Trang Chủ BIỆN GIÁO Các Linh Hồn bị cầm tù là ai?

Các Linh Hồn bị cầm tù là ai?

696
0
SHARE

Các Linh Hồn bị cầm tù là ai?

Nguồn: https://gianggiaithanhkinh.net

Phi-e-rơ 3:19

“Ấy bởi đồng một linh hồn đó, Ngài đi giảng cho các linh hồn bị tù”

Câu hỏi:

Đã có lúc Chúa Jesus giảng cho các linh hồn bị tù, các linh hồn bị tù chỉ về ai?

Giải đáp:

Có thể nói I Phi-e-rơ 3:19 là một trong số ít câu Kinh Thánh khó hiểu nhất trong cả Kinh Thánh và rất khó giải thích. Hơn nữa, các nhà giải kinh cũng đưa ra nhiều cách giải thích khác nhau nên càng khiến cho câu Kinh Thánh nầy trở nên rắc rối hơn.

Để nắm bắt được nội dung chính, chúng ta cần phải đọc và suy gẫm bao gồm văn mạch đi trước và văn mạch đi sau của I Phi-e-rơ 3:19:

“Vả, Đấng Christ cũng vì tội lỗi chịu chết một lần, là Đấng công bình thay cho kẻ không công bình, để dẫn chúng
ta đến cùng Đức Chúa Trời; về phần xác thịt thì Ngài đã chịu chết, nhưng về phần linh hồn thì được sống. Ấy
bởi đồng một linh hồn đó, Ngài đi giảng cho các linh hồn (spirit) bị tù, tức là kẻ bội nghịch thuở trước, về thời
kỳ Nô-ê, khi Đức Chúa Trời nhịn nhục chờ đợi, chiếc tàu đóng nên, trong đó có ít người được cứu bởi nước, là         chỉ có tám người.”
 (I Phi-e-rơ 3:18-20)

Chúng ta đối chiếu câu 19 với các bản dịch Anh Ngữ như sau:

Ấy bởi đồng một linh hồn đó, Ngài đi giảng cho các linh hồn (spirit) bị tù” (Bản Truyền Thống)

“In which he went and proclaimed to the spirits in prison” (Bản ESV)

“By which also he went and preached unto the spirits in prison” (Bản KJV)

“After being made alive, he went and made proclamation to the imprisoned spirits (Bản NIV)

Theo nội dung của I Phi-e-rơ 3:18-20, Chúa Jesus đã đi rao giảng cho các linh hồn bị cầm tù trong thời kỳ Nô-ê. Như vậy, có đến 3 câu hỏi cần được giải đáp:

1/ Các linh hồn bị tù chỉ về ai, hay chỉ về nhóm người nào?

2/ Chúa Jesus rao giảng về điều gì?

3/ Lúc nào Chúa Jesus rao giảng?

Cả 3 câu hỏi trên cần được giải đáp với sự nhất quán trong cách giải thích, với toàn bộ Kinh Thánh làm nền tảng, nhất là đối với câu hỏi thứ nhất.

  1. Các linh hồn (spirits) bị tù là ai?

Có 4 yếu tố liên quan đến nhau mà chúng cần tìm hiểu: 1/ Linh hồn; 2/ bị cầm tù; 3/ bội nghịch; 4/ Thời kỳ Nô-ê.

  1. a) Linh Hồn (spirit):

Bản Kinh Thánh Việt Ngữ Truyền Thống dịch “spirit” trong I Phi-e-rơ 3:19 là “linh hồn” thì không đúng, nên dịch là linh (chỉ về thể linh, spirit) thì đúng hơn, vì “linh hồn” (soul), khác với “spirit”. Chính cách dịch không đúng khiến cho tư tưởng chúng ta suy diễn lệch lạc. (xin đọc I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23 để thấy sự phân biệt giữa “linh” và “hồn” trong con người). Đây là một yếu tố rất quan trọng để xác định “linh” chỉ về ai.

Từ ngữ “linh” (spirit) theo ngôn ngữ gốc Hy Lạp là pneuma có nhiều nghĩa như: Hơi thở, gió … Tuy nhiên, chúng ta không cần phải tìm hiểu tất cả các nghĩa của pneuma và tất cả các câu Kinh Thánh dùng từ ngữ đó. Chúng ta chỉ cần chú ý đến vài điểm quan trọng sau:

+ Theo I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23: “nguyền xin tâm thầnlinh hồn, và thân thể của anh em đều được giữ vẹn”, cho thấy con người bao gồm 3 phần: thể xác (body), tâm thần hay còn gọi là tâm linh (spirit) và linh hồn (soul). Xin chú ý quan trọng: Loài người  spirit (có tâm linh), nhưng loài người không phải là thể linh (spirit), vì Chúa tạo nên loài người có thân xác (body), mắt thấy được, tay rờ được. Mắt chúng ta không nhìn thấy được thể linh.

+ Vì con người không phải là thể linh, nên Kinh Thánh không bao giờ dùng spirit chỉ về con người. Nếu có dùng “spirit” chỉ về con người là chỉ về “tâm linh” của con người (như I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23 đã nói đến. Hê-bơ-rơ 12:23)

+ Kinh Thánh dùng spirit (thể linh) chỉ về thiên sứ, ma quỷ:

“Nói về thiên sứ thì Ngài phán rằng: Đức Chúa Trời làm cho thiên sứ (spirit) Ngài như gió, Và tôi tớ Ngài như
ngọn lửa.” 
  (Hê-bơ-rơ 1:7)

“Các thiên sứ (angel) há chẳng phải đều là thần (spirit) hầu việc Đức Chúa Trời, đã được sai xuống để giúp
việc những người sẽ hưởng cơ nghiệp cứu rỗi hay sao?”
 (Hê-bơ-rơ 1:14)

     “Vả, cũng một lúc ấy, trong nhà hội có người bị tà ma (spirit) ám” (Mác 1:23)

“Đức Chúa Jêsus gọi mười hai môn đồ đến, ban quyền phép trừ tà ma (spirit), và chữa các thứ tật bịnh.” (Ma-thi-ơ 10:1)

    “Khi tà ma (spirit) ra khỏi một người, thì nó đi đến nơi khô khan kiếm chỗ nghỉ, nhưng kiếm không được; … Nó  bèn lại đi, đem về bảy quỉ (spirit) khác dữ hơn nó nữa.” (Ma-thi-ơ 12:43-45)

“Tôi thấy từ miệng rồng, miệng thú, miệng tiên tri giả có ba tà thần (spirit) ra, giống như ếch nhái.” (Khải Huyền 16:13)

 “Dầu vậy, chớ mừng vì các quỉ (spirit) phục các ngươi; nhưng hãy mừng vì tên các ngươi đã ghi trên thiên  đàng” (Lu-ca 10:20)

Như vậy, các “linh hồn” hay gọi cho đúng hơn là các “linh” (spirits) không thể chỉ về con người, nhưng chỉ về thiên sứ hay ma quỷ (vì họ là thể linh). Nên nhớ rằng Đức Chúa Trời tạo ra các vật thấy được, gọi là thể xác thịt (flesh); Chúa cũng tạo nên các vật không thấy được, gọi là thể linh (spirit): “Vì muôn vật đã được dựng nên trong Ngài, bất luận trên trời, dưới đất, vật thấy được, vật không thấy được.” (Cô-lô-se 1:16)

  1. b) Bị cầm tù, hay bị giam giữ (in prison):

Sự kiện các linh (spirit) bị cầm tù, hay bị giam cầm cho thấy các linh không thể chỉ về con người, vì Kinh Thánh không bao giờ dùng hình ảnh “bị giam cầm” (in prison) để chỉ về con người không tin Đạo dù họ đã qua đời. Tuy nhiên, Kinh Thánh cho biết có một số các thiên sứ (thể linh) bị Đức Chúa Trời giam cầm để chờ ngày phán xét:

    “Vả, nếu Đức Chúa Trời chẳng tiếc các thiên sứ đã phạm tội, nhưng quăng vào trong vực sâu, tại đó họ bị trói
buộc bằng xiềng nơi tối tăm để chờ sự phán xét.”
 (II Phi-e-rơ 2:4)

Đó là một bằng chứng cho thấy “các linh bị cầm tù” không thể là con người, nhưng là các thiên sứ phạm tội.

Các thiên sứ bội ngịch bị giam tại đâu? Câu trả lời sẽ được tìm thấy trong bài “Linh hồn con người ở đâu sau khi chết” trong mục “Khảo Luận”.

  1. c) Bội nghịch(disobedient):

“Bội nghịch” (disobedient) hay “không vâng lời” được áp dụng cho sự không tuân giữ mệnh lệnh. Như vậy, thái độ “bội nghịch” chỉ về hành động của các thiên sứ không vâng giữ mệnh lệnh của Đức Chúa Trời. Điều nầy phù hợp với Giu-đe 6:

    “Còn các thiên sứ không giữ thứ bậc và bỏ chỗ riêng mình thì Ngài đã dùng dây xích họ trong nơi tối tăm đời
đời, cầm giữ lại để chờ sự phán xét ngày lớn.” (
Giu-đe 6)

Như vậy, vào một thời điểm, có một số các thiên sứ đã không vâng lời, không giữ đúng thứ bậc và nhiệm vụ Chúa đặt để, nên bị Chúa giam cầm trong nơi tối tăm cho đến ngày phán xét.

  1. d) Trong thời kỳ Nô-ê:

Thời kỳ Nô-ê là thời kỳ có cơn nước lụt trên cả thế giới. Thời nầy có liên quan gì đến các thiên sứ phạm tội? Sáng Thế Ký 6:2 cho chúng ta biết có một sự kiện rất đặc biệt đã xảy ra trước cơn nước lụt:

“Các con trai của Đức Chúa Trời thấy con gái loài người tốt đẹp, bèn cưới người nào vừa lòng mình mà làm
vợ.”
 (Sáng Thế Ký 6:2)

“Các con trai của Đức Chúa Trời” là ai? không ai khác hơn là các thiên sứ! [Xin đón đọc bài giải đáp câu hỏi “Các con trai của Đức Chúa Trời là ai?”, bài viết nầy sẽ chứng minh con trai của Đức Chúa Trời là các thiên sứ]

  1. Chú Jesus rao giảng điều gì cho các linh bị cầm tù?

Kinh Thánh không cho chúng ta biết Chúa Jesus rao giảng hay công bố (proclaim) điều gì đối với các thiên sứ bội nghịch. Chúng ta có thể kết luận rằng, căn cứ trên ý nghĩa sự chết và sống lại của Chúa Jesus, Chúa Jesus đã công bố sự đắc thắng của Ngài trên sự chết: “Sự chết đã bị nuốt mất trong sự thắng. Hỡi sự chết, sự thắng của mầy ở đâu? Hỡi sự chết, cái nọc của mầy ở đâu?” (I Cô-rinh-tô 15:54,55), và Chúa công bố Ngài đã đắc thắng ma quỉ: “Vả, Con Đức Chúa Trời đã hiện ra để hủy phá công việc của ma quỉ.” (I Giăng 3:8) và “hầu cho Ngài bởi sự chết mình mà phá diệt kẻ cầm quyền sự chết, là ma quỉ” (Hê-bơ-rơ 2:14)

Câu hỏi: Tại sao Chúa Jesus công bố sự chiến thắng của Ngài cho các thiên sứ bội nghịch? Xin giải đáp: Khác với Sa-tan và các thiên sứ phạm tội khác đi theo Sa-tan, chúng không bị giam cầm nhưng đang hoạt động chung quanh chúng ta (I Phi-e-rơ 5:8), các thiên sứ nầy bị giam cầm nên không chứng kiến được sự chết và sống lại của Chúa Jesus.

  1. Chúa Jesus rao giảng vào lúc nào?

Căn cứ vào câu 18 và 19: “Về phần xác thịt thì Ngài đã chịu chết, nhưng về phần linh hồn (spirit) thì được sống. Ấy bởi đồng một linh hồn (spirit) đó, Ngài đi giảng cho các linh hồn bị tù”, để có thể công bố sự đắc thắng đối với các thiên sứ phạm tội đang bị giam trong vực sâu, vốn là các thể linh, nên thật hợp lý khi kết luận rằng Chúa Jesus sau khi Ngài chết trong phần xác, linh của Chúa Jesus đi giảng trong khoảng thời gian nào đó nằm giữa thời điểm Chúa chết và thời điểm Ngài sống lại. Xin lưu ý: Bản Việt Ngữ dịch là “linh hồn” của Chúa Jesus thì không đúng, nên dịch là “linh” (spirit) thì đúng hơn, vì Giăng 4:24a cho biết “Đức Chúa Trời là thần (spirit, tức là thể linh)”

* Một cách giải thích khác về các linh hồn bị cầm tù:

Một số nhà giải nghĩa Kinh Thánh cho rằng các linh hồn bị tù không thể là các tà linh hay ma quỉ, nhưng chỉ về các linh hồn của những người sống trong thời kỳ Nô-ê trước cơn nước lụt. Những người nầy đã được Nô-ê rao giảng về sự đoán phạt của Đức Chúa Trời bởi cơn nước lụt sẽ xảy đến nhưng họ không ăn năn, đúng như câu 20 cho biết: “tức là kẻ bội nghịch thuở trước, về thời kỳ Nô-ê”. Nhân loại thời đó không ăn năn nên phải chết trong cơn nước lụt, nay linh hồn của họ bị cầm tù trong địa ngục vì không vâng theo lời giảng của Nô-ê. Nô-ê được gọi là “thầy giảng đạo công bình”  (II Phi-e-rơ 2:5).

Câu 18 và 19: “về phần xác thịt thì Ngài đã chịu chết, nhưng về phần linh hồn thì được sống. Ấy bởi đồng một linh hồn đó, Ngài đi giảng cho các linh hồn bị tù.” được giải thích như sau: Linh (spirit) của Chúa Jesus (trước khi Ngài nhập thể) giảng cho những người sống trong thời kỳ Nô-ê qua môi miệng của Nô-ê.

Các nhà giải kinh theo khuynh hướng trên dùng một số câu Kinh Thánh sau đây để làm nền tảng cho lập luận của mình:

I Phi-e-rơ 1:10,11“Về sự cứu rỗi đó, các đấng tiên tri đã tìm tòi suy xét, và đã nói tiên tri về ân điển định sẵn cho anh em: nghĩa là tìm cho biết thời kỳ nào và thời kỳ cách nào mà Thánh Linh Đấng Christ ở trong lòng mình đã chỉ cho, là khi làm chứng trước về sự đau đớn của Đấng Christ và về sự vinh hiển sẽ theo sau.”

I Phi-e-rơ 4:6“Vì ấy bởi điều đó mà Tin Lành cũng đã giảng ra cho kẻ chết.”

Nhận xét: Cách giải thích trên gặp một số trở ngại sau:

+ Không giải thích được tại sao “linh hồn” của những người từ chối sứ điệp của Nô-ê lại bị “giam cầm”?

+ Không giải thích được tại sao sự rao giảng của Chúa Jesus (qua môi miệng Nô-ê) chỉ giới hạn trong phạm vi những người sống trong thời Nô-ê mà thôi?

+ Không giải thích được tại sao Chúa Jesus lại chọn Nô-ê để rao giảng qua môi miệng của ông trong khi nhiều nhân vật khác, cũng rao giảng về sự ăn năn và sự đoán phạt mà không được nói đến (ví dụ các vị tiên tri trong Cựu Ước)

+ Về câu trích dẫn I Phi-e-rơ 1:10,11: Câu nầy cho chúng ta biết rằng các tiên tri Cựu Ước được Thánh Linh Đấng Christ soi dẫn nên những gì họ viết ra, hoặc rao giảng đều làm hình bóng về Chúa Jesus, đúng như Lu-ca 24:26,27 đã ký thuật: “Há chẳng phải Đấng Christ chịu thương khó thể ấy, mới được vào sự vinh hiển mình sao? Đoạn, Ngài (Chúa Jesus) bắt đầu từ Môi-se rồi kế đến mọi đấng tiên tri mà cắt nghĩa cho hai người đó những lời chỉ về Ngài trong cả Kinh Thánh.”. Như vậy, câu Kinh Thánh I Phi-e-rơ 1:10,11 không thể đem dùng để chứng minh Chúa Jesus (trước khi Ngài nhập thể) đã rao giảng qua môi miệng Nô-ê.

+ Về câu trích dẫn I Phi-e-rơ 4:6: Câu nầy không liên quan gì đến câu chuyện Nô-ê rao giảng, vì văn mạch nằm khá xa. Hơn nữa, Tin Lành (Tin Mừng, Gospel) được rao giảng là Tin Lành về sự chết và sự sống lại của Chúa Jesus để chuộc tội cho nhân loại, đã hoàn tất tại thập tự giá. Ý nghĩa của câu Kinh Thánh nầy không thể đem áp dụng cho những người sống trong thời Nô-ê. Nô-ê chỉ có thể rao ra sự đoán phạt sẽ đến nếu người ta không ăn năn.

 

Trần Đình Tâm

Tháng 8, 2015

 

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên