Trang Chủ BIỆN GIÁO Các Hình Ảnh Về Đức Chúa Trời

Các Hình Ảnh Về Đức Chúa Trời

1556
0
SHARE

ĐỨC CHÚA TRỜI LÀ CHỒNG CỦA CHÚNG TA

Leo Perdue đã chỉ ra rằng mối quan hệ hôn nhân được sử dụng như một “lăng kính thần học để hiểu về Đức Chúa Trời và dân Y-sơ-ra-ên.”6 Đức Chúa Trời được miêu tả là “mẹ” (Dân số ký 11:12; Phục truyền 32:18), người đã thụ thai và sinh ra Y-sơ-ra-ên; với tư cách là một “người cha” (Phục truyền 32:6; Ma-la-chi 2:10), người đã nuôi dưỡng và yêu thương con trai mình là Y-sơ-ra-ên; và với tư cách là “chồng”, người đã cưới Y-sơ-ra-ên làm vợ (Giê-rê-mi 2:2).

Hình ảnh Đức Chúa Trời là người chồng được áp dụng cho Y-sơ-ra-ên như một thể hiệp nhất. Đối với Y-sơ-ra-ên Đức Chúa Trời công bố, “Vì chồng ngươi tức là Đấng đã tạo thành ngươi; danh Ngài là Đức Giê-hô-va vạn quân” (Ê-sai 54:5). Hình ảnh Đức Chúa Trời là người chồng được Ê-xê-chi-ên giới thiệu trong lời tường thuật của ông về Y-sơ-ra-ên là một người vợ ngoại tình (Ê-xê-chi-ên 16). Trong trường hợp tương tự, Ê-xê-chi-ên nói về việc Đức Chúa Trời tìm thấy Y-sơ-ra-ên như một đứa trẻ thờ ơ, bị bỏ rơi và được dẫn đến với Ngài. Theo cách ví von đầy quyền năng của Ê-xê-chi-ên, khi dân Y-sơ-ra-ên trưởng thành, Đức Chúa Trời lập giao ước hôn nhân với dân Ngài. “Khi ta qua gần mầy, và nhìn mầy, nầy, tuổi mầy nầy, mầy đã đến tuổi yêu mến. Ta lấy áo ngoài ta trùm trên mầy, che sự trần truồng mầy. Phải, ta thề cùng mầy và kết giao ước với mầy, thì mầy trở nên của ta, Chúa Giê-hô-va phán vậy” (16:8).

Các nhà tiên tri đặc biệt thích hình ảnh Đức Chúa Trời là chồng của dân Ngài. Trong Giê-rê-mi, mối quan hệ hôn nhân đóng vai trò như một nỗi niềm để ăn năn. “Hỡi con cái bội nghịch, hãy trở về; vì ta là chồng ngươi” (Giê-rê-mi 3:14). Giê-rê-mi mô tả cách Y-sơ-ra-ên phá bỏ giao ước cũ, một sự vi phạm gây sốc hơn vì “dầu rằng ta làm chồng chúng nó” (31:32).

Trong lời quở trách mạnh mẽ đối với những kẻ thờ hình tượng đã vi phạm giao ước, Chúa  tuyên bố, “Hãy kiện mẹ các ngươi, hãy kiện đi; vì nó chẳng phải là vợ ta, còn ta chẳng phải là chồng nó! Nó hãy cất bỏ sự dâm loạn khỏi trước mặt nó, và sự ngoại tình khỏi giữa vú nó đi” (Ô-sê 2:2). Nhưng Ô-sê đã đoán trước sẽ đến một ngày hôn nhân của Đức Chúa Trời với dân Y-sơ-ra-ên sẽ được phục hồi và đổi mới. “Trong ngày đó ngươi sẽ gọi ta là: Chồng tôi; … ta sẽ cưới ngươi cho ta trong sự thành tín, và ngươi sẽ biết Đức Giê-hô-va” (2:16, 20).

Hình ảnh Đức Chúa Trời là chồng cũng xuất hiện trong Tân Ước, ở đây Đấng Christ được giới thiệu là Chàng rể hoặc Chồng của dân sự Ngài, tức là hội thánh (Ê-phê-sô 5:23-32). Khi mô tả sự trở lại được dự đoán trước của Đấng Christ, Giăng nói về “lễ [tiệc] cưới Chiên Con” và “tiệc cưới Chiên Con” (Khải huyền 19:7,9). Giăng cũng hình dung về Giê-ru-sa-lem Mới, nơi cư ngụ đời đời của dân Đức Chúa Trời, từ trời xuống “sửa soạn sẵn như một người vợ mới cưới trang sức cho chồng mình” (21:2).

Hình ảnh nầy về Đức Chúa Trời với tư cách là một người chồng, ấy là điều mang tính dạy dỗ. Là chồng, Đức Chúa Trời cung cấp và bảo vệ dân Ngài. Là chồng, Đức Chúa Trời yêu mến dân Ngài bằng một tình yêu đời đời. Với tư cách là người chồng, Đức Chúa Trời chia sẻ sự thân mật với dân Ngài. Là nàng dâu của Đức Chúa Trời, dân sự của Ngài phải trung thành với Ngài. Chúng ta không bao giờ được dành sự quan tâm hay tình cảm của mình cho người khác; chúng ta đừng bao giờ cho phép bất cứ điều gì chiếm vị trí của Đức Chúa Trời trong cuộc sống chúng ta. Là nàng dâu của Đức Chúa Trời, chúng ta phải giữ mình trong sạch về tâm hồn và thể xác. Chúng ta phải phục tùng sự chỉ dạy của Ngài, biết rằng các luật lệ của Ngài bắt nguồn từ tình yêu sâu sắc và bền vững của Ngài.

ĐỨC CHÚA TRỜI NGƯỜI TRỒNG NHO CỦA CHÚNG TA

Cây nho là hình ảnh quen thuộc của Y-sơ-ra-ên trong Thi thiên và các sách Tiên tri. (Thi thiên 80:8-16; Giê-rê-mi 5:10; 12:10; Ê-xê-chi-ên 15:1-8; Ô-sê 10:1). Đức Chúa Trời phán cùng dân sự Ngài, “Ta đã trồng ngươi như cây nho tốt, giống đều rặc cả; mà cớ sao ngươi đã đốc ra nhánh xấu của gốc nho lạ cho ta?” (Giê-rê-mi 2:21). Ê-sai đã viết một câu chuyện ngụ ngôn mô tả cách Đức Chúa Trời chuẩn bị một cánh đồng, trồng một vườn nho và mong đợi một mùa bội thu. Nhưng vườn nho chỉ sinh ra toàn trái nho hoang (Ê-sai 5:1-2). Đức Chúa Trời mong muốn vườn nho của Ngài — Y-sơ-ra-ên và Giu-đa — sinh hoa kết trái “công bình” và “ngay thẳng”, nhưng đến mùa Ngài gặt toàn là “đổ máu” và “những tiếng kêu than đau khổ” (5:7). Vì vậy, Đức Chúa Trời quyết định phá bỏ vườn nho hoang nầy. Dân sự Ngài có thể phải đón nhận giao ước rủa sả thay vì phước lành.

Hình ảnh của Đức Chúa Trời là Người Trồng nho cũng xuất hiện trong những lời dạy tương tự của Chúa Giê-su về thân cây nho và cành. Ngài phán, “Ta là gốc nho thật, Cha ta là người trồng nho” (Giăng 15:1). Chúa Giê-su là “cây nho thật” trái ngược với cây nho biến tính — dân Y-sơ-ra-ên vô tín. Từ “người trồng nho” (“người làm vườn”; theo nghĩa đen, “người lao động trên ruộng vườn”) đề cập đến việc một người nông dân chuẩn bị đất để trồng trọt. Sau đó, Chúa Giê-su mô tả hai loại “cành” và hai hành động được thực hiện bởi Người trồng nho. Ngài chặt bỏ những cành không trái (15:6) và Ngài tỉa sửa những cành có trái để chúng có thể sinh nhiều bông trái hơn nữa (15:2).

Chúng ta có thể học biết những gì về Đức Chúa Trời qua hình ảnh của người trồng nho? Sự thật cơ bản nhất là Đức Chúa Trời làm cho sinh hoa kết trái. Thật vô lý khi một người nông dân chuẩn bị đất và gieo hạt mà không mong muốn gì đến ra một vụ mùa. Đức Chúa Trời mong đợi những ai được kết hiệp với Ngài bởi đức tin cá nhân để sinh bông trái thuộc linh. Chúa Giê-su phán cùng các môn đệ Ngài, “ta đã chọn … để các ngươi đi và kết quả” (15:16).

Chúng ta cũng học được từ phân đoạn này rằng Đức Chúa Trời làm cho chúng ta “có kết quả”. Như đã nói, những cành có trái thì được cắt tỉa để chúng có thể sinh nhiều trái hơn (15:2). Qua việc trồng nho ở sân sau đem lại cho tôi một số hiểu biết về nhu cầu cắt tỉa cây nho. Mỗi năm vào mùa thu những cành già cỗi cần được loại bỏ để chuẩn bị cho các nhành non mới. Vào mùa xuân, cần tước bỏ các chồi non khỏi thân và các cành chính. Trong mùa hè, các cành nho tạo thành chùm phải được tỉa thưa và các chồi dài, vượt trội được ngắt bỏ. Khi người làm vườn cắt bỏ những gì có thể gây trở ngại đến việc sanh bông trái của cây nho, cũng vậy Đức Chúa Trời là Cha, qua kỷ luật yêu thương (thanh tẩy, gột rửa, làm cho sạch), loại bỏ những thứ không góp phần vào việc sinh bông trái thiêng liêng khỏi đời sống của các tín hữu. Trước giả Hê-bơ-rơ có thể đã nhận lấy sự bày tỏ này khi ông chỉ ra rằng Đức Chúa Trời sửa phạt con cái Ngài (Hê-bơ-rơ 12:6).

Một bài học khác có thể học được từ hình ảnh của Đức Chúa Trời với tư cách là Người trồng nho, ấy là Chúa hài lòng khi dân sự của Ngài sinh hoa kết trái. Chúa Giê-su phán, “Nầy, Cha ta sẽ được sáng danh là thể nào: Ấy là các ngươi được kết nhiều quả” (Giăng 15:8). Chúng ta không thể thêm gì vào các thuộc tính của Chúa. Nhưng chúng ta có thể tôn vinh Ngài, góp phần vào việc bày tỏ trước mọi người về sự vĩ đại và nhân từ của Ngài qua cách chúng ta sống và những việc chúng ta làm. Chúa Giê-su phán, “Sự sáng các người hãy soi trước mặt người ta như vậy, đặng họ thấy những việc lành của các ngươi, và ngợi khen Cha các ngươi ở trên trời” (Ma-thi-ơ 5:16).

trích từ  UNDERSTANDING CHRISTIAN THEOLOGY

translated by VMI

 

 

 

 

 

 

 

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên