Trang Chủ LỜI CHỨNG CÁ NHÂN Cộng Tác Trồng Cây Trồng Người

Cộng Tác Trồng Cây Trồng Người

602
0
SHARE

TRỒNG CÂY TRỒNG NGƯỜI

Kinh Thánh: 1 Cô-rinh-tô 3: 5-9.

Thế thì, A-bô-lô là ai, và Phao-lô là ai? Ấy là kẻ tôi tớ, mà bởi kẻ đó anh em đã tin cậy, y theo Chúa đã ban cho mọi người.  Tôi đã trồng, A-bô-lô đã tưới, nhưng Đức Chúa Trời đã làm cho lớn lên.  Vậy, người trồng, kẻ tưới, đều không ra gì, song Đức Chúa Trời là Đấng làm cho lớn lên. Người trồng, kẻ tưới, đều bằng nhau; ai nấy sẽ nhận phần thưởng tùy theo việc mình đã làm. Vả, chúng tôi là bạn cùng làm việc với Đức Chúa Trời…

Lời mở đầu…

Hãy cùng tôi tưởng tượng về khung cảnh thế giới ban đầu lúc Đức Chúa Trời dựng nên trời đất. Chúng ta thấy gì trên thế giới ? Chúng ta thấy …

Vả, lúc đó, chưa có một cây nhỏ nào mọc ngoài đồng, và cũng chưa có một ngọn cỏ nào mọc ngoài ruộng, vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời chưa có cho mưa xuống trên đất, và cũng chẳng có một người nào cày cấy đất nữa.  Song có hơi nước dưới đất bay lên tưới khắp cùng mặt đất. Sáng thế ký 2:6

Đức Chúa Trời lại phán rằng: Đất phải sanh cây cỏ; cỏ kết hột giống, cây trái kết quả, tùy theo loại mà có hột giống trong mình trên đất; thì có như vậy.  Đất sanh cây cỏ: Cỏ kết hột tùy theo loại, cây kết quả có hột trong mình, tùy theo loại. Đức Chúa Trời thấy điều đó là tốt lành. Sáng thế ký 1: 11-12

Đoạn, Giê-hô-va Đức Chúa Trời lập một cảnh vườn tại Ê-đen, ở về hướng Đông, và đặt người mà Ngài vừa dựng nên ở đó.  Giê-hô-va Đức Chúa Trời khiến đất mọc lên các thứ cây đẹp mắt, và trái thì ăn ngon; giữa vườn lại có cây sự sống cùng cây biết điều thiện và điều ác.

Một con sông từ Ê-đen chảy ra đặng tưới vườn; rồi từ đó chia ra làm bốn ngả.  Tên ngả thứ nhứt là Bi-sôn; ngả đó chảy quanh xứ Ha-vi-la, là nơi có vàng.  Vàng xứ nầy rất cao; đó lại có nhũ hương và bích ngọc.  Tên sông thứ nhì là Ghi-hôn, chảy quanh xứ Cu-sơ.  Tên sông thứ ba là Hi-đê-ke, chảy về phía đông bờ cõi A-si-ri. Còn sông thứ tư là sông Ơ-phơ-rát.

Giê-hô-va Đức Chúa Trời đem người ở vào cảnh vườn Ê-đen để trồng và giữ vườn.  Rồi, Giê-hô-va Đức Chúa Trời phán dạy rằng: Ngươi được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn; 17 nhưng về cây biết điều thiện và điều ác thì chớ hề ăn đến; vì một mai ngươi ăn, chắc sẽ chết.

Nhưng loài người đã phạm tội và điều gì đã xảy ra?

Giê-hô-va Đức Chúa Trời phán rằng: Nầy, về sự phân biệt điều thiện và điều ác, loài người đã thành một bực như chúng ta; vậy bây giờ, ta hãy coi chừng, e loài người giơ tay lên cũng hái trái cây sự sống mà ăn và được sống đời đời chăng.  Giê-hô-va Đức Chúa Trời bèn đuổi loài người ra khỏi vườn Ê-đen đặng cày cấy đất, là nơi có người ra.  Vậy, Ngài đuổi loài người ra khỏi vườn, rồi đặt tại phía đông vườn Ê-đen các thần chê-ru-bim với gươm lưỡi chói lòa, để giữ con đường đi đến cây sự sống. Sáng Thế Ký 3:22-24.

Bây giờ chúng ta hãy tưởng tượng đến tương lai khi Đức Chúa Trời lập lên trời mới đất mới cho chúng ta. Những người tin Chúa, theo Chúa. Chúng ta sẽ thấy gì ?

Thiên sứ chỉ cho tôi xem sông nước sự sống, trong như lưu ly, từ ngôi Đức Chúa Trời và Chiên Con chảy ra.  Ở giữa phố thành và trên hai bờ sông có cây sự sống trổ mười hai mùa, mỗi tháng một lần ra trái; và những lá cây đó dùng để chữa lành cho các dân.  Chẳng còn có sự nguyền rủa nữa; ngôi của Đức Chúa Trời và Chiên Con sẽ ở trong thành; các tôi tớ Ngài sẽ hầu hạ Ngài; chúng sẽ được thấy mặt Chúa, và danh Chúa sẽ ở trên trán mình. Đêm không còn có nữa, và chúng sẽ không cần đến ánh sáng đèn hay ánh sáng mặt trời, vì Chúa là Đức Chúa Trời sẽ soi sáng cho; và chúng sẽ trị vì đời đời.

  1. CHÚA THÍCH TRỒNG CÂY

Đức Chúa Trời đang dạy loài người bài học quay về với thiên nhiên, cây cối, vườn hoa, rừng cây, màu xanh sự sống… Đức Chúa Trời mới dạy tôi bắt đầu thói quen trồng cây, tưới cây và qua đó Chúa cũng dạy tôi về nghệ thuật trồng người.

Trước khi dựng nên loài người Chúa đã trồng cây, trồng vườn, trồng rừng và Chúa đã đặt loài người trong vườn gần cây, nhờ cây để sống. Chúa dùng cây để dạy và giao việc quản trị thế giới cho loài người. Chúa cũng dùng cây để thử thách đức tin của loài người. Cây có công dụng làm cho người và vật no nê; cây: bảo vệ, cây: bóng mát, và cây: chữa lành.

Cây là sinh vật duy nhất sống lâu và sống lại. Hiện ở Mỹ có mấy cây sống đến 4,000 năm. Cây ở California có thể sống đến ngàn năm và Chúa muốn loài người cũng sống lâu như cây. Cây có cần cho sự sống của thế giới và loài người. Không có cây đất sẽ thành sa mạc, giống như mặt trăng và hỏa tinh.

Vì không vâng lời Chúa dạy giống như cây biết vâng lời, loài người đã bị đuổi khỏi vườn cây, không được sống gần cây sự sống.

Đức Chúa Trời đã sai Con Ngài đến thế gian để mở cho loài người giải pháp trở lại với khu vườn có cây sống ban đầu. Vườn Eden sẽ tìm lại được với ân điển Chúa và thời điểm của Chúa. Nhờ Chúa Jesus loài người có hy vọng đến gần cây sự sống.

  1. CHÚA THÍCH TRỒNG NGƯỜI

Trước mắt Đức Chúa Trời cây rất quý, rất có giá trị, cây có chỗ đứng quan trọng không thể thay thế, và Đức Chúa Trời vẫn tiếp tục trồng cây tưới cây cho quả đất nầy. Đức Chúa Trời rất quý loài người và Ngài cũng muốn loài người đồng trị với Ngài mãi mãi giữa thế giới đầy cây xanh, cây sống, cây đẹp, cây sạch. Cây tuyệt đối vâng lời Chúa, giữ gìn luật pháp của Chúa, nhưng loài người thì không chịu và Đức Chúa Trời đang chọn người và trồng người cho đầy đủ và thích hợp với gia đình của Chúa và nước của Chúa.

Chúa thích trồng cây và tưới cây thể nào, Chúa thích trồng người và làm cho người lớn lên để có kết quả thể ấy.

Theo Kinh Thánh Đức Chúa Trời đã chọn và dùng Áp-ra-ham và gia đình dòng dõi của ông. Đức Chúa Trời đã chọn vua Đa-vít và dòng dõi vua Đa-vít. Đức Chúa Trời dùng Chúa Jesus và những người theo Ngài. Chúa đang trồng người. Một tiến trình lâu dài. Trồng người rất giống trồng cây.

  1. Bí quyết sự sống là kết quả Chúa muốn.
  2. Bí quyết kết quả là ở trong Chúa,
  3. Bí quyết ở trong Chúa là vâng lời Chúa,
  4. Bí quyết vâng lời Chúa là yêu Chúa,
  5. Bí quyết yêu Chúa là biết Chúa.

Mỗi Mục Sư và Cơ đốc nhân phải biết Chúa là ai, Chúa đã làm gì cho chúng ta và Chúa muốn chúng ta làm gì?

Giống như trồng tưới một cây, mỗi người phải làm trọn nhiệm vụ và mục đích của mình. Mỗi cây dù tính chất cách khác nhau nhưng đều có một mục đích giống nhau là làm vinh hiển Chúa. Thế giới có hàng triệu loại cây khác nhau. Mỗi cây có vẻ đẹp và giá trị khác nhau. Mỗi cây phải sống trung thành với mục đích Chúa giao cho mình.

Cây cần được gieo trồng và cần được tưới bón theo thời gian. Cây có đức tính kiên trì, nhẩn nại và bền bỉ. Không một cây nào tự ý bỏ cuộc. Cây cần trồng, cây cần tưới. Cây không muốn thay đổi bản chất cây. Cây cần được lớn lên để có kết quả. Kết quả là trái cây để ăn, kết quả là hoa để làm đẹp, kết quả là tàn cây che bóng mát, kết quả là cây hấp thụ thán khí và thở ra dưỡng khí cho người và cho vật. Chúa vẫn tiếp tục làm việc của Ngài. Loài người cũng đang làm việc Chúa giao. Làm việc Chúa giao là một vinh dự.

Công việc của loài người dù cho sang trọng đến đâu, tinh vi đến đâu, văn minh đến đâu… vẫn không thể so sánh với công việc kỳ diệu đẹp đẻ của Đức Chúa Trời. Chúa Jesus đã diễn tả sự thật nầy trong chỉ một câu nói,

Hãy ngắm xem những hoa huệ ngoài đồng mọc lên thể nào; chẳng làm khó nhọc, cũng không kéo chỉ; nhưng ta phán cùng các ngươi, dẫu vua Sa-lô-môn sang trọng đến đâu, cũng không được mặc áo tốt như một hoa nào trong giống đó. (Ma-thi-ơ 6:28-29).

  1. CHÚNG TA LÀ BẠN CÙNG LÀM VIỆC VỚI ĐỨC CHÚA TRỜI.

Chúa muốn loài người hãy cùng làm việc với Chúa. Kinh Thánh gọi đó là sự đồng công. Chúng ta không ai có thể làm việc Chúa giao một mình. Chúng ta cần hiệp tác với người khác. MỖI NGƯỜI CHÚNG TA HÃY THAM GIA TRỒNG VÀ TƯỚI tùy sức và tùy việc Chúa giao ĐỂ CHÚA LÀM CHO LỚN LÊN. CẢ CÂY THẬT VÀ NGƯỜI THẬT.

Người trồng, kẻ tưới, đều bằng nhau; ai nấy sẽ nhận phần thưởng tùy theo việc mình đã làm.

Sứ đồ Phao-lô tự ví mình như người trồng và A-bô-lô là người tưới trong khu vườn thánh của Chúa tại thành phố Cô-rinh-tô. Tôi gọi đây là KHU VƯỜN THÂN ÁI. Mục Sư Lê Vinh Thành gọi đây là KHU VƯỜN NHÂN ÁI. Một người khác có thể gọi đây là KHU VƯỜN THIÊN ÁI. Mỗi Hội Thánh là một KHU VƯỜN THÂN ÁI, nơi con dân Chúa đến gặp Chúa để thờ phượng và thông công, mỗi ngày hay mỗi tuần. Bài hát thường nhật của chúng ta sẽ là:

Tôi đến khu vườn một mình mỗi khi kêu cầu, Ngày ngày cùng Jesus ngồi giao thông với nhau. Đây chốn tỉnh tâm linh hồn tôi thật an bình, vườn thân ái tươi đẹp muôn màu. Đây nơi công viên Jesus luôn tìm gặp tôi. Êm ái thay chốn tôi ngồi bên chân Jesus. Nơi đó tâm hồn tôi được nghỉ ngơi hoàn toàn. Vườn thân ái tươi đẹp muôn màu.  (Bài 142).

Phao-lô và A-bô-lô đều là hai nhân vật quan trọng góp phần cho sự lớn lên của Hội Thánh Cô-rinh-tô. Phao-lô có tánh khiêm nhường và ông muốn dạy chúng ta giữ đức khiêm nhường mặc dù chúng ta được Chúa ban ân tứ để trồng hay để tưới. Chính Đấng làm cho cây sống và lớn lên mới quan trọng. Chúa đáng được tôn vinh và khen ngợi.

Mục đích của đời sống chúng ta là làm vinh hiển danh Chúa và vui hưởng chính mình Ngài mãi mãi.

Áp-dụng :

Tôi muốn đề nghị mỗi ông bà anh chị em tham gia ngay, không mệt mỏi và không trì hoản nhiệm vụ trồng cây và trồng người cho gia đình và cho Hội Thánh. Mỗi người hãy trồng cây và mỗi Hội Thánh hãy trồng cây. Hãy tưởng tượng nếu mỗi nhà trung tín dâng cho Chúa mỗi năm một cây. Hãy trồng cây tưới cây trước hết ở nhà mình. Rồi sau đó hãy góp phần làm đẹp nhà Chúa. Nhà Chúa sẽ đầy cây, đầy trái và đầy bóng mát. Đức Chúa Trời đang trông đợi và sẵn sàng ban thưởng cho mỗi người chúng ta trong công việc cao quý và kỳ diệu nầy. Việc trồng và tưới liên quan đến sự sống. Tôi thích làm việc nầy trong tinh thần và tiêu chuẩn : 1. SỐNG ĐỘNG; 2. SÁNG TRONG; 3. SẠCH SẼ; 4. SÂU SẮC; 5. SIÊNG NĂNG.

SỐNG, SÁNG, SẠCH, SÂU SẮC, SIÊNG…Tôi tin rằng việc TRỒNG CÂY VÀ TƯỚI CÂY là một trong những công việc SANG TRỌNG nhất Chúa giao.

Tôi thích lời Chúa Jesus nhắc nhở chúng ta trong Sách Phúc Âm Ma-thi-ơ :

Các ngươi nghĩ làm sao? Một người kia có hai đứa con trai; nói cùng đứa thứ nhứt, mà rằng: Con ơi, bữa nay con hãy ra làm vườn nho. 29 Đứa ấy thưa rằng: Vâng; rồi không đi. 30 Đoạn, người cha đi đến đứa thứ hai, cũng bảo như vậy. Đứa nầy thưa rằng: Tôi không muốn đi. Nhưng sau ăn năn, rồi đi. 31 Trong hai con trai đó, đứa nào làm theo ý muốn của cha? Họ đáp rằng: Đứa thứ hai. Đức Chúa Jêsus phán cùng họ rằng: Quả thật, ta nói cùng các ngươi, những kẻ thâu thuế và phường đĩ điếm sẽ được vào nước Đức Chúa Trời trước các ngươi. 32 Vì Giăng đã theo đường công bình đến cùng các ngươi, nhưng các ngươi không tin, còn những kẻ thâu thuế và phường đĩ điếm đã tin người; và các ngươi, khi đã thấy điều ấy, sau cũng không ăn năn đặng tin người. Ma-thi-ơ 21: 28-32.

Tôi đang tham gia việc trồng cây và trồng người ở Việt Nam. Tôi muốn áp dụng ở Mỹ nữa. Con ơi, bữa nay con hãy ra làm vườn nho. Vườn cây của gia đình ta, của Hội Thánh ta.

 

Tôi đang cùng với gia đình Mục Sư Lê Vinh Thành và một nhóm các Mục Sư người Hre ở Quảng Ngãi bắt đầu trồng cây thuốc đinh lăng và các cây có giá trị khác xung quanh nhà thờ và trên đất vườn của các gia đình tôi con Chúa. Mỗi tuần tôi tham gia dạy qua Zoom chương trình học Kinh Thánh mà tôi gọi là chương trình TRỒNG CÂY TRỒNG NGƯỜI. Có hơn 10 Mục Sư đang học với tinh thần học để dạy và dạy để học.

Hôm nay tôi muốn đề nghị với Ban Truyền Giáo và Bảo Trì Nhà Thờ của Hội Thánh Báp-tít Đức Tin Dallas bắt đầu mời gọi các tín hữu dành thời giờ vào mỗi sáng thứ 7 hằng tuần để đến nhà thờ tham gia việc trồng cây và trồng người. Tôi sẽ tham gia, ủng hộ và theo đuổi chương trình nầy. Tôi muốn trồng cây, tưới cây, chưng cây cho nhà thờ. Tôi mời gọi nhiều người hiệp tác với tôi. Tôi hy vọng Đức Chúa Trời sẽ hướng dẫn và ban phước dùng chương trình nầy làm cho Hội Thánh Chúa lớn lên. Khắp nơi. Lớn mạnh. Lây lan.

Tất cả những sự tin yêu và dự phần trung tín trong chương trình nầy là nhắm mục đích duy nhất làm vinh hiển danh Chúa. Khi làm Chúa vinh hiển, chúng ta sẽ vui hưởng chính mình Ngài. Ngày hôm nay. Ngay khi chúng ta còn sống trên thế giới nầy.

  1.  ĐỨC CHÚA TRỜI LÀ NGƯỜI TRỒNG CÂY

Cây nho là hình ảnh quen thuộc của Y-sơ-ra-ên trong Thi thiên và các sách Tiên tri. (Thi thiên 80:8-16; Giê-rê-mi 5:10; 12:10; Ê-xê-chi-ên 15:1-8; Ô-sê 10:1). Đức Chúa Trời phán cùng dân sự Ngài, “Ta đã trồng ngươi như cây nho tốt, giống đều rặc cả; mà cớ sao ngươi đã đốc ra nhánh xấu của gốc nho lạ cho ta?” (Giê-rê-mi 2:21). Ê-sai đã viết một câu chuyện ngụ ngôn mô tả cách Đức Chúa Trời chuẩn bị một cánh đồng, trồng một vườn nho và mong đợi một mùa bội thu. Nhưng vườn nho chỉ sinh ra toàn trái nho hoang (Ê-sai 5:1-2). Đức Chúa Trời mong muốn vườn nho của Ngài — Y-sơ-ra-ên và Giu-đa — sinh hoa kết trái “công bình” và “ngay thẳng”, nhưng đến mùa gặt toàn là “bạo ngược” và “những tiếng kêu than” (Ê-sai 5:7). Vì vậy, Đức Chúa Trời quyết định phá bỏ vườn nho hoang nầy. Dân sự Ngài có thể phải đón nhận sự rủa sả thay vì phước lành.

Hình ảnh của Đức Chúa Trời là Người Trồng nho cũng xuất hiện trong những lời dạy tương tự của Chúa Giê-su về thân cây nho và cành. Ngài phán, “Ta là gốc nho thật, Cha ta là người trồng nho” (Giăng 15:1). Chúa Giê-su là “cây nho thật” trái ngược với cây nho biến tính — dân Y-sơ-ra-ên vô tín. Từ “người trồng nho” (“người làm vườn”; theo nghĩa đen, “người lao động trên ruộng vườn”) đề cập đến việc một người nông dân chuẩn bị đất để trồng trọt. Sau đó, Chúa Giê-su mô tả hai loại “cành” và hai hành động được thực hiện bởi Người trồng nho. Ngài chặt bỏ những cành không trái (15:6) và Ngài tỉa sửa những cành có trái để chúng có thể sinh nhiều bông trái hơn nữa (15:2).

Chúng ta có thể học biết những gì về Đức Chúa Trời qua hình ảnh của người trồng nho? Sự thật cơ bản nhất là Đức Chúa Trời làm cho sinh hoa kết trái. Thật vô lý khi một người nông dân chuẩn bị đất và gieo hạt mà không mong muốn gì đến ra một vụ mùa. Đức Chúa Trời mong đợi những ai được kết hiệp với Ngài bởi đức tin cá nhân để sinh bông trái thuộc linh. Chúa Giê-su phán cùng các môn đệ Ngài, “ta đã chọn … để các ngươi đi và kết quả” (15:16).

Chúng ta cũng học được từ phân đoạn này rằng Đức Chúa Trời làm cho chúng ta “có kết quả”. Như đã nói, những cành có trái thì được cắt tỉa để chúng có thể sinh nhiều trái hơn (15:2). Qua việc trồng nho ở sân sau đem lại cho tôi một số hiểu biết về nhu cầu cắt tỉa cây nho. Mỗi năm vào mùa thu những cành già cỗi cần được loại bỏ để chuẩn bị cho các nhành non mới. Vào mùa xuân, cần tước bỏ các chồi non khỏi thân và các cành chính. Trong mùa hè, các cành nho tạo thành chùm phải được tỉa thưa và các chồi dài, vượt trội được ngắt bỏ. Khi người làm vườn cắt bỏ những gì có thể gây trở ngại đến việc sanh bông trái của cây nho, cũng vậy Đức Chúa Trời là Cha, qua kỷ luật yêu thương (thanh tẩy, gột rửa, làm cho sạch), loại bỏ những thứ không góp phần vào việc sinh bông trái thiêng liêng khỏi đời sống của các tín hữu. Trước giả Hê-bơ-rơ có thể đã nhận lấy sự bày tỏ này khi ông chỉ ra rằng Đức Chúa Trời sửa phạt con cái Ngài (Hê-bơ-rơ 12:6).

Một bài học khác có thể học được từ hình ảnh của Đức Chúa Trời trong tư cách là Người trồng nho, ấy là Chúa hài lòng khi dân sự của Ngài sinh hoa kết trái. Chúa Giê-su phán, “Nầy, Cha ta sẽ được sáng danh là thể nào: Ấy là các ngươi được kết nhiều quả” (Giăng 15:8). Chúng ta không thể thêm gì vào các thuộc tính của Chúa. Nhưng chúng ta có thể tôn vinh Ngài, góp phần vào việc bày tỏ trước mọi người về sự vĩ đại và nhân từ của Ngài qua cách chúng ta sống và những việc chúng ta làm. Chúa Giê-su phán, “Sự sáng các người hãy soi trước mặt người ta như vậy, đặng họ thấy những việc lành của các ngươi, và ngợi khen Cha các ngươi ở trên trời” (Ma-thi-ơ 5:16).

 KẾT LUẬN

 

Khi đang chờ đợi Chúa tái lâm, chúng ta không thể ngồi không chờ đợi, hãy tham gia trồng cây và trồng người để vâng lời Chúa làm điều có ý nghĩa nhất hôm nay.

Và sau khi làm xong công việc Chúa giao, chúng ta phải học tập tinh thần này: “hãy nói rằng: Chúng tôi là đầy tớ vô ích; điều chúng tôi đã làm là điều chắc phải làm” (Lu-ca 17:10)

Mục Sư Nguyễn Văn Huệ
Admin   hiệu đính bài viết

 

 

 

 

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên