CÓ TIN CŨNG VÔ ÍCH
Trong sự tiến triển của đức tin Cơ đốc, có một giai đoạn mà thiếu đi niềm tin thật để nhận được sự cứu rỗi. Điều này được thấy lần đầu tiên trong Giăng 2:23, khi có nhiều người trong Lễ Vượt Qua “tin” dựa vào các phép lạ của Đấng Christ, nhưng Ngài chẳng “tin” (tin tưởng) họ (2:23-25). Chúa Giê-su nhận thấy rằng đức tin của họ là hời hợt, chỉ dựa trên những phép lạ họ đã thấy. Sau đó trong Lễ Lều Tạm, nhiều người “tin Ngài” nhưng dường như không phải tin Ngài là Đấng Mê-si (7:31). Chúa Giê-su nói với những người Giu-đa là “những người đã tin Ngài” (8:31) và buộc tội họ vì tìm cách giết Ngài (8:40). Sau đó, Ngài kết tội những người Giu-đa đó là vô tín (8:45-46).
Một ví dụ nổi bật về tin nhưng bị xem là vô ích trong Sách Công-vụ là trường hợp của Si-môn, một người làm nghề phù phép ở thành phố Sa-ma-ri (Công-vụ 8:9-10). Si-môn “đã tin” và đã chịu phép báp-têm (8:13), nhưng lời tường thuật sau đó làm dấy lên sự nghi ngờ nghiêm trọng về tính chân thật trong đức tin của ông. Khi Si-môn thấy việc các môn đồ nhận được Đức Thánh Linh qua việc đặt tay của các sứ đồ, thì ông đã dâng tiền để mua quyền phép mà các sứ đồ đã có (8:18-19). Phi-e-rơ đã quở trách ông với những lời lẽ rất nặng, “Tiền bạc ngươi hãy hư mất với ngươi, vì ngươi tưởng lấy tiền bạc mua được sự ban cho của Đức Chúa Trời! Ngươi chẳng có phần hoặc số trong việc nầy; vì lòng ngươi chẳng ngay thẳng trước mặt Đức Chúa Trời. Vậy, hãy ăn năn điều ác mình, và cầu nguyện Chúa, hầu cho ý tưởng của lòng ngươi đó họa may được tha cho. Vì ta thấy ngươi đang ở trong mật đắng và trong xiềng tội ác” (Công 8:20-23).
Việc không có bất kỳ bằng chứng nào về sự ăn năn hoặc sẵn sàng cầu nguyện khiến tôi nghi ngờ rằng Si-môn tin vào Chúa Giê-su và trải qua nghi lễ của phép báp-têm, nhưng niềm tin của ông không phải là một niềm tin cứu rỗi thực sự. Si-môn dường như vẫn là một người chưa ăn năn và chưa được tái sanh mặc cho phản ứng ban đầu và hành vi tôn giáo của ông.
Tenney đề cập đến loại niềm tin mà thiếu đức tin thật là “nông cạn.”7 Morris gọi nó là “niềm tin nhất thời” không phải là đức tin cứu rỗi.8 Nó chỉ đơn thuần dựa trên lời tuyên xưng bên ngoài. Vấn đề cần được quan tâm ở đây là đối tượng của niềm tin. Niềm tin này dường như chủ yếu dựa trên các phép lạ và không bắt nguồn từ sự hiểu biết rõ ràng về thân vị của Đấng Christ là Đấng Mê-si và là Con của Đức Chúa Trời. Nhiều người có khuynh hướng tin điều gì đó về Chúa Giê-su nhưng không sẵn lòng trung thành với Ngài, tin Ngài như là một Đấng Mang Tội của cá nhân họ.
Chúng ta thấy điều này ngày hôm nay, phải không? Người bạn Hồi giáo của tôi tin vào Chúa Giê-su theo nghĩa anh ta tin rằng Chúa Giê-su là một nhà tiên tri. Nhưng anh bạn đó nói rằng đấng tiên tri vĩ đại hơn là Muhammed là người đã nhận được sự mặc khải cuối cùng của Đức Chúa Trời được chép trong kinh Cô-ran. Người bạn Mormon của tôi tin vào Chúa Giê-su theo nghĩa anh ta tin rằng Chúa Giê-su là một người đã trở thành thần, và chúng ta cũng có khả năng làm điều tương tự. Đức tin của anh bạn này dựa vào Sách Mormon và các tác phẩm khác của Mormon. Những người theo đạo Baha’i tin vào Chúa Giê-su theo nghĩa họ tin rằng Chúa Giê-su là một trong nhiều con đường dẫn đến Đức Chúa Trời. Họ tin rằng những truyền thống tôn giáo khác nhau, được những người chân thành thực hành, sẽ dẫn họ đến với Đức Chúa Trời.
Thảm hại là nhiều người tin rằng điều bạn tin không thực sự quan trọng, miễn là bạn chân thành. Điều này làm tôi nhớ đến một bộ phim hoạt hình Peanuts, khi Charlie Brown trở về sau một trận đấu bóng chày kịch liệt, người dẫn chương trình nói, “tỉ số chẳng là gì! Làm sao chúng ta có thể thua khi chúng ta thi đấu chân thành như vậy?” Thực tế là, Charlie Brown cần nhiều hơn sự chân thành để chiến thắng trận bóng chày. Nhiều người chân thành về niềm tin của họ, nhưng họ đặt sự chân thành sai chỗ!
admin