Trang Chủ CÁC SÁCH BIÊN DỊCH Cẩn Thận Với Từ Ngữ Trong Kinh Thánh

Cẩn Thận Với Từ Ngữ Trong Kinh Thánh

864
0
SHARE

Jack Kuhatschek

Translated by Tuong Vi

Cách đây vài năm, một người bạn của tôi đã nhận được một lá thư, trong đó hướng dẫn cách xin cầu nguyện để “nhận được sự chữa lành bằng phép lạ”. Phiếu xin cầu nguyện  đính kèm theo các hướng dẫn sau: “Hãy cầm tờ giấy cầu nguyện mà tôi đã gửi cho bạn và viết tên bạn, cùng chứng bệnh của bạn trên đó, và khi bạn tiến hành việc này hãy đặt tay lên đó. Chúng tôi phải nhận lại phiếu yêu cầu xin cầu nguyện của bạn để chúng tôi có thể chạm vào chúng và cầu nguyện cho những nội dung ghi trên đó, vì “nếu có hai người đồng ý chạm vào bất cứ điều gì, điều đó sẽ được thực hiện.”

Bằng cách hiểu sai phiên bản King James (và cả bản Kinh thánh tiếng Việt), tác giả của lá thư trên đã hiểu sai khi giải thích câu Kinh thánh Ma-thi-ơ 18:19. Từ “chạm vào” – là từ chìa khóa trong quan điểm của anh ấy. Thực ra từ này không xuất hiện trong văn bản tiếng Hy Lạp, và như bản Kinh thánh tiếng Việt ghi rõ lời dạy của Chúa Giê-su: “nếu hai người trong các ngươi thuận nhau ở dưới đất mà cầu xin không cứ việc chi, thì Cha ta ở trên trời sẽ cho họ.” (Ma-thi-ơ 18:19).

Dù có lẽ hơi cực đoan, nhưng ví dụ này minh họa những cách khác thường mà Kinh thánh đôi khi được giải thích và áp dụng. Một trong những giáo sư đại học của tôi là Howard Hendricks, đã từng nói, “Nhiều cách áp dụng Kinh thánh sai được treo lủng lẳng từ các chuỗi diễn giải!”

Để giải thích và áp dụng đúng Lời Đức Chúa Trời, chúng ta phải biết điều mà tôi gọi là “các lỗi chết người” trong việc nghiên cứu Kinh thánh.

  1. Bằng chứng/ý nghĩa đích thực của bản văn

Khi tôi còn là thiếu nhi, người chăn bầy của chúng tôi thường kết thúc các buổi lễ với lời chúc phúc sau đây: “Cầu xin Chúa quan phòng giữa tôi và các bạn trong khi chúng ta xa cách nhau.” Tôi cho rằng ông ấy đang cầu xin Chúa bảo vệ chúng tôi cho đến Chủ nhật tuần sau, và tôi chắc chắn đó là ý định của ông ấy. Chỉ nhiều năm sau, tôi mới phát hiện ra ông ấy đã đưa câu văn ra khỏi ngữ cảnh hoàn toàn. “Lời chúc phúc” của ông ấy không hay như người ta vẫn tưởng tượng. Chúng ta tìm thấy nó trong Sáng thế ký 31:49, sau khi Gia-cốp và La-ban giải quyết một cuộc tranh cãi, họ đã lập một giao ước. Vì La-ban không tin tưởng Gia-cốp, ông đã cầu xin Chúa để mắt đến con rể của mình để đảm bảo rằng anh ta không ngược đãi các con gái của La-ban. “La-ban có nói thêm rằng: Khi chúng ta phân cách nhau, cầu xin Đức Giê-hô-va coi sóc cậu và cháu.” Lấy bối cảnh câu văn là một lời đe dọa có vẻ lịch sự để áp dụng cho lời chúc phúc cuối buổi nhóm là điều không hợp lẽ! Để tránh chứng minh quan điểm chủ quan bằng cách lấy một câu ra khỏi ngữ cảnh — chúng ta cần nhận ra rằng việc học Kinh thánh đòi hỏi nhiều hơn là tra cứu một chuỗi các câu riêng biệt. Chúng tôi sẽ không bao giờ nghĩ đến việc đọc một cuốn tiểu thuyết theo cách đó — một câu từ chương 1, một câu khác từ chương 5 và một câu thứ ba từ chương 12. Nó sẽ dẫn đến hiểu lệch lạc cả quyển sách và chúng ta sẽ bỏ lỡ cốt truyện hoàn toàn! Kinh thánh được viết thành các thể loại văn học như sách, thư tín và thơ, để đọc từ đầu đến cuối nếu muốn hiểu toàn bộ Kinh văn.

