Bài tham khảo, bản gốc Tiếng Anh: The Poison of Prosperity Gospel – Blog – Eternal Perspective Ministries
Chuyển ngữ: Mục sư Lê Minh Đạt
Bã độc của Thần học thịnh vượng
Thần học thịnh vượng dạy rằng Đức Chúa Trời sẽ ban phước dư dật về vật chất và sức khỏe cho những ai vâng phục Ngài và công bố lời hứa của Ngài. “Chúng ta không cần phải chờ phước hạnh của Chúa trong đời sau. Ngài sẽ ban cho chúng ta điều ấy ngay tại đây và ngay bây giờ,” quan điểm thần học này hứa hẹn như thế.
Sự dạy dỗ được nhiều người biết đến qua khẩu hiệu “hãy gọi tên và công bố” còn được gọi là tin lành sức khỏe và giàu có. Nó không chỉ giới hạn trong một số hội chúng nhưng đã thâm nhập vào các hội thánh tin lành dòng chính, rồi từ đó len lõi cách tinh vi vào thế giới quan của nhiều Cơ đốc nhân.
Tác giả cuốn sách Total Life Prosperity (Thịnh vượng mọi mặt trong đời) viết rằng, “Sự thịnh vượng theo Kinh Thánh là khả năng kiểm soát mọi tình huống, hoàn cảnh xảy đến trong đời bạn. Bất cứ điều gì xảy ra, dù là tài chính, xã hội, sức khỏe, hôn nhân, thuộc linh hay cảm xúc, sự thịnh vượng kiểu này giúp bạn kiểm soát mọi hoàn cảnh”
Một tác giả khác lại viết rằng, “Sự nghèo khó là không cần thiết. Những mất mát thật đau đớn…Tôi ghét phải chịu đau. Cơn đau đớn của bạn có thể chấm dứt. Tôi muốn bạn được chữa lành hoàn toàn. Đó là lý do tôi viết sách này”
Thế giới quan sai trật này nuôi dưỡng sự giả tạo, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến Phúc Âm, và khiến người ta đi đến chỗ tin rằng, khi điều ác và hoạn nạn xảy đến với họ, Đức Chúa Trời không chân thật trong lời hứa của Ngài.
Vấn đề không phải là Đức Chúa Trời thỉnh thoảng chữa lành chúng ta, hoặc chúng ta có nên cầu nguyện xin Chúa chữa lành hay không. Dĩ nhiên, Ngài có làm điều ấy, và dĩ nhiên, chúng ta nên cầu nguyện xin điều ấy. Nhưng sau khi cầu nguyện ba lần để được chữa lành những đau đớn trong thân thể, Phao-lô tín thác nơi ân điển Đức Chúa Trời sẽ sử dụng hoạn nạn của ông vì cớ vinh hiển của Ngài (II Cô 12:7-10). Khi chúng ta vẽ ra một Đức Chúa Trời luôn luôn hứa hẹn những chữa lành ngắn hạn tại đây và ngay bây giờ, chúng ta đang hiểu sai Ngài.
Bi kịch là, tinh lành thịnh vượng đã đem bã độc vào hội thánh và làm suy yếu khả năng của chúng ta đối diện với điều ác và hoạn nạn. Một số hội thánh ngày nay không đề cập gì đến sự đau khổ. Micro chỉ dành cho những người nói rằng Chúa đã chữa lành họ, trong khi những người khác vẫn đang trong cơn hoạn nạn thì cảm thấy xấu hổ và im lặng, hoặc bị dẫn đi cửa sau.
Quan điểm của Phao-lô rất khác biệt, “Ngài nhân Đấng Christ, ban ơn cho anh em, không những tin Đấng Christ mà thôi, lại phải chịu khổ vì Ngài nữa.” (Phi-líp 1:29).
“Các ngươi sẽ có sự hoạn nạn trong thế gian,” Chúa Giê-xu đã hứa như thế (Giăng 16:33). Chúng ta cũng nên đón nhận lời hứa này như đã đón nhận lời hứa trong Giăng 3:16.
Câu chuyện đầu tiên trong thế giới sau Sự Sa Ngã là Cain giết A-bên, một người ngay lành đẹp lòng Chúa và phải chịu hậu quả trực tiếp của tội lỗi. Nô-ê, Áp-ra-ham, Giô-sép, Môi-se, Đa-vít, Đa-ni-ên, Sa-đơ-rắc, Mê-sác và A-bết-nê-gô và hầu như tất cả những nhà tiên tri không phải là những người công bình tình cờ bị hoạn nạn. Nói cho đúng, họ gặp hoạn nạn vì cớ họ là người công bình.
Vẫn còn tiếp tục trong Tân Ước, với Chúa Giê-xu là ví dụ điển hình. Chúa Giê-xu nói rằng Giăng Báp-tít là người lớn hơn hết (Lu-ca 7:28). Chẳng lâu sau đó, những kẻ ác đã bỏ Giăng vào ngục, rồi chặt đầu, và nhạo cười đặt đầu ông trên một cái dĩa (Ma-thi-ơ 14:6-12). Còn gì có thể trái ngược hơn với tin lành sức khỏe và giàu có?
Đức Thánh Linh đầy dẫy trong Ê-tiên, và ông bị kẻ ác ném đá đến chết. Hê-rốt Ạc-ríp-pa chém đầu Gia-cơ. Nê-rô chém đầu Phao-lô. Truyền khẩu nói rằng Phi-e-rơ và An-rê bị đóng đinh, Ma-thi-ơ tuận đạo, Thô-ma bị người ta dùng giáo đâm chết. Những người Pha-ri-si ném Gia-cơ con A-phê từ trên đền thờ xuống đất, ném đá ông đến chết, và lấy dùi cui trây óc của ông vương vãi. Thư I Phi-e-rơ được dành riêng cho Cơ đốc nhân phải chịu những bất công vì cớ Đấng Christ.
Larry Waters viết rằng, “Chúng ta được hứa và được trải nghiệm phước lành, nhưng sự hoạn nạn cũng không loại trừ. Đúng ra là, đời sống bình thường của một người theo Chúa gồm cả phước lành lẫn khổ nạn.”
Lạc quan cách mấy đi nữa, cũng thấy rằng Cơ đốc nhân đã phải chịu hoạn nạn trong thế giới cổ đại. Ngày nay vẫn tiếp diễn như thế. Những Cơ đốc nhân không chịu khổ vì bắt bớ thì vẫn phải làm việc chân tay, chịu đau khi sinh nở, bệnh tật và chết, như mọi người khác.
Những xưng nhận của tin lành giàu có và sức khỏe rõ ràng là đối nghịch với rất nhiều phân đoạn Kinh Thánh đến nỗi khó mà tưởng tượng được rằng làm thể nào nhiều Cơ đốc nhân tin nhận những điều ấy, nếu không phải là từ quyền phép dối gạt của Satan.
Sứ đồ Phi-e-rơ viết rằng, “Hỡi kẻ rất yêu dấu, khi anh em bị trong lò lửa thử thách, chớ lấy làm lạ như mình gặp một việc khác thường. Nhưng an hem có phần trong sự thương khó của Đấng Christ bao nhiêu, thì hãy vui mừng bấy nhiêu, hầu cho đến ngày vinh hiển của Ngài hiện ra, thì anh em cũng được vui mừng nhảy nhót.” (I Phi 4:12-13)
Chúng ta chớ nên ngạc nhiên khi gặp phải hoạn nạn – dù đó là bắt bớ, tai nạn, hay đau bệnh. Chúa đã hứa điều đó. Một trong nhựng bi kịch đối với tin lành sức khỏe và giàu có là khiến Đức Chúa Trời giống như một người nói dối. Khi người ta tin rằng Chúa hứa giữ gìn họ khỏi hoạn nạn, thì khi hoạn nạn đến họ sẽ thấy rằng Chúa là không đáng tin.
Khi khó khăn đến, người ta nên từ bỏ đức tin nơi một tín lý sai trật, chứ không nên bỏ Chúa. Trái ngược với những nhà truyền giảng giàu sang, Phao-lô nói trước rằng, “Chúng ta phải trải qua nhiều nỗi khó khăn mới vào được nước Đức Chúa Trời.” (Công 14:22
Nếu chúng ta tin Chúa, Ngài sẽ cứu chúng ta khỏi sự khổ nạn đời đời. Và bây giờ Ngài cho chúng ta nếm thử sự sống trong sự hiện diện của Ngài. Đó chính là điều Chúa hứa.
MS LÊ MINH ĐẠT