Trang Chủ BIỆN GIÁO DANH XƯNG CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

DANH XƯNG CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

1337
0
SHARE

Câu hỏi đầu tiên bạn thường hỏi một người mà bạn gặp lần đầu tiên là gì? Nếu mà bạn cũng giống như hầu hết mọi người, thì đó là bạn muốn biết tên của người đó là gì.

Tên của một người khiến người đó khác biệt với đám đông như một cá thể riêng biệt. Hầu hết mọi người đều thích tên của họ và đánh giá cao việc người khác gọi họ bằng tên. Trong cuốn sách kinh điển của mình, Đắc Nhân Tâm – How to Win Friends and Influence People, Dale Carnegie đã viết rằng tên của một người là “âm thanh ngọt ngào nhất và quan trọng nhất trong bất kỳ ngôn ngữ nào.”1 Nếu tên của ai đó là âm thanh ngọt ngào nhất, thì chúng ta có thể đoán rằng âm thanh tệ nhất là sự phát âm sai tên của người đó! Tôi luôn có thể xác định được ai đó đang gạ tình qua điện thoại. Họ luôn phát âm sai họ của tôi! Thật là thậm tệ nếu bị người mà bạn coi là bạn lại phát âm sai tên của bạn. Có lẽ bạn đã phải rất mắc cỡ khi phát hiện ra rằng bạn đã phát âm sai tên của ai đó mà bạn quen biết trong một thời gian.

Đôi khi chúng ta quên tên một ai đó. Một sinh viên mà tôi đã không gặp trong mười năm đứng trước cửa văn phòng của tôi. Ngay lập tức tôi nhận ra anh ta, nhưng tên của anh ta đã bị khóa trong một “tập tin” không thể truy cập được ở đâu đó trong tâm trí tôi. Cuối cùng tôi đã phải ngăn anh ta lại và nói, “Tôi biết anh là ai, nhưng vì một lý do nào đó, tôi đã quên mất tên của anh. Anh có thể nhắc tôi không?”

Tên không chỉ quan trọng đối với con người; chúng cũng quan trọng đối với Đức Chúa Trời. Trong Kinh Thánh, tên không chỉ đơn giản là một thẻ nhận dạng. Chúng thường nói lên điều gì đó về tính cách của người đó. Chúng là “sự tiết lộ về con người thật của một người.”2 Những nhân vật trong Kinh Thánh đôi khi được đặt tên hoặc đổi tên dựa trên một đặc điểm tính cách cụ thể. Ví dụ, tên của Chúa Giê-su có nghĩa là “Đức Giê-hô-va, Cứu Chúa.” Khi Giô-sép được cho biết đây là tên của con trai Ma-ri (Ma-thi-ơ 1:21), thiên sứ giải thích, “vì chính con trai ấy sẽ cứu dân mình ra khỏi tội.” Tầm quan trọng của tên một người cũng được chứng minh qua việc Người Chăn Hiền Lành “kêu tên chiên mình” (Giăng 10: 3).

 

CUỘC GẶP GỠ TẠI BỤI GAI CHÁY (XUẤT 3:4-12)

 

Phép lạ về bụi gai cháy xảy ra gần Núi Hô-rếp (Xuất 3:1), tên gọi khác là Núi Si-na-i (19:1-2; Phục 4:10). Môi-se đã ở đó trong sa mạc Si-na-i và đang chăn bầy chiên cho Giê-trô, ông gia mình, ông thấy một điều đáng kinh ngạc. Môi-se đã nhìn thấy một bụi gai đang cháy, nhưng không hề tàn! Khi ông tiến lại gần hơn để xem kỹ hơn hiện tượng bất thường này, thì ông nghe thấy tên mình được gọi lên, “Hỡi Môi-se, Hỡi Môi-se.” Sau đó, ông nghe một tiếng phán ra lệnh cho ông: “Chớ lại gần…Hãy cởi giày ngươi ra, vì chỗ ngươi đương đứng là đất thánh” (Xuất 3:5).

Đấng đang phán đó đã xác nhận chính Ngài trong mối quan hệ với các tổ phụ. “Ta là Đức Chúa Trời của tổ phụ ngươi, Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Đức Chúa Trời của Y-sác, và Đức Chúa Trời của Gia-cốp” (3:6). Việc đề cập đến Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp sẽ gợi cho Môi-se nhớ lại lời hứa đã được lập với các tổ phụ này — lời hứa về một vùng đất, một dân tộc, và một nguồn phước (Sáng 12:3; 26:2-4; 28:13-15). Môi-se đang đối diện với Đức Chúa Trời, chính Đấng đã lập ra một cam kết vô điều kiện với con cháu của Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp.

Những sự chịu đựng của dòng dõi Áp-ra-ham đã không trôi qua mà không được biết đến bởi Đức Chúa Trời của tổ phụ họ. Đức Chúa Trời đã nhìn thấy hết những đau khổ của họ và Ngài hứa sẽ “giải cứu họ khỏi tay người Ê-díp-tô, dẫn từ xứ ấy lên đến một xứ kia đẹp đẽ và rộng rãi, đượm sữa và mật” (Xuất 3:8). Khi Đức Chúa Trời phán, “Ta ngự xuống” (3:8),3 Ngài xác nhận chính Ngài là một Đức Chúa Trời riêng biệt, Đấng hành động trong lịch sử nhân loại.

Nhưng trong khi Đức Chúa Trời hứa sẽ can thiệp thay cho dân sự Ngài, Ngài không hành động một mình. Ngài cần một người trợ giúp, một người nói thay với tư cách là người đại diện của Ngài. Đức Chúa Trời không cho Môi-se cơ hội tự nguyện hay từ chối. Ngài chỉ đơn giản tuyên bố, “Ta sai ngươi đi đến Pha-ra-ôn, để dắt dân Ta, là dân Y-sơ-ra-ên, ra khỏi xứ Ê-díp-tô” (3:10).

Môi-se có thể đã thiếu tự tin. Mặc dù ông đồng ý với kế hoạch của Đức Chúa Trời, nhưng ông lại không chắc mình là người sẽ thực hiện kế hoạch đó. Ông hỏi “Tôi là ai, dám đi đến Pha-ra-ôn, đặng dắt dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ê-díp-tô?” (3:11). Môi-se đã nghi ngờ về khả năng hoàn thành nhiệm vụ của mình. Để an ủi và bảo đảm với Môi-se, Đức Chúa Trời đã hứa với ông về sự hiện diện cách cá nhân của Ngài, “Ta sẽ ở cùng ngươi” (3:12). Đức Chúa Trời khích lệ và hỗ trợ ông trong nhiệm vụ được giao. Thật đáng được khích lệ khi biết rằng, cũng như với Môi-se, Đức Chúa Trời sẽ không bao giờ giao cho chúng ta một nhiệm vụ mà Ngài không thêm năng lực cho chúng ta để hoàn thành nó!

 

CÂU HỎI VỀ DANH XƯNG CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI (XUẤT 3:13-15)

 

Môi-se có một thắc mắc. Ông chắc chắn rằng mọi người sẽ hỏi, “Ai đã sai ông đến? Nếu ông được Đức Chúa Trời sai đến như ông nói, hãy cho chúng tôi biết tên của Ngài.” Nhiều vị thần được thờ ở Ai Cập, tất cả họ đều có danh xưng. Môi-se muốn xác thực lời kêu gọi từ Đức Chúa Trời bằng cách đặt tên cho Đấng mà thẩm quyền của ông được đặt nơi Đấng ấy. Vì vậy  Môi-se đã hỏi Đức Chúa Trời rằng ông nên nói gì với họ (Xuất 3:13).

Đức Chúa Trời đã ân cần đáp ứng yêu cầu của Môi-se. Trước tiên Ngài tiết lộ ý nghĩa của tên Ngài (3:14) và sau đó là chính tên của Ngài (3:15). “Đức Chúa Trời phán với Môi-se rằng: ‘Ta là ĐẤNG TỰ HỮU HẰNG HỮU’. Đây là điều ngươi phải nói với dân Y-sơ-ra-ên: ‘Đấng Tự Hữu Hằng Hữu sai ta đến cùng các ngươi’” (3:14). Hầu hết các bản Kinh Thánh đều viết hoa thuật ngữ “ĐẤNG TỰ HỮU HẰNG HỮU”, để cho thấy rằng có một điều gì đó đặc biệt đang được khẳng định về Đức Chúa Trời, đó là bản thể tuyệt đối của Ngài. Thuật ngữ “ĐẤNG TỰ HỮU HẰNG HỮU”, dịch ở dạng ngôi thứ nhất của động từ haya, “to be.” Ý nghĩa là Đức Chúa Trời là Đấng tự hiện hữu. Như Ronald Allen đã nói, “Sự tồn tại của Ngài không phụ thuộc vào bất cứ điều gì hoặc bất cứ ai ngoại trừ ý muốn của Ngài.”4

Thuật ngữ “ĐẤNG TỰ HỮU HẰNG HỮU” không chỉ về sự tồn tại thụ động của Đức Chúa Trời mà là sự hiện hữu hoạt động của Ngài. Ngài tích cực tham gia với nhân loại, đáp ứng nhu cầu của họ và tiết lộ thân vị của Ngài. Ngài tồn tại không chỉ vì lợi ích của chính Ngài mà còn vì lợi ích của dân sự Ngài. Sự tham gia tích cực của Đức Chúa Trời được thể hiện rõ ràng trong chính bối cảnh của đoạn văn. “Ta ngự xuống đặng cứu dân nầy khỏi tay người Ê-díp-tô, dẫn họ ra khỏi xứ ấy” (3:8). Khi Đức Chúa Trời phán “ĐẤNG TỰ HỮU HẰNG HỮU”, Ngài đang đề cập đến sự hiện hữu có tính hành động và mang đến sự sống. Như Walther Eichrodt đã nhận xét, thuật ngữ “ĐẤNG TỰ HỮU HẰNG HỮU” có nghĩa là Đức Chúa Trời “thực sự hiện diện, sẵn sàng giúp đỡ và hành động.”5

Thuật ngữ “ĐẤNG TỰ HỮU HẰNG HỮU” diễn tả ý nghĩa của tên Đức Chúa Trời nhưng chúng không phải là tên của Ngài. Danh xưng của Đức Chúa Trời được tiết lộ trong câu 15. Đức Chúa Trời phán thêm với Môi-se, hướng dẫn ông nói với dân Y-sơ-ra-ên rằng: “Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của tổ phụ các ngươi, Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Đức Chúa Trời của Y-sác, Đức Chúa Trời của Gia-cốp, sai ta đến cùng các ngươi” (3:15). Từ “Giê-hô-va” là từ ở ngôi thứ ba của động từ “to be” trong tiếng Hê-bơ-rơ. Vì vậy, nhiều học giả tin rằng danh xưng này của Đức Chúa Trời nói lên sự hiện hữu của Ngài một cách đúng đắn. Trong tiếng Hê-bơ-rơ, từ “Yahweh” được viết với bốn phụ âm yhwh, và do đó có thể được hiểu là Giê-hô-va.
(còn nữa)

trích từ UNDERSTANDING CHRISTIAN THEOLOGY

translated by VMI

 

 

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên