Trang Chủ BIỆN GIÁO Công Tác Của Đức Thánh Linh

Công Tác Của Đức Thánh Linh

1315
0
SHARE

Đức Thánh Linh Làm Gì?

“Nhưng Đấng Yên-ủi, tức là Đức Thánh Linh mà Cha sẽ nhân danh ta sai xuống, Đấng ấy sẽ dạy dỗ các ngươi mọi sự, nhắc lại cho các ngươi nhớ mọi điều ta đã phán cùng các ngươi.” Giăng 14:26
Đức Thánh Linh là một trong ba ngôi của Đức Chúa Trời, là Đấng dạy dỗ cho các tín nhân mọi sự. Ngài là một thân vị, Ngài không phải là một sức mạnh phi nhân cách. Đức Thánh Linh bình đẳng với Cha và Con.
Chức Vụ Của Đức Thánh Linh Trong Cựu Ước
Sự hiện diện rõ ràng của Đức Thánh Linh trong Cựu Ước báo trước cho chức vụ của Ngài trong Tân Ước.
Khi tiên tri Giô-ên viết, “Sau đó, ta sẽ đổ Thần ta trên cả loài xác thịt; con trai và con gái các ngươi sẽ nói tiên tri.” (Giô-ên 2:28). Về sau trong Tân Ước, sứ đồ Phi-e-rơ trích dẫn nhắc lại lời này, “Nhưng ấy là điều đấng tiên tri Giô-ên đã nói tiên tri rằng:
Đức Chúa Trời phán: Trong những ngày sau rốt,
ta sẽ đổ Thần ta khắp trên mọi xác thịt;
Con trai và con gái các ngươi đều sẽ nói lời tiên tri,
Bọn trai trẻ sẽ thấy điềm lạ,
Và các người già cả sẽ có chiêm bao.” (Công vụ 2:16-17). Vị sứ đồ đã giải thích cho đám đông biết Thần của Đức Chúa Trời trong Cựu Ước chính là Đức Thánh Linh đang làm việc trong Tân ước.
1. Đức Thánh Linh làm việc trong công cuộc sáng tạo.
Tân Ước bày tỏ Chúa Jesus là tác nhân chủ yếu trong công cuộc sáng tạo (Giăng 1:3; Cô-lô-se 1:16), nhưng trong Sáng thế ký chép: “Thần Đức Chúa Trời vận hành trên mặt nước.” (Sáng. 1:2). Đức Thánh Linh đã hiện diện ở đó và dự phần vào công cuộc sáng tạo nên hoàn vũ.
2. Đức Thánh Linh trang bị cho nhân sự hầu việc Đức Chúa Trời.
Khi đền tạm được xây dựng với những chỉ dẫn chi tiết về trang trí, Đức Chúa Trời đã truyền phán với Môi-se về một người thợ khéo tên là Bết-sa-lê-ên, “Ta đã làm cho người đầy dẫy Thần của Đức Chúa Trời, sự khôn ngoan, sự thông sáng, và sự hiểu biết để làm mọi thứ nghề thợ, 4 đặng bày ra và chế tạo đồ vàng, bạc và đồng, 5 đặng khắc và khảm ngọc, đẽo gỗ và làm được mọi thứ nghề thợ.” (Xuất Ê-díp –tô ký 31:3-5). Ngoài Bết-sa-lê-ên ra, Chúa còn ban cho Môi-se một người thợ khéo khác: “Đây, ta lại cho một người phụ việc, tên là Ô-hô-li-áp con trai của A-hi-sa mạc, trong chi phái Đan. Ta cũng đã ban sự thông minh cho mọi người tài năng, hầu cho họ làm các việc ta đã phán dặn ngươi.” (Xuất. 31:6). Mỗi một chi tiết trong đền tạm từ A đến Z đều được Đức Chúa Trời hướng dẫn và Ngài chuẩn bị con người có kỹ năng phù hợp để thực hiện các việc đó.
Đức Thánh Linh ban cho những người lãnh đạo trong Cựu Ước những khả năng mà họ cần để thực hiện các công việc được giao. Pha-ra-ôn nhìn thấy Giô-sép là một người “có thần linh của Đức Chúa Trời.” (Sáng. 41:38), vì vậy đã cất nhắc Giô-sép lên làm tể tướng đương triều. Giô-sép đã đứng ra giải quyết cuộc khủng hoảng về lương thực khi bảy năm đói kém xảy ra trên một đế quốc rộng lớn (Sáng thế ký 41-50).
Đức Thánh Linh cũng trang bị cho những người lãnh đạo tuyển dân các khả năng chiến thắng kẻ thù và đem lại hòa bình cho quốc gia. “Kế ấy, dân Y-sơ-ra-ên kêu la cùng Đức Giê-hô-va; Đức Giê-hô-va bèn dấy lên cho chúng nó một người giải cứu, là Ốt-ni-ên, con trai của Kê-na, em thứ của Ca-lép, và người ấy giải cứu họ. 10 Thần của Đức Giê-hô-va cảm động người, người đoán xét Y-sơ-ra-ên, và đi ra chiến trận. Đức Giê-hô-va phó Cu-san-Ri-sa-tha-im, vua A-ram, vào tay người, khiến cho người thắng Cu-san-Ri-sa-tha-im. 11 Xứ được hòa bình trong bốn mươi năm.” (Các quan xét 3:9-11). Về sau Thần của Đức Giê-hô-va cũng cảm động Ghi-đê-ôn (Các quan xét 6:34), Sam-sôn (Các quan xét 14:19). Họ được Thần của Đức Chúa Trời ban trợ những khả năng cần thiết đứng lên lãnh đạo dân sự đánh bại kẻ thù.
3.Đức Thánh Linh Thần Cảm Cho Các Trước Giả Viết Kinh Thánh.
Kinh Thánh không phải tác phẩm của con người. “Vì chẳng hề có lời tiên tri nào là bởi ý một người nào mà ra, nhưng ấy là bởi Đức Thánh Linh cảm động mà người ta đã nói bởi Đức Chúa Trời.” (2 Phi-e-rơ 1:21). Sứ đồ Phao-lô khẳng định: “Cả Kinh thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình.” (2 Ti-mô-thê 3:16).
Cụm từ Đức Thánh Linh cảm động trong tiếng Hy lạp là theopneustos có nghĩa Đức Chúa Trời hà hơi vào. Từ “hà hơi” trong tiếng Hy lạp là pneuma có nghĩa là thần linh. Vì vậy tất cả Kinh Thánh được viết ra là bởi Đức Thánh Linh, nhưng thông qua các trước giả con người. Tiên tri Ê-xê-chi-ên đã trải nghiệm điều này khi ông viết: “Ngài phán cùng ta rằng: Hỡi con người, chân ngươi hãy đứng, ta sẽ phán cùng ngươi. Ngài vừa phán cùng ta như vậy, thì Thần vào trong ta, làm cho chân ta đứng lên, và ta nghe Đấng đã phán cùng ta.” (Ê-xê-chi-ên 2:1-2). Chúng ta đọc thêm, “Thần của Đức Giê-hô-va bèn đổ trên ta và phán rằng: Hãy nói đi! Đức Giê-hô-va phán như vầy” (Ê-xê-chi-ên 11:5). Tiên tri Giê-rê-mi làm chứng kinh nghiệm của ông: “Đoạn, Đức Giê-hô-va dang tay rờ miệng tôi. Đức Giê-hô-va lại phán cùng tôi rằng: Nầy, ta đã đặt những lời ta trong miệng ngươi.” (Giê-rê-mi 1:9)
4. Đức Thánh Linh được đề cập trong Cựu Ước.
Chúng ta tiếp tục đọc những phần Kinh Thánh sau:
– Chúa cũng ban cho chúng Thần linh lương thiện của Chúa, để dạy dỗ cho chúng (Nê-hê-mi 9:20)
– Họ đã bội nghịch, đã làm cho Thần thánh Ngài buồn rầu (Ê-sai 63:10)
– Nguyện Thần tốt lành của Chúa dẫn tôi vào đất bằng thẳng. (Thi. 143:10)
– Đừng cất khỏi tôi Thánh Linh Chúa. (Thi. 51:11)
– Cho đến chừng Thần từ nơi cao được rải xuống khắp trên chúng ta, đồng vắng biến thành ruộng tốt, ruộng tốt được kể như rừng rậm. Bấy giờ sự xét đoán sẽ ở nơi đồng vắng, sự công bình sẽ trú nơi ruộng tốt. Công bình sẽ sanh ra bình an, trái của sự công bình sẽ là yên lặng và an ổn mãi mãi. (Ê-sai 32:15-17)
Rõ ràng Đức Thánh Linh hiện diện và hành động trong Cựu Ước, Ngài đổ xuống trên dân sự để hoàn thành những sứ mạng đặc biệt. Lời hứa của Đức Chúa Trời về Đức Thánh Linh là: “Ta sẽ ban lòng mới cho các ngươi, và đặt thần mới trong các ngươi. Ta sẽ cất lòng bằng đá khỏi thịt các ngươi, và ban cho các ngươi lòng bằng thịt. Ta sẽ đặt Thần ta trong các ngươi, và khiến các ngươi noi theo luật lệ ta, thì các ngươi sẽ giữ mạng lịnh ta và làm theo.” (Ê-xê-chi-ên 36:26-27). Một bình minh mới đang đến.
Chức vụ của Đức Thánh Linh trong Tân ước.
Đức Chúa Jesus được sinh ra nhờ quyền năng Đức Thánh Linh (Ma-thi-ơ 1:20) và Thánh Linh cũng đến trên Chúa khi Ngài chịu báp-tem (Ma-thi-ơ 3:16). Ngài được Đức Thánh Linh đưa vào trong đồng vắng chịu ma quỉ cám dỗ, rồi sau đó bước ra thi hành chức vụ (Mác 1:12). Ngài đã trở về Ga-li-lê trong quyền năng Đức Thánh Linh (Lu-ca 4:14). Ngài đuổi các quỉ bởi quyền năng Đức Thánh Linh, và Ngài cảnh cáo bất cứ ai xúc phạm đến Đức Thánh Linh (Ma-thi-ơ 12:32).
Đức Thánh Linh hành động trong đời sống và chức vụ Chúa Jesus trong suốt những năm tháng Ngài ở trên đất. Sau đó Chúa Jesus phải ra đi về trời, và để cho Đức Thánh Linh tiếp tục công tác giữa vòng các tín hữu, các Hội thánh và trên khắp thế giới. Khi Chúa Jesus còn trên đất, chức vụ Ngài hiển nhiên bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Còn Đức Thánh Linh thì không như vậy, Ngài có mặt khắp mọi nơi trong mọi thời gian để thực hiện công tác của Ngài. Cha, Con và Thánh Linh là một. Và Đấng Christ cũng có mặt khắp mọi nơi thông qua thân vị Đức Thánh Linh.
Khi Đấng Christ còn ở trên đất, Ngài có thể ở chung với các môn đồ, lánh ra khỏi họ để cầu nguyện hoặc sai phái họ đi ra rao giảng Tin mừng trong một phạm vi giới hạn. Tuy nhiên khi Ngài về Trời, Đức Thánh Linh ở trong các môn đồ khắp mọi nơi. Vì vậy Chúa chúng ta đã giải thích cho các học trò của Ngài: “Ta lại sẽ nài xin Cha, Ngài sẽ ban cho các ngươi một Đấng Yên-ủi khác, để ở với các ngươi đời đời, 17 tức là Thần lẽ thật, mà thế gian không thể nhận lãnh được, vì chẳng thấy và chẳng biết Ngài; nhưng các ngươi biết Ngài, vì Ngài vẫn ở với các ngươi và sẽ ở trong các ngươi.” (Giăng 14:16-17). Lời dạy này hàm ý rằng có sự hiệp một giữa Con và Thánh Linh. Đức Con hiện diện với các tín hữu thông qua Đức Thánh Linh. Đây là điều Phao-lô làm chứng: “Christ sống trong tôi.” (Ga-la-ti 2:20). Cũng vậy, “Thánh Linh của Đức Chúa Trời ở trong anh em.” (Rô-ma 8:9). Và câu tiếp theo vị sứ đồ viết: “Vậy nếu Đấng Christ ở trong anh em, thì thân thể chết nhân cớ tội lỗi, mà thần linh sống nhân cớ sự công bình.” (Rô-ma 8:10)
Chức vụ của Đức Thánh Linh ngày nay.
Chúng ta mở Kinh Thánh ra để khám phá những điều sau đây:
1. Đức Thánh Linh làm vinh hiển Đấng Christ.
Khi chuẩn bị về trời, Chúa Jesus đã phán dạy các môn đồ về Đức Thánh Linh: “Lúc nào Thần lẽ thật sẽ đến, thì Ngài dẫn các ngươi vào mọi lẽ thật; vì Ngài không nói tự mình, nhưng nói mọi điều mình đã nghe, và tỏ bày cho các ngươi những sự sẽ đến. 14 Ấy chính Ngài sẽ làm sáng danh ta, vì Ngài sẽ lấy điều thuộc về ta mà rao bảo cho các ngươi.” (Giăng 16:13-14). Đức Thánh Linh sẽ làm vinh hiển Đấng Christ qua công tác của Ngài. Lưu ý rằng mỗi ngôi trong ba ngôi Đức Chúa Trời đều làm vinh hiển một ngôi khác. Đức Thánh Linh làm vinh hiển Con, Con làm vinh hiển Cha, và Cha làm vinh hiển Con. Chúa Jesus phán với các môn đồ: “Các ngươi nhân danh ta mà cầu xin điều chi mặc dầu, ta sẽ làm cho, để Cha được sáng danh nơi Con.” (Giăng 14:13). Đức Con khích lệ các môn đồ sinh bông trái: “Nầy, Cha ta sẽ được sáng danh là thể nào: Ấy là các ngươi được kết nhiều quả,” (Giăng 15:8). Khi nói về chính Ngài, Chúa Jesus khẳng định: “Đức Chúa Trời cũng sẽ làm cho Con Người (Jesus Christ) vinh hiển nơi chính mình Ngài, và Ngài sẽ kíp làm cho vinh hiển.” (Giăng 13:32).
Nếu Đức Thánh Linh ở trong chúng ta, khi ấy chúng ta sẽ có khao khát làm cho Đấng Christ được vinh hiển. Cái tôi của chúng ta càng ngày càng được hạ xuống, và Đấng Christ được tôn cao qua đời sống chúng ta. Giống như Giăng Báp-tít đã nói: “Ngài phải dấy lên, tôi phải hạ xuống.” (Giăng 3:30). Đây là nguyên tắc cho sự trưởng thành của đời sống Cơ đốc.
2. Đức Thánh Linh cáo trách thế gian về tội lỗi.
Chúa Jesus giới thiệu cho các môn đồ công tác của Đức Thánh Linh: “Khi Ngài (Đức Thánh Linh) đến thì sẽ khiến thế gian tự cáo về tội lỗi, về sự công bình và về sự phán xét.” (Giăng 16:8). Bản Kinh Thánh Tiếng Việt dùng cụm từ “tự cáo về tội lỗi” có nghĩa trong nguyên ngữ là “khiển trách tội lỗi.” Câu này mang ý nghĩa là: Khi Đức Thánh Linh đến, Ngài sẽ khiển trách (hay kết án) thế gian về tội lỗi… (And when He has come, He will convict the world of sin, and of righteousness, and of judgment. NKJV) Chúa Jesus giải thích thêm: “Về tội lỗi, vì họ không tin ta; về sự công bình, vì ta đi đến cùng Cha, và các ngươi chẳng thấy ta nữa; về sự phán xét, vì vua chúa thế gian nầy đã bị đoán xét.” (Giăng 16:9-11). Dĩ nhiên Satan cũng được bao gồm trong cụm từ “vua chúa thế gian này”.
3. Đức Thánh Linh tái sinh tín nhân
Tái sinh có nghĩa là được sinh lại lần nữa. Đức Thánh Linh chính là tác nhân cho việc tái sinh tín hữu. “không phải cứu vì việc công bình chúng ta đã làm, nhưng cứ theo lòng thương xót Ngài, bởi sự rửa về sự lại sanh và sự đổi mới của Đức Thánh Linh 6 mà Ngài đã rải ra trên chúng ta cách dư dật bởi Đức Chúa Jêsus Christ, Cứu Chúa chúng ta.” (Tít 3:5-6).
Đức Chúa Jesus đã làm cho Ni-cô-đem ngạc nhiên khi Ngài phán với ông: “Quả thật, quả thật, ta nói cùng ngươi, nếu một người chẳng sanh lại, thì không thể thấy được nước Đức Chúa Trời. 4 Ni-cô-đem thưa rằng: Người đã già thì sanh lại làm sao được? Có thể nào trở vào lòng mẹ và sanh lần thứ hai sao? 5 Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Quả thật, quả thật, ta nói cùng ngươi, nếu một người chẳng nhờ nước và Thánh Linh mà sanh, thì không được vào nước Đức Chúa Trời. 6 Hễ chi sanh bởi xác thịt là xác thịt; hễ chi sanh bởi Thánh Linh là thần. 7 Chớ lấy làm lạ về điều ta đã nói với ngươi: Các ngươi phải sanh lại.” (Giăng 3:3-7)
4. Đức Thánh Linh báp-tem mỗi tín hữu vào trong thân thể của Đấng Christ.
“Vì chưng chúng ta hoặc người Giu-đa, hoặc người Gờ-réc, hoặc tôi mọi, hoặc tự chủ, đều đã chịu phép báp-têm chung một Thánh Linh để hiệp làm một thân; và chúng ta đều đã chịu uống chung một Thánh Linh nữa.” (1 Côr. 12:13). Kinh Thánh dạy rõ ràng: “báp-têm chung một Thánh Linh để hiệp làm một thân.”. Điều này áp dụng cho tất cả các tín hữu trên khắp thế giới trong mọi thời đại. Báp-tem người tín hữu trong nước là biểu tượng của báp-tem trong Thánh Linh cho sự tái sinh.
Mỗi tín hữu được sinh lại bởi quyền năng Thánh Linh và được báp-tem trong Thánh Linh để hội nhập vào thân thể Đấng Christ. Không có nơi nào trong Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng báp-tem trong Thánh Linh là dấu hiệu của bất cứ điều gì. Sự tái sinh hay báp-tem trong Thánh Linh là đồng nghĩa với nhau và hai điều này xảy ra cùng một lúc.
Billy Graham đã nói: “Lẽ thật của Kinh Thánh là chúng ta được báp-tem vào trong Thân thể Đấng Christ bởi Thánh Linh – đó là sự chuyển đổi từ thế giới tăm tối vào vương quốc sự sáng. Chỉ có duy nhất một phép báp-tem trong Thánh Linh. Thời điểm chúng ta được đổ đầy Đức Thánh Linh, và sau đó được tái đổ đầy, rồi nhiều lần về sau nữa được tái đổ đầy. Nhưng chỉ có một Thánh Linh, tuy nhiên nhiều lần được đầy dẫy Thánh Linh.”4
Báp-tem dầm mình trong nước là biểu tượng của báp-tem trong Đức Thánh Linh cho sự tái sinh. Chúng ta được chôn với Christ để được đồng sống lại với Ngài trong đời sống mới (Rô-ma 6:4). Giăng Báp-tít đã nói, “Về phần ta, ta vốn không biết Ngài; nhưng Đấng sai ta làm phép báp-têm bằng nước có phán cùng ta rằng: Đấng mà ngươi sẽ thấy Thánh Linh ngự xuống đậu lên trên, ấy là Đấng làm phép báp-têm bằng Đức Thánh Linh.” (Giăng 1:33).
5. Đức Thánh Linh nội trú bên trong mỗi tín hữu.
“Anh em há chẳng biết mình là đền thờ của Đức Chúa Trời, và Thánh Linh Đức Chúa Trời ở trong anh em sao?” (1 Côr. 3:16; Xem Ga-la-ti 4:6; Rô-ma 8:9-11). Mỗi tín hữu có Đức Thánh Linh ngự bên trong. Một Cơ đốc nhân không cần phải tìm kiếm để nhận lãnh Đức Thánh Linh. Tân Ước không đề cập đến tín hữu phải tìm kiếm kinh nghiệm nhận lãnh Thánh Linh. Nếu một người không có Đức Thánh Linh, người đó không thuộc về Christ (Rô-ma 8:9).
Chúng ta không cần cầu nguyện xin Đức Thánh Linh đến. Ngài đã đến rồi trong ngày lễ Ngũ tuần, và Ngài ngự bên trong tấm lòng của chúng ta khi chúng ta được tái sinh.
6. Đức Thánh Linh đóng dấu chứng thực cho Cơ đốc nhân.
Hành động đóng dấu là bảo đảm chính xác cho người được đóng dấu từ một cấp có thẩm quyền. Khi một vị vua đóng ấn “tối mật” lên một hồ sơ quan trọng niêm phong, hồ sơ này sẽ không được mở ra cho công chúng nếu không có lệnh của nhà vua.
Lúc tôi còn là thực tập sinh cho một công ty vận tải tôi quan sát điều này: Khi di chuyển các kiện hàng được gởi bằng tàu lửa, công ty đường sắt sẽ đóng dấu bằng một loại giấy đặc biệt lên các cửa toa tàu chở hàng cho đến khi chúng về tới bến. Khi về đến nơi chỉ có cấp thẩm quyền mới được tháo bỏ các ấn này tại cửa niêm phong và giao hàng cho chủ nhân.
“Ấy lại cũng trong Ngài mà anh em sau khi đã nghe đạo chân thật, là đạo Tin lành về sự cứu rỗi anh em, ấy là trong Ngài mà anh em đã tin và được ấn chứng (đóng ấn) bằng Đức Thánh Linh là Đấng Chúa đã hứa, 14 Đấng ấy làm của cầm về cơ nghiệp chúng ta, cho đến kỳ chuộc lấy những kẻ mà Ngài đã được để khen ngợi sự vinh hiển Ngài.” (Ê-phê-sô 1:13-14). Khi chúng ta được cứu, Đức Thánh Linh đóng ấn chúng ta cho đến ngày chúng ta về đến Thiên đàng. Đức Chúa Trời đóng ấn này và không có ai có thẩm quyền để tháo bỏ ấn này cho đến khi chúng ta về đến nước của Ngài.
Khi được Đức Thánh Linh đóng ấn, điều này có nghĩa chúng ta đã thuộc về Christ. Chúng ta là tài sản của Ngài. Không ai có đủ năng quyền để cướp lấy tài sản của Christ.
Cơ đốc nhân được xác định thuộc về Christ qua hành động đóng ấn của Đức Thánh Linh lên trên người đó.
7. Thánh Kinh truyền lệnh cho các tín hữu phải được đổ đầy Đức Thánh Linh.
“Đừng say rượu, vì rượu xui cho luông tuồng; nhưng phải đầy dẫy Đức Thánh Linh.” (Ê-phê-sô 5:18). Trong nguyên ngữ Hy-lạp, cụm từ “phải đầy dẫy Đức Thánh Linh” được hiểu là “phải tiếp tục đầy dẫy Đức Thánh Linh.” Điều này có nghĩa là tín hữu phải duy trì tình trạng được đầy dẫy Thánh Linh liên tục mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút.
Mục đích của việc đầy dẫy Thánh Linh là để làm vinh hiển Đấng Christ. “Khi nào Đấng Yên-ủi sẽ đến, là Đấng ta sẽ bởi Cha sai xuống, tức là Thần lẽ thật ra từ Cha, ấy chính Ngài sẽ làm chứng về ta.” (Giăng 15:26). Những câu hỏi trắc nghiệm này dành cho đời sống Cơ đốc: 1/Christ có được vinh hiển qua đời sống chúng ta? 2/Chúng ta có đang làm chứng cho Christ? 3/Đời sống đầy dẫy Thánh Linh có phải là đời sống bình thường của Cơ đốc nhân?
Nếu được đầy dẫy Đức Thánh Linh, khi đó chúng ta không còn đầy dẫy bất cứ điều gì khác. Ngay vào lúc chúng ta thực hiện lời này: “Còn nếu chúng ta xưng tội mình, thì Ngài là thành tín công bình để tha tội cho chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác.” (1 Giăng 1:9), khi ấy chúng ta có ý thức rất rõ Thánh LInh đang hiện diện với mình, và bởi đức tin chúng ta cầu xin sự đổ đầy Đức Thánh Linh. Hãy nhớ rằng được đổ đầy Thánh Linh không có nghĩa là cảm nhận về Đức Thánh Linh. Cảm xúc hay cảm nhận không đáng tin cậy trong đời sống thuộc linh. Được đầy dẫy Đức Thánh Linh đến bởi đức tin – không phải bởi cảm xúc.
Được đầy dẫy Đức Thánh Linh không phải là kinh nghiệm một lần khi sự tái sanh xảy ra. Chúng ta được tái sinh một lần, nhưng chúng ta tiếp tục được đổ đầy Đức Thánh Linh. Dấu hiệu của sự đầy dẫy Thánh Linh không phải là một cảm xúc thăng hoa nào đó từ con người. Một người có thể có cảm xúc tuyệt vời trong xác thịt. Còn dấu hiệu về sự đầy dẫy Thánh Linh chính là những bông trái của Thánh Linh được sinh ra trong đời sống Cơ đốc (Ga-la-ti 5:22-23). Một người tuyên bố là đầy dẫy Thánh Linh, nhưng bông trái của đời sống của người ấy chỉ là những trái đắng, giận hờn, chua cay thì rõ ràng là người ấy đang lừa dối chính mình.
8. Đức Thánh Linh thánh hóa tín hữu.
Thánh hóa có nghĩa là làm cho thánh. Từ Hy lạp dịch chữ thánh hóa là hagios, có nghĩa là thánh. Từ này áp dụng cho Đức Thánh Linh, và cũng áp dụng cho các thánh đồ – là những người thuộc về Chúa Jesus. Làm cho tín hữu nên thánh là công việc của Đức Thánh Linh, và những ai được làm nên thánh được gọi là thánh đồ hay người thánh. Trong Kinh Thánh những ai được cứu chuộc đều được gọi lại thánh đồ. Dĩ nhiên họ không phải là những người hoàn hảo, nhưng Thánh Linh đang làm việc bên trong họ cho tiến trình nên thánh.
Sự thánh hóa là một tiến trình được tiếp tục trong sự cứu rỗi để khiến tín nhân được biển đổi theo hình ảnh Con Đức Chúa Trời. Để được biến đổi giống như Đấng Christ, nhiều phần không còn phù hợp trong đời sống chúng ta phải bị loại bỏ. Chúng ta phải được sửa phạt và chấp nhận một số kỷ luật đến từ Chúa. Những phần ưu tú khác trong đời sống chúng ta sẽ được làm cho mạnh mẽ, sắc bén hơn. Gia-cơ viết những lời khích lệ: “Hỡi anh em, hãy coi sự thử thách trăm bề thoạt đến cho anh em như là điều vui mừng trọn vẹn, vì biết rằng sự thử thách đức tin anh em sanh ra sự nhịn nhục. Nhưng sự nhịn nhục phải làm trọn việc nó, hầu cho chính mình anh em cũng trọn lành toàn vẹn, không thiếu thốn chút nào.” (Gia-cơ 1;2-4). Phao-lô cầu nguyện: “Nguyền xin chính Đức Chúa Trời bình an khiến anh em nên thánh trọn vẹn, và nguyền xin tâm thần, linh hồn, và thân thể của anh em đều được giữ vẹn, không chỗ trách được, khi Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta đến!” (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:23)
9. Đức Thánh Linh sản sinh bông trái trong đời sống tín hữu.
“Nhưng trái của Thánh Linh, ấy là lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ: Không có luật pháp nào cấm các sự đó.” (Ga-la-ti 5:22-23). Bông trái của Thánh Linh tương phản với những việc làm của xác thịt cũng được liệt kê trong phần Kinh Thánh này. Chín phẩm chất về bông trái Đức Thánh Linh được nêu ra, tuy nhiên từ “bông trái Thánh Linh” được dùng ở số ít. Điều này có nghĩa là chin phẩm chất này chỉ xuất phát từ một cây mà thôi. Và cây đó hay nguồn chính là Thánh Linh. “Lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ.” là bông trái Thánh Linh trong đời sống tín nhân.
Để sản sinh bông trái các nhánh cây cứ tiếp tục ở trong, ở với cây. Cúa Jesus dạy: “Hãy cứ ở trong ta, thì ta sẽ ở trong các ngươi. Như nhánh nho, nếu không dính vào gốc nho, thì không tự mình kết quả được, cũng một lẽ ấy, nếu các ngươi chẳng cứ ở trong ta, thì cũng không kết quả được. Ta là gốc nho, các ngươi là nhánh. Ai cứ ở trong ta và ta trong họ thì sinh ra lắm trái; vì ngoài ta, các ngươi chẳng làm chi được.” (Giăng 15:4-5). Chúa Jesus là gốc nho thật, Cha thiên thượng là người trồng nho. Cha loại bỏ những nhánh không kết quả, và Ngài tỉa sử những nhánh kết quả khác vì lợi ích lâu dài: “Hễ nhánh nào trong ta mà không kết quả thì Ngài chặt hết; và Ngài tỉa sửa những nhánh nào kết quả, để được sai trái hơn.” (Giăng 15:2).
10. Đức Thánh Linh an ủi tín hữu trong cơn hoạn nạn.
Đức Thánh Linh là Đấng giúp đỡ, an ủi Cơ đốc nhân trong những thời khắc gặp khủng hoảng. Chúa Jesus ban lời hứa cho các môn đồ: “Ta lại sẽ nài xin Cha, Ngài sẽ ban cho các ngươi một Đấng Yên-ủi khác, để ở với các ngươi đời đời, 17 tức là Thần lẽ thật, mà thế gian không thể nhận lãnh được, vì chẳng thấy và chẳng biết Ngài; nhưng các ngươi biết Ngài, vì Ngài vẫn ở với các ngươi và sẽ ở trong các ngươi. 18 Ta không để cho các ngươi mồ côi đâu, ta sẽ đến cùng các ngươi.” (Giăng 14:16-18).
Sứ đồ Phao-lô dạy cho Hội thánh Cô-rin-tô: “Chúc tạ Đức Chúa Trời, Cha Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, là Cha hay thương xót, là Đức Chúa Trời ban mọi sự yên ủi, 4 Ngài yên ủi chúng tôi trong mọi sự khốn nạn, hầu cho nhân sự yên ủi mà Ngài đã yên ủi chúng tôi, thì chúng tôi cũng có thể yên ủi kẻ khác trong sự khốn nạn nào họ gặp!” (2 Côr. 1:3-4). Đức Chúa Trời yên ủi các thánh đồ thông qua Đức Thánh Linh đang nội trú bên trong họ.
11. Đức Thánh Linh cầu thay cho những khủng hoảng sâu kín của Cơ đốc nhân.
“Đức Thánh Linh giúp cho sự yếu đuối chúng ta. Vì chúng ta chẳng biết sự mình phải xin đặng cầu nguyện cho xứng đáng; nhưng chính Đức Thánh Linh lấy sự thở than không thể nói ra được mà cầu khẩn thay cho chúng ta.” (Rô-ma 8:26). Đức Thánh Linh biết hết những nỗi đau của chúng ta, khi chúng ta ngã lòng không biết mình phải cầu nguyện như thế nào. Lúc ấy Ngài cầu thay cho chúng ta.
12. Đức Thánh Linh hướng dẫn tín hữu bước vào trong lẽ thật của Đức Chúa Trời.
Trong Giăng 16:7 Chúa Jesus dạy các môn đồ: “Ta nói thật cùng các ngươi: Ta đi là ích lợi cho các ngươi; vì nếu ta không đi, Đấng Yên-ủi sẽ không đến cùng các ngươi đâu; song nếu ta đi, thì ta sẽ sai Ngài đến.” Như vậy Chúa chúng ta phải về trời, và Ngài sai phái Thần lẽ thật đến để dạy cho các môn đồ mọi lẽ thật:
“Lúc nào Thần lẽ thật sẽ đến, thì Ngài dẫn các ngươi vào mọi lẽ thật.” (Giăng 16:13). Xa hơn nữa, Đấng giúp đỡ là Đức Thánh Linh cũng được Cha nhân danh Con sai xuống: “Nhưng Đấng Yên-ủi, tức là Đức Thánh Linh mà Cha sẽ nhân danh ta sai xuống, Đấng ấy sẽ dạy dỗ các ngươi mọi sự, nhắc lại cho các ngươi nhớ mọi điều ta đã phán cùng các ngươi.” (Giăng 14:26).
Sự khôn ngoan của đời này không thể dạy cho chúng ta hiểu biết về Đức Chúa Trời. Phao-lô viết thư cho Hội thánh Cô-rin-tô: “Vì, tại thế gian cậy sự khôn ngoan mình, chẳng nhờ sự khôn ngoan Đức Chúa Trời mà nhận biết Đức Chúa Trời, nên Ngài đành lòng dùng sự giảng rồ dại của chúng ta mà cứu rỗi những người tin.” (1 Côr. 1:21). Những người thiên nhiên, xác thịt dù có học thức đi nữa cũng không thể nhận biết những điều thiêng liêng thuộc về Đức Chúa Trời. “Vả, người có tánh xác thịt không nhận được những sự thuộc về Thánh Linh của Đức Chúa Trời; bởi chưng người đó coi sự ấy như là sự rồ dại, và không có thể hiểu được, vì phải xem xét cách thiêng liêng.” (1 Côr. 2:14). Đó là lý do chúng ta cần Thánh Linh của Đức Chúa Trời nếu muốn học biết những sự thuộc về Đức Chúa Trời. “Về phần chúng ta, chúng ta chẳng nhận lấy thần thế gian, nhưng đã nhận lấy Thánh Linh từ Đức Chúa Trời đến, hầu được hiểu biết những ơn mà chúng ta nhận lãnh bởi Đức Chúa Trời.” (1 Côr. 2:12)
13. Đức Thánh Linh ban quyền năng cho tín hữu để trở thành chứng nhân kết quả của Đấng Christ.
Chúa Jesus phán: “Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền phép, và làm chứng về ta tại thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri, cho đến cùng trái đất.” (Công vụ 1:8).
Đức Thánh Linh đi trước các Cơ đốc nhân để chuẩn bị con đường truyền giáo. Ngài có thể mở những cánh cửa của tấm lòng cứng cỏi và gieo trồng hạt giống Phúc Âm.
Đức Thánh Linh hướng dẫn các chứng nhân của Christ theo một phương cách mà họ không ngờ tới hoặc họ đã biết trước đây. Ngài sửa soạn các linh hồn cho sự chạm trán thiên thượng thông qua những Cơ đốc nhân sẵn lòng vâng phục. Đó là điều đáng kinh ngạc trong các tình huống chinh phục linh hồn cho Đấng Christ.
Phần việc của các chứng nhân là cầu nguyện, chia sẻ Christ, tin cậy vào hiện diện và quyền năng Đức Thánh Linh trong công công tác thuyết phục và biến cải tội nhân. Các chứng nhân sẽ thành công khi họ thực hiện phần việc của mình – đó cũng là hợp tác với Đức Thánh Linh. Các chứng nhân sẽ không biết trước câu trả lời khi họ bị nhà cầm quyền tra hỏi về mục vụ của mình. Trong chính giờ phút ấy Đức Thánh Linh sẽ ban cho họ trí khôn ngoan để trả lời các câu hỏi. Các chứng nhân của Christ chỉ tùy thuộc vào sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh và họ biết kết quả các mục vụ là thuộc về Đức Chúa Trời.
14. Đức Thánh Linh trang bị, phân phát các chức vụ cho Hội thánh.
“Vả, có các sự ban cho khác nhau, nhưng chỉ có một Đức Thánh Linh. Có các chức vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có các việc làm khác nhau, nhưng chỉ có một Đức Chúa Trời, là Đấng làm mọi việc trong mọi người. Đức Thánh Linh tỏ ra trong mỗi một người, cho ai nấy đều được sự ích chung.” (1 Côr. 12:4-7). Mục đích của các ân tứ Đức Thánh Linh là để xây dựng Hội thánh, “Ấy chính Ngài đã cho người nầy làm sứ đồ, kẻ kia làm tiên tri, người khác làm thầy giảng Tin lành, kẻ khác nữa làm mục sư và giáo sư, để các thánh đồ được trọn vẹn về công việc của chức dịch và sự gây dựng thân thể Đấng Christ.” (Ê-phê-sô 4:11-12)
Thân thể của Christ phải thực hiện sứ mệnh của Đầu ủy thác cho. THân thể con người có nhiều phần khác nhau, nhưng đều được cái đầu điều khiển. Các chi thể trong thân phải hòa hợp với nhau như các nhạc công trong một dàn hợp xướng. Sứ đồ Phao-lô dạy: “chúng ta là nhiều người mà hiệp nên một thân trong Đấng Christ, và hết thảy chúng ta đều là các phần chi thể của nhau.” (Rô-ma 12:5). Mỗi chi thể có những chức năng khác nhau nhưng đều nhịp nhàng hỗ trợ cho nhau. Tuy nhiên khi vận hành chung trong một cỗ máy các phần có thể cọ xát, gây đau đớn và dễ đi đến chia rẽ. Vì vậy Đức Chúa Trời cung cấp chất bôi trơn là chín phẩm chất của bông trái Đức Thánh Linh (Ga-la-ti 5:22-23) để các bộ phận trong thân thể yêu thương (1 Côr. 13:13), gắn kết và hòa hợp cùng nhau.
KẾT LUẬN
Đọc lại các mục trong chương này. Hãy mô tả công tác của Đức Thánh Linh. Nghiêm túc đánh giá cách cẩn thận công việc của Đức Thánh Linh trong đời sống bạn.

admin

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên