Trang Chủ CÁC SÁCH BIÊN DỊCH Bông Sen Và Thập Tự Giá (Phần 2)

Bông Sen Và Thập Tự Giá (Phần 2)

889
0
SHARE

Đức Chúa Giê-su: Priya, hãy đến đây ngồi bên cạnh ta. Tên con thật đáng yêu – Priya, nghĩa là “người yêu” hoặc “người được yêu.” Song sự thanh tĩnh của ban mai không thể làm cho tiếng gào thét trong tấm lòng của của con yên lặng phải không?

Priya: Khi nghĩ về cái tên của con, con không thể ngăn một nụ cười, thậm chí với cái cách mà Ngài đã gọi tên con. Dẫu vậy, thật là lạ khi Ngài nhắc đến tên con. Con chưa từng dùng tên thật của mình với những ai đã biết về bề mặt không đáng yêu của cuộc sống con. Đôi khi con tự hỏi liệu con có biết tên thật của một ai ở ngoài kia hay không. Điều con biết đó là nếu bây giờ các anh chị ruột nhìn thấy con… con không biết họ sẽ gọi con là gì.

Đức Chúa Giê-su: Gần đây con có gặp cha mẹ không?

Priya: Không. Họ chỉ gửi tin nhắn cho con. Họ mong chờ nghe được ngày nào đó con sẽ chết.

Đức Chúa Giê-su: Ta đã nghĩ về cha mẹ con khi ta nhìn thấy con chống chọi trong đau khổ tại đây. Những cái tên, ít nhất trong tâm trí của các bậc phụ huynh, biểu hiện cho niềm hy vọng về một số phận nào đó. Ta chắc rằng cái kết này không phải là điều mà họ đã tưởng tượng… một tấm lòng đầy đau khổ, cô đơn, bị xé nát và chỉ mong được chết.

Priya: Khi mỗi một nhịp tim là một cú đấm đầy đau đớn thì lý do gì để con muốn nó tiếp tục đập? Ngài biết một câu nói trong nền văn hóa này khi sự việc không tốt xảy ra – cơ bản nó có nghĩa là “Đừng lo” hoặc “Mọi việc rồi sẽ ổn thôi.” Khi lớn lên con đã nghe câu ấy hàng chục lần mỗi ngày. Nhưng con không tin câu nói đó nữa. Cuộc sống không “trở nên ổn.” Mỗi tiếng tích tắc của đồng hồ càng khiến con mong mỏi một ngày mà con không còn phải lắng nghe âm thanh ấy nữa.

Vâng, cái chết được con chào đón. Thực ra con đã cố, nhưng…

Đức Chúa Giê-su: Hỡi Priya, gương mặt của con đã nói lên điều ấy. Cả thân thể con giống như một vết thương hở của quá khứ.

Mặc dù vậy, con đã gợi lên một lẽ thật vượt thời gian, đó là thời gian không phải là điều phù du. Nó không bao giờ trôi qua mà không để lại một dấu vết trong tấm lòng – có khi là một cơn đau nhói, có khi là một cái chạm nhẹ nhàng, có khi là vết đinh kẹp mạnh, có khi là một vết thương gây chết người. Nhưng dù gì đi nữa, thời gian luôn luôn để lại một vết hằn.

Priya: Người ta không nghĩ về điều đó khi họ còn trẻ và vô tư. Nhưng họ sẽ sớm cảm nhận những vết hằn ấy ở sâu bên trong.

Đức Chúa Giê-su: Hỡi Priya, chính vì thế những giây phút này đây không phải là vô nghĩa khi con đã gần kết thúc cuộc đời mình, nhưng ngược lại, nó có thể thay đổi kết cuộc câu chuyện đời con.

Đây, hãy dùng ít nước. Miệng con khô rồi, và đi trên thuyền trong một ngày nóng bức như thế này càng khiến con thêm khát.

Priya: Nước uống của con ở trong túi. Hãy để con uống nước ấy… Ngài không nên chạm vào. Ôi, cảm ơn Ngài! Ngài thật tốt bụng.

Đức Chúa Giê-su: Không cần quá lâu, phải không con, để nhận ra rằng thậm chí những người mà con tin cậy cũng đã sử dụng và lạm dụng con đến nỗi đối với họ con chẳng là gì hơn ngoài thân xác một cô gái. Thật chẳng lạ khi những con chim ăn xác chết không bao giờ nán lại khi cái xác đã được ăn hết.

 

 

Thời gian không phải là điều phù du.

Nó không bao giờ trôi qua mà không để lại một dấu vết trong tấm lòng

 

 

Priya: Thưa Chúa Giê-su, đôi khi lòng con đầy giận dữ đối với họ, nhưng thành thật mà nói, đôi khi con cảm thấy quá mệt mỏi để giận dữ… quá mệt mỏi để sống.

Đức Chúa Giê-su: Ta hiểu. Nhưng không chỉ những người khác đâu Priya ạ. Họ là mục tiêu tự nhiên, nhưng con cũng nhận ra điều gì đó từ chính bản thân mình. Và có lẽ điều khó chấp nhận nhất đó là chính cha mẹ của con đã khá sẵn sàng nhìn con lâm vào cái nghề này. Thực ra họ đã khuyến khích con. Chính vòng tay nuôi dưỡng con đã đẩy con vào cái bẫy chết người của những kẻ đi tìm khoái lạc; giờ đây tội lỗi đó sẽ khiến họ chết ngạt.

Priya: Làm sao con người có thể thật ngu ngốc, thật điên rồ?

Đức Chúa Giê-su: Đó là sự giả dối của lòng người… và của ma quỷ. Nó dụ dỗ con cũng như cách nó đã dụ dỗ người khác từng chút một. Việc này thật phổ biến.

Con biết đấy, khi sự tưởng tượng bị đánh lừa – đó là bước khởi đầu – và ý chí ngừng kháng cự, hậu quả là tâm trí bị giam cầm mà không hề nhận biết. Khi ý chí càng suy sụp thì tâm trí càng bị giam cầm. Cuối cùng con sẽ làm điều con không muốn, và không làm điều con nên làm. Khi ấy con sẽ cảm thấy thật khốn khổ!

Priya: Để bảo vệ cho cha mẹ, con phải nói rằng đây là những gì đang diễn ra tại ngôi làng nhỏ của con, thưa Ngài. Rất nhiều phụ huynh đưa con gái của họ vào con đường này. Con không bào chữa cho họ, nhưng con cho rằng tất cả chỉ vì kiếm ăn. Con không biết. Có nhiều điều con không hiểu.

Đức Chúa Giê-su: Không chỉ trong văn hóa và trong những ngôi làng nhỏ của con đâu, Priya ạ. Có được thế gian nhưng đánh mất linh hồn đã trở thành một tệ nạn của toàn nhân loại kể từ khi con người lần đầu tiên nỗ lực xây dựng danh tiếng cho chính họ. Có một con đường dường như chánh đáng đối với con, cha mẹ con, cũng như mọi người khác, nhưng kết cục của con đường ấy là sự chết – vâng, thậm chí là sự chết tâm linh.

Giờ con biết rằng con đã tìm cách thỏa mãn cơn đói ở sai nơi chốn. Ta đã nói nhiều lần rằng: Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, song nhờ mọi lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời.

Priya: Những lời ấy thật lạ lẫm đối với con.

Đức Chúa Giê-su: Ta biết điều ấy. Nhưng ta muốn giúp con hiểu ý nghĩa của câu nói đó. Ta muốn ban cho con sự sống và sự tha thứ, ban một lời hứa cho một tương lai tươi sáng, để dù thân thể con khô tàn và chết, nhưng con sẽ vẫn sống.

Đức Phật: Tôi không thể yên lặng được nữa, thưa ngài Giê-su. Đã đến lúc tôi cần phải ngắt lời. Tôi cũng cảm thấy thương cảm cho người phụ nữ này, và tôi không muốn cô ta bị phân tâm bởi những gì ngài nói. Sự chết tâm linh, Lời của Đức Chúa Trời, sự tha thứ – đó là những thứ chống đỡ cho sự yếu đuối tâm linh. Những điều đó không có thật, chúng chỉ là ảo tưởng!

Và bởi vì có sự tham gia của ma quỷ trong câu chuyện này, tôi không còn tin vào những điều trên trong tâm thái giác ngộ của tôi. Chỉ những người thiếu trưởng thành hoặc thiếu hiểu biết mới bám vào những điều sai lầm kia. Tôi xin lỗi vì quá thẳng thắn, nhưng chúng ta cần tìm kiếm lẽ thật và quay lưng với sự lừa dối.

 

 

Cố gắng tìm kiếm câu trả lời trong vòng xoay nghiệp chướng giống như đặt tay vào trong một chậu keo và rồi cố gắng lau sạch chất keo ấy

 

 

Đức Chúa Giê-su: Thật ra, ta đang tự hỏi ngài đã im lặng trong bao lâu. Thưa ngài Tất-đạt-đa Cồ-đàm, sự trực tính của ngài rất được hoan nghênh. Và các môn đệ của ngài biết rõ rằng tranh luận và bất đồng ý kiến không hoàn toàn là điều xa lạ đối với ngài. Ta biết chắc rằng ngài có nhiều điều để nói tại đây. Nhưng ta có một lời yêu cầu. Chúng ta đều nói rằng lẽ thật cần được theo đuổi dù lẽ thật có dẫn chúng ta đi đến đâu – ta cho rằng ngài muốn nói điều đó bao gồm cả lời nói và hành động.

Đức Phật: Đúng là thế.

Cả cuộc đời của tôi được định hình bởi những vấn đề như thế. Và chắc chắn tôi đã tranh luận thẳng thắn với các đối tác của tôi.

Thưa ngài Giê-su, ngài biết đấy, từ khi sinh ra tôi đã sống trong cung điện. Tôi hiểu rằng giàu có và thịnh vượng không làm con người thỏa mãn – về điểm này ta đồng ý với ngài. Priya đáng ra phải biết điều này bởi gia đình cô đã rất quen thuộc với đạo pháp của tôi.

Nhưng thưa ngài Giê-su, tất cả những điều trên không làm con người thỏa mãn vì một lý do khác với lý do mà ngài đã quy gán. Tôi đã nhìn thấy những cảnh tượng đau lòng khi tôi còn nhỏ, và tôi đã vượt lên bằng tình thương. Tôi có thể lý giải những điều mà người phụ nữ này đang trải qua.

Cô gái, tuy con không nhận ra, nhưng những điều con đã trải qua đều là kết quả của những gì con đã gieo. Con không thoát khỏi món nợ khi con được sinh ra, và con sẽ không thoát khỏi món nợ khi con chết. Có thể nói như thế này: con được sinh ra với một nửa chén; một nửa còn lại do con đổ vào. Và chính hành động, lời nói và việc làm của con đều phải được trả giá.

Đức Chúa Giê-su: “Đều phải được trả giá?” Hãy nhìn chúng dân ở đôi bên bờ sông – bị cướp bóc, phiền muộn, tất cả đều cố gắng để sinh sống. Khắc vào trong nhận thức của họ là món nợ khổng lồ mà ngài đang nói. Thưa ngài Tất-đạt-đa Cồ-đàm, ngài đang đặt một gánh nặng không thể chịu nổi lên nhân loại!

Làm sao con người trả nợ? Họ trả nợ bằng gì? Và họ trả nợ cho ai? Chủ nợ ám ảnh nhưng không có thật.

Đức Phật: Nhưng tôi không tùy tiện dựng lên triết lý này. Nhiều năm suy luận đã dẫn đến điều này. Tôi nên bắt đầu giải thích từ đâu?

Tôi đồng ý với ngài rằng một người không dễ thoát khỏi sự kìm kẹp của những điều rối rắm từ sự lựa chọn của họ trong quá khứ. Hãy nhìn xem Priya, một người rên siết dưới gánh nặng.

Nhưng tôi đã tìm thấy một con đường. Và đó là sự đẹp đẽ. Tôi đã lặp lại câu trả lời nhiều lần rồi.

Tôi xin giải thích cho cả hai quý vị. Luật nhân quả tồn tại trong nhận thức của con người. Quy luật này không liên quan gì với Đức Chúa Trời hoặc ma quỷ. Sự tồn tại của họ dù có hay không thì cũng hoàn toàn vô hình. Hỡi Priya, tình trạng đạo đức đi theo con lúc sinh ra là điều không liên quan đến con – ít nhất điều đó sẽ khiến con cảm thấy an lòng.

Nhưng sự suy sụp đạo đức của con trong hiện tại là bởi vì cách sống của con – con phải có trách nhiệm đối với nó. Con được sanh ra mang theo một món nợ của người khác. Sự lựa chọn của con đó là làm giảm đi món nợ hoặc phải trả giá cho món nợ đó.

Đó là nghiệp chướng – nghiệp chướng của những kiếp sống đã qua và nghiệp chướng của riêng con. Sự kết hợp giữa những gì được kế thừa và những gì đã được sử dụng giống như một bánh xe sẽ khiến con bị nghiền nát hoặc cũng có thể khiến con thoát khỏi sự lặp đi lặp lại của bánh xe đó khi con sống một cuộc sống thuần khiết. Con sẽ không thoát khỏi hậu quả của những việc mình đã làm.

Mặc dù vậy, vẫn còn có hy vọng! Tổng kết của những việc tốt và việc xấu của con sẽ xuất hiện lại trong một kiếp sống khác. Con đã ký gửi vào một tài khoản mà con sẽ lấy ra trong một cuộc đời hồi sinh. (Đức Phật đang giải thích về thuyết luân hồi)

(Còn nữa – hãy đọc tiếp phần 3)

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên