Trang Chủ TRANG CHỦ Bước Vào Thế Giới Văn Chương Cơ Đốc

Bước Vào Thế Giới Văn Chương Cơ Đốc

663
0
SHARE

 

Ninh Thuận, ngày ….tháng 6 năm 2015

Chị thân yêu của em.

Từ ngày chị lập gia đình, rồi chuyển về Sài Gòn đến giờ, em không còn có cơ hội để tâm sự mặt đối mặt cùng chị. Nhưng qua Email và Facebook chị em mình vẫn luôn ở bên nhau trong những tâm trạng buồn vui. Em có điều này muốn tham khảo ý kiến của chị, từ trước tới nay em vẫn xem chị là chuyên viên tư vấn cho em trong mọi lĩnh vực của đời sống. Vì vậy mọi tâm trạng buồn vui của em, nếu không nói với chị em biết nói với ai bây giờ?

Trong hai năm vừa qua em đã thử sức mình trong cuộc thi viết truyện ngắn do đặc san Hướng Đi và songdaoonline đồng tổ chức. Ước mơ của em là muốn trở thành một tác giả Cơ đốc chuyên nghiệp viết về những đề tài khác nhau.

Mùa Hè năm nay em sẽ được nghỉ học hai tháng, trong thời gian này em muốn viết thêm các truyện ngắn tham gia cuộc thi Viết Cho Niềm Tin, nhưng bây giờ đầu óc em trống rỗng không có một ý tưởng nào. Em rơi vào tình trạng “cạn ý tưởng”, những gì viết được thì em đã viết hết trong hai năm qua rồi. Chị ơi, có phải đây cũng là khó khăn mà các cây bút khác đối diện giống như em? Làm thế nào để ước muốn và đam mê của em không bị dừng lại? Dĩ nhiên em không muốn bỏ cuộc giữa chừng khi mà cuộc thi năm thứ ba đã gần đến ngày kết thúc.

Chị là một chuyên viên về tâm lý, chị hãy cho em lời khuyên để em tiếp tục cuộc hành trình phía trước.

Em gái của chị.

***

Sài Gòn, ngày…. tháng 7 năm 2015

Mỹ Dung yêu quí của chị!

Đọc Email em viết về ước mơ của em muốn trở thành một tác giả viết văn Cơ đốc, chị đã suy nghĩ rất nhiều khi viết thư này trả lời em. Những điều chị viết ra sau đây, không phải là hướng dẫn của chị cho em, nhưng em hãy cứ xem nó như một gợi ý, một quan điểm của chị mà em đáng nên tham khảo.

Trước hết chị nói về ước mơ của em, đó là một ước mơ cao quí và em cần phải học tập rất nhiều – nếu không nói là học tập suốt đời để trau dồi văn phong, ý tưởng trong những bài viết thuộc các thể loại mà em sáng tác. Chị không phải là một người có chuyên môn trong lĩnh vực văn chương, vì vậy nếu chị có chủ quan trong những gợi ý gởi đến em âu cũng là điều mà em có thể dễ dàng thông cảm được. Bây giờ chị sẽ  cố gắng sắp xếp và trình  bày các ý tưởng sau đây hầu cho em có thể nhìn thấy rõ từng chi tiết của vấn đề.

Nếu viết văn thực sự là niềm đam mê của em, thì em nên tiếp tục bước đi trên con đường đó. Hạnh phúc của đời sống là mình làm được điều mình ưa thích. Chị cũng sẽ vui khi thấy em đã chọn cho bản thân một hướng đi rõ ràng. Vậy thì hãy học tập từ những người đi trước trong lĩnh vực này, em chắc biết câu nói: Hãy đứng trên vai những người khổng lồ và phát triển các ý tưởng của họ. Ai là những người khổng lồ trong nghệ thuật văn chương? Em biết là giải Nobel văn học năm 2013 được trao cho Alice Munro, một nhà văn nữ ở Canada chuyên viết truyện ngắn. Khi chị đọc về  cuôc đời viết văn của Alice Munro, chị đã rất thích thú là bà ấy đã viết nên những tác phẩm của mình từ những câu chuyện bình thường trong những bối cảnh chung quanh. Với tài quan sát và miêu tả những chi tiết sống động, cách kể chuyện tinh tế và khúc chiết đã làm cho các tác phẩm của bà trở nên độc đáo. Mặc dù những chủ đề trong đời sống hằng ngày dường như không có gì đáng chú ý, nhưng khi qua ngòi bút của bà thì nó tỏa sáng và trở nên sắc nét đến lạ lùng. Alice Munro được nhìn nhận là một nhà văn đã thay đổi cấu trúc truyền thống của truyện ngắn để mặc lấy cho nó những yếu tố bất ngờ từ cách dẫn đầu câu chuyện cho đến khi kết thúc. Dĩ nhiên chị không trông đợi em gái của chị sẽ giỏi như tác giả đã đoạt giải Nobel Văn học 2013, nhưng em có thể học tập từ đó những điều quí báu cho cuộc đời cầm bút của em. Chị đang nói đến một tác giả nổi tiếng của thế giới văn chương rộng lớn bên ngoài. Còn với em là một cây bút Cơ đốc tương lai, đề tài của em sẽ được giới hạn trong phạm vi của niềm tin. Nhưng các nguyên tắc về viết truyện ngắn của văn chương thế giới vẫn có những giá trị nhất định dành cho em. Trong hai năm vừa qua chị theo dõi các truyện ngắn Viết cho Niềm Tin  được đăng trên songdaoonline, và mới đây nó cũng xuất hiện trên huongdionline nữa. Có một mẫu số chung cho hàng trăm câu chuyện này là viết về đức tin trông cậy vào Chúa, và các giám khảo cũng đã đưa ra các tiêu chí hướng dẫn cho những người tham gia trong sân chơi này. Chị có đọc các bài viết dưới bút danh Mỹ Loan và chị nhận ra đó là cô em gái của chị. Loan là tên của mẹ và em đã lấy chữ lót của mình ghép với tên mẹ thành ra Mỹ Loan. Em đã có một khởi đầu tốt trong một sân chơi lành mạnh và tại đây những ý tưởng và văn phong của em có cơ hội được thử luyện trong một cuộc thi viết. Chị cầu chúc cho em hãy tiếp tục với những sáng tác của mình, có thể những đề tài em chọn chính là những điều xảy ra trong cuộc sống chung quanh. Vậy em hãy viết thế nào để người đọc thấy được thông điệp của Chúa gởi đến cho họ từ mỗi bài viết. Chị thích câu Kinh Thánh này: “Đức Chúa Jesus khôn ngoan càng thêm, thân hình càng lớn, càng được đẹp lòng Đức Chúa Trời và người ta” (Lu-ca 2:52). Chị muốn những truyện ngắn của em sẽ làm vui lòng Chúa và người đọc.