2. Bám sát theo nghĩa đen

Cách đây vài năm, một chuyên gia đang giảng về Đạo Mặc-môn. Một vài người Mặc-môn đã chọn tham dự, và giữa cuộc họp, một người trong số họ đã đứng lên và lập luận rằng Đức Chúa Trời là Cha có thân thể vật lý. Ông trích dẫn những đoạn nói đến “cánh tay phải”, “bàn tay” và “đôi mắt” của Đức Chúa Trời. Người đó đọc lớn Thi thiên 17: 8, “Cầu Chúa bảo hộ tôi như con ngươi của mắt; Hãy ấp tôi dưới bóng cánh của Chúa.” và cho rằng điều đó có nghĩa là Đức Chúa Trời cũng có lông và cánh.

Để tránh chủ nghĩa giải Kinh theo nghĩa đen , chúng ta phải nhận ra rằng các tác giả Kinh thánh đã truyền đạt thông qua các phép ẩn dụ, mô phỏng và biểu tượng, và thông qua nhiều thể loại văn học, chẳng hạn như lịch sử, tục ngữ, ngụ ngôn, thư tín,  văn thơ và lời tiên tri. Chúng ta phải xác định thể loại văn học mà một tác giả sử dụng để giải thích ý nghĩa Kinh văn cách chính xác. Nếu chúng ta giả định rằng một tác giả đang nói theo nghĩa đen khi ông đang nói một cách ẩn dụ, thì lời giải thích của chúng ta sẽ trở thành vô nghĩa.

  1. Bỏ qua nền tảng của Kinh thánh

Hầu hết những người đọc Kinh thánh đều quen thuộc với những lời nổi tiếng của Đấng Christ nói với hội thánh ở Lao-đi-xê: “Ta biết công việc của ngươi; ngươi không lạnh cũng không nóng. Ước gì ngươi lạnh hoặc nóng thì hay!  Vậy, vì ngươi hâm hẩm, không nóng cũng không lạnh, nên ta sẽ nhả ngươi ra khỏi miệng ta.” (Khải 3:15–16). Tuy nhiên, vì nhiều Cơ đốc nhân bỏ qua nền tảng lịch sử và văn hóa của phân đoạn này, họ hiểu sai ý nghĩa lời của Đấng Christ ở đây.

Chúng ta thường cho rằng “nóng” có nghĩa là chúng ta đang sống về mặt thuộc linh hoặc “đang cháy” vì Chúa, trong khi “lạnh” có nghĩa là chúng ta đã chết về mặt thuộc linh hoặc thù nghịch với Chúa. Nói cách khác, chúng ta nghĩ rằng Chúa Giê-su muốn chúng ta ủng hộ Ngài hoặc chống lại Ngài hơn là trung lập. Nhưng cách giải thích “lạnh” và “nóng” như vậy hoàn toàn bỏ qua nền tảng của đoạn văn và do đó gây ra hiểu lầm.

Thành phố Colossae gần Laodicea được biết đến với vùng nước mát lạnh và sảng khoái. Thành phố Hierapolis ở phía bắc nổi tiếng với các suối nước nóng. Laodicea có một ống dẫn nước dài sáu dặm dẫn cả nước nóng và lạnh đến thành phố, nhưng khi nước đến từ Colossae và Hierapolis, chúng hơi ấm. Hãy xem thông tin cơ bản ảnh hưởng đến cách chúng ta diễn giải đoạn văn này như thế nào? Chúa Giê-su sẽ không bao giờ muốn bất cứ ai chết về mặt thuộc linh hoặc ở vị trí đối địch với Ngài, và chắc chắn Ngài không muốn tình trạng hâm hẩm của Cơ đốc giáo. Trong đoạn văn này, cả “lạnh” và “nóng” đều có lợi, giống như một cốc nước đá hoặc một bồn nước nóng xông hơi. Vì vậy, nếu bạn “nóng” hoặc “lạnh”, Chúa Giê-su hài lòng. Nhưng xin đừng hâm hẩm.

  1. Dựa vào bản dịch bị lỗi

Tôi tin vào sự soi dẫn đầy đủ và thẩm quyền của Kinh thánh, và tôi tin rằng Lời của Đức Chúa Trời không bao giờ sai sót hoặc thiếu sót. Nhưng đôi khi một từ hoặc cụm từ trong Kinh thánh đã được dịch theo cách làm che khuất hơn là làm rõ ý nghĩa của người viết. Chúng ta xem ví dụ này.

Một trường hợp khác liên quan đến đoạn văn phổ biến về sự hướng dẫn là Châm ngôn 3:5–6: “Hãy hết lòng tin cậy Đức Giê-hô-va. Chớ nương cậy nơi sự thông sáng của con.  Phàm trong các việc làm của con, khá nhận biết Ngài. Thì Ngài sẽ chỉ dẫn các nẻo của con.” Về đoạn văn này, Tiến sĩ Bruce Waltke viết, “Tất cả chúng ta đều bị sốc khi phát hiện ra rằng câu này trong phiên bản King James (và cả trong phiên bản Tiếng Việt do Phan Khôi chủ biên) là không chính xác…. Tôi nhớ lại sự ngạc nhiên của một thành viên ủy ban được giao nhiệm vụ dịch sách Châm ngôn cho phiên bản quốc tế mới thì anh phát hiện ra rằng Châm ngôn 3:5-6 không có gì đề cập về sự hướng dẫn. Khi đối mặt với dữ liệu ngôn ngữ, anh ấy phải miễn cưỡng thừa nhận rằng câu này phải dịch đúng hơn là: “Phàm trong các việc làm của con, khá nhận biết Ngài, thì Ngài sẽ làm cho con đường của con trở nên suôn sẻ.”

Trong mọi bản dịch, các dịch giả đã đưa ra những quyết định thiếu khôn ngoan về cách hiển thị văn bản gốc. Do đó, chúng ta cần chắc chắn rằng việc giải thích một đoạn văn cụ thể dựa trên một bản dịch chính xác của đoạn văn đó. Ý tưởng con đường của con trở nên “suôn sẻ” hoặc “ngay thẳng” không liên quan gì đến sự hướng dẫn, mà đúng hơn có nghĩa là Chúa sẽ loại bỏ những trở ngại trên con đường của chúng ta và cho phép chúng ta đạt được những mục tiêu mong muốn của Ngài. Mặc dù một số bản dịch Kinh thánh có thể chính xác hơn những bản dịch khác, nhưng không bản dịch nào là hoàn hảo. Vì vậy, sẽ rất hữu ích nếu bạn đọc một đoạn Kinh văn trong nhiều bản dịch khác nhau. Bằng cách chú ý đến sự khác biệt về từ ngữ, ngữ pháp và cấu trúc câu, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về ý nghĩa của tác giả.

5. Đọc Kinh thánh

Có lẽ bạn đã nghe câu chế giễu, “Tôi thấy những điều kỳ diệu trong Kinh thánh: những điều do bạn và tôi gán cho nó.” Đôi khi chúng ta gán cho những ý tưởng của riêng mình trong Kinh thánh hơn là những ý tưởng mà tác giả dự định nói.

Trong cuốn sách Making and the Will of God, tác giả Gary Friesen lưu ý rằng một số Cơ đốc nhân chủ trương phúc âm thịnh vượng (về sức khỏe và giàu có) đã sử dụng 3 Giăng 2 để ủng hộ quan điểm rằng Đức Chúa Trời muốn mọi Cơ đốc nhân được sung túc về tài chính và khỏe mạnh về thể chất. “Hỡi kẻ rất yêu dấu, tôi cầu nguyện cho anh được thạnh vượng trong mọi sự, và được khỏe mạnh phần xác anh cũng như đã được thạnh vượng về phần linh hồn anh vậy.” Tuy nhiên, Gordon Fee – một nhà nghiên cứu về Tân Ước lưu ý rằng câu này chỉ đơn giản là “hình thức chào hỏi tiêu chuẩn trong một lá thư cá nhân thời cổ đại”. Do đó, việc “mở rộng lời cầu nguyện của Giăng thành ra giáo lý về Đức Chúa Trời đề cập đến sự thịnh vượng về tài chính và vật chất cho Cơ đốc nhân trong mọi thời đại là hoàn toàn xa lạ với văn bản.”

Làm thế nào chúng ta có thể đảm bảo rằng chúng ta hiểu những gì tác giả muốn nói? Bằng cách thực hành các nguyên tắc được mô tả từ điểm một đến điểm bốn ở trên — tất cả đều liên quan đến việc khám phá ý định của tác giả:

  1. Đọc các tuyên bố của tác giả trong bối cảnh rộng hơn của họ thay vì cô lập.
  1. Nhạy cảm với ngôn ngữ và thể loại văn học mà tác giả đang sử dụng.
  1. Nhận thức được nền tảng lịch sử và văn hóa mà từ đó tác giả đang viết.
  1. Bảo đảm rằng phần diễn giải dựa trên những gì tác giả thực sự đã viết hơn là dựa trên những gì ông có vẻ đã viết trong một bản dịch kém chất lượng.

Mỗi nguyên tắc này đóng vai trò như một biện pháp bảo vệ chống lại việc làm cho Kinh thánh nói những gì chúng ta muốn nó nói hơn là những gì tác giả — và cuối cùng là chính Đức Chúa Thánh Linh— muốn truyền đạt cho chúng ta.

6. Nghĩ rằng chúng ta có thể làm tất cả mà không cần đến Đức Thánh Linh

Martin Luther có niềm đam mê dịch Kinh thánh sang ngôn ngữ bình dân để mọi người có thể hiểu Kinh thánh. Ông nghĩ rằng bất kỳ người nông dân nào được trang bị Kinh thánh đều tốt hơn tất cả các giáo hoàng, các hội đồng hoặc các tín điều ở châu Âu. Trên thực tế, cuộc Cải cách đã khẳng định lại sự thật rằng chúng ta không cần phải dựa vào “các chuyên gia” để hiểu Lời Chúa. Tuy nhiên, chúng ta sẽ thật ngu ngốc khi bỏ qua nguồn tài nguyên dồi dào mà Đức Chúa Trời đã cung cấp cho chúng ta. Ngày nay, chúng ta có nhiều công cụ nghiên cứu Kinh thánh hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử.

Thư viện của mỗi Cơ đốc nhân nên bao gồm ít nhất những thứ sau: một cuốn Kinh thánh nghiên cứu tốt, và hai hoặc ba bản dịch hiện đại, một sách bình luận Kinh thánh hoặc nhiều hơn, từ điển Kinh thánh, và tập bản đồ Kinh thánh. Ngoài ra, có nhiều sách hướng dẫn học Kinh thánh tuyệt vời dành cho cả những người nghiên cứu và cho việc học trong nhóm tế bào.

Vì học Kinh thánh là một phương pháp rèn luyện tinh thần cũng như tâm linh, chúng ta  nên làm theo lời khuyên của Phao-lô dành cho môn đồ trẻ của ông, Ti-mô-thê: “Hãy hiểu rõ điều ta nói cho con, và chính Chúa sẽ ban sự khôn ngoan cho con trong mọi việc.” (2 Ti-mô-thê 2:7). Lưu ý hai nửa của câu này. Trước tiên, Phao-lô khuyên Ti-mô-thê suy nghĩ về những gì ông đã nói. Việc học Kinh thánh đòi hỏi sự suy ngẫm bằng cách sử dụng tất cả các nguồn tài nguyên mà Đức Chúa Trời ban cho chúng ta để hiểu Lời Ngài. Thứ hai, Phao-lô nói với Ti-mô-thê rằng chính Đức Chúa Trời là Đấng ban cho sự hiểu biết. Ngài sẽ tiết lộ những lĩnh vực cần biến đổi trong cuộc sống của chúng ta.

Vì Chúa là Đấng duy nhất có thể làm cho chúng ta thấy rõ ràng, nên chúng ta không thể học/nghiên cứu Kinh thánh mà không tìm kiếm sự giúp đỡ của Ngài.

7. Không áp dụng những gì chúng ta học được

Khi tôi còn là một Cơ đốc nhân trẻ, một mục sư nổi tiếng nghĩ rằng việc đưa “giáo lý Kinh thánh” vào bộ não của chúng ta là yếu tố quan trọng nhất của đời sống Cơ đốc nhân. Ông giảng về những ý nghĩa tiềm ẩn của các ngôn ngữ gốc, giải thích những điểm tốt hơn của thần học có hệ thống, và các học trò của ông đã viết ra từng chữ. Thật không may, tất cả “giáo lý” đó thường đi từ bộ não của ông đến sổ ghi chép của hội thánh và sau đó lên kệ sách. Xin hãy hiểu cho tôi: Tôi nghĩ điều tối quan trọng là phải học và hiểu Kinh thánh. Nhưng Đức Chúa Trời không cung cấp Lời của Ngài để lấp đầy tâm trí của chúng ta, mà là để biến đổi chúng ta. Khi coi việc học Kinh thánh chỉ đơn thuần là một bài tập học thuật, chúng ta bỏ qua tác động thay đổi cuộc sống mà nó phải có đối với bản thân, gia đình, các mối quan hệ, sự nghiệp, chức vụ và sự tham gia của chúng ta trong cộng đồng.

Đó là lý do tại sao Gia-cơ cảnh báo chúng ta, “Hãy làm theo lời, chớ lấy nghe làm đủ mà lừa dối mình.” (Gia-cơ 1:22).

Chúng ta có thể siêng năng tránh sáu “tội lỗi chết người” đầu tiên của việc học Kinh thánh mà vẫn chỉ có kiến ​​thức đầu óc hơn là kiến ​​thức học thuộc lòng về Lời Đức Chúa Trời – và để cho lời đó thẩm thấu, biến đổi chúng ta. Sự dạy dỗ trong Kinh thánh phải áp dụng vào cuộc sống của chúng ta để sự trưởng thành, kết quả cho Chúa thực sự xảy ra. Chúng ta phải tự hỏi bản thân, “Tôi chỉ đơn thuần lấp đầy tâm trí hay tôi đang thực sự áp dụng những gì tôi học được?” Câu trả lời trung thực cho câu hỏi đó có thể có tác động to lớn đến cả việc nghiên cứu Kinh thánh và bước đi của chúng ta với Chúa.

Tác giả: Jack Kuhatschek (ThM, 1977) là phó chủ tịch điều hành và là nhà xuất bản sách của Baker Publishing Group, đồng thời là tác giả của các cuốn sách Applying the Bible and The Superman Syndrome. Ông cũng đã viết nhiều bài luận văn về hướng dẫn học Kinh thánh. Bài viết này được phỏng theo từ một bài viết xuất hiện trên tạp chí New Man.

Dallas Theological Seminary (DTS) đã gửi bản tiếng Anh đến cho Tường Vi là người đang theo học thần học tại đây.

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên