Câu hỏi: Tại sao tất cả Cơ Đốc nhân đều giả hình?
Trả lời: Có lẽ không có lời buộc tội nào kích động hơn là lời buộc tội “giả hình”. Đáng tiếc thay, có một số người cho rằng tất cả Cơ Đốc nhân đều giả hình (kẻ đạo đức giả). Thuật ngữ “giả hình” được sử dụng rộng rãi trong tiếng Anh. Thuật ngữ này đến với chúng ta thông qua tiếng La tinh hypocrisies có nghĩa là “đóng kịch, giả vờ”. Lùi lại xa hơn, chữ này xuất hiện trong cả tiếng Hy Lạp cổ đại và Tân Ước và nó cũng cùng một ý nghĩa đó là đóng kịch, giả vờ.
Đây là cách mà Chúa Giê-xu sử dụng thuật ngữ này. Ví dụ, khi Đấng Christ dạy về tầm quan trọng của sự cầu nguyện, sự kiêng ăn, và sự dâng hiến cho dân chúng, thì Ngài đã nghiêm cấm họ không được theo gương của những kẻ giả hình (Ma-thi-ơ 6:2, 5, 16). Bằng cách cầu nguyện lâu hơn trước nơi công cộng, sử dụng những thủ đoạn vô biên để đảm bảo người khác chú ý đến sự kiêng ăn của họ, và phô trương những của lễ của họ trước Đền thờ và người nghèo, thì họ chỉ bày tỏ lòng thành bên ngoài đối với Chúa. Dù người Pha-ri-si đã thể hiện tốt vai trò ấn tượng của họ như là những gương mẫu đức hạnh của tôn giáo trước công chúng, nhưng họ đã thất bại một cách thảm thương ngay chính bên trong tấm lòng của họ là nơi mà đức hạnh thực sự ngự trị (Ma-thi-ơ 23:13-33, Mác 7:20-23).
Chúa Giê-xu không bao giờ gọi môn đồ của Ngài là những kẻ giả hình. Tên gọi đó chỉ được dành cho những người cuồng tín lầm lạc. Đúng hơn là, Ngài đã gọi họ là “những môn đồ”, “những người bạn”, “con chiên” và “Hội Thánh” của Ngài. Ngoài ra, có một sự cảnh báo trong Tân Ước về tội giả hình (I Phi-e-rơ 2:1), là điều mà Phi-e-rơ gọi là “giả trá”. Hơn nữa, còn có hai ví dụ rành rành về sự giả hình trong Hội thánh đã được ghi chép lại. Trong Công vụ 5:1-10, hai môn đồ đã bị vạch trần về sự giả dối hơn là sự rộng rãi của họ. Cuối cùng thì họ đã nhận lấy hậu quả rất khốc liệt. Và trước mặt mọi người, Phi-e-rơ đã bị tố cáo vì dẫn đầu một nhóm người giả hình trong cách cư xử của họ với những tín đồ dân ngoại (Ga-la-ti 2:13).
Từ sự giảng dạy của Tân Ước, chúng ta có thể rút ra được ít nhất hai kết luận. Trước hết, sự giả hình tồn tại giữa vòng những người tự cho mình là Cơ Đốc nhân. Họ hiện diện từ lúc ban đầu và theo câu chuyện ngụ ngôn của Chúa Giê-xu về cỏ lùng và lúa mì thì họ chắc chắn sẽ tồn tại cho đến kỳ cuối cùng (Ma-thi-ơ 13:18-30). Ngoài ra, ngay cả một sứ đồ còn có thể mắc tội giả hình, thì không có lý do gì để cho là những Cơ Đốc nhân “bình thường” sẽ không mắc phải tội đó. Chúng ta phải luôn luôn cảnh giác để không rơi vào sự cám dỗ giống y vậy (I Cô-rinh-tô 10:12).
Dĩ nhiên, không phải ai tuyên bố rằng mình là Cơ Đốc nhân thì người đó là một Cơ Đốc nhân thật. Có thể tất cả hay hầu hết những người giả hình nổi tiếng trong cộng đồng Cơ Đốc thật sự là những người giả vờ và những người dối trá. Ngày nay, những nhà lãnh đạo Cơ Đốc lỗi lạc đã ngã vào những tội lỗi đáng kinh này. Thỉnh thoảng, những vụ bê bối tiền bạc và tính dục dường như lan tràn vào trong cộng đồng Cơ Đốc. Tuy nhiên, thay vì nói về hành vi của một vài người và sử dụng chúng để chê bai toàn bộ cộng đồng Cơ Đốc, thì chúng ta cần phải hỏi liệu rằng tất cả những người tuyên bố họ là Cơ Đốc nhân thì họ có thật sự là Cơ Đốc nhân hay không. Nhiều phân đoạn Kinh thánh khẳng định rằng tất cả những ai thật sự thuộc về Đấng Christ sẽ bày tỏ bông trái của Thánh Linh (Ga-la-ti 5:22-23). Câu chuyện ngụ ngôn của Chúa Giê-xu về hạt giống và đất trong Ma-thi-ơ đoạn 13 cho thấy rõ ràng rằng không phải tất cả những lời tuyên xưng đức tin nơi Ngài đều là chân thật. Đáng buồn thay, nhiều người xưng mình thuộc về Ngài sẽ bị sửng sốt khi một ngày nào đó Ngài nói với họ rằng, “Hỡi kẻ làm gian ác, ta chẳng biết các ngươi bao giờ, hãy lui ra khỏi ta! (Ma-thi-ơ 7:23).
Thứ hai, mặc dù chúng ta không nên ngạc nhiên khi một vài người giả là thánh khiết hơn họ thật sự thánh khiết xưng mình là Cơ Đốc nhân, nhưng chúng ta không thể kết luận rằng Hội thánh được hình thành hầu như toàn là người giả hình. Có thể chắc chắn thừa nhận một điều rằng tất cả chúng ta, những người tuyên xưng danh của Chúa Giê-xu Christ vẫn còn là những tội nhân ngay cả sau khi tội lỗi của chúng ta được tha thứ. Có nghĩa là, mặc dù chúng ta đã được cứu khỏi án phạt đời đời của tội lỗi (Rô-ma 5:1, 6:23), nhưng chúng ta chưa được cứu và giải phóng khỏi sự hiện hữu của tội lỗi trong đời sống chúng ta (I Giăng 1:8-9), bao gồm cả tội giả hình. Nhờ đức tin sống động của chúng ta trong Đức Chúa Giê-xu, nên chúng ta tiếp tục vượt qua được quyền lực của tội lỗi cho đến khi chúng ta hoàn toàn được giải phóng (I Giăng 5:4-5).
Tất cả Cơ Đốc nhân đều hoàn toàn thất bại trong cách sống theo tiêu chuẩn giảng dạy của Kinh thánh. Chưa bao giờ có Cơ Đốc nhân nào hoàn toàn giống như Đấng Christ. Tuy nhiên, có nhiều Cơ Đốc nhân thực sự đang cố gắng để sống một đời sống Cơ Đốc và đang ngày càng ngày nhờ cậy Đức Thánh Linh cáo trách, thay đổi và giúp họ. Có vô số Cơ Đốc nhân đã sống một đời sống thoát khỏi bê bối. Không có Cơ Đốc nhân nào hoàn hảo, nhưng phạm lỗi và thất bại trong việc vươn đến sự toàn hảo trong đời sống này thì không thể được cho là kẻ giả hình.