Hãy sáng tạo trong cách viết, cách dùng từ và dám bước đi với những khám phá mới. Ý chị muốn nói là không nên cứ đi trên những lối mòn quen thuộc, điều này dường như có vẻ an toàn nhưng nó sẽ không tạo ra một sự đột phá nào cả. Hồi còn học ở Trung học, chị rất thích những quyển tiểu thuyết của nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Các tác phẩm của họ đã thay đổi diện mạo của văn chương thời đó, nó đã thổi vào một nguồn sinh khí mới cho Văn học. Ước gì em cũng như các cây bút khác trong cuộc thi Viết Cho Niềm Tin tạo ra một làn gió mới cho phong trào viết truyện ngắn Cơ đốc. Chị không tham gia vào sân chơi này, nhưng vì chị là người thích đọc nên trong lòng chị cũng có nhiều suy nghĩ. Đôi khi phê bình truyện ngắn thì dễ hơn là viết một truyện ngắn. Điều này cũng giống như chị không biết nấu ăn nhưng chị biết thưởng thức các món ăn vậy. Em cũng biết mà, khi vào đại học chị chọn ngành Tâm Lý Sư Phạm, nên ít nhiều chị cũng có thể nhìn thấy những góc cạnh khác nhau của từng nhân vật trong các truyện ngắn mà chị đọc thường xuyên mỗi tuần trên các trang Web của cộng đồng Cơ đốc. Theo chị một tác giả Cơ đốc phải là người nắm rõ tâm lý các nhân vật trong mỗi câu chuyện của mình. Những góc khuất của tâm hồn, hay những suy nghĩ thầm kín của từng nhân vật dù họ không nói ra, nhưng người viết phải lột tả nó qua những tình tiết của câu chuyện, hoặc chỉ cần hé mở một tính cách nào đó của nhân vật và rồi phần còn lại sẽ do người đọc tự rút ra kết luận. Truyện ngắn không phải là sách giáo khoa dạy người ta phải làm điều này, tránh làm điều kia. Nó phải rất linh hoạt, nhẹ nhàng, uyển chuyển trong những thông điệp muốn gởi đến người đọc. Như vậy trước khi viết văn, em phải là một người quan sát và khám phá những cái mà nhiều người không thấy. Cuộc sống chung quanh chúng ta đa dạng và đầy màu sắc, và những gì xảy ra mỗi ngày có thể trở thành nguồn tư liệu khổng lồ để em viết nên những câu chuyện khác nhau. Người viết hay cũng là người dành thời gian đọc sách nhiều. Hãy đọc bài của những tác giả khác có liên quan đến truyện ngắn của em. Điều đó sẽ giúp cho em có nhiều thông tin để mô tả những chi tiết chính xác trong câu chuyện. Khi em viết về những đề tài liên quan đến đức tin, thì chính em phải là người có những trải nghiệm đức tin. Đây chính là điều khác biệt với những tác giả chưa phải là Cơ đốc nhân. Họ không thể nào bước vào lĩnh vực Viết Cho Niềm Tin khi mà chính họ chưa từng trải điều này. Nhưng với em thì khác, em đã có những bước đi với Chúa từ tuổi ấu thơ. Từ những ngày mới bi bô tập nói, thì bố mẹ đã tập cho em đọc những câu Kinh Thánh, hát những bài Thánh ca. Đến khi em lớn lên vào trường học, em đã biết cầu nguyện và kinh nghiệm thế nào Chúa đã trả lời sự cầu nguyện cho em. Bây giờ trong lĩnh vực viết văn, em lại càng cầu nguyện nhiều để những từ ngữ, ý tưởng của em được Chúa Thánh Linh hướng dẫn. Những gì là tạp chất len vào trong những dòng suy nghĩ cần được loại bỏ  qua việc sàng lọc, hiệu đính. Nếu viết chỉ để cho người đọc cảm thấy vui thì đó chỉ là chạy theo thị hiếu con người. Em phải biết rằng có những giá trị mà con người tôn vinh thì đôi khi nó lại là điều mà Lời Chúa lên án.

Chắc chắn là những câu chuyện em viết sẽ được khai trình với Chúa, vì nó là công việc của em, và ảnh hưởng của văn chương thì khó ai biết được giới hạn của nó. Lần đầu tiên chị đọc Cánh Diều Mơ Ước của em viết, chị cảm nhận đây là một cây bút mới tham gia vào văn đoàn Cơ đốc. Câu chuyện của em chưa thực sự sâu lắm, nhưng nó cũng làm cho chị thích thú với những cảm xúc khó quên, giống như lần đầu tiên khi còn nhỏ chị được mẹ dẫn đi ăn kem vậy. Cái cảm xúc đầu tiên khi biết em gái chị viết văn là một niềm vui khó tả. Em đã đi những bước đầu tiên trong cuộc đời cầm bút của mình. Chị không thể hướng dẫn em đi trên con đường ấy, vì đó là con đường mà chị chưa một lần đi qua. Nhưng chị có thể khích lệ em hãy tiếp tục cuộc hành trình về phía trước, và chị ở đây ủng hộ tinh thần cho em. Thực ra trên thế gian này không có việc gì quá dễ dàng. Công việc nào cũng đòi hỏi sự cố gắng không mệt mỏi của người theo đuổi nó. Nếu em biết chắc Chúa hướng dẫn em đi trên con đường Viết Cho Niềm Tin, em hãy trung tín với sự hướng dẫn này. Có thể những bài viết của em sẽ được Ban giám khảo cuộc thi VCNT trao giải thưởng hoặc là không có gì cả. Bất luận như thế nào điều ấy không làm thay đổi sự kêu gọi đặc biệt mà Chúa dành cho em. Em phải biết là chúng ta không tìm kiếm vinh hiển đến từ con người, giống như Lời Chúa đã nhắc nhở trong Giăng 5:41;44:  “Ta chẳng cầu vinh hiển bởi người ta mà đến đâu;  Các ngươi vẫn chịu vinh hiển lẫn của nhau, không tìm kiếm vinh hiển bởi một mình Đức Chúa Trời đến.”

vc2

Em thấy không? Chúa Jesus không tìm kiếm vinh quang đến từ con người, và Ngài đã quở trách các môn đồ là họ vẫn nhận vinh quang của nhau, không tìm cầu vinh quang đến từ Đức Chúa Trời. Vừa rồi chị có đọc một comment trên Facebook như sau: Mình viết truyện ngắn dự thi, mong sao được chọn đăng là vui rồi, nếu nhận được giải thưởng thì càng vui hơn. Chị nghĩ rằng nhiều người cũng có ý nghĩ đó. Nhưng với em, hãy cố gắng nghĩ khác đi một chút. Chúa vốn có một phần thưởng tốt hơn dành cho em khi em viết để tôn cao danh Ngài. Vì vậy giải thưởng không phải là điều quan trọng nhất, nhưng điểm chính là em đã và đang làm loại công việc mà Chúa kêu gọi em. Chị muốn nói với em điều này, khi em viết truyện ngắn, thì đó là công việc sáng tác. Câu chuyện thường là bắt nguồn từ đời thực rồi được tô điểm lên trong một giới hạn cho phép để hình thành nên một tác phẩm văn chương. Sẽ rất tốt khi em viết truyện ký  về những con người thực, chính thực tế sinh động của những cuộc đời được Chúa  thay đổi là điều mà các tín nhân và cả những người chưa tin muốn đọc. Em có chú ý là một mục sư giám khảo đã nói rằng ông rất thích thú khi đọc một bài viết về một câu chuyện thật? Bây giờ nếu như em có thể viết nhiều về đề tài những con người thật được biến đổi bởi quyền năng Chúa trong cộng đồng chung của Hội Thánh thì sẽ là một thành công. Chị nghĩ rằng Tin Lành đã đến với đất nước chúng ta hơn một trăm năm nay. Trong một thế kỷ qua chắc chắn có rất nhiều cuộc đời tiêu biểu gặp Chúa. Họ là ai? Em hãy tìm ra các tư liệu để có thể tái hiện những cuộc đời thực. Có thể đó sẽ là một tướng cướp, một người chống đối đạo Chúa hay một ai đó mà cuộc đời họ trở nên chứng nhân sống động cho quyền năng biến đổi của Phúc Âm? Chị thấy rằng mọi tầng lớp, giai cấp của xã hội trong bất kỳ thời đại nào cũng có người tiếp nhận ánh sáng Tin Lành. Vì vậy những tác giả Cơ đốc phải tìm hiểu để có thể tái bản cuộc đời của họ trong các tác phẩm của mình. Đây rõ ràng là một công việc đòi hỏi nhiều cố gắng của người viết. Khi người viết tập hợp đủ những thông tin thì xem như đã hoàn thành một nửa tác phẩm. Chị cho rằng một tác giả Cơ đốc phải là một người nghiên cứu sâu về nhiều lĩnh vực liên quan đến bài viết của mình. Có như vậy mới để lại cho đời những tác phẩm vượt thời gian. Trong một phương diện khác, không phải lúc nào em cũng chỉ viết những chuyện hoàn toàn có thật một trăm phần trăm. Văn chương Cơ đốc bắt nguồn từ thực tế cuộc sống, nhưng nó chắc chắn phải có thêm những nét chấm phá khác cho một bức tranh đa dạng, vì  sáng tạo trong văn chương là vô giới hạn. Mặc dù vậy, chị vẫn nghĩ rằng một truyện ngắn có giá trị chỉ khi nào nó phản ánh đúng đời sống và bóng dáng của những con người thật ở trong đó. Chúng ta không thể biết hết được tầm ảnh hưởng của văn chương Cơ đốc để lại cho nhiều thế hệ người đọc khác nhau. Quyển Kinh Thánh là cả một kho tàng văn chương mà đã thay đổi không biết bao người trải qua mọi thời đại. Nếu những câu chuyện em viết dẫn người đọc đến với Kinh Thánh thì đó là một thành công.

Quyển Kinh Thánh là cả một kho tàng văn chương mà đã thay đổi không biết bao người trải qua mọi thời đại. Nếu những câu chuyện em viết dẫn người đọc đến với Kinh Thánh thì đó là một thành công.

Vì vậy, chị thấy rằng văn chương Cơ đốc phải tải đạo Chúa đến cho mọi người. Đó là sứ mệnh của những người cầm bút giống như em. Khái niệm “văn tải đạo” thực ra đã có từ rất lâu trong văn học Việt Nam, nhưng ở đây chị sẽ không nói về đạo lý của con người. Chị muốn nói là văn chương Cơ Đốc phải tải Đạo Trời đến cho các thế hệ người đọc. Chị ước gì ngay từ những ngày đầu tiên Tin Lành đến Việt Nam, các nhà truyền giáo tiên phong sử dụng danh từ Đạo Trời thay cho Đạo Chúa có lẽ sẽ thích hợp hơn với truyền thống của người Việt từ bao đời nay. Như vậy một trong những thiên chức của người cầm bút chính là đem Đạo Trời – hay Đạo Chúa đến với mọi người. Thế thì các tác giả Cơ đốc cũng chính là người rao giảng Phúc Âm, thay vì rao giảng bằng lời nói thì họ công bố Phúc Âm bằng ngòi bút của mình. Lời nói có thể bay đi theo gió, tuy nhiên những gì được viết ra vẫn còn đó, và người ta có thể đọc lại nó khi họ muốn. Sau khi người ta đọc qua một truyện ngắn, điều gì còn đọng lại trong tâm trí họ? Đó chính là câu hỏi dành cho em.

vcnt

Chị nói khá lan man theo dòng suy nghĩ liên tưởng từ điều này kéo sang điều khác. Em có bao giờ nghĩ rằng sứ mệnh của người cầm bút cũng khó khăn như những công tác khác trong Hội Thánh? Thực ra không có công việc nào là dễ dàng cả. Em nói trong Email là em không có ý tưởng để viết thêm các truyện ngắn nữa. Bây giờ chị nhắc em một câu Kinh Thánh trong sách Châm Ngôn 24:10 “Nếu con ngã lòng trong ngày hoạn nạn, thì sức lực con nhỏ mọn thay.” Em chưa ở trong ngày hoạn nạn, vậy tại sao lại ngã lòng? Các tác giả tham gia trong cuộc thi Viết Cho Niềm Tin đã có những câu chuyện rất đa dạng bắt nguồn từ thực tế. Một tai nạn máy bay, một chuyến phà bị chìm, một nhóm truyền giáo bị khủng bố ở Afghanistan, một thầy truyền đạo muốn bỏ cuộc, những đời sống được Chúa thay đổi, những sự tích Kinh Thánh…vân vân… trở thành chủ đề cho những câu chuyện của họ. Khi em chịu khó quan sát và lắng nghe hơi thở của cuộc sống chung quanh, chắc chắn em sẽ không thiếu đề tài để viết. Và khi em đã cưu mang đủ cho một đề tài nào đó, lúc ấy cảm xúc trào ra trên bàn phím máy tính và em sẽ có tác phẩm.

Hai năm trước đây em đã vượt qua kỳ thi xét tuyển vào Đại học chuyên ngành môn Ngữ Văn Tiếng Việt. Những tuần lễ trước kỳ thi em luôn nghĩ về các môn thi,  dù em ở trong nhà bếp,  lúc ra chợ hay là trước khi lên giường ngủ. Ở đâu và lúc nào em cũng nghĩ về kỳ thi cả. Đó là một thực tế. Bây giờ để cho ra đời một tác phẩm em phải luôn cưu mang, thai nghén nó, giống như một người mẹ phải hoài thai con mình trong suốt hơn chín tháng. Rồi khi tác phẩm ra đời thì nó cũng chỉ là một bản thảo chưa qua hiệu đính. Ít nhất em phải dành ra ba ngày để chỉnh sửa cho câu chuyện mà em viết. Những tác phẩm ra đời dễ quá thường giống như hiện tượng một người mẹ sinh non. Đứa bé sẽ  rất yếu ớt vì chưa đủ thời gian nằm trong bụng mẹ. Em muốn tác phẩm của em sống với thời gian hay là một tác phẩm theo kiểu mì ăn liền?

Chị đã đọc hết các truyện ngắn được chọn đăng của em trên songdaoonline.  Chị thấy có một mẫu số chung cho cách thiết kế câu chuyện của em, đó là bố cục mà em sử dụng không tạo ra bất ngờ cho người đọc – hoặc nếu có thì không đáng kể. Tâm lý của người đọc là họ rất thích thú khi đọc những câu chuyện được viết theo từng chương, khi họ đọc hết chương thứ nhất họ muốn đọc tiếp chương thứ hai. Dù câu chuyện em viết không theo cách này thì nó vẫn phải theo nguyên tắc này. Có nghĩa là nó phải lôi cuốn và hấp dẫn người đọc trong từng phân đoạn ngắn, và người đọc có thể thấy bất ngờ ở những phân đoạn tiếp theo sau. Vì sao những bộ phim dài nhiều tập như Cô Dâu Tám Tuổi của Ấn Độ lại được đông đảo người xem trên truyền hình Việt Nam? Vì tính hấp dẫn của nó trong mỗi tình huống, giống như chuyện Một Ngàn Lẻ Một Đêm vậy.

Đó là chị nói đến tính hấp dẫn truyện ngắn nói chung. Còn trong truyện ngắn Viết Cho Niềm Tin có theo  cách này không? Em hãy tự mình rút ra kết luận!

Khi em bước vào lĩnh vực văn chương Cơ đốc, chị khuyên em hãy đăng ký theo học một chương trình Thần học căn bản phù hợp với hoàn cảnh của em. Những bài em viết chắc chắn sẽ phản ánh quan điểm chủ quan của em về nhiều vấn đề trong đó có quan điểm của em về Chúa nữa. Hiểu biết đúng đắn về Thiên Chúa sẽ tạo nên trong em một nhân sinh quan Cơ đốc và tự nhiên các tác phẩm của em sẽ phản ánh một Đức Chúa Trời hằng sống, chân thật giống như Thánh Kinh đã bày tỏ về Ngài.

Thư cũng đã dài, chị dừng lại ở đây. Cầu xin Chúa ban cho em của chị một tâm hồn nhạy cảm với cuộc sống chung quanh và tái hiện nó trong các truyện ngắn của em. Chị cầu chúc cho em đạt được ước mơ của mình.

TƯỜNG VI

 

 

SHARE
Bài trướcNói Với Mùa Xuân
Bài sauThơ Xuân

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên