĩa của việc môn đồ hóa (phần 1). Chúng ta cũng đã xem qua những điều Đức Chúa Giê-su đã phán cho những người muốn theo Ngài (phần 2). Tiến trình môn đồ hóa trải qua một chuỗi những giai đoạn như sự công bố, phát triển và sai phái. Trong phần này, chúng ta sẽ dành thời gian khám phá những phương pháp môn đồ hóa.

Phần này sẽ dựa trên những nền tảng Kinh Thánh, thần học và triết học liên quan đến môn đồ hóa. Phần này cũng sẽ giải thích và minh họa phương cách áp dụng những sự dạy dỗ của Đức Chúa Giê-su và khám phá phương pháp môn đồ hóa của Ngài. Trọng tâm tại đây chính là việc chứng minh rằng Đức Chúa Giê-su rất chú tâm vào phương pháp của Ngài nhằm phát triển môn đồ.

 

 

Môn đồ hóa là…

12

Nhận thức năng quyền của sự nhân cấp

Dave Earley

 

Sức mạnh không thể ngăn cản

Hội Thánh đầu tiên trong lịch sử là một sức mạnh không thể ngăn cản được. Từ khi Hội Thánh tại thành Giê-ru-sa-lem được thành lập năm 30 SCN cho đến cuối thế kỷ thứ nhất, Đại Mạng Lệnh được thực thi. Từ chỗ 500 anh em chứng kiến sự sống lại của Đấng Christ (I Cô-rinh-tô 15) và 120 người nhóm nhau lại trên phòng cao để cầu nguyện trong ngày lễ Ngũ Tuần (Công vụ 1:13-15), Hội Thánh được nhân lên đến hơn một triệu người theo Đức Chúa Giê-su sau bảy năm.1 Hội Thánh lan rộng từ thành Giê-ru-sa-lem, qua xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri, khắp Đế Quốc La Mã cho đến Châu Á và Châu Phi. Cuối cùng, Đế Quốc La Mã, là đế quốc có quyền lực mạnh mẽ nhất trong lịch sử, đã đầu phục trước sức mạnh của Hội Thánh.

Sự phát triển mạnh mẽ này không có sự hỗ trợ của phương tiện truyền thông đại chúng, không có quảng cáo, không có nhà thờ, và không có bất kỳ chủng viện thần học nào giúp đỡ. Hội Thánh ban sơ đã mở rộng với một tốc độ mà mười chín thế kỷ về sau vẫn không theo kịp.

Họ đã làm điều đó như thế nào? Đức Chúa Giê-su đã tạo ra những môn đồ là những người tiếp tục tạo ra những môn đồ khác. Nói cách khác, Ngài nhân cấp môn đồ.

 

Đừng đánh giá thấp sức mạnh của sự nhân cấp

Phép số cộng là tốt, nhưng phép số nhân sẽ càng tốt hơn. Nếu bạn chiến thắng một ai đó cho Đức Chúa Giê-su, bạn đã thêm một người vào vương quốc của Ngài. Nhưng bạn vẫn chưa nhân cấp nếu người đó chưa chiến thắng người khác cho Đức Chúa Giê-su và những người ấy tiếp tục chiến thắng những người khác nữa cho Đức Chúa Giê-su. Sự thêm vào giúp tăng trưởng theo cấp số cộng, nhưng sự nhân cấp giúp tăng trưởng theo cấp lũy thừa.

Đừng đánh giá thấp sức mạnh của sự nhân cấp trong việc hoàn thành Đại Mạng Lệnh. Nếu bạn hoàn toàn cam kết sống một đời sống môn đồ trọn vẹn và khiến người khác trở nên môn đồ, thì bạn đã khai phóng một sức mạnh không thể ngăn cản được. Walter Henricksen đã viết rằng:

Trước đây có một hiện vật được trưng bày tại Bảo Tàng Khoa Học và Công Nghiệp tại Chicago. Đó là một bàn cờ đam, trong đó ở ô vuông thứ nhất có một hạt gạo, ô vuông thứ nhì có 2 hạt, ô vuông thứ ba có 4 hạt, kế đến là 8, 16, 32, 64, 128, v.v… Ở những ô sau đó, số lượng hạt gạo nhiều đến mức tràn ra các ô lân cận.

Phía trên bàn cờ có ghi một câu hỏi: Với tỉ lệ nhân đôi số lượng hạt gạo sau mỗi ô vuông, thì ở ô vuông thứ 64 sẽ có bao nhiêu hạt gạo? Để tìm đáp án cho câu đố này, bạn cần bấm nút ở bảng điều khiển trước mặt, sau đó câu trả lời sẽ được hiện trên một màn hình nhỏ phía trên bàn cờ: Đủ để bao phủ hết tiểu lục địa Ấn Độ với độ dày 15 mét.3

Nếu bạn muốn tạo một tác động vĩ đại thì bạn hãy áp dụng sức mạnh của sự nhân cấp.

Quá trình làm tiêu tốn nhiều thời gian nhằm phát triển những lãnh đạo nhân cấp là phương cách nhanh nhất để có thể hoàn thành Đại Mạng Lệnh. Walter Henricksen đã chú thích rằng: “Sự nhân cấp có thể rất tốn kém, và ở những giai đoạn ban đầu thì diễn ra chậm hơn là sự thêm vào, nhưng trong thời gian dài, đó là phương cách hiệu quả nhất để hoàn thành Đại Mạng Lệnh của Đấng Christ… và cũng là phương cách duy nhất.”4 Thế giới đang phát triển theo tốc độ số nhân, song, rất nhiều khi Hội Thánh chỉ đang cố gắng để phát triển theo cấp số cộng. Để bắt kịp và theo kịp nhịp độ phát triển dân số của thế giới, chúng ta phải là những con người nhân cấp.

Chẳng hạn như ở mô hình thêm vào, năm nay bạn giúp một người tin Chúa, năm sau một người và năm sau nữa cũng một người. Số người tin Chúa tăng từ một lên hai người trong năm thứ nhất, từ hai lên ba người trong năm thứ hai, từ ba lên bốn người trong năm thứ ba, và đến năm thứ tư thì được năm người. Trong mô hình nhân cấp, bạn giúp một người tin Chúa trong năm nay và giúp người đó biết cách để khiến người khác trở nên môn đồ của Chúa. Trong năm thứ hai, cả bạn và người ấy cùng đi ra để giúp người khác tin nhận Chúa và giúp họ biết cách khiến người khác trở nên môn đồ của Chúa. Trong năm thứ ba, bạn và tất cả những người tin Chúa cùng đi ra để khiến người khác tin nhận Chúa và giúp họ biết cách khiến người khác trở nên môn đồ. Số lượng môn đồ của Chúa sau năm thứ hai tăng từ một lên hai người, sau đó nhân lên bốn người sau năm thứ ba, và nhân lên tám người sau năm thứ tư.

Bằng phép thêm vào, đến thế hệ thứ tư bạn sẽ có bốn người tin Chúa. Bằng phép nhân cấp, đến thế hệ thứ tư bạn sẽ có tám người đi môn đồ hóa. Mô hình nào tốt hơn, bốn người tin Chúa hay là tám người đi môn đồ hóa mà trong năm sau con số đó sẽ tăng lên thành mười sáu? Đại Mạng Lệnh không nói rằng: “Hãy đi và khiến người khác trở nên những người tin Chúa.” Nhưng Đại Mạng Lệnh nói rằng: “Hãy đi và khiến người khác trở nên những môn đồ.” Đại mạng lệnh không kêu gọi chúng ta thêm vào, nhưng thách thức chúng ta nhân cấp.

Neil Cole tuyên bố rằng bằng cách hạ thấp chuẩn mực về việc Hội Thánh được hình thành như thế nào và ở tại đâu, cùng với việc nâng cao chuẩn mực về ý nghĩa của việc trở nên một môn đồ, trong vòng năm năm, Hội Thánh tư gia nhỏ của ông với mười hai môn đồ tại Long Beach, California, đã tăng trưởng lên thành sáu mươi tám Hội Thánh với năm thế hệ. Hội Thánh mẹ có Hội Thánh con, Hội Thánh cháu, Hội Thánh chắt chít.5

Tiến trình nhân cấp môn đồ có thể bị xem là một tiến trình chập chạp, nhỏ lẻ và không được đánh giá đúng. Waylon Moore viết rằng: “Môn đồ hóa không có chuẩn mực uy tín và cũng không dành riêng cho hệ phái nào; nhưng kết quả thì luôn luôn tốt hơn bất kỳ điều gì mà tôi đã trải qua trong ba mươi năm làm việc với con người.”6 Bằng cách áp dụng tiến trình nhân cấp, chúng ta có thể tạo ra tác động lớn. Bằng cách áp dụng tiến trình lâu dài để nhân cấp lãnh đạo, chúng ta có thể chinh phục được nhiều người nhất trong thời gian ngắn nhất. Chúng ta phải nhớ rằng “chúng ta không cần phải sợ bắt đầu một điều gì đó một cách lặng lẽ và ở quy mô nhỏ. Đức Chúa Trời sẽ khiến những gì thuộc về Ngài phát triển.”7

 

Trở nên giống như Chúa Giê-su

Đức Chúa Giê-su đã thay đổi thế giới. Làm thế nào một người thợ mộc nghèo trong một quốc gia bị bỏ quên và bị bắt làm nô dịch lại có thể thay đổi lịch sử nhân loại? Ngài đã dùng sức mạnh của sự nhân cấp. Robert Coleman đã nhận định rằng:

Đức Chúa Giê-su đến để cứu thế giới, và vì lẽ đó mà Ngài đã chết, nhưng trên con đường thập giá, Ngài đã tập trung cuộc sống của Ngài vào công tác đào tạo một vài môn đồ. Những con người này được dạy phải làm điều tương tự cho đến khi nhờ quá trình môn đồ hóa, phúc âm của vương quốc lan đến tận cùng trái đất.8

Trọng tâm mục vụ của Đức Chúa Giê-su chính là huấn luyện một số người Do Thái để Ngài có thể chinh phục được toàn bộ thế giới Hy Lạp, Rô-ma, những người Châu Á, những người Đức, những người Ấn Độ, những người Ả-rập, những người Mỹ La-tinh, những người Nga, và những người Mỹ. Ngài biết rằng Ngài sẽ phải ra đi. Ngài cũng biết rằng một môn đồ của Ngài sẽ sa ngã, nhưng Ngài chưa bao giờ nao núng trước kế hoạch của Ngài. Kế hoạch của Ngài xoay quanh mười một người đi môn đồ hóa được đào tạo kỹ lưỡng. Kế hoạch của Ngài đơn giản đó là chinh phục toàn thế giới, từ thế hệ này đến thế hệ khác.

Đức Chúa Giê-su đã rời các môn đồ của Ngài để thăng thiên về trời. Song, mục vụ của Ngài đã tăng trưởng và nhân rộng rất nhiều lần qua thời gian, đó là bởi vì Chúa đã để lại những lãnh đạo nhân cấp. Chỉ ít ngày sau khi Đức Chúa Giê-su thăng thiên, mười một người đi môn đồ hóa của Ngài và bảy mươi môn đồ khác đã sẵn sàng cho mùa gặt đó là ba ngàn người tin Chúa và hình thành một mạng lưới các Hội Thánh tư gia phủ khắp thành phố (Công vụ 2:41-47). Sau đó, khi Hội Thánh Giê-ru-sa-lem chịu bách hại và bị tan lạc, các môn đồ của họ đã đi khắp mọi nơi để giảng Tin Lành (Công vụ 8:1, 4), từ đó, những Hội Thánh như Hội Thánh An-ti-ốt được hình thành (Công vụ 11:19-20).

Mục vụ thay đổi thế giới có nghĩa là gì? Đó là mục vụ bám chắc lấy công tác cố vấn và nhân cấp môn đồ. Ngày hôm nay bạn có thể bắt đầu nhân cấp chính bạn về mặt thuộc linh và bắt đầu một tiến trình năng động giúp bạn vượt khỏi giới hạn của chính mình và chạm đến thành phố của bạn. Mục vụ này có thể đi xa khỏi thế hệ của bạn để đến với thế hệ tiếp theo. Mục vụ này không chỉ đến với một số người, nhưng dần dần sẽ đến với tất cả mọi người trên thế giới.

 

Một thành tám mươi nghìn

Năm 1971, Jerry Falwell hy vọng chạm đến cả thế giới bằng việc mở một trường Đại học Cơ Đốc. Bốn mươi năm sau, Đại học Liberty có hơn tám mươi nghìn sinh viên và có những sinh viên tốt nghiệp hiện đang hầu việc Chúa ở mọi châu lục và ở hầu hết mọi quốc gia.

 

“Tạo ra người tiếp tục kết quả!”

Mười năm trước khi Đệ nhị Thế chiến chạm đến Hoa Kỳ, Dawson Trotman thức dậy sớm hơn hai giờ vào mỗi buổi sáng, ông lấy quyển Kinh Thánh và một tờ bảng đồ rồi đi lên Núi Sierra Nevada. Trong suốt bốn mươi ngày, ông đã cầu xin Chúa nhân cấp đời sống của ông qua việc nhân cấp lãnh đạo Cơ Đốc ở mỗi một tiểu bang tại Hoa Kỳ và mỗi một lục địa. Sau bốn mươi ngày cầu nguyện, ông bắt đầu biến giấc mơ thành hiện thực qua việc “huấn luyện những người đi huấn luyện người khác.”9

Cam kết nhân cấp lãnh đạo của ông thật sự có hiệu quả và đã được hoạch định một cách đầy chiến lược. Mười năm sau, khi Thế chiến thứ II bắt đầu, Dawson Trotman và tổ chức của ông, Navigators, đã huấn luyện xong “những con người chìa khóa” cho mỗi một con tàu Hải Quân Hoa Kỳ. Ông tuyên bố rằng: “Tôi thật xúc động khi chạm đến cuộc sống của một người mà họ sẽ chạm đến nhiều người. Khoản đầu tư tốt nhất của chúng tôi đó là dành cho những con người trung tín, là những người có khả năng dạy dỗ người khác.”10 Ông tin rằng nhân cấp lãnh đạo là chìa khóa để “đạt được số lượng người nhiều nhất bằng phương cách hiệu quả nhất và trong thời gian ngắn nhất có thể.”11 Phương pháp và thông điệp của Chúa rất đơn giản: Tạo ra những người tiếp tục kết quả.12

 

Nhân mười hai lần trong cuộc đời bạn

Năm 1983, Cesar Castellanos và vợ của ông, Claudia, đã thành lập một Hội Thánh tại Bogata, Columbia, với một nhóm nhỏ gồm tám người. Hai mươi lăm năm sau, Hội Thánh có hơn 250.000 tín hữu. Điều đó đã xảy ra như thế nào? Không phải bằng phương cách số cộng.

Cesar có một khải tượng nhân cấp cuộc sống của ông vào mười hai môn đồ. Tin rằng mỗi một Cơ Đốc Nhân đều có thể cố vấn và dẫn dắt mười hai người khác trong niềm tin Cơ Đốc, ông bắt đầu gặp mặt mười hai người trẻ vào mỗi tuần. Ông cầu nguyện cho họ và tuôn đổ cuộc sống của ông vào họ với trọng tâm chính là huấn luyện mỗi một người trong số họ để có thể dẫn dắt mười hai người khác trong một nhóm nhỏ. Mục đích cho mỗi một người trong nhóm mười hai người đó là tìm cho riêng họ mười hai người khác. Trải qua nhiều năm, số lượng lãnh đạo trong Hội Thánh tiếp tục nhân lên mười hai lần, từ 12 lên 144, lên 1.728, lên 32.288.13

Để mô hình này thành công, các thành viên phải là những môn đồ hoàn toàn tận tuỵ. Họ phải bán tất cả vì Đức Chúa Giê-su và vì khải tượng nhân cấp đời sống họ. Họ phải sẵn lòng hy sinh thời giờ của họ. Họ phải dành rất nhiều thời gian cầu nguyện. Các thành viên của một nhóm mười hai người phải gặp mặt lãnh đạo của họ hằng tuần gặp nhóm mười hai người mà họ đang huấn luyện hằng tuần. Mô hình này tự duy trì bởi vì mỗi tuần các lãnh đạo không chỉ đổ cho người khác nhưng chính họ cũng được đổ đầy. Khải tượng nhân cấp được đặt lên hàng đầu khi khải tượng này được củng cố trong mỗi một cuộc họp mặt hàng tuần.

 

Nhân hai

Có thể việc nhân mười hai khiến bạn do dự. Vấn đề không phải là số lượng mà bạn nhân lên nhưng là bạn có đang nhân cấp hay không. Thời gian trôi qua, Hội Thánh mà Rod Dempsey và tôi thành lập đã nhân lên gấp nhiều lần. Chúng tôi bắt đầu Hội Thánh với mười hai người nhóm nhau lại như một nhóm nhỏ, và chỉ trong một vài năm Hội Thánh đã tăng trưởng lên 1.400 người lớn và thiếu niên, nhóm nhau lại hằng tuần trong hơn một trăm nhóm nhỏ. Chúng tôi cũng có đặc ân được lãnh đạo một số nhóm trưởng qua tiến trình phát triển môn đồ để đến một điểm mà họ có thể tự thành lập Hội Thánh mới. Hai trong số những người tin đạo đã thành lập một Hội Thánh tại Đại học Bang Ohio. Gần đây, Hội Thánh này đã nhân lên với việc mở một Hội Thánh khác tại Đại học Pittsburg. Một gia đình nhỏ đã thành lập một Hội Thánh ở vùng ven thành phố và một vài năm sau họ đã đi Trung Quốc để đem Phúc Âm đến đó.

Chúng tôi nhân cấp môn đồ bằng việc kêu gọi mỗi một lãnh đạo nhóm nhỏ hãy nhân hai. Có nghĩa là chúng tôi yêu cầu họ mỗi năm hãy cầu nguyện cho một lãnh đạo nhóm nhỏ tiềm năng là người mà họ có thể dành một năm huấn luyện để người đó có thể thành lập một nhóm nhỏ mới. Bằng cách này, một nhóm thành hai, hai nhóm thành bốn, bốn nhóm thành tám, và cứ thế tăng lên. Dĩ nhiên không phải nhóm nào cũng nhân lên mỗi năm, nhưng dù chỉ có một nửa số nhóm là có nhân cấp, chúng tôi vẫn nhìn thấy mục vụ môn đồ hóa trong nhóm nhỏ được tăng trưởng với một tốc độ nhanh chóng. Quan trọng hơn cả, chúng tôi nhìn thấy số lượng môn đồ trong Hội Thánh của chúng tôi được tăng lên.

 

Hãy trở nên như Phao-lô

Phao-lô là một môn đồ của Ga-ma-li-ên, một trong số những vị Ra-bi lỗi lạc nhất vào thời đó (Công vụ 22:3). Là một người trẻ, Phao-lô trở thành một Rabbi Do Thái đầy thế lực với những uy quyền của riêng ông (Công vụ 7:58; 8:1-3). Sau khi cải đạo, Phao-lô bắt đầu ngay công tác môn đồ hóa. Kinh Thánh đề cập cụ thể tên của hơn ba mươi người đồng lao với Phao-lô. Rất nhiều người được đề cập đến đã sống và đi cùng với Phao-lô trong hành trình ba mươi năm trong chức vụ của ông. Các môn đồ này cũng đã làm việc bên cạnh Phao-lô khi ông là người tiên phong truyền giáo và thành lập Hội Thánh. Chắc chắn, một số trong các môn đồ đó đã ra đi và thành lập những Hội Thánh của riêng họ.

II Ti-mô-thê 2:2 minh họa triết lý mục vụ của Phao-lô và sự cần thiết của những người nhân cấp kiêm cố vấn. Hãy lưu ý bốn thế hệ nhân cấp thuộc linh trong phần Kinh Thánh này: “Những điều con đã nghe nơi ta ở trước mặt nhiều người chứng, hãy giao phó cho mấy người trung thành, cũng có tài dạy dỗ kẻ khác.”

Thậm chí khi Phao-lô phải bận rộn với việc hoàn thành sự kêu gọi làm một sứ đồ cho người ngoại, ông cũng hoàn thành Đại Mạng Lệnh bằng việc môn đồ hóa. Ông đã tiếp nhận điều mà Chúa đã trao cho ông và ủy thác điều đó cho những người trung tín là những người tiếp tục dạy dỗ người khác. Thậm chí sau khi ông bị cầm tù tại Rô-ma, có thể đã có hơn ba mươi “Phao-lô” nhỏ đang thực hiện mục vụ.

Môn đồ hóa là nhân cấp đời sống của bạn bằng việc đầu tư vào “những người trung tín.” Có thể chương trình của Đức Chúa Trời dành cho cuộc sống bạn không phải là mục sư của một Hội Thánh lớn. Có thể đó không phải là để bạn trở thành một tác giả của những đầu sách bán chạy. Nhưng chắc chắn, chương trình của Đức Chúa Trời dành cho bạn đó là dành tất cả mọi điều mà Ngài đã ban cho bạn để đầu tư vào một số ít “những người trung tín” là những người sau đó sẽ tiếp tục đầu tư vào người khác.

 

Hãy trở nên một người nhân cấp

Rod và tôi muốn thẳn thắn với bạn. Mục đích của chúng tôi khi viết quyển sách này là để bạn không chỉ sống một đời sống tận hiến hoàn toàn như là một môn đồ sống theo Kinh Thánh nhưng cũng để bạn sống một đời sống chủ tâm môn đồ hóa và dẫn đến kết quả là nhân cấp những đời sống, những nhóm nhỏ, và những Hội Thánh.

Bạn chỉ có một đời sống. Những con người lạc mất là giá trị trước mặt Chúa. Thời gian thì ngắn ngủi. Cơ Đốc Giáo đang suy yếu tại Bắc Mỹ. Dừng thỏa lòng với bất cứ điều gì nhưng hãy sống truyền giáo, môn đồ hóa và nhân cấp. Bạn có thể khởi đầu một sức mạnh không thể nào dừng lại được nhờ năng quyền của sự nhân cấp. Bạn có thể bắt đầu ngay bây giờ. Hãy cầu xin Chúa bày tỏ cho bạn người mà bạn có thể bắt đầu khiến người đó trở nên môn đồ. Hãy xây dựng mối quan hệ với họ. Sau đó hãy bắt đầu gặp mặt thường xuyên với họ, huấn luyện họ để họ huấn luyện người khác.

 

Câu hỏi suy ngẫm

  1. Hãy xem lại chương này và đưa ra một minh họa về năng quyền của sự nhân cấp.
  2. Đức Chúa Giê-su đã sử dụng sự nhân cấp như thế nào?
  3. Hội Thánh làm khuôn mẫu cho sự nhân cấp như thế nào?
  4. Bạn có đang tham gia vào việc nhân cấp môn đồ?
  5. Bạn có thể làm gì để nhân cấp môn đồ mới?

 

Chú thích

  1. David Barrett, ed., World Christian Encyclopedia: A Comparative Study of Churches and Religions in the Modern World A.D. 1900-2000 (Oxford: Oxford University Press, 1982), 3.
  2. Dennis MsCallum and Jessica Lowery, Organic Disciplemaking (Houston, TX: Touch, 2006), 28.
  3. Walter A. Henrichsen, Disciples Are Made – Not Born (Wheaton, IL: Victor Books, 1979), 143.
  4. Neil Cole, Organic Church (Grand Rapids: Baker, 2005), 28-29.
  5. Waylon B. Moore, Multiplying Disciples (Colorado Springs, CO: NavPress, 1981), 5.
  6. , 112.
  7. Robert Coleman, quoted by Leroy Eims, The Lost Art of Disciple Making (Grand Rapids, MI: Zondervan, 1980), 9.
  8. Dawson Trotman, quoted by Betty Skinner, Daws: the Story of Dawson Trotman, Founder of the Navigators (Grand Rapids, MI: Zondervan, 1977), 158.
  9. , 250.
  10. , 303.
  11. , 265
  12. For more on this model, see Joel Comiskey, Groups of 12 (Houston, TX: TOUCH Publications, 1999).

Reiceived : 30/12/2018

Môn đồ hóa là…

13

Giúp môn đồ tiến lên cấp độ tiếp theo

Dave Earley

 

Những bài học

Trong suốt quãng đời của tôi, tôi đã luôn nỗ lực làm theo mạng lệnh của Chúa đó là “môn đồ hóa”. Từ khi mười bảy tuổi, tôi đã bắt đầu đi theo Đức Chúa Giê-su và “đánh lưới người” tại trường trung học rộng lớn mà tôi đang học. Tôi tiếp tục mạng lệnh của Chúa và thành lập những nhóm nhỏ môn đồ tại Ký túc xá khi tôi đang theo học đại học. Tôi dành những kỳ nghỉ hè để đi truyền giáo và môn đồ hóa tại các chợ và các quán cà phê tại Anh, các tòa nhà chung cư tại Manhattan, và các nhóm bạn trẻ ở khắp nước Mỹ.

Tôi đã học được nhiều cách để không phải làm điều đó trong thời gian tôi làm Mục sư phụ tá và Mục sư lâm thời cho một Hội Thánh vùng xa. Song, tôi đã học được nhiều điều hữu ích trong một vài năm ngắn ngủi huấn luyện ba trăm lãnh đạo nhóm nhỏ cho một trường Đại học Cơ Đốc và trong thời gian tôi thành lập một Hội Thánh nỗ lực dựa trên việc nhân cấp nhóm nhỏ thông qua việc môn đồ hóa.

Khi nhìn lại đời sống của một người đào tạo môn đồ, tôi trân trọng hơn năng quyền của Lời Chúa trong việc biến đổi cuộc sống con người. Lời Chúa là giáo trình tuyệt vời nhất.

Tôi cũng quý trọng sâu sắc năng quyền của sự cầu nguyện trong tiến trình môn đồ hóa. Đức Thánh Linh hành động đầy năng quyền trong đời sống của các môn đồ khi tôi cầu nguyện cho họ và khi họ cầu nguyện cho nhau.

Tôi đã học được năng quyền của cộng đồng trong công tác môn đồ hóa. Những nỗ lực môn đồ hóa đơn độc còn lâu mới sánh bằng công tác của Đức Chúa Trời khi các môn đồ cùng nhau sống trong cộng đồng.

Đừng bao giờ đánh giá thấp năng quyền của sự vâng lời trong việc biến đổi đời sống. Tôi đã chứng kiến những nỗ lực đào tạo môn đồ bị thất bại khi chú trọng đến thông tin hơn là sự vâng lời.

Tôi đã chứng kiến năng quyền của sự tham gia vào mục vụ trong việc cách mạng hóa đời sống của môn đồ. Mặt khác, tôi cũng nhìn thấy công tác môn đồ hóa chịu thất bại thảm hại khi môn đồ không được đưa vào một môi trường mà họ buộc phải dạy dỗ người khác.

Và trên hết, tôi đã học con đường khó khăn đó là môn đồ cần phải liên tục bị thúc ép để tiến lên cấp độ tiếp theo: từ sự tin nhận đến việc tiến sâu, từ bỏ và phục vụ; từ việc vâng lời đến nhân cấp. Để họ dừng bước ở cấp độ một (tin nhận) chắc chắn sẽ khiến đời sống tâm linh của họ đi xuống. Cho phép họ dừng lại ở cấp độ hai (tiến sâu) sẽ không bao giờ đạt được sự nhân cấp và vì thế sẽ không bao giờ đến được với thế giới.

Trên nhiều phương diện, người đào tạo môn đồ có vai trò như một tiếng nói cho đôi tai của môn đồ, luôn luôn khích lệ họ tiến lên cấp độ tiếp theo. Người đào tạo môn đồ là những trung sĩ quân độ, luôn luôn thúc ép đội quân của mình tiến đến ngọn đồi tiếp theo. Họ là những huấn luyện viên, là người thách thức những vận động viên tốt nhất của mình không ngừng tiến bộ.

Sau khi các môn đồ của Đức Chúa Giê-su tin Ngài là Đấng Mê-si, Chúa không cho phép họ dừng ở đó. Ngài kêu gọi họ từ bỏ tất cả, theo Ngài và đánh lưới người. Đức Chúa Giê-su tiếp tục lặp lại chủ đề trên, kèm thêm sự cần thiết phải ở trong Ngài để qua đó họ có được sức mạnh sản sinh bông trái thuộc linh. Ngài tiếp tục bày tỏ cho họ nhu cầu của thế giới lạc mất. Ngài tiếp tục kêu gọi họ đem phúc âm đến với thế giới. Song, nhiệm vụ của Ngài vẫn chưa hoàn thành cho đến khi các môn đồ của Ngài sẵn lòng vâng lời Ngài để phát đi phong trào môn đồ hóa – đó chính là Hội Thánh.

 

Sẽ ra sao nếu Đức Chúa Giê-su dừng lại ở cấp độ một?

Như chúng ta đã đọc trong chương 6, để hoàn toàn trở nên môn đồ của Đức Chúa Giê-su cần phải tiến lên mức độ tiếp theo. Quá trình đào tạo môn đồ của Đức Chúa Giê-su được xây dựng dựa trên ba cấp độ tịnh tiến về mặt cam kết, niềm tin, vâng phục và sự học hỏi. Ở mỗi cấp độ, Đức Chúa Giê-su đòi hỏi nhiều cam kết hơn và Ngài cũng tạo tác động lớn hơn trên các môn đồ của Ngài. Mười hai môn đồ của Chúa đã trải qua khoảng thời gian bốn năm để hoàn thành tiến trình này.

Đức Chúa Giê-su đã dẫn dắt các môn đệ của Ngài qua ba giai đoạn khác nhau: (1) sự tìm hiểu dẫn đến sự ăn năn và niềm tin nơi Đức Chúa Giê-su (sự công bố); (2) tiến sâu, từ bỏ, và học tập bước vào mục vụ (sự phát triển); và (3) sứ mệnh toàn cầu (sự sai phái). Chúng ta vẫn có thể nói rằng người hoàn thành giai đoạn một là một Cơ Đốc Nhân. Sản phẩm của giai đoạn hai đó là môn đồ, và người đang ở giai đoạn ba là một người đào tạo môn đồ.

Giai đoạn một – Sự công bố. Sau khi Đức Chúa Giê-su phục sinh, Ngài cùng lúc hiện ra cho năm trăm anh em là những người đã tin Ngài (I Cô-rinh-tô 15:6). Các sách Phúc Âm ký thuật lại những người đã tin Đức Chúa Giê-su khi họ gặp Ngài (Giăng 4:39-41; 10:38; 11:45; Mác 5:18-20; Ma-thi-ơ 8:10).

Giai đoạn hai – Sự phát triển. Đức Chúa Giê-su cũng đã có bảy mươi môn đồ là những người được phát triển đến một mức độ mà họ được sai đi truyền giáo (Lu-ca 10:1-5). Chúng ta có thể cho rằng những người cầu nguyện trên phòng cao trong dịp Lễ Ngũ tuần cũng bao gồm những con người này, cộng với các sứ đồ và rất nhiều phụ nữ đã đi theo Đức Chúa Giê-su (Công vụ 1:12-15).

Giai đoạn ba – Sự sai phái. Đức Chúa Giê-su đã tuôn đổ sự sống của Ngài vào mười hai môn đồ, cũng gọi là các sứ đồ. Ngài truyền cho mười một người trong số họ trở nên những người ra đi khiến người khác trở nên môn đồ (Ma-thi-ơ 28:18-20).

Sẽ ra sao nếu Đức Chúa Giê-su dừng lại ở giai đoạn một? Cơ Đốc Giáo sẽ ra thể nào sau khi Đức Chúa Giê-su thăng thiên về trời? Chắc chắn Cơ Đốc Giáo sẽ không thể nào lan tỏa khắp thế giới. Đạo Cơ Đốc có thể đã biến mất ngay khi thế hệ những người tin Chúa đầu tiên qua đời.

Tại sao Cơ Đốc Giáo tại Bắc Mỹ đang trên đà đi xuống? Một phần có thể do chúng ta không giúp người tin Chúa đi hết tiến trình phát triển môn đồ. Chúng ta đã dừng lại quá sớm, không dẫn dắt người tin Chúa vượt qua cấp độ một?

Mục đích của chúng tôi khi viết quyển sách này không hoàn toàn chỉ nhằm toàn thách thức bạn vượt qua cấp độ là một người tin vào Đức Chúa Giê-su để trở nên một môn đồ. Mục đích của chúng tôi đó là kêu gọi bạn sống đời sống của một người đào tạo môn đồ. Tin nhận Đức Chúa Giê-su vẫn chưa đủ. Thêm những người mới tin nhận Chúa vào vương quốc của Đức Chúa Trời thôi vẫn chưa đủ. Bạn cần phải tiếp tục đào tạo môn đồ và tạo ra những người tiếp tục đào tạo môn đồ.

Nếu một người theo Đức Chúa Giê-su được phát triển trọn vẹn bằng việc tiến lên giai đoạn kế tiếp, thì một người đào tạo môn đồ phải tập trung giúp người khác tiến lên bước tiếp theo. Nếu Đức Chúa Giê-su đã dẫn dắt các môn đồ của Ngài qua một tiến trình gồm ba giai đoạn và kết quả đó là sự nhân cấp, tại sao chúng ta không làm thế? Dưới đây là bảng mà chúng tôi đã giới thiệu trong những chương trước thể hiện những yêu cầu cho việc đào tạo môn đồ qua ba giai đoạn mà Đức Chúa Giê-su đòi hỏi từ những người theo Ngài.

Có lẽ khía cạnh quan trọng nhất của bảng này đó là mũi tên nói lên việc một người phải tiến triển từ giai đoạn một đến giai đoạn tiếp theo cho đến khi người đó bước ra khỏi bảng này và bước vào thế giới. Đức Chúa Giê-su không dừng lại ở giai đoạn một nên bạn và tôi cũng không được dừng lại.

Hãy nhớ rằng khi một người tiến lên cấp độ tiếp theo, họ cũng sẽ phải cam kết nhiều hơn. Người đó tiến lên từ việc từ bỏ những nghi ngờ, đến từ bỏ “lưới cá” của họ, để sẵn sàng hy sinh khi họ bước ra và đem phúc âm đến với thế giới. Song, cùng với sự cam kết gia tăng này đó là sự tác động lớn hơn. Trong biểu đồ dưới đây, chúng tôi cũng có những cấp độ phát triển môn đồ, nhưng lần này là từ quan điểm của người đào tạo môn đồ.

YÊU CẦU CỦA ĐỨC CHÚA GIÊ-SU DÀNH CHO MÔN ĐỒ

GIAI ĐOẠN MỘT GIAI ĐOẠN HAI GIAI ĐOẠN BA
NGƯỜI TIN CHÚA MÔN ĐỒ NGƯỜI ĐÀO TẠO MÔN ĐỒ
Bạn có tin Đức Chúa Giê-su?

SỰ CÔNG BỐ

Bạn có đi theo Đức Chúa Giê-su?

SỰ PHÁT TRIỂN

Bạn có ra đi vì Đức Chúa Giê-su?

SỰ SAI PHÁI

Tìm hiểu dẫn đến sự ăn năn và niềm tin nơi Đức Chúa Giê-su Tiến sâu, từ bỏ, và học tập bước vào mục vụ Lãnh đạo nhân cấp toàn cầu
SỰ ĂN NĂN VÀ ĐỨC TIN

Cam kết niềm tin

TÌNH YÊU VÀ VÂNG PHỤC

Vâng phục không lo lắng

MỤC VỤ VÀ SỨ MẠNG

Lãnh đạo nhân cấp

Đấng Cứu Chuộc Thầy Đấng giao sứ mệnh
Tái sinh Biến đổi Tái sản sinh và nhân cấp
Bỏ đi nghi ngờ Từ bỏ “lưới cá” Ra đi
Đến với Đức Chúa Giê-su Ở cùng Đức Chúa Giê-su Ra đi vì Đức Chúa Giê-su
ĐƯỢC CỨU ĐƯỢC HUẤN LUYỆN ĐƯỢC SAI ĐI
Ăn năn và tin vào phúc âm (Mác 1:15; Ma-thi-ơ 4:17)

Bạn phải được tái sinh (Giăng 3:3-8)

Hãy uống nguồn nước sống (Giăng 4:13-14)

Yêu Chúa với trọn tấm lòng và yêu người lân cận như chính mình (Ma-thi-ơ 22:37-40)

Theo Đức Chúa Giê-su và đánh lưới người (Ma-thi-ơ 4:18-22)

Ở cùng [Ta] và được sai đi (Mác 3:13-14)

Làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời (Mác 3:35)

Vâng theo bài giảng trên núi (Ma-thi-ơ 5-7)

Từ bỏ chính mình, mang lấy thập giá và theo Ta (Lu-ca 9:23-27)

Hãy theo Ta và đừng nhìn lại phía sau (Lu-ca 9:57-62)

Hãy tiếp tục trong Lời Ta (giăng 8:31-32)

Hãy cầu nguyện xin Chúa sai con ngặt đến trong mùa gặt (Ma-thi-ơ 9:37-38)

Chớ lo lắng, chớ sợ hãi, hãy tìm kiếm vương quốc Đức Chúa Trời, hãy bán hết gia tài, hãy ban cho người nghèo, hãy đầu tư vào cõi đời đời (Lu-ca 12:24-33)

Yêu Đức Chúa Giê-su hơn bất cứ điều gì khác (Lu-ca 14:25-33)

Theo đuổi người lạc mất (Lu-ca 14:16-24; 15:1-7)

Theo Đức Chúa Giê-su và từ bỏ sự sống mình (Lu-ca 17:32-33)

Hãy bán hết gia tài và ban cho người nghèo (Lu-ca 18:18-30)

Hãy là tôi tớ mọi người (Mác 10:43-45)

Khiến nhà Cha thành nhà cầu nguyện (Mác 11:17)

Thức canh, chịu đựng, sẵn sàng, sử dụng ta-lâng của mình, cứ làm công tác mình (Ma-thi-ơ 24-25)

Hãy yêu thương nhau (Giăng 13:34-35)

Chịu chết để nhân lên (Giăng 12:23-37)

Cầu xin trong Danh Chúa (Giăng 14:14; 15: 16:23-24)

Giữ điều răn của Chúa (Giăng 14:15, 21-24)

Ở trong Đấng Christ và kết nhiều quả (Giăng 15:1-8, 16)

Hoàn thành Đại Mạng Lệnh

Được sai đi cũng như Đức Chúa Giê-su được sai đi (Giăng 20:21)

Hãy chăn chiên Ta, hãy theo Ta (Giăng 21:15-20)

Giảng phúc âm cho mọi người (Mác 16:15)

Đào tạo môn đồ (Ma-thi-ơ 28:19-20)

Làm chứng về Chúa tại thành Giê-ru-sa-lem, xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri, và khắp thế giới (Công vụ 1:8)

 

CHIẾN LƯỢC ĐÀO TẠO MÔN ĐỒ CỦA ĐỨC CHÚA GIÊ-SU

GIAI ĐOẠN MỘT GIAI ĐOẠN HAI GIAI ĐOẠN BA
GIÚP NHỮNG NGƯỜI TÌM KIẾM CHÚA TRỞ NÊN NHỮNG NGƯỜI TIN CHÚA

Công bố Đấng Christ

GIÚP NHỮNG NGƯỜI TIN CHÚA TRỞ THÀNH MÔN ĐỒ

Phát triển con người

GIÚP MÔN ĐỒ TRỞ NÊN NHỮNG NGƯỜI ĐÀO TẠO MÔN ĐỒ

Sai phái môn đồ

Truyền giáo Môn đồ Huấn luyện
1.      Cầu thay – cầu nguyện cho người lạc mất

2.      Đầu tư – xây dựng mối quan hệ với họ

3.      Tìm hiểu – hỏi thông tin và lắng nghe

4.      Mời gọi – kêu gọi sự cam kết bước tiến phù hợp tiếp theo

5.      Hướng dẫn – công bố phúc âm

6.      Gia nhập– kết nối họ với những người khác trong hành trình

7.      Thúc giục – khích lệ họ tiến lên bước tiếp theo, chẳng hạn như ăn năn, tin và nhận phép báp-têm

1.      Cầu thay – cầu nguyện cho sự phát triển của môn đồ

2.      Đầu tư – xây dựng mối quan hệ sâu hơn với họ

3.      Tìm hiểu – hỏi và lắng nghe

4.      Mời gọi – kêu gọi sự cam kết bước tiến phù hợp tiếp theo

5.      Hướng dẫn – bàn về những mệnh lệnh của Đức Chúa Giê-su

6.      Gia nhập– kết nối họ với những người khác trong hành trình thông qua nhóm nhỏ

7.      Thúc giục – khích lệ họ tiến lên bước tiếp theo, chẳng hạn như tiến sâu hơn, từ bỏ nhiều hơn, hoặc nhiều hoạt động mục vụ hơn

1.      Đầu tư – xây dựng mối quan hệ với các môn đồ tiềm năng

2.      Cầu thay – cầu xin Chúa ban cho những môn đồ

3.      Mời gọi và Gia nhập- kêu gọi môn đồ tham gia vào nhóm môn đồ của bạn

4.      Gia nhập- cho họ có cơ hội được huấn luyện thực tiễn

5.      Hằng ngày cầu thay cho họ và các môn đồ của họ

 

Chính vì thế, mục đích của người đào tạo môn đồ gồm ba phần:

  1. Chiến thắng người lạc mất qua việc đồng công với Đức Thánh Linh để nhìn thấy mọi người trong tầm ảnh hưởng của bạn trở nên một người ăn năn và tin nhận Đức Chúa Giê-su, người ấy tiếp nhận phép báp-têm dành cho những người tin và hoạt động tích cực trong thân thể Đấng Christ.
  2. Đào tạo những người được cứu bằng cách giúp mỗi một người tin Chúa trở nên một môn đồ tận hiến cho Đức Chúa Giê-su, người ấy sẽ từ bỏ tất cả vì phúc âm và nhờ lời cầu nguyện mà chiến thắng người khác cho Đấng Christ.
  3. Nhân cấp môn đồ để trở nên những người đào tạo môn đồ.

Hiện thực đáng buồn đó là bạn càng tiến sâu trong biểu đồ trên, càng tiến triển trong tiến trình môn đồ hóa, thì càng ít người cùng đồng hành với bạn. Nhiều người cho rằng cái giá phải trả là quá đắt. Sự hy sinh là quá lớn. Tại thời điểm Đức Chúa Giê-su phục sinh, có khoảng 500 người tin Chúa, 120 môn đồ và 11 người chuẩn bị trở thành người đào tạo môn đồ. Song, con số đó cũng đủ để thay đổi lịch sử. Mục tiêu đầu tiên đó là chiến thắng người lạc mất cho Đấng Christ. Tôi sẽ giới thiệu tóm lược mục tiêu này sau đây và sẽ bàn đến chi tiết hơn trong chương tiếp theo.

 

Mục tiêu 1: Chiến thắng người lạc mất

Truyền Giáo Là Chia Sẻ Tin Mừng

Từ “Phúc Âm ” có nghĩa là “Tin Mừng.” Từ phúc âm hay tin mừng được sử dụng 130 lần trong Kinh Thánh, và 109 lần trong Tân Ước. Từ truyền giáo có nghĩa gốc là “truyền đạt tin mừng.” Theo Phao-lô, nội dung của phúc âm đó là Đức Chúa Giê-su đã chịu chết trên thập giá để trả giá cho tội lỗi chúng ta và mở lối để chúng ta đến với Đức Chúa Trời (I Cô-rinh-tô 15:3-4). Đây là một tin tức rất tốt lành. Đúng hơn, đây là tin tức tốt lành nhất. Thông tin này sẽ không giúp ích gì cho người khác nếu chúng ta không chia sẻ tin tức này cho họ. Chúng ta phải công bố tin mừng.

Truyền Giáo Là Thu Hoạch Mùa Gặt

Mặc dù hầu hết chúng ta không phải là nông dân, nhưng chúng ta đều hiểu quá trình thu hoạch mùa gặt. Chẳng hạn như, nếu người nông dân muốn thu hoạch bắp, ông ấy không đơn thuần chỉ leo lên chiếc máy cày và lái nó ra ngoài đồng để thu hoạch bắp. Ông phải thực hiện một tiến trình gồm nhiều bước. Trước tiên ông phải cày ruộng. Sau đó ông gieo hạt. Cây non phải được bón phân, tưới nước và phác cỏ dại. Cũng phải cần có thời gian để cho cây lớn lên. Người nông dân phải thực hiện theo toàn bộ tiến trình này để có được một mùa vụ thu hoạch bắp.

Sứ đồ Phao-lô đã liên kết tiến trình truyền giáo cho người Cô-rinh-tô với công việc nhà nông. Ông nói rằng việc họ tin Chúa đó là kết quả của công tác gieo trồng và chăm sóc về mặt thuộc linh trước khi thu hoạch kết quả (I Cô-rinh-tô 3:6-9).

Theo một ý nghĩa, mỗi một người mà chúng ta gặp gỡ là một cánh đồng thuộc linh. Trách nhiệm của chúng ta đó là đồng công với Đức Chúa Trời và những người khác để cày cấy mảnh đất trong tấm lòng của họ, gieo trồng hạt giống phúc âm, tưới nước, và chờ đợi Đức Chúa Trời ban cho mùa gặt. Sự cứu rỗi là một tiến trình và kết quả ở một sự kiện.

 

Đức Chúa Giê-su Christ: Giáo sĩ đào tạo môn đồ

Mục vụ đào tạo môn đồ của Đức Chúa Giê-su mở ra với công tác truyền giáo cho người khác qua việc giảng dạy tin mừng của vương quốc Đức Chúa Trời: “mà rằng: Kỳ đã trọn, nước Đức Chúa Trời đã đến gần; các ngươi hãy ăn năn và tin đạo Tin lành.” (Mác 1:15). Ngài phán cùng Ni-cô-đem rằng ông cần phải được sinh lại (Giăng 3:1-17). Ngài phán cùng những người Giu-đa: “Ai nghe lời ta mà tin Đấng đã sai ta, thì được sự sống đời đời, và không đến sự phán xét, song vượt khỏi sự chết mà đến sự sống” (Giăng 5:24). Sau đó Ngài giảng rằng: “Nếu các ngươi chẳng ăn năn, thì hết thảy sẽ bị hư mất” (Lu-ca 13:3,5). Ngài phán cùng các môn đồ của Ngài rằng Ngài đến là để công bố phúc âm (Mác 1:38). Sau đó Ngài phán rằng mục đích mà Ngài đến với thế giới này đó là “tìm và cứu kẻ bị mất” (Lu-ca 19:10).

 

Phao-lô: Giáo sĩ đào tạo môn đồ

Nửa cuối của sách Công vụ các sứ đồ về cơ bản là câu chuyện truyền giáo của Phao-lô. Đối với Phao-lô, sự sống là Đấng Christ và nhìn thấy Đấng Christ được rao giảng (Phi-líp 1:18-21). Ông sống với một trách nhiệm đó là giảng dạy phúc âm bởi vì đó là “quyền phép ca Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin” (Rô-ma 1:15-17). Ông nói cùng người Rô-ma rằng: “Nhưng tôi lấy làm vinh mà rao Tin lành ở nơi nào danh Đấng Christ chưa được truyền ra” (Rô-ma 15:20). Ông nói rằng truyền giáo đó là trách nhiệm chức tế lễ của ông và là điều ông buộc phải làm (Rô-ma 15:16; I Cô-rinh-tô 9:16).

Là những người muốn theo Đức Chúa Giê-su, chúng ta phải theo Ngài sống một lối sống của nhà truyền giáo. Là những người muốn đào tạo môn đồ, chúng ta cần phải thúc giục, hướng dẫn, và huấn luyện những môn đồ của mình để truyền giáo.

 

William Booth: Giáo sĩ đào tạo môn đồ

Cuối thế kỷ mười chín, tại một khu Do Thái bẩn thỉu tại thành phố Luân Đôn, William Booth đã xây dựng một đội quân, “đội quân cứu thế” với những chiến sĩ thuộc linh. Họ chăm sóc cho những nhu cầu vật chất của dân nghèo tại Luân Đôn và đào tạo môn đồ. Những người tin Chúa đa phần là những người nghiện rượu, nghiện thuốc phiện, mại dâm, và những người “không ai ưa”, những người không được chào đón vào xã hội Cơ Đốc lịch thiệp. Đối diện với sự bắt bớ gia tăng, ông đã xây dựng một lưỡi kiếm quân đội cho mục vụ yêu thương của ông. Trong vòng hai mươi lăm năm, phong trào của ông lan rộng đến mười chín quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ, Ác-hen-ti-na, Đức, Jamaica, Úc, và Na Uy. Cuối cùng, phong trào của ông lan rộng đến toàn thế giới.

Điều gì đã cung cấp nhiên liệu cho phong trào yêu thương đầy vĩ đại cho công ty, truyền giáo và môn đồ hóa? Đó chính là niềm đam mê cháy bỏng chiến thắng người lạc mất. Trong một cuộc vận động có đến 100.000 linh hồn được chiến thắng cho Đấng Christ, Booth đã kêu gọi những chiến binh của ông: “Hãy ra đi vì những linh hồn. Hãy đi thẳng đến những linh hồn, hãy ra đi vì những người tội tệ nhất.”1

Thường bị chỉ trích vì phương pháp không chính thống, những người chỉ trích đã thất bại khi nhìn thấy sự khôn ngoan trong cái “điên rồ” của ông. Ông nói rằng: “Nếu tôi nghĩ tôi có thể chiến thắng thêm một linh hồn cho Chúa bằng cách đi bằng đầu và chơi trống lục lạc bằng ngón chân, tôi cũng sẽ học cách làm điều đó!”2

Tôi rất thích sự đam mê cháy bỏng và quan niệm quân đội này trong việc đồng công với Đức Chúa Giê-su để xây dựng một Hội Thánh chống lại các cửa âm phủ. Ông nói rằng:

Chúng ta không được sai phái để chủ trì một giáo đoàn và cũng không được hài lòng nếu chúng ta chỉ có thể duy trì các hoạt động của tổ chức được diễn ra. Chúng ta được sai phái là để chiến đấu và không ngừng chinh phục thế giới vì sự thống trị của Đức Chúa Giê-su.3

Booth khẳng định rằng mỗi một người tin Chúa đều được “kêu gọi” để trở nên người chinh phục linh hồn:

Có phải bạn nói: “Không được kêu gọi?” Tôi nghĩ đúng hơn bạn nên nói: “Không nghe tiếng kêu gọi.” Hãy lắng nghe Kinh thánh, và lắng nghe tiếng phán của Chúa bảo bạn hãy ra đi và lôi kéo những tội nhân ra khỏi ngọn lửa của tội lỗi. Hãy lắng nghe những người nặng nhọc, tấm lòng đau đớn của nhân loại, và hãy lắng nghe tiếng kêu gọi sự giúp đỡ đầy đáng thương. Hãy đi đứng cạnh các cửa âm phủ và lắng nghe tiếng khẩn nài bạn hãy đi đến nhà cha của họ và hãy bảo cùng các anh chị và những người hầu, những người quản gia của họ rằng đừng đi đến đây. Rồi hãy nhìn mặt Đấng Christ – bạn đã tuyên bố vâng theo sự yêu thương của Đấng ấy – và hãy nói với Ngài rằng bạn sẽ dâng tấm lòng, linh hồn, thân thể và bất cứ hoàn cảnh nào để chiến đấu nhằm công bố lòng thương xót của Ngài cho thế giới.4

 

Câu hỏi suy ngẫm

  1. Ai là người bạn đang chinh phục cho Đấng Christ?
  2. Ai là người bạn đang phát triển vì Đấng Christ?
  3. Ai là người bạn đang trang bị để sai phái ra đi vì Đấng Christ?
  4. Hãy liệt kê tên của năm người mà bạn đang cầu nguyện để cho họ đến và biết Đấng Christ?
  5. Hãy liệt kê tên của năm người mà bạn đang giúp đỡ để họ phát triển và được sai đi vì Đấng Christ?

 

Chú thích

  1. William Booth to Rudyard Kipling, quoted on website “The Booths: Quotes from the Founders,” http://www.ourchurch.com/view/?pageID=12281 (accessed November 2, 2011).

Môn đồ hóa là …

14

Chinh phục người lạc mất –

Đam mê theo đuổi

Dave Earley

 

John Wesley: Giáo Sĩ Đào Tạo Môn Đồ

John Wesley, cùng anh trai là Charles, và George Whitefield được Đức Chúa Trời sử dụng để đem lại Sự Tỉnh Thức Vĩ Đại cho Anh Quốc nhờ việc giảng dạy về Đấng Christ cho quần chúng nhân dân. John đã liều mạng sống của ông để đi đến các cánh đồng và giảng phúc âm cho những người nghèo. Ông đã nói về điều này rằng:

Không ngạc nhiên khi ma quỷ không thích việc giảng dạy phúc âm trên các cánh đồng! Tôi cũng thế; tôi thích một căn phòng tiện nghi, một cái nệm mềm mại, và một bục giảng thật đẹp. Nhưng sự sốt sắng của tôi ở đâu nếu tôi không giẫm đạp lên những điều đáng kinh ấy để cứu thêm một linh hồn?1

Khi Wesley qua đời, phong trào Giám Lý đã có được 100.000 môn đồ hội họp trong 10.000 nhóm nhỏ. Điều gì đã tiếp nhiên liệu cho sự phát triển và nhân cấp môn đồ đáng kinh ngạc đó? Đó chính là sự nhiệt huyết cháy bỏng muốn chiến thắng những linh hồn mà Wesley đã truyền lại cho các môn đồ của ông:

Bạn không làm điều gì khác ngoài việc cứu những linh hồn. Chính vì thế hãy sử dụng và được sử dụng cho công tác này. Và đừng chỉ đến với những người cần bạn, nhưng cũng hãy đến với những người cần bạn nhất. Công việc của bạn không phải là giảng đạo nhiều lần và chăm sóc cho xã hội; nhưng công việc của bạn đó là cứu nhiều linh hồn; đem nhiều tội nhân đến với sự ăn năn.2

Trong chương vừa qua, chúng ta đã bàn về ba mục tiêu của người đào tạo môn đồ và đã giới thiệu đôi nét về mục tiêu thứ nhất: chiến thắng người lạc mất. Chương này sẽ khám phá sâu hơn về mục tiêu thứ nhất, xem xét những nguyên tắc chìa khóa trong chức vụ của Đức Chúa Giê-su và Phao-lô.

 

Đào tạo môn đồ như thế nào, Mục tiêu 1: Chiến thắng người lạc mất

Dẫu chúng ta đang bàn về việc những người tìm kiếm niềm tin cần được chinh phục để trở nên những người tin Chúa, và những người tin Chúa thì cần được huấn luyện trở nên môn đồ, hay những môn đồ cần được phát triển thành những người đào tạo môn đồ, tôi vẫn thấy rằng những thành tố cần thiết trong mỗi một giai đoạn là như nhau. Tôi thấy có bảy thành tố trong chức vụ của Đức Chúa Giê-su và Phao-lô: (1) cầu thay, (2) đầu tư, (3) tìm hiểu, (4) mời gọi, (5) hướng dẫn, (6) gia nhập, và (7) thúc giục.

  1. Cầu nguyện cho người lạc mất (Cầu thay)

Dẫu điều này có vẻ hiển nhiên, nhưng chúng ta không được bỏ sót sự cầu nguyện ra khỏi công tác truyền giáo hiệu quả. Đức Chúa Giê-su đã và hiện đang là một Đấng cầu thay trong công việc truyền giáo (Giăng 17:20; Rô-ma 8:34; Hê-bơ-rơ 7:25). Ngài kêu than rằng: “Hỡi Giê-ru-sa-lem, Giê-ru-sa-lem, ngươi giết các tiên tri,và quăng đá các đấng chịu sai đến cùng ngươi, ghe phen ta muốn nhóm họp con cái ngươi, như gà mái túc và ấp con mình dưới cánh, mà các ngươi chẳng muốn!” (Lu-ca 13:34). Tấm lòng Ngài tan vỡ, và Ngài cầu nguyện trong nước mắt cho những người lạc mất:

Khi Đức Chúa Giê-su gần đến thành [Giê-ru-sa-lem], thấy thì khóc về thành (Lu-ca 19:41)

Khi Ngài thấy những đám dân đông, thì động lòng thương xót, vì họ cùng khốn, và tan lạc như chiên không có kẻ chăn.  (Ma-thi-ơ 9:36)

Cũng vậy, Phao-lô là một người cầu thay trong công việc truyền giáo, ông đã nói rằng “Sự ước ao trong lòng tôi và lời tôi vì dân Y-sơ-ra-ên cầu nguyện cùng Đức Chúa Trời, ấy là cho họ được cứu” (Rô-ma 10:1). Những người đào tạo môn đồ có tầm ảnh hưởng lớn là những chiến sĩ cầu nguyện và là những người cầu thay trong công tác truyền giáo. Họ cầu thay cho những người mà họ đang chinh phục, những người mà họ đang đào tạo và đang sai đi. Họ cầu nguyện cho chính họ để có cơ hội dạy dỗ và tận dụng tối đa một cách đầy chiến lược trên những cơ hội đó.

“KHÔNG NIỀM VUI NÀO LỚN HƠN”

Neil Cole là một người mở mang tổ chức Hội Thánh, là tác giả, nhà sáng lập và giám đốc điều hành của Hiệp Hội Nhân Cấp Hội Thánh. Trong quyển sách của ông, Tìm kiếm và Giải cứu (Search and Rescure), Cole kể về việc huấn luyện một nhóm những người đào tạo môn đồ mới. Ông viết rằng: “Tôi nhớ một khoảnh khắc thánh trong đời khi năng quyền linh nghiệm của lời cầu nguyện đơn giản mỗi ngày cho linh hồn con người đã đập vào tôi bằng một cách mới.”3

Ông tiếp tục kể về trải nghiệm sởn gai ốc này khi ông nhận ra những Cơ Đốc Nhân mới này, là những người giờ đây đang đào tạo các môn đồ của họ, cũng là những người được ghi trong danh sách Cầu nguyện cho người lạc mất mà ông cặp theo cuốn Kinh Thánh của mình. Ông nói rằng: “Tôi hết sức kinh ngạc… về việc một ý tưởng cầu nguyện đơn giản lại có đầy năng quyền như thế.” Ông kết luận rằng:

Dĩ nhiên, chúng ta không cầu nguyện cho những linh hồn để chúng ta có thể đánh dấu vào những cái tên trong danh sách và cảm thấy mình thật tốt. Nhưng không có niềm vui nào lớn hơn là nhìn thấy một đời sống tái sinh trong vương quốc của Đức Chúa Trời. Chính vì thế mà chúng ta cầu nguyện, Đức Chúa Giê-su đáp lời, và chúng ta vui mừng.4

LỜI CẦU NGUYỆN TRUYỀN GIÁO

John Edmiston là một giáo sĩ người Úc, ông đã tham gia vào mục vụ Cơ Đốc trọn thời gian trong hơn bốn mươi năm. Ông đã phục vụ tại Úc, Papua New Guinea và Philippine. Trong một bài viết có tựa đề “Lời cầu nguyện truyền giáo” (Prayer Evangelism), ông đã làm chứng như sau:

Năm 1993, tôi hướng dẫn một loạt bài học Nghiên Cứu Kinh Thánh cùng một nhóm khoảng hai mươi sinh viên đại học tràn đầy sinh lực, các sinh viên này đã xin được dạy về sự cầu nguyện. Trong tiến trình, chúng tôi có một cuốn sổ những vấn đề cầu nguyện với ba cột: Vấn đề cầu nguyện, ngày ghi, và ngày được đáp lời.

Các sinh viên bắt đầu cầu nguyện để những người bạn của họ được cứu, và trong một vài tuần, những người bạn bắt đầu tin đạo, hai đến ba người một tuần, và thường là vào các buổi Học Kinh Thánh. Mỗi một lời cầu nguyện mà mỗi sinh viên “đặt vào trong quyển sổ” đã đến với Đức Chúa Giê-su Christ, và bằng một cách rất tự nhiên, quyển nhật ký cầu nguyện này được biết đến là “quyển sách sự sống.”

Nếu tôi nhớ không nhầm thì khoảng 25 người đã đến với Đấng Christ chỉ bởi sự cầu nguyện trong học kỳ đó. Lời cầu nguyện có linh nghiệm, thậm chí đối với những Cơ Đốc Nhân thiếu kinh nghiệm, những người ghét việc làm chứng, và cũng đối với những người được cứu.5

CẦU NGUYỆN CHO NGƯỜI LẠC MẤT NHƯ THẾ NÀO

  • Cầu nguyện cho từng cá nhân bằng tên của họ (Xuất Ê-díp-tô ký 33:17; Ê-sai 43:1).
  • Hiệp lòng cầu nguyện cùng với người khác (Ma-thi-ơ 18:19-20).
  • Cầu nguyện trong đức tin (Ma-thi-ơ 21:22; Mác 11:24).
  • Bền đỗ cầu nguyện (Lu-ca 18:1-8).
  • Cầu nguyện với sự sẵn sàng trở nên một phần của sự đáp lời (Ma-thi-ơ 9:37-10:1).

Khi bạn gặp những người mà bạn đang môn đồ hóa họ, hãy chắc rằng bạn dành thời gian để cầu nguyện cho những người lạc mất. Mặc dù cầu nguyện cho những người lạc mất nói chung là một điều tốt, tuy nhiên hãy tập trung lời cầu nguyện vào một số người cụ thể mà Đức Chúa Trời đã đem đến trong cuộc sống bạn. Bạn cùng với hai hoặc ba người nên cầu nguyện đích danh những người lạc mất đó cho đến khi họ đến với Đấng Christ.

CẦU NGUYỆN GÌ CHO NGƯỜI LẠC MẤT

  1. Cảm ơn Chúa vì Ngài mong muốn _______ được cứu và có sự hiểu biết cá nhân về lẽ thật (I Ti-mô-thê 2:5-6; II Phi-e-rơ 3:9).
  2. Lạy Chúa, xin hãy kéo _________ đến với Ngài (Giăng 6:44).
  3. Lạy Chúa, xin hãy cáo trách __________ về tội lỗi, sự công bình và sự đoán xét (Giăng 16:8-11).
  4. Xin hãy trói buộc Sa-tan để hắn không che giấu _______ khỏi lẽ thật (II Cô-rinh-tô 4:4; II Ti-mô-thê 2:25-26).
  5. Xin khiến ________ nhận thấy sự trống trải thuộc linh và sự đói khát trong tâm linh (Lu-ca 15:15-16).
  6. Xin làm mềm mảnh đất lòng của ______ (Mác 4:3-20).
  7. Xin cho con có cơ hội chia sẻ phúc âm cho _______ (Ma-thi-ơ 9:37-38; Cô-lô-se 4:3-6).
  8. Xin trói buộc Sa-tan để chúng không cướp lấy hạt giống phúc âm khỏi người này (Mác 4:15).
  9. Xin khiến ______ thừa nhận sự nghèo thiếu về tâm linh và sự khao khát điều mà chỉ Đức Chúa Cha mới có thể đáp ứng (Lu-ca 15:17-18).
  10. Rằng họ sẽ đến với Cha để ăn năn tội lỗi của họ (Lu-ca 15:19-21), tin nhận phúc âm (Mác 1:15), và công bố Đức Chúa Giê-su là Chúa (Rô-ma 10:9, 13).
  11. Xin hạt giống phúc âm sản sinh mùa gặt bội thu những bông trái thuộc linh (Mác 4:9, 20).

 

  1. Xây dựng mối quan hệ (Đầu tư)

Thom Rainer đã phỏng vấn hàng tá những người đã thực hiện chuyến đi vất vả từ niềm tin ngoài Cơ Đốc đến đức tin nơi Đức Chúa Giê-su Christ. Trong quyển sách của ông, Hành trình bất ngờ (Unexpected Journey), Rainer đã chia sẻ những cuộc nói chuyện với những người tin nhận Chúa từ đạo Mormon, Do Thái Giáo, Hin Đu Giáo, những người vô thần, Chứng Nhân Giê-hô-va, những người theo thuyết bất khả tri, phù chú, Phật Giáo, Thuyết Nhất Thể, tử vi, Hồi Giáo và những người theo đạo Sa-tan. Ông khám phá ra rằng câu chuyện tin đạo của họ có một điều giống nhau: họ đã từng được yêu thương để đến với Đức Chúa Giê-su.

Tất cả họ đều nói rằng: họ không bị người khác thuyết phục đến với niềm tin nơi Đức Chúa Giê-su Christ. Nhưng họ yêu thích để bước vào niềm tin nơi Đức Chúa Giê-su Christ. Họ không được tiếp cận thông qua một chương trình hay một sự kiện nào cả. Nhưng người khác đến với họ bằng một mối quan hệ. Trong mỗi một trường hợp, sự chấp nhận, không có hành vi đánh giá, tình yêu thương thiết thực, và sự lắng nghe chính là những điều đã đụng chạm những con người mà trước kia từng đi trên con đường cách xa Đức Chúa Trời.6

Những người đào tạo môn đồ truyền giáo hiệu quả hiểu rằng mục vụ đích thực xảy ra trên con đường của các mối quan hệ. Đức Chúa Giê-su đã ở gần với những người mà Ngài muốn chinh phục (Giăng 1:14). Ngài đã mời những con người mà sau này sẽ trở thành các môn đồ của Ngài đến với nơi mà Ngài ở (Giăng 1:35-39), và mọi người đều biết Ngài ngồi ăn với những kẻ tội nhân (Lu-ca 15:1-2).

 

  1. Đặt câu hỏi và thật sự lắng nghe (Tìm hiểu)

Đức Chúa Giê-su là bậc thầy sử dụng câu hỏi để bắt cầu đến phúc âm. Ngài hỏi người phụ nữ bên giếng nước hãy cho Ngài uống nước (Giăng 4:7). Ngài hỏi người phụ nữ bị bắt gặp phạm tội ngoại tình rằng những người kiện cáo bà ở đâu (Giăng 8:10). Sau đó, khi Chúa nâng mức độ cam kết dành cho những người đi theo Ngài, một số người đã từ bỏ. Vậy Ngài hỏi những người còn ở lại rằng: “Còn các ngươi, cũng muốn lui chăng? (Giăng 6:67). Sau đó, Chúa đã hỏi các môn đồ của Ngài rằng: “Theo lời người ta nói thì Con người là ai? (Ma-thi-ơ 16:13).

Tôi nhận thấy rằng chủ đề mà người ta yêu thích nói đến đó là… chính họ. Chính vì vậy, bằng cách thật lòng hỏi về quan điểm và niềm tin của họ, tôi nhận thấy rằng mình có thể thu hút hầu như mọi người tham gia vào cuộc nói chuyện. Hãy học cách xin người khác giúp đỡ. Khi tôi đi mua sắm, tôi chơi trò im lặng (trong một thời gian ngắn cũng không phải là điều gì to tát), tôi hỏi người khác thứ này hoặc thứ kia tìm ở đâu, hoặc họ sẽ khuyên tôi nên chọn món đồ nào.

Người ta rất thích bày tỏ quan điểm. Tôi đã thành công khi hỏi rằng: “Bạn nghĩ nhà hàng tốt nhất ở đây là nhà hàng nào?” Bộ phim nay nhất trong năm nay mà bạn đã xem là phim nào? “Bạn nghĩ ai sẽ thắng trận bóng cuối tuần?” hoặc “Ai sẽ thắng cuộc tranh cử?”

Những người có hình xăm lại càng dễ thu hút vào cuộc nói chuyện bởi vì mỗi một hình xăm đều có một câu chuyện. Vậy hãy hỏi họ: “Bạn có phiền nếu kể cho tôi câu chuyện về hình xăm này không?” “Nếu bạn có thể làm lại từ đầu, bạn sẽ làm gì?”

Một khi mối quan hệ được thiết lập và cuộc nói chuyện được bắt đầu, một câu hỏi dẫn dắt tốt đơn giản chỉ là: “Bạn có thể kể cho tôi nghe câu chuyện của bạn không?” Tôi cũng thành công với những câu hỏi như: “Nếu bạn có thể làm bất cứ nghề nào trong năm năm tới, bạn sẽ chọn nghề nào?” “Bạn muốn làm điều gì để cuộc sống được đầy đủ hơn?” “Nếu bạn có thể hỏi Chúa bất cứ điều gì, bạn sẽ hỏi Ngài điều gì?” “Ngày tồi tệ nhất trong đời của bạn là khi nào và tại sao?”

Chìa khóa để sử dụng những câu hỏi này đó là chủ động lắng nghe câu trả lời của người khác. Một cây cầu được bắt từ trái tim của họ đến trái tim của bạn khi họ cảm thấy họ được lắng nghe. Con người khao khát được ai đó thật sự lắng nghe họ. Tôi hiện có một bác sĩ thú y người Do Thái đang theo tôi để hỏi về Đức Chúa Giê-su. Làm sao việc này có thể xảy ra được? Lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau, tôi đã hỏi ông ấy những câu hỏi và lắng nghe ông ấy kể câu chuyện của mình.

Rainer viết rằng: “Lắng nghe có nghĩa là chúng ta sẵn lòng học biết lẫn nhau. Lắng nghe không có nghĩa là chúng ta đe dọa trong niềm tin Cơ Đốc của chính mình khi nghe về niềm tin của người khác. Lắng nghe nghĩa là chúng ta thật sự quan tâm đến người ấy.”7

 

  1. Kêu gọi sự cam kết thích hợp (Mời gọi)

Nếu bạn nghiên cứu chức vụ của Đức Chúa Giê-su, bạn sẽ thấy Ngài là bậc thầy mời gọi con người bước vào sự cam kết thích hợp tại đúng thời điểm. Chẳng hạn như, Ngài không kêu gọi các môn đồ của Ngài mang lấy thập giá và chết vì Ngài cho đến khi họ đã biết Chúa trong gần ba năm. Ban đầu, Ngài chỉ mời họ đi với Ngài và tự họ quyết định (Giăng 1:35-39). Cũng có hàng tá những cam kết nhỏ khác mà Chúa kêu gọi họ cam kết, mỗi một cam kết đòi hỏi nhiều đức tin và sự cam kết hơn.

Đối với chúng ta cũng vậy. Mục đích của tôi dành cho mọi người mà tôi gặp đó là họ sẽ sẵn lòng chết vì Đức Chúa Giê-su khi họ đào tạo môn đồ và đem phúc âm đến tận cùng trái đất. Tôi không bắt đầu với việc đòi hỏi họ phải thiết lập cam kết đó. Tôi mời họ thiết lập một cam kết khi họ đã sẵn sàng cho cam kết đó. Dần dần, tôi giúp họ thiết lập một khuôn mẫu luôn nói vâng với Đức Chúa Giê-su, cho đến khi họ đã nói vâng với việc ăn năn tội lỗi và xưng Ngài là Chúa.

Chẳng hạn như, khi chúng tôi chuyển đến sống ở một nơi mới, chúng tôi khám phá rằng những hàng xóm của chúng tôi, Shawn và Karen, là một cặp đôi trẻ đang sống cùng nhau. Vợ của tôi, Cathy, đi đến kết nối với Karen và lắng nghe những khó khăn mà cô gái trẻ này đang gặp phải trong mối quan hệ nghiêm túc đầu tiên của cô. Tôi đã cầu nguyện cho họ, dành thời gian với họ và cố gắng phục vụ họ.

Sau một cuộc nói chuyện thật tốt với Shawn, tôi đã yêu cầu anh đồng ý với một cam kết đơn giản: “Bây giờ tôi có thể cầu nguyện cho anh và Kathy được không?” Anh ấy đồng ý. Sau đó anh ấy nói rằng chưa ai từng cầu nguyện cho anh ấy. Sau cuộc trò chuyện trôi chảy tiếp theo, chúng tôi đã mời Shawn và Kathy đến nhà để dùng món tráng miệng mà vợ tôi là Cathy đã làm. Họ đều nói vâng.

Họ mời chúng tôi tham dự đám cưới của họ. Mặc dù nơi đó khá hẻo lánh và rất bất tiện, nhưng chúng tôi đã đến và cố gắng kết nối với thật nhiều bạn và thành viên trong gia đình của họ.

Một vài tuần sau đó, chúng tôi mời họ đến thăm Hội Thánh mà chúng tôi mới thành lập và nói cho chúng tôi biết cảm nghĩ của họ như thế nào. Họ nói vâng và ngày hôm sau họ đến. Cuối cùng, tôi hỏi cảm nghĩ của họ như thế nào, và họ nói họ thích Hội Thánh. Vậy nên tôi đã mời họ tuần tới sẽ quay trở lại. Họ đồng ý.

Sau một vài tuần đến với Hội Thánh, chúng tôi hỏi rằng chúng tôi có thể ghé qua nhà và nói chuyện với họ về những điều mà họ nghĩ Đức Chúa Trời đã làm trong đời sống của họ. Họ đồng ý.

Sau khi chia sẻ phúc âm, chúng tôi đã mời họ quỳ gối và ăn năn tội lỗi, xưng Đức Chúa Giê-su là Chúa. Họ đồng ý, và cả hai đều quỳ gối và đầu phục đời sống họ cho Đức Chúa Giê-su. Khi chúng tôi rời đi, chúng tôi đã mời họ kể cho những người khác về niềm tin mới trong Đấng Christ trong tuần mới. Họ đồng ý.

Một vài tuần sau, họ chấp nhận lời mời tiếp nhận phép báp-têm. Sau đó họ đồng ý lời mời tham gia vào lớp học của thuộc viên Hội Thánh và tích cực tham gia vào mục vụ của Hội Thánh.

Hãy ghi nhớ điều này về sự cam kết: sự cam kết càng lớn thì càng mất thời gian để người ta tính toán cái giá phải trả. Chúng tôi đã gặp Shawn và Karen vào tháng Một, và mãi cho đến sáu tháng sau thì họ mới được cứu. Họ không sẵn sàng được cứu khi chúng tôi gặp gỡ họ lần đầu, nhưng sau sáu tháng cầu nguyện, đầu tư, lắng nghe và mời gọi một cách đầy chiến lược, họ đã vượt qua chiếc cầu đức tin và bắt đầu con đường trở nên môn đồ.

 

  1. Nói cho họ về phúc âm (Hướng dẫn)

Mỗi một mối quan hệ truyền giáo đều sẽ đi đến một thời điểm mà người đào tạo môn đồ cần phải truyền giáo (có nghĩa là “nói tin mừng”) bằng việc công bố phúc âm. Hãy xem những lời của Phao-lô trong thư tín Rô-ma:

Vậy nếu miệng ngươi xưng Đức Chúa Giê-su ra và lòng ngươi tin rằng Đức Chúa Trời đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại, thì ngươi sẽ được cứu; vì tin bởi trong lòng mà được sự công bình, còn bởi miệng làm chứng mà được sự cứu rỗi… Vì ai kêu cầu danh Chúa thì sẽ được cứu. Nhưng họ chưa tin Ngài thì kêu cầu sao được? Chưa nghe nói về Ngài thì làm thể nào mà tin? Nếu chẳng ai rao giảng, thì nghe làm sao? (Rô-ma 10 :9-10, 13-14)

Trong phần Kinh Thánh này, Phao-lô đã phác thảo một tiến trình mà một người thay đổi sự công bình không xứng đáng của riêng họ để đổi lấy sự công bình thỏa đáng chỉ có thể có được bởi đức tin nơi Đức Chúa Giê-su Christ. Các bước sau đây đi từ bước cuối cùng đến bước đầu tiên:

  1. Người lạc mất xưng Đức Chúa Giê-su là Chúa (10:9-10) … nhưng chỉ sau khi…
  2. Họ kêu cầu Danh Chúa để được cứu (10:12-13)… nhưng chỉ sau khi…
  3. Họ tin Đức Chúa Giê-su (10:14)… nhưng chỉ sau khi…
  4. Họ nghe về Đức Chúa Giê-su (10:14)… nhưng chỉ sau khi…
  5. Có người giảng và công bố cho họ biết lẽ thật về Đức Chúa Giê-su (10:14).

Hãy lưu ý rằng tiến trình này bắt đầu bằng việc một ai đó giảng dạy hoặc công bố phúc âm cho người lạc mất. Con người cần có đủ thông tin về Đức Chúa Giê-su để có thể tin Ngài và cam kết cuộc sống họ cho Ngài.

Sự cứu rỗi là kết quả của việc tin vào lẽ thật. Những lẽ thật đó gồm: (1) có Đức Chúa Trời; (2) tôi phải có trách nhiệm trước Chúa; (3) tôi mắc sai phạm với trách nhiệm của mình – tôi phạm tội; (4) tội lỗi đem lại hậu quả tiêu cực – sự chết/ phân cách khỏi Chúa; (5) Đức Chúa Giê-su không phạm tội; (6) Đức Chúa Giê-su đã chết để trả cái giá tội lỗi cho tôi; (7) sự công bình của Ngài là đủ tốt; và (8) tôi có thể có món quà sự sống đời đời bằng cách tiếp nhận món quà ấy. Rô-ma 10:14 nói rõ rằng: con người sẽ không tin vào những lẽ thật này nếu họ không được nghe biết về những lẽ thật đó. Họ sẽ không được nghe biết về những lẽ thật đó nếu như không có ai nói cho họ.

 

  1. Kết nối họ với những người khác trong hành trình (Gia nhập)

Sau nhiều năm cố gắng truyền giáo và đào tạo môn đồ trực tiếp một một với những thành công ít ỏi, tôi nhận ra rằng cả Đức Chúa Giê-su lẫn Phao-lô đều đào tạo môn đồ theo nhóm. Chẳng hạn như, Đức Chúa Giê-su có một nhóm những người trẻ đi cùng Ngài trong gần một năm trước khi họ trở nên những người tin Ngài (Giăng 1:35-2:12). Truyền giáo sẽ trở nên hiệu quả hơn khi người chưa tin được phép thuộc về trước khi họ được đòi hỏi bước vào niềm tin.

Tôi thấy rằng mỗi khi tôi có thể giúp một người tìm kiếm được gia nhập vào việc đọc Lời Chúa với những người khác trong tiến trình, họ sẽ được cứu. Cathy và tôi đã kinh nghiệm điều này khi chúng tôi mở một nhóm học Kinh Thánh cho bốn cặp đôi, tất cả họ đều là những người chưa tin. Mỗi tuần, chúng tôi gặp mặt tại nhà của chúng tôi trong suốt mười hai tuần lễ trong khi đó con cái của họ thì tham gia vào câu lạc bộ thiếu nhi tại nhà thờ.

Khi họ cùng nhau tham gia vào việc đọc Kinh Thánh trên cùng một hành trình thì Đức Chúa Giê-su hành động trong tấm lòng của họ. Dần dần, từng người một, họ bắt đầu đầu phục Đức Chúa Giê-su là Chúa cho đến khi tất cả tám người họ đều được cứu và được nhận phép báp-têm.

Ý tưởng nhóm nhỏ cho những người tìm hiểu đạo đã thành công đến mức Cathy và tôi bắt đầu mở các nhóm nhỏ như thế vào mỗi mùa thu và mùa xuân. Dần dần, vào cuối mỗi kỳ, những người chưa tin trong nhóm đều được cứu và tiếp nhận phép báp-têm.

 

  1. Khích lệ họ tiến lên bước tiếp theo (Thúc giục)

Sự khác biệt giữa người môn đồ hóa hiệu quả và người môn đồ hóa không hiệu quả thường đơn giản ở chỗ khích lệ người khác tiến lên bước tiếp theo. Sau khi Phi-e-rơ đã công bố phúc âm trong ngày lễ Ngũ Tuần, những người lắng nghe bài giảng đã được động chạm đến tấm lòng và sẵn sàng đáp ứng. Ông đã hướng dẫn họ bước đi bước tiếp theo – ăn năn và tiếp nhận phép báp-têm:

Chúng nghe bấy nhiêu lời, trong lòng cảm động, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng ta phải làm chi?” Phi-e-rơ trả lời rằng: “Hãy hối cải, ai nấy phải nhân danh Đức Chúa Giê-su chịu phép báp-têm, để được tha tội mình, rồi sẽ được lãnh sự ban cho Đức Thánh Linh.” (Công vụ 2:37-38)

Khi một người được cứu, hành trình của người đó vẫn chưa kết thúc nhưng chỉ mới bắt đầu. Sau khi bạn đã giúp một ai đó bước qua cây cầu ăn năn để đến với niềm tin nơi Đức Chúa Giê-su, bước tiếp theo đó là khích lệ họ công khai xưng Ngài là Chúa thông qua việc tiếp nhận phép báp-têm bằng nước.

Khi họ tiếp nhận phép báp-têm thì nhiệm vụ vẫn chưa chấm dứt tại đó. Sau khi 3.000 người được báp-têm trong ngày lễ Ngũ Tuần, ngay lập tức họ bước vào đời sống của một cộng đồng truyền giáo. Công vụ 2:41-42 ghi lại rằng:

Vậy, những kẻ nhận lời đó đều chịu phép báp-têm; và trong ngày ấy, có độ ba ngàn người thêm vào Hội thánh. Vả, những người ấy bền lòng giữ lời dạy của các sứ đồ, sự thông công của anh em, lễ bẻ bánh, và sự cầu nguyện.

Người đào tạo môn đồ chinh phục người chưa tin và huấn luyện môn đồ của họ để làm điều mà người đào tạo đang làm. Họ cầu thay cho những người lạc mất, đầu tư thời gian vào các mối quan hệ với những người chưa tin, hỏi họ những câu hỏi quan trọng, mời họ đến gần với Đức Chúa Giê-su, chia sẻ phúc âm, giúp họ tham gia với những người khác trong hành trình, và thúc giục họ bước đi bước tiếp theo.

 

Câu hỏi suy ngẫm

  1. Truyền giáo có phải là lối sống của bạn?
  2. Bạn có thường cầu nguyện cho những người chưa tin?
  3. Thời gian nào trong tuần là lúc bạn chia sẻ phúc âm?
  4. Lần cuối cùng bạn chia sẻ phúc âm là khi nào?
  5. Lần cuối cùng bạn dẫn dắt một ai đó đến với Đấng Christ là khi nào?

 

Chú thích

  1. John Wesley, “John Wesley on Evangelism,” http://christian-quotes.ochristian.com/christian-quotes_ochristian.cgi?find=Christian-quotes-by-John+Wesley-on-Evangelism (accessed October 22, 2011).
  2. Neil Cole, Search and Rescue: Becoming a Disciple Who Makes a Difference (Grand Rapids: Baker, 2008), 174.
  3. John Edmiston, “Practical Prayer Evangelism,” http://www.holytrinitynewrochelle.org/yourti82508.html (accessed November 2, 2011).
  4. See Thom S. Rainer, The Unexpected Journey (Grand Rapids: Zondervan, 2005).
  5. , 200.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

15.

Môn đồ hóa là…

Các môn đồ trưởng thành trở nên giống như Chúa Giê-su.

Tất Cả Đã Bắt Đầu Trong Phòng Tắm

Tôi khởi sự công tác môn đồ hóa khi tôi là một sinh viên mười chín tuổi. Mọi sự đã bắt đầu trong phòng tắm.1 Tôi vừa mới trở lại với nếp sinh hoạt thường ngày sau kỳ lễ Giáng sinh. Trong kỳ lễ ấy tôi đã đọc một quyển sách về môn đồ hóa và tôi rất háo hức muốn thực hành ngay các chỉ dẫn từ quyển sách. Tôi nhớ là Chúa Giê-su đã thức thâu đêm để cầu nguyện với Cha trước khi Ngài tuyển chọn các sứ đồ (Lu-ca 6:12-13).  Tôi cũng nhớ Chúa Giê-su truyền bảo cho các môn đồ phải cầu nguyện để “chủ mùa gặt sai con gặt đến.” (Ma-thi-ơ 9:37-38). Vì vậy tôi bắt đầu cầu nguyện cho một vài người để chuẩn bị môn đồ hóa họ.

Tôi đã cầu nguyện trong hai tuần. Vào một buổi tối nọ, khi tôi đi dạo trên hành lang thì một người bạn tên là Darrell trong ký túc xá chặn tôi lại và nói, “Tôi nghe nói anh đã dành thì giờ cầu nguyện với Chúa mỗi ngày. Tôi cũng muốn thực hiện giống như anh nhưng tôi đang tranh chiến với chính mình. Giữa công việc bộn bề của học tập và những hoạt động khác, dường như tôi không còn thì giờ để dành cho Đức Chúa Trời. Anh có thể chỉ cho tôi phải làm gì trong sự tranh chiến này?” Ngay lúc đó tôi biết Darrell chính là người mà Chúa gởi đến cho tôi để môn đồ hóa anh ấy. Tôi nói với Darrell, “Khi nào anh có thể sắp xếp thời gian để gặp tôi?”

Chúng tôi thảo luận với nhau về các thời khóa biểu của chúng tôi, và cuối cùng khám phá rằng thì giờ phù hợp nhất cho cả hai chúng tôi là 11 giờ 15 buổi tối trong phòng tắm lớn của khu ký túc xá. Điều này là một thách thức bởi vì trường đại học Cơ đốc của chúng tôi có một chính sách hết sức nghiêm ngặt. Nơi duy nhất trong ký túc xá của chúng tôi, nơi một học sinh có thể nói chuyện và có một chút ánh sáng vào sau 11:15 buổi tối  là phòng tắm tập thể. Chính nơi đây tôi đã thực hiện công tác môn đồ hóa.

 

Phòng Tắm

Buổi tối sau đó vào lúc 11 giờ 15, tôi và Darrell  ngồi xuống trên sàn nhà của phòng tắm và bắt đầu mở Kinh Thánh ra. Tôi khởi sự chia sẻ với Darrell về các lẽ thật trọng yếu của Kinh Thánh. Rồi chúng tôi cầu nguyện chung với nhau trong đó có một danh sách về các mục phải cầu nguyện. Chúng tôi quyết định gặp nhau mỗi đêm. Cả hai chúng tôi xem phòng tắm này là một cơ sở cho hội thánh mới – và đặt tên cho nó là Bathroom Baptist Temple.

Trở về phòng ngủ sau khi nhóm họp với Darrell, tôi cảm tạ Chúa về thì giờ tuyệt vời vừa qua. Đức Chúa Trời đã ban cho tôi một người bạn để tôi môn đồ hóa người này – Ngài đã nhậm lời cầu nguyện của tôi trước đó. Tôi tiếp tục cầu nguyện xin Chúa cho tôi người thứ hai để mở rộng công tác môn  đồ hóa.

Darrell và tôi trung tín gặp nhau hằng đêm tại Bathroom Baptist Temple. Tôi cầu nguyện xin Chúa đưa một người nữa đến tham gia với chúng tôi. Sau hai tuần cầu nguyện, khi chúng tôi đang nhóm lại trong phòng tắm thì một thanh niên đến mang theo một quyển Kinh Thánh. Anh ấy ngồi xuống và tự giới thiệu: Tôi là Tim, tôi ở dãy cuối của hành lang này, và tôi muốn tham gia vào Bathroom Baptist Temple của các bạn.

Tôi và Darrell hơi bị sốc. Làm thế nào mà anh chàng Tim này biết được cái tên Bathroom Baptist Temple? Tim giải thích: “Khi tôi chải răng trong một góc của phòng tắm, tôi đã nghe nội dung câu chuyện của các bạn. Vì vậy tôi muốn tham gia vào nhóm có cái tên gọi đặc biệt là Bathroom Baptist Temple của các bạn. Wow! Vậy là chỉ sau hai tuần, nhóm của chúng tôi đã gia tăng 50% số lượng thành viên. Điều này làm cho chúng tôi trở thành một “hội thánh” tăng trưởng nhanh nhất ở Mỹ!

Tôi đã trở nên nghiện cảm giác hồi hộp khi nhận lấy những gì Chúa đã ban cho tôi và đổ nó vào người khác. Tôi đã rất phấn khởi khi nhận ra rằng quá trình nhân lên cuộc sống của tôi thường bắt đầu chậm chạp. Khi tôi lên giường ngủ trong đêm đó, tôi cảm tạ Chúa về những gì đã xảy ra. Tôi cảm thấy được dẫn dắt để cầu nguyện thêm cho một người khác nữa đến với chúng tôi. Và tôi tiếp tục cầu nguyện cho mục tiêu này.

Tim, Darrell và tôi trung tín với việc nhóm lại học Kinh Thánh mỗi đêm. Một đêm nọ, cũng sau hai tuần Tim đến gia nhập với chúng tôi, có một thanh niên với mái tóc ngắn bước vào trong phòng tắm, anh ta nhìn chung quanh rồi tiến đến chỗ tôi:

-Tôi đến không quá muộn phải không? Anh ta hỏi.

– Quá muộn để là gì? Tôi hỏi lại. Tôi chưa bao giờ gặp người này trước đây.

– Quá trễ để gia nhập vào Bathroom Baptist Temple. Anh ấy nói.

Một chút hoài nghi, tôi hỏi lại: “Làm sao anh biết chúng tôi là nhóm Bathroom Baptist Temple?

– Tim và tôi là bạn cùng phòng. Anh ta nói. Tim đã cho tôi biết những gì các bạn đã làm ở đây. Anh ấy đã thay đổi tư duy của tôi, và tôi muốn gia nhập nhóm này.
Vậy là người bạn cùng phòng với Tim trở nên thành viên mới của nhóm Bathroom Baptist Temple trong đêm đó. Như vậy nhóm chúng tôi đã tang trưởng thêm 33% số lượng thành viên. Điều này làm cho chúng tôi trở thành “hội thánh” tăng trưởng nhanh nhất ở Virginia.

Tôi tiếp tục cầu nguyện và Đức Chúa Trời cũng tiếp tục trả lời. Chẳng bao lâu sau phòng tắm của ký túc xá trở nên chật chội. Đức Chúa Trời cảm động người quản lý khu ký túc xá, ông ấy dành cho chúng tôi một phòng riêng trong ký túc xá để nhóm họp học Kinh Thánh và cầu nguyện.

Bathroom Baptist Temple đã tăng trưởng nhanh chóng. Một năm sau đó, Darrell, Tim và Jim (bạn cùng phòng của Tim) đã thành lập những nhóm riêng của mình để thực hiện công tác môn đồ hóa. Trong những chương trước đây, chúng ta đã thảo luận về điều thứ nhất cho ba mục tiêu của môn dồ hóa: chinh phục người hư mất.  Câu chuyện trên đây minh họa cho mục tiêu thứ hai, cụ thể là, đối với mục vụ môn đồ hóa người được cứu, giúp đỡ họ trở thành một môn đệ tận tụy của Chúa Jêsus – là Đấng đã từ bỏ tất cả vì Tin Lành,  và cầu nguyện chinh phục người khác về cho Ngài.

Làm Thế Nào Để Thực Hiện Môn Đồ Hóa, Mục tiêu 2: Giúp Các Môn Đồ Trưởng Thành Giống Chúa Giê-su Càng Hơn.

Khi bạn giúp đỡ một người ăn năn tội lỗi, tin nhân Chúa Giê-su làm Cứu Chúa, thì mục vụ này vẫn chưa hoàn tất. Chúng ta cần tiếp tục hướng dẫn người đó học tập vâng phục theo tất cả những lời dạy của Chúa Giê-su. Người đó cần được môn đồ hóa.

Trong kinh nghiệm của chúng tôi, năm nguyên tắc sau đây có thể giúp đỡ bạn thực hiện tốt mục vụ môn đồ hóa. Mục tiêu chính là người mới qui đạo đi tới trong tiến trình trưởng thành để giống Đấng Christ càng hơn.

  1. Cầu nguyện cho các môn đồ.

Chúng ta nhìn vào tấm gương của Chúa Giê-su trong sách Lu-ca 6:12-13, “Trong lúc đó, Đức Chúa Jêsus đi lên núi để cầu nguyện; và thức thâu đêm cầu nguyện Đức Chúa Trời.  Đến sáng ngày, Ngài đòi môn đồ đến, chọn mười hai người gọi là sứ đồ.” Chúa Giê-su cũng truyền lệnh cho các môn đồ (bao hàm luôn cả chúng ta) là hãy cầu nguyện xin: “chủ mùa gặt sai con gặt đến trong mùa mình.” (Ma-thi-ơ 9:27-28). Đừng bao giờ đánh giá thấp quyền năng của lời cầu nguyện tìm kiếm các môn đồ tiềm năng (họ là những con gặt). Tôi đã đề cập chuyện này ở chương đầu tiên của sách.

Có một cách để tìm kiếm các môn đồ tiềm năng là đến với họ, chia sẻ về khải tượng mùa gặt, và cùng cầu nguyện với họ cho khải tượng này. Một vài điều kỳ diệu sẽ xảy ra. Thứ nhất, đã có người trong khu vực của bạn cầu nguyện cho mùa gặt những linh hồn. Thứ hai, Đức Chúa Trời cho bạn thấy ai là người có tấm lòng cưu mang đến mùa gặt. Thứ ba, Đức Chúa Trời phán với họ về mùa gặt. Thứ tư, Chúa hướng dẫn tôi gặp được người mà tôi muốn mời vào một mối quan hệ làm môn đồ có chủ ý.

  1. Xây dựng mối quan hệ với các “thợ gặt” đào tạo ra môn đồ tiềm năng.

Khi thi hành mục vụ, Giăng Báp-tít đã hướng chú ý của mọi người về Chúa Giê-su, “Kìa, Chiên con của Đức Chúa Trời!” (Giăng 1:36). Và điều này đã xảy ra: “Hai môn đồ nghe lời đó, bèn đi theo Đức Chúa Jêsus.  Đức Chúa Jêsus vừa xây lại, thấy hai người đi theo mình, thì phán rằng: Các ngươi tìm chi? Thưa rằng: Ra-bi (nghĩa là Thầy), Thầy ở đâu?  Ngài phán rằng: Hãy đến xem. Vậy, hai người đi, thấy nơi Ngài ở, và ở lại cùng Ngài trong ngày đó.” (Giăng 1:37-39). Điều tiếp theo chúng ta cũng được biết trong chương hai sách Giăng: “Cách ba ngày sau, có đám cưới tại thành Ca-na, trong xứ Ga-li-lê, và mẹ Đức Chúa Jêsus có tại đó.  Đức Chúa Jêsus cũng được mời đến dự đám với môn đồ Ngài  (Giăng 2:1-2). Các môn đồ đi theo Chúa Giê-su, họ ở với Ngài và cuối cùng họ “tin Ngài” (Giăng 2:11)

Các môn đồ đầu tiên đã đi theo Chúa trong suốt các lộ trình của chức vụ Ngài. Họ chứng kiến Ngài chia sẻ Phúc âm với Ni-cô-đem (Giăng 3) và người phụ nữ Sa-ma-ri (Giăng 4). Chúng ta đọc tiếp các trường hợp Chúa kêu gọi các môn đệ trở nên tay đánh lưới người: “Khi Ngài đang đi dọc theo mé biển Ga-li-lê, thấy hai anh em kia, là Si-môn, cũng gọi là Phi-e-rơ, với em là Anh-rê, đương thả lưới dưới biển, vì hai anh em vốn là người đánh cá.  Ngài phán cùng hai người rằng: Các ngươi hãy theo ta, ta sẽ cho các ngươi nên tay đánh lưới người.  Hai anh em liền bỏ lưới mà theo Ngài.  Từ đó đi một đỗi xa xa nữa, Ngài thấy hai anh em khác, là Gia-cơ, con của Xê-bê-đê, với em là Giăng, đang cùng cha mình là Xê-bê-đê vá lưới trong thuyền; Ngài bèn gọi hai người.  Tức thì hai người đó bỏ thuyền và cha mình mà theo Ngài.” (Ma-thi-ơ 4:18-22).

NGÀI THAY ĐỔI ĐỜI SỐNG CHÚNG TA.

Khi tôi còn ở tuổi vị thành niên, hội thánh địa phương đã mời  Lee Simmons, một mục sư trẻ tuổi đến phục vụ. Anh ấy là một người bình thường nhưng có một lòng đam mê cháy bỏng để phục vụ Đức Chúa Trời và hội thánh. Anh ấy tuôn đổ sự sống vì hội thánh và trở thành mục sư được yêu mến từ tất cả chúng tôi.

Simmons đã truyền cảm hứng từ khải tượng của anh để giúp chúng tôi trưởng thành trong đời sống theo Chúa và phục vụ. Simmons là người bạn của chúng tôi, anh ấy tuyển chọn các môn đồ tiềm năng và khởi sự tiến trỉnh đồ hóa. Anh ấy chơi bóng cùng chúng tôi và dạy cho chúng tôi các bài học từ Kinh Thánh. Anh ấy sống với những cảm xúc vui buồn của chúng tôi và trở thành người tư vấn cho các câu hỏi. Chúng tôi dành thời gian ở nhà anh khá nhiều và đôi khi làm trở  ngại cho sinh hoạt của vợ chồng anh. Anh ấy giống Chúa Giê-su trong nhiều lĩnh vực và điều này làm cho anh có ảnh hưởng rõ rệt trên đời sống và mục vụ của những người mà anh đã môn đồ hóa họ.

Môn đồ hóa không phải là chạy theo một chương trình cứng ngắc, nó là một sư đầu tư thời gian vào con người. Không có con người thì sẽ không có môn đồ hóa. Các mục tiêu, kế hoạch, dự án có thể rất quan trọng, nhưng chúng chỉ có ý nghĩa khi chúng ta kết nối nó với công tác môn đồ hóa.

Tôi là một người thiết kế nhiều dự án. Tôi đã học được rất sớm về hiệu quả của công tác môn đồ hóa gắn chặt với khả năng của tôi là cùng sống với mọi người và ảnh hưởng đến họ. Hiệu quả của môn đồ hóa phụ thuộc vào hiệu quả mối quan hệ của bạn với con người. Đơn giản là nếu người ta không thích bạn, họ sẽ không đến trong nhóm môn đồ hóa của bạn. Ngoài ra, nếu bạn không có tình yêu thương với con người, bạn sẽ không có khả năng để ảnh hưởng đến họ.

 

CÁC MỐI QUAN HỆ

Các mối quan hệ có thể được hiểu như các tài khoản trong ngân hàng. Dĩ nhiên chung quanh bạn sẽ có những con người nào đó mà có thể được ảnh hường tích cực từ nếp sống tin kính của bạn. Mỗi tương tác tích cực với con người tượng trưng cho việc tạo ra một khoản tiền gửi trong tài khoản đó trong khi mọi cuộc gặp gỡ tiêu cực dẫn đến việc rút tiền. Chúng ta ảnh hưởng đến mọi người dễ dàng nhất khi có một sự cân bằng tích cực trong tài khoản các mối quan hệ. Chúng ta cũng tranh thủ để gây ảnh hưởng đến con người khi có ít hoặc không có vốn sở hữu trong tài khoản về các mối quan hệ.

Công tác môn đồ hóa là thực hiện các kỹ năng để làm cho tài khoản các mối quan hệ trong ngân hàng của bạn gia tang dẫn đến việc bạn tạo ảnh hưởng tích cực trên người khác. Vì vậy khi bạn kêu gọi họ thực hiện một cam kết thuộc linh họ rất dễ dàng đi theo bạn.

Những người thành công trong công tác môn đồ hóa quyết định làm chủ tài khoản các mối quan hệ trong ngân hang. Họ liên tục nghĩ ra cách để gia tăng thêm lợi tức trong tài khoản các mối quan hệ. Họ luôn săn tìm những người mà họ hy vọng là  sẽ trở thành môn đồ Đấng Christ. Họ không chỉ được ưa chuộng, mà họ còn dễ dàng để người khác đi theo mình. Họ hiểu rằng công tác môn đồ hóa hiệu quả khi tiến trình của nó cứ phát triển liên tục trong các mối quan hệ với con người chung quanh.

  1. Mời Các Môn Đồ Tiềm Năng Tham Gia Vào Nhóm Phát Triển Môn Đồ Hóa.

Dĩ nhiên chúng ta phải nhận thức rằng chính Đức Chúa Trời là người đào tạo các môn đồ. Chúa Giê-su đã cầu nguyện cho các môn đồ: “Xin Cha lấy lẽ thật khiến họ nên thánh. Lời Cha tức là lẽ thật.” (Giăng 17:17). Mục vụ của tôi là đưa các tân tín hữu vào một môi trường thân thiện, nơi đó họ đượ học Lời của Đức Chúa Trời. Chính Lời này sẽ thánh hóa họ.

Jim Putnam đã mở ra Hội thánh Real Life tại Post Falls, Idaho. Hội thánh này thành lập vào năm 1998, và trong mười hai năm đầu tiên đã có tám ngàn thành viên, trong đó 90% các thành viên sinh hoạt trong các nhóm nhỏ rất thuận tiện cho việc thực hiện công tác môn đồ hóa. Về điều này, Putnam viết, “Khi nói đến môn đồ hóa thì các mối quan hệ là đường ống. Chúng là những ống dẫn truyền các phẩm chất quý giá của môn đồ đến người khác.”3

John Wesley đã từng rao giảng cho hai mươi ngàn người trên các cánh đồng rộng lớn. Hàng trăm người đã được thức tỉnh thuộc linh nhờ vào quyền năng của Phúc âm. Tuy nhiên, việc rao giảng tại hiện trường chỉ đơn giản là cánh cửa để thu thập sự đói khát thuộc linh vào những nhóm nhỏ mà ông gọi là “các cuộc họp lớp”. Trong tâm trí của ông, các cuộc họp lớp là rất cần thiết. Ông đã huấn luyện các môn đồ tiềm năng, “hãy nắm lấy cơ hội để rao giảng ở nhiều nơi. Bắt đầu nhiều lớp học Kinh Thánh ngay khi có thể làm việc đó. Đừng rao giảng mà không bắt đầu lớp học mới.”

Một khi trở thành đã trở thành một tín đồ và tỏ ra quan tâm đến việc tìm hiểu về Đấng Christ, tôi mời họ tham gia cùng tôi trong một nhóm nhỏ nghiên cứu Kinh Thánh. Nhóm trở thành ngôi thuộc linh giúp họ tăng trưởng khi tham gia vào học Lời Chúa, sự cầu nguyện, chia sẻ tình yêu và trách nhiệm giải trình.

ĐỪNG BAO GIỜ ĐÁNH GIÁ THẤP QUYỀN NĂNG CỦA MỘT NHÓM

 

Khi Chúa Giê-su chọn các môn đồ tiềm năng, Ngài thành lập nhóm mười hai người (Mác 3:13-14). Ngài huấn luyện họ. Ngài cũng làm như vậy trong những nhóm nhỏ hơn.

Sau nhiều năm thành công nhỏ giọt trong cách môn đồ hóa một người huấn luyện một người, tôi nhận ra cả Chúa Giê-su và Phao-lô đều làm công tác môn đồ hóa trong các nhóm, tôi đã chuyển đổi chiến thuật của mình. Tôi bắt đầu môn đồ hóa theo từng nhóm. Hiển nhiên, tỷ lệ thành công của tôi gia tăng đáng kể. Bây giờ tôi nhận ra phương cách tốt nhất để làm công tác môn đồ hóa là tiến hành trong các nhóm nhỏ. Điều đó rất có ý nghĩa, và qui trình cứ được lập đi lập lại.

NĂM YẾU TỐ CẤU THÀNH CỦA MÔN ĐỒ HÓA THEO NHÓM

Trong kinh nghiệm cá nhân, tôi quân bình năm yếu tố sau đây khi tiến hành môn đồ hóa theo nhóm:

Chào Mừng: Tập chú vào từng người trong nhóm, mỗi người đều được hoan nghênh khi bước vào tham gia một nhóm. Chào mừng cũng liên quan đến việc có một số món ăn nhẹ cho họ thưởng thức khi họ hòa mình với nhau. Điều này sẽ phá vỡ bầu không khi băng giá trong nhóm và làm cho họ được kéo lại gần nhau hơn.

Thờ phượng: Tập chú vào Đức Chúa Trời. Ngợi khen Đức Chúa Trời về Ngài là ai. Cầu nguyện và cảm tạ Đức Chúa Trời về những gì Ngài đã làm. Trong sự thờ phượng cũng bao hàm sự xưng tội để nhận được sự tha thứ từ Chúa. Công bố sự tốt lành của Ngài và bày tỏ ước muốn theo đuổi Ngài. Sử dụng các loại nhạc cụ khi ca hát tôn vinh Chúa qua các bài Thánh ca.

Chia sả Lời: Tập chú vào Kinh Thánh. Cùng nhau thảo luận về chủ đề chính trong đoạn Kinh Thánh, nhấn mạnh phần áp dụng Kinh Thánh vào đời sống nhiều hơn là nhận được tri thức.

Các mục vụ:  Là những việc mà Chúa làm việc trong cuộc sống của chúng ta thông qua trách nhiệm giải trình. Điều này liên quan đến câu hỏi dành cho mỗi cá nhân là sẽ áp dụng Lời Chúa như thế nào trong tuần kế tiếp. Chú ý đến những nhóm nhỏ hơn gồm hai hoặc ba thành viên cùng giới tính. Họ sẽ cùng nói lên phương cách mà họ áp dụng Lời Chúa vào cuộc sống, và rồi cầu nguyện cho nhau.

Làm chứng: Dành thì giờ mỗi tuần để cầu nguyện cho những người hư mất. Điều này liên quan đến chiến lược phát triển Phúc âm. Mục tiêu là mỗi người cầu nguyện ít nhất cho một người và xin Đức Chúa Trời ban cho cơ hội để tiếp xúc làm chứng. Khi có hai hay ba tín nhân cùng cầu nguyện cho một người hư mất mỗi tuần, thì Đức Chúa Trời không chỉ làm việc trong đời sống của người đang được cầu nguyện đó mà Ngài cũng vận hành trong những tín nhân sẽ đi ra làm chứng cho người đó.

Chương Trình Tham Khảo Cho Một Nhóm

CHÀO MỪNG: 6:50 -7:20 p.m

THỜ PHƯỢNG: 7:20-7:30 p.m

CHIA SẺ LỜI: 7:30-8:00 p.m

CÁC MỤC VỤ: 8:00 -8:20 p.m

LÀM CHỨNG: 8:20-8:30 p.m

 

  1. Cung cấp cho họ cơ hội thực hành các bài huấn luyện

Chúa Giê-su đã thiết lập mục tiêu truyền bá Tin lành trên thế giới cho các môn đồ trước khi Ngài thăng thiên. “Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền phép, và làm chứng về ta tại thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri, cho đến cùng trái đất.” (Công. 1:8). Điều này không làm cho các môn đồ bất ngờ, họ được chuẩn bị cho tiến trình rao giảng Phúc âm.

Đầu tiên, Ngài cho phép họ đi cùng Ngài để học tập và quan sát cách Ngài thực hiện các mục vụ. Thứ hai, trước khi để các môn đồ trải nghiệm thế nào là truyền giáo, Ngài đã cho họ một bài học toàn diện về những gì sẽ xảy đến trong mục vụ (Ma-thi-ơ 10:5-42; Lu-ca 9:1-5; 10:1-12). Thứ ba, Ngài sai phái họ ra đi với một bạn đồng công khác (Ma-thi-ơ 10:5; Lu-ca 9:2). Thứ tư, Ngài có thời gian để nghe các môn đồ tường trình về mục vụ của họ (Lu-ca 9:10; 10:17-20)

Khi tôi hướng dẫn một nhóm, tôi cũng thực hiện theo tiến trình trên đây của Chúa Giê-su. Mục tiêu là các môn đồ sẽ trưởng thành qua tiến trình này cho đến khi họ bắt đầu hướng dẫn một nhóm mới.

  1. Cầu nguyện hằng ngày cho các môn đồ và những người mà họ đang hướng dẫn.

Chúa Giê-su không dừng lại sự cầu nguyện cho các môn đồ khi họ đã bước vào trong nhóm của Ngài.  Trong suốt ba năm chức vụ, chúa Giê-su luôn cầu nguyện với Cha. Ngài truyền bảo cho Phi-e-rơ biết rằng Ngài cầu nguyện cho người học trò này: “Ta đã cầu nguyện cho ngươi, hầu cho đức tin ngươi không thiếu thốn. Vậy, đến khi ngươi đã hối cải, hãy làm cho vững chí anh em mình.” (Lu-ca 22:32). Trong vườn Ghết-sê-ma-nê Ngài cầu nguyện cho các môn đồ (Giăng 17:19). Tôi học tinh thần cầu nguyện này của Chúa Giê-su. Lời cầu nguyện ấy bao gồm các thỉnh cầu sau:

-Đức Con được vinh hiển xuyên qua các môn đồ (Giăng 17:1)

-Hiệp một giữa vòng các môn đồ (Giăng 17:11, 21-22)

-Đổ đầy cho các môn đồ sự vui mừng đầy trọn (Giăng 17:13)

-Bảo vệ các môn đồ khỏi kẻ ác (Giăng 17:11, 15)

-Thánh hóa các môn đồ xuyên qua Lời (Giăng 17:17)

-Sai các môn đồ ra đi (Giăng 17:18)

Một điều lưu ý trong lời cầu nguyện của Chúa Giê-su, là Ngài không chỉ cầu nguyện cho các môn đồ của Ngài mà còn cầu nguyện cho những người sẽ nghe lời rao giảng của họ nữa. “Ấy chẳng những vì họ mà Con cầu xin thôi đâu, nhưng cũng vì kẻ sẽ nghe lời họ mà tin đến Con nữa.” (Giăng 17:20)

Nếu chỉ cầu nguyện cho những người ở trong nhóm của bạn là không đủ. Chúng ta phải cầu nguyện cho những người khác – các đối tượng mà tín nhân đi ra làm chứng, cho đến khi các môn đồ trưởng thành và họ mở ra một nhóm mới nằm dưới sự hướng dẫn của họ. Hãy nhớ lại kết quả trong sự tìm kiếm của Joel Comiskey. Ông ấy nhận thấy rằng những người đào tạo môn đồ mà “dành 90 phút trở lên trong các chương trình cầu nguyện hàng ngày sẽ gia tăng các nhóm của họ gấp đôi số người chỉ dành ít hơn nửa giờ mỗi ngày.”6 Đặc biệt hơn, ông cũng phát hiện ra rằng những người đào tạo môn đồ mà cầu nguyện hàng ngày cho những người trong nhóm của họ “có nhiều khả năng gia tăng nhanh chóng” các thành viên của họ thành những người lãnh đạo hơn là những ai chỉ thỉnh thoảng cầu nguyện cho các thành viên trong nhóm của mình một lần.7

Câu hỏi suy ngẫm

  1. Bạn đang đầu tư cho ai trong tương lai?
  2. Bạn làm gì để gia tang các môn đồ cho Chúa Giê-su?
  3. Nếu bạn không là người đào tạo môn đồ, thì ai là người đó?
  4. Nếu bạn không thích làm việc cho Chúa ở đây, vậy bạn chọn chỗ nào?
  5. Nếu không phải bây giờ là thì giờ và cơ hội của bạn, vậy thì khi nào?

 

Các ghi chú

 

16

Môn Đồ Hóa là….

Trở Thành Người Đào Tạo Môn Đồ Nhân Bội Giống Như Phao-lô

Phao-lô: Môn dồ

Chúng ta đã nói trước đây Phao-lô là môn đồ của Ga-ma-li-ên, một trong những Ra-bi nổi tiếng vào lúc ấy (Công. 22:3). Trước khi gặp Chúa, Phao-lô là thành viên của nhóm Pha-ri-si (Công. 23:6-8; 26:4-5; Phi-líp 3:5). Được huấn luyện từ Ga-ma-li-ên, Phao-lô nhớ nhiều phần Kinh văn của Cựu Ước.

Là một người Do-thái cuồng nhiệt, Phao-lô nổi bật trong nhóm Pha-ri-si. Theo sách Công vụ, Phao-lô đã sử dụng thế lực của mình để bắt bớ hội thánh (Công. 7:58; 8:1-3). Tuy nhiên khi tiến hành khủng bố hội thánh, ông đã chạm trán với Chúa Giê-su trên đường tới Đa-mách. Trong sự kiện này ông đã nghe tiếng Chúa Giê-su và mắt ông bị mù (Công. 9:1-9). Ngay sau đó ông trở thành một người tin theo Chúa Giê-su. Đức Chúa Trời đã dùng A-na-nia để xác nhận sự kêu gọi đặc biệt mà Chúa dành cho Phao-lô, đồng thời cầu nguyện cho ông được sáng mắt lại và làm báp-tem cho (Công. 9:10-18). Từ thời điểm đó Phao-lô đã trải qua khoảng ba năm để học về Chúa Giê-su (Ga-la-ti 1:11-12, 15-18).

Là một người mới, Phao-lô trở thành môn đồ của Ba-na-ba, một người lãnh đạo hội thánh. Ba-na-ba bênh vực Phao-lô trước nhóm những người lãnh đạo hội thánh tại Giê-ru-sa-lem (Công. 9:27). Sau đó Ba-na-ba đem Phao-lô về An-ti-ốt để giúp đỡ hội thánh tại đây (Công. 11:25-26).

Đến Công vụ 13:1-3, cả hai sứ đồ Phao-lô và Ba-na-ba được hội thánh An-ti-ốt đặt tay cầu nguyện, sai đi trong công tác truyền giáo, đào tạo môn đồ và gieo trồng các hội thánh giữa vòng dân ngoại bang. Trên hành trình truyền giáo vai trò của Phao-lô bắt đầu nổi bật qua một chuỗi các sự kiện tiếp theo (Công vụ 13:4-13).

Phao-lô: Người Đào Tạo Môn Đồ

Là một Ra-bi, Phao-lô có những học trò theo mình. Chúng ta nói về những môn đệ theo Chúa Giê-su được Phao-lô huấn luyện sau sự cải đạo của ông. Khi Phao-lô gặp nguy hiểm, có thể bị người Do-thái giết chết, các môn đồ đã tìm cách bảo vệ ông. “Người Giu-đa mưu với nhau để giết Sau-lơ.  Nhưng có người báo tin cho Sau-lơ về cơ mưu chúng nó. Người ta lại giữ các cửa cả ngày và đêm đặng giết Sau-lơ.  Song lúc ban đêm, các môn đồ lấy thúng dòng người xuống ngoài vách thành (Công vụ 9:23-25).

Trên ba mươi năm sau đó, Phao-lô đã đào tạo nhiều môn đồ trong các mục vụ truyền giáo. Kinh Thánh ghi lại có hơn ba mười người cả nam và nữ được Phao-lô huấn luyện. Chúng ta có thể kể ra: Luke, Silas, Timothy, Titus, Aquila và Priscilla, Erastus, Sopater, Aristarchus, Secundus, Gaius, Tychicus, Trophimus.

Những người trên đây là kết quả bông trái của chức vụ sứ đồ Phao-lô. Họ không những được ông huấn luyện mà còn đồng hành với vị sứ đồ trong nhiều mục vụ. Có thể nói Phao-lô đã hoàn thành đại mạng lệnh của Đức Chúa Giê-su ủy thác, đã gieo trồng nhiều hội thánh, là người đào tạo môn đồ nổi bật trong Tân Ước.

Phao-lô: Người làm cho bội lên

Một trong những môn đồ gần gũi nhất với Phao-lô là Ti-mô-thê. Phao-lô đã ủy thác cho Ti-mô-thê vào vị trí người chăn bầy hội thánh tại Ê-phê-sô. Từ thành phố chiến lược này, Tin Lành đã lan rộng ra khắp vùng Tiếu Á (Công. 19:10; Khải. 2-3). Phao-lô đã viết hai thư tín gởi cho Ti-mô-thê đang nắm giữ vai trò của một mục sư trẻ tuổi. Trong thứ tín đó Phao-lô nhắc nhở Ti-mô-thê về tiến trình đào tạo môn đồ để làm cho nhân bội lên:

“Những điều con đã nghe nơi ta ở trước mặt nhiều người chứng, hãy giao phó cho mấy người trung thành, cũng có tài dạy dỗ kẻ khác.” (2 Ti-mô-thê 2:2)

Chú ý là trong câu Kinh Thánh trên có bốn thế hệ cho sự nhân bội thuộc linh ở đây. (1) Phao-lô, (2) Ti-mô-thê, (3) những người trung thành, (4) những người khác. Điều Phao-lô muốn Ti-mô-thê phải thực hiện giữa muôn vàn công tác trong chức vụ mục sư, đó là nhân bội – gia tăng các môn đồ qua một qui trình. Các môn đồ được đào tạo qua chức vụ Ti-mô-thê, đến lượt họ phải huấn luyện cho các môn đồ khác. Và tiến trình này cứ tiếp tục mãi.

Trong hai chương trước, chúng ta đã nói về hai mục tiêu cho môn đồ: chinh phục người hư mất và môn đồ hóa người được cứu. Tron g chương này, chúng tôi gợi ý sáu nguyên tắc cho việc nhân bội môn đồ giống như Phao-lô.

Làm thế nào để môn đồ hóa. Mục tiêu thứ ba: Nhân bội Môn đồ giống như Phao-lô1

1.Nắm vững những điều mà Đức Chúa Trời đã dạy bạn

MỌI ĐIỀU MÀ CHÚA GIÊ-SU ĐÃ TRUYỀN

Trong khi ẩn dật, bị cô lập ở sa mạc Arabia ba năm, Phao-lô đã nhận được những khải thị từ Đức Chúa Trời. Đây là căn bản của những điều mà ông sẽ chuyển giao cho người khác. Chúng ta đọc bốn sách Tin Lành cộng quan gồm Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca và Giăng bao gồm những lời dạy của Chúa Giê-su. Là môn đồ chúng ta phải vâng phục theo những lời dạy đó – điều này cũng có nghĩa là chúng ta biết rõ những lời dạy đó.

Tôi cẩn thận đọc những lời truyền dạy của Chúa Giê-su, vâng phục và áp dụng những lời đó. Tôi đọc một chương của các sách Phúc Âm mỗi ngày. Khi đã đọc hết bốn sách Phúc âm tôi quay trở lại đọc từ đầu với một bản dịch khác để đối chiếu và nghiên cứu. Tôi cũng đọc các sách chú giải kèm theo Kinh Thánh. Nhờ vậy tôi tìm thấy nhiều thông tin hữu ích để áp dụng cho cá nhân và chia sẻ cho người khác.

NHỮNG ĐIỀU MÀ BẠN ĐÃ HỌC TỪ PHAO-LÔ

Trong 2 Ti-mô-thê 2:2, Phao-lô viết: “Những điều con đã nghe nơi ta ở trước mặt nhiều người chứng, hãy giao phó cho mấy người trung thành, cũng có tài dạy dỗ kẻ khác.” Chúng ta có tất cả các lá thư của Phao-lô trong Tân Ước. Song hành với đọc bốn sách Phúc Âm, bạn cũng có thể đọc một chương trong các thư tín của Phao-lô mỗi ngày để nắm bắt tất cả những bài học mà vị sứ đồ muốn dạy. Hoặc sau khi bạn đọc xong các sách Phúc Âm và Công vụ, bạn có thể bắt đầu với chương một của sách Rô-ma.

NHỮNG BÀI HỌC MÀ ĐỨC CHÚA TRỜI ĐÃ DẠY BẠN TRONG ĐỒNG VẮNG

Trong thời gian ở trong sa mạc Arabia, Phao-lô đã nhận được những bài học từ Chúa. Tất cả chúng ta cũng có những thời gian trong đồng vắng. Mỗi người chúng ta cũng đã trải qua những giai đoạn của sự buồn khổ, cô đơn. Đức Chúa Trời cho phép những điều đó xảy ra, hầu cho khi đi qua khổ nạn chúng ta có tư cách để an ủi người khác trong những cảnh ngộ mà họ gặp. Hãy nhìn lại những thời khắc khó khăn nhất trong cuộc đời bạn. Hãy ghi lại những bài học mà Chúa dạy bạn trong lúc đó.

NHỮNG BÀI HỌC KHÁC MÀ ĐỨC CHÚA TRỜI ĐÃ DẠY BAN

Bạn cũng có những bài học khác có giá trị để chia sẻ với những người mà bạn đang môn đồ hóa. Vào năm mười chín tuổi, tôi đang học năm thứ hai ở Đại học, tôi cố gắng môn đồ hóa một vài người. Tôi không biết nhiều về Kinh Thánh hoặc có nhiều điều để chia sẻ, nhưng tôi có đủ tự tin để bắt đầu với một vài bạn học trong lớp. Về căn bản tôi biết thế nào là cầu nguyện, các câu Kinh Thánh mà tôi hiểu và nhớ. Tôi đã dẫn một vài bạn bè đến với Chúa Giê-su.

Hãy liệt kê ra năm điều mà bạn đã học được khiến bạn trở nên tốt hơn khi bước theo Chúa?

 

 

 

Hãy liệt kê năm điều nữa mà bạn mong đợi một ai đó dạy cho bạn trong những ngày đầu tiên sau khi bạn tin Chúa?

 

 

Viết xuống mười câu Kinh Thánh đã tác động tích cực vào đời sống của bạn?

 

 

 

Viết ra năm quyển sách Cơ đốc mà bạn từng đọc đã gây ảnh hưởng nhất khi bạn bước đi với Đức Chúa Trời?

  1. Nhận ra những người trung thành có tài dạy dỗ kẻ khác.

Phao-lô nhắc nhở Ti-mô-thê chú ý đến những người trung thành có tài dạy dỗ kẻ khác. “Những điều con đã nghe nơi ta ở trước mặt nhiều người chứng, hãy giao phó cho mấy người trung thành, cũng có tài dạy dỗ kẻ khác.” (2 Ti. 2:2). Hãy đầu tư thời gian của bạn cho những người này – đây sẽ là sự lựa chọn khôn ngoan của bạn. Họ có khả năng đi xa hơn, kết quả nhiều hơn cho Chủ mùa gặt.

Chúa Giê-su đã chọn mười hai người trong đội huấn luyện của Ngài, họ được gọi là sứ đồ (Mác 3:13-14; Lu-ca 10:1-3). Khi tìm kiếm những người tiềm năng cho Phúc âm, tôi thường chú ý đến ba đặc điểm nổi bật:

Trung thành: Phao-lô nhắc nhở Ti-mô-thê giao phó/ủy thác những bài học từ Phao-lô cho những người trung thành.

Sẵn sàng: Nhiều người Chúa Giê-su chọn là rất trẻ với tuổi đời chừng hai mươi. Hãy nghĩ đến các sinh viên đang học ở các Trường Đại học, tại sao chúng ta không đầu tư thì giờ, năng lực của chúng ta cho các bạn trẻ này? Hãy nghĩ đến những ảnh hưởng tích cực của Phúc âm mà nhóm các em sinh viên này sẽ có trong các Trường Đại học và Cao đẳng. Trong mục vụ của mình, tôi đã chuyển trọng tâm sang những người trẻ, những người độc thân bởi vì họ có thời gian linh động

để được huấn luyện và trở nên môn đồ tiềm năng.

Có thể dạy được: Bạn không thể dạy cho những người mà họ cho rằng họ biết tất cả. Hãy tìm kiếm những người thực sự đói khát thuộc linh.

TÌM KIẾM SỰ NHÂN BỘI TIỀM NĂNG Ở ĐÂU

Tôi đã tìm thấy những người đào tạo môn đồ thành công trong nhiều mối liên hệ khác nhau sau đây:

Các thành viên trong nhóm môn đồ hóa:  Đây là nơi đầu tiên nhất, bởi vì những người này sẵn sàng trong mối liên hệ với bạn.

Những người trong nhóm của bạn mà bày tỏ ra tinh thần phục vụ người khác: Trong một buổi học Kinh Thánh của nhóm nhỏ, tôi đưa ra câu hỏi thử nghiệm: “Ai sẽ chịu trách nhiệm liên lạc với nhũng người mà tối hôm nay không đến?” Có vài người đưa tay lên – những người này sẽ là những người tiếp nối bạn để đào tạo môn đồ tiềm năng.

Những người sẵn sàng cam kết giữ mối liên hệ với bạn: Hãy tìm kiếm những người có thể sắp xếp thời gian và trông đợi gặp bạn để được huấn luyện.

Các thành viên trong những nhóm trước đây: Là những người đã có mối liên hệ với bạn trong quá khứ. Họ là những người đã được bạn hướng dẫn, họ đang có mặt trong hội thánh. Trước đây có lẽ họ chưa sẵn sàng cho sự dấn thân, nhưng bây giờ họ có những tín hiệu tốt của một đời sống trưởng thành. Hãy tiếp xúc và giúp đỡ họ trở thành người nhân bội các môn đồ.

Những người đi nhà thờ nhưng không có bất kỳ sự phục vụ nào: Hãy mời họ tham gia vào nhóm của bạn và chỉ cho họ biết họ có thể bắt đầu từ đâu cho công tác môn đồ hóa.

Các thành viên trong gia đình: Hai người lãnh đạo hội thánh Gia-cơ và Giu-đe trong Tân Ước là anh em với Chúa Giê-su. Các môn đồ của Chúa Giê-su cũng bao hàm những người trong gia  đình: anh em trai, anh em họ, các cô dì, các cháu và một người khác. Đức Chúa Trời là Đấng tể trị, Ngài ban cho chúng ta có gia đình cùng sống với nhau. Đôi khi mục vụ tốt nhất của chúng ta là ngay trong chính gia đình. Hiện tại tôi đang huấn luyện chương trình đào tạo môn đồ cho các con trai của tôi.

Những người bạn: Hãy nhìn vào các bạn bè của bạn và những người bạn của họ (chúng ta gọi nhóm này là R 1). Xa hơn nữa, hãy làm quen với những người có mối liên hệ với những người thuộc nhóm R 1 – đó là bạn và cha mẹ của họ. Rất có thể là những môn đồ tiềm năng đang ở giữ vòng nhóm người này.

Những người mới qui đạo: Là những người đang có sự biến đổi kỳ diệu trong tâm linh. Họ có những người bạn chưa tin và muốn làm chứng cho bạn của mình. Người mới qui đạo có khả năng gây ảnh hưởng trong nhóm bạn của họ khi mà sự biến đổi họ có trong Christ không ai phủ nhận được.

Những người mang tâm trạng tuyệt vọng hay đang bị tổn thương: Neil Cole tin một cách mạnh mẽ rằng nhóm người này có thể trở thành môn đồ tiềm năng. Ông viết, “Chúng ta phải bắt đầu với những người tuyệt vọng là những người sẽ níu bám lấy Phúc âm trong nỗ lực cuối cùng.”2 Ông cũng viết, “Người xấu sẽ làm cho đất tốt. Có rất nhiều phân bón trong đời sống của họ.”3

 

3.Lập thời khóa biểu để gặp gỡ thường xuyên “Những Người Trung Thành”

Phao-lô đã ân cần nhắc nhở Ti-mô-thê: “Những điều con đã nghe nơi ta ở trước mặt nhiều người chứng, hãy giao phó cho mấy người trung thành, cũng có tài dạy dỗ kẻ khác.” (2 Tim. 2:2). Chúng ta cần đầu tư thì giờ cho những người trung thành một cách thường xuyên. Điều này có thể kéo dài trong nhiều năm tháng cho đến khi những người này đứng vững trong lẽ thật và sản sinh ra kết quả. Phao-lô đã tận hiến thì giờ của ông cho việc đào tạo môn đồ khi ông đi từ nơi này đến nơi khác trong hành trình truyền giáo.

Có bao nhiêu lần trong tuần bạn gặp những người trung thành để làm công tác huấn luyện? Câu trả lời là càng nhiều càng tốt. Trong kinh nghiệm của mình, tôi đã gặp những người này mỗi đêm trong tuần, trước khi họ trưởng thành đủ để hướng dẫn người khác. Có trường hợp tôi gặp một thanh niên trẻ một hoặc hai lần trong tuần vào giờ ăn trưa trong suốt ba năm. Anh ấy và vợ cũng đến nhà tôi ăn cơm một buổi tối trong tuần và học Kinh Thánh trong suốt một năm. Ngày hôm nay người này đã trở thành một mục sư đào tạo môn đồ năng động. Hiện nay tôi gặp một vài người trẻ một lần trong tuần để ăn tối và học Kinh Thánh, và bốn lần trong một tuần dành cho sự cầu nguyện. Đây là cách chúng ta đầu tư thì giờ và sức lực của mình cho những người trung thành.

Chúng ta thường bận rộn với những công việc khác và cho rằng đó là “mục vụ” của mình. Thực ra mục vụ đích thực của chúng ta trong công tác môn đồ hóa chính là dành thời gian cho những người trung thành.

  1. Cùng nhau thi hành mục vụ

Phao-lô đã mời Ti-mô-thê tháp tùng với ông trong chuyến truyền giáo lần thứ hai (Công. 16:3). Ti-mô-thê đã có cơ hội quan sát và học tập thầy Phao-lô của mình trong suốt ba năm trong cách rao giảng Phúc âm và môn đồ hóa. Ti-mô-thê đã chứng kiến thế nào Phao-lô và Si-la đã gieo trồng các hội thánh tại thành Phi-líp (Công. 16:12-13), tại Tê-sa-lơ-ni-ca (Công. 17:1-10) và Cô-rin-tô (Công. 18:1-18). Ti-mô-thê không chỉ học tập từ Phao-lô mà còn trong những trải nghiệm cá nhân. Cũng cá nhân. Cũng vậy, nếu bạn là một người đào tạo môn đồ thì những người khác sẽ nhìn vào bạn hơn là các sứ điệp mà bạn chia sẻ.

Tất cả các con trai của chúng tôi đã ở bên cạnh Cathy và tôi trong khi tôi hướng dẫn một lớp học Kinh Thánh cho những học sinh của Trường Trung học bên ngoài hội thánh. Nhóm của chúng tôi cũng có trên năm mươi trẻ em tập họp mỗi tuần để chơi và học Kinh Thánh. Hằng tháng có một số em tiếp nhận Chúa Giê-su Christ. Chúng tôi cũng huấn luyện những người lãnh đạo mới và gởi họ ra đi để thành lập các nhóm môn đồ mới mỗi năm. Tại thời điểm này tôi biết Chúa đã làm qua tôi nhiều hơn là những gì tôi đã trông đợi trước đây.

Khi các con trai của tôi vào Đại học, chúng nó trở thành những người lãnh đạo các nhóm sinh viên học Kinh Thánh ở Trường và chúng nó cũng huấn luyện thêm những người lãnh đạo mới. Andrew cũng đã hướng dẫn chừng một trăm trẻ em trong mỗi đêm thứ sáu. Daniel hướng dẫn một nhóm sáu mươi trẻ em thường xuyên giữ sự cầu nguyện. Khi Luke mười tám tuổi, nó bắt đầu huấn luyện những người lãnh đạo nhóm nhỏ.

Một ngày nọ tất cả chúng tôi đều có mặt ở nhà dùng bữa trưa. Tôi hỏi chúng nó đã học được gì khi trở thành những người đào tạo môn đồ hiệu quả. Các con tôi tôi trả lời: “Chúng con chỉ nhìn xem những gì bố đã làm và làm lại những gì mà chúng con đã thấy bố làm.”

  1. Hãy để họ đi ra thi hành mục vụ mà không có bạn.    

Trong suốt chuyến đi truyền giáo lần thứ hai, Phao-lô bị những người Do-thái bảo thủ tại Tê-sa-lô-ni-ca tìm cách giết ông. Phao-lô phải chạy trốn đến Berea là nơi mà ông gieo trồng một hội thánh. Dù vậy những người Do-thái quá khích tìm thấy Phao-lô và họ rượt đuổi ông ra khỏi nơi này. Tuy nhiên hội thánh mới tại Berea không hụt hẩng vì thiếu vắng người lãnh đạo. Khi Phao-lô rời đi để đến A-thên, ông đã chuẩn bị cho Si-la và Ti-mô-thê tiếp tục các mục vụ khi ông không có ở đó (Công. 17:14)

Phát triển những người lãnh đạo tiềm năng là phương cách Phao-lô sử dụng trong mục vụ của mình. Tiến trình này rất đơn giản (chúng ta sẽ thảo luận sâu hơn điều này trong chương tiếp theo.)

  1. Bạn thực hiện các mục vụ theo cách mà bạn đã quan sát và học tập từ người lãnh đạo trước đó.
  2. Những người kế thừa thực hiện các mục vụ để cho bạn quan sát và huấn luyện thêm cho họ.
  3. Hãy để họ làm việc mà không có mặt bạn.

Bạn sẽ không bao giờ nhân bội được mục vụ đào tạo môn đồ nếu bạn cứ nắm giữ những người bạn đào tạo, mà không cho họ có cơ hội phát triển cao hơn.

  1. Hãy giữ các môn đồ tập chú vào bức tranh lớn

Hãy nhớ rằng thư tín Ti-mô-thê thứ hai ghi lại những lời cuối cùng của Phao-lô. Nó là di sản của ông để lại cho Ti-mô-thê, người  học trò yêu quí. Phao-lô viết, “Những điều con đã nghe nơi ta ở trước mặt nhiều người chứng, hãy giao phó cho mấy người trung thành, cũng có tài dạy dỗ kẻ khác.” (2 Ti. 2:2). Mục tiêu chủ yếu mà Phao-lô nhắc Ti-mô-thê là hãy đầu tư thì giờ, năng lực cho những người trung thành mà họ có tài dạy dỗ kẻ khác. Đây là cách để nhân bội, gia tăng các môn đồ cho Đấng Christ.

Đừng để lạc mất mục tiêu: Nhân bội, gia tăng các môn đồ theo cấp số nhân.

Khi nói về điều này, Joel Comisky đã viết, “Tái tạo tế bào là trung tâm của mục vụ tế bào, mục tiêu lãnh đạo tế bào sẽ không được hoàn thành cho đến khi các nhóm mới được sản sinh. .. Chủ đề sinh sản phải hướng dẫn mục vụ tế bào. Điều mong muốn ở đây là người lãnh đạo phải huấn luyện người lãnh đạo tế bào kế tiếp chứ không chỉ là đem khách mới vào nhà.”5

Nếu bạn không thường xuyên nhắc nhở các môn đồ trung thành về bức tranh lớn đối với việc đầu tư cho những người trung thành khác để nhân bội lên số lượng môn đồ, họ sẽ mất tập trung và bị bỏ rơi. Khi đó họ không thể làm mục vụ hiệu quả. Nhiệm vụ không được hoàn thành cho đến khi người đào tạo môn đồ phát triển những người trung thành khác theo cấp số nhân.

Mục tiêu của chúng ta là nhân bội các môn đồ. Từ chức vụ của sứ đồ Phao-lô, chúng ta tìm thấy sáu nguyên tắc  cần thiết cho tiến trình này: (1) nắm vững những gì Đức Chúa Trời đã dạy bạn, (2) xác định những người trung thành mới có tiềm năng, (3) đầu tư thì giờ cho những người trung thành, (4) cùng thi hành các mục vụ với nhau, (5) hãy để họ thực hiện mục vụ mà không có bạn, (6) giữ họ tập chú vào bức tranh lớn: nhân bội môn đồ.

 

Câu hỏi suy ngẫm

  1. Sứ đồ Phao-lô đã nhân bội các môn đồ bằng cách nào?
  2. Phương pháp của Phao-lô giống với phương pháp của Chúa Giê-su trong chủ đề này?
  3. Các bước làm nhân bội môn đồ của Phao-lô là gì?
  4. Bạn đang làm việc với những người trong nhóm của bạn theo các bước nào?
  5. Bước kế tiếp của bạn là gì?

Các ghi chú

  • Các nội dung của chương này được trích từ sách Pastoral Leadership Is… của Dave Earley, chương 23
  • Neil Cole, Tìm và Cứu: Trở nên một môn đồ là người làm nên sự khác biệt (Grand Rapids, MI: Baker Books, 2008), 175
  • , 58
  • Joel Comiskey, Leadership Explosion (Houston, TX: TOUGH Publications, 2000), 39
  • , 40

 

17 

Phân Biệt Mục Tiêu Tổng Thể Và Tiến Trình Môn Đồ Hóa

Dave Earley

Khi còn học ở Trung học, tôi đã hứa nguyện dâng đời sống tôi cho Đấng Christ. Là  thanh niên năng động, tôi hướng dẫn một nhóm học Kinh Thánh vào giờ ăn trưa. Niềm vui lớn nhất của tôi vào lúc đó là đưa người khác đến với Christ. Khi Scott, bạn thân của tôi dâng tấm lòng của anh ấy lên cho Chúa, tôi đã tràn ngập sự vui mừng. Tôi đã nhảy lên và hò reo lớn tiếng trên đường về nhà. Tôi cho rằng không điều gì có thể so sánh với cảm giác tuyệt vời ấy.

Sáu tháng sau đó Scott dẫn một người khác đến với Christ. Đó là một ngày hạnh phúc nhất trong cuộc đời tôi. Các “môn đồ” của tôi đã bắt đầu nhân bội. Người đào tạo môn đồ có được niềm vui lớn hơn từ sự tiến bộ của học trò của mình hơn là kết quả của chính họ. Họ có được niềm vui lớn hơn khi những người đi theo họ sản sinh bông trái và nhân rộng ra số lượng các môn đồ. Tiến trình này chính là đào tạo ra những người lãnh đạo mới rồi sai họ đi ra lập các nhóm môn đồ mới và tiếp tục tái sản xuất. Một trong những mục tiêu chủ yếu của mục vụ môn đồ hóa là đào tạo được những người khác có khả năng “tái sản sinh” môn đồ. Sự thách thức không chỉ là làm cho nhiều người tin Chúa, nhưng là đào tạo ra những người lãnh đạo khác để họ nhân bội các môn đồ.  Trong chương trước chúng ta đã thảo luận mục tiêu thứ ba cho người đào tạo môn đồ: Sai phái các môn đồ đi ra giống như Phao-lô đã làm. Trong chương này chúng ta sẽ mở rộng các bài học về môn đồ hóa từ cuộc đời và chức vụ của Phao-lô.

Mục Tiêu Của Người Đào Tạo Môn Đồ

Chúng ta phải sáng tỏ điểm này. Mục tiêu của việc phát triển các môn đồ là chuẩn bị cho họ làm một số việc. Đó là hợp tác với Đức Chúa Trời để sản sinh ra thêm nữa những người đào tạo môn đồ khác. Mục đích là sự nhân bội môn đồ. Tất cả các công tác khác như cầu nguyện, huấn luyện, nghiên cứu Kinh Thánh và những mục vụ khác liên quan đến việc phát triển môn đồ phải tập chú vào mục tiêu: nhân bội môn đồ liên tục trải qua các thế hệ. Nhu cầu này gắn liền với việc đào tạo ra những người lãnh đạo mới trong các nhóm nhỏ. Chính những người này sẽ đi ra mở ra các nhóm mới và rồi lại tiếp tục sản sinh thêm những người lãnh đạo khác nữa. Nếu hội thánh có các nhóm tế bào, thì mục tiêu phải là phát hiện và đào tạo những người lãnh đạo mới từ các nhóm tế bào đó. Nếu bạn đang ở trong một hội thánh tư gia, thì mục tiêu là đào tạo ra những người lãnh đạo cho các hội thánh tư gia mới sẽ lan rộng trong tương lai. Các tiến trình này cứ liên tục và không bao giờ ngừng nghỉ.

Phát Triển Những Người Đào Tạo Môn Đồ Nhân Bội

Một định nghĩa mô tả

Khi chúng ta nói về những người đào tạo môn đồ nhân bội, chúng ta đang nói về tiến trình hợp tác với Đức Chúa Trời bằng cách sử dụng các nguồn lực và phương tiện có sẵn để giúp đỡ người khác trở thành người đào tạo môn đồ nhân bội.1 Lưu ý những khía cạnh khác nhau của định nghĩa này. Trước tiên phát triển các môn đồ là một tiến trình chứ không phải là một sự kiện. Điều này có nghĩa chúng ta cần thời gian cho tiến trình này. Nó phải đi qua các bước cụ thể để nâng cấp một người từ điểm xuất phát ban đầu đến một trình độ cao hơn.

Điều thứ hai phát triển môn đồ là đang hợp tác với Đức Chúa Trời. Ngài hỗ trợ cho những ai tham gia mục vụ đào tạo môn đồ. Ngài đang làm việc trong đời sống của những người này mỗi ngày để trở nên kết quả và quyền năng hơn. Đức Chúa Trời cai trị, kiểm soát trong tất cả các hoàn cảnh mà chúng ta đang đối diện. Ngài sử dụng tất cả các chi thể trong thân thể của Ngài. Mục vụ đào tạo môn đồ nhân bội chính là hợp tác với những gì mà Đức Chúa Trời đang làm. Điều này cũng có nghĩa là đi theo sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh.

Điều thứ ba, phát triển môn đồ cũng có nghĩa là sử dụng tất cả các nguồn/phương tiện  hiện có. Sau đây là những nguồn chủ yếu:

  1. Lời của Đức Chúa Trời: Tôi tìm thấy rằng giáo trình tốt nhất cho người đào tạo môn đồ chính là Lời Chúa. “Vì lời của Đức Chúa Trời là lời sống và linh nghiệm, sắc hơn gươm hai lưỡi, thấu vào đến đỗi chia hồn, linh, cốt, tủy, xem xét tư tưởng và ý định trong lòng.” (Hêb. 4:12)
  2. Các mối quan hệ: Các môn đồ cần có các mối quan hệ gần gũi với những người đào tạo môn đồ khác để nhìn xem các công việc của Đức Chúa Trời đang làm trong người khác. Họ cũng cần nối kết với những thánh đồ khác mà có chung một mối quan tâm về việc nhân bội môn đồ để học hỏi lẫn nhau.
  3. Một nhóm nhỏ học Kinh Thánh: Là nơi dự trữ những môn đồ tiềm năng. Các sinh hoạt của nhóm này bao gồm cầu nguyện, nghiên cứu Kinh Thánh, thảo luận, cầu nguyện cho người khác và có thể có các mục khác nữa.
  4. Đời sống truyền giáo thực tế: Tất cả những điều khác sẽ vô nghĩa nếu không có một thách thức nhất quán để sống cho đại mạng lệnh truyền giáo. Hướng dẫn các thành viên trong nhóm cầu nguyện liên tục, nhiệt tình và làm chứng cho bạn bè và các thành viên trong gia đình chưa tin nhận Phúc âm là điều cần thiết cho tiến trình môn đồ hóa.
  5. Những trợ giúp khác: bao gồm các lớp học Kinh Thánh, các buổi hội thảo niềm tin, các website hữu ích.

Luôn nhớ mục tiêu: giúp đỡ người khác trở thành người lãnh đạo đào tạo ra các môn đồ tiềm năng – và thế hệ này lại tiếp tục với công việc của chúng ta. Làm thế nào chúng ta biết rằng mình đã làm tốt công việc Chúa giao phó? Câu trả lời rõ ràng là: những người được chúng ta đào tạo trở nên những người lãnh đạo thành công trong công tác nhân bội các môn đồ.

Các Bước Của Người Đào Tạo Môn Đồ Nhân Bội

Khi một người chủ tâm theo đuổi những đòi hỏi cho tiến trình môn đồ hóa, người đó cũng cần được huấn luyện để giúp đỡ người khác làm điều tương tự.  Chúng tôi khám phá rằng hệ thống huấn luyện tốt nhất là hệ thống học việc/học nghề. Đó là hệ thống huấn luyện cho người mới một số kỹ năng cụ thể để họ cũng có thể làm được như ông thầy dạy nghề cho họ. Trong tiến trình huấn luyện làm cho các môn đồ trở thành người lãnh đạo một nhóm mới, chúng ta sử dụng tất cả các nguồn trợ giúp như đã đề cập ở trên. Chúng ta thấy rằng môi trường tốt nhất để thực hiện điều này là trong các nhóm môn đồ hóa. Người đào tạo môn đồ đi qua các bước sau:

  1. Người Đào Tạo Môn Đồ Thực Hiện Mục Vụ; Người Học Việc Quan Sát.

Khi người đào tạo môn đồ hướng dẫn một nhóm và người lãnh đạo tiềm năng theo dõi. Điều này bao hàm tất cả các hoạt động cần thiết để hướng dẫn nhóm hiệu quả như cầu nguyện cho các thành viên trong nhóm mỗi ngày và gặp họ mỗi tuần. Trong chương 15, chúng ta đã nói đến các hoạt động của nhóm: chào mừng, thờ phượng, chia sẻ Lời, các mục vụ và làm chứng.

Các hoạt động này có thể dễ dàng với bạn là những người đã đào tạo môn đồ lâu năm, nhưng nó sẽ là một thách thức cho những người lãnh đạo tiềm năng. Qua hành động làm mẫu cho những lãnh đạo tiềm năng, bạn sẽ giúp họ vượt qua sự sợ hãi để làm được giống như bạn và có thể trỗi hơn. Hãy để cho họ có nhiều cơ hội xem bạn thực hiện các mục vụ. Sau đó hãy chỉ cho họ phương cách để làm tốt điều đó. Hãy hỏi một số câu hỏi để bảo đảm là họ đã hiểu. Tôi thường yêu cầu những người học việc với tôi đến sớm và ra về trễ trong các buổi họp. Lý do là trước đó tôi phải nói với họ những gì tôi chuẩn bị làm, và sau khi mọi người ra về tôi sẽ lưu ý một vài điểm nổi bật trong buổi họp với họ.

  1. Những Người Học Việc Thi Hành Mục Vụ; Người Đào Tạo Môn Đồ Theo Dõi.

Sau khi bạn đã hướng dẫn cho những người học việc phương cách thi hành mục vụ, hãy đứng ra một bên và nhìn họ làm. Sau đó hãy khích lệ họ bằng những lời tích cực cho dù họ có thể làm sai một vài điểm và giúp họ khắc phục trong lần tới.

Không để họ làm mọi việc từ A tới Z trong những lần đầu tiên, chỉ làm một phần việc trong tổng thể mà thôi. Khi họ đã quen với công việc, chúng ta có thể an tâm giao phó hết mọi việc.

  1. Người Học Việc Thi Hành Mục Vụ; Những Người Tập Sự Của Anh Ấy Đào Tạo Theo Dõi.

Khi người học việc làm mọi việc từ A tới Z mà không cần bạn theo dõi, lúc đó anh ấy đã sẵn sàng để bước ra thành lập một nhóm mới. Và tiến trình môn đồ hóa nhân bội được tiếp tục sang một tầng lớp khác. Lúc bấy giờ người lãnh đạo mới này sẽ làm việc, và những người mà anh ấy huấn luyện sẽ quan sát cách anh ấy làm.

Tại thời điểm này, nhóm trưởng mới đã trở thành một người “sản xuất” môn đệ. Những người trong nhóm mới của họ là người học việc của họ. Người học việc của họ đang được huấn luyện để lãnh đạo một nhóm môn đồ khác tương lai. Cũng vậy, tại thời điểm tạo ra nhóm mới, lãnh đạo nhóm môn đồ ban đầu cũng cần xác định người học việc mới của mình. Bằng cách này hai nhóm sẽ phát triển thành bốn nhóm không lâu sau đó.

 

Khai Triển Những Người Đào Tạo Môn Đồ Nhân Bội

Thiết Lập Họ Cho Sự Thành Công.

Chúng ta không thể bảo đảm hay kiểm soát trên sự thành công của người khác, nhưng chúng ta có thể làm tất cả để bảo đảm là họ sẽ thành công. Bạn sẽ không trải nghiệm kết quả của công tác nhân bội môn đồ hóa cho đến khi những bước chuẩn bị cho tiến trình này được hoàn tất.

NHỮNG CHỈ SỐ CHO SỰ SẴN SÀNG CỦA NGƯỜI LÃNH ĐẠO MỚI

  1. Niềm tin và Báp-tem: Họ phải ăn năn, tin nhận Phúc Âm, công khai bước theo Chúa Giê-su qua thánh lễ báp-tem.
  2. Trải nghiệm sự tự do: Họ đã trải nghiệm sự tự do trong phạm vi mà họ không còn bị cản trở bởi những đau khổ dai dẳng, các thói quen xấu…
  3. Môn đồ: Họ đang phấn đấu vươn tới làm một môn đồ Đấng Christ đúng nghĩa theo những yêu cầu của Lời Chúa.
  4. Nhóm môn đồ: Họ phải là thành viên của một nhóm môn đồ để áp dụng các ân tứ và trải nghiệm nếp sống trong cộng đồng Cơ đốc.
  5. Giai đoạn học tập làm môn đồ: Họ đã có hiệu quả trong việc đào tạo các môn đồ khác trong việc lãnh đạo một nhóm dưới sự hướng dẫn của một người lãnh đạo cao hơn.
  6. Môn đồ giỏi: Họ có ít nhất một môn đệ giỏi dự định tham gia cùng khi họ khởi sự một nhóm mới.
  7. Nơi chốn: Họ có một nơi chốn phù hợp cho buổi họp đầu tiên của nhóm mới. Tốt hơn, họ có một phòng nhóm được chuẩn bị từ một người chủ nhà hiếu khách.
  8. Thời gian: Họ có một ngày tốt đẹp và thời gian phù hợp cho nhóm mới bắt đầu đi vào hoạt động.

Sẽ là lý tưởng để có thể kiểm tra từng chỉ số trên đây. Rõ ràng, càng có nhiều chỉ số, tỷ lệ thành công sẽ càng cao. Khi nhìn lại các mục vụ của mình trước đây, chúng tôi nhận thấy rằng những người lãnh đạo có nhiều các chỉ số là những người thành công nhất.

Khi bạn cố vấn cho môn đệ của mình, hãy để danh sách kiểm tra này đóng vai trò hướng dẫn cho những điều cần cân nhắc khi giúp họ đi qua tiến trình phát triển. Cố gắng có càng nhiều chỉ số thì càng chắc chắn trước khi bạn gửi họ đi. Nếu có các khoảng trống về các chỉ số trên đây trước khi được gửi đi, họ hiếm khi được lấp đầy sau khi đang tiến  về phía trước. Những khoảng trống phải được lấp đầy rồi sau đó mới sai phái họ đi. Điều này có nghĩa là thà bạn gửi đi ít người lãnh đạo hơn. Sẽ tốt hơn để gửi ra một vài người thực sự tốt, còn hơn là sai phái ra đi nhiều người yếu không hội đủ các tiêu chuẩn. Những người tốt sẽ dẫn dắt các nhóm phát triển khỏe mạnh, nhân lên. Những người yếu đuối (nếu có được gởi đi) có thể sẽ đóng phòng nhóm của họ không lâu sau đó, và việc nhân bội môn đồ là bất khả thi.

NHỮNG ĐỀ NGHỊ NHÂN BỘI.

Chúng ta có thể chuẩn bị các bước đi cụ thể để gặt hái sự thành công trong công tác nhân bội môn đồ hóa:

  1. Các môn đồ phải tập chú vào những lời dạy của Chúa Giê-su. Nếu bạn có một nhóm “Cơ đốc nhân có khả năng”, bạn sẽ phấn đấu để nhóm này được nhân bội, gia tăng về mọi mặt. Đường lối tốt nhất để thực hiện “giấc mơ Cơ đốc Mỹ” là duy trì các môn đồ trong nhóm tập chú vào việc đọc, nghiên cứu và áp dụng Lời của Chúa. Tập trung vào Đại mạng lệnh và thập tự giá của Đấng Christ.
  2. Thường xuyên nói về chủ đề nhân bội môn đồ hóa. Ngay từ buổi họp đầu tiên của một nhóm mới, bạn phải nói về điều này. Hãy diễn tả thật rõ ràng mục tiêu của nhóm là nhân bội các môn đồ và đào tạo những người lãnh đạo mới. Hằng tháng phải nhắc lại mục tiêu này và cầu nguyện cho việc mở ra một nhóm mới khác.
  3. Nói về nhân bội môn đồ theo những kỳ hạn rõ ràng, tích cực. Đừng nói về sự chia cắt nhóm, tách nhóm theo hướng tiêu cực. Thay vào đó phải nói về sự nhân bội môn đồ, sự phát triển của nhóm, những người lãnh đạo mới và nhóm mới sẽ được thành lập.
  4. Nói về nhân bội môn đồ theo những kỳ hạn trong bức tranh tổng thể. Ví dụ dân số ở Las Vegas là 2 triệu người, trong đó có 1,91 triệu người chưa biết Chúa. Mỗi một nhóm mới được sinh ra sẽ làm giảm đi số lượng người chưa tin Phúc âm. Khi chúng ta nói đến việc khai sinh các nhóm mới, chúng ta đang vươn tới tiếp cận 1,91 triệu người đang ở bên ngoài sinh hoạt hội thánh. Thông thường khi chúng ta nói đến việc hình thành nhóm mới, sẽ có những ý kiến kháng cự lại. Trong trường hợp đó hãy đặt những câu hỏi như: “Cách đây một năm có bao nhiêu người trong các bạn chưa tin Chúa?”  Và “Nếu những người trong nhóm của chúng tôi không chịu đi ra khai sinh nhóm mới, thì bây giờ bạn đang ở đâu?”
  5. Cầu nguyện chọn thời điểm tốt nhất cho việc nhân bội môn đồ. Có những quyết định đúng nhưng được đưa ra trong một thời điểm sai. Có thể nhóm của bạn đang gia tăng, nhưng người lãnh đạo mới chưa xuất hiện, thì đó chưa phải là thời điểm thích hợp để mở thêm mộ nhóm mới. Hoặc có thể, đã có người lãnh đạo mới, nhưng chưa có những tín hiệu khác cho thấy có thể khai sinh nhóm mới. Thông thường một nhóm mới có thể sinh ra vào mùa thu hoặc tháng giêng là phù hợp với lịch học ở các Trường cho lứa tuổi còn đi học. Mùa hè thường không thích hợp cho việc khai sinh nhóm mới, vì mọi người thường di chuyển trong mùa này. Vì vậy chúng ta phải cầu nguyện để chọn thời điểm thích hợp cho chuyện này.
  6. Thiết lập một ngày cho việc nhân bội môn đồ. Thiết lập một ngày để nhân bội các môn đồ là điều cần thiết trong việc đạt được ước mơ phát triển nhóm của bạn. Joel Comiskey đã thực hiện một cuộc khảo sát với bảy trăm người lãnh đạo nhóm tế bào thành công. “Các người lãnh đạo này biết rõ mục tiêu của họ – nhóm của họ phát triển liên tục theo cấp số nhân nhiều hơn những người lãnh đạo không biết mục tiêu. Trong thực tế, nếu một nhà lãnh đạo tế bào không đặt mục tiêu cho các thành viên có thể nhớ rõ ràng, ông ta có khoảng 50-50 cơ hội để nhân bội nhóm tế bào của mình. Nhưng nếu một người lãnh đạo đã thiết lập các mục tiêu rõ ràng, thì sự nhân bội môn đồ sẽ gia tăng nhanh chóng.”3
  7. Tổ chức một bữa tiệc nhỏ khi khai sinh ra nhóm mới. Hãy mời các bạn hữu đến bữa tiệc này khi bạn bắt đầu một nhóm môn đồ mới. Đây có thể là thời điểm thích hợp để nói ra các lời chứng cá nhân về những gì Chúa đã làm. Những người lãnh đạo cũ có thể chia sẻ với những môn đồ tiềm năng mà sẽ giữ vai trò lãnh đạo trong tương lai. Những môn đồ khác có thể chia sẻ về niềm hy vọng của họ cho các thành viên trong nhóm mới thành lập. Đây là cơ hội tốt để nhắc lại khải tượng về công tác nhân bội môn đồ.

Gởi Họ Đi

Một lời chứng quyền năng về việc hỗ trợ cho những người lãnh đạo mới là một buổi nhóm thực hiện sứ mạng ra đi truyền giáo. Bạn phải có một thời gian đặc biệt vào cuối buổi thờ phượng để nói về khải tượng cho những người này. Đó là cơ hội để mọi người nhận ra và hậu thuẫn cho sứ mệnh mà họ đang theo đuổi. Nó cũng là cơ hội để cầu nguyện xin Đức Chúa Trời xức dầu trên trách nhiệm mới của họ. Một buổi nhóm tập trung vào việc thực hiện mạng lệnh của Chúa là thời điểm nhận ra sự kêu gọi của Chúa trên đời sống những người lãnh đạo mới. Nó là lúc mà mọi người biết đến tên của họ để cầu nguyện. Bạn có lẽ cũng muốn phát hiện ra những lãnh đạo tiềm năng khác trong các nhóm mới.

Buổi nhóm thờ phượng mà liên quan đến các người lãnh đạo mới – những người này phải được trình diện trước hội thánh để nhận lời cầu nguyện. Hội thánh cầu nguyện xin Chúa xức dầu trên sứ mệnh/trách nhiệm mới của họ, đồng thời xin Chúa bảo vệ họ và gia đình. Trong lời cầu nguyện, hội thánh cũng xin cho nhóm môn đồ của họ được nhân bội. Cũng hãy cầu nguyện để nhiều người được nghe Phúc âm và tin nhận Chúa qua các mục vụ của họ. Hội thánh cũng nên chuẩn bị cho những người lãnh đạo mới này một món quà ý nghĩa như một quyển sách hay về nghệ thuật lãnh đạo Cơ đốc, hay bất cứ quà gì có ý nghĩa thuộc linh trước khi gởi họ ra đi khai phá những vùng đất mới.

Tiếp tục huấn luyện

Khi một người lãnh đạo mới bắt đầu hướng dẫn một nhóm, nhưng gặp sự cố không thể phát triển nhóm. Lúc đó chúng ta phải có mặt bên người đó để tiếp tục giúp đỡ và huấn luyện cho đến khi nhóm của họ phát triển và có khả năng đào tạo ra thế hệ lãnh đạo tiếp theo. Dĩ nhiên điều này sẽ không xảy ra nếu như không có sự huấn luyện liên tục trên những người được sai đi.

Khi một người lãnh đạo mới bắt đầu mục vụ, họ vẫn cần những sự giúp đỡ cần thiết đã đưa họ đến vị thế này. Những sự trợ giúp đó bao gồm Lời Đức Chúa Trời, các mối thông công với những người lãnh đạo khác có cùng trình độ, các trách nhiệm phải giải trình cho cấp lãnh đạo cao hơn và những thách thức phải vượt qua để tiếp tục sứ  mệnh truyền giáo.

Tôi thường xuyên tư vấn cho gần chục hội thánh mỗi năm về các hệ thống nhóm nhỏ, huấn luyện lãnh đạo và huấn luyện nhân sự. Không một người nào tôi thấy đang trải qua việc làm môn đệ và nhân bội môn đồ hiệu quả mà không có sự huấn luyện vững chắc của những người lãnh đạo ban đầu. Nếu không có sự tiếp tục của công tác huấn luyện của lãnh đạo cấp cao và trách nhiệm phải giải trình từ người lãnh đạo mới, sẽ không có sự thành công cho việc nhân bội môn đồ. Tôi nhắc lại lần nữa: Nếu không có công tác tiếp tục huấn luyện và đòi hỏi trách nhiệm giải trình của những người lãnh đạo mới cho cấp lãnh đạo cao hơn, nhóm của họ sẽ không được nhân bội.

Có nhiều cách khác nhau để huấn luyện những người lãnh đạo. Tôi nhận thấy có hai cách đặc biệt hiệu quả. Cách đầu tiên tập trung về một chỗ nhiều hơn.  Các lãnh đạo nhóm gặp gỡ các nhân viên mục vụ trong một cuộc họp hàng tuần đông đảo. Đây là mô hình của mục sư Paul Cho ở Hàn Quốc. Tất cả nhóm trưởng lãnh đạo nhóm tế bào phải gặp ông hoặc người của ông mỗi tuần để được huấn luyện và nhận sự khích lệ hay nạp thêm năng lượng thuộc linh.

Các thứ hai ít tập trung hơn về một chỗ. Hệ thống G12 được Cesar Castellanos tại Bogota, Columbia (đọc chương 12) tạo ra, giữ cho các người lãnh đạo mới họp mỗi tuần trong một điểm nhóm tế bào với các người đào tạo môn đồ khác và với người đào tạo môn đồ ban đầu của họ. Tôi sử dụng một phiên bản sửa đổi của cuộc họp G 12 với hàng chục người mà tôi đã cố vấn mỗi tuần trong một nhóm các người huấn luyện môn đệ. Họ gặp gỡ với các người lãnh đạo của họ vào các tuần xen kẽ.

Chúng ta sẽ thảo luận về hệ thống đào tạo môn đồ này trong phần tiếp theo. Hãy nhớ rằng hệ thống không ý nghĩa bằng thực tế là nó đảm bảo sự thành công lâu dài trong công tác nhân bội môn đồ. Những người lãnh đạo các nhóm môn đồ phải nhận được sự huấn luyện liên tục và họ phải giải trình trách nhiệm với người lãnh đạo cao hơn . Nếu không, họ sẽ thất bại trong công tác này.

Giữ liên lạc nhưng không tham dự quá sâu

Con cái trưởng thành nuôi dạy con cái của chúng nhưng vẫn giữ liên lạc với cha mẹ. Cha mẹ sẵn sàng giúp đỡ con cái, nhưng không tham dự quá sâu vào những việc nội bộ của con. Cũng theo cách đó, khi bạn cố vấn cho một người lãnh đạo mới, thật dễ dàng để rơi vào một trong hai thái cực: hoặc bạn tham gia với nhóm mới và người lãnh đạo với một tần suất dày đặc, hoặc không tham gia đủ. Triển khai môn đồ hóa thành công đòi hỏi phải quân bình trong chuyện này.

  1. Sẵn sàng: Những người lãnh đạo mới cần một ai đó (lý tưởng là người lãnh đạo ban đầu của họ) để sẵn sàng lắng nghe, cố vấn và khích lệ họ.
  2. Cầu nguyện: Cầu nguyện cho người lãnh đạo mới thường xuyên. Anh/chị ấy vẫn còn là người được bạn hướng dẫn. Xin Chúa ban cho anh ấy sự khôn ngoan để dẫn dắt một nhóm môn đồ mới. Giống như Chúa Giê-su cầu nguyện, “Con chẳng cầu Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ cho khỏi điều ác. Họ không thuộc về thế gian, cũng như Con không thuộc về thế gian. Xin Cha lấy lẽ thật khiến họ nên thánh; lời Cha tức là lẽ thật.” (Giăng 17:15-17)
  3. Thăm viếng nhóm mới: Hãy báo cho người lãnh đạo nhóm mới biết là bạn sẽ đến thăm. Hãy nhớ rằng lúc này bạn là khách chứ không phải là người lãnh đạo. Hãy hỗ trợ cho người lãnh đạo mới bằng mọi phương tiện của ân điển, cầu xin Chúa dùng anh ấy cho tiến trình nhân bội môn đồ.
  4. Chúc mừng cho các bước thành công của nhóm mới: Không ganh tị với những thành công của nhóm mới, thay vì vậy hãy tán dương và chúc mừng. Thực ra sự thành công của nhóm mới chính là sự thành công của bạn.
  5. Thách thức người lãnh đạo mới nuôi dưỡng ước mơ nhân bội môn đồ với nhóm của họ: Một số người lãnh đạo mới rơi vào tình trạng chỉ lo tập chú cho sức khỏe thuộc linh của nhóm mình mà quên đi khải tượng nhân bội môn đồ. Hãy nhắc họ đứng vững trong khải tượng. Nói với họ phải chuẩn bị cho việc hình thành các nhóm mới khác.
  6. Tư vấn cho bất cứ chủ đề nào mà người lãnh đạo mới cần lời khuyên: Đừng đưa ra lời tư vấn nếu chưa được yêu cầu. Nhưng khi được yêu cầu thì hãy nhiệt tình giúp đỡ. Cũng đừng cho rằng bạn là người biết tất cả mọi việc, thay vào đó hãy chia sẻ những gì Chúa đã dạy bạn qua kinh nghiệm thực tế.
  7. Không tham dự quá sâu vào các vấn đề nội bộ: Mục tiêu hướng tới là sự độc lập của nhóm mới. Nhóm này cần tiến lên nhưng không cần bạn phải đóng vai trò lãnh đạo – hãy để cho người lãnh đạo mới dẫn dắt nhóm của anh ấy. Điều này có nghĩa là bạn phải giữ một khoảng cách chừng mực với nhóm mới để họ có thể tự phát triển. Đừng nhảy vào sửa sai hay điều chỉnh các sinh hoạt và mục vụ của nhóm mới.

Đào tạo môn đồ là phát triển và để cho những người lãnh đạo mới thi hành các mục vụ. Mục tiêu của bạn tại thời điểm này là tìm ra những nhân sự tiềm năng mới và huấn luyện họ trở nên người lãnh đạo cho nhóm môn đồ mà họ sẽ hướng dẫn trong tương lai.

Câu hỏi suy ngẫm

  1. Bạn đang huấn luyện cho những người đi theo bạn làm điều gì?
  2. Bạn có cố tình huấn luyện các môn đồ để họ kinh nghiệm sự đào tạo dưới sự lãnh đạo của bạn?
  3. Bạn có đặt một kỳ hạn để nhân bội nhóm của bạn?
  4. Hãy nhìn vào các gợi ý cho sự nhân bội môn đồ, và ghi chú hai hoặc ba điều mà bạn cần làm ngay.
  5. Tại sao sự nhân bội môn đồ là rất quan trọng cho sứ mệnh truyền giáo?

Các ghi chú

  1. Định nghĩa và các ý tưởng trong chương này là của Dave Earley, Turning Members into Leaders (Houston, TX: TOUCH Publications, 2003), chapter 8.
  2. Tôi đề nghị sử dụng sách của Neil Anderson’s Seve Steps of Freedom (Ventura, CA: Gospel Light, 2004)
  3. Joel Comiskey, Home Cell Group Explosion (Houston, TX: TOUCH Publications, 1999), 46

18 

Môn đồ hóa là….

Tập Chú Vào Mùa Gặt Nhân Bội.

Dave Earley

Khi John Wesley chết vào năm 1791, ông để lại một hội thánh gồm 100 000 thành viên và 10 000 nhóm môn đồ. Phong trào của hội thánh Giám lý khởi đầu là: (1) một nhóm nhỏ tại Đại học Oxford, (2) khải tượng của Wesley về một đoàn dân đông tiếp nhận Phúc âm, và (3) niềm tin của ông về sức mạnh của sự nhân cấp. Trong tầm nhìn của Wesley cho mùa gặt lớn, Howard Snyder đã viết:

Wesley đặt một phần mười, hoặc có lẽ một phần năm, làm việc trong các mục vụ  quan trọng. Và những người này là ai? Họ không phải là người có học thức hay có thời gian, mà là người lao động nam nữ,  những ông chồng và các bà vợ, và những người trẻ chỉ mới được huấn luyện cơ bản  hoặc chưa qua khóa học nào. Nhưng với những ân tứ thuộc linh, họ háo hức để đi ra phục vụ .. … Wesley không chỉ tiếp cận quần chúng, mà ông đã dẫn dắt hàng ngàn người trong số họ. 1

Bạn và tôi chỉ có một cuộc đời ngắn ngủi, và chúng ta sẽ đứng trước ngai của Đấng Christ để tình sổ với Ngài. Tôi không muốn nói về người khác, nhưng là chính tôi. Một ngày trong tương lai, tôi muốn được nghe Chúa Giê-su phán: “Được lắm, hỡi đầy tớ trung tín..” Theo lời dạy của Chúa, để có thể nghe được những lời này, chúng ta phải là những đầy tớ hiệu quả trong mục vụ nhân cấp các ta-lâng mà mình được giao (Ma-thi-ơ 25:14-30). Chúng ta kết luận phần này về các phương pháp làm môn đệ với một vài quan sát cuối cùng về ngữ cảnh của kinh thánh cho mùa gặt và mối quan hệ của nó với việc làm môn đệ.

Các Điều Kiện Cho Một Mùa Gặt Thu Hoạch Nhân Bội.

Cách đây vài năm, tôi ao ước nhìn thấy công tác truyền giảng Phúc âm và môn đồ hóa của tôi được mở rộng. Tôi đã làm một nghiên cứu Kinh Thánh đơn giản về khái niệm thu hoạch thuộc linh. Kết quả là, tôi đã bị thách thức bởi những các lời hứa và điều kiện cho sự thu hoạch lớn hơn và thu hoạch nhiều lần. Điều thú vị là, những yêu cầu Kinh thánh này đối với một chức vụ nhân cấp có cùng một đặc điểm được tìm thấy trong các người đào tạo môn đồ nhân bội.

1.Tập Chú Khải Tượng Vào Mùa Gặt.

Một ngày kia, Chúa Giê-su và các môn đồ đi ngang qua Sa-ma-ri, Ngài đã dạy họ một bài học quan trọng về khải tượng cho mùa gặt linh hồn. Họ vừa mới phát hiện ra thầy của mình nói chuyện về Nước hằng sống (rao gảng Phúc âm) cho một phụ nữ Sa-ma-ri. Trong tâm trí của họ thì chỉ nên rao giảng Phúc âm cho người Do Thái mà thôi. Họ không bao giờ nghĩ là phải tiếp cận và rao giảng cho các dân tộc ngoại bang khác. Khi họ hỏi Chúa Giê-su về chuyện này, Ngài đã soi sáng cho họ một tầm nhìn mới về mùa gặt lớn:

“Các ngươi há chẳng nói rằng còn bốn tháng nữa thì tới mùa gặt sao? Song ta nói với các ngươi: Hãy nhướng mắt lên và xem đồng ruộng, đã vàng sẵn cho mùa gặt.” (Giăng 4:35)

Chúa Giê-su phán bảo các môn đồ hãy nhìn kìa: đồng ruộng đã vàng cho mùa gặt.

Những người nông dân thành công phải nhìn vào mùa gặt ngay cả khi nó chưa có gì. Theo cách đó, người đào tạo môn đồ nhân bội phải có tầm nhìn thuộc linh để nhìn xem những cơ hội thách thức cho mùa gặt lớn mà những người khác bỏ cuộc vì xem đó là chướng ngại vật. Họ nhìn thấy viễn cảnh tươi sáng của mùa gặt lớn trong khi người khác không thấy. Những người khác có thể nhìn thấy các hàng rào trở ngại và tuyệt vọng, nhưng họ thì không.

“TÔI NHẬN KHẢI TƯỢNG TỪ ĐỨC CHÚA TRỜI”

Gần đây, tôi có dịp ăn trưa với mục sư Sunday Adelaja. Ông là người thiết lập các nền tảng căn bản của Vương quốc Đức Chúa Trời cho nhiều dân tộc. Ông đang làm việc tại Kiev, Ukraine. Ông được sinh ra ở Nigeria, và được biết là một người ở lứa tuổi ba mươi đầy năng động trong mục vụ gieo trồng hội thánh. Hiện nay ông là mục sư Hội thánh Tế bào G 12. Ông được coi là mục sư thành công nhất ở châu Âu, với hơn hai mươi lăm ngàn thành viên được ông quản trị và các hội thánh vệ tinh trên hơn ba mươi lăm quốc gia khắp thế giới.

Tôi đã hỏi ông về khải tượng mà ông nhận được. Ông trả lời: “Tôi nhận khải tượng từ Đức Chúa Trời. Tôi dành thời gian một tuần trong mỗi tháng ở một mình với Chúa Và Lời Ngài. Tại chỗ đó Chúa ban cho tôi khải tượng của Ngài.”

Hầu hết chúng ta sẽ không dành thời thời gian ở riêng một tuần trong một tháng với Chúa giống như vị mục sư này. Tuy nhiên chúng ta có thể áp dụng các nguyên tắc trong bài học của mục sư Sunday. Tại sao chúng ta không dành được một buổi chiều trong tuần hoặc ít nhất một giờ  ở riêng với Chúa, để tìm kiếm khải tượng của Ngài cho bản thân và cho nhóm của chúng ta?

THIẾT LẬP CÁC MỤC TIÊU CHO SỰ NHÂN BỘI

 

Nếu bạn muốn những thành viên trong nhóm của bạn trở thành người đào tạo môn đồ nhân bội, bạn phải công bố khải tượng nhân bội môn đồ với họ. Joel Comiskey đã tìm hiểu về tám hội thánh thành công trong mục vụ này. Trong bài nghiên cứu của mình, ông khám phá ra quyền năng trong việc thiết lập mục tiêu cho sự nhân cấp. Ông viết, “Các người lãnh đạo nhóm tế bào là người biết rõ mục tiêu của họ – khi các nhóm của họ sẽ sản sinh ra các nhóm vệ tinh khác cách đồng bộ. Trong khi đó những người lãnh đạo mà không biết mục tiêu của mình sẽ thất bại.”4 Ông tiếp tục:

Đây là lời khuyên của tôi cho bất cứ ai đang lãnh đạo một nhóm nhỏ hoặc đang cân nhắc một trách nhiệm như vậy: Trước tiên, hãy rõ ràng về sự nhân cấp nhóm tế bào của bạn. Các hội thánh có hệ thống nhóm tế bào thành công trên thế giới đều tập chú vào sự tăng trưởng.  Họ không dao động về điểm này. Thứ hai, bạn phải xem ưu tiên hàng đầu của bạn là sự phát triển lãnh đạo nhân cấp. Các người lãnh đạo nhóm tế bào nhỏ đánh giá mỗi thành viên của họ như một người lãnh đạo tiềm năng, và mã di truyền của nhân cấp tế bào được thấm nhuần trong mỗi tín hữu từ khi khởi phát bước đi trong tiến trình làm môn đồ.5

Gail Mattews cũng đã nghiên cứu quyền năng của hành động thiết lập mục tiêu. Bà khám phá rằng, “những ai mà viết xuống các mục tiêu của họ sẽ thành công hơn là những người không viết gì cả.”6 Nghiên cứu của bà tiết lộ rằng viết các mục tiêu rõ ràng để đạt được và kết hợp với một kế hoạch hành động bằng văn bản sẽ ảnh hưởng tích cực đến sự tiến bộ của một người.

 

  1. Cứ ở trong Chúa Giê-su.

Chúa Giê-su đã ban một lời hứa cho các môn đồ:

“Hãy cứ ở trong ta, thì ta sẽ ở trong các ngươi. Như nhánh nho, nếu không dính vào gốc nho, thì không tự mình kết quả được, cũng một lẽ ấy, nếu các ngươi chẳng cứ ở trong ta, thì cũng không kết quả được. 5 Ta là gốc nho, các ngươi là nhánh. Ai cứ ở trong ta và ta trong họ thì sinh ra lắm trái; vì ngoài ta, các ngươi chẳng làm chi được.” (Giăng 15:4-5)

Lời hứa này vẫn còn tiếp tục cho chúng ta ngày hôm nay. Đức Chúa Trời làm công việc của Ngài, nhưng chúng ta phải làm việc của mình. Có nhiều thành tố cho một mối quan hệ thân mật, bao gồm sự trung thực, cởi mở, giao tiếp, chia sẻ, tin tưởng, giải quyết xung đột, chia sẻ kinh nghiệm, chấp nhận, sẵn sàng và thời gian. Tuy nhiên điều quan trọng nhất là thời gian. Bởi vì những điều khác sẽ không xảy ra nếu chúng ta không có thời gian. Để được kết quả theo mô hình của Chúa, chúng ta phải dành thời gian ở với Ngài.

BẢY LẦN MỘT NGÀY

Vào tuổi hai mươi lăm, Adoniram Judson là nhà truyền giáo Tin Lành đầu tiên được gởi đi từ Bắc Mỹ đến Myanmar. Anh ấy đã chờ đợi sáu năm để có người cải đạo đầu tiên tại đó. Mặc dù phải trải qua một thời gian dài, cuối cùng anh ấy đã có một mùa bội thu các linh hồn tại đó. Anh ấy đã gieo trồng nhiều hội thánh và dịch Kinh thánh sang Tiếng Burmese. Sau khi nhà truyền giáo này qua đời, một cuộc khảo sát của chính phủ ghi nhận có  210 000 Cơ đốc nhân tại Myanmar.

Judson đã khám phá ra một bí mật mà đã giữ anh ấy cứ ở trong Đấng Christ: Cầu nguyện bảy lần trong một ngày.

Cố gắng bảy lần một ngày rút khỏi công việc kinh doanh của công ty để nâng linh hồn anh lên với Chúa …. Bắt đầu một ngày bằng cách thức dậy sau nửa đêm và dành thời gian giữa sự im lặng và bóng tối của đêm cho công việc thiêng liêng này. Hãy để giờ khởi đầu lúc bình minh tìm thấy bạn ở cùng trong một công việc này. Hãy để giờ thứ chín, mười hai, ba, sáu và chín vào ban đêm cũng tiếp tục làm như vậy. Hãy kiên quyết trong nguyên cớ của bạn. Dâng lên sự thực hành hy sinh để duy trì nó. Hãy xem xét rằng thời gian của bạn là ngắn và công việc kinh doanh của công ty không được phép cướp đi thì giờ của bạn dành cho Chúa. 7

  1. Tùy thuộc vào Đức Chúa Trời.

Môn đồ hóa là một hoạt động thiêng liêng. Các môn đồ không chỉ hợp tác với Thánh Linh của Đức Chúa Trời mà còn để Ngài làm việc trong đời sống của họ. Trong chính con người của chúng ta thì không thể kết quả cho công việc của Chúa. Chúng ta không thể cứu một ai cả, và dĩ nhiên cũng không thể làm cho một người nào đó được biến đổi. Chúng ta không thể sản sinh ra một thế hệ môn đồ cho Chúa. Nhưng Đức húa Trời có thể. Mọi việc là của Đức Chúa Trời. Ngài sẽ làm khi chúng ta tin cậy Ngài.

Để kết quả cho Chúa, chúng ta phải đặt tất cả niềm tin của chúng ta vào Ngài. Và tiếp tục duy trì sự lệ thuộc của chúng ta với Chúa. Hãy suy ngẫm lời này:

“Đức Giê-hô-va phán như vầy: Đáng rủa thay là kẻ nhờ cậy loài người, lấy loài xác thịt làm cánh tay, lòng lìa khỏi Đức Giê-hô-va. 6 Nó sẽ như thạch thảo trong sa mạc, không thấy phước đến, nhưng ở trong nơi đồng vắng khô khan, trên đất mặn không dân ở. 7 Đáng chúc phước thay là kẻ nhờ cậy Đức Giê-hô-va, và lấy Đức Giê-hô-va làm sự trông cậy mình. 8 Nó cũng như cây trồng nơi bờ suối, đâm rễ theo dòng nước chảy; ngộ khi trời nắng, chẳng hề sợ hãi, mà lá cứ xanh tươi. Gặp năm hạn hán cũng chẳng lo gì, mà cứ ra trái không dứt.” (Giê-rê-mi 17:5-8)

Đức Chúa Trời đã ban lời hứa về một  đời sống có kết quả. Tin cậy nơi loài người là đáng bị rủa sả, nhưng neo chặt đức tin nơi Chúa sẽ “như cây trồng nơi bờ suối, đâm rễ theo dòng nước chảy; ngộ khi trời nắng, chẳng hề sợ hãi, mà lá cứ xanh tươi. Gặp năm hạn hán cũng chẳng lo gì, mà cứ ra trái không dứt.”

Randall Neighbour là một người lãnh đạo của nhóm tế bào Cựu chiến binh. Ông diễn tả sự lệ thuộc vào Đức Chúa Trời như sau:

Từ quan điểm của con người, sự lệ thuộc vào Chúa trông giống như phải dùng một cái thìa để di chuyển một ngọn núi lớn, phải không? Nhưng đó không phải là thực tế nếu bạn được kêu gọi của Chúa để trở thành một nhà lãnh đạo tế bào; bạn sẽ nhận được một nguồn năng lượng lớn hơn nhiều so với khả năng của bản thân. Thật kỳ diệu là cách Đức Chúa Trời làm việc qua chúng ta khi chúng ta đang làm việc trong sự kêu gọi của Ngài với một tốc độ Ngài cho phép.8

MỘT GIỜ TRONG MỘT NGÀY ĐỂ CẦU NGUYỆN

Daniel Henderson, một người bạn của tôi thường nói, “Không cầu nguyện là một lời tuyên bố độc lập với Đức Chúa Trời.” Phương cách để diễn tả sự lệ thuộc của chúng ta vào Chúa là cầu nguyện. Paul Cho, một mục sư Hàn Quốc lãnh đạo hội thánh lớn nhất trên thế giới và là người đào tạo ra trên mười ngàn người lãnh đạo các nhóm tế bào nói, “Điều quan trọng nhất trong đời sống chúng ta là cầu nguyện.”9 Sự lệ thuộc của ông vào Đức Chúa Trời được thể hiện qua câu nói, “Tôi sẽ không có khả năng hoàn thành sự kêu gọi của Chúa mà không dành ra ít nhất một giờ cầu nguyện mỗi buổi sáng.”10 Vị mục sư này tiếp tục, “Sự lừa dối lớn nhất của Satan là nói rằng chúng ta không có đủ thì giờ để cầu nguyện. Tuy nhiên tất cả chúng ta đều có đủ thì giờ để ăn, uống, ngủ, thở. Ngay khi chúng ta nhận thức rằng cầu nguyện cũng quan trọng như ăn, uống, ngủ, thở…chúng ta sẽ dành nhiều thời gian hơn cho sự cầu nguyện.”11 

  1. Hy sinh

Không có sự nhân bội gia tăng các môn đồ nếu không có sự hy sinh. Hãy suy gẫm những lời này của Chúa Giê-su:

“Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, nếu hột giống lúa mì kia, chẳng chết sau khi gieo xuống đất, thì cứ ở một mình; nhưng nếu chết đi, thì kết quả được nhiều.” (Giăng 12:24)

Trong ngữ cảnh này Chúa Giê-su đề cập dến thế giới vật lý: sự chết là chìa khóa cho sự tăng trưởng, nhân bội. Sau đó Ngài áp dụng điều này trong chính sự chết của Ngài:

Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất đi, ai ghét sự sống mình trong đời nầy thì sẽ giữ lại đến sự sống đời đời. 26 Nếu ai hầu việc ta, thì phải theo ta, và ta ở đâu, thì kẻ hầu việc ta cũng sẽ ở đó; nếu ai hầu việc ta, thì Cha ta ắt tôn quí người
27 Hiện nay tâm thần ta bối rối; ta sẽ nói gì? Lạy Cha, xin cứu Con khỏi giờ nầy! Nhưng ấy cũng vì sự đó mà Con đến giờ nầy!” (Giăng 12:25-27)

Những người đào tạo môn đồ thành công là những người dám hy sinh tất cả vì Chúa Giê-su. Martin Luther đã nói, “Nếu một người không biết mình chết cho điều gì, anh ta không xứng đáng để sống.”12

Cũng vậy nếu bạn không sẵn sàng hy sinh, bạn không thể có kết quả nhân bội.

Randall Neighbour đã viết, “Lãnh đạo nhóm tế bào nhân bội xem sinh kế của mình là làm việc bằng cách giúp đỡ người khác và cầu nguyện cho họ. Khi bạn yêu mến con người và hy sinh chính mình để giúp đỡ họ. Họ sẽ tôn trọng bạn và đi theo bạn.”13

Những người đào tạo môn đồ nhân bội biết mình phải “chết” đối với những điều tốt đẹp trong thế giới để thực hiện và hoàn thành điều tốt nhất. Họ sẵn sàng “chết” cuộc sống riêng tư của họ để đầu tư hết cho vương quốc Đức Chúa Trời. Họ áp dụng các nguyên tắc của một chức vụ nhân cấp và kinh nghiệm kết quả cho Chúa.

Một yếu tố chết khác mà cần thiết cho sự nhân cấp môn đồ là buông họ ra để họ đi. Một số người trong chúng ta tận hưởng chức vụ rất nhiều đến nỗi không biết tránh ra xa để cho người khác có cơ hội của họ. Thái độ này ngăn chặn sự nhân cấp của nhóm môn đồ.  Chúng ta phải chết với nhu cầu cần thiết của chính mình và vượt qua những bất an nếu chúng ta hy vọng nhân bội các người lãnh đạo.

HY SINH ĐƯỢC TRẮC NGHIỆM QUA THỜI GIAN.

Các người đào tạo môn đồ không vất vả trong việc theo Chúa Giêsu và sống cho Đại mạng lệnh. Họ đang tích cực phát triển nó và điều này được thấy trong lịch trình hàng tuần của họ. Một số người đào tạo môn đồ nhân bội  tốt nhất trên thế giới đang ở ICM,  Bogota, Columbia, là nơi mà  hội thánh đã bùng nổ lên đến 16 000 nhóm môn đồ trong thời gian 12 năm liên tục. Joel Comiskey đã nhận xét về sự thành công tại nơi này, “Một bí quyết cho sự thành công của ICM là sự cam kết triệt để của những người lãnh đạo. Họ đã phát triển công việc của Đức Chúa Trời, và sự hứa nguyện, cam kết về thời gian của họ dành cho mục vụ nhân cấp môn đồ đã phản ánh sự thật đó.”14

Những người lãnh đạo các nhóm môn đồ của ICM đi nhà thờ vào mỗi sáng Chủ nhật, và họ cũng họp với người cố vấn của họ mỗi tuần. Ngoài ra, họ hoặc là lãnh đạo một nhóm môn đệ hoặc lãnh đạo một nhóm các người đào tạo môn đồ của họ mỗi tuần hoặc cả hai. Trên hết, họ dành nhiều thời gian cho sự thờ phượng và suy ngẫm cá nhân mỗi ngày, và nhiều người trong số họ tham dự giờ cầu nguyện với hội thánh mỗi buổi sáng. Ngoài ra, họ còn tham gia các khóa học lãnh đạo được hội thánh tổ chức.

  1. Duy Trì Các Mục Vụ Cách Bền Bỉ, Chăm Chỉ.

Mùa gặt theo sau sự làm việc chăm chỉ siêng năng của các môn đồ. Ga-la-ti 6:9 viết, “Chớ mệt nhọc về sự làm lành, vì nếu chúng ta không trễ nải, thì đến kỳ, chúng ta sẽ gặt.” Comiskey đã xác nhận nguyên tắc của câu Kinh Thánh này, khi ông viết: “Tôi phát hiện ra rằng tiềm năng dẫn dắt một nhóm tế bào khỏe mạnh, thành công không nằm trong những người có năng khiếu, người được giáo dục, hoặc những người có tính cách sống động. Câu trả lời đúng hơn là trong công việc khó khăn.”

Watchmen Nee là một nhà lãnh đạo các mục thành công, đồng thời cũng là người viết sách, đào tạo môn đồ, gieo trồng hội thánh trong những năm đầu tiên của thế kỷ hai mươi. Sau ba mươi năm kết quả xuất sắc cho vương quốc của Chúa, ông bị tống vào nhà tù ở Trung Quốc vì cớ Phúc âm. Ông đã trung tín cho đến chết trong suốt hai mươi năm trong tù. Trong loạt sách về đào tạo môn đồ, Watchmen Nee viết:

Có vẻ như không cần thiết để nói điều này, nhưng thực tế là cần thiết để nhấn mạnh rằng, một công nhân Cơ đốc phải là một người có ý chí làm việc. Bạn có bao giờ nhìn thấy một người làm việc hiệu quả nhưng lười biếng? Không, tất cả họ đều siêng năng và luôn luôn cảnh giác vì sợ rằng họ lãng phí thời gian hay năng lực của mình vào những việc vô bổ. Họ không tìm kiếm cơ khội để nghỉ ngơi, nhưng thay vào đó là cơ hội để phục vụ Chúa của mình.16

Người đào tạo môn đồ nhân bội phải duy trì, kiên nhẫn lao tác vất vả cho các mục vụ của mình. Họ không dao dộng, phân vân, chùn bước trên con đường mình đã chọn ngay cả khi họ mệt mỏi rã rời, không còn muốn gì nữa. Chúng ta không được phép bỏ cuộc nửa chừng nếu muốn theo đuổi một mùa gặt bội thu.

  1. Cố gắng, Kiên nhẫn.

Adoniram Judson đã lao tác không mỏi mệt cho Phúc âm ở Burma suốt sáu năm, rồi sau đó mới nhìn thấy một người qui đạo đầu tiên. Và đến cuối cuộc đời ông, số lượng môn đồ đã gia tăng lên 210 000 người. Mùa gặt lớn chỉ đến sau sự cố gắng kiên nhẫn không mệt mỏi. Gia-cơ 5:7 viết, “Hỡi anh em, vậy hãy nhịn nhục cho tới kỳ Chúa đến. Hãy xem kẻ làm ruộng: họ bền lòng chờ đợi sản vật quí báu dưới đất cho đến chừng nào đã được mưa đầu mùa và cuối mùa.” Những nông gia phải kiên nhẫn. Họ cày xới đất, gieo hạt, tưới nước, bón phân, canh chừng sâu bọ và các bệnh dịch và chờ đợi thời gian đến ngày thu hoạch. Cũng vậy mùa gặt lớn không đến chỉ qua một đêm.  Nó cần thời gian.

Người đào tạo môn đồ nhân bội cần kiên nhẫn và thời gian. Chúng ta phải cầu nguyện, nuôi dưỡng khải tượng và tiếp tục đầu tư. Vì vậy kết quả có được xứng đáng cho sự nỗ lực và thời gian của chúng ta.  Tiến trình chậm chạp, gian khổ của người đào tạo môn đồ nhân bội là cách hiệu quả nhất để vươn tới một mùa gặt bội thu các linh hồn cho Đức Chúa Trời.

  • Các câu hỏi suy ngẫm –
  1. Bạn có muốn được nghe Chúa Giê-su phán trong ngày tính sổ: “Hỡi đầy tớ ngay lành trung tín. Được lắm, hãy bước vào hưởng sự vui mừng…”
  2. Bạn có sẵn sàng đáp ứng các điều kiện cho một mùa gặt bội thu?
  3. Bạn có nuôi dưỡng liên tục khải tượng cho mùa gặt lớn?
  4. Những điều kiện nào bạn đang đáp ứng tốt cho mùa gặt?
  5. Những điều nào bạn cần điều chỉnh để sự nhân bội môn đồ trở nên tốt hơn?

 

Các ghi chú

Phần 4

Mô Hình Môn Đồ Hóa: Lãnh Đạo Mục Vụ Và Hội Thánh Địa Phương

Trong phần một chúng ta đã khảo sát nền tảng thần học của Kinh Thánh cho môn đồ hóa. Trong phần hai chúng ta nói đến căn bản của tiến trình môn đồ hóa. Trong phần ba chúng ta thảo luận về các phương pháp môn đồ hóa. Và trong phần cuối cùng chúng ta sẽ nghiên cứu về ngữ cảnh của môn đồ hóa.

Trở nên một môn đồ, và bắt đầu tiến trình môn đồ hóa xảy ra trong ngữ cảnh là tín nhân bằng lòng tự nguyện đi theo Chúa Giê-su. Ngữ cảnh này thông thường diễn ra trong “hội thánh”. Chúa Giê-su đã tuyên bố trong Ma-thi-ơ 16:18, “Còn ta, ta bảo ngươi rằng: Ngươi là Phi-e-rơ, ta sẽ lập Hội thánh ta trên đá nầy, các cửa âm phủ chẳng thắng được hội đó.” Sau đó không bao lâu hội thánh đã được khai sinh trong ngày Lễ ngũ tuần (Công vụ. 2). Và kể từ thời điểm đó, hội thánh của Chúa Giê-su Christ đã công bố phúc âm, tiến hành môn đồ hóa và làm các mục vụ khác để hoàn thành sự ủy nhiệm của Chúa.

Trong những chương cuối của sách này chúng ta sẽ mô tả các đặc trưng của những hội thánh tăng trưởng và cấu trúc của nó. Mục đích trong các phần khảo cứu  là chúng ta sẽ khích lệ các hội thánh khắp nơi tái sinh sản ra các hội thánh mới, thay vì phê phán các khuyết điểm trong mô hình hội thánh.

19

Môn Đồ Hóa là….
Nhận Thức Tầm Quan Trọng Của Thân Thể

Rod Dempsey

———————-

Di Chuyển Không Có Tiếng Nói

Tôi kết thúc trò chơi bóng rỗ, nhưng tôi biết một vài điều đã sai trật. Cánh tay phải của tôi đã bị tê, và tôi phải đến với bác sĩ.  Trò chơi đã trở nên khá mãnh liệt và tôi phải rất cạnh tranh. tôi là đứa trẻ nhỏ nhất trong lớp và khi lớn lên tôi phải xác định rõ mục tiêu của mình. Lần này, khả năng cạnh tranh của tôi đã đạt được kết quả tốt nhất của tôi.

Trò chơi trực tuyến, và anh này đang đánh quả bóng trên làn đường cứng. Anh ta là một người chơi giỏi và tôi có thể thấy rằng anh ấy đã lên kế hoạch chiến thắng trò chơi bằng cách đánh quả bóng xuống giữa và kết thúc với một lần đưa bóng vào rỗ cho hai điểm cuối cùng. Không may cho anh ta là tôi đang ở trên làn đường. Tôi quyết định là anh ta sẽ không đưa bóng vào rỗ từ trên đầu của tôi. Anh ta nhảy lên. Tôi cũng nhảy. Chúng tôi va chạm giữa không trung. Anh ấy đã có khả năng để chiến thắng. Tôi thì không.  Tin tốt là anh ấy đã bỏ lỡ nỗ lực đưa bóng vào rỗ. Tin xấu là  tôi đang bay qua từ phía sau. Tôi duỗi hai cánh tay ra sau lưng tôi, giằng co vì tác động.

Tôi đang nghĩ gì? Tôi đã ở tuổi bốn mươi chơi một trò chơi đón, bên ngoài, trên nhựa đường! Tôi đã kết hôn, có hai người phụ thuộc, việc làm toàn thời gian, và ở đây tôi đã chọn mình lên khỏi vỉa hè với vết xước, vết bầm tím, và một khuỷu tay rất đau.

Chẩn đoán trước khi Kê toa

Tôi kể lại cho bác sĩ những gì đã xảy ra, trừ đi một vài chi tiết, và anh ấy lập tức yêu cầu tôi  chiếu X-quang để kiếm tra khuỷu tay.  Tia X sẽ cho biết tôi có bị bị gãy khủy tay hay không. Sau vài phút, khi đã có kết quả X quang, vị bác sĩ nhìn vào phim đánh giá tình trạng của tôi. Ông đã thông báo là xương của tôi bị gãy. Và  rồi một ý tá đã băng bó khuỷu tay của tôi. Tôi đã đi từ chỗ hoàn toàn khỏe mạnh đến chỗ bị thương và cần điều trị.

Từ câu chuyện này, chúng ta thấy rằng một cơ thể hoàn toàn khỏe mạnh có thể chuyển thành bị tổn thương một cách nhanh chóng. Khi một chi thể của tôi bị tổn thương, thì phần còn lại của thân thể cũng hứng chịu đau đớn cùng với nó. Trong cơ thể vật lý, sự tổn thương và đau đớn này có khi kéo dài nhiều tháng hoặc nhiều năm. Câu chuyện của tôi minh họa rằng một bác sĩ giỏi sẽ liên quan đến đánh giá và chẩn đoán trước khi kê toa.

Câu chuyện này cũng liên hệ đến thân thể của Chúa là hội thánh địa phương. Hội thánh co1` thể đang khỏe mạnh, nhưng rồi một ngày nào đó không còn khỏe mạnh nữa bởi vì những quyết định sai trật từ đội ngũ lãnh đạo. Hoặc hội thánh có thể trượt dần trên con đường què quặt thuộc linh vì những chọn lựa tồi tệ liên tục xảy ra trong một thời gian dài.

Kết quả của những sự lựa chọn tồi tệ là hội thánh  trở nên “không khỏe mạnh.” Lúc này  tiến trình môn đồ hóa bị đình trệ. Tiến trình này chỉ xảy ra khi hội thánh khỏe mạnh. Sẽ được xem là thiếu khôn ngoan khi cố gắng xây dựng tiến trình môn đồ hóa nhân cấp trong một hội thánh không khỏe mạnh. Mỗi chi thể trong thân thể Đấng Christ phải được nuôi dưỡng chăm sóc trong tình trạng lành mạnh, khi đó hội thánh mới thực sự là một cơ thể  khỏe mạnh để xúc tiến các mục vụ.

Thân thể khỏe mạnh, Hội thánh khỏe mạnh

Hãy thử đánh giá tình trạng sức khỏe của một hội thánh địa phương trong sách Khải huyền. Ở đây có bảy hội thánh minh họa cho các hội thánh trong mọi thời đại. Chúa Giê-su đang đi giữa bảy hội thánh và Ngài đánh giá  sức khỏe thuộc linh của các hội thánh trong khu vực Tiểu Á.  Trong hầu hết các trường hợp Chúa Giê-su đã đánh giá một số điều tốt mà các hội thánh đang làm, sau đó Ngài chỉ ra một số điều sai trật.

Cũng vậy một hôm nào đó chúng ta đi khám bệnh, và rồi bác sĩ sẽ nói, “một số bộ phận trong cơ thể anh là tốt, tuy nhiên một vài chỗ khác cần phải được điều trị.” Điều tương tự cũng đúng với bảy hội thánh ở đây. Chúa Giê-su đang nhận xét sức khỏe của thân thể Ngài. Ngài phán: “Ta biết công việc của ngươi.”  Hay “Ta biết sự hoạn nạn của ngươi.” Và thậm chí Ngài còn phán với một hội thánh, “Ta biết nơi ngươi ở.” (Khải huyền 2:13). Ngày hôm nay có lẽ chúng ta khó có thể nói như Chúa Giê-su, tuy nhiên điểm nhấn mạnh ở đây là Chúa Giê-su biết tất cả tình trạng sức khỏe của từng hội thánh.

Trong một phương diện giới hạn thì mỗi ông chồng đều không thích nghe lời này từ người vợ: “Chúng ta cần nói chuyện.” Tương tự như vậy, trong mỗi lá thư gởi cho bảy hội thánh, Chúa Giê-su cũng đang muốn nói với các hộ thánh: “Chúng ta cần nói chuyện.” Ngài đang chẩn đoán chính xác sức khỏe thuộc linh của từng hội thánh địa phương để đưa ra toa thuốc phù hợp.

Những Chỉ Số Sinh Động là gì?

Chúng ta cần đo lường sức khỏe của hội thánh địa phương theo cách mà bác sĩ thực hiện các chẩn đoán trong một cơ thể vật lý. Ví dụ khi bạn đến phòng mạch bác sĩ, ông ấy sẽ làm các xét nghiệm và những khảo cứu hỗ trợ khác để tìm ra các “chỉ số sinh động”1 Bạn cân nặng bao nhiêu? Bạn cao bao nhiêu? Nhịp tim? Huyết áp? Có dị ứng với những thuốc men, thực phẩm nào? Đang dùng thuốc gì? Có cần thực hiện điện tim hay không?

Vấn đề ở đây là nghề y tế trong hàng trăm năm đã phát triển các phép đo cơ bản nhất định từ những dụng cụ y khoa tên tiến cho bác sĩ thấy có một khu vực trong cơ thể mà không được điều chỉnh đúng. Thân thể con người là một cỗ máy đáng kinh ngạc, nó có đến mười một hệ thống khác nhau hoạt động trong sự hài hòa và hợp tác với tất cả các phần khác để tạo ra sức khỏe. Khi một hệ thống hay một phần trong cơ thể không hoạt động hoặc bị tổn thương, bạn biết điều gì sẽ xảy ra. Trong cùng một nguyên tắc như vậy, tôi tin rằng chúng ta có thể đo lường các “chỉ số sinh động” của một hội thánh địa phương để biết hộ thánh ấy có khỏe mạnh hay không.

Chăm Sóc Thân Thể và Thân Thể Sẽ Chăm Sóc Bạn

Sự minh họa ở trên là phù hợp thực tế khi Chúa Giê-su phân tích về tình trạng của hội thánh là thân thể của Ngài. Chúng ta hãy suy nghĩ thấu đáo những lời này của Phao-lô, “Ngài đã bắt muôn vật phục dưới chân Đấng Christ, và ban cho Đấng Christ làm đầu Hội thánh,  Hội thánh là thân thể của Đấng Christ, tức là sự đầy đủ của Đấng gồm tóm mọi sự trong mọi loài.” (Ê-phê-sô 1:22-23). Lời Chúa xác định rằng hội thánh giống như thân thể, mà nó là thân thể của Đấng Christ.

Trong một phần Kinh Thánh khác, Phao-lô cũng nói rằng, “chúng ta là nhiều người mà hiệp nên một thân trong Đấng Christ, và hết thảy chúng ta đều là các phần chi thể của nhau.” (Rô-ma 12:5). Và trong Ê-phê-sô 3:6, vị sứ đồ bổ túc thêm, “Lẽ mầu nhiệm đó tức là: Dân ngoại là kẻ đồng kế tự, là các chi của đồng một thể, đều có phần chung với chúng ta về lời hứa đã nhờ Tin lành mà lập trong Đức Chúa Jêsus Christ.”

Thân Thể Của Đấng Christ

Phao-lô nói đến thân thể của Đấng Christ: “Vả, như thân là một, mà có nhiều chi thể, và như các chi thể của thân dầu có nhiều, cũng chỉ hiệp thành một thân mà thôi, Đấng Christ khác nào như vậy.  Vì chưng chúng ta hoặc người Giu-đa, hoặc người Gờ-réc, hoặc tôi mọi, hoặc tự chủ, đều đã chịu phép báp-têm chung một Thánh Linh để hiệp làm một thân; và chúng ta đều đã chịu uống chung một Thánh Linh nữa.” (1 Côr. 12:12-13).

Khi chúng ta nhận món quà cứu rỗi, chúng ta được báp-tem bởi Đức Thánh Linh để hội nhập vào hội thánh địa phương và hội thánh hoàn vũ – là thân thể của Đấng Christ (1 Côr. 12:13; Ê-phê-sô 4:5). Trong Ê-phê-sô 4:11-12, Phao-lô giải thích, “Ấy chính Ngài đã cho người nầy làm sứ đồ, kẻ kia làm tiên tri, người khác làm thầy giảng Tin lành, kẻ khác nữa làm mục sư và giáo sư,  để các thánh đồ được trọn vẹn về công việc của chức dịch và sự gây dựng thân thể Đấng Christ.” Ông tiếp tục trong câu 16, “Ấy nhờ Ngài mà cả thân thể ràng buộc vững bền bởi những cái lắt léo, khiến các phần giao thông với nhau, tùy lượng sức mạnh của từng phần, làm cho thân thể lớn lên, và tự gây dựng trong sự yêu thương.” Đây là mối quan hệ hỗ tương giữa các chi thể với nhau trong thân thể Đấng Christ.

Những phần Kinh thánh trên bày tỏ hội thánh tương tự với thân thể của Đấng Christ. Hai danh từ này đồng nghĩa với nhau. Phao-lô đã chỉ ra “cả thân thể ràng buộc vững bền bởi những cái lắt léo, khiến các phần giao thông với nhau…” Điều ngược lại là khi các phần không giao thông với nhau thì thân thể sẽ không thể nào khỏe mạnh được. Biểu đồ dưới đây minh họa về tầm quan trọng của tất cả các phần trong cơ thể làm việc cùng nhau.

Tôi xin hỏi, “Có bao nhiêu phần trong cơ thể bạn mà bạn muốn chúng hoạt động?” Chúng ta chăm sóc toàn thân thể của mình. Và nếu có chi thể nào gặp sự cố, chúng ta phải đến với bác sĩ để điều trị. Khi nhận được phác đồ điều trị với những thuốc men từ bác sĩ, chúng ta sẽ theo đi theo sự hướng dẫn đó để làm cho thân thể được khỏe mạnh.

Tất Cả Đều Tăng Trưởng -> Hội Thánh Khỏe Mạnh -> Tất Cả Đều Ở Đúng Vị Trí -> Tất Cả Đều Phục Vụ

 

Bạn Đam Mê Điều Gì?

Nói một cách chung, chúng ta đam mê, theo đuổi sự khỏe mạnh cho toàn thân thể của mình. Cũng vậy chúng ta theo đuổi sự khỏe mạnh cho thân thể của Đấng Christ.  Chúa Giê-su muốn tất cả các chi thể của Ngài hoạt động. Sứ đồ Phao-lô diễn tả điều này trong 1 Cô-rin-tô 12:4-20.

Vả, có các sự ban cho khác nhau, nhưng chỉ có một Đức Thánh Linh. 5 Có các chức vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. 6 Có các việc làm khác nhau, nhưng chỉ có một Đức Chúa Trời, là Đấng làm mọi việc trong mọi người. 7 Đức Thánh Linh tỏ ra trong mỗi một người, cho ai nấy đều được sự ích chung. 8 Vả, người nầy nhờ Đức Thánh Linh, được lời nói khôn ngoan; kẻ kia nhờ một Đức Thánh Linh ấy, cũng được lời nói có tri thức. 9 Bởi một Đức Thánh Linh, cho người nầy được đức tin; cũng bởi một Đức Thánh Linh ấy, cho kẻ kia được ơn chữa tật bịnh; 10 người thì được làm phép lạ; kẻ thì được nói tiên tri; người thì được phân biệt các thần; kẻ thì được nói nhiều thứ tiếng khác nhau, người thì được thông giải các thứ tiếng ấy. 11 Mọi điều đó là công việc của đồng một Đức Thánh Linh mà thôi, theo ý Ngài muốn, phân phát sự ban cho riêng cho mỗi người.
12 Vả, như thân là một, mà có nhiều chi thể, và như các chi thể của thân dầu có nhiều, cũng chỉ hiệp thành một thân mà thôi, Đấng Christ khác nào như vậy. 13 Vì chưng chúng ta hoặc người Giu-đa, hoặc người Gờ-réc, hoặc tôi mọi, hoặc tự chủ, đều đã chịu phép báp-têm chung một Thánh Linh để hiệp làm một thân; và chúng ta đều đã chịu uống chung một Thánh Linh nữa. 14 Thân cũng chẳng phải có một chi thể, bèn là nhiều chi thể. 15 Nếu chân rằng: Vì ta chẳng phải là tay, nên ta không thuộc về thân, thì chẳng phải bởi đó chân không có phần trong thân. 16 Và nếu tai rằng: Vì ta chẳng phải là mắt, nên ta không thuộc về thân, thì tai chẳng phải bởi đó không có phần trong thân. 17 Ví bằng cả thân đều là mắt, thì sự nghe ở đâu? Nếu cả thân đều là tai, thì sự ngửi ở đâu? 18 Nhưng bây giờ, Đức Chúa Trời đã sắp đặt các chi thể của thân chúng ta, ban cho mỗi một chi thể cái địa vị theo ý Ngài lấy làm tốt mà chỉ định. 19 Nếu chỉ có một chi thể mà thôi, thì cái thân ở đâu? 20 Vậy, có nhiều chi thể, song chỉ có một thân.

Trong phần Kinh Thánh trên, chúng ta học được các điều sau đây:

  1. Mỗi Cơ đốc nhân có ít nhất một ân tứ
  2. Có nhiều loại các ân tứ thuộc linh khác nhau
  3. Mặc dù có nhiều phần khác nhau, nhưng chỉ có một thân thể
  4. Tất cả các phần trong thân thể đều quan trọng. Cả những phần thấy được và không thấy được.
  5. Có những phần không nhìn thấy được, nhưng nó cũng thuộc về thân thể.
  6. Đức Chúa Trời đặt mỗi phần trong thân thể theo ý Ngài muốn
  7. Thân thể sẽ ở đâu nếu như nó chỉ có một phần?
  8. Tất cả các phần phải phối hợp cùng nhau để hình thành nên một thân thể.

Đặt Tất Cả Chúng Cùng Nhau

Sứ đồ Phao-lô đã giải thích cho chúng ta các chức năng của thân thể Đấng Christ. Nó là một hệ thống hữu cơ- là nơi mà các phần làm việc cùng nhau. Trong một hội thánh địa phương chúng ta phải hiểu để cho hội thánh được khỏe mạnh, thì các phần, các chi thể phải làm việc cùng nhau. “Chỉ số quan trọng” nhất cho hội thánh là tất cả các thành viên phải phối hợp với nhau để phục vụ. Greg Ogden đã nhấn mạnh:

Khi chúng ta nhận thức hội thánh là một tổ chức sống động như thân thể của Chúa, thì các thành viên phải ra khỏi hàng ghế khán giả mà trở thành người chơi thực sự trên khán đài.  Mỗi người là một phần trong vở kịch này. Mỗi tín hữu là va diễn cần thiết của bộ phim truyền hình mà Đức Chúa Trời đang sản xuất – bộ phim về lịch sử cứu rỗi. Chúng ta, các mục sư và tín hữu đứng trên sân khấu với nhau. Tại đây tất cả mọi người đều thể hiện tính chuyên nghiệp của mình thông qua các ân tứ. Và họ được nối kết trục tiếp với Nhà sản xuất, là Đấng sáng tạo, Đạo diễn của lịch sử.2  

Cho phép tôi hỏi bạn một câu hỏi quan trọng: Có phải tất cả các tín hữu trong hội thánh khám phá ra các ân tứ của mình, và sử dụng ân tứ đó theo cách Chúa muốn?

Công việc của mục sư không chỉ là để “chăn bầy.” Chúng ta hãy nghe Aubrey Malphurs nói, “Bạn có muốn biết cách nào để hội thánh trở nên hiệu quả? Hãy tìm kiếm các môn đồ. Trong khi Đại mạng lệnh bao gồm các công tác của mục sư, nó phải rộng hơn nhiều so với chuyện đó.”3 Công việc chính của mục sư là trang bị hay huấn luyện các thành viên trưởng thành và sử dụng các ân tứ thuộc linh của họ hiệu quả nhất cho thân thể Christ. Khi các chi thể cùng làm việc với nhau theo đường lối của Chúa, khi đó thân thể sẽ khỏe mạnh. Những người đào tạo môn đồ phải hướng dẫn từng cá nhân trong hội thánh phát triển các ân tứ tiềm năng của họ cho sự mở rộng vương quốc Đức Chúa Trời. Khi các phần trong thân thể cùng thực hiện mỗi chức năng theo ý định của Chúa, điều tốt nhất cho hội thánh sẽ xảy ra.

Tóm lại tiến trình môn đồ hóa nhân bội không dễ dàng, nhưng nó có thể xảy ra khi chúng ta tập chú vào sự tráng kiện, khỏe mạnh của hội thánh địa phương. Khi nghiên cứu bảy hội thánh trong sách Khải huyền, chúng ta thấy rằng Chúa Giê-su mong đợi hội thánh của Ngài khỏe mạnh. Không có hội thánh nào hoàn hảo ở đây. Tất cả đều có những điểm yếu, vì họ là tập thể của những con người không hoàn hảo. Tuy nhiên mục tiêu của chúng ta vươn tới phải là một mục tiêu xứng đáng cho hội thánh hoàn hảo.

Để hiểu được sự khỏe mạnh của hội thánh chúng ta phải nhận thức rằng hội thánh của Chúa Giê-su trong Tân Ước là một thân thể. Hội thánh này có thể nhìn thấy qua cách mà nó biểu lộ. Thân thể con người là cả một hệ thống phức hợp với các phần tương tác lẫn nhau như một vũ trụ thu nhỏ (1 Cô-rin-tô 12). Chúng ta thường chú ý tới tình trạng của thân thể Đấng Christ là hội thánh, nhưng lại không quan tâm hoặc ít chú ý đến các chi thể trong thân. Thân thể chỉ khỏe mạnh khi các chi thể đều khỏe mạnh.

Các Thuộc Viên Đau Ốm = Hội Thánh Đau Ốm

Hầu hết các mục sư tập chú đến sức khỏe của tập thể hội thánh, nhưng lại không quan tâm đến từng cá nhân. Tôi tin rằng điểm khởi đầu cho tình trạng sức khỏe của hội thánh chính là sức khỏe của mỗi thuộc viên. Điểm tập chú của chúng ta phải là tất các chi thể trong hội thánh đều phải cùng làm việc với nhau. Khi tất cả các phần trong thân thể khỏe mạnh, khi đó thân thể (hội thánh) sẽ khỏe mạnh. Thân thể Đấng Christ khỏe mạnh sẽ là môi trường hoàn hảo cho công tác môn đồ hóa. Lúc đó các Cơ đốc nhân sẽ trưởng thành trên Lời Chúa. Ý tưởng, thái độ, hành động của họ sẽ phù hợp cho tiến trình môn đồ hóa nhân cấp.

Để đo lường sức khỏe trong cơ thể con người, các bác sĩ phải trải qua nhiều năm cho các nghiên cứu khoa học chuyên ngành. Có nhiều quan điểm khác nhau về cách làm thế nào để đo lường sức khỏe của hội thánh. Một số người nhìn vào số lượng các thuộc viên vào mỗi sáng Chủ nhật để đánh giá hội thánh. Một số người quan tâm đến có bao nhiêu tòa nhà mà hội thánh đã xây. Một số khác đo lường sức khỏe của hội thánh bằng cách xem số dư tài khoản của hội thánh có trong ngân hàng.

Thế giới đo lường sức khỏe hội thánh qua những thể hiện bên ngoài. Nhưng Chúa Giê-su nhìn sâu xa hơn. Ngài nhìn vào bên trong –tình trạng thật của thân thể. Thân thể của Đấng Christ khỏe mạnh hay không cũng giống như thân thể của con người có khỏe mạnh hay không. Thân thể của con người khỏe mạnh khi các phần đều ở trong vị trí được thiết kế và vận hành tốt. Cũng vậy, thân thể Đấng Christ khỏe mạnh khi các môn đồ lớn lên mạnh mẽ và hoàn  thành vai trò chức năng của mình. Chúa Giê-su là vị bác sĩ tuyệt vời không nhầm lẫn khi đo lường tình trạng sức khỏe của thân thể Ngài. Chúng ta sẽ khôn ngoan khi đi theo khuôn mẫu của Ngài.

Câu hỏi suy ngẫm

1.Trong Ê-phê sô 1:23, “Hội thánh là thân thể của Đấng Christ, tức là sự đầy đủ của Đấng gồm tóm mọi sự trong mọi loài.”  Chúa Giê-su diễn tả như thế nào về hội thánh?

2.Sức khỏe của hội thánh có liên hệ đến sức khỏe của mỗi thuộc viên trong hội thánh như thế nào?

3.Bạn có biết về ân tứ thuộc linh của bạn?

4.Bạn đang sử dụng ân tứ đó để làm mạnh mẽ thân thể Đấng Christ như thế nào?

5.Tầm quan trọng của mỗi chi thể phải sử dụng ân tứ của mình cách thích hợp trong thân thể Christ?

Các ghi chú

  1. Xem http://www.uihealthcare.com
  2. Greg Ogden, Unfinished Business. 355-59
  3. Aubrey Malphurs, Strategic Disciple Making (Grand Rapids, MI: Baker, 2009), 157

20  


Môn Đồ Hóa là..

Nắm Bắt Các Nguyên   Tắc Lãnh đạo

Rod Dempsey

Các thực tế khó khăn

Tôi đã kết hôn được vài năm trước khi tôi nhận ra mình không phải là một người chồng tốt. Bây giờ tôi không có gì để tự hào khi thừa nhận điều này, nhưng đó là một sự thật. Tôi đã không làm việc gì vô đạo đức. Vợ tôi và tôi đã theo học tại một Trường Cao đẳng Cơ đốc. Chúng tôi đã hấp thu một nền giáo dục tốt và nhìn thấy những gương mẫu tốt trong trường. Bên cạnh đó tôi đã có một vài khóa học cho tư vấn Cơ đốc và lãnh đạo trong chủng viện. Vì thế tôi ngây thơ nghĩ rằng tôi đã “chuẩn bị” cho hôn nhân. Thực tế khắc nghiệt của việc kết hôn là nó chỉ ra bạn thực sự là ai.

Kết hôn giống như nhìn vào một “gương soi nhân cách.” Nếu bạn ích kỷ và chưa trưởng thành trước khi bạn kết hôn, thì bạn cũng sẽ ích kỷ và chưa trưởng thành sau khi kết hôn. Tôi đồng ý với Martin Luther khi ông nói rằng, “kết hôn là trường học của nhân cách, nhờ đó mà Chúa sử dụng những khó khăn của cuộc sống gia đình hàng ngày để thánh hóa chúng ta.”1 Tôi cũng tin vào điều Phao-lô dạy cho Ti-mô-thê, “người giám mục cần phải không chỗ trách được, là chồng chỉ một vợ mà thôi, có tiết độ, có tài trí, xứng đáng, hay tiếp khách và khéo dạy dỗ.  Đừng mê rượu, cũng đừng hung bạo, nhưng phải mềm mại hòa nhã; lại đừng ham tiền bạc;  phải khéo cai trị nhà riêng mình, giữ con cái mình cho vâng phục và ngay thật trọn vẹn;  vì nếu có ai không biết cai trị nhà riêng mình, thì làm sao cai trị được Hội thánh của Đức Chúa Trời?” (1 Tim. 3:2-5). Phần Kinh Thánh này bày tỏ nếu bạn muốn trở thành người lãnh đạo hội thánh thành công, bạn phải là người cai trị gia đình của mình thành công. Còn nếu bạn không thể lãnh đạo vợ và các con của mình, hãy quên đi chuyện lãnh đạo hội thánh.

Chúng ta đã thảo luận về tầm quan trọng của thân thể trong tiến trình môn đồ hóa. Tuy nhiên sứ mạng và các mục vụ của thân thể Đấng Christ được trôi chảy đến từ các mục sư lãnh đạo tin kính. Trong chương này chúng ta sẽ cùng nhau khám phá bản chất của vai trò lãnh đạo thuộc linh.

Nơi Mà Đức Chúa Trời bày tỏ

Trong giới hạn của giao ước hôn nhân, Đức Chúa Trời dạy chúng ta hy sinh, đặt nhu cầu của người khác trước nhu cầu của chính chúng ta. Đây chính là ý tưởng mà Phao-lô dạy, “Hỡi người làm chồng, hãy yêu vợ mình, như Đấng Christ đã yêu Hội thánh, phó chính mình vì Hội thánh.” (Ê-phê-sô 5:25). Để trở nên một người chồng tốt, bạn phải biết hy sinh các quyền lợi bản thân để quan tâm đến vợ và con của mình trước. Đây là nhân cách hay tố chất làm chồng, làm cha. Người chồng tốt phải tìm cách giúp đỡ vợ con của mình phát huy hết các ân tứ tiềm năng của họ để phục vụ Đức Chúa Trời. Người đó phải giúp đỡ để vợ con mình nghe được những lời này từ Chúa Giê-su, “Hỡi đầy tớ ngay lành trung tín kia, được lắm; ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ lập ngươi coi sóc nhiều; hãy đến hưởng sự vui mừng của chúa ngươi.” (Ma-thi-ơ 25:23). Như vậy đặt nhu cầu và lợi ích của người khác lên trước nhu cầu của bạn là một yếu tố cần thiết cho người  lãnh đạo thuộc linh. Nếu không có điều này, chúng ta vẫn còn là những người chưa trưởng thành.

Sự hy sinh các lợi ích bản thân để ưu tiên cho những nhu cầu của người khác không những quan trọng mà còn cần thiết cho nghệ thuật lãnh đạo Cơ đốc. Dĩ nhiên nó khác với lãnh đạo thế tục. Henry và Richard Blackaby đã bình luận, “Lẽ thật đầu tiên trong phát triển lãnh đạo là điều này: Đức Chúa Trời giao việc dựa trên nhân cách (sự trung tín, phẩm hạnh). Nhân cách càng lớn thì việc được giao càng nhiều.”2 Chúng ta đọc thêm trong  Lu-ca 16:10, “Ai trung tín trong việc rất nhỏ, cũng trung tín trong việc lớn; ai bất nghĩa trong việc rất nhỏ, cũng bất nghĩa trong việc lớn.” (Lu-ca 16:10). Hãy nhớ rằng chúng ta ở đây để giúp đỡ, tài bồi cho người khác trưởng thành và quên đi những đòi hỏi của bản thân. Sự phục vụ đi kèm với sự hy sinh. Chúa Giê-su đã làm gương cho chúng ta để chúng ta có thể phục vụ gia đình và hội thánh theo cách của Ngài.

Những Mục Tiêu Của Tôi, Những Mục Tiêu Của Đức Chúa Trời

Là một lãnh đạo Cơ đốc, tôi ở đây để giúp đỡ các bạn trưởng thành và trở thành mẫu người mà Chúa muốn. Trong khi động cơ của lãnh đạo thế tục là giúp đỡ cho tổ chức của họ được thành công. Đây là mục tiêu cao nhất của lãnh đạo thế tục, trong khi đó con người của tổ chức được xem như một tài nguyên. Tuy nhiên lãnh đạo Cơ đốc thì khác. Lãnh đạo Cơ đốc là giúp cho con người được mạnh khỏe, trưởng thành và dự phần trong sự tăng trưởng của thân thể. Kết quả sẽ là thân thể Đấng Christ được khỏe mạnh. Đó là sự khác biệt giữa hai nghệ thuật lãnh đạo.

Điểm khởi đầu của lãnh đạo Cơ đốc là sức khỏe thuộc linh của mỗi cá nhân, sức khỏe thuộc linh của một cơ thể sống, chứ không phải của cơ cấu tổ chức. Tuy nhiên, người lãnh đạo Cơ đốc vẫn phải quan tâm đến hiện trạng của cơ cấu tổ chức. Khi các thành viên của hội thánh thực hành vai trò của mình, cơ cấu tổ chức sẽ được kiện toàn. Điều tương tự cũng xảy ra trong gia đình. Tất cả các thành viên trong gia đình phải hoàn thành vai trò của mình để thống nhất trong các mục tiêu.

Môn đồ hóa là một tiến trình phát triển, Bill Hull đã diễn tả, “Chúng ta gọi đây là tiến trình biến đổi tâm linh. Trong sự biến đổi tâm linh, chúng ta loại bỏ dần con người cũ của chúng ta, và tiếp tục thay đổi theo hình ảnh của Chúa Giê-su.”3 Khi các môn đồ phát triển và phát triển trong thân thể, sự tiến triển tự nhiên là các nhà lãnh đạo Đại mạng lệnh sẽ bắt đầu nổi lên. Xác định và phát triển các nhà lãnh đạo Đại mạng lệnh là chủ đề chúng ta sẽ khảo cứu tiếp.

Lãnh Đạo Cơ Đốc

Khi nghiên cứu về chủ đề trở nên một người lãnh đạo Cơ đốc, tôi có một cách tiếp cận hữu ích cho sinh viên của tôi là kiểm tra nhiều định nghĩa khác nhau của một khái niệm và xác định các cụm từ tái diễn. Khi các chủ đề đó được xác định, tôi khuyến khích sinh viên tạo ra một định nghĩa kết hợp ba hoặc bốn khái niệm mà các em cảm thấy rất quan trọng. Tôi đã khảo sát bài tập này nhiều lần trong các lớp, và mỗi lần như thế tôi đều kinh ngạc về cách mà các sinh viên đã nhanh chóng tổng hợp các khái niệm và phát triển một định nghĩa về lãnh đạo mang tính cá nhân mạnh mẽ.

Tôi đã tổng hợp được chừng sáu mươi lăm định nghĩa khác nhau về lãnh đạo và nghệ thuật lãnh đạo trong tập tin cá nhân từ sự nghiên cứu của nhiều người. Có một vài sự phân biệt giữa người lãnh đạo và nghệ thuật lãnh đạo.

Những nền tảng của người lãnh đạo

Khi nhìn vào các định nghĩa về lãnh đạo một số ý tưởng sau đây được nhắc đến nhiều lần:

  1. Gây ảnh hưởng trên người khác nhờ vào một nhân cách mẫu mực. Ý tưởng này được nói đến trong một phần hai các định nghĩa về lãnh đạo. Người lãnh đạo phải là người tác động đến người khác qua chính nhân cách và khải tượng của mình. Không có nhân cách tốt, mọi người sẽ đặt câu hỏi về động cơ của người lãnh đạo và cuối cùng sẽ không đi theo khải tượng của ông.
  2. Khải tượng và sự hướng dẫn. Người lãnh đạo biết mình sẽ đi đến đâu và làm cách nào để đi đến đó. Một người lãnh đạo có một hình ảnh trong tâm trí rõ ràng về tương lai, và họ đam mê theo đuổi để đạt được nó.
  3. Sự phát triển. Người lãnh đạo không chỉ hướng dẫn người khác làm theo khải tượng của mình mà còn phát huy hết tất cả những khả năng còn ẩn giấu (những tiềm năng) trong người khác.

Có thể tóm lược thế này:

Sự ảnh hưởng/Nhân cách tốt  + Khải tượng + Sự phát triển   =  Người Lãnh đạo

Sự Ảnh Hưởng = Người Lãnh Đạo

Điều quan trọng được nhắc lại lần nữa là người lãnh đạo phải tạo một ảnh hưởng tích cực lên người khác. Có nhiều cách để làm điều này. Chúng ta có thể ảnh hưởng trên người khác qua sự trưởng thành thuộc linh của mình. Chúng ta có thể ảnh hưởng trên người khác thông qua: những gì chúng ta nói; nhân cách của chính mình; sử dụng các tài năng và ân tứ của mình.

Còn nữa, là người lãnh đạo Cơ đốc, chúng ta tác động ảnh hưởng đến người khác xuyên qua sự cầu nguyện. Chúng ta cầu nguyện cho người khác và khích lệ họ bằng Lời Chúa. Về cơ bản, đã là người lãnh đạo có nghĩa là chúng ta phải tạo một ảnh hưởng tích cực lên người khác.

Khải Tượng và Sự Mầu Nhiệm

Điều thứ hai mà chúng ta chú ý là người lãnh đạo phải nhìn thấy con đường mình đi và có khải tượng.  Nhìn đường và biết lối đi là quan trọng để trở thành một nhà lãnh đạo. Có thể nhìn xa hơn, và rõ ràng hơn là một điều quan trọng cho trách nhiệm của một người lãnh đạo Cơ đốc.  Khi chúng ta dành thì giờ với Đức Chúa Trời và Lời Ngài, ở trong sự hiện diện với Ngài, chúng ta có thể nghe tiếng phán của Ngài cách rõ rang để biết con đường  mình đi.

Chúa Giê-su đã phán trong Giăng 10:27, “Chiên ta nghe tiếng ta, ta quen nó, và nó theo ta.” Thực tế là, Chúa Giê-su thường dành thì giờ ở với Cha thiên thượng để tìm biết ý muốn của Cha. Đây là điểm khởi đầu cho người lãnh đạo Cơ đốc. Người lãnh đạo thế tục thì khác, anh ta sẽ dành thì giờ cho các buổi hội thảo, nghiên cứu các dự án, phân tích các thông tin trong nhiều lĩnh vực để phát triển công ty của mình. Là người lãnh đạo Cơ đốc chúng ta phải dành thì giờ ở với Đức Chúa Trời. Blackaby đã nói về điều này, “Thế giới trần tục lờ đi ý muốn của Đức Chúa Trời, cho nên những kẻ không tin ngồi lại để  dự trù, chuẩn bị cho kế hoạch của chính họ. Các Cơ đốc nhân được gọi đến một cách tiếp cận khác. Đối với tín hữu, chỉ có Chúa mới đặt ra chương trình nghị sự.”4 Kết quả là, người lãnh đạo Cơ đốc trau dồi khả năng lắng nghe tiếng Chúa để đi đến điểm mà Chúa sẽ bày tỏ cho người đó sự mầu nhiệm của vương quốc.  Chúa Giê-su dạy, “Bởi vì đã ban cho các ngươi được biết những điều mầu nhiệm của nước thiên đàng, song về phần họ, thì không ban cho biết.” (Ma-thi-ơ 13:11; Đọc thêm Lu-ca 8:10).  Sách Châm ngôn 3:23 viết, “Con sẽ bước đi vững vàng trong đường con, và chân con không vấp ngã.”

Khi dành thì giờ ở với Đức Chúa Trời, Ngài sẽ bày tỏ cho chúng ta những điều huyền nhiệm về ý muốn Ngài. Bạn có đang dành thì giờ trong hiện diện của Chúa và lắng nghe tiếng Ngài?

Biết Các Ân Tứ Và Sử Dụng Chúng

Ý tưởng thứ ba từ các định nghĩa về lãnh đạo là phát triển và giúp đỡ người khác trở nên mẫu người mà Chúa muốn. Tôi tin rằng nhiệm vụ trung tâm của người lãnh đạo Cơ đốc là khích lệ, huấn luyện, trang bị cho người khác, giúp họ trưởng thành trong ý muốn của Chúa. Tôi đồng ý với Warren Bennis khi ông nói, “Trở nên một người lãnh đạo đồng nghĩa với việc trở thành chính mình. Điều này chính xác mà đơn giản, và cũng khó khăn.”5 Khi một người trưởng thành vươn tới giống như hình ảnh của Đấng Christ, người ấy cần được khích lệ để khám phá các ân tứ mà Đức Chúa Trời đã ban cho mình và sử dụng chúng cho sự mở rộng nước Trời. Ê-phê-sô 2:10 viết, “chúng ta là việc Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Đức Chúa Giê-su Christ để làm việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước cho chúng ta làm theo.” Đức Chúa Trời đã cứu chúng ta không phải vì những việc lành mà chúng ta làm (Ê-phê-sô 2:8-9), nhưng Ngài đã cứu chúng ta, để chúng ta trở nên những người phục vụ – những người làm các việc lành, trong đó chủ yếu là rao giảng Phúc âm qua mọi phương cách. Cha thiên thượng đã dự bị sẵn một số việc mà Ngài muốn chúng ta làm. Nếu một người đã tiếp nhận Chúa Giê-su làm Cứu Chúa, người ấy đã có một chỗ đứng trong vương quốc để làm việc.

Đức Chúa Trời trông đợi con cái của Ngài biết các ân tứ Ngài ban cho và sử dụng chúng. Trong ngày tính sổ chung cuộc, mỗi chúng ta sẽ được Chúa phán xét. Sự phán xét này tùy thuộc vào sự trung tín của mỗi người sử dụng các ân tứ của mình. Chúng ta trông đợi được nghe tiếng Chúa phán trong ngày ấy: “Hỡi đầy tớ ngay lành trung tín kia, được lắm; ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ lập ngươi coi sóc nhiều; hãy đến hưởng sự vui mừng của Chúa ngươi.” (Ma-thi-ơ 25:23)

Định nghĩa người lãnh đạo

Từ những phân tích trên đây, chúng ta có thể diễn tả rõ hơn về người lãnh đạo Cơ đốc:

Một lãnh đạo Cơ đốc là người tạo ảnh hưởng trên người khác. Người đó bước theo khải tượng của Đức Chúa Trời bày tỏ cho mình và truyền cảm hứng cho người khác để họ bước theo kế hoạch của Đức Chúa Trời dành cho đời sống họ.   

Từ định nghĩa này chúng ta có thể giúp đỡ cho các lãnh đạo Cơ đốc nhìn thấy trách nhiệm của chính mình để hướng dẫn dân sự của Chúa vươn tới khai thác hết các ân tứ tiềm năng của họ. Điều này cũng áp dụng trong phạm vi một gia đình. Là cha mẹ chúng ta là những người lãnh đạo Cơ đốc phải có trách nhiệm giúp đỡ con cái mình phát triển các ân tứ, tài năng để phục vụ hội thánh và cộng đồng. Chúng ta có mặt ở đây để giúp đỡ cho mỗi cá nhân trưởng thành, phát triển góp phần của mình cho vương quốc của Đức Chúa Trời.

Nghệ thuật lãnh đạo Cơ đốc: Tiến trình

Bất cứ định nghĩa nào về người lãnh đạo Cơ đốc cũng sẽ áp dụng cho nghệ thuật lãnh đạo Cơ đốc. Đó là, chúng có những cụm từ và ngữ cảnh tương đương trong khi cho phép một khác biệt chính: lãnh đạo Cơ đốc giải quyết với con người trong khi nghệ thuật lãnh đạo Cơ đốc giải quyết với một tiến trình. Khi đã định hình như vậy, cho phép tôi chia sẻ các ý tưởng thông thường liên quan đến tiến trình của nghệ  thuật lãnh đạo.

  1. Ảnh hưởng: Khả năng ảnh hưởng lên người khác
  2. Khải tượng: Những người lãnh đạo có một sự hướng dẫn cụ thể về nơi họ đi và làm cách nào để đi tới đó. Họ có một khải tượng cho một tương lai tốt hơn.
  3. Sự phát triển: Những người lãnh đạo không chỉ thuyết phục người khác làm điều mình muốn, mà họ còn phát triển người khác thi thố những tiềm năng đang bị chôn giấu.

Những nền tảng của nghệ thuật lãnh đạo

Khái niệm đầu tiên tôi ghi chú từ các định nghĩa về nghệ thuật lãnh đạo là ảnh hưởng lên người khác.  J. Oswald Sanders đã nói, “Nghệ thuật lãnh đạo là khả năng ảnh hưởng lên người khác để họ đi theo.”

Ảnh hưởng là từ thông dụng nhất để chỉ về sự lãnh đạo. Ý tưởng trung tâm là: người lãnh đạo phải ảnh hưởng lên người khác để họ hoàn thành những mục tiêu cụ thể dưới sự hướng dẫn của mình. Những mục tiêu của tổ chức là tối quan trọng, trong khi những người trong tổ chức hỗ trợ cho nhiệm vụ đó. Trong nhiều trường hợp, kỹ thuật động lực bên ngoài được thuê mướn để thực hiện các mục tiêu.

Điều thứ hai cho sự lãnh đạo là phải có khải tượng. Nó là một khái niệm nhìn về phía trước. Nếu không có khải tượng sẽ không có sự hướng dẫn rõ ràng về các mục vụ cần thực hiện. George Barna nói rằng khải tượng (tầm nhìn) là “hình ảnh trong tâm trí rõ ràng về một tương lai tươi sáng hơn.” Có thể xem đây là lời giải thích rõ ràng và đơn giản nhất về khải tượng. Những người lãnh đạo phải có khả năng nhìn thấy những điều mà người khác không thấy.

Điều thứ ba trong nghệ thuật lãnh đạo là tập chú đến sự phát triển của từng cá nhân. Sự phát triển cá nhân là vươn tới những tiềm năng mà một người có thể phát huy hết cho thân thể của Đấng Christ theo ân tứ mà người đó nhận được. Tôi cho rằng Harvey Firestone đã nói đúng, “Sự trưởng thành và phát triển của các thành viên là một trong những mục tiêu cao nhất của nghệ thuật lãnh đạo.”8  Trở về trong phạm vi gia đình, chúng ta biết rằng theo thiết kế của Đức Chúa Trời, cha mẹ là những người lãnh đạo có trách nhiệm phải giúp đỡ con cái phát triển theo ân tứ, khả năng của chúng để trở thành người hữu ích nhất cho hội thánh và cộng đồng. Trong hội thánh cũng theo nguyên tắc tương tự. Những người lãnh đạo Cơ đốc phải có đam mê phát triển các chi thể trong thân thể Đấng Christ để mở rộng vương quốc thiên đàng.

Định Nghĩa Nghệ Thuật Lãnh Đạo Cơ đốc

Trong thân thể con người, các phần phụ khỏe mạnh là kết quả của việc sử dụng và luyện tập các chi thể. Giả định là bạn không bao giờ sử dụng đến cánh tay trái, điều gì sẽ xảy ra? Lúc đó thân thể bạn sẽ như thế nào? Cũng vậy, Đức Chúa Trời muốn các chi thể trong thân của Ngài phải hoạt động, lúc đó thân thể Ngài (hội thánh) mới khỏe mạnh. Vì vậy nghệ thuật lãnh đạo Cơ đốc là phát triển mỗi thành viên trong hội thánh sử dụng các ân tứ của mình để làm điều Chúa muốn. Bây giờ chúng ta sẽ đưa ra một định nghĩa cho chủ đề này:

Nghệ thuật lãnh đạo Cơ đốc là tiến trình ảnh hưởng đến các cá nhân bước theo kế hoạch của Đức Chúa Trời cho cuộc sống của họ và trở thành người có thể làm tất cả mọi việc vì Đấng Christ và sứ mệnh của Ngài.

Áp Dụng Nghệ Thuật Lãnh Đạo Cơ đốc

Định nghĩa trên đây về nghệ thuật lãnh đạo Cơ đốc thì tương tự chính xác với người lãnh đạo Cơ đốc.  Người (lãnh đạo) và tiến trình này (nghệ thuật lãnh đạo) là những yếu tố không thể tách rời của lãnh đạo thuộc linh, vì thế chúng giống nhau. Chúng ta có thể nói tóm lược về người lãnh đạo: “Người lãnh đạo Cơ đốc là người ảnh hưởng lên những người khác để họ bước theo kế hoạch của Chúa dành cho họ.” Sau đó bạn có thể dùng định nghĩa về nghệ thuật lãnh đạo giải thích tiến trình này. Người lãnh đạo Cơ đốc tập chú vào mỗi thành viên trong hội thánh để giúp họ trưởng thành và phát triển. Bởi vì hội thánh sẽ tăng trưởng khi các thuộc viên tăng trưởng trong các chiều kích thuộc linh.

Cha mẹ trong gia đình cũng áp dụng nguyên lý lãnh đạo này. Chúng ta phải nuôi dưỡng và phát triển con cái mình đạt đến bậc thành nhân  theo tiêu chuẩn Kinh Thánh để dâng vinh hiển về Đức Chúa Trời. Cha mẹ và những người lãnh đạo Cơ đốc khác cùng theo đuổi một mục tiêu chung trong ánh sang của Lời Chúa. Cũng vậy cha mẹ thuộc linh là những người đào tạo môn đồ phải hiểu rằng trong tư cách quản gia, chúng ta phải giúp đỡ cho sự trưởng thành và phát triển thuộc linh của dân sự Chúa.

Câu hỏi suy ngẫm

  1. Cuộc sống hôn nhân dạy chúng ta điều gì về chính bản thân mình?
  2. Mục tiêu của nghệ thuật lãnh đạo Cơ đốc là gì?
  3. Ba yếu tố cấu thành của nghệ thuật lãnh đạo Cơ đốc là gì?
  4. Ba yếu tố cấu thành của người lãnh đạo Cơ đốc là gì?
  5. Bạn cần làm gì trên từng lĩnh vực?

Các ghi chú

1.

 

21

Môn đồ hóa là…..

Tái Sản Sinh Các Nhà Lãnh Đạo Công Tác Truyền Giáo

Rod Dempsey

Những Người Lãnh Đạo Dẫn Đường

Trong chương trước, chúng ta đã thảo luận về các đặc trưng chung giữa người lãnh đạo Cơ đốc (con người) và nghệ thuật lãnh đạo Cơ đốc (tiến trình). Chúng ta ôn lại định nghĩa về người lãnh đạo:

Một lãnh đạo Cơ đốc là người tạo ảnh hưởng trên người khác. Người đó bước theo khải tượng của Đức Chúa Trời bày tỏ cho mình và truyền cảm hứng cho người khác để họ bước theo kế hoạch của Đức Chúa Trời dành cho đời sống họ.  

Điều rõ ràng từ định nghĩa này là người lãnh đạo Cơ đốc tạo ảnh hưởng (hay truyền cảm hứng) lên người khác để họ bước theo kế hoạch của Đức Chúa Trời dành cho đời sống họ. Lưu ý là chúng ta không nói: “gây ảnh hưởng lên người khác để họ theo đuổi các nhu cầu của mục vụ.” Một điều nữa cần chú ý là, định nghĩa trên đây cũng không nói là: “gây ảnh hưởng lên người khác để họ theo đuổi các nhu cầu của tổ chức.”  hay là “bước theo các nhu cầu mà chúng ta đã chọn lựa cho họ.”

Công việc chính của một người lãnh đạo là giúp đỡ cho mỗi cá nhân khám phá và hoàn thành ý muốn của Đức Chúa Trời cho cuộc đời của người đó. Đây là những gì mà người lãnh đạo cần làm. Bước đi theo ý muốn của Đức Chúa Trời là một tiến trình phát triển của một người đi từ chỗ chưa nhận biết Chúa Giê-su đến chỗ tiếp nhận Ngài làm Cứu Chúa, rồi từ đó bắt đầu lớn lên mạnh mẽ trong đức tin. Tiến trình này còn được gọi là sự thánh hóa (1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:3), và đó là ý muốn của Đức Chúa Trời dành cho mỗi tín hữu. Trong tiến trình nên thánh này mỗi tín hữu được lớn lên qua việc đầu tư thì giờ của mình để xây dựng các thói quen thuộc linh nối kết chính người đó với ân điển của Đức Chúa Trời. Các thói quen mới như nghe, đọc, nghiên cứu, suy gẫm Lời Chúa, cầu nguyện….sẽ làm cho tín hữu mặc lấy tâm trí của Christ. Chúa Giê-su phán:
“Nếu các ngươi hằng ở trong đạo ta, thì thật là môn đồ ta; các ngươi sẽ biết lẽ thật, và lẽ thật sẽ buông tha các ngươi.” (Giăng 8:31-32)

Tiếp tục ở trong đạo Chúa (Lời Chúa) sẽ khiến cho các môn đồ đi từ con đỏ thuộc linh vươn tới bậc thành nhân, được giải phóng ra khỏi những ràng buộc của thế gian, tội lỗi, ma quỉ (1 Giăng 2:15-17). Khi tín hữu trở nên mạnh mẽ, trưởng thành, họ sẽ phục vụ Chúa và thân thể của Ngài theo ân tứ nhận được. Sứ đồ Phi-e-rơ dạy:

“Mỗi người trong anh em hãy lấy ơn mình đã được mà giúp lẫn nhau, khác nào người quản lý trung tín giữ các thứ ơn của Đức Chúa Trời.  Ví bằng có người giảng luận, thì hãy giảng như rao lời sấm truyền của Đức Chúa Trời; nếu có kẻ làm chức gì, thì hãy làm như nhờ sức Đức Chúa Trời ban, hầu cho Đức Chúa Trời được sáng danh trong mọi sự bởi Đức Chúa Jêsus Christ; là Đấng được sự vinh hiển quyền phép đời đời vô cùng. A-men.”  (1 Phi. 4:10-11)

Chúng ta biết rằng mỗi tín hữu đều có ít nhất một ân tứ thuộc linh phải được đem ra sử dụng để làm vinh hiển danh Chúa.  Khi một tín hữu sử dụng ân tứ của mình và kết quả cho công việc Chúa, thì đây là lời Chúa Giê-su phán dành cho người đó:

“Nầy, Cha ta sẽ được sáng danh là thể nào: Ấy là các ngươi được kết nhiều quả, thì sẽ làm môn đồ của ta vậy.” (Giăng 15:8)

Như vậy, nghề nghiệp của chúng ta với tư cách là người lãnh đạo Cơ đốc phải giúp đỡ cho từng cá nhân trưởng thành, phát triển và trở nên người phục vụ Vua vinh hiển và vương quốc của Ngài.  Chúng ta hướng dẫn người khác bằng cách chia sẻ lẽ thật với họ, giúp họ khám phá và hoàn thành ý chỉ của Đức Chúa Trời. Kết quả là họ sanh bông trái khi sử dụng các ân tứ được Chúa ban cho. Đây là bản chất của tiến trình môn đồ hóa để Chúa được vinh hiển.

Trong khi chúng ta làm môn đồ Đấng Christ, phải có một chiều hướng cá nhân hiệu quả để phát triển tâm linh, và có một biểu hiện công khai cho sự phục vụ vương quốc.  Những người lãnh đạo Cơ đốc phát triển các môn đồ, và các môn đồ hoàn thành sứ mạng của Đấng Christ. Nếu bạn có bất kỳ quan điểm nào về lãnh đạo Cơ đốc khác hơn là chinh phục mọi người về với Chúa Giê-su, hãy giúp cho các môn đồ phát triển đến điểm mà họ có hiệu quả cho vương quốc, sau đó bạn cần phải nghiêm túc xem xét lại những gì bạn đang làm. Trong chương trước chúng ta đã lưu ý đến một số đặc trưng và nguyên tắc tổng quan cho nghệ thuật lãnh đạo Cơ đốc.  Trong chương này chúng ta sẽ mở rộng những nguyên tắc cơ bản đó, ghi nhận mối quan hệ của các môn đồ với tiến trình phát triển.

Hãy cẩn thận

Trải qua một thời gian dài chúng ta đã thay thế các hoạt động chính đáng của hội thánh bằng các sự kiện khác và gọi đó là môn đồ hóa. Các hoạt động của tổ chức không thể thế chỗ cho sự tham gia của từng cá nhân. Những người lãnh đạo Cơ đốc giám sát sự phát triển của các môn đồ. Từ sự gia tăng số lượng các môn đồ, những người lãnh đạo cho mùa gặt lớn sẽ xuất hiện. Môn đồ hóa và nghệ thuật lãnh đạo Cơ đốc là những nối kết không thể tách rời.

Không có  một hệ thống môn đồ hóa hiệu quả, chúng ta sẽ không có những lãnh đạo cho mùa gặt linh hồn. Và nếu không có các lãnh đạo Cơ đốc, chúng ta không thể tái sản sinh công tác môn đồ hóa. Các lãnh đạo Cơ đốc giúp đỡ cho con người nhận biết Christ, trưởng thành trong Christ, phát triển các ân tứ tiềm năng của họ cho Christ và hoàn thành sứ mạng của Ngài. Đó là những gì các người lãnh đạo phải làm. Khi chúng ta theo đuổi  mục tiêu của Chúa, sản phẩm tự nhiên sẽ nổi lên là các nhà lãnh đạo cho mùa gặt linh hồn.

Mục Đích của Nghệ Thuật Lãnh Đạo Cơ đốc

Bạn có biết sự khác nhau giữa nghệ thuật lãnh đạo thế tục và lãnh đạo Cơ đốc? Chúng ta đã nói điều này trong những chương trước. Lãnh đạo thế tục quan tâm đến tình trạng mạnh yếu của tổ chức. Cá nhân được xem như một phương tiện để kết thúc. Lãnh đạo Cơ đốc lưu tâm đến tình trạng mạnh yếu, sức khỏe của cá nhân. Nếu chúng ta huấn luyện và trang bị mỗi các nhân trở nên mạnh mẽ, khi ấy tổ chức (thân thể) sẽ trở nên khỏe mạnh. Hãy nhìn lại lần nữa định nghĩa về nghệ thuật lãnh đạo Cơ đốc ở chương trước:

Nghệ thuật lãnh đạo Cơ đốc là tiến trình ảnh hưởng đến các cá nhân bước theo kế hoạch của Đức Chúa Trời cho cuộc sống của họ và trở thành người có thể làm tất cả mọi việc vì Đấng Christ và sứ mệnh của Ngài.

 

Như chúng ta cũng đã nói trước đó, định nghĩa này cũng tương tự cho người lãnh đạo Cơ đốc. Sự khác biệt là định nghĩa này liên quan đến tiến trình phát triển của từng cá nhân

Tôi đã tham gia vào tiến trình chinh phục con người về với Đấng Christ và giúp đỡ họ phát triển đến sự trưởng thành trong hơn ba mươi năm qua. Tôi cũng tham gia vào công tác đào tạo môn đồ trong những ngữ cảnh và truyền thống khác nhau, và tôi ở đây để nói với bạn rằng công tác đào tạo môn đồ xảy ra tốt nhất là ở bên trong giới hạn của một môi trường quan hệ như một nhóm nhỏ. Kết luận này đã nhận được sự hậu thuẫn và được thực hành nhiều lần trong lịch sử hội thánh.

Quyền năng của Tình Yêu

Những người lãnh đạo của hội thánh đầu tiên tin vào sự phát triển của môn đồ trong các hội thánh tư gia (Công. 2:46; 5:42; 12:12; 16:40; Rô-ma 16:3-5, 23; 1 Côr. 16:19; Cô-lô-se 4:15). Hội thánh đầu tiên đã thực hành lời dạy của Chúa Giê-su là phải yêu thương lẫn nhau. Kết quả của điều này là thế giới bên ngoài biết đến những môn đồ của Chúa Giê-su.

Chúng ta ôn lại các lời dạy rõ ràng của Chúa Giê-su:

  1. “Ta ban cho các ngươi một điều răn mới, nghĩa là các ngươi phải yêu nhau; như ta đã yêu các ngươi thể nào, thì các ngươi cũng hãy yêu nhau thể ấy.” (Giăng 13:34)
  2. “Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn đồ ta.” (Giăng 13:35)
  3. “Điều răn của ta đây nầy: Các ngươi hãy yêu nhau, cũng như ta đã yêu các ngươi.” (Giăng 15:12)
  4. “Ta truyền cho các ngươi những điều răn đó, đặng các ngươi yêu mến lẫn nhau vậy.” (Giăng 15:17)

Từ những phần Kinh Thánh này chúng ta có thể kết luận rằng nơi nào không có biểu hiện rõ ràng của tình yêu tồn tại, thì sẽ không có nhân chứng cho thế giới vô tín. Có bốn mươi lần cụm từ “yêu thương nhau” nằm rải rác trong Tân Ước. Lý giải cho điều này đó là nhiều trước giả viết Kinh thánh muốn giải thích cho chúng ta biết cách làm thế nào để biểu lộ ra tình yêu thương với người đồng loại và với nhau. Những câu Kinh Thánh trích dẫn sau đây nhắc chúng ta thực hành đời sống yêu thương bày tỏ ra tình yêu của Đấng Christ.

  1. Đừng mắc nợ ai chi hết, chỉ mắc nợ về sự yêu thương nhau mà thôi, vì ai yêu kẻ lân cận mình ấy là đã làm trọn luật pháp.” (Rô-ma 13:8)
  2. Hãy lấy lòng yêu thương mềm mại mà yêu nhau như anh em; hãy lấy lẽ kính nhường nhau.” (Rô-ma 12:10)
  3. Trong vòng anh em phải ở cho hiệp ý nhau; đừng ước ao sự cao sang, nhưng phải ưa thích sự khiêm nhượng. Chớ cho mình là khôn ngoan.” (Rô-ma 12:16)
  4. Vậy chúng ta chớ xét đoán nhau.” (Rô-a 14:13)
  5. Vậy thì, anh em hãy tiếp lấy nhau.” (Rô-ma 15:7)
  6. Hỡi anh em, về phần anh em, tôi cũng tin chắc rằng anh em có đầy lòng nhân từ, đủ điều thông biết trọn vẹn, lại có tài khuyên bảo nhau.” (Rô-ma 15:14)
  7. hầu cho trong thân không có sự phân rẽ, mà các chi thể phải đồng lo tưởng đến nhau.” (1 Cor. 12:25)
  8. hãy lấy lòng yêu thương làm đầy tớ lẫn nhau.” (Ga-la-ti 5:13)
  9. Hãy mang lấy gánh nặng cho nhau.” (Ga-la-ti 6:2)
  10. Chớ tìm kiếm danh vọng giả dối mà trêu chọc nhau và ghen ghét nhau.” (Ga-la-ti 5:26)
  11. lấy lòng thương yêu mà chìu nhau.” (Ê-phê-sô 4:2)
  12. Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau.” (Ê-phê-sô 4:32)
  13. Hãy lấy ca vịnh, thơ thánh, và bài hát thiêng liêng mà đối đáp cùng nhau.” (Ê-phê-sô 5:19)
  14. Hãy kính sợ Đấng Christ mà vâng phục nhau.” (Ê-phê-sô 5:21)
  15. Chớ làm sự chi vì lòng tranh cạnh hoặc vì hư vinh, nhưng hãy khiêm nhường, coi người khác như tôn trọng hơn mình.” (Phi-líp 2:3)
  16. Chớ nói dối nhau, vì đã lột bỏ người cũ cùng công việc nó.” (Cô-lô-se 3:9)
  17. nếu một người trong anh em có sự gì phàn nàn với kẻ khác, thì hãy nhường nhịn nhau và tha thứ nhau.” (Cô-lô-se 3:13)
  18. Nguyền xin lời của Đấng Christ ở đầy trong lòng anh em, và anh em dư dật mọi sự khôn ngoan. Hãy dùng những ca vịnh, thơ thánh, bài hát thiêng liêng mà dạy và khuyên nhau.” (Cô-lô-se 3:16)
  19. “Anh em hãy dùng lời đó mà yên ủi nhau.” (1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:18; 5:11; Hêb. 10:25)
  20. “Anh em hãy khuyên bảo lẫn nhau.” (Hêb. 3:13)
  21. Ai nấy hãy coi sóc nhau (Hêb. 10:240)
  22. Hỡi anh em, chớ nói hành nhau.” (Gia-cơ 4:11)
  23. Hỡi anh em, chớ oán trách nhau (Gia-cơ 5:9)
  24. Vậy hãy xưng tội cùng nhau và cầu nguyện cho nhau. (Gia-cơ 5:16)
  25. hãy yêu nhau sốt sắng hết lòng. (1 Phi-e-rơ 1:22)
  26. anh em phải đồng lòng đầy thương xót và tình yêu anh em (1 Phi-e-rơ 3:8)
  27. trong vòng anh em phải có lòng yêu thương sốt sắng; (1 Phi-e-rơ 4:8)
  28. Người nầy người khác phải tiếp đãi nhau, chớ có cằn rằn. (1 Phi-e-rơ 4:9)
  29. Mỗi người trong anh em hãy lấy ơn mình đã được mà giúp lẫn nhau, khác nào người quản lý trung tín giữ các thứ ơn của Đức Chúa Trời. (1 Phi-e-rơ 4:10)
  30. Hết thảy đối đãi với nhau phải trang sức bằng khiêm nhường. (1 Phi-e-rơ 5:5)
  31. chúng ta phải yêu thương lẫn nhau. (1 Giăng 3:11, 23; 4:7, 11-12; 2 Giăng 5)

Người lãnh đạo Cơ đốc phải hướng dẫn người khác lớn lên trong tiến trình tăng trưởng và biết cách làm thế nào bày tỏ ra tình yêu của Đấng Christ với người chung quanh. Trong một nhóm nhỏ môn đồ là môi trường thuận tiện nhất để thực hiện điều này.

Chia sẻ Gánh Nặng, Gặt hái Những Lợi Ích

Người lãnh đạo Cơ đốc phải cam kết để trở thành một tấm gương sáng mẫu mực cho người khác. Người đó sẵn lòng dành thì giờ cho các anh chị em trong Christ để chia sẻ sự sống thuộc linh với họ. Không những thế người lãnh đạo còn hỗ trợ cho các thành viên khác trong nhóm của mình phát huy, thực hành hết các ân tứ tiềm năng của họ. Chúng ta phải chia sẻ các gánh nặng và những trách nhiệm chung (Đọc Xuất Ê-díp-tô ký 18) trong việc hướng dẫn dân sự Chúa. Những gợi ý dành cho người lãnh đạo sau đây rất hữu ích cho nếp sinh hoạt của một nhóm:

  1. Dẫn dắt phần phá băng của nhóm
  2. Dẫn dắt thời gian cầu nguyện của nhóm
  3. Ghi lại và theo dõi các yêu cầu cầu nguyện của nhóm và gửi các cập nhật email
  4. Gửi các bưu thiếp và thư cho người vắng mặt
  5. Lập kế hoạch cho sự nghỉ dưỡng (thư giãn) của nhóm
  6. Lên kế hoạch cho các hoạt động vui chơi của nhóm
  7. Lên kế hoạch cho các hoạt động và nỗ lực vươn ra tiếp cận cộng đồng của nhóm
  8. Hosting nhóm
  9. Hướng dẫn sự thảo luận của nhóm
  10. Cầu nguyện cho việc khởi sự một nhóm mới trong tương lai

Một trong những lợi ích lớn nhất của loại hình tham gia này trong nhóm là, khi mọi người phục vụ, họ sẽ bắt đầu khám phá các ân tứ thuộc linh của họ một cách tự nhiên. Ngoài ra, khi chúng ta chia sẻ sự sống thuộc linh với nhau, chúng ta cũng nhận biết rằng Đức Chúa Trời đã mang chúng ta đến với nhau, không chỉ để vui thích cùng nhau trong các hoạt động mà còn phải lao tác chăm chỉ trên cánh đồng truyền giáo. Chủ mùa gặt trông đợi chúng ta thực thi sứ mạng của Ngài. Đó là lý do tại sao chúng ta phải gia tăng số lượng thành viên theo cấp số nhân, tái sản sinh các nhóm mới. Mục tiêu này phải thường xuyên được nuôi dưỡng trong tâm trí của các thành viên.

Động lực cho sự nhân cấp

Đằng sau hành trình để phát triển các nhà lãnh đạo mới và bắt đầu các nhóm mới là niềm tin rằng chúng ta đang làm điều này không cho những người hiện đang ở đây, nhưng đối với những người chưa ở đây. Nhà lãnh đạo Cơ đốc có liên quan mật thiết đến quá trình, tìm kiếm những người có tiềm năng để nói với người khác rằng, “Hãy bắt chước tôi, như chính tôi đã  bắt chước Đấng Christ vậy.” Khi chúng ta cầu nguyện cho những người thợ gặt được đưa vào mùa thu hoạch, và những người đó bắt đầu xuất hiện từ nhóm, chúng ta cầu nguyện chọn một, hai hoặc ba cá nhân hoặc một cặp vợ chồng để chia sẻ trong nhiệm vụ dẫn dắt thuộc linh những người khác.

Dave Ferguson nói về tầm quan trọng của việc phát triển những người lãnh đạo trong tương lai, “Công tác huấn luyện môn đồ không phải là tìm kiếm những người có thể giúp chúng ta thực hiện nhiệm vụ hiệu quả hơn. Chúng ta không nói về việc chuẩn bị mọi người chỉ đơn giản là thay thế chúng ta để chúng ta có thể chuyển sang một công việc khác. Trung tâm của việc này là một tư duy của sinh sản: tái tạo sự lãnh đạo của chúng ta để sứ mệnh sẽ được chuyển sang thế hệ tương lai.”2

Tái sản sinh  nhóm mới là để tiếp cận những người mới!

Khi các môn đồ phát triển về số lượng và chất lượng, những người lãnh đọ mới cũng sẽ nổi lên. Vào lúc đó chúng ta phải giúp đỡ những lãnh đạo mới này nhìn biết ý muốn của Đức Chúa Trời cho họ để họ có thể vươn ra tiếp cận với những thân hữu và chia sẻ Phúc âm. Một số gợi ý sau đây cần phải được nung nấu trong tâm trí của người lãnh đạo.

  1. Người lãnh đạo phải tin cậy vào các giá trị sau đây và cam kết bản thân đi theo chúng:
  2. Sự cầu nguyện: Biệt riêng ít nhất một giờ trong ngày để cầu nguyện cho bản thân, gia đình, nhóm của mình, hội thánh, và những người hư mất.
  3. Rao giảng Phúc âm: Hướng dẫn nhóm thực hành đi ra tiếp xúc với thế giới bên ngoài chia sẻ Tin mừng.
  4. Thiết lập mục tiêu và phát triển: không ngại đặt ra một số mục tiêu theo tiêu chí của Đức Chúa Trời, rồi cầu nguyện và chăm chỉ làm việc để hoàn thành chúng.
  5. Trang bị cho người khác. Chủ yếu đào tạo trợ lý của mình để lãnh đạo một nhóm chỉ trong vài tháng.
  6. Sự nhân bội: không thỏa mãn cho đến khi việc tái sản sinh một nhóm mới diễn ra.

2.Người lãnh đạo cố ý chọn ít nhất một người lãnh đạo học việc và có thể là hai người. Điều quan trọng là phải có một chiến lược rõ ràng để cuối cùng sinh ra một nhóm mới. Nếu bạn bắt đầu một nhóm mới mà không có người chấp nhận được huấn luyện để trở thành lãnh đạo trong tương lai, thì rất có khả năng là nhóm này sẽ không bao giờ gieo trồng được một nhóm mới.

  1. Người lãnh đạo tìm cách thuyết phục càng nhiều người càng tốt trong các hoạt động của nhóm. Khi các cá nhân trưởng thành, họ sẽ khám phá và sử dụng ân tứ của mình. Lúc đó thân thể Đấng Christ sẽ trở nên mạnh mẽ. Phao-lô viết, “các phần trong thân thể giao thông với nhau, tùy lượng sức mạnh của từng phần, làm cho thân thể lớn lên, và tự gây dựng trong sự yêu thương.” (Ê-phê-sô 4:16)

4.Người lãnh đạo phải chuẩn bị các bài học và hướng dẫn sự thảo luận của nhóm, cố gắng để tất cả mọi người đều tham gia. Trưởng nhóm phải  biết nhóm của mình đang đi đến đâu và làm thế nào để tới đó.

5.Người lãnh đạo phải gặp người huấn luyện của mình (người lãnh đạo cấp cao) ít nhất một tháng một lần. Trong mô hình của sự nhân cấp, người lãnh đạo cấp cao phải tập chú theo dõi các nhóm để biết chắc là các nhóm này đang đi đúng hướng.

6.Người lãnh đạo phải tham dự đầy đủ các khóa huấn luyện về lãnh đạo nhóm để không ngừng hoàn thiện mục vụ và ân tứ của mình.

7.Người lãnh đạo phải dẫn dắt nhóm đi theo thực hiện theo một dự án mục vụ. Xu hướng của hầu hết các nhóm là chuyển hướng nội tâm và phát triển tâm lý “chúng tôi đủ rồi và không cần quan tâm đến người khác.” Thực ra, sự phục vụ và các dự án mục vụ của nhóm phải luôn giữ cho nhóm tập trung vào những người khác. Alan Hirsch gọi điều này là “cộng đồng Cơ đốc.”

8.Người lãnh đạo phải hướng dẫn nhóm tái sản sinh ra một nhóm khác trong khoảng từ mười hai đến mười tám tháng kể từ khi hình thành nhóm. Anh ấy đạo giữ cho mắt mình hướng tới mục tiêu cao nhất của nhóm, đó là phép nhân cấp thuộc linh lành mạnh.

Khi người lãnh đạo chú tâm rèn luyện các thói quen này, các thành viên trong nhóm sẽ tang trưởng. Dave Kraft   “Hôm nay nhu cầu cấp bách là có thêm nhiều người lãnh đạo hơn. Để phát triển bằng cách bổ sung, bạn phải chiêu mộ thêm nhiều môn đồ. Để phát triển nhóm theo cấp số nhân, bạn cần thêm nhiều người lãnh đạo hơn.”4 Mục tiêu của chúng ta là công tác môn đồ hóa sẽ phát triển trên khắp thế giới. Điều này có nghĩa là chúng ta cùng tham gia vào làn sóng môn đồ hóa. Nhiều người lãnh đạo mới sẽ được dấy lên từ làn sóng này để hoàn thành Đại mạng lệnh.

Khi các môn đồ trưởng thành và phát triển, những người lãnh đạo sẽ gặt hái kết quả. Tiến trình môn đồ hóa được nhân bội, những người lãnh đạo mới sẽ nổi lên một cách tự  nhiên. Khi đó chúng ta – những người đào tạo môn đồ có thể nghĩ đến việc bắt đầu các nhóm mới trong tương lai, bằng cách gợi ý cho những người lãnh đạo đã trưởng thành bước ra để lập nhóm mới. Còn nếu những người lãnh đạo thế hệ mới còn muốn ở lại với nhóm đã thành lập, chúng ta sẽ đi ra và lập nhóm mới. Bất luận trong trường hợp nào chúng ta cũng phải đem Phúc âm đến với những người hư mất.

Nhìn ra những cánh đồng

Chúng ta phải tập chú vào mùa gặt đã chín vàng.  Chúa Giê-su phán, “Hãy nhướng mắt lên và xem đồng ruộng, đã vàng sẵn cho mùa gặt.” (Giăng 4:35). Nếu chúng ta không tập chú vào mùa gặt, các thành viên trong nhóm sẽ có khuynh hướng nhìn vào bên trong các vấn đề nội bộ thay vì nhìn ra bên ngoài. Khi tập chú vào mùa gặt, thì việc tái sản sinh những người lãnh đạo và nhóm mới sẽ diễn ra tự nhiên. Tuy nhiên, khi hướng nội kết quả theo sau sẽ không như mong đợi. Thế giới đang phát triển nhanh chóng về số lượng người, chúng ta cần một chiến lược hiệu quả để hợp tác với Chúa chinh phục những người hư mất. Sự nhân bội của các: môn đồ, nhóm, người lãnh đạo, hội thánh là hy vọng duy nhất của chúng ta.

Câu hỏi suy ngẫm

  1. Mục đích của nghệ thuật lãnh đạo Cơ đốc là gì?
  2. Sự tiến triển thông thường của một môn đồ Đấng Christ là gì?
  3. Tại sao tình yêu là rất quan trọng để hoàn thành sứ mạng của Christ?
  4. Hãy nhìn vào danh sách liệt kê các câu Kinh Thánh trong phần Quyền năng của Tình Yêu

và lấy ra hai hoặc ba câu Kinh Thánh áp dụng cho bạn?

  1. Làm thế nào bạn có thể đem nhiều người hơn vào trong nhóm môn đồ hóa?

 

Các ghi chú

  1. Bill Hull, The Complete Book of Discipleship, chap 3
  2. Dave Ferguson and Jon Ferguson, Exponential: How to Accomplish the Jesus Mission, 62
  3. Alan Hirsch, The Forgotten Ways, 241
  4. Dave Kraft, Leaders Who Last, 138

22

 

Môn Đồ Hóa Là….

Khai Sinh Một Hội Thánh Khỏe Mạnh.

Rod Dempsey

Trong phần này chúng ta đã thảo luận về ngữ cảnh của môn đồ hóa. Điều trước tiên là tầm quan trọng của thân thể Đấng Christ (chương 19). Sau đó chúng ta nói đến các nguyên tắc chung của nghệ thuật lãnh đạo (chương 20). Mục đích của thuật lãnh đạo là nhân bội các người lãnh đạo truyền giáo (chương 21). Chúng ta trở lại chương này với khuôn mẫu của một hội thánh khỏe mạnh và vai trò của nó trong tiến trình môn đồ hóa.

Thân thể khỏe mạnh… Hội thánh khỏe mạnh

Nói cách dễ hiểu nhất thì một hội thánh khỏe mạnh giống như một thân thể khỏe mạnh. Sứ đồ Phao-lô nói điều này rõ ràng trong Ê-phê-sô 1:21, “Hội thánh là thân thể của Đấng Christ.” Thân thể con người là một hệ thống phức hợp đáng kinh ngạc được vận hành cách kỳ diệu. Khi tất cả các phần hoạt động, thì thân thể sẽ trưởng thành và phát triển cách tự nhiên. Ray Stedman đã viết trong tác phẩm Sự Sống Thân Thể, “Khi chúng ta nghĩ về hội thánh như một thân thể thì Ê-phê-sô chương 4 trình bày cho chúng ta một bức tranh về giải phẫu, quan điểm về sinh lý học và cấu trúc của cơ thể: làm thế nào để các cơ quan khác nhau hoạt động cùng nhau; làm thế nào các bộ phận của cơ thể được phối hợp để hoàn thành mục đích của cơ thể?”1 Trong chương này, tôi muốn đi một bước xa hơn khi nói về thân thể. Tôi muốn mô tả một số hệ thống và chúng có thể hoạt động như thế nào. Ở đây tôi muốn kết nối hệ thống với một mệnh lệnh hay nguyên tắc kinh điển. Nếu có thể, tôi sẽ đề nghị bạn đánh giá sức khỏe của hội thánh mà bạn đang quản nhiệm hoặc tham dự vào.

Trong cùng một cách xác định sức khỏe của cơ thể con người, chúng ta có thể đạt được cách xác định về sức khỏe của thân thể Chúa Giê-su. Đánh giá này không phục vụ cho sự phán xét của bất kỳ người nào hoặc bất kỳ hội thánh nào. Điều này được cung cấp như là một bài tập để giúp hội thánh của bạn, hoặc bất kỳ hội thánh nào phát triển khỏe mạnh hơn.

Tôi đã phát triển 20 mô tả về một hội thánh khỏe mạnh trông giống như thế nào. Mục tiêu của tôi là chỉ ra từ Kinh Thánh tầm quan trọng của mỗi khu vực.  Sau mô tả ban đầu này, tôi khích lệ bạn đánh giá từng khu vực theo một thang điểm từ 1 đến 5 (1 là không tồn tại và 5 được thực hành đầy đủ). Sau khi mỗi khu vực được đánh giá, lúc ấy bạn có thể cộng lại 20 khu vực để tạo ra một điểm số tổng thể (20 khu vực có 5 điểm cho mỗi khu vực = 100 tổng số điểm). Điều này sẽ nhanh chóng tiết lộ khu vực thấp nhất và cung cấp cho bạn một số hướng dẫn về những gì các khu vực cần phải được giải quyết đầu tiên. Để bắt đầu, hãy để tôi cho bạn 20 phát biểu có thể cho thấy sức khỏe trong thân thể của Chúa Giê-su.

Một hội thánh khỏe mạnh là nơi mà:

  1. Phúc âm được công bố qua lời nói và hành động.
  2. Các tín hữu mới được báp-tem.
  3. Các tín hữu mới trưởng thành và sử dụng ân tứ của họ cho vương quốc Đức Chúa Trời.
  4. Các tín hữu mới được nuôi dưỡng và phát triển.
  5. Các tín hữu mới sẵn sàng đầu tư nguồn tài chánh của họ cho vương quốc Đức Chúa Trời.
  6. Tất cả các nghị quyết của Đức Chúa Trời được rao giảng và áp dụng trong sinh hoạt hội thánh.
  7. Các người lãnh đạo ý thức vai trò của mình, họ huấn luyện và trang bị cho các thánh đồ tất cả các lẽ thật từ Kinh Thánh.
  8. Các thánh đồ lớn lên, trưởng thành. Họ nối kết với Chúa Giê-su trong một đời sống kỷ luật.
  9. Các thánh đồ trưởng thành trong sự hiệp nhất và yêu thương lẫn nhau.
  10. Các thánh đồ được khích lệ để khám phá các ân tứ thuộc linh của họ.
  11. Các thánh đồ sử dụng ân tứ của họ cách thích hợp theo thiết kế của Chúa.
  12. Các nhóm trong hội thánh cùng liên kết phát triển, các thành viên cùng trưởng thành chia sẻ tình yêu với nhau.
  13. Các nhóm chia sẻ tình yêu và phúc âm cho người chưa tin.
  14. Cầu nguyện cho người chưa tin và những thành viên đi ra làm chứng.
  15. Những người lãnh đạo theo đuổi Đại mạng lệnh cho mùa gặt lớn luôn đam mê phát triển các mục vụ của mình.
  16. Các nhóm được nhân cấp mở rộng phát triển nhiều người lãnh đạo mới và nhóm mới.
  17. Sự thờ phượng bày tỏ ra ở từng cá nhân và được thể hiện mạnh mẽ khi các thành viên của hội thánh cùng nhóm lại với nhau
  18. Người nghèo, góa phụ và những người ở trong hoàn cảnh khó khăn được nghe Phúc âm và hưởng sự chăm sóc.
  19. Đại mạng lệnh của Đấng Christ ủy thác cho hội thánh được hoàn thành tại địa phương và trên phạm vi toàn cầu.
  20. Những hội thánh mới được gieo trồng. Đây là kết quả của tiến trình môn đồ hóa và phát triển lãnh đạo hiệu quả.

Một hội thánh khỏe mạnh đại diện cho dân sự của Đức Chúa Trời làm việc chung với nhau để hoàn thành Đại mạng lệnh dâng vinh hiển về cho Chúa. Như một lời nhắc nhở, hai mươi lời phát biểu trên đây về hội thánh là phải đầy đủ. Bạn có thể viết thêm các lời khác? Những lời viết thêm đó phải được Kinh Thánh hỗ trợ và chứng minh là đúng trong thực tiễn của hội thánh.

Gợi Ý Đánh Giá Một Hội Thánh Khỏe Mạnh

Chúng ta sẽ đọc qua hai mươi phát biểu được Kinh Thánh hậu thuẫn sau đây về một hội thánh khỏe mạnh:

  1. Phúc âm được công bố bằng lời nói và việc làm. Lu-ca diễn tả về sứ mệnh của Chúa Giê-su theo cách này: “Ngài phán: Có lời chép rằng Đấng Christ phải chịu đau đớn dường ấy, ngày thứ ba sẽ từ kẻ chết sống lại, và người ta sẽ nhân danh Ngài mà rao giảng cho dân các nước sự ăn năn để được tha tội, bắt đầu từ thành Giê-ru-sa-lem.  Các ngươi làm chứng về mọi việc đó; ta đây, sẽ ban cho các ngươi điều Cha ta đã hứa.”  (Lu-ca 24:46-48) Chúng ta có trách nhiệm rao giảng Phúc âm (1 Côr.15:1-4) cho tất cả mọi người. Bất kỳ hội thánh nào không công bố Phúc âm là một hội thánh không khỏe mạnh.
  2. Các tân tín hữu được báp-tem. Chúa Giê-su phán dạy rõ ràng cho chúng ta về điều này, “hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp-têm cho họ.” (Ma-thi-ơ 28:18-20). Đây là một trong những mục vụ quan trọng của chúng ta. Những ai tiếp nhận Chúa Giê-su làm Cứu Chúa, thì cũng thừa nhận Đức Chúa Trời đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại, “Vậy nếu miệng ngươi xưng Đức Chúa Jêsus ra và lòng ngươi tin rằng Đức Chúa Trời đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại, thì ngươi sẽ được cứu.” (Rô-ma 10:9). Và bằng chứng cho điều này chính là người tin phải nhận báp-tem một cách công khai. Hội thánh nào không làm báp-tem cho tín nhân thì không phải là một hội thánh khỏe mạnh.
  3. Các tân tín hữu được huấn luyện để trưởng thành. Họ sử dụng các khả năng, ân tứ của mình để phục vụ cho vương quốc của Đức Chúa Trời. Chúa Giê-su phán dạy trong Lu-ca 9:23-24, “Nếu ai muốn theo ta, phải tự bỏ mình đi, mỗi ngày vác thập tự giá mình mà theo ta. Vì ai muốn cứu sự sống mình thì sẽ mất, còn ai vì cớ ta mất sự sống, thì sẽ cứu.” Các bạn không thể theo chân Đấng Christ mà lại không từ bỏ chính mình. Đức Chúa Trời muốn chúng ta dâng mọi điều cho Ngài. Hội Thánh nào mà từ chối lời dạy của Chúa trong Lu-ca 9:23-24 thì không thể là một hội thánh khỏe mạnh.
  4. Các tân tín hữu được nuôi dưỡng đúng cách và phát triển. Kinh thánh mô tả một bức tranh sinh động về sự tái sinh của một người trong Giăng chương 3, và trở thành một tạo vật mới (2 Côr. 5:17). Theo tiến trình tự nhiên, khi một người tiếp nhận Chúa Giê-su, anh/chị đó cần được nuôi dưỡng từ một em bé cho đến tuổi trưởng thành (xem Hêb. 5:12-14). Một hội thánh khỏe mạnh sẽ có một  thời gian biểu cụ thể dành cho việc nuôi dưỡng các tân tín hữu (Xem 1 Tê-sa-lô-ni-ca 2: 7-9)
  5. Các tín hữu sẵn sàng đầu tư nguồn tài chánh của họ cho vương quốc của Đức Chúa Trời. Chúa Giê-su đã phán dạy tỏ tường về điều này, “Các ngươi chớ chứa của cải ở dưới đất, là nơi có sâu mối, ten rét làm hư, và kẻ trộm đào ngạch khoét vách mà lấy; nhưng phải chứa của cải ở trên trời, là nơi chẳng có sâu mối, ten rét làm hư, cũng chẳng có kẻ trộm đào ngạch khoét vách mà lấy. Vì chưng của cải ngươi ở đâu, thì lòng ngươi cũng ở đó.” (Ma-thi-ơ 6:19-21). Sứ đồ Phao-lô cũng dạy chủ đề này nhiều lần (1 Côr. 16:1-4; 2 Côr. 8:1-5; 9:6-8). Một hội thánh khỏe mạnh phải dạy cho thuộc viên của mình bài học thiết thực này.
  6. Các nghị quyết của Đức Chúa Trời được rao giảng và thực hành. Phao-lô viết, “Hiện bây giờ, tôi biết rằng giữa anh em mà tôi đã ghé qua giảng về nước Đức Chúa Trời, thì chẳng có một ai sẽ thấy mặt tôi nữa. Nên bữa nay tôi nói quyết trước mặt các anh em rằng tôi tinh sạch về huyết anh em hết thảy.  Vì tôi không trễ nải một chút nào để tỏ ra cho biết hết thảy ý muốn của Đức Chúa Trời.” (Công vụ 20:25-27). Còn Gia-cơ nhấn mạnh đến hành động của tín nhân sau khi nghe về ý muốn của Chúa, “Hãy làm theo lời, chớ lấy nghe làm đủ mà lừa dối mình.” (Gia-cơ 1:22).
  7. Các người lãnh đạo nhận thức đúng về vai trò của họ và trang bị, dạy những lẽ thật cho các thánh đồ. Sứ đồ Phao-lô giải thích với hội thánh, “Ấy chính Ngài đã cho người nầy làm sứ đồ, kẻ kia làm tiên tri, người khác làm thầy giảng Tin lành, kẻ khác nữa làm mục sư và giáo sư, để các thánh đồ được trọn vẹn về công việc của chức dịch và sự gây dựng thân thể Đấng Christ.”  (Ê-phê-sô 4:11-12). Trong một hội thánh khô cứng, vị mục sư một mình đảm nhiệm các mục vụ, nhưng trong một hội thánh khỏe mạnh, vị mục sư ý thức vai trò của mình và ông huấn luyện cho các thuộc viên gánh vác các mục vụ.
  8. Các thánh đồ đạt đến sự trưởng thành. Họ nối kết chính mình với Chúa Giê-su qua một đời sống kỷ luật. Phao-lô dạy trong Ê-phê-sô 4:15, Đức Chúa Trời muốn, “chúng ta lấy lòng yêu thương nói ra lẽ chân thật, để trong mọi việc chúng ta đều được thêm lên trong Đấng làm đầu, tức là Đấng Christ.” Từ chỗ là con đỏ trong Đấng Christ rồi vươn lên đến bậc thành nhân, các tín hữu phải nối kết với Đầu (Đấng Christ) xuyên qua việc đọc Kinh Thánh và cầu nguyện (Xem Giăng 15).
  9. Các thánh đồ trưởng thành trong sự hiệp nhất và yêu thương lẫn nhau. Chúa Giê-su phán dạy trong Giăng 13:34-35, “Ta ban cho các ngươi một điều răn mới, nghĩa là các ngươi phải yêu nhau; như ta đã yêu các ngươi thể nào, thì các ngươi cũng hãy yêu nhau thể ấy. Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn đồ ta.” Đây là bài trắc nghiệm về tình yêu giữa vòng các môn đồ, để người bên ngoài có thể nhin xem tình yêu của Đấng Christ được bày tỏ. Một hội thánh khỏe mạnh phải tạo ra một bầu không khí yêu thương với nhau.
  10. Các thánh đồ được khích lệ để khám phá các ân tứ thuộc linh của họ. Phao-lô đề cập đến đều này trong ba phần Kinh Thánh Rô-ma 12, 1 Côr. 12 và Ê-phê-sô 4. Một hội thánh khỏe mạnh phải dạy cho các thuộc viên khám phá các ân tứ đặc biệt của họ và sử dụng chúng. Tôi tin rằng một trong các mục tiêu cao nhất của hội thánh là giúp đỡ cho mỗi tín hữu khám phá các ân tứ thuộc linh và dùng chúng cho sự gây dựng thân thể Đấng Christ theo đúng thiết kế của Đức Chúa Trời. Hơn nữa, điều này sẽ như một công cụ để đánh giá tình trạng sức khỏe thuộc linh của hội thánh. Ví dụ nếu một hội thánh chỉ có 80 phần trăm các chi thể sử dụng các ân tứ, lúc đó chỉ có 80 phần trăm trong thân thể được khỏe mạnh. Ngược lại, nếu hội thánh chỉ có 30 phần trăm các chi thể hoạt động, thì rõ ràng là không an toàn khi nói rằng đây là một hội thánh khỏe mạnh.
  11. Các thánh đồ sử dụng ân tứ của họ cách thích hợp theo thiết kế của Chúa. Chúng ta đọc Ê-phê-sô 4:16 để sáng tỏ hơn về điều này, “Ấy nhờ Ngài mà cả thân thể ràng buộc vững bền bởi những cái lắt léo, khiến các phần giao thông với nhau, tùy lượng sức mạnh của từng phần, làm cho thân thể lớn lên, và tự gây dựng trong sự yêu thương.” Đấng Christ không chỉ muốn dân sự của Ngài hoạt động, mà Ngài còn có một kế hoạch đặc biệt cho họ. “Vì chúng ta là việc Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Đức Chúa Jêsus Christ để làm việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước cho chúng ta làm theo.” (Ê-phê-sô 2:10).
  12. Các nhóm trong hội thánh cùng liên kết phát triển, các thành viên cùng trưởng thành chia sẻ tình yêu với nhau. Tôi tin rằng hội thánh đầu tiên đã đáp ứng tốt với mạng lệnh của Chúa Giê-su trong câu Kinh Thánh này: “Ta ban cho các ngươi một điều răn mới, nghĩa là các ngươi phải yêu nhau; như ta đã yêu các ngươi thể nào, thì các ngươi cũng hãy yêu nhau thể ấy.” (Giăng 13:34). Và hội thánh cũng yêu thương người lân cận (Ma-thi-ơ 22:39). Điều này xảy ra khi hội thánh nhóm họp từ nhà này sang nhà khác. Chúng ta không thể thực hành yêu thương lẫn nhau mà không có sự tương tác, gần gũi trong một ngôi nhà của thánh đồ. Các tín hữu nhóm họp trong nhà của mình là sự lựa chọn hiển nhiên.
  13. Các nhóm chia sẻ tình yêu và phúc âm cho người chưa tin. Hội thánh đầu tiên đã thực hành điều này (Công vụ 2:42-47). Các tín hữu không chỉ nhóm họp với nhau trong nhà, mà họ còn chia sẻ Phúc âm cho các thân hữu chung quanh. Họ không chỉ yêu thương nhau trong mối thông công nội bộ mà còn cầu nguyện, chia sẻ sự sống với mọi người chung quanh. Một hội thánh khỏe mạnh luôn khích lệ lẫn nhau làm chứng về Chúa Giê-su trong ngữ cảnh của các mối quan hệ.
  14. Cầu nguyện cho người chưa tin và những thành viên đi ra làm chứng. Trong Lu-ca chương 10, Chúa Giê-su phán dạy các môn đồ, “Mùa gặt thì trúng, song con gặt thì ít. Vậy, hãy xin Chủ mùa gặt sai con gặt đến trong mùa của mình. Hãy đi; nầy, ta sai các ngươi đi, khác nào như chiên con ở giữa bầy muông sói.” (câu 2-3). Một hội thánh khỏe mạnh phải đi ra đến với những người hư mất và cầu nguyện xin Chủ mùa gặt sai phái các thợ gặt đến.
  15. Những người lãnh đạo theo đuổi Đại mạng lệnh cho mùa gặt lớn luôn đam mê phát triển các mục vụ của mình. Sứ đồ Phao-lô viết cho Ti-mô-thê, “Vậy, hỡi con, hãy cậy ân điển trong Đức Chúa Jêsus Christ mà làm cho mình mạnh mẽ. Những điều con đã nghe nơi ta ở trước mặt nhiều người chứng, hãy giao phó cho mấy người trung thành, cũng có tài dạy dỗ kẻ khác.” (2 Ti. 2:1-2). Một hội thánh khỏe mạnh không chỉ phát triển các môn đồ mà còn phát triển, làm gia tăng những người lãnh đạo
  16. Các nhóm được nhân cấp mở rộng phát triển nhiều người lãnh đạo mới và nhóm mới. Trong sách Sáng thế ký, chúng ta đọc thấy, “Đức Chúa Trời ban phước cho loài người và phán rằng: Hãy sanh sản, thêm nhiều, làm cho đầy dẫy đất.” (Sáng. 1:8). Chúng ta đã đề cập trong chương cuối rằng thế giới đang phát triển với tốc độ theo cấp số nhân. Một hội thánh khỏe mạnh có một chiến lược phát triển môn đồ theo cấp số nhân để hoàn thành sứ mệnh được ủy thác.
  17. Sự thờ phượng bày tỏ ra ở từng cá nhân và được thể hiện mạnh mẽ khi các thành viên của hội thánh cùng nhóm lại với nhau. Phao-lô viết trong Rô-ma 12:1-2, “Vậy, hỡi anh em, tôi lấy sự thương xót của Đức Chúa Trời khuyên anh em dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của anh em.  Đừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào.” Một hội thánh khỏe mạnh hiểu rằng hình thức thờ phượng căn bản là sống cho Chúa 24 giờ trong một ngày, 7 ngày trong một tuần, 365 ngày trong một năm.
  18. Người nghèo, góa phụ và những người ở trong hoàn cảnh khó khăn được nghe Phúc âm và hưởng sự chăm sóc. Gương mẫu của Chúa Giê-su là:  “Thần của Chúa ngự trên ta;
    Vì Ngài đã xức dầu cho ta đặng truyền tin lành cho kẻ nghèo;
     Ngài đã sai ta để rao cho kẻ bị cầm được tha,
    Kẻ mù được sáng,
    Kẻ bị hà hiếp được tự do;
    Và để đồn ra năm lành của Chúa.” (Lu-ca 4:18-19). Phần Kinh Thánh này cũng là mục tiêu của một hội thánh khỏe mạnh. Mục vụ của chúng ta phải đụng chạm đến những người không được may mắn trong cuộc sống.
  19. Đại mạng lệnh của Đấng Christ ủy thác cho hội thánh được hoàn thành tại địa phương và trên phạm vi toàn cầu. Công vụ 1:8, “Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền phép, và làm chứng về ta tại thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri, cho đến cùng trái đất.” Chúng ta có thể thấy rõ ràng từ câu Kinh Thánh này là công tác của một hội thánh khỏe mạnh bắt đầu từ địa phương và lan rộng ra trên phạm vi toàn cầu.
  20. Những hội thánh mới được gieo trồng. Đây là kết quả của tiến trình môn đồ hóa và phát triển lãnh đạo hiệu quả. Chúa Giê-su phán trong Ma-thi-ơ 16:18, “ta sẽ lập Hội thánh ta trên đá nầy, các cửa âm phủ chẳng thắng được hội đó.” Trải qua gần hai ngàn năm, hội thánh của Chúa Giê-su luôn đứng vững trước những sự tấn công, bách hại để đem Phúc âm vào trong thế giới. Hội thánh là một kênh tốt nhất cho công tác rao giảng Tin mừng và môn đồ hóa. Bài trắc nghiệm cuối cùng để xem một hội thánh có khỏe mạnh hay không là phải tái sản sinh ra các hội thánh mới.

Những Điều Nào Cần Lưu Ý?

Tại điểm này, tôi đề nghị đánh giá hội thánh mà bạn đang lãnh đạo hoặc tham dự vào theo 20 điểm của một hội thánh khỏe mạnh. Xếp hạng từng mục theo thang điểm từ 1 đến 5 (1 là thấp và 5 là cao) và cộng tất cả 20 điểm để tạo thành một điểm tổng thể. Lưu ý hai hoặc ba trong số điểm thấp nhất và hai hoặc ba trong số điểm cao nhất. Tất nhiên, điểm số thấp nhất là những lĩnh vực đầu tiên cần chú ý.

  1. Tổng điểm là bao nhiêu?
  2. Điểm thấp nhất?
  3. Điểm cao nhất?
  4. Lĩnh vực nào bạn cho rằng cần lưu tâm ngay lập tức?
  5. Kế hoạch nào của bạn để điều chỉnh và làm cho phát triển lĩnh vực đó?

Trong cùng cách tương tự như trên, một bác sĩ cũng có thể xác định sức khỏe của một người cụ thể. Còn chúng ta làm điều này để khảo sát một hội thánh địa phương trong từng lĩnh vực.

Theo một nghĩa nào đó, chúng ta là “các bác sĩ” của thân thể Chúa Giê-su. Chúng ta không ngừng khuyến khích thực hành các thói quen tốt cho sức khỏe. Chúng ta không ngừng khuyến khích mọi người vận dụng những ân tứ của họ. Chúng ta quan tâm đến nhịp đập của trái tim. Chúng ta ao ước thân thể của Christ khỏe mạnh đạt đến cấp độ trưởng thành. Khi đó nó sẽ sản sinh ra: các môn đồ mới, những người lãnh đạo mới và hội thánh mới.

Câu hỏi suy ngẫm

  1. Ray Stedman đã nói gì về Ê-phê-sô chương bốn?
  2. Làm thế nào chúng ta có thể giúp đỡ thân thể của Christ trở nên khỏe mạnh?
  3. Đọc lại 20 phát biểu về hội thánh khỏe mạnh. Lĩnh vực nào của bạn mạnh nhất? Lĩnh vực nào yếu nhất?
  4. Nêu ra hai hoặc ba điều bạn cần làm ngay để cải thiện sức khỏe của thân thể Christ?

Các ghi chú 

  1. Ray Stedman, Body Life. Kindle location 1351-53

23

Môn Đồ Hóa Là…

Duy Trì Sự Tập Trung Cao Độ

Rod Dempsey

Quyết Tâm Và Tập Trung

Mặc dù tầm vóc nhỏ bé, tôi đã rất tích cực trong các môn thể thao vào mùa giải ở Trường. Sau giờ tan học tôi ở lại Trường để chơi bóng rỗ, bóng đá. Chúng tôi sẽ chọn đội chơi. Đúng như dự đoán, người mạnh nhất và nhanh nhất sẽ được huấn luyện viên chọn đầu tiên. Giả định là bạn là người nhỏ nhất, chậm nhất và yếu nhất thì thật là khó khăn để được chọn vào đội. Bạn biết không, tôi là được chọn sau cùng vì tôi nhỏ nhất so với các bạn học khác. Tuy nhiên tôi đã kiên trì tập luyện trải qua nhiều giờ để nắm vững các kỹ năng chơi bóng cho đến khi trở nên thành thạo, và rồi tôi được chọn vào đội bóng của Trường mặc dù tầm vóc tôi vẫn nhỏ hơn so với các bạn khác.

Tôi được chọn vì tôi đã có một quyết tâm cao độ, và sự tập trung luyện tập liên tục trải qua nhiều giờ hơn  các bạn cùng chơi. Đây là những thời khắc khó khăn cho bất cứ ai ở vào hoàn cảnh như tôi.

Tôi đã rèn luyện để có có kỹ năng tốt và tôi đã có một sự tập chú vào. Kiểu tập trung này cho phép tôi dẫn đầu trong bốn năm chơi bóng rổ ở trường trung học, một năm ở trường cao đẳng cộng đồng và giành chức vô địch trong cuộc thi nội bộ tại Trường đại học. Trong suốt quá trình theo đuổi thể thao, tôi vẫn thường là người nhỏ nhất trên sân, nhưng tôi có thể trình diễn một lối chơi ở cấp độ cao vì sự khổ luyện, quyết tâm và tập trung.

Áp lực hay ưu tiên?

Tôi xin phép hỏi bạn câu này: Trong mục vụ bạn tập chú đến điều gì nhất? Điều gì khiến bạn quan tâm và dành nhiều thời gian nhất? Trong số 168 giờ trong một tuần, nếu bạn thực hiện một khảo sát sử dụng thời gian, nó sẽ tiết lộ điều gì? Điều gì chiếm phần lớn thời gian của bạn? Khảo sát cách sử dụng thời gian sẽ tiết lộ rằng sự tập trung và sự chú ý của bạn là dành bao nhiêu giờ cho công tác môn đồ hóa?

Trong hầu hết các hội thánh, chúng ta tập trung vào nhiều điều. Cầu nguyện, giảng dạy, các chương trình, thăm viếng người bệnh và bao nhiêu việc không tên khác. Charles Hummel đã viết về vấn đề này trong sách Tính Khẩn Cấp:  “Vấn đề ưu tiên không phải là dành quá nhiều thời gian cho những công tác mang tính khẩn cấp.” Ông nhớ lại một người quản lý nhà máy có kinh nghiệm đã từng nói, “mối nguy hiểm lớn nhất của bạn là để những thứ khẩn cấp lấn át những thứ quan trọng.”1 Như vậy chúng ta cần thảo luận nghiêm túc về các vấn đề ưu tiên dành cho những người lãnh đạo hội thánh.

Chúng ta nói rằng mình đang làm công tác môn đồ hóa, nhưng lại dành nhiều thời gian và ưu tiên hơn cho các chương trình thay vì đầu tư cho con người? Eric Geiger đã viết, “Sau hàng trăm cuộc tham vấn với các hội thánh địa phương và thực hiện một dự án nghiên cứu quan trọng, chúng tôi đã kết luận rằng các nhà lãnh đạo hội thánh cần tinh giản hóa các mục vụ. Họ liền hỏi:  Làm thế nào chúng tôi có thể làm tất cả mọi công việc này, mà lại tinh giản hóa?”2 Mục vụ của họ đã chuyển từ sự tập chú vào cá nhân đến các chương trình cá nhân. Nó đã chuyển từ đơn giản sang phức tạp thay vì phải được tiến hành theo cách ngược lại.

Điều hành hay trang bị?

Trong rất nhiều hội thánh, các người lãnh đạo và mục sư quản nhiệm làm công việc của một người điều hành. Ví dụ như trong một hội thánh nhỏ, mục sư là người chịu trách nhiệm về mọi thứ. Ông ấy là người đứng đầu của tổ chức và mọi người phải báo cáo phần việc của mình với ông. Trong một hội thánh có chiều kích trung bình, thì mục sư vẫn là người điều hành và ông phải thuê mướn các chuyên gia Cơ đốc trong một vài lĩnh vực. Các chuyên gia này giống như những mục sư phụ tá, trợ giúp cho chức vụ của ông chăm sóc các gia đình trong hội thánh và những mục vụ khác.

Trong những hội thánh lớn hơn, vị mục sư trưởng giống như tổng giám đốc điều hành. Lúc này tất cả các nhân viên của các ban ngành phải báo cáo với ông về mục vụ của họ thông qua một mục sư điều hành. Mục sư điều hành họp với các mục sư khác và những nhân viên quản lý được trả lương. Nhân viên được trả lương giám sát hoặc quản lý một bộ phận. Các bộ phận này có những chức năng riêng biệt làm việc trong một nơi được chỉ định trong các tòa nhà hoặc khuôn viên.

Làm thế nào để đo lường sự thành công?

Trong những hội thánh lớn, sự thành công của chúng thường được hiểu là: số lượng các thành viên đông đúc, số dư tài khoản của hội thánh, tầm vóc của các chương trình hay dự án, các tòa nhà hay cơ sở vật chất. Một số người tóm lược điều này là: số lượng thành viên, đồng đô la và các tòa nhà của hội thánh.  Để tổ chức này hoạt động hiệu quả, nó đòi hỏi sự lãnh đạo và quản lý của nhiều người và các nguồn nhân lực. Nó đòi hỏi kỹ năng lãnh đạo đặc biệt để giữ cho tất cả các nhân viên chuyên nghiệp và tình nguyện viên di chuyển theo cùng một hướng trong cùng một lúc. Mục sư trưởng vô cùng bận rộn và có trách nhiệm rất lớn.

Bởi vì gánh nặng quá lớn trong nhiều phương diện, nên mục sư trưởng thường có cảm giác không làm xong bổn phận. Ông bị loại ra khỏi chức vụ thực tế của việc đào tạo môn đồ và rao truyền sự sống cho thân thể Christ. Điều này thường dẫn ông đến sự cô đơn và bị cô lập với mọi người. Ở trong mục vụ nhiều năm mục sư trưởng có thể bị suy giảm đời sống thuộc linh khi phải giám sát các tòa nhà, ngân sách, các cuộc họp, và các vấn đề.

Coi chừng giống như chạy trên máy chạy bộ

Trong môi trường này thực hiện mục vụ giống như là chạy trên một máy chạy bộ. Chúng ta đều biết máy chạy bộ hoạt động như thế nào. Trên máy chạy bộ không có nhiều điều thú vị đang diễn ra. Bạn leo lên, nhấn nút khởi động và bắt đầu chạy. Sau một thời gian, bạn có được một chút tự tin và tăng tốc độ lên dần. Mọi thứ đều tốt.  Nhưng trong các mục vụ, có vẻ như tốc độ tiếp tục tăng. Lúc đầu bạn đi bộ bình thường, nhưng không lâu sau, bạn nhận ra ai đó hoặc thứ gì đó đã tăng tốc độ của máy đến mức bạn phải ở trong tình trạng chạy nước rút, chạy hết tốc lực để sống sót.

Bạn muốn bước ra khỏi máy chạy bộ, nhưng bạn không biết phải làm thế nào, bạn lo sợ. Vấn đề tồi tệ hơn, mọi người đang xem bạn làm gì trên máy chạy bộ. Họ có thể là những người cần tập thể dục, nhưng bạn đã giành lấy máy. Bạn cảm thấy kiệt sức, và máy vẫn chạy. Bạn đang đổ mồ hôi, chân bạn đau và bạn bắt đầu tự nghĩ: Mình sẽ tiếp tục như thế nào? Tại thời điểm này, nhiều mục sư vẫn tiếp tục chạy, nhưng họ đang chạy với tâm trạng bất ổn. Sau một thời gian, kiệt sức về thể chất, cảm xúc và tinh thần, và cuối cùng mục sư cũng “vấp ngã” vào một cái gì đó và rơi xuống.

Vị mục sư sẽ rơi vì nhiều lý do, nhưng kết quả là như nhau. Có lẽ hình minh họa này mô tả cách bạn cảm thấy thế nào về chức vụ. Bạn đang chạy, nhưng không đi đến đâu. Trong thực tế, ngoài việc mệt mỏi thì thánh chức mục sư (nếu bạn trung thực), có thể là có một chút nhàm chán. Bạn muốn hét vào máy, “dừng lại” hoặc “giảm tốc độ”. Bạn biết máy sẽ không phản hồi, bạn đã thử điều đó trước đây. Trong cùng một lý do máy chạy bộ không phản hồi bất kỳ mạng lệnh nào của bạn. Bạn muốn dừng lại và nghỉ ngơi một chút, nhưng bạn lo lắng về những gì sẽ xảy ra tiếp theo.  Đây là một số điều có thể bạn suy nghĩ, nếu bạn dừng lại:

-Người ta sẽ nghĩ gì?

-Người ta sẽ nói gì?

– Điều gì xảy ra nếu tôi thực hiện một số thay đổi và mọi người không thích những thay đổi đó?

– Nếu tôi phải từ chức hoặc rời đi thì sao? Rốt cuộc, tôi được trả tiền để chạy, cho dù là chậm hay nhanh. Tôi vẫn được trả tiền để chạy.

– Phải có một cách khác để thực hiện chức vụ mà không lên đến đỉnh điểm là tôi kiệt sức và gục ngã.

Làm thế nào để thoát khỏi máy chạy bộ?

Là những người đào tạo môn đồ, chúng ta phải chú tâm vào Đại mạng lệnh của Chúa Giê-su. Chúng ta phải phát triển hệ thống đào tạo môn đồ nhân cấp và một môi trường tốt thích nghi với mục vụ này. Mối trường đó là các mối liên hệ của chúng ta với mọi người chung quanh và các nhóm tế bào được xây dựng trên nền tảng Lời Chúa. Hội thánh của Chúa Giê-su phải đi theo khuôn mẫu Tân Ước, khác với các mô hình mang tính giáo điều hình thức. Dave Browning đã viết, “Nhiều cuốn sách hướng dẫn cho các lãnh đạo hội thánh phải làm gì để hội thánh phát triển. Tuy nhiên nhiều mục sư đã trải qua kinh nghiệm tồi tệ (bị kiệt sức) do cố gắng quá nhiều để làm tất cả mọi mục vụ nhưng vẫn không hiệu quả.”3 Tiến trình môn đồ hóa diễn ra trong ngữ cảnh các mối quan hệ. Chuyện này không xảy ra bởi mục sư trưởng hay đội ngũ lãnh đạo đang trong một cuộc chạy đua trong khi các thánh đồ đứng bên lề xem bộ phim đang diễn ra. Cần phải có một đường lối khác.

Trong Ê-phê-sô 4:11-16, chúng ta hiểu rằng công việc của mục sư là trang bị cho các thánh đồ để họ thực hành các mục vụ cho hội thánh. Chúng ta làm công tác môn đồ hóa bằng cách giúp đỡ người khác trưởng thành giống với Christ để họ áp dụng các ân tứ mà Chúa đã ban cho mình. Tôi tin rằng môi trường tốt nhất để làm điều này là trong các nhóm nhỏ, là nơi mà mọi thành viên có thể sử dụng ân tứ của mình cho sự xây dựng thân thể Christ. Chúng ta đọc Ê-phê-sô 4:16 lần nữa:

“Ấy nhờ Ngài mà cả thân thể ràng buộc vững bền bởi những cái lắt léo, khiến các phần giao thông với nhau, tùy lượng sức mạnh của từng phần, làm cho thân thể lớn lên, và tự gây dựng trong sự yêu thương.”

Cụm từ “tùy lượng sức mạnh của từng phần” tùy thuộc vào mỗi thành viên khám phá ân tứ của mình và sử dụng cách thích hợp khiến cho “thân thể lớn lên, và tự gây dựng trong sự yêu thương.” Đây là lý do quan trọng để chúng ta thấy rằng tiến trình môn đồ hóa phải được thực hiện trong các nhóm tế bào. Trong các nhóm này, một người có ân tứ thương xót sẽ dễ dàng cầu thay cho các nan đề của mỗi thành viên, trong khi một người có ân tứ quản trị sẽ tổ chức và lên kế hoạch hoạt động hằng tuần, hằng tháng của nhóm. Một người có ân tứ giảng dạy sẽ dẫn dắt buổi thảo luận của nhóm sau khi học Kinh Thánh. Như vậy mọi người đều thực hiện chức năng của mình, vì ai cũng có ít nhất là một ân tứ.

Greg Ogden đã viết về chủ đề này, “Chúng ta là những quản gia trong một thiết kế hiệp nhất từ Đức Chúa Trời. Thay vì lấp đầy các khe hở của hội thánh theo cách máy móc hình thức, một tổ chức tốt sinh động phải tìm cách để mỗi người thực hiện đúng vai trò mà họ được tạo ra. Các mục vụ của hội thánh phải phô diễn ra bức tranh: mỗi người sử dụng ân tứ của mình thay vì ép buộc anh/chị ấy vào những ngóc ngách có từ trước mà hoạt động xơ cứng thiếu vắng sự sống.”4 Mỗi một tín hữu phải sử dụng ân tứ của mình để xây dựng thân thể Christ, và làm các việc mà Đức Chúa Trời đã đặt để trong tâm trí của mình. Đây là điều tôi luôn khích lệ các em sinh viên trong nhóm của tôi thực hành. Như vậy môi trường nhóm tế bào là phương tiện của ân điển để thực hiện tốt nhất các ân tứ thuộc linh của mỗi người. Phi-e-rơ đã viết:

“Mỗi người trong anh em hãy lấy ơn mình đã được mà giúp lẫn nhau, khác nào người quản lý trung tín giữ các thứ ơn của Đức Chúa Trời.  Ví bằng có người giảng luận, thì hãy giảng như rao lời sấm truyền của Đức Chúa Trời; nếu có kẻ làm chức gì, thì hãy làm như nhờ sức Đức Chúa Trời ban, hầu cho Đức Chúa Trời được sáng danh trong mọi sự bởi Đức Chúa Jêsus Christ; là Đấng được sự vinh hiển quyền phép đời đời vô cùng. A-men.” (1 Phi. 4:10-11)

Những câu hỏi quan trọng

Việc thực hiện và duy trì sự tập trung này vào sự phát triển các thánh đồ sẽ đòi hỏi khả năng dám nói “dừng lại” hoặc “kết thúc chương trình.” Đây là nơi mà sự cọ xát xuất hiện. Cách để hoàn thành mục tiêu đào tạo môn đồ trong một môi trường nhóm nhỏ có thể có nghĩa là chúng ta xác định lại mục vụ này trông như thế nào và nó có thể xác định lại cách chúng ta dành 168 giờ mà chúng tôi có trong một tuần nhất định. Có rất nhiều chương trình bên trong một hội thánh điển hình có thể được giảm bớt hoặc cần loại bỏ. Để thực hiện quá trình chuyển đổi này đòi hỏi các nhà lãnh đạo của hội thánh phải thỏa thuận về nhiều vấn đề như sau:

– Mục đích của hội thánh là gì?

– Đại mạng lệnh của Đức Chúa Giê-su dành cho hội thánh là gì?

– Hội thánh đầu tiên đã đào tạo môn đồ như thế nào?

– Chúng ta đào tạo môn đồ như thế nào?

– Chúng ta trang bị cho các thánh đồ như thế nào?

– Các “công tác của sự phục vụ” hàm ý điều gì?

– Làm thế nào chúng ta có thể giúp đỡ các Cơ đốc nhân khám phá ân tứ của họ?

– Làm thế nào chúng ta có thể chuẩn bị cho mỗi tín hữu sẵn sàng đứng trước ngai của Đấng Christ và được nghe lời phán từ Ngài: “Được lắm, ngươi là quản gia trung tín”?

Sứ Mệnh Quan Trọng?

Có lẽ điểm khởi đầu trong cuộc hành trình này là trả lời mỗi câu hỏi trên đây cho chính cá nhân bạn. Bạn có thể tham vấn các câu trả lời từ đội ngũ lãnh đạo của hội thánh. Cuối cùng bạn ghi xuống phát biểu của bạn về sứ mệnh của hội thánh. Lời phát biểu đó có thể như thế này:

————————————–Hội thánh tồn tại để chinh phục những người hư mất về cho Christ, trang bị cho họ để vươn tới cấp độ trưởng thành thuộc linh, và ủy nhiệm họ ra đi hoàn thành sứ mệnh của Đấng Christ giao phó, dâng vinh hiển về cho Ngài.

Sau khi phát biểu như vậy, bạn có thể nhìn lại các phương cách và hệ thống mà hội thánh đang sử dụng có khả năng hoàn thành sứ mệnh của Đấng Christ giao cho hội thánh hay không. Theo thời gian, nhóm lãnh đạo cần tạo một danh sách “ngừng làm” hoặc ít nhất là “danh sách không hồi sinh”. Danh sách “DNR” có nghĩa là bạn sẽ cho phép mục vụ hoặc chương trình tiếp tục nhưng không có các nguồn lực cần thiết để duy trì. Bạn sẽ không dành cho nó sự chú ý, tiền bạc, không gian hoặc bất cứ thứ gì cho phép nó phát triển. Trong thực tế, bạn sẽ cho phép chương trình chết đi để các nhóm môn đệ quan hệ có thể xuất hiện từ hội thánh.

Nó đòi hỏi kỹ năng lãnh đạo đặc biệt và quyết tâm cho phép một cái gì đó chết để sự sống mới có thể xuất hiện. Tom Morgan nói thêm: “Cần một người lãnh đạo tự tin nhưng khiêm tốn để đi theo sự kêu  gọi của Chúa trong khi cân nhắc lợi ích của những người khác xung quanh họ. Chúng ta phải sống trong sự căng thẳng đó để trải nghiệm thiết kế của Chúa cho hội thánh. Chúng tôi hoàn thành mục đích của Ngài.”5 Công việc không dành cho những người yếu đuối. Những người chống đối sẽ nói rất rõ những gì bạn cần làm và những gì bạn không cần làm. Tuy nhiên, họ chưa được giao nhiệm vụ giám sát thân thể của Christ. Còn bạn thì có nhiệm vụ đó.  Nếu bạn cho phép người khác thiết lập chương trình nghị sự và kiểm soát kết quả, khi đó xem như bạn không có sự kêu gọi, nhưng bạn có một nghề nghiệp.

Những sự lựa chọn quan trọng

Một cách khác để đạt được tiến bộ trong quá trình chuyển đổi để trở thành một  hội thánh đào tạo môn đồ từ trong các mối quan hệ, là dẫn dắt bằng cách làm gương “Hãy là một mô hình” là một lời khuyên tốt. Bất cứ điều gì bạn trông đợi các thành viên trong hội thánh thực hiện, trước hết bạn phải là người thực hiện. Bạn lãnh đạo bằng cách làm gương. Hãy nhớ rằng bạn không phải là siêu nhân, nếu bạn ôm đồm tất cả mọi việc từ A tới Z, khi đó các thành viên sẽ không thể trưởng thành. Và bạn phải tiếp tục nuôi dưỡng họ bằng sữa, chứ không phải thức ăn cứng.

Mục tiêu của chúng ta là rao giảng Phúc âm cho thế giới và thực hiện công tác môn đồ hóa. Để hoàn thành sứ mệnh này, chúng ta phải duy trì sự tập chú vào công tác cứu người hư mất về cho Christ, giúp họ lớn lên đạt đến bậc thành nhân và rồi gởi họ vào cánh đồng truyền giáo. Không may là nhiều hội thánh ngày hôm nay đã không còn lưu tâm đến điều này. Chúng ta phải trang bị, ủy quyền và sai phái các môn đồ ra đi cho sứ mệnh truyền giáo. Để vươn ra thế giới bên ngoài, dân sự của Chúa phải theo chân Đấng Christ, thực thi sứ mạng của Ngài. Các nhóm tế bào có nhiều thuận lợi để áp dụng điều này, theo đuổi Đại mạng lệnh cho đến khi hoàn tất.

Thách thức cho công tác môn đồ hóa là duy trì và tập chú vào những điều chúng ta đã nhấn mạnh ở trên.  Chúng ta cần có một khải tượng sáng tỏ, những giá trị cốt lõi, quan điểm súc tích, phương tiện trong sạch, và những biểu hiện cụ thể. Trong hầu hết các hội thánh, chúng ta phải làm rõ ra mục đích của hội thánh là gì. Chúng ta cần loại bỏ dần những chương trình mang tính tôn giáo không còn thích hợp. Chúng ta phải lãnh đạo bằng cách làm gương cho người khác. Theo thời gian chúng ta có thể nhận thấy sự biến chuyển tích cực của mọi người. Những thuộc viên bình thường trước đây có thể làm những điều khác biệt tốt đẹp cho vương quốc của Đức Chúa Trời.

 

Câu hỏi suy ngẫm

  1. “Tính chất khẩn cấp” trong chương này nghĩa là gì?
  2. “Mục vụ Máy chạy bộ” vận hành như thế nào?
  3. Làm thế nào để đo lường sự thành công trong một hội thánh điển hình?
  4. Lời phát biểu về mục đích các mục vụ trong hội thánh mà bạn tham gia là gì?
  5. Ê-phê-sô 4:11-16 soi sáng chúng ta bước xuống và tránh xa “mục vụ máy chạy bộ” như thế nào?

Các ghi chú

  1. Charles Hummed, Tyranny of the Urgent, 10
  2. Eric Geiger and Thom S. Rainer

 

 

24

Môn đồ hóa là…

Tìm một biểu thức chung cho các mô hình hội thánh khác nhau.

Rod Dempsey

Phương pháp hay Mô hình

Khi bạn suy nghĩ đến mô hình (kiểu mẫu), thì điều gì xuất hiện trong tâm trí của bạn? Khi tôi còn trẻ, tôi rất yêu thích công việc thiết kế các kiểu mẫu xe hơi. Các mô hình cho phép chúng ta nhìn vào chúng để so sánh và đánh giá tầm nhìn của nhà thiết kế.

Từ mô hình được từ điển giải thích theo cách này: “một vật thể nhỏ, thường được xây dựng theo tỷ lệ, thể hiện chi tiết một vật thể khác, thường là vật thể lớn hơn.”1 Một định nghĩa khác về mô hình là: “một mô tả sơ đồ của một hệ thống, lý thuyết hoặc hiện tượng có các thuộc tính đã biết, và có thể được sử dụng để nghiên cứu thêm về các đặc điểm của nó.”2 Định nghĩa 2 là điều mà tôi muốn tập chú trong chương này. Mô hình là bản mô tả về một hệ thống hay một hiện tượng. Hội thánh của Chúa Giê-su khởi phát từ ngày Lễ Ngũ tuần là một hiện tượng. Và chúng ta cần nghiên cứu sự vận hành của nó, để rồi từ đó thiết kế những mô hình mà phản ánh các thuộc tính vốn có của hệ thống. Có một DNA căn bản của cấu trúc hội thánh, và nếu chúng ta xem xét một chuỗi DNA khỏe mạnh, chúng ta có thể tạo ra những mô hình để làm các bài học ứng dụng.

Tôi tin rằng Đức Chúa Trời muốn có một kiểu mẫu căn bản cho hội thánh của Ngài. Kiểu mẫu (mô hình) đó là thích hợp cho thân thể. Ray Stedman đã viết: “Khi Phao-lô diễn tả hội thánh như một thân thể, vị sứ đồ đã làm sáng tỏ điểm này: không ai có thể gia nhập vào thân thể Christ cho đến khi người đó phải được sanh lại thông qua đức tin nơi Chúa Giê-su Christ. Không có con đường nào khác cho điều này. Ngay khi một người được sanh lại, anh ta trở thành một phần của thân thể Christ. Mỗi thành viên trong thân thể đều có trách nhiệm đóng góp khả năng, ân tứ của mình cho toàn thân thể. Từ đó thân thể có khả năng hoàn thành chức năng của mình.”3 Thân thể này là hình ảnh của Đức Chúa Trời, nó rất tuyệt vời. Vì vậy mô hình của hội thánh là một chủ đề quan trọng. Xa hơn nữa, Đức Chúa Trời mong đợi thân thể của Ngài phải khỏe mạnh và có khả năng tái sản sinh ra các hội thánh khác. Khi chúng ta càng tiến đến gần với hình ảnh mà Đức Chúa Trời đã có trong tâm trí về hội thánh, chúng ta càng kinh nghiệm ân huệ và sự chúc phước của Ngài.

Trong chương 22, tôi đã tóm lược hai mươi đặc trưng và sự thực hành cho một hội thánh khỏe mạnh. Trong chương này chúng ta sẽ nói đến bốn mô hình thịnh hành của cấu trúc hội thánh: truyền thống, có sức hấp dẫn, hữu cơ và hỗn hợp. Tôi sẽ phân tích mỗi mô hình liên quan đến công tác môn đồ hóa.

Mô hình thông thường nhất: Hội thánh truyền thống

Khi các bạn đi vòng quanh Hoa Kỳ, bạn sẽ chú ý đến những tháp chuông nỏi bật của các nhà thờ trên khắp các con phố. Lúc đó trong tâm trí của bạn có thể xuất hiện các câu hỏi sau:

  1. Có bao nhiêu người tham dự vào hội thánh này?
  2. Vị mục sư ở đây trông giống như thế nào?
  3. Hội thánh này đã bắt đầu như thế nào? Nhóm người nào đã quyết định xây dựng ngôi giáo đường này?
  4. Hội thánh này có đang khỏe mạnh? Phúc âm đang được rao giảng cho những người chưa tin?
  5. Tiến trình môn đồ hóa đang phát triển ở đây?

Hội thánh này rất có thể là một hội thánh truyền thống. Đó là, nếu bạn đến thăm hội thánh đặc biệt này và sau đó đi đến những con đường khác trên khắp đất nước để quan sát các hội thánh khác, sẽ có những điểm tương đồng đáng kinh ngạc về mô hình của nó. Dưới đây là một số quan sát tổng quát về kiểu mẫu của các hội thánh truyền thống.

Có một mục sư quản nhiệm đảm trách các chương trình và mục vụ của hội thánh. Hầu hết các hoạt động của hội thánh xảy ra bên trong và chung quanh tòa nhà của hội thánh. Hệ thống, cấu trúc các hoạt động của hội thánh không quá phức tạp. Vị mục sư trưởng (quản nhiệm) đảm đương hầu hết các vị trí lãnh đạo của hội thánh, tuy nhiên các chấp sự thỉnh thoảng cũng chịu trách nhiệm một số mục vụ liên quan đến các thành viên. Công tác truyền giảng Phúc âm không phải là trọng tâm của hội thánh, nhưng các thuộc viên có quan tâm đến công tác “chinh phục linh hồn”. Chủ đề môn đồ hóa được dạy một cách giới hạn trong các lớp học Trường chủ nhật.

Các thành viên hội thánh ủng hộ mục sư quản nhiệm trong các mục vụ cố định nhưng thường chống lại hoặc nghi ngờ khi có sự thay đổi nào từ phía mục sư. Mục sư được xem là “người chuyên nghiệp”, và các thánh đồ là “giáo dân”.

Triết lý lãnh đạo của hội thánh là: tín hữu cần mục sư để phục vụ họ (mang tính lệ thuộc). Do đó, mục sư và / hoặc nhân viên làm hầu hết các chức vụ trong khi các thành viên hỗ trợ và tài trợ cho các chương trình của hội thánh. Do đó, những ân tứ thuộc linh không được sử đụng đúng cách trong sinh hoạt của hội thánh.

Mục sư giảng hai hoặc ba lần mỗi tuần, và trọng tâm được hướng nhiều hơn vào nhu cầu của hội chúng. Dâng hiến là ưu tiên hàng đầu. Các của dâng được sử dụng chủ yếu để trả lương cho lương nhân viên và  duy trì các cơ sở. Việc thờ phượng xảy ra hàng tuần ngay lúc 11:00 sáng. Các buổi nhóm cầu nguyện được tổ chức tại nhà thờ, thường là vào giữa tuần. Với tập quán như thế, cầu nguyện có xu hướng hình thức bề ngoài hơn là trong sự tìm kiếm sự khai phóng của Đức Chúa Trời cho công tác truyền giáo.

Mục sư hiểu và thông thường nhận lấy vai trò của mình như một người chăm sóc tinh thần cho hội chúng già nua. Huấn luyện nhân sự là rất ít, và có rất ít nhà lãnh đạo mới nổi từ hội chúng, bởi vì mô hình này không cần phát triển lãnh đạo. Nếu mục sư có một người phụ tá thì vai trò của người này là giống như một thư ký hành chính. Hội thánh truyền thống thường có một cái nhìn hẹp về truyền giáo. Để chắc chắn là các thành viên còn theo đuổi truyền giáo, hội thánh có thể tổ chức một chuyến đi truyền giáo ngắn hạn. Và rồi sự dâng hiến được chuyển đến cho một ủy ban truyền giáo nước ngoài. Có rất ít khải tượng cho việc gieo trồng hội thánh mới, bởi vì mô hình này chỉ dựa trên sự bổ sung mà không nhân bội các thành viên.

Đến Và Xem: Hội thánh hấp dẫn

Mô hình hấp dẫn có lẽ được biết đến nhiều hơn bởi thuật ngữ “hội thánh của những người tìm kiếm”, và triết lý của nó đặc trưng cho những gì một số người có thể gọi là nhà thờ “lớn”. Dưới đây là các đặc điểm tổng quát của mô hình này:

Bởi vì hầu hết các hội thánh hấp dẫn tập trung vào truyền giáo, chúng có thể trở nên khá lớn. Alan Hirsch đã diễn tả loại hội thánh này là “hội thánh lôi cuốn.”4 Loại hội thánh này hấp dẫn những người chưa tin “đến và xem” những gì Đức Chúa Trời đang làm. Các thành viên của hội thánh thực hiện một phương pháp truyền giáo được gọi là “đầu tư và mời gọi.”5 Phương pháp này khích lệ mỗi thuộc viên của hội thánh dành thời gian cho các thân hữu của mình và rồi mời họ đến nhà thờ để nghe mục sư giảng. Tòa nhà lớn của hội thánh là nơi mà các chương trình và sự kiện truyền giảng được tổ chức.

Mô hình này tự hào về sự cải đạo của nhiều người, nó cũng lôi cuốn các thuộc viên từ những hội thánh khác trong cùng khu vực. Do sự gia tăng nhanh chóng và thường xuyên của những người mới, các hội thánh này thường tài trợ cho các lớp học hướng dẫn người mới qui đạo trở thành tư cách “thành viên”. Mỗi nhân sự được khuyến khích tham gia vào các mục vụ trong buổi nhóm chính vào ngày Chủ nhật. Bởi vì hội thánh có sức lôi cuốn tự nhiên, nên sự tham gia vào mục vụ thường thay đổi liên quan đến mức độ cam kết của một người. Cầu nguyện có chiều hướng đi sâu vào những vấn đề cụ thể (không phải là hình thức bề ngoài) và diễn ra thường xuyên trong các nhóm tế bào.

Vai trò của mục sư tổng quản nhiệm giống như một giám đốc điều hành công ty. Ông ấy thường cực kỳ lịch sự và lôi cuốn. Mọi người thường vây quanh và muốn lắng nghe ông ta. Ông ta có một nhân cách tốt và sức thu hút với mọi người. Các nhân viên khác cũng tham gia điều hành hội thánh, và trọng tâm chính là các buổi nhóm cuối tuần. Mô hình này coi trọng sự phát triển lãnh đạo, và có nhiều cơ hội đào tạo cho các nhân sự tiềm năng. Mục tiêu chính của một hội thánh hấp dẫn là truyền giáo được thực hiện thông qua những người có ân tứ giao tiếp. Các hội thánh vệ tinh mới được mở ra cũng nhờ vào các ân tứ của mục sư và niềm đam mê truyền giáo của ông.

Đi và Trở Thành: Hội thánh Hữu Cơ

Từ hữu cơ có nghĩa là: có quan hệ không thể tách rời nhau để tồn tại hoặc hoạt động.

Hiện tại có nhiều tác giả và các chuyên gia về hội thánh nói về sự cần thiết phải quay trở lại các đặc trưng của hội thánh đầu tiên. Một số người nổi tiếng đã viết và trải nghiệm về hội thánh là: Alan Hirsch (Những Đường Lối Bị Lãng Quên; Ngay Ở Đây; Ngay Bây Giờ); Ed Stetzer (Phá Vỡ Mã số Truyền Giáo; Hội Thánh Biến đổi; Gieo Trồng Hội Thánh; Các Hội thánh Truyền Giáo); Hugh Halter (Vương quốc Hữu Hình); Frank Viola (Tìm Thấy Hội Thánh Hữu Cơ); Dennis McCallum (Môn Đồ Hóa Cơ bản). Ngoài ra còn có Francis Chan là mục sư và nhà văn trứ danh đã viết trong tác phẩm Tình Yêu Mù Quáng là hội thánh cần chuyển đổi từ “Đến Và Xem” thành “Đi và Trở Thành.”6

Hội thánh hữu cơ là một thuật ngữ được dùng để diễn tả cách đơn giản về những gì hội thánh đang làm theo hướng không thể tách rời nhau để tồn tại. Hội thánh này thường được một nhóm các trưởng lão lãnh đạo. Đây là cơ cấu lãnh đạo được nhiều người chấp nhận. Có nhiều trưởng lão giảng dạy trong các nhóm tế bào, hoặc trong các hội thánh tư gia. Hội thánh không được phân chia thành từng nhóm theo lứa tuổi. Nó được tổ chức thành các nhóm liên kết tìm mọi cách truyền giáo trong cộng đồng. Hội thánh tập trung chủ yếu vào Sáng Chủ nhật, nhưng sự biểu lộ chính của hội thánh là trong các nhóm liên kết. Các thành viên nhóm họp và học tập trong các nhóm nhỏ. Tại đây họ được môn đồ hóa. Các thánh đồ được khích lệ sử dụng ân tứ của mình để phục vụ trong các nhóm và cộng đồng chung quanh.

Các nhóm gặp nhau trong những buổi nhóm chung, khi đó các thành viên được dạy từ một trong những trưởng lão, và giáo lý được thiết kế để trang bị cho họ trong sinh hoạt nhóm tế bào. Thờ phượng là một lối sống thể hiện sự vâng phục Chúa và mạng lệnh truyền giáo. Sự cầu thay hướng đến những người chưa biết Chúa. Vai trò của người lãnh đạo là huấn luyện, trang bị cho các thành viên để họ sử dụng ân tứ đi ra rao giảng Phúc âm. Khi hội thánh (thân thể) trưởng thành khỏe mạnh, nó sẽ hấp dẫn những người chưa biết Chúa tìm đến. Một trong các mục tiêu của hội thánh là mỗi môn đồ khỏe mạnh, phát triển thành những người lãnh đạo khỏe mạnh. Từ đó phát triển nhân lên các hội thánh khỏe mạnh để chinh phục những người mới cho Phúc âm. Sự gia tăng nhân bội hội thánh là mục tiêu của mô hình này.

Cả hai….Và: Hội thánh Hỗn Hợp

Mô hình hội thánh hỗn hợp nối kết các yếu tố từ cả hội thánh hấp dẫn và hội thánh hữu cơ để tạo thành một mô hình vừa hấp dẫn vừa có tính cách truyền giáo. Đây là mô hình hội thánh tổng hợp “đến và xem” cộng với “đi và trở thành”. Nó thường được mục sư quản nhiệm và một dàn nhân viên chuyên nghiệp hướng dẫn. Các mục vụ của hội thánh tập trung vào sáng Chủ nhật trong khuôn viên của hội thánh. Hội thánh thực hành môn đồ hóa trong các đường lối khác nhau. Nói tóm lại, mô hình hội thánh hỗn hợp đã đưa ra một hệ thống nhóm nhỏ và đặt nó lên trên mô hình truyền thống/ hấp dẫn hiện có.

Hội thánh hỗn hợp tìm kiếm điều tốt nhất từ các mô hình hội thánh. Thách thức ở đây là không có nỗ lực thực sự nào để giảm đi sự phức tạp của các mô hình. Mọi thứ được góp lại với nhau. Các thánh đồ được khuyến khích tham gia vào mục vụ. Nhưng có rất nhiều điều xảy ra với mô hình này, thật khó để tập trung vào chính xác những gì các thành viên phải làm. Lịch làm việc cua hội thánh dày đặc các hoạt động, không còn một chỗ trống nào. Các thành viên trung bình rất dễ giấu mình đi giữa nhiều lỗ hổng vì hệ thống này có nhiều nơi để ẩn trốn.

Vị mục sư quản nhiệm có nhiều tài năng và ân tứ. Ông ta là người chăn bầy, đồng thời cũng là cố vấn, thầy giảng, giám đốc điều hành và là một người bạn. Ông tài giỏi trong mọi tình huống, nhưng không thể làm hết mọi việc từ A đến Z. Điều này làm tôi nhớ đến câu chuyện của Môi-se và Giê-trô trong Xuất Ê-díp-tô ký 18. Vị mục sư hiểu rõ về nghệ thuật lãnh đạo trong tinh thần của người phục vụ. Ông cần nhiều người phụ tá để điều hành các buổi nhóm và mục vụ của hội thánh. Hội thánh này có một đội ngũ nhân viên đông đúc làm rất nhiều việc, tuy nhiên những nỗ lực của họ đôi khi bị phân chia giữa các triết lý “đến và xem” với “đi và trở thành”. Đào tạo môn đồ được nhấn mạnh, nhưng có sự nhầm lẫn về việc sắp xếp các ưu tiên. Có các buổi thuyết trình về việc tiếp cận mùa gặt linh hồn và xây dựng các hội thánh mới, nhưng vì có vô số chương trình và mục vụ nên rất khó để tập trung ưu tiên cho một cái nào. Ngoài ra có nhu cầu lớn cho mọi người điều hành các mục vụ trong sáng Chủ nhật. Hậu quả là các nhân sự trưởng thành không phải tập trung đúng mức cho truyền giáo và Đại mạng lệnh mà là điều hành các buổi nhóm của hội thánh.

Như tôi đã phân tích có bốn mô hình phát triển của hội thánh được thực hành ngày hôm nay. Hãy nhận xét xem hội thánh mà bạn đang là thành viên thuộc mô hình nào.

Những câu hỏi

  1. Quan điểm của bạn như thế nào về hội thánh?
  2. Quan điểm của bạn như thế nào về vai trò của mục sư?
  3. Quan điểm của bạn như thế nào về trách nhiệm của các thánh đồ?
  4. Quan điểm của bạn như thế nào về truyền giảng Phúc âm?
  5. Quan điểm của bạn như thế nào về sứ mạng của hội thánh?

Nếu bạn nhìn hội thánh như một nơi chốn, điều này sẽ tác động đến cách bạn tiến hành các mục vụ. Nếu bạn xem công việc của mục sư như là một chuyên gia, quan điểm này sẽ ảnh hưởng đến cách bạn đánh giá các mục vụ. Nếu bạn xem các thánh đồ là một bầy chiên yếu ớt cần sự chăm sóc, lúc đó bạn sẽ không dám kêu gọi họ tiến lên đạt đến mức trưởng thành để cùng chia sẻ các trách nhiệm. Nếu bạn xem truyền giảng Phúc âm chỉ được thực hiện bởi những người chuyên nghiệp bên trong giáo đường, khi ấy điều này trở thành phương pháp của bạn. Nếu bạn xem sứ mệnh vươn tới một thế giới đang suy thoái đạo đức với sự hoài nghi thầm lặng, thì bạn sẽ không nghiêng về sứ mệnh truyền giáo bằng đức tin dạn dĩ và hành động khẩn cấp.

Những quyết định quan trọng

Sau khi đã nghiên cứu các mô hình hội thánh, cách tiếp cận nào bạn nên thực hiện? Điều này phụ thuộc vào bạn. Bạn đang khởi đầu cho một hội thánh hoặc giả định là như thế. Bạn có thể bắt đầu từ điểm nào hay là bạn đã có một mô hình?  Nếu bạn đang đi bước đầu tiên, tôi chắc chắn sẽ khuyên bạn nên bắt đầu theo phương cách đơn giản và giữ sự đơn giản. Nếu bạn không được thuyết phục như thế, thì bạn cần phải có tri thức và kỹ năng để hướng đến một hội thánh khỏe mạnh đào tạo môn đồ. Trong chương tiếp theo chúng ta sẽ nhìn vào mô hình hội thánh truyền thống, để xem tiến trình môn đồ hóa được phát triển tốt ở đây hay không?

Câu Hỏi Suy Ngẫm

  1. Ray Stedman đã diễn giải định nghĩa của Phao-lô về hội thánh như thế nào?
  2. Bốn mô hình hội thánh thịnh hành mà chúng ta thấy ngày hôm nay là gì?
  3. Hội thánh mà bạn tham dự gần với mô hình nào nhất?
  4. Theo ý bạn thì mô hình hội thánh nào là tốt nhất?
  5. Bạn có thể làm gì để xây dựng một hội thánh khỏe mạnh?

Các ghi chú

  1. See http://thefreedictionary.com/model
  2. Ibid
  3. Ray Stedman, Body Life, Kindle location 1341-43
  4. See http://missionalchurchnetwork.com
  5. See http://store.northpoint.org
  6. See http://www.releventmagazine.com

25

Môn đồ hóa là….

Khảo Sát Mô hình Hội thánh truyền thống

Trong chương trước, chúng ta đã khái quát bốn mô hình của hội thánh: truyền thống, hấp dẫn, tổ chức tốt và hỗn hợp. Trong các chương tiếp theo chúng ta sẽ đánh giá các mô hình hội thánh này trong nỗ lực kiến tạo một hệ thống hiệu quả nhất cho công tác môn đồ hóa. Trong chương này chúng ta sẽ khảo sát mô hình hội thánh truyền thống, và trước khi làm điều này chúng ta đi lướt qua các điểm sau đây:

Kiểm tra tấm gương phản chiếu của bạn

Một trong những bộ phận quan trọng của xe ô tô là gương chiếu hậu. Bạn còn nhớ bài học đầu tiên khi học tập điều khiển xe ô-tô là phải chỉnh sửa kính chiếu hậu vừa tầm mắt để có thể quan sát từ phía sau? Không có kính chiếu hậu, chúng ta sẽ không thể điều khiển xe lưu thông trên đường. Nếu không có chúng, chúng ta sẽ liên tục bị va quẹt với những chiếc xe khác chạy phía sau. Lúc này những phương tiện lưu thông phía sau sẽ là “điểm mù” của chúng ta. Cũng vậy, chúng ta cũng có những “điểm mù” trong mục vụ nếu như không có gương phản chiếu. Khi chúng ta nhìn lại trong cuốn sách này, chúng ta đã đề cập đến triết lý làm môn đồ, những điều cơ bản của môn đồ hóa. Chúng ta sẽ ôn lại các bài học này.
Chúng ta biết rằng động cơ của công tác môn đồ hóa là làm vinh hiển Đức Chúa Trời bằng cách giúp đỡ những người khác trưởng thành đến một mức độ là họ có thể sanh bông trái cho Ngài (Giăng 15:8). Chúng ta cũng đã biết về định nghĩa đúng đắn của một môn đồ Đấng Christ theo Kinh thánh, và tiến trình môn đồ hóa là hợp tác với Thánh Linh trong công tác của Ngài. Chúng ta cũng đã thấy rằng mục vụ môn đồ hóa được xúc tiến tốt nhất trong nhóm tế bào của hội thánh địa phương là thân thể hữu hình của Đấng Christ. Chúng ta đã xem xét điều quan trọng trong Kinh Thánh là trở thành môn đồ cũng như làm môn đồ Christ. Từ lời dạy của Chúa Giê-su và trong các thư tín của Phao-lô, chúng ta biết rằng một môn đồ phải công bố Chúa Giê-su là Đức Chúa Trời và Cứu Chúa của mình. Từ đó được phát triển đến mức độ trưởng thành để triển khai sứ mạng của Đấng Christ cho thế giới. Chúng ta đã khám phá hội thánh của Chúa Giê-su là thân thể của Ngài. Khi thân thể Christ khỏe mạnh (các chi thể đều khỏe mạnh), thì có nghĩa là hội thánh khỏe mạnh. Chúng ta đã tổng kết hai mươi đặc trưng về hội thánh khỏe mạnh. Chúng ta đã khám phá tầm quan trọng của sự phát triển trong nhận thức của chúng ta về nghệ thuật lãnh đạo thuộc linh và tiến trình môn đồ hóa. Chúng ta đã nhìn vào ý nghĩa của sự nhân bội số lượng môn đồ và điều đó hàm ý cho việc hoàn thành Đại mạng lệnh mà Đấng Christ đã ủy thác. Cuối cùng chúng ta đã phân tích làm thế nào để tiếp tục tập chú vào công tác môn đồ hóa.

Những Nguyên Tắc Hướng Dẫn Các Mô Hình Của Chúng Ta.
Những nguyên tắc trên đây giúp đỡ chúng ta có một nền tảng thuộc linh vững chắc. Khi bạn nắm vững các nguyên tắc rồi, tôi muốn nhấn mạnh đến hai điều quan trọng: tình yêu và nghệ thuật lãnh đạo. Điều trước tiên, nền tảng cho môn đồ hóa là tình yêu – một đức tính không được đánh giá cao trong nền văn hóa của chúng ta. Khi chúng ta yêu mến Đức Chúa Trời sẽ dẫn đến yêu thương người lân cận. Đức Chúa Giê-su đã tóm lược luật pháp trong hai điều: kính Chúa và yêu người. Đây là phương cách để biểu thị rằng chúng ta là môn đồ của Ngài. Khi trưởng thành chúng ta sẽ thực hành các ân tứ của mình và bày tỏ ra tình yêu cho người khác (Ê-phê-sô 4:16). Lúc đó người thế gian sẽ được thuyết phục rằng có Chúa Giê-su ở giữa chúng ta. Trong ngữ cảnh này chúng ta dễ dàng chia sẻ Phúc âm cho người khác. Tình yêu với tha nhân không chỉ đáng tin cậy nhưng là quyền năng của Tin lành để cứu mọi người tin.

Điều thứ hai, thuật lãnh đạo theo Kinh thánh rất khác với cách lãnh đạo của thế giới. Theo cách tự nhiên, chúng ta cũng nhìn vào những người lãnh đạo giống như cách của thế gian nhận xét về họ. Chúng ta thích nhìn thấy những người lãnh đạo Cơ đốc phải mạnh mẽ hơn, thông minh hơn người khác. Ken Blanchard đã viết trong sách Lãnh đạo giống như Chúa Giê-su, “theo một nghĩa nào đó, mô hình lãnh đạo mà mọi người thường trải nghiệm được tóm tắt bởi ý kiến phổ biến: “tất cả là do tôi”. Trong tất cả các loại tổ chức và học viện, phần thưởng về tiền bạc, nhận thức và quyền lực được gia tăng khi bạn tiến lên thứ bậc cao hơn.” Các ý niệm từ Kinh Thánh như khiêm tốn, trang bị, trao quyền và phục vụ không phải là những từ chúng ta thường gán cho các nhà lãnh đạo của mình. Hậu quả là chúng ta muốn người lãnh đạo của mình giống như mô hình một người lãnh đạo bên ngoài thế giới. Chúng ta muốn mục sư trưởng phải là người đưa ra chỉ thị, biết cách tổ chức và chịu trách nhiệm mọi thứ. Tuy nhiên nghệ thuật lãnh đạo Cơ đốc thì tương phản với mô hình lãnh đạo thế giới. Chúa Giê-su dạy, “Trong các ngươi thì không như vậy; trái lại, trong các ngươi, kẻ nào muốn làm lớn (làm người lãnh đạo), thì sẽ làm đầy tớ các ngươi.” (Ma-thi-ơ 20:26).

Những người lãnh đạo trong vương quốc Đức Chúa Trời có một sự khởi đầu khác biệt. Chúng ta bắt đầu với ý muốn của Chúa. Chúng ta bắt đầu với sự hiểu biết rằng sự trưởng thành và phát triển của con cái Đức Chúa Trời là trách nhiệm quan trọng của công tác lãnh đạo (Ê-phê-sô 4:11-16). Lãnh đạo theo Kinh Thánh không chỉ là chăm lo về tình trạng sức khỏe của tổ chức hội thánh mà còn phải chăm lo nhiều hơn đến sức khỏe thuộc linh của từng cá nhân trong hội thánh. Phao-lô đã dạy, “Ấy là Ngài mà chúng tôi rao giảng, lấy mọi sự khôn ngoan răn bảo mọi người, dạy dỗ mọi người, hầu cho bày tỏ mọi người trở nên trọn vẹn trong Đấng Christ ra trước mặt Đức Chúa Trời.” (Cô-lô-se 1:28). Lãnh đạo theo Kinh Thánh phải xuất phát và được điều khiển bằng tình yêu. Những nguyên tắc này cho thấy sự khác biệt về lãnh đạo trong vương quốc Đức Chúa Trời. Những gì chúng ta khai triển trong hội thánh địa phương phải phản ánh bản chất và đặc điểm của vương quốc thiên đàng.

Các đặc điểm của mô hình hội thánh truyền thống.

Như tôi đã đề cập trước đây, làm môn đồ Christ thường được tiếp cận trong bối cảnh của một trong bốn cấu trúc hội thánh: truyền thống, hấp dẫn, hữu cơ, và hỗn hợp. Tôi đã có một số trải nghiệm với bốn mô hình này. Tôi rất quen thuộc với hội thánh truyền thống, và cũng không xa lạ lắm với ba mô hình hội thánh còn lại. Trong chương này tôi sẽ đề cập chi tiết các đặc điểm của hội thánh truyền thống. Động lực của tôi là khảo sát mô hình hội thánh truyền thống để giúp thân thể Christ trở nên khỏe mạnh hơn.

Trên căn bản của những quan sát và trải nghiệm, những liệt kê sau đây là đặc điểm điển hình của hội thánh truyền thống.

  1. Hội thánh được một mục sư hoặc một nhóm người điều hành.
  2. Tòa nhà của hội thánh là trung tâm.
  3. Tập trung vào ngày Chủ nhật.
  4. Tập trung giảng dạy.
  5. Nhóm thờ phượng vào Sáng Chủ nhật.
  6. Đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp điều hành.
  7. Gia tăng số lượng thành viên trên căn bản bổ sung.
  8. Không chú trọng nhiều đến truyền giảng Phúc âm.
  9. Quan tâm nhiều về bảo vệ, giữ gìn số lượng thành viên
  10. Huấn luyện nhân sự để phát triển là hiếm hoi.
  11. Cạnh tranh với các hội thánh khác.
  12. Lãnh đạo theo phong cách “trên bảo dưới nghe”. Không mang tinh thần người lãnh đạo là đầy tớ.

Sự trở ngại

Tám mươi phần trăm các hội thánh ở Bắc Mỹ đã hoặc đang suy giảm. Đây là một giai đoạn khủng hoảng trong thời đại của chúng ta. Tuy nhiên, dường như, chúng ta đang tiếp tục cố gắng và giải quyết vấn đề bằng các phương pháp tương tự đã gây ra cuộc khủng hoảng ngay từ đầu. Tình huống này nhắc tôi nhớ đến tình trạng khủng hoảng nợ của Hoa Kỳ. Hiện tại Hoa Kỳ nợ hơn 16 nghìn tỉ đô-la Mỹ. Chúng ta sẽ làm sao đây với số nợ này? Mượn tiền từ các chính phủ nước ngoài và tăng thêm thuế mà không hạn chế chi tiêu. Chúng ta tiếp tục cố gắng giải quyết các vấn đề dai dẳng tương tự với các giải pháp không đi tới đâu.

Trong cùng một cách như vậy, mô hình hội thánh truyền thống chiến đấu để giải quyết bài toán làm sao để cho hội thánh được gia tăng theo cấp số nhân. Thế giới đang phát triển với tốc độ theo cấp số nhân (chúng ta vừa vượt qua mốc 7 tỷ dân). Làm thế nào chúng ta có đáp án cho bài toán này? Mô hình hội thánh truyền thống chỉ bổ sung thêm thuộc viên vào hội thánh, còn dân số thế giới thì đang tăng với một tốc độ phi mã theo cấp số nhân! Làm sao chúng ta giải bài toán này. Cố gắng giải bài toán của “cấp số nhân” theo cách của phép “cộng bổ sung” là đều không thể. Và đây là thách thức lớn cho tất cả chúng ta.

Một thách thức khác của hội thánh truyền thống là cố gắng truyền giáo cho thế giới chỉ thông qua các chuyên gia được trả lương. Tôi gọi điều này là nút cổ chai. Chúng ta nhìn thấy tình trạng này: Một lượng nước giới hạn chảy qua một thùng chứa vì phải đi qua một nút cổ chai.  Cũng vậy, công tác truyền giáo của hội thánh không thể bị giới hạn trong một số chuyên gia được gọi là giáo sĩ. Công tác này phải bao hàm, liên quan đến tất cả mọi con cái của Đức Chúa Trời.

Xem các định nghĩa.

 

Điều này làm dấy lên một lĩnh vực quan tâm khác làm xáo trộn danh tính của dân Chúa và các phạm trù cứng nhắc của “người chuyên nghiệp” và “giáo dân”. Thực ra không chỉ các chuyên gia Cơ đốc thực hiện các mục vụ của hội thánh, mà phải huy động tất cả mọi người liên quan vào. Trong thực tế là  nhiều hội thánh áp dụng quy tắc 80/20.3 Đó là, 20 phần trăm số người làm 80 phần trăm công việc trong hội thánh.  Sự thực hành này bỏ qua thực tế là mọi môn đồ đã được Chúa ban cho ân tứ siêu nhiên để thăng tiến  và phát triển cho vương quốc. Tôi không muốn các bạn khi ra trình diện trước ngai Đấng Christ bị hổ thẹn, bối rối khi Ngài hỏi: “Con đã làm gì với ân tứ mà ta ban cho con?”

Một số người tong chúng ta có thể muốn thay đổi định nghĩa chính xác về môn đồ Đấng Christ mà Chúa Giê-su đã dạy. Môn đồ là người sẵn sàng hy sinh tất cả để vác thập tự giá theo Chúa. Nhưng chúng ta thích làm Cơ đốc nhân không phải hy sinh điều gì hay phải mang vác gánh nặng nào. Nhiều người trong chúng ta cũng thay đổi định nghĩa về hội thánh. Chúng ta cho rằng hội thánh chỉ là một nơi chốn mà mọi người tới đó để “thờ phượng.” Nó là nơi để thảo luận về cánh đồng truyền giáo thế giới, nhưng không hề có sự huấn luyện hay trang bị nào cho nhân sự đi ra làm thợ gặt.

Tuy nhiên, một thuật ngữ khác cần được xác định lại là quan điểm mất cân bằng đối với “sự nghiên cứu Kinh Thánh” nhằm tìm kiếm những sự thật sâu sắc hơn, nhưng không nhất thiết là phải áp dụng. Nói một cách tiêu cực, nó không tìm cách giải thích rõ ràng và áp dụng Kinh thánh, nhưng những lẽ thật thần học sâu xa hơn của Lời – sâu sắc đến mức chúng ta tranh luận và tranh luận về các giáo lý ngoại vi và sau đó xem thường công tác truyền giáo. Chúng ta đã chuyển từ “họ đã đi ra ngoài và rao giảng ở khắp mọi nơi” (Mác 16:20; Công. 8:4) sang “hãy để mục sư xử lý nó”. Cách tiếp cận này vẫn tồn tại bất chấp lời tuyên phán của Chúa Giê-su về sứ mệnh của Ngài. (Lu-ca 4:18-19):

“Thần của Chúa ngự trên ta;
Vì Ngài đã xức dầu cho ta đặng truyền tin lành cho kẻ nghèo;
 Ngài đã sai ta để rao cho kẻ bị cầm được tha,
Kẻ mù được sáng,
Kẻ bị hà hiếp được tự do.”

Chúa Giê-su đã đến trần gian rao giảng tin lành theo sự sai phái của Cha Ngài. Còn chúng ta thì sao? Chúng ta sẽ đi theo tấm gương của Chúa Giê-su, hay chọn một lối khác?

Chúng ta tới đây bằng cách nào?

Một suy nghĩ của Albert Einstein về sự điên rồ là: “Sự điên rồ đang tiếp tục làm điều tương tự lặp đi lặp lại và mong đợi kết quả khác nhau.”4 Chúng ta đang làm gì? Tại sao chúng ta bị mắc kẹt trong cách tiếp cận này khi nó rõ ràng không hoạt động? Làm thế nào chúng ta đã đi xa khỏi sự đơn giản của việc đào tạo môn đồ, đến một mô hình không có trang bị, trao quyền và khai phóng con cái Chúa cho sứ mệnh của Ngài?

Cuối cùng, mô hình hội thánh mà không trang bị, huấn luyện nhân sự để ra đi cho sứ mạng truyền giáo là rất khó khăn (nếu không nói nói rằng bất khả thi) để hoàn thành sự ủy thác của Chúa.

Mô hình này giống như cấu trúc của một doanh nghiệp, hoặc công ty. Mục sư trưởng sẽ ở đỉnh của mô hình làm công tác điều hành, và mọi người ở phía bên dưới báo cáo với ông ta về các mục vụ mà mình đảm trách.

Mô hình này không trông đợi mỗi cá nhân làm những điều bức phá ngoạn mục cho vương quốc. Ngoài ra nó cũng không được thiết kế cho sự nhân bội môn đồ, nó chỉ duy trì và bổ sung thêm các thành viên mới (nếu có) vào hội thánh. Như thế nó là một mô hình “mạng lệnh và kiểm soát”: kiểm soát bất động sản, các tòa nhà, nhân viên, ngân sách, mọi thứ và con người. Trong một hội thánh khỏe mạnh, tín nhân được cứu không phải bởi việc làm, họ được cứu để làm các việc lành (Ê-phê-sô 1:10). Với kết quả đó, họ được huấn luyện, trang bị, trao quyền năng để thực thi sứ mạng truyền giáo.

Mô hình hội thánh truyền thống thịnh hành ở khu vực Bắc Mỹ. Mô hình này không khích lệ dân sự Chúa đi ra cho sứ mạng truyền giáo. Chúng ta cần trở về với Kinh thánh để biết rằng Chúa có sắm sẵn nhiều mục vụ tốt lành cho chúng ta tham gia vào. Ed Stetzer và Warren Bird đã viết, “Khi chúng ta xem các hội thánh đang bắt đầu phong trào nhân bội lên, những hội chúng này rất năng động trong việc tiếp cận với những người mới. Các nhà lãnh đạo của họ đã chán nản với chức vụ bảo toàn bầy chiên, hoặc thiếu thách thức cho công tác truyền giáo. Trong thực tế, họ bị đẩy đến rìa của sự điên rồ bởi chế độ chỉ biết bảo tồn bầy chiên. Các nhà lãnh đạo của các phong trào lớn là những người được thúc đẩy để tìm người mới và đưa họ vào một tương lai mới.”5 Tìm kiếm người mới để đưa về trong hội thánh là bước đầu tiên, sau đó phát triển và ủy thác họ cho công tác truyền giáo là một thách thức của tiến trình môn đồ hóa.

Nghề Nghiệp hay Sự Kêu Gọi

Bất kỳ mô hình nào của hội thánh không khích lệ, làm nản lòng dân sự Chúa khiến họ không thể làm tất cả những gì Đức Chúa Trời truyền bảo là vô ích và đi ngược lại với Kinh Thánh. Đường lối để đem Tin lành vào trong thế giới là huy động tất cả con dân Chúa cùng tham gia vào sứ mệnh truyền giáo. Tôi không nói rằng những người lãnh đạo của hội thánh truyền thống đang cố gắng làm điều này (trừ phi họ biết lẽ thật). Tôi tin rằng đa số các người lãnh đạo của mô hình hội thánh truyền thống là tốt, họ có động cơ tốt. Nhưng kết quả của họ là: tín hữu không được khích lệ và huy động để hoàn thành Đại mạng lệnh.

Để ra khỏi vết xe đổ của mô hình hội thánh truyền thống, tôi thường khích lệ các sinh viên của mình đi ra gieo trồng hội thánh mới, phát triển những nhân sự tiềm năng cho công tác lãnh đạo, thúc đẩy tiến trình môn đồ hóa. Chương trình của Đức Chúa Trời là hội thánh phải đem Phúc âm đến tận cùng trái đất. Có lẽ nào chúng ta lại thỏa lòng với những điều nhỏ hơn? Điều này dẫn tôi tôi một kết luận cuối cùng: Nếu hội thánh không đi ra chinh phục người mới về cho Đấng Christ và tiến hành công tác môn đồ hóa, hãy thay đổi nó. Sự kêu gọi mà Chúa dành cho bạn là gì?

Hiệu ứng (ảnh hưởng) biến đổi

Hội thánh là một nơi mà Phúc âm và các lời chứng về Chúa Giê-su Christ được công bố trong quyền năng của Đức Thánh Linh. Các Cơ đốc nhân vươn tới bậc thành nhân và họ muốn đi ra phục vụ người khác. Khi họ rao giảng, những người chưa tin sẽ được thuyết phục để tin theo. Họ nhận thức rõ ràng về trách nhiệm của tín nhân với vương quốc. Các tín hữu trải nghiệm phép lạ về đời sống cá nhân được biến đổi, từ chỗ bản ngã làm trung tâm trước đây, chuyển sang để Chúa làm Chủ trong mọi lĩnh vực của đời sống.

Cuộc sống được biến đổi bởi quyền năng Phúc âm là một lời chứng mạnh mẽ để chia sẻ Tin mừng với mọi người chung quanh. Phúc âm phải trở thành lời đàm thoại thường xuyên với những người mà tín nhân tiếp xúc.

Trong tác phẩm Hội Thánh Tư Gia, Steve Atkerson đã đưa ra một số lời đề nghị giúp Cơ đốc nhân tương tác với người chưa tin. Tác giả viết, “chúng ta cần thường xuyên tìm cách đặt mình vào những nơi mà chúng ta có thể tương tác với những người chưa tin. Chúng ta có thể đến những nơi phù hợp để tiếp xúc với họ, hoặc đơn giản là mở cửa nhà mình ra trong các ngày lễ và mời những người chung quanh đến tham dự một bữa ăn tối. Khi ấy chúng ta thử tìm hiểu xem thử có ai trong vòng những người chưa tin muốn tìm hiểu về Kinh Thánh. Nếu có hãy giúp đỡ họ học Kinh Thánh tại một nơi thuận tiện cho họ. Chúng ta hãy hỏi họ rằng anh/chị cần tôi cầu nguyện cho nhu cầu nào trong cuộc sống?”6 Nếu chúng ta không để cho những người chưa tin nhìn thấy đời sống của chúng ta được biến đổi như thế nào, chúng ta không thể thấy thân thể của Đấng Christ đang vận hành. Hãy kéo những người chưa tin về phía bạn. Hãy trở thành bạn hữu của họ để có thể chia sẻ Phúc âm của tình yêu thương.

Trong Ma-thi-ơ 16, Chúa Giê-su đã hỏi các môn đồ một câu hỏi: “Theo lời người ta nói thì Con người là ai?” (câu 13). Môn đồ thưa rằng: Người nói là Giăng Báp-tít; kẻ nói là Ê-li; kẻ khác lại nói là Giê-rê-mi, hay là một đấng tiên tri nào đó. Hãy để tôi diễn giải câu trả lời của môn đồ như thế này: “Thưa thầy có nhiều ý kiến khác nhau, và mọi người vẫn chưa đưa ra phán quyết cuối cùng về lai lịch của Ngài.” Ngài phán rằng: Còn các ngươi thì xưng ta là ai? 6 Si-môn Phi-e-rơ thưa rằng: Chúa là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời hằng sống. Câu trả lời của Phi-e-rơ không chỉ là nền tảng của Phúc âm, mà còn là nền tảng cho sự mầu nhiệm khi Chúa Giê-su bày tỏ về tương lai của chức vụ Ngài. Ngài trả lời Phi-e-rơ:

Hỡi Si-môn, con Giô-na, ngươi có phước đó; vì chẳng phải thịt và huyết tỏ cho ngươi biết điều nầy đâu, bèn là Cha ta ở trên trời vậy.  Còn ta, ta bảo ngươi rằng: Ngươi là Phi-e-rơ, ta sẽ lập Hội thánh ta trên đá nầy, các cửa âm phủ chẳng thắng được hội đó.” (câu 17-18)

Thực thể mới này – hội thánh – là một sự mặc khải từ Cha trên trời. Cộng đồng mới này (thân thể của Chúa Giê-su) đã có một hiệu ứng biến đổi không chỉ đối với cá nhân mà còn với gia đình, cộng đồng xã hội và trên toàn thế giới. Bởi ân điển của Đức Chúa Trời, chúng ta không cản trở công việc Chúa làm trong hiệu ứng biến đổi này. Nếu hội thánh truyền thống không theo đuổi thực tại này, chúng ta cần thay đổi nó.

Câu hỏi suy ngẫm

  1. Những nguyên tắc nền tảng của việc làm môn đồ là gì?
  2. Người lãnh đạo phải làm gì trong một hội thánh đào tạo môn đồ?
  3. Nêu ra hai hoặc ba đặc điểm của hội thánh truyền thống?
  4. Nêu ra hai hoặc ba thách thức của hội thánh truyền thống?
  5. Sự biến đổi xảy ra trong cộng đồng xã hội như thế nào?

Các ghi chú

  1. Ken Blanchard and Phil Hodges, Lead Like Jesus
  2. See:http://www.simplechurchathome.com
  3. See:http://management.about.com
  4. See:http://www.brainyquote.com
  5. Ed Stetzer and Warren Bird, Viral Churches, 54
  6. Steve Atkerson, House Church, Kindle Location 3388-9

26

Phân Tích Mô Hình Hội Thánh Hấp Dẫn

Quan điểm lịch sử

Tác giả Billy Hornsby đã viết trong sách Hội thánh hấp dẫn: Trưởng thành thông qua việc làm tươi mới và sự nối kết của hội thánh với cộng đồng, “một phong trào phát triển của các hội thánh đang mang đến cho mọi người một trải nghiệm hội thánh mới mẻ. Bởi vì khả năng của hội chúng là hấp dẫn nhiều người đến nơi thờ phượng của họ. Những hội thánh như vậy đã định nghĩa thế nào là sự hấp dẫn.”1 Ý tưởng về hội thánh hấp dẫn đã có trước đây. Michael Hamilton đã viết một bài báo trong tờ Cơ đốc giáo Hôm nay, ông ghi nhận rằng hội chúng đã tìm kiếm phương cách để lôi cuốn người khác đến với họ từ những năm 1920. Tác giả viết:

Các hội thánh (trong thời kỳ đó) đã bắt đầu quan tâm đến những người láng giềng. Họ cần gì? Điều gì làm cho họ có thể đến với hội thánh? Điều này đã dẫn đến việc các lãnh đạo của hội thánh bắt đầu xây dựng những nhà thờ mà trông không giống như nhà thờ. Nhiều nơi nhóm lại thờ phượng giống như những kho chứa hàng. Nhà thờ St. Bartholomew ở New York là một tòa nhà đẹp với một khu vườn trên sân thượng.

Những nhà thờ loại này không giống với hình dáng của các nhà thờ Cơ đốc truyền thống, bởi vì chúng bao hàm một loạt các cơ sở tiện nghi và mục vụ khác nhau. Có phòng tập thể dục, hồ bơi, trạm xá, trung tâm việc làm, phòng cho vay, thư viện, trung tâm giữ trẻ và các phòng chức năng khác. Những người phê bình luôn phàn nàn rằng không gian thờ phượng của họ cần phải thay đổi cho phù hợp. Trong khi đó những tòa nhà này được thiết kế cho các hoạt động liên tục của hội thánh suốt bảy ngày của tuần.

Đây là một trong những khuynh hướng thông thường nhất trong cấu trúc xây dựng nhà thờ.   Các tòa nhà giống như các doanh nghiệp của công ty, và tài sản của nhà thờ có một khuôn viên rõ ràng. Đã qua rồi những nhà thờ trang trí công phu theo kiểu cổ điển với những gờ cao và cửa sổ kính màu. Bài báo sau đây mô tả nhiều thay đổi của các hội thánh lớn được thực hiện trong những năm 1920 nghe có vẻ giống với mô hình các hội thánh hấp dẫn ngày nay:

Họ tổ chức buổi nhóm trong một số ngôn ngữ. Một vài người phân phát các tập Thánh ca cho những người đến nhóm. Các bài hát được giới thiệu trên bảng. Họ dạy tiếng Anh, vệ sinh thường thức, kinh tế gia đình và kỹ năng làm việc. Họ cũng trình chiếu các bộ phim, tổ chức các buổi thuyết trình, tài trợ cho các chương trình hòa nhạc.

Các chương trình mục vụ được định hình cho nhu cầu của những người hàng xóm của họ đã khiến một số hội thánh trở nên khổng lồ. Hội thánh Barthlomomew đã thuê 249 nhân viên được trả lương và có 846 tình nguyện viên phục vụ gần 3 000 thuộc viên chính thức và vô số những người đi nhóm khác không ở trong cùng khu vực. Hội thánh Russell Conwell với 3 000 thuộc viên Baptish ở Philadelphia đã xây dựng Bệnh viện và Trường Đại học. Và Hội thánh  St. George Episcopal ở New York có hơn 6 600 thành viên tham gia vào trong những mục vụ của giáo xứ.3

Bài báo này mô tả các hội thánh lớn trên các tiểu bang tìm kiếm và lôi cuốn hàng ngàn người đang có một nhu cầu nào đó tham dự vào hội thánh. Điều này trở nên quen thuộc với các hội thánh khổng lồ của quốc gia chúng ta ngày hôm nay. Đây là những hội thánh tìm mọi phương cách để đem người mới đến gia nhập vào qua các công tác phục vụ. Một phong trào của hội thánh như vậy là đáng được khen ngợi vì niềm đam mê truyền giáo. Các hội thánh như thế đang tìm nhiều cách để cứu những người hư mất.

Điều này nhắc tôi liên tưởng đến một câu chuyện đã xảy ra khá lâu về một ai đó phản đối cách Moody khuấy động cảm xúc của người khác để đem họ ra khỏi tội lỗi và lửa địa ngục. Khi đối mặt trực tiếp với người phỏng vấn hỏi về phương cách ông sử dụng để kêu gọi người ta đến với Phúc âm, Moody đã nói rằng ông cũng không thích phương pháp của mình, nhưng tò mò muốn biết liệu ông có cách tiếp cận nào khác hay không?

Hội Thánh Willow Creek

Một trong những hội thánh lớn và nổi tiếng được biết đến là Bill Hybels’s Willow Creek xây dựng ở khu ngoại ô Chicago, Illinois. Sau đây là một mô tả về phạm vi, và kích thước của các hội thánh là thành viên của Hiệp hội Willow Creek:

Trong gần 20 năm, Hiệp hội Willow Creek đã phát triển một lịch sử đáng kính trọng về sự xuất sắc và đổi mới trong việc phục vụ các hội thánh địa phương và đào tạo các người lãnh đạo. Vào thời điểm đó, Hiệp hội Willow Creek  đã truyền cảm hứng và đào tạo hơn một triệu lãnh đạo hội thánh, và đã tạo ra hàng chục ngàn hội thánh đại diện cho hơn 90 giáo phái. Với hơn 10.000 thành viên hội thánh tại 35 quốc gia, các lớp huấn luyện người lãnh đạo của Hiệp hội Willow Creek hiện nay được tổ chức tại trên 250 thành phố của 50 quốc gia mỗi năm.4

Chúng ta có thể gọi đây là mô hình hội thánh với sức ảnh hưởng vô cùng mạnh mẽ. Cốt lõi của nhiệm vụ của họ là “một niềm tin sâu sắc rằng Chúa Giê-su đã lên kế hoạch cứu chuộc và khôi phục thế giới này cho Ngài thông qua hội thánh. Chúng ta thực sự tin rằng đây là niềm hy vọng của thế giới.”5 Bằng chứng cho điều này là hội thánh Willow Creek đã đam mê theo đuổi đem nhiều người về với Christ. Mô hình hội thánh hấp dẫn giống như một ống khói lan tỏa hình chữ V. Phần trên đỉnh là sự thờ phượng và phục vụ, và mọi điều còn lại trong mô hình bắt đầu với việc hấp dẫn người khác đến với sự phục vụ đó.

 

Các Buổi Nhóm Thờ Phượng

“Đến Và Xem”

Hay “Đầu Tư và Mời Gọi”

 

 

Các sự phục vụ dành cho khách mời

 

Lớp học Nối Kết

 

 

Các nhóm

 

 

Những người lãnh đạo

 

Kinh nghiệm Cá nhân

Dường như niềm đam mê truyền giáo là động cơ thúc đẩy các hội thánh hấp dẫn. Tôi đã tham dự các kỳ hội thảo tại Willow Creek và biết rằng nơi đó có một cam kết để chinh phục những người chưa tin về cho Đấng Christ. Một giá trị quan trọng khác của một hội thánh hấp dẫn là cam kết của họ về sự hoàn hảo. Họ đảm bảo rằng họ đã sẵn sàng cống hiến hết mình cho “công ty” của mình. Họ nhìn vào mọi khía cạnh mà một khách mời sẽ trải nghiệm khi đến thăm hội thánh để đảm bảo rằng tất cả các khách mời đều hài lòng. Không có gì sai với chiến lược này của hội thánh. Tôi đã học được nhiều điều liên quan đến triết lý mục vụ hấp dẫn từ hội thánh Willow Creek.

Thực ra tôi đã có những trải nghiệm với mô hình hội thánh hấp dẫn trong suốt thời gian tôi làm mục sư tại hội thánh New Life ở Columbus, Ohio. Mục sư Dave Earley và tôi cùng với một đội tốt nghiệp từ Trường Đại học Liberty đã cùng nhau làm việc tại nhà thờ New Life trong khoảng 20 năm. New Life cũng giống như nhiều nhà thờ khác đã trải qua một số chuyển tiếp lớn. Chúng tôi đã đi qua các “cuộc chiến thờ phượng” trong thời gian đầu những năm 1990 và rồi đi theo một kiểu thờ phượng đương đại. Quá trình chuyển đổi lần thứ hai đòi hỏi phải thu hút được những thân hữu đến trong nhà thờ. Sự chuyển đổi thứ ba bao hàm phát triển các mục vụ nhóm nhỏ.

Là một đội hình, chúng tôi cùng trải qua các lần chuyển đổi trên đây và cuối cùng đồng ý rằng chúng tôi cần hướng đến những người hư mất để chinh phục họ cho Đấng Christ thông qua chiến lược “đầu tư và mời gọi.” Có nghĩa là chúng tôi muốn các thành viên trong đội hình phải đầu tư thì giờ cho những người khác bên ngoài hội thánh và mời gọi họ đến với các buổi nhóm. Trong suốt lịch sử của New Life, chúng tôi trở thành một hội thánh “thợ săn tìm kiếm linh hồn.” Cũng giống như hội thánh Willow Creek, chúng tôi tìm nhiều cách khác nhau để đem những linh hồn hư mất về cho Christ trong nỗ lực cải thiện tốt hơn công tác truyền giáo. Khi dự các kỳ hội thảo với Willow Creek, chúng tôi đã đúc kết ra ba chiến lược để hấp dẫn các khách mời tham dự vào hội thánh:   1/ Hấp dẫn khách mời. 2/ Thuyết phục khách mời. 3/ Nối kết.

 

 

 

Các bổ sung

Sau đây là một số điều bổ sung mà chúng ta cần phát triển để trở nên hiệu quả hơn cho công tác thu hút người mới đến với hội thánh:

  1. Chúng ta đảm bảo rằng bãi đậu xe của chúng ta được bảo trì một cách cẩn thận và mới mẻ.
  2. Chúng ta đảm bảo rằng biển báo của chúng ta đã được nhìn thấy và có thể đọc được cho du khách.
  3. Chúng ta đã tuyển dụng những người chào đón để chào đón khách và đưa họ vào tòa nhà.
  4. Chúng ta đảm bảo rằng phòng trẻ của chúng ta là hoàn hảo và các nhân viên tình nguyện giữ trẻ rất thân thiện.
  5. Chúng ta sẵn sàng phục vụ cà-phê và bữa ăn sáng miễn phí.
  6. Chúng ta tổ chức các buổi nhóm thờ phượng phù hợp để làm cho nó thân thiện với những vị khách bị bỏ rơi/không có nhà thờ.
  7. Chúng ta loại bỏ bất kỳ “khoảnh khắc khó xử” nào cho khách trong buổi thờ phượng. Chẳng hạn, chúng ta tế nhị để khách không cảm thấy khó chịu khi họ chưa sẵn sàng đặt bất kỳ khoản tiền nào vào đĩa dâng hiến.
  8. Bảo đảm rằng chúng ta phải giải thích bất kỳ những cụm từ nào trong lĩnh vực của hội thánh làm cho khách bối rối.
  9. Chúng ta động não trên mỗi loạt bài giảng và cố gắng chọn các chủ đề có ý nghĩa và phù hợp với khách.
  10. Chúng ta dành thời gian trong các buổi nhóm để giải thích mọi điều như: các thông báo, các của dâng, báp-tem để bảo đảm rằng những người mới cảm thấy thoải mái để hòa nhập với hội thánh.
  11. Chúng ta huấn luyện các thành viên để mời các bạn hữu của họ đến với các buổi nhóm kế tiếp.
  12. Chúng ta đã thực hiện nguyên tắc “năm bước chân và năm phút.” Đó là, nếu ai đó đứng trong phạm vi năm bước chân của bạn, hãy chắc chắn rằng bạn nói “xin chào” hoặc “chào buổi sáng.” Chúng tôi nhấn mạnh rằng trong năm phút đầu tiên sau buổi nhóm, bạn nên cố gắng đi và nói chuyện với những người bạn không biết trước đây.

Truyền Giảng Phúc Âm Là Mục Tiêu?

Chúng ta cố gắng làm mọi thứ để các khách mời và gia đình của họ đến với hội thánh cảm thấy dễ chịu. Chúng ta muốn họ đến nhà thờ vui hưởng các trải nghiệm quí báu và rồi quay trở lại thường xuyên nghe giảng Phúc âm. Đến một lúc nào đó, các khách mời này nhận thức ra họ cần Đấng Christ – đó là lúc họ sẵn sàng nhận báp-tem để trở nên thuộc viên chính thức của hội thánh. Cần phải có một tiến trình từ chỗ là thân hữu trở nên tín hữu. Thật khó để chỉ trích một mô hình hội thánh mà có một số kết quả truyền giáo ấn tượng. Nhiều hội thánh sẽ được xem là khôn ngoan để chấp nhận hầu hết các đặc điểm (nếu không phải tất cả) của mô hình hội thánh hấp dẫn trên đây.

Đâu Là Vấn đề?

Các yếu tố trên đây không phải là vấn đề của mô hình hội thánh hấp dẫn. Vấn đề thực sự chính là trọng tâm của mô hình hội thánh này không phải là Làm Môn Đồ Đấng Christ. Sự nhấn mạnh của mô hình này là truyền giảng Phúc âm. Tuy nhiên một vấn đề của mô hình này là nó gởi đến thế giới ngoại bang một thông điệp là hội thánh có ở đó để phục vụ “tôi.” Điều này sẽ tạo ra “tâm lý người tiêu dùng.” Thông điệp đầu tiên và thông điệp tiếp theo mà các thân hữu sẽ được nghe là hội thánh quan tâm đến tôi và các nhu cầu của tôi. Các cảm xúc liệt kê tiếp theo đây là tâm lý của số đông thân hữu:

– Tôi không cảm thấy dễ chịu khi nghe các hội thánh khác nói về tiền bạc. Hội thánh này hiểu điều đó và không nói đến nó.

– Tôi không phải là một người hâm mộ của việc giảng dạy Kinh Thánh chuyên sâu (một số điều đó thật khó hiểu). Hội thánh này đã trình bày các thông tin thích hợp cho tôi.

– Tôi thích lắng nghe loại nhạc làm cho tôi cảm thấy thích thú và hưng phấn. Nơi đây đã đáp ứng điều đó.

– Tôi vui hưởng các bài giảng từ hội thánh này. Tôi cũng lắng nghe các bài giảng của hội thánh vào Sáng Chủ nhật được tải lên youtube.

– Tôi thích ẩn danh khi đến nhà thờ, giống như cách tôi đến một rạp chiếu phim, và nhà thờ này không làm cho tôi cảm thấy khó chịu.

– Tôi thích môi trường của văn phòng nơi tôi làm việc và nhà thờ này trông giống như một tổ hợp văn phòng trong công ty của tôi.

– Tôi thoải mái trong thế giới của các doanh nghiệp với cơ cấu lãnh đạo và quản lý, và tổ chức của nhà thờ này có vẻ rất giống với nơi tôi làm việc.

Người tiêu dùng hay các chiến binh của Vương quốc?

Trước tiên phải nói rằng các mô hình tổng thể của hội thánh hấp dẫn được thành lập trên tâm lý người tiêu dùng. Tuy nhiên, tâm lý người tiêu dùng đi ngược lại với đạo đức của việc trở thành môn đồ của Chúa Giê-su Christ. Làm một môn đồ Đấng Christ là phải giúp đỡ cho người khác nhận ra Chúa Giê-su là Vua của hoàn vũ và cũng là Vua trên chiếc ngai lòng của chính mình. Chúng tôi đã trình bày những thông tin này trong chương 2, nhưng tôi sẽ xem xét nó ở đây lần nữa để đối chiếu các khái niệm vương quốc với các khái niệm hội thánh hấp dẫn:

  1. Môn đồ của Chúa Giê-su sẵn sàng hy sinh, hiến dâng chính mình cho Đấng Christ.
  2. Môn đồ của Chúa Giê-su sống trong mối thông công gần gũi với cộng đồng và những môn đồ khác.
  3. Môn đồ của Chúa Giê-su trải qua một quá trình chuyển đổi hoàn toàn các giá trị cốt lõi về thói quen và mục đích sống.

Các bạn có thể thấy, một cách hiểu thông thường về các khái niệm kinh điển này đi ngược lại với quan điểm tổng thể của một hội thánh hấp dẫn. Nếu một hội thánh hấp dẫn vẫn trung thành với giáo huấn của Chúa Giê-su về việc làm môn đệ, thì đến một lúc nào đó, lời đối thoại trong câu chuyện phải chuyển từ “Cái gì trong hội thánh dành cho tôi?” thành “Làm thế nào tôi có thể phục vụ Chúa Giê-su và hội thánh của Ngài?” Đây là một quá trình chuyển đổi khó khăn, và đối với người chỉ biết một mô hình hội thánh hấp dẫn, có thể cảm thấy giống như bị đưa vào bẫy. Người đó có thể cảm thấy như thế này: “Tôi đến với Chúa Giê-su, bởi vì Ngài có thể giúp đỡ tôi nhiều điều trong cuộc sống, và bây giờ tôi hiểu rằng Chúa Giê-su đòi hỏi tôi phải đầu phục Ngài và sẵn sàng chết cho Ngài nếu tôi muốn thừa hưởng Vương quốc – tôi không chắc rằng tôi có thích điều này hay không.”

Bạn có thể thấy sự căng thẳng được tạo ra trong hệ thống này. Chúa Giê-su kêu gọi vâng phục Ngài trọn vẹn, nhưng trong sự phô diễn của mô hình này, chúng ta không giữ theo tiêu chuẩn của Chúa. Nếu một người muốn trở thành môn đồ Đấng Christ, nhưng không sẵn sàng vâng phục Ngài, người đó có được cứu không? Niềm đam mê của chúng ta là thấy mọi người biết đến Chúa Giê-su, chúng ta có vô tình gây ra một căng thẳng khó giải quyết không?

Môn đồ hay Người tham dự?

Mô hình hội thánh hấp dẫn rất hiệu quả đối với công tác truyền giảng Phúc âm, nhưng lại không tốt cho tiến trình môn đồ hóa. Thực tế là theo nghiên cứu, khảo sát về Willow Creek cho thấy một số thành viên không hài lòng sau khi họ tham dự vào mô hình hội thánh này vài năm. Sau đây là tóm tắt một số điểm chính:

  1. Hoạt động của hội thánh có tác động hạn chế đến sự tăng trưởng tâm linh. “Chúng tôi thấy rằng những người hoạt động tích cực nhất trong nhà thờ không nhất thiết phải báo cáo về đời sống tâm linh sâu nhiệm hơn những người có rất ít hoạt động.”7
  2. Nhiều người đã bị đình trệ tâm linh. “tỷ lệ cao nhất của những người nói rằng” Tôi đã bị đình trệ về mặt tâm linh” rơi vào giữa chu kỳ khám phá Chúa Giê-su và lớn lên trong Chúa. Điều này có nghĩa là việc bị đình trệ (không tiến bộ) có nhiều khả năng xảy ra ở giai đoạn đầu của sự phát triển tâm linh.
  3. Có sự không thỏa lòng về vai trò của hội thánh mà các thành viên nhận được trong sự trưởng thành thuộc linh (17%). Hậu quả là có sự tương quan giữa sự không thỏa lòng này và tình trạng bỏ hội thánh ra đi (41%)9

Sự nghiên cứu về Willow Creek cũng cho thấy mặt tích cực của tiến trình trưởng thành thuộc linh và sự thỏa lòng khi các thành viên chuyển dời liên tục từ:

  1. Khám phá Christ
  2. Trưởng thành trong Christ.
  3. Đến gần Christ
  4. Đời sống chọn Đấng Christ làm trung tâm.10

Willow Creek được khen ngợi khi thử mô hình hấp dẫn. Tuy nhiên, sự tiến triển của sự trưởng thành tâm linh và khía cạnh tương ứng của sự thỏa mãn tâm linh là khám phá quan trọng nhất của toàn bộ nghiên cứu. Kết quả cho thấy mức độ hài lòng tăng lên khi một thành viên trưởng thành trong đời sống bước đi theo Chúa Giê-su. Mục tiêu của chúng ta với tư cách là những người đào tạo môn đồ phải giúp đỡ cho một ai đó nhận biết Christ, trưởng thành trong Christ, phát triển cho Christ, và sản sinh những bông trái (các môn đồ khác) cho Ngài. Phúc âm phải được lan rộng trên toàn thế giới, để dâng vinh hiển cho Đức Chúa Trời. Khi các con cái của Chúa đều trưởng thành, tham gia vào sứ mạng truyền giáo thì Chúa được tôn vinh.

Mô hình hội thánh hấp dẫn được khen ngợi vì tính hiệu quả của nó trong công tác truyền bá Phúc âm. Tuy nhiên, lòng nhiệt thành của nó đối với việc truyền giáo có thể phải trả giá cho việc phát triển các môn đồ tham gia vào sứ mệnh. Nếu chúng ta không phát triển được những “tay đánh lưới người”, chúng ta cũng sẽ không phát triển những môn đồ của Chúa Giê-su. Điều này không nhất thiết ngụ ý lãnh đạo kém, nhưng là sự thiếu hụt trong chính hệ thống.Tuy nhiên chúng ta cần nhận thức rằng các nhà lãnh đạo có quyền thay đổi hệ thống. Những người lãnh đạo cần có những thay đổi quan trọng để định hướng lại sự nhấn mạnh đối với việc phát triển các môn đồ là những người sẽ tiếp tiếp tục sản sinh ra các môn đồ.

Câu hỏi suy ngẫm

  1. Mô hình mẫu đầu tiên của hội thánh hấp dẫn là gì?
  2. Mô hình hiện tại của hội thánh hấp dẫn là gì?
  3. Nêu ra vài đặc điểm của hội thánh hấp dẫn?
  4. Sức mạnh của mô hình hội thánh hấp dẫn về tổng thể là gì?
  5. Một số thách thức của hội thánh hấp dẫn?

Các ghi chú

1.Billy Hornsby, The Attractional church

  1. See http://www.chritianitytoday.com

3.Ibid

  1. See http://www.willowcreek.com

5.Ibid

  1. See http://www.revealnow.com
  2. See http://www.revealnow.com
  3. Ibid

9.Ibid

  1. See http://www.revealnow.com

 

27

Giải thích Mô hình Hội thánh hữu cơ

Một tổ chức sinh động?

Khi nghe từ “hữu cơ” thì điều gì xuất hiện trong tâm trí bạn? Trong văn hóa “nông trại” của chúng tôi, từ này có ý nghĩa tươi mới, được thu hoạch tại địa phương, không biến đổi gen và không có thuốc trừ sâu. Tại Hoa Kỳ, một loại thực phẩm có thể được dán nhãn là hữu cơ nếu nó chứa tối thiểu 95% chất hữu cơ. Khi nói đến cộng đồng Cơ đốc giáo, thuật ngữ “hữu cơ” có ý nghĩa đơn giản, tự nhiên, lành mạnh và sinh sản. Đồng thời, thuật ngữ hữu cơ đang được định hình bởi một số nhóm khác nhau liên quan đến việc làm môn đồ.

Việc làm môn đệ cuối cùng được thừa nhận sẽ xảy ra tốt nhất trong bối cảnh của một hội thánh địa phương, và thông thường sẽ tìm thấy biểu hiện của nó trong một của bốn mô hình:

  1. Hội thánh truyền thống (chương 25)
  2. Hội thánh hấp dẫn (chương 26)
  3. Hội thánh hữu cơ (chương 27)
  4. Hội thánh hỗn hợp (chương 28)

Trong chương này chúng ta sẽ khám phá nhiều cách dùng của thuật ngữ “hữu cơ” khi nó liên quan đến các mô hình hội thánh và việc làm môn đồ. Hội thánh hữu cơ cố gắng để giữ mô hình hội thánh đơn giản và căn bản. Về vấn đề này, nó rất giống với cấu trúc hội thánh tế bào. Joel Comiskey nhận xét, “Trong hội thánh tế bào, nhóm tế bào là xương sống, hay trung tâm của các mục vụ hội thánh. Các mục vụ của nhóm tế bào thay thế nhu cầu cho nhiều chương trình truyền thống.”2

So với các mô hình khác, mô hình hội thánh hữu cơ đơn giản hơn nhiều. Về căn bản hội thánh là một bộ sưu tập của các nhóm Cơ đốc nhân bên ngoài cộng đồng. Các thuật ngữ hội thánh tư gia, cộng đồng truyền giáo, và nhóm tế bào được sử dụng hoán đổi cho nhau. Tương tự như một cơ thể con người, hội thánh lớn lên mạnh khỏe khi các tế bào đều mạnh khỏe. Các tế bào khỏe mạnh dẫn đến một cơ thể khỏe mạnh. Các nhóm tế bào hay các hội thánh tư gia hoàn thành tất cả các chức năng của hội thánh. Chúng bao hàm truyền giảng phúc âm, môn đồ hóa các tân tín hữu. Hội thánh hữu cơ cho phép các tân tín hữu khám phá và sử dụng các ân tứ của họ để phục vụ hội thánh địa phương. Các nhu cầu của các thành viên cũng được đáp ứng trong mô hình này. Về cơ bản các mục vụ tiến hành đều dựa trên căn bản Kinh Thánh. Mô hình này cũng phát triển các lãnh đạo tiềm năng cho Đại mạng lệnh. Về bản chất, đội ngũ lãnh đạo phát triển các mục vụ và hội thánh mới để hoàn thành Đại mạng lệnh, và các lời dạy của Chúa Giê-su cùng một lúc. Những gì tiếp theo sau đây là tổng hợp một số khái niệm thành một vài nguyên tắc mà hy vọng sẽ nắm bắt được bản chất của việc làm môn đệ bên trong một nhà thờ hữu cơ. Tuy nhiên, trước khi đi tới đó, tôi sẽ khảo sát một số chìa khóa ủng hộ mô hình hội thánh hữu cơ, với những thông tin ngắn gọn để nghiên cứu thêm.

Neil Cole là người đồng sáng lập của Hội thánh Multiplication Associates và phong trào Greenhouse, ông đã gieo trồng hàng ngàn hội thánh ở năm mươi tiểu bang Hoa Kỳ và bốn mươi quốc gia khác. Ông là tác giả của nhiều quyển sách bao gồm: Hội thánh 3.0, Hội thánh hữu cơ, Lãnh đạo hữu cơ, Tìm và cứu, Vun đắp một cuộc sống cho Chúa, Lẽ thật. Tôi đã gặp và nói chuyện với Cole. Ông là người hết lòng phát triển sức khỏe thuộc linh cho các môn đồ, những người lãnh đạo, các hội thánh và những phong trào tại những nơi ông đã đi qua để gieo trồng hội thánh và hoàn thành sứ mạng Chúa giao.3

Alan Hirsch là giám đốc sáng lập của Mạng lưới đào tạo truyền giáo, và tổ chức một chương trình học tập sáng tạo được gọi là “Khách du lịch tương lai”, giúp cho nhiều hội thánh lớn trở thành những phong trào truyền giáo. Ông là tác giả của các sách: Định Hình cho điều sắp tới, Những đường lối bị lãng quên, ReJesus, Không được chế ngự.4 Tôi đã trò chuyện với Hirsch. Sự đam mê của ông là ao ước nhìn thấy hội thánh tái khám phá chức vụ truyền giáo của mình và trở thành sức mạnh tiềm năng nhất để thay đổi thế giới.

Frank Viola là người tiên phong của hội thánh truyền giáo hữu cơ. Ông đã viết các sách: Từ cõi đời đời đến đây, Cơ đốc giáo ngoại giáo.5 Tôi chưa gặp Frank, nhưng có trao đổi với ông trên email. Tác giả đã viết trong blog của mình, “Tôi có một mục tiêu: Bắt phục hoàn toàn mỗi tín hữu cho Chúa Giê-su Christ, đưa họ vào những lời dạy của Chúa Giê-su và những điều sâu nhiệm hơn về Đức Chúa Trời.”6 Những đóng góp của ông cho các kỳ hội thảo về hội thánh hữu cơ là rất lớn.

Tony và Felicity là những người năng động gieo trồng hội thánh. Họ đã xuất bản Tạp chí House2House và là tác giả của nhiều sách bao gồm: Thỏ và voi, Bắt đầu, Hội thánh đơn giản. Họ cũng là người hướng dẫn gieo trồng các hội thánh tư gia. Mặc dù không liên quan đến thuật ngữ “hữu cơ”, tuy nhiên  cặp vợ chồng này đã có ảnh hưởng trong việc truyền bá các nguyên tắc của mô hình hội thánh hữu cơ. Họ tin rằng Hội thánh trong Tân ước đơn giản ngay từ ban đầu và chúng ta cần quay trở lại với việc làm môn đồ trong bối cảnh của các “hội thánh tư gia.”7 Tôi chưa bao giờ gặp họ, nhưng tôi rất quen thuộc với các hội thánh tư gia, đặc biệt là hội thánh tư gia Xenos được Dennis McCallum và Gary DeLashmutt quản nhiệm từ khi tôi còn ở Columbus, Ohio.8

Đồng ý trong nghị luận

Tất cả các tác giả đã nói ở trên đều đồng ý về các yếu tố cơ bản của mô hình hội thánh hữu cơ. Ví dụ mọi người đều cho rằng một tòa nhà là không cần thiết cho hội thánh, và thực tế là nó thường bất lợi cho mô hình này.

Họ cũng đồng ý rằng không nân tách biệt “giai cấp” giữa mục sư và tín hữu, bởi vì mọi người đều được kêu gọi để tham gia vào sứ mệnh truyền giáo. Tất cả đều đồng ý rằng mỗi chi thể trong thân thể đều phải sử dụng ân tứ của mình theo ý định của Chúa. Họ cũng đồng ý là hội thánh của Chúa Giê-su nên hoạt động không cần giống như một tổ chức nhưng giống như một gia đình. Hội thánh phải đơn giản hóa và phụ thuộc hơn vào sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh xuyên qua các ân tứ của các thành viên trong các nhóm nhỏ và các hội thánh tư gia.

Ngoài ra, tất cả họ đều chia sẻ niềm tin rằng sự thuận tiện, thoải mái và chủ nghĩa tiêu dùng là một tai họa đối với thể chế hội thánh. Tất cả đều bảo đảm rằng hội thánh chứa một DNA cơ bản (nguyên tắc hoạt động) cần được khôi phục, mặc dù họ có quan điểm khác nhau về những gì DNA bao gồm. (Ví dụ: Cole và Hirsch có những quan điểm không hoàn toàn giống nhau)

Tất cả họ đều đồng ý rằng Chúa Giê-su phải là trung tâm của hội thánh và mỗi thành viên phải sống dưới quyền lãnh đạo làm Đầu của Christ. Do đó, cách hội thánh cho phép Ngài làm Đầu nhất thiết sẽ tác động đến cấu trúc của các buổi nhóm họp. Cuối cùng, tất cả đều đồng ý rằng lễ tiệc thánh hiệp thông trong bối cảnh của các tư gia là một sự thực hành quan trọng của hội thánh hữu cơ.

 

Những bất đồng nhỏ

Tuy nhiên có một vài khác biệt liên quan đến các ưu tiên. Ví dụ Neil Cole nhấn mạnh đến sự gia tăng nhân bội môn đồ nhiều hơn Frank Viola.9 Viola cho rằng người lãnh đạo của hội thánh không nên nhận lương. Nhưng Alan Hirsch ủng hộ chức vụ năm mặt trong Ê-phê-sô chương 4 và tin rằng đó là điều cần thiết cho chức năng của hội thánh.10 Cole tin rằng ngoài hội thánh tư gia, cần có một cuộc họp nhỏ hơn mà anh gọi là “Nhóm biến đổi đời sống” liên quan đến việc đọc Kinh Thánh và chịu trách nhiệm về bản thân.

Tony và Felicity Dale nhấn mạnh đến việc nhận khải tượng từ Chúa. Họ tin rằng điều này là yếu tố quan trọng để một người nhận biết Chúa Giê-su là Đầu của hội thánh.12 Lắng nghe tiếng Chúa cách cá nhân cũng là cũng là một yếu tố chính của “hội thánh đơn giản.” Viola cho rằng công việc chính của người lãnh đạo hội thánh là dạy cho hội chúng biết cách làm thế nào để thờ phượng Chúa đúng nghĩa. Ông cũng nhấn mạnh đến những chủ đề của Lai thế học như “Ngàn năm bình an” và “Sự cất lên.”13 Trong khi tất cả đều tin vào tầm quan trọng của việc nhóm họp tại nhà, Hirsch bổ sung yếu tố “cộng đồng”, củng cố sự cần thiết phải thực hiện sứ mạng truyền giáo để có được lợi thế trong công tác xây dựng cộng đồng.14 

 

Nó đến từ đâu?

Bây giờ chúng ta đã có một cái nhìn triết lý tổng quát của mô hình hội thánh hữu cơ. Sẽ là hữu ích để làm rõ một vài vấn đề và lấp vào các thiếu hụt trước khi đưa ra một bài phê bình về mô hình hữu cơ liên quan đến việc làm môn đồ. Làm môn đồ Christ – như chúng ta đã thảo luận xảy ra trong ngữ cảnh tốt nhất là hội thánh địa phương. Mô hình hội thánh hữu cơ dường như trở thành một phản ứng chống lại các hình thức cứng ngắt của các giáo hội khác. Nó có thể giải quyết vấn đề về sự thất bại của các hội thánh phương Tây hiện đại khi đào tạo một người làm môn đệ đúng nghĩa. Nếu như chúng ta không thấy các môn đồ liên quan đến Đại mạng lệnh, và nếu là như vậy thì không có sự phát triển môn đồ. Nói một cách tổng quát, chúng ta không thấy mô hình hội thánh truyền thống và ngay cả hội thánh hấp dẫn sản sinh ra các hội thánh khác. Tại sao điều này không xảy ra? Ed Stetzer đã châm biếm rằng, “nếu hội thánh được thiết kế để tái sản sinh, thì nó phải nằm trong một số biện pháp kiểm soát sinh sản mạnh mẽ, bởi vì nó không tái sinh sản.”16

Tôi đề nghị lý do chính là các môn đồ, được định nghĩa là những người hy sinh tất cả cho Chúa Giê-su đã không được phát triển theo ý muốn của Chúa trong các mô hình hội thánh. Hội thánh hữu cơ đang phản ứng chống lại mô hình hội thánh truyền thồng và hấp dẫn. Vì hai mô hình này đã thất bại đào tạo ra các môn đồ có sự cam kết cho sứ mạng truyền giáo của Đấng Christ. Tuy nhiên, đây không phải là một phản ứng mạnh mẽ. Những ai mà đang nói và viết về chủ đề này vốn đã có nhiệt huyết và kiến thức và vì vậy nên nghiêm túc suy xét.

Những thách thức cho hội thánh hữu cơ

Tuy nhiên mỗi một mô hình về hội thánh đều có thể cải thiện. Tôi đề nghị bốn thách thức cho mô hình hội thánh hữu cơ:

  1. Huấn luyện: Nếu phong trào sản sinh ra các môn đệ và các nhà lãnh đạo từ bên trong, thì liệu sự huấn luyện có đủ để “áp dụng chính xác” Lời Chúa không? Mặc dù một số hội thánh đã phát triển các thành phần đào tạo hiệu quả (ví dụ như hội thánh Xenos ở Columbus, Ohio). Tôi nhìn thấy công tác huấn luyện là một điểm yếu trong mô hình hội thánh hữu cơ. Tôi không tìm kiếm công tác huấn luyện trong các chủng viện.Tuy nhiên thần học căn bản phải được huấn luyện là một mệnh lệnh.
  2. Lãnh đạo/Giám sát. Hầu hết tất cả các tín đồ của hội thánh hữu cơ đều nói về sự lãnh đạo phi tập trung và chống phân cấp trong cách tiếp cận lãnh đạo của họ. Động lực đằng sau điều này là để khuyến khích sự lãnh đạo của Chúa Giê-su đối với hội thánh của Ngài. Tuy nhiên, điều này không nhất thiết có nghĩa là hội thánh không có những người có trách nhiệm đang tìm cách kết nối các thành viên với Đầu. Trong một số tài liệu, điểm này đã được đưa đẩy lên cao với bất kỳ quyền lãnh đạo trung tâm nào được coi là đi ngược với Kinh thánh.
  3. Dạy dỗ. Nếu I Cô-rin-tô 14 được coi là quy tắc và là biểu hiện chuẩn mực của nếp sống hội thánh, thì sẽ có nhiều “chia sẻ” về Kinh thánh, với rất ít giáo huấn chính thức. Đây là một phần mở rộng của nếp sống thân thể dễ đưa đến cực đoan. Trong khi tôi không ủng hộ cách tiếp cận hiện tại “ngồi xuống, im lặng và không làm gì.” đang phổ biến ở nhiều hội thánh truyền thống ngày nay. Điều này có nhiều tác hại dẫn đến mà không có một lời giải thích nào. Chúng ta không đòi hỏi là tất cả mọi người chia sẻ trong các buổi nhóm phải được đào tạo từ chủng viện. Tôi đã gặp nhiều người học tập với Chúa cách cẩn thận trong Lời Ngài mà không trải qua chủng viện nào. Điều quan trọng là thấy được sự phát triển của hội thánh trong công tác môn đồ hóa cũng như sản sinh ra những người lãnh đạo mới cho việc khai sinh hội thánh mới.
  4. Truyền giảng Phúc âm. Truyền giáo dựa vào các mối quan hệ hoạt động trong một xã hội hướng tới người tiêu dùng nơi mà mọi người muốn những gì theo ý muốn cá nhân? Có phải 1 Cô-rin-tô 9:19-23 là một bản mô tả về làm thế nào để điều chỉnh những nỗ lực truyền giáo của chúng ta (để hòa nhập nó với văn hóa hiện tại) hay là mô tả phương cách Phao-lô thực hiện chức vụ sứ đồ? Chúng ta sẽ có thể đào tạo lại một thế hệ môn đệ hướng đến người tiêu dùng trong phương cách truyền giáo diễn ra 24 giờ trong 7 ngày không? Chúng ta sẽ thuyết phục mỗi tín nhân là phải sống đạo bày tỏ Phúc âm ra trong nền văn hóa của mình?

Giữ sự đơn giản

Về tổng thể tôi tin rằng chúng ta cần đơn giản hơn trong các mục vụ. Làm một môn đồ Christ là:

  1. Đặt để Christ là trung tâm – tập trung vào quyền làm Đầu của Ngài.
  2. Đơn giản hơn – ít tập trung vào các tòa nhà.
  3. Các mối quan hệ – tập trung vào tình yêu.
  4. Truyền giáo – tập trung vào mùa gặt.
  5. Sự khỏe mạnh – tập trung vào mỗi cá nhân sử dụng ân tứ của mình.
  6. Trưởng thành – tập trung vào trang bị (sự phát triển)
  7. Tái sản xuất – tập trung vào gieo trồng hội thánh (sự nhân bội)

Các nguyên tắc trên đây được lấy ra từ trong Kinh Thánh và cần được biểu hiện trong một mô hình hội thánh đơn giản, tự nhiên tiếp cận mọi người bằng phúc âm, trao quyền cho họ phát triển, trang bị cho họ phục vụ và sai phái họ nhận lãnh sứ mệnh của Chúa Giê-su. “Mô hình” không quan trọng bằng vâng phục mạng lệnh của Chúa Giê-su Christ. Làm một môn đồ có nghĩa là phải suy nghĩ, hành động giống như Đấng Christ.

Câu hỏi suy ngẫm

1.Ý tưởng căn bản của mô hình hội thánh hữu cơ là gì?

  1. Hội thánh hữu cơ giống với hội thánh tế bào như thế nào?
  2. Một số người ủng hộ và thực hành mô hình hội thánh hữu cơ là ai?
  3. Một vài thách thức của hội thánh hữu cơ là gì?
  4. Những nguyên tắc chính của hội thánh hữu cơ là gì?

Các tham khảo

  1. See http://en.wikipedia.org/wiki
  2. See http://www.joelcomiskeygroup.com
  3. See http://www.cmaresources.org
  4. See http://www.theforgottenways.org
  5. See http://www.frankviola.org/biography
  6. See http://www.frankviola.org/about
  7. See http://www.site.house2house.com
  8. See http://www.xenos.org
  9. See http://www.cmaresourses.org
  10. See http://www.theforgottenways.org
  11. See http://www.cmaresourses.org/article
  12. See chap. 17 of Tony Dale, Felicity Dale, The Rabbit and the Elephant
  13. Frank Viola, Reimagining Church
  14. See http://www.theforgottenways.org/apest
  15. Alan Hirsch and Leonard Sweet, The Forgotten Ways
  16. Ed Stetzer, “Helping Church Planters Do Global Mission”

 

 

 

 

Môn đồ hóa là

28

Khám Phá Mô Hình Hội Thánh Hỗn Hợp

Rod Dempsey

Như tên gọi này đã gợi ý, mô hình Hội Thánh hỗn hợp trộn lẫn các yếu tố của mô hình Hội Thánh truyền thống, Hội Thánh hấp dẫn và Hội Thánh hữu cơ. Thông thường, biểu hiện của Hội Thánh hỗn hợp đó là các nhóm nhỏ được thành lập trong các Hội Thánh truyền thống, hoặc thậm chí trong các Hội Thánh hấp dẫn. Một trong số những khó khăn lớn của mô hình hỗn hợp đó là lãnh đạo Hội Thánh không giảm đi số lượng các mục vụ và chương trình hiện tại. Điều đó khiến mô hình trở nên rất phức tạp. Tôi xin nhận định rằng hầu hết các Hội Thánh đang có nỗ lực chuyển mình sang mô hình các nhóm nhỏ hoặc các nhóm tế bào đều có thể được liệt vào nhóm mô hình Hội Thánh hỗn hợp.

 

Kinh Nghiệm Cá Nhân #1

Tôi rất quen thuộc với mô hình hỗn hợp. Tôi tốt nghiệp Đại Học từ năm 1982 với văn bằng Cử nhân Khoa học về Nghiên Cứu Mục vụ Mục sư tại Đại Học Liberty. Hai năm sau đó tôi tốt nghiệp Cao học về Giáo dục tôn giáo, lần này là tại Chủng viện Thần học Báp-tít Liberty. Trong thời gian học tại trường Đại học và tại Chủng viện, tôi đã gặp Dave Earley. Dave là nhân viên hỗ trợ các sinh viên trong ký túc xá. Theo định kỳ, anh đến phòng ký túc xá của tôi vào các buổi tối và hỏi chúng tôi một câu hỏi cá nhân: “Ngày hôm nay các bạn đã học được gì từ Kinh Thánh?” Điều kỳ lạ là một câu hỏi đơn giản như thế cũng có thể tác động đến đời sống bạn. Lần đầu tiên anh hỏi tôi câu ấy, tôi đã rất bối rối trả lời rằng: “Hôm nay em chưa đọc Kinh Thánh, nên em chưa học được gì từ đó cả.” Ngày hôm sau, Dave ghé ngang và cũng hỏi cùng một câu hỏi. Một lần nữa, tôi trả lời như ngày hôm trước. Vào ngày thứ ba, tôi quyết định sẽ đọc Lời Chúa để không bối rối vì chưa đọc Kinh Thánh. Lúc đó là ba mươi năm về trước, và cho đến hiện tại, mỗi ngày tôi vẫn áp dụng “Lịch đọc Kinh Thánh trong một năm.” Tôi đã giới thiệu phương pháp đơn giản này cho hàng ngàn người và tôi cũng muốn giới thiệu phương pháp này cho bạn.

Từ nền tảng đào tạo môn đồ này, Dave bắt đầu gặp gỡ một số bạn trẻ trong ký túc xá. Chúng tôi thảo luận những công tác mà chúng tôi sẽ thực hiện sau khi tốt nghiệp. Trọng tâm của trường Liberty lúc bấy giờ đó là phải tốt nghiệp, ra đi và lập Hội Thánh mới, sau đó phải “giành được một thành phố cho Đấng Christ.” Mở mang Hội Thánh chắc chắn là việc “tất yếu” phải thực hiện. Tuy nhiên, mô hình được nghĩ đến, đó là vợ chồng sau khi tốt nghiệp sẽ ra đi và thiết lập Hội Thánh “một cách đơn độc,” có nghĩa là không có sự tham gia của một tập thể. Nhưng khi chúng tôi cùng học Kinh Thánh với nhau, chúng tôi bị thuyết phục rằng cách tốt nhất và phù hợp với Kinh Thánh nhất đó chính là một tập thể cùng nhau thiết lập Hội Thánh. Chính vì thế, nhóm chúng tôi bắt đầu bàn bạc về việc thành lập một Hội Thánh tại Columbus, tiểu bang Ohio. Bốn người bạn trẻ cùng những người vợ mới cưới của họ và một anh bạn độc thân đã đồng ý cùng nhau thành lập một Hội Thánh mới.

Một trong số những phân đoạn Kinh Thánh mà chúng tôi đã đồng ý với nhau cho kế hoạch mục vụ đó chính là Ê-phê-sô 4:11-16. Chúng tôi bị thuyết phục rằng công việc của mục sư đó là “trang bị” cho các thánh đồ về công việc của chức dịch. Chúng tôi cũng tin vào năng quyền của các nhóm nhỏ. Dave là mục sư cho ký túc xá của trường Liberty và chịu trách nhiệm phát triển hệ thống các nhóm nhỏ mà đến nay Liberty vẫn đang duy trì. Chúng tôi dùng Ê-phê-sô 4 và mô hình nhóm nhỏ làm bảng gen di truyền DNA cho nhóm của mình.

Sự bắt đầu khiêm tốn

Với tầm nhìn này, đội chúng tôi đã rời trường Liberty và thành lập Hội Thánh Báp-tít Cộng Đồng Sự Sống Mới (New Life Community Baptist Church) vào mùa hè năm 1985. Chúng tôi hiểu mô hình nhóm nhỏ và ích lợi của việc kết nối các tín hữu để đạt được mục đích “yêu thương lẫn nhau.” Chúng tôi đã lập Hội Thánh vào mùa hè năm đó và nhóm lại tại một trường trung học trong cộng đồng. Chúng tôi nhóm lại tại một trường trung học ngày Chủ Nhật đồng thời trong tuần các nhóm nhỏ hoạt động rải rác ở các khu ngoại ô.

Chúng tôi hoạt động một vài năm, nhưng khi Hội Thánh phát triển, chúng tôi gặp khó khăn với công tác phát triển môn đồ bởi vì các nhóm thường có quá nhiều các em thiếu nhi. Chúng tôi đã phát triển các lớp Trường Chúa Nhật cho thiếu nhi và người lớn tại trường trung học vào sáng Chủ Nhật. Cuối cùng, chúng tôi đã xây một ngôi nhà thờ mới và có thể tập hợp tất cả các nhóm nhỏ lại với nhau trong ngôi nhà thờ ấy (mà không cần phải chia nhỏ và phân lịch nhóm lại vào mỗi tuần).

Đây là khuôn mẫu điển hình trong việc mở mang Hội Thánh vào thời đó: nhóm lại trong một ngôi trường một thời gian ngắn, phát triển số lượng tín hữu, xây dựng nhà thờ, phát triển Hội Thánh, xây một nhà thờ mới, tiếp tục phát triển Hội Thánh và cứ thế xoay vòng. Chúng tôi đã đi theo khuôn mẫu này trong vòng mười năm, số lượng tín hữu tăng hơn 1.000 người. Lúc đó chúng tôi đã xây một nhà thờ khác đủ chỗ cho 1.000 người. Chúng tôi có nhiều lớp học dành cho tín hữu ở lứa tuổi trưởng thành và tổ chức hai lễ nhóm thờ phượng trong cùng một lúc. Tổng sức chứa cho buổi nhóm phượng lên đến khoảng 2.000 người.

Song khả năng đáp ứng cho việc đào tạo / hoạt động nhóm nhỏ dành cho tín hữu ở lứa tuổi trưởng thành lại thấp hơn con số đó rất nhiều, và chúng tôi cần nhiều không gian hơn cho mục vụ thiếu nhi và sinh viên. Tuy nhiên chúng tôi cũng không thể mượn thêm tiền để xây dựng cơ sở bởi vì chúng tôi đã vay nợ 2 triệu đô-la. Chúng tôi đối diện với khó khăn trong việc đào tạo môn đồ. Chúng tôi không có đủ phòng óc cho tín hữu ở lứa tuổi trưởng thành tiếp tục nhóm họp trong nhà thờ. Sau nhiều cuộc họp, chúng tôi đã quyết định rằng lựa chọn tốt nhất đó chính là đưa các nhóm nhỏ tín hữu ở lứa tuổi trưởng thành ra khỏi khuôn viên nhà thờ để họ nhóm lại tại nhà. Quyết định này sẽ giúp cho mục vụ thiếu nhi và sinh viên tiếp tục phát triển. Thêm vào đó, việc dạy dỗ tín hữu ở lứa tuổi trưởng thành được sắp xếp không trùng vào buổi sáng Chủ Nhật đã giúp chúng tôi có thể tập trung vào buổi nhóm thờ phượng hơn.

Phát triển các nhóm nhỏ

Chúng tôi quyết định khám phá mô hình các nhóm nhỏ dành cho các tín hữu ở lứa tuổi trưởng thành. Dave và tôi quyết định rằng tôi sẽ là người chịu trách nhiệm chính trong việc phát triển các nhóm nhỏ trong Hội Thánh. Tôi bắt đầu đi khắp cả nước để học hỏi từ các mục vụ thành công với nhóm nhỏ. Tôi đã khám phá rất nhiều nguyên tắc giúp chúng tôi khiến cho các nhóm nhỏ trở nên tâm điểm trong cấu trúc của Hội Thánh.

Tôi đã đi đến Houston, Texas, để tham dự một hội nghị về các nhóm nhỏ do Ralph Neighbour tổ chức. Ralph là người đi tiên phong trong chiến lược nhóm tế bào. Tôi cũng đi đến Tucson, Arizona, để tham dự một hội thảo do Joel Comiskey hướng dẫn. Joel đã nghiên cứu một cách rộng rãi về mô hình Hội Thánh tế bào và là một tiếng nói đầy năng quyền trong việc phát triển môn đồ trong một “Hội Thánh tế bào.” Ông đã viết trên mười quyển sách chuyên về đề tài này và luôn là một nguồn tài nguyên cho công tác đào tạo môn đồ trong nhiều năm.

Ngoài ra, Dave và tôi đã đi đến Baton Rouge, Lousiana, để tham dự một hội nghị do Larry Stockstill tổ chức. Larry đã viết quyển sách Hội Thánh Tế Bào (The Cell Church). Hội Thánh của ông vào thời điểm đó có hơn sáu trăm nhóm tế bào và vẫn tiếp tục gia tăng như một ngọn lửa dữ dội. Cũng trong khoảng thời gian đó, tôi đã mời Dale Galloway đến với Hội Thánh của chúng tôi để huấn luyện cho các lãnh đạo nhóm nhỏ cách mà ông đã chuyển tiếp Hội Thánh của ông theo mô hình nhóm nhỏ, đó là Hội Thánh Cộng Đồng Hy Vọng Mới tại Portland, Oregon. Nhờ những kiến thức thực tiễn, Dale đã giúp tôi thấy được cách một Hội Thánh có thể chuyển mình từ mô hình Trường Chúa Nhật truyền thống sang mô hình nhóm nhỏ. Sự chuyển biến này đang được diễn ra.

Quyết tâm hành động

Năm đầu tiên trong thời kỳ chuyển mình, chúng tôi đã huấn luyện và phát triển 7 nhóm nhỏ. Năm tiếp theo chúng tôi có được 25 nhóm. Năm thứ ba chúng tôi có hơn 50 nhóm nhỏ, và năm thứ tư được gần 80. Vào năm thứ năm, chúng tôi có hơn 125 nhóm nhỏ cùng với một hệ thống huấn luyện gồm mười bảy nhân sự đào tạo. Trước khi chúng tôi thực hiện bước chuyển tiếp này, chúng tôi chỉ có 8 lớp học Trường Chúa Nhật dành cho lứa tuổi trưởng thành kèm với một nhóm ít ỏi các giáo viên. Sau bước chuyển tiếp, chúng tôi đã có hơn 125 nhóm nhỏ cùng với các trưởng nhóm, những người tập sự, những chủ nhà tiếp đón các nhóm nhỏ và các nhân sự huấn luyện, tổng cộng gần 400 lãnh đạo tham gia vào công tác đào tạo môn đồ.

Cũng trong thời gian này, số lượng người tham dự lễ tăng gấp đôi. Trong năm năm, số lượng tham dự lễ sáng Chủ Nhật tăng từ 1.000 lên 2.000 người. Chúng tôi đã chuyển tiếp thành công từ một Hội Thánh “có” những nhóm nhỏ sang mô hình Hội Thánh “của” những nhóm nhỏ và đã tiến rất gần mô hình Hội Thánh “là” những nhóm nhỏ (xem chương tiếp theo). Chúng tôi không thể trở thành một Hội Thánh “là” những nhóm nhỏ bởi vì chúng tôi không thể thay đổi phương thức truyền giáo chính hoặc không thể thay đổi tính phức tạp trong mô hình của chúng tôi.

Mô hình hỗn hợp ngay từ đầu

Chúng tôi đã trở thành mô hình hỗn hợp. Chúng tôi đã tận dụng những ưu điểm tốt nhất của mô hình Hội Thánh hữu cơ, đồng thời giữ lại nhiều yếu tố của cả mô hình Hội Thánh truyền thống lẫn mô hình Hội Thánh thu hút. Phương cách chúng tôi truyền giáo đó là “đầu tư và mời gọi,” và mặc dù chúng tôi đã giảm đi sự phức tạp trong tổ chức và điều chỉnh nhân sự, chúng tôi vẫn giữ lại cấu trúc của một Hội Thánh truyền thống. Trong quyển sách Hội Thánh hỗn hợp: sự hợp nhất giữa tính thân mật và sự tác động (Hybrid Church: The Fusion of Intimacy and Impact), Dave Browning mô tả mô hình này như sau: “Trong thế giới đầy triển vọng của Hội Thánh hỗn hợp, một cuộc thử nghiệm chưa từng có đã xảy ra cho sự hòa lẫn giữa tính thân mật và sự tác động. Một sức mạnh thấy rõ đang đưa các Hội Thánh lớn trở nên những Hội Thánh nhỏ, và ngược lại. Các Hội Thánh lớn đang khám phá nhiều phương cách để chia nhỏ nhằm nâng cao đời sống cộng đồng.”1

Sau đây là những đặc tính quan trọng của mô hình Hội Thánh hỗn hợp đúng với chúng tôi (xem chương 24):

  1. Chúng tôi tiếp tục tập trung tại cơ sở nhà thờ.
  2. Mô hình của chúng tôi cực kỳ phức tạp.
  3. Chiến lược truyền giáo là “hãy đến xem” hoặc “đầu tư và mời gọi.”
  4. Đào tạo môn đồ chiếm vị trí quan trọng, nhưng những vấn đề khác cũng quan trọng không kém.
  5. Chúng tôi giữ lại nhiều chương trình của thời gian trước khi chuyển đổi mô hình.
  6. Các ân tứ thuộc linh được nhắc đến, nhưng trong bối cảnh thực hiện các chương trình.
  7. Các đề tài bài giảng tập trung vào cả người tin Chúa lẫn những người đang tìm hiểu niềm tin.
  8. Ngân sách và các khoản chi phí dành cho mục vụ được dàn trải đều cho tất cả các lĩnh vực.
  9. Sự thờ phượng chủ yếu là vào sáng Chủ Nhật.
  10. Phát triển lãnh đạo nhằm phục vụ cho (các chương trình) sáng Chủ Nhật lẫn cho công tác đào tạo môn đồ.
  11. Mục sư quản nhiệm tham gia vào mọi lĩnh vực và không sâu sát do tính chất phức tạp của mô hình.
  12. Các thánh đồ tham gia vào hoạt động của Hội Thánh, nhưng không trực tiếp thực hiện Đại Mạng Lệnh, và họ không sử dụng các ân tứ của họ một cách có chiến lược theo như ý định của Chúa.
  13. Chúng tôi có những buổi huấn luyện phục vụ cho công tác thực hiện Đại Mạng Lệnh lẫn các chương trình vào sáng Chủ Nhật.
  14. Mở mang Hội Thánh là một mục tiêu, và các Hội Thánh mới được mở ra từ trong thân thể Chúa. Đây là nhờ hệ thống nhóm nhỏ đã sản sinh ra nhiều lãnh đạo thực hiện Đại Mạng Lệnh.

Tóm lại, chúng tôi đã chuyển mình từ một Hội Thánh khá truyền thống với nếp suy nghĩ tăng trưởng theo cấp số cộng để trở thành một Hội Thánh với nếp suy nghĩ tăng trưởng nhân cấp. Trong những năm sau cuộc chuyển mình, Hội Thánh Sự Sống Mới đã mở được bảy Hội Thánh khác cùng với các nhóm lãnh đạo tại cộng đồng địa phương. Đây là một lời chứng cho thấy rằng đào tạo môn đồ và phát triển lãnh đạo sẽ tạo ra những công tác mới và những Hội Thánh mới cho Chúa. Điều mà chúng tôi không thể làm được một cách hiệu quả đó là giảm tính phức tạp của chính mô hình này. Có nhiều nguyên tắc hữu cơ trộn lẫn với những cách tiếp cận truyền thống (tập trung tại cơ sở nhà thờ, cấu trúc tổ chức tập thể, chiến lược truyền giáo “hãy đến xem”, tập trung vào chương trình, ngân sách chia đều cho tất cả các lĩnh vực, các ân tứ không được tận dụng triệt để, và có huấn luyện nhưng không tập trung vào sứ mệnh).

Kinh Nghiệm Cá Nhân #2

Kinh nghiệm thứ hai của tôi trong việc chuyển đổi một Hội Thánh sang mô hình hỗn hợp đó là khi Chúa kêu gọi tôi giảng dạy tại Chủng viện Thần học Báp-tít Liberty. Vào thời gian này, một trong những cố vấn trọn đời của tôi, Ts. Elmer Towns, khích lệ Jerry Falwell mời tôi về để giúp Hội Thánh Báp-tít Thomas Road chuyển đổi thành một “Hội Thánh Theo Đúng Mục Đích.”2 Ts. Falwell và tôi đã thảo luận những khả năng trong kế hoạch chuyển đổi Hội Thánh lâu đời này trở nên một Hội Thánh “của” những nhóm nhỏ.

Khi tôi được mời về Hội Thánh Thomas Road, tôi đã thực hiện đánh giá các lớp Trường Chủ Nhật dành cho tín hữu ở lứa tuổi trưởng thành. Chúng tôi có 19 lớp. Mặc dù một số lớp có số học viên rất lớn cùng những giáo viên tuyệt vời, tuy nhiên chúng tôi không có đủ người tham gia vào Đại Mạng Lệnh. Mặc dầu vậy, chúng tôi quyết định chờ đợi chưa triển khai triết lý nhóm nhỏ cho đến khi chúng tôi chuyển sang một địa điểm mới trong thành phố. Trong thời gian đó, tôi tập trung phát triển những mối quan hệ quan trọng và tư tưởng môn đồ hóa.

Cho đến khi chúng tôi đã dời đến địa điểm mới, gần như ngay lập tức chúng tôi bắt đầu những nhóm nhỏ mới. Chúng tôi phát triển những nhóm nhỏ vào sáng Chủ Nhật, những nhóm nhỏ Tự Do vào tối Thứ Hai, các nhóm phụ nữ vào sáng Thứ Ba và tối Thứ Ba, các nhóm truyền giáo vào tối Thứ Tư, và các nhóm vào sáng Thứ Năm cho các bà mẹ có con chưa đến tuổi đi học. Chúng tôi cũng phát triển các nhóm nhỏ vào thứ Sáu cho nam giới. Chỉ trong vòng một vài năm, chúng tôi đi từ 19 nhóm nhỏ của các tín hữu ở lứa tuổi trưởng thành để rồi tăng trưởng lên gần 300 nhóm nhỏ gặp mặt lại tại cơ sở của Hội Thánh xuyên suốt tuần lễ.

Khi chúng tôi không còn phòng trống cho các nhóm nhỏ vào sáng Chủ Nhật, Mục sư Janathan Falwell (giờ đây là Mục sư quản nhiệm thay cho Mục sư Jerry Falwell đã trở về quê nhà) đã chuyển đổi trọng tâm của chúng tôi từ việc các nhóm chỉ gặp mặt tại cơ sở của Hội Thánh sang việc các nhóm gặp nhau tại cộng đồng địa phương. Kết quả là chúng tôi đã phát triển thêm 125 nhóm mới. Trong chỉ năm năm, chúng tôi đi từ 19 lớp học Trường Chúa Nhật dành cho người trưởng thành đến hơn 400 nhóm nhỏ nhóm lại ở cả nhà thờ lẫn tại cộng đồng địa phương.

Cũng trong thời gian đó, chúng tôi chứng kiến công tác truyền giáo phát triển đầy ấn tượng. Trong vòng ba mươi tháng, chúng tôi đã làm phép báp-têm cho hơn 3.000 người và vẫn tiếp tục làm phép báp-têm cho 5 đến 6 người mỗi tuần. Sự biến chuyển đã được thực hiện bởi vì chúng tôi hăng hái trong công tác truyền giáo và môn đồ hóa. Đem phúc âm đến với người khác thôi vẫn chưa đủ. Chúng tôi được kêu gọi để đào tạo môn đồ.

Hội Thánh Thomas Road đã chuyển mình từ một Hội Thánh khá truyền thống một vài năm về trước sang một Hội Thánh siêu lớn sống với sứ mệnh. Đây vẫn là một Hội Thánh hỗn hợp bởi họ giữ lại các yếu tố của các mô hình khác nhau. Chúng tôi vẫn có quan niệm xoay quanh một ngôi nhà thờ, nhưng chúng tôi trang bị và truyền năng lực cho các tín hữu để họ đi vào cánh đồng và truyền giáo. Chúng tôi vẫn có rất nhiều chương trình và mục vụ, nhưng chúng tôi đang phát triển các Hội Thánh vệ tinh để đem phúc âm đến với nhiều người. Mô hình tổ chức Hội Thánh vẫn rất phức tạp, nhưng chúng tôi tập trung vào Đại Mạng Lệnh. Chúng tôi là một Hội Thánh hỗn hợp với những yếu tố thuộc mô hình truyền thống, thu hút và hữu cơ.

Những Bài Học

Khi nhìn lại kinh nghiệm tại Hội Thánh Sự Sống Mới và Hội Thánh Thomas Road, tôi nhớ đến lời hứa trong Đại Mạng Lệnh. Bạn có nhớ lời hứa trong Đại Mạng Lệnh không? Đức Chúa Giê-xu phán, và tôi xin tóm lại như sau: “nếu các ngươi đi và đào tạo môn đồ (giảng dạy phúc âm, làm phép báp-têm cho họ, và dạy họ giữ tất cả mọi điều mà Ta đã truyền cho các ngươi)… thì Ta sẽ ở cùng các ngươi!” Nếu bạn và tôi quyết tâm vâng theo mạng lệnh của Chúa và đào tạo môn đồ, thì Ngài hứa sẽ ở cùng chúng ta. Tôi xin xác nhận lời hứa ấy là có thật. Xin hãy tin tôi về điều này, tôi sẽ không làm được gì nếu Chúa không cho phép và ban năng quyền cho tôi. Những bài học rút ra từ cả hai kinh nghiệm trên chính là sự biến chuyển xảy ra từ một khao khát đơn giản là làm theo mạng lệnh của Chúa và tiếp theo sau là ơn phước của Chúa ban. Chúng tôi đã thay đổi rất nhiều điều tại Hội Thánh Thomas Road, tất cả nhằm nỗ lực chiến thắng người lạc mất cho Đấng Christ, giúp họ tăng trưởng trong Christ và sai phái họ ra đi vì Đấng Christ. Chúng ta đang trong tiến trình phát triển con người cho Chúa và vương quốc của Ngài.

 

Điều Tốt Có Phải Là Kẻ Thù Của Điều Tốt Nhất?

Mô hình Hội Thánh hỗn hợp tiếp nhận những yếu tố tốt nhất từ các mô hình khác. Tuy nhiên, mô hình này thường tạo ra sự phức tạp. Tính phức tạp này gây cho các tín hữu cảm thấy bối rối và cảm giác không chắc chắn về vai trò của họ trong mục vụ. Các nhân sự cũng gặp xung đột. Trong khi họ đảm nhận nhiệm vụ trong các mục vụ và chương trình của Hội Thánh, họ cũng được khích lệ tham gia vào nhóm nhỏ và phát triển môn đồ. Môn đồ hóa trong môi trường này là một thử thách bởi vì có quá nhiều sự lựa chọn.

Một khó khăn khác đó là không nhân cấp Hội Thánh mới. Hầu hết các Hội Thánh hỗn hợp đều đang mở mang những Hội Thánh vệ tinh, nhưng họ không nhân cấp lãnh đạo. Ed Stetzer và Warren Bird đã bình luận về thách thức này như sau: “Có phải ngụ ý dành cho các Hội Thánh đó là chúng ta cần một phương cách truyền giáo nhấn mạnh đến nhân cấp Hội Thánh thay vì phương pháp tăng trưởng cấp số cộng hay không? Như bạn của chúng tôi, Ralph Moore thường nói: ‘Đã đến lúc thôi đếm những người tin đạo để bắt đầu đếm những Hội Thánh được thành lập.’”3 Mô hình tăng trưởng cấp số cộng sẽ không bao giờ bắt kịp đà tăng trưởng của dân số.

Mô hình Hội Thánh hỗn hợp phổ biến cho các Hội Thánh chuyển mình từ mô hình Hội Thánh truyền thống sang một Hội Thánh tập trung môn đồ hóa thông qua nhóm nhỏ. Cần tán dương sự chuyển tiếp từ mô hình truyền thống sang mô hình hỗn hợp. Tuy nhiên tôi không khuyến nghị mô hình hỗn hợp cho những người mở mang Hội Thánh, những người muốn môn đồ hóa trong một môi trường đơn giản, giàu mối liên hệ, là hiện thân của thân thể Đấng Christ và sống theo sứ mệnh.

Kết Luận Về Các Mô Hình

Chúng ta được kêu gọi để đào tạo môn đồ, chính vì vậy mà mô hình và cấu trúc mà chúng ta chọn cần phải dựa trên các nguyên tắc Kinh Thánh. Điều Răn Lớn Nhất, Điều Răn Mới, Đại Mạng Lệnh, sách Công vụ các sứ đồ, Ê-phê-sô 4:11-16, I Cô-rinh-tô 12, và Rô-ma 12 là một số phần Kinh Thánh hướng dẫn chúng ta phát triển môn đồ của Đức Chúa Giê-xu Christ. Rất nhiều Hội Thánh đang trên tiến trình chuyển mình từ mô hình này sang mô hình khác với những thay đổi ít ỏi khiến họ ngày một đi xuống. Tuy nhiên, phép thử một mô hình có thành công hay không cần phải phản ánh sự tăng trưởng của môn đồ, những lãnh đạo mới và những Hội Thánh mới được thành lập cho vương quốc và cho sự vinh hiển của Đức Chúa Trời!

 

Câu hỏi suy ngẫm

  1. Hãy mô tả ngắn gọn mô hình Hội Thánh hỗn hợp?
  2. Hãy nêu một số ưu khuyết điểm của mô hình Hội Thánh hỗn hợp?
  3. Kinh nghiệm cá nhân số một là gì?
  4. Kinh nghiệm cá nhân số hai là gì?
  5. Mô hình Hội Thánh hỗn hợp giao thoa với các mô hình khác như thế nào?

 

Chú thích

  1. Dave Browning, Hybrid Church: The Fusion of Intimacy and Impact (Hoboken, NJ: John Wiley and Sons, 2010), 72.
  2. Rick Warren, The Purpose Driven Church (Grand Rapid, MI: Zondervan, 1995).
  3. Ed Stetzer and Warren Bird, Viral churches: Helping Church Planters Become Movement Makers (Hoboken, NJ: John Wiley and Sons, 2010), 43.

Môn đồ hóa là

29

Khám Phá Những Hệ Thống Đem Lại Hiệu Quả

Rod Dempsey

 

Chúa Đã Phán Gì?

Trong phần cuối của quyển sách này, chúng ta đã khám phá bối cảnh thích hợp cho công tác môn đồ hóa. Cụ thể, chúng ta đã luận về tầm quan trọng của thân thể Đấng Christ (chương 19), vai trò của lãnh đạo thuộc linh (chương 20), các dấu hiệu của một Hội Thánh khỏe mạnh (chương 22), và chú trọng công tác môn đồ hóa (chương 23). Cuối cùng, chúng ta đã tìm hiểu và phê bình bốn mô hình Hội Thánh phổ biến, nêu ra những ưu khuyết điểm của từng mô hình. Trong chương này, chúng ta sẽ rút ra những kết luận cuối cùng về bối cảnh tốt nhất cho công tác môn đồ hóa. Về bản chất, chương này sẽ rút ra kết luận về bản chất và mục đích của Hội Thánh. Trong Đại Mạng Lệnh, mệnh lệnh “môn đồ hóa” được nêu lên một cách rõ ràng. Từ những hướng dẫn cuối cùng của Đức Chúa Giê-xu dành cho các môn đồ của Ngài, chúng ta có được một số gợi ý về phương thức môn đồ hóa mà không cần nhắc đến các mô hình Hội Thánh:

  • Chúng ta cần ra đi (Ma-thi-ơ 29:19; Mác 16:15; Giăng 20:21).
  • Chúng ta cần đi đến mọi quốc gia (Ma-thi-ơ 28:19; Mác 16:15; Lu-ca 24:47; Công vụ 1:8).
  • Chúng ta cần giảng phúc âm (bao gồm sự ăn năn; rằng Đức Chúa Giê-xu là Chúa) (Rô-ma 10:9-10; Mác 16:15; Lu-ca 24:46).
  • Chúng ta phải chết đi bản ngã và trở nên những chứng nhân (những người tử đạo) cho Đấng Christ (Mác 16:15; Lu-ca 24:48; Công vụ 1:8).
  • Chúng ta cần phải ra đi và đào tạo môn đồ (Ma-thi-ơ 28:19), bao gồm việc:
    • Làm phép báp-têm (Ma-thi-ơ 28:19; Mác 16:16)
    • Và dạy họ giữ (vâng theo) mọi điều Đấng Christ đã truyền (Ma-thi-ơ 28:20).
  • Chúng ta phải chờ đợi Đức Thánh Linh được hứa ban cho chúng ta để Ngài đồng đi với chúng ta (Lu-ca 24:49; Công vụ 1:4)

 

Do môi trường hay do cách giáo dục

Vậy thì đâu là phương pháp và bối cảnh hiệu quả nhất cho công tác môn đồ hóa? Câu trả lời đã bị che giấu suốt nhiều thế kỷ. Song đây là điều vô cùng quan trọng bởi câu trả lời sẽ định hình phương cách chúng ta thực hiện công tác môn đồ hóa. Hầu hết mọi phương pháp đều thống nhất rằng nơi tốt nhất cho công tác môn đồ hóa đó chính là nhóm nhỏ. Có hàng tá sách nói về đề tài này, kể cả Kinh Thánh. Chẳng hạn như Đại Mạng Lệnh (dạy họ giữ mọi lời dạy), bài học rút ra từ lời dạy trở nên thành viên trong một thân (ngụ ý về mối liên hệ gắn bó), từ “lẫn nhau” (hơn ba mươi lăm mệnh lệnh để chúng ta thực hiện Điều Răn Mới), và lời dạy chúng ta là những anh chị em trong một gia đình, tất cả đã chứng minh phương cách tốt nhất để môn đồ hóa đó chính là thông qua một môi trường giàu tính liên hệ. Cơ Đốc Giáo cần được hiểu rõ hơn là được dạy dỗ, và để phát triển trong tiến trình môn đồ hóa, chúng ta cần những tấm gương của những người noi theo tấm gương của Phao-lô: “Hãy bắt chước tôi, cũng như chính mình tôi bắt chước Đấng Christ vậy” (I Cô-rinh-tô 11:1).

 

Trở về với tương lai

Trong quyển sách Hội Thánh 3.03 (Church 3.0), Neil Cole đã luận rằng về mặt lịch sử, Hội Thánh vận hành dựa trên 3 mô hình tổ chức. Mô hình tổ chức đầu tiên đó là mô hình hữu cơ và hoạt động dựa trên phong trào của các tín hữu. Cơ cấu tổ chức thứ hai bác bỏ mô hình đầu tiên và chuyển đổi sang mô hình giáo phẩm lãnh đạo. Mô hình hoạt động thứ ba quay trở về với mô hình gia đình/thân thể mà tại đó mỗi một thành viên đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe của cả Hội Thánh.

Chúng ta có thể tìm thấy ba hệ thống tổ chức mà tác giả Cole đặt tên 1.0, 2.0 và 3.0 trong suốt dòng lịch sử Hội Thánh. Từ khi Hội Thánh được thành lập tại Giê-ru-sa-lem, đến An-ti-ốt, Ga-la-ti, Ê-phê-sô và cho đến thời Constantine, chúng ta có thể tìm thấy các yếu tố của Hội Thánh 1.0, Hội Thánh 2.0 kéo dài từ thời đại Constantine đến ngày hôm nay. Hội Thánh 2.0 có thể mang nhiều đặc điểm khác nhau, tuy nhiên hầu hết các Hội Thánh thuộc nhóm này thường có sự phân tách rạch ròi giữa giáo phẩm “chuyên môn” và tín hữu “bình thường”. Song mô hình tổ chức này đã đi xa khỏi những điều mà Hội Thánh đầu tiên tin cậy và thực hành, đồng thời thường không xây dựng được một môi trường môn đồ hóa hiệu quả. Tuy vậy, Hội Thánh đã tiếp tục mô hình giáo phẩm lãnh đạo này trong suốt gần 1.700 năm.

Cole và những người khác2 tin rằng Hội Thánh đang tiến gần đến một phong trào mới, đó là giai đoạn thứ ba mà ông gọi là Hội Thánh 3.0. Có những điều khác biệt rõ rệt giữa Hội Thánh 2.0 và Hội Thánh 3.0 tạo nên một sự thay đổi to lớn trong mô hình tổ chức. Bảng dưới đây minh họa một số điểm tương phản của hai mô hình này:3

Mô hình: Hội Thánh 2.0 Hội Thánh 3.0
Cách bày trí chỗ ngồi Theo hàng Vòng tròn
Môi trường Không quen biết Gắn bó mật thiết
Nguồn lãnh đạo Học viện đào tạo chuyên sâu Cánh đồng mùa gặt
Tăng trưởng Cấp số cộng Cấp số nhân
Kết quả Khán giả được thu hút Đội quân thuộc linh được huy động
Người thi hành mục vụ Những người được thụ phong Những tín hữu bình thường
Nguồn lực Được tiếp thêm vào mùa gặt Được khám phá trong mùa gặt
Vai trò lãnh đạo chủ chốt Người chăn bầy giảng đạo Đội ngũ sứ đồ, tiên tri, thầy giảng Tin Lành, mục sư, giáo sư
Học tập Giáo dục trong lớp học Giáo dục dựa trên thực tiễn
Chi phí Cao Thấp
Bối cảnh mục vụ Nơi nhóm lại Thương trường
Thành công Lấp đầy chỗ trống trong nhà thờ Tất cả mọi người đều được sai đi
Tư thế của Hội Thánh Thụ động: “Hãy đến!” Chủ động: “chúng ta đều ra đi”
Điều thu hút Những chương trình đáp ứng nhu cầu Sự biến đổi đời sống
Mô hình sinh hoạt Hội Thánh Mang tính học thuật Mang tính gia đình

Hội Thánh 3.0 là một sự trở về với các nguyên tắc đầu tiên, tuy nhiên đây cũng là một sự nâng cấp so với Hội Thánh 1.0. Mô hình này quay trở về với trọng tâm vào gia đình/thân thể kèm theo đó là những tiến bộ về hiểu biết Kinh Thánh, kỹ thuật và phát triển lãnh đạo.

 

Tập trung vào cá nhân

Những người ủng hộ cho Hội Thánh 3.0 khẳng định nhu cầu cần phải biến đổi Hội Thánh trở nên một môi trường môn đồ hóa hiệu quả. Tuy nhiên, để đạt được mục đích này, Hội Thánh cần phải khám phá, hoặc tái khám phá một số nguyên tắc đã được Hội Thánh thời kỳ ban đầu áp dụng. Cụ thể, có một nguyên tắc nói rằng bối cảnh môn đồ hóa đó là tại nhà riêng (Công vụ 2:47; 5:42; 8:1; 12:12; 16:40; 20:20).

Có rất nhiều lý do mà Hội Thánh đầu tiên chú trọng đến vấn đề này, nhưng có lẽ lý do lớn nhất vì đây là phương cách tốt nhất để “yêu thương nhau” trong một sự nhóm họp nhỏ và thân mật của những người tin Chúa. Thêm vào đó, sứ đồ Phao-lô lập luận rằng tất cả các phần trong thân cần phải sử dụng ân tứ thuộc linh của mình để xây dựng thân thể Đấng Christ. Chẳng hạn như Ê-phê-sô 4:16 viết rằng: “Ấy nhờ Ngài mà cả thân thể ràng buộc vững bền bởi những cái lắt léo, khiến các phần giao thông với nhau, tùy lượng sức mạnh của từng phần, làm cho thân thể lớn lên, và tự gây dựng trong sự yêu thương.”

Thân thể không thể, và sẽ không thể phát triển mạnh mẽ và khỏe mạnh nếu tất cả mọi phần trong thân không thực hiện chức năng như ý định của Chúa. Greg Ogden giải thích về điều này rằng: “Khi xem xét kỹ lưỡng hơn về thân thể này, chúng ta sẽ thấy ấn tượng với những chức năng riêng biệt của từng cá thể và mỗi một bộ phận đều được cần đến vì sức khỏe của cả thân thể. Để thân thể được phát triển mạnh mẽ, mọi phần trong thân cần phải hoạt động theo như chức năng của bộ phận đó.”4

Đức Chúa Trời đã định cho mỗi một người tin Chúa đều có những công tác phải làm trong vương quốc của Ngài. Là những lãnh đạo, nhiệm vụ của chúng ta trong thân thể Chúa đó là giúp họ trưởng thành và khám phá kế hoạch của Chúa cho đời sống họ. Chúng ta giúp tín hữu lớn lên cũng giống như cách chúng ta giúp con cái chúng ta lớn lên… bằng sự quan tâm đến từng cá nhân. Cô-lô-se 1:28 minh họa rõ ràng về điều này: “Ấy là Ngài mà chúng tôi rao giảng, lấy mọi sự khôn ngoan răn bảo mọi người, dạy dỗ mọi người, hầu cho bày tỏ mọi người trở nên trọn vẹn trong Đấng Christ ra trước mặt Đức Chúa Trời.”

Trọng tâm của câu Kinh Thánh này đó là cụm từ được lặp đi lặp lại: “mọi người.” Là những lãnh đạo Cơ Đốc, mục đích của chúng ta đó là giúp mọi cá nhân đứng trước mặt Vua muôn vua và được nghe Ngài phán rằng: “Hỡi đầy tớ ngay lành và trung tín kia, được lắm.” Điều này đòi hỏi chúng ta phải tạo nên một bối cảnh thân mật và mang tính chất môn đồ hóa, tại đó mỗi một cá nhân đều được quan tâm. Nơi tốt nhất để thực hiện điều này chính là nhóm nhỏ.

Các Hội Thánh hiện hữu không có một cơ cấu môn đồ hóa hiệu quả sẽ cần phải đưa ra những quyết định quan trọng nếu họ khao khát các con cái Chúa phát triển hết tiềm năng của mình. Họ cần phải quyết định mức độ quyết tâm mà họ dành cho công tác khích lệ, trang bị và truyền năng lực để các thuộc viên trong thân thể Đấng Christ thực hiện mục vụ của Ngài. Các Hội Thánh mới thành lập có ưu thế đó là họ có thể bắt đầu từ điểm xuất phát. Tuy nhiên, họ cũng cần phải nhận thức khuynh hướng tái lập những điều mà họ đã chứng kiến và trải nghiệm trong các mô hình khác.

Các Hội Thánh hiện hữu và các Hội Thánh mới thành lập sẽ đối diện với những quyết định về thần học và triết lý quan trọng liên quan đến bản chất và mục đích của Hội Thánh. Từ đó sẽ hình thành các đặc điểm trong mục vụ môn đồ hóa và mức độ quan trọng của nhóm nhỏ trong mục vụ đó. Nếu nhóm nhỏ giữ một vai trò nhất định trong mục vụ, họ rất có thể sẽ rơi vào một trong ba nhóm sau: Hội Thánh “có nhóm nhỏ”, Hội Thánh “thuộc về nhóm nhỏ”, hoặc Hội Thánh “là nhóm nhỏ”. Cách phân loại này giúp xác định một Hội Thánh sẽ đi bao xa trên đường hướng triết lý nhóm nhỏ, đồng thời xác định mức độ quan trọng của môi trường có tính liên hệ đối với công tác phát triển môn đồ. Hội Thánh “là nhóm nhỏ” có tiềm năng lớn nhất để thực hiện môn đồ hóa hiệu quả. Song, một Hội Thánh tiến bao xa trên đường hướng triết lý nhóm nhỏ sẽ không trở thành vấn đề, nếu họ có thể thiết lập mục vụ nhóm nhỏ, hoặc chuyển đổi trọng tâm sang mô hình nhóm nhỏ, và nếu lãnh đạo Hội Thánh sẵn lòng chấp nhận những quyết định quan trọng. Bên dưới đây là bảng thể hiện phân loại Hội Thánh “có nhóm nhỏ”, “thuộc về nhóm nhỏ” và “là nhóm nhỏ”, đồng thời nêu lên một số cái nhìn thấu đáo liên quan đến mức độ cam kết của từng mô hình Hội Thánh đối với nhóm nhỏ. Sau đây là bảng mô tả một số khác biệt quan trọng của từng nhóm.

“CÓ NHÓM NHỎ”

Hội Thánh Truyền thống

“THUỘC VỀ NHÓM NHỎ”

Hội Thánh Hỗn hợp

“LÀ NHÓM NHỎ”

Hội Thánh Hữu cơ

Nhân sự có chuyên môn hoạt động Nhân sự phát triển các chương trình Lãnh đạo trang bị các thánh để hoàn thành Đại Mạng Lệnh
Mục sư quản nhiệm tham gia vào nhóm nhỏ: không thật sự tham gia Mục sư quản nhiệm tham gia vào nhóm nhỏ: ủng hộ các nhóm nhỏ đồng thời cũng ủng hộ các hoạt động khác Mục sư quản nhiệm tham gia vào nhóm nhỏ: lãnh đạo một nhóm nhỏ và thường bàn đến vòng đời của nhóm nhỏ
Vai trò của Mục sư: người chăn chăm lo cho bầy chiên Vai trò của Mục sư: phát triển các mục vụ của Hội Thánh Vai trò của Mục sư: phát triển các thành viên trong thân Chúa đạt được tối đa tiềm năng của họ
Tập trung tại cơ sở nhà thờ – “Hội Thánh của chúng tôi nhóm lại tại đây” Tập trung tại cơ sở nhà thờ và cộng đồng – “Hội Thánh của chúng tôi nhóm lại tại đây và chúng tôi sống trong cộng đồng.” Tập trung tại cộng đồng – “Chúng tôi nhóm lại vào sáng Chủ Nhật, nhưng chúng tôi là thân thể của Chúa trong cộng đồng.”
Mục tiêu của Hội Thánh: chờ đợi cho đến khi Đức Chúa Giê-xu trở lại Mục tiêu của Hội Thánh: giảng dạy phúc âm và môn đồ hóa Mục tiêu của Hội Thánh: biến đổi đời sống… biến đổi cộng đồng
Sự giảng dạy: hướng về những người ủng hộ (5 gia đình) Sự giảng dạy: “Nhạy cảm với những người tìm hiểu niềm tin.” Sự giảng dạy: hướng về người tin Chúa, thường có tính giải kinh
Truyền giáo: nếu có – mang tính thu hút Truyền giáo: “đầu tư và mời gọi” có tính thu hút Truyền giáo: mỗi một thành viên chia sẻ về cuộc đời mình cho người chưa tin
Đào tạo môn đồ: khóa học 8 tuần do Mục sư giảng dạy (có thể là khóa học 1 năm) Đào tạo môn đồ: phát triển “có định hướng” kết hợp nhiều lớp học khác nhau Đào tạo môn đồ: sống cùng nhau trong cộng đồng cùng những tín hữu khác
Cầu nguyện: những điều xảy ra trong Hội Thánh Cầu nguyện: tập trung vào sự cầu nguyện của cá nhân Cầu nguyện: những điều xảy ra trong nhóm nhỏ vì mùa gặt
Sứ mạng: nhận lãnh dâng hiến và chuyển đến cho một tổ chức truyền giáo Sứ mạng: nhận lãnh dâng hiến và lên kế hoạch cho các chuyến truyền giảng ngắn ngày Sứ mạng: các thành viên được khích lệ để sống như những giáo sĩ, truyền giáo ở khắp mọi nơi
Tăng trường: “từ ngoài vào trong” nhấn mạnh đến số lượng Tăng trưởng: “từ ngoài vào trong” nhấn mạnh đến số lượng và mong chờ chất lượng Tăng trường: “từ trong ra ngoài” tập trung vào chất lượng và có kế hoạch phát triển số lượng
Ân tứ: không được chú trọng Ân tứ: tương đối quan trọng – đặc biệt cho các tiết mục trong buổi nhóm Ân tứ: điều thiết yếu; chú trọng đến đời sống của thân thể Đấng Christ
Huấn luyện: không cần thiết Huấn luyện: để thực hiện chương trình sáng Chủ Nhật Huấn luyện: để thực hiện Đại Mạng Lệnh
Nhóm nhỏ: “Tôi tin… chúng tôi có một số nhóm nhỏ” Nhóm nhỏ: “Chúng tôi tin vào nhóm nhỏ.” Nhóm nhỏ: “Chúng tôi là các nhóm nhỏ.”
Phát triển lãnh đạo: không cần hoặc không nhất thiết cần lãnh đạo Phát triển lãnh đạo: cần “những lãnh đạo” để thực hiện các chương trình sáng Chủ Nhật Phát triển lãnh đạo: cần “những lãnh đạo sứ mệnh” là những người quan tâm và phát triển dân sự của Đức Chúa Trời
Mở mang Hội Thánh: không Mở mang Hội Thánh: vâng… đại khái là thế; các Hội Thánh vệ tinh (tăng trưởng theo cấp số cộng) Mở mang Hội Thánh: có; Hội Thánh mới được thành lập khi các môn đồ phát triển trở nên những lãnh đạo (nhân cấp)
Nhóm nhỏ đóng hay nhóm nhỏ mở: nhóm nhỏ đóng:

–          Các nhóm trách nhiệm

–          Nhóm dành cho nam giới

–          Nhóm dành cho nữ giới

Nhóm nhỏ đóng hay nhóm nhỏ mở: nhóm nhỏ đóng lẫn nhóm nhỏ mở:

–          Các nhóm phong trào

–          Nhóm nhỏ theo đúng mục đích

–          Nhóm nhỏ tự do

–          Nhóm nhỏ những người tiếp đón

Nhóm nhỏ đóng hay nhóm nhỏ mở: nhóm nhỏ mở:

–          Nhóm tế bào

–          Nhóm thuộc nhiều thế hệ

–          Nhóm những người láng giềng

–          Nhóm truyền giáo

 

Tổng quan về Hội Thánh “có nhóm nhỏ”, “thuộc về nhóm nhỏ” và “là nhóm nhỏ”

Hội Thánh truyền thống thường được xếp vào nhóm Hội Thánh “có nhóm nhỏ”. Đó chính là Hội Thánh phổ biến nhất thời nay và phản ánh triết lý nhóm nhỏ của hầu hết các Hội Thánh hiện nay. Hội Thánh hỗn hợp phản ánh cấp độ cao hơn với mô hình Hội Thánh “thuộc về nhóm nhỏ”. Như chúng ta đã thấy, mô hình này kết hợp các yếu tố từ hai mô hình, song vẫn giữ lại cơ cấu tổ chức theo cấp bậc của mô hình truyền thống. Mặc dầu vậy, khi chuyển đổi từ mô hình “có nhóm nhỏ” sang mô hình “thuộc về nhóm nhỏ”, mô hình này đã áp dụng một cơ cấu truyền năng lực tốt hơn ngay cả khi quyền lực và sự điều khiển vẫn nằm ở một số lãnh đạo. Cuối cùng, Hội Thánh “là nhóm nhỏ”, một mô hình hữu cơ nhắm đến việc truyền năng lực và đơn giản hóa. Mô hình này có cơ cấu tổ chức bằng phẳng và hướng đến việc trang bị mọi thành viên trong thân thể Đấng Christ tham gia vào Đại Mạng Lệnh.

Có rất nhiều yếu tố cần phải xem xét khi chuyển đổi từ mô hình “có nhóm nhỏ” sang mô hình “thuộc về nhóm nhỏ”. Đây có thể là một sự chuyển đổi rất khó khăn, ảnh hưởng đến triết lý nền tảng của Hội Thánh về mục vụ. Tuy vậy, bước chuyển tiếp này là có thể thực hiện được nếu vị Mục sư quản nhiệm hiểu rằng công việc của ông ấy là “trang bị” các thánh làm công tác phục vụ (chứ không chỉ các công tác liên quan đến buổi nhóm thờ phượng sáng Chủ Nhật). Ông và đội ngũ của mình cần phải làm việc để tạo ra một tuyên ngôn mục vụ đơn giản và đầy đủ nhấn mạnh đến công tác phát triển dân sự của Đức Chúa Trời cho sự vinh hiển của Ngài. Các nhóm nhỏ cần phải được chú trọng phát triển cho sứ mạng, và những lãnh đạo cần được huấn luyện để lãnh đạo các nhóm nhỏ. Mục sư quản nhiệm cần thường xuyên đề cập đến tầm quan trọng của việc gia nhập vào một nhóm nhỏ, và các lãnh đạo nhân sự cần được khích lệ tham gia và lãnh đạo các nhóm nhỏ.

Cũng vậy, dịch chuyển từ mô hình “thuộc về nhóm nhỏ” sang mô hình “là nhóm nhỏ” là điều có thể tuy nhiên cũng sẽ tạo nên một số căng thẳng lẫn tình trạng không chắc chắn trong thời kỳ quá độ. Đặc biệt, đối với sự phân tán quyền lực, Mục sư quản nhiệm có thể sẽ không biết chắc về vai trò của mình khi mục vụ thay đổi từ chỗ tập trung vào cơ sở nhà thờ sang tập trung vào các nhóm nhỏ. Vai trò mới của ông sẽ bao gồm lãnh đạo một nhóm nhỏ và phát triển những lãnh đạo mới để nhân cấp các nhóm nhỏ.

Ngoài ra, các lãnh đạo mục vụ sẽ mong muốn được lãnh đạo các nhóm ở tại nhà họ. Đây cũng là một chuyển biến lớn từ mục vụ sáng Chủ Nhật sang hướng dẫn những nhóm nhỏ và huấn luyện các lãnh đạo. Nhiều chương trình sẽ phải bị giảm bớt để nhường chỗ cho chiến lược nhóm nhỏ toàn diện mà tại đó đa số mục vụ của Hội Thánh sẽ được thực hiện. Cụ thể là công tác truyền giáo, đào tạo môn đồ, các ân tứ thuộc linh, chăn bầy, tâm vấn, phát triển lãnh đạo, và phát triển Hội Thánh mới sẽ được thực hiện từ môi trường nhóm nhỏ.

Chuyển đổi từ Hội Thánh “có nhóm nhỏ” sang Hội Thánh “là nhóm nhỏ” có lẽ là điều khó khăn nhất bởi việc này đòi hỏi phải xem xét toàn diện cơ cấu tổ chức hoạt động của Hội Thánh. Chính vì vậy, tôi khuyên không nên có sự chuyển biến quyết liệt như thế. Như đã nói, nếu một Hội Thánh truyền thống đang trong tình trạng bình ổn hoặc gần chết, một sự thay đổi quyết liệt như thế vẫn có thể xảy ra nếu lãnh đạo mới có thể giải thích lý do thần học và triết lý cho sự thay đổi này. Tuy vậy, những tuyên ngôn được lập nên với thái độ nghiêm túc không phải lúc nào cũng vượt qua những lựa chọn mang tính cảm xúc đầy đau đớn.

Khi dạy cho các sinh viên, tôi nhận ra rằng rất nhiều trong số họ sẽ bắt đầu mục vụ tại các Hội Thánh truyền thống mà tại đó có rất ít hoặc không có cơ chế đào tạo môn đồ. Chúng tôi đã bàn về những thách thức của việc chuyển đổi một Hội Thánh truyền thống, và tôi khích lệ nhiều sinh viên cân nhắc mở Hội Thánh mới. Tuy nhiên, tôi nhận ra rằng có rất nhiều Hội Thánh có thể thực hiện bước chuyển tiếp từ Hội Thánh “có nhóm nhỏ” sang Hội Thánh “thuộc về nhóm nhỏ” đồng thời vẫn có một số Hội Thánh “thuộc về nhóm nhỏ” có thể chuyển đổi thành Hội Thánh “là nhóm nhỏ”. Hy vọng của tôi đó là dù Chúa đặt bạn ở bất cứ nơi đâu thì bạn vẫn có thể giúp Hội Thánh phát triển những môn đồ khỏe mạnh là những người sẽ trở nên những lãnh đạo thực hiện Đại Mạng Lệnh, những người mở mang Hội Thánh mới cho sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Môn đồ hóa vì vương quốc và sự vinh hiển của Đức Chúa Trời đòi hỏi chúng ta phải mạnh mẽ theo đuổi kế hoạch của Ngài nhằm phát triển dân sự của Chúa!

 

Câu hỏi suy ngẫm

  1. Dù là mô hình nào đi nữa, những công việc nào chúng ta cần phải thực hiện?
  2. Sự khác biệt giữa Hội Thánh 2.0 và Hội Thánh 3.0 là gì?
  3. Làm thế nào chúng ta chú trọng đến từng cá nhân?
  4. Sự khác biệt giữa Hội Thánh “có nhóm nhỏ”, Hội Thánh “thuộc về nhóm nhỏ” và Hội Thánh “là nhóm nhỏ” là gì?
  5. Một số mối nguy khi chuyển đổi từ Hội Thánh “có nhóm nhỏ” sang Hội Thánh “là nhóm nhỏ” là gì?

 

Ghi chú

  1. Neil Cole, Church 3.0 (San Francisco, CA: Jossey-Bass, 2010).
  2. See Alan Hirsch, The Forgotten Ways; Right Here, Right Now; Untamed; Ed Stetzer, Breaking the Missional Code; Transformational Church; Viral Church Planting; Missional Churches; Hugh Halter, The Tangible Kingdom: Creating Incarnational Community; Sacrilege: Finding Life in the Unorthodix Ways of Jesus; Frank Viola, Pagan Christianity; Finding Organic Church; Reimagining Church; Dennis McCallum, Organic Disciplemaking: Mentoring Others into Spiritual Maturity and Leadership; Members of One Another: How to Build a Biblical Ethos into Your Church. Francis Chan’s Crazy Love addresses the need to transform the church from “come and see” to “go and be.” For a fuller explanation see Tyler Charles and Josh Lujan Loveless, “The Crazy Mission of Francis Chan,” Relevant Magazine (Feb. 23, 2011), http://www.relevantmagazine.com/god/church/features/24816-the-crazy-mission-of-francis-chan (accessed 2/7/13).
  3. Cole, Church 3.0, 9.
  4. Greg Ogden, Unfinished Business: Returning the Ministry to the People of God (Grand Rapids, MI: Zondervan, 2003), Kindle location 581.

Kết luận

Môn đồ hóa là…

Tổng kết

Dave Earley

Bạn đã đọc rất nhiều thông tin về Đại Mạng Lệnh và môn đồ hóa. Bạn đã xem xét những nền tảng trong Kinh Thánh và thần học về môn đồ hóa (chương 1-4). Bạn đã khám phá việc trở nên môn đồ và môn đồ hóa cho Đức Chúa Giê-xu có nghĩa là gì (chương 5-11). Bạn đã tìm hiểu những phương pháp môn đồ hóa (chương 12-18) và khám phá một số mô hình Hội Thánh phổ biến trong công tác môn đồ hóa (chương 19-29). Tất cả những thông tin này đều rất tốt, nhưng vẫn chưa đủ. Tôi xin giải thích. Nhưng tốt hơn, hãy để một Mục sư khôn ngoan giải thích điều này cho chúng ta:

Hãy làm theo lời, chớ lấy nghe làm đủ mà lừa dối mình. Vì,nếu có kẻ nghe lời mà không làm theo, thì khác nào người kia soi mặt mình trong gương, thấy rồi thì đi, liền quên mặt ra thể nào. 25 Nhưng kẻ nào xét kỹ luật pháp trọn vẹn, là luật pháp về sự tự do, lại bền lòng suy gẫm lấy, chẳng phải nghe rồi quên đi, nhưng hết lòng giữ theo phép tắc nó, thì kẻ đó sẽ tìm được phước trong sự mình vâng lời. (Gia-cơ 1:22-25)

Trong phần Kinh Thánh trên, Sứ đồ Gia-cơ chỉ ra rằng lắng nghe Lời Chúa nhưng không làm theo dẫn đến sự lừa dối thuộc linh, ngược lại nếu lắng nghe và làm theo thì sẽ dẫn đến phước hạnh. Nói cách khác, có thông tin nhưng không áp dụng sẽ dẫn đến sự lừa dối thuộc linh, ngược lại, có thông tin và làm theo thì sẽ đem lại sự biến đổi.

Rod và tôi không viết quyển sách này nhằm cung cấp cho bạn thông tin. Chúng tôi viết sách này nhằm biến đổi bạn để bạn có thể tham dự vào kế hoạch vĩ đại của Đức Chúa Trời đó là biến đổi thế giới. Chính vì thế, chúng tôi rất hy vọng bạn sẽ áp dụng quyển sách này. Chúng tôi sẽ trở nên những người môn đồ hóa tồi tệ nếu chúng tôi chỉ truyền động lực và cung cấp thông tin cho bạn mà không khiến bạn được thay đổi.

Vậy chương này nhằm giúp bạn áp dụng bài học. Nếu bạn làm theo thì đây sẽ là chương sách quan trọng và có tính biến đổi nhất của quyển sách này. Hãy dành ít phút để hoàn thành các câu hỏi sau đây.

 

Bức tranh lớn

Hãy hoàn thành ngắn gọn các câu sau:

  • Một điều tôi thích nhất về quyển sách này là:
  • Lẽ thật mà tôi được nhắc nhở đó là:
  • Bài học quan trọng nhất mà tôi được học là:
  • Lẽ thật thay đổi đời sống nếu tôi áp dụng là:
  • Ý tưởng tôi cần phải áp dụng trong mục vụ của tôi là:
  • Chương sách tôi muốn đọc một lần nữa là:

Những nền tảng (chương 1-4)

Hãy hoàn thành ngắn gọn các câu sau:

  • Một điều tôi thích nhất về phần này là:
  • Lẽ thật mà tôi được nhắc nhở đó là:
  • Bài học quan trọng nhất mà tôi được học là:
  • Lẽ thật thay đổi đời sống nếu tôi áp dụng là:
  • Ý tưởng tôi cần phải áp dụng trong mục vụ của tôi là:

Những điều cơ bản (chương 5-11)

Hãy hoàn thành ngắn gọn các câu sau:

  • Một điều tôi thích nhất về phần này là:
  • Lẽ thật mà tôi được nhắc nhở đó là:
  • Bài học quan trọng nhất mà tôi được học là:
  • Lẽ thật thay đổi đời sống nếu tôi áp dụng là:
  • Ý tưởng tôi cần phải áp dụng trong mục vụ của tôi là:

Các phương pháp (chương 12-18)

Hãy hoàn thành ngắn gọn các câu sau:

  • Một điều tôi thích nhất về phần này là:
  • Lẽ thật mà tôi được nhắc nhở đó là:
  • Bài học quan trọng nhất mà tôi được học là:
  • Lẽ thật thay đổi đời sống nếu tôi áp dụng là:
  • Ý tưởng tôi cần phải áp dụng trong mục vụ của tôi là:

Các mô hình (chương 19-29)

Hãy hoàn thành ngắn gọn các câu sau:

  • Một điều tôi thích nhất về phần này là:
  • Lẽ thật mà tôi được nhắc nhở đó là:
  • Bài học quan trọng nhất mà tôi được học là:
  • Lẽ thật thay đổi đời sống nếu tôi áp dụng là:
  • Ý tưởng tôi cần phải áp dụng trong mục vụ của tôi là:

Tổng kết

Hãy hoàn thành ngắn gọn câu sau:

Tóm lại, điều vĩ đại nhất mà Đức Chúa Trời làm trên đời sống tôi qua quyển sách này là:

————–The end————

 

    

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên