Trang Chủ TRANG CHỦ Các Bài Học 9-12

Các Bài Học 9-12

648
0
SHARE

Bài 9

SA-RA

“Hãy nghĩ đến tổ ngươi là Áp-ra-ham, cùng Sa-ra, là người đã sanh sản các ngươi;”   (Ê-sai 51:2)

Khi Đức Chúa Trời đổi tên Áp-ram thành Áp-ra-ham, Ngài cũng đổi tên Sa-rai thành Sa-ra. Sa-ra có nghĩa là công chúa (Sáng 17:15-16). Cái tên này xuất hiện bốn mươi mốt lần trong Cựu Ước, và xuất hiện năm mươi tám lần trong toàn bộ Kinh Thánh. Tên của sứ đồ Giăng không được nhắc đến nhiều như thế. Đức Chúa Trời hứa rằng Sa-ra sẽ trở nên mẹ của các vua trên đất, vì vậy Ngài gọi tên bà là công chúa. Chỉ có một lần duy nhất tên của Sa-ra được nhắc đến trong Cựu Ước bên ngoài sách Sáng thế ký là Ê-sai 51:2. Tôi chọn câu Kinh Thánh này làm câu gốc cho bài viết sau đây.

Chúng ta thấy gì khi nhìn vào đời sống Sa-ra?

ÁP-RA-HAM NHÌN SA-RA VÀ BẮT GẶP MỘT TÌNH YÊU

Áp-ra-ham và Sa-ra lớn lên tại U-rơ thuộc Cha-ran, một thành phố thờ hình tượng. Đức Chúa Trời vinh hiển đã hiện ra cùng Áp-ra-ham, khi ông còn ở tại Mê-sô-bô-ta-mi (Công 7:1) và phán bảo ông phải đi ra khỏi quê hương, đến một vùng đất mới mà Ngài sẽ chỉ cho. Đức Chúa Trời đã bỏ qua những người khác trong một thành phố rộng lớn, nhưng Ngài bày tỏ chính Ngài cho Áp-ra-ham. Đây quả thật là ân điển diệu kỳ!

Sa-ra đã trả lời Áp-ra-ham như thế nào khi Áp-ra-ham thông báo cho bà biết các hình tượng mà cư dân thành phố đang thờ phượng là sai lầm, và ông chuẩn bị ra khỏi thành phố quê hương? Sa-ra có lẽ đã hỏi chồng mình: “Chúng ta sẽ đi đâu?” Áp-ra-ham trả lời: “ta cũng không biết, vì Đức Chúa Trời không cho biết rõ ràng nơi sẽ đến.” Phản ứng của Sa-ra trước tình huống này? Kinh Thánh cho chúng ta biết Sa-ra là một phụ nữ có đức tin (Hê-bơ-rơ 11:1), vì vậy bà đã từ bỏ các hình tượng, đặt niềm tin vào Đức Chúa Trời và đi theo Áp-ra-ham. Bà thuận phục chồng mình giống như thuận phục Chúa (Ê-phê-sô 5:21-33), trong khi Áp-ra-ham yêu thương, che chở vợ như chính bản thân mình. Sa-ra bước theo Áp-ra-ham, từ bỏ quê hương thực hiện một chuyến đi rủi ro, nguy hiểm đến một nơi chưa biết trước.

Vợ chồng Áp-ra-ham lên đường ra khỏi U-rơ. Tha-rê, cha của Áp-ra-ham và Lót người cháu trai đi cùng họ. Tha-rê qua đời tại Cha-ran (Sáng 11:31-32). Lót là người sau này gây ra lắm nan đề tiếp tục cuộc hành trình với Áp-ra-ham về miền đất hứa. Áp-ra-ham và Sa-ra có thể đã nói cho những người bà con của mình về một Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật, và rồi họ đã ra đi ra khỏi quê hương bỏ lại  phía sau những mối quan hệ họ hàng thân thiết. Ông nổi bật là người dẫn đường có đức tin, không cần bản đồ, la bàn hay bất cứ dụng cụ nào. Nhưng Áp-ra-ham cần Sa-ra, và ông biết điều đó. Tác giả James Strahan đã viết trong sách Hebrwe Ideals, “Sa-ra là công chúa – mẹ của nhiều vua. Bà hiểu sự kêu gọi thiên thượng của chồng mình, cùng chia sẻ khát vọng của ông, và song hành với ông trên mọi nẻo đường.” Không có gì ngạc nhiên khi sứ đồ Phi-e-rơ nói về Sa-ra, “Sa-ra vâng phục Áp-ra-ham, gọi người là chúa mình; nếu các chị em làm điều lành, không sợ chi hết mà rối trí, thì trở nên con gái của Sa-ra vậy.” (1 Phi-e-rơ 3:1-6). Sa-ra là một tấm gương tốt cho những người nữ theo Chúa trong suốt mọi thời đại.

Bởi vì Sa-ra yêu mến chồng mình, bà cùng chịu trách nhiệm với Áp-ra-ham về lời nói dối được ghi trong Sáng thế ký 20:11-13. Áp-ra-ham đã nói rằng Sa-ra là em gái trong họ hàng thay vì nói cô ấy vừa là em gái vừa là vợ của tôi. Lời nói một nửa sự thật này của Áp-ra-ham đã che chở cho ông và gia đình, nhưng nó chắc chắn đem nguy hiểm đến cho sự thuần khiết của Sa-ra, một người nữ mà qua đời sống của bà đứa con trai của lời hứa sẽ đến.

Đức tin chân thật không nên gắn kết với mưu đồ riêng. Áp-ra-ham đã hai lần không nói rõ về thân phận của Sa-ra. Điều này đã làm cho ông và người vợ gặp rắc rối sau đó.

Y-SÁC NHÌN VÀO SA-RA VÀ THẤY ĐỨC TIN

Đức tin của Áp-ra-ham và Sa-ra đã đem Y-sác, đứa con của lời hứa thành hiện thực. Bản Kinh Thánh NIV dịch câu Kinh Thánh Hê-bơ-rơ 11:11, “Cũng bởi đức tin mà Sa-ra dẫu có tuổi còn có sức sanh con cái được, vì người tin rằng Đấng hứa cho mình điều đó là thành tín.” Sa-ra đã vượt qua giới hạn của tuổi sinh con, vì vậy khi nghe tin một đứa con trai theo lời hứa sẽ được sinh ra từ chính mình, Sa-ra và Áp-ra-ham đã cười. Nhưng Đức Chúa Trời của sự trông cậy ban cho họ “đầy dẫy mọi điều vui vẻ và mọi điều bình an” (Rô-ma 15:13), và không bao lâu sau đó nụ cười hoài nghi của họ đổi thành nụ cười thánh thiện khi mà những gì bất khả thi trong chuyện sinh nở của Sa-ra lại trở thành hiện thực. Họ đã vui hưởng món quà Chúa ban cho và qui tất cả vinh hiển về cho Ngài. Bạn có thể giải thích những gì đã xảy ra chỉ là sự tình cờ và không có bàn tay của Chúa trong đó? Hay là bạn không thể giải thích những gì đã xảy ra và thừa nhận là Chúa đã làm như vậy, khi ấy tất cả chúng ta sẽ vui mừng ca ngợi Chúa và cười thỏa vui trước ân ban của Ngài.

Ê-SAI NHÌN VÀO SA-RA VÀ THẤY HY VỌNG

Bây giờ chúng ta tập chú vào những câu Kinh Thánh chỉ ra tính cách đặc trưng của đời sống Sa-ra. Những câu này nằm ở phần thứ hai của sách Ê-sai (từ chương 40 đến chương 66). Ê-sai đề cập đến khoảng thời gian người Israel bị lưu đày ở Ba-by-lôn. Họ chịu cảnh phu tù trong bảy mươi năm (Giê-rê-mi 25:8-14; Đa-ni-ên 9:1-3) rồi được phép về lại quê hương, nhưng không có nhiều người trở về. Đế quốc Ba-by-lôn đã khiến cho dân tộc Israel suy tàn, thành phố Giê-ru-sa-lem và đền thờ tại đó bị phá hủy. Tổng số dân Do Thái giảm xuống không còn như trước. Không có gì dễ chịu khi tuyển dân trở về từ Ba-by-lôn trong một cuộc hành trình gian khổ. Chỉ còn lại một ít người trở về khôi phục thành phố và đền thờ. Nhóm người Do Thái lưu đày trở về đối diện với muôn vàn khó khăn khi phải thực hiện những công việc bất khả thi.

Nhưng Ê-sai biết cách khích lệ tuyển dân. Đầu tiên ông bảo họ hãy nhìn chung quanh và vui hưởng sự vĩ đại của Đức Giê-hô-va (Ê-sai 40). Đời sống con người trên đất chóng qua như hoa sớm nở tối tàn, nhưng các công trình sáng tạo của Chúa vẫn được bảo tồn theo thời gian bằng một quyền năng siêu việt. Không người nào có thể lớn hơn Đức Chúa Trời. Tuyển dân Israel đã nhiều lần quay lưng lại với Đức Chúa Trời và đi theo các thần tượng khác. Và đó là lý do mà họ bị trừng phạt tại Ba-by-lôn. Mặc dù tuyển dân phản bội giao ước nhưng Đức Chúa Trời vẫn là Chúa của họ và Ngài sẽ hoàn thành mục đích đời đời của Ngài trên cuộc đời họ.

Đức Chúa Trời vẫn còn yêu thương tuyển dân bất luận họ thế nào? Họ đã bất tuân ý chỉ của Chúa và làm cho tấm lòng Ngài tan vỡ. Tiên tri Ê-sai khích lệ tuyển dân hãy nhìn lên để thấy cánh tay yêu thương của Đức Chúa Trời vẫn đang chăm sóc họ, “Ngài sẽ chăn bầy mình như người chăn chiên; thâu các con chiên con vào cánh tay mình và ẵm vào lòng; từ từ dắt các chiên cái đương cho bú.” (Ê-sai 40:11). Ông nhắc lại điệp khúc: “Đừng sợ” (41:10, 13, 14; 43:1-2) cho tuyển dân vốn luôn có tâm lý bất an. Đức Chúa Trời sẽ thay mặt họ để chinh chiến với kẻ thù, vì vậy hãy lắng nghe lời Ngài, và công bố những lời hứa của Chúa. Hãy nhìn lên!

Trong Ê-sai 51:2, tiên tri của Đức Chúa Trời khích lệ tuyển dân hãy nhìn lui về đời sống của Áp-ra-ham và Sa-ra. Tuyển dân Israel không phải xuất phát từ thiên đàng rồi đi xuống trần gian trên những đám mây, nhưng họ đã được sinh ra từ một người nam đã bảy mươi lăm tuổi và vợ của ông ta đã sáu mươi lăm tuổi. Theo lẽ thông thường, đôi vợ chồng này không còn khả năng sinh đẻ nữa. Họ đã già rồi khó có thể có con! Nhưng Đức Chúa Trời ban cho họ một lời hứa kỳ diệu, đó là dòng dõi họ sẽ đông như sao trên trời, như cát bờ biển (Sáng 13:14-17; 15:5). Nếu Đức Chúa Trời có thể xây dựng một quốc gia từ đôi vợ chồng già Áp-ra-ham, thì tại sao Ngài không thể tái lập quốc gia Israel từ những người yếu đuối mất hết tinh thần sau một thời gian dài chịu cảnh lưu đày? Đức Chúa Trời đã giữ lời hứa với Áp-ra-ham và bây giờ Ngài cũng sẽ làm như vậy với dòng dõi của ông.

Khi tuyển dân ra khỏi cảnh phu tù trở về xây dựng lại đền thờ. Đền thờ này dường như không bằng đền thờ nguy nga tráng lệ mà Sa-lô-môn đã xây dựng trước đó. “Nhiều thầy tế lễ, người Lê-vi, trưởng tộc, tức là những người già cả đã thấy đền thờ trước, bèn khóc tiếng lớn trong khi người ta xây nền của đền mới …” (E-xơ-ra 3:11-13; A-ghê 2:3). Đức Chúa Trời đã sai tiên tri Xa-cha-ri đến hỏi họ: “ai là kẻ khinh dể ngày của những điều nhỏ mọn?” (Xa-cha-ri 4:10). Hãy nhìn về quá khứ để thấy Áp-ra-ham và Sa-ra là những người đầu tiên đặt nền tảng cho tuyển dân. Đức Chúa Trời có thể làm những điều kỳ diệu bất chấp những nghĩ suy “bất khả thi” của con người. Từ một đôi vợ chồng già đã sản sinh ra một dân tộc lớn mạnh hùng cường để qui vinh hiển về cho Ngài. Những lời này dành cho những ai đã mất hết hy vọng: “Ấy chẳng phải là bởi quyền thế, cũng chẳng phải là bởi năng lực, bèn là bởi Thần ta, Đức Giê-hô-va vạn quân phán vậy.” (Xa-cha-ri 4:6). Lời tuyên hứa này của Chúa vẫn còn có hiệu lực đến hôm nay!

HÔM NAY DÂN SỰ CỦA CHÚA NHÌN VÀO SA-RA VÀ THẤY TỰ DO

Sứ đồ Phao-lô đã nghiên cứu về câu chuyện của Sa-ra và A-ga trong Sáng thế ký 16 và 21. Ông giải thích ý nghĩa hình bóng của hai người nữ này trong Ga-la-ti 4:21-31. Hội thánh tại Ga-la-ti lúc bấy giờ đang lẫn lộn giữa luật pháp của Môi-se với Phúc Âm của Chúa Jesus Christ. Phao-lô giải thích:
A-ga, người nữ nô-lệ đại diện cho luật pháp (Giê-ru-sa-lem dưới đất).

Sa-ra, người nữ tự chủ đại diện cho ân điển (Giê-ru-sa-lem trên trời).

Ích-ma-ên, con trai người nữ nô lệ được sinh ra trong xác thịt.

Y-sác, con trai người nữ tự chủ được sinh ra bởi ân điển và quyền năng của Đức Chúa Trời.

Áp-ra-ham không bao giờ có ý định ăn nằm với A-ga. Tuy nhiên trong một phút yếu lòng ông đã nghe theo lời của Sa-ra, đồng nghĩa là ông bất tuân mạng lệnh của Chúa. Ông đã đi theo xác thịt. Từ ngày thứ sáu của công cuộc sáng tạo, Đức Chúa Trời đã tạo dựng nên A-đam và Ê-va. Ngài đã sáng tạo mọi vật trên căn bản của ân điển. Và điều này tiếp tục khi Ngài đối xử với Nô-ê, Áp-ra-ham, Y-sác, Gia-cốp và Giô-sép. Đức Chúa Trời ban những lời hứa – đó là ân điển. Dân sự của Chúa tin cậy, vâng phục Ngài và Ngài chúc phước cho họ. Luật pháp đã  được đặt thêm (Ga-la-ti 3:19), nó vốn không có từ buổi bình minh sáng tạo. Lời hứa và ân điển của Chúa đã song hành cùng nhau và giải phóng quyền năng của Đức Chúa Trời. Luật pháp và những nỗ lực cá nhân sánh vai cùng nhau và khích lệ công việc của xác thịt. “Sức mạnh tội lỗi là luật pháp” (1 Cô-rin-tô 15:56). Sa-ra đã sai lầm khi đưa ra một kế hoạch riêng làm cho chồng mình có con với A-ga, nhưng Sa-ra đã đúng khi đề nghị Áp-ra-ham đuổi A-ga và con trai nàng ra khỏi nhà. Ân điển ban cho chúng ta sự tự do, nhưng luật pháp biến chúng ta thành nô lệ. Luật pháp cho chúng ta biết rằng chúng ta cần ân điển, và ân điển làm cho chúng ta có khả năng vâng theo luật pháp bởi quyền năng Đức Thánh Linh (Rô-ma 8:3). Ngày hôm nay người tín hữu không giống như Ích-ma-ên nhưng giống như Y-sác (Ga-la-ti 4:28). Chúng ta được sinh ra bởi quyền năng Đức Chúa Trời và có thể đáp ứng những lời hứa của Ngài. Chúng ta được sinh ra trong hoàng tộc, và chúng ta được tự do. Nếu Sa-ra đại diện cho ân điển và Áp-ra-ham là hình ảnh của đức tin thì Y-sác được sinh ra bởi ân điển, nhờ đức tin (Ê-phê-sô 2:8-9). Áp-ra-ham và Sa-ra không thể sinh con lúc đã vượt qua tuổi giới hạn, họ không thể phá bỏ luật tự nhiên trong sinh đẻ. Nhưng với Đức Chúa Trời thì mọi sự đều có thể. Và đó chính là ân điển!

Đức Chúa Trời không muốn Áp-ra-ham có một “gia đình pha trộn” giữa: luật pháp và ân điển; tự chủ và nô lệ; quyền năng của Đức Chúa Trời và nỗ lực của con người. Con người trong sáng tạo cũ cần luật pháp, nhưng con người mới trong Chúa được giải phóng khỏi những đòi hỏi của luật pháp: “Đấng Christ đã buông tha chúng ta cho được tự do; vậy hãy đứng vững, chớ lại để mình dưới ách tôi mọi nữa” (Ga-la-ti 5:1). Vì vậy chúng ta vui hưởng sự tự do trong Christ và dâng vinh hiển cho Đức Chúa Trời.

NHỮNG NGƯỜI VỢ TIN KÍNH NHÌN VÀO SA-RA VÀ THẤY VẺ ĐẸP CỦA MỘT TẤM GƯƠNG

Áp-ra-ham tìm đến Ai-cập khi vùng đất hứa đối diện với nạn đói kém. Ai-cập là nơi mà dòng dõi ông bị vấp phạm nhiều lần sau đó (Xuất 16:1-3; 17:1-3; Dân 14:1-4; Ê-sai 30:1-5; 31:1-3; Giê 37:1-10). Khi vào trong đất Ai-cập Áp-ra-ham không muốn Sa-ra trở nên một góa phụ (ông sợ bản thân bị vua Ai-cập giết chết để chiếm đoạt Sa-ra) vì vậy ông nhắc nàng về bí mật trong mối quan hệ giữa hai người. Những người Ai-cập nhìn thấy Sa-ra là một phụ nữ xinh đẹp, và các viên chức triều đình cũng thấy như thế. Họ trầm trồ về nhan sắc của Sa-ra trước mặt vua Pha-ra-ôn, và thế là Sa-ra được mời vào hậu cung (Sáng 12:10-16). Câu chuyện này cũng được lập lại lần nữa trong Sáng thế ký 20. Chúng ta biết được những thỏa thuận ngầm giữa đôi vợ chồng Áp-ra-ham từ hai câu chuyện này. Sứ đồ Phi-e-rơ cũng đề cập đến Sa-ra trong thư tín, ông không lên án cho hành động của Áp-ra-ham mà lại còn tán dương Sa-ra là người phụ nữ mẫu mực đáng nên tôn trọng (1 Phi-e-rơ 3:1-6). Sa-ra trở thành tấm gương cho những người vợ tin kính khác.

Một số chị em trong hội thánh vào thời của sứ đồ Phi-e-rơ đang cố gắng chinh phục người chồng chưa được cứu của mình qua vẻ đẹp bề ngoài và theo đuổi những tiêu chuẩn của văn hóa đương thời. Nhưng sứ đồ Phi-e-rơ khuyên bảo họ hãy tìm kiếm “sự trang sức bề trong giấu ở trong lòng, tức là sự tinh sạch chẳng hư nát của tâm thần dịu dàng im lặng” (1 Phi 3:4). Phi-e-rơ khích lệ họ hãy bắt chước những phụ nữ tin kính trong Kinh Thánh, đặc biệt là Sa-ra. Không cần thiết cho các chị em phải tìm kiếm các trang sức bên ngoài như: “gióc tóc, đeo đồ vàng, mặc áo quần lòe loẹt”. Những phụ trang ấy không kéo người chồng của họ đến với Đấng Christ. Vẻ đẹp thực sự của phụ nữ phải đến từ bên trong. Những tố chất Cơ đốc bên trong là điều làm Chúa vui lòng.

Những chị em này có thể sẽ e ngại vì họ không “hấp dẫn bề ngoài” so với các phụ nữ ngoại bang, có thể họ sợ chồng của họ sẽ không thích phong cách khác người như vậy. Ở đây Phi-e-rơ khuyên họ phải vâng phục chồng mình trong tình yêu và đức tin. Giống như “Sa-ra gọi Áp-ra-ham là chúa mình” (1 Phi 3:5), và bà đã vâng phục chồng giống như vâng phục Chúa. Sa-ra làm được điều đó vì bà yêu mến Áp-ra-ham và sẵn lòng vâng phục ông. Không có sự sợ hãi hay dao động nào trong tấm lòng của bà với chồng mình. Ngay cả khi Sa-ra già đi, bà vẫn luôn luôn là “người vợ xinh đẹp” của Áp-ra-ham.

Mỗi thời đại đều có những xu hướng thời trang mới và nó bày tỏ ra “đẳng cấp” của từng giới. Loài người xem bề ngoài, nhưng Chúa có cái nhìn khác (1 Sa-mu-ên 16:7). Cơ đốc nhân có thể không “thời trang và hấp dẫn” như người ngoại bang, nhưng chúng ta có bông trái của Đức Thánh Linh (Ga-la-ti 5:22-23). Sách Châm Ngôn là tiêu chuẩn của các chị em chúng ta: “Duyên là giả dối, sắc lại hư không; Nhưng người nữ nào kính sợ Đức Giê-hô-va sẽ được khen ngợi” (Châm 31:30).

Chúng ta cần trưởng thành trong tình yêu, đức tin, hy vọng, sự tự chủ và vẻ đẹp chân thật bên trong. Chúng ta sẽ được giúp đỡ mỗi khi nhìn vào Công Chúa Sa-ra, mẹ của những người tin kính.

Bài 10

Y-SÁC

“Đức Giê-hô-va sẽ có sắm sẵn.” Sáng. 22:14

Giê-hô-va Di-rê, nghĩa là “Đức Giê-hô-va sẽ có sắm sẵn.” là một trong những danh xưng của Chúa được tìm thấy trong Cựu Ước. Tại nơi Áp-ra-ham chuẩn bị giết con trai mình để dâng của lễ thiêu, Đức Giê-hô-va đã sắm sẵn một con chiên đực để thay thế cho Y-sác. Nhưng mệnh đề “Đức Giê-hô-va sẽ có sắm sẵn.” không chỉ là diễn tả trải nghiệm của cha con Áp-ra-ham trên núi Mô-ri-a, mà còn là kinh nghiệm cá nhân trong suốt cuộc đời của Y-sác.

Y-sác là con của một người cha trứ danh, đồng thời ông cũng là cha của một người con nổi tiếng. Y-sác có những vinh quang và mạo hiểm như của Áp-ra-ham và Gia-cốp? Chúng ta thử nhìn việc này qua cuộc đời ông. Y-sác sống được 180 năm (Sáng. 28-29) hơn hẳn cả cha Áp-ra-ham và con trai Gia-cốp của ông. Tuy nhiên thời gian trên đất của ông không có nhiều sự kiện quan trọng. G. Campbell Morgan đã bình luận, “Chúng ta cho rằng đời sống của Áp-ra-ham thú vị hơn Y-sác, và đời sống của Gia-cốp thì có nhiều sự kiện ấn tượng hơn Y-sác, nhưng với cái nhìn của Đức Chúa Trời thì khác.” Sứ đồ Phao-lô dạy, “chúng ta cũng như Y-sác, là con của lời hứa.” (Gal. 4:28). Và một trong những lời hứa lớn nhất là, “Đức Chúa Trời tôi sẽ làm cho đầy đủ mọi sự cần dùng của anh em y theo sự giàu có của Ngài ở nơi vinh hiển trong Đức Chúa Jêsus Christ.” (Phil. 4:19). Vì vậy danh xưng thần thánh “Giê-hô-va di-rê” cũng diễn tả kinh nghiệm của chúng ta – là những người bước đi bởi đức tin ngày hôm nay.

 

ĐẤNG CUNG ỨNG CHO Y-SÁC
Khi Y-sác bước đi bởi đức tin, Đức Chúa Trời cung ứng cách chính xác những nhu cầu cho ông. Bắt đầu cho việc này, Chúa đã cung ứng cho ông một di sản. Áp-ra-ham xây dựng cơ nghiệp của mình trong nhiều năm. Gia-cốp cũng vậy. Nhưng Y-sác thì khác, ngay khi sinh ra ông đã là người giàu có. Sa-ra đã chuẩn bị một cơ nghiệp cho Y-sác, bà nói với chồng mình sau khi A-ga sinh Ích-ma-ên, “ Hãy đuổi con đòi với con nó đi đi, vì đứa trai của con đòi nầy sẽ chẳng được kế nghiệp cùng con trai tôi là Y-sác đâu.” (Sáng. 21:10). Áp-ra-ham sau đó cưới thêm Kê-tu-ra, người vợ thứ hai. Dòng dõi của Kê-tu-ra nhận được những tiền của từ Áp-ra-ham, nhưng hết thảy gia tài của ông là dành cho Y-sác (Sáng. 25:1-6). Điều này cũng được Ê-li-ê-se, quản gia của Áp-ra-ham xác nhận trong Sáng thế ký 24:35-36, “Đức Giê-hô-va đã ban phước cho chủ tôi bội phần, trở nên thạnh vượng; Ngài cho chủ tôi chiên bò, bạc, vàng, tôi trai tớ gái, lạc đà và lừa. Vả, Sa-ra, vợ chủ tôi, trở về già, có sanh một con trai cho người; người đã giao gia tài mình lại hết cho con trai đó.” Y-sác cũng được Chúa ban phước bội phần trong nông nghiệp và chăn nuôi. Sáng-thế-ký 26:12-14 ghi lại: “Y-sác gieo hột giống trong xứ đó; năm ấy gặt được bội trăm phần; vì Đức Giê-hô-va đã ban phước cho. Người nên thạnh vượng, của cải càng ngày càng thêm cho đến đỗi người trở nên rất lớn. Người có nhiều bầy chiên, bầy bò và tôi tớ rất đông; bởi cớ ấy, dân Phi-li-tin đem lòng ganh ghét.” Rõ ràng Y-sác đã tin cậy vào danh xưng của Đức Chúa Trời “Đức Giê-hô-va sẽ có sắm sẵn.” Và ông đã kinh nghiệm điều này.
Lưu ý rằng bài học từ Y-sác không có nghĩa là Chúa sẽ làm cho mỗi con cái của Ngài trở nên giàu có trong đời sống vật chất. Đôi khi chuyện đó không xảy ra. Những sự đầu tư của Cơ đốc nhân vào tài chánh và đất đai không phải lúc nào cũng mang lại kết quả nhân bội. Tuy nhiên Đa-vít đã viết trong Thi thiên 37:25 sự quan sát của ông: “Trước tôi trẻ, rày đã già. Nhưng chẳng hề thấy người công bình bị bỏ. Hay là dòng dõi người đi ăn mày.” Chúng ta nhận được sự ban phước thuộc linh trong Christ, “Ngợi khen Đức Chúa Trời, Cha Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, Ngài đã xuống phước cho chúng ta trong Đấng Christ đủ mọi thứ phước thiêng liêng ở các nơi trên trời…. soi sáng con mắt của lòng anh em, hầu cho biết điều trông cậy về sự kêu gọi của Ngài là thể nào, sự giàu có của cơ nghiệp vinh hiển Ngài cho các thánh đồ là làm sao.” (Êph. 1:3,18)

 

Chúng ta nhìn thấy con chiên đực mà Chúa dự bị để chết thay cho Y-sác. Cũng vậy Đức Chúa Trời cung ứng Chúa Jesus Christ – Con Ngài để chết thay cho chúng ta. Điều này thuyết phục Cơ đốc nhân tin rằng Đức Chúa Trời đã ban Chúa Jesus – là món quà tốt nhất cho chúng ta. Bây giờ có điều gì mà chúng ta chưa nhận được trong Chúa Jesus? Hay là Đức Chúa Trời từ chối không cho chúng ta những phước hạnh khác? Rô-ma 8:32 nói gì? “Ngài đã không tiếc chính Con mình, nhưng vì chúng ta hết thảy mà phó Con ấy cho, thì Ngài há chẳng cũng sẽ ban mọi sự luôn với Con ấy cho chúng ta sao?” Vậy thì, khi chúng ta có Chúa Jesus Christ, còn điều gì nữa mà chúng ta chưa nhận lãnh?
Khi Y-sác bốn mươi tuổi, Đức Chúa Trời dự bị một người vợ đúng nhu cầu cho ông. Điều quan trọng là Y-sác đã có một người vợ trong chương trình của Chúa. Ông và Rê-be-ca đều liên quan đến lời hứa về Đấng Mê-si sẽ đến.
Trong Sáng thế ký 26:12-31, các người láng giềng của Y-sác đã tạo ra các nan đề về giếng nước. Đức Chúa Trời đã ban cho Y-sác sự khéo léo và khôn ngoan để ông tránh khỏi các cuộc xung đột, và cuối cùng tình hữu nghị giữa hai bên đã thắng. Nhưng sau đó Ê-sau, con trai của Y-sác cưới hai người vợ ngoại bang. Chuyện này đã làm cho tấm lòng của Y-sác và Rê-be-ca đau khổ (Sáng. 26:34-35).
Điều tốt đẹp nhất trong cuộc đời Y-sác là Đức Chúa Trời đã ban cho ông sự bảo đảm về một cơ nghiệp trên thiên đàng. Những tổ phụ sống và chết bởi đức tin nhìn thấy trước một quê hương tốt hơn mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho họ. Họ “trông thấy và chào mừng những điều đó từ đằng xa, xưng mình là kẻ khách và bộ hành trên đất…” (Hêb. 11:13-16). Ngày hôm nay chúng ta đang sống trong một thế giới đầy rủi ro và biến động, nhưng bất luận điều gì xảy ra, chúng ta biết rằng chúng ta đã có một ngôi nhà đời đời trên thiên đàng. Chúa Jesus đang ở thiên đàng, và Ngài đã sắm sẵn một chỗ cho dân sự của Ngài (Giăng 14:1-6). Và khi giờ G đến, hội thánh sẽ được cất lên để gặp Ngài trong vinh hiển. Tương lai của chúng ta đã được Chúa bảo đảm.

 

SỰ CUNG ỨNG THÔNG QUA CHÚA JESUS.
Trong sách Phúc Âm Giăng, Chúa Jesus phán với những người lãnh đạo tôn giáo chống đối Ngài: “Cha các ngươi là Áp-ra-ham đã nức lòng nhìn thấy ngày của ta; người đã thấy rồi, và mừng rỡ.” (Giăng 8:56).
Đối với những người này, lời Chúa phán như thế là phạm thượng, vì vậy họ lấy đá để ném vào Ngài. Nhưng những lời Chúa nói không hề có ý phạm thượng nào, vì trong đôi mắt đức tin Áp-ra-ham đã nhìn thấy những ngày của Chúa Jesus.

 

Đối với người nhạy cảm thuộc linh như Áp-ra-ham, thì những sự kiện trong cuộc đời ông đã chỉ ông đến với lời hứa về một Đấng Mê-si. Điều này được bao hàm trong câu chuyện về sự sinh ra của Y-sác, dâng Y-sác lên bàn thờ – chấp nhận mất đi đứa con trai yêu quí. Nhưng cuối cùng không phải mất, nhưng Áp-ra-ham lại nhận được con mình (Hêb. 11:19). Còn nữa, Rê-be-ca cũng là một phép lạ trong ân sủng (Sáng. 24). Ngày hôm nay, nhờ Thánh Linh chúng ta nhận ra lời hứa về Đấng Mê-si đến qua những chuỗi sự kiện này. Nhưng Áp-ra-ham đã trải nghiệm những điều đó cách đây nhiều thế kỷ, trong một ý nghĩa ông đã nhìn vào tương lai và thấy Chúa Jesus!
“Cha yêu Con, và đã giao hết mọi vật trong tay Con.” (Giăng 3:35). Câu này nhắc chúng ta nhớ đến Sáng thế ký 24:35-35 và 25:5. “Đức Giê-hô-va đã ban phước cho chủ tôi bội phần, trở nên thạnh vượng; Ngài cho chủ tôi chiên bò, bạc, vàng, tôi trai tớ gái, lạc đà và lừa. Vả, Sa-ra, vợ chủ tôi, trở về già, có sanh một con trai cho người; người đã giao gia tài mình lại hết cho con trai đó…. Áp-ra-ham cho Y-sác hết thảy gia tài mình.” Lẽ thật này được nhắc lại một lần nữa trong Giăng 13:3 và 16:15. “Đức Chúa Jêsus biết rằng Cha đã giao phó mọi sự trong tay mình…. Mọi sự Cha có, đều là của ta;” Không giống như Y-sác, Chúa Jesus sinh ra trong khó nghèo. Tân Ước mô tả về Ngài: “Cáo có hang, chim trời có tổ, song Con Người không có chỗ gối đầu.” Trong suốt chức vụ, Chúa Jesus đã phải mượn: chiếc thuyền của Phi-e-rơ, bữa ăn trưa của một bé trai, con lừa của một môn đồ vô danh. Và sau khi chết Ngài được chôn trong một cái mộ mượn của người khác. Nhưng Con Người vô sản đó đã làm giàu cho biết bao người trên thế giới. “Vì anh em biết ơn của Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, Ngài vốn giàu, vì anh em mà tự làm nên nghèo, hầu cho bởi sự nghèo của Ngài, anh em được nên giàu.” (2 Côr. 8:9)
Không có Chúa Jesus, nhân loại có thể giàu có trong thế giới hiện tại, nhưng nghèo khó trong đời hầu đến. Nhưng khi có Chúa Jesus, người ta có thể nghèo khó trong đời này, nhưng chắc chắn sẽ giàu có ở đời sau (Lu-ca 6:20-23), hoặc thậm chí giàu có trong đời này và đời sau cũng vậy (1 Tim. 6:17-19). Cơ đốc nhân là những đường ống dẫn nước, không phải hồ chứa nước. Đức Chúa Trời ban phước cho chúng ta để chúng ta có khả năng ban phước cho người khác. “Vì sự đầy dẫy của bổn tánh Đức Chúa Trời thảy đều ở trong Đấng ấy như có hình. Anh em lại nhờ Ngài mà có được đầy dẫy mọi sự, vì Ngài là đầu của mọi quyền cai trị và mọi thế lực.” (Côl. 2:9-10). Y-sác sinh ra đã là người giàu có, và khi chúng ta được tái sinh trong Christ – chúng ta cũng giàu có như Y-sác. Chúng ta trở nên giống như Chúa Jesus và các sứ đồ: “ngó như buồn rầu, mà thường được vui mừng; ngó như nghèo ngặt, mà thật làm cho nhiều người được giàu có; ngó như không có gì cả, mà có đủ mọi sự!” (2 Côr. 6:10). Thật là một nghịch lý, nhưng đó là thực tế sinh động của đặc quyền đời sống Cơ đốc!

 

ĐƯỜNG LỐI CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI CHO SỰ CUNG ỨNG
Chúng ta phải luôn ghi nhớ rằng trách nhiệm của con cái Chúa là làm vui lòng Ngài theo đường lối của Ngài. Trong lúc tuổi vị thành niên Y-sác đã làm vui lòng cha Áp-ra-ham, thậm chí dâng nộp đời sống mình cho cha. Nhưng khi về già ông đã xoay xở làm theo ý riêng (Sáng. 27). Thay vì chúc phước cho Gia-cốp là người con xứng đáng hơn Ê-sau (Ê-sau trước đó đã cưới hai người vợ dân Ca-na-an), thì ông đã thiên vị Ê-sau và định tâm chỉ chúc phước cho Ê-sau mà thôi. Vì thế mới xảy ra câu chuyện lừa đảo của hai mẹ con Rê-be-ca và Gia-cốp sau đó. Cuối cùng Chúa đã dùng sự thiên vị của Y-sác dành cho Ê-sau mà chuyển phước hạnh đến Gia-cốp. Đúng là “trong lòng loài người có nhiều mưu kế, nhưng chỉ có Ý Chúa mới thành tựu.” Bài học nào ở đây? Y-sác đã có một khởi đầu tốt, nhưng kết thúc lại không tốt.
Trong suốt 20 năm dài sau hôn nhân, Y-sác và Rê-be-ca chờ đợi sinh hạ một đứa con. Nhưng điều đó đã không xảy ra. Y-sác cầu khẩn Đức Giê-hô-va về chuyện này, và Chúa đã trả lời sự cầu nguyện của ông. Chúng ta đọc Sáng. 25:21-23: “Y-sác khẩn cầu Đức Giê-hô-va cho vợ mình, vì nàng son sẻ. Đức Giê-hô-va cảm động lời khẩn cầu đó, nên cho Rê-bê-ca thọ thai. Nhưng vì thai đôi làm cho đụng nhau trong bụng, thì nàng nói rằng: Nếu quả thật vậy, cớ sao điều nầy xảy đến làm chi? Đoạn, nàng đi hỏi Đức Giê-hô-va. Đức Giê-hô-va phán rằng: Hai nước hiện ở trong bụng ngươi, và hai thứ dân sẽ do lòng ngươi mà ra; dân nầy mạnh hơn dân kia, và đứa lớn phải phục đứa nhỏ.”
Lịch sử lập lại ở đây! Đức Chúa Trời “đảo ngược” phước hạnh của đứa con thứ nhất sang đứa con thứ nhì.
A-bên là em, không phải Ca-in; Sem và Gia-phết nhỏ hơn, không phải là Cham; Gia-cốp chứ không phải Ê-sau. A-bên, Sem, Gia-phết và Gia-cốp là những con thứ, không phải trưởng nam. Đứa con thứ nhì là kế hoạch của Chúa. Đấng Mê-si sẽ đến không qua dòng dõi Ê-sau là con trưởng nam, nhưng là Gia-cốp – đứa con thứ nhì.
Có phải kế hoạch giành lấy phước lành mà Y-sác chúc cho Ê-sau, của hai mẹ con Rê-be-ca và Gia-cốp là không đúng đắn? Làm sao để có thể thay đổi tâm trí của Y-sác vào lúc đó? Đức Chúa Trời đã cho phép hai mẹ con thành công trong kế hoạch hoán đổi Gia-cốp thành Ê-sau, nhưng đổi lại Gia-cốp phải ra đi sau đó không còn gặp lại mẹ của mình nữa. Và cuộc đời ông sau này cũng bị các con trai lừa dối trong việc bán Giô-sép qua xứ Ê-díp tô.
Tuy nhiên, Y-sác là nguyên nhân của rắc rối trong gia đình khi ông thiên vị Ê-sau và định tâm chúc phước cho con trai trưởng. Ông chúc phước cho Ê-sau vì nghĩ rằng mình sắp chết, nhưng thực ra sau đó ông còn sống thêm 40 năm nữa. Tổng cộng ông đã sống trên đất 180 năm. Những năm cuối đời thay vì sống theo ý Chúa, ông đã sống theo ý riêng. Ông tuỳ thuộc vào cảm xúc, đụng chạm, nếm thức ăn …thay vì tùy thuộc vào sự dẫn dắt của Đức Chúa Trời trong việc bị Gia-cốp đánh lừa. Khi biết rằng Gia-cốp đã dùng mánh khóe lấy đi phước lành của Ê-sau, Y-sác xúc động mãnh liệt và ông biết mình đã phạm sai lầm (Sáng. 27:33).
Đức Chúa Trời tể trị mọi biến cố xảy ra. Ngài không cho phép con người hoàn thành kế hoạch của họ. Câu cổ ngữ này vẫn còn đúng: “Đức Chúa Trời ban điều tốt nhất cho những ai Ngài đã chọn.”

 

Bài 11

RÊ-BE-CA

Mẹ đáp rằng: Con ơi! Xin sự rủa sả đó để cho mẹ chịu; hãy cứ nghe lời mẹ, ra bắt hai dê con.

Sáng thế ký 27:13

Trước khi chết, Áp-ra-ham đã ban tất cả gia tài cho con trai Y-sác. Ông cũng ra lệnh cho Ê-li-ê-se, người quản gia trung tín nhất trong nhà đi tìm một người vợ cho Y-sác:  “Ngươi không cưới một cô nào trong bọn con gái của dân Ca-na-an, tức giữa dân ấy ta trú ngụ, làm vợ cho con trai ta.  Nhưng hãy đi về quê hương ta, trong vòng bà con ta, cưới một người vợ cho Y-sác, con trai ta” (Sáng 24:3-4). Chuyện tình duyên của Y-sác và Rê-be-ca khởi đầu trong vui mừng hạnh phúc, nhưng kết thúc lại là một câu chuyện buồn. Tuy nhiên Đức Chúa Trời tể trị mọi biến cố xảy ra và hoàn thành mục đích của Ngài.

 

SỰ HƯỚNG DẪN

Từ providence (sự dự phòng) trong Tiếng Anh đến từ hai từ Latin: pro và video. Hai từ này ghép lại có nghĩa là nhìn thấy trước. Các nhà thần học gọi sự dự phòng thần thượng từ trước là kế hoạch của Đức Chúa Trời dành cho con người để hoàn thành ý muốn của Ngài. Là những con cái vâng lời Chúa thì những gì xảy ra cho chúng ta không phải là ngẫu nhiên tình cờ, nhưng đó là kế hoạch thiên thượng mà Chúa đã lập trình. Sáng thế ký chương 24 là minh họa tốt nhất cho điều này.

Vâng lời Áp-ra-ham, “người đầy tớ bắt mười con lạc đà trong bầy của chủ mình, đem theo đủ các tài vật của chủ đã giao, rồi đứng dậy đi qua xứ Mê-sô-bô-ta-mi, đến thành của Na-cô” (câu 10) bắt đầu cuộc hành trình tìm vợ cho Y-sác. Trước đó Áp-ra-ham nhận được một lời hứa từ Đức Chúa Trời, “Ta sẽ cho dòng dõi ngươi xứ nầy!” và ông truyền lệnh cho người quản gia trung tín, “Chính Chúa sẽ sai thiên sứ đi trước ngươi, và nơi đó ngươi hãy cưới một vợ cho con trai ta” (câu 7). Người quản gia Ê-li-ê-se đã lập lại điều này khi ông bước vào trong gia đình của Rê-be-ca (câu 40). Trong ơn thần hựu (chúng ta có thể xem là tình cờ) người quản gia trung tín đến đúng nơi chốn và cũng đúng thời điểm mà Rê-be-ca xuất hiện bên giếng nước. Ông hỏi nàng, “Cô là con gái của ai?” Đối với chúng ta ngày nay câu này cũng có nghĩa là: Bạn là con của Đức Chúa Trời hay là con cái của thế gian?

Ngay trong tình huống đầu tiên Rê-be-ca xuất hiện và trở thành người nữ mà Đức Chúa Trời đã chọn cho Y-sác. Rê-be-ca cũng như Sa-ra là những người nữ xinh đẹp, tài năng, tin kính trong Kinh Thánh. Y-sác còn có thể mong ước điều gì hơn thế!

QUYẾT ĐỊNH

Rê-be-ca là mẫu người phụ nữ mạnh dạn đưa ra quyết định và thể hiện điều đó theo cách cô ấy chào đón người quản gia, chăm sóc ông cùng những con lạc đà của ông, và đưa ông đến nhà cô. Câu chuyện đầy kịch tính khi La-ban là anh trai của Rê-be-ca nhìn thấy “khoanh vàng và đôi xuyến nơi tay em gái”. La-ban đã nói với Ê-li-ê-se, “Hỡi người đã được Đức Giê-hô-va ban phước! Xin mời vào. Sao đứng ngoài nầy vậy? Tôi đã sửa soạn nhà và dọn dẹp một nơi cho mấy con lạc đà rồi” (câu 31). Rất hiếu khách và lịch sự! Đây cũng chính là La-ban, người mà sau đó đã cố gắng loại bỏ Gia-cốp khỏi mọi thứ anh ta kiếm được và sẽ thành công nếu Chúa không can thiệp. Như chúng ta sẽ thấy, bên dưới ân sủng và vẻ đẹp tuyệt vời của Rê-be-ca, người nữ này có thể nhận ra tính cách và bản chất của anh trai mình.  

Trong thế giới hiện nay, tình bạn giữa hai người khác phái có thể dẫn đến tình yêu. Tình yêu gắn kết sẽ dẫn đến hôn nhân. Điều này không giống với thời đại của Rê-be-ca. Lúc đó hôn nhân đến trước, rồi tình yêu mới phát triển sau đó. Rê-be-ca và Y-sác phải học tập để yêu nhau. Việc cưới xin từ phía nhà trai phụ thuộc vào cha mẹ cô dâu hoặc người giám hộ đồng ý hay không. Vì vậy chúng ta thấy câu chuyện ở đây, người quản gia bước vào trong nhà của Rê-be-ca, trình ra các sính lễ, trình bày câu chuyện và chờ đợi sự quyết định từ phía gia đình người nữ.

Đến đây chúng ta bắt đầu phát hiện các vấn đề của gia đình? Bê-tu-ên là cha của Rê-be-ca vẫn còn sống (Sáng. 24:50), nhưng Rê-be-ca “chạy về, thuật chuyện nầy (chuyện đã gặp Ê-li-ê-se) lại cho nội nhà mẹ mình” (câu 28). Những phụ nữ thời đó sống trong những căn lều tách biệt, và có phải bất cứ chuyện gì xảy ra Rê-be-ca cũng thuật lại cho mẹ mình trước tiên? Chỉ có người quản gia của Áp-ra-ham đã đến mang theo những món quà quý giá. Có phải trực giác nữ tính của Rê-be-ca đã nói với cô ấy rằng đó là một lời cầu hôn được thực hiện, hay việc con gái chia sẻ tin tức đặc biệt trước với mẹ là điều tự nhiên? Rõ ràng là mẹ của Rê-be-ca theo cách tự nhiên sẽ bảo con gái mình thuật lại câu chuyện với cha và anh trai. Và tình huống xảy ra tiếp theo có vẻ như La-ban là người chịu trách nhiệm thay mặt gia đình giải quyết vấn đề. Cha của Rê-be-ca dường như không đóng vai trò chính trong những quyết định của gia đình mà thay vào đó là mẹ và anh trai. Trong câu 55 chúng ta thấy điều này: “Nhưng anh và mẹ nàng nói rằng: Hãy cho người gái trẻ ở lại cùng chúng tôi ít ngày nữa, độ chừng mười bữa, rồi nó sẽ đi: (câu 55). Bê-tu-ên nắm giữ một vai trò mờ nhạt hơn trong câu chuyện này, ông cũng nhận biết chuyện tình duyên của con gái bởi Đức Chúa Trời mà đến (câu 50) nhưng sự quyết định các chi tiết khác nằm trong quyền hạn của vợ ông và con trai. Có gợi ý ở đây rằng Rê-be-ca được thừa hưởng khả năng quyết định mạnh mẽ từ mẹ? Sau đó nàng đưa ra một quyết định “tôi sẽ đi” với người quản gia của Áp-ra-ham, và không có ai thảo luận hay ngăn cản nàng chuyện này.

 

TÌNH YÊU

Những sự kiện xảy ra trong cuộc hành trình dài của Rê-be-ca không được đề cập đến. Một lần nữa chúng ta thấy bàn tay tể trị của Đức Chúa Trời trong việc Y-sác chuẩn bị đón rước Rê-be-ca. Khi Rê-be-ca đến từ đàng xa, Y-sác đang đi dạo suy ngẫm trên cánh đồng. Y-sác “nhướng mắt lên, kìa ngó thấy lạc đà đâu đi đến” (Sáng. 24:63) và rồi cô dâu xuất hiện. Không cần giấy phép hoặc nghi lễ đặc biệt nào được bày ra để Y-sác nhận Rê-be-ca làm vợ. “Y-sác bèn dẫn Rê-bê-ca vào trại của Sa-ra, mẹ mình, lấy làm vợ, và yêu mến nàng” (Then Isaac brought her into his mother Sarah’s tent; and he took Rebekah and she became his wife, and he loved her) (câu 67). Điều này được mọi người mặc nhiên chấp nhận vào thời điểm đó.

Y-sác yêu mến người vợ xinh đẹp Rê-be-ca và nỗi buồn vì mẹ Sa-ra qua đời phai nhạt dần theo năm tháng. Trong một chừng mực nào đó nhiều người vợ phải “làm mẹ” cho chồng của họ. Và ở đây Y-sác hiện ra như một người đàn ông nhiều cảm xúc và sống nội tâm. Nhưng nếu mẹ chồng của Rê-be-ca luôn hiện diện trong trái tim và ký ức của chồng, thì nàng liệu có dành được một chỗ nào trong tấm lòng của Y-sác? Chúng ta biết rằng Y-sác yêu mẹ mình và cảm thấy đau buồn sâu sắc trước cái chết của bà, nhưng giờ đây ông đã có một người vợ yêu quí xinh đẹp, và Rê-be-ca xứng đáng với tất cả tình cảm của ông dành cho nàng.

SỰ PHÂN CHIA

Cặp đôi hạnh phúc Y-sác và Rê-be-ca phải chờ đợi hai mươi năm trước khi Chúa ban cho những đứa con đầu tiên. Ngay trước khi hai đứa con sinh đôi chào đời, đã có sự xung đột của hai đứa trẻ trong lòng mẹ. “Nhưng vì thai đôi làm cho đụng nhau trong bụng, thì nàng nói rằng: Nếu quả thật vậy, cớ sao điều nầy xảy đến làm chi? Đoạn, nàng đi hỏi Đức Giê-hô-va.  Đức Giê-hô-va phán rằng: Hai nước hiện ở trong bụng ngươi, và hai thứ dân sẽ do lòng ngươi mà ra; dân nầy mạnh hơn dân kia, và đứa lớn phải phục đứa nhỏ” (Sáng. 25:19-34). Bản Kinh Thánh Tiếng Anh NKJ ghi: “bọn trẻ chống lại nhau (the children struggled together within her. V 22). Điều này có nghĩa từ khi còn trong bụng mẹ, hai anh em Ê-sau và Gia-cốp đã hục hặc với nhau.
Khi hai trẻ sinh đối này lớn lên, Kinh Thánh ghi: “Ê-sau trở nên một thợ săn giỏi, thường giong ruổi nơi đồng ruộng; còn Gia-cốp là người hiền lành cứ ở lại trại.  Y-sác yêu Ê-sau, vì người có tánh ưa ăn thịt rừng; nhưng Rê-bê-ca lại yêu Gia-cốp” (câu 27-28). Chúng ta thấy rằng Y-sác là mẫu người suy ngẫm sống nội tâm trong khi Rê-be-ca là người hướng ngoại thích các hoạt động bên ngoài. Thông thường cha mẹ cố gắng truyền đạt cho con cái phong cách sống mà họ mong muốn nhưng khó có thể đạt được. Đôi khi con cái sống theo cách đối lập với cha mẹ chúng.

Cả hai người Y-sác và Rê-be-ca đều biết rằng Chúa đã làm cho Gia-cốp thành đứa con đầu lòng mặc dù là người sinh ra sau Ê-sau, điều đó có nghĩa là Gia-cốp sẽ nhận quyền trưởng nam và các phước lành.  Lẽ ra Y-sác nên lãnh đạo gia đình quyết đoán hơn và dành thời gian chuẩn bị Gia-cốp cho vai trò là người kế thừa, nhưng ông tập trung sự chú ý của mình vào Ê-sau. Y-sác có hai đứa con trai chuẩn bị xung đột trong nhà. Rắc rối đã đến.

SỰ LỪA DỐI

Hầu hết mọi gia đình đều có một người biết “lắng nghe và thấu hiểu” mọi chuyện trong nhà, và trong gia đình của Y-sác, người đó là Rê-be-ca. Rê-be-ca đã nghe những lời chồng mình nói, khi Y-sác cố tình không vâng lời Chúa và chuẩn bị ban cho Ê-sau phước lành của con trưởng nam. Mọi người trong nhà đều biết rằng Ê-sau là một người đàn ông không tin kính, anh ta kết nghĩa với người Hê-tít và thậm chí kết hôn với hai phụ nữ Hê-tít. Điều này đem lại đau buồn cho vợ chồng Y-sác (Sáng thế ký 26:34-35). Điều chắc chắn là Y-sác nhớ lời phán của Đức Chúa Trời, “đứa lớn phải phục đứa nhỏ” (Sáng. 25:23; Rô-ma 9:10-12), nhưng ông đã phớt lờ điều này.

Nếu bạn biết mình sắp chết, bạn sẽ làm gì? Đọc Kinh Thánh? Cầu nguyện với bạn hữu và gia đình? Ngợi khen Chúa bằng một bài thánh ca? Y-sác đã làm gì trong giả định này? Ông “gọi Ê-sau, con trưởng nam, mà rằng: Hỡi con! Ê-sau thưa rằng: Có con đây.  Người bèn nói rằng: Nầy, cha đã già rồi, chẳng biết ngày nào phải chết; vậy bây giờ, cha xin con hãy lấy khí giới, ống tên và cung con, ra đồng săn thịt rừng cho cha, dọn một món ngon tùy theo cha sở thích; rồi dâng lên cho cha ăn, đặng linh hồn cha chúc phước cho con trước khi chết.” (Sáng. 27:2-4). Ở đây Y-sác chỉ muốn ăn một món ngon theo sở thích. Dường như lúc này ông không còn một nguyện vọng thuộc linh nào! Rê-be-ca biết lời tỏ bày của chồng dành cho Ê-sau, và bà đã lên một kế hoạch đánh tráo hoàn hảo. Rê-be-ca lừa dối Y-sác trong khi thực hiện kế hoạch hoán đổi Gia-cốp giả dạng thành Ê-sau. Rê-be-ca muốn chắc chắn rằng phước lành từ Y-sác sẽ được chuyển giao cho Gia-cốp, chứ không cho phải Ê-sau. Và kế hoạch lừa đảo này đã thành công. Triết lý mà Rê-be-ca theo đuổi có từ xa xưa trong một câu cổ ngữ: “chúng ta chấp nhận làm điều xấu, và điều tốt có thể đến” (Rô-ma 3:8). Một nhà thần học người Đức là Hermann Busebaun (1650) bình luận về hành động “mưu trí” của Rê-be-ca, “nếu kết thúc được thừa nhận, thì phương tiện cũng được cho phép.” Trong ngôn ngữ hiện đại điều này có nghĩa là: Mục đích biện minh cho phương tiện.

Chúng ta làm thế nào để hiểu động cơ bên trong tấm lòng của Rê-be-ca? Rê-be-ca yêu Gia-cốp và biết rằng phước lành từ chồng của mình sẽ được chuyển giao cho Gia-cốp. Nhưng bà không có đủ sự mạnh dạn để đối diện với Y-sác trong vấn đề này. Đức Chúa Trời ở về phía với Rê-be-ca.  Và lời hứa về một Đấng Mê-si sẽ ra từ dòng dõi của Y-sác. Nhưng Rê-be-ca không có đức tin để rút cánh tay của mình ra, và để cho Đức Chúa Trời làm công việc của Ngài. Bà đã can dự vào một sự lừa dối con trai và chồng của mình. Khi hối thúc Gia-cốp đánh tráo thân phận, Rê-be-ca nói, “hãy cứ nghe lời mẹ” (Sáng. 27:13). Điều này được xem là dùng sức riêng để giành lấy ơn phước. Về sau này liệu Rê-be-ca có nhận ra rằng mình đang “vẽ đường cho hưu chạy” với những đứa cháu của mình thực hiện cùng một mánh khóe đối cùng Gia-cốp và khiến ông đau lòng suốt hai mươi hai năm vì nghĩ rằng Giô-sép đã chết!

Kế hoạch của Rê-be-ca thành công, và Gia-cốp nhận được phước lành từ cha Y-sác, nhưng hầu hết mọi thứ khác sụp đổ. Ê-sau định tâm tìm cách giết Gia-cốp vì đã cướp phước lành quyền trưởng nam của mình. Rê-be-ca phải đứng ra dàn xếp cho Gia-cốp chạy trốn, bà nói với con trai, “Nầy, Ê-sau, anh con, toan giết con để báo thù.  Vậy, bây giờ, hỡi con, hãy nghe lời mẹ, đứng dậy, chạy trốn qua nhà La-ban, cậu con, tại Cha-ran,  và hãy ở cùng người ít lâu, cho đến lúc nào cơn giận của anh con qua hết” (Sáng. 27:42-44). Từ biến cố đó Y-sác sống thêm bảy năm nữa. Khi ông qua đời mối thâm thù của Ê-sau đối cùng Gia-cốp cũng nhạt phai, và họ đã làm hòa với nhau (Sáng. 33), sau đó cùng đứng ra lo chôn cất cha. Tuy nhiên Rê-be-ca không bao giờ gặp lại Gia-cốp nữa sau biến cố hai mẹ con lường gạt Ê-sau và Y-sác. Gia-cốp đi qua xứ Pha-đan A-ram đến nhà cậu La-ban (Sáng. 28:5) và rồi lấy vợ, khởi nghiệp tại đó. Cuối cùng trong Sáng thế ký 49, chúng ta đọc thấy Y-sác và Rê-be-ca được mai táng chung trong hang đá của đồng bằng Mặc-bê-la: “Ấy nơi đó, người ta đã chôn Áp-ra-ham và Sa-ra, vợ người; Y-sác và Rê-be-ca, vợ người.” (Câu 31).

“Vì, ai biết ý tưởng Chúa, ai là kẻ bàn luận của Ngài?” (Rô-ma 11:34). Cả Y-sác và Rê-be-ca đều biết ý muốn của Đức Chúa Trời liên quan đến Gia-cốp. Nhưng Y-sác không đồng tình với ý muốn của Ngài, còn Rê-be-ca thì dùng sức riêng của mình để “trợ giúp” Đức Chúa Trời hoàn thành kế hoạch của Ngài. George McDonald đã viết, “Trong bất cứ điều gì con người thực hiện và để Chúa qua một bên, người đó sẽ thất bại thảm hại, hoặc thành công nhưng lại chuốc lấy sự đau khổ hơn.” Rê-be-ca đã thành công trong kế hoạch của mình, nhưng phần đời còn lại bà đã phải sống trong sự ngậm ngùi.

“Hãy cứ nghe lời mẹ” hay “chỉ cần làm theo lời mẹ” (Sáng. 27:13) là một lời nói quyết đoán có hiệu quả. Ngày nay người ta có thể gọi đó là sự sắp xếp và lãnh đạo thông minh. Tuy nhiên những gì thực hiện mà không có Đức Chúa Trời trong đó là nguy hiểm, và hậu quả của nó có thể ảnh hưởng đến thế hệ kế tiếp.

 

Bài 12

Ê-SAU

Hãy coi chừng, cho trong anh em chớ có ai gian dâm, cũng đừng có ai khinh lờn như Ê-sau, chỉ vì một món ăn mà bán quyền con trưởng.

Hê-bơ-rơ 12:16

Lời khuyên này trong tiếng Hê-bơ-rơ rất rõ ràng và dứt khoát: đừng để những người như Ê-sau trong hội chúng của bạn, nếu không họ sẽ làm ô uế hội chúng và sự ô uế đó sẽ lây lan.

Vâng phục mạng lệnh này là một điều khó khăn. Bởi vì những người như Ê-sau thường làm cho người khác vui vẻ khi ngồi bên cạnh. Ê-sau đầy những câu chuyện hay về những trải nghiệm ngoài trời hay trong xã hội, rất phóng khoáng và làm cho người khác tin tưởng. Loại người như Ê-sau thường là những đầu bếp khá giỏi. Họ là người rất giỏi khi nấu các bữa ăn sáng hoặc đi săn bắn, hoặc câu cá thích hợp với cánh đàn ông. Và những người phụ nữ theo mẫu của Ê-sau sẽ làm tốt trong việc nội trợ, pha cà phê… trong gia đình. Tuy nhiên trong  Sáng thế ký 25 chúng ta đọc thấy, “Một ngày kia, Gia-cốp đang nấu canh, Ê-sau ở ngoài đồng về lấy làm mệt mỏi lắm; liền nói cùng Gia-cốp rằng: Em hãy cho anh ăn canh gì đỏ đó với, vì anh mệt mỏi lắm. – Bởi cớ ấy, người ta gọi Ê-sau là Ê-đôm” (Sáng. 25:29-30). Ê-đôm có nghĩa “đỏ”. Tuy nhiên, không phải bất cứ ai có biệt danh Ê-đôm đều là người xấu.

Lưu ý rằng những người như Ê-sau cũng rất nguy hiểm vì họ “không tin kính”. Ngày hôm nay từ “không tin kính” cũng có nghĩa là lấy danh Chúa làm chơi – hay không tôn kính danh Chúa. Nhưng đây không phải là ý nghĩa chính khi bản Kinh Thánh Tiếng Anh King James được dịch cách đây bốn thế kỷ. Ngày nay các bản dịch Tiếng Anh hiện đại dịch từ này là “vô thần, không tôn giáo, bất kính và thậm chí không quan tâm gì đến Chúa.” Tôi thích dịch sát nghĩa từ này theo tiếng Latin có nghĩa là “ở bên ngoài đền thờ”.

Vậy thì “ở bên ngoài đền thờ” có nghĩa gì? Nó có nghĩa là người thường, thế tục, cởi mở với mọi thứ và mọi người. Nó cũng có nghĩa là không có ranh giới hay bức tường nào ngăn cản tính “tự do” của một con người. Trong Tân Ước từ này liên quan đến “cánh cửa mở” của tiếng Hy-lạp. Nó mở ra với tất cả mọi người. Ai cũng có thể bước vào. Những từ này diễn tả về tính cách của Ê-sau và những ai đi theo ông. Nhóm người này thuộc về thế gian, không có bất kỳ phẩm chất thuộc linh nào trong nếp sống của họ.

Chúng ta đọc tiếp câu chuyện trong gia đình Y-sác.

“Y-sác đã già, mắt làng chẳng thấy được nữa, bèn gọi Ê-sau, con trưởng nam, mà rằng: Hỡi con! Ê-sau thưa rằng: Có con đây. Người bèn nói rằng: Nầy, cha đã già rồi, chẳng biết ngày nào phải chết; vậy bây giờ, cha xin con hãy lấy khí giới, ống tên và cung con, ra đồng săn thịt rừng cho cha,  dọn một món ngon tùy theo cha sở thích; rồi dâng lên cho cha ăn, đặng linh hồn cha chúc phước cho con trước khi chết” (Sáng 27:1-4).

Y-sác tỏ vẻ ngạc nhiên khi biết rằng Ê-sau đi săn và tìm được thú rừng cách nhanh chóng và cũng nhanh chóng nấu món ăn dâng lên cho người cha già. “Y-sác hỏi rằng: Sao con đi săn được mau thế?” Gia-cốp đã hóa trang thành Ê-sau thưa rằng: “Ấy nhờ Giê-hô-va Đức Chúa Trời của cha xui tôi gặp mau vậy” (Sáng. 27:20). Câu nói này làm cho Y-sác nghi ngờ vì ông thừa biết rằng Ê-sau không bao giờ tin cậy nơi Đức Chúa Trời bất cứ điều gì. Mọi người trong gia đình đều biết Ê-sau chẳng bao giờ nói ra được một lời nói mang ý nghĩa thuộc linh. Trong ý tưởng trần tục của Ê-sau, anh ta thích hợp với lời này: “Chẳng có Đức Chúa Trời: kìa là tư tưởng của hắn” (Thi thiên 10:4).

Con cái thật của Chúa tương phản với mẫu người của Ê-sau. Cơ đốc nhân là người đã được biệt riêng ra cho Đức Chúa Trời và sống vì sự vinh hiển Ngài. Thân thể của tín nhân là đền thờ của Đức Thánh Linh. Cơ đốc nhân sẽ không cho phép bất cứ ai tự do đi vào tấm lòng hoặc xâm chiếm các khu vực thiêng liêng trong tâm trí của mình. Tín nhân không mở cửa cho tất cả mọi điều của thế gian tràn vào ngôi nhà của mình. Họ không phải là người “ở bên ngoài đền thờ,” nhưng ở bên trong. Họ là những người ở trong nơi kín đáo của Đấng Chí cao (Thi thiên 91:1).

Nhận ra mình đã mất quyền trưởng nam và các phước lành (Sáng. 25:29-34), Ê-sau trở nên giận giữ và đe dọa sẽ giết Gia-cốp. Đó là lý do Gia-cốp phải đi lánh nạn tại nhà của người cậu La-ban. Ê-sau định cư ở phía nam vùng đất thánh ở núi Seir và thành lập quốc gia mà chúng ta gọi là Ê-đôm. Mặc dù Ê-sau đã từ bỏ lòng thù hận với em trai và dường như trở nên hòa giải với Gia-cốp, nhưng Gia-cốp vẫn nghi ngờ và thận trọng khi gặp anh mình (Sáng. 32-33). Theo như Kinh văn ghi lại, cuối cùng hai anh em đã cùng nhau có mặt lo hậu sự cho Y-sác khi người cha già qua đời (Sáng. 35:27-29). Tại đây chúng ta hy vọng họ hòa hợp nhau, ít nhất là vì Y-sác đã ra đi.

Bất cứ điều gì Ê-sau làm đều có liên quan đến Gia-cốp và con cháu của Gia-cốp. Hậu duệ của Ê-sau đã tiếp tục xung đột với dòng dõi Gia-cốp. Người Ê-đôm là kẻ thù vĩnh viễn của Israel và tận dụng mọi cơ hội để gây chiến và tấn công tuyển dân. Các tiên tri đã nhiều lần chỉ ra điều này (Giê-rê-mi 49:7-22; Ê-xê-chi-ên 25:12-14; A-mốt 1:11-12; Áp-đia 1:10-14). Trong khoảng thời gian đế quốc Ba-by-lôn tấn công Giê-ru-sa-lem, người Ê-đôm đã cổ vũ và kêu gọi quân đội Ba-by-lôn tấn công Giê-ru-sa-lem. “Hỡi Đức Giê-hô-va, xin hãy nhớ lại các con cái Ê-đôm; Trong ngày Giê-ru-sa-lem (bị tấn công), chúng nó nói rằng: Hãy hủy hoại, hãy hủy hoại” (Thi thiên 137:7). Giê-rê-mi đã cảnh báo rằng Ê-đôm sẽ bị trừng phạt bởi vì phạm tội chống lại anh em mình (Ca thương 4:21).

Theo tiên tri Ma-la-chi, những lời các tiên tri khác công bố về sự phán xét của Đức Chúa Trời trên Ê-đôm đã ứng nghiệm (Ma-la-chi 1:1-5). Những hành vi bạo lực của họ chống đối tuyển dân sẽ đổ lại trên đầu họ. Và du khách đến Thánh địa ngày nay có thể thực hiện chuyến đi đầy gian nan đến Petra và các địa điểm khác ở Ê-đôm, nhưng họ sẽ không được các hậu duệ của Ê-sau chào đón.

Chúng ta đọc trong sách của Ma-la-chi: “Đức Giê-hô-va có phán: Ta yêu các ngươi; và các ngươi nói rằng: Chúa yêu chúng tôi ở đâu? Đức Giê-hô-va phán: Ê-sau há chẳng phải là anh Gia-cốp sao?  Nhưng ta yêu Gia-cốp, mà ghét Ê-sau, ta làm cho những núi nó nên hoang vu, và phó sản nghiệp nó cho những chó nơi đồng vắng” (Ma-la-chi 1:2-3). Và sứ đồ Phao-lô viết lại lần nữa trong Rô-ma 9:13, “như có chép rằng: Ta yêu Gia-cốp và ghét Ê-sau.” Đây là sự tể trị của Đấng toàn năng – Ngài đảo ngược sự chúc phước dành cho đứa con thứ nhất chuyển sang đứa con thứ nhì. Và Ma-la-chi đã công bố sự đoán phạt của Chúa trên Ê-đôm là con cháu của Ê-sau, không phải trên con người Ê-sau. Đức Chúa Trời yêu thương tội nhân và sẽ cứu bất cứ ai kêu cầu Ngài. Ê-sau đã cố gắng nhận lãnh phước lành từ Y-sác, nhưng không có bằng chứng nào tỏ ra Ê-sau ăn năn tội lỗi (Hê-bơ-rơ 12:17).

Ê-sau đã dụng ý giết Gia-cốp nếu có cơ hội sau khi lui ra khỏi hiện diện của cha mình! Đây có phải là bằng chứng của sự ăn năn! Ê-sau đã bị  Đức Chúa Trời từ chối theo cùng một cách của Ca-in: tấm lòng của anh ta sai trật trước mặt Chúa. Và bây giờ đến lượt dòng dõi của Ê-sau cũng bị loại ra vì họ bước đi theo dấu chân của người đã lập nền tảng là Ê-sau.

Bất cứ ai nhấn mạnh đến sự tiền định, sự tể trị của Đức Chúa Trời như một lời xin lỗi về việc họ phải đi địa ngục phải nhớ rằng: “Chúa không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn năn” (2 Phi-e-rơ 3:9). Theo Ma-thi-ơ 25:34-41, chúng ta thấy sự phán xét của Chúa căn cứ trên thái độ, cách sống, cách ứng xử của chúng ta dành cho những người khác. Và địa ngục được dự bị cho ma quỉ, các đồng minh của nó – không phải dành cho dân sự của Chúa. “Hỡi kẻ bị rủa, hãy đi vào nơi lửa cháy đời đời dành cho ma quỉ và những quỉ sứ của nó” (câu 41). Tiến sĩ Donald Grey Barnhouse đã từng nói, “Mọi người đều có thể lên thiên đàng theo đường lối của Chúa hoặc xuống địa ngục theo con đường riêng của họ.”

Phương cách của Đức Chúa Trời là duy nhất: tin nhận Chúa Giê-su Christ để vào thiên đàng. “Chúng ta lại đã thấy và làm chứng rằng Đức Chúa Cha đã sai Đức Chúa Con đặng làm Cứu Chúa thế gian.” (1 Giăng 4:14)

 

 

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên