Trang Chủ TRANG CHỦ Coronavirus Và Phản Ứng Của Chúng Ta

Coronavirus Và Phản Ứng Của Chúng Ta

641
0
SHARE

CORONAVIRUS  VÀ PHẢN ỨNG CỦA CHÚNG TA

 

John Calvin, “Tất cả chúng ta được sinh ra trong sự truyền nhiễm của tội lỗi.”

 

Có một số điều chúng ta không muốn nghĩ đến. Có một điều gì đó phổ biến đối với nhân loại của chúng ta là có ác cảm mạnh mẽ với một số chủ đề nhất định. Chúng ta tránh chúng như tránh bệnh dịch. Những thứ như đi khám bác sĩ, mất việc làm, xung đột gia đình, đóng thuế, lấy tủy răng, và tất nhiên, tệ nhất là cái chết… Danh sách này có thể thay đổi một chút ở mỗi người, nhưng tất cả chúng ta đều có những điều mà bản thân tránh nghĩ đến.

 

Một điều khiến hầu hết mọi người không muốn nghĩ đến là bệnh tật, hay một loại virus chết người nào đó. Rốt cuộc, có ai muốn dành ngày này qua ngày khác trong nhiều tháng để nghe về một loại virus, nghĩ về virus và tránh nhiễm virus? Không ai cả.

 

Tuy nhiên, khi coronavirus lan ra khắp thế giới, đạt đến đại dịch (và dự đoán là chưa đến hồi kết). Tất cả chúng ta đều bận tâm đến sự lây lan đó, bị nó cuốn hút, bị ám ảnh vì sự bùng phát trên toàn cầu. Do những tình huống xảy ra ngoài tầm kiểm soát của con người, chúng ta buộc phải suy nghĩ về một vi sinh vật mà chúng ta thường không dành thời gian để xem xét: một loại virus nhỏ bé.

Tất cả chúng ta đều bị ràng buộc phải đương đầu với một thực tế không mấy tốt đẹp hiện nay.

Còn một đề tài khác mà hầu hết mọi người né tránh như tránh bệnh dịch. Nó có lẽ thậm chí còn ít phổ biến hơn virus. Nó là gì? Tội lỗi. Con người không thích nghĩ về tội lỗi. Đặc biệt là của riêng họ. Tôi không thích, và bạn cũng không. Dành quá nhiều thời gian để tập trung vào tội lỗi có thể khiến bạn vô cùng chán nản. Ai muốn kiểm tra tội lỗi, các thất bại và thiếu sót? Chúng ta muốn nghĩ về bản thân theo một cách tích cực hơn. Tội lỗi chưa bao giờ là một chủ đề phổ biến, và điều đó ngày nay không được nói đến nhiều hơn. Thậm chí nhiều nhà thờ không bao giờ đề cập đến chữ “TỘI LỖI” vì sợ xúc phạm một ai đó.

Nhưng cũng giống như đại dịch COVID-19 buộc tất cả chúng ta phải tập chú vào điều gì đó mà chúng ta muốn né tránh. Vì vậy nó đã thúc đẩy nhiều người trong chúng ta kiểm soát lại cuộc sống của mình và suy nghĩ về mối quan hệ của chúng ta với Đức Chúa Trời. Những thời điểm khủng hoảng, có thể đem tới những lợi ích to lớn cho những người sẽ nắm lấy cơ hội này để suy ngẫm các bài học quan trọng. Khi cuộc sống của mọi người trở nên chậm lại đáng kể vào đầu năm 2020, có rất nhiều thời gian để dừng lại và suy nghĩ về những điều quan trọng nhất. Nhiều cơ hội hơn để suy nghĩ một cách trung thực và cởi mở về tội lỗi và nhu cầu cần được tha thứ của chúng ta.

Virus và tội lỗi. Hai điều chúng ta tránh né. Hai điều mà một số người đang nghĩ đến. Hai điều này có những điểm giống nhau.

 

Tội lỗi và virus

Tội lỗi được so sánh với nhiều điều trong Kinh thánh. Tội lỗi giống như men ở chỗ nó lan rộng và thấm vào môi trường chung quanh. Tội lỗi giống như bệnh phong vì nó gây ô nhiễm và khó lòng chữa khỏi. Tội lỗi giống như hạt giống, một khi được gieo trồng, sẽ mang lại một mùa thu hoạch cay đắng. Tội lỗi cũng giống như một căn bệnh cần được chữa khỏi. Chúa Giê-su nói, “Không phải người khỏe mạnh mới cần bác sĩ, nhưng là người có tội. Ta không đến để kêu gọi người công bình, mà là kẻ có tội” (Mác 2:17). Với bức tranh này, chúng ta hãy xem xét một số so sánh và đối lập giữa coronavirus và tội lỗi, sau đó mở rộng tấm lòng và tâm trí để đón nhận những gì Chúa muốn dạy chúng ta.

Giống Nhau Giữa Virus Và Tội Lỗi

Có một số điểm tương đồng thú vị giữa coronavirus và tội lỗi. Giống như một loại virus, tội lỗi là vô hình.

Giống như một loại virus, tội lỗi có các triệu chứng. Virus cũng có triệu chứng biểu hiện ra bên ngoài hoặc không. Tội lỗi luôn có những triệu chứng khủng khiếp.

Giống như một loại virus, tội lỗi đến từ sâu bên trong. Giống như một loại virus, tội lỗi là có thật. Nó có thể được xác minh và chẩn đoán. Như Reinhold Niebuhr đã từng nói “Giáo lý về nguyên tội – tội của tổ phụ loài người là học thuyết Cơ Đốc duy nhất có thể kiểm chứng một cách thực tế.”

Giống như một loại virus, tội lỗi làm suy yếu chúng ta và ngăn cách chúng ta với những người khác. Giống như nhiều loại virus, tội lỗi mang đến sự chết hoặc bị xa cách khỏi Đức Chúa Trời. “Tiền công của tội lỗi là sự chết” (Rô-ma 6:23).

Giống như một loại virus, tội lỗi lây lan. Đó là một đại dịch toàn cầu. Nó truyền từ cha mẹ sang con cái và người này sang người khác.

 

Giống như nhiều loại virus, tội lỗi không có cách chữa khỏi cho con người. Chúng ta không thể chữa khỏi virus tội lỗi bằng những việc làm tốt, đến nhà thờ, thực hành các nghi lễ tôn giáo. Kinh Thánh nói rõ rằng không có nỗ lực nào của con người có thể xóa bỏ tội lỗi. Chúng ta bất lực trong việc tự chữa trị. Và chỉ có một giải pháp cho điều này: “Thật vậy, khi chúng ta còn yếu đuối, Đấng Christ đã theo kỳ hẹn chịu chết vì kẻ có tội” (Rô-ma 5:6).

Khác Nhau Giữa Virus Và Tội Lỗi

Cũng có những khác biệt quan trọng giữa virus và tội lỗi. Không giống như một loại virus chỉ ảnh hưởng đến một số người nhất định, tội lỗi được truyền đến tất cả mọi người. Ngay cả trong trận đại dịch tồi tệ nhất cách đây một thế kỷ, nhiều người vẫn thoát khỏi sự lây nhiễm của virus. Cụ thể là dịch cúm Tây Ban Nha tàn khốc đã lây nhiễm cho khoảng một nửa số người trên trái đất vào đầu thế kỷ XX, nhưng vẫn có một số người được miễn trừ. Nhưng tội lỗi không phải như vậy. Không có giãn cách xã hội hoặc biện pháp rửa tay nào, hoặc vệ sinh khoang mũi… có thể giúp bạn. Tất cả mọi người đều có tội lỗi. Trẻ và già, giàu và nghèo, có giáo dục và ít học, khôn ngoan và dại dột. Tỷ lệ lây nhiễm tội lỗi là 100 phần trăm. Không ai được miễn nhiễm. Không có vaccine cho nó. “Vì mọi người đều đã phạm tội và thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời” (Rô-ma 3:23). Nhà thần học người Đức Dietrich Bonhoeffer đã viết trong cuốn sách Sáng tạo và sụp đổ rằng chúng ta đang sống trong một “thế giới sa ngã và sụp đổ.”

Không giống như virus, ai cũng bị lây nhiễm tội lỗi.  Một số người nhiễm coronavirus nhưng không có triệu chứng rõ ràng. Nhưng tội lỗi thể hiện trong thái độ và hành động của chúng ta. Bạn không thể che giấu các triệu chứng/hành vi xấu bên ngoài.

 

Không giống như virus, tội lỗi mang đến sự phán xét của Đức Chúa Trời. Virus có thể giết chết thể xác, nhưng tội lỗi giết chết linh hồn.

 

Không giống như virus, tội lỗi có tỷ lệ chữa khỏi 100% với điều kiện sử dụng đơn thuốc thích hợp được Đức Chúa Trời cung ứng.

Không giống như virus, tội lỗi có thể được chữa khỏi vĩnh viễn. Đó là tin mừng cho tất cả chúng ta bị nhiễm đại dịch tội lỗi. Có hy vọng. Có một cách chữa trị. Cách đó đang có sẵn.

 

CHỮA TRỊ HOÀN TOÀN

Vào năm1965, khi tròn 6 tuổi, tôi ngồi với cha mẹ trong phòng khách của một ngôi nhà nhỏ  và nghe Mục Sư Billy Graham giảng trên một chiếc tivi đen trắng mười ba inch  trong một chiến dịch  truyền giáo tại một sân vận động lớn ngoài trời. Chiến dịch truyền giảng được phát trực tiếp trên truyền hình địa phương bốn đêm liên tiếp. Đó là đêm cuối cùng. Như mọi khi, Graham trung tín công bố phúc âm của Chúa Giê-su Christ và đưa ra lời mời cho tất cả những ai tiếp nhận ơn cứu rỗi của Đấng Christ thay thế cho tội lỗi của họ. Tối hôm đó, khi ông ấy kêu gọi khán giả tin nhận Chúa Giê-su Christ và sự tha thứ tội lỗi của Ngài, tôi về phòng và quỳ xuống. Với một đức tin đơn sơ của trẻ thơ, tôi đã tiếp nhận Chúa Giê-xu và sự ban tặng của Ngài về sự sống đời đời. Nói một cách đơn giản nhất, ngay cả khi còn là một cậu bé, tôi đã nhận ra rằng tôi đã gặp một vấn đề mà tôi không bao giờ có thể tự mình khắc phục được. Tôi biết tôi cần một Đấng Cứu thế. Tôi cần một người trả giá đền tội thay thế cho tôi. Tôi nhớ Billy Graham nói như thế này:

Tội lỗi là điều nghiêm trọng nhất mà con người sẽ phải đối mặt. Tội lỗi là một loại virus thuộc linh xâm chiếm toàn bộ con người chúng ta. Nó làm cho chúng ta yếu kém về mặt đạo đức và tâm linh. Đó là một căn bệnh chết người lây nhiễm vào mọi bộ phận của chúng ta: cơ thể, tâm trí, cảm xúc, các mối quan hệ, động cơ của chúng ta… Bản thân chúng ta không có đủ sức mạnh để vượt qua nó …. Tội lỗi là vật cản đường lớn, nhưng huyết của Đấng Christ là chất tẩy rửa tuyệt vời. Chúng ta không cần phải bị hủy phá nữa bởi căn bệnh tội lỗi vì Đức Chúa Trời đã cung cấp phương thuốc chữa trị. “Huyết của Chúa Giê-su, Con Ngài … tẩy sạch mọi tội chúng ta” (1 Giăng 1:7)

Với tất cả những gì đang diễn ra trong thế giới của chúng ta ngày nay, có lẽ bạn đã suy nghĩ nhiều hơn về tình trạng tâm linh của mình và cuộc sống sắp tới? Chúa Giê-su là phương thuốc chữa khỏi bệnh dịch lây nhiễm vào tâm hồn bạn. Chúa Giê-su là con đường dẫn đến Đức Chúa Trời và thiên đàng. Chúa Giê-su đã nhận toàn bộ tác động của virus tội lỗi đối với chúng ta qua sự chết và phục sinh của Ngài. Ngài đã nhận lấy tất cả. Chúa Giê-su sẽ tẩy sạch tội lỗi của bạn nếu bạn nhận Ngài làm Cứu Chúa, Đấng chết thay cho chúng ta trên thập giá để đền tội cho tôi và bạn.

 

Có một bài hát ngắn mà tôi đã nghe cách đây nhiều năm tóm tắt tin tốt lành của phúc âm:

SỐNG LÀ TẠM THỜI, CHẾT LÀ CHẮC CHẮN;

TÔI LỖI LÀ NGUYÊN NHÂN, CHRIST LÀ ĐẤNG CHỮA LÀNH.

 

BẠN PHẢI TIẾP NHẬN TIN MỪNG

Khi tôi còn là một cậu bé, một giáo viên Kinh Thánh nổi tiếng từ thành phố Kansas là Tiến Sĩ Walter Wilson thường đến giảng dạy tại nhà thờ của chúng tôi. Tôi luôn thích những thông điệp rõ ràng, hài hước của ông. Ông là một bác sĩ y khoa mà Chúa đã sử dụng để giảng dạy Kinh Thánh và chia sẻ phúc âm với mọi người ở mọi nơi ông đến. Có hàng tá câu chuyện đáng kinh ngạc về những cuộc gặp gỡ của ông với nhiều người khác nhau và sự dũng cảm của ông trong việc truyền đạt phúc âm cho họ bằng những từ ngữ đơn giản.

 

Một chuyện thú vị xảy ra khi Tiến sĩ Wilson đang giảng trong một nhà thờ vào một buổi tối Chủ nhật. Trong thông điệp của mình, Tiến sĩ Wilson đã so sánh tội lỗi với một căn bệnh hoặc virus. Ông ta kể chi tiết về tất cả các cách thức tội lỗi và virus đều giống nhau khi chúng hoạt động. Khi kết thúc thông điệp, ông muốn mọi người hiểu về cách chữa trị tội lỗi. Ông ấy chỉ ra rằng khi chúng ta bị bệnh, chúng ta đến gặp bác sĩ và nhận được đơn thuốc để chữa khỏi bệnh.

Sau đó ông ấy hỏi, “Liệu các viên thuốc có tốt cho các bạn không?”

Có một khoảng thời gian dài im lặng đến khó chịu. Sau đó Wally, một thanh niên trong hội thánh hét lên, “Không, trừ khi tôi uống các viên thuốc đó!”

 

Tiến sĩ Wilson nói, “Đúng vậy. Sẽ không có ích gì nếu bạn không bao giờ uống chúng.”

Tôi nhận thấy câu chuyện này rất đơn giản, nhưng nó mang lại thông điệp thiết yếu rằng lẽ thật của phúc âm phải được cá nhân đón nhận. Quyền năng chữa lành của phúc âm phải được thực hiện để có hiệu lực. Vì phúc âm mang lại sự sống và giải phóng, bạn phải đón nhận nó cách cá nhân để nhận được những lợi ích của nó. Bạn phải tiếp nhận.

Bạn đã tiếp nhận phương thuốc của phúc âm?

Có thể bạn hoặc tôi bị nhiễm virus corona. Có thể bạn đã dương tính với nó. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu bạn bị nhiễm virus này cách đây vài tuần hoặc lâu hơn? Và khi các triệu chứng ngày càng tồi tệ hơn, bạn phát hiện ra rằng đã có cách chữa trị. Chắc chắn là bạn sẽ nhanh chóng tiếp nhận cách chữa trị đó.
Đây là một điều chắc chắn. Virus TỘI LỖI đã có cách chữa trị. Bạn sẵn sàng chưa?

 

Tất nhiên bạn sẽ sẵn lòng tiếp nhận. Ai lại ngu ngốc đến mức từ chối một phương pháp chữa trị an toàn, đặc biệt là một phương pháp ấy hoàn toàn miễn phí? Tuy nhiên, đó là những gì hàng triệu người đã làm khi họ từ chối lời đề nghị miễn phí về sự sống vĩnh cửu và sự tha thứ qua Chúa Giê-su Christ. Không nghi ngờ gì nữa, có rất nhiều lý do giải thích cho điều này. Có lẽ họ cứ gác lại, đợi một thời gian sau. Có thể họ không thực sự tin rằng căn bệnh TỘI LỖI này có thể gây tử vong (chết đời đời). Có thể họ hy vọng họ có thể tìm thấy một cách chữa trị khác. Có thể họ nghĩ rằng họ có thể tự chữa khỏi.  Sẽ có nhiều lời bào chữa!

 

Diễn viên kịch nói W. C. Fields nổi tiếng, trước khi anh qua đời, một người bạn đến thăm Fields trong bệnh viện và ngạc nhiên khi thấy anh đang lật giở một cuốn Kinh Thánh. Khi được hỏi anh ta đang làm gì với một cuốn Kinh Thánh, Fields trả lời: “Tôi đang tìm các lỗi của Kinh Thánh.”

 

Nhưng không có lỗi nào ở đó, chỉ có Chúa Giê-su. Cách duy nhất để được chữa khỏi và tẩy sạch tội lỗi là nhờ Chúa Giê Su.

Không có lời nói thần kỳ nào mang lại sự cứu rỗi; đó là một vấn đề của tấm lòng. Nhưng một lời cầu nguyện đơn giản như thế này, nếu được nói một cách chân thành, sẽ đến tai Đức Chúa Trời và lay động cánh tay Ngài cứu bạn.

 

Thưa Cha thiên thượng, con biết mình là một tội nhân. Con biết con không thể tự cứu mình, con cần một Đấng Cứu Rỗi. Con tin rằng Chúa Giê-xu là Đấng Cứu Rỗi mà con cần. Con tin rằng Ngài đã chết trên thập tự giá thay cho con và sống lại từ cõi chết vào ngày thứ ba. Xin Chúa tha thứ cho mọi tội lỗi của con — quá khứ, hiện tại và tương lai. Con tin cậy nơi Ngài và tiếp nhận Ngài ngay bây giờ làm Đấng Cứu Rỗi của riêng con, Đấng đã trả giá hình phạt cho tội lỗi của con. Cảm ơn Ngài đã đưa con vào gia đình Ngài và khiến con trở thành con của Ngài mãi mãi. Trong danh Chúa Giê-su. Amen.

 

CÁNH TAY ĐÓN BẮT

Henri Nouwen là một linh mục Công giáo người Hà Lan. Cách đây nhiều năm tại Đức, anh gặp một nhóm nghệ sĩ xiếc có tên là Flying Rodleighs (lấy tên của người thành lập nhóm) và trở thành bạn của người nhóm trưởng. Nouwen thích thể thao và tính nghệ thuật của những người bay biểu diễn trong nhóm xiếc.

Một ngày nọ khi Nouwen ngồi với thủ lĩnh Rodleigh nói chuyện về việc bay, Rodleigh nói:

-Với tư cách là một người bay, tôi phải hoàn toàn tin tưởng vào người bắt của mình. Công chúng có thể nghĩ rằng tôi là ngôi sao vĩ đại của hành động này, nhưng ngôi sao thực sự là Joe, người bắt tôi. Anh ấy phải ở đó với tôi với độ chính xác trong tích tắc và tóm lấy tôi trong không trung khi tôi bay đến với anh ấy trong một bước nhảy xa.

-Làm thế nào để hai người phối hợp với nhau? Nouwen hỏi lại.

-Bí mật. Người bay không làm gì và người đón bắt làm mọi thứ.

 

-Anh không làm gì cả!

-Không có nhiều việc phải làm. Điều tồi tệ nhất mà người bay có thể làm là cố gắng nắm lấy người đón bắt. Tôi không được bắt Joe. Nhiệm vụ của Joe là phải bắt được tôi. Nếu tôi nắm cổ tay của anh ấy, tôi có thể bẻ gãy chúng, hoặc anh ta có thể bẻ gãy cổ tay của tôi, và điều đó sẽ là kết thúc cho cả hai chúng tôi. Người bay phải bay, và người bắt phải bắt, và người bay phải tin tưởng rằng người đón bắt của mình sẽ ở đó vì mình.

 

Nếu bạn chưa bao giờ làm như vậy, hãy đưa tay ra và để Chúa làm công việc đón bắt của Ngài. Cùng một bàn tay đã vươn ra để cứu Phi-e-rơ hòng sụp xuống nước sẽ vươn tới bạn. Ngài sẽ chạm vào bạn, Ngài sẽ đón bắt bạn, và bạn được cứu.

 

Mark Hitchcock
Translated by Tuong Vi

Trích từ sách CORONA CRISIS

 

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên