Trang Chủ TRANG CHỦ Chương Trình Của Chúa

Chương Trình Của Chúa

594
0
SHARE

 

Giáo sư Warren W. Wiersbe  đã viết:

“Câu chuyện của Kinh Thánh là nói về Đức Chúa Trời, chứ không phải là những hoạt động của con người. Đức Chúa Trời đặt chìa khóa của Kinh Thánh ở chỗ này: Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên… (Sáng thế ký 1:1). Loại bỏ Đức Chúa Trời ra ngoài, lịch sử sẽ là một huyền nhiệm – một vở kịch rối rắm với những phần bị bỏ sót mà không có một ý nghĩa rõ ràng nào cho chúng ta. Chúng ta phải bắt đầu với Đức Chúa Trời, bởi vì Ngài vẽ thiết kế, viết ra kịch bản và lựa chọn các vai diễn. Ngài không vắng mặt trong bất cứ tình huống nào, Ngài ở đó luôn luôn trong mọi sự kiện. Không một ai có thể làm hỏng đi kịch bản của Ngài. Tất cả mọi điều phải diễn ra sau khi Ngài lên kế hoạch. Lịch sử là câu chuyện của Ngài.

Điều này không có nghĩa lịch sử của con người là một vở kịch rối rắm, mà ở đó Đức Chúa Trời cho phép con người làm theo ý muốn của họ, và rồi sau đó Ngài nhẹ nhàng loại bỏ họ qua một bên. Trong sự tể trị của Đức Chúa Trời, Ngài có thể thay đổi số phận hay định mệnh của những con người, mặc dù các vai diễn có thể lựa chọn đi theo một hướng khác thì câu chuyện vẫn cứ tiến hành. Đức Chúa Trời hành động theo quyết định của Ngài chứ không phải theo sự đồng thuận của bất kỳ một ủy ban nào. Trước giả Thi thiên viết: Đức Chúa Trời chúng tôi ở trên các từng trời; Phàm điều gì vừa ý Ngài, thì Ngài đã làm (Thi. 115:3). Những người vô thần phủ nhận điều này, người theo thuyết bất khả tri đặt câu hỏi tại sao, nhưng những người theo Chúa Giê-su Christ chấp nhận và vui hưởng Lời của Chúa đã tuyên bố.

Không một ai có thể hiểu biết tất cả về Đức Chúa Trời. Nhưng các lẽ thật căn bản về mối liên hệ của Đức Chúa Trời với con người đã được bày tỏ qua Kinh Thánh.”

Phần tiếp theo được trích dẫn từ sách UNDERSTANDING CHRISTIAN THEOLOGY

ĐỨC CHÚA TRỜI CỦA KINH THÁNH

Theo Kinh Thánh, Đức Chúa Trời là đời đời và vô hạn là những thuộc tính trong tất cả các thuộc tính của Ngài. Là Đức Chúa Trời toàn năng thông sáng, Ngài đã tạo ra vũ trụ bao gồm tất cả sự phức tạp của nó. Khi tạo ra thế giới, Ngài đã đặt ra tiền đề cho các hoạt động của con người. Nhưng làm sao Đức Chúa Trời có thể báo trước được điều gì sẽ xảy ra khi sự lựa chọn được phó mặc cho các tạo vật của Ngài? Theo Kinh Thánh, Đức Chúa Trời hiểu biết mọi thứ. Sự hiểu biết của Ngài về tất cả các sự kiện là không thể dò thấu được (Êsai. 40:28). Đấng Christ sở hữu “mọi kho báu của sự khôn ngoan và tri thức” (Côl. 2:3). Với hiểu biết về tất cả mọi thứ đối với thực tế hoặc có khả năng thực hiện, Đức Chúa Trời khi tạo ra thế giới biết hết tất cả những gì sẽ xảy ra từ khi Ngài sáng tạo.

Kinh Thánh cũng bày tỏ rằng Đức Chúa Trời có một kế hoạch trong đó Ngài đã xác định tương lai những gì sẽ diễn ra. Với sự hiểu biết về tất cả những gì có thể xảy ra cũng như tất cả sự kiện có thực trong tương lai, Đức Chúa Trời biết trước bất kỳ kế hoạch nào, bất kể chúng chi tiết đến mức nào, và Ngài có thể tiên báo với độ chính xác tuyệt đối không chỉ những gì chính Ngài sẽ làm mà còn những gì sẽ xảy ra theo luật tự nhiên và những lựa chọn của con người. Nhưng làm sao Đức Chúa Trời có thể biết trước được tương lai nếu không kiểm soát nó? Ngài có thể báo trước những lựa chọn mà con người sẽ thực hiện bởi vì Ngài có sự hiểu biết trọn vẹn về những gì mỗi cá nhân sẽ nhận biết và trải nghiệm.

Ví dụ quan trọng nhất về điều này là sự chết của Đấng Christ mà toàn bộ kế hoạch cứu chuộc rất ăn khớp với nhau. Đức Chúa Trời không cần phải đứng bên ngoài và lo lắng liệu Phi-lát có ra lệnh xử tử Đấng Christ hay quân lính có thực hiện mệnh lệnh đóng đinh Ngài hay không. Với sự toàn tri của Ngài, Đức Chúa Trời biết chắc chắn tuyệt đối rằng sự việc này sẽ phải xảy ra. Đồng thời Đức Chúa Trời không chịu trách nhiệm về những hành vi trái đạo đức của con người, bởi vì họ tự do lựa chọn mà không bị cảm giác ép buộc từ đấng cao hơn. Theo đó, mỗi từng lời trong số hàng trăm lời tiên tri đã được ứng nghiệm chính xác như lời Kinh Thánh tiên báo đều minh họa cho thực tế là Đức Chúa Trời có thể nhìn thấy tất cả các sự kiện trong tương lai bất luận sự lựa chọn của con người.

Nhưng làm thế nào chúng ta có thể giải thích những tình huống và hành vi bi thảm trong cuộc sống? Vì Đức Chúa Trời là trọn vẹn, nên Ngài sẽ không chấp nhận bất kỳ kế hoạch nào cho dù có một kế hoạch tốt hơn theo cách suy nghĩ của con người. Về mặt con người mà nói, Đức Chúa Trời có thể đã xác định bất kỳ một kế hoạch nào trong số các kế hoạch tốt như nhau. Trong kế hoạch này, thì ông Black được cứu, và trong kế hoạch khác, thì ông Brown được cứu. Vì sự trọn vẹn của Ngài, Đức Chúa Trời luôn phù hợp với bản tính của Ngài là chọn kế hoạch tốt nhất—không thể có kế hoạch nào tốt hơn. Mặc dù trong giới hạn của con người không thể hiểu biết được những bi kịch và sự kiện trong lịch sử là điều có vẻ trái ngược với những gì Đức Chúa Trời mong muốn, nhưng chúng ta chỉ có thể kết luận rằng nếu chúng ta có bức tranh đầy đủ về sự hiểu biết mọi thứ, thì chúng ta sẽ chọn cách thực hiện chính xác những gì Chúa đã hoạch định.

Điều phối viên trưởng của một trạm xe lửa có thể công bố thời gian biểu. Anh ta có thể xác định lịch trình cho thời gian vận chuyển hàng hóa; anh ta cũng có thể xác định lịch trình cho các chuyến tàu chở khách. Lịch trình được công bố và các chuyến tàu chạy như đã định. Nếu người điều phối là người biết mọi sự, có thể biết trước có bao nhiêu hành khách đi mỗi chuyến tàu. Vậy liệu anh ta có biết các chuyến tàu có chạy theo lịch trình hay không. Tuy nhiên, anh ta sẽ không ép buộc bất cứ ai lên tàu. Sẽ có sự chắc chắn mà không có sự ép buộc. Theo cách tương tự, sự lựa chọn của con người theo quan điểm của Đức Chúa Trời có thể được xác định mà không bắt buộc ai phải làm bất cứ điều gì.

Đây là lập luận của Rô-ma 8:28–39. Câu 28 thường được trích dẫn, “Vả, chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Ðức Chúa Trời, tức là cho kẻ được gọi theo ý muốn Ngài đã định.” Sau đó, Phao-lô nói thêm, “Vì những kẻ Ngài đã biết trước, thì Ngài cũng đã định sẵn để nên giống như hình bóng Con Ngài, hầu cho Con nầy được làm Con cả ở giữa nhiều anh em; còn những kẻ Ngài đã định sẵn, thì Ngài cũng đã gọi, những kẻ Ngài đã gọi, thì Ngài cũng đã xưng là công bình, và những kẻ Ngài đã xưng là công bình, thì Ngài cũng đã làm cho vinh hiển” (8:29-30). Sự biết trước của Ngài, cũng như các tín lý về sự lựa chọn và tiền định, đều là một phần trong kế hoạch của Đức Chúa Trời, trong đó bao gồm tất cả các khía cạnh quyết định của con người. Rô-ma 8 kết thúc một cách đắc thắng với tuyên bố rằng không gì có thể phân rẽ chúng ta khỏi tình yêu thương của Đức Chúa Trời. “Vì tôi chắc rằng bất kỳ sự chết, sự sống, các thiên sứ, các kẻ cầm quyền, việc bây giờ, việc hầu đến, quyền phép, bề cao, hay là bề sâu, hoặc một vật nào, chẳng có thể phân rẽ chúng ta khỏi sự yêu thương mà Ðức Chúa Trời đã chứng cho chúng ta trong Ðức Chúa Giê-su Christ, là Chúa chúng ta” (8:38-39).

THẨM QUYỀN VÀ SỰ CHÍNH XÁC CỦA SỰ MẶC KHẢI KINH THÁNH

Tuy nhiên, khái niệm về lời tiên tri được ứng nghiệm phụ thuộc vào việc chấp nhận Kinh Thánh như một cuốn sách được soi dẫn siêu nhiên, trong đó Đức Chúa Trời bày tỏ một cách trọn vẹn những gì Ngài muốn loài người hiểu biết. Là sản phẩm của Đức Chúa Trời, nên Kinh Thánh không có sai sót; tuyên bố về lẽ thật của Kinh Thánh có ý nghĩa tuyệt đối và đời đời. Tuy nhiên, Kinh Thánh cũng là một cuốn sách dành cho con người, được con người viết  nên dĩ nhiên là có hạn chế về kiến thức và sự hiểu biết. Đôi khi ngay cả những trước giả viết Kinh Thánh, được Đức Chúa Trời thần cảm, thì chính họ cũng chưa hẳn đã hiểu hết những gì họ viết. Nói chung, Kinh Thánh không phải là sách mà thần đọc cho con người viết. Nhưng Đức Chúa Trời đã hướng dẫn các trước giả để những gì họ viết ra là hoàn toàn đúng sự thật và thể hiện những gì Ngài muốn truyền đạt. Khi viết Kinh Thánh, Đức Chúa Trời đã kết hợp ý muốn thiên thượng và sự biết trước của Ngài.

TẠI SAO HIỆN TẠI NGƯỜI TA KHÔNG TIN VÀO LỜI TIÊN TRI?

Kinh Thánh khẳng định rõ ràng con người phải chịu trách nhiệm cho linh hồn của mình, đó là sự sống đời sau, và Đức Chúa Trời sẽ phán xét mỗi người. Điều này được tuyên bố rõ ràng trong Hê-bơ-rơ 9:27, “Theo như đã định cho loài người phải chết một lần, rồi chịu phán xét.” Điều tự nhiên là con người muốn tránh né bị liên quan đến sau này sẽ phải đối diện với Đức Chúa Trời bằng cách này hay cách khác, cũng như cố gắng né tránh những lời tiên tri của Đức Chúa Trời về tương lai. Ngay cả trong nhà thờ, những người giải nghĩa Kinh Thánh cũng có xu hướng bỏ qua tính rõ ràng của những lời tiên tri này; họ thường xuyên đặt câu hỏi về những lời tiên tri quan trọng trong Kinh Thánh liên quan đến Y-sơ-ra-ên, hội thánh và thế gian, và có xu hướng bỏ qua những lời cảnh báo về sự tái lâm của Đấng Christ. Họ đã làm điều này bởi vì họ bỏ qua nhiều sự kiện chứng minh rõ ràng rằng Kinh Thánh là một cuốn sách siêu nhiên chứa đựng những điều mặc khải từ Đức Chúa Trời. Việc có quá nhiều lời tiên tri đã được ứng nghiệm nên dẫn đến sự kết luận rằng không có lời giải thích nào cho sự chính xác của chúng ngoài việc những lời tiên tri đó là do chính Đức Chúa Trời ban cho một cách thần thượng.

Tất cả những điều này tạo thành nền tảng cho việc giải nghĩa Kinh Thánh một cách chính xác và hiểu biết những sự kiện chính tập trung vào bối cảnh các sự kiện thế giới trong tương lai. Có thể nhấn mạnh rằng Kinh Thánh hoàn toàn chính xác trong các lời tiên tri và Đức Chúa Trời có ý định cho chúng ta hiểu các sự kiện chính của lời tiên tri, mặc dù một số điều vẫn chưa được khám phá hết. Cơ Đốc nhân coi trọng các lời tiên tri trong Kinh Thánh và bằng chứng của hàng trăm lời tiên tri đã ứng nghiệm.

 

translated by VMI

 

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên