Trang Chủ TRANG CHỦ Cơ đốc nhân Đón Xuân

Cơ đốc nhân Đón Xuân

952
0
SHARE

Nền tảng: Rô-ma 12:2

Đừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào.

– Có nhiều người tin Chúa thắc mắc: Người Tin Chúa có nên Ăn Tết không? Họ hỏi vì họ nghĩ Tết là cái gì thuộc đời này, lại có nhiều tội lỗi xảy ra trong những ngày tết, nên hỏi là muốn không Ăn Tết.

– Để trả lời câu hỏi này, chúng ta phải nhắc lại Tết là gì? Thật sự không ai định nghĩa từ ngữ TẾT từ đâu ra, nhưng người Việt nào cũng biết TẾT đồng nghĩa với VUI, cho nên có thành ngữ: vui như Tết. Đúng vậy, Tết Việt chúng ta ngày xưa lấy nông nghiệp làm chính, nên sau một vụ mùa dài thường là 6 tháng theo mùa mưa như ca dao:

Tháng Giêng là tháng ăn chơi,

Tháng hai trồng đậu, trồng khoai, trồng cà.

Tháng ba thì đậu đã già, 

Ta đi ta hái về nhà phơi khô.

Tháng tư đi tậu trâu bò,

Để ta sắm sẵn làm mùa tháng năm.

Bao giờ cho đến tháng mười,

Ta đem liềm hái ra ngoài ruộng ta. 

Gặt hái ta đem về nhà,

Phơi khô quạt sạch ấy là xong công.

– Thu hoạch lúa xong thì đã cuối năm, do đó, dầu năm mới là những ngày vui và vui như Tết.

– Tết là những ngày vui, mà Cơ đốc nhân là những người sống trong vui mừng như Phi-líp 4:4. Vì thế không có gì tội lỗi mà người tin Chúa phải tránh.

– Dĩ nhiên Người Tin Chúa ăn Tết sẽ có những cái khác với người chưa tin Chúa. Khác chỗ nào?

– Kinh Thánh Rô-ma 12:1 nêu ra cái khác là ở nền tảng ăn Tết của Người Tin Chúa là họ đặt mình trên lúc nào cũng nhận thức mình là người đã được Đức Chúc Trời thương xót nên đã ban Con Một của Ngài là Chúa Jêsus chịu chết đền tội cho họ, cái giá sự cứu rỗi đó lớn biết dường nào, nên khi sống vui trên đất, ngay trong những ngày Tết, họ cũng sẽ lấy đức tin giữ mình làm của lễ sống và thánh làm đẹp lòng Đức Chúa Trời.

– Đó là lý do Phao-lô luôn nhấn mạnh “Hầu cho anh em ở giữa dòng dõi hung ác ngang nghịch, được nên con cái của Đức Chúa Trời, không vít, không tì, không chỗ trách được, lại giữa dòng dõi đó, giữ lấy đạo sự sống, chiếu sáng như đuốc trong thế gian” – Phi-líp 2:15

– Đó cũng là lý do Phi-e-rơ khi viết thư gởi cho những người tin Chúa đang bị bắt bớ tan lạc khắp nơi đã mở đầu thư của ông: gởi cho những người kiều ngụ rải rác… là những người được chọn, được nên thánh, có phần trong sự rải huyết Ngài (I Phi-e-rơ 1:1-32).

– Như vậy, Người Tin Chúa cũng Ăn Tết, nhưng khi hòa chung với dân tộc những ngày vui sẽ không để mình phạm tội; Tết là cơ hội ăn uống, người Việt có câu: Miếng ăn là miếng tồi tàn, nên Người Tin Chúa sẽ nhờ ơn Chúa ăn thế nào để thân thể của mình là của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, chiếu sáng như đuốc, xứng với địa vị mình là người được chọn, được nên thánh, được dự phần trong sự rải huyết của Chúa Jêsus Christ.

Các Cơ đốc nhân đón tết:

Đọc Rôma 12:1-2

Phao-lô nêu ra hai phương diện:

  • Phương diện tiêu cực: Đừng làm.
  • Phương diện tích cực: Hãy làm

– Bây giờ chúng ta hãy xét từng các Ăn Tết, các nào Người Tin Chúa nên làm, cách nào không làm.

Đưa Ông Táo: Ngày Tết luôn bắt đầu từ 23 tháng Chạp (12 âm lịch). Ngày đó người chưa tin Chúa sẽ có lễ đưa ông Táo. Ông Táo là ai? Nói đến ‘Ông Táo’ là nói đến cái bếp có ba cục nhô cao dùng để đặt nồi trên đó, giúp thông gió cho ngọn lửa cháy, như câu: làm lớn làm ráo, làm ông Táo đội nồi cơm. Truyển cổ tích Việt thường đặt ra một truyện gì đó để giải thích một sự việc giúp răn đe – thí dụ: truyện ‘Trái khóm’ hay trái thơm có nhiều mắt; truyện hột gạo tại sao nhỏ…, và truyện một người đàn bà vì hoàn cảnh nên có hai người chồng, cuối cùng cả ba chết cháy chung trong đống rơm để giải thích ba Ông Táo (đúng ra là một bà hai ông). Truyện như vậy chẳng có gì hay ho, nên một nhà thơ nổi tiếng  đã thốt:

Dăm ba ông táo dạo chơi Xuân

Đội mũ mang hia chẳng mặc quần,

Trời hỡi, sao mà ăn mặc thế?

Tâu rằng dưới thế nó canh tân.

– Chỉ là truyện kể cho vui, có lẽ câu chuyện hàm ý những ngày Tết cần quét dọn nhà bếp, vì cả năm – nhất là những gia đình ở quê chủ yếu đun lửa bằng rơm, bằng củi, bằng than, bếp đầy tro, lọ đen, cần dọn dẹp sạch sẽ, nên bày ra chuyện đưa ông táo về trời báo cáo, nếu mình để dơ e rằng ông không vui.

– Người Tin Chúa không mê tín đưa ông Táo, nhưng cần dọn dẹp nhà bếp, vì quanh năm lo làm lụng cực nhọc, nhất là những người trước Tết lo tranh thủ kiếm ít tiền nhơn Tết bỏ mặc nhà bếp thì nên nhớ dành thì giờ dọn dẹp nhà bếp. Có lẽ các cô ở thành phố hoặc ở Mỹ không biết ông Táo vì sử dụng bếp ga, bếp điện, cho nên ‘ba ông Táo’ thành ra ‘3 trái apple’ (three apple men).

    • Dọn dẹp nhà cửa: Khỏi cần nói là dù tin Chúa hay không tin Chúa cũng đều nên làm, ít ra một năm 1 lần tu sửa nhà cửa lại.
    • Quần áo mới: Nói đến Tết là nói đến quần áo mới cho các cháu thanh thiếu nhi. Có nên mau sắm quần áo mới cho các cháu thanh thiếu nhi không? Tôi quả quyết các cháu sẽ đồng thanh lên tiếng: NÊN, hay nói cách mạnh là PHẢI CÓ. Thế thì Người Tin Chúa cũng như người không tin Chúa đều nên may sắm cho con em của mình quần áo mới. Tuy nhiên, tôi cũng mong các cháu nghĩ đừng đòi hỏi thái quá, hãy nghĩ đến còn biết bao nhiêu thanh thiếu nhi vùng sâu vùng xa, gia đình nghèo khó, có thể các cháu nào có điều kiện thì bớt chút tiêu xài giúp các cháu kia. Đó là tình yêu thương mà Người chưa tin cũng như Người Tin Chúa đều nên làm.Người Việt chúng ta thường đón giao thừa tại nhà rồi đến những nơi thờ tự để gọi là “Xin Lộc Đầu Năm”. Người Tin Chúa được khuyến khích sáng Mùng Một đến nhà thờ để thờ phượng Chúa. Sau khi thờ phượng thì các bậc phụ huynh có thể “lì xì” cho con em trong hội thánh.
      Nói đến “lì xì”: Dù là tiếng Trung quốc nhưng hầu như đã được Việt hóa để gọi món tiền nhỏ tượng trưng cho mối lợi lớn, may mắn được dùng trong dịp Tết, thường thì do những người trưởng thượng hay cấp trên cho con cháu hoặc người cấp dưới. Tuy nhiên, phụ huynh cũng nên khuyên dạy con đừng chú trọng bao nhiêu trong phong bao lì-xì, mà đó là tiền tượng trưng. Người Tin Chúa cũng không có gì cấm cản, chỉ duy là xem hình ảnh trên phong bao lì-xì có gì trái Kinh thánh không?
      Vấn đề Rước Ông Bà đã qua đời: Vì người Việt chúng ta chuộng chữ hiếu nên ngày vui ngày Tết rất mong muốn có đầy đủ Ông Bà Cha Mẹ dự, đó là điều tốt. Nhưng suy cho cùng, nếu đợi đến chiều 30 Tết (hay 29 Tết – năm thiếu) mới rước, thì suốt năm Ông Bà Cha Mẹ đã qua đời ở đâu? Lại còn phải tiễn Ông Bà Cha Mẹ đã qua đời sau những ngày Tết, thế là bỏ Ông bà Cha Mẹ vất vưởng đợi Tết năm sau sao? Lại nếu rước mà Ông bà Cha Mẹ đã qua đời về thiệt thì liệu con cháu có dám mời vô nhà không? Có dám ngồi đó mà ăn chung không? Người Tin Chúa theo Tin Lành thường được khuyến khích vào ngày Tết lo dọn dẹp sơn phết mồ mả Ông Bà Cha Mẹ đã qua đời, nếu được thì rước Ông Bà Cha Mẹ còn sống về vui Tết chung với mình hoặc về thăm Ông Bà Cha Mẹ còn sống chung vui những ngày Tết. Rồi tối 30 hoặc giao thừa thì cả gia đình gồm Ông Bà Cha Mẹ con cháu họp lại hát Thánh ca ngợi khen Chúa về một năm bình an, đọc những câu Kinh thánh có ý nghĩa chúc Năm Mới, cầu nguyện cho các thành viên trong gia đình xin Chúa cho Ông Bà Cha Mẹ có sức khỏe, bình an; cho con cháu yêu mến Chúa, học giỏi, khỏe mạnh,… Rồi có vài lời chúc mừng Ông Bà Cha Mẹ còn sống bằng tấm lòng thành thật hoặc bằng một câu vài câu Kinh thánh gọi là mừng tuổi Ông Bà Cha Mẹ còn sống với mình. Chắc chắn đâu ai cấm Ông Bà Cha Mẹ lì xì cho con cháu vui.
    • Làm gì trong 3 ngày Tết:

Thờ phượng Chúa đầu năm mới sẽ dành cho tất cả tín hữu thuật lại một ơn phước mà Chúa đã ban cho họ trong năm qua. Đặc biệt là sau giờ thờ phượng đều năm mới, vị Mục sư và Ban Chấp Hành Hội thánh cùng một số các tín hữu cùng đi thăm viếng từng gia đình tín hữu, chúc Tết và cầu nguyện cho họ. Qua Lời Chúa là Kinh thánh dạy, Người Tin Chúa sẽ không tham dự vào việc cờ bạc, rượu chè say sưa, mà để thì giờ thăm viếng nhau, không chỉ chúc suông vài câu theo lẽ thường mà quan trọng là cầu nguyện cho nhau xin Chúa ban phước. Người Tin Chúa không xem bói khoa, vì Người Tin Chúa tin rằng kỳ mạng của mình là ở trong tay Chúa, thay vì tìm biết vận mệnh qua việc bói toán, Người Tin Chúa cầu nguyện xin Chúa ở cùng và dẫn dắt mình cùng gia đình, Hội thánh, cũng cầu nguyện cho đất nước, cộng đồng bình an. Một lời chúc suông chỉ là sáo ngữ, nhưng Người Tin Chúa chúc nhau bằng Lời Chúa và cầu nguyện cho nhau vì họ biết rằng chỉ có Chúa là Nguồn phước và Chúa mới là Đấng có quyền ban phước cho con người.
Người chưa tin Chúa có những lời chúc sáo rỗng như:
Đa tử, đa tôn, đa phú quý,
Đắc tài, đắc lợi, đắc bình an.Ngũ phúc lâm môn. Mọi sự như ý….Có người còn chúc:
Chúc cho anh chị, tiền vô như nước sông Đà
Tiền ra nhỏ giọt như cà phê phin….  Wow    🙂
Nhà thơ Trần Tế Xương châm biếm cách chúc Tết trong thời đại của ông:
Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau
Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu
Phen này ông quyết đi buôn cối,
Thiên hạ bao nhiêu đứa giã trầu.
Lẳng lặng mà nghe nó chúc giàu:

Trăm, nghìn, vạn mớ để vào đâu?

Phen này, ắt hẳn gà ăn bạc,

Đồng rụng, đồng rơi, lọ phải cầu.

Lẳng lặng mà nghe nó chúc sang:

Đứa thì mua tước, đứa mua quan.

Phen này ông quyết đi buôn lọng,

Vừa bán vừa la cũng đắt hàng.

Lẳng lặng mà nghe nó chúc con:

Sinh năm đẻ bảy được vuông tròn.

Phố phường chật hẹp, người đông đúc,

Bồng bế nhau lên nó ở non.

Bắt chước ai ta chúc mấy lời:

Chúc cho khắp hết ở trong đời.

Vua, quan, sĩ, thứ, người muôn nước,

Sao được cho ra cái giống người    🙂

Cơ đốc nhân nên chúc Tết như thế nào?

Chúng ta có thể sử dụng những lời chúc Tết của Người Tin Chúa từ Kinh thánh qua Lời Chúa, ví dụ như:

Thi thiên 23, mỗi câu là một lời chúc thực tế và có bảo đảm từ Chúa.
Thi thiên 90:16-17

Thi thiên 121:1-2, 7-8

Êsai 58:11

Giăng 14:27

Rõ ràng những lời chúc trong Chúa có bảo đảm của chính Chúa là Đấng Toàn Năng, cũng là Đấng yêu thương kẻ tin cậy Chúa. Cũng nhân ngày cận Tết này, tôi chúc anh chị em được như Lời Chúa trong Giê-rê-mi 17:7-8, “Đáng chúc phước thay là kẻ nhờ cậy Đức Giê-hô-va, và lấy Đức Giê-hô-va làm sự trông cậy mình. Nó cũng như cây trồng nơi bờ suối, đâm rễ theo dòng nước chảy; ngộ khi trời nắng, chẳng hề sợ hãi, mà lá cứ xanh tươi. Gặp năm hạn hán cũng chẳng lo gì, mà cứ ra trái không dứt.”

NGUỒN TIM-AI.NET

 

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên