Trang Chủ TRANG CHỦ Đại Bàng Trong Trại Giam

Đại Bàng Trong Trại Giam

852
0
SHARE
Trại cải tạo Tống Lê Chân những năm 1990.
Mặt trời vừa sụp xuống. Màn đêm giăng bủa khắp hết vùng đồi núi. Những ánh đèn dầu hỏa leo lét cũng vừa được thắp lên trong lán trại tù.
Tư Búa lấy ra một gói quà lớn và bắt đầu phân phát “chiến lợi phẩm”:
“Cái này của ai?” Gã đại bàng của trại giam cao giọng và chỉ vào một lon sữa ri-gô đựng đầy thịt heo muối.
Các trại viên đồng thanh đáp:
“Của đại ca”.
Đại bàng Tư Búa lấy ra gói quà thứ hai, đó là một hộp kem đánh răng Colgate kèm luôn cái bàn chải mới:
“Cái này của ai?”
“Dạ, của đại ca”.
“Còn cái này của ai?” (Tư Búa chỉ tay vào một kg đường trắng Biên Hòa)
“Của đại ca tất cả mà”.
Tất cả những gì quí giá là của đại bàng, mặc dù gói quà ấy là của vợ truyền đạo Nguyễn Mô gởi vào. Còn những thứ rẻ tiền như: dầu cù là, thuốc Paracetamol…Đại bàng cho phép các đàn em chia xẻ với nhau. Vậy là hộp quà thăm tù được điều phối bởi bàn tay của một đại ca. Những gì Nguyễn Mô nhận được chỉ là một ve dầu gió, hai gói mì tôm và một số thuốc viên Vitamin.
Đêm ở Tống Lê Chân vào mùa mưa thật hiu hắt. Tiếng côn trùng rỉ rả vang vọng khắp nơi tạo nên một giai điệu não lòng. Vùng đất này gần biên giới Việt Nam – Cam-pu-chia, nó cũng là ranh giới giữa Tây Ninh và Bình Long. Từ một căn cứ quân sự của lực lượng đặc nhiệm Mỹ trong những năm 1960, sau năm 1975 nó trở thành một trại giam cải tạo. Các mục sư, truyền đạo Tin Lành không cần phải ra tòa án, được đưa lên đây học tập cải tạo vì một lý do nhạy cảm đặc biệt.
Nguyễn Mô và các bạn đồng công khác – những mục sư truyền đạo âm thầm cầu nguyện, giữ sự thông công, bẻ bánh và rao giảng Phúc Âm cho mọi người ở đây. Họ là những chiến sĩ thập tự thời hiện đại được Chúa sử dụng một cách thầm lặng trong trại giam để làm chứng nhân cho Chúa Jesus Christ.
Năm Mã Tấu là một tay anh chị ở bến xe miền Đông với những tiền án về hình sự cũng được học tập cải tạo ở đây. Trong lòng Nguyễn Mô có một gánh nặng cầu nguyện để chuẩn bị làm chứng về Phúc Âm cho con người này: “Lạy Chúa Jesus, con tin rằng sự cứu chuộc của Ngài có thể cảm hóa và biến đổi Năm Mã Tấu. Xin Chúa cứu con người cứng cỏi này”.
Là đại ca kiểm soát một khu vực trải dài từ bến xe Miền Đông đến Ngã tư Hàng Xanh, Năm Mã Tấu đã từng vang bóng một thời oanh liệt. Nhưng giờ đây con người này bị trói chân tay ở trại cải tạo, anh ta được xếp hạng sau Tư Búa – cũng là một tay anh chị khác với đẳng cấp cao hơn. Sau nhiều tuần lễ cầu nguyện, Nguyễn Mô có dịp nói chuyện với Năm Mã Tấu:
“Anh Năm à, anh có biết là Chúa Jesus rất yêu thương anh hay không?”
“Thôi câm đi cho tao nhờ, nếu Chúa mà yêu thương thì tao đâu có ra nông nỗi này”.
“Vì Chúa yêu anh nên Ngài đã đến trong thế giới này để tìm và cứu anh đó”.
“Tao không tin”.
Nguyễn Mô không đầu hàng, nhà truyền đạo ba mươi sáu tuổi này tiếp tục cầu nguyện cho linh hồn của Năm Mã Tấu. Thật không dễ dàng gì để rao giảng Phúc Âm trong môi trường này.
Sáu tháng sau đó…
Năm Mã Tấu lên cơn sốt sau một ngày lao động cực nhọc. Y sĩ của trại giam cho anh ta uống thuốc hạ sốt, nhưng cơn sốt không hề thuyên giảm chút nào. Nguyễn Mô tận tình chăm sóc Năm Mã Tấu. Năm rên hừ hự, cất giọng thách thức:
Nếu Chúa của mày quyền năng thì mày hãy cầu nguyện cho tao dứt cơn sốt.
Nguyễn Mô chỉ chờ có thế, nhà truyền đạo này đặt tay lên đầu Năm Mã Tấu, đơn sơ cầu nguyện:
– Lạy Chúa Jesus, Ngài đã phán những ai tin Ngài đặt tay trên người bệnh, người đó được lành. Vâng lời Ngài con đặt tay trên anh Năm, xin Chúa bày tỏ quyền năng chữa lành của Ngài cho anh bạn này.
Khi Nguyễn Mô rút tay xuống, cơn sốt của Năm Mã Tấu cũng bị đẩy lùi. Thật lạ lùng! Năm Mã Tấu bị khuất phục bởi quyền năng siêu nhiên của Chúa và con người hung hãn này bỗng dưng trở nên mềm mại như một tàu lá chuối. Anh ta ngồi dậy tỉnh táo nhìn Nguyễn Mô:
“Lạ thật, khi anh đặt tay trên đầu tôi thì có một luồng hơi ấm từ đầu chạy thẳng xuống chân làm tôi thấy khoan khoái lạ thường”.
Năm Mã Tấu thay đổi cách xưng hô với Nguyễn Mô và ngay sau đó anh ta cầu nguyện tiếp nhận Chúa Jesus làm Cứu Chúa.
Từ một đại ca tung hoành ngang dọc, vào tù ra tội, giờ đây Năm Mã Tấu thay đổi hẳn. Có một điều gì đó rất lạ lùng xảy ra trong tâm hồn của Năm. Những ý nghĩ và cảm giác của anh ta về cuộc đời bỗng dưng quay một góc một trăm tám mươi độ. Năm Mã Tấu không lý giải được một cuộc “cách mạng nhung” bên trong nội tâm của mình. Nhưng anh ta biết rõ một điều: Chính Chúa Jesus đã thay đổi cuộc đời anh.
Nguyễn Mô và các bạn đồng công trong tù bắt đầu mục vụ dạy Lời Chúa cho Năm Mã Tấu. Không có Kinh Thánh trong trại giam, nhưng Lời Chúa thì không thiếu ở Tống Lê Chân. Nguyễn Mô vốn là một chuyên gia về Kinh Thánh. Khi còn là sinh viên của Thánh Kinh Thần Học Viện Nha Trang, chàng trai này đã từng học thuộc lòng bốn sách Phúc Âm và một phần lớn các thư tín của Phao-lô. Không phải ngẫu nhiên mà Chúa cho phép anh vào tù để dạy Kinh Thánh tại đây. Chương trình của Chúa rất kỳ diệu, ai có thể hiểu được! Trước đó Nguyễn Mô đã từng cho rằng mình bị vào tù như thế này quả là bất công, nhưng bây giờ anh thấy Chúa thật khôn ngoan khi quăng anh vào trại cải tạo này. “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay”. Bây giờ Nguyễn Mô đã kinh nghiệm được thế nào là giảng Phúc Âm trong nhà giam. Cùng ở trong lán trại này cũng có các mục sư và truyền đạo khác. Một chiến sĩ thập tự ở đây là một truyền đạo người S’tiêng được các anh em đồng công gọi là Điểu Linh. Những công việc gì khó khăn, tồi tệ nhất trong trại giam đều được dành cho thầy truyền đạo này. Điểu Linh yên lặng quan sát đời sống của Nguyễn Mô với đôi mắt thán phục và nhạy bén giúp đỡ cho đồng đội của mình trong mọi nhu cầu. Nguyễn Mô cũng được khích lệ vì anh em “chiến hữu” cùng giúp đỡ cho nhau để làm chứng nhân cho Chúa. Hai người này hiệp thành một cặp đôi cầu nguyện chung, cùng chia sẻ những gánh nặng với nhau trong nhà tù. Qua chức vụ của họ đã có ít nhất bảy linh hồn trong trại giam trở về cùng Chúa.
“Nếu Năm Mã Tấu đã được quyền năng Chúa chinh phục thì đại bàng Tư Búa cũng có hy vọng kia mà.” Nguyễn Mô nghĩ như vậy và anh âm thầm kiêng ăn cầu nguyện cho linh hồn của người này. Sau những ngày kiêng ăn Nguyễn Mô ốm đi trông thấy, nhưng lạ lùng thay trong anh có một quyền năng siêu nhiên trỗi dậy. Hoàn cảnh sống khắc nghiệt của trại giam với những bữa cơm tù không có gì thay đổi, nhưng anh đã nhìn thấy cảnh vật chung quanh bằng một ánh sáng mới mẻ. Dường như anh đang dự yến tiệc với Chúa mỗi ngày!
Tư Búa thuộc mẫu người “dọc ngang nào biết trên đầu có ai”. Đại bàng này xuất thân từ Chợ Lớn, chuyên bảo kê cho hàng loạt các quán bar, vũ trường ở Quận 5. Là một tay giang hồ khét tiếng từ lúc thiếu niên. Triết lý của Tư Búa là không nghe, không thấy không tin bất kỳ một tôn giáo nào. “Ta là vua trong thế giới của chính ta”, gã anh chị này luôn luôn nghĩ như vậy.
Sau khi biết được Năm Mã Tấu qui đạo. Tư Búa thách thức Nguyễn Mô:
“Thằng truyền đạo kia, mày giảng đạo cho tao nghe xem”.
“Ồ tôi rất mừng khi nghe anh nói như vậy. Chúa Jesus đã chết trên thập tự giá vì tội của anh”.
“Rồi sao nữa?”
“Vì vậy anh đã được tha tội và bây giờ anh được tự do”.
“Thằng này láo, tao bị kết án 30 năm tù vì tội giết người mà mày bảo tao tự do cái gì?”
“Không, anh không được tự do theo nghĩa đó, mà anh được tự do thoát khỏi sự cầm tù của tội lỗi”.
“Tao không hiểu mày nói gì, giữa tao và Chúa của mày không có gì liên quan cả”.
Tư Búa cắt ngang câu chuyện ở đây. Có vẻ như con người này chưa từng khuất phục trước bất cứ ai. Nguyễn Mô không bỏ cuộc, anh đã học được nhiều điều từ cuộc đời của Richard Wurmbrand – một mục sư đầy dẫy Thánh Linh trong nhà tù của Romania trước đây, anh biết tình yêu có thể chinh phục tất cả. Nhà truyền đạo này tiếp tục cầu nguyện cho đại bàng Tư Búa và chờ một cơ hội khác.
Không may cho Tư Búa, chỉ vài tuần lễ sau khi nói chuyện với Nguyễn Mô, đại bàng này lâm trọng bệnh. Một y sĩ của trại giam cho biết anh ta bị ung thư gan và chỉ còn chờ đợi cái chết mà thôi.
Các bạn bè trong nhóm đồng công với Nguyễn Mô hy vọng Tư Búa sẽ mềm lòng và có thể anh ta sẽ yêu cầu các mục sư, truyền đạo cầu nguyện cho căn bệnh nan y và linh hồn của anh ta. Nhưng ngược lại với sự mong đợi của mọi người, trong lúc chờ chết khi sức lực dường như đã cạn kiệt, Tư Búa vẫn có thể nói rõ ràng những lời này với các đàn em trong tù:
“Dù có chết tao cũng không bao giờ nghe lời mấy thằng truyền đạo Tin Lành. Tao không cần chúng nó cầu nguyện cho tao”.
Tư Búa đã tự mình đóng lại cánh cửa Phúc Âm. Chỉ bốn tuần sau đó, anh ta trút hơi thở cuối cùng, những kỷ niệm và quá khứ ngang dọc lẫy lừng của con người này cũng đóng lại. Một đại bàng gãy cánh trong trại giam!
Thấm thoát mà Nguyễn Mô đã vào trại được ba năm. Vào một đêm kia, anh được thông báo từ viên chức quản lý trại giam, anh được trở về với gia đình theo một quyết định bất ngờ từ cấp trên. Anh được hối thúc phải ra xe và đi ngay trong đêm.
Chiếc ô tô bít bùng của trại giam chở Nguyễn Mô từ Tống Lê Chân về đến Sài Gòn lúc năm giờ sáng. Xe chạy đến đúng địa chỉ căn nhà của Nguyễn Mô, một căn nhà nhỏ nằm trong hẻm ở Quận Tân Bình. Chiếc xe bỏ anh xuống, vọt đi và Nguyễn Mô gõ cửa nhà:
“Bà xã ơi anh về đây”.
Từ trong nhà một giọng phụ nữ yếu ớt vọng ra:
“Ai đấy?”
“Anh đây, Nguyễn Mô đây!”
“Lạy Chúa của con, ai đó đừng có trêu chọc tôi”.
“Là anh thật mà, anh từ trại giam về đây”.
Vợ chồng Nguyễn Mô được trùng phùng sau hơn ba năm sống cảnh Ngưu Lang – Chức Nữ. Nước mắt nghẹn ngào, Thu Hiền – vợ Nguyễn Mô không dám tin ở mắt mình. Trước mặt cô là người chồng thân yêu trông gầy đi và sạm đen nhiều, nhưng đôi mắt thì vẫn còn tinh anh lắm.
Phải mất vài tháng sau đó Nguyễn Mô mới có thể hòa nhập trở lại với nếp sống ở thành phố. Các bạn hữu, anh em trong hội thánh ghé tới thăm, họ được nghe Nguyễn Mô nói chuyện về những gì đến với anh trong suốt ba năm qua. Đó là khoảng thời gian đau thương mà thầy truyền đạo này trải nghiệm những bài học thuộc linh quí báu được chính Chúa huấn luyện. Những điều này trong trường Kinh Thánh chưa bao giờ dạy.
Nguyễn Mô được mọi người khắp nơi biết đến sau khi anh trở về. Cũng có một vài giáo sĩ từ bên ngoài bí mật ghé thăm và cầu nguyện cho anh. Những điều này đã có những tác động tích cực trên chức vụ của Nguyễn Mô.
Thời gian trôi qua, vào một buổi chiều kia khi Nguyễn Mô đang dừng lại trước một sạp báo ven đường Trần Quang Diệu thì anh chợt trông thấy Năm Mã Tấu. Khác với dáng vẻ dao búa ngày xưa, Năm Mã Tấu bây giờ đang đạp xích lô với khuôn mặt hồ hởi, đạp xe tới gần Nguyễn Mô:
“Ồ, chào thầy truyền đạo. Tôi mới trở về 2 tuần nay và thuê chiếc xích lô này hành nghề để kiếm cơm”.
“Chúc mừng anh đã ra khỏi trại giam. Đời sống tâm linh theo Chúa như thế nào rồi?”
“Rất tuyệt vời. Tôi đã được Chúa biến đổi từ trong nhà tù. Bây giờ ra khỏi tù tôi là một người hoàn lương đúng nghĩa. Ngày xưa tôi nói chuyện bằng dao kiếm với mọi người, ngày nay tôi có gươm của Đức Thánh Linh là Lời của Đức Chúa Trời để tham gia một chiến trận mới”.
“Chiến trận gì?”
“Chiến trận thuộc linh, đây nè thầy không nhớ sao: Vì chúng ta đánh trận, chẳng phải cùng thịt và huyết, bèn là cùng chủ quyền, cùng thế lực, cùng vua chúa của thế gian mờ tối nầy, cùng các thần dữ ở các miền trên trời vậy. Vậy nên, hãy lấy mọi khí giới của Đức Chúa Trời, hầu cho trong ngày khốn nạn, anh em có thể cự địch lại, và khi thắng hơn mọi sự rồi, anh em được đứng vững vàng….. Cũng hãy lấy sự cứu chuộc làm mão trụ, và cầm gươm của Đức Thánh Linh, là Lời Đức Chúa Trời. Hãy nhờ Đức Thánh Linh, thường thường làm đủ mọi thứ cầu nguyện và nài xin…”.
Năm Mã Tấu bây giờ là Năm Xích Lô đọc thuộc lòng một mạch các câu Kinh Thánh trong sách Ê-phê-sô làm cho Nguyễn Mô ngạc nhiên.
“Anh giỏi quá, điều gì đã khiến anh học thuộc Kinh Thánh như vậy?”
“Thầy không nhớ sao, đoạn Kinh thánh này thầy đã từng dạy tôi trong nhà tù trước đây. Bây giờ chạy xích lô tôi vẫn có một quyển Tân Ước của Hội Ghê-đê-ôn để theo xe. Mỗi lần chờ khách tôi thường ghé vào một bóng cây nào đó đọc một đoạn Kinh Thánh, rồi dựa vào đó mà cầu nguyện. Cái này hồi còn trong tù thầy dạy tôi là cầu nguyện theo Lời. Tôi áp dụng từ đó tới giờ và cảm nhận được tình yêu của Chúa quá tuyệt”.
Nguyễn Mô thầm tạ ơn Chúa, Chúa đã dùng anh để gieo hạt giống Phúc Âm trong nhà tù, và hạt giống đó đang nẩy mầm, có tiềm năng để phát triển thành một cây lớn…
Đèn đường của thành phố cũng vừa được thắp sáng lên sau khi hai anh em gặp lại nhau. Năm Xích Lô đạp chiếc xe chạy đi thong dong, vững vàng trên đường phố, Nguyễn Mô rồ máy chiếc Cub cánh én. Mỗi người đi một ngã khác nhau nhưng trong lòng họ lâng lâng một niềm vui chung: niềm vui của sự cứu rỗi.
DAVID LINH ÂN
Không có mô tả ảnh.

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên