Trang Chủ TRANG CHỦ Bảo Vệ Niềm Tin Trước Giấc Mơ Mỹ

Bảo Vệ Niềm Tin Trước Giấc Mơ Mỹ

729
0
SHARE

QUYỂN SÁCH ĐƯỢC BÁN VỚI SỐ LƯỢNG LỚN CỦA NHÀ XUẤT BẢN NEW                                  YORK TIMES

 

 

 

BẢO VỆ NIỀM TIN CỦA BẠN TRƯỚC CÁM DỖ GIẤC MƠ MỸ

Nguyên tác TAKING BACK YOUR FAITH FROM THE AMERICAN DREAM

 

 

THỰC HÀNH NGUYÊN LÝ CƠ BẢN

 

 

 

DAVID PLATT

 

 

“Tác giả David Platt thách thức Cơ Đốc nhân hãy tỉnh thức, từ bỏ những giá trị sai lạc bắt nguồn từ Giấc mơ Mỹ để nhận thức rằng mỗi một chúng ta đều được Đức Chúa Trời ban phước bởi vì Ngài có mục đích dành cho cả thế giới… Đây là quyển sách mọi tín hữu cần đọc!”

– Wess Stafford, chủ tịch và CEO, Compassion International

Cảm nhận của các độc giả về sách này:

“Tôi rất yêu thích quyển sách này! Xin hãy đọc nó. Đức Chúa Trời đang sử dụng Mục sư Davit Platt để lãnh đạo Hội Thánh của Ngài bước vào một cuộc cải cách thật sự cần có trong lúc này. Sách này chứa đầy những cái nhìn thấu đáo từ một người yêu mến Hội Thánh của Đấng Christ. Ông là một Mục sư mà tôi hoàn toàn tin cậy.”

-Francis Chan, tác giả của sách Crazy Love.

 

“Tôi rất vinh dự được biết Mục sư David Platt và tôi xin đảm bảo rằng đời sống và chức vụ của ông minh chứng cho những gì được viết tại đây. Hãy đọc sách BẢO VỆ NIỀM TIN CỦA BẠN TRƯỚC CÁM DỖ GIẤC MƠ MỸ. Giống như câu thành ngữ: Thuốc đắng dã tật, sách không khiến độc giả cảm thấy thoải mái nhưng lại giúp ích cho họ. Thật vậy, tôi cầu nguyện để quyển sách này sẽ đem lại một sự bùng nổ khiến nhiều Hội Thánh không còn đặt sai trọng tâm vào chính họ mà đặt trọng tâm vào Đấng Christ và chương trình của Ngài dành cho chúng ta – cũng như cho thế giới của Ngài.”

-Mark Dever, Mục sư Quản nhiệm Hội Thánh Báp-tít Capitol Hill

 

“Quyển sách này đã lay chuyển rất nhiều Cơ Đốc nhân, khiến họ tái đánh giá đời sống mình. Tác phẩm này cũng sẽ có tác động tương tự đến các Hội Thánh. Nó là tiếng kêu thức tỉnh các hội thánh khắp thế giới hãy làm theo những lời dạy rõ ràng trong Lời Chúa và tôi cầu nguyện rằng quyển sách này sẽ thật sự lay động hàng nghìn Hội Thánh tạo nên ảnh hưởng sâu rộng theo lời dạy Kinh Thánh. Rất nhiều Hội Thánh và Cơ Đốc nhân sẽ được thay đổi sau khi đọc quyển sách này…”

-Thom S. Rainer, chủ tịch và CEO, LifeWay Christian

Tác giả các sách The Millennials, Simple Church

 

“Tác giả David Platt thách thức Cơ Đốcnhân hãy tỉnh thức, từ bỏ những giá trị sai lạc bắt nguồn từ Giấc mơ Mỹ để nhận thức rằng mỗi một chúng ta đều được Đức Chúa Trời ban phước bởi vì Ngài có mục đích dành cho cả thế giới… Đây là quyển sách mọi tín hữu cần đọc!”

– Wess Stafford, chủ tịch và CEO, Compassion International

 

“Lập luận của David Platt xuất hiện vào một thời điểm khi mà những quan niệm về cuộc sống vật chất đang thắng thế. Sách của ông thức tỉnh tâm lý độc giả.”

-David Brooks, The New York Times

 

“David Platt thách thức những Cơ Đốc nhân giàu có hãy suy nghĩ lại việc dành khối tài nguyên khổng lồ của họ vào việc cung cấp các trải nghiệm giải trí và cà phê sữa cho những người khác. Mọi Cơ Đốc nhân đều được kêu gọi phải trung tín sử dụng những gì mình có và chinh phục những người chưa tin.”

Publishers Weekly

 

“Quan điểm của David Platt đặc biệt ở chỗ nó bắt nguồn từ tiếng nói thận trọng vững vàng của Hội Thánh Tin Lành chính giáo.”

-Jonathan Merritt, The Huffington Post

 

“Quyển sách này là sự thách thức dành cho Cơ Đốc nhân hãy tỉnh thức, từ bỏ Giấc Mơ Mỹ đầy sai lầm để sống một cuộc đời có Đấng Christ làm trọng tâm.”

-Jay Peroni, CFP, Crosswalk.com

 

“Tác giả là người sống đúng với Kinh Thánh, thẳng thắn, vô cùng chân thật và ông viết những câu chuyện đầy năng quyền… trong hành trình khám phá điều Đức Chúa Giê-su thật sự dạy những người theo Ngài trong thế kỷ đầu tiên.”

-Matthew Robbins, TheChristianManifesto.com

 

“Xuyên suốt quyển sách, David Platt phơi bày sự lãnh đạm của người Tin Lành Mỹ. Dù thật khó để cảm thấy thích thú với quyển sách này nhưng tôi không thể đặt nó xuống. Tôi nhận thấy rõ sai lầm của mình. Tôi cảm thấy không thoải mái… Nhưng điều quan trọng nhất, tôi đã (và đang) được thách thức: lời thách thức phải sống làm một môn đồ đích thực của Đấng Christ.”

-John Bird, DiscerningReader.com

 

 

 

 

 

 

BẢO VỆ NIỀM TIN CỦA BẠN TRƯỚC CÁM DỖ GIẤC MƠ MỸ

 

THỰC HÀNH NGUYÊN LÝ CƠ BẢN

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

MỤC LỤC

  1. Người xứng đáng để chúng ta đánh đổi mọi điều………………………………………………
  2. Đói khát Lời Chúa………………………………………………………………………………………..
  3. Khởi đầu tại nơi tận cùng của bản thân……………………………………………………………
  4. Lý do quan trọng của Đức Chúa Trời …………………………………………………………….
  5. Nhân cấp cộng đồng hội thánh……………………………………………………………………….
  6. Bao nhiêu là đủ…………………………………………………………………………………………….
  7. Không có kế hoạch B……………………………………………………………………………………
  8. Khi sự chết là điều ích lợi………………………………………………………………………………
  9. Thử nghiệm nguyên lý cơ bản ……………………………………………………………………….

 

Lời cảm ơn…………………………………………………………………………………………………..

Chú thích…………………………………………………………………………………………………….

 

 

Chương Một

 

Người Xứng Đáng Để Chúng Ta Đánh Đổi Mọi Điều

Ý NGHĨA THẬT SỰ CỦA VIỆC TỪ BỎ TẤT CẢ ĐỐI VỚI ĐỨC CHÚA GIÊ-SU

 

“Mục sư quản nhiệm Hội Thánh siêu lớn trẻ nhất trong lịch sử.”

Đó là danh hiệu được đặt cho tôi khi tôi nhậm chức tại một Hội Thánh lớn và thịnh vượng ở vùng đông nam Hoa Kỳ – Hội Thánh tại Brook Hills thuộc thành phố Birmingham, tiểu bang Alabama, và tôi luôn tranh cãi về danh hiệu ấy. Từ những ngày đầu, tôi mãi mê lao vào những chiến lược mở mang và cải thiện Hội Thánh. Những tác giả mà tôi tôn trọng thường tuyên bố những điều đại loại như: “Hãy quyết định quy mô mà bạn muốn cho Hội Thánh và hãy cố gắng đạt được điều đó, bất kể năm, mười, hoặc hai mươi nghìn người đi chăng nữa.” Chẳng bao lâu, tên tôi xuất hiện gần đầu bảng danh sách mục sư của các Hội Thánh tăng trưởng nhanh nhất tại Hoa Kỳ. Vâng, tôi đang.. thực hiện giấc mơ Hội Thánh Mỹ.

Tuy nhiên tôi bắt đầu cảm thấy băn khoăn. Bởi vì một điều, hình mẫu của tôi trong chức vụ là một người đã dành phần lớn thời gian trong chức vụ với mười hai con người. Một người khi rời khỏi thế gian này chỉ có khoảng 120 người ở lại và làm theo những điều người đã dạy bảo. Thật sự họ giống như một Hội Thánh nhỏ. Đức Chúa Giê-su – mục sư quản nhiệm Hội Thánh nhỏ trẻ nhất trong lịch sử.

Làm sao tôi có thể hòa hợp giữa hai sự thật, một là tôi đang chăn dắt hàng nghìn người nhưng tấm gương vĩ đại nhất của tôi trong chức vụ là một người quay lưng lại với hàng nghìn người? Khi đoàn dân bắt đầu theo Ngài ngày một đông hơn, Chúa sẽ phán những lời như: “Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và không uống huyết Ngài thì các ngươi không có sự sống.”[1] Đây không phải là một chiến thuật sắt bén nhất để phát triển Hội Thánh. Gần như tôi có thể tưởng tượng vẻ mặt của các môn đồ. “Không thưa Chúa, xin đừng giảng về huyết của Ngài! Chúng ta sẽ không bao giờ lọt vào danh sách những phong trào phát triển nhanh nhất nếu Ngài yêu cầu dân chúng ăn thịt của Ngài.”

Vào cuối bài giảng, cả đoàn dân đông đều bỏ đi, chỉ mười hai người ở lại.[2] Rõ ràng Đức Chúa Giê-su không quan tâm đến việc được dân chúng biết đến. Cái giá phải trả để trở nên môn đồ tiềm năng của Chúa quả là quá khó cho đoàn dân đông chấp nhận, nhưng dường như Đức Chúa Giê-su chấp nhận việc này. Ngược lại, Chúa tập trung vào số ít những người tin Ngài khi Ngài nói về những vấn đề từ gốc rễ mà ra. Và nhờ sự vâng lời trọn vẹn, Chúa đã thay đổi hoàn toàn lịch sử.

Tôi sớm nhận ra mình đi theo con đường văn hóa Hội Thánh Mỹ, nơi sự thành công được định nghĩa bằng số lượng tín hữu, nguồn quỹ lớn và ngôi thánh đường lớn. Giờ đây tôi phải đối diện với một thực tế đầy kinh ngạc: Đức Chúa Giê-su bác bỏ mọi điều mà nền văn hóa Hội Thánh của tôi cho là quan trọng. Vậy tôi phải làm gì đây? Tôi gặp hai câu hỏi lớn.

Câu hỏi đầu tiên rất đơn giản. Có phải tôi sẽ tin Đức Chúa Giê-su? Có phải tôi sẽ nắm lấy Đức Chúa Giê-su dù Ngài phán những vấn đề căn bản nhất khiến đám đông bỏ đi?

Câu hỏi thứ hai khó hơn. Có phải tôi sẽ vâng lời Đức Chúa Giê-su? Nỗi sợ lớn nhất của tôi, thậm chí cho đến bây giờ, đó là khi nghe lời Đức Chúa Giê-su phán tôi sẽ bỏ đi, hài lòng yên ổn với những điều dễ chịu hơn là triệt để vâng lời Chúa. Nói cách khác, nỗi sợ lớn nhất của tôi đó là làm theo điều mà hầu hết mọi người trong thế kỷ thứ nhất đã làm khi họ gặp Đức Chúa Giê-su.

Đây là lý do tôi viết quyển sách này. Tôi đang đi trên một cuộc hành trình. Nhưng tôi tin rằng đây không phải là một cuộc hành trình dành cho các mục sư. Tôi tin rằng những câu hỏi trên là vô cùng quan trọng đối với toàn thể cộng đồng đức tin trên đất nước của chúng ta ngày nay. Tôi tin rằng chúng ta là những môn đồ của Đấng Christ trong các Hội Thánh tại Hoa Kỳ, chúng ta đang theo đuổi những giá trị và ý tưởng phi Kinh Thánh và trái ngược với phúc âm mà chúng ta tuyên bố rằng mình đang tin theo. Và tôi tin rằng chúng ta có một sự lựa chọn.

Bạn và tôi có thể chọn tiếp tục lối sống Cơ Đốc và sinh hoạt giáo hội như bình thường, tận hưởng những thành công dựa trên những chuẩn mực của xã hội quanh ta. Hoặc chúng ta chân thành nhìn vào Đức Chúa Giê-su trong Kinh Thánh và hỏi rằng liệu hậu quả sẽ ra sao nếu chúng ta thật sự tin vào Chúa và vâng lời Ngài.

Tôi mời bạn cùng tham gia cuộc hành trình này. Tôi không tuyên bố có thể trả lời mọi câu hỏi. Ngược lại, tôi có nhiều câu hỏi hơn là đáp án. Nhưng nếu Đức Chúa Giê-su thật là Đấng mà Ngài đã tuyên bố, và nếu lời hứa của Chúa thật xứng đáng như lời Kinh Thánh đã chép thì chúng ta sẽ nhận ra rằng chỉ có sự từ bỏ trọn vẹn cho Đức Chúa Giê-su mới đem đến sự thỏa mãn trong cuộc sống và sự thành công cho Hội Thánh chứ không phải những gì xã hội xem là quan trọng nhất.

 

Những vũng nước mắt

Hãy tưởng tượng hình ảnh những người mù bám chặt lấy ô cửa sổ của một căn phòng mập mờ ánh sáng. Hai mươi lãnh đạo từ những Hội Thánh khác nhau trong khu vực ngồi quanh căn phòng với quyển Kinh Thánh mở trên tay. Mồ hôi còn nhễ nhại trên trán nhiều người sau quãng đường dài đi bộ. Số khác thì lấm bụi đất, họ đã đạp xe từ sáng sớm từ các làng xã để đến đây.

Họ bí mật gặp nhau. Các thành viên cố tình không đến nơi cùng lúc để tránh bị chú ý. Ở đất nước Châu Á mà họ đang sinh sống, những cuộc gặp mặt như thế này là phạm pháp. Nếu bị bắt, họ có thể sẽ mất đất, mất việc, mất gia đình, hoặc thậm chí mất mạng.

Tôi lắng nghe lời chứng những công việc Chúa đang làm trong Hội Thánh của họ. Một người đàn ông thân hình tráng kiện ngồi ở góc phòng. Có thể gọi anh là trưởng nhóm an ninh. Mỗi khi có tiếng gõ cửa hoặc tiếng ồn bên ngoài cửa sổ thì mọi người trong phòng đều yên lặng đầy căng thẳng, người anh em này sẽ đứng dậy kiểm tra tình hình có ổn không. Khi anh phát biểu, vẻ ngoài rắn rỏi của anh để lộ một tấm lòng mềm mại.

Anh nói rằng: “Một số thuộc viên trong Hội Thánh của tôi đã bị tà giáo lôi kéo.” Tà giáo này khét tiếng với việc bắt cóc tín hữu, đem đến nơi hoang vắng và hành hạ họ. Việc các tín đồ bị cắt lưỡi không còn xa lạ nữa.

Đang khi chia sẻ về những hiểm nguy mà Hội Thánh của anh phải đối diện, nước mắt lưng tròng trên đôi mắt anh. Anh nói rằng: “Tôi thật đau đớn và rất cần ân điển Chúa để lãnh đạo Hội Thánh đi qua những cuộc tấn công này.”

Kế tiếp, một người phụ nữ ngồi phía đối diện phát biểu: “Một vài thành viên trong Hội Thánh của tôi gần đây đã phải gặp chính quyền. Họ đe dọa gia đình các tín hữu rằng nếu không bỏ nhóm học Kinh Thánh thì sẽ bị mất tất cả.” Bà xin mọi người cầu nguyện rằng: “Tôi cần biết phải lãnh đạo Hội Thánh đi theo Đấng Christ như thế nào, dù cái giá phải trả là tất cả những gì họ có.”

Khi tôi nhìn quanh căn phòng, mọi người đều đẫm nước mắt. Đây không phải là nan đề của riêng người anh em và chị em này. Mọi người đều nhìn nhau và nói rằng: “Chúng ta cần cầu nguyện.” Ngay lập tức họ quỳ gối xấp mình xuống đất và kêu cầu Chúa. Họ cầu nguyện không bằng ngôn từ thần học phi thực tế nhưng bằng những lời ngợi khen và cầu xin chân thành.

“Lạy Chúa, cảm ơn Ngài đã yêu chúng con.”

“Lạy Chúa, chúng con cần Ngài.”

“Lạy Chúa Giê-su, chúng con dâng cuộc sống cho Ngài.”

“Lạy Chúa Giê-su, chúng con tin nơi Ngài.”

Họ khóc lớn trước Chúa khi từng người luân phiên nhau cầu nguyện. Khoảng một giờ sau căn phòng trở nên im lặng và mọi người đứng dậy. Tôi tự hạ mình khi nhìn thấy những vũng nước mắt xếp thành một vòng tròn quanh căn phòng.

Những ngày sau đó, Đức Chúa Trời đã cho tôi nhiều cơ hội khác để nhóm lại với các tín hữu Hội Thánh tư gia ngầm tại Châu Á. Những người này đang mạo hiểm tất cả mọi điều để theo Chúa.

Những con người như Jian, một bác sĩ người Châu Á đã từ bỏ phòng khám đang rất thành công của mình mà đánh liều mạng sống của mình, vợ và hai con của anh để chăm sóc y tế cho những ngôi làng nghèo khó đồng thời bí mật huấn luyện toàn bộ mạng lưới các lãnh đạo Hội Thánh tư gia.

Những người nữ như Lin, giảng viên của một trường đại học, nơi mà việc chia sẻ phúc âm là phạm pháp. Cô bí mật gặp gỡ các sinh viên đại học để nói về những công bố của Đấng Christ, cho dù vì việc này cô có thể đánh mất kế sinh nhai.

Những thiếu niên như Shan và Ling, những người được các Hội Thánh tư gia tại làng xã của họ sai đi để học tập và chuẩn bị đem phúc âm đến những nơi chưa có Hội Thánh tại Châu Á.

Ling nói với tôi rằng: “Cháu đã nói với gia đình rằng rất có thể con sẽ không thể trở về nhà nữa. Con sẽ đi đến những nơi khó khăn để chia sẻ phúc âm, và rất có thể con sẽ mất mạng.”

Shan tiếp lời: “Nhưng gia đình của chúng con hiểu. Cha mẹ chúng con đã bị bắt vào tù vì tin Chúa và họ dạy chúng con rằng Đức Chúa Giê-su xứng đáng để chúng con tận hiến cho Ngài.”

 

Một cảnh tượng khác

Ba tuần sau chuyến đi thứ ba của tôi đến thăm các Hội Thánh tư gia ngầm tại Châu Á, Chủ Nhật đầu tiên tôi bắt đầu trở lại cương vị của mình là mục sư của một Hội Thánh tại Hoa Kỳ. Cảnh tượng thật khác. Những căn phòng mập mờ ánh sáng giờ đây là một khán phòng lớn với những ánh đèn sân khấu chuyên nghiệp. Thay vì phải đi bộ hoặc đạp xe một quãng đường dài để nhóm lại thờ phượng Chúa thì chúng tôi đến nơi bằng những phương tiện trị giá hàng triệu đô-la. Diện những bộ đồ thật đẹp, chúng tôi ngồi trên những chiếc ghế lót nệm êm ái.

Thành thật mà nói, chúng tôi không đương đầu với bất kỳ hiểm nguy nào. Một số người đến đây theo thói quen. Một số người chỉ đến để biết mục sư mới của họ là ai. Nhưng chẳng ai đến mà phải đánh liều mạng sống của họ cả.

Trưa hôm ấy, bãi đổ xe chật kín người trong khuôn viên nhà thờ trị giá nhiều triệu đô la. Cha mẹ và con cái thỏa sức nhảy trên những trò chơi mô hình được bơm hơi. Người ta bàn với nhau kế hoạch sử dụng mảnh đất trống liền kề để xây dựng những sân chơi và cơ sở hiện đại nhằm đáp ứng cho những hoạt động như thế này.

Xin đừng hiểu nhầm khung cảnh này. Đây là những Cơ Đốc nhân tin vào Kinh Thánh, những con người tuyệt vời và có ý tốt, họ muốn chào đón tôi và vui chơi với nhau. Những người như bạn và tôi, những người đơn thuần khao khát cộng đồng, muốn tham gia vào sinh hoạt Hội Thánh và tin Đức Chúa Trời là những người rất quan trọng đối với đời sống họ. Nhưng ở cương vị một tân quản nhiệm khi so sánh hình ảnh xung quanh tôi vào ngày hôm ấy với những ký ức vẫn còn rất mới trong tâm trí về những anh chị em ở bên kia thế giới, tôi không thể ngăn được suy nghĩ rằng ở một thời điểm nào đó chúng ta đã đánh mất điều cốt lõi trong đức tin và thay thế bằng một điều khác dễ chịu hơn. Chúng ta bằng lòng với một  Cơ Đốc Giáo xoay quanh việc chăm sóc bản thân trong khi sứ điệp trọng tâm của Cơ Đốc Giáo là từ bỏ chính mình.

 

Nói cho người khác không theo Đức Chúa Giê-su

Trong phần cuối Lu-ca 9, chúng ta tìm thấy câu chuyện về ba người đến gặp Đức Chúa Giê-su để xin theo Ngài. Tuy nhiên thật bất ngờ, Đức Chúa Giê-su dường như muốn nói với họ đừng làm vậy.

Người đầu tiên nói rằng: “Chúa đi đâu tôi sẽ theo đó.”

Đức Chúa Giê-su đáp rằng: “Con cáo có hang, chim trời có ổ; song Con người không có chỗ mà gối đầu.”[3] Nói cách khác, Đức Chúa Giê-su bảo người đàn ông này rằng hành trình phía trước là con đường vô gia cư. Người theo Chúa không được đảm bảo về nhu cầu chỗ ở.

Người thứ hai nói cùng Đức Chúa Giê-su rằng cha mình vừa qua đời. Người này muốn quay về chôn cha rồi sau đó sẽ theo Chúa.

Đức Chúa Giê-su đáp rằng: “Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết; còn ngươi, hãy đi rao giảng nước Đức Chúa Trời.”[4]

Tôi còn nhớ rất rõ khoảnh khắc cha tôi qua đời đầy đột ngột sau một cơn đau tim. Giữa sự nặng nề kinh khủng của những ngày sau đó và đang khi tấm lòng tôi ao ước được tôn kính cha trong tang lễ, tôi không thể tưởng tượng có thể nghe những lời này từ Đức Chúa Giê-su, rằng: “Đừng đến lễ tang. Con còn có nhiều việc quan trọng hơn phải làm.”

Người thứ ba đến nói với Đức Chúa Giê-su rằng ông muốn theo Chúa, nhưng ông muốn từ giã gia đình trước rồi sẽ theo Ngài.

Nhưng Đức Chúa Giê-su không cho phép. Ngài phán cùng người đàn ông này rằng: “Ai đã tra tay cầm cày, còn ngó lại đằng sau, thì không xứng đáng với nước Đức Chúa Trời.”[5] Nói một cách đơn giản, mối quan hệ với Đức Chúa Giê-su đòi hỏi sự tận hiến toàn vẹn, trên hết và độc nhất.

Trở thành người vô gia cư.

Để người khác chôn cha mình.

Không nói lời từ biệt gia đình.

Sau những gì chúng ta đọc được trong Lu-ca 9, chúng ta có bất ngờ không khi Đức Chúa Giê-su thành công trong việc thuyết phục người khác không đi theo Ngài?

Lần đầu tiên tôi được nghe giảng về phần Kinh Thánh này là từ Tiến sĩ Jim Shaddix. Ông là giáo sư môn giảng dạy của tôi, tôi đã dời nơi ở đến New Orleans chỉ để được học từ nơi ông. Ngay khi tôi đến nơi, Tiến sĩ Shaddix đã mời tôi cùng đi với ông đến một sự kiện mà ông sẽ giảng. Tôi ngồi hàng đầu tiên của một hội trường hàng trăm người, lắng nghe bài giảng của ông bắt đầu.

“Tối nay mục đích của tôi là nói cho quý vị không đi theo Đức Chúa Giê-su.”

Đôi chân mày của tôi nhướng lên đầy kinh ngạc và bối rối. Giáo sư đang nghĩ gì? Tôi đang nghĩ gì? Tôi đã dời cả cuộc sống của mình đến New Orleans để học hỏi từ một người đi thuyết phục người khác không đi theo Đức Chúa Giê-su sao?

Tiến sĩ Shaddix giảng đúng như những gì Lu-ca 9 mô tả, báo trước cho các môn đồ tiềm năng biết rằng theo Đức Chúa Giê-su có những đòi hỏi gì. Cuối cùng ông mời những ai muốn theo Đức Chúa Giê-su hãy bước lên phía trước. Thật bất ngờ, rất nhiều người đã rời ghế ngồi bước lên trên. Tôi ngồi đấy, ngẩn người và bắt đầu nghĩ rằng: Vậy đây là một mẹo giảng đạo, một đòn tâm lý trái ngược được thánh hóa. Và cách này đã thành công. Hãy nói với người nghe rằng bạn sẽ nói cho họ không theo Đức Chúa Giê-su, và đám đông sẽ ùa lên đáp ứng.

Tôi quyết định sẽ thử cách này.

Tuần tiếp theo tôi được mời giảng tại một buổi nhóm thanh niên. Sử dụng những đã học từ Tiến sĩ Shaddix, tôi đứng đầy kiêu hãnh trước các em sinh viên trong đêm đó và tuyên bố: “Mục tiêu của tôi đêm nay là nói cho các em không đi theo Đức Chúa Giê-su.” Tôi có thể nhìn thấy ban điều hành nhướng đôi mắt của họ đầy quan ngại, nhưng tôi biết mình đang làm gì. Dù gì đi nữa tôi đã bắt đầu học trong trường thần học một vài tuần và tôi đã chứng kiến điều này trước đó. Vậy tôi giảng bài giảng và mời các sinh viên muốn theo Chúa hãy tiến lên phía trước.

Hiển nhiên tôi đã thành công hơn Tiến sĩ Shaddix đã làm trước đó khi giảng về sứ điệp này. Đại khái là tôi đã đứng đó một hồi lâu mà không một người bước lên, một lúc sau người đã tổ chức sự kiện này quyết định kết thúc buổi nhóm. Vì một lý do nào đó, tôi không còn được mời nữa.

Đối lập với những gì tôi đã nghĩ về Lu-ca 9, Đức Chúa Giê-su không dùng chiêu trò để tuyển mộ thêm môn đồ. Ngài đơn thuần nói rõ một cách đầy can đảm từ lúc bắt đầu rằng nếu bạn theo Ngài, bạn phải từ bỏ mọi thứ – những nhu cầu, những ước muốn, và thậm chí chính gia đình của bạn.

 

Từ bỏ tất cả

Các sự kiện trong Lu-ca 9 không chỉ xảy ra một lần trong cuộc đời Đức Chúa Giê-su. Vào một dịp khác, giữa một đám đông những người hăng hái muốn theo Ngài, Đức Chúa Giê-su đã phán rằng: “Nếu có ai đến theo ta mà không ghét cha mẹ, vợ con, anh em, chị em mình, và chính sự sống mình nữa, thì không được làm môn đồ ta.”[6] Hãy tưởng tượng bạn nghe được những lời như thế từ một người thầy Do Thái không có tiếng tăm trong thế kỷ thứ nhất. Người thầy ấy sẽ đánh mất hầu hết các học trò ngay từ câu chào.

Nhưng rồi Chúa tiếp tục: “Còn ai không vác thập tự giá mình mà theo ta, cũng không được làm môn đồ ta.”[7] Cái giá của việc theo Chúa được nâng lên một mức độ cao hơn. Mang lấy một công cụ tử hình và theo Chúa. Thật kỳ lạ và… đáng sợ. Hãy tưởng tượng một giáo chủ xuất hiện trong thời nay kêu gọi những người muốn theo ông phải đem theo chiếc ghế điện để được làm môn đồ của ông. Liệu có người sẽ theo?

Như thể những điều trên vẫn chưa đủ, Đức Chúa Giê-su chấm dứt lời cầu xin đầy cảm xúc của những người muốn theo Ngài bằng một kết luận vô cùng xúc động. “Như vậy, nếu ai trong các ngươi không bỏ mọi sự mình có, thì không được làm môn đồ ta.”[8] Từ bỏ tất cả mọi điều mình có, vác thập tự giá và ghét gia đình mình, tất cả những điều này thật xa lạ với những gì chúng ta thường kêu gọi: “Hãy tin nhận, xưng tội và lặp lại lời cầu nguyện của tôi.”

Nhưng đây vẫn chưa phải là tất cả. Hãy xem Mác 10, một lần khác có một môn đồ tiềm năng đến gặp Chúa. Đây là chàng trai trẻ, giàu có, thông minh và có tầm ảnh hưởng. Ít nhất anh là một người hoàn toàn có triển vọng. Không những thế, anh rất hăng hái và sẵn sàng ra đi. Anh chạy đến với Đức Chúa Giê-su, quỳ dưới chân Ngài mà nói rằng: “Tôi phải làm chi cho được hưởng sự sống đời đời?”[9]

Nếu đặt mình vào vị trí của Đức Chúa Giê-su, rất có thể chúng ta sẽ nghĩ rằng đây là cơ hội tốt để tiếp nạp môn đồ. Chỉ cần nói rằng: “Anh hãy đọc lời cầu nguyện này, ký vào giấy, cúi đầu và lặp lại lời của tôi,” sau đó người này sẽ thuộc về Hội Thánh của chúng ta. Hãy nghĩ một người có tầm ảnh hưởng và uy tín như thế này sẽ có thể đóng góp gì cho Hội Thánh. Chúng ta có thể mời anh ấy làm thành viên nòng cốt. Anh có thể làm chứng, ký tên vào những quyển sách và gây quỹ truyền giáo. Đây là việc quá dễ dàng – chúng ta phải tiếp nhận anh ấy.

Tiếc thay, Đức Chúa Giê-su không có những quyển sách chứng đạo cá nhân mà chúng ta có ngày nay, những quyển sách dạy làm thế nào để quăng lưới và mời gọi người khác tin Chúa. Ngược lại, Đức Chúa Giê-su đã phán một điều: “Hãy đi, bán hết gia tài mình, bố thí cho kẻ nghèo khổ, chắc sẽ được của báu ở trên trời, rồi hãy đến mà theo Ta.”[10]

Đức Chúa Giê-su đang nghĩ gì? Ngài đang phạm một sai lầm kinh điển là để vuột mất con cá lớn. Cái giá là quá đắt.

Tuy nhiên sự từ bỏ mà Đức Chúa Giê-su đòi hỏi nơi người trai trẻ giàu có chính là điều cốt lõi trong lời mời của Đức Chúa Giê-su xuyên suốt các sách Phúc Âm. Thậm chí khi Đức Chúa Giê-su nói những lời rất đơn giản để kêu gọi các môn đồ của Ngài trong Ma-thi-ơ 4 – “Hãy theo Ta” – thì Ngài cũng ngụ ý các môn đồ phải từ bỏ tất cả. Đức Chúa Giê-su kêu gọi các môn đồ phải từ bỏ những sự thoải mái, tất cả những gì quen thuộc đối với họ.

Đức Chúa Giê-su kêu gọi các môn đồ từ bỏ công việc. Họ phải tái định hướng sự nghiệp xoay quanh việc trở thành môn đồ của Chúa. Giờ đây tất cả những kế hoạch và giấc mơ của họ đó là làm theo ý muốn Chúa.

Đức Chúa Giê-su kêu gọi các môn đồ từ bỏ tài sản. Trong thực tế Đức Chúa Giê-su muốn nói với các môn đồ của Ngài rằng: “Các ngươi hãy bỏ lưới cá và nghề đánh cá hiện rất thành công của các ngươi.”

Đức Chúa Giê-su kêu gọi các môn đồ từ bỏ gia đình và bạn bè. Khi Gia-cơ và Giăng từ biệt cha của họ, chúng ta thấy lời Chúa trong Lu-ca 14 trở nên sống động.

Đỉnh điểm là Đức Chúa Giê-su kêu gọi các môn đồ từ bỏ chính mình. Họ từ bỏ những điều chắc chắn để đổi lấy những điều không chắc chắn, từ bỏ sự an ninh để đổi lấy nguy hiểm, từ bỏ bản năng bảo toàn mạng sống để tự chỉ trích bản thân. Trong một thế giới coi trọng việc tự quảng bá bản thân, các môn đồ lại đi theo một người thầy dạy họ phải tự đóng đinh chính mình trên cây thập tự. Và lịch sử đã cho thấy kết quả. Gần như tất cả các môn đồ đều đánh đổi mạng sống họ vì đáp ứng với lời mời của Chúa.

 

Còn chúng ta thì sao?

Hãy đặt mình vào vị trí của những người hăng hái theo Chúa trong thế kỷ đầu tiên. Tôi sẽ làm gì khi được Chúa kêu gọi từ bỏ lưới cá của mình? Tôi sẽ làm gì khi Chúa phán đừng chào từ biệt gia đình nhưng chỉ hãy theo Chúa? Tôi sẽ làm gì khi Chúa phán hãy ghét gia đình mình và từ bỏ mọi điều tôi có để theo Đức Chúa Giê-su?

Đến đây chúng ta đối diện với một thực tại đầy nguy hiểm. Chúng ta buộc phải từ bỏ mọi điều để theo Chúa Giê-su. Chúng ta buộc phải yêu Chúa đến nỗi tình yêu của chúng ta với những mối quan hệ gần nhất giống như sự thù ghét. Và hoàn toàn có khả năng Chúa sẽ kêu gọi chúng ta bán tất cả mọi tài sản mà phân phát cho người nghèo.

Nhưng chúng ta không muốn tin vào điều này. Chúng ta e ngại cuộc sống sẽ bị ảnh hưởng. Chúng ta hợp lý hóa những thông điệp trên: “Đức Chúa Giê-su không thật sự nói rằng chúng ta không được chôn cha hoặc chào từ biệt gia đình. Đức Chúa Giê-su không có ý nói rằng chúng ta phải bán tất cả mọi tài sản mà phân phát cho người nghèo. Điều Đức Chúa Giê-su thật sự muốn nói là…”

Và đây là lúc chúng ta cần phải dừng lại. Bởi vì chúng ta đang tái định nghĩa Cơ Đốc Giáo. Chúng ta đang đầu hàng trước một cám dỗ đầy nguy hại đó là biến Đức Chúa Giê-su mà Kinh Thánh mô tả thành một Giê-su mà chúng ta cảm thấy thoải mái hơn.

Đó là một Giê-su người Mỹ tốt bụng thuộc tầng lớp trung lưu. Một Giê-su không bận tâm đến chủ nghĩ vật chất và là người không bao giờ kêu gọi chúng ta phải phân phát mọi của cải chúng ta có. Một Giê-su không kỳ vọng chúng ta phải từ bỏ những mối quan hệ gần gũi nhất để có thể yêu Giê-su đó với trọn tấm lòng. Một Giê-su bằng lòng với những của dâng bình thường không ảnh hưởng đến sự thoải mái của chúng ta, bởi vì Giê-su đó vẫn luôn yêu thương dù chúng ta là người như thế nào. Một Giê-su muốn chúng ta phải quân bình và tránh né những điều nguy hiểm. Một Giê-su khiến chúng ta cảm thấy dễ chịu và đem đến sự thịnh vượng khi chúng ta sống theo cách Cơ Đốc nhân theo đuổi giấc mơ Mỹ.

Song bạn và tôi có nhận ra chúng ta đang làm gì tại đây không? Chúng ta xây dựng nhân vật Giê-su theo hình ảnh của chúng ta. Ngài bắt đầu trở nên rất giống chúng ta bởi vì đó là con người mà chúng ta cảm thấy dễ chịu nhất. Và điều nguy hiểm giờ đây đó là khi chúng ta nhóm nhau lại tại Hội Thánh để ca hát ngợi khen Chúa, rất có thể chúng ta không thật sự đang tôn vinh Đức Chúa Giê-su mà Kinh Thánh nói đến. Ngược lại, rất có thể chúng ta đang ca ngợi chính mình.

 

Cái giá của việc không làm môn đồ

Dietrich Bonhoeffer, một nhà thần học người Đức, trải qua cuộc tranh chiến để theo Đấng Christ dưới thời cai trị của Đức Quốc Xã, ông đã viết một quyển sách Cơ Đốc tuyệt vời nhất trong thế kỷ 20. Ông viết rằng sự kêu gọi đầu tiên mà Cơ Đốc nhân trải qua đó là “sự kêu gọi từ bỏ mọi sự quyến luyến với thế gian này.” Chủ đề của quyển sách được tóm tắt đầy thuyết phục trong một câu: “Khi Đấng Christ kêu gọi một người thì Ngài trả giá để người ấy đến và chết.”[11] Bonhoeffer khéo léo đặt tựa đề quyển sách là Cái Giá Để Trở Thành Môn Đồ (The Cost of Discipleship).

Dựa trên những gì đã nghe từ Đức Chúa Giê-su qua các sách Phúc Âm, chúng ta phải thừa nhận rằng cái giá để trở thành môn đồ của Chúa là rất đắt. Nhưng tôi tự hỏi liệu có phải cái giá của việc không làm môn đồ của Chúa còn lớn hơn thế không?

Hiển nhiên cái giá là rất đắt cho những ai không nhận biết Đấng Christ, đặc biệt khi họ đang sống trong một thế giới mà Cơ Đốc nhân đã rút lui khỏi một đức tin khiến họ từ bỏ chính mình để sống theo một niềm tin mà họ có thể nuông chiều bản thân. Thay vì dâng hiến cuộc sống để công bố vương quốc Đức Chúa Trời, Cơ Đốc nhân chọn làm thỏa mãn cuộc sống họ bằng Giấc mơ Mỹ trong khi hàng tỉ người vẫn chưa được biết đến Phúc Âm.

Chỉ một vài tháng trước khi trở thành mục sư, tôi đã đứng trên đỉnh một ngọn núi tọa lạc ngay trung tâm thành phố Hyderabad, Ấn Độ. Ở độ cao này giữa lòng thành phố là một ngôi đền Hindu. Từ phía sau tôi có thể ngửi được mùi nhang khói và đồ cúng dâng lên cho những tượng thần bằng gỗ. Trước mặt tôi là những đoàn người rất đông. Ở mọi hướng xung quanh, tôi có thể thoáng thấy những trung tâm đô thị với hàng triệu triệu người.

Và điều đó đã đánh động tôi. Đại đa số những con người này chưa từng được nghe phúc âm. Ngày qua ngày, những con người đó dâng lên những món đồ cúng bởi vì không ai nói cho họ biết rằng nhờ Đấng Christ, của tế lễ cuối cùng đã được dâng lên thay cho họ. Hậu quả là họ sống không có Chúa, và nếu không có gì thay đổi, họ sẽ chết mà không có Ngài.

Khi đứng trên ngọn núi này, Đức Chúa Trời đã giữ chặt tấm lòng và đổ đầy tâm trí của tôi bằng những lời vang động: “Hãy tỉnh dậy.” Hãy tỉnh dậy và nhận ra rằng có những điều vô cùng quan trọng cho cuộc sống của bạn hơn là bóng đá và lương hưu. Hãy tỉnh dậy và nhận ra cuộc chiến thật mà chúng ta phải chiến đấu thì khác với những “cuộc chiến” hời hợt, vô nghĩa mà bạn đang tập trung vào. Hãy tỉnh thức với vô số những con người đang đi đến chỗ hư mất vì thiếu Chúa.

Cái giá khi chúng ta không trở nên môn đồ là rất lớn cho những người chưa có Chúa. Cái giá đó cũng rất đắt cho những người nghèo trong thế gian này.

Hãy suy nghĩ cái giá khi Cơ Đốc nhân làm ngơ trước mệnh lệnh của Đức Chúa Giê-su rằng hãy bán tất cả gia tài mà phân phát cho người nghèo, ngược lại Cơ Đốc nhân chọn tìm kiếm những sự dễ chịu, những ngôi nhà lớn, những chiếc xe đẹp và nhiều của cải hơn. Hãy suy nghĩ cái giá khi những Cơ Đốc nhân này nhóm nhau lại tại Hội Thánh và dành hàng triệu đô la để xây những ngôi nhà thờ tốt hơn để lái xe vào, những chiếc ghế nệm êm ái để ngồi và vô vàn những chương trình đem lại niềm vui cho họ. Hãy suy nghĩ cái giá của vô số những người nghèo đói đang ngồi bên ngoài cổng nhà của những Cơ Đốc nhân giàu có đương đại.

Tôi còn nhớ kỷ niệm trước chuyến đi đầu tiên đến Sudan năm 2004. Đất nước có chiến tranh và tin tức về khu vực Darfur ở miền tây Sudan bắt đầu xuất hiện trên các mặt báo. Một vài tháng trước khi khởi hành, tôi nhận được một ấn bản tin tức Cơ Đốc trong hộp thư. Trên trang nhất có hai tựa đề được đặt cạnh nhau. Tôi không rõ có phải biên tập viên cố tình đặt hai tựa đề này cạnh nhau hay ông chỉ vô ý và tạo nên một tình huống thật xấu.

Tựa đề bên trái ghi rằng: “Hội Thánh Báp-tít Đầu Tiên khánh thành nhà thờ mới trị giá 23 triệu đô la.” Bài viết khá dài theo sau đó chúc mừng ngôi nhà thờ mới đắt tiền của Hội Thánh. Những phiến đá cẩm thạch tuyệt đẹp, một thiết kế đầy tỉ mỉ, và những ô cửa sổ màu với những hình ảnh đẹp đẽ, tất cả tôn lên một vẽ đẹp sặc sỡ cho ngôi nhà thờ.

Ở bên phải là một bài viết ngắn hơn. Bài viết có tựa đề: “Hội Thánh Báp-tít gửi tiền cứu trợ người tị nạn Sudan.” Bởi vì sẽ khởi hành đi Sudan, tôi lập tức chú ý đến bài viết này. Bài viết mô tả khoảng 350.000 người tị nạn ở phía tây Sudan đang đối diện sự chết vì thiếu lương thực cho đến cuối năm. Bài viết ngắn ngủi này giải thích ngắn gọn hoàn cảnh khó khăn và những khốn khổ của họ. Câu cuối cùng nói rằng Hội Thánh Báp-tít đã gửi tiền cứu trợ cho những người Sudan. Tôi thật sự phấn khích về điều này cho đến khi biết được số tiền gửi đi là bao nhiêu.

Trong khi bài viết ở bên trái: “Hội Thánh Báp-tít Đầu Tiên khánh thành nhà thờ mới trị giá 23 triệu đô la.” Bài viết ở bên phải ghi rằng: “Hội Thánh Báp-tít đã quyên góp được 5.000 đô la cho những người tị nạn ở phía tây Sudan.”

Năm nghìn đô la.

Nhiêu đó còn không đủ để mua vé máy bay đến Sudan, huống hồ gì mua một giọt nước cho những người đang cần.

Hai mươi ba triệu đô la cho một ngôi nhà thờ lộng lẫy và năm nghìn đô la cho hàng trăm nghìn người đang chết đói, trong đó có người nam, người nữ và trẻ em, và đại đa số họ đang đối diện cái chết mà không có đức tin nơi Chúa.

Chúng ta đã đi sai từ đâu?

Làm sao chúng ta có thể chấp nhận một việc như thế này?

Quả thật, cái giá của việc không trở nên môn đồ của Chúa là rất lớn. Cái giá khi người tin Chúa không thật sự nghiêm túc với Đức Chúa Giê-su là quá lớn đối với những ai chưa biết đến Đấng Christ và làm tổn hại đế những ai đang thiếu thốn và khốn khổ trên thế giới. Tuy nhiên không chỉ những người không tin Chúa mới phải trả giá cho việc chúng ta không trở nên môn đồ của Chúa. Chính chúng ta cũng phải trả giá cho quyết định này.

 

Lời mời gọi đến với kho báu

Bạn có hiểu những gì Đức Chúa Giê-su đã nói khi kêu gọi người trai trẻ giàu có từ bỏ tài sản của anh để phân phát cho người nghèo? Hãy lắng nghe một lần nữa, đặc biệt là ở phần cuối của lời mời: “Hãy đi, bán hết gia tài mình, bố thí cho kẻ nghèo khổ, chắc sẽ được của báu ở trên trời.”[12] Nếu không cẩn thận chúng ta có thể hiểu sai những tuyên bố quan trọng của Đức Chúa Giê-su trong các sách Phúc Âm mà cho rằng Ngài không muốn điều tốt nhất cho chúng ta. Đức Chúa Giê-su muốn điều tốt nhất cho chúng ta. Ngài không muốn tước lấy mọi khoái lạc của người thanh niên này. Ngược lại Đức Chúa Giê-su muốn anh ấy được thỏa mãn với kho báu trong cõi đời đời. Đức Chúa Giê-su muốn nói rằng: “Khi con từ bỏ những gì con đang có, điều này không chỉ tốt cho người nghèo nhưng cũng tốt cho con nữa.”

Chúng ta thấy điều tương tự xảy ra trong Ma-thi-ơ 13. Tại đây Đức Chúa Giê-su phán cùng các môn đồ rằng: “Nước thiên đàng giống như của báu chôn trong một đám ruộng kia. Một người kia tìm được thì giấu đi, vui mừng mà trở về, bán hết gia tài mình, mua đám ruộng đó.”[13]

Tôi rất yêu thích hình ảnh này. Hãy tưởng tượng bạn đang đi trên một cánh đồng và vấp phải một kho báu quý giá hơn bất cứ điều gì bạn có thể làm để đổi lấy hoặc bất cứ thứ gì trên thế gian này. Kho báu ấy giá trị hơn tất cả tài sản của bạn trong hiện tại và tương lai.

Bạn nhìn quanh và nhận ra không ai biết có kho báu tại đây, vậy bạn che kho báu ấy lại và nhanh chóng bước đi, giả vờ như bạn chưa thấy gì. Bạn vào thành phố và bán hết gia tài của mình để mua cánh đồng ấy. Thế gian nghĩ bạn điên rồ. Gia đình và bạn bè hỏi rằng: “Anh đang nghĩ gì vậy?”

Bạn nói với họ: “Tôi muốn mua đám ruộng ở chỗ kia.”

Họ nhìn bạn đầy ngờ vực, nói rằng: “Bạn đầu tư thật nực cười. Tại sao bạn bán hết tất cả gia sản chứ?”

Bạn đáp rằng: “Tôi có một linh cảm,” và rồi bạn cười thầm và bước đi.

Bạn cười bởi vì bạn biết. Bạn biết rằng cuối cùng bạn không phải đang cho đi tất cả. Ngược lại, bạn đang thu nhận vào. Vâng, bạn đang từ bỏ mọi điều bạn có, nhưng bạn cũng đang nhận lại nhiều hơn. Vậy bạn bán tất cả, từ bỏ tất cả, bằng niềm vui! Tại sao? Bởi vì bạn tìm thấy điều đáng giá để từ bỏ tất cả mà đổi lấy.

Đây là hình ảnh của Đức Chúa Giê-su trong các sách Phúc Âm. Ngài chính là Đấng – là điều – đáng để chúng ta từ bỏ tất cả mà đổi lấy. Và nếu chúng ta rời bỏ Đức Chúa Giê-su mà các sách Phúc Âm nói đến thì chúng ta đang rời bỏ sự giàu có trong cõi đời đời. Cái giá khi chúng ta không trở nên môn đồ của Chúa là lớn hơn cái giá của những người làm môn đồ của Chúa. Bởi khi chúng ta từ bỏ những trang sức rẻ tiền của thế gian này để đáp ứng với tiếng gọi của Đức Chúa Giê-su, chúng ta sẽ khám phá châu báu bất tận của việc hiểu biết và kinh nghiệm Chúa.

 

Ngài có đáng để chúng ta đánh đổi?

Điều này dẫn chúng ta đến với câu hỏi mang tính quyết định đối với những người tuyên xưng hoặc có tiềm năng làm môn đồ của Đức Chúa Giê-su: Chúng ta có thật sự tin rằng Ngài xứng đáng để chúng ta từ bỏ mọi điều? Bạn và tôi có thật sự tin rằng Đức Chúa Giê-su là Đấng rất tốt lành, Đấng làm chúng ta được thỏa mãn và ban thưởng cho chúng ta để vì đó mà chúng ta từ bỏ mọi điều chúng ta có, mọi địa vị xã hội của chúng ta để tìm kiếm sự thỏa mãn nơi Ngài? Bạn và tôi có tin Ngài đủ để vâng lời và đi theo Chúa đến bất cứ nơi đâu Ngài dẫn dắt, dù cho con người trong xã hội hiện tại – và thậm chí trong Hội Thánh của chúng ta – chọn đi con đường khác?

Với những ý định tốt nhất, trong quyển sách này tôi muốn bày tỏ cho bạn thấy rằng chúng ta đã quay bước khỏi Đức Chúa Giê-su. Trong nhiều lĩnh vực, chúng ta đã mù quáng, vô tình ôm lấy những giá trị và quan niệm đối với xã hội ngày nay là phổ biến, nhưng chúng lại đối lập với phúc âm của Đức Chúa Giê-su. Tại đây chúng ta đứng giữa Giấc mơ Mỹ nơi đề cao sự tiến bộ bản thân, lòng tự trọng, tự lực, chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa vật chất và các lý thuyết hoang tưởng khác. Tôi muốn bày tỏ cho bạn thấy nhu cầu bức thiết phải xem lại lời của Đức Chúa Giê-su, lắng nghe Lời Chúa, tin và làm theo Lời Ngài. Chúng ta cần phải khẩn cấp quay trở về với một phúc âm mà Kinh Thánh nói đến bởi vì cái giá phải trả là quá lớn cho cuộc sống của chúng ta, cho gia đình, cho Hội Thánh và cho thế giới.

Như tôi đã đề cập từ trước, tôi có nhiều thắc mắc hơn là những câu trả lời. Và mỗi một ngày tôi lại nhìn thấy những khoảng cách giữa Đấng Christ được nói đến trong Kinh Thánh với Cơ Đốc Giáo tiêu biểu cho đời sống của tôi và Hội Thánh mà Chúa đã giao phó cho tôi lãnh đạo. Chúng ta phải đi một hành trình dài.

Tuy nhiên tôi muốn biết Chúa. Tôi muốn kinh nghiệm Chúa. Tôi muốn trở thành một thành viên trong cộng đồng những người vui sướng trong Chúa giống như những anh chị em trong Hội Thánh ngầm tại Châu Á, những người không có gì ngoài Chúa. Và tôi muốn là một thành viên trong cộng đồng những người từ bỏ tất cả vì Chúa.

Vì hơn một tỷ người ngày nay vẫn chưa được nghe đến phúc âm, tôi muốn đánh đổi tất cả. Vì hai mươi sáu nghìn trẻ em ngày nay sẽ chết vì thiếu lương thực hoặc vì một bệnh dịch nào đó có thể ngăn ngừa được, tôi muốn đánh đổi tất cả. Vì một Hội Thánh ngày càng trở nên thụ động và thiếu hiệu quả trong xã hội hiện tại, tôi muốn đánh đổi tất cả. Vì đời sống của tôi, gia đình và những người xung quanh tôi, tôi muốn đánh đổi tất cả.

Tôi không đơn độc. Trong gia đình đức tin, tôi có đặc ân được đi đầu. Cùng tham gia với tôi là những bác sĩ giàu có, những người đã bán đi nhà cửa của họ để phân phát cho người nghèo hoặc để đến một đất nước khác; ngoài ra cũng có những lãnh đạo doanh nghiệp đang rất thành công, họ đã điều hành công ty của mình để giúp đỡ cho những người đau khổ; hoặc những gia đình trẻ đã dời nhà vào bên trong thành phố để sống phúc âm; cũng còn có những trung niên, những bà mẹ nội trợ, những sinh viên đại học và những thiếu niên, những người đang tái định hướng cuộc đời mình để từ bỏ tất cả cho Đức Chúa Giê-su. Xuyên suốt quyển sách này tôi sẽ đề cập đến nhiều người trong số họ.

Chúng ta không có gì đặc biệt. Nhưng chúng ta là minh chứng cho những người bình thường, những người bị cuốn vào Giấc mơ Mỹ nhưng có thể quay về với niềm tin đích thực nơi một Đấng Cứu Rỗi đích thực. Vậy mời bạn hãy tham gia với chúng tôi.

Mặc dù vậy, nếu bạn nghiêm túc với hành trình này, tôi tin rằng cần phải có những điều kiện tiên quyết. Quyển sách này quay trở về với hai câu hỏi lớn mà tôi đã tự hỏi khi nhận ra chính mình là mục sư của một Hội Thánh siêu lớn đang cố gắng noi gương của một lãnh đạo của một Hội Thánh nhỏ.

Đầu tiên, ngay từ lúc bắt đầu bạn cần phải cam kết tin cậy tất cả mọi lời Đức Chúa Giê-su phán. Cơ Đốc nhân sẽ mắc phải một lỗi lầm chết người nếu chúng ta nói với Đức Chúa Giê-su rằng: “Con xin nghe những gì Ngài phán, nhưng con sẽ quyết định điều nào con thích nghe.” Nếu bạn đến với Đức Chúa Giê-su theo cách này, bạn sẽ không bao giờ thật sự nghe điều Ngài phán cho bạn. Bạn phải nói vâng với những lời của Đức Chúa Giê-su thậm chí trước khi nghe lời Ngài phán.

Thứ hai, bạn cần phải cam kết vâng phục những gì bạn đã nghe. Phúc âm không chỉ để suy ngẫm; nhưng phúc âm đòi hỏi sự đáp ứng. Khi lắng nghe lời Đức Chúa Giê-su, bạn phải chân thành nhìn vào cuộc sống của mình, gia đình và Hội Thánh của mình, chúng ta không chỉ hỏi rằng: “Ngài đang nói gì?” nhưng cũng hỏi rằng: “Tôi sẽ làm gì?”

Trong những trang tiếp theo, chúng ta sẽ cùng khám phá phúc âm mà Kinh Thánh thật sự nói đến để so sánh với những suy nghĩ của xã hội hiện tại với mục đích tìm đến với Đức Chúa Giê-su chân thật, chứ không phải một nhân vật Giê-su mà chúng ta đã nghĩ ra. Chúng ta sẽ nhìn vào lẽ thật cốt lõi về phúc âm đặt trọng tâm nơi Đức Chúa Trời để nhìn thấy chúng ta đã bóp méo phúc âm ấy thành một sứ điệp xoay quanh con người (và khiến chúng ta cảm thấy thất vọng). Chúng ta sẽ thấy mục đích cho cuộc sống mình vượt trội hơn đất nước và nền văn hóa mà chúng ta đang sống trong đó, và chúng ta sẽ thấy mình rất cần có sự hiện diện của Chúa để hoàn thành mục đích đó trong chúng ta. Chúng ta sẽ khám phá ra rằng ý nghĩa cuộc sống của chúng ta là ở trong cộng đồng, và cuộc sống của chúng ta đó là từ bỏ chính mình vì người khác trong Hội Thánh, giữa những người lạc mất, và giữa những người nghèo khó. Chúng ta sẽ đánh giá sự an ninh và bình an thật đang ở đâu trong thế giới này, và cuối cùng, chúng ta sẽ quyết định không lãng phí cuộc sống mình vào bất cứ điều gì khác, nhưng chúng ta sẽ kiên quyết từ bỏ vô điều kiện cuộc sống mình cho một Đấng Cứu Chuộc giàu tình yêu thương và ân điển, Đấng mời gọi chúng ta hãy liều mình và hứa với chúng ta về một phần thưởng tuyệt vời.

 

Chương Hai

 

ĐÓI KHÁT LỜI CHÚA

KHÁM PHÁ LẼ THẬT VÀ VẺ ĐẸP CỦA PHÚC ÂM

 

Hãy cùng tôi quay trở lại chuyến thăm các Hội Thánh tư gia “hầm mộ” mà tôi đã nhắc đến trong chương 1. Vào ngày đầu tiên gặp gỡ các tín hữu tại đó, họ đã mời tôi hướng dẫn một buổi học Kinh Thánh. “Xin hãy đến với chúng tôi ngày mai vào lúc hai giờ chiều.”

Vậy tôi sắp xếp các ý tưởng của mình cho một buổi học Kinh Thánh ngắn và đến nơi đã hẹn, tại đó có khoảng hai mươi lãnh đạo các Hội Thánh tư gia đang chờ đợi. Tôi không nhớ chúng tôi đã bắt đầu từ khi nào, nhưng có thể nhớ rõ rằng trong tám giờ đồng hồ sau đó chúng tôi vẫn còn rất tỉnh táo cho buổi học. Chúng tôi học một phân đoạn Kinh Thánh, và rồi các lãnh đạo Hội Thánh này đặt câu hỏi cho một phân đoạn khác. Thế là chúng tôi đi từ chủ đề này sang chủ đề khác, và cho đến cuối ngày cuộc thảo luận của chúng tôi đi từ chủ đề các giấc mơ và khải tượng cho đến chủ đề về tiếng lạ và giáo lý Ba Ngôi.

Trời đã khuya, dù các lãnh đạo này vẫn muốn tiếp tục nhưng họ cần phải về nhà. Vậy họ hỏi hai người lãnh đạo trưởng và tôi rằng: “Chúng ta có thể gặp lại vào ngày mai được không?”

Tôi đáp rằng: “Tôi rất vui lòng. Vậy ngày mai chúng ta sẽ gặp nhau vào lúc 2 giờ chiều như hôm nay?”

Họ đáp: “Không, chúng tôi muốn bắt đầu từ sáng sớm.”

Tôi nói: “Được. Các anh muốn học trong bao lâu?”

Họ đáp: “Cả ngày.”

Vậy là trong mười ngày tiếp theo, mỗi ngày từ tám tới mười tiếng đồng hồ, chúng tôi đã gặp nhau để học Lời Chúa. Họ rất đói khát Lời Chúa.

Vào ngày học thứ hai, tôi đã giới thiệu với các tín hữu khá mới mẻ này về câu chuyện Nê-hê-mi. Tôi trình bày về bối cảnh lịch sử của sách và dạy họ về tầm quan trọng của Lời Chúa trong Nê-hê-mi chương 8. Lát sau chúng tôi dành ít phút giải lao, tôi thấy các lãnh đạo tụ tập thành những tốp nhỏ chăm chú nói chuyện với nhau về một điều gì đó. Ít phút sau, một phụ nữ đến với tôi và nói: “Chúng tôi chưa từng học những lẽ thật này trước đây và chúng tôi muốn học nữa.” Và điều tiếp theo bà nói mà tôi nghe giống như một quả bom dội xuống: “Mục sư có thể dạy chúng tôi tất cả các sách trong Cựu Ước trong thời gian Mục sư ở đây không?”

Tôi bật cười. Với nụ cười còn trên môi, tôi đáp rằng: “Toàn bộ Cựu Ước ư? Sẽ mất nhiều thời gian lắm.”

Đến đây, mọi người đều tham gia vào cuộc nói chuyện, họ nói rằng: “Chúng tôi sẽ làm tất cả. Hầu hết chúng tôi đều là nông dân làm việc vào ban ngày, nhưng những tuần tới nếu có thể được học Cựu Ước, chúng tôi sẽ bỏ việc đồng án.”

Vậy chúng tôi đã làm thế. Ngày tiếp theo tôi đã giúp họ có một cái nhìn tổng quan về lịch sử Cựu Ước. Tiếp theo, chúng tôi bắt đầu từ Sáng Thế Ký, và trong những ngày sau đó, chúng tôi đã lặn lội qua những chủ đề chính của từng sách trong Cựu Ước. Hãy tưởng tượng việc phải dạy sách Nhã Ca cho một nhóm các tín hữu Á Châu mà đa số chưa từng đọc qua sách này, vừa dạy vừa cầu nguyện rằng đừng ai thắc mắc gì hết!

Vào ngày kế cuối, chúng tôi đã đi xong sách Ma-la-chi. Tôi vẫn còn mười hai giờ để dạy mà không biết phải dạy gì. Một khi bạn đã dạy sách Ha-ba-cúc rồi thì còn gì để dạy nữa?

Vậy vào ngày cuối cùng, tôi chọn một đề tài ngẫu nhiên để dạy. Nhưng chưa đầy một giờ đồng hồ, một lãnh đạo đã cắt ngang: “Chúng tôi có câu hỏi.”

Lo lắng rằng tôi đã nói sai điều gì, tôi đáp rằng: “Có vấn đề gì?”

Ông đáp: “Mục sư đã dạy chúng tôi về Cựu Ước nhưng chưa dạy về Tân Ước.”

Tôi cười, nhưng ông ấy nói rất nghiêm túc.

Ông nói rằng: “Hôm nay chúng tôi muốn học về Tân Ước.”

Vì các lãnh đạo khác trong phòng đều gật đầu, tôi không còn sự lựa chọn nào khác. Trong mười một giờ đồng hồ tiếp theo, chúng tôi nhanh chóng đi từ sách Ma-thi-ơ đến sách Khải Huyền.

Hãy tưởng tượng bạn tham dự một giờ nhóm thờ phượng tại một trong số các Hội Thánh tư gia tại đây. Đây không phải là ngày huấn luyện học Kinh Thánh. Đây chỉ là một buổi nhóm thờ phượng bình thường kéo dài ba giờ đồng hồ vào buổi tối. Vị tín hữu người Châu Á đưa tôi đi đã chỉ dẫn cho tôi như sau: “Xin hãy mặc quần sẫm màu và áo khoác có nón. Mục sư sẽ ngồi phía sau xe và chúng tôi sẽ chở Mục sư vào làng. Xin hãy trùm nón lên và cúi đầu.”

Khi đã đến ngôi làng trong màn đêm tăm tối, một tín hữu Châu Á khác gặp bạn tại cửa xe. Anh ấy nói rằng: “Hãy theo tôi.”

Chiếc nón vẫn còn trùm kín đầu, bạn bò ra khỏi xe, mặt vẫn cúi chặt xuống đất. Bạn bắt đầu bước đi, mắt dán vào bước chân của người đàn ông đang đi trước theo một con đường dài quanh co, tay cầm một chiếc đèn pin nhỏ. Khi bước xuống con đường mòn, bạn bắt đầu nghe thấy nhiều tiếng bước chân ở xung quanh hơn. Cuối cùng, bạn vòng qua một khúc cua và bước vào một căn phòng nhỏ.

Sáu mươi người chen chúc trong một căn phòng nhỏ. Họ thuộc mọi lứa tuổi, từ những cháu gái nhỏ đáng quý đến những cụ ông bảy mươi. Họ ngồi san sát với nhau trên ghế đẩu và trên sàn nhà, những quyển Kinh Thánh xếp chồng trong lòng họ. Mái nhà rất thấp, giữa phòng có một bóng đèn treo lủng lẳng làm nguồn sáng duy nhất.

Không có hệ thống âm thanh.

Không ban nhạc.

Không đàn ghi-ta.

Không giải trí.

Không ghế đệm.

Không máy điều hòa nhiệt độ.

Chẳng có gì ở đây ngoài dân sự của Đức Chúa Trời và Lời Chúa.

Thật lạ lùng, bấy nhiêu đã đủ.

Lời Chúa là đủ đầy đối với hàng triệu tín hữu nhóm lại tại các Hội Thánh tư gia như thế này. Lời Chúa cũng là tất cả đối với hàng triệu tín hữu khác đang nhóm lại trong các khu rừng già Châu Phi, Nam Mỹ và trong các thành phố ở Trung Đông.

Nhưng có phải Lời Chúa là đủ đối với chúng ta?

 

Hội Thánh Thầm Lặng

Những câu hỏi sau đây thường ám ảnh tôi khi đứng trước hàng nghìn tín hữu trong Hội Thánh mà tôi quản nhiệm. Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta bỏ đi âm nhạc và những chiếc ghế đệm êm ái? Điều gì sẽ xảy ra nếu không còn màn hình chiếu và bục giảng không được trang trí? Điều gì sẽ xảy ra nếu máy lạnh bị tắt và những tiện nghi không còn? Liệu khi ấy Lời Chúa vẫn là đủ đầy cho những người nhóm lại?

Tại Hội Thánh Brook Hills, chúng tôi quyết định cố gắng trả lời cho câu hỏi này. Thậm chí chúng tôi đã bỏ đi tất cả những tiết mục giải trí và mời tín hữu đến chỉ để học Lời Chúa trong nhiều giờ liền. Chúng tôi gọi đây là Hội Thánh Bí Mật.

Chúng tôi lập ra một cuộc hẹn – tối thứ Sáu – từ sáu giờ chiều đến giữa đêm, và trong sáu giờ ấy chúng tôi chỉ học Kinh Thánh và cầu nguyện. Theo thường kỳ, chúng tôi sẽ ngừng những buổi học Kinh Thánh trong sáu giờ này để cầu nguyện cho những anh chị em khắp thế giới đang phải bí mật nhóm lại. Chúng tôi cũng cầu nguyện cho chính mình để có thể yêu mến Lời Chúa giống như những anh chị em kia.

Chúng tôi không chắc có bao nhiêu người sẽ đến trong buổi tối đầu tiên, nhưng trước khi kết thúc, khoảng một ngàn người đã đến. Chủ đề của buổi học hôm đó là Cựu Ước. Sau lần đầu tiên, chúng tôi quyết định tiếp tục, và bây giờ chúng tôi phải nhận đăng ký trước vì không thể tiếp đón tất cả mọi người muốn tham gia.

Cảnh tượng yêu thích của tôi đó là nhìn thấy phòng nhóm chật kín người với quyển Kinh Thánh ở bên mình, họ học biết về Đức Chúa Trời và những lời phán của Ngài – vào lúc sau nửa đêm (chúng tôi chưa bao giờ kết thúc đúng giờ). Dù rằng chúng tôi vẫn còn những chiếc ghế đệm – dù chúng tôi đã từng bàn về việc dỡ bỏ những chiếc ghế ấy! Dù rằng chúng tôi vẫn giữ lại những tiện nghi trong tòa nhà kể cả nhà vệ sinh. Nhưng tôi hy vọng chúng tôi vẫn đang bước những bước đi khám phá một dân tộc đói khát sự mặc khải của Chúa là như thế nào.

Điều gì ở Lời Chúa khiến người ta khao khát nghe Lời Ngài nhiều hơn? Và đó không chỉ đơn thuần là để lắng nghe, nhưng cũng mong mỏi, học hỏi, ghi nhớ và làm theo Lời Chúa? Điều gì khiến những tín đồ của Đấng Christ trên khắp thế giới sẵn sàng liều mạng sống họ để học biết về Lời Chúa?

Những câu hỏi trên khiến chúng ta quay về với nền tảng của phúc âm. Về bản chất, phúc âm là sự bày tỏ về bản tánh của Đức Chúa Trời, về con người, và làm cách nào chúng ta có thể được hòa hợp với Ngài. Song, Giấc Mơ Mỹ thì nói rằng mỗi cá nhân là vua của cuộc đời mình, vậy chúng ta có xu hướng nguy hiểm là hiểu sai, hạ thấp hoặc thậm chí sửa đổi lại phúc âm để làm cho phù hợp với những suy nghĩ hoặc dục vọng bản thân. Hậu quả là chúng ta rất cần phải suy xét lại bao nhiêu phần trong phúc âm mà chúng ta biết đã bị ảnh hưởng bởi Giấc Mơ Mỹ và bao nhiêu phần vẫn còn đúng với Kinh Thánh. Và trong khi làm công việc này, chúng ta cần phải đánh giá rằng có phải chúng ta đã hiểu sai đáp ứng đúng đắn với phúc âm là gì và rất có thể chúng ta đã bỏ sót món quà lớn nhất của phúc âm đó chính là Đức Chúa Trời.

 

Ngài thật sự là ai

Phúc âm bày tỏ sự vinh quang của Đức Chúa Trời. Dựa trên Lời Chúa, Ngài là Đấng Tạo Hóa, là Đấng tể trị mọi loài. Ngài biết tất cả mọi việc, Ngài khiến thế giới duy trì hoạt động của nó và tất cả mọi điều trên thế giới này đều thuộc về Ngài. Chúa là Đấng rất thánh khiết. Ngài là Đấng công bình trong mọi công việc, là Đấng luôn đúng đắn trong cơn giận của Ngài và là Đấng yêu thương tất cả tạo vật của Ngài.[14]

Mặc dù vậy, đôi khi tôi tự hỏi có phải chúng ta đã cố tình hay chỉ là vô tình không thể hiện toàn bộ bản tính của Đức Chúa Trời qua phúc âm. Hãy đến những cửa hàng Cơ Đốc, bạn sẽ thấy vô vàn những quyển sách, bài hát và tranh ảnh về một Đức Chúa Trời là Cha yêu thương. Ngài chính là Cha yêu thương. Nhưng Chúa không chỉ là một người Cha yêu thương, và khi chúng ta giới hạn sự hiểu biết của mình về Đức Chúa Trời thì hình ảnh của chúng ta về Ngài sẽ bị bóp méo.

Vâng, Đức Chúa Trời là một người Cha yêu thương, nhưng Ngài cũng là một Quan Án thịnh nộ. Đức Chúa Trời giận dữ mà ghét bỏ tội lỗi. Ha-ba-cúc đã cầu nguyện cùng Chúa rằng: “Mắt Chúa thánh sạch chẳng nhìn sự dữ, chẳng có thể nhìn được sự trái ngược.”[15] Ở một phương diện nào đó, Đức Chúa Trời cũng ghét tội nhân. Câu hỏi đặt ra là: “Điều gì sẽ xảy ra nếu ‘Đức Chúa Trời ghét tội lỗi nhưng yêu tội nhân’?” Vâng, Kinh Thánh đã cho chúng ta câu trả lời. Một tác giả Thi Thiên đã nói với Chúa rằng: “Kẻ kiêu ngạo chẳng đứng nổi trước mặt Chúa; Chúa ghét hết thảy những kẻ làm ác.”[16] Mười bốn lần trong năm mươi chương Thi Thiên đầu tiên mô tả Đức Chúa Trời là Đấng ghét tội nhân, cơn thạnh nộ của Ngài nghịch cùng những kẻ lừa dối. Trong cùng một chương sách của Phúc Âm Giăng, chúng ta tìm thấy những câu Kinh Thánh nổi tiếng nhất nói về  tình yêu thương của Đức Chúa Trời, nhưng tại đây cũng có những câu Kinh Thánh về cơn thạnh nộ của Chúa thường bị chúng ta bỏ sót nhất.[17]

Phúc âm bày tỏ bản tính đời đời của Đức Chúa Trời mà đôi khi chúng ta không muốn nghĩ đến. Chúng ta ưa thích được ngã lưng trên một chiếc ghế, nói những câu sáo rỗng và hình dung về Đức Chúa Trời là một người Cha luôn giúp đỡ nhưng lại phớt Đức Chúa Trời là một Quan Án công bình, Đấng có thể sẽ kết tội chúng ta. Có lẽ đây là lý do khiến chúng ta chất đầy cuộc sống mình bằng sự giải trí trong xã hội – và trong Hội Thánh. Chúng ta sợ rằng nếu chúng ta dừng lại và thật sự học biết Đức Chúa Trời qua Lời Ngài, rất có thể chúng ta sẽ thấy Ngài đáng kính sợ hơn và Ngài đòi hỏi sự thờ phượng sâu sắc hơn điều mà chúng ta sẵn sàng muốn dâng lên Ngài.

Nhưng đây chính là vấn đề. Chúng ta không sẵn lòng dâng lên Chúa điều Ngài đòi hỏi bởi vì tấm lòng của chúng ta đã quay khỏi Chúa. Phúc âm không chỉ bày tỏ Đức Chúa Trời là ai, nhưng cũng bày tỏ chúng ta là ai.

 

Chúng ta là ai

Một giáo sư lớn tuổi kia dạy môn Tuyên Đạo Pháp thường dắt các sinh viên đến một nghĩa trang vào mỗi một học kỳ. Từ bên ngoài nhìn vào hàng chục tấm bia mộ bên trong, vị giáo sư dành hết sự chân thành của mình yêu cầu học trò hãy nói với những ngôi mộ và gọi những người từ trong lòng đất hãy sống lại và chỗi dậy. Sau đôi chút ngượng ngùng và một vài tiếng cười khúc khích, các học trò bắt đầu thử. Dĩ nhiên họ đều thất bại. Vị giáo sư nhìn các học trò mà nhắc nhở một lẽ thật cốt lõi trong phúc âm: con người đều chết trong tâm linh, cũng giống như những cái xác trong nghĩa trang đều đã chết thể lý, và chỉ có lời phán từ Đức Chúa Trời mới có thể đem họ đến với sự sống thuộc linh.

Đây là sự thật về con người. Khi sinh ra, chúng ta đều có một tấm lòng độc ác và thù ghét Chúa. Sáng thế ký 8:21 nói rằng tấm lòng của con người là ác khi còn trẻ, và lời Đức Chúa Giê-su phán trong Lu-ca 11:13 ngụ ý chúng ta đều biết chúng ta là ác. Nhiều người nói rằng: “Tôi luôn yêu Chúa,” nhưng thật sự không ai làm được điều đó. Có thể chúng ta yêu một vị  thần mà chúng ta hình dung trong trí nhưng ghét Đức Chúa Trời mà Kinh Thánh nói đến.

Vì tấm lòng ác, chúng ta chống nghịch Chúa. Chúng ta nhận lấy luật pháp của Đức Chúa Trời được viết trong Lời Ngài và trong lòng của chúng ta, nhưng chúng ta không làm theo. Đây chính là hình ảnh tội lỗi đầu tiên trong Sáng thế ký 3. Mặc dù Đức Chúa Trời đã cấm ăn trái từ cây biết điều thiện và điều ác nhưng chúng ta vẫn sẵn sàng ăn nó.

Chúng ta đã từ bỏ thẩm quyền của Đấng Tạo Hóa đối với chúng ta. Đức Chúa Trời gọi mây bão thì có vậy. Ngài phán gió thổi và mưa rơi thì chúng vâng lời Ngài ngay. Ngài phán cùng núi đồi: “Hãy dời qua kia,” Ngài phán cùng bão biển: “Hãy dừng lại,” núi đồi và biển cả đều vâng lệnh Chúa. Tất cả tạo vật đều vâng lệnh Đấng Tạo Hóa… trừ bạn và tôi. Chúng ta cả gan nhìn vào mặt Chúa và nói: “Không.”

Đức Chúa Giê-su phán rằng người nào phạm tội thì làm tôi mọi cho tội lỗi, và Phao-lô tiến một bước xa hơn khi nói rằng chúng ta bị chính ma quỷ bắt làm tôi mọi.[18] Vì là nô lệ cho tội lỗi, chúng ta không nhìn thấy lẽ thật của Đức Chúa Trời. Ê-phê-sô 4:18 nói rằng trí khôn của chúng ta tối tăm và tấm lòng của chúng ta cứng cỏi. Dựa theo 2 Cô-rinh-tô 4:4, chúng ta không thể nhìn thấy Đấng Christ bởi vì đã bị mù lòa thuộc linh.

Kinh Thánh nói chúng ta là kẻ thù nghịch Đức Chúa Trời và là đối tượng của cơn thạnh nộ Chúa. Chúng ta là những người chết trong tâm linh và mãi mãi bị phân cách khỏi Đức Chúa Trời.[19] Điều khủng khiếp đó là chúng ta không thể làm gì để thay đổi địa vị của mình trước Chúa. Người ác không thể chọn điều tốt, nô lệ không thể đem lại sự tự do cho mình, người mù không thể làm cho mình nhìn thấy, điều gây nên cơn thạnh nộ không thể tự làm cho nguôi cơn thạnh nộ và người chết không thể tự làm cho mình sống lại được.

Phúc âm khiến chúng ta đối mặt với tình trạng tội lỗi đầy vô vọng. Nhưng chúng ta không thích nhìn thấy chính mình trong phúc âm nên đã lùi bước. Chúng ta sống trong một vùng đất mà mỗi cá nhân phải tự phát triển chính mình. Hiển nhiên có những điều chúng ta có thể làm để cải thiện bản thân. Chính vì thế chúng ta đã điều chỉnh lại những gì phúc âm nói về con người.

Chúng ta nghĩ rằng con người không độc ác và chắc chắn không chết trong tâm linh. Bạn đã từng nghe về sức mạnh của tư duy tích cực chưa? Tôi có thể là một người tốt hơn và có một cuộc sống tốt nhất ngay bây giờ. Đó là lý do vì sao có Chúa. Đời sống của tôi không đi đúng hướng, nhưng Đức Chúa Trời yêu tôi và có kế hoạch sửa đổi đời sống của tôi. Tôi chỉ cần làm những việc nào đó, đánh dấu vào ô vuông trong tờ phiếu đánh giá, và tôi đã là một người tốt.

Cách chúng ta phân tích tình hình và giải pháp của chúng ta đề ra hoàn toàn phù hợp với một xã hội tôn sùng tính độc lập, tự tôn và tự tin. Vì đã đánh giá khá cao về đạo đức bản thân nên khi thêm vào đó một lời cầu nguyện mang tính tâm linh, đôi khi tham dự nhà thờ và làm theo một vài điều được viết ra trong Kinh Thánh, chúng ta cảm thấy khá yên tâm rằng cuối cùng chúng ta cũng sẽ ổn.

Tuy nhiên hãy lưu ý sự đối lập khi bạn phân tích vấn đề dựa trên Kinh Thánh. Phúc âm hiện đại nói rằng: “Đức Chúa Trời yêu thương bạn và Ngài có kế hoạch tuyệt vời dành cho bạn. Hãy làm theo những bước này để được cứu.” Ngược lại, phúc âm theo Kinh Thánh thì nói rằng: “Bạn là kẻ thù của Đức Chúa Trời, một người chết trong tội lỗi, một người phản nghịch, bạn thậm chí còn không biết mình cần sự sống, huống gì có thể tự đem lại sự sống cho mình. Vậy, bạn hoàn toàn cần Chúa làm điều gì đó cho đời sống bạn, điều mà bạn không bao giờ có thể làm được.”

Phúc âm hiện đại bán được sách và thu hút đám đông. Phúc âm theo Kinh Thánh thì cứu rỗi linh hồn. Vậy điều nào quan trọng hơn?

Qua phúc âm, Đức Chúa Trời bày tỏ con người cần Chúa như thế nào. Ngài cho chúng ta thấy rằng chúng ta không thể làm gì để được đến với Ngài. Chúng ta không thể chế tạo sự cứu rỗi. Chúng ta không thể lập trình sự cứu rỗi. Chúng ta không thể sản xuất sự cứu rỗi. Thậm chí chúng ta không thể khởi xướng sự cứu rỗi. Đức Chúa Trời phải mở đôi mắt của chúng ta, giải phóng chúng ta, chiến thắng cái ác của chúng ta và làm nguôi cơn thạnh nộ của Ngài. Ngài phải đến với chúng ta.

Và đây chính là vẻ đẹp của phúc âm.

 

Chúng ta cần gì

Tôi còn nhớ khi ngồi bên ngoài một ngôi chùa Phật Giáo tại Indonesia. Người ta đứng đầy trong sân với nhiều sắc màu được trang trí tỉ mỉ, hằng ngày thực hiện những nghi thức tôn giáo. Trong lúc đó tôi tham gia vào cuộc trò chuyện với một lãnh đạo Phật Giáo và một lãnh đạo Hồi Giáo tại khu vực này. Họ nói rằng mọi tôn giáo đều có nền tảng giống nhau nhưng chỉ khác nhau ở một số điều. Một người nói: “Có thể chúng ta khác biệt quan điểm về những vấn đề nhỏ, nhưng ở những vấn đề cốt yếu thì các tôn giáo của chúng ta đều giống nhau.”

Tôi lắng nghe một lúc và rồi họ hỏi tôi nghĩ gì. Tôi nói: “Có vẻ như các anh đều nghĩ Đức Chúa Trời (hoặc đấng mà các anh đang gọi là chúa) ở trên đỉnh một ngọn núi. Có vẻ như các anh đều nghĩ chúng ta đều ở chân núi, và tôi có thể chọn một con đường để lên đến đỉnh núi, anh có thể chọn một con đường khác nhưng cuối cùng chúng ta đều đến cùng một nơi.”

Họ tươi cười và vui mừng đáp rằng: “Đúng vậy! Bạn hiểu rồi đấy!”

Tôi ngả người về phía trước và nói: “Giờ tôi xin hỏi các anh một câu. Các anh nghĩ gì nếu tôi bảo các anh rằng Đức Chúa Trời mà các anh cho rằng đang ở đỉnh núi đã đi xuống chân núi với chúng ta? Các anh nghĩ gì nếu tôi bảo các anh rằng Đức Chúa Trời không chờ đợi con người tìm đường đến với Ngài, nhưng ngược lại Ngài đã đến với chúng ta?”

Họ suy nghĩ một lúc rồi đáp lại. “Điều đó thật tuyệt.”

Tôi nói: “Tôi xin giới thiệu với các anh về Đức Chúa Giê-su.”

Đây chính là phúc âm. Nếu bạn và tôi hiểu sự cứu rỗi là chọn tìm đến Chúa, chúng ta sẽ thấy mình giữa biển cả tôn giáo vô nghĩa trong thế giới này, những tôn giáo đó kết án con người bằng cách đề cao khả năng của con người có thể tìm đến với Chúa. Ngược lại, khi bạn và tôi nhận biết chúng ta là người ác, đã chết trong tội lỗi và đáng chịu cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời mà không tự tìm cho mình lối thoát, khi ấy chúng ta bắt đầu biết được mình cần Chúa như thế nào.

Hiểu biết về Đức Chúa Trời và về con người sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự hiểu biết của chúng ta về Đấng Christ và lý do chúng ta cần Ngài. Ví dụ như nếu Đức Chúa Trời chỉ là một người Cha yêu thương, một Đấng muốn giúp đỡ dân sự của Ngài thì chúng ta sẽ nhìn thấy Đấng Christ chỉ là một mẫu mực về tình yêu thương ấy. Chúng ta sẽ nghĩ Thập giá là một hành động bày tỏ tình yêu thương của Đức Chúa Trời mà tại đó Đức Chúa Trời cho phép quân lính La-mã đóng đinh Con Ngài để con người tội lỗi biết được Chúa yêu họ đến mực nào.

Tuy nhiên đây là hình ảnh đầy khiếm khuyết về Đấng Christ và Thập giá, hình ảnh này đánh mất điều quan trọng của phúc âm. Chúng ta không được cứu khỏi tội lỗi bởi vì Đức Chúa Giê-su bị người Do Thái và các quan chức La-mã xét xử bất công và bị Phi-lát tuyên án tử hình. Chúng ta cũng không được cứu bởi vì quân lính La-mã đã đóng đinh vào tay, chân của Chúa và treo Ngài trên thập giá.

Chúng ta có thật sự nghĩ rằng bản án sai lầm của con người chất trên Đức Chúa Giê-su có thể trả món nợ tội lỗi của toàn thể nhân loại? Chúng ta có nghĩ rằng một chiếc mão gai, những lằn roi, những chiếc đinh nhọn, thập giá và những điều khác liên quan đến việc đóng đinh phạm nhân trên thập tự giá mà chúng ta ca ngợi có đủ năng quyền để cứu chúng ta?

Hãy hình dung Đức Chúa Giê-su trong Vườn Ghết-sê-ma-nê. Khi Ngài quỳ trước Đức Chúa Cha, những giọt mồ hôi và máu từ đầu Ngài chảy xuống. Tại sao Chúa đau đớn tột cùng như vậy? Câu trả lời không phải vì Ngài sợ đóng đinh trên cây thập tự. Chúa không run sợ vì những quân lính La-mã sẽ làm gì đối với Ngài.

Kể từ ngày đó, vô số người nam và nữ trong lịch sử Cơ Đốc Giáo đã chết vì đức tin. Có những người không chỉ bị treo trên thập giá mà còn bị hỏa thiêu. Rất nhiều người đã hát khi đến với thập giá.

Một Cơ Đốc nhân tại Ấn Độ khi bị lột da sống, anh đã nhìn những người bách hại mình mà nói rằng: “Cảm ơn các anh đã làm điều này. Hãy xé bỏ chiếc áo cũ của tôi, bởi vì tôi sẽ sớm được mặc chiếc áo công chính của Đấng Christ.”

Trước lúc đến chỗ hành hình, Christopher Love đã viết một tờ giấy cho vợ mình nói rằng: “Hôm nay họ sẽ cắt chiếc đầu trên thân thể anh, nhưng họ không thể cắt chiếc đầu thuộc linh của anh, chính là Đấng Christ.” Khi bước ra pháp trường, vợ của ông đã vỗ tay khích lệ còn ông thì hát về sự vinh quang.

Phải chăng những người nam và nữ này trong lịch sử Cơ Đốc đã có nhiều dũng khí hơn chính Đức Chúa Giê-su? Tại sao Chúa lại run sợ trong khu vườn ấy, tại sao Ngài khóc và đầy khổ não? Chúng ta biết chắc rằng Đức Chúa Giê-su không phải là một người hèn nhát trước quân lính La-mã. Ngược lại, Ngài chính là Đấng Cứu Rỗi sẽ nhận lấy cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời.

Hãy lắng nghe lời cầu nguyện của Chúa: “Cha ơi! Nếu có thể được, xin cho chén nầy lìa khỏi Con!” Từ “chén” ở đây không nói đến cây thập tự bằng gỗ; từ “chén” ở đây chỉ về sự đoán phạt của Đức Chúa Trời. Đây là chén thạnh nộ của Đức Chúa Trời.[20]

Đây chính là điều khiến Đức Chúa Giê-su chùn lại tại khu vườn ấy. Tất cả cơn thạnh nộ thánh và sự ghét bỏ của Đức Chúa Trời đối với tội lỗi và tội nhân được lưu lại từ thời khởi thủy sẽ đổ trên Ngài, và Đức Chúa Giê-su đã đổ mồ hôi máu khi nghĩ về điều này.

Những gì xảy ra tại thập giá không đơn thuần chỉ là những chiếc đinh đóng vào tay và chân của Đức Chúa Giê-su nhưng là cơn thạnh nộ vì tội lỗi của bạn và tôi được đổ trên linh hồn của Chúa. Trong khoảnh khắc thánh ấy, tất cả cơn thạnh nộ về sự công chính và luật pháp của Đức Chúa Trời đối với chúng ta như một dòng nước lũ đổ xuống trên Đức Chúa Giê-su Christ. Có người nói rằng: “Đức Chúa Trời nhìn xuống và không thể chịu được những sự đau đớn mà những quân lính đã gây ra cho Đức Chúa Giê-su nên Ngài quay đi.” Nhưng điều này không đúng. Đức Chúa Trời quay đi vì Ngài không thể chịu được khi nhìn thấy tội lỗi của bạn và tôi chất trên Con Ngài.

Một mục sư đã tả việc này giống như bạn và tôi đứng khoảng vài trăm mét cách một đập nước cao mười ki-lô-mét và rộng mười ki-lô-mét. Đột nhiên con đập vỡ và dòng nước hung hãn tiến về phía chúng ta. Ngay khi dòng nước dữ dội kịp chạm đến chân của chúng ta, mặt đất nứt ra nuốt tất cả số nước ấy. Tại thập giá, Đức Chúa Giê-su Christ uống trọn chén thạnh nộ của Đức Chúa Trời, và khi Ngài đã uống đến giọt cuối cùng, Ngài cầm chiếc chén và kêu lên: “Mọi việc đã được trọn.”

Đây chính là phúc âm. Đấng Tạo Hóa công chính và đầy yêu thương của cả hoàn vũ đã nhìn thấy những con người tội lỗi vô vọng, Ngài ban Con Ngài, là Đức Chúa Trời trong xác thịt, trên thập giá Ngài đã gánh lấy cơn thạnh nộ đối với tội lỗi và Ngài phục sinh, bày tỏ năng quyền của Ngài chiến thắng tội lỗi để những ai tin cậy nơi Chúa sẽ được mãi mãi hòa thuận cùng Đức Chúa Trời.

 

 

Sự bày tỏ trọn vẹn cần được tiếp nhận cách trọn vẹn

Chúng ta đáp ứng với phúc âm này như thế nào? Những lời rao truyền của nền Cơ ĐốcGiáo đương đại đột nhiên không còn thích hợp. Hãy tiếp nhận Đức Chúa Giê-su vào lòng. Hãy mời Đức Chúa Giê-su vào đời sống bạn. Hãy cầu nguyện như thế này, ký vào giấy này, hãy đi theo lối này và tiếp nhận Đức Chúa Giê-su là Đấng Cứu Rỗi của cá nhân bạn. Dường như việc cố gắng giảm bớt phúc âm này thành một bài trình bày có thể thuyết phục người khác nói hoặc cầu nguyện theo chúng ta không còn phù hợp nữa.

Đó là lý do vì sao những cụm từ hướng dẫn do con người nghĩ ra này không có trong Kinh Thánh. Bạn sẽ không tìm thấy một câu Kinh Thánh nào hướng dẫn người ta phải: “cúi đầu, nhắm mắt và lặp lại theo tôi.” Bạn sẽ không thấy Kinh Thánh nói đến lời cầu nguyện của tội nhân mê tín. Và bạn cũng sẽ không thấy Kinh Thánh nhấn mạnh đến việc tiếp nhận Đức Chúa Giê-su.[21] Chúng ta nhận lấy Con Đức Chúa Trời vô cùng vinh hiển, Đấng đã gánh lấy cơn thạnh nộ vô cùng kinh khủng của Đức Chúa Trời và Đấng đang trị vì là Chúa của mọi loài, và chúng ta đã biến Ngài thành một Đấng Cứu Rỗi yếu ớt, tội nghiệp, Đấng van xin chúng ta tiếp nhận Ngài.

Tiếp nhận Ngài? Chúng ta thật sự nghĩ rằng Ngài cần chúng ta tiếp nhận? Chẳng phải chúng ta cần Chúa hay sao?

Tôi mời bạn hãy suy nghĩ về một đáp ứng phải lẽ với phúc âm này. Chắc chắn một lời cầu nguyện là chưa đủ. Chắc chắc việc tham dự nhà thờ vẫn chưa đủ. Chắc chắn phúc âm này đòi hỏi sự đầu phục vô điều kiện trọn vẹn con người và những gì chúng ta có cho Chúa.

Bạn và tôi cần xem xét chúng ta đã bao giờ thật sự tin cậy nơi Đức Chúa Giê-su Christ để nhận được sự cứu rỗi hay chưa? Bởi vì Đức Chúa Giê-su đã phán những điều này tại cuối Bài giảng trên núi, và đây cũng là phần Kinh Thánh khiến chúng ta phải hạ mình nhiều nhất.

Chẳng phải hễ những kẻ nói cùng ta rằng: “Lạy Chúa, lạy Chúa,” thì đều được vào nước thiên đàng đâu; nhưng chỉ kẻ làm theo ý muốn của Cha ta ở trên trời mà thôi. Ngày đó, sẽ có nhiều người thưa cùng ta rằng: “Lạy Chúa, lạy Chúa, chúng tôi chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri sao? nhân danh Chúa mà trừ quỉ sao? và lại nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ sao?” Khi ấy, ta sẽ phán rõ ràng cùng họ rằng: “Hỡi kẻ làm gian ác, ta chẳng biết các ngươi bao giờ, hãy lui ra khỏi ta!”[22]

Tại đây Đức Chúa Giê-su không giảng cho những người không có niềm tin, những người vô thần, hoặc những người theo thuyết bất khả tri. Ngài cũng không giảng cho những người có tôn giáo khác. Nhưng Chúa đang phán cùng những người mộ đạo tận tâm, những người bị lừa dối để nghĩ rằng họ đang đi trên con đường hẹp dẫn đến thiên đàng nhưng thực tế họ đang đi trên con đường rộng dẫn xuống địa ngục. Theo lời Đức Chúa Giê-su, rồi một ngày trong tương lai, rất nhiều người sẽ sững sờ – mãi mãi kinh ngạc – vì biết rằng họ không được tiếp nhận vào vương quốc của Đức Chúa Trời.

Sự lừa dối thuộc linh là có thật. Là một Mục sư, tôi cảm thấy rùng mình và mất ngủ khi suy nghĩ rất có thể nhiều người ngồi trước mặt tôi vào buổi sáng Chủ Nhật đang nghĩ rằng họ đã được cứu nhưng thật ra không phải. Vô số người đang đi trên con đường tôn giáo mà tại đó những lời hứa nguyện vĩ đại được trả bằng cái giá thấp nhất. Chúng ta đã được dạy rằng tất cả những gì bạn cần làm đó là một lần quyết định trong đời, hoặc thậm chí chỉ là đồng ý với Đức Chúa Giê-su, nhưng sau đó chúng ta không cần quan tâm đến những mệnh lệnh, những chuẩn mực và sự vinh hiển của Chúa. Chúng ta có một tấm vé lên thiên đàng nên có thể sống theo cách mình muốn trên đất này. Tội lỗi của chúng ta sẽ được dung thứ. Rất nhiều lời truyền giảng hiện đại ngày nay đang dẫn dắt người khác đi theo con đường này, người ta đổ xô đi theo, nhưng kết cục là con đường ấy được xây trên cát lún và làm vỡ mộng hàng triệu linh hồn.

Sự công bố phúc âm theo đúng Kinh Thánh kêu gọi một sự đáp ứng khác và dẫn chúng ta đi vào một con đường khác. Tại đây phúc âm đòi khỏi và khiến chúng ta có thể quay mặt khỏi tội lỗi, vác thập tự giá, chết đi chính mình và đi theo Đức Chúa Giê-su. Đây chính là những điều mà Kinh Thánh nói đến. Giờ đây sự cứu rỗi bao gồm sự chiến đấu trong tâm linh chống lại bản chất tội lỗi trong tấm lòng, chống lại những hành động trụy lạc và một sự khao khát ân điển Chúa. Đức Chúa Giê-su không còn là Đấng cần được tiếp nhận hoặc được mời vào lòng, nhưng là Đấng hoàn toàn xứng đáng để chúng ta đầu phục trọn vẹn.

Có lẽ điều này giống như chúng ta phải tìm đường đến với Đức Chúa Giê-su bằng cách trọn vẹn vâng lời Chúa, nhưng không đúng. Ngược lại, “Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình.”[23] Chúng ta được cứu khỏi tội lỗi nhờ món quà ân điển, chúng ta không thể tự cứu mình được nhưng chỉ có Đức Chúa Trời có thể làm điều đó trong chúng ta.

Nhưng món quà ân điển cũng kèm theo món quà tấm lòng mới. Những khao khát mới. Những mong muốn mới. Lần đầu tiên trong đời, chúng ta muốn có Chúa. Chúng ta nhìn thấy mình cần có Chúa và chúng ta yêu Ngài. Chúng ta tìm kiếm Chúa và tìm được, chúng ta khám phá rằng món quà lớn nhất của sự cứu rỗi đó chính là Chúa. Chúng ta nhận ra rằng chúng ta được cứu không chỉ để được tha thứ tội lỗi hoặc để đảm bảo về chỗ ở đời đời trên thiên đàng, nhưng chúng ta được cứu là để biết Chúa. Chính vì thế chúng ta khao khát Chúa. Chúng ta muốn Chúa hơn bất kỳ điều gì khác. Đây chính là đáp ứng phải lẽ duy nhất đối với sự bày tỏ của Chúa qua phúc âm.

Đây chính là lý do những người nam, người nữ khắp thế giới liều mạng sống họ để được biết về Chúa nhiều hơn. Đây là lý do vì sao chúng ta cần tránh những tranh biếm họa Cơ Đốc rẻ tiền nhưng không đề cao sự bày tỏ của Đức Chúa Trời qua Lời Ngài. Đây là lý do vì sao chúng ta không thể chọn điều gì khác hơn ngoài một phúc âm đặt trọng tâm nơi Đức Chúa Trời, tôn vinh Đức Chúa Trời và từ bỏ chính mình.

 

Hãy cho chúng tôi sự đói khát

Tôi không ngừng cầu nguyện cho sự đói khát này sẽ xảy đến cho Hội Thánh mà Đức Chúa Trời đã giao phó cho tôi lãnh đạo và cho những Hội Thánh trên đất nước của chúng ta. Tôi cầu nguyện rằng chúng ta sẽ là một dân tộc từ chối ăn ngấu nghiến những thức ăn giải trí vui thích của thế giới này, bởi vì chúng ta đã chọn tìm kiếm sự thỏa mãn trong kho báu vĩnh cữu là Lời Chúa. Tôi cầu nguyện rằng Đức Chúa Trời sẽ khơi dậy trong tấm lòng và tâm trí bạn một niềm đam mê sâu xa và vĩnh cữu đối với phúc âm là sự bày tỏ vĩ đại của Đức Chúa Trời.

Khi đọc những email của tôi ngày hôm nay, tôi cười. Một bức thư do một người phụ nữ mà tôi không quen biết gửi đến từ Las Vegas. Ngày hôm qua trên chuyến bay bà đã ngồi cạnh một thuộc viên trong Hội Thánh của chúng tôi tại Birmingham. Bà kể với tôi rằng trên suốt chuyến bay, anh ấy đã chăm chú đọc Kinh Thánh. Bà mô tả sự mãnh liệt được thể hiện qua gương mặt của anh ấy. Bà bắt chuyện cùng người này, và theo lời của bà “ánh mắt anh ngấn lệ” khi kể về khao khát của anh dành cho Đức Chúa Giê-su Christ và ước muốn được biết Ngài nhiều hơn. Bà hỏi anh thuộc Hội Thánh nào và bà gửi email này để khích lệ tôi.

Một bức thư khác từ một sinh viên đại học gần đây đã tham gia vào một sự kiện lớn của Hội Thánh. Bằng giọng văn nhẹ nhàng, cô chia sẻ mình đã thất vọng như thế nào khi vị mục sư gần như bỏ qua Lời Chúa. Mặc dù sự kiện có rất đông người tham gia và mọi thứ dường như rất thành công, nhưng cô nhận thấy một khoảng trống hiện rõ. Cô kết luận: “Con nghĩ rằng nếu các mục sư không thể nghĩ ra điều gì khác hơn ngoài những bài diễn văn truyền cảm hứng thì có lẽ họ chỉ cần đọc Kinh Thánh là đủ cho bài giảng của họ. Bấy nhiêu đấy thôi cũng đủ để Đức Thánh Linh hành động.” Chắc hẳn tôi không phải là người giảng đạo giỏi nhất, và chắc chắn rằng tôi không muốn dẫn dắt người ta đi chỉ trích những người giảng đạo, nhưng tôi vui khi nghe một sinh viên đại học nói rằng cô thật sự muốn thấy sự bày tỏ của Chúa.

Bức thư thứ ba đến từ một thuộc viên trong gia đình đức tin của chúng tôi gần đây đã tham gia vào một buổi nhóm của Hội Thánh Bí Mật. Chủ đề của buổi nhóm ngày hôm đó là “Đức Chúa Trời là ai?”, chúng tôi đã khám phá sự vinh hiển của những bản tính của Đức Chúa Trời. Người này quyết định rằng những sự dạy dỗ về Đức Chúa Trời này quá tuyệt vời và anh không thể giữ cho riêng mình. Anh viết thư cho tôi từ Uganda (một quốc gia Châu Phi), tại đó anh dạy dỗ những tín lý về Đức Chúa Trời cho các thuộc viên trong Hội Thánh và những lãnh đạo. Anh không phải là người trong ban chấp sự, cũng không phải là một giáo phẩm được cung lương; anh chỉ đơn thuần là một người yêu mến Lời Chúa. Anh viết rằng: “Thưa Mục sư, nhờ ân điển tôi có thể dạy mười giờ một ngày từ tấm lòng của mình! Chúng tôi ngồi hằng giờ liền nói chuyện về Lời Chúa, và Đức Chúa Trời đã phán những lẽ thật bằng cánh tay năng quyền của Ngài mà tôi không thể nào kể hết cho mục sư được! Ngợi khen danh vinh hiển của Đức Chúa Giê-su Christ – Ngài được tôn cao tại châu lục xa xôi này!”

Sự bày tỏ của Đức Chúa Trời qua phúc âm rất tốt lành. Tôi mời bạn tiếp nhận điều ấy. Có lẽ đây là lần đầu tiên bạn tin cậy Đức Chúa Giê-su Christ mà phúc âm nói đến và có lẽ đây là lần đầu tiên bạn nhận được một tấm lòng mới, một tấm lòng không chỉ được làm sạch tội lỗi nhưng cũng là một tấm lòng khao khát Chúa. Hoặc có lẽ đơn giản là phục hồi sự khao khát Lời Chúa – sự bày tỏ toàn vẹn về chính Ngài – và một lần nữa khám phá phần thưởng khi học biết và kinh nghiệm Chúa.

Chương Ba

 

BẮT ĐẦU Ở ĐIỂM KẾT THÚC CỦA BẢN THÂN.

NHỜ CẬY QUYỀN NĂNG ĐỨC CHÚA TRỜI THẬT QUAN TRỌNG

Tôi đã đến Indonesia, quốc gia với số tín đồ Hồi Giáo đông nhất trên thế giới, để giảng dạy tại một Chủng viện Thần học. Trước khi các sinh viên tại đây được tốt nghiệp, mỗi người cần phải mở một hội thánh mới ở một cộng đồng Hồi Giáo, và hội thánh này cần có ít nhất ba mươi tân tín hữu được làm phép báp-têm. Tôi đã phát biểu tại buổi lễ tốt nghiệp và khi các tân cử nhân bước lên lễ đài, tôi bị quyến rũ bởi những gương mặt khiêm nhường nhưng cũng đầy tự tin. Mỗi một tân cử nhân đều đã hoàn thành yêu cầu thành lập hội thánh mới từ phía nhà trường. Phần trang nghiêm nhất của buổi lễ là phút mặc niệm dành cho hai sinh viên đã mất dưới sự bắt bớ của những người Hồi Giáo.

Thật là một đặc ân được biết các sinh viên tại đây và lắng nghe câu chuyện của họ. Một người anh em tên Raden đã chia sẻ lời chứng của anh. Với sự nồng nhiệt trong đôi mắt và một giọng nói đầy mãnh liệt, anh nói: “Trước khi trở thành Cơ Đốc nhân, tôi là một võ sĩ. Tôi đã học ninja, nhu thuật và nhiều kỹ thuật võ công khác để hạ gục người khác.”

Tôi gật đầu, trong lòng thầm nghĩ: Đừng gây chuyện với Raden.

Anh tiếp, “Một ngày nọ tôi đi chia sẻ phúc âm trong một ngôi làng chưa biết đến Chúa. Khi đang chia sẻ về Chúa cho một gia đình thì một thầy phù thủy bước vào nhà.” Thầy phù thủy rất phổ biến trong các ngôi làng như thế này. Họ thống trị cộng đồng bằng bùa chú và những lời nguyền rủa.

Raden nói rằng: “Thầy phù thủy mời tôi ra ngoài. Ông ấy muốn đánh nhau với tôi.” Raden cười và thú nhận: “Ý nghĩ đầu tiên của tôi là bước ra và hạ gục hắn. Nhưng khi tôi đi ra ngoài, Chúa phán cùng tôi rằng tôi không cần phải đánh nhau nữa. Chính Chúa sẽ chiến đấu cho tôi.”

Vậy Raden bước ra ngoài, lấy một cái ghế và ngồi xuống trước mặt thầy phù thủy. Anh nói với kẻ thách thức rằng: “Tôi sẽ không đánh. Đức Chúa Trời của tôi sẽ chiến đấu thay tôi.”

Raden kể lại chi tiết sự việc xảy ra tiếp theo. “Khi thầy phù thủy bắt đầu lên tiếng, hắn không thể thở được. Hắn bị nghẹt cổ và cố hớp lấy không khí. Dân làng chạy đến xem việc gì xảy ra, và chỉ trong một vài phút tên thầy này ngã xuống chết.”

Đến lúc này cả làng đã vây kín hiện trường. Raden nói: “Tôi chưa từng chứng kiến việc gì giống như thế và không biết phải làm sao. Nhưng rồi tôi nghĩ, có lẽ đây là thời điểm tốt để giảng phúc âm.” Raden cười và nói rằng: “Thế là tôi chia sẻ phúc âm và rất nhiều người trong làng đã tin Chúa trong ngày hôm đó.”

Tất nhiên tôi không khuyến nghị đây là một phương pháp để mở mang hội thánh mới. Nói lời công bố để khiến người khác chết không phải là ý hay. Tuy nhiên câu chuyện này nhắc nhở tôi rằng hai nghìn năm trước các tín hữu đã công bố nhân danh Đức Chúa Giê-su thì người mù được thấy, người què được đi và người chết sống lại. Danh Đức Chúa Giê-su có năng quyền đuổi quỷ và đem những tấm lòng cứng cỏi đến với Đức Chúa Trời. Và thực tế là hai nghìn năm sau Danh của Ngài vẫn vô cùng vĩ đại.

Vậy câu hỏi đó là chúng ta có tin cậy nơi quyền năng của Chúa không? Vấn đề là trong xã hội ngày nay chúng ta rất dễ bị cám dỗ để phụ thuộc vào năng lực của bản thân. Chính vì thế thách thức của chúng ta đó là sống hoàn toàn phụ thuộc và khao khát quyền năng mà chỉ Đức Chúa Trời mới có thể ban cho.

 

Điều nguy hiểm tinh vi

Chúng ta đã biết giấc mơ Mỹ khác biệt so với sự kêu gọi của Đức Chúa Giê-su và điều cốt yếu của phúc âm như thế nào. Sự khác biệt này càng rõ rệt hơn khi chúng ta đối chiếu sự tin cậy nơi năng quyền của Đức Chúa Trời với sự nương cậy nơi khả năng của bản thân.

Dựa trên giấc mơ Mỹ, chúng ta có thể làm được bất cứ điều gì chúng ta quyết tâm đạt được. Những điều chúng ta có thể làm được là vô tận nếu chúng ta kết hợp tài khéo, sự tưởng tượng, sự cải tiến cùng với kỹ năng và sự chăm chỉ. Chúng ta có thể đạt được bất kỳ bằng cấp giáo dục, mở công ty, thăng tiến, được khen thưởng và đạt được bất kỳ mục tiêu nào. James Truslow Adams, người được cho là đã tạo ra khái niệm “giấc mơ Mỹ” năm 1931, đã nói về điều này như sau: “một giấc mơ… mà ai cũng có thể đạt được một cách trọn vẹn nhất điều mà họ hoàn toàn có thể làm được và được người khác công nhận.”[24]

Vậy bức tranh này có gì sai? Hiển nhiên chăm chỉ làm việc và khát vọng cao cả không phải là điều xấu, và chúng ta cũng nên tán dương sự tự do theo đuổi những mục đích cá nhân. Kinh Thánh rõ ràng khen ngợi những điều trên. Tuy nhiên giấc mơ Mỹ dựa trên cơ sở là một giả định nguy hiểm, nếu không thận trọng chúng ta sẽ vô tình chấp nhận giả định đó, đồng thời giấc mơ Mỹ có một đích đến chết người mà nếu không cẩn thận chúng ta sẽ đi đến vạch đích ấy.

Giả định nguy hiểm mà chúng ta vô tình chấp nhận trong giấc mơ Mỹ đó là: khả năng của bản thân chính là tài sản lớn nhất của chúng ta. Giấc mơ Mỹ đề cao những gì con người có thể đạt được khi nhờ cậy bản thân, và chúng ta bị cuốn theo suy nghĩ ấy. Tuy nhiên phúc âm có những ưu tiên khác. Phúc âm dạy chúng ta phải chết đi chính mình, tin vào Đức Chúa Trời và nhờ cậy quyền năng của Ngài. Trong phúc âm, chúng ta thấy mình bất lực hoàn toàn, ngoài Chúa chúng ta không thể đạt được điều gì giá trị. Đây chính là điều Đức Chúa Giê-su đã dạy: “Ta là gốc nho, các ngươi là nhánh. Ai cứ ở trong ta và ta trong họ thì sinh ra lắm trái; vì ngoài ta, các ngươi chẳng làm chi được.”[25]

Điều quan trọng hơn đó là đích đến chết người đầy tinh vi mà chúng ta sẽ đi đến khi theo đuổi giấc mơ Mỹ. Khi đạt được mục tiêu nhờ sức lực bản thân, chúng ta sẽ tôn vinh chính mình. Dùng lời của Adams, chúng ta sẽ “được người khác công nhận.” Tựu trung, đây mới chính là mục đích của giấc mơ Mỹ: khiến bản thân trở nên quan trọng. Nhưng ở điểm này, phúc âm và giấc mơ Mỹ rõ ràng đối lập với nhau. Giấc mơ Mỹ tôn cao con người, nhưng ngược lại mục đích của phúc âm là tôn vinh Đức Chúa Trời.

 

Sự bất lực được đề cao

Trái ngược với giấc mơ Mỹ, Đức Chúa Trời đề cao sự bất lực của chúng ta. Chúa đặt con dân Ngài vào những hoàn cảnh mà họ buộc phải nhờ cậy Chúa và Ngài sẽ giúp đỡ họ theo những cách mà họ không bao giờ có thể thực hiện hoặc tưởng tượng được. Đến cuối cùng, Đức Chúa Trời khiến chính Ngài được tôn cao.[26]

Hãy suy nghĩ về câu chuyện Giô-suê đánh chiếm thành Giê-ri-cô, một thành phố lớn mạnh có tường thành vững chắc. Chắc chắn Giô-suê đã cảm thấy lo lắng bởi vì đây là trận chiến đầu tiên ông lãnh đạo dân tộc của Đức Chúa Trời. Tôi chỉ có thể tưởng tượng Giô-suê đã cảm thấy không tương xứng khi suy tính cho nhiệm vụ trước mắt.

Đó là lý do vì sao ở cuối chương 5 chúng ta nhìn thấy Giô-suê một mình suy nghĩ về cuộc chiến này. Nhưng Đức Chúa Trời bất ngờ xuất hiện. Ở khoảnh khắc ấy Ngài đã hứa với Giô-suê rằng quân đội của ông sẽ chiến thắng và Ngài sẽ cho ông biết phương cách thực hiện.

Có thể bạn sẽ hình dung Giô-suê lắng nghe và suy nghĩ: Chiến lược như thế nào? Một cuộc đột kích ở phía trước? Một kỹ thuật nào đó? Hay là bao vây và khiến kẻ thù chết đói?

Hãy tưởng tượng bạn là Giô-suê và lắng nghe chiến lược sau:

Các chiến binh sẽ đi vòng quanh thành Giê-ri-cô mỗi ngày một lần và cứ đi nhứ thế trong sáu ngày. Bảy thầy tế lễ sẽ mang kèn bằng sừng đi trước hòm giao ước. Vào ngày thứ bảy, hãy đi quanh thành phố bảy lần, các thầy tế lễ đều thổi kèn. Khi các thầy tế lễ thổi một tiếng kèn dài, hãy ra lệnh cho toàn dân la lên thật lớn thì tường thành sẽ sụp đổ, mọi người sẽ tiến vào thành.[27]

Thành thật mà nói, chiến lược này thật lạ lùng. Nếu bạn là Giô-suê, bạn sẽ muốn có một kế hoạch khác.

Tại sao Đức Chúa Trời lên kế hoạch chiếm lấy thành phố đầu tiên ở Đất Hứa như thế này? Chúng ta đừng nên bỏ lỡ ý định của Chúa. Ngài sắp đặt các sự kiện của dân tộc của Chúa để cuối cùng chính Chúa sẽ được tôn vinh cho những sự việc đã xảy ra. Hãy đọc toàn bộ chương 6, bạn sẽ thấy dân Y-sơ-ra-ên chiếm thành Giê-ri-cô đúng như kế hoạch của Chúa. Nhưng hãy cẩn thận chú ý đến điều bạn không nhìn thấy. Bạn không nhìn thấy người Y-sơ-ra-ên khen ngợi những người thổi kèn rằng họ đã làm rất tốt nhiệm vụ. Ngày nay tôi lại nhìn thấy người ta nói với nhau rằng: “A-bi-sai, tôi chưa từng nghe anh chơi nhạc hay đến thế bao giờ.” “Nim-rốt, anh chơi nốt C thật hay.” Không, trái lại bạn nhìn thấy dân Y-sơ-ra-ên thừa nhận chỉ một mình Đức Chúa Trời mới có thể làm công việc này.

Đây chính là cách Đức Chúa Trời hành động. Ngài đặt con dân Chúa vào những vị trí mà họ phải nhờ cậy quyền năng của Ngài, và rồi Chúa sẽ giúp đỡ họ để bày tỏ sự vĩ đại của Ngài.

 

Dựa vào bản thân hay nhờ cậy Đức Thánh Linh?

Đây là điều khiến tôi cảm thấy hối lỗi nhất trên cương vị là một mục sư tại Hoa Kỳ. Tôi đã góp phần tạo nên vô vàn công cụ, phương pháp, kế hoạch và chiến lược để vận hành hội thánh mà không cần đến quyền năng của Đức Chúa Trời. Không chỉ có mục sư nhưng tôi e rằng tất cả chúng ta – mục sư và các tín hữu – đều đã đi theo tâm lý giấc mơ Mỹ một cách mù quáng đến nỗi chúng ta đã tập trung vào khả năng của con người và coi trọng danh tính của cá nhân trong cách chúng ta hoạt động tại Hội Thánh.

Hãy tưởng tượng hội thánh sẽ cần gì khi các doanh nhân thành đạt, những cộng tác viên chăm chỉ, những người về hưu đầy lanh lợi và các sinh viên thuộc linh cùng chung sức với một mục sư đầy sáng tạo để xây dựng một “hội thánh thành công”? Rõ ràng họ sẽ không cần đến năng quyền của Đức Chúa Trời để thu hút con người trong xã hội ngày nay đến với họ. Họ chỉ cần tạo ra một vài yếu tố then chốt là đủ.

Đầu tiên, chúng ta cần phải trình diễn tốt. Trong một xã hội trọng giải trí, chúng ta cần một người có thể thu hút đám đông. Nếu chúng ta không tìm được một diễn giả có ân tứ thì coi như thất bại. Chính vì thế dù là ở trên màn ảnh nhỏ nhưng chúng ta vẫn cần một diễn giả tốt. Và sẽ càng tốt hơn nếu chúng ta có một người hướng dẫn ngợi khen thờ phượng hoàn hảo cùng với các nhạc công thành thạo.

Kế đến, chúng ta cần một nơi để giữ chân đám đông khi họ đến, và đó là lý do chúng ta tập trung mọi nguồn lực để xây dựng cơ sở nhà thờ hàng triệu đô-la làm nơi thực hiện phần trình diễn. Chúng ta phải đảm bảo mọi mặt của tòa nhà đều xuất sắc và cuốn hút. Dù gì đi nữa, đó là điều xã hội chúng ta mong muốn. Thành thực mà nói, chúng ta đều mong muốn như vậy.

Cuối cùng, khi đám đông đã đến nhà thờ, chúng ta cần điều gì đó để họ tiếp tục quay trở lại. Vậy chúng ta cần phải chạy các chương trình – lớp nhập môn, những chương trình xuất sắc nhất – cho thiếu nhi, thanh niên, các gia đình, mọi lứa tuổi và mọi cấp độ. Để có được những chương trình trên, chúng ta cần các chuyên gia thực hiện. Chẳng hạn như, các phụ huynh chỉ cần dắt con của họ đến cửa và các chuyên gia sẽ thực hiện mục vụ của họ với các cháu. Chúng ta không muốn làm điều này tại nhà.

Những sự việc trên nghe có vẻ như đã bị đơn giản hóa quá mức và bị thổi phồng, tuy nhiên có phải khi suy nghĩ về việc xây dựng một hội thánh thành công, năng động và phát triển chúng ta đã nghĩ về những điều trên? Mỗi ngày trên bàn làm việc của tôi chất đầy những tờ bướm quảng cáo về các hội nghị truyền thông sáng tạo, các cơ sở vật chất hạng nhất, các chương trình đổi mới và các hội nghị về lãnh đạo theo mô hình doanh nghiệp tại hội thánh. Chúng ta, những Cơ Đốc nhân, đang sống theo giấc mơ Mỹ trong cộng đồng đức tin. Chúng ta đã thuyết phục chính mình rằng nếu chúng ta có thể sắp xếp các nguồn lực và tổ chức các chiến lược thì tại hội thánh cũng như mọi khía cạnh khác trong đời sống, chúng ta đều có thể đạt được mọi mục tiêu mà chúng ta mong muốn.

Tuy nhiên điều thiếu sót trong bức tranh này là sự khao khát năng quyền của Đức Chúa Trời. Năng quyền của Chúa may ra chỉ là phần phụ thêm cho các chiến lược của chúng ta. Tôi sợ hãi trước viễn cảnh hội thánh mà tôi đang dẫn dắt có thể thực hiện hầu hết các hoạt động một cách trơn tru, hiệu quả và thậm chí gặt hái thành công mà không bao giờ nhận ra rằng Thánh Linh của Đức Chúa Trời đã gần như biến mất khỏi bức tranh. Chúng ta rất dễ đánh lừa chính mình, nhầm lẫn giữa những con người có thể thấy được với đời sống thuộc linh không nhìn thấy được của cộng đồng đó.

 

Một bức tranh khác

Nhưng khi tôi đọc sách Công vụ các sứ đồ và quan sát bức tranh Hội Thánh tại đây, tôi nhìn thấy những hình ảnh rất khác. Tôi nhìn thấy một nhóm nhỏ các môn đồ đầy sợ hãi lẩn trốn trong một căn phòng. Họ biết họ cần năng quyền của Chúa. Họ là người Ga-li-lê, họ bị tầng lớp cao hơn tại Giê-ru-sa-lem xem thường và cho họ là tầng lớp thấp – những người nông thôn không có học thức. Đây là những người nòng cốt cho sự lan rộng của Cơ Đốc Giáo. Họ đang làm gì tại đây? Họ không thiết lập chiến lược. Họ “bền lòng đồng một ý mà cầu nguyện.”[28] Họ không đặt lòng tin nơi chính họ hoặc phụ thuộc vào chính họ. Họ cầu xin năng quyền của Đức Chúa Trời và tin chắc rằng họ sẽ không thể làm được gì nếu không có sự giúp sức của Chúa.

Và rồi Đức Chúa Trời dùng năng quyền của Ngài ban Đức Thánh Linh, mọi việc thay đổi. Những người Ga-li-lê không có học thức này bắt đầu nói phúc âm bằng nhiều ngôn ngữ mà mọi người có thể hiểu được. Đoàn dân đầy choáng ngợp và Phi-e-rơ bắt đầu đứng dậy để giảng về Đức Chúa Giê-su Christ. Phi-e-rơ, người chỉ vài tuần trước đó còn e sợ không giám nhận rằng ông biết Đức Chúa Giê-su, thì giờ đây nhờ năng quyền của Đức Chúa Trời ông có thể đứng trước hàng nghìn người, công bố về Đức Chúa Giê-su. Hơn ba nghìn người được cứu.

Hãy nói về việc phát triển hội thánh. Công vụ 1 bắt đầu với một trăm hai mươi tín hữu, và ở chương 2 đã có hơn ba nghìn tín hữu. Nếu làm một phép tính, sự tăng trưởng là 2500 phần trăm trong ngày hôm đó.

Câu chuyện tiếp tục. Cứ mỗi giờ lại có người đến với Chúa. Ở chương 3, Phi-e-rơ và Giăng giảng về Danh Đức Chúa Giê-su và một người đàn ông bốn mươi tuổi bị què bẩm sinh lần đầu tiên có thể đứng dậy và bước đi. Ở Công vụ 4, họ cầu nguyện cho đến khi tòa nhà nơi họ nhóm lại rúng động. Lu-ca đã viết một lời bình luận đầy ấn tượng như sau: “Khi thấy sự dạn dĩ của Phi-e-rơ và Giăng, biết rõ hai ông là những người tầm thường, ít học, thì họ đều kinh ngạc và nhận ra rằng hai ông đã từng ở với Đức Chúa Giê-su.”[29]

Hội thánh phát triển hơn từ đây. Ở Công vụ 5, “nhiều phép mầu và dấu lạ được thực hiện giữa dân chúng bởi tay các sứ đồ.”[30] Người bệnh được chữa lành, tà linh bị đuổi. Ở chương 6 và 7, các môn đồ gặp phải nhiều hiểm nguy nhưng quyền năng của Chúa càng thêm lên trên họ. Đến chương 8, hội thánh bị tan lạc khắp xứ Giu-đê và Sa-ma-ri, đi đến đâu họ rao giảng phúc âm đến đấy. Phi-líp được Đức Thánh Linh đưa đến một nơi xa để hướng dẫn một người Ê-thi-ô-pi tiếp nhận Chúa. Ở Công vụ 9, Sau-lơ, người bắt bớ Cơ Đốc nhân, trở thành một môn đồ của Chúa. Ở Công vụ 10, rào cản sắc tộc đối với phúc âm bị sụp đổ, và ở Công 11, hội thánh tại An-ti-ốt được thành lập và về sau đây là căn cứ sai phái các giáo sĩ đi khắp nơi. Ở Công vụ 12, Phi-e-rơ bị kết án tử hình và bị giam trong ngục, hội thánh cầu nguyện và đột ngột xiềng xích rớt khỏi tay chân Phi-e-rơ. Ông gần như một người mộng du đi ra khỏi nhà tù. Công vụ 13 kể về hành trình của Phao-lô đến các thành phố để rao giảng phúc âm, chữa lành người bệnh, đuổi quỉ và thậm chí khiến người chết sống lại.

Điều tôi yêu thích về bức tranh ở sách Công vụ các sứ đồ đó là chủ ý của Lu-ca (trước giả sách Công vụ các sứ đồ) qua cách hành văn để tôn cao tầm quan trọng của Đức Chúa Trời. Hãy lắng nghe ngôn ngữ ở Công vụ 2 khi Lu-ca thuật lại kết quả bài giảng của Phi-e-rơ trong ngày Lễ Ngũ Tuần. Ông viết rằng: “Những kẻ nhận lời đó đều chịu phép báp-têm; và trong ngày ấy, có độ ba ngàn người thêm vào Hội thánh” (câu 41). Bạn có nhận ra ngôn ngữ bị động tại đây không? Họ được thêm vào. Câu văn này tránh đề cập đến vấn đề “Ai đã thêm họ vào?” Hãy đọc câu 47, Lu-ca muốn đảm bảo chúng ta biết rõ đáp án cho câu hỏi trên. Ông viết rằng: “Mỗi ngày Chúa lấy những kẻ được cứu thêm vào hội thánh.”

Xu hướng này tiếp tục, Công 5:14 viết rằng: “Số những người tin Chúa càng ngày càng thêm lên, nam nữ đều đông lắm.” Khi Ba-na-ba chia sẻ phúc âm tại An-ti-ốt, kết quả là “rất đông người tin theo Chúa” (11:24). Về sau, tại thành An-ti-ốt xứ Bi-si-đi, rất đông những người ngoại quốc “đã được định sẵn cho sự sống đời đời đều tin theo” (13:48).

Đây chính là ý định của Đức Chúa Trời đối với con dân của Ngài. Chúa ban năng quyền cho những con người không có khả năng để khi họ thành công thì Ngài xứng đáng được tôn vinh.

Câu chuyện về hội thánh tiếp tục cho đến hết Tân Ước, và ước ao của tôi là được tham dự vào câu chuyện hội thánh ngày nay. Trong câu chuyện đó quan niệm của chúng ta sẽ không bị thống trị bởi giấc mơ Mỹ là quan niệm cho rằng chúng ta có thể đạt được mục đích bởi khả năng của bản thân. Trong câu chuyện đó chúng ta sẽ không còn cảm thấy yên lòng bởi những việc chúng ta có thể làm được nhờ sức riêng. Trong câu chuyện đó hội thánh hoàn toàn tin cậy vào quyền năng vĩ đại của Đức Chúa Trời để ban cho những con người không có khả năng để họ có được nguồn lực tự do bất ngờ vô tận để mọi người sẽ nhận thấy Danh vĩ đại của Ngài. Tôi muốn là một phần trong giấc mơ đó.

 

Năng quyền vượt trội

Khi cân nhắc về việc trở thành mục sư cho đại gia đình đức tin mà giờ đây tôi đang chăn dắt, tôi đã suy nghĩ và thậm chí nói cho người khác rằng: “Hội Thánh này có quá nhiều nguồn lực – quá nhiều ân tứ, quá nhiều tài năng, quá nhiều lãnh đạo, quá nhiều tài chánh. Nếu họ có thể giúp đỡ cho một mục đích toàn cầu thì nhiều quốc gia sẽ bị rúng động vì sự vinh hiển Chúa.”

Từ lúc ấy tôi đã khám phá rằng đó là một suy nghĩ mù quáng thật đáng buồn. Thực tế là Hội Thánh có bao nhiêu nguồn lực không quan trọng. Hội Thánh mà tôi lãnh đạo có thể có được mọi nguồn lực của con người nhưng nếu không có quyền năng của Đức Thánh Linh thì chúng tôi không thể làm được điều gì để tôn vinh Đức Chúa Trời.

Thực ra tôi tin vào điều kiện ngược lại. Hội Thánh mà tôi lãnh đạo có thể có những người có ít ân tứ nhất, kém tài năng nhất, ít người lãnh đạo nhất và ít tài chánh nhất nhưng nếu Hội Thánh này có quyền năng của Đức Thánh Linh thì họ vẫn có thể lay động nhiều quốc gia vì sự vinh hiển Chúa. Trong thực tế, nếu nhờ cậy quyền năng của Thánh Linh Đức Chúa Trời thì trong một tháng hội thánh chúng tôi có thể làm được nhiều điều hơn những gì chúng tôi có thể làm được trong hàng trăm năm khi không có sự giúp đỡ của Chúa. Quyền năng của Chúa vượt trội hơn khả năng của chúng ta rất nhiều. Vậy thì tại sao chúng ta không tìm kiếm quyền năng Chúa?

 

Cơ Đốc nhân bình thường

Đức Chúa Trời phi thường

Hãy suy nghĩ bức tranh Cơ Đốc Giáo tại Hoa Kỳ sẽ ra sao nếu những điều sau đây là sự thật. Sẽ ra sao nếu Đức Chúa Trời đầy quyền năng muốn bày tỏ năng quyền của Ngài qua một dân tộc quyết định quay lưng với triết lý đề cao khả năng của bản thân để làm những việc họ muốn và dân tộc đó khao khát Chúa? Sẽ ra sao nếu Đức Chúa Trời đầy ân điển hứa rằng Ngài sẽ bày tỏ chính Ngài mạnh mẽ cho một dân tộc khao khát Chúa để đời sống của họ tôn vinh Ngài?

Đây chính là câu chuyện của George Muller. Lịch sử hội thánh dạy chúng ta rất nhiều bài học. Muller (1805-1898) làm mục sư cho một hội thánh tại Bristol, Anh Quốc trong hơn sáu mươi năm, nhưng ông nổi tiếng với mục vụ chăm sóc trẻ em mồ côi do ông sáng lập. Suốt cuộc đời Muller đã chăm sóc hơn mười nghìn cô nhi. Điều đáng ngạc nhiên là ông chưa bao giờ xin tiền hoặc nguồn hỗ trợ nào cho các trẻ mồ côi trên. Ngược lại ông đã cầu nguyện và tin cậy sự vào sự chu cấp của Đức Chúa Trời.

Khi đọc tiểu sử của Muller, tôi đã bất ngờ biết được lý do ông mở cô nhi viện. Mục đích chính của ông không phải để chăm sóc trẻ mồ côi. Ngược lại ông đã viết trong nhật ký của mình rằng:

Nếu tôi, một con người nghèo nàn, đã nhận được những của cải để thành lập và duy trì Cô Nhi Viện chỉ nhờ cầu nguyện và đức tin và không xin bất kỳ cá nhân nào thì điều đó có nghĩa rằng nhờ sự ban phước của Chúa, Ngài sẽ dùng một công cụ nào đó để làm vững mạnh đức tin của con cái của Ngài, đồng thời đó là lời chứng cho lương tâm của những người chưa tin Chúa về sự hiện hữu của Ngài. Vậy đây chính là lý do chính của việc thành lập Cô Nhi Viện… Mục đích đầu tiên và cốt yếu của công tác này chính là (và vẫn luôn là) Đức Chúa Trời được tôn vinh qua việc các cô nhi dưới sự chăm sóc của tôi nhận được sự chu cấp cho mọi nhu cầu của chúng chỉ nhờ sự cầu nguyện và đức tin, và tôi cũng như những người cùng làm việc với tôi không cầu xin bất kỳ ai, để bày tỏ rằng Đức Chúa Trời là thành tín và lắng nghe lời cầu nguyện.[31]

Muller quyết định sống như thế để làm chứng rằng Đức Chúa Trời luôn luôn thành tín chu cấp cho con dân của Ngài. Ông đã liều mạng sống mình để tin vào sự vĩ đại của Đức Chúa Trời, và đến cuối cuộc đời ông đã dâng trọn vinh hiển cho Đức Chúa Trời.

Đức Chúa Trời vui lòng sử dụng những Cơ Đốc nhân bình thường, những người không dựa vào khả năng của bản thân nhưng chọn tin cậy vào sự chu cấp phi thường của Chúa. Ngài sẵn lòng ban quyền năng cho những ai hoàn toàn nương dựa nơi Ngài và tận hiến để tôn vinh Ngài.

 

Đức Chúa Trời là Cha

Tôi rất thích đáp ứng nhu cầu cho các con của tôi. Khi viết chương sách này, tôi đang ở trên một chuyến tàu hỏa tại Ấn Độ và đang trên hành trình trở về nhà, tôi rất nóng lòng được gặp các con của tôi. Tôi rất nóng lòng ôm các con trai của tôi thật chặt, vật lộn với chúng trên sàn nhà và kể cho chúng nghe về tất cả những gì tôi thấy tại Ấn Độ. Và dĩ nhiên, tôi cũng mong mỏi được tặng cho chúng những món quà tôi đã mua ở nước ngoài.

Các con mong đợi những điều đó ở tôi. Không chỉ là quà tặng nhưng cũng có tình yêu thương mà tôi bày tỏ. Chúng mong chờ và cần có những điều ấy. Tôi không có ý nói về việc này theo hướng tiêu cực, và tôi không cho rằng nếu tôi gặp rủi ro thì chúng sẽ bị bỏ rơi. Chúng không cần tôi theo cách ấy. Nhưng tôi là cha của chúng. Tôi rất yêu thích chu cấp cho các con của tôi và chúng biết tôi yêu chúng nhiều như thế nào qua cách tôi chu cấp cho chúng. Chúng càng tìm kiếm tình yêu ở nơi tôi thì chúng càng tin cậy tôi là cha của chúng.

Mối quan hệ với các con giúp tôi hiểu Lu-ca 11. Hãy lắng nghe Đức Chúa Giê-su đã phán rằng: “Trong các ngươi có ai làm cha, khi con mình xin bánh mà cho đá chăng? Hay là xin cá, mà cho rắn thay vì cá chăng? Hay là xin trứng, mà cho bò cạp chăng? Vậy nếu các ngươi là người xấu, còn biết cho con cái mình vật tốt thay, huống chi Cha các ngươi ở trên trời lại chẳng ban Đức Thánh Linh cho người xin Ngài!”[32] Ở Lu-ca 11 Đức Chúa Giê-su giảng về sự cầu nguyện. Ngài phán rằng khi chúng ta cầu nguyện xin Đức Chúa Cha chu cấp, chúng ta sẽ thấy sự chu cấp của Ngài là tốt lành. Và khi Chúa chu cấp càng nhiều cho chúng ta thì chúng ta càng tin cậy Ngài là Cha.

Tuy nhiên tôi thường tập trung vào phần cuối của bài giảng này. Ở đây Đức Chúa Giê-su tuyên bố điều tương tự như ở Ma-thi-ơ 7 rằng: “Vậy nếu các ngươi vốn là xấu, còn biết cho con cái mình các vật tốt thay, huống chi Cha các ngươi ở trên trời lại chẳng ban các vật tốt cho những người xin Ngài sao?”[33] Bạn có nhận ra điều khác biệt nào ở phần cuối của hai câu Kinh Thánh này không? Theo Lu-ca, Cha thiên thượng sẽ ban Đức Thánh Linh cho chúng ta khi chúng ta cầu xin Ngài. Theo Ma-thi-ơ, Đức Chúa Cha sẽ ban các vật tốt cho chúng ta. Riêng tôi, câu Kinh Thánh ở Ma-thi-ơ có ý nghĩa hơn. Khi chúng ta cầu nguyện, Đức Chúa Trời sẽ ban cho chúng ta các vật tốt, cũng giống như người cha trên đất ban các vật tốt cho con cái của họ.

Nhưng tại sao Lu-ca 11 nói rằng Đức Chúa Cha ban Đức Thánh Linh? Thành thật mà nói, tôi đã từng suy nghĩ rằng: sẽ ra sao nếu tôi không cầu xin Đức Thánh Linh? Sẽ ra sao nếu tôi cầu xin điều gì khác? Tại sao Đức Chúa Giê-su phán rằng Đức Chúa Cha sẽ ban Đức Thánh Linh khi đáp lời cầu nguyện của chúng ta?

Lời giải cho câu hỏi này mở ra vẻ đẹp của Thánh Linh của Đức Chúa Trời trong đời sống của chúng ta.

Hãy suy nghĩ theo cách này. Có thể bạn đang trải qua một cuộc đấu tranh trong cuộc sống. Bạn hoặc người thân của bạn gặp một bi kịch và bạn cảm thấy đau đớn. Bạn đến với Chúa trong sự cầu nguyện và cầu xin Ngài yên ủi. Bạn có nhận ra Ngài làm điều gì không? Ngài không ban cho bạn sự yên ủi. Tuy nhiên Ngài ban Đức Thánh Linh là Đấng Yên Ủi.[34] Đức Thánh Linh đến ngự trong bạn và đặt sự yên ủi của Đức Chúa Giê-su Christ bên trong bạn để bạn bước qua nỗi đau của mình.

Hoặc một lần khác bạn phải đưa ra một quyết định lớn cho cuộc đời, bạn cần sự giúp đỡ. Bạn có một số lựa chọn khác nhau và cần sự hướng dẫn để biết đâu là lựa chọn tốt nhất. Vậy bạn xin Chúa giúp đỡ. Tuy nhiên Ngài không trả lời bạn bằng một chỉ dẫn. Thay vào đó Ngài ban Đức Thánh Linh là Đấng Dẫn Dắt.[35] Ngài ban Đấng Giúp Đỡ để sống trong bạn, Đấng ấy không chỉ phán cho bạn biết cần phải quyết định như thế nào nhưng cũng khiến bạn có khả năng để đưa ra quyết định.

Hoặc khi bạn cần sự sáng suốt thì Đức Chúa Trời ban cho bạn Thần Khôn Ngoan. Hoặc khi bạn cần sức lực thì Đức Chúa Trời ban cho bạn Thần Quyền Năng. Và cũng sẽ có lúc bạn cầu xin Chúa tình yêu thương, sự vui mừng, bình an, kiên nhẫn, lòng nhân từ, sự tốt lành, sự thành tín, mềm mại hoặc tiết độ, và Ngài ban cho bạn Đức Thánh Linh, Đấng làm thành những lời cầu xin đó trong cuộc đời bạn.[36]

Đức Thánh Linh là Đấng Yên Ủi, Đấng Giúp Đỡ, Đấng Dẫn Dắt, và Ngài là sự hiện hữu của Đức Chúa Trời bên trong bạn.

Đây chính là lời hứa vĩ đại của Đức Chúa Trời khi bạn cầu nguyện. Chúng ta cầu xin Chúa những món quà và Ngài ban cho chúng ta Đấng Ban Cho. Chúng ta cầu xin Chúa sự tiếp trợ và Ngài ban cho chúng ta Nguồn Tiếp Trợ. Chúng ta cầu xin Chúa tiền bạc, Ngài không ban cho chúng ta tiền, nhưng Ngài ban cho chúng ta một ngân hàng!

Khi bạn thật sự suy ngẫm thì sẽ thấy sự chu cấp của Chúa thật rõ rệt phải không? Khi chúng ta đến với Chúa và cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa, con biết Ngài thật bận rộn với việc vận hành vũ trụ và khiến mọi tạo vật được sống, nhưng con có vấn đề này trong cuộc sống. Và lạy Chúa, con không muốn được yên ủi trong chốc lát, con cũng không muốn sự hướng dẫn trong chốc lát. Xin Ngài hãy đến, sống trong con và bước qua vấn đề này cho con.” Chẳng phải lời cầu nguyện trên giống như một bức thư mời Đức Chúa Trời Đấng sáng tạo của vũ trụ đến ngự trong bạn và tôi hay sao?

Mặc dù vậy Đức Chúa Giê-su phán rằng Đức Chúa Cha vui lòng làm vậy. Ngài vui lòng ban chính Ngài cho chúng ta. Ngài đặt chính quyền năng của Ngài trong chúng ta để chúng ta có được mọi điều cần thiết để hoàn thành mục đích của Ngài trong thế giới này. Đây chính là trọng tâm lời hứa của Đức Chúa Giê-su với các môn đồ ở Giăng 14 trước khi Ngài hứa về Đức Thánh Linh: “Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, kẻ nào tin ta, cũng sẽ làm việc ta làm; lại cũng làm việc lớn hơn nữa, vì ta đi về cùng Cha. Các ngươi nhân danh ta mà cầu xin điều chi mặc dầu, ta sẽ làm cho, để Cha được sáng danh nơi Con. Nếu các ngươi nhân danh ta xin điều chi, ta sẽ làm cho.”[37]

Bất kỳ điều gì chúng ta cầu xin, thậm chí những điều lớn hơn những việc Đức Chúa Giê-su đã làm, bạn nghĩ Đức Chúa Giê-su thật sự muốn nói vậy?

Chắc chắn là thế. Tuy nhiên Ngài không giống như một cây đèn thần để thực hiện mọi điều ước của chúng ta. Nhưng đối với những người khao khát tôn vinh Ngài trong thế gian này thì đây là lời hứa vững chắc rằng mọi nguồn tài nguyên của thiên đàng đều có sẵn cho con dân của Đức Chúa Trời. Đối với những ai khao khát nhìn thấy năng quyền của Đức Chúa Trời và là những người sống để nhìn thấy mục đích Chúa được hoàn thành thì Ngài sẽ ban cho tất cả mọi điều cần thiết dựa theo sự hiện diện của Ngài trong chúng ta.

 

Quì trước Chúa

Nếu không cẩn thận, chúng ta sẽ bỏ qua lời hứa này và bỏ lỡ quyền năng trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Khi bị vây quanh bởi quan niệm tự lực cánh sinh trong xã hội Mỹ, chúng ta có thể thuyết phục chính mình rằng chúng ta có thể làm được điều vĩ đại. Trong hội thánh, chúng ta có thể bắt chước xã hội khi lên kế hoạch, lên chương trình, tổ chức, lập chiến lược, sáng tạo và đổi mới – với nỗ lực thể hiện rằng chúng ta có thể làm được tất cả trong khả năng của mình. Như Adams đã nói, chúng ta có thể “thể đạt được một cách trọn vẹn nhất điều mà họ hoàn toàn có thể làm được và được người khác công nhận.” Nhưng vẫn còn một cách khác.

Đó là đi theo con đường của Đấng Christ. Thay vì khẳng định bản thân, chúng ta đóng đinh chính mình. Thay vì tưởng tượng về mọi điều chúng ta có thể đạt được, chúng ta cầu xin Chúa làm điều mà chỉ Ngài mới có thể làm được. Vâng, chúng ta làm việc, lên kế hoạch, tổ chức, sáng tạo, nhưng chúng ta làm tất cả điều đó khi chúng ta kiêng ăn, cầu nguyện và không ngừng cầu xin sự giúp đỡ của Chúa. Thay vì dựa vào bản thân, chúng ta cầu xin quyền năng của Đức Thánh Linh và tin cậy rằng Đức Chúa Giê-su luôn sẵn sàng ban cho chúng ta mọi điều chúng ta cầu xin để Đức Chúa Cha được tôn vinh trong thế gian này.

Hãy suy nghĩ về điều này. Cuộc sống của bạn có đang khao khát Thánh Linh của Đức Chúa Trời? Hội thánh của bạn có khao khát quyền năng của Đức Thánh Linh?

Tại sao chúng ta muốn yên lòng với một Cơ Đốc Giáo dựa vào khả năng của bản thân hoặc yên lòng với một hội thánh phụ thuộc vào nguồn lực của họ? Năng quyền của Đấng đã khiến Đức Chúa Giê-su Christ sống lại từ cõi chết đang ở trong chúng ta, và vì thế chúng ta không cần phải tập trung khả năng của bản thân. Nhu cầu lớn nhất của chúng ta đó là đêm ngày quỳ gối trước Đức Chúa Cha toàn năng và cầu xin Ngài bày tỏ quyền năng vĩ đại của Ngài trong và qua chúng ta, khiến chúng ta có thể làm được những công việc lớn lao vì sự vinh hiển của Ngài mà chúng ta không bao giờ tưởng tượng có thể làm được khi nhờ vào sức riêng. Và khi làm điều này, chúng ta sẽ khám phá rằng chúng ta được tạo dựng cho một mục đích vĩ đại hơn chính mình, mục đích đó chỉ có thể đạt được nhờ quyền năng của Đức Thánh Linh.

 

 

 

Chương Bốn

 

MỤC ĐÍCH QUAN TRỌNG CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

MỤC ĐÍCH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI DÀNH CHO THẾ GIỚI TỪ BUỔI SÁNG THẾ

Tôi còn nhớ rất rõ cái đêm ấy.

Chúng tôi đã ngồi trong một căn nhà cùng với các lãnh đạo của một hội thánh tại Hoa Kỳ – trong quá khứ hội thánh này đã bày tỏ lòng tốt vĩ đại của họ đối với tôi, họ đã cầu nguyện và thậm chí hỗ trợ tài chánh cho tôi (hoàn toàn tự nguyện). Vị mục sư quản nhiệm ngồi ngay bên phải tôi, các chấp sự khác thì ngồi ở phía bên kia căn phòng. Đó là một buổi tối Thứ bảy và tôi được mời đến để giảng vào buổi sáng hôm sau tại nhà thờ của họ.

Khi tất cả đã ngồi quanh căn phòng, họ hỏi thăm tôi và vợ của tôi. Tôi chia sẻ với họ về mục vụ dành cho các vấn đề tệ nạn xã hội tại nội thành New Orleans, cũng là thành phố mà khi ấy chúng tôi đang sống. Tôi kể cho họ về các dự án nhà ở cho đối tượng người nghèo hoặc các băng đảng xã hội đen. Tôi kể cho họ về mục vụ dành cho những người vô gia cư đang chiến đấu với nhiều thói nghiện khác nhau.

Kế đến tôi kể cho họ về các cơ hội mục vụ mà Đức Chúa Trời đã ban cho tôi trên khắp thế giới. Tôi kể cho họ rằng có rất nhiều người tiếp nhận phúc âm ở những nơi có truyền thống thù địch với đạo Chúa. Tôi nói với họ rằng Đức Chúa Trời đang kéo con người đến với Ngài dù là ở nơi khó khăn nhất bên trong thành phố hoặc ở nước ngoài.

Mong chờ các lãnh đạo tại đây cùng chia sẻ sự phấn khích này, tôi dừng lại để nghe họ nói. Sau một vài giây yên lặng khó hiểu, một chấp sự nghiêng người về phía trước, nhìn tôi và nói: “Mục sư David, tôi nghĩ thật tuyệt vời cho mục sư được đến các nơi ấy. Nhưng nếu phải nói, tôi chỉ mong Đức Chúa Trời sớm tiêu diệt tất cả những hạng người kia và đày họ xuống địa ngục.”

Đó chính là lời chấp sự này nói. Tôi sửng sốt và không thốt nên lời. Tôi không biết phải đáp lại như thế nào. Tôi ước mình đã nói một điều gì đó khác, nhưng tôi vẫn không chắc cái điều gì đó khác thì sẽ là điều gì. Tiêu diệt tất cả những hạng người kia? Đày họ xuống địa ngục?

Sau một lúc im lặng, căn phòng quay trở lại cuộc nói chuyện như thể chưa từng có điều gì bất thường xảy ra.

Câu chuyện càng tồi tệ hơn.

Sáng hôm sau chúng tôi đến nhà thờ, buổi lễ thờ phượng bắt đầu. Mục sư quản nhiệm nói lời chào mừng và trong diễn văn mở đầu, ông đã bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc khi được sống tại Hoa Kỳ. Tôi không rõ điều gì thổi bừng lên bài phát biểu kích động lòng yêu nước sau đó, nhưng trong những phút tiếp theo mục sư đã nói với hội thánh rằng ông sẽ không bao giờ rời khỏi đất nước này. Khắp căn phòng dậy lên tiếng A-men­­. Ngập tràn trong bầu không khí dân tộc, tôi còn tưởng sẽ được nghe tiếng hát của ca sĩ Lee Greenwood trổi lên ở phía sau.

Lát sau tôi bước lên để giảng về đề tài: Hãy đi khắp thế gian, giảng tin lành cho mọi người. Sau khi giảng xong, tôi bước xuống hàng ghế đầu tiên còn mục sư bước lên để khép lại buổi lễ. Đây là những gì ông đã nói: “Anh David, chúng tôi rất phấn khích về những việc Chúa đang làm tại New Orleans và trên khắp thế giới, và chúng tôi cũng rất phấn khởi khi anh đang hầu việc Chúa tại những nơi đó.” Ông tiếp tục: “Và thưa anh, chúng tôi hứa sẽ tiếp tục gửi cho anh một tấm séc để chính chúng tôi sẽ không phải đến những nơi như thế.”

Ông ấy vẫn chưa nói hết.

“Tôi nhớ có một lần nọ ở hội thánh trước đây của tôi, một giáo sĩ đến từ Nhật Bản đã lên phát biểu,” mục sư nói, “sau đó tôi đã nói với hội thánh rằng nếu họ không hỗ trợ tài chính cho vị giáo sĩ đến từ Nhật Bản này thì tôi sẽ cầu nguyện để Chúa sẽ đem các con của họ đến Nhật Bản để phục vụ cùng với vị giáo sĩ ấy.”

Ôi chao.

Có phải mục sư vừa đe dọa hội thánh của ông bằng một hình phạt là đi khắp thế gian để giảng tin lành?

Mục sư này nói tiếp: “Thế là hội thánh của tôi đã cho ông ấy một chiếc máy tính xách tay và một số tiền lớn.”

Hiển nhiên lời đe dọa của mục sư đã có tác dụng.

Tan lễ, tôi và vợ lên xe về nhà. Tôi không thể tin nổi những gì mình vừa nghe. Có quá nhiều cảm xúc lẫn lộn trong tôi – giận dữ, buồn bã, thất vọng, bối rối. Nhưng khi tôi bắt đầu suy nghĩ lại về những gì đã xảy ra trong hai mươi bốn giờ này, tôi nhận ra một điều thật đáng sợ.

Phải chăng vị chấp sự và mục sư này đã nói lên điều mà đa số những người tự xưng là Cơ Đốc nhân tại Hoa Kỳ ngày nay đang tin nhưng không đủ can đảm để nói ra? Điều này thật khó nghe nhưng hãy suy nghĩ về thực tại.

Bao nhiêu người trong chúng ta đang ôm lấy sự thoải mái của vùng ngoại ô Hoa Kỳ mà quay mặt với khu nội đô với nhiều tệ nạn xã hội đang cần lấy phúc âm? Bao nhiêu người trong chúng ta đã quá an cư tại Hoa Kỳ đến nỗi chúng ta chưa từng nghiêm túc nghĩ đến khả năng có thể Đức Chúa Trời đã kêu gọi chúng ta sống ở nước ngoài? Đã bao lần chúng ta sẵn sàng gửi tiền cho một ai đó để miễn là chính chúng ta sẽ không phải đi đến những nơi khó khăn trên thế giới? Bao nhiêu người trong chúng ta là phụ huynh cầu nguyện rằng Đức Chúa Trời sẽ dấy các con của chúng ta rời xa gia đình và đi nước ngoài, thậm chí nếu chúng có thể sẽ không bao giờ quay trở về? Và bao nhiêu người trong chúng ta đang cống hiến để đem phúc âm đến với những con người ở những nơi thù địch với đạo Chúa trên khắp thế giới? Dĩ nhiên hầu như sẽ chẳng có ai trong chúng ta đủ can đảm để nói rằng mình “muốn Đức Chúa Trời sớm tiêu diệt tất cả những hạng người trên và đày họ xuống địa ngục,” nhưng nếu như chúng ta không đem phúc âm đến với họ thì địa ngục chẳng phải là nơi họ sẽ đến sao?

Ngược lại, Đức Chúa Giê-su truyền lệnh cho chúng ta phải ra đi. Ngài đã tạo dựng mỗi một chúng ta để đem phúc âm đến tận cùng trái đất, và tôi đề nghị rằng bất cứ điều nào thấp hơn một sự tận hiến cho mục đích trên thì đó không phải là một Cơ Đốc giáo đúng với Kinh Thánh.

 

Tận hưởng ân điển Chúa, lan tỏa vinh quang Ngài

Hãy suy nghĩ tại sao ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên con người. Ngài là Đức Chúa Trời của toàn cõi vũ trụ, chính Ngài không có một nhu cầu nào không được đáp ứng, vậy tại sao Ngài đã dựng nên chúng ta? Tôi không bao giờ dám mạo muội cho rằng tôi biết tường tận mọi suy nghĩ và động cơ của Đức Chúa Trời. Tôi cũng không muốn đơn giản hóa quá mức đường lối Chúa. Nhưng dường như Đức Chúa Trời thật đã phán cho chúng ta biết lý do của Ngài. Lý do đó gồm có hai phần được thể hiện rõ ràng từ khi sáng thế.

Một mặt Đức Chúa Trời tạo dựng nên con người để họ vui hưởng ân điển Ngài. Khác với mọi tạo vật khác, chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh của Chúa.[38] Chỉ con người có khả năng tận hưởng mối liên hệ mật thiết với Đức Chúa Trời. Từ ngữ đầu tiên trong Kinh Thánh mô tả về mối liên hệ này là từ ban phước. Đức Chúa Trời ban phước cho loài người không bởi vì chúng ta xứng đáng nhưng hoàn toàn vì ân điển. Đức Chúa Trời tạo dựng loài người để họ vui hưởng ân điển Ngài.

Tuy nhiên câu chuyện không kết thúc tại đây, bởi vì ngay sau khi chúc phước cho con người, Đức Chúa Trời đã ban một mệnh lệnh. “Đức Chúa Trời ban phước cho loài người và phán rằng: ‘Hãy sanh sản, thêm nhiều, làm cho đầy dẫy đất; hãy làm cho đất phục tùng.”[39] Đức Chúa Trời tạo dựng con người theo hình ảnh của Ngài với một lý do – để họ nhân lên hình ảnh của Ngài ra khắp đất. Đức Chúa Trời tạo dựng con người không chỉ để họ tận hưởng ân điển Chúa trong mối liên hệ với Ngài, nhưng cũng để lan tỏa sự vinh quang của Chúa cho đến tận cùng trái đất.

Đơn giản là thế. Tận hưởng ân điển Chúa và lan tỏa vinh quang Ngài. Đây chính là mục đích Đức Chúa Trời tạo dựng nên con người ở Sáng thế ký 1 và đây cũng là chủ đề của toàn sách Sáng thế ký. Tất cả các thể loại văn chương cũng như các thời kỳ lịch sử trong Kinh Thánh đều viết về Đức Chúa Trời tuôn đổ ân điển trên tuyển dân của Chúa để sự vinh quang của Ngài luôn hiện diện giữa các dân tộc.

Sáng thế ký 12 ghi lại câu chuyện Đức Chúa Trời hình thành một dân tộc thuộc riêng về Chúa, Ngài đã phán cùng Áp-ra-ham rằng: “Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân lớn; ta sẽ ban phước cho ngươi, cùng làm nổi danh ngươi, và ngươi sẽ thành một nguồn phước.” Lời hứa này có một mục đích sâu hơn đó là: “Các chi tộc nơi thế gian sẽ nhờ ngươi mà được phước.”[40] Đức Chúa Trời ban phước rời rộng cho Áp-ra-ham cơ bản không bởi vì lợi ích của Áp-ra-ham. Đức Chúa Trời ban phước cho Áp-ra-ham để ông trở thành ống dẫn phước hạnh của Đức Chúa Trời cho mọi dân tộc trên đất. Đức Chúa Trời truyền cho Áp-ra-ham hãy tận hưởng ân điển đồng thời lan tỏa vinh quang của Ngài.

Hãy suy nghĩ về mục đích tôn vinh Đức Chúa Trời qua sự giải cứu tuyển dân khỏi ách nô lệ tại Ai Cập. Ngay sau khi rời khỏi Ai Cập, Đức Chúa Trời dẫn dân Y-sơ-ra-ên đến Biển Đỏ, quân đội Ai Cập bám theo sát gót, dân Y-sơ-ra-ên không còn đường thoát. Hãy lắng nghe mục đích của Đức Chúa Trời khi Ngài phán: “Khi nào ta được rạng danh vì Pha-ra-ôn, binh xa, cùng lính kỵ người, thì người Ê-díp-tô sẽ rõ ràng ta là Đức Giê-hô-va vậy.”[41] Đức Chúa Trời làm phép lạ rẽ nước biển, dân tộc của Ngài băng qua biển như đi trên đất khô, và khi tất cả dân Y-sơ-ra-ên đã qua bờ bên kia an toàn, Ngài khiến nước biển trở lại nuốt chửng quân đội Ai Cập đang đuổi theo rất sát phía sau đoàn dân Y-sơ-ra-ên, tất cả những việc này vì một lý do chính: Đức Chúa Trời được tôn vinh. Người Ai Cập và mọi nước sẽ biết rằng Ngài chính là Đức Chúa Trời và Ngài đã giải cứu dân tộc của Ngài. Đức Chúa Trời đã ban phước cho con dân của Ngài một cách thật diệu kỳ để mọi dân tộc đều sẽ biết đến sự giải cứu của Ngài.

Hãy suy ngẫm một câu chuyện khác trong Cựu Ước, đó là câu chuyện về Sa-đơ-rắc, Mê-sác và A-bết-Nê-gô. Tại sao Đức Chúa Trời của tình yêu thương đã để cho ba thanh niên Hê-bơ-rơ bị quăng vào lò lửa hực? Có phải đây là cách Đức Chúa Trời đối xử với những người từ bỏ tất cả cho Ngài? Câu chuyện này sẽ khiến bạn cảm thấy thế nào khi lần tiếp theo bạn ra đi làm chứng về Chúa? Chúng ta đọc và cảm thấy thích thú, nhưng hiếm khi nào chúng ta đọc đến cuối cùng để biết được mục đích của câu chuyện này.

Vua Nê-bu-cát-nết-sa lại cất tiếng nói rằng: “Đáng ngợi khen Đức Chúa Trời của Sa-đơ-rắc, Mê-sác và A-bết-Nê-gô! Ngài đã sai thiên sứ Ngài và giải cứu các tôi tớ Ngài nhờ cậy Ngài, họ đã trái mạng vua, và liều bỏ thân thể mình, hầu để không hầu việc và không thờ phượng thần nào khác ngoài Đức Chúa Trời mình. Cho nên ta ban chiếu chỉ nầy: Bất kỳ dân nào, nước nào, thứ tiếng nào, hễ có người nói xấu đến Đức Chúa Trời của Sa-đơ-rắc, Mê-sác và A-bết-Nê-gô, thì sẽ bị phân thây, nhà nó sẽ phải thành ra đống phân, vì không có thần nào khác có thể giải cứu được thể nầy.”[42]

Chính vị vua đã truyền lệnh rằng tất cả mọi người phải quỳ lạy ông ta thì giờ đây tuyên bố rằng bất kỳ người nào nói phạm đến Đức Chúa Trời phải bị phân thây! Lý do Đức Chúa Trời để cho những người này bị quăng vào lò lửa là để khi họ bước ra khỏi đó nguyên vẹn không hề có một giọt mồ hôi trên trán thì vị vua người ngoại quốc này sẽ công bố rằng Đức Chúa Trời của Sa-đơ-rắc, Mê-sác và A-bết-nê-gô xứng đáng được mọi dân mọi tiếng tôn cao. Đức Chúa Trời ban phước cho dân tộc của Ngài bằng những phương cách lạ lùng để người ta sẽ công bố sự tốt lành và vĩ đại của Chúa cho mọi dân tộc.

Rất nhiều câu Kinh Thánh trong Cựu Ước lặp lại lẽ thật trên. Chẳng hạn như sách Thi Thiên nói về việc Đức Chúa Trời dẫn dắt dân tộc của Ngài vì cớ Danh Ngài, và Chúa ban phước cho dân tộc của Ngài để mọi nước sẽ biết đường lối của Ngài. Các tiên tri mô tả lòng thương xót của Chúa dành cho tuyển dân để họ sẽ làm chứng cho mọi nước rằng Ngài chính là Đức Chúa Trời.[43]

Ê-xê-chi-ên 36 ghi lại những lời phán đầy kinh ngạc từ chính Đức Chúa Trời khi Ngài kể lại những công việc Ngài đã làm cho dân tộc của Ngài. Tại đây, Đức Chúa Trời nói rõ dân tộc Y-sơ-ra-ên đã phạm tội nghịch cùng Chúa như thế nào và lý do cho những công việc của Ngài.

Chúa Giê-hô-va phán như vầy: Hỡi nhà Y-sơ-ra-ên, ấy chẳng phải vì cớ các ngươi mà ta làm cách ấy, nhưng vì cớ danh thánh ta mà các ngươi đã phạm trong các dân, là nơi các ngươi đã đi đến. Ta sẽ làm nên thánh danh lớn của ta, là danh đã bị phạm trong các dân, giữa các dân đó các ngươi đã phạm danh ấy. Chúa Giê-hô-va phán: Như vậy các dân tộc sẽ biết ta là Đức Giê-hô-va, khi trước mắt chúng nó ta sẽ được tỏ ra thánh bởi các ngươi.[44]

Thật là một lời phán vĩ đại! Đức Chúa Trời hành động trong con dân của Ngài không chỉ để bày tỏ ân điển, tình yêu thương và công lý vì cớ dân Y-sơ-ra-ên nhưng để danh thánh Ngài được bày tỏ cho mọi nước.

Mục đích toàn cầu của Đức Chúa Trời thấy rõ qua các sách lịch sử, văn thơ và các tiên tri trong Cựu Ước được tiếp nối trong Tân Ước. Qua các sách Phúc âm, chúng ta thấy Đức Chúa Giê-su kết thúc chức vụ của Ngài trên đất bằng mệnh lệnh cho các môn đồ của Ngài phải đem phúc âm đến tận cùng trái đất.[45] Các thơ tín đều đặt trọng tâm xoay quanh mục đích toàn cầu của Đức Chúa Trời với việc Phao-lô, Phi-e-rơ, Gia-cơ và Giăng lãnh đạo hội thánh vượt qua sự bắt bớ và đau khổ để loan tỏa vinh quang của Đức Chúa Trời cho mọi nước.

Qua tất cả những gì đã nói ở trên, thật không bất ngờ khi tại sách cuối cùng của Kinh Thánh chúng ta nhìn thấy đỉnh điểm mục đích của Đức Chúa Trời. Hãy tưởng tượng khung cảnh mà Giăng mô tả:

Sự ấy đoạn, tôi nhìn xem, thấy vô số người, không ai đếm được, bởi mọi nước, mọi chi phái, mọi dân tộc, mọi tiếng mà ra; chúng đứng trước ngôi và trước Chiên Con, mặc áo dài trắng, tay cầm nhành chà là, cất tiếng lớn kêu rằng:

“Sự cứu rỗi thuộc về Đức Chúa Trời ta, là Đấng ngự trên ngôi,

và thuộc về Chiên Con.”[46]

Từ khi lịch sử bắt đầu, mục đích của Đức Chúa Trời là ban phước cho dân tộc của Ngài để mọi dân tôn vinh Ngài về sự cứu rỗi của Ngài. Giờ đây, khi kết thúc, mục đích của Đức Chúa Trời được hoàn thành. Mọi người từ mọi quốc gia, bộ tộc, dân tộc và ngôn ngữ đều quỳ lạy xung quanh ngôi của Đức Chúa Trời và ca ngợi Đấng đã ban phước cho họ bằng sự cứu rỗi. Đây chính là mục đích toàn cầu cuối cùng, tối cao, trọn vẹn, đầy vinh quang và được đảm bảo của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh. Đây chính là mục đích vĩ đại của Đức Chúa Trời.

Đức Chúa Trời ban phước cho con dân của Ngài bằng ân điển quý báu để họ có thể lan tỏa vinh quang vĩ đại của Ngài cho mọi dân trên đất. Đây chính là lẽ thật cơ bản, nền tảng xuyên suốt từ đầu đến cuối Kinh Thánh. Song tôi tự hỏi phải chăng chúng ta đã vô tình phớt lờ lý do vĩ đại của Đức Chúa Trời?

 

Đức Chúa Giê-su đã không chết chỉ vì một mình bạn

Văn hóa hội thánh của chúng ta có một xu hướng nguy hiểm là tách biệt ân điển khỏi sự vinh quang của Đức Chúa Trời. Tấm lòng của chúng ta vang vọng ý tưởng về việc vui hưởng ân điển Chúa. Chúng ta vui thích với các bài giảng, các hội nghị và các tựa sách đề cao một ân điển lấy con người làm trọng tâm. Và mặc dù vẻ đẹp của ân điển đáng để chúng ta chú ý đến, nhưng nếu ân điển bị tách biệt khỏi lý do thì hậu quả đáng buồn đó là một Cơ Đốc giáo xoay quanh con người mà phớt lờ đi tấm lòng của Đức Chúa Trời.

Nếu hỏi ngẫu nhiên một tín hữu thông thường tham dự nhóm trong một buổi lễ sáng Chủ Nhật rằng hãy tóm tắt sứ điệp của Cơ Đốc giáo, rất có thể bạn sẽ nhận được câu trả lời đại loại như: “Sứ điệp của Cơ Đốc giáo đó là Chúa yêu tôi.” Hoặc cũng có người sẽ trả lời rằng: “Sứ điệp của Cơ Đốc giáo đó là Chúa yêu tôi đến nỗi đã ban Đức Chúa Giê-su, Con của Ngài, để chết thay tôi.”

Tình yêu này thật tuyệt vời, tuy nhiên điều đó có đúng với Kinh Thánh? Dựa trên những gì chúng ta đã thấy trong Kinh Thánh, chẳng phải điều trên là không đầy đủ sao? “Đức Chúa Trời yêu tôi” không phải là điều cốt lõi của Cơ Đốc giáo tin theo Kinh Thánh. Bởi vì nếu “Chúa yêu tôi” là sứ điệp của Cơ Đốc giáo thì ai là đối tượng của Cơ Đốc giáo?

Chúa yêu tôi.

Tôi.

Đối tượng của Cơ Đốc giáo chính là tôi.

Chính vì thế, khi tìm kiếm một hội thánh, tôi sẽ tìm nơi có âm nhạc phù hợp với tôi nhất và ở đó có những chương trình chăm sóc cho tôi và gia đình của tôi tốt nhất. Khi lên kế hoạch cho đời sống và sự nghiệp, tôi sẽ tìm phương án nào tốt cho tôi và gia đình của tôi nhất. Khi chọn lựa nhà ở, xe cộ, áo quần hoặc phong cách sống, tôi sẽ chọn điều gì tốt nhất cho bản thân. Đây chính là phiên bản Cơ Đốc giáo đang rất phổ biến trong xã hội của chúng ta.

Song đây không phải là một Cơ Đốc giáo đúng với Kinh Thánh.

Sứ điệp của Cơ Đốc giáo đúng với Kinh Thánh không phải là “Chúa yêu tôi, chấm hết,” và chúng ta không phải là đối tượng của niềm tin mà chúng ta đang đi theo. Sứ điệp của Cơ Đốc giáo đúng với Kinh Thánh là “Chúa yêu tôi để tôi có thể khiến Ngài – đường lối, sự cứu rỗi, sự vinh quang và sự vĩ đại của Chúa – được mọi dân tộc biết đến.” Đến đây Đức Chúa Trời chính là đối tượng niềm tin của chúng ta, và Chúa chính là trọng tâm của Cơ Đốc giáo. Chúng ta không phải là điểm kết thúc của phúc âm; nhưng chính là Chúa.

Đức Chúa Trời tập trung vào chính Ngài, thậm chí trong sự cứu rỗi. Hãy nhớ lại lời Chúa trong sách Ê-xê-chi-ên: Ngài cứu chúng ta, không vì chúng ta, nhưng vì danh thánh Ngài. Chúng ta được cứu rỗi để danh Ngài được công bố trong mọi nước. Chúa yêu chúng ta vì danh Ngài trong thế gian.

Điều này có thể khiến chúng ta sửng sốt. Phải chăng Đức Chúa Trời có một lý do kín đáo khi ban phước cho chúng ta? Có phải ân điển Chúa không kết thúc ở chúng ta? Câu trả lời của Kinh Thánh là rất rõ ràng. Thật vậy, chúng ta không phải là trung tâm vũ trụ của Chúa. Đức Chúa Trời chính là trung tâm của tất cả, và tất cả mọi công việc Chúa đều xoay quanh chính Ngài.

Có lẽ chúng ta sẽ tự hỏi nếu đây là sự thật thì có phải Đức Chúa Trời ích kỷ không? Làm sao có thể mục đích của Đức Chúa Trời là tôn cao chính Ngài? Đây là một câu hỏi hay khiến chúng ta phải dừng lại để suy nghĩ cho đến khi chúng ta đặt ra câu hỏi tiếp theo: Đức Chúa Trời sẽ tôn cao ai ngoài chính Ngài? Nếu Đức Chúa Trời tôn cao một người hoặc một điều gì khác thì Ngài không còn là Đức Chúa Trời vĩ đại xứng đáng mọi sự vinh quang của cả vũ trụ.

Chúng ta phải cẩn thận tránh hiểu sai tại đây. Kinh Thánh không nói rằng Đức Chúa Trời không yêu chúng ta. Ngược lại, qua Kinh Thánh chúng ta thấy Đức Chúa Trời yêu thương con dân của Ngài một cách mật thiết, lạ lùng, đáng kinh ngạc. Tuy nhiên tình yêu thương đó không đặt trọng tâm ở con dân Chúa. Tình yêu thương đó tập trung vào việc mọi dân tộc trên thế giới sẽ nhận biết sự vĩ đại, sự tốt lành và sự vinh quang của Đức Chúa Trời. Và nếu chúng ta tách rời sự ban phước của Chúa khỏi mục đích toàn cầu của Ngài thì nghĩa là chúng ta đang đi ngược về một Cơ Đốc giáo không đúng với Kinh Thánh, tự bão hòa và bỏ qua trọng tâm của ân điển Chúa.

Đây là một lẽ thật nền tảng: Đức Chúa Trời tạo dựng, ban phước và cứu rỗi mỗi một chúng ta cho một mục đích toàn cầu. Nhưng nếu không cẩn thận, chúng ta sẽ dễ bị cám dỗ để chấp nhận trường hợp ngoại lệ. Chúng ta sẽ bị cám dỗ để chấp nhận những hỏa mù thuộc linh và nắm lấy sự dễ chịu chung khiến chúng ta được miễn trừ khỏi kế hoạch toàn cầu của Đấng Christ. Và đến một thời điểm nào đó, chúng ta sẽ thấy mình yên lòng với những kế hoạch nhỏ nhoi mà xã hội xung quanh chúng ta – và thậm chí hội thánh quanh ta – cho rằng chúng đáng được ngưỡng mộ, dễ giải quyết và thoải mái hơn.

 

“Tôi không được kêu gọi”

Tôi tự hỏi, dù là cố ý hay vô ý, có phải chúng ta đã dựng lên những hàng rào phòng thủ chống lại mục đích toàn cầu của Đức Chúa Trời dành cho cuộc đời của chúng ta? Thật chẳng lạ khi nghe Cơ Đốc nhân nói rằng: “Không phải ai cũng được kêu gọi để truyền giáo ở nước ngoài,” hoặc cụ thể hơn: “Tôi không được kêu gọi để truyền giáo ở nước ngoài.” Khi nói lên điều này, chúng ta ngụ ý rằng truyền giáo ở nước ngoài là một chương trình không bắt buộc tại hội thánh dành cho số ít những người trung tín được kêu gọi rõ ràng vào công tác này. Theo quan điểm trên, truyền giáo là một trong những chương trình của hội thánh, và những người được chọn là những người giỏi về truyền giáo và có tấm lòng cho việc truyền giáo. Trong khi đó, số còn lại trong chúng ta sẽ quan sát các báo cáo về truyền giáo khi các giáo sĩ trở về nhà, nhưng cuối cùng thì Đức Chúa Trời đã không kêu gọi đại đa số chúng ta thực hiện công tác truyền giáo.

Tuy nhiên ở đâu trong Kinh Thánh nói rằng truyền giáo là một hoạt động không bắt buộc của hội thánh? Chúng ta đã thấy rằng tất cả chúng ta đều được Đức Chúa Trời dựng nên, được Ngài cứu khỏi tội lỗi và được Ngài ban phước để mọi nước đều biết đến vinh quang của Ngài. Thật vậy, chính Đức Chúa Giê-su không chỉ đơn thuần kêu gọi chúng ta đi đến mọi quốc gia; nhưng Ngài cũng đã tạo dựng nên chúng ta và truyền lệnh cho chúng ta phải ra đi. Song chúng ta đã giảm nhẹ mệnh lệnh của Chúa thành một sự kêu gọi – điều mà chỉ một số ít người được nhận lấy.

Điều thú vị là chúng ta không giảm nhẹ các lời phán khác của Đức Chúa Giê-su. Chúng ta đọc mệnh lệnh của Đức Chúa Giê-su ở Ma-thi-ơ 28 rằng hãy đi dạy dỗ muôn dân thì chúng ta nói rằng: “Mệnh lệnh này nói về người khác.” Nhưng khi đọc mệnh lệnh của Đức Chúa Giê-su ở Ma-thi-ơ 11:28: “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ” thì chúng ta nói rằng: “Mệnh lệnh này nói về tôi.” Khi nói về lời hứa của Đức Chúa Giê-su ở Công vụ 1:8 rằng Đức Thánh Linh sẽ dẫn dắt chúng ta đến tận cùng trái đất, chúng ta cho rằng: “Lời hứa này là dành cho người khác.” Nhưng lời hứa của Đức Chúa Giê-su ở Giăng 10:10 rằng chúng ta sẽ có được sự sống dư dật thì chúng ta nói: “Lời hứa đó dành cho tôi.”

Đến một thời điểm, chúng ta đã vạch ra một sự phân biệt không cần thiết (và cũng không đúng với Kinh Thánh) giữa một số ít người được giao cho nghĩa vụ của Cơ Đốc giáo và đại đa số người còn lại được giữ đặc ân của Cơ Đốc giáo. Bằng cách này chúng ta chọn sai phái một số người để thực hiện mục đích toàn cầu của Cơ Đốc giáo trong khi đó số còn lại được nghỉ ngơi bởi vì  “không được kêu gọi vào việc đó.”

Chúng ta biết rằng mỗi một người được Đức Chúa Trời ban cho các ân tứ, kỹ năng, sự đam mê và sự kêu gọi khác nhau. Đức Chúa Trời ban cho bạn những ân tứ khác với của tôi. Chắc chắn các môn đồ khi xưa cũng vậy. Phi-e-rơ và Phao-lô có những sự kêu gọi khác nhau. Gia-cơ và Giăng có những sự kêu gọi khác nhau. Tuy nhiên bất kể sự kêu gọi của mỗi cá nhân là gì, tất cả môn đồ Đấng Christ trong Tân Ước đều giương cao ngọn cờ công bố phúc âm cho đến cùng trái đất. Đó là lý do Ngài ban cho tất cả họ có Đức Thánh Linh và tất cả đều có chung một kế hoạch: khiến muôn dân trở nên môn đồ của Chúa.

Ngày nay chẳng phải cũng như vậy sao? Khi dùng bữa trưa cùng với Steve, một doanh nhân trong gia đình đức tin của chúng tôi, điều hiển nhiên là chúng tôi có những sự kêu gọi khác nhau. Anh ấy làm kế toán; tôi là mục sư. Anh ấy có tài năng với các con số; tôi thì không thể chịu nổi số liệu. Tuy nhiên chúng tôi đều hiểu rằng Đức Chúa Trời đã kêu gọi và ban ân tứ cho chúng tôi vì một mục đích toàn cầu. Chính vì thế Steve luôn hỏi rằng: “Làm thế nào tôi có thể dẫn dắt cuộc đời, gia đình và công ty của tôi vì sự vinh quang của Đức Chúa Trời tại Birmingham và trên khắp thế giới?” Anh ấy đã đưa dắt nhiều đồng nghiệp đến với Chúa; anh ấy động viên các kế toán viên giúp đỡ người nghèo; và cuộc sống của anh ấy đã ảnh hưởng phúc âm đến nhiều người và nhiều hội thánh tại Châu Mỹ La-tin, Châu Phi và Đông Âu.

Steve và những người khác đã quyết định rằng họ sẽ không xem mệnh lệnh của Đấng Christ hãy ra đi môn đệ hóa muôn dân là một sự kêu gọi dành cho số ít. Họ sẽ không ngồi ở hàng ghế khán giả trong khi một nhóm Cơ Đốc nhân đặc biệt phải hoàn thành mục đích toàn cầu của Đức Chúa Trời. Họ đoan chắc rằng Đức Chúa Trời đã tạo dựng họ để mọi nước biết đến sự vinh quang của Ngài, và họ cống hiến cuộc sống mình để hoàn thành mục đích ấy.

Ở Rô-ma 1:14-15, Phao-lô nói về món nợ của người tin Chúa đối với các nước. Phao-lô viết rằng: “Tôi mắc nợ cả người Gờ-réc lẫn người dã man.” Ngôn ngữ này thật sâu sắc. Phao-lô muốn nói rằng ông mắc nợ mỗi một người chưa tin Chúa trên trái đất này. Bởi vì Phao-lô có Chúa nên ông nợ Chúa với cả thế giới.

Tất cả người được cứu ở phía thiên đàng đều mắc nợ phúc âm với tất cả những người chưa được cứu ở phía địa ngục. Chúng ta nợ Chúa với cả thế giới – dù là người hèn mọn hay là người vĩ đại, dù là người giàu có hay nghèo nàn, dù là người tài giỏi hay tồi tệ. Chúng ta mắc nợ cả thế giới. Mặc dù vậy, bằng phương cách tiếp cận đương đại với công tác truyền giáo, chúng ta đã khôn khéo rút mình khỏi gánh nặng của một thế giới hư mất, vò đầu bứt tai với mối bận tâm này mà nói rằng: “Tôi xin lỗi. Tôi không được kêu gọi để làm việc đó.”

Hậu quả thật bi thương. Đại đa số những người được cho là đã được cứu khỏi hình phạt đời đời hiện đang nghỉ ngơi và biện minh cho việc không chia sẻ phúc âm cho toàn thế giới.

Nhưng sẽ ra sao nếu chúng ta không cần phải chờ đợi một sự kêu gọi vào công tác truyền giáo ở nước ngoài? Sẽ ra sao nếu lý do cho từng hơi thở của chúng ta đó là vì chúng ta được cứu để thực hiện một sứ mệnh toàn cầu? Và sẽ ra sao nếu bất kỳ điều gì thấp hơn một sự tham gia đầy nhiệt huyết vào sứ mệnh toàn cầu thì đồng nghĩa với việc bán khống Đức Chúa Trời bằng cách làm hỏng chính mục đích mà Ngài đã tạo dựng nên chúng ta?

 

“Vậy còn nhu cầu ở tại đây thì sao?”

Có lẽ câu trả lời phổ biến nhất giữa vòng Cơ Đốc nhân đối với mục đích toàn cầu của Đức Chúa Trời đó là: “Vậy còn nhu cầu ở đây thì sao? Tại sao chúng ta phải đi đến các nước khác trong khi có rất nhiều nhu cầu ở tại đây?”

Tại Birmingham (nơi tôi làm mục sư), tôi thường nghe Cơ Đốc nhân nói những điều đại loại như: “Tôi không cần phải đi đến mọi quốc gia bởi vì Đức Chúa Trời đã ban cho tôi tấm lòng dành cho nước Mỹ.” Hoặc có thể những người khác sẽ nói rằng: “Đức Chúa Trời đã ban cho tôi tấm lòng dành cho Birmingham.” Các tuyên bố trên nghe có vẻ thuộc linh nhưng khi xem xét kỹ lưỡng thì chúng giống như hỏa mù.

Chúng là hỏa mù bởi vì hầu hết chúng ta không thật sự quan tâm đến những nhu cầu quanh ta. Phần lớn Cơ Đốc nhân hiếm khi chia sẻ phúc âm, giúp thức ăn cho người đói, giúp đỡ người bệnh và gây dựng hội thánh ở những nơi thiếu thốn nhất trên đất nước này.

Nhưng thậm chí nếu chúng ta có làm những công việc trên, chúng ta vẫn có thể bỏ sót một lẽ thật Kinh Thánh nền tảng khi nói rằng tấm lòng của chúng ta dành cho nước Mỹ. Khi chúng ta đọc toàn bộ Kinh Thánh, tấm lòng của Đức Chúa Trời dành cho cả thế giới. Vậy nếu tấm lòng của chúng ta dành cho nước Mỹ, chúng ta đang thừa nhận chúng ta có vỏn vẹn năm phần trăm tấm lòng của Chúa và chúng ta tự hào với điều đó. Khi nói rằng tấm lòng của chúng ta dành cho thành phố mà chúng ta đang sống, chúng ta thừa nhận chúng ta có ít hơn một phần trăm tấm lòng của Chúa.

Dĩ nhiên nhu cầu tại đây rất lớn. Tuy nhiên chúng ta có cần phải phân chia Đại Mạng Lệnh thành một nhiệm vụ có hai lựa chọn? Ai bảo chúng ta phải chọn hoặc là một tấm lòng cho nước Mỹ hoặc là một tấm lòng cho thế giới? Dựa trên mục đích của Đức Chúa Trời được thể hiện qua Kinh Thánh, chẳng phải mỗi Cơ Đốc nhân cần phải dành trọn tấm lòng cho việc khiến cả thế giới biết đến sự vinh quang của Đức Chúa Trời hay sao?

Khi tôi viết chương sách này, dân số thế giới là 6.783.421.727 và tiếp tục gia tăng. Dựa trên một ước tính độc lập, khoảng một phần ba dân số thế giới là Cơ Đốc nhân. Con số này bao gồm tất cả những người tự xưng là Cơ Đốc nhân bất kể vì lý do tôn giáo, xã hội hay chính trị. Dường như không phải tất cả những người xưng là Cơ Đốc nhân đều là môn đồ chân thật của Đấng Christ. Tuy nhiên thậm chí nếu giả sử tất cả những người tự xưng là Cơ Đốc nhân đều là môn đồ chân thật của Đấng Christ thì vẫn còn 4.5 tỷ người đang xa cách Đức Chúa Trời bởi vì tội lỗi của họ và (nếu không có gì thay đổi) họ sẽ đi vào hỏa ngục.

Một lần nữa, 4.5 tỷ người.

Và phần lớn trong số đó không sống tại Hoa Kỳ.

Dựa trên Kinh Thánh, Đức Chúa Trời ban cho chúng ta ân điển để sự vinh quang của Ngài được lan tỏa không chỉ ở tại đây nhưng cũng ở những nơi thiếu thốn khắp trên thế giới. Không phải hoặc là ở đây hoặc là ở chỗ khác, nhưng là ở tại đây và những nơi khác.

Qua cuộc bàn luận về truyền giáo này, có lẽ bạn sẽ nghĩ: chắc chắn tôi không muốn nói rằng tất cả chúng ta đều phải đi nước ngoài. Hiển nhiên đó không phải là điều tôi muốn đề xuất (dẫu tôi không hoàn toàn loại trừ khả năng đó). Song đây chính là vấn đề. Chúng ta đã tạo ra một tư tưởng cho rằng nếu bạn có một tấm lòng cho thế giới và bạn rất nhiệt huyết với công tác truyền giáo toàn cầu thì bạn sẽ đi nước ngoài. Nhưng nếu tấm lòng của bạn dành cho nước Mỹ và bạn không thiết tha với công tác truyền giáo toàn cầu thì bạn sẽ ở lại và hỗ trợ cho những người đi nước ngoài. Đối lập với quan điểm này, lời Kinh Thánh dạy rằng dù chúng ta đang sống ở đâu – trong nước hay ở nước ngoài – tấm lòng của chúng ta phải hướng về việc khiến cho mọi nước biết đến sự vinh quang của Đức Chúa Trời.

Tôi biết rất có thể sẽ có những người trong hội thánh mà tôi đang quản nhiệm sẽ không quan tâm đến việc tôi rời hội thánh để đến sống tại một quốc gia khác. Tôi không hy vọng như thế, nhưng rốt cuộc thì chẳng phải đó là nơi mà một người rất nhiệt tâm với công tác truyền giáo toàn cầu sẽ đi hay sao? Và đây chính là vấn đề mà hội thánh nơi tôi đang quản nhiệm gặp phải với tôi (hễ khi nào họ còn mời tôi làm quản nhiệm). Bởi vì cả Kinh Thánh đều dạy rằng tất cả hội thánh – không chỉ một số người được chọn, nhưng tất cả hội thánh – đều được tạo dựng để phản ánh sự vinh quang của Đức Chúa Trời cho toàn thế giới. Bởi vì mỗi một người nam, người nữ và trẻ nhỏ tại hội thánh mà tôi quản nhiệm đều được định cho một mục đích là ảnh hưởng các nước vì sự vinh quang của Đức Chúa Trời nên Ngài có phương cách cho chúng tôi sống và sinh hoạt hội thánh tại đây vì những người chưa biết đến Chúa trên khắp thế giới.

Vậy phương cách sống của Đức Chúa Trời là gì? Tất cả những gì đã trình bày về một tấm lòng dành cho thế giới sẽ trở nên trống rỗng và thậm chí là giả dối nếu chúng ta không biết một đời sống vì sự vinh quang của Đấng Christ cho mọi dân tộc là gì. Chúng ta sẽ tìm được câu trả lời cho vấn đề trên qua lời Đức Chúa Giê-su đã phán. Tuy nhiên bây giờ tôi xin dẫn chứng một số ví dụ về những cá nhân đã đánh đổi giấc mơ Mỹ để nhận lấy một giấc mơ vượt ra khỏi đất nước và xã hội mà họ đang sống.

 

Một giấc mơ vĩ đại

Hãy tưởng tượng giấc mơ Mỹ trong thực tiễn.

Hãy tưởng tượng một sinh viên đại học đang chuẩn bị cho sự nghiệp của mình. Suốt cuộc đời, anh ấy đã được dạy phải chăm chỉ học hành để được đậu vào một trường đại học, có được tấm bằng và xây dựng sự nghiệp. Một ngày trong tương lai, khi có đủ động lực, sự tận tụy và trực giác, anh ta có thể tự làm một điều gì đó vĩ đại. Chính vì thế anh ta luôn theo đuổi mục tiêu ấy.

Hoặc hãy tưởng tượng một doanh nhân tài năng đã đạt được nguyện vọng của mình. Anh ấy xuất thân từ một gia thế thấp hèn, phải đối diện với những khó khăn gây nản lòng, nhưng anh ta đã kiên trì qua những ngày dài tại văn phòng và những đêm ngắn tại nhà để leo được đến đỉnh cao. Anh ấy đạt được nguyện vọng nhanh hơn anh ta tưởng, và mặc dù không dễ dàng nhưng anh ấy tin rằng nó xứng đáng để anh ta phải đánh đổi. Giờ đây anh ta sống ở một căn nhà rộng rãi nơi ngoại ô cùng với vợ và con cái, một người đàn ông tự lực có tất cả những gì mà anh ta cần.

Và cuối cùng là một cặp vợ chồng bắt đầu về hưu. Đã qua thời gian chờ đợi, giờ đây họ có vô vàn lựa chọn. Sống trong một căn nhà hẻo lánh yên tỉnh, hay đi du lịch trong nước? Sửa sang lại căn nhà, hay thế chấp căn nhà ở trên núi? Mua một chiếc thuyền câu cá, hay học đánh golf? Những vui sướng trong hiện tại là thành quả của những năm lao động vất vả mà họ đã gặt hái được.

Hãy tưởng tượng những hình ảnh phổ biến ấy và suy nghĩ về câu hỏi: “Phải chăng chúng ta được tạo dựng cho một mục đích vĩ đại hơn thế?”

Tôi xin giới thiệu với bạn về Daniel, một sinh viên cũng giống như sinh viên mà tôi đã nói đến bên trên. Anh ấy là thành viên trong gia đình đức tin của chúng tôi và gần đây đã tốt nghiệp cử nhân danh dự về kỹ sư cơ khí của một trường đại học. Rời khỏi trường anh được đề nghị tiếp nhận hai công việc hấp dẫn: một là công việc lương rất cao cho một nhà máy hạt nhân, hai là được trợ cấp toàn bộ chi phí để anh hoàn thành chương trình thạc sĩ và tiến sĩ ngành kỹ sư.

Dĩ nhiên lựa chọn nào cũng đều rất tốt, nhưng hai năm về trước Daniel đã tin nhận Chúa. Giờ đây, toàn bộ cuộc sống anh tập trung vào việc sử dụng ân điển Đức Chúa Trời ban cho anh để đem lại sự vinh quang cho Ngài. Kết quả là anh đã từ chối cả hai lời mời để làm việc cho một chương trình kỹ sư với sứ mạng giúp đỡ cho các cộng đồng nghèo khó trên khắp thế giới. Cha của anh đã gửi e-mail cho tôi ngay khi Daniel có quyết định này, ông nói rằng: “Daniel đã có một cuộc khởi hành rất quyết liệt khỏi hệ giá trị truyền thống lâu dài của tôi. Tôi đã nuôi các con của tôi bằng các giá trị Cơ Đốc vững chắc và bằng một cách rất tự nhiên, tôi kỳ vọng chúng sẽ có được thời cơ và có một cuộc sống gia đình hữu ích.” Mặc dù vậy, ở cuối thư, người cha này bày tỏ ông đã cảm thấy hãnh diện thế nào khi con của ông từ bỏ những sự theo đuổi của thế giới này để “đem phúc âm đến những vùng đất và những con người mà cháu chưa từng biết.” Đức Chúa Trời đã thành tín với Daniel. Vài tuần trước, tôi đã gặp anh tại văn phòng của tôi, anh đã kể cho tôi về những cơ hội chưa từng có tiền lệ mà Đức Chúa Trời đã ban cho anh từ Hoa Kỳ đến Châu Phi đến Châu Á khi mà anh theo đuổi một giấc mơ vĩ đại hơn giấc mơ trước đó anh đã từng theo đuổi.

Tôi xin giới thiệu với bạn về Jeff, một doanh nhân giống như người mà tôi đã nói bên trên, một người đã leo lên những bậc thang thành công chỉ để nhận ra rằng thành công trong vương quốc của Đức Chúa Trời thì cần phải đi xuống chứ không phải đi lên. Là một chuyên gia trẻ, anh đánh giá mức độ thành công trong xã hội theo cách mà ai cũng có thể nhìn thấy được. Tôi xin kể lại câu chuyện bằng chính lời kể của anh trích từ một bài phát biểu trước các giám đốc khác trong công ty của anh trong một hội nghị.

Sự nghiệp của tôi bay lên như một cơn gió lốc hơn cả tôi có thể tưởng tượng được. Số tiền thuế mà tôi phải trả còn lớn hơn cả thu nhập mà trước đây tôi nghĩ có thể kiếm được trong một năm. Tôi đã được ban phước đầy kinh ngạc. Tôi có thể đưa vợ về nhà sau giờ làm việc. Rồi chúng tôi mua được căn nhà mơ ước tại đúng khu vực mà chúng tôi muốn sống. Tôi đã mua một chiếc xe BMW, một căn nhà bên bờ biển và có những kỳ nghỉ mát tuyệt vời. Và trên hết, tôi đã phát triển một công việc kinh doanh mà tôi vô cùng yêu thích, trong một lĩnh vực mà tôi rất đam mê. Tuy nhiên cuộc sống của tôi vẫn còn thiếu một điều gì đó, và tôi không thể tìm ra được đó là gì. Từ lúc bảy tuổi tôi đã là một Cơ Đốc nhân, nhưng trên con đường đuổi kinh doanh và sự thành công, bằng một cách nào đó tôi đã thay thế việc tìm kiếm Chúa bằng việc tìm kiếm những của cải và sự thành công.

Rồi một việc xảy đến cho tôi vào năm trước khiến cuộc đời tôi thay đổi. Tôi đứng tại bãi rác thành phố Tegucigalpa, Honduras. Tôi nhìn thấy những người nam, những người nữ và trẻ nhỏ sống tại bãi rác tìm kiếm thức ăn và chỗ trú ẩn. Tự hạ mình trước cảnh tượng các cha mẹ phải nuôi con của họ ở bãi rác, tấm lòng tôi tan vỡ khi nhìn thấy một phụ nữ mang thai tám tháng đi bên cạnh đang tìm kiếm thức ăn. Tôi không biết điều nào tồi tệ hơn: một em bé được hoài thai nơi bãi rác, hay việc em bé đó sẽ được sanh ra tại bãi rác. Ở giữa khung cảnh ấy, Đức Chúa Trời hỏi tôi rằng: “Con sẽ làm gì với những điều ta đã ban cho con? Con sẽ dùng sự ảnh hưởng, tài lãnh đạo và nguồn lực của con trong thế giới quanh con như thế nào?”

Lần đầu tiên trong đời, Jeff nhận ra rằng Đức Chúa Trời có một mục đích cho cuộc đời anh và mục đích ấy vĩ đại hơn sự theo đuổi những của cải vật chất đời này. Vậy Jeff quyết định bước ra khỏi giấc mơ Mỹ. Anh vẫn điều hành công việc kinh doanh và kiếm được rất nhiều tiền nhưng không phải cho anh. Anh và một số người khác trong gia đình đức tin của chúng tôi đã thành lập một mục vụ cộng tác với các hội thánh địa phương trên khắp thế giới để cung cấp nước sạch cho các cộng đồng nơi mà hàng nghìn người đang chết mỗi ngày vì các bệnh từ nguồn nước. Cùng nhau, họ đang khám phá điều mà chúng ta sẽ nói đến trong chương cuối cùng của quyển sách này. Đức Chúa Trời cam kết chu cấp nguồn lực dồi dào để hỗ trợ cho những ai đang sống vì mục đích của Ngài.

Cuối cùng, tôi xin giới thiệu Ed và Patty. Họ đang trải qua những năm đầu của độ tuổi bảy mươi và có vô vàn những lựa chọn cho cuộc sống hưu hạ. Tuy nhiên, họ đã chọn một con đường khác thường. Năm nay, từ tháng Bảy đến tháng Mười, Ed và Patty chỉ ở nhà vỏn vẹn mười một ngày. Họ đã đi xa để làm công tác cứu trợ thiên tai cho các thành phố và thị trấn bị ngập lụt tại Hoa Kỳ. Cả hai đều đã đến Nigeria, còn Ed đã đi Sri Lanka để nấu và cung cấp thức ăn giữa lúc tại đó đang xảy ra chiến tranh nổi loạn, vì nguy hiểm nên Patty không đi được với ông! Ed một lần đã nói với tôi rằng: “Còn gì tôi có thể làm trong lúc về hưu? Tôi chỉ muốn nói cho thật nhiều người về phúc âm trong khả năng của tôi.”

Nếu có thể gặp Daniel, Jeff, Ed hay Patty, có lẽ bạn sẽ không nhìn thấy ở họ có điều gì phi thường. Họ là những con người khiêm tốn với những thành công nhất định trong thế giới này. Tuy nhiên tất cả họ đều có một điểm chung: Họ đều tin rằng họ được tạo dựng không để trở thành một Cơ Đốc nhân với giấc mơ Mỹ. Họ tin rằng mục đích cho cuộc sống của họ lớn hơn một công việc tốt, xây dựng một gia đình bề thế, sống một cuộc sống thoải mái cùng với việc tham dự nhà thờ vào mỗi tuần. Họ tin rằng Đức Chúa Giê-su đã kêu gọi họ bước lên một chiếc máy bay cao hơn và ban cho họ một giấc mơ vĩ đại hơn. Họ tin rằng Đức Chúa Trời đã ban ân điển vĩ đại để Ngài sử dụng họ hoàn thành mục đích toàn cầu đầy vinh quang nhằm tôn vinh Ngài, đó là mục đích chính kể từ khi bắt đầu thế giới, và những con người này không muốn an phận với những gì thấp hơn một sự từ bỏ tuyệt đối vì mục đích cao cả ấy.

 

Ảnh hưởng thế giới

Vậy điều này có ý nghĩa gì với cuộc đời bạn? Khi khám phá về ý nghĩa của việc từ bỏ trọn vẹn cho Đấng Christ, tôi mời bạn hãy để tấm lòng mình chú ý đến viễn cảnh Đức Chúa Trời đã thiết kế một mục đích toàn cầu dành cho cuộc đời bạn. Tôi mời bạn hãy gạt đi những lý luận trái với phúc âm khiến bạn không hoàn thành được mục đích ấy. Tôi mời bạn hãy cùng tôi suy nghĩ về ý nghĩa khi tất cả chúng ta – mục sư và các tín hữu, nam nữ doanh nhân, luật sư và bác sĩ, cố vấn và những công nhân xây dựng, giáo viên và học sinh, chuyên gia làm việc xa nhà và các bà mẹ ở nhà – tất cả đều dành cả cuộc đời mình cho sự vinh quang của Đức Chúa Trời trên toàn thế giới.

Điều này nghe có vẻ thuộc linh, tôi hiểu vậy. Ảnh hưởng thế giới. Nhưng chẳng phải nó cũng đúng với Kinh Thánh hay sao? Đức Chúa Trời đã tạo dựng nên chúng ta để chúng ta hoàn thành mục đích tôn vinh Ngài trên cả trái đất. Định nghĩa chính quy về từ ảnh hưởng đó là: “sự tiếp xúc bằng lực giữa hai vật,” và Đức Chúa Trời đã thiết kế cuộc sống của chúng ta để va chạm với thế giới.

Và sẽ ra sao nếu điều này không chỉ đúng với Kinh Thánh mà còn có thể thực hiện được? Một câu châm ngôn cổ nói rằng: người nói không thể làm được nên tránh đường cho người đang làm điều đó. Sẽ ra sao nếu một chủ nghĩa đam mê tôn vinh Đức Chúa Trời trên toàn thế giới chính là điều còn đang thiếu thốn trong cuộc sống của các Cơ Đốc nhân ngày nay? Sẽ ra sao nếu những Cơ Đốc nhân quyết liệt này cùng chung sức trong các cộng đồng đức tin gọi là hội thánh, họ cùng có chung một mục đích mà Đức Chúa Trời đã định từ buổi sáng thế? Có lẽ, chỉ là có lẽ, cùng nhau chúng ta sẽ nhìn thấy mục đích ấy được hoàn thành.

Tôi sẽ kết thúc bằng một e-mail do Jamie gửi cho tôi, cô là một người mẹ trong gia đình đức tin của chúng tôi, cô vừa trở về từ Guatemala. Một hội thánh khác đã mời cô đến để chia sẻ về trải nghiệm của cô và đây là một phần trong lời chia sẻ ấy.

Tôi đã quyết định đi Guatemala sau khi đọc trong Lời Chúa một mệnh lệnh rằng hãy đi và khiến muôn dân trở nên môn đồ của Ngài. Tôi đã vâng lời, không phải bởi vì tôi có tấm lòng cho việc truyền giáo, cũng chẳng vì yêu thích con người tại Guatemala. Tôi muốn mục sư hiểu rằng tôi là một người vợ, một người mẹ và là một nhà tâm lý học bán thời gian – tôi không phải là giáo sĩ, và dĩ nhiên tôi cũng không phải là một truyền đạo. Tôi chỉ là vâng theo tối thiểu điều mà tôi tin rằng Lời Chúa dạy chúng ta phải làm. Ngợi khen Đức Chúa Trời, Ngài không chỉ thành tín và ban phước cho chúng tôi một cách tối thiểu.

Sau một tuần ở cùng các trẻ nhỏ, những đứa trẻ chỉ ăn một ly cháo nhỏ mỗi ngày, câu hỏi mà tôi đã hỏi Chúa khi trở về Birmingham đó là tại sao Ngài ban phước cho tôi quá nhiều trong khi những người khác thì có quá ít. Và đây là điều Chúa đã bày tỏ cho tôi: “Ta đã ban phước cho con vì sự vinh quang của ta. Không phải để con có một cuộc sống thoải mái trong một căn nhà rộng lớn và một chiếc xe tốt. Không phải để con tiêu tiền vào những kỳ nghỉ mát, vào giáo dục hoặc áo quần. Đó không phải là điều xấu, nhưng ta đã ban phước cho con để các nước sẽ biết ta và nhìn thấy sự vinh quang ta.”

Cả cuộc đời tôi đã hoàn toàn tách rời phước hạnh Chúa ban với mục đích của Chúa, và giờ đây tôi nhận ra điều mà tôi chưa từng thấy. Đức Chúa Trời ban phước cho tôi để bày tỏ tình yêu của Ngài cho Domingo [một quý bà mà Jamie đã gặp tại Guatemala và bà đã tin nhận Chúa]. Đức Chúa Trời ban phước cho tôi để bày tỏ tình thương và ân điển Ngài cho các thiếu nhi tại Guatemala. Đó là lý do Ngài đã ban cho tôi có thu nhập, được giáo dục và có mọi nguồn lực. Đức Chúa Trời cứu tôi để các nước sẽ biết đến Ngài. Ngài ban phước cho tôi để cả thế giới sẽ nhìn thấy vinh quang Ngài!

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chương Năm

 

CỘNG ĐỒNG NHÂN CẤP.

LÀM THẾ NÀO CHÚNG TA CÙNG HOÀN THÀNH

MỤC ĐÍCH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI?

Vào một ngày tháng mười một nóng bức, tôi ngồi giữa khung cảnh Châu Phi rộng lớn, hớp ngụm trà nóng cùng một người bạn tên Bullen. Xung quanh chúng tôi là những tòa nhà bị hư hại tại một vùng đất bị tàn phá bởi cuộc nội chiến suốt hai mươi năm. Tại Sudan, nơi đây trước kia từng rất thịnh vượng thì giờ đây chỉ còn héo úa và buồn thảm. Hàng nghìn Cơ Đốcnhân đã mất dưới tay chế độ chiến binh Hồi Giáo. Họ là những anh chị em của Bullen và cũng là anh chị em của tôi nữa.

Bullen mất gia đình từ nhỏ và tự lớn lên tại Sudan. Nhưng khi nhìn vào gương mặt ngâm đen mảnh khảnh của anh ngày hôm đó, đập vào tôi là nụ cười tỏa sáng mỗi khi anh nói khiến người khác cũng nở theo nụ cười.

Chúng tôi nói về câu chuyện Đức Chúa Trời đã hành động trong đời sống của Bullen như thế nào, làm thế nào Ngài đã đem anh đến với niềm tin nơi Đấng Christ khi mà anh đã hoàn toàn đánh mất niềm tin trong cuộc sống. Chúng tôi nói về những công việc Chúa và về kế hoạch mà Ngài dành cho tương lai của chúng tôi. Giữa cuộc nói chuyện, Bullen hạ tách trà nóng xuống từ miệng, nhìn vào mắt tôi và nói: “Thưa mục sư David, tôi sẽ ảnh hưởng thế giới.”

Một tuyên bố thật thú vị. Anh là một chàng trai sống ở Châu Phi hẻo lánh và gần như chẳng có nguồn lực nào. Một người chưa từng được thấy thế giới xa hơn những ngôi làng xung quanh anh ta. Một người với vẻ bề ngoài chẳng có nhiều hy vọng rằng anh ta có thể thay đổi số phận đời mình.

Tôi hỏi: “Bullen, anh sẽ ảnh hưởng thế giới như thế nào?”

Anh đáp: “Tôi sẽ khiến muôn dân trở nên môn đồ của Chúa.”

“Vậy anh sẽ ảnh hưởng thế giới bằng cách khiến muôn dân trở nên môn đồ của Chúa.”

Nụ cười nở rộng trên gương mặt anh. “Tại sao không?” anh hỏi. Rồi anh tiếp tục hớp ngụm trà.

Tôi không bao giờ quên câu hỏi ấy.

Tại sao không?

Đêm hôm ấy khi ngã lưng trong túp lều vách đất mái lá, tôi không thể xua đi câu hỏi của Bullen. Anh ấy đã hỏi với một niềm đam mê đầy thuộc linh và cũng đầy ngây thơ. Anh không chỉ đủ lạc quan để nghĩ rằng anh ta có thể ảnh hưởng thế giới, nhưng anh cũng có đủ niềm tin để biết phải làm điều đó như thế nào. Anh thật sự tin rằng khi vâng mệnh lệnh đào tạo môn đồ mà Đức Chúa Giê-su đã truyền thì anh sẽ ảnh hưởng được thế giới.

Trong chương này tôi xin khẳng định rằng kế hoạch cuộc đời của Bullen cũng chính là kế hoạch mà Đức Chúa Giê-su muốn dành cho mỗi một chúng ta. Bất kể chúng ta đang sống ở quốc gia nào, có những kỹ năng gì, được hưởng nền giáo dục ra sao, hoặc có bao nhiêu thu nhập, Đức Chúa Giê-su đều truyền cho tất cả chúng ta phải đào tạo môn đồ, và đây chính là phương cách để chúng ta ảnh hưởng thế giới. Thật vậy, Đức Chúa Giê-su mời gọi chúng ta cùng tham gia với Ngài trong một cuộc hành trình rất đơn giản đó là chia sẻ phúc âm cho mọi nước bằng cách sống cuộc sống vì sự tốt lành cho người khác và vì sự vinh quang của Đức Chúa Trời.

 

Bước tiếp theo

Trong chương sách trước, chúng ta thấy rằng cần phải liên kết phước hạnh với mục đích của Đức Chúa Trời. Tôi mang ơn các cố vấn, các đồng sự, các mục sư và các tác giả đã giúp tôi nhận ra bản tính của Đức Chúa Trời là tập trung vào chính Ngài.

Đồng thời tôi cảm thấy lo lắng khi Cơ Đốc giáo đương đại đang phớt lờ bước tiếp theo. Chúng ta thấy rằng Đức Chúa Trời ban phước cho chúng ta để mọi nước sẽ biết đến sự vinh quang của Ngài. Tuy nhiên câu hỏi vô cùng quan trọng vẫn còn lại đây. Làm thế nào chúng ta khiến cho mọi nước biết đến sự vinh quang của Đức Chúa Trời? Nếu Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta có ân điển để chúng ta đem phúc âm đến tận cùng trái đất, vậy làm thế nào chúng ta làm được điều đó? Có phải chúng ta bước ra đường và công bố sự vinh quang của Đức Chúa Trời? Phải chăng tất cả chúng ta đều cần phải đi đến các quốc gia khác? Nếu đi, chúng ta sẽ làm gì khi đến nơi? Quyển sách này có ý nghĩa gì với cuộc sống hằng ngày của chúng ta?

Về việc này, Đức Chúa Giê-su có rất nhiều điều dạy dỗ cho chúng ta. Nếu chúng ta từ bỏ chính mình để dấn thân vào công tác đem phúc âm đến thế giới, rất có thể ngay lập tức chúng ta sẽ lập ra các chiến lược mang tính đổi mới và các kế hoạch tỉ mỉ. Rất có thể chúng ta sẽ tổ chức các hội nghị, phát triển các chương trình, và sáng lập các quỹ. Rất có thể chúng ta sẽ mời những nhân vật nổi tiếng để thu hút đám đông đến với các sự kiện lớn. Có lẽ chúng ta sẽ thành lập các hội thánh siêu lớn và chủ tọa các hội nghị siêu lớn. Có lẽ chúng ta sẽ… có lẽ chúng ta sẽ làm những việc mà chúng ta đang làm ngày nay.

Tuy nhiên Đức Chúa Giê-su rất khác chúng ta. Với nhiệm vụ đem phúc âm đến thế giới, Đức Chúa Giê-su đã đi khắp các con đường Y-sơ-ra-ên để tìm kiếm một số ít những người nam. Xin đừng hiểu lầm tôi – Đức Chúa Giê-su không hề hững hờ với sứ mệnh của Ngài. Ngài đang khởi đầu một cuộc cách mạng, nhưng cuộc cách mạng ấy không tập trung vào số đông. Ngược lại cuộc cách mạng của Chúa tập trung vào một số người nam ít ỏi. Ngài không tập trung giành được một vị trí nào đó. Nhưng Ngài tập trung lựa chọn một số người ít ỏi. Trong kế hoạch thay đổi dòng lịch sử, Đức Chúa Giê-su cố ý tránh xa khỏi mọi danh hiệu, tước hiệu, sự tung hô và sự nổi danh. Tất cả những gì Chúa muốn đó là một số ít những người có cùng suy nghĩ với Ngài, có cùng tình yêu thương như Ngài, thấy những điều Ngài thấy, dạy dỗ như Ngài đã dạy và phục vụ như Ngài đã phục vụ. Tất cả những gì Ngài muốn là cách mạng hóa tấm lòng của một số ít người, và những người đó sẽ ảnh hưởng thế giới.

 

Ván cược lớn của Đức Chúa Giê-su

Hãy hình dung Đức Chúa Giê-su trước thời gian Ngài chịu đóng đinh trên thập tự giá. Khi cầu nguyện với Đức Chúa Cha, Đức Chúa Giê-su đã thuật lại chức vụ của Ngài ở trên đất. Ngài bắt đầu rằng: “Con đã tôn vinh Cha trên đất, làm xong công việc Cha giao cho làm.”[47] Kế đến Đức Chúa Giê-su kể về công việc của Ngài.

Điều bất ngờ là khi Đức Chúa Giê-su tóm tắt công tác của Ngài trên đất, Ngài đã không nhớ lại các bài giảng vĩ đại mà Ngài đã giảng cùng với tất cả những người đã đến để nghe Ngài. Đức Chúa Giê-su không nói về những phép lạ mà Ngài đã làm – khiến cho người mù được thấy, người què được đi và hóa thức ăn cho hàng nghìn người. Thậm chí Ngài đã không đề cập đến việc khiến người chết sống lại. Tuy nhiên Đức Chúa Giê-su liên tục nhắc đến nhóm nhỏ những người nam mà Đức Chúa Trời đã ban cho Ngài từ giữa thế gian. Những con người này chính là công tác Đức Chúa Trời đã ban cho Đức Chúa Giê-su. Thật vậy, họ chính là cuộc sống của Đức Chúa Giê-su.

Khi đọc Giăng 17, bạn sẽ nhận thấy Đức Chúa Giê-su đã yêu thương và đầu tư cho các môn đồ của Ngài như thế nào. Hãy suy nghĩ về lời cầu nguyện của Đức Chúa Giê-su với Đức Chúa Cha về các môn đồ của Ngài:

  • “Con đã tỏ danh Cha ra cho những người Cha giao cho Con từ giữa thế gian.”
  • “Phàm mọi điều thuộc về Con tức là thuộc về Cha, mọi điều thuộc về Cha tức là thuộc về Con, và Con nhân họ được tôn vinh.”
  • “Đang khi Con còn ở với họ, Con gìn giữ họ trong danh Cha, là danh Cha đã ban cho Con.”
  • “Bây giờ Con về cùng Cha, và đương khi còn ở thế gian, Con nói những điều đó, hầu cho trong lòng họ được đầy dẫy sự vui mừng của Con.”
  • “Con vì họ tự làm nên thánh, hầu cho họ cũng nhờ lẽ thật mà được nên thánh vậy.”[48]

Đức Chúa Giê-su đã sống vì các môn đồ. Trong thời gian chức vụ của Đức Chúa Giê-su trên đất, Ngài đã dành nhiều thời gian cho mười hai môn đồ hơn tất cả thời gian mà Ngài dành cho những người khác cộng lại. Nếu bạn thật sự suy nghĩ thì điều này rất đáng kinh ngạc. Vào thời gian cuối cùng Con Đức Chúa Trời ở trên đất, Ngài đã đánh cược tất cả vào mối quan hệ giữa Ngài với mười hai con người này. Thậm chí trong khi cầu nguyện, Đức Chúa Giê-su đã nhắc đến một người trong số các môn đồ (Giu-đa) đã bị thất lạc. Vậy giờ chỉ còn mười một người. Mười một người này chính là nhóm nhỏ chịu trách nhiệm tiếp nối tất cả chức vụ mà Đức Chúa Giê-su đã khởi đầu.

Sau lời cầu nguyện ở phòng cao, Đức Chúa Giê-su chịu chết trên thập tự giá. Ngài phục sinh từ phần mộ và hiện ra cho các môn đồ. Ma-thi-ơ 28 ghi lại một trong số những khoảnh khắc cuối cùng giữa Đức Chúa Giê-su và các môn đồ. Mười một môn đồ tụ tập xung quanh Ngài, Đức Chúa Giê-su phán rằng: “Hết cả quyền phép ở trên trời và dưới đất đã giao cho ta. Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp-têm cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế.”[49]

Sau khi dành cả cuộc đời của Ngài với mười một con người, giờ đây Đức Chúa Giê-su phán với họ rằng: “Hãy ra đi và làm như thế cho những người khác.” Đây chính là chiến lược vĩ đại của Đức Chúa Giê-su: đào tạo môn đồ.

 

Tất cả môn đồ của Đức Chúa Giê-su Christ

Mọi Cơ Đốc nhân đều có thể làm được việc này. Bạn không cần phải có nhiều kỹ năng cũng không cần phải có những khả năng đặc biệt mới có thể khiến người khác trở nên môn đồ của Chúa. Bạn không cần phải là một mục sư thành công, cũng không cần phải là một lãnh đạo có ân tứ mới có thể tạo môn đồ. Bạn không cần phải là một người truyền đạt vĩ đại hoặc một nhà lý luận đổi mới để có thể tạo môn đồ. Đó là lý do Đức Chúa Giê-su phán rằng mọi Cơ Đốc nhân đều phải làm điều này.

Một hậu quả không lường trước của các chiến lược hội thánh đương đại khi đặt trọng tâm vào sự trình diễn, địa điểm, chương trình và các chuyên gia. Đó là vào một lúc nào đó yếu tố con người sẽ bị loại bỏ khỏi bức tranh phục vụ Chúa. Tuy nhiên theo Đức Chúa Giê-su, con người chính là phương cách của Đức Chúa Trời để chiến thắng thế giới cho Ngài. Những con người được Đức Chúa Giê-su biến đổi hoàn toàn. Những người không đứng ngoài cuộc chỉ để yên vị trên các băng ghế vào Chủ Nhật mà quan sát các chuyên gia thực hiện mục vụ thay cho họ. Những người được trang bị vào Chủ Nhật để những ngày khác trong tuần thực hiện mục vụ. Những con người thích hợp và được tự do để làm những gì Đức Chúa Giê-su đã làm và cũng là những gì Ngài truyền chúng ta làm: đào tạo môn đồ.

Những người như Jim và Cathy. Họ ngồi ở hàng ghế đầu trong mỗi buổi nhóm hằng tuần, nhưng họ không đứng ngoài cuộc. Họ điều hành công việc kinh doanh và xem nơi làm việc là nơi đào tạo môn đồ. Năm trước, mười sáu đồng nghiệp của họ đã đến với niềm tin nơi Đức Chúa Giê-su Christ. Cặp đôi này không chỉ vâng lời Chúa ở tại Hoa Kỳ. Jim huấn luyện về kinh doanh qui mô nhỏ cho những người nam ở đất nước Tanzania nghèo khó, trong khi Cathy thì huấn luyện các quý cô về nghề buôn bán để họ có thể làm được tại nhà. Gần đây Jim đã nói với tôi rằng: “Thật tuyệt vời. Tấm lòng tôi tràn đầy lời ngợi khen vì Đức Chúa Trời chọn hành động trong tôi và trong gia đình của tôi.”

Hay những người như Robert, một doanh nhân thành đạt trong cộng đồng của chúng tôi. Sau một buổi học gần đây về đề tài đào tạo môn đồ, Robert đã nói với tôi rằng suốt những năm trong quá khứ tại hội thánh, anh chưa bao giờ nhận thấy trách nhiệm – và cũng là đặc quyền – phải ảnh hưởng thế giới vì sự vinh quang của Đức Chúa Giê-su Christ. Chính vì thế bây giờ anh đang thực hiện trách nhiệm đó. Robert cùng vợ hiện đang tổ chức một nhóm nhỏ tại nhà nhằm dẫn dắt các cặp đôi trẻ đến với Chúa và giúp họ phát triển mối quan hệ với Ngài. Họ đã huy động các cặp đôi này tham gia vào các mục vụ tại thành phố của chúng tôi, từ mục vụ dành cho cộng đồng người Mỹ gốc Tây Ban Nha có thu nhập thấp đến mục vụ dành cho những người vô gia cư. Robert cũng đưa các cặp đôi trẻ này ra nước ngoài, tại đó anh đã trang bị và tạo động lực cho họ để giảng dạy về các nguyên tắc hôn nhân lấy phúc âm làm trọng tâm cho các cặp đôi khác ở khắp thế giới.

Thế còn Holly? Cô là một bà mẹ trẻ gần đây đã rời bỏ một công việc thoải mái ở vùng ngoại ô để dạy tại một trường học trong thành phố. Mặc dù vậy, Holly không chỉ dạy cho sinh viên nhưng cô cũng đầu tư cho các gia đình bằng phúc âm. Cô kể cho tôi về một gia đình mà gần đây cô đã đến thăm – một bà mẹ đơn thân làm việc trọn thời gian trong khi vẫn còn đi học và phải nuôi năm người con từ ba đến mười lăm tuổi. Bà mẹ này sưởi ấm căn nhà bằng chiếc lò nướng, và bởi vì không dễ để mua sắm vật dụng trong nhà nên các con của cô đều ngủ trên chiếc giường đơn cùng với cô. Holly đã huy động nhóm nhỏ của cô phục vụ cho gia đình này, và giờ đây họ đang giúp cho gia đình nhỏ này có những chiếc giường và các vật dụng gia đình khác. Nhân tiện, khi đang viết chương sách này, Holly và chồng của cô là John hiện đang huấn luyện cho các lãnh đạo hội thánh tại Sudan.

Đây chính là bức tranh. Kế hoạch của Đấng Christ không phụ thuộc vào một chương trình đúng đắn hoặc thuê đúng chuyên gia nhưng dựa vào việc xây dựng đúng người – một cộng đồng những con người – nhận ra rằng chúng ta đều có khả năng và được trang bị để thực hiện mục đích của Đức Chúa Trời cho cuộc đời của chúng ta. Điều gì sẽ xảy ra khi các gia đình Jim, Cathy, Robert và Holly đều phân tán khắp hội thánh để tìm cách hoàn thành kế hoạch của Đấng Christ? Họ sẽ sớm nhận ra rằng họ được tạo dựng để ảnh hưởng các nước vì sự vinh quang của Chúa.

Vậy chúng ta làm điều đó như thế nào? Nếu kế hoạch của Đấng Christ là đào tạo môn đồ, và nếu tất cả chúng ta đều có khả năng và đều có trách nhiệm phải đào tạo môn đồ, vậy thì chúng ta sẽ thực hiện như thế nào?

Khi suy nghĩ về việc này, thật đáng kinh ngạc khi chúng ta thiếu sự hiểu biết rõ ràng về việc đào tạo môn đồ nghĩa là gì. Đây chính là mệnh lệnh cuối cùng Đức Chúa Giê-su phán cùng các môn đồ trước lúc Ngài thăng thiên. Đây chính là sứ mệnh chính yếu mà Đấng Christ đã ban cho hội thánh của Ngài trước khi về trời. Song nếu hỏi bất kỳ Cơ Đốc nhân ý nghĩa của việc đào tạo môn đồ là gì, rất có thể bạn sẽ nhận được những câu trả lời mơ hồ, những suy nghĩ lẫn lộn, hoặc thậm chí là những cái nhìn chòng chọc trống không.

Đó là tôi trong quá khứ – và ở một chừng mực nào đó tôi vẫn còn như thế trong hiện tại. Càng đọc các sách Phúc Âm, tôi càng lấy làm lạ với sự ảnh hưởng đơn giản qua những công việc Đức Chúa Giê-su đã làm với các môn đồ của Ngài. Tâm trí tôi có xu hướng nghĩ đến những giấc mơ vĩ đại và những chiến lược phức tạp, nhưng tôi cảm thấy rất bất ngờ khi nhìn thấy Đức Chúa Giê-su đi bên cạnh mười hai người nam này một cách thật đơn giản, đầy chủ ý, có phương pháp và đầy kiên nhẫn. Đức Chúa Giê-su nhắc cho tôi nhớ rằng môn đồ không phải là sản phẩm công nghiệp. Môn đồ của Đức Chúa Giê-su – những người đi theo Đức Chúa Giê-su một cách chân thật, có cam kết và hy sinh – thì không thể có được trong một đêm.

Đào tạo môn đồ không phải là một quá trình dễ dàng. Quá trình đó rất khó khăn, rất lộn xộn, rất chậm chạp, buồn tẻ và thậm chí đầy đau đớn. Đó là bởi vì đào tạo môn đồ là một mối liên hệ. Đức Chúa Giê-su không ban cho chúng ta một công thức từng bước một dễ dàng để ảnh hưởng đến thế giới vì sự vinh quang của Ngài. Nhưng Ngài ban cho chúng ta những con người, và Ngài phán rằng: “Hãy sống cho những con người đó. Hãy yêu thương họ, phục vụ họ và dẫn dắt họ. Hãy dẫn dắt họ theo ta, và hướng dẫn họ để họ dẫn dắt những người khác nữa đi theo ta. Khi làm việc đó, các con sẽ nhân cấp phúc âm cho đến tận cùng trái đất.”

Để biết mệnh lệnh này bao gồm những công việc gì, chúng ta hãy một lần nữa suy xét lời từ biệt của Đức Chúa Giê-su với các môn đồ của Ngài – và với bạn và tôi. Chúng ta phải ra đi và khiến muôn dân trở nên môn đồ của Chúa. Kế đến chúng ta phải làm báp-têm họ trong danh Đức Cha, Đức Con và Đức Thánh Linh. Đồng thời chúng ta phải dạy họ vâng theo mọi lời Đức Chúa Giê-su đã phán. Tất cả những công việc này chính là phương cách để nhân cấp số người được hưởng ân điển Đức Chúa Trời và mở mang sự vinh quang Chúa ra khắp thế giới.

 

Phúc âm và con đường Bourbon

Đầu tiên, theo lời Đức Chúa Giê-su, đào tạo môn đồ thì cần phải ra đi. Điều này có nghĩa là chúng ta phải đem phúc âm đến với người khác tại nơi mà họ sống, làm việc và vui chơi. Đào tạo môn đồ không phải là sự kêu gọi những người khác đến với chúng ta để lắng nghe phúc âm nhưng là một mệnh lệnh dành cho chúng ta phải đi đến những người khác để chia sẻ phúc âm. Đó là một mệnh lệnh dành cho chúng ta để sống phúc âm và nói về phúc âm trong mọi khoảnh khắc và mọi hoàn cảnh.

Khi tôi và vợ dời đến New Orleans, tôi nhanh chóng cảm thấy thật lạ lẫm. Thành phố New Orleans không giống như bao thành phố khác, và đặc biệt khác thường chính là Khu phố Pháp. Tại đây nổi tiếng với con đường Bourbon, chúng ta sẽ nhìn thấy nhiều dạng người khác nhau. Tôi nhớ lần đầu tiên đi bộ qua con đường này, tôi đã chú ý đến những con người thuộc mọi tầng lớp xã hội vào ra các quán rượu và nhà hàng. Tôi nhìn thấy những cặp đôi giàu có bước qua những người vô gia cư ở trên đường. Tôi nhìn thấy những người giới tính bình thường, những người đồng tính, những người song tính và những người chuyển giới ở khắp các con phố.

Một khu vực nổi tiếng nhất tại Khu phố Pháp đó là Quảng trường Jackson. Tọa lạc trước một thánh đường Công Giáo La-mã lớn, công viên này luôn chật kín người – dân địa phương và khách du lịch. Một hàng dài những người làm trò tiêu khiển, những chiếc bàn của những người bói bài, đọc chỉ tay, coi bói và bùa chú.

Tôi cùng một số người bạn bắt đầu suy nghĩ làm thế nào để truyền đạt phúc âm tại Khu phố Pháp. Khi nhìn quanh những dãy bàn nơi người ta đến để được xem chỉ tay hoặc được nghe tiên đoán về tương lai, chúng tôi quyết định hành động. Vậy một ngày nọ chúng tôi đặt một chiếc bàn trong công viên này. Ngay bên cạnh Nữ hoàng Bùa chú của New Orleans, chiếc bàn của chúng tôi trải một chiếc khăn, vài ngọn nến, mấy cái ghế ở phía trước và phía sau và một tấm biển ghi: “Chúng Tôi Sẽ Nói Tương Lai Của Bạn Miễn Phí.”

Người ta sẽ đến với chiếc bàn của chúng tôi, ngồi xuống với ánh nhìn đầy tò mò. “Các anh sẽ nói cho tôi biết về tương lai của tôi chứ?”

Chúng tôi sẽ nói: “Xin đảm bảo.”

Chúng tôi bị cám dỗ để bảo họ hãy cho chúng tôi xem xem chỉ tay, nhưng chúng tôi thấy điều đó đã đi quá xa. Vậy chúng tôi bắt đầu hỏi họ một vài câu hỏi đơn giản. Những câu hỏi này nhằm tạo tiền đề rằng họ phạm tội và như thế chúng tôi có thể nhìn họ mà nói rằng: “Tương lai của anh thật không ổn.” Kế đến chúng tôi có thể chia sẻ làm thế nào tương lai của họ sẽ được thay đổi nhờ những việc Đức Chúa Giê-su đã làm trên thập giá.

Điều này sẽ kích thích những cuộc nói chuyện đầy thú vị, tuy nhiên chúng tôi sớm nhận ra rằng việc chia sẻ phúc âm tại Khu phố Pháp thật tốn nhiều thời gian và quá nhiều công việc. Chẳng hạn như, khi gặp những người vô gia cư, chúng tôi sớm nhận ra rằng họ đã quen thuộc với phúc âm hoặc ít nhất là đã nghe về phúc âm. Họ không lạ gì với những sách nhỏ Kinh Thánh được in ra hoặc bị buộc tội về “đời sống tội lỗi” của họ. Phần lớn những người chia sẻ về phúc âm cho họ sẽ bỏ đi trong ít phút.

Khi bắt đầu chia sẻ về phúc âm, những người ở Khu phố Pháp nghĩ rằng chúng tôi cũng giống như bao nhiêu người khác. Chính vì vậy mà khi chúng tôi cứ quay trở lại vào ngày tiếp theo, tuần tiếp theo, và tuần tiếp theo sau đó, họ bắt đầu thay đổi suy nghĩ về chúng tôi… và chúng tôi cũng thế.

Chúng tôi bắt đầu dành rất nhiều thời gian tại Khu phố này. Chúng tôi phải đem thức ăn theo khi có thể. Chúng tôi không có nhiều tiền, và món rẻ nhất chúng tôi có thể tìm được là tacos (một món ăn Mexico) tại Burger King. Đừng hỏi tại sao Burger King lại bán tacos, tuy nhiên món này rất rẻ, chính vì thế mà chúng tôi có thể mua một túi đầy tacos để đi xuống Phố. Những chiếc bánh tacos (cùng với gà chiên mua thêm) đã cho chúng tôi có cơ hội được ngồi trên những con đường New Orleans và bắt đầu xây dựng các mối quan hệ. Được lắng nghe người ta nói về cuộc sống, về hoàn cảnh, về gia đình, về giấc mơ và những tranh chiến của họ. Và chúng tôi cũng có cơ hội được kể cho họ nghe về câu chuyện của chúng tôi, về gia đình, về những giấc mơ cũng như những tranh chiến của chúng tôi.

Từng người một, những người vô gia cư bắt đầu tin nhận Chúa. Trước khi cơn bão Katrina xảy ra, cứ mỗi sáng Chủ Nhật, khoảng năm mươi người vô gia cư sẽ tập hợp tại Khu phố Pháp để ăn sáng và thờ phượng Chúa. Gần đây tôi có quay trở lại New Orleans và đến thăm một người từ Khu phố Pháp, anh đã tin nhận Chúa và đã được làm phép báp-têm tại nhà thờ. Với đôi tay đầy những hình xăm, anh ôm tôi thật chặt và nói: “Mục sư David, tôi muốn mục sư biết rằng hiện tôi đang lãnh đạo mục vụ dành cho những người vô gia cư tại Khu phố Pháp.”

Đào tạo môn đồ không quan trọng ở chương trình hoặc một sự kiện nào đó, nhưng quan trọng ở mối quan hệ. Khi chúng ta chia sẻ phúc âm, chúng ta đang ảnh hưởng đến đời sống, và đây chính là trọng tâm của việc đào tạo môn đồ. Chia sẻ sự sống của Đấng Christ.

Đây chính là lý do đào tạo môn đồ không chỉ cần phải ra đi, nhưng cũng cần đến phép báp-têm.

 

Chào đón vào gia đình

Báp-têm là hình ảnh rõ ràng, công khai và mang tính biểu trưng cho đời sống mới trong Đấng Christ. Ý nghĩa được thể hiện qua phép báp-têm, chúng ta chết với Đấng Christ – chết đối với tội lỗi và chết đối với bản thân – và chúng ta được sống lại cùng với Ngài.[50]

Phép báp-têm cũng là hình ảnh chúng ta gắn bó với nhau trong hội thánh. Phép báp-têm hiệp nhất tất cả các anh chị em cùng chia sẻ sự sống trong Đấng Christ lại với nhau.[51] Đào tạo môn đồ bao gồm mời gọi con người tham gia vào một cộng đồng đức tin nơi họ sẽ nhìn thấy sự sống của Đấng Christ bằng hành động và trải nghiệm tình yêu thương của Đấng Christ một cách cá nhân.

Tuần vừa rồi, trong buổi nhóm thờ phượng, chúng tôi đã thực hiện nghi lễ báp-têm cho ba người. Một là một người mẹ nội trợ, cô đã lớn lên trong hội thánh và đã có một cuộc sống “tốt lành,” nhưng gần đây mắt cô được mở ra để nhìn thấy tội lỗi của cô, thậm chí trong những điều được cho là tốt lành, và cô đã nhận Đức Chúa Giê-su Christ là Cứu Chúa và Chúa của cô. Người thứ hai là một doanh nhân, sau nhiều năm bước đi với Đấng Christ, anh đã nhận ra rằng anh chưa vâng lời Chúa về phép báp-têm để được gắn bó với Đấng Christ và hội thánh của Ngài. Người thứ ba là một người từng buôn lậu và nghiện ma túy, nghiện rượu, anh đã được thay đổi hoàn toàn bởi ân điển Chúa. (Một ghi chú bên lề, gần đây anh đã đến với các anh chị lãnh đạo mục vụ ở nước ngoài để nói với họ rằng anh có những kỹ năng để buôn hàng lậu – hay nói cách khác, chuyển Kinh Thánh qua biên giới. Liệu chúng tôi có quan tâm sử dụng đến chuyên môn của anh hay không!)

Khi chúng ta vui mừng về công tác của Đấng Christ trong mỗi cuộc đời của chúng ta, tôi ngợi khen Đức Chúa Trời về vẻ đẹp thân thể của Đấng Christ. Chúng ta là những con người từ nhiều hoàn cảnh và đã trải qua những hành trình tranh chiến khác nhau, nhưng nhờ sự sống của Đức Chúa Giê-su Christ chúng ta được hiệp làm một. Đào tạo môn đồ đòi hỏi sự gắn kết với một cộng đồng những người tin Chúa là những người bày tỏ tình yêu thương với nhau, cùng chia sẻ sự sống với nhau khi chúng ta chung sống cùng nhau vì sự vinh quang của Đức Chúa Trời.

Trong các chương trước, tôi đã đề cập đến Jim Shaddix, vị giáo sư thần học mà tôi đã đến New Orleans để học. Tôi mang ơn Jim vì đã chia sẻ cuộc sống của ông với tôi cũng như cách Đức Chúa Giê-su đã làm với các môn đồ của Ngài. Tôi học được rất nhiều điều từ các lớp học của Jim, nhưng những gì tôi đã học được còn lớn hơn thế qua các cuộc nói chuyện tại văn phòng của ông, khi ngồi trên xe của ông, tại gia đình ông và trong cộng đồng khi chúng tôi chia sẻ phúc âm.

Tôi còn nhớ một ngày nọ khi trở về nhà tại New Orleans, tôi phải vội vã thay áo quần để ra ngoài. Vợ của tôi hỏi có việc gì gấp, tôi nói rằng tôi phải chạy bộ cùng với tiến sĩ Shaddix.

Vợ tôi hỏi: “Chạy bộ. Từ khi nào anh trở thành người chạy bộ?”

Tôi đáp: ‘Mấy phút trước, tiến sĩ Shaddix rủ tôi chạy bộ cùng ông.”

Tôi ghét chạy bộ. Tôi chưa bao giờ cảm thấy vui thích trong việc chạy bộ. Nhưng ngay khi tiến sĩ Shaddix rủ tôi chạy bộ cùng ông, tôi bỗng trở thành một vận động viên chạy việt dã đích thực. Bạn thấy đấy, dù là chạy vòng quanh chủng viện thần học hay là ngồi ở nhà để nói về cuộc đời và mục vụ, Jim đều rất tốt bụng để chia sẻ cuộc đời của ông với tôi và trong quá trình đó ông đã bày tỏ cho tôi biết ý nghĩa của việc đi theo Đấng Christ. Và tôi muốn điều đó, dù phải đổ mồ hôi.

Thuộc về một cộng đồng đức tin nghĩa là cùng chia sẻ sự sống của Đấng Christ cùng với người khác. Cũng giống như chúng ta gắn kết với Đấng Christ và hội thánh của Ngài qua phép báp-têm, giờ đây chúng ta có thể chia sẻ sự sống trong Đấng Christ với những người khác. Vậy bạn có thể bày tỏ sự sống của Đấng Christ như thế này với ai? Đây là vấn đề nền tảng đối với việc đào tạo môn đồ, chính vì thế chúng ta sẽ nhân cấp phúc âm chỉ khi chúng ta cho phép người khác đến với chúng ta đủ gần để nhìn thấy sự sống của Đấng Christ qua hành động.

 

Người tiếp nhận hay người tái tạo?

Ra đi và làm phép báp-têm là hai yếu tố quan trọng trong việc đào tạo môn đồ. Tuy nhiên cả hai việc này ngụ ý một công tác khác không kém phần quan trọng: giảng dạy. Đây là một công tác mà chúng ta phải thực hiện để làm trọn mục đích cho đời sống mà Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta. Trong mối liên hệ với nhau trong thân thể Đấng Christ, chúng ta phải không ngừng dạy dỗ Lời Chúa cho nhau.

Tuy nhiên khi chúng ta nghe Đức Chúa Giê-su nói về việc dạy dỗ, chúng ta cần phải cẩn thận tránh nghĩ ngay đến các phòng học và những bài giảng mà chúng ta thường liên tưởng với việc dạy dỗ Lời Chúa. Phòng học và bài giảng đều rất quan trọng, nhưng đây không phải là phương cách dạy dỗ chủ đạo mà chúng ta nhìn thấy qua mối liên hệ giữa Đức Chúa Giê-su với các môn đồ của Ngài. Trái lại, phòng học của Đức Chúa Giê-su và các môn đồ của Ngài chính là thế gian, tại đó Đức Chúa Giê-su luôn có những cơ hội dạy dỗ các môn đồ của Ngài trong mọi phút giây.

Điều này cực kỳ quan trọng khi chúng ta suy nghĩ về mệnh lệnh đào tạo môn đồ mà Đức Chúa Giê-su đã truyền cho mỗi một chúng ta. Khi nghĩ về việc dạy dỗ, chúng ta thường kết luận rằng không phải tất cả mọi người đều được định làm thầy dạy đạo. Kinh Thánh nói rõ về ân tứ giảng dạy và xác định những vai trò lãnh đạo nào trong hội thánh thì gắn liền với việc dạy dỗ Lời Chúa. Chính vì thế chúng ta thường cho rằng dạy dỗ là một nhiệm vụ được giao cho một số ít người. Tuy nhiên ngay cả khi chúng ta thừa nhận và khẳng định những thầy dạy đạo có ân tứ mà Đức Chúa Trời ban cho hội thánh, mệnh lệnh đào tạo môn đồ mà Đức Chúa Giê-su đã truyền cho chúng ta thể hiện rằng tất cả chúng ta đều có vai trò dạy dỗ.

Chẳng hạn như hãy tưởng tượng khi chúng ta “ra đi” và dẫn dắt một người đến với đức tin nơi Đấng Christ, rồi sau đó chúng ta chứng kiến người ấy “được làm báp-têm” đánh dấu sự gắn kết với Đấng Christ và hội thánh của Ngài. Rồi sao nữa? Làm thế nào người đó học cách bước đi với Chúa mỗi ngày? Nếu việc dạy dỗ bị giới hạn ở một số ít người trong hội thánh đã được trang bị cho việc này thì chúng ta sẽ ngay lập tức bảo người tân tín hữu này phải ngồi vào lớp học và học từ thầy dạy đạo. Vậy chúng ta có phương cách “môn đồ hóa” phổ biến như ngày nay – khác xa với phương cách đào tạo môn đồ của Đức Chúa Giê-su. Các lớp học dạy đạo không phải không hữu ích, tuy nhiên sẽ ra sao nếu Đức Chúa Giê-su đã lập chúng ta làm thầy dạy đạo?

Hãy suy nghĩ về điều này. Phương cách hữu hiệu nhất để người tân tín hữu này biết cầu nguyện là gì? Phải chăng là đăng ký cho người anh em này tham gia vào một lớp học cầu nguyện kéo dài trong một tuần? Hay là mời người ấy cùng đến với bạn trong giờ cầu nguyện cá nhân và dạy người ấy cách cầu nguyện như thế nào?

Cũng vậy, đâu là phương cách hữu hiệu nhất để người tân tín hữu này biết học Kinh Thánh? Phải chăng là đăng ký vào một khóa học Kinh Thánh? Hay là bạn cùng ngồi xuống với người tân tín hữu này và cùng đi qua các bước mà bạn đã được học để nghiên cứu Kinh Thánh?

Điều này đã dựng lên một rào cản trong Cơ Đốc giáo của chúng ta. Để dạy một ai đó biết cầu nguyện, chúng ta cần phải biết cầu nguyện. Để giúp một ai đó biết học Kinh Thánh, chúng ta cần phải tích cực trong việc học Kinh Thánh. Tuy nhiên đây chính là vẻ đẹp của công tác đào tạo môn đồ. Khi chúng ta đảm nhận trách nhiệm giúp đỡ người khác lớn lên trong Đấng Christ, mối liên hệ giữa chúng ta với Chúa cũng tự động được nâng lên một mức độ cao hơn.

Hãy lấy Matt làm ví dụ. Anh đã đến với tôi để hỏi đủ các câu hỏi về làm cách nào để chia sẻ phúc âm cho một nhóm người Mọt-môn cùng làm việc với anh. Anh không biết phải bắt đầu từ đâu. Tôi đã giới thiệu một số nguồn tài liệu và Matt đã bắt đầu tìm hiểu về Mọt-môn cũng như những khác biệt giữa phúc âm và sự dạy dỗ của Mọt-môn. Một vài tuần sau đó, anh gửi cho tôi một e-mail nói rằng: “Nhờ cơ hội nghiên cứu và chia sẻ phúc âm này mà sức mạnh và đức tin của tôi trong Chúa được mạnh mẽ và vững chắc hơn trước. Vợ tôi đã nhận thấy sự khác biệt trong bước đi của tôi với Đấng Christ, và tôi ngợi khen Chúa về cơ hội này.”

Khi đối diện với viễn cảnh phải chia sẻ phúc âm cho những người mà anh không hiểu về niềm tin vốn có của họ, Matt đã có thể nói rằng: “Tôi không được trang bị để làm điều này, một ai khác sẽ phải làm việc ấy.” Nhưng ngược lại Matt đã nhận lấy trách nhiệm dạy dỗ Lời Đấng Christ và bắt đầu lớn lên trong bước đi với Chúa theo cách mà anh sẽ không có được nếu không nhận lấy trách nhiệm này.

Tôi thường hỏi thuộc viên hội thánh của tôi rằng họ là người tiếp nhận Lời Chúa hay là người tái sản xuất Lời Chúa. Tôi xin minh họa sự khác biệt.

Hãy tưởng tượng bạn đang ở Sudan. Bạn bước vào một túp lều mái tranh và dạy Lời Chúa cho một nhóm nhỏ các lãnh đạo hội thánh tại Sudan. Khi bạn bắt đầu chia sẻ, bạn không còn thấy họ nhìn bạn. Không ai nhìn bạn và bạn hiếm khi bắt gặp ánh mắt của họ trong suốt giờ học. Lý do là vì họ phải viết xuống mọi điều bạn nói. Sau giờ học, họ đến với bạn và nói rằng: “Thưa thầy, chúng tôi sẽ dịch tất cả những gì học được từ Lời Chúa và dạy lại cho các bộ tộc của chúng tôi.” Họ không lắng nghe để tiếp nhận nhưng để tái tạo.

Bây giờ xin hãy cùng tôi đi đến một buổi nhóm thờ phượng đương đại tại Hoa Kỳ. Một số người mở Kinh Thánh, trong khi số khác không mang theo Kinh Thánh. Một số ít người ghi chép lại, nhưng đại đa số ngồi thụ động trong phòng nhóm. Một số người có vẻ như không chú ý, những người khác thì tập trung vào bài giảng, lắng nghe Lời Chúa để biết họ có thể áp dụng như thế nào. Tuy nhiên thực tế đó là rất ít người lắng nghe để tái tạo.

Theo bản năng, chúng ta là những người tiếp nhận. Thậm chí khi chúng ta khao khát học Lời Chúa, chúng ta vẫn lắng nghe với tư duy tập trung vào bản thân, rằng: Tôi nhận được điều gì từ phần Kinh Thánh này? Tuy nhiên như chúng ta đã thấy, quan điểm này không đúng với Kinh Thánh. Sẽ ra sao nếu chúng ta thay đổi câu hỏi mỗi khi nhóm họp để học Lời Chúa? Sẽ ra sao nếu chúng ta bắt đầu suy nghĩ rằng: Làm sao tôi có thể lắng nghe Lời Chúa để tôi được trang bị cho việc dạy dỗ Lời Chúa cho người khác?

Nhận thức này thay đổi tất cả. Đột nhiên chúng ta sẽ lấy giấy bút ra. Việc nghi chép bài giảng không còn là thước đo mức độ cam kết của chúng ta với công tác đào tạo môn đồ, nhưng chúng ta lắng nghe Lời Chúa để có thể tiếp tục dạy dỗ người khác, khi ấy chúng ta sẽ ghi chép lại nhiều nhất có thể. Khi chúng ta nhận ra trách nhiệm của mình phải dạy dỗ lại Lời Chúa, chúng ta sẽ thay đổi cách chúng ta lắng nghe Lời Chúa.

Nhận thức này cũng thay đổi cách chúng ta lắng nghe Lời Chúa. Giờ đây, Lời Chúa khi được giảng trong một buổi nhóm thờ phượng hoặc được dạy dỗ trong một nhóm nhỏ sau đó sẽ được áp dụng vào những bối cảnh và lãnh vực khác nhau ở khắp hội thánh. Lời Chúa không chỉ được lắng nghe trong một tòa nhà; nhưng sẽ được nhân cấp ở một cộng đồng. Lời Chúa sẽ được nhân cấp bởi vì dân sự của Đức Chúa Trời không còn lắng nghe với thái độ Lời Chúa sẽ dừng lại ở họ. Giờ đây dân sự của Đức Chúa Trời sống với suy nghĩ rằng Lời Chúa sẽ được lan truyền qua họ.

Điều này khiến tôi rất phấn khởi trên cương vị là một mục sư. Khi tôi hoặc một ai đó giảng dạy Lời Chúa vào sáng Chủ Nhật, tôi sẽ biết rằng lẽ thật Lời Chúa sẽ không bị giới hạn trong một ngôi nhà thờ. Lẽ thật đó sẽ được dạy lại giữa các quý cô vào đêm hôm đó. Lẽ thật đó sẽ được dạy lại trong các nhóm học Kinh Thánh nơi làm việc suốt cả tuần. Lẽ thật đó sẽ được dạy lại vào cuối tuần tiếp theo trong nhà tù thành phố Birmingham và trung tâm cai nghiện gần đó. Và những ngày tiếp theo, bài giảng trên sẽ được các tín hữu của chúng tôi dịch và dạy lại cho các mục sư tại Châu Mỹ La-tin và cho các tân tín hữu tại Trung Á. Điều thú vị sẽ xảy ra khi dân sự của Đức Chúa Trời tin rằng Lời Chúa đáng để họ dạy lại cho nhau.

 

Đào tạo môn đồ hay tẩy uế Cơ Đốcnhân

Đào tạo môn đồ bằng cách ra đi, làm phép báp-têm, dạy dỗ Lời Đấng Christ và người môn đồ đó tiếp tục làm điều tương tự cho những người khác – đây chính là kế hoạch Đức Chúa Trời dành cho mỗi một chúng ta để ảnh hưởng đến thế giới vì sự vinh quang của Ngài.

Kế hoạch này có vẻ khác lạ với suy nghĩ của chúng ta. Trong một thế giới mà nơi điều lớn hơn thì tốt hơn và điều hào nhoáng thì luôn có hiệu quả, Đức Chúa Giê-su dạy chúng ta phải thẳng thắn, khiêm nhường và yên lặng mà tập trung đời sống mình vào con người. Sự thật đó là bạn không thể chia sẻ cuộc sống như thế này với hàng nghìn người. Đức Chúa Giê-su đã không làm điều đó. Ngài dành ba năm với mười hai người. Nếu Con Đức Chúa Trời nghĩ rằng cần phải tập trung cuộc sống của Ngài cho một nhóm nhỏ thì chúng ta sẽ thật ngu xuẩn khi cho rằng ngày nay chúng ta có thể sản xuất hàng loạt môn đồ. Ý định của Đức Chúa Trời cho việc đem phúc âm đến toàn thế giới đó là một tiến trình đơn giản, có chủ đích và chậm chạp đòi hỏi mỗi một con dân Chúa phải hy sinh mọi mặt trong đời sống họ để nhân cấp đời sống của Đấng Christ trong người khác.

Một vài tuần trước tôi đã đi Cuba, và đây chính là hình ảnh mà tôi nhìn thấy. Tại Cuba, bạn sẽ không bắt gặp các ngôi nhà thờ lớn và các quảng cáo hào nhoáng về hội thánh. Bạn gần như không thể tìm được một nhà thờ, nếu không biết được người tin Chúa. Chúng tôi đến thăm một hội thánh Cuba nhỏ. Hội thánh này đã mở sáu mươi hội thánh khác. Ngày hôm sau chúng tôi đến thăm một hội thánh mà họ đã mở. Hội thánh con này cũng đã mở được hai mươi lăm hội thánh khác nữa. Cơ Đốc nhân Cuba đang làm theo lời Đức Chúa Giê-su và nhân cấp hội thánh bằng cách đào tạo môn đồ. Không gì to lớn, không gì khuếch đại, chỉ bằng việc ra đi, làm phép báp-têm và dạy dỗ, và trong tiến trình đó họ đã mở ra các hội thánh khắp nơi trên quốc đảo này.

Nhưng chúng ta chống lại kế hoạch này để viện đến sự trình diễn và các chương trình dường như đem lại nhiều “thành công” hơn. Trong giấc mơ Mỹ phiên bản Cơ Đốc, kế hoạch của chúng ta kết cuộc là tẩy uế Cơ Đốc nhân hơn là đào tạo môn đồ. Tôi xin giải thích sự khác biệt.

Tẩy uế Cơ Đốc nhân và đem họ ra khỏi thế giới bao gồm việc cách ly môn đồ của Đức Chúa Giê-su Christ trong một chiếc két sắt chống cháy gọi là nhà thờ và dạy họ phải sống tốt. Theo chiến lược này, thành công trong hội thánh được định nghĩa ở mức độ lớn của ngôi nhà thờ để chứa được nhiều Cơ Đốc nhân, và mục đích là tập hợp càng nhiều người càng tốt vào tòa nhà đó mỗi tuần một lần trong vài tiếng đồng hồ. Tại đó chúng ta cũng sẽ được cách ly khỏi thế giới xung quanh. Khi ai đó hỏi rằng: “Hội thánh của bạn ở đâu?” chúng ta sẽ chỉ họ đến một ngôi nhà thờ hoặc cho họ địa chỉ, và tất cả mọi việc đều tập trung vào những gì xảy ra tại địa điểm đó.

Khi nhóm lại tại ngôi nhà thờ đó, chúng ta học cách sống tốt. Sống tốt được định nghĩa bởi những điều chúng ta không làm trong thế gian. Chúng ta thánh khiết bởi những điều chúng ta không tham gia vào (và ở điểm này, chúng ta có thể là tổ chức duy nhất trên thế giới định nghĩa thành công bằng những việc chúng ta không làm). Chúng ta sống một cuộc sống tử tế trong một căn nhà tử tế với công việc tử tế, gia đình của chúng ta tử tế và chúng ta là công dân tử tế. Chúng ta là những tín hữu tử tế trong hội thánh có ảnh hưởng đến thế giới nhiều hơn khi chúng ta chưa tin Chúa. Dù hàng nghìn người có thể sẽ tham gia cùng với chúng ta, nhưng cuối cùng chúng ta sẽ trở nên thờ ơ với hàng tỷ người chưa được nghe đến Danh Chúa.

Đào tạo môn đồ thì ngược lại.

Trong khi tẩy uế Cơ Đốc nhân thì cách ly và dạy họ phải sống tốt, ngược lại đào tạo môn đồ thì thúc đẩy Cơ Đốc nhân đi vào thế giới, liều mạng sống vì người khác. Giờ đây sự tập trung của chúng ta hướng vào thế giới, chúng ta không đo lường sự thành công trong hội thánh bởi số lượng người nhóm lại trong nhà thờ nhưng dựa vào số người đi ra để đào tạo môn đồ trong thế giới. Trong trường hợp này, chúng ta sẽ không nghĩ rằng kế hoạch đào tạo môn đồ của Đức Chúa Giê-su sẽ được thực hiện trong một buổi nhóm tại một địa điểm do một hoặc hai thầy dạy đạo thực hiện. Đào tạo môn đồ được thực hiện nhiều lần trong tuần ở nhiều địa điểm bởi vô số người nam và nữ khi họ chia sẻ, bày tỏ và dạy dỗ Lời Đấng Christ và cùng nhau phục vụ cho một thế giới cần có Chúa.

Từ nền tảng này, sự thánh khiết được định nghĩa bởi những việc chúng ta làm. Giờ đây chúng ta là một cộng đồng đức tin làm theo Lời Đức Chúa Giê-su và làm theo kế hoạch của Ngài, thậm chí khi công việc đó không theo xu thế của xã hội và thậm chí chúng ta phải trả giá.

Đến một lúc chúng ta sẽ nhận ra rằng chúng ta được định để vươn ra thế giới vì sự vinh quang của Đấng Christ, và chúng ta sẽ khám phá ra rằng tất cả chúng ta đều có thể thực hiện mục đích đời sống mà vì đó chúng ta đã được dựng nên. Thiếu nhi và người lớn tuổi, sinh viên và người đi làm, nam và nữ, tất cả đều hiệp sức trong thân thể Đấng Christ trên khắp thế giới để thực hiện một chiến lược thực tiễn đó là đào tạo môn đồ và ảnh hưởng thế giới vì sự vinh quang của Đấng Christ. Một cộng đồng Cơ Đốc mà tại đó mỗi người đều nhân cấp phúc âm bằng việc ra đi, làm phép báp-têm và dạy dỗ Lời Chúa trong bối cảnh đời sống mỗi ngày. Còn điều gì khác hơn mà Kinh Thánh định nghĩa là hội thánh hay không?

 

 

Chương Sáu

 

BAO NHIÊU LÀ ĐỦ?

Nước Mỹ giàu có trong một thế giới nghèo khó.

 

Chúng ta đều có những điểm mù – những lĩnh vực trong đời sống cần được nhìn nhận cách đúng đắn và từ đó điều chỉnh lại đời sống cho phù hợp. Tuy nhiên thật khó để tìm ra những điểm mù. Chúng thường được người khác nhìn thấy nên chúng ta thường dựa vào bạn bè để chỉ ra những điểm mù. Tuy nhiên thực tế là thậm chí khi đã có bạn bè chỉ ra, chúng ta vẫn rất khó nhận ra những điểm mù ấy. Chúng ta không muốn thừa nhận chúng… cho đến khi đã quá trễ. Chúng ta phát hiện những điểm mù khi sự việc đã xảy ra, còn hiện tại thì rất khó khăn.

Tôi có thể chỉ ra một điểm mù rõ ràng trong lịch sử Cơ Đốc giáo tại Mỹ. Chế độ nô lệ. Làm thế nào những Cơ Đốc nhân tin vào phúc âm lại dễ dàng biện minh cho hành động bắt người làm nô lệ? Những người đi nhà thờ với ý định tốt lành cùng nhau thờ phượng Đức Chúa Trời mỗi Chủ Nhật và đọc Kinh Thánh đều đặn suốt cả tuần nhưng đồng thời cũng là những người dùng Lời Chúa để bào chữa cho hành động sử dụng và ngược đãi những người nam, người nữ và trẻ em như một tài sản. Họ còn nghĩ rằng họ thật rộng lượng khi ban cho các nô lệ này có thêm thức ăn vào dịp lễ Giáng Sinh.

Điều này khiến tôi sợ hãi. Ý định tốt lành, sự thờ phượng đều đặn và thậm chí học Kinh Thánh cũng không thể ngăn sự mù lòa trong chúng ta. Bản tính tội lỗi theo bản năng chọn nhìn điều chúng ta muốn nhìn và bỏ qua điều chúng ta muốn bỏ qua. Tôi có thể sống đời sống Cơ Đốc  và thậm chí lãnh đạo hội thánh nhưng cũng vô tình không lưu tâm đến điều ác.

Không lâu trước đây, Đức Chúa Trời đã bày tỏ một điểm mù trong cuộc sống của tôi. Một lĩnh vực mà tôi không vâng phục. Một sự thật trong Lời Chúa mà tôi đã vờ như không có. Tuy nhiên Đức Chúa Trời đã khiến tôi phải xưng tội trước Ngài, trước gia đình tôi, và trước gia đình đức tin mà tôi lãnh đạo.

Ngày nay, hơn một tỷ người trên thế giới đang chết vì đói nghèo. Họ giành lấy sự sống khi thu nhập chưa tới một đô la mỗi ngày. Gần hai tỷ người khác sống với chưa tới hai đô la mỗi ngày. Vậy là gần phân nửa thế giới đang chật vật tìm kiếm thức ăn, nước uống và chỗ ở với cùng một số tiền nhỏ mà tôi chỉ có thể mua được khoai tây chiên cho bữa trưa.

Hơn hai mươi sáu nghìn trẻ em trên thế giới ngày nay sẽ chết vì thiếu ăn hoặc một căn bệnh có thể ngăn ngừa được. Để dễ hình dung, con số đó là hai mươi sáu nghìn em nhỏ như Joshua và Caleb (hai con trai của tôi) sẽ chết vì thiếu ăn  và bệnh tật. Hội thánh nơi tôi quản nhiệm có thể hình dung: nếu điều này xảy ra tại Hoa Kỳ thì tất cả các cháu từ mười tám tuổi trở xuống đều sẽ chết trong vòng hai ngày tới.

Đột nhiên tôi nhận ra rằng nếu tôi được truyền lệnh phải đào tạo môn đồ của Chúa trên khắp thế giới thì tôi không thể làm ngơ khi nơi tôi được Chúa kêu gọi bị nạn đói nghèo hoành hành. Những ai muốn công bố sự vinh quang của Đấng Christ cho đến tận cùng trái đất phải cân nhắc không chỉ công bố phúc âm qua lời nói nhưng cũng phải minh họa phúc âm sao cho một thế giới nghèo đói có thể nhìn thấy được. Nếu tôi phải giải quyết nhu cầu thuộc linh cấp bách bằng việc chia sẻ phúc âm của Đấng Christ hoặc xây dựng thân thể Đấng Christ khắp thế giới thì tôi không thể làm ngơ trước nhu cầu thuộc thể vô cùng khẩn cấp.

Mặc dù vậy, thật đáng sợ, tôi đã nhắm mắt làm ngơ trước những thực tại trên. Tôi đã làm ngơ trước những con người nghèo đói bởi vì họ không chỉ nghèo mà còn bất lực. Sự thật là hàng triệu người đang chết vì ít được biết đến, còn tôi thì vui hưởng sự sung túc của bản thân trong khi vờ như những con người nghèo đói không hề tồn tại.

Nhưng họ thật có tồn tại. Họ không chỉ tồn tại, nhưng Đức Chúa Trời rất nghiêm túc với cách tôi đáp ứng với họ. Sách Châm ngôn cảnh báo những sự rủa sả dành cho những ai ngó lơ người nghèo. Các tiên tri cảnh báo sự đoán phạt của Đức Chúa Trời dành cho những ai bỏ bê người nghèo. Đức Chúa Giê-su phán sự tai họa dành cho những người giàu nhờ cậy vào tài sản của họ, và Gia-cơ bảo những ai tích trữ tiền bạc và sống bê tha hãy “khóc lóc, kêu la, vì cớ hoạn nạn sẽ đổ” trên họ.[52] Trong một bài giảng, Đức Chúa Giê-su phán cùng những người đã khước từ Chúa bằng việc không quan tâm đến những nhu cầu thuộc thể của con dân Chúa, rằng: “Hỡi kẻ bị rủa, hãy lui ra khỏi ta; đi vào lửa đời đời đã sắm sẵn cho ma quỉ và những quỉ sứ nó.”[53]

Đến đây tôi muốn bảo vệ ngay những hiểu lầm có thể xảy ra trong chương sách này. Kinh Thánh không dạy rằng chăm sóc cho người nghèo là phương cách để được sự sống đời đời. Phương cách để được cứu rỗi đó là đức tin nơi Đấng Christ, và công việc của Đấng Christ là cơ sở cho sự cứu rỗi của chúng ta. Chúng ta không được cứu vì cớ đã chăm sóc cho người nghèo, và sự đáp ứng tồi tệ nhất đối với chương sách này đó là nỗ lực chăm sóc cho người nghèo để được sự cứu rỗi hoặc để được đứng trước Đức Chúa Trời.

Song, mặc dù việc chăm sóc cho người nghèo không phải là cơ sở cho sự cứu rỗi, nhưng điều đó cũng không có nghĩa là cách chúng ta sử dụng sự giàu có của bản thân hoàn toàn không có liên quan đến sự cứu rỗi. Thực ra, chăm sóc cho người nghèo (cùng với những công việc khác) chính là bằng chứng cho sự cứu rỗi của chúng ta. Đức tin nơi Đấng Christ cứu chúng ta khỏi tội lỗi cùng với đó là sự biến đổi con người bề trong và được thể hiện ở hành động bên ngoài. Theo lời Đức Chúa Giê-su, bạn biết được một người nào đó có phải là môn đồ của Đấng Christ hay không dựa vào những bông trái trong đời sống của họ, và các tác giả Tân Ước bày tỏ cho chúng ta rằng bông trái đức tin trong Đấng Christ gồm có sự quan tâm dành cho người nghèo.[54]  Chăm sóc cho người nghèo là một kết quả tự nhiên và là một bằng chứng cần thiết cho sự hiện diện của Đấng Christ trong đời sống của chúng ta. Nếu đời sống của chúng ta không có dấu hiệu chăm sóc cho người nghèo thì ít nhất đây là lý do để tự hỏi trong lòng của chúng ta có Đấng Christ hay không.[55]

Một số người sẽ nghĩ rằng việc này đã đi quá xa, nhưng hãy suy nghĩ đến một kịch bản khác. Hãy tưởng tượng một người tuyên bố anh ta đã có Chúa trong lòng nhưng lại buông thả trong tình dục mà ăn nằm với nhiều người khác nhau. Mặc dù vậy khi bị Kinh Thánh cáo trách về tội lỗi, anh ta vẫn tiếp tục trong sự vô luân của mình. Anh ấy không vâng phục Đấng Christ và không có dấu hiệu ăn năn, hối lỗi, hay nhận thấy tội lỗi của mình. Vậy anh ấy có phải là Cơ Đốc nhân thật?

Dĩ nhiên, chúng ta không phải là người đoán xét chàng trai này. Tuy nhiên khi đọc 1 Cô-rinh-tô 6:9-10 viết rằng: “Phàm những kẻ tà dâm,… kẻ ngoại tình,… đều chẳng hưởng được nước Đức Chúa Trời đâu,” hiển nhiên chúng ta sẽ đặt câu hỏi liệu chàng trai này có thật sự là con cái Chúa. Không phải anh ta cần dừng hành động vô luân để nhận được sự cứu rỗi. Nếu làm thế thì nghĩa là anh ta được cứu nhờ công việc. Không, anh ấy cần tin cậy nơi Đấng Christ, và kết quả là tấm lòng của anh được thay đổi để khao khát vâng phục Chúa.

Vậy đâu là sự khác biệt giữa người cố tình buông thả trong khoái lạc tình dục phớt lờ lời dạy của Kinh Thánh về sự tinh sạch đạo đức với người buông thả trong sự theo đuổi những của cải vật chất và phớt lờ lời dạy của Kinh Thánh về việc chăm sóc cho người nghèo? Sự khác biệt đó là một người vi phạm điều cấm kị xã hội còn người kia thì vi phạm tiêu chuẩn của Lời Chúa.[56]

Chúng ta nhìn lại các chủ nô Cơ Đốc cách đây 150 năm trước và hỏi: “Làm thế nào họ có thể đối xử với đồng loại như thế?” Tôi tự hỏi sẽ ra sao nếu Cơ Đốc nhân  trong tương lai vào năm 3070 nhìn thấy Cơ Đốc nhân tại Hoa Kỳ ngày nay và hỏi: “Làm thế nào họ có thể sống trong những căn nhà to như thế? Làm thế nào họ có thể lái xe to và mặc đồ đẹp như thế? Làm thế nào họ có thể sống sung túc trong khi hàng nghìn trẻ em đang chết vì không có thức ăn và nước uống? Làm thế nào họ có thể sống như thể hàng tỷ người nghèo không hề tồn tại?”

Phải chăng chủ nghĩa vật chất là một điểm mù của Cơ Đốc giáo Hoa Kỳ ngày nay? Cụ thể hơn, phải chăng chủ nghĩa vật chất là một điểm mù trong đức tin Cơ Đốc của bạn ngày nay? Chắc chắn đây là điều chúng ta cần nói ra bởi vì nếu cuộc sống của chúng ta không phản ánh tình yêu thương trọn vẹn dành cho người nghèo thì đây chính là lý do để nghi vấn tính hiệu quả khi chúng ta công bố sự vinh quang của Đấng Christ cho đến cùng trái đất. Đặc biệt hơn, nếu cuộc sống của chúng ta không phản ánh tình yêu thương trọn vẹn dành cho người nghèo thì đây chính là lý do để đặt câu hỏi liệu Đấng Christ có thật sự ở trong chúng ta hay không?

 

Làm rõ những điều cần thiết

Trước khi khám phá đầy đủ hơn về điểm mù này, tôi xin nói rõ những điều sau:

Đầu tiên, tôi là mục sư, không phải là nhà kinh tế. Tôi biết ơn sâu sắc những người nam, người nữ trong hội thánh mà tôi quản nhiệm và ở những nơi khác, họ là những người khôn ngoan hơn tôi về các vấn đề tài chính. Mặc dù tôi đã có những cuộc trao đổi chuyên sâu với rất nhiều người trong số họ và đã nghiên cứu nhiều vấn đề từ tài chính cá nhân đến tài chính doanh nghiệp cho đến kinh tế và cấu trúc xã hội, nhưng tôi không cho mình là một chuyên gia kinh tế. Mặc dù vậy, với cương vị là một mục sư, tôi cần phải đưa ra những câu hỏi liên quan đến cách chúng ta sử dụng tiền bạc mà tôi tin rằng phúc âm đòi hỏi chúng ta phải đặt ra những câu hỏi đó.

Thứ hai, mục đích của tôi trong chương sách này không phải để tổng quát mọi điều Kinh Thánh dạy về tiền bạc và tài sản. Dĩ nhiên, Kinh Thánh dạy dỗ những nguyên tắc quan trọng về đề tài này. Một trong số đó dạy rằng giàu có vốn không phải là điều ác. Kinh Thánh không kết tội những người giàu có hoặc những người sở hữu nhiều của cải vì lý do họ giàu có. Trên thực tế, Kinh Thánh dạy rằng Đức Chúa Trời ban cho chúng ta có của cải vật chất vì đó là điều tốt lành cho chúng ta. Theo lời của Phao-lô, Đức Chúa Trời “ban mọi vật dư dật cho chúng ta được hưởng.”[57] Sẽ thật sai lầm nếu có người sau khi đã đọc xong chương sách này và nghĩ rằng tiền bạc và tài sản là xấu; ngược lại đó là những món quà tốt lành đến từ Đức Chúa Trời để chúng ta vui hưởng và lan tỏa sự vinh quang của Ngài.

Bởi vì các lẽ thật Kinh Thánh khác liên quan đến tiền bạc và tài sản không được nói đến một cách đầy đủ trong chương sách này nên tôi có cung cấp thêm các tài liệu bài giảng, bài báo, sách và các đường dẫn liên quan đến thần học Kinh Thánh về tài sản để giúp độc giả có được hiểu biết rộng hơn những vấn đề mà tôi sẽ nói đến tại đây. Các tài liệu này có thể được tìm thấy tại trang Web kèm theo quyển sách này (www.radicalthebook.com). Tôi khích lệ bạn hãy tham khảo những tài nguyên ấy.

Tóm lại, mục đích của chương sách này rất đơn giản. Mục đích của tôi là muốn chia sẻ cho bạn biết làm cách nào Đức Chúa Trời đã mở mắt cho tôi thấy một điểm mù lớn trong đời sống của tôi và trong hội thánh mà tôi quản nhiệm. Trong tiến trình đó, tôi thách thức bạn hãy suy xét liệu bạn cũng đang có điểm mù này trong đời sống. Nếu có, tôi muốn thách thức bạn hãy nhìn đến viễn cảnh hàng triệu người đói nghèo qua cái nhìn của Đấng Christ, Đấng “vốn giàu, vì anh em mà tự làm nên nghèo, hầu cho bởi sự nghèo của Ngài, anh em được nên giàu.”[58] Và khi bạn đã có cái nhìn như thế, tôi thách thức bạn hãy để phúc âm biến đổi trọn vẹn cách bạn hiểu và sử dụng tài sản của mình.

 

Câu chuyện người giàu

Vậy phải chăng việc chăm sóc cho người nghèo là một vấn đề hệ trọng đối với Đức Chúa Trời?

Hãy lắng nghe câu chuyện Đức Chúa Giê-su đã kể với một nhóm các lãnh đạo tôn giáo, họ là những người yêu tiền bạc nhưng vì xã hội xung quanh họ phải biện minh cho sự ham mê này. Đức Chúa Giê-su đã kể cho họ câu chuyện về một người giàu có sống trong sự xa hoa nhưng lại ngó lơ một người nghèo tên La-xa-rơ đang ngồi trước cổng người nhà giàu, mình anh đầy ghẻ chốc có mấy con chó đến liếm ghẻ của anh, anh ăn những mảnh bánh vụn rơi từ bàn của người giàu.

Như chúng ta đọc thấy ở Lu-ca 16, ngày đến khi cả hai đều chết. Người giàu xuống địa ngục còn người nghèo lên thiên đàng. Người giàu nhìn thấy được thiên đàng và cầu xin chút nước để ông được khuây khỏa khỏi sự đau đớn nơi hỏa ngục. Lời đáp lại từ thiên đàng đó là: “Con ơi, hãy nhớ lại lúc ngươi còn sống đã được hưởng những sự lành của mình rồi, còn La-xa-rơ phải những sự dữ; bây giờ, nó ở đây được yên ủi, còn ngươi phải bị khổ hình. Vả lại, có một vực sâu ở giữa chúng ta với ngươi, đến nỗi ai muốn từ đây qua đó không được, mà ai muốn từ đó qua đây cũng không được.”[59]

Câu chuyện này minh họa cho sự đáp ứng của Đức Chúa Trời với những nhu cầu của người nghèo. Tên gọi của người nghèo là La-xa-rơ, có nghĩa là: “Đức Chúa Trời là sự giúp đỡ tôi.” La-xa-rơ, một người đau ốm, què quặt và nghèo khó đã nhận được sự thương xót từ Đức Chúa Trời. Dĩ nhiên, nghèo khó không phải là lý do để khiến một người trở nên công bình trước mặt Chúa và vì thế mà được vào nước thiên đàng. Mặc dù vậy, khi nghiên cứu xuyên suốt Kinh Thánh, chúng ta thấy Đức Chúa Trời lắng nghe, chu cấp, làm thỏa mãn, giải cứu, bảo vệ, vực dậy và bảo đảm công bằng cho người nghèo khó nào nương tựa nơi Ngài. [60]

Tuy nhiên câu chuyện về người giàu minh họa cho phản ứng của Đức Chúa Trời đối với những ai bỏ mặc người nghèo. Ngài kết tội họ. Một lần nữa, Kinh Thánh không dạy rằng giàu có là lý do khiến một người trở nên không công bình và bị kết tội. Người giàu có trong câu chuyện này không bị đày xuống hỏa ngục vì lý do ông có tiền. Ngược lại, ông ở hỏa ngục bởi vì thiếu đức tin nơi Đức Chúa Trời, điều đó khiến cho ông buông thả trong sự xa hoa đồng thời ngó lơ người nghèo khó ở bên ngoài.[61] Hậu quả là trần thế chính là thiên đàng của người giàu và cõi đời đời là hỏa ngục dành cho ông.

Đến đây tôi phải hỏi câu hỏi này. Khi lắng nghe câu chuyện này từ Đức Chúa Giê-su, bạn thấy mình giống ai hơn – La-xa-rơ hay người giàu có? Về vấn đề này, tôi nhận thấy mình giống nhân vật nào hơn?

Khi mở ra điểm mù này trong đời sống của tôi, Đức Chúa Trời khiến tôi thấy rõ rằng tôi rất giống người giàu có trong câu chuyện. Tôi không thường nghĩ mình giàu có, và tôi đoán bạn cũng không nghĩ bạn giàu có. Nhưng thực tế là nếu bạn và tôi có nước để dùng, có nơi để gối đầu, có quần áo mặc, có thức ăn và phương tiện để đi lại (kể cả phương tiện công cộng), thì chúng ta đã ở nhóm 15% những người giàu có trên thế giới.

Tôi rất giống người giàu trong câu chuyện, và hội thánh mà tôi quản nhiệm cũng rất giống người giàu có này. Mỗi Chủ nhật, chúng tôi nhóm lại trong một tòa nhà hàng triệu đô la và hàng triệu đô la khác được chi cho các phương tiện đi lại đang được đậu ở bãi đổ xe bên ngoài. Rời buổi nhóm, chúng tôi dành hàng nghìn đô la cho bữa trưa trước khi trở về những căn nhà với tổng giá trị hàng trăm triệu đô la. Chúng tôi sống thật xa hoa.

Trong khi đó, người nghèo khó đang ở trước cửa nhà của chúng tôi và họ đang rất đói. Trong lúc chúng tôi nhóm thờ phượng vào sáng Chủ nhật, gần một nghìn trẻ em ở những nơi khác đã chết vì thiếu thức ăn. Nếu những đứa trẻ đó là con của chúng tôi thì tất cả chúng đã chết trước khi chúng tôi cầu nguyện kết thúc buổi nhóm. Chắc chắn chúng tôi sẽ không bỏ bê con cái của mình trong lúc chúng tôi hát những bài hát và có những tiết mục giải trí, tuy nhiên chúng tôi lại thỏa lòng với việc phớt lờ con cái của những người khác. Rất nhiều cháu nhỏ ở các nước đang phát triển là những anh chị em thuộc linh của chúng ta. Chúng đang bị suy dinh dưỡng, thân thể và não bộ bị méo mó, và chúng đang mắc phải những dịch bệnh có thể ngăn ngừa được. Điều quan trọng nhất, chúng ta đang ném những mẩu bánh vụn cho họ trong khi chúng ta say mê với những điều vui thú tại đây. Những điều tương tự như thức ăn thêm cho các nô lệ vào dịp lễ Giáng Sinh vậy.

Đây không phải là điều con cái Chúa làm. Dù chúng ta có nói, hát, học tập những gì vào sáng Chủ nhật, nhưng người giàu nào phớt lờ người nghèo thì không phải là con cái Chúa.[62]

 

Chúng ta đang xây dựng điều gì?

Mặc dù vậy, điều đáng sợ nhất đó là chúng ta có thể vờ như chúng ta là con cái Chúa. Chúng ta có thể yên tâm nhắm mắt trước những lời dạy dỗ này trong Kinh Thánh và tiếp tục với một nền Cơ Đốc giáo và hội thánh giàu có. Thậm chí chúng ta có thể thành công trong văn hóa hội thánh hiện tại khi phớt lờ người nghèo. Thực ra khi một ai đó chi hàng triệu đô la cho bản thân thì đó là dấu hiệu của sự thành công và phát triển. Họ sẽ nói rằng: “Xem kìa, hội thánh đó thật lớn. Bạn có thấy những vật dụng mà họ có không?”

Thực tế chúng ta nghĩ rằng những gì chúng ta đang làm là đúng với Kinh Thánh. Và các môn đồ của Đức Chúa Giê-su cũng vậy. Đó là lý do vì sao họ rất bất ngờ khi Đức Chúa Giê-su bước ra khỏi cuộc nói chuyện về chàng trai trẻ giàu có và nói rằng: “Người giàu vào nước thiên đàng là khó lắm.” Trong câu tiếp theo viết rằng: “Môn đồ nghe lời ấy, thì lấy làm lạ lắm.”[63] Tại sao họ lại quá bất ngờ đến thế?

Câu trả lời được ẩn sâu trong lịch sử Cựu Ước. Từ thời khởi nguyên của đất nước Y-sơ-ra-ên, Đức Chúa Trời hứa rằng Ngài sẽ ban phước hạnh về của cải dư dật cho họ. Đức Chúa Trời ban phước hạnh vật chất dư dật trên Áp-ra-ham, Y-sác, Gia-cốp và Giô-sép. Đức Chúa Trời hứa với dân tộc của Ngài rằng nếu họ vâng lời Chúa thì họ sẽ được thịnh vượng dư dật.[64]

Tại sao Đức Chúa Trời hứa về của cải vật chất? Đức Chúa Trời đang xây dựng một quốc gia dành riêng cho Ngài, quốc gia ấy sẽ là hình ảnh minh họa về sự vĩ đại của Chúa cho mọi dân tộc. Bằng cách ban của cải dư dật, Đức Chúa Trời thiết lập một nơi cho dân tộc của Ngài cư ngụ và Ngài đặt sự vinh quang của Ngài tại đó. Đa-vít và Sa-lô-môn đã tích lũy một tài sản khổng lồ khi họ lập quốc và một nơi quan trọng của vương quốc chính là đền thờ mà Sa-lô-môn xây dựng. Như được thấy trong 1 Các vua 8, Sa-lô-môn cung hiến đền thờ và cầu xin Đức Chúa Trời khiến cho sự vinh quang của Ngài được biết đến thông qua dân tộc của Chúa tại đền thờ ấy.[65] Phước hạnh vật chất giúp cho việc thành lập dân tộc của Đức Chúa Trời ở một địa điểm cụ thể, trong một đền thờ hữu hình chính là một phần nền tảng trong lịch sử Y-sơ-ra-ên.

Chính vì thế khi một chàng trai trẻ giàu có tiến đến Đức Chúa Giê-su và được Ngài phán rằng: “Hãy đi bán hết gia tài mà bố thí cho kẻ nghèo nàn,” các môn đồ tự nhiên cảm thấy rất bối rối.[66] Tại sao vâng lời Đấng Christ lại khiến chàng trai này mất đi tài sản?

Các môn đồ sớm nhận ra rằng một sự thay đổi toàn diện đã xảy ra. Không phải Đức Chúa Trời thay đổi, và cũng không phải Đức Chúa Trời của Cựu Ước khác với Đức Chúa Trời của Tân Ước. Nhưng ngược lại, kế hoạch đời đời của Đức Chúa Trời được mở ra, và Đức Chúa Giê-su đang dẫn lối cho một giai đoạn mới trong lịch sử cứu chuộc, một thời kỳ sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa đức tin và phước hạnh vật chất.

Những buổi đầu của giai đoạn mới trong lịch sử cứu chuộc, không một người giảng đạo nào trong Tân Ước (kể cả Đức Chúa Giê-su) từng hứa về sự giàu có vật chất như là phần thưởng cho sự vâng lời Chúa.[67] Người Do Thái thế kỷ đầu tiên (và cả Cơ Đốc nhân Mỹ thế kỷ hai mươi mốt) càng thêm kinh ngạc khi dân tộc của Đức Chúa Trời trong Tân Ước không được truyền lệnh phải xây một nơi thờ phượng nguy nga. Ngược lại, dân sự của Đức Chúa Trời được dạy phải trở nên đền thờ của Chúa – nơi thờ phượng Chúa.[68] Và tài sản của họ không được dùng để xây dựng một tòa nhà nơi người khác có thể đến và nhìn thấy sự vinh quang của Chúa, nhưng để xây dựng một dân tộc ra đi để đem sự vinh quang của Đức Chúa Trời cho thế giới.

Tất cả những điều trên phát sinh một câu hỏi, khi lịch sử cứu chuộc đã chuyển sang một giai đoạn mới, vậy ngày nay chúng ta đã thay đổi cách suy nghĩ về tài sản hay chưa?

Chẳng phải rất nhiều Cơ Đốc nhân trong xã hội của chúng ta đều ngầm hiểu rằng nếu chúng ta đi theo Chúa thì sẽ được thuận lợi về vật chất hay sao? Suy nghĩ đó được thể hiện rõ ràng trong sự dạy dỗ về “sức khỏe và giàu có,” và tiềm ẩn trong đời sống của những Cơ Đốc nhân nào có cách sử dụng tài sản giống như những người hàng xóm không tin Chúa.

Một tối nọ tôi đến gặp một hội thánh hầm mộ ở nước ngoài, chúng tôi bàn luận về nhiều vấn đề trong Kinh Thánh. Một phụ nữ sống ở thành phố và biết ít Tiếng Anh chia sẻ rằng: “Tôi có một chiếc Ti-vi, và đôi khi tôi có thể bắt được vài kênh truyền hình từ Hoa Kỳ. Một số kênh có truyền hình buổi nhóm thờ phượng. Tôi thấy các mục sư được mặc rất đẹp và giảng đạo trong những ngôi nhà thờ rất đẹp. Thậm chí một số mục sư đã nói rằng nếu tôi có đức tin thì cũng sẽ có được những điều tốt lành.”

Cô ấy ngừng lại một chút trước khi nói tiếp. “Khi tôi đến với các buổi nhóm của hội thánh, tôi nhìn quanh, đại đa số chúng tôi đều rất nghèo, và chúng tôi nhóm lại tại đây với đầy dẫy nguy cơ có thể mất cả tính mạng.” Rồi cô nhìn tôi và hỏi: “Phải chăng chúng tôi không có đủ đức tin?”

Tại thời điểm đó tôi nhận ra rằng chúng tôi, những hội thánh và Cơ Đốc nhân tại Mỹ, đang xuất khẩu một loại thần học đánh đồng đức tin nơi Đấng Christ với sự thịnh vượng trong thế gian. Về nền tảng, đây không phải là hình ảnh Cơ Đốc giáo mà chúng ta nhìn thấy trong Tân Ước.

Hơn thế nữa, khi dâng hiến cho hội thánh, chúng ta ưu tiên cho lĩnh vực nào? Mỗi năm tại Hoa Kỳ, chúng ta chi hơn 10 tỷ đô la vào xây dựng nhà thờ. Riêng tại Mỹ, lượng bất động sản do các hội thánh sở hữu có tổng giá trị hơn 230 tỷ đô la. Chúng ta có tiền và tài sản, và chúng ta xây dựng đền thờ ở khắp mọi nơi. Thật sự, đó là những đế chế, những vương quốc. Chúng ta gọi những nơi đó là nhà thờ phượng. Nhưng về cốt lõi, chẳng phải đó thường là những mô hình tôn giáo lạc hậu định nghĩa sai lầm sự thờ phượng dựa vào một địa điểm và chúng lãng phí tiêu tốn thời gian và tiền bạc của chúng ta trong khi ngược lại Đức Chúa Trời kêu gọi chúng ta trở nên một dân tộc dành cuộc sống mình vì sự vinh quang của Ngài giữa những người thiếu thốn bên ngoài cửa nhà của chúng ta hay sao?

Thậm chí tấm lòng của tôi đau xót khi viết ra điều này, bởi vì thực tế tôi cũng giảng đạo vào mỗi Chủ nhật trong một trong số những ngôi giáo đường khổng lồ ấy. Làm thế nào chúng ta thay đổi chiều hướng sử dụng những nguồn tài nguyên của mình? Tôi không ngừng tranh đấu với câu hỏi này, và tôi tin rằng đây không chỉ là câu hỏi dành cho các mục sư và các ủy ban xây dựng nhà thờ. Giống như chàng trai trẻ giàu có ở Mác 10, mỗi Cơ Đốc nhân cần phải tranh đấu với điều Đức Chúa Giê-su đòi hỏi chúng ta phải làm với những nguồn tài nguyên của chúng ta khi chúng ta bước đi theo Ngài.

 

Bán mọi thứ bạn có?

Có phải chúng ta thật sự cần phải từ bỏ tài sản của mình? Chẳng phải điều này là quá cực đoan hay sao? Hãy quay trở lại với cuộc nói chuyện giữa Đức Chúa Giê-su với chàng trai trẻ giàu có ở Mác chương 10 và kiểm chứng.

Chàng trai trẻ này nôn nả đi đến Đức Chúa Giê-su và hỏi Ngài một câu hỏi đơn giản nhưng vô cùng quan trọng: “Tôi phải làm chi cho được hưởng sự sống đời đời?” Đức Chúa Giê-su trả lời người rằng: “Ngươi còn thiếu một điều. Hãy đi, bán hết gia tài mình, bố thí cho kẻ nghèo khổ, chắc sẽ được của báu ở trên trời, rồi hãy đến mà theo ta.”[69]

Đức Chúa Giê-su phơi bày rõ ràng tấm lòng của chàng trai này gắn chặt với tài sản của anh. Theo Chúa Giê-su đòi hỏi phải có lòng tin trọn vẹn nơi Ngài, từ bỏ mọi điều mà chàng trai trẻ này có. Về bản chất, chàng trai trẻ này cần một tấm lòng mới, một tấm lòng được biến đổi trọn vẹn bởi phúc âm.[70]

Tôi nghĩ có hai lỗi sai phổ biến khi đọc phần Kinh Thánh này.

Đầu tiên, một số người sẽ phổ quát hóa lời Đức Chúa Giê-su, nói rằng Ngài luôn luôn đòi hỏi môn đồ của Ngài phải bán đi tất cả những gì họ có và phân phát cho người nghèo. Nhưng Tân Ước không ủng hộ quan điểm trên. Thậm chí một số môn đồ của Chúa, những người thừa nhận đã từ bỏ rất nhiều để theo Đấng Christ, vẫn có nhà, thuyền và rất có thể là những sự hỗ trợ vật chất nào đó. Vậy hiển nhiên, đi theo Đức Chúa Giê-su không hoàn toàn nghĩa là đánh mất tất cả tài sản cá nhân.

Điều này sẽ khiến nhiều người trong chúng ta thở phào nhẹ nhỏm. Nhưng trước khi chúng ta vui vẻ quá độ, hãy xem sai lầm kế tiếp khi diễn giải Mác 10, đó là cho rằng Đức Chúa Giê-su không bao giờ đòi hỏi môn đồ của Ngài từ bỏ tất cả tài sản để đi theo Ngài. Mác 10 dạy chúng ta biết rằng đôi khi Đức Chúa Giê-su kêu gọi người ta bán mọi điều họ có và phân phát cho người nghèo.[71] Điều này nghĩa là Ngài có thể kêu gọi bạn hoặc tôi làm việc đó. Tôi thích cách một tác giả đã viết về đề tài này. Ông viết rằng: “Việc Đức Chúa Giê-su không truyền lệnh cho tất cả môn đồ của Ngài phải bán mọi tài sản chỉ đem lại sự yên ủi cho những đối tượng mà Chúa sẽ truyền lệnh đó cho họ.”[72]

Vậy còn bạn và tôi thì sao? Chúng ta có sẵn lòng hỏi Chúa có phải Ngài muốn chúng ta bán đi tất cả những gì chúng ta có và phân phát cho người nghèo? Chúng ta có sẵn lòng cầu hỏi Chúa và chờ đợi câu trả lời thay vì tự ý trả lời hoặc biện minh cho suy nghĩ của bản thân với những lý do tại sao Ngài sẽ không bao giờ kêu gọi chúng ta làm điều đó? Điều này có vẻ rất quyết liệt, tuy nhiên chẳng phải đây là điều bình thường và hoàn toàn có thể xảy ra khi chúng ta đi theo một Đấng đã phán rằng: “Nếu ai trong các ngươi không bỏ mọi sự mình có, thì không được làm môn đồ ta?”[73]

Một lần nữa chúng ta suy nghĩ lại ý nghĩa thật sự của việc đi theo Đức Chúa Giê-su trong Kinh Thánh, không phải một Giê-su mà chúng ta đã sáng tạo ra hoặc một Giê-su mà chúng ta cảm thấy dễ chịu. Người giàu có trong Mác 10 không thật sự nhận biết Đức Chúa Giê-su. Ông chỉ nhận thức rằng Đức Chúa Giê-su là một nhân vật tôn giáo đáng kính trọng và gọi Ngài là “thầy nhân lành.”[74] Tuy nhiên Đức Chúa Giê-su không phải và cũng không bao giờ quan tâm đến việc được người khác xem Ngài là một người thầy đáng kính. Ngài chính là Đức Chúa Trời toàn năng. Ngài cho con người có sự lựa chọn, nhưng ban mệnh lệnh thách thức họ vâng theo.

Vậy sẽ ra sao nếu Chúa truyền cho bạn và tôi phải bán tất cả những gì chúng ta có? Sẽ ra sao nếu Chúa phán với chúng ta rằng hãy bán nhà và có cuộc sống đơn giản hơn? Sẽ ra sao nếu Chúa phán với chúng ta hãy bán ô-tô để đổi lấy một chiếc khác khiêm tốn hơn – hoặc không sử dụng ô-tô nữa? Sẽ ra sao nếu Chúa phán cùng chúng ta rằng hãy bán tất cả chỉ giữ lại một vài bộ quần áo? Sẽ ra sao nếu Chúa phán với chúng ta rằng hãy rút hết số tiền tiết kiệm mà chúng ta đã tích góp trong nhiều năm, nếu không nói là hàng chục năm qua? Sẽ ra sao nếu Ngài phán cùng chúng ta rằng hãy thay đổi hoàn toàn lối sống của con?

Trước khi bạn và tôi nghĩ đến mọi lý do tại sao Chúa sẽ không phán với chúng ta những điều trên, chúng ta cần phải suy nghĩ câu hỏi sau: Ngài có phải là Chúa?

Phải chăng bạn và tôi tìm đến Đức Chúa Giê-su để nhận được những lời khuyên về tài chính dựa trên những chuẩn mực của thế giới quanh ta? Hay là chúng ta đang tìm đến Đức Chúa Giê-su để Ngài trọn vẹn dẫn dắt cuộc sống của chúng ta dù có thể điều đó đi ngược với xã hội giàu có và thậm chí là những người đồng tôn giáo giàu có xung quanh chúng ta?

Đức Chúa Giê-su không bao giờ có ý định trở thành một trong vô vàn những tiếng nói cố vấn cho cách chúng ta phải sống và sử dụng tiền bạc như thế nào. Nhưng Ngài luôn luôn là tiếng nói hướng dẫn những quyết định chúng ta trong cuộc sống và vấn đề sử dụng tài chánh.

 

Lẽ thật trong tình yêu thương

Những câu hỏi giả định mà chúng ta đã đề cập đến khiến cho nhiều người lo âu, tuy nhiên đây là điều tôi cảm kích nhất về cuộc nói chuyện giữa Đức Chúa Giê-su và người trai trẻ giàu có. Rõ ràng Đức Chúa Giê-su đã ban cho người trai trẻ này một mệnh lệnh rất khó thực hiện, một mệnh lệnh có vẻ lạnh lùng nếu không muốn nói là cực đoan. Đức Chúa Giê-su đã tấn công vào đúng nhược điểm của chàng trai, một người vô cùng giàu có. Đức Chúa Giê-su đã tấn công trực diện vào sự an ninh và bình ổn mà người này có trên đất.

Những lời như thế cũng rất khó khăn với chúng ta. Thật không dễ dàng khi Đức Chúa Giê-su kêu gọi bạn và tôi hãy từ bỏ điều nào đó, hy sinh điều nào đó, bán đi điều nào đó, cho đi điều nào đó. Chúng ta sẽ làm gì? Chúng ta sẽ sống ở đâu? Sẽ ra sao nếu có việc không mong muốn xảy ra trong tương lai? Cảm giác an ninh và bình ổn ngay tức khắc bị đe dọa khi chúng ta suy nghĩ về việc giao phó tài sản của chúng ta cho Đức Chúa Giê-su cai quản.

Nhưng vẻ đẹp của cuộc nói chuyện này đó là Kinh Thánh nói ở Mác 10:21: “Đức Chúa Giê-su ngó người mà yêu.” Thật là tuyệt vời! Đức Chúa Giê-su không bảo chàng trai này cho đi mọi thứ bởi vì Ngài ghét anh, Ngài cũng không muốn chàng trai này phải khốn khổ. Đức Chúa Giê-su bảo chàng trai này hãy cho đi mọi thứ bởi vì Ngài yêu anh.

Đức Chúa Giê-su yêu người giàu đủ để nói lên một sự thật.

Lu-ca 12 lặp lại đề tài tình yêu này. Tại đó Đức Chúa Giê-su phán cùng tất cả các môn đồ của Ngài rằng: “Hãy bán gia tài mình mà bố thí.” Nhưng hãy lắng nghe điều Chúa nói ngay trước đó: “Hỡi bầy nhỏ, đừng sợ chi; vì Cha các ngươi đã bằng lòng cho các ngươi nước thiên đàng.”[75]

Câu Kinh Thánh đơn giản này chứa nhiều hình ảnh hấp dẫn. Trong Đức Chúa Trời chúng ta có một Người Chăn, chúng ta như bầy chiên nhỏ, và Ngài là Đấng bảo vệ chúng ta khỏi sự sợ hãi. Trong Đức Chúa Trời chúng ta có một người Cha, Đấng vui sướng vì chúng ta là con cái của Ngài, một người Cha luôn ban những món quà tốt lành cho chúng ta. Và trong Đức Chúa Trời chúng ta có một vị Vua đảm bảo rằng chúng ta thuộc về vương quốc của Ngài.

Tôi xin mở rộng và diễn giải lời Đức Chúa Giê-su nói như sau: “Bởi vì các con có một Đức Chúa Trời thiên thượng, Đấng chăm sóc cho các con như người chăn chăm sóc cho đàn chiên, như người cha chăm sóc cho các con, và như một vị vua sẽ ban cho các con toàn bộ vương quốc, thế nên các con đừng lo lắng. Hãy bán gia sản mình, hãy phân phát cho người nghèo và đừng lo âu. Đức Chúa Trời của con – Đấng Chăn nhân lành, Đức Chúa Cha, và Vua của con – kiểm soát mọi điều.”

Một người giàu có trong gia đình đức tin đã đến văn phòng của tôi sau một thời gian chúng tôi học về câu chuyện chàng trai trẻ giàu có. Anh ngồi xuống, nhìn tôi và nói thẳng thừng: “Tôi nghĩ mục sư thật điên rồ khi nói những điều như thế.” Sau đó anh ngừng lại, tôi không chắc cuộc nói chuyện sẽ diễn biến theo chiều hướng nào. Anh tiếp: “Nhưng tôi nghĩ mục sư nói đúng. Và bây giờ tôi nghĩ tôi thật điên rồ khi suy nghĩ những gì tôi đang nghĩ.”

Những phút tiếp theo, anh kể về việc anh ta bán đi căn nhà lớn và quyết định cho đi rất nhiều tài sản. Có những nhu cầu mà anh muốn đầu tư những gì anh có vào vì sự vinh quang của Đấng Christ. Rồi trong ánh mắt đẫm lệ, anh nói: “Đôi lúc tôi tự hỏi có phải tôi tắc trách hoặc thiếu khôn ngoan? Nhưng rồi tôi nhận ra rằng một ngày kia khi tôi đứng trước Chúa, Ngài sẽ không bao giờ nói với tôi rằng: ‘Ta ước con đã giữ nhiều hơn cho riêng mình.’ Tôi tin chắc rằng Chúa sẽ chăm sóc cho tôi.”

Khi Đức Chúa Trời phán với chúng ta hãy cho đi thật nhiều thì chúng ta cũng có thể tin cậy Ngài sẽ ban cho chúng ta thật nhiều. Và đây chính là điều cốt lõi của vấn đề. Chúng ta có tin cậy Chúa? Chúng ta có tin cậy Đức Chúa Giê-su khi Ngài phán với chúng ta hãy cho đi tất cả vì người nghèo? Chúng ta có tin cậy rằng Chúa sẽ chu cấp cho chúng ta khi chúng ta bắt đầu sử dụng những gì Ngài đã ban để giúp đỡ cho người khác? Chúng ta có tin cậy rằng Chúa biết điều gì là tốt nhất cho cuộc sống, gia đình và tương lai tài chính của chúng ta?

 

Thật khó cho người giàu

Thành thật mà nói, lời hứa của Chúa mạnh mẽ như thế nào thì vợ và tôi cũng phải tranh chiến với những lời hứa ấy nhiều như vậy. Khi Đức Chúa Trời mở ra cho tôi thấy điểm mù này, chúng tôi thật sự cảm thấy khó khăn để nói rằng: “Lạy Chúa, chúng con sẽ bán, sẽ cho đi, và thay đổi mọi điều như ý Ngài muốn.” Chúng tôi rất yêu thích ngôi nhà của chúng tôi không chỉ bởi vì đó là nơi chúng tôi sinh sống nhưng cũng vì ngôi nhà đó thể hiện sự an ninh và bền vững và có ý nghĩa rất thiêng liêng với gia đình của chúng tôi. Chúng tôi yêu thích lối sống của chúng tôi. Đó là một cuộc sống tiện nghi và thoải mái cho chúng tôi và cho con cái của chúng tôi. Khi chúng tôi đặt từng tài sản và tài chính của chúng tôi lên bàn cân, chúng tôi bắt đầu khám phá chúng đã giữ chặt cuộc sống của chúng tôi như thế nào.

Chúng tôi nhìn thấy thực tại khủng khiếp của 1 Ti-mô-thê 6 xảy ra trong lòng của chúng tôi: “Kẻ muốn nên giàu có, ắt sa vào sự cám dỗ, mắc bẫy dò, ngã trong nhiều sự tham muốn vô lý thiệt hại kia, là sự làm đắm người ta vào sự hủy diệt hư mất.”[76] Tại đây Phao-lô muốn nói về sự khao khát trở nên giàu có. Vậy thì lẽ thật này sẽ còn khủng khiếp như thế nào đối với những người thật sự giàu có? Tài sản của chúng ta có thể nguy hiểm chết người. Chúng nguy hiểm một cách rất tinh vi.

Đó là lý do vì sao Đức Chúa Giê-su phán thật khó cho người giàu vào nước Đức Chúa Trời. Trên hết, Đức Chúa Giê-su phán cùng người giàu này rằng anh ta không thể làm một việc gì để được vào vương quốc Đức Chúa Trời ngoài việc tin cậy trọn vẹn nơi Chúa. Chúng ta không thể làm một việc gì để được chấp nhận vào nước thiên đàng. Mặc dù vậy, Đức Chúa Giê-su chỉ rõ sự giàu có của người đàn ông này chính là rào cản khiến anh không thể nhìn thấy anh cần có Chúa. Sự giàu có trên đất của người đàn ông này cuối cùng sẽ giữ không cho anh nhận lấy kho báu đời đời.

Thực tế là hầu hết chúng ta trong xã hội và hội thánh tại Hoa Kỳ không tin Đức Chúa Giê-su và Phao-lô ở điểm này. Chúng ta không tin rằng sự giàu có của chúng ta có thể là rào cản khiến chúng ta không thể bước vào vương quốc Đức Chúa Trời. Chúng ta cảm thấy yên ổn với suy nghĩ cho rằng sự giàu có, thoải mái và của cải vật chất chính là những phước hạnh của Chúa. Chúng ta không nghĩ rằng đó là những rào cản. Chúng ta suy nghĩ như cách của thế giới – rằng sự giàu có luôn luôn là điều thuận lợi. Tuy nhiên Đức Chúa Giê-su hoàn toàn đối lập với quan điểm trên. Ngài nói rằng sự giàu sang có thể là một rào cản nguy hiểm.

Đó là lý do vì sao Phao-lô nói trong 1 Ti-mô-thê 6:6 rằng: “Vả, sự tin kính cùng sự thỏa lòng, ấy là một lợi lớn.” Trong bối cảnh của phần Kinh Thánh này, sự thỏa lòng nghĩa là có thức ăn và áo mặc, có những điều cần thiết cho cuộc sống. Đối chiếu với câu 9 (chúng ta đã thấy ở trên), những ai khao khát được giàu có và tích lũy nhiều hơn những điều thiết yếu cho cuộc sống thì sẽ gặp nguy cơ chìm chắm vào sự hủy diệt hư mất.

Phần Kinh Thánh này gợi lên câu hỏi: Tôi có sẵn lòng sống một cuộc sống thỏa lòng với thức ăn, áo mặc và những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống hay không? Hay là tôi còn muốn nhiều hơn nữa? Có phải tôi muốn một căn nhà lớn hơn, hoặc một chiếc xe tốt hơn, hoặc quần áo đẹp hơn? Có phải tôi có muốn thỏa mãn trong những điều xa xỉ hơn? Và trên hết, xa xỉ thì có gì sai nào?

Đây là câu hỏi then chốt, nếu chúng ta không cẩn thận trả lời, chúng ta sẽ bỏ lỡ điều Chúa muốn dạy dỗ chúng ta về của cải. Chúng ta không cần phải bán hoặc cho đi những quần áo đẹp, những chiếc xe tốt, những căn nhà khang trang hoặc những của cải dư thừa vì lý do chúng là điều xấu. Như chúng ta đã thấy, sự giàu có và của cải vốn dĩ không xấu; chúng là những điều tốt. Chính vì thế chúng ta không bán hoặc cho đi của cải vật chất bởi vì chúng là tội lỗi.

Thế thì tại sao chúng ta bán hoặc cho đi tài sản? Chúng ta bán và cho đi tài sản bởi vì Đấng Christ trong chúng ta thúc giục chúng ta phải chăm sóc cho những người thiếu thốn quanh ta.

John Wesley (1703-91) là một gương mẫu để chúng ta có một quan niệm đúng đắn về của cải trước những người thiếu thốn quanh ta. Hãy lắng nghe câu chuyện về một lần Wesley đã mua một thứ cho căn hộ của ông:

Wesley vừa mua xong một vài bức tranh cho căn phòng của mình thì người phục vụ phòng đến trước cửa. Hôm ấy là một ngày đông và ông nhận thấy cô gái này chỉ có một chiếc áo choàng len mỏng khoác trên người để chống lại cái lạnh. Ông tìm trong túi chút tiền gửi cho cô để cô mua một chiếc áo ấm nhưng ông chỉ còn ít tiền còn lại trong túi. Ông nhận thấy Chúa không vui lòng với cách ông sử dụng tiền. Ông tự hỏi: “Liệu rằng Đấng Chủ Tể của tôi sẽ nói: ‘Tốt lắm, đầy tớ ngay lành và trung tín của ta?’Con đã tô điểm cho căn phòng của mình bằng số tiền mà với số tiền ấy tạo vật đáng thương này đã có thể được che chắn khỏi cái lạnh! Ôi công lý! Ôi tình yêu thương! Những bức tranh vẽ này chẳng phải là máu của người hầu phòng đáng thương này sao?”[77]

Có phải những bức tranh mà Wesley treo trên tường tự nó là điều sai? Chắc chắn là không. Nhưng điều sai – rất rất sai – đó là mua một vật trang trí không cần thiết trong khi một phụ nữ đang rét cóng vì không có được một chiếc áo ấm.

Đến đây, chúng ta cần phải cẩn thận tránh hiểu sai ý câu chuyện minh họa này. Vấn đề không nằm ở chỗ những bức tranh treo trên tường nhà bạn hoặc nhà tôi là điều xấu. (Để xác thực, nhà tôi cũng có những bức tranh!) Vấn đề cũng không nằm ở chỗ chúng ta cần phải cảm thấy tội lỗi khi mua điều gì đó không hoàn toàn cần thiết. Thực tế là không phải tất cả mọi điều trong cuộc sống của chúng ta tại xã hội Mỹ đều có thể được phân loại là xa xỉ, không cần thiết. Chiếc máy vi tính mà tôi đang viết nên quyển sách này, chiếc muỗng và nĩa mà tôi sẽ dùng để ăn tối, và chiếc giường và chiếc gối mà tôi sẽ ngủ vào đêm nay (cùng với nhiều vật dụng khác trong cuộc sống tôi) đều rất xa xỉ. Điều chúng ta có thể học được từ câu chuyện của Wesley đó là cái nhìn của chúng ta về của cải sẽ thay đổi hoàn toàn khi chúng ta nhìn thấy nhu cầu của thế giới xung quanh chúng ta. Khi chúng ta đã có dũng cảm để nhìn vào gương mặt của những người suy dinh dưỡng và não bị biến dạng bởi không có thức ăn, khi ấy Đấng Christ sẽ thay đổi những khao khát của chúng ta, và chúng ta sẽ hy sinh những gì chúng ta có vì sự vinh quang của Danh Ngài ở giữa những người thiếu thốn.

Vậy điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta tìm thấy điểm mù này trong đời sống và bắt đầu quan tâm đến những người đang thiếu thốn? Sẽ ra sao nếu chúng ta nghiêm túc nhìn vào họ và bắt đầu điều chỉnh lối sống của bản thân để phúc âm được đến với họ? Khi ấy cảnh tượng sẽ như thế nào? Hãy suy nghĩ về điều này.

Như tôi đã đề cập, rất ít những gì chúng ta đang sở hữu là điều tối cần thiết, và hễ khi nào chúng ta còn sống trong xã hội này, chúng ta vẫn sẽ bị vây quanh bởi những xa xỉ phẩm. Vậy thì tại sao chúng ta không bắt đầu hạn chế và loại bỏ bớt những điều không cần thiết ấy? Tại sao chúng ta không bắt đầu bán và cho đi những thứ xa xỉ để giúp đỡ người nghèo khó bên ngoài? Tại sao chúng ta không bắt đầu sống với suy nghĩ Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta dư dật, không để chúng ta sở hữu nhiều hơn, nhưng để chúng ta ban tặng nhiều hơn?

Đến đây chúng ta đã đi đến căn nguyên của vấn đề.

Hoặc cũng có thể chúng ta đang làm đúng theo Kinh Thánh.[78]

Hãy can đảm tiến một bước xa hơn. Sẽ ra sao nếu chúng ta thiết lập một giới hạn cho nếp sống của bản thân? Sẽ ra sao nếu chúng ta có thể vạch ra một giới hạn rằng: “Đến đây là đủ, tôi sẽ cho đi mọi điều mà tôi có nếu chúng vượt quá giới hạn này”?

Đây chính là điều Wesley đã làm. Ông lập ra một mức độ chi tiêu giản dị để sinh sống mỗi năm. Năm đầu tiên thu nhập của ông vượt mức chi tiêu này một số tiền nhỏ và ông đã cho đi phần vượt mức này. Năm tiếp theo thu nhập của ông tăng lên nhưng ông vẫn giữ mức sống như cũ, vậy ông có nhiều hơn để ban cho. Việc này cứ thế tiếp diễn trong nhiều năm và đến một thời điểm, Wesley có thể kiếm được một số tiền tương đương 160.000$ của ngày hôm nay, nhưng ông vẫn giữ mức sống của ông ở khoảng 20.000$ một năm. Kết quả là trong năm đó ông đã có thể cho đi 140.000$.

Hãy suy nghĩ điều gì có thể xảy ra. Sẽ ra sao nếu bạn và tôi quyết định rằng tiền lương 50.000$ không đồng nghĩa với mức sống 50.000$? Sẽ ra sao nếu bạn và tôi đặt ra những giới hạn cho nếp sống của bản thân và tự do cho đi số còn lại những gì chúng ta có vì sự vinh quang của Đấng Christ ở những nơi thiếu thốn nhất trên thế giới?

Kinh Thánh dạy dỗ rõ ràng rằng Đức Chúa Trời muốn cho chúng ta được sung túc để chúng ta chu cấp cho những người khác đang thiếu thốn.[79] Trong sách giải kinh của John Calvin về 2 Cô-rinh-tô 8-9, ông đã ghi chú rằng Đức Chúa Trời “truyền cho chúng ta phải sống tiết kiệm và chừng mực, và ngăn cấm mọi người không được đi quá giới hạn và tận dụng sự dư dật của bản thân. Những ai giàu có… hãy suy nghĩ rằng sự dư dật của mình không được dùng cho sự vô độ và quá giới hạn, nhưng để giúp đỡ các anh em đang thiếu thốn.”[80] Khi áp dụng thực tiễn lẽ thật này, Calvin từng nói rằng phân nửa các nguồn quỹ của hội thánh cần được phân bổ để giúp đỡ người nghèo (khác xa với những kế hoạch tài chính của các hội thánh ngày nay).[81] Mặc dù Calvin không kỳ vọng mọi người đều hưởng những của cải giống như nhau, nhưng ông kết luận rằng: “không được để ai phải chết đói.”[82]

“CHÚNG TA GIỮ ĐƯỢC GÌ?” VÀ  “CÔNG VIỆC CHÚA CẦN TỐN KÉM NHỮNG GÌ?”

Dẫu vậy, chúng ta bị cám dỗ để cảm thấy yên lòng khi bố thí người nghèo những thứ vụn vặt. Vì lý do này, tôi mang ơn một người bạn đã giúp tôi đánh giá những điều tôi sẵn lòng cho đi. Anh ấy là Jason. Anh cùng gia đình sống tại một đất nước nơi việc chia sẻ phúc âm là phạm pháp. Anh hiện phục vụ cho những người chưa được nghe về Đức Chúa Giê-su. Có lần anh đã viết thư cho tôi và nói đến hàng triệu người vẫn chưa được nghe phúc âm:

 

“Còn bao nhiêu người không có niềm tin bởi vì họ không được nghe phúc âm? Cần tốn kém những gì để họ được nghe phúc âm? Phải chăng họ không được nghe về phúc âm bởi vì không ai nói cho họ? Vâng theo lời Chúa, chúng ta cần phải làm gì để thay đổi một thế giới nơi hàng triệu triệu người không thể kêu cầu danh Chúa? Đại đa số chúng ta sẽ nói rằng tôi biết câu trả lời. Thậm chí rất nhiều người trong chúng ta sẽ nói rằng tôi đang thực hiện công việc để thay đổi hiện trạng ấy. Song sự thật đó là, vẫn sẽ có hàng triệu triệu người không được nghe về phúc âm nếu chúng ta tiếp tục sử dụng những khoảng thời gian rảnh rỗi và những số tiền nhàn rỗi để đến với những người chưa tin. Hai câu hỏi hoàn toàn trái ngược đó là: “Chúng ta giữ lại được gì?” và “Công việc Chúa cần tốn kém những gì?”

Câu hỏi của Jason thách thức đến tận thâm tâm của tôi, không chỉ vì chúng gắn liền với công tác truyền giáo cho người chưa tin, nhưng hai câu hỏi ấy còn liên quan đến việc chăm sóc cho người nghèo khó. Tôi nghĩ rằng: sẽ ra sao nếu chúng ta ngừng suy nghĩ đến những gì chúng ta có thể giữ lại nhưng bắt đầu nghĩ đến những phí tổn cho công tác Chúa?

Đến đây, tôi không cho rằng bạn và tôi có thể đơn thương độc mã ban cho đủ nhiều để làm nhẹ bớt tình trạng đói nghèo. Dù sao đi nữa, tình trạng đói nghèo là hậu quả của nhiều yếu tố khác nhau như xã hội, chính trị, kinh tế, đạo đức, của cải và những yếu tố khác. Có những yếu tố chúng ta có thể tác động được (dù bằng những cách nhỏ nhoi), nhưng cũng có những yếu tố vượt ngoài tầm ảnh hưởng của chúng ta. Rõ ràng, Đức Chúa Trời không truyền lệnh và cũng không kỳ vọng chúng ta đáp ứng cho mọi nhu cầu. Tuy nhiên lý luận nào nói rằng: “Bởi vì tôi không thể làm tất cả mọi việc cho nên tôi sẽ chẳng làm gì cả,” thì lý luận đó đến từ địa ngục.

Sẽ ra sao nếu cùng nhau chúng ta dừng lại việc bố thí người nghèo những đồ vụn vặt mà bắt đầu bố thí cách rộng rời? Sẽ ra sao nếu chúng ta bắt đầu bố thí không chỉ những điều chúng ta có thể cho đi nhưng nhiều hơn thế nữa? Sẽ ra sao nếu chúng ta phải hy sinh lợi ích cá nhân để bố thí, giống như góa phụ nghèo trong Lu-ca 21 đã cho đi tất cả những gì bà có? Sẽ ra sao nếu chúng ta bố thí cách dư dật không vì những nhu cầu nguy kịch xung quanh, nhưng bởi vì tấm lòng của Đấng Christ ở trong chúng ta đòi hỏi và khát khao những hành động bố thí ấy?

 

Tự do để ban cho

Đây chính là lời dạy của Kinh Thánh. Trong I Ti-mô-thê 6, Phao-lô viết cho Ti-mô-thê phải răn bảo người giàu “làm điều lành, làm nhiều việc phước đức, kíp ban phát và phân chia của mình có.”[83] Điều Phao-lô căn dặn trên đây chính là chìa khóa để chúng ta được tự do khỏi bản chất đầy chết chóc của sự giàu có và của cải. Hãy ban cho. Hãy ban cho cách rộng rãi, dư dật và đầy hy sinh. Hãy ban cho không chỉ vì những của cải bạn có là xấu. Hãy ban cho vì cớ Đấng Christ ở trong bạn. Hãy ban cho bởi vì tấm lòng của bạn được bắt phục bởi một Đấng Cứu Rỗi, Đấng ấy sản sinh bên trong bạn “lòng quá vui mừng,” để bày tỏ “sự dư dật của lòng rộng rãi mình.”[84]

Các môn đồ rất quen thuộc với sự tự do này. Sau khi Đức Chúa Giê-su nói chuyện với người trai trẻ giàu có, Phi-e-rơ đã thưa với Đức Chúa Giê-su rằng: “Chúng tôi đã bỏ sự mình có mà theo thầy!”[85] Đối lập với người trai trẻ giàu có lòng đầy buồn bã quay bước khỏi Đức Chúa Giê-su thì đây là một môn đồ được tự do khỏi ách nô lệ cho tiền bạc và của cải, được tự do khỏi sự an ninh và những điều thoải mái nơi trần thế.

Tôi đã nhìn thấy sự tự do này trong gia đình đức tin mà tôi lãnh đạo. Sau ngày Chủ Nhật mà chúng tôi đã học về câu chuyện người trai trẻ giàu có trong Mác 10, tôi đã nhận được một bức thư điện tử từ một thành viên trong hội thánh viết như sau:

“Tôi và vợ về nhà, dọn hết tất cả quần áo, lấy mấy bao thức ăn đóng hộp và tất cả quần áo mà con trai của chúng tôi đã không còn mặc vừa cùng với tất cả đồ chơi mà cháu không còn chơi nữa. Tôi lấy mấy trăm đô-la mà tôi đã để dành để chăm sóc bãi cỏ phía trước nhà, sau đó lái xe đến dự án chăm sóc các vấn đề nội đô và cầu nguyện. Tôi cầu nguyện cho những người mà tôi không biết đến, những người sẽ tiếp nhận những đồ đạc mà chúng tôi đã có quá nhiều.

Căn nhà đầu tiên chúng tôi đến là một người đàn ông ba mươi tuổi có một con nhỏ và đang cần quần áo lao động. Thật là hoàn hảo! Tôi có quần áo để cho anh cũng như đồ chơi và quần áo nhỏ để tặng cháu bé. Anh cần tiền để mua hàng tạp hóa nên tôi gửi anh 100 đô la.

Căn nhà tiếp theo có ba cháu nhỏ độ tuổi dưới mười hai, vậy tôi tặng các cháu TV, VCR và hai máy chơi điện tử. Mẹ của các cháu cần mua hàng tạp hóa nên tôi gửi cô 100 đô la.

Căn nhà tiếp theo là một cặp vợ chồng. Họ cần quần áo cho người vợ và tiền để trả tiền mua xe. Vậy tôi tặng họ quần áo của vợ tôi và 100 đô la.

Chúng tôi cầu nguyện với từng gia đình và nói với họ rằng chúng tôi đi cùng với Chúa. Chúng tôi rất nôn nả cho công tác này đến nỗi chúng tôi đã quay trở về nhà để lấy thêm đồ đạc đem đi tặng. Giờ đây tôi và vợ đang phục vụ tại trung tâm dành cho người vô gia cư tại nội đô, và tôi sẽ bắt đầu dạy nghệ thuật và đồ họa tại trung tâm dạy học dành cho người vô gia cư.”

 

Nhiều người sẽ nghi vấn về hành động của chàng trai này, thậm chí một số người có thể sẽ chỉ trích anh vì hành động quá ngẫu hứng, tuy nhiên sẽ ra sao nếu những việc làm trên là một minh họa đơn giản cho sự tự do khi chúng ta vâng theo lời Chúa? Tôi không có ý nói rằng vâng theo lời Chúa thì phải hành động y như chàng trai kia, tuy nhiên chúng ta hãy suy nghĩ điều gì sẽ xảy ra nếu mỗi một chúng ta quyết định từ bỏ hoàn toàn?

Xin mời chúng ta hãy đọc thêm một email từ Lisa, một phụ nữ trong cộng đồng đức tin của chúng tôi:

 

“Nhiều tháng trời tôi đã lắng nghe Lời Chúa và tranh chiến, tôi đã cố gắng hòa hợp cuộc sống của tôi với những lời dạy của phúc âm. Tôi đã cố gắng tìm kiếm những câu trả lời dễ chịu hơn giữa cuộc sống của tôi bây giờ và lời dạy phải bán đi tất cả mọi điều tôi có cũng như rời bỏ cuộc sống dễ chịu để đem phúc âm đến với thế giới. Song tôi nhận ra rằng chẳng có một câu trả lời dễ chịu nào cả. Từ bỏ tất cả đó là lựa chọn duy nhất.

Vậy tôi bán đồ đạc của tôi ở trên mạng Internet và cố gắng trả hết nợ để tôi có thể ban cho được nhiều. Để có thể trả hết nợ, tôi thật sự phải bán gần như tất cả mọi thứ trừ cái áo mà tôi đang mặc (và có lẽ còn một cái nữa!).

Tôi rất nóng lòng chờ xem điều gì sẽ xảy ra. Tôi hoàn toàn chưa chuẩn bị gì, bị thiếu thốn và sợ hãi. Nhưng tôi rất sẵn lòng. Hãy thực hiện thôi.”

 

Một lần nữa, có lẽ đối với một số người thì hành động này thật quá cực đoan, tuy nhiên sự thật đó là hành động của Lisa thích hợp với lời dạy của Đức Chúa Giê-su trong Mác 10 hơn hẳn hành động của những người chỉ ngã lưng trên ghế xếp mà không làm gì.

Được tự do để ban cho đã được hiện thực hóa theo nhiều cách khác nhau tại hội thánh của chúng tôi.

Sau khi học bài học Đức Chúa Trời chăm sóc trẻ mồ côi trong Gia-cơ 1:27, chúng tôi quyết định liên hệ đến Bộ Dịch Vụ Nhân Sinh và nhận nhiệm vụ đảm bảo rằng họ sẽ có đủ gia đình để chăm sóc cho các trẻ em thiếu thốn trên đất nước của chúng tôi. Họ cần 150 gia đình và chỉ trong hai tuần đã có 160 gia đình trong hội thánh của chúng tôi đăng ký nhận con nuôi. Ngày nay, trên khắp đại gia đình đức tin của chúng tôi, các gia đình đang dọn dẹp chỗ ở trong nhà của họ để nhận những trẻ mồ côi về nuôi dưỡng, những người khác thì dùng các khoản tiền tiết kiệm và đầu tư để nhận con nuôi từ Birmingham và những nơi khác trên thế giới.

Những nhóm nhỏ thuộc mọi lứa tuổi trong hội thánh đã bắt đầu hy sinh những thứ xa xỉ phẩm để làm mọi công tác giúp đỡ, từ đào giếng cho những cộng đồng nghèo khó, đến mua gà cho các ngôi làng thiếu thốn. Một Chủ Nhật tôi quay về từ một thành phố tại Indonesia nơi đã xảy ra một trận động đất phá hủy hàng nghìn ngôi nhà. Tốn khoảng 400 đô la để xây dựng lại một ngôi nhà, vậy trong ngày Chủ Nhật đó, vâng theo Lời Chúa, tôi đã mời hội thánh góp phần xây dựng nhà tại Indonesia. Mọi người bắt đầu viết ngân phiếu và đem tiền mặt lên phía trước, đến cuối ngày, hội thánh đã quyên góp được hơn 100.000 đô la. Những người không có tiền mặt thì đóng góp tài sản. Một phụ nữ nọ đã góp chiếc nhẫn cưới và nói rằng: “Lúc này tôi và chồng không có nhiều tiền, nhưng tôi có thể góp chiếc nhẫn này để một gia đình tại Indonesia có được căn nhà để ở.” Những ngày sau đó, chúng tôi làm việc với các hội thánh tại Indonesia để xây dựng hàng trăm căn nhà đồng thời công bố phúc âm ở một cộng đồng mà phần lớn là người Hồi Giáo.

Tháng trước chúng tôi học về Gia-cơ 2:14-17 và suy nghĩ về những anh chị em trên khắp thế giới “không quần áo mặc, thiếu của ăn uống hằng ngày.” Bởi vì nền kinh tế đang gặp khó khăn, chúng tôi phải có hành động để giữ lại tiền trong ngân sách của chúng tôi. Kết quả là chúng tôi đã có dư hơn 500.000 đô la để dành cho lúc thiếu thốn.

Qua Lời Chúa, Ngài bắt đầu hướng chúng tôi đến những anh chị em tại Ấn Độ, một đất nước có số người nghèo chiếm 41 phần trăm tổng số người nghèo của cả thế giới. Rất nhiều trẻ nhỏ không thể sống đến năm tuổi, chính vì vậy chúng tôi tìm kiếm một phương cách để phục vụ họ. Chúng tôi tìm được rằng với khoảng 25.000 đô la, chúng tôi có thể cung cấp thức ăn, nước uống, dịch vụ y tế và giáo dục cho các bà mẹ và trẻ nhỏ tại một ngôi làng nọ trong một năm. Chúng tôi tìm được hai mươi mốt hội thánh tại các ngôi làng nghèo ở khắp Ấn Độ và chúng tôi bắt đầu cân nhắc có thể phục vụ được cho hội thánh nào. Đó là lúc chúng tôi chậm lại và nhận ra: “Nếu có hai mươi mốt hội thánh tại các ngôi làng nghèo mà chúng tôi có thể kết nối được, và mỗi một nơi chúng tôi có thể phục vụ cho các trẻ em đói nghèo và gia đình của chúng với chi phí khoảng 25.000 đô la, vậy tổng cộng cần 525.000 đô la. Trong khi đó, Chúa đã cho chúng tôi có được hơn 500.000 đô la.”

Việc này dẫn đến một quyết định thú vị. Chúng tôi nói rằng: “Hãy dùng hết số tiền để dành ấy.” Hai tuần sau hội thánh của chúng tôi ngồi lại và nói: “Chúng tôi muốn cho đi tất cả số tiền này vì sự vinh quang của Đấng Christ ở giữa các anh chị em đang thiếu thốn.”

Xin đừng hiểu lầm. Vẻ đẹp ở tất cả những bức tranh kia không phải là việc chu cấp cho người nghèo những nhu cầu thuộc thể. Khi chúng tôi nhận nuôi trẻ nhỏ, khi các nhóm nhỏ của chúng tôi cho đi mọi xa xỉ phẩm của họ, và khi chúng tôi ra đi từ Birmingham đến Ấn Độ và những nơi khác, chúng tôi đã làm tất cả những việc đó với phúc âm. Chúng tôi khám phá niềm vui của một phúc âm trọn vẹn ở bên trong để sản sinh những bông trái trọn vẹn ở bề ngoài. Và khi chúng tôi đáp ứng những nhu cầu trên đất, chúng tôi cũng công bố một phúc âm làm biến đổi đời sống cho cõi đời đời. Trọng tâm của vấn đề không nằm ở việc đáp ứng cho nhu cầu tạm thời hay thay đổi một số liệu thống kê khiến chúng ta phải kinh ngạc; nhưng điều quan trọng đó là sự vinh quang của Đấng Christ được tôn cao qua việc chúng ta bày tỏ phúc âm của Ngài bằng tấm lòng rộng rãi.

 

Người trai trẻ giàu có bên trong tôi

Khi Chúa bày tỏ cho tôi nhìn thấy điểm mù này, tôi và vợ bắt đầu nhìn đến những điều xung quanh chúng tôi. Bạn biết đấy, một vài năm trước, chúng tôi đã mất tất cả. Nhà cửa bị nhấn chìm trong cơn bão Katrina, còn tài sản thì trôi nổi trong dòng nước lũ sâu ba mét trong hai tuần. Sau khi quay trở lại để xem chúng tôi có thể dùng lại những vật dụng gì, chúng tôi chỉ có thể lấy được một vài đồ trang trí Giáng Sinh ở tầng gác mái đem đi New Orleans.

Đây là cơ hội cho chúng tôi. Chúng tôi thật sự có thể bắt đầu lại từ đầu và tái thiết đời sống một cách hợp lý dựa trên những nhu yếu phẩm và ít dựa vào những thứ xa xỉ phẩm hơn. Tuy nhiên những ngày tiếp theo chúng tôi lại nhanh chóng lãng phí cơ hội ấy.

Trước khi dời đến Birmingham nơi tôi bắt đầu chức vụ chăn bầy, chúng tôi đã chật vật mua nhà và những vật dụng ở trong ấy. Sự cám dỗ quá là lớn. Chúng tôi không mua một căn biệt thự, tuy nhiên chúng tôi đã mua nhiều hơn cần thiết. Và căn nhà càng lớn thì chúng tôi càng “cần” phải mua sắm để lấp vào. Không lâu sau, chúng tôi đã có nhiều hơn gấp đôi những gì chúng tôi đã từng sở hữu tại New Orleans. Dưới con mắt của thế gian (thậm chí từ góc nhìn của những người tin Chúa), chúng tôi đã đến được đất hứa. Tuy nhiên tôi không thể nào xua tan cảm giác rằng chúng tôi có thể sống giản đơn để cho phúc âm kết quả hơn khi chúng tôi có ít của cải hơn.

Bài học tôi nhận ra đó là cuộc chiến chống lại chủ nghĩa vật chất ăn sâu trong tấm lòng của chúng ta đích thực là vấn đề. Đó là cuộc chiến đấu liên tục chống lại cám dỗ có được nhiều thứ xa xỉ hơn, tích trữ nhiều của cải hơn và sống sung túc hơn. Cuộc chiến này đòi hỏi quyết tâm mạnh mẽ và vững vàng để sống phúc âm/sống đạo giữa cuộc đua theo đuổi giấc mơ Mỹ, nơi sự thành công được xác định bằng việc leo lên những nấc thang, có nhà to hơn, mua xe tốt hơn, có quần áo tốt hơn, ăn thức ăn ngon hơn và tích trữ nhiều của cải hơn.

Tôi và vợ đã quyết định chiến đấu cuộc chiến này. Giờ đây chúng tôi không ngừng xác định đâu là những thứ thiết yếu và bỏ đi những món đồ nào xa xỉ. Chúng tôi bán căn nhà và tìm một căn khác nhỏ hơn, đơn giản hơn. Chúng tôi bắt đầu lại quá trình tiếp nhận, kết luận rằng những khoản tiết kiện của chúng tôi cần được sử dụng vào những điều quan trọng nhất đối với Chúa.[86] Chúng tôi đang nỗ lực xây dựng một ngân sách từ việc bán đi nhiều nhất có thể để có thể ban cho người khác.

Những việc này chỉ là khởi đầu, chúng tôi cần phải đi xa hơn nữa. Nhiều câu hỏi vẫn chưa được trả lời. Tôi cần đi loại xe nào? Tôi thật sự cần bao nhiêu quần áo? Những món đồ xa xỉ nào Chúa muốn chúng tôi hưởng thụ và những món nào Chúa muốn chúng tôi phải hy sinh? Nếu chúng tôi có tiền tiết kiệm thì đâu là giới hạn giữa tiết kiệm có trách nhiệm (điều Kinh Thánh cổ vũ) và dự trữ vô trách nhiệm (điều Kinh Thánh lên án)?[87] Tất cả những việc này sẽ tác động thế nào đến cách chúng tôi đầu tư, đến tài khoản hưu trí, hay bảo hiểm nhân thọ? Tiết kiệm bao nhiêu là khôn ngoan cho những nhu cầu trong tương lai trong khi các anh chị em xung quanh tôi (cũng như những người chưa được lắng nghe về phúc âm) đang bị đe dọa bởi những nhu cầu trong hiện tại?

Đó là những câu hỏi khó và tôi không cho rằng mình biết tất cả câu trả lời. Tôi cũng không tuyên bố một cách thức đo lường mà nhờ đó chúng ta có thể hoặc nên dùng để trả lời cho các câu hỏi trên. Chúng ta phải tránh lỗi áp đặt lên chính mình hoặc người khác những luật lệ mà Kinh Thánh không nhắc đến. Đồng thời, việc này cũng không nên ngăn cản chúng ta cứ nêu lên những câu hỏi và để những câu hỏi ấy dẫn chúng ta đến với Chúa.

Tôi đang khám phá qua cuộc sống của tôi rằng đây là một hành trình, và trên hành trình đó tôi đang tìm thấy niềm vui ẩn sâu bên trong khi nương dựa vào Đấng Christ để tìm kiếm sự chỉ dẫn duy nhất từ nơi Ngài khi Ngài sản sinh bông trái phúc âm trong đời sống tôi. Hơn bất kỳ điều gì, tôi không muốn trở nên giống như chàng trai trẻ giàu có. Và tôi không muốn phớt lờ sự thật đó là sự cám dỗ để trở nên giống như chàng trai trẻ kia là rất lớn.

Kinh Thánh viết rằng khi Đức Chúa Giê-su phán cùng chàng trai trẻ giàu có hãy đi bán hết tài sản mà phân phát cho người nghèo, “nét mặt người nầy rầu rĩ về lời đó, đi ra rất buồn bã, vì có nhiều của lắm.”[88] Đức Chúa Giê-su đã bày tỏ một điểm mù trong đời sống của anh và anh không muốn nhìn vào điểm mù ấy. Anh không muốn nhìn thấy mức độ tội lỗi của bản thân, anh không muốn thấy mình làm nô lệ cho của cải, cũng không muốn nhìn thấy những nhu cầu của người nghèo. Anh quay bước, tay đầy của cải nhưng tấm lòng trống không. Đáng buồn thay, anh đã quay mặt khỏi một Đấng có thể ban cho anh sự sống và niềm vui mà anh rất cần đến.

Tôi không muốn trở nên mù lòa đối với những lĩnh vực này trong đời sống. Và tôi không muốn quay bước khỏi Chúa. Tôi không muốn theo đuổi những của cải – thậm chí những của cải nhân danh Đấng Christ hoặc nhân danh hội thánh – để rồi đánh mất Đấng Christ và niềm vui mà chỉ Ngài mới đem lại qua một đời sống được tự do khỏi những trói buộc với của cải nơi trần thế. Và cuối cùng, tôi không muốn đánh mất kho báu đời đời vì đã yên lòng nơi những điều rẻ tiền của thế gian. Đức Chúa Giê-su phán rằng: “Của cải ngươi ở đâu, thì lòng ngươi cũng ở đó.”[89] Cách chúng ta sử dụng tiền bạc chính là thước đo tình trạng thuộc linh của bản thân. Việc phớt lờ người nghèo khó thể hiện tấm lòng của chúng ta đang đặt ở nơi nào. Thậm chí hơn thế nữa, cách chúng ta sử dụng tiền bạc chính là một chỉ báo cho đích đến đời đời của chúng ta. Dấu hiệu của môn đồ Đấng Christ đó là tấm lòng của họ đặt nơi thiên đàng và kho báu của họ đặt ở tại đó.

 

Một sự lựa chọn

Rất dễ để chúng ta cảm thấy lạnh nhạt và xa cách với những con số và thống kê về người nghèo thiếu. Thật khó có thể tưởng tượng về hàng tỷ người nghèo hoặc hai mươi sáu nghìn trẻ em sẽ chết vì thiếu lương thực hoặc vì một căn bệnh có thể phòng ngừa được.

Đây chính là trường hợp của tôi và vợ khi nhận nuôi đứa con đầu tiên. Chúng tôi đã đọc về những số liệu thống kê trước đó… và chúng thật đáng kinh ngạc. Hàng triệu trẻ mồ côi tại Châu Phi, một con số đang gia tăng đáng kể bởi vì khủng hoảng bệnh AIDS đang lấy đi mạng sống của nhiều ông bố bà mẹ khắp vùng đồng bằng Sahara. Hàng triệu trẻ mồ côi tại Châu Á, trong đó có rất nhiều nếu không nói là hầu hết các cháu sẽ lâm vào con đường phạm pháp hoặc mại dâm nếu chúng không được nhận nuôi. Hàng triệu trẻ mồ côi tại Châu Âu, Châu Mỹ La-tin và tại Hoa Kỳ.

Choáng ngợp trước những con số này, tôi phải thừa nhận những con số trên cũng chỉ là con số trước khi chúng tôi đến thăm Kazathstan để nhận đứa con nuôi. Không phải chúng tôi đã không quan tâm. Sau hết, chúng tôi đã làm tất cả các thủ tục nhận con nuôi. Tuy nhiên những con số này dường như vẫn rất xa cách với đời sống hằng ngày tại ngoại ô Birmingham.

Tuy nhiên mọi thứ thay đổi khi lần đầu tiên chúng tôi đến thăm một trại mồ côi tại Kazathstan. Chúng tôi nhìn thấy trẻ em chơi ở bên ngoài. Chúng tôi đi băng qua căn phòng của các cháu ở bên trong. Bất chợt những con số trên trang giấy trở nên sống động trong lòng của chúng tôi. Chúng tôi nhận ra Caleb đang nằm trong một chiếc nôi ở tại đó. Đột nhiên, mọi con số đều trở nên rất thật… và rất cá nhân.

Chúng tôi nhận ra rằng trẻ mồ côi dễ bị phớt lờ trước khi bạn biết được tên của chúng. Chúng rất dễ bị phớt lờ nếu bạn không nhìn thấy những gương mặt của chúng. Rất dễ để chúng ta vờ như các cháu không tồn tại trước khi bạn ẳm bé trên tay. Nhưng khi bạn đã biết tên, nhìn thấy gương mặt và ẳm bé trên tay thì tất cả được thay đổi.

Chính vì thế khi bạn và tôi lắng nghe về những số liệu thống kê đáng kinh ngạc về những người nghèo thiếu xung quanh chúng ta và trên thế giới, chúng ta có một lựa chọn. Chúng ta có thể đổi kênh truyền hình và tiếp tục cuộc sống thoải mái, không bị quấy rầy, và vẫn đi lễ nhà thờ như thể những người nghèo không bao giờ tồn tại. Chúng ta có thể lạnh nhạt, xa cách và xem những số liệu ấy như là điều tưởng tượng. Hoặc chúng ta cũng có thể mở mắt, mở lòng với thực tại xung quanh chúng ta và bắt đầu cân nhắc đến những gương mặt đại diện cho những số liệu thống kê ấy.

Tôi nhớ về đám đông những đứa trẻ và cha mẹ của chúng tại một khu ổ chuột tại Delhi, Ấn Độ. Các gia đình có ba, bốn, năm con hoặc nhiều hơn thế sống trong túp lều chín mét vuông. Chúng tôi phải tránh những đống phân trên đất khi bước ở phía bên ngoài cộng đồng này. Nguồn nước bị giới hạn, thực phẩm khan hiếm, và khu ổ chuột của thành phố tiếp tục trải dài dường như vô tận.

Đó là những hình ảnh xuất hiện trong tâm trí tôi khi suy nghĩ về cuộc sống một người sẽ như thế nào với một hai đô la một ngày. Đó là những gương mặt tôi nhìn thấy khi hình dung hai mươi sáu nghìn trẻ em sẽ chết trong hôm nay bởi vì thiếu lương thực hoặc vì một căn bệnh có thể ngăn ngừa được.

Khi nhìn thấy gương mặt của họ, tôi nhận ra rằng tôi có một lựa chọn. Bạn và tôi đều có một lựa chọn.

Hoặc đứng về phía những người đang thiếu thốn, hoặc đứng về phía những người giàu có mà không cần làm gì cả.

Chúng ta có thể chọn giống như La-xa-rơ ở trên thiên đàng hoặc trở thành người trai trẻ giàu có trên đường xuống địa ngục.

Chúng ta có thể chọn Đức Chúa Giê-su khi cho đi những sự giàu có, hoặc chúng ta cũng có thể quay bước khỏi Ngài để giữ lấy sự giàu có cho riêng mình.

Thời gian sẽ trả lời bạn và tôi đã chọn điều gì khi nhìn thấy những điểm mù trong  Cơ Đốc giáo Hoa Kỳ ngày nay.

 

 

Chương bảy

KHÔNG CÓ KẾ HOẠCH B

Là những Cơ Đốc nhân chúng ta ủng hộ ý tưởng “tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng.” Lời công bố này trích trong Bản tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ, nó được căn cứ vào những giáo huấn từ Kinh Thánh là mỗi người trên thế giới được tạo dựng theo hình ảnh của Đức Chúa Trời và vì vậy trong bản chất họ xứng đáng được kể là bình đẳng với nhau. Đó thực sự là một ý tưởng hay.

Tuy nhiên, không khó lắm để nhận ra rằng sự bình đẳng của con người trong ý tưởng có thể khác biệt với thực tế. Đúng là mỗi người đều bình đẳng trong giá trị, vì thế mỗi ý tưởng đều có giá trị pháp lý bình đẳng. Khi chúng ta áp dụng điều này cho đức tin, điều này có nghĩa là trong một thế giới bao gồm nhiều người khác nhau với những quan điểm tôn giáo khác biệt, thế thì tất cả những quan điểm này về cơ bản phải được đối xử cách bình đẳng.

Trong nhận thức đức tin là một vấn đề của trải nghiệm cá nhân, không phải của sự thật. Vấn đề nguyên tội (tội lỗi do di truyền của tổ phụ) khi được công bố ra, nó trở thành lẽ thật của người này nhưng lại là sai lầm cho nhận thức của một số khác.  Lối đi phù hợp là yên nghỉ trên những gì bạn tin và chống lại sự thôi thúc để chia sẻ đức tin bạn cho những người khác?

Ý tưởng này đã lan rộng trong suy nghĩ của nhiều Cơ Đốc nhân theo hai phương cách đặc biệt. Một là, nhiều người tự nhận là Cơ Đốc nhân đã bảo thủ quan điểm phổ biến cho rằng  tôn giáo chỉ đơn thuần là vấn đề của cái được ưu tiên hay quan điểm cá nhân và rồi cuối cùng tất cả các tôn giáo đều giống nhau về cơ bản. Người ta không cần phải tin vào Chúa Cứu Thế để rồi từ đó sẽ nhận biết Đức Chúa Trời và đi vào thiên đàng. Vì vậy không cần phải khích lệ một ai đó cứ ôm chặt lẽ thật của Cơ Đốc giáo.

Ở phương diện thứ hai, trong khi một số người tự nhận là Cơ Đốc nhân đã từ chối những lẽ thật  căn bản. Họ công bố rằng Đấng Christ cần thiết cho sự cứu rỗi, tuy nhiên họ sống trong yên lặng y như là những người chung quanh trong thế giới này không cần có Đấng Christ vẫn sẽ ổn hết trong ngày phán xét.

Tôi nghĩ rằng mỗi người trong chúng ta có khuynh hướng đi theo sự khôn ngoan của tâm trí tự nhiên hoặc  theo khuynh hướng chung của số đông. Bất luận bạn thuộc quan điểm nào, tôi mời bạn cùng nghiên cứu chủ đề này trên căn bản những gì Kinh Thánh dạy.

Chúng ta cũng sẽ không quên những người đang ở trong sự hiểm nguy vì chưa biết Chúa.

 

Chúng ta biết rằng hơn bốn tỉ người trên thế giới hiện nay  chưa có Đấng Christ. Trong số họ có hơn một tỉ người chưa bao giờ được nghe Phúc Âm – điều này có nghiêm trọng không? Điều gì sẽ đến với họ khi họ chết? Tôi được thuyết phục rằng đây là câu hỏi quan trọng  nhất cho Cơ Đốc giáo hiện nay. Nếu người ta được lên thiên đàng chỉ đơn giản dựa vào vị trí ưu tiên địa lý hay chủng tộc của họ, khi đó sẽ không có chuyện chúng ta đem Phúc Âm đến với họ cách khẩn cấp. Nhưng nếu họ không lên thiên đàng bởi vì họ không bao giờ được nghe về Chúa, khi đó chúng ta có một gánh nặng khẩn trương là phải giới thiệu Chúa Giê-su cho họ. Nếu người ta đang chết và chuẩn bị đi xuống địa ngục vì chưa từng nghe có một Phúc Âm cứu rỗi, khi đó rõ ràng là chúng ta không nên lãng phí thì giờ của mình cho giấc mơ Mỹ (1) nhưng phải giới thiệu Chúa Giê-su cho họ. Kinh Thánh nói gì về những người chưa bao giờ được nghe Phúc Âm của Chúa Giê-su?

Tôi mời bạn cùng tóm lược với tôi bảy lẽ thật trong sách Rô-ma nói về những người chưa bao giờ được nghe Phúc Âm của Chúa Giê-su. Tôi nài xin bạn hãy cân nhắc nhu cầu khẩn cấp này trước khi chúng ta đặt giấc mơ Mỹ sang một bên để đem nhiều người đến với mục đích của Đấng Christ.

LẼ THẬT 1: TẤT CẢ MỌI NGƯỜI ĐỀU CÓ SỰ HIỂU BIẾT VỀ ĐỨC CHÚA TRỜI.

 

Sau khi Phao-lô kết thúc sự giới thiệu của ông về sách Rô-ma, ông khảo sát tỉ mỉ  phương cách mà con người nhận biết Đức Chúa Trời (ông Trời) là Cha, là Đấng sáng tạo của họ. Trong Rô-ma 1:18, Phao-lô nói rằng Đức Chúa Trời đã bày tỏ chính Ngài cho tất cả mọi người.  Ông phân tích, “Vì điều chi có thể biết được về Đức Chúa Trời thì đã trình bày ra cho họ, Đức Chúa Trời đã bày tỏ  rõ ràng điều đó cho họ rồi.” (câu 19) Ông tiếp tục, “bởi những sự trọn lành của Ngài mắt không thấy được, tức là quyền phép đời đời và bổn tánh Ngài, thì từ buổi sáng thế vẫn sờ sờ như mắt xem thấy, khi người ta xem xét công việc của Ngài. Cho nên họ không thể chữa mình được.” (câu 20).2

Nói một cách khác Đức Chúa Trời tiếp tục bày tỏ Ngài cách rõ ràng cho mọi người. Phao-lô thừa nhận sự hiểu biết của mọi người về Đức Chúa Trời khi ông nói, “Mặc dù họ biết Đức Chúa Trời….” (câu 21). Mọi người trên trái đất này qua các dòng lịch sử – không loại trừ ai, đều biết ông Trời (hay Đức Chúa Trời)  là Đấng Sáng Tạo, Cội Nguồn, Cha của họ. Những người đàn ông ở trong rừng rậm Phi Châu, phụ nữ trong các vùng nông thôn Á Châu, khách lữ hành trong những sa mạc hoang vắng, người Ét-ki-mô trong những vùng đất bị lãng quên…Tất cả họ dù ở đâu bất luận điều kiện sống và văn hóa đều có một điểm chung: họ đều biết về ông Trời, bởi vì Ngài đã bày tỏ chính Ngài cho họ.

Dĩ nhiên không phải tất cả mọi người trên thế giới này đều tin vào Đức Chúa Trời. Điều này dẫn chúng ta đến sự xác nhận thứ hai.

LẼ THẬT 2: TẤT CẢ MỌI NGƯỜI ĐỀU TỪ CHỐI ĐỨC CHÚA TRỜI

 

Phao-lô nói rằng, “vì họ dẫu biết Đức Chúa Trời, mà không làm sáng danh Ngài là Đức Chúa Trời, và không tạ ơn Ngài nữa.” Tất cả mọi người bao gồm bạn, tôi, những người ở trong rừng nguyên sinh Phi Châu…đều phủ nhận sự hiểu biết chân thật về Đức Chúa Trời. Kinh Thánh nói rằng chúng ta đều  lầm lạc trong lý tưởng hư không, và lòng ngu dốt đầy những sự tối tăm. Chúng ta thừa hưởng một bản chất tội lỗi và nổi loạn chống lại sự hiểu biết chân thật về vinh hiển Đức Chúa Trời.

Mặc dù đây là lẽ thật căn bản  của phúc âm, nhưng chúng ta thường không nhận thấy và thảo luận đầy đủ về những gì sẽ xảy ra cho những người chưa bao giờ được nghe nói đến Chúa Giê-su. Chúng ta dễ dàng quên tình trạng của họ vốn làm cho tâm  trí chúng ta khó phân tích  và xa hơn nữa sự sùng bái thần tượng của họ  cũng gây cản trở cho tấm lòng chúng ta.

Tôi nhớ đã có lần thảo luận điều này với các sinh viên, một bạn hỏi tôi, “Về những thổ dân Châu Mỹ thì sao? Họ là những người gốc gác ở đây – là một phần của nước Mỹ. Các bộ lạc của họ chắc là chẳng bao giờ được nghe về Chúa Giê-su và họ cũng không có Kinh Thánh. Nhưng họ cũng đã thờ phượng các vị thần theo hiểu biết truyền thống của họ, có lẽ họ thờ thần mặt trời hay là một vị thần nào đó…Họ đã làm điều tốt nhất theo nhận thức của họ, điều đó không đủ sao?”

Đó thực sự là một câu hỏi hóc búa, và nó kéo chúng ta trở về với những lẽ thật căn bản, mà chúng ta không thể quên, vứt bỏ hay phớt lờ nó.  Tất cả mọi người bao gồm những người đàn ông, đàn bà, bán khai hay văn minh trong nhiều thế kỷ trước hay hôm nay đều từ chối sự hiểu biết chân thật về Đức Chúa Trời. Căn cứ vào những lời của Phao-lô viết ra, họ đều thích thờ phượng vật thọ tạo hơn là Đấng Tạo Hóa. (câu 25).

Vì vậy sự thờ phượng thần mặt trời có được kể là đủ không? Câu trả lời là không theo sách Rô-ma chương 1. Con người không thể được Đức Chúa Trời thánh khiết chấp nhận khi họ thờ các thần tượng hoặc các hình tượng họ dựng nên. Thần mặt trời, mặt trăng, hay là một hình tượng nào đó…không bao giờ đủ xứng đáng để con người thờ phượng. Chỉ có một mình Đức Chúa Trời xứng đáng để chúng ta thờ phượng. Vì vậy khi chúng ta thờ phượng các thần thay vì Ngài, chúng ta không được Đức Chúa Trời chấp nhận cho những cố gắng tốt nhất của chúng ta. Rõ ràng là các thần tượng của chúng ta không tốt đủ.

Đây không phải là bản cáo trạng đặc trưng cho các bộ tộc thiểu số hay cho bất kỳ nền văn hóa nào trên thế giới. Nó là bản cáo trạng dành cho tất cả chúng ta. Tất cả chúng ta đều là những người sùng bái thần tượng. Cho dù bạn ở Mỹ, Á Châu hay một nơi nào khác, không có ai thờ phượng Đức Chúa Trời cách đúng đắn, bởi vì tấm lòng của chúng ta từ chối Đức Chúa Trời chân thật. Vì vậy không có quan điểm nào của chúng ta đáng để biện minh.

LẼ THẬT 3: TẤT CẢ MỌI NGƯỜI ĐỀU PHẠM TỘI TRƯỚC MẶT ĐỨC CHÚA TRỜI

 

Ba chương đầu tiên của sách Rô-ma chứa đựng một số câu dễ gây ngã lòng nhất trong toàn bộ Kinh Thánh. Phao-lô đề cập đến sự băng họa của con người, ông dùng những từ  mạnh mẽ, gây sốc như: “tình dục xấu hổ, đầy dẫy mọi sự không công bình, độc ác, tham lam, hung dữ, giết người, cãi lẫy, dối trá, giận dữ,  hay mách, gièm chê, chẳng tin kính, xấc xược, kiêu ngạo, khoe khoang, trái lời giao ước,  không có lòng thương xót…” để mô tả con người chúng ta.

Từ Rô-ma 1:8 đến 2:16 Phao-lô diễn tả dân ngoại là những người phạm tội chống lại Đức Chúa Trời. Bạn hầu như thấy những độc giả người Do Thái gật đầu đồng ý với vị sứ đồ khi họ nghĩ về tính chất đồi bại của dân ngoại chung quanh họ. Nhưng rồi Phao-lô quay ngược bản cáo trạng của ông đến với người Do Thái trong Rô-ma 2:17 và mũi dùi của ông chỉ ra tội lỗi của tuyển dân. Bản cáo trạng tội lỗi của ông cứ thế tiếp tục sang chương 3, ông kết luận:

Chẳng có một người công bình nào hết, dẫu một người cũng không.
Chẳng có một người nào hiểu biết,
Chẳng có một người nào tìm kiếm Đức Chúa Trời.
Chúng nó đều sai lạc cả, thảy cùng nhau ra vô ích;
Chẳng có một người làm điều lành, dẫu một người cũng không. (10-12)

Vấn đề này đã được xác lập: tất cả mọi người bất luận thuộc về nền văn hóa nào, không phân biệt chủng tộc, tôn giáo… đều đã phạm tội trước mặt Đức Chúa  Trời. Hãy nghe Phao-lô nói: “miệng nào cũng phải ngậm lại, cả thiên hạ đều nhận tội trước mặt Đức Chúa Trời.” (3:19)

Giả định là bạn sẽ hỏi tôi: “Điều gì xảy ra cho những người  vô tội ở Trung Phi trong nhiều thế kỷ trước, họ  chết mà không hề được nghe về Phúc Âm bao giờ?” Câu trả lời của tôi trên căn bản uy quyền của Lời Đức Chúa Trời sẽ là: “Tôi tin rằng những người đó chắc chắn sẽ vào thiên đàng. Tôi sẽ không thắc mắc về điều này.”

Như thế, có thể một vài người sẽ gán cho tôi là người theo dị giáo (và những người khác gắn nhãn cho tôi là anh hùng), cần đọc đoạn văn cuối cùng này. Hãy chú ý đặc biệt vào câu hỏi giả thiết: “Điều gì xảy đến cho những người vô tội ở Trung Phi, khi họ chết đi mà chưa bao giờ được nghe về Phúc Âm?” (Đây là câu hỏi điển hình mà nhiều người thường hỏi.)

Thực tế là những người vô tội ở Trung Phi sẽ lên thiên đàng bởi vì họ vô tội. Khi đó họ không có nhu cầu cần đến một Cứu Chúa cứu họ ra khỏi tội lỗi. Như vậy họ không cần đến Phúc âm. Nhưng có một vấn đề rõ ràng ở đây:

Người vô tội không tồn tại ở Phi Châu hay bất cứ một nơi nào khác.

Tôi thường ngạc nhiên trước câu hỏi này của nhiều người. Có ai trên thế giới này là vô tội chăng? Không có ai cả. Không có người vô tội nào trên thế giới chờ đợi để được nghe Phúc Âm. Sự thật là con người ở khắp mọi nơi trên thế giới đều nhận tội trước một Đức Chúa Trời thánh khiết, và đó chính là lý do họ cần đến Phúc Âm.

Tất cả chúng ta rất thường xuyên xem thiên đàng  như là một nơi mà con người thất bại khi muốn vào đó. Một số người Mỹ cho rằng dân tộc Mỹ  ưu việt, xuất sắc trên địa cầu này xứng đáng được về thiên đàng. Nói cách khác họ biện hộ là Đức Chúa Trời dành sẵn thiên đàng cho họ trừ khi họ thực sự làm điều gian ác. Nhưng khi chúng ta đọc sách Rô-ma thì quan điểm này không phải là lẽ thật. Tất cả mọi người đều phạm tội trước mặt Đức Chúa Trời, và như thế thì hậu quả của nó không phải là thiên đàng nhưng là địa ngục. Điều này dẫn chúng ta đến lẽ thật tiếp theo.

LẼ THẬT 4: MỌI NGƯỜI BỊ ĐỊNH TỘI VÌ KHƯỚC TỪ ĐỨC CHÚA TRỜI

 

Phao-lô kết luận sự dạy dỗ về tội lỗi của loài người khi ông nói, “vì chẳng có một người nào bởi việc làm theo luật pháp mà sẽ được xưng công bình trước mặt Ngài, vì luật pháp cho người ta biết tội lỗi.” (Rô-ma 3:20) (Tôi đã nói với bạn rằng những chương này thì gây chán nản cho người đọc.)

Không chỉ mọi người phạm tội trước mặt Đức Chúa Trời, nhưng cũng chẳng có thể làm điều gì để thay đổi điều này. Thậm chí sự cố gắng để vâng lời Đức Chúa Trời của chúng ta chỉ là sự che đậy sâu xa hơn sự bất lực của chúng ta để làm điều đó. Điều này áp dụng cho bạn, tôi, và mọi người trên thế giới. Và kết quả là tất cả chúng ta đều bị định tội trước mặt Đức Chúa Trời.

Điều này khiến chúng ta đối mặt với sự hiểu lầm cơ bản vốn xuất hiện trong nhiều câu trả lời cho câu hỏi:  chuyện gì xảy ra với những với những người chưa bao giờ nghe về Chúa Giê-su? Nhiều Cơ Đốc nhân đi đến kết luận rằng nếu một số người trên thế giới chưa bao giờ có cơ hội nghe về Chúa Giê-su, thì điều này làm cho họ tự động được thoát khỏi sự định tội của Đức Chúa Trời. Những người như thế sẽ lên thiên đàng bởi vì  họ chưa bao giờ có cơ hội nghe về  Chúa Giê-su.

Lối suy nghĩ này phản ánh cảm xúc tự nhiên của chúng ta. Chúng ta muốn mọi người đều ổn cả khi họ chưa có cơ hội nghe về Phúc âm. Nhưng hãy suy nghĩ với tôi về kết luận lô-gíc này. Một quan điểm như thế sẽ  xác nhận rằng con người sẽ hoàn toàn ở với Đức Chúa Trời trong cõi đời đời bởi vì họ chưa bao giờ được nghe nói về Đấng Christ. Việc họ chưa bao giờ nghe về Đấng Christ cho họ bước vào thiên đàng!

Hãy xem có những bằng chứng nào trong Kinh Thánh hậu thuẫn cho quan điểm này.  Nếu con người sẽ hoàn toàn lên thiên đàng bởi vì họ chưa bao giờ có cơ hội nghe về  Chúa Giê-su, thì điều tệ hại nhất mà chúng ta làm vì tình trạng đời đời của họ là đến với họ và nói cho họ về Phúc Âm. Điều này chỉ làm tăng thêm cơ hội cho họ đi xuống địa ngục! Trước khi chúng ta đến với họ, họ sẽ lên thiên đàng;  bây giờ chúng ta nói cho họ nghe về Chúa Giê-su, họ có thể sẽ đi xuống địa ngục. Có phải vậy không!

Hãy tưởng tượng bạn gặp một sinh viên quốc tế vừa mới trở về từ một Trường Đại học Mỹ. Bạn hỏi cô ấy đã từng nghe về Giê-su chưa, và với sự ngạc nhiên trên mặt, cô gái đáp, “Chưa.”

Bây giờ, nếu cô gái này hoàn toàn được lên thiên đàng bởi vì cô chưa bao giờ nghe về Chúa Giê-su, thì điều tốt nhất bạn có thể nói với cô ấy vì lợi ích đời đời của cô ta, “Nếu có ai cố gắng nói cho bạn về Chúa Giê-su, hãy lấy tay che tai bạn lại, rồi la lên thật lớn, và  chạy thật xa.”

Rõ ràng một phép suy luận như thế này thì không có nền tảng trong Kinh Thánh.  Nhưng khi chúng ta bước theo sự lô-gíc của kết luận trên, thì đây là kết quả thực tế.

Tuy nhiên vẫn còn vài điều còn lại phải nói rõ hơn, “Đức Chúa Trời thì công bình trong sự định tội con người vì không tin Chúa Giê-su mặc dù họ chưa bao giờ có cơ hội nghe về  Chúa Giê-su?” Đây thật sự là câu hỏi tốt, và tôi tin câu trả lời là không. Đức Chúa Trời sẽ không công bình trong việc định tội con người vì không tin vào Đấng Cứu Rỗi mà họ chưa bao giờ nghe. Nhưng đừng quên rằng, con người sau cùng không bị  định tội bởi vì không tin Giê-su. Họ sau cùng bị định tội vì khước từ Đức Chúa Trời.

Đây là chìa khóa của vấn đề: không có câu hỏi hàng tỉ người chưa bao giờ nghe về Chúa Giê-su có các loại giải trình khác nhau về trách nhiệm của họ trước mặt Đức Chúa Trời, chúng ta cũng vậy. Những người trong chúng ta đã nghe về Chúa Giê-su có cơ hội nhận hoặc từ chối phúc âm, và chúng ta chịu trách nhiệm cho quyết định của chúng ta. Nhưng bất chấp những kiến thức của chúng ta liên quan đến Phúc âm, dựa trên lẽ thật thứ hai mà tôi đã trình bày, mọi người bị định tội trên nền tảng vì khước từ Đức Chúa Trời. (Đây là trường hợp mà Phao-lô nói đến khi ông so sánh người Do Thái và ngoại bang trong Rô-ma 2: 12-16)

Tôi có thể tưởng tượng Phao-lô rơi lệ khi ông viết Rô-ma 3:20. Ông đã vẽ nên một chân dung kinh khủng về tội lỗi loài người. Mọi người biết Đức Chúa Trời, và mọi người bị định tội vì khước từ Đức Chúa Trời. Nhưng tôi cũng có thể thấy Phao-lô lau nước mắt khi ông viết tiếp trong chương tiếp theo.

LẼ THẬT 5: ĐỨC CHÚA TRỜI ĐÃ MỞ MỘT CON ĐƯỜNG CỨU RỖI CHO NHỮNG NGƯỜI HƯ MẤT

 

“Nhưng hiện bây giờ, sự công bình của Đức Chúa Trời, đã bày tỏ ra ngoài luật pháp …. tức là sự công bình của Đức Chúa Trời, bởi sự tin đến Giê-su Christ cho mọi kẻ tin.” (Rô-ma 3:21-22) Cuối cùng, tin tốt lành đã đến! Đấng Christ chết trên thập tự giá và sống lại từ mồ mã, và qua Ngài chúng ta có thể được xưng công bình trước mặt Đức Chúa Trời và được đảm bảo sự sống đời đời. Đức Chúa Trời đã mở một con đường cứu rỗi cho những người hư mất.

Nói một cách rõ ràng, lẽ thật này không thể coi là hiển nhiên và được chấp nhận trong thế giới của chúng ta và thậm chí trong hội thánh ngày nay. Chủ nghĩa đa nguyên (là chủ thuyết cho rằng nhiều đảng phái cùng tồn tại bình đẳng để theo đuổi một mục đích) thống trị là bức tranh của tôn giáo toàn cầu và ý tưởng phổ biến là nếu có một Đức Chúa Trời, Ngài  phải cung cấp nhiều con đường cứu rỗi cho người hư mất.

Tôi nhớ khi tôi đứng trước lớp học trong tư cách một sinh viên của Trường đại học tiểu bang. Đó là ngày tôi phải thuyết trình, và tôi đã chọn chủ đề Cơ Đốc giáo. Tôi trình bày lẽ thật trọng tâm của Phúc âm cho toàn sinh viên trong lớp, hầu hết họ là những người theo chủ nghĩa vô thần và thuyết bất khả tri.

Khi tôi kết thúc bài thuyết trình, vị giáo sư hướng dẫn sinh viên đưa ra  các câu hỏi. Lauren, một sinh viên uy tín và là lãnh đạo phong trào sinh sinh viên khai hỏa đầu tiên. Cô hỏi một cách thẳng thắn, thông minh theo tiêu chuẩn đương thời, “Bạn đang nói với tôi rằng nếu tôi không tin vào Chúa Giê-su, tôi sẽ xuống địa ngục khi tôi chết?”

Tôi chưa bao giờ nghe câu hỏi lạ lùng như vậy trước nhiều người. Tôi bắt đầu đổ mồ hôi, cả lớp im lặng chờ tôi trả lời. Tôi nghĩ từng lời một, cẩn thận trong mỗi ý tưởng và nói với cả tấm lòng đầy cảm xúc, “ Tất cả chúng ta đều có tội làm chúng ta xa cách Đức Chúa Trời. Cho dù chúng ta làm gì, chúng ta không thể đắc thắng sự phản loạn của chúng ta. Đó là lý do tại sao  Chúa Giê-su chết trên thập tự giá – để cứu chúng ta khỏi tội của chúng ta và khỏi chính chúng ta. Vâng, nếu không tin vào Chúa Giê-su, bạn sẽ không lên thiên đàng.”

Cả lớp ồn ào và các đôi mắt tròn xoe trước một Cơ Đốcnhân đang cố gắng trình bày lẽ thật từ Kinh Thánh. Lauren đi lên đứng cạnh tôi trước lớp và nói, “Thật là điều buồn cười nhất tôi từng nghe. Bạn là ai mà nói rằng đức tin của bạn là con đường duy nhất đến cùng Đức Chúa Trời và tất cả chúng tôi sẽ đi vào sự chết đời đời?”. Cô ấy đi ra khỏi lớp.

Đáng lẽ ra tôi đã có những kỷ niệm tốt hơn!

Đó là cuộc đối thoại đầu tiên trong nhiều cuộc đối thoại với Lauren. Những ngày tiếp theo, cô ta hỏi tôi mọi câu hỏi trong Kinh thánh. Sao bạn biết Đức Chúa Trời tồn tại? Giê-su khác với các giáo chủ tôn giáo khác như thế nào? Còn những người chưa bao giờ nghe về  Chúa Giê-su thì sao? Mỗi lần như thế tôi cố gắng trả lời các câu hỏi của cô ấy, nhưng thông thường tôi có cảm giác là các lời của tôi đang đánh vào bức tường gạch.

Một lần sau cuộc đối thoại,  tôi đi bộ ngang qua trường và bắt đầu suy nghĩ, Tôi thật sự tin như vậy? Tôi không muốn là kẻ ngạo mạn hay có một tâm trí hẹp hòi. Tôi chỉ đang tin vào những gì tôi được nuôi dạy? Đây là lẽ thật? Chúa Giê-su thật sự là con đường duy nhất để đến cùng Đức Chúa Trời?

Trong nhiều tháng tiếp theo, tôi vật lộn với mớ câu hỏi mà tôi chưa từng có trước đây. Bị làm nhục bởi trường đại học thế tục này, tôi suy nghĩ mông lung khi kết thúc năm học cho mùa Hè. Khi mùa Thu trở lại, tôi đi bộ vào lớp trong ngày đầu tiên của khóa học. Lauren ngồi đó trong lớp.

Cô ấy gọi, “hôm nay tôi cần phải nói chuyện với bạn.”

“Được rồi” tôi đáp. Ồ tuyệt quá, tôi nghĩ. Trận chiến lại bắt đầu đây.

Lauren và tôi nói chuyện sau tiết học. Cô ấy nói với tôi rằng suốt cả mùa Hè cô ấy đã hiểu cô ấy đầy tội trước mặt Đức Chúa Trời. Cô ấy cũng hiểu sự đầy đủ của Đấng Christ che phủ tội của cô. “David”, cô nói, “Tôi đã tin Chúa Giê-su là Đấng cứu rỗi tôi, và bây giờ tôi biết khi tôi chết, tôi sẽ lên thiên đàng.”

Đức Chúa Trời đã mở một con đường cứu rỗi cho những người hư mất. Không phải một con đường bất định (a way) trong vô số con đường khác, nhưng là con đường duy nhất được xác định (The Way). Và đây  là tin tốt lành – phúc âm.

Nhưng câu hỏi vẫn còn đó. Những người chưa bao giờ được nghe những gì Lauren nghe thì sao? Điều này dẫn chúng ta đến với hai lẽ thật cuối.

LẼ THẬT 6: CON NGƯỜI KHÔNG THỂ ĐẾN CÙNG ĐỨC CHÚA TRỜI NGOÀI ĐỨC TIN TRONG CHRIST

 

Sau khi viết một trong những đoạn  khó hiểu  và ấn tượng nhất trong cả Kinh thánh (Rô-ma 3:21-26), Phao-lô bắt đầu giải thích làm cách nào sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời trở nên thực tế trong đời sống chúng ta.

Người Do thái đang lắng nghe Phao-lô thường vâng theo luật pháp trong nỗ lực cá nhân để biết và làm đẹp lòng Đức Chúa Trời. Nhưng  trong Rô-ma 3:27-31, Phao-lô miêu tả đức tin trong Christ là phương cách duy nhất để được xưng công bình trước mặt Đức Chúa Trời. Ông phát triển ý tưởng này sâu hơn trong Rô-ma 4 và Rô-ma 5 với kết luận rằng, “vì chúng ta đã được xưng công bình bởi đức tin, thì được hòa thuận với Đức Chúa Trời, bởi Đức Chúa Giê-su Christ chúng ta.” (Rô-ma 5:1) Đức tin trong Christ là phương tiện duy nhất để chúng ta được cứu.

Một vài người thắc mắc tại điểm này rằng còn người trong Cựu ước thì làm sao được cứu? Phao-lô luận  giải từ Rô-ma 4 đến Rô-ma 11 rằng Áp-ra-ham và những người khác trong Cựu ước được cứu bởi ân điển thông qua đức tin về sự đến của Đấng Christ. Dầu họ không biết tất cả các chi tiết, họ tin nơi sự cứu chuộc của Đức Chúa Trời sẽ đến xuyên qua Đấng Christ. Dựa trên những gương mẫu của họ, vài người kết luận rằng ngày nay con người có thể được cứu xuyên qua niềm tin khái quát về Đức Chúa Trời dầu họ chưa bao giờ nghe về Đấng Christ. Nhưng Kinh Thánh không cho bất cứ bằng chứng nào về điều này. Chủ đề của Tân ước là Đấng Christ phải đến và con người phải tin vào Ngài và công tác của Ngài trên thập tự giá cho sự cứu rỗi của họ (Rô-ma 10:9-10).

Bây giờ, rõ ràng là nếu con người không thể đến cùng Đức Chúa Trời ngoại trừ với đức tin trong Đấng  Christ, thì lẽ thật này không không khích lệ những người chưa từng nghe về Đấng Christ. Nhiều người sẽ kết thúc tại điểm này, “Tôi không biết như thế nào, nhưng chắc chắn Đức Chúa Trời sẽ mở con đường cho hàng triệu người bước vào thiên đàng thậm chí họ chưa từng nghe về Chúa Giê-su.” Câu nói này đầy tình cảm, chúng ta mong có một con đường dành cho những ai chưa từng nghe về Chúa Giê-su được cứu. Chúng ta chắc rằng Đức Chúa Trời trong tình yêu hoàn hảo của Ngài sẽ không cho phép họ đi vào địa ngục khi họ thậm chí chưa nghe về Giê-su.

Lần nữa, chúng ta cần cẩn thận suy xét các chi tiết của một kết luận như thế. Nếu chúng ta kết luận con người có thể bước vào thiên đàng mà không cần đức tin trong Christ, thì nghĩa là có vài điều họ có thể làm để vào thiên đàng. Một sự kết luận như thế thì không chỉ là cắt xén lẽ thật trước mà chúng ta đã thấy trong Rô-ma, nó cũng sẽ chẳng khác gì khi nói với Chúa Giê-su rằng, “Cảm ơn vì những điều Ngài đã làm trên thập tự, nhưng chúng tôi có thể đến cùng Đức Chúa Trời qua những con đường khác.”

Rô-ma và toàn bộ Kinh thánh thì hoàn toàn rõ ràng về điều này. Đức tin trong Christ là cần thiết cho sự cứu rỗi.

Sau bốn lẽ thật đầu tiên, chúng ta cuối cùng cũng đến với vài tin tốt lành trong lẽ thật thứ năm. Nhưng với lẽ thật thứ sáu, chúng ta dường như đến với một điểm tệ hại khác. Nếu con người không thể đến với Đức Chúa Trời ngoại trừ với đức tin trong Christ, và nếu hơn hàng tỉ người chưa bao giờ nghe về Christ, thì có một vấn đề nghiêm trọng đang tồn tại. Vấn đề này dẫn chúng ta đến với sự khẳng định sau cùng trong sách Rô-ma.

LẼ THẬT 7: ĐẤNG CHRIST TRUYỀN CHO HỘI THÁNH PHẢI LÀM CHO PHÚC ÂM ĐƯỢC BÀY TỎ RA CHO MỌI DÂN TỘC

Tiến đến Rô-ma chương 10. Phao-lô trích một câu từ sách Giô-ên và luận giải một vài hàm ý.

“Vì ai kêu cầu danh Chúa thì sẽ được cứu.”

Nhưng họ chưa tin Ngài thì kêu cầu sao được? Chưa nghe nói về Ngài thì làm thể nào mà tin? Nếu chẳng ai rao giảng, thì nghe làm sao? Lại nếu chẳng ai được sai đi, thì rao giảng thể nào?

Những câu này không phải để khoe tài hùng biện của Phao-lô; chúng là một bức tranh rõ ràng về kế hoạch cứu chuộc của Đức Chúa Trời. Trong ba câu ngắn gọn này, chúng ta thấy sự thiết kế của Đức Chúa Trời là giảng Phúc âm cho mọi dân tộc của thế giới bao gồm cả hàng tỉ người chưa bao giờ nghe về danh Giê-su.

Để chúng ta có thể thấy được điều này, hãy lấy vài động từ trong đoạn này trong thứ tự đảo ngược. Bắt đầu với câu cuối cùng, bạn thấy rằng kế hoạch của Đức Chúa Trời bao gồm việc sai đi các đầy tớ của Ngài.

Sau đó, tiếp tục khảo sát phân đoạn này, chúng ta thấy những đầy tớ này làm gì? Họ rao giảng. Các đầy tớ được sai đi để rao giảng Phúc âm. Như chúng ta đã thấy khi chúng ta suy xét việc làm môn đồ, các đầy tớ của Đức Chúa Trời được dự định phải đi và công bố Phúc âm. Đây là kế hoạch của Đức Chúa Trời. Ngài sai đi các đầy tớ, và các đầy tớ rao giảng.

Tiếp tục khảo sát thêm, chúng ta thấy khi các đầy tớ Ngài rao giảng, con người nghe bất chấp họ có chú ý hay không. Nếu chúng ta không rao giảng cho một bức tường, con người sẽ nghe chúng ta khi chúng ta rao giảng. Vậy kế hoạch này là một tiến trình: Đức Chúa Trời sai phái các đầy tớ, các đầy tớ đi ra rao giảng, con người nghe.

Khi họ nghe, Kinh Thánh nói rằng họ sẽ tin. Bây giờ, phân đoạn này không dạy mỗi cá nhân đơn lẻ nghe Phúc âm sẽ tin. Rõ ràng điều này không thật, nhưng phân đoạn này dạy rằng khi chúng ta rao giảng và con người nghe, vài người trong số họ sẽ tin. Chúng ta đã thấy rằng một ngày kia mọi quốc gia, dân tộc, bộ lạc, và mọi ngôn ngữ sẽ ăn năn quanh ngai của Đấng Christ. Điều này nghĩa là mọi nhóm người sẽ nghe Phúc âm được rao giảng, và vài người từ mọi nhóm sẽ tin nhận Đấng Christ cho  sự cứu rỗi của họ. Điều này cho chúng ta một sự tin cậy lớn. Bạn có thể đi đến nơi tận cùng của những nhóm người thù địch chưa từng tiếp xúc nền văn minh trên hành tinh này và rao giảng Phúc âm cho họ, khi đó vài người sẽ tin. Đức Chúa Trời sai các đầy tớ Ngài, các đầy tớ Ngài rao giảng, con người nghe, và  vài người sẽ tin.

Hai bước cuối của kế hoạch Đức Chúa Trời thì rõ ràng. Khi người nghe quyết định tin Phúc âm, họ kêu cầu danh Chúa, và khi họ kêu danh Chúa, họ sẽ được cứu. Vậy bạn có điều này: kế hoạch đơn giản thần thượng để đem Phúc âm đến cho mọi dân tộc trên thế giới.

 

Đức Chúa Trời sai các đầy tớ Ngài ► Các đầy tớ Ngài rao giảng ►Con người nghe ► Người nghe tin ►Người tin kêu cầu danh Chúa Giê-su ► Ai kêu cầu danh Chúa thì được cứu.

Bây giờ nhìn ngược lại tiến trình này và hỏi một câu hỏi khác: Có bất kì điểm nào trong kế hoạch này có thể bị loại trừ không? Hãy suy nghĩ về điều này. Rõ ràng ai kêu cầu danh Chúa sẽ được cứu. Không thể loại trừ điểm này. Hễ ai tin Chúa sẽ kêu cầu Chúa. Nhiều người nghe (không phải tất cả, nhưng nhiều) sẽ tin. Con người sẽ nghe Phúc âm khi chúng ta rao giảng cho họ. Và Đức Chúa Trời thì chắc chắn vẫn đang làm việc để sai các đầy tớ Ngài đi.

Nhưng ở đây có một khả năng bị bẻ gãy trong tiến trình này, đó là khi các đầy tớ Ngài không rao giảng Phúc âm cho mọi dân tộc?

 

Chúng ta là kế hoạch của Đức Chúa Trời, và không có kế hoạch B

Tất nhiên, Đức Chúa Trời có quyền năng viết Phúc âm bằng chữ trên các đám mây để mọi người có thể đọc về Giê-su và tin Ngài. Nhưng trong sự khôn ngoan vô hạn của Ngài, Ngài không chọn con đường này. Thay vào đó Ngài chọn chúng ta như các đại sứ để thực thi phúc âm cho những ai chưa từng nghe về danh Giê-su.

Ngày nay, có nhiều câu chuyện kể rằng Đức Chúa Trời bày tỏ Christ qua giấc mơ và khải tượng cho nhiều người chưa bao giờ nghe về Chúa Giê-su trên khắp thế giới. Do đó, nhiều Cơ Đốc nhân bắt đầu nương trên hi vọng rằng Đức Chúa Trời dùng cách khác để làm cho Phúc âm được biết đến cho những người chưa bao giờ nghe về danh Giê-su. Nhưng chúng ta cần phải nhớ vài điều: không có bất cứ câu nào trong Công vụ mà Phúc âm được giảng cho người hư mất mà không thông qua người được sai đi. Vài người có thể chỉ ra khải tượng mà Cọt-nây có. Nhưng Đức Chúa Trời đã gọi Phi-e-rơ chỗi dậy và đi đến nhà Cọt-nây để giúp ông hiểu khải tượng của ông và đón nhận Phúc âm. (Công vụ 10) Đức Chúa Trời rõ ràng quyết định dùng hội thánh – và chỉ hội thánh  như là một phương tiện của ân điển, qua nó Phúc âm của Chúa sẽ đến tận cùng trái đất.

KHÔNG CÓ THỜI GIAN ĐỂ LÃNG PHÍ

 

Vậy, điều này là câu trả lời cho câu hỏi của chúng ta về điều gì sẽ xảy đến cho người chưa bao giờ nghe về  Chúa Giê-su. Mọi người biết Đức Chúa Trời, và mọi người khước từ Đức Chúa Trời. Mọi người thì có tội trước mặt Đức Chúa Trời, và mọi người bị định tội vì khước từ Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời mở một con đường cứu rỗi cho những người hư mất, và người ta không thể đến cùng Đức Chúa Trời ngoại trừ đức tin trong Christ. Cuối cùng là Đấng Christ truyền cho Hội thánh phải rao giảng Phúc âm  cho mọi dân tộc.

Nếu điều này là thật, thì nó liên quan đến cuộc sống chúng ta rất nhiều. Nếu hơn một tỉ người ngày nay hướng về một cõi đời đời không có Đấng Christ và chưa bao giờ nghe về Phúc âm, thì chúng ta không có thời gian để lãng phí cuộc sống của chúng ta trên giấc mơ Mỹ. Không phải chúng ta đã được truyền phải giảng Phúc âm cho họ sao? Khuynh hướng  chung trong văn hóa của chúng ta là tranh luận về câu hỏi này, nhưng cuối cùng mục tiêu của chúng ta không phải là cố tìm ra câu trả lời; mục tiêu của chúng ta là làm nhẹ bớt gánh nặng trong lòng chúng ta.

Có hơn năm ngàn nhóm người, tổng số họ khoảng 1,5 tỉ người hiện giờ được xếp loại như “chưa được tiếp xúc” và “chưa được chú ý”. “Chưa được tiếp xúc” nghĩa là nhóm người mà không có một cộng đồng Cơ Đốc bản địa với nhân lực tương xứng để lan rộng Phúc âm trong nhóm người đó. “Chưa được chú ý” nghĩa là không có hội thánh hay tổ chức nào hoạt động tích cực giữa vòng nhóm đó để lan truyền Phúc âm. Nói cách khác, 1,5 tỉ người này là chưa được tiếp xúc và chưa được chú ý, hầu hết mỗi người giữa vòng họ được sinh ra, sống, và chết mà không được nghe gì về Phúc âm. Thậm chí tệ hơn, không một ai đang cố gắng làm việc gì để thay đổi tình trạng của họ. Không một ai.

Một trong những người bạn tốt của tôi gần đây dành thời gian cho những dân chưa được tiếp xúc và chưa được chú ý ở vùng Đông-Nam Á. Khi anh nói chuyện với dân làng tại một vùng hẻo lánh, anh cố gắng mở ra niềm tin căn bản của họ. Anh hỏi họ, “Chúng ta được tạo dựng như thế nào?”

Họ đáp, “Chúng tôi không biết.”

Anh hỏi, “Ai gửi mưa đến những cánh đồng?”

Họ đáp, “Chúng tôi cũng không biết.”

Sau đó anh hỏi, “Chuyện gì xảy ra khi chúng ta chết?”

Họ nhìn anh và trả lời, “Không một ai đã đến đây và nói cho chúng tôi về điều đó.”

Sau đó anh tìm ra một ngôi làng khác với những người chưa bao giờ nghe về Phúc âm. Họ rất nồng nhiệt và thân thiện, họ mời anh uống chung với họ. Một người đàn ông đi vào một cửa hàng nhỏ và xuất hiện  trở lại sau đó với một thùng Co-ca vỏ hộp màu đỏ trên tay. Công ty nước uống có ga ở Atlanta đã bán thứ nước uống có đường màu nâu này tốt hơn hội thánh của Chúa Giê-su Christ trong việc giới thiệu Phúc âm cho họ!

Hãy suy xét chỉ một nhóm dân cụ thể chưa được tiếp xúc với Phúc âm. 1,4 triệu người Ả Rập du cư ở Algeria. Họ sống trong những túp lều được phủ với lông dê. Họ có một ít thức ăn và thường xuyên sống trong điều kiện thiếu chăm sóc sức khỏe. Họ là 100% Hồi giáo. Không có bất kì Cơ Đốc nhân nào. Không hội thánh. Không giáo sĩ. Không phúc âm. Không Chúa Giê-su. Trong khi đó, Đức Chúa Trời đã cứu bạn và tôi bởi ân điển Ngài. Ngài không chỉ ban cho chúng ta trí hiểu về Đấng Christ, nhưng Ngài cũng chu cấp cho chúng ta mọi sự chúng ta cần để giảng Phúc âm cho họ. Bây giờ hãy tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta nhìn vào mắt của người Ả Rập du cư kia và giới thiệu Đấng Christ cho người này lần đầu tiên.

Đây là một lý do xứng đáng để chúng ta sống, cũng là lý do xứng đáng để chúng ta chết. Nó là lý do xứng đáng cho sự tiến lên khẩn cấp. Chúng ta có Phúc âm của Đấng Christ bên trong chúng ta, và chúng ta không có thời gian để lãng phí. Vài người thắc mắc, thật bất công khi Đức Chúa Trời cho phép nhiều người không có kiến thức về Phúc âm. Nhưng không có sự bất công trong Đức Chúa Trời. Sự bất công nằm ở giữa vòng Cơ Đốc nhân – những người sở hữu Phúc âm và từ chối dâng mạng sống mình để làm Phúc âm được biết đến giữa vòng những người chưa được nghe. Đây thật là sự bất công.

Tôi nhận thấy một trong những câu hỏi thông thường giữa vòng Cơ Đốc nhân ngày nay là: “Ý chỉ của Đức Chúa Trời cho đời sống của tôi là gì?” hoặc “Làm sao tôi biết ý chỉ của Đức Chúa Trời cho đời sống tôi?” Nhiều Cơ Đốc nhân hầu như thừa nhận quan điểm rằng họ sẽ vâng lời Đức Chúa Trời nếu Ngài chỉ họ những điều họ muốn làm.

Nhiều người hỏi, “Làm cách nào tôi tìm thấy ý chỉ của Đức Chúa Trời cho đời sống tôi?” Tôi mang một tin tốt lành. Ý muốn của  Ngài là không một ai bị hư mất. Với 1.4 triệu người Ả Rập du mục tại Algeria chưa bao giờ nghe về phúc âm, điều này chỉ làm gợi  lên một ít cảm xúc trong chúng ta, “Ngài muốn con làm gì đây hỡi Chúa?” Câu trả lời thì rõ ràng. Ý chỉ của Đức Chúa Trời cho bạn và tôi là dâng đời sống mình ngay lập tức, liều mạng làm cho phúc âm và vinh hiển của Đức Chúa Trời được biết đến giữa muôn dân, đặc biệt cho những ai chưa bao giờ nghe về  Chúa Giê-su.

Vì vậy câu hỏi thực sự không phải là “Chúng ta có thể biết ý chỉ của Đức Chúa Trời?” nhưng là “Chúng ta sẽ vâng theo ý chỉ của Đức Chúa Trời?”

Chúng ta sẽ từ chối sự kêu gọi phổ thông từ Lời Chúa và chờ đợi một điều gì đó…trước khi chúng ta chỗi dậy và làm những gì chúng ta đã được truyền phải làm?

Chúng ta sẽ liều mọi sự: tiện nghi, tài sản, sự an toàn, sự bảo vệ, mạng sống của chúng ta … để làm cho phúc âm được biết đến giữa các dân tộc chưa từng nghe về Chúa Giê-su?

Một sự chỗi dậy và liều mình như thế là không thể trốn tránh, đáp số khẩn cấp tốt nhất cho đời sống là từ bỏ mọi sự vì Chúa Giê-su.

 

 

CHÚ THÍCH:

Giấc mơ Mỹ là cơ hội chọn lựa của từng cá nhân, không bị hạn chế ràng buộc bởi giai cấptôn giáo hay chủng tộc. Giấc mơ Mỹ là giấc mơ về  một vùng đất mà ở đó cuộc sống tốt đẹp hơn, giàu có hơn và đầy đủ hơn cho mọi người. Ở đó mỗi người  đều có cơ hội theo khả năng hoặc thành tựu của mình.

 

 

Chương Tám

 

SỐNG VỚI TINH THẦN CHẾT LÀ ĐIỀU ÍCH LỢI

Sự mạo hiểm và phần thưởng cho cuộc sống được biến đổi sâu rộng.

Trong rất nhiều khía cạnh mà giấc mơ Mỹ trái ngược với lời dạy dỗ cốt lõi của phúc âm có một quan niệm trùng lặp đầy tinh vi với lời của Đức Chúa Giê-su Christ. Khi James Adams đặt ra cụm từ “giấc mơ Mỹ,” Franklin Roosevelt đã nhấn mạnh rằng người Mỹ sẽ khoan cảm thấy hài lòng với những điều ở trước mắt và thậm chí họ sẽ chấp nhận hy sinh rất nhiều nếu họ tin rằng tương lai của họ sẽ tốt hơn so với quá khứ. Ông nói rằng người Mỹ sẽ sẵn sàng mạo hiểm nếu họ tin rằng điều đó sẽ đem lại cho họ phần thưởng lớn.

Đức Chúa Giê-su cũng dùng những lời tương tự để phán cùng các môn đồ của Ngài rằng: “Ai gìn giữ sự sống mình, thì sẽ mất; còn ai vì cớ ta mất sự sống mình, thì sẽ tìm lại được.”[90] Đức Chúa Giê-su thừa nhận rõ ràng rằng những ai đi theo Ngài thì phải đánh đổi sự an toàn, an ninh và sự thoả mãn mà chúng ta tìm thấy trong thế gian này. Tuy nhiên, Đức Chúa Giê-su nói rằng những người theo Ngài cuối cùng sẽ nhận được phần thưởng lớn mà thế gian này không thể ban cho. Điều này gợi lên trong mỗi chúng ta câu hỏi: chúng ta có tin rằng phần thưởng của việc đi theo Đức Chúa Giê-su xứng đáng để chúng ta đánh đổi?

 

Đến nơi có nhu cầu

Theo Ma-thi-ơ 10, lời thách thức chúng ta hãy từ bỏ mạng sống được xuất hiện ở phần cuối bài nói chuyện của Đức Chúa Giê-su với các môn đồ của Ngài. Khi sai phái các môn đồ vào trong thế gian, Đức Chúa Giê-su đã vạch ra những điều mà các môn đồ sẽ phải đánh đổi để vâng theo Ngài.

Đức Chúa Giê-su phán cùng các môn đồ rằng họ sẽ đối diện với vô số nhu cầu ở xung quanh. Đức Chúa Giê-su đã hướng dẫn họ những gì? “Hãy chữa lành kẻ đau, khiến sống kẻ chết, làm sạch kẻ phung, và trừ các quỉ.”[91] Chúng ta hãy tưởng tượng những con người mà các môn đồ sẽ gặp phải. Những người đau ốm, những người sắp chết, những người bị coi khinh, và những người nguy hiểm. Đây chắc hẳn không phải là nhóm người cuốn hút chúng ta đến gần.

Một số thành viên trong gia đình đức tin của chúng tôi gần đây đã đến nam Phi để khám chữa bệnh cho nhiều cộng đồng kém phát triển. Khi đến nơi, một trong số những chiếc xe của họ đã bị cướp. Người tài xế bị đánh dữ dội và bị tống vào cốp của một chiếc xe khác còn kẻ tấn công thì lái chiếc xe mà hắn cướp mang theo hầu hết hành lý của cả đoàn. Nhờ ơn Chúa, không ai bị thương, và tài xế thì được phục hồi.

Dù không nghĩ đến khả năng bị cướp xe, nhưng cả đoàn biết rằng chuyến đi của họ sẽ gặp nhiều nguy hiểm. Điều nguy hiểm mà họ tiên liệu có liên quan đến công tác chăm sóc y tế mà họ sẽ cung cấp. Cả nhóm biết rằng họ sẽ làm việc với vô số bệnh nhân nhiễm HIV, loại virus gây ra căn bệnh AIDS. Dù đã bàn đến mọi biện pháp phòng ngừa cần thiết, nhưng họ biết không có gì đảm bảo rằng họ sẽ không bị lây nhiễm.

Sau khi ổn định chỗ ở, họ bắt đầu khám chữa bệnh. Phòng khám chật kín bệnh nhân đến từ những nơi xa xôi để được chữa bệnh. Như đã đoán trước, rất nhiều bệnh nhân nhiễm HIV, và chỉ một vài ngày sau, điều không mong đợi đã xảy ra.

Một thành viên trong gia đình đức tin của chúng tôi khi đang khám chữa bệnh cho một phụ nữ nhiễm HIV đã vô tình đâm phải kim tiêm mà bệnh nhân này sử dụng. Điều tồi tệ vẫn chưa hết, vài giờ sau một thành viên khác cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự.

Cả hai đều biết hậu quả của những việc sẽ xảy ra. Rất có thể một hoặc cả hai đều đã bị nhiễm HIV. Rất có thể họ đã nhìn thấy cuộc sống của mình thay đổi theo hướng rất trầm trọng. Chính vì vậy phản ứng của họ càng khiến ta kinh ngạc. Cả hai đều nói rằng: “Chúng tôi vui vì việc này đã xảy ra cho chúng tôi chứ không phải cho người khác. Nếu việc khám chữa bệnh này được Chúa sử dụng để đem nhiều người đến với Ngài, thì sự đánh đổi này thật xứng đáng.”

Sau khi đoàn trở về nước, cộng sự của chúng tôi ở Châu Phi đã gửi một email. Anh viết rằng: “Sau khi đoàn rời đi, cộng đồng đã nói rất nhiều đến trung tâm khám chữa bệnh và những ích lợi mà các anh đã đem lại cho họ, rằng Chúa đã nhìn thấy nhu cầu của họ và đã sai phái các anh. Sau khi các anh rời đi, cộng đồng bắt đầu cảm tạ Chúa, nhiều người tin Chúa. Chẳng phải Chúa thật tốt lành sao?”

Vâng, Chúa thật tốt lành. Ngài luôn tốt lành dù Ngài kêu gọi bạn và tôi đi đến những nơi dơ bẩn và đầy bệnh tật. Chúa thật tốt lành dù cuối cùng chúng ta có thể phải chia sẻ căn bệnh của những người mà chúng ta đã đến để chăm sóc. Chúa thật tốt lành bởi vì Ngài đã đáp ứng nhu cầu sâu thẳm nhất trong chúng ta và giờ đây Ngài đang sử dụng chúng ta để bày tỏ vinh quang của Ngài và khiến chúng ta đem phúc âm đến những nơi cần thiết nhất trên thế giới.

 

Đến nơi nguy hiểm

Tôi có thể tưởng tượng vẻ mặt của các môn đồ khi Đức Chúa Giê-su tiếp tục phán: “Ta sai các ngươi đi khác nào như chiên vào giữa bầy muông sói.”[92] Chiên là động vật thụ động nhất trong số các loài vật nuôi. Chúng là động vật kém khôn ngoan nhất. Những âm thanh vô hại cũng có thể khiến chúng trở nên hoảng loạn, và khi đối diện với nguy hiểm, chúng không hề có cơ chế phòng vệ. Tất cả những gì chúng có thể làm đó là bỏ chạy, nhưng không may thay, chúng chạy rất chậm. Chính vì thế điều ngu dại nhất mà một con chiên có thể làm đó là đi vơ vẩn vào trong bầy muôn sói. Vậy tại sao Đức Chúa Giê-su, Đấng chăn nhân lành (Giăng 10:11), Đấng chăn chiên lớn (Hê-bơ-rơ 13:20), lại nói với bầy chiên của Ngài rằng hãy đến chỗ muông sói?

Đức Chúa Giê-su muốn nói với các môn đồ của Ngài – kể cả bạn và tôi rằng: “Ta sai các con đến những nơi nguy hiểm, tại đó các con sẽ ở giữa những người xấu xa, gian ác. Và con sẽ ở đó vì ý định của Ta là như vậy.” Đức Chúa Giê-su muốn phán với các môn đồ rằng: “Hãy đi đến nơi nguy hiểm, và hãy để người khác nói về con như cách họ nói về những con chiên đi lạc vào bầy muông sói. ‘Họ thật điên rồ! Họ thật ngu xuẩn! Họ không biết mình đang lâm vào nguy hiểm nào!’ Đây chính là ý nghĩa của việc trở nên môn đồ ta.”

Chúng ta không nghĩ giống như thế. Chúng ta nói rằng: “Nơi an toàn nhất chính là ở trong ý muốn Chúa.” Chúng ta nghĩ rằng: Đức Chúa Trời không hiện diện tại những nơi nguy hiểm. Những điều mạo hiểm, không an toàn, phải trả giá đắt thì chắc hẳn không phải là ý muốn của Đức Chúa Trời. Nhưng sẽ ra sao nếu những điều trên chính là tiêu chuẩn để chúng ta nhận biết đâu là ý muốn Chúa? Sẽ ra sao nếu ý định của Đức Chúa Trời chính là điều nguy hiểm nhất cho chúng ta? Sẽ ra sao nếu điều Chúa muốn đó là chúng ta sẽ đi đến nơi nguy hiểm nhất?

Tôi đã gặp một  tín hữu dân tộc Batak tại bắc Sumatra, Indonesia. Anh kể cho tôi câu chuyện bộ tộc của anh đã tin Chúa như thế nào. Nhiều năm trước có một cặp vợ chồng giáo sĩ đến ngôi làng của anh để chia sẻ phúc âm. Khi ấy 100 phần trăm dân làng đều là người Hồi Giáo. Hãy tưởng tượng hình ảnh chiên giữa bầy muông sói. Những người đứng đầu trong làng đã bắt vợ chồng giáo sĩ, giết và làm thịt họ.

Nhiều năm sau, một giáo sĩ khác đã đến bộ tộc này và một lần nữa chia sẻ phúc âm. Các lãnh đạo bộ tộc nhận ra câu chuyện mà người giáo sĩ này chia sẻ hoàn toàn giống với câu chuyện mà đôi vợ chồng giáo sĩ trước đã chia sẻ. Lần này họ quyết định lắng nghe. Sau khi nghe xong, họ tin Chúa. Chỉ trong một thời gian ngắn, cả bộ tộc đều tin Chúa. Người anh em này nói cho tôi biết rằng hiện dân tộc Batak có hơn ba triệu Cơ Đốc nhân ở bắc Sumatra.

Lần đầu tiên khi tôi nghe về câu chuyện này, câu hỏi hiện đến ngay trong tâm trí tôi đó là Tôi có sẵn lòng đồng ý để tôi và vợ trở nên như cặp vợ chồng giáo sĩ đầu tiên đến ngôi làng ấy không? Tôi có sẵn lòng bị giết và bị làm thịt để những người đến sau tôi nhìn thấy con người đến với Chúa?

Đây chính là câu hỏi mà Ma-thi-ơ 10 đặt ra cho mỗi chúng ta. Chúng ta có sẵn lòng giống như các môn đồ của Chúa khi xưa đã tiên phong đi vào nơi nguy hiểm và thậm chí tử đạo để những người đến sau được nhìn thấy thành quả mà chúng ta đã hy sinh? Sẽ ra sao nếu sự hy sinh ấy chính là cái giá để những người chưa được biết đến Chúa trong thế gian này, những người hiện đang chống đối đạo Chúa, một mai sẽ đầu phục tấm lòng họ cho Đức Chúa Giê-su?

 

Bị phản bội, ghét bỏ và bắt bớ

Đức Chúa Giê-su tiếp tục phán cùng các môn đồ rằng họ sẽ bị phản bội. “Anh sẽ nộp em cho bị giết, cha sẽ nộp con cho bị giết, con cái sẽ dấy lên nghịch cùng cha mẹ mà làm cho người phải chết đi.”[93] Đây không phải là những lời đầy khích lệ trước khi các môn đồ lên đường. Có thể họ sẽ gặp chống đối từ gia đình, còn bạn bè thì trở thành kẻ thù.

Tôi không quên lời chứng của Sahil. Anh và vợ đều lớn lên trong gia đình Hồi Giáo tại Ấn Độ. Vợ anh tin Chúa và giới thiệu anh đến với Đấng Christ. Nhưng ngay khi gia đình biết tin thì đôi vợ chồng phải bỏ trốn để bảo tồn mạng sống.

Những năm sau, họ lớn lên trong Chúa và khao khát được nhìn thấy gia đình nhận biết Chúa. Dần dần họ bắt đầu nối lại liên lạc với những người thân mà họ yêu mến. Và dần dần, các thành viên trong gia đình bắt đầu đáp ứng. Cuối cùng, gia đình đã chào đón Sahil và vợ của anh quay trở lại cộng đồng và mọi mặt bề ngoài đều có vẻ thuận lợi.

Một hôm Sahil chở vợ về nhà ngoại để dùng bữa còn anh thì về nhà nội. Vợ của anh ngồi chung bàn với gia đình và bắt đầu ăn uống. Chỉ trong phút chốc, vợ anh ngã chết. Chính cha mẹ cô là người đầu độc.

Bạn sẽ bị phản bội.

Bạn sẽ bị phản bội, bạn sẽ bị thù ghét. “Các ngươi lại sẽ bị thiên hạ ghen ghét vì danh ta.”[94] Từ “thiên hạ” hiển nhiên không có nghĩa tất cả mọi người trên trái đất đều sẽ ghét bạn. Tuy nhiên hình ảnh này thật rõ ràng. Bạn sẽ bị ghét bỏ, đó có thể là gia đình, chính phủ, tổ chức tôn giáo hoặc bất kỳ ai khác.

Một lần nữa, chúng ta không đồng ý với quan điểm trên. Chúng ta nói rằng: “Nếu chúng ta trở nên giống Đức Chúa Giê-su thì thế giới phải yêu thương chúng ta.” Sự thật là nếu chúng ta thật sự trở nên giống Chúa thì thế giới sẽ thù ghét chúng ta. Tại sao? Bởi vì thế giới ghét Ngài.

Đức Chúa Giê-su tiếp tục phán: “Khi nào người ta bắt bớ các ngươi trong thành nầy, thì hãy trốn qua thành kia.”[95] Đức Chúa Giê-su không dùng từ nếu người ta bắt bớ các ngươi nhưng Ngài dùng từ khi nào người ta bắt bớ các ngươi. Để chúng ta không suy nghĩ rằng những lời trên chỉ dành cho các môn đồ của Đức Chúa Giê-su, về sau Phao-lô đã viết rằng: “Vả lại, hết thảy mọi người muốn sống cách nhân đức trong Đức Chúa Giê-su Christ, thì sẽ bị bắt bớ.”[96]

Chúng ta biết chúng ta sẽ bị phản bội, bị thù ghét và bị bắt bớ bởi vì chính Đức Chúa Giê-su đã chịu những điều ấy. Chúng ta càng trở nên giống Chúa thì chúng ta càng sẽ trải qua những điều Chúa đã trải qua trong thế gian này. Chính vì thế Đức Chúa Giê-su phán rằng: “Môn đồ không hơn thầy, tôi tớ không hơn chủ… Nếu người ta đã gọi chủ nhà là Bê-ên-xê-bun, phương chi là người nhà!”[97]

Đây là kết luận không thể tránh được của Ma-thi-ơ 10. Những ai muốn có một cuộc sống bình an, thoải mái, không bị quấy rầy, không đối diện với hiểm nguy thì đừng đi theo Đức Chúa Giê-su. Cuộc sống của chúng ta sẽ càng đối diện với hiểm nguy khi chúng ta càng khắng khít trong mối liên hệ với Đấng Christ.

Có lẽ đây là lý do chúng ta chọn yên vị với một mối liên hệ hững hờ với Đấng Christ và những thói quen sinh hoạt tôn giáo thông thường trong nhà thờ. Tại đó bạn được an yên, và thế giới muốn bạn cứ ở đó. Thế gian yêu thích chúng ta khi chúng ta theo đuổi những điều thế gian theo đuổi, thậm chí nếu điều đó được dán nhãn Cơ Đốc. Chỉ cần đạo Cơ Đốc trông giống như giấc mơ Mỹ thì chúng ta sẽ ít gặp phải những vấn đề trong thế giới này.

Nhưng nếu chúng ta trở nên giống Đấng Christ, chúng ta sẽ đánh mất nhiều điều trong thế giới này. Đức Chúa Giê-su phán rằng: “Hễ môn đồ được trọn vẹn thì sẽ bằng thầy mình.”[98] Những lời này phải khiến chúng ta sợ hãi. Chúng ta nên cảm thấy sợ hãi bởi vì Thầy của chúng ta đã bị người khác chế nhạo, đánh đập, đánh bằng roi, nhổ vào người và bị đóng đinh trên thập tự giá. Chúng ta có thật sự muốn trở nên giống Chúa?

Phao-lô đã viết cho hội thánh rằng: “Ngài nhân Đấng Christ, ban ơn cho anh em, không những tin Đấng Christ mà thôi, lại phải chịu khổ vì Ngài nữa.”[99] Điều này thật đáng kinh ngạc. Cơ bản Phao-lô muốn nói rằng: “Đấng Christ đã ban cho anh em ơn chịu khổ. Hãy đến với Đấng Christ và đón nhận ơn lớn – sự chịu khổ.” Đây không phải là lời mời người khác tiếp nhận Chúa điển hình mà chúng ta thường nghe. Hãy nhắm mắt, cúi đầu, cầu nguyện tiếp nhận Chúa, và anh em sẽ chịu đau khổ. Điều này nghe có vẻ như Phao-lô đang nói đùa.

Nhưng đây không phải là lời nói đùa.

Đây mới chính là  Cơ Đốc giáo.

Đây mới chính là lịch sử Cơ Đốc. Những sự bắt bớ và đau khổ như chúng ta thấy ngày nay tại Trung Đông, Châu Á và Châu Phi chính là điều ghi dấu môn đồ Đấng Christ từ khi hội thánh được bắt đầu. Trong gần ba trăm năm trước khi Đạo Cơ Đốc được Constantine hợp pháp hoá, môn đồ Đấng Christ đã đối diện với sự bắt bớ kinh khủng. Trong mười thế hệ, Cơ Đốc Nhân đã đào gần sáu trăm hầm mộ dưới lòng đất khắp thành Rô-ma. Các hầm mộ là nơi Cơ Đốc Nhân thường bí mật nhóm lại để thờ phượng Chúa. Hàng nghìn Cơ Đốc Nhân đã bị chôn tại các hầm mộ này vì sự bắt bớ dữ dội.

Các nhà khảo cổ đã tìm thấy một từ xuất hiện rất phổ biến trong các hầm mộ. Đó là một chữ Hy Lạp: ichthus (nghĩa là con cá), từ này được hợp thành từ các ký tự đầu của một câu trong tiếng Hy Lạp: “Đức Chúa Giê-su Christ, Con Đức Chúa Trời, Đấng Cứu Rỗi.” Có lẽ bạn sẽ nhận ra dấu hiệu này bởi vì Cơ Đốc Nhân thường dán chúng lên xe của họ. Chúng ta đã đi xa như thế nào khi dán biểu tượng gắn liền với các anh chị em tử đạo của thế kỷ đầu tiên vào sau chiếc ô tô của thế kỷ hai mươi mốt.

 

Tàu vận tải quân đội hay du thuyền xa hoa?

Ngôn ngữ trong Ma-thi-ơ 10 thể hiện Đức Chúa Giê-su giống như một tướng lãnh sai phái quân lính thực hiện nhiệm vụ. Ngài gọi các môn đồ và sai họ ra đi. Trước những nhu cầu và hiểm nguy xung quanh, các môn đồ biết họ đang bước vào một cuộc chiến.

Vào cuối những năm 1940, chính phủ Hoa Kỳ đã uỷ nhiệm cho William Francis Gibbs làm việc với hãng United States Lines để đóng một con tàu chuyên chở quân đội trị giá tám mươi triệu đô la cho hải quân. Mục đích là thiết kế một con tàu có thể nhanh chóng chuyên chở mười lăm nghìn quân lính khi xảy ra chiến tranh. Đến năm 1952, tàu SS United States được hoàn thành. Con tàu có thể di chuyển bốn mươi bốn hải lý một giờ (82 ki lô mét giờ), và có thể di chuyển mười sáu nghìn ki lô mét mà không cần phải dừng lại để tiếp nhiên liệu hoặc nhu yếu phẩm. Con tàu có thể chạy nhanh hơn bất kỳ con tàu nào khác và có thể di chuyển không ngừng nghỉ đến bất cứ nơi đâu trên thế giới trong vòng mười ngày hoặc ít hơn. Tàu SS United States là con tàu vận tải quân đội nhanh nhất và đáng tin cậy nhất trên thế giới.

Vấn đề duy nhất đó là con tàu chưa từng được sử dụng để chuyên chở quân đội. Ít nhất con tàu này chưa bao giờ được sử dụng đúng với khả năng của nó. Con tàu nhận nhiệm vụ trực chiến trong suốt khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962, ngoài ra con tàu này chưa từng được Hải Quân Hoa Kỳ sử dụng đúng với chức năng của nó.

Ngược lại, tàu SS United States đã trở thành chiếc du thuyền xa hoa dành cho tổng thống, nguyên thủ quốc gia và nhiều người nổi tiếng khác trong suốt bảy mươi năm phục vụ. Là một du thuyền xa hoa, tàu không thể chuyên chở mười lăm nghìn quân lính. Con tàu chỉ có thể đón tiếp tối đa hai nghìn du khách. Du khách được hưởng những thứ xa hoa của 695 phòng ngủ, 4 phòng ăn, 3 quầy rượu, 2 nhà hát, 2 héc-ta boong tàu với một bể bơi nước nóng, 19 thang máy và những tiện nghi của một con tàu chở khách đầu tiên trên thế giới được trang bị hệ thống điều hoà toàn bộ. Thay vì được sử dụng cho quân đội khi xảy ra chiến tranh, tàu SS United States lại trở thành phương tiện để những khách hàng giàu có được chìm đắm trong những thú vui khi họ thong dong cách yên bình khắp Đại Tây Dương.

Mọi điều của một chiếc du thuyền xa hoa đều hoàn toàn khác với một con tàu chuyên chở quân đội. Gương mặt của những binh lính trước khi ra trận hoàn toàn khác với những du khách đang nhấm nháp món kẹo ngọt phủ sô-cô-la. Những trao đổi trên một chiếc tàu vận chuyển binh lính hoàn toàn khác với những cuộc tán gẫu trên một chiếc du thuyền. Và tốc dộ di chuyển của một con tàu vận chuyển binh lính phải nhanh hơn một chiếc du thuyền. Trên hết, tàu vận chuyển binh lính có một nhiệm vụ cấp thiết phải hoàn thành; ngược lại du thuyền được tự do tận hưởng chuyến đi của họ.

Khi nghĩ về tàu SS United States, tôi tự hỏi phải chăng chúng ta cũng học được một bài học nào đó về lịch sử hội thánh. Cũng giống như tàu SS United States, hội thánh được thiết kế cho những cuộc chiến. Mục đích của hội thánh là huy động con người thực hiện một nhiệm vụ. Song dường như chúng ta đã biến hội thánh từ một con tàu vận chuyển binh lính thành một chiếc du thuyền xa hoa. Dường như chúng ta đã tự tổ chức chính mình, không phải để tham gia vào cuộc chiến vì những linh hồn của con người trên khắp thế giới, nhưng để đắm chìm vào những điều thoải mái bình yên của thế gian này. Điều này khiến tôi tự hỏi sẽ ra sao nếu chúng ta nhìn thẳng vào một thế giới với 4.5 tỷ người sẽ đi đến địa ngục và hai mươi sáu nghìn trẻ em tử vong mỗi ngày vì đói hoặc vì một căn bệnh có thể được phòng ngừa, và chúng ta quyết định rằng đây chính là lúc lái con tàu vào chiến trường thay vì ngã lưng bên hồ bơi trên boong tàu và chờ đợi nhân viên phục vụ món đồ nguội khai vị.

Chúng ta có sẵn lòng tuân theo các mệnh lệnh của Đấng Christ? Chúng ta có sẵn lòng trở nên giống Ngài? Chúng ta có sẵn lòng mạo hiểm cuộc sống để đi đến những nơi có nhu cầu và những nơi nguy hiểm – dù nơi đó là trung tâm thành phố, một người hàng xóm đang gặp khó khăn, những cộng đồng cần chăm sóc y tế tại Châu Phi, hoặc những nơi thù địch tại Trung Đông? Chúng ta có sẵn lòng thay đổi suy nghĩ về Đạo Cơ Đốc theo hướng từ một chiếc du thuyền xa hoa đi tìm kiếm niềm vui thích trong thế gian này sang một chiếc tàu vận chuyển binh lính, từ bỏ những điều thoải mái trong thế gian để hoàn thành một nhiệm vụ có ý nghĩa đời đời và nhận được một phần thưởng đích thực trong cõi đời đời?

 

Phần thưởng lớn

Đây chính là điều khiến đạo Chúa khác biệt với giấc mơ Mỹ. Vâng, Đức Chúa Giê-su hứa về một phần thưởng lớn, tuy nhiên phần thưởng này khác với những gì chúng ta suy nghĩ. Phần thưởng của giấc mơ Mỹ đó là sự an ninh và thành công khi bạn có được những tiện nghi, vật chất và sự thịnh vượng. Song phần thưởng của Đấng Christ vượt trội hơn những điều trên, phần thưởng ấy khiến chúng ta sống vì sự an ninh và thỏa mãn trong cõi đời đời là điều đáng giá ngàn lần hơn những gì thế gian có thể ban cho.

Sau lời kêu gọi các môn đồ đi đến những nơi có nhu cầu và những nơi nguy hiểm, Đức Chúa Giê-su hứa về tình yêu và sự chăm sóc của Ngài dành cho họ. Ba lần Đức Chúa Giê-su phán rằng: “Đừng sợ.”[100]

Làm thế nào chiên có thể không sợ hãi khi đi vào giữa bầy muông sói? Làm sao các môn đồ có thể không sợ hãi khi Đức Chúa Giê-su phán rằng họ sẽ bị phản bội, bị ghét bỏ và bị bắt bớ?

 

Chúa tể trị, chúng ta được bình an

Đức Chúa Giê-su nhắc các môn đồ rằng sự bình an của họ không đến từ những tiện nghi của thế gian này nhưng đến từ Đức Chúa Trời là Đấng đang cầm quyền trên thế giới. Đức Chúa Giê-su hỏi các môn đồ rằng: “Hai con chim sẻ há chẳng từng bị bán một đồng tiền sao? Và ví không theo ý muốn Cha các ngươi, thì chẳng hề một con nào rơi xuống đất.”[101] Chúng ta có thể cảm thấy yên lòng khi biết rằng không điều gì xảy ra cho chúng ta nằm ngoài ý định đầy yêu thương của một Đức Chúa Trời đang cầm quyền tể trị. Không một điều nào.

Đây chính là lý do khiến tôi yêu thích Ê-tiên trong sách Công vụ. Theo Kinh Thánh, ông là Cơ Đốc nhân tử đạo đầu tiên. Như chúng ta học thấy ở Công vụ 7, ông bị hội đồng tôn giáo Do Thái ném đá đến chết – một hình ảnh đáng kinh ngạc về việc chia sẻ sự thương khó của Đấng Christ là như thế nào.[102] Tuy nhiên điều đáng chú ý hơn nữa đó là những gì xảy ra sau cái chết của Ê-tiên. Lu-ca viết rằng: “Trong lúc đó, Hội thánh ở thành Giê-ru-sa-lem gặp cơn bắt bớ dữ tợn; trừ ra các sứ đồ, còn hết thảy tín đồ đều phải chạy tan lạc trong các miền Giu-đê và xứ Sa-ma-ri.” Lu-ca lại viết tiếp: “Vậy, những kẻ đã bị tan lạc đi từ nơi nầy đến nơi khác, truyền giảng đạo Tin lành.”[103] Nói cách khác, nhờ cái chết của Ê-tiên, hội thánh được nhân cấp khắp xứ Giu-đê và Sa-ma-ri.

Bạn có nhận thấy điều gì đang xảy ra tại đây không? Chiến lược của Sa-tan nhằm ngăn cản dân sự của Đức Chúa Trời qua việc ném đá Ê-tiên lại khiến cho mục đích của Đức Chúa Trời được hoàn thành khi hội thánh bị tan lạc.

Đây là lời chứng xuyên suốt Kinh Thánh. Từ câu chuyện của Gióp đến sự chia sẻ của Phao-lô về việc Sa-tan đã tấn công ông như thế nào ở 2 Cô-rinh-tô 12, chúng ta nhìn thấy Sa-tan chỉ có thể hành động khi được Đức Chúa Trời tể trị cho phép tuy nhiên kết quả đều hoàn thành mục đích của Ngài. Thật vậy, đây chính là ý nghĩa của thập giá. Chiến lược của Sa-tan nhằm đánh bại Con Đức Chúa Trời nhưng cuối cùng kết quả là sự cứu rỗi cho mọi người tin.

Chúng ta không có gì phải sợ hãi bởi vì Đức Chúa Trời đang tể trị.

 

Tình yêu của Chúa, sự an ninh của chúng ta

Phần thưởng của Đấng Christ cũng bao gồm sự an ninh vượt trội hơn những gì thế gian có thể đem lại. Sau khi đề cập đến những con chim sẻ trong Ma-thi-ơ 10, Đức Chúa Giê-su nhắc các môn đồ về tình yêu thương của Ngài dành cho họ. Chúa phán rằng: “Tóc trên đầu các ngươi cũng đã đếm hết rồi. Vậy, đừng sợ chi hết, vì các ngươi quí trọng hơn nhiều con chim sẻ.”[104] Đức Chúa Giê-su biết mọi chi tiết trong đời sống của chúng ta, Ngài hết sức chăm lo cho chúng ta. Đây là lý do thứ hai tại sao chúng ta không phải lo sợ.

Một vài tuần trước, một gia đình từ hội thánh của chúng tôi được sai phái đến một đất nước kém phát triển. Một vài tháng trước đó, Craig và Amy đã chia sẻ với tôi rằng họ ước ao có thể bán căn nhà tại Birmingham và có thể đưa ba con của họ đến một nơi khác trên thế giới, nơi mà họ có thể làm vinh danh Chúa nhiều hơn. Trong cuộc trò chuyện, tôi khích lệ họ hãy bền chí vượt qua thời gian khó khăn ở phía trước. Vài tháng sau, chúng tôi gặp lại, Craig chia sẻ với tôi những điều đã xảy ra khiến họ chùn bước. Sau lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau, một người bà của họ đã qua đời, một anh trai phải nhập viện vì bị đột quỵ, gia đình Craig thì bị cướp và họ phải sống trong một chiếc xe bị hư hỏng nặng.

Quan trọng nhất, họ phải đối diện với vấn đề sức khoẻ của Amy. Điều này sẽ hạn chế khả năng định cư ở nước ngoài bởi vì sức khoẻ của Amy đòi hỏi cô phải sống ở vùng khí hậu thích hợp. Đôi mắt rưng rưng, Craig và Amy chia sẻ thế nào Chúa đã dẫn dắt tấm lòng của họ cho một đất nước khác. Khi họ hỏi ý kiến của bác sĩ về sức khoẻ của Amy tại vùng khí hậu ấy, vị bác sĩ nói rằng thực ra Amy sẽ khoẻ mạnh hơn khi ở tại đất nước đó so với ở Hoa Kỳ.

Thật vậy, Chúa biết mọi chi tiết trong đời sống của chúng ta, và khi chúng ta cậy đức tin để bước đi theo Ngài, Chúa sẽ bày tỏ cho chúng ta thấy sự an ninh lớn không đến từ những tiện nghi mà chúng ta tìm được trong thế gian này, nhưng sự an ninh lớn đến từ sự chu cấp thành tin của Đấng duy nhất biết và đáp ứng mọi nhu cầu của chúng ta.

 

Sự hiện diện của Chúa, sự thoả mãn của chúng ta

Trong những tuyên bố tuyệt vời của Đức Chúa Giê-su ở Ma-thi-ơ 10, có lẽ đây là tuyên bố gây sửng sốt và quan trọng nhất: “Đừng sợ kẻ giết thân thể mà không giết được linh hồn; nhưng thà sợ Đấng làm cho mất được linh hồn và thân thể trong địa ngục.”[105]

Dường như Đức Chúa Giê-su có một phương cách khích lệ rất lạ lùng dành cho các môn đồ, những người đang đánh đổi mạng sống của họ để vâng phục Ngài. Đức Chúa Giê-su muốn nói với các môn đồ – và với chúng ta – rằng chúng ta cần kính sợ Đức Chúa Trời chứ không phải con người. Đức Chúa Trời chính là vị Thẩm Phán tối cao, tương lai đời đời của chúng ta ở trong tay Ngài. Con người không có thẩm quyền đó, chính vì thế chúng ta không cần phải sợ họ.

Tôi xin diễn giải lời của Đức Chúa Giê-su nói tại đây để giúp chúng ta hiểu sức mạnh trong lời tuyên bố của Ngài. Đức Chúa Giê-su muốn nói với các môn đồ, những người sẽ đối diện với sự đau khổ và bắt bớ rằng: “Đừng sợ con người. Điều tồi tệ nhất họ có thể làm đó là giết các con.”

Đây có phải là một lời khích lệ?

Chúng ta nói rằng: “Nếu con đi đến nơi đó, con sẽ bị giết.”

Đức Chúa Giê-su đáp: “Chỉ có thế thôi ư?”

Chúng ta không cần phải sợ hãi khi đi đến bất cứ nơi đâu trên thế giới, bởi vì điều tồi tệ nhất có thể xảy ra cho chúng ta chỉ là cái chết. Và đây phải là điều khiến chúng ta cảm thấy được khích lệ!

Cách duy nhất lời khích lệ này có thể yên ủi chúng ta đó là khi chúng ta đã chết cùng với Đấng Christ. Cách duy nhất lời này có thể khích lệ chúng ta đó là khi chúng ta tập chú vào một Đức Chúa Trời đời đời đến nỗi con người tạm thời không thể khiến chúng ta sợ hãi. Phao-lô đã viết rằng: “Vì Đấng Christ là sự sống của tôi, và sự chết là điều ích lợi cho tôi vậy.”[106] Rõ ràng, cách duy nhất để sự chết trở thành một phần thưởng đó là khi sự chết thật sự là điều ích lợi.

 

Họ không yêu mạng sống của họ

Lịch sử hội thánh có rất nhiều câu chuyện về những con người mà như lời của sách Khải Huyền: “[họ] chẳng tiếc sự sống mình cho đến chết.”[107]

John Paton (1824-1907) không được nhiều Cơ Đốc Nhân ngày nay biết đến. Ông là mục sư của một hội thánh đang phát triển tại Scotland trong mười năm, nhưng Đức Chúa Trời bắt đầu khiến tấm lòng của ông cưu mang cho New Hebrides, một nhóm các đảo tại Thái Bình Dương mà tại đó con người ăn thịt lẫn nhau và họ chưa được biết đến phúc âm.

Ông cưu mang cho một hòn đảo nọ. Hai mươi năm trước đã có hai giáo sĩ đến hòn đảo ấy. Họ bị giết và bị làm thịt. Chính vì thế không ngạc nhiên khi nhiều người can ngăn mục sư Paton hãy thôi suy nghĩ về việc tiếp bước hai vị giáo sĩ kia. Paton viết rằng: “Trong số rất nhiều người đã tìm cách can ngăn tôi có một quý ông Cơ Đốc thân yêu đã lập luận rằng: ‘Những kẻ ăn thịt người! anh sẽ bị những kẻ ăn thịt người ăn thịt!’”

John Paton đáp lại rằng: “Thưa ngài Dickson, ngài có tư tưởng tiến bộ trước thời đại, nhưng tư tưởng của ngài sẽ phải sớm bị chôn vùi trong mồ mả và bị sâu bọ gặm nhấm; Tôi xin thưa với ngài rằng nếu tôi không sống, chết, phục vụ và tôn vinh Đức Chúa Giê-su thì dù bị những kẻ ăn thịt người ăn thịt cũng chẳng khác gì bị sâu bọ gậm nhấm; và đến ngày lớn của Chúa, thân thể hục sinh của tôi và của anh sẽ sống lại giống như nhau theo như hình ảnh của Đấng cứu rỗi phục sinh.”

Người đàn ông rời căn phòng, thốt lên: “Tôi không còn gì để nói.”

Ở tuổi ba mươi ba, John Paton cùng vợ đến New Hebrides. Hành trình đó không hề dễ dàng. Vợ và đứa con nhỏ mới sinh đã chết chỉ một vài tháng sau khi họ đến nơi, và mục sư đã đơn độc dùng đôi tay trần mà đào mộ cho vợ và con. Nhiều lần tính mạng của ông bị đe doạ. Nhưng những năm sau đó, vô số người ăn thịt người ở khắp New Hebrides đã nhận biết sự bình an của Đấng Christ, và các hội thánh khắp nước Úc, Scotland và khắp thế giới Phương Tây bị thách thức để trỗi dậy truyền bá phúc âm đến những nơi khó tiếp cận nhất.

Jim Elliot (1927-56) cũng có câu chuyện tương tự, dẫu cuộc đời của ông đã có một kết thúc khác. Elliot tin rằng Đức Chúa Trời đã dẫn dắt ông đến với người Huaorani Indian, một bộ tộc khét tiếng với việc giết chết bất cứ ai tiếp cận họ. Họ chưa từng nghe đến phúc âm, chính vì thế Elliot tham gia cùng một số người khác tin rằng họ có trách nhiệm đem phúc đến cho bộ tộc này. Elliot là một nhà giảng đạo đầy ân tứ, vậy rất nhiều người trong hội thánh đã cố gắng can ngăn ông. Họ nói công việc đó thật mạo hiểm.

Elliot đã viết trong nhật ký của mình rằng: “Chắc chắn những ai đã nhận biết tấm lòng yêu thương vĩ đại của Đức Giê-hô-va sẽ từ chối những điều họ yêu quý để chia sẻ sự bày tỏ tình yêu của Chúa.” Ông viết tiếp:

Hãy suy nghĩ về sự kêu gọi từ Ngôi Thiên Đàng: “Hỡi con hãy ra đi,” và tiếng nói ở khắp nơi xa gần: “Hãy đến giúp chúng tôi,” và thậm chí tiếng kêu từ những linh hồn bị đoạ đày nơi âm phủ: “Hãy sai La-xa-rơ đến với các anh chị em của chúng tôi để họ không phải đến nơi này.” Bị thúc ép bởi những tiếng nói ấy, tôi không dám ở lại nhà trong khi người Quichua (thổ dân Nam Mỹ) đang bị hư mất. Vậy sẽ ra sao nếu các hội thánh đầy sung túc tại quê nhà cần được lay động? Họ có Kinh Thánh, có Môi-se, các Tiên Tri và nhiều điều khác nữa. Lời kết tội của họ được ghi trong các quyển sổ ngân hàng mà họ đang sỡ hữu cũng như ở những lớp bụi phủ trên bìa Kinh Thánh mà họ đã không đụng tới. Tín hữu tại Mỹ đã bán cuộc sống của họ cho Ma-môn, và Đức Chúa Trời có thẩm quyền phán xét những ai chiều theo tinh thần của hội thánh Lao-đi-xê.[108]

Vào ngày 8 tháng 1 năm 1956, Elliot cùng bốn cộng sự đã tiếp cận các thành viên người Huaorani tại một bãi biển. Họ được tiếp đón bởi những ngọn giáo và tất cả đã chết dưới bàn tay của các thành viên bộ lạc. Elliot có nên nghe lời những ai đã can ngăn ông không? Bạn chính là người quyết định. Những ngày sau đó, vợ của Elliot, Elisabeth đã tham gia dẫn dắt chính những người đã dùng giáo đâm chồng bà để họ đến với Đấng Christ, và kể từ ngày ấy, sự bình an của Đấng Christ tể trị trên bộ tộc này.

Hãy suy nghĩ về một trường hợp khác. Rất ít Cơ Đốc nhân biết về C. T. Studd (1860-1931), một người Anh Quốc giàu có đã bán tất cả gia sản để đem phúc âm đến nhiều nước. Gia đình và nhiều anh em Cơ Đốc đã đến để khuyên can Studd không thực hiện chuyến đi ra nước ngoài. Nhưng ông đã đi, đầu tiên là đến Trung Quốc, kế đến là Ấn Độ. Vào tuổi năm mươi, ông quyết định vì là Cơ Đốc nhân ông sẽ không nghỉ hưu, chính vì thế ông đã đi đến Sudan và sống đến cuối đời tại đó. Ngôi mộ của ông chính là điểm tựa của Hội Vận Động Truyền Giáo Quốc Tế, tổ chức đã lan truyền hạt giống phúc âm ra khắp Châu Phi, Châu Á và Nam Mỹ.

Hãy lắng nghe về phần thưởng mà Studd theo đuổi, đây là những lời cuối cùng ông đã ghi lại trước lúc chết:

Chúng ta đã chờ đợi nhau quá lâu nên nỗi không ai đã khởi đầu! Thời gian chờ đợi đã qua rồi!… Trước một thế giới, vâng, một thế giới Cơ Đốc uỷ mị, thiếu đức tin, lãnh đạm và trượt dốc, chúng ta sẽ dám tin cậy Đức Chúa Trời… và chúng ta sẽ làm điều đó bằng niềm vui khôn xiết của Chúa vang vọng trong tấm lòng. Chúng ta thà chết sớm hơn nghìn lần vì tin cậy nơi một mình Chúa hơn là sống mà trông cậy nơi con người. Và khi chúng ta đối diện với hoàn cảnh này thì cuộc chiến đã thắng lợi, và kết quả của chiến dịch vinh quang hiện lên trước mắt. Chúng ta sẽ có sự thánh khiết thật của Đức Chúa Trời, không phải lời nói ẻo lả, những lời ngon ngọt hay suy nghĩ đẹp đẽ; chúng ta sẽ có sự thánh khiết của người đàn ông, là sự thánh khiết từ đức tin can đảm và nhờ công tác cho Đức Chúa Giê-su Christ.[109]

 

Cuộc sống được biến đổi sâu rộng khi sự chết là phần thưởng

John Paton, Jim Elliot và C. T. Studd đều minh hoạ cho một lẽ thật nền tảng: cuộc sống của bạn được tự do để được biến đổi sâu rộng khi bạn xem sự chết là phần thưởng. Đây chính là điều cốt lõi trong lời dạy của Đức Chúa Giê-su ở Ma-thi-ơ 10, và tôi tin rằng đây chính là chìa khóa để bảo vệ niềm tin của bạn khỏi giấc mơ Mỹ.

Chìa khóa đó là nhận ra – và tin – rằng thế giới này không phải là nhà của bạn. Nếu bạn và tôi từng hy vọng được giải phóng cuộc sống mình khỏi những khao khát thế tục, những suy nghĩ thuộc về đời này, những thú vui trần tục, những giấc mơ trong thế gian này, những lý tưởng của con người, những giá trị của thế gian, những tham vọng nơi trần gian và những sự ca ngợi trong thế giới này, thì chúng ta phải chú tâm cuộc sống mình vào một thế giới khác. Mặc dù bạn và tôi đang sống ở Hoa Kỳ, nhưng chúng ta phải hướng sự chú ý của mình vào “một quê hương tốt hơn, tức là quê hương trên trời.”[110] Mặc dù bạn và tôi đang sống giữa sự quyến rũ của những khoái lạc tạm thời, nhưng chúng ta cần phải buộc chặt lòng yêu kính vào một Đấng đã hứa về một của báu vĩnh cửu không bao giờ hư mất. Nếu đời sống của bạn và tôi trên trái đất này có ý nghĩa thì chúng ta cần phải tập chú vào thiên đàng. Vì chỉ khi ấy bạn và tôi mới được giải phóng để đánh đổi hoàn toàn bởi chúng ta biết rằng phần thưởng đang chờ đợt chúng ta là trọn vẹn.

Genessa Wells là một cô gái trẻ vừa tốt nghiệp đại học với đầy dẫy những cơ hội mở ra cho cô trong thế giới này. Với rất nhiều cơ hội ở trước mắt, cô quyết định đi đến Trung Đông giữa những người chưa bao giờ được nghe phúc âm. Trước khi đi, Genessa đã viết cho các bạn của cô rằng: “Tôi có thể từ bỏ [chuyến đi ra nước ngoài] để lập gia đình và trở thành một giáo viên âm nhạc. Những việc ấy thật cao quý và lương thiện, có vẻ tốt cho tôi! Nhưng trong tấm lòng, tôi muốn thay đổi thế giới của tôi – hơn cả ước muốn về một người chồng và một cuộc sống an nhàn. Tôi cần… phải nói với người khác về Đức Chúa Giê-su.”

Genessa quyết định làm việc giữa những người Ai Cập, với những người Palestine trong các trại tị nạn tại Jordan, với những người Hồi Giáo tại Pháp, và những người Ai Cập du cư trong sa mạc.

Sau tất cả những việc này, cô viết rằng: “Thành thật tôi không muốn ở nơi nào khác ngoài nơi đây, nơi Chúa đã đặt để tôi. Ngài đã ban cho tôi nhiều hơn tôi có thể tưởng tượng.” Sáu tháng sau, trong e-mail cuối cùng gửi về gia đình, cô viết: “Dường như mọi việc chúng tôi làm đều quy về một điều: sự vinh quang của Chúa. Tôi cầu nguyện rằng đời sống của mỗi chúng ta đều nói lên điều ấy.”

Hai tuần sau khi viết những lời ấy, Genessa Wells qua đời trong một tai nạn xe khách khi trời còn tờ mờ sáng tại sa mạc Sinai, Ai Cập.[111]

Hầu hết mọi người đều cho rằng đây là một tấm bi kịch. Một cô gái trẻ dành những ngày cuối đời tại vùng sa mạc Ai Cập xa xôi, để rồi chết trong một vụ tai nạn xe khách. Hãy suy nghĩ về những tiềm năng mà cô có. Hãy suy nghĩ về mọi điều cô có thể đạt được. Hãy suy nghĩ về những việc cô có thể làm nếu không đi đến đó.

Tuy nhiên, Đấng Christ có một cái nhìn khác. Theo Ma-thi-ơ 10, câu chuyện của Genessa Wells không phải là một tấm bi kịch nhưng đó là câu chuyện về một phần thưởng.

Phần thưởng? Làm thế nào một cô gái trẻ chết trong sa mạc ở nửa vòng trái đất lại có thể là một phần thưởng?

Đây chính là câu trả lời. Ngay khi Genessa Wells trút hơi thở cuối cùng tại sa mạc Sinai, Ai Cập, cô được đưa đến Đấng Christ. Tại đó cô được nhìn xem sự vinh quang của Chúa đầy đẹp đẽ phi thường mà bạn và tôi không bao giờ có thể hiểu được. Và bạn có biết bây giờ Genessa Wells đang ở đâu không? Cô ấy đang ở một nơi. Bạn có biết Genessa Wells sẽ ở đâu trong mười tỉ năm tới không? Cũng cùng một nơi đó, nhìn xem vinh quang lớn của Chúa và kinh nghiệm phần thưởng dành cho những ai tin rằng Đấng Christ là sự sống của họ, và sự chết là điều ích lợi cho họ. Hãy yên lòng, Genessa không hối hận vì đã bỏ lỡ giấc mơ Mỹ khi cô nhận lấy phần thưởng mà cô đang hưởng.

Chúng tôi nhớ rằng đây là phần thưởng vĩ đại của phúc âm: là chính Đức Chúa Trời. Khi chúng ta đánh đổi cuộc sống mình để đi theo Đấng Christ, chúng ta sẽ khám phá sự an toàn trong sự tể trị của Chúa, sự an ninh trong tình yêu của Ngài, và sự thỏa mãn trong sự hiện diện của Chúa. Đây chính là phần thưởng vĩ đại đời đời, và thật ngu dại nếu chúng ta chọn một điều nào khác hơn những điều trên.

Khi suy nghĩ về các lời hứa của Chúa thì việc đánh đổi tất cả cuộc đời của chúng ta và những gì chúng ta có không còn là một sự hy sinh. Đó chỉ là lẽ thường. Theo Chúa không phải là một sự hy sinh, nhưng là một sự khôn ngoan. Jim Elliot từng nói: “Người khôn ngoan thì cho đi điều mà người không thể giữ để nhận lại điều mà người không thể đánh mất.”

Vâng phục trọn vẹn nơi Đấng Christ không hề dễ dàng; việc này rất nguy hiểm. Đó không phải là một chuyến du ngoạn êm đềm trên một chiếc du thuyền xa hoa; đó là một nhiệm vụ trên một chiếc tàu chở lính. Hành trình đó không an nhàn, không có sức khỏe tốt, không có giàu có và cũng không có giàu sang trong thế gian này. Nhưng cuối cùng, sự đánh đổi ấy sẽ đem lại phần thưởng trong Đấng Christ. Và Ngài là tất cả cho chúng ta.

 

Chương Chín

 

THỬ NGHIỆM NGUYÊN LÝ CƠ BẢN

Một năm được biến đổi trọn vẹn

 

Radical (n): nguyên lý cơ bản

Experiment (n): Thử nghiệm, một loạt hành động có điều kiện nhằm kiểm chứng một tuyên bố.

Trong quyển sách này, chúng ta đã khám phá những tuyên bố đầy mạnh mẽ về mục đích  cuộc sống qua lời dạy của phúc âm nhưng trái ngược với giấc mơ Mỹ. Những tuyên bố đó là: sự thành công thật chính là hy sinh trọn vẹn. Sự hy sinh tuyệt đối không nhằm tôn cao bản thân nhưng tôn Chúa lên trên hết. Mục đích của cuộc đời vượt trội hơn đất nước và nền văn hóa mà chúng ta đang sống. Ý nghĩa cuộc sống được tìm thấy ở cộng đồng, không phải ở chủ nghĩa cá nhân; niềm vui đến từ sự rộng lượng, không phải ở chủ nghĩa vật chất; và lẽ thật đến từ Đấng Christ, không phải từ bất kỳ lý thuyết nào. Trên hết, Đức Chúa Giê-su chính là phần thưởng xứng đáng để chúng ta đánh đổi tất cả để tìm hiểu, thử nghiệm và tận hưởng.

Tuy nhiên những tuyên bố như trên vẫn chỉ là lý thuyết nếu không có kiểm chứng. Đây là lý do cần có thử nghiệm. Khi bạn kiểm chứng một tuyên bố, bạn sẽ biết được tuyên bố ấy là phù phiếm hay là sự thật. Và khi bạn khám phá một tuyên bố chính là sự thật thì bạn sẽ thay đổi quan điểm cá nhân, sắp xếp lại suy nghĩ, và thay đổi cuộc sống cho phù hợp với sự thật đó. Việc này sẽ đảo lộn cuộc sống bạn – hoặc nói đúng hơn, xoay chuyển cuộc sống bạn về đúng với trật tự cần phải có của nó.

Vậy tôi xin thách thức bạn thực hiện một thử nghiệm. Tôi xin thách thức bạn hãy kiểm chứng những tuyên bố trong phúc âm, có lẽ theo một cách mà bạn chưa từng thực hiện. Tôi xin mời bạn kiểm chứng xem có phải vâng phục trọn vẹn mạng lệnh của Đấng Christ đem lại ý nghĩa, sự thỏa mãn và hài lòng hơn là theo đuổi giấc mơ Mỹ. Và tôi xin đảm bảo rằng nếu bạn hoàn thành cuộc thử nghiệm này, bạn sẽ không bao giờ ngừng khao khát từ bỏ trọn vẹn đời sống của bạn cho Đấng Christ vì sự vinh quang của Ngài trên khắp thế giới.

Chúng tôi gọi đây là Thử Nghiệm Nguyên Lý Cơ Bản (the Radical Experiment).

 

Một năm

Cuộc thử nghiệm này kéo dài một năm. Đến nay tôi nhận ra rằng khoảng thời gian một năm không thích hợp với lối suy nghĩ phổ thông. Những nhà triết học về phát triển hội thánh đương đại trên các tạp chí, các bài báo, các tờ bướm và những chiêu trò quảng cáo đã nói rằng để đạt được hiệu quả, chúng ta cần phải tổ chức mọi công tác trong những giai đoạn nhỏ kéo dài sáu đến tám tuần. Những người tham dự hội thánh ngày nay muốn những cam kết ngắn hạn nhưng đem lại lợi ích dài hạn.

Tôi biết ơn lịch sử Cơ Đốc đã không luôn tuân thủ triết lý này. David Brainerd (1718-47) đã trải qua nhiều năm cô đơn, trầm cảm và đau đớn trước khi được nhìn thấy Đức Chúa Trời đem sự phục hưng đến với thổ dân Châu Mỹ ở vùng Đông Bắc. William Carey (1761-1834) đã kiên trung rao giảng phúc âm suốt bảy năm trước khi nhìn thấy một người được cứu tại Ấn Độ. John Hyde (1865-1912) suy yếu dần sau nhiều đêm dài cầu nguyện và kiêng ăn để được nhìn thấy người dân tiếp nhận Đấng Christ tại một cánh đồng truyền giáo khó khăn nhất trên thế giới là Bang Punjab, Ấn Độ. Những tấm gương như Brainerd, Carey và Hyde khiến chúng ta đặt ra câu hỏi: “Sẽ ra sao nếu lợi ích dài hạn khởi phát từ cam kết dài hạn?”

Thậm chí thế gian cũng tin vào điều này. Lý do nào khiến các học sinh phổ thông dành thêm ít nhất bốn năm và tiêu tốn hàng nghìn đô-la để tiến xa hơn trong việc học? Lý do nào khiến các sinh viên luật và sinh viên y khoa không hề chán nản khi thực hiện những công việc và lịch trình đầy mệt nhoài? Lý do nào khiến các nhạc công ngày đêm luyện tập nhạc cụ, và lý do nào khiến các vận động viên dành nhiều năm tập luyện cho một sự kiện thể thao? Con người luôn thực hiện những cam kết dài hạn với khao khát nhận được lợi ích dài hạn. Tôi đoán rằng bạn đã có ít nhất một cam kết dài hạn mà bạn có thể nhìn lại với đầy sự thỏa mãn.

Vậy thách thức của tôi dành cho bạn đó là hãy dành một năm để thay đổi trọn vẹn những năm tháng còn lại của cuộc đời bạn. Mặc dầu vậy tôi tin rằng việc tập trung vào một năm là rất quan trọng bởi vì có nhiều điều bạn có thể thực hiện trong một năm nhưng không thể duy trì trong nhiều năm. Và có nhiều điều bạn có thể trì hoãn trong một năm nhưng không thể trì hoãn lâu hơn. Chính vì thế thách thức ở đây không phải là mãi mãi.

Thách thức kéo dài một năm, bao gồm năm yếu tố. Tôi xin thách thức bạn dành một năm tới đây để:

  1. Cầu nguyện cho cả thế giới;
  2. Đọc trọn bộ Kinh Thánh;
  3. Hy sinh tài chánh cho một mục đích cụ thể;
  4. Dành thời gian đi đến một nơi xa;
  5. Gắn kết với một cộng đồng hội thánh đang phát triển;

Tôi tin rằng – không, tôi biết rằng – nếu bạn giữ chặt các thách thức trên trong một năm, bạn sẽ nhận thấy cuộc sống sinh động như chưa bao giờ xảy ra trước đây. Bạn sẽ biết cảm xúc không thể nào sánh được khi trở thành một phần trong công tác Chúa tại nơi bạn đang sống và trên khắp thế giới. Bạn sẽ sẵn sàng từ bỏ mãi mãi những điều không xứng đáng của giấc mơ Mỹ và nắm lấy giấc mơ đẹp đẽ, trường tồn mà Đức Chúa Trời dành cho bạn.

Hãy đi chi tiết vào năm yếu tố dẫn bạn đến các kết quả trên.

 

Cầu nguyện cho cả thế giới

Tôi nhận ra rằng việc này thoạt tiên nghe có vẻ chung chung, mơ hồ, không rõ ràng, và thậm chí có phần bất khả thi. Có lẽ bạn nghĩ rằng: Liệu cá nhân tôi có thể thật sự cầu nguyện cho thế giới một cách cụ thể và có hiệu quả? Tôi xin trình bày ý muốn của tôi và lý do vì sao việc này lại quan trọng.

Trong một thế giới với hơn 4.5 tỷ người không tin Chúa và hơn một tỷ người trên bờ vực của cái chết vì thiếu lương thực, chúng ta cần phải bắt đầu một hành động nào đó. Vậy hành động đó là gì? Đức Chúa Giê-su cho chúng ta câu trả lời. Trong Ma-thi-ơ 9, chúng ta nhìn thấy đám đông vây quanh Đức Chúa Giê-su, Ngài động lòng thương xót vì họ “cùng khốn, và tan lạc như chiên không có kẻ chăn.” Vậy Đức Chúa Giê-su quay sang các môn đồ và phán rằng: “Mùa gặt thì thật trúng, song con gặt thì ít. Vậy, hãy cầu xin chủ mùa gặt sai con gặt đến trong mùa mình.”[112]

Những lời trên có khiến bạn bất ngờ? Chúng khiến tôi bất ngờ… bởi hai lý do. Thứ nhất, khi xung quanh Đức Chúa Giê-su là những người đau ốm, nghèo khổ và thiếu thốn, tôi nghĩ Ngài ngay lập tức sẽ truyền lệnh cho các môn đồ: “Phi-e-rơ, con hãy đến với người này. Giăng, con hãy chăm sóc cho người kia. Anh-rê, con hãy giúp đỡ người đằng kia.” Nhưng đó không phải là điều Đức Chúa Giê-su đã nói. Vâng, quả thực Đức Chúa Giê-su đã có những hướng dẫn cho các môn đồ như chúng ta đã phân tích ở chương 8 của quyển sách này. Tuy nhiên việc đầu tiên Chúa truyền dạy các môn đồ đó là họ phải cầu nguyện trước khi Ngài tiếp tục dạy họ làm bất cứ việc gì khác.

Bất ngờ hơn nữa đó là điều Đức Chúa Giê-su bảo các môn đồ phải cầu nguyện. Tôi nghĩ Đức Chúa Giê-su sẽ nói rằng: “Các con đã thấy nhu cầu. Mùa gặt thì thật trúng. Vậy hãy cầu nguyện cho những người cùng khốn kia. Hãy cầu nguyện cho họ.” Nhưng Chúa không nói vậy. Đức Chúa Giê-su không nói rằng hãy cầu nguyện cho con người hư mất. Ngược lại, Ngài dạy các môn đồ hãy cầu nguyện cho hội thánh.

Theo bạn tại sao khi Đức Chúa Giê-su nhìn thấy đám đông với những nhu cầu to lớn ở xung quanh thì Ngài quay sang các môn đồ và bảo các môn đồ hãy cầu nguyện cho chính họ? Câu trả lời thật giản dị. Khi Đức Chúa Giê-su nhìn thấy đoàn dân đông cùng khốn, hiển nhiên điều Ngài lo lắng không phải con người hư mất không được đến cùng Đức Chúa Cha. Ngược lại, điều Đức Chúa Giê-su lo lắng chính là các môn đồ của Ngài không đến với con người hư mất.

Hãy suy nghĩ về điều này. Sẽ ra sao nếu bạn và tôi áp dụng những lời này của Đức Chúa Giê-su vào một thế giới với hơn một tỷ người chưa từng nghe đến phúc âm? Một thực tại mang tính nền tảng ngay lập tức hiện ra: chúng ta không cầu nguyện. Đây là câu trả lời duy nhất cho câu hỏi tại sao nhu cầu thì quá lớn mà những người thực hiện công việc Chúa thì quá ít. Đám đông đang chờ đợi lắng nghe, và nhu cầu cấp thiết nhất của chúng ta đó là cầu nguyện xin Chúa của mùa gặt sai phái Cơ Đốc nhân đến với cánh đồng.

Đây là một bước mà rất có thể bạn và tôi đã bỏ sót và cũng là điều nguy hiểm nhất nếu bị lơ là. Qua phúc âm, chúng ta nhận thấy mình không xứng đáng và cũng không đủ khả năng để hoàn thành bất kỳ điều gì có giá trị đời đời nếu không nhờ năng quyền của Đức Chúa Trời. Chúng ta đang lập kế hoạch, lên chiến lược, sử dụng nhân sự, tuy nhiên để vâng phục Đấng Christ cách trọn vẹn buộc chúng ta phải là một dân tộc cầu nguyện.

Không lâu trước đây một người bạn của tôi đã đến Hàn Quốc và ở lại ít tuần, đây là một đất nước chứng kiến sự bùng nổ đạo Chúa trong những năm gần đây. Một số người ước tính rằng gần một nửa dân số Hàn Quốc đã tiếp nhận Chúa trong thế kỷ trước. Lãnh đạo hội thánh rất quan tâm đến năng quyền của Đức Chúa Trời qua lời cầu nguyện và đó là lý do cho sự vực dậy tâm linh xảy ra rộng khắp trên đất nước này.

Một buổi sáng nọ khoảng bốn giờ tại khách sạn, bạn của tôi bị đánh thức bởi âm thanh lớn bên ngoài. Anh bối rối tiến đến cửa sổ, kéo tấm màn và nhìn thấy một sân vận động chật kín người. Anh tự hỏi: Người Hàn Quốc chơi môn thể thao gì lúc bốn giờ sáng? Cảm thấy nản lòng, anh trở lại giường và cố gắng ngủ mặc cho tiếng ồn từ sân vận động phía bên kia đường.

Sáng hôm đó anh xuống sảnh khách sạn và hỏi viên quản lý về sự kiện thể thao đã xảy ra tại sân vận động. Viên quản lý khách sạn đáp: “Thưa ông, đó không phải là một sự kiện thể thao. Đó là một buổi nhóm cầu nguyện của hội thánh.”

Bạn và tôi đang sống trong một nền văn hóa mà tại đó chúng ta hội họp nhiều giờ liền tại sân vận động hoặc quanh chiếc TV để theo dõi mấy chàng trai chạy quanh một mảnh sân, trên tay cầm một chiếc banh bằng da heo và cố gắng vượt qua vạch trắng ở cuối sân. Chúng ta bày tỏ sự phấn khích, cảm xúc và tình yêu dành cho môn bóng bầu dục cũng như những môn thể thao khác, và điều này dấy lên một câu hỏi: sẽ ra sao nếu hội thánh cũng cầu nguyện với nhiệt huyết giống như thế? Sẽ ra sao nếu tình yêu của chúng ta dành cho Đức Chúa Giê-su vượt trội hơn những điều tầm thường hời hợt, những điều đã chiếm lấy sự chú ý của chúng ta? Sẽ ra sao nếu chúng ta dành nhiều thời gian trước Chúa để cầu thay cho hội thánh, cho những người chưa tin, và cho những người nghèo khó trên thế giới?

Dĩ nhiên Thử Nghiệm Nguyên Lý Cơ Bản không nhất thiết phải bắt đầu tại sân vận động. Thử nghiệm này có thể bắt đầu tại phòng khách hoặc gian phòng thay đồ mà bạn dành để cầu nguyện. Bất cứ nơi đâu cũng có thể là nơi bạn kết nối hành động cầu nguyện với mục đích của Đức Chúa Trời dành cho thế giới.

Tuy nhiên, hãy quay trở lại với câu hỏi của tôi: liệu những cá nhân như bạn và tôi có thể thật sự cầu nguyện cách đặc biệt cho cả thế giới? Câu trả lời là có.

Nhiều năm trước tôi được giới thiệu một quyển sách vô giá có tựa đề Operation World của tác giả Patrick Johnstone, quyển sách này tạo nên cuộc cách mạng cho đời sống cầu nguyện của tôi hơn bất cứ quyển sách nào khác ngoài Kinh Thánh. Quyển sách này chứa đựng những thông tin chi tiết về mỗi một quốc gia trên thế giới, trong đó có thông tin về các tôn giáo, cập nhật về hoạt động truyền giáo và những điều cần cầu thay cho mỗi quốc gia. Sách cũng có những hướng dẫn cầu nguyện để bạn có thể làm theo và trong một năm bạn có thể cầu nguyện cụ thể và có chủ đích cho tất cả các quốc gia trên thế giới. Sách cũng có một phiên bản dành cho trẻ em để sử dụng trong các gia đình, và mọi thông tin trong sách đều được cung cấp miễn phí trên Internet (www.operationworld.org)

Tôi xin giới thiệu với bạn về Ben và Jennifer, hai trong số rất nhiều phụ huynh trong hội thánh của chúng tôi đang sử dụng tài liệu này để cầu nguyện cách mạnh mẽ cho mục đích của Đức Chúa Trời được hoàn thành trên thế giới. Mỗi tối họ cùng hai con, bốn tuổi và hai tuổi, cầu nguyện cụ thể cho một quốc gia. Dần dần, cuộc sống của họ được tiếp cận với công việc Chúa khắp thế giới, và tấm lòng của họ được biến đổi theo như ý muốn Chúa dành cho các dân tộc. Jennifer nói rằng: “Đức Chúa Trời cho chúng tôi nhìn thấy những nhu cầu cụ thể của các dân tộc trên khắp thế giới. Gia đình của chúng tôi được thay đổi mỗi ngày và chúng tôi được chuẩn bị để dự phần vào sứ mệnh của Ngài.”

Cầu nguyện không phải là một hành động thuộc bề nổi, không quyết liệt, nhưng hãy ghi nhớ lịch sử hội thánh. Chỉ một thế kỷ trước, lời cầu nguyện của một người, Evan Roberts (1878-1951), đã thúc giục cuộc phấn hưng tại xứ Wales với khoảng một trăm nghìn người tiếp nhận Chúa chỉ trong một vài tháng. Sự ảnh hưởng lan xa khỏi xứ Wales. Một phong trào toàn cầu được khơi dậy giữa dân sự Chúa, và Cơ Đốc nhân bắt đầu truyền giáo khắp thế giới. Nhiều năm sau đó, số Cơ Đốc nhân tại Indonesia tăng gấp ba. Tại Ấn Độ, số Cơ Đốc nhân tăng hơn mười sáu lần so với số tín hữu Hindu. Khắp thế giới chứng kiến sự tuôn đổ Thánh Linh của Đức Chúa Trời.

Lời cầu nguyện có thể tạo ra những tác động to lớn hơn những gì chúng ta có thể tưởng tượng. Vậy lời cầu nguyện của bạn có thể làm được điều gì khi được Chúa ban năng quyền?

Kết lại, khía cạnh đầu tiên của Thử Nghiệm Nguyên Lý Cơ Bản đó là cầu nguyện cho thế giới trong một năm. Tôi xin thách thức bạn hãy cầu nguyện một cách có chủ đích, cụ thể và mạnh mẽ cho ý muốn của Đức Chúa Trời được hoàn thành trên khắp thế giới.

 

Đọc trọn bộ Kinh Thánh

Thách thức thứ hai của Thử Nghiệm Nguyên Lý Cơ Bản đó là đọc trọn Kinh Thánh. Và tôi chỉ muốn thế. Hãy đọc toàn bộ Kinh Thánh một cách có hệ thống – từ Sáng Thế Ký 1:1 đến Khải Huyền 22:21 và tất cả 31.101 câu Kinh Thánh còn lại – trong vòng một năm.

Các anh chị em trong đức tin trên khắp thế giới thường phải liều tính mạng của họ để nhóm lại, lắng nghe và hiểu biết về Lời Chúa. Nếu bạn và tôi muốn cùng họ vâng phục Đấng Christ cách trọn vẹn, chúng ta cần bắt đầu với quyển Kinh Thánh mở ra và một tâm trí đón nhận. Đã quá lâu chúng ta thỏa mãn với phiên bản “Kinh Thánh nhanh gọn,” cả cá nhân lẫn cộng đồng đức tin. Chúng ta đã chấp nhận một Đạo Cơ Đốc ít suy ngẫm Lời Chúa mỗi ngày, thêm vào những lời dạy từ hội thánh là đầy dẫy những câu chuyện mang tính giải trí và những quan điểm xưa cũ để trở nên một người tốt và sống tốt hơn trong thế kỷ hai mươi mốt.

Trong khi đó, chúng ta nắm giữ Lời vô ngộ của Đức Chúa Trời trong tay, và Lời Chúa cần được ưu tiên hàng đầu trong đời sống, gia đình, nhóm nhỏ và hội thánh. Chúng ta có nhận ra cuộc chiến đang diễn ra xung quanh không? Đức Chúa Trời chân thật muốn mọi người quì dưới chân Đấng Cứu Rỗi yêu thương, nhưng cũng có những thần giả dối muốn mọi người bị thiêu đốt nơi hỏa ngục.[113] Cuộc chiến rất gay gắt, và chúng ta không thể chiến đấu chỉ với một vài suy ngẫm về lời Chúa mỗi ngày hoặc bằng những ý hay từ bài giảng ngày Chủ Nhật. Chúng ta cũng không thể chiến đấu cuộc chiến này khi tâm trí chứa đầy chương trình giải trí ngớ ngẩn trên TV, DVD, các trò chơi điện tử và trên mạng Internet. Nếu bạn và tôi muốn cho xã hội của chúng ta và những nền văn hóa trên khắp thế giới thấm nhuần phúc âm thì tâm trí của chúng ta rất cần phải được chìm ngập trong Lời Chúa.

Đến đây chúng ta có rất nhiều cách để đọc Kinh Thánh. Chỉ cần tìm nhanh trên mạng Internet, chúng ta sẽ thấy rất nhiều kế hoạch đọc Kinh Thánh. Một số người sẽ đọc Kinh Thánh từ đầu đến cuối. Một số khác sẽ đọc theo trình tự lịch sử. Một số người khác mỗi ngày đọc nhiều phần Kinh Thánh khác nhau theo chủ đề. Một số kế hoạch đọc đòi hỏi phải thực hiện việc đọc mỗi ngày, trong khi một số khác thì dành một số ngày trống để “bắt kịp kế hoạch” nếu có những ngày bạn bỏ lỡ việc đọc Kinh Thánh. Kế hoạch đọc thích hợp với những người khác có thể sẽ không thích hợp với bạn. Mục tiêu rất đơn giản, đó là đọc Kinh Thánh. Dù bạn chọn kế hoạch đọc nào đi nữa – hãy đọc Kinh Thánh.

Tôi muốn đặc biệt nhấn mạnh vào điểm này trong Thử Nghiệm Ảnh Hưởng Sâu Rộng. Thị trường Cơ Đốc ngày nay có đầy những sách – sách tốt có, sách không tốt cũng có. Thành thật mà nói, tôi đã do dự khi viết quyển sách này, bởi vì khi nhìn vào các hiệu sách Cơ Đốc tôi tự hỏi: chúng ta có thật sự cần thêm một quyển sách? Tôi cho rằng chỉ có thời gian mới trả lời cho câu hỏi trên, tuy nhiên thời gian đã minh chứng cho một Quyển Sách.

Bởi ân điển lớn lao, Đức Chúa Trời đã chọn để ban cho chúng ta những mặc khải về chính Ngài qua Kinh Thánh. Và đây là Quyển Sách duy nhất mà Đức Chúa Trời bởi Đức Thánh Linh đã hứa sẽ biến đổi bạn và tôi trở nên giống như hình ảnh của Đức Chúa Giê-su Christ. Đây là Quyển Sách duy nhất mà Chúa hứa sẽ sử dụng để khiến tấm lòng, tâm trí và đời sống của chúng ta trở nên một với Ngài. Tôi không nói rằng Đức Chúa Trời không sử dụng hoặc không ban phước cho những quyển sách khác trong lịch sử Cơ Đốc, nhưng chỉ có một Quyển Sách mà Chúa bởi Đức Thánh Linh đã soi dẫn một cách hoàn hảo để hoàn thành mục đích của Ngài. Khi bạn và tôi mở Kinh Thánh, chúng ta được nhìn xem chính Lời của Đức Chúa Trời – những lời có năng quyền siêu nhiên để cứu chuộc, đổi mới, làm khỏe mạnh và phục hồi đời sống của chúng ta theo như ý định ban đầu của Chúa.

Đây chính là lý do tôi tin rằng đọc sách Lê-vi ký còn quan trọng hơn đọc một quyển sách Cơ Đốc tốt nhất từng được xuất bản, bởi vì sách Lê-vi ký có một phẩm chất và có thể tạo ra một tác động mà không quyển sách nào trên thị trường Cơ Đốc có thể so sánh được. Nếu chúng ta muốn biết sự vinh quang của Đức Chúa Trời, nếu chúng ta muốn trải nghiệm sự tốt đẹp của Chúa, và nếu chúng ta muốn được bàn tay của Chúa sử dụng, thì chúng ta phải sống trong Lời Chúa.

Tôi nhận ra rằng hai bước đầu tiên trong Thử Nghiệm Nguyên Lý Cơ Bản nghe có vẻ thất vọng y như việc chúng ta bị đẩy từ đỉnh núi xuống vực sâu. Điều gì được ảnh hưởng sâu rộng  khi cầu nguyện và đọc Kinh Thánh? Nếu nhìn từ sự thiếu thốn tâm linh và hiểu biết Kinh Thánh tại các hội thánh ngày nay, tôi cho rằng hai điều trên là bước tiến thật quan trọng. Nhưng ở một khía cạnh sâu hơn, hãy suy nghĩ sẽ ra sao nếu trong một năm bạn cầu nguyện cho thế giới và đồng thời đọc toàn bộ Kinh Thánh. Sau một năm cầu nguyện và học Kinh Thánh, đời sống của bạn sẽ hoàn toàn khác. Tôi biết điều này bởi vì qua sự cầu nguyện và đọc lời Chúa, Ngài hứa thay đổi tấm lòng và tâm trí của chúng ta trở nên giống như Ngài.[114] Trong cuộc tìm kiếm những điều phi thường, chúng ta thường bỏ sót tầm quan trọng của những điều bình thường, và tôi cho rằng một lối sống ảnh hưởng sâu rộng cần bắt đầu từ một cam kết phi thường với những thói quen bình thường nhưng đã ghi dấu cho những Cơ Đốc nhân vĩ đại đã tác động lớn lao đến thế giới suốt trong lịch sử.

Đời sống của bạn sẽ được biến đổi như thế nào, bạn sẽ gây được ảnh hưởng sâu rộng như thế nào khi tâm trí và tâm linh của bạn được thấm nhuần trong Lời Chúa mỗi ngày? Đây chính là yếu tố thứ hai của thử nghiệm: đọc trọn Kinh Thánh trong một năm.

 

Hy sinh tài chánh cho một mục đích cụ thể

Hãy lưu ý, tôi không dùng từ “bố thí”; nhưng tôi dùng từ “hy sinh.” Việc này không dễ dàng, tuy nhiên phần thưởng mà hành động này đem lại không thể nào so sánh được – không chỉ dành cho người tiếp nhận sự hy sinh của bạn, nhưng cũng cho chính bạn.

Bạn hiểu rằng, tiền của ở đâu thì tấm lòng của chúng ta ở đó.[115] Như chúng ta đã thấy ở chương 6, đây là một thực tại nguy hiểm đối với Cơ Đốc nhân Mỹ và là một điểm mù trong Cơ Đốc Giáo tại Hoa Kỳ. Chúng ta là một dân tộc thịnh vượng trong một thế giới nghèo khó. Nếu chúng ta chỉ có thu nhập mười nghìn đô-la một năm thì chúng ta vẫn giàu hơn 84 phần trăm dân số thế giới, và nếu chúng ta kiếm được năm mươi nghìn đô-la một năm thì chúng ta đã giàu hơn 99 phần trăm dân số thế giới. Trong khi đó, hơn một tỷ người đang đang sống trong cảnh nghèo khó, thiếu thức ăn, nước uống, quần áo và chỗ ở. Vậy làm cách nào chúng ta chiến đấu chống lại chủ nghĩa vật chất để cuộc sống – và tiền bạc của chúng ta – được sử dụng cho điều quan trọng nhất đối với Chúa?

Trong phần thảo luận bao nhiêu là đủ, chúng ta đã khám phá làm cách nào thiết lập một giới hạn cho mức sống. Chúng ta đã suy nghĩ làm thế nào phân biệt giữa điều thiết yếu và xa xỉ nhằm giảm thiểu những thứ xa xỉ và ban cho để đáp ứng những nhu cầu lớn lao xung quanh. Chúng ta đã tìm hiểu về John Wesley, một tấm gương trong lịch sử, một người đã thiết lập giới hạn cho mức sống để đáp ứng những nhu cầu to lớn xung quanh ông. Vậy việc này sẽ xảy ra như thế nào cho cuộc sống của bạn ngày nay?

Sẽ ra sao nếu một năm tới đây bạn thiết lập giới hạn cho mức sống của mình? Sẽ ra sao nếu trong năm tới đây bạn cố gắng giảm thiểu những thứ xa xỉ? Việc này bao gồm bán đi những món đồ xa xỉ trong hiện tại hoặc không mua những thứ xa xỉ khác hoặc hy sinh những điều mà bạn đang có.

Tôi xin nhấn mạnh rằng đây sẽ là cam kết trong một năm. Tôi nói thế bởi vì sẽ có những khoản chi tiêu mà bạn có thể trì hoãn trong một năm nhưng không thể trì hoãn trong mười năm. Có những điều mà bạn có thể không cần đến trong một năm nhưng bạn sẽ cần đến nó trong giai đoạn dài hơn. Nhưng bạn (hoặc gia đình bạn) sẽ như thế nào trong một năm tới khi hy sinh vì sự vinh quang của Đấng Christ qua việc đáp ứng những nhu cầu cấp bách và cụ thể trong thế giới này?

Một lần nữa, từ khóa tại đây đó là hy sinh. Thử thách không chỉ là cho đi những điều dư thừa mà bạn không cần đến. Đó không phải là hy sinh. Hy sinh là cho đi những điều mà bạn cảm thấy khó có thể cho đi. Hy sinh không phải là cho đi theo khả năng; nhưng vượt hơn khả năng của bạn.

Khi bạn hy sinh, câu hỏi tiếp theo đó là bạn sẽ hy sinh cho ai. Dĩ nhiên tôi không muốn đề nghị cụ thể đối tượng để bạn gửi số tiền thiện nguyện, nhưng tôi sẽ đưa ra một số yếu tố quan trọng để bạn quyết định sẽ gửi đi đâu và gửi như thế nào.

Thứ nhất, hãy dành số tiền của bạn cho việc nào có phúc âm làm trọng tâm. Có rất nhiều tổ chức giúp đáp ứng nhu cầu cụ thể nào đó trên thế giới, tuy nhiên nhu cầu lớn nhất của con người đó là Đấng Christ. Nếu chỉ đáp ứng nhu cầu thuộc thể tạm thời mà không phục vụ nhu cầu tâm linh đời đời thì đánh mất điều cốt lõi của việc ban cho theo Kinh Thánh.

Thứ hai, và liên quan đến vấn đề thứ nhất, hãy ban cho theo cách lấy hội thánh làm trọng tâm. Chúng ta sẽ bàn đến việc này sâu hơn về sau, nhưng nói một cách ngắn gọn, thật không khôn ngoan khi bỏ qua cơ quan chủ yếu của Đức Chúa Trời trong việc đem sự cứu rỗi đến với thế giới bằng cách đáp ứng nhu cầu của thế giới. Và cơ quan chủ yếu của Chúa chính là hội thánh.

Thứ ba, hãy ban cho một nhu cầu cụ thể, hữu hình. Ví dụ, nếu bạn hy sinh tiền bạc để “ban cho người nghèo” nói chung, bạn sẽ thiếu mất khía cạnh về nhu cầu là nguyên cớ cho việc bạn phải hy sinh để ban cho. Về việc này, hãy ban cho một người hoặc một điều gì đó mà cá nhân bạn có thể tiếp tục đi cùng họ. Càng gắn kết với nhu cầu thì bạn càng có thể bày tỏ phúc âm cho người khác một cách đích thực. Chính vì thế tốt nhất hãy kết nối việc ban cho với sự ra đi.

Cuối cùng, hãy ban cho một người hoặc một điều gì đó mà bạn tin tưởng. Chúng ta đều biết về vấn đề lạm dụng công tác thiện nguyện trong xã hội, và với cương vị là quản gia các nguồn tài nguyên của Chúa, chúng ta có trách nhiệm trao phó sự ban cho của mình cho những người quản lý cách chính trực. Đồng thời, tôi cũng khích lệ bạn hãy ban cho một cách lâu dài. Có những phương cách khôn ngoan và kém khôn ngoan khi giúp đỡ người nghèo. Nếu không cẩn thận, chúng ta sẽ tiêu tốn những nguồn lực của mình vào các dự án ngắn hạn nhưng không đem lại hiệu quả dài hạn. Sẽ khôn ngoan nếu chúng ta chi tiêu vào dự án đáp ứng cho những nhu cầu dài hạn thay vì những dự án thỏa mãn nhu cầu ngắn hạn.

Đây là yếu tố thứ ba của Thử Nghiệm Nguyên Lý Cơ Bản. Trong một năm, hãy hy sinh tiền của – từng đồng một – dành trọn cuộc sống của bạn cho một nhu cầu thuộc thể, thuộc linh khẩn cấp và cụ thể.

 

Dành thời gian đi đến một nơi xa

Ban cho để đáp ứng một nhu cầu là rất quan trọng, nhưng trực tiếp ra đi đến với những con người ở bên ngoài lại càng quan trọng hơn. Việc này dẫn chúng ta đến với khía cạnh thứ tư của Thử Nghiệm Nguyên Lý Cơ Bản. Đây chính là bước động chạm đến cá nhân bạn. Đây chính là nơi tấm lòng của bạn được động chạm, có thể theo cách bạn chưa từng cảm thấy trước đây.

Tôi không biết bạn đã từng đi đâu xa nhà chưa, có thể là một chuyến đi bằng ô-tô hoặc máy bay, nhằm chia sẻ phúc âm hoặc nhân Danh Đấng Christ chăm sóc cho những người thiếu thốn. Dù bạn đã từng thực hiện chuyến đi đó hay chưa, bạn cần phải thực hiện một chuyến đi như vậy trong năm tới đây để trọn vẹn bước vào kế hoạch mà Đức Chúa Trời dành cho bạn. Tôi biết sẽ có những người phản đối, song họ đã thất bại trước thực tại.

Tôi còn nhớ khi đang chuẩn bị cho chuyến đi đến Sudan, một đất nước bị tàn phá bởi cuộc nội chiến. Chuyến đi sẽ tiêu tốn của tôi khoảng ba nghìn đô-la. Không dễ để đến Sudan bởi chiến tranh vẫn đang xảy ra, và chúng tôi phải thuê một chiếc máy bay và tiêu tốn thêm một vài ngày. Tôi còn nhớ một quý cô trong hội thánh đã đến với tôi và hỏi: “Tại sao mục sư không gửi ba nghìn đô-la đến Sudan? Chẳng phải cách đó hay hơn là mất một tuần rưỡi với những người tại Sudan sao? Mục sư hãy suy nghĩ số tiền đó sẽ ích lợi như thế nào.”

Tôi đã đấu tranh với câu hỏi ấy. Phải chăng tôi đang lãng phí nguồn quỹ cho việc ra đi trong khi tôi chỉ cần gửi số tiền ấy đến đối tượng cần giúp? Thậm chí tôi có nên đi hay không? Tôi tiếp tục tranh đấu với câu hỏi ấy cho đến khi tôi đặt chân đến Sudan. Tại đó tôi đã nói chuyện với Andrew, anh đã giúp tôi phần nào trả lời cho câu hỏi trên.

Andrew chia sẻ với tôi về cuộc sống của anh tại Sudan trong hơn hai mươi năm qua. Anh đã biết đến chiến tranh từ khi sinh ra, và anh kể về những điều đau khổ và bắt bớ mà dân tộc của anh trải qua. Anh kể cho tôi về nhiều nhóm người, đa số là các tổ chức thế tục và chính quyền, những người đã tiếp tế cho đồng bào của anh trong thời gian chiến tranh, và anh bày tỏ lòng biết ơn đối với những ai đã rộng lòng giúp đỡ.

Nhưng khi anh nhìn tôi và hỏi: “Kể cả khi người ta đã giúp đỡ chúng tôi, mục sư có muốn biết làm thế nào chúng tôi biết được ai là anh em thật không?”

Tôi nghiêng người tới trước và hỏi: “Làm sao?”

Anh đáp: “Người anh em thật sẽ đến với bạn trong lúc khốn khó.” Rồi anh nhìn vào mắt tôi và nói: “Mục sư David, ông mà một người anh em thật. Cảm ơn mục sư đã đến với chúng tôi.”

Nước mắt ứa đầy trong đôi mắt khi tôi nhìn thấy phúc âm ở một khía cạnh thật sự mới mẻ. Tôi lập tức nhớ rằng khi Đức Chúa Trời chọn đem sự cứu rỗi đến với bạn và tôi, Ngài đã không gửi vàng bạc, tiền mặt hoặc ngân phiếu. Chúa đã sai chính Ngài – Đức Chúa Con. Trước đó tôi còn nghĩ rằng tôi nên gửi tiền thay vì đi đến Sudan. Làm cách nào tôi có thể bày tỏ phúc âm đến với thế giới nếu tất cả những gì tôi gửi đi chỉ là tiền bạc? Phải chăng tôi đã suy nghĩ hời hợt khi cho rằng tiền bạc của tôi là câu trả lời cho những nhu cầu trong thế giới?

Chu cấp tài chánh không phải là tất cả để hoàn thành mục đích toàn cầu của Đức Chúa Trời. Chính chúng ta phải ra đi. Đây chính là biểu trưng và cũng là đòi hỏi của phúc âm.

Vậy chúng ta sẽ ra đi như thế nào? Đối với mỗi một chúng ta, việc này rõ ràng bắt đầu tại gia đình. Dù bạn và tôi đang sống tại đâu, Chúa truyền cho chúng ta phải đi và tạo dựng môn đồ tại đó. Qua tấm gương Đức Chúa Giê-su, tác động chính của chúng ta đối với thế giới sẽ xảy ra khi chúng ta đào tạo môn đồ ở nơi chúng ta đang sống. Hãy nhớ rằng Đức Chúa Giê-su không đi đến mọi nơi trên thế giới khi Ngài còn tại thế, và Ngài đã không đến với mọi đoàn dân đông. Ngài đã dành cuộc sống của Ngài cho một vài người để họ tiếp tục đến với những đoàn dân đông mà Ngài không thể đến được. Chính vì vậy, gia đình, cộng đồng và thành phố của chúng ta là nơi quan trọng nhất và có những con người quan trọng nhất mà qua họ chúng ta sẽ tác động đến thế giới vì sự vinh quang của Đấng Christ.

Trong những năm gần đây, hội thánh của chúng tôi đã có một sự thay đổi rất nhỏ nhưng đầy quan trọng về cách suy nghĩ từ “ra đi.” Một thời gian dài trong quá khứ, chúng tôi đã cố gắng tổ chức và tập trung hóa nhiều mục vụ cộng đồng. Tuy nhiên vấn đề đó là chúng tôi càng khuyến khích và trang bị cho các tín hữu ra đi và đào tạo môn đồ thì càng khó để kiểm soát mọi công việc của họ. Đến khi đó, chúng tôi đã ngồi lại và nhận ra rằng chúng tôi không cần phải kiểm soát mọi hoạt động mà mỗi một tín hữu đang làm! Chính vì vậy chúng tôi đã phân hóa các mục vụ và tập trung vào việc truyền năng lực cho các anh chị em để họ bắt đầu, quản lý và lãnh đạo các mục vụ ở khắp thành phố của chúng tôi.

Kết quả thật tuyệt vời. Mỗi một thành viên trong các nhóm nhỏ bắt đầu nhìn vào những ân tứ, kỹ năng và khao khát của nhóm nhỏ và rồi cầu nguyện xin Chúa bày tỏ ý định của Ngài muốn sử dụng họ như thế nào để nhân cấp phúc âm qua việc đào tạo môn đồ trong cộng đồng xung quanh. Thay vì tổ chức một Trường Kinh Thánh Mùa Hè trong khuôn viên nhà thờ, các nhóm nhỏ ở khắp thành phố của chúng tôi bắt đầu tổ chức các câu lạc bộ Kinh Thánh kéo dài một tuần tại nhà của họ. Việc này đã khởi xướng cho một loạt các mục vụ khác. Giờ đây, mỗi tuần gia đình đức tin của chúng tôi đều hướng dẫn các nhóm học Kinh Thánh tại sở làm và tại gia, giúp đỡ người cai nghiện tại các trung tâm, cung cấp thức ăn cho người vô gia cư, dạy trẻ mồ côi tại các trung tâm học tập, chăm sóc cho các góa phụ tại những ngôi nhà dưỡng lão, chăm sóc y tế cho người lớn tuổi, huấn luyện kỹ năng công việc, dạy các bạn trẻ kỹ năng đọc sách, chăm sóc trẻ nhỏ tại các bệnh viện, giúp đỡ bệnh nhân AIDS, dạy tiếng Anh cho người nước ngoài, và làm nhiều công tác khác để nhân cấp phúc âm – và chúng tôi không phải sắp xếp tổ chức bất kỳ hoạt động nào! Không có việc gì bị giới hạn khi dân sự của Đức Chúa Trời được trang bị và được truyền năng lực để hoàn thành mục đích của Ngài ở nơi họ sống mỗi ngày.

Việc ra đi bắt đầu từ nơi chúng ta đang sống, nhưng không dừng lại tại đó, chính tại đây chúng ta đi đến yếu tố thứ tư của Thử Nghiệm Nguyên Lý Cơ Bản. Nếu một tỷ người chưa từng được nghe về phúc âm và hàng tỷ người khác vẫn chưa tiếp nhận phúc âm, thì chúng ta phải đến với họ. Đây không phải là một sự lựa chọn. Đây không phải là một sự kêu gọi nhưng là một mệnh lệnh. Vấn đề của một lời kêu gọi đó là địa điểm và thời gian chúng ta ra đi. Chúng ta sẽ không đi đến cùng một nơi, và cũng sẽ không ở lại cùng một khoảng thời gian như nhau. Nhưng rõ ràng ý muốn của Đức Chúa Trời dành cho chúng ta đó là đem phúc âm đến với mọi quốc gia.

Vậy thách thức thứ tư của Thử Nghiệm Nguyên Lý Cơ Bản là dành một khoảng thời gian trong năm tới để đem phúc âm đến một nơi bên ngoài thành phố của bạn. Tôi đề xuất bạn hãy lên kế hoạch dành ít nhất hai phần trăm thời gian của bạn cho nhiệm vụ này. Hai phần trăm đó tương đương một tuần lễ trong năm tới mà bạn sẽ đi xa và đem phúc âm đến một nơi khác, có thể là trong nước hoặc nước ngoài.

Tổng kết mỗi năm, các thành viên trong hội thánh của chúng tôi đều thực hiện thách thức này, và kết quả đó là vô số những lời chứng về nơi họ đã đến và những việc Chúa làm. Chúng tôi khám phá rằng hai phần trăm thời gian sống phúc âm ở một nơi xa có một tác động to lớn đến 98 phần trăm thời gian chúng ta sống phúc âm tại nơi ở.

Hầu như mọi Chủ Nhật đều có một người hoặc một nhóm người đến nói với tôi về những trải nghiệm của họ khi chia sẻ phúc âm tại một nơi xa. Một Chủ Nhật nọ, một nhóm người đã đến gặp tôi với nụ cười trên khuôn mặt. Họ vừa trở về từ Châu Mỹ La-tin. Hầu hết mọi người đều không quen biết nhau trước chuyến đi, nhưng giờ đây họ đều tay trong tay, tràn trề phấn khích về những công tác Chúa mà họ được chứng kiến.

Nhóm này quyết định rằng nếu họ có thể đi đến một nơi xa để cùng nhau chia sẻ phúc âm thì họ cũng có thể cùng làm việc đó tại cộng đồng của họ. Vậy họ bắt đầu gặp nhau hằng tuần và thường kỳ đi đến một dự án nhà ở tại khu vực nội đô, tại đó họ có thể tổ chức những bữa tiệc ngoài trời. Mặc dù vậy, họ nhanh chóng nhận ra rằng để đào tạo môn đồ tại khu vực nội đô thì việc thi thoảng đi đến đó là chưa đủ. Vậy họ quyết định chuyển buổi gặp mặt nhóm nhỏ vào dự án nhà ở, tại đó họ tập trung thân hữu lại để học Kinh Thánh mỗi tuần. Những ngày sau đó, họ mở ra nhiều mục vụ cho trẻ em trong khu vực và chứng kiến nhiều người đến với Chúa, những người từng bị vướng vào ma túy hoặc bạo lực. Sự nhân cấp phúc âm tại Châu Mỹ La-tin đã dẫn dến sự nhân cấp phúc âm tại nội đô Birmingham, Alabama. Không phải là một trong hai, nhưng là cả hai!

Câu chuyện không dừng lại tại đó. Bông trái của nhóm nhỏ này tiếp tục phát triển xa hơn khi một số thành viên đã thành lập một tổ chức giúp đỡ cho các sinh viên nghèo có cơ hội được học Đại Học – Cao Đẳng và được lớn lên trong Đấng Christ, và theo lời của họ, giúp các em được trang bị để “đi khắp thế giới nhân cấp phúc âm qua công tác đào tạo môn đồ.” Một gia đình khác đã tiếp nhận một người vô gia cư nhằm giúp đỡ ông có thể đứng trên chân mình.

Tóm lại, tác động nhân cấp của công tác đào tạo môn đồ trên khắp thế giới không bao giờ có điểm dừng. Khi một nhóm người quyết định dành 2 phần trăm cuộc sống của họ để đem phúc âm đến một nơi xa trên thế giới, họ không hề biết rằng 98 phần trăm còn lại đã được thay đổi như thế nào tại chính nơi họ đang sống.

Tôi tin rằng khi chúng ta mở lòng cho mục đích toàn cầu của Đức Chúa Trời thì Ngài sẽ bày tỏ cho chúng ta thấy điều chúng ta chưa từng thấy và đưa chúng ta đến những nơi chúng ta chưa từng đến. Chúng ta sẽ nhận ra rằng Đức Chúa Trời đã ban các ân tứ, kỹ năng và sự đam mê mà Ngài muốn sử dụng theo những cách độc nhất trên khắp thế giới. Tôi nghĩ về Adam, một người rất xuất sắc trong công việc điều hành một công ty sản xuất xe lăn tại Alabama nhưng anh cũng đi đến Romania để gửi tặng xe lăn cho những người tàn tật nghèo. Tôi nghĩ về Darryl, người làm việc xây dựng tại quê nhà và sau đó đi đến Ecuador để xây nhà cho những gia đình nghèo. Tôi nghĩ về Will, một cựu chiến binh nhưng cũng đi đến một khu bảo tồn đang gặp khó khăn tại Arizona để giúp chăm sóc cho đàn gia súc.

Tôi nghĩ về Andrea. Cô là một sinh viên Đại Học nhưng thú nhận rằng cô không yêu thích môi trường học tập. Khi tốt nghiệp phổ thông, cô lập tức muốn đi đến một đất nước khác. Theo lời cô nói: “Con không muốn vào Đại Học bởi vì con nghĩ điều đó thật phí thời gian. Quan trọng nhất, rất nhiều người đang chết mà không có Đấng Christ, và con không muốn phí thời gian cho giáo dục.” Cha mẹ của cô đã rất khôn ngoan khi thuyết phục cô học tại một trường ở Alabama, cách xa Châu Á hoặc Châu Phi, nơi mà cô thật sự muốn đến.

Andrea luôn đấu tranh với tính thiết thực của những gì cô được học tại trường cho đến một ngày trong buổi nhóm thờ phượng chúng tôi đã nói về nhu cầu của người Bedouin, hầu hết dân tộc này chưa được nghe về phúc âm, và điều này hoàn toàn ăn khớp với Andrea. Cô được đến trường là để chuẩn bị cho người Bedouin. Ngay khi có thể, cô đã đăng ký lớp học tiếng Ả Rập. Không lâu sau, cô gửi e-mail cho tôi nói rằng cô sẽ dành một học kỳ học tiếng Ả Rập tại Trung Đông, tại đó cô sẽ có cơ hội tiếp cận với người Bedouin. Cô viết rằng: “Con muốn thông tin đến mục sư rằng hội thánh Brook Hills sẽ đến với người Bedouin trong học kỳ tới đây và con sẽ có cơ hội để nói với họ về Đức Chúa Giê-su.”

Sẽ ra sao nếu tất cả chúng ta đều nhìn vào nghề nghiệp và lĩnh vực chuyên môn của mình không hoàn toàn chỉ là một phương tiện kiếm sống hoặc con đường phát triển sự nghiệp trong xã hội nhưng là một nền tảng để công bố phúc âm trên khắp thế giới. Hãy suy nghĩ sẽ ra sao nếu hội thánh không chỉ sai phái các giáo sĩ truyền thống đi khắp thế giới nhưng cũng có doanh nhân, giáo viên, sinh viên, bác sĩ, chính trị gia, kỹ sư và kỹ thuật viên, những người đang sống, chia sẻ phúc âm ở những nơi mà các giáo sĩ truyền thống không thể đến được.

Nếu chúng ta không cẩn thận, 2 phần trăm cam kết này thậm chí sẽ biến thành 98 phần trăm thời gian của chúng ta dành ở một nơi xa và chúng ta chỉ quay trở về Hoa Kỳ 2 phần trăm mỗi năm. Vấn đề không nằm ở chỗ chúng ta sẽ đi đâu, đi đến đó như thế nào, hoặc sẽ đi trong bao lâu. Điều quan trọng đó là chúng ta cần phải ra đi.

Vậy bạn sẽ đi đâu? Bạn sẽ để Chúa dẫn dắt bạn như thế nào? Thách thức đó là bạn, cá nhân bạn hoặc gia đình bạn, sẽ dành 2 phần trăm thời gian trong năm tới để đem phúc âm đến một nơi xa trên thế giới.

 

Gắn kết với một cộng đồng nhân cấp.

Thành tố cuối cùng của Thử Nghiệm Nguyên Lý Cơ Bản đó là cam kết tham gia vào một cộng đồng nhân cấp. Tôi xếp thách thức này ở vị trí cuối cùng bởi vì đây là nơi hội tụ của bốn thách thức trước. Như chúng ta đã khám phá ở chương 5, mệnh lệnh đào tạo môn đồ của Đấng Christ là một lời mời để chúng ta dành cuộc sống mình cho những người khác. Đức Chúa Trời tạo dựng chúng ta trở thành một cộng đồng, và cộng đồng đó gọi là hội thánh. Là thành viên của một cộng đồng đức tin đầy sức sống, bạn sẽ được hỗ trợ và khích lệ để có thể từ bỏ trọn vẹn cho Đức Chúa Giê-su.

Quả là một vinh dự lớn lao khi chúng ta là một phần của hội thánh vô hình, là thân thể Đấng Christ trên khắp thế giới, được hiệp nhất với các anh chị em trên khắp thế giới và xuyên suốt lịch sử cộng đồng thiên thượng. Tuy nhiên Tân Ước cũng dạy rằng chúng ta thuộc về một hội thánh hữu hình, một cộng đồng địa phương trong thân thể của Đấng Christ, cùng hội họp với các anh chị em tại một địa điểm cụ thể nơi mà chúng ta sống bởi đức tin qua những sự gắn bó mà chúng ta dành cho nhau. Bởi ý định của Chúa, hội thánh địa phương tác động đến mọi mặt đời sống Cơ Đốc của chúng ta.

Chúng ta cầu nguyện cho cả thế giới, nhưng chúng ta không cầu nguyện một mình. Chúng ta cầu nguyện rằng: “Lạy Cha chúng con ở trên trời…” Lời cầu nguyện của chúng ta hoàn toàn gắn kết với một cộng đồng đức tin rộng lớn, một cộng đồng mà chúng ta thuộc về. Chúng ta đọc toàn bộ Kinh Thánh, nhưng chúng ta cần có nhau để hiểu được Kinh Thánh, học và áp dụng Lời Chúa. Chúng ta hy sinh tiền của cho một mục đích cụ thể, và chúng ta dành thời gian đi đến một nơi xa, nhưng chúng ta không phải là những người bảo vệ rừng đơn độc cố gắng hoàn thành mục đích của Chúa. Việc dâng hiến và ra đi cần phải gắn chặt với sự nhân cấp phúc âm thông qua hội thánh.

Chính vì vậy, nếu bạn hiện không phải là một thành viên có kết ước, tích cực và tận hiến của một hội thánh địa phương thì Thử Nghiệm Nguyên Lý Cơ Bản đòi hỏi bạn cần phải gắn kết với một cộng đồng đức tin. Qua quyển sách này, chúng ta đã thấy sự vâng phục Đấng Christ cách trọn vẹn tác động đến cách hội thánh địa phương hoạt động như thế nào. Hội thánh địa phương được tạo dựng không chỉ để lắng nghe mục sư phát biểu. Mục đích của hội thánh không chỉ để mỗi cá nhân đi theo Đấng Christ nhưng cũng để họ gắn kết với nhau trong một cộng đồng đức tin, từ chối bản thân, vác thập tự giá và theo Chúa.

Sau khi người trai trẻ giàu có ở Mác 10 rời khỏi Đức Chúa Giê-su để trở về với tài sản của anh, Đức Chúa Giê-su nhìn các môn đồ và phán với họ rằng vài người trong số họ sẽ đánh mất gia đình vì cớ theo Chúa. Nhưng rồi Ngài phán rằng họ sẽ được nhận lại nhiều hơn những gì trước đó họ đã có về anh em, chị em, mẹ con, và có chung một Cha trên trời. Đây là bức họa thật tuyệt vời về gia đình và là một lời nhắc nhở thật rõ nét về vẻ đẹp của cộng đồng Tân Ước.

Sự thật đó là chúng ta cần một cộng đồng để có thể trọn vẹn vâng theo Đấng Christ. Chẳng hạn như, tôi tin rằng nhiều người trong số chúng ta không quyết tâm trong việc ban cho không phải bởi vì chúng ta yêu tiền của, nhưng bởi vì chúng ta sợ sự cô độc. Nếu lối sống đơn giản, có sự ảnh hưởng sâu rộng mà Đức Chúa Giê-su nói đến được nhìn thấy rõ ràng ở hội thánh thì sẽ dễ dàng hơn cho chúng ta sống giống như thế. Nhưng nếu chúng ta nhìn quanh và thấy mọi người đều có ô-tô đẹp, nhà cửa khang trang và lối sống xa hoa thì chúng ta sẽ cho rằng đây phải là chuẩn mực cho Cơ Đốc nhân. Có thể chúng ta được thuyết phục về lối sống Cơ Đốc khi đọc Kinh Thánh, nhưng khi chúng ta nhìn thấy các tín hữu khác, chúng ta sẽ cho rằng sống giống như mọi người cũng không thành vấn đề.

Chúng ta cần tham gia hội thánh để sống vâng phục Đấng Christ cách trọn vẹn. Thông qua hội thánh, chúng ta bày tỏ cho nhau thấy thế nào là sự ban cho rộng rời, ra đi gấp rút và sống trong sự nguy hiểm. Khi chúng ta hy sinh tiền của cho người nghèo rồi sau đó đối diện với những nhu cầu ngoài ý muốn, chúng ta cần có anh chị em để giúp đỡ. Thông quá trình này, chúng ta sẽ học cách giúp đỡ lẫn nhau theo như ý định của Đức Chúa Trời. Mục đích toàn cầu của Đấng Christ không dành cho một cá nhân riêng lẻ nào thực hiện. Chúng ta là một dân tộc toàn cầu và gia đình của chúng ta trải khắp các quốc gia. Chính vì thế điều đầu tiên và trước hết, tôi muốn khích lệ bạn hãy từ bỏ lối sống hời hợt với hội thánh trong một nền văn hóa coi trọng cái tôi để gắn kết cuộc sống của bạn với một dân tộc cần bạn và bạn cần họ.

Khi bạn đã gắn kết với một hội thánh địa phương, hoặc nếu bạn đã gắn kết với một hội thánh địa phương, hãy tìm một cách thức tốt nhất trong cộng đồng đức tin ấy để đào tạo môn đồ. Trong hội thánh mà tôi quản nhiệm, công tác đào tạo môn đồ chủ yếu thông qua các nhóm nhỏ – những người cam kết chia sẻ Lời Chúa cho những người chưa tin, bày tỏ và dạy dỗ Lời Chúa cho nhau, và cùng nhau phục vụ thế giới. Đức Chúa Giê-su ưu tiên những mối liên hệ trong việc đào tạo môn đồ, chính vì vậy chúng ta không thể coi những mối liên hệ ấy là thứ yếu trong cuộc sống Cơ Đốc.

Vậy ai là nhóm các môn đệ mà bạn sẽ gia nhập trong một năm Thử Nghiệm Nguyên Lý Cơ Bản? Bạn sẽ đi cùng ai đến cộng đồng và những nơi xa xôi? Bạn sẽ chia sẻ cuộc sống của Đấng Christ với ai qua việc bày tỏ cho họ thấy ý nghĩa việc theo Chúa? Bạn sẽ dạy Lời Chúa cho ai trong năm tới khi bạn học được từ Chúa? Bạn sẽ ra đi tào tạo môn đồ như thế nào?

Chúng ta không thể đánh giá hết tác động của những Cơ Đốc nhân trong hội thánh khi họ cùng nhau thực hiện những công bố của phúc âm. Gần đây tôi nhận được một bức thư “phê bình” từ một tín hữu trong hội thánh. Tôi đã trích dẫn thư đó tại đây để minh họa cho điều sẽ xảy ra khi một người không biết Chúa nhìn thấy phúc âm được thực hiện trong hội thánh. Tín hữu này viết rằng:

 

Kính gửi Tiến sĩ David Platt cùng Hội Thánh tại Brook Hills,

 

Theo những gì người khác nói về mục sư và gia đình đức tin tại Brook Hills, tôi cho rằng mục sư đã quen với việc nhận được những bức thư khen ngợi. Tôi hy vọng rằng mục sư sẽ cho phép tôi viết thư này theo một chiều hướng khác. Bức thư của tôi có ý than phiền hoặc cảnh báo hơn là khen ngợi. Tôi muốn cho mục sư thấy thế nào những hành động “thay đổi sâu rộng” của mục sư và những lời dạy về Lời Chúa đã hủy hoại cuộc sống của tôi và có thể là cuộc sống của những người khác giống như tôi.

Tôi xin giải thích… Tôi được lớn lên trong một gia đình không thuộc hội thánh, tôi lớn lên trong tình yêu thương của cha mẹ, những người rất thỏa mãn với cuộc sống của họ. Tôi lớn lên với cách suy nghĩ thế tục và điều đó đã khiến tôi nhìn thấy sự đạo đức giả của một vài gia đình có đi đến nhà thờ mà tôi được tiếp cận. Chính vì vậy khi tôi lớn lên theo con đường thế tục, tôi đã theo đuổi giấc mơ Mỹ. Như tôi có thể thấy, con đường thế tục này không đi qua hoặc thậm chí không dẫn đến đâu gần một hội thánh. Tôi vào đại học và rồi cao học, cưới một người phụ nữ xinh đẹp, và có một công việc tốt, công việc đã giúp tôi mua một căn nhà hoặc ít nhất trả tiền thế chấp và đóng vào quỹ hưu trí tư nhân. Vợ tôi và tôi đã có với nhau hai cô con gái xinh đẹp và những con thú cưng. Tôi đang sống trong một thế giới trung lưu của giấc mơ Mỹ.

Tôi là một người của gia đình, một người tử tế và tốt bụng, một người có nền tảng từ thực tại của thế giới này. Tôi hoàn toàn thỏa lòng khi tận lực làm việc để có những nguồn tài chính cho gia đình khi cần: quỹ hưu trí tư nhân, quỹ tiết kiệm đại học, một tài khoản tiết kiệm chung, và một tài khoản tiết kiệm dành cho kỳ nghỉ. Tôi cũng làm việc để chu cấp những nhu cầu trong cuộc sống chẳng hạn như một chiếc TV màn hình phẳng. Khoản tiền từ thiện được cho đi là không nhiều. Tôi yêu gia đình tôi và muốn dành nhiều thời gian cho họ nhất có thể, nhưng tôi cũng bị phân tâm bởi gánh nặng tài chính và những nhu cầu trong cuộc sống của chúng tôi. Tôi thường nhìn vào số dư trong ngân hàng để có cảm giác yên tâm.

Giống như bao người đàn ông tử tế khác trong thế giới này, những người tận lực để vươn lên trong xã hội, tôi có được những giây phút vui thỏa khi nhìn thấy báo cáo quỹ hưu trí tư nhân có được lợi nhuận. Tôi cũng trải qua những giai đoạn căng thẳng, thất vọng và giận dữ khi quỹ tư nhân bị mất giá hoặc khi chúng tôi phải rút từ tài khoản tiết kiệm để chi trả các hóa đơn. Tuy nhiên, tôi phải chấp nhận những thăng trầm của cuộc sống, và nhìn chung thì chúng tôi vẫn ổn.

Rồi một ngày kia, vợ của tôi, người mà tôi nghĩ rằng cô ấy yêu tôi, nói với tôi rằng cô ấy muốn nuôi dưỡng các con trong môi trường hội thánh và yêu cầu chúng tôi bắt đầu tham dự với một hội thánh địa phương. Cho đến lúc ấy, tôi vẫn giữ một khoảng cách với hội thánh và những Cơ Đốc nhân giả hình thường tham dự hội thánh. Tôi luôn cảm thấy không thoải mái với những Cơ Đốc nhân tuyên xưng đức tin bởi vì tôi thiếu kiến thức Kinh Thánh và nghĩ rằng họ sẽ coi thường tôi. Giờ đây, để khiến vợ tôi vui, tôi phải tham dự một hội thánh và tương tác với những Cơ Đốc nhân trên sân nhà của họ. Tôi miễn cưỡng đồng ý và liệt hội thánh vào danh sách những việc phải làm nhàm chán nhất vào cuối tuần. Chuyến đi đầu tiên đến hội thánh không mấy khó khăn. Con người ở đó rất tử tế, tuy nhiên phiên bản Kinh Thánh bị diễn dịch sai mà những con người ấy đang phục vụ tác động rất ít trên tôi và tôi không muốn thêm điều gì khác. Vợ tôi cũng không ấn tượng với những trải nghiệm ấy và đề nghị chúng tôi đến hội thánh Brook Hills bởi vì cô ấy đã nghe nhiều điều tốt về hội thánh này. Nếu cảm giác khi tham gia một hội thánh thông thường là không tốt thì tôi chắc rằng tham gia một hội thánh siêu lớn lại càng tệ hơn. Tuy nhiên, vợ tôi đã thuyết phục được tôi như mọi khi, và chúng tôi lần đầu tiên đến với hội thánh của mục sư vào mùa thu năm ngoái. Và đó chính là ngày đầu tiên trong chuỗi ngày mà mục sư và gia đình đức tin của mục sư đã làm tan vỡ cuộc sống của tôi trong thế giới này.

Lời Chúa mà mục sư đã giảng trong ngày hôm ấy thật mạnh mẽ và thuần khiết, không như những phiên bản pha loãng mà tôi nhận được trong quá khứ. Lời Chúa đã tác động ngay lập tức trên tôi và giống như một thứ thuốc phiện, tôi cảm thấy khao khát. Chúng tôi bắt đầu tham gia khá đều đặn các buổi nhóm Chủ Nhật, nhưng không bao lâu, việc này không đủ thỏa mãn cho nhu cầu muốn tìm biết Lời Chúa. Tôi bắt đầu mua CD các bài giảng để lắng nghe trên đường lái xe đi làm và trở về nhà mỗi ngày. Tôi bắt đầu tương tác nhiều hơn với các thành viên trong gia đình đức tin, những người không chỉ tiếp nhận nhưng cũng sống với Lời Chúa. Việc này càng khiến tôi cảm thấy khao khát nhiều hơn. Không lâu sau chúng tôi tham dự một nhóm nhỏ vào ngày Chủ Nhật bên cạnh buổi nhóm chính và đôi khi chúng tôi cũng tham gia buổi học Kinh Thánh vào tối Thứ Tư.

Mục sư và gia đình đức tin này dường như rất hạnh phúc khi khích lệ và giúp đỡ cho thói quen của tôi. Khi tôi càng dấn sâu vào trong “cơn nghiện” này, một tác dụng phụ đó là đức tin bắt đầu lớn lên bên trong tôi. Khi đức tin tôi tăng trưởng, tôi cảm thấy cần được thông công với những người khác có chung niềm tin với tôi. Tôi dần đánh mất sự trông cậy vào thế giới này, đó là nền tảng của tôi lúc trước, và tôi đã đến với Chúa.

Tôi không thể tin được những gì Lời Chúa và gia đình đức tin tăng trưởng này đã làm trên đời sống của tôi trong một năm qua. Lúc trước tôi thường tránh né hội thánh. Giờ đây chúng tôi tham dự lễ vào Chủ Nhật hằng tuần và tham gia vào một nhóm nhỏ, nhóm này thường gặp nhau từ ba đến năm giờ mỗi tuần tại nhà một thành viên. Tôi tham gia một lớp học nghiên cứu Kinh Thánh. Lúc trước tôi thường tránh né Cơ Đốc nhân, những người tuyên xưng đức tin của họ, nhưng giờ đây tôi đang trở nên một Cơ Đốc nhân. Tôi tìm kiếm cơ hội để chia sẻ Lời Chúa và thảo luận về đức tin đang lớn lên của tôi với những người khác.

Tôi không còn tiết kiệm để mua chiếc TV màn hình phẳng nữa, cũng là một điều tốt bởi vì tôi không còn đủ thời gian để xem TV. Tôi đã giảm khoản đóng góp cho quỹ tư nhân và không còn để ý đến các báo cáo quý của nguồn quỹ này. Khi trước tôi cố gắng tiết kiệm nhiều tiền nhất có thể thì giờ đây tôi tìm cách ban cho một phần trong khoản tiết kiệm của chúng tôi bên cạnh khoản dâng hiến thường kỳ cho hội thánh và khoản đóng góp cho các hội từ thiện Cơ Đốc nhằm giúp đỡ cho người nghèo cũng như các khoản dâng cho các mục vụ khác. Lạ thay, việc này đem lại cho tôi nhiều niềm vui hơn là tôi từng cảm thấy khi đọc các báo cáo tài chính của quỹ tư nhân.

Điều gì đã xảy ra với tôi? Thật điên rồ!!! Mục sư đã làm gì mà tôi trở nên như thế này?

Con người thế tục của tôi một năm về trước sẽ không bao giờ chấp nhận một con người như tôi trong hiện tại. Khi trước tôi từng tin vào thế giới này, theo đuổi giấc mơ Mỹ, tiết kiệm tiền bạc để mua những tiện nghi, và tìm kiếm sự an ninh ở những báo cáo tài chính có lợi nhuận. Giờ đây, tôi tin, cầu nguyện và tìm kiếm một mối liên hệ với một Đức Chúa Trời mà tôi không thể nhìn thấy. Tôi mong chờ tương lai trong cõi đời đời. Tôi tìm kiếm an ninh trong đức tin. Tất cả những điều này thật là ngu dại đối với tôi của một năm về trước. Tuy nhiên, tôi của một năm về trước và cuộc sống thế tục mà tôi từng biết đang bị phá hủy. Việc này đã tác động đến tôi cũng như gia đình tôi, những người cùng cầu nguyện với tôi mỗi ngày.

Tôi muốn mục sư và gia đình đức tin tại Brook Hills biết vai trò của quý vị trong việc phá hủy đời sống thế tục của tôi. Tôi cũng cảm thấy cần phải cảnh báo cho mục sư biết rằng nếu mục sư tiếp tục dạy dỗ và thực hành Lời Chúa như hiện tại thì rất có thể mục sư sẽ tác động đến đời sống thế tục của những người khác giống như tôi. Tôi hy vọng mục sư biết rằng mục sư phải sống với nhận thức về hành động của mình và tác động của những hành động ấy trên cuộc sống của những người khác cho cõi đời đời. Tôi ở đây để nhắc mục sư về những công việc của ông.

 

Chân thành.

Người anh em trong Chúa.

 

Tôi ngợi khen Chúa về những việc xảy ra khi hội thánh nhóm họp cùng nhau để bày tỏ một phúc âm biến đổi sâu rộng. Thật vậy, hội thánh chính là kế hoạch của Đức Chúa Trời trong việc nhân cấp phúc âm đến mọi nước, và cũng chính là nơi Cơ Đốc nhân cùng nắm tay nhau trong một cộng đồng đức tin để đi theo một Đấng Cứu Rỗi, cửa âm phủ không thể ngăn cản vinh quang của Đức Chúa Trời lan tỏa. Vậy đây là bước cuối cùng của Thử Nghiệm Nguyên Lý Cơ  Bản: gắn kết với một cộng đồng đức tin, một cộng đồng tích cực nhân cấp phúc âm qua việc đào tạo môn đồ.

 

Một giấc mơ

Đây chính là Thử Nghiệm Nguyên Lý Cơ  Bản. Dành một năm tới đây để cầu nguyện cho thế giới. Đọc trọn bộ Kinh Thánh. Hy sinh tiền của cho một mục đích cụ thể. Dành thời gian đi đến một nơi xa. Gắn kết với một cộng đồng nhân cấp. Bạn có chấp nhận thử thách? Qua những gì chúng ta đã thấy, bạn có sẵn lòng thực hiện những bước trong thử nghiệm để phá vỡ giấc mơ Mỹ và bắt đầu từ bỏ cuộc sống của bạn vì một phúc âm biến đổi sâu rộng?

Hãy suy nghĩ về cảm giác của bạn sau một năm được tiếp cận với tấm lòng của Đức Chúa Trời cho mọi quốc gia trên thế giới. Hãy tưởng tượng về những điều bạn sẽ biết về vinh quang của Đức Chúa Trời sau một năm lắng nghe tiếng Ngài. Hãy suy nghĩ về tất cả những vật chất của bạn trong hiện tại mà bạn không cần đến, và hãy nghĩ về tất cả những nhu cầu sẽ được đáp ứng nhờ sự hy sinh của bạn. Hãy tự hỏi Chúa sẽ dẫn dắt bạn đi nơi đâu – xa hay gần, để đến với một dân tộc đã được tiếp cận hoặc một dân tộc chưa từng được nghe đến phúc âm cho đến khi họ gặp bạn. Hãy suy nghĩ về cộng đồng đức tin mà thông qua những mối liên hệ đó bạn sẽ tác động đến thế giới.

Sẽ ra sao khi những người nam và nữ hết lòng đi theo Đấng Christ vào trong thế gian? Qua quyển sách này, tôi đã hé mở cánh cửa để bạn có một ý niệm cho câu hỏi trên. Tuy nhiên quyển sách này cũng chỉ là một cái nhìn thoáng qua.

Tôi muốn giúp bạn trong việc này. Và tôi muốn kết nối bạn với những nguồn tài nguyên và những người đang trên hành trình trọn vẹn theo Chúa giống bạn. Hãy truy cập trang Web kèm theo quyển sách này (www.radicalthebook.com) để đọc các câu chuyện, truy cập các đường dẫn, và các nguồn giúp đỡ để giúp cho năm thử nghiệm của bạn thật sự thành công. Và, nếu Đức Chúa Trời làm điều đặc biệt trên cuộc sống bạn là thành quả của Thử Nghiệm Nguyên Lý Cơ  Bản, xin hãy chia sẻ câu chuyện của bạn với chúng tôi trên trang Web để những người khác cũng được khích lệ.

Tôi còn rất nhiều điều để nói về môn đồ trọn vẹn của Đức Chúa Giê-su, và hội thánh mà tôi đang quản nhiệm có rất nhiều điều để khám phá. Tôi e sợ rằng khi chia sẻ về các câu chuyện của chúng tôi, tôi đã thể hiện rằng mọi điều trong hội thánh của chúng tôi đều thích hợp với cá nhân và mục đích của Đấng Christ. Tiếc thay không phải vậy. Chúng tôi còn phải đi rất xa. Tôi cũng e sợ chính mình đã gây một ấn tượng rằng mọi việc đều diễn ra thuận lợi và tuyệt vời khi chúng tôi nỗ lực phục hồi những điều căn bản của phúc âm trong hội thánh. Tôi xin khẳng định rằng quá trình đó không hề dễ dàng. Tôi đã băn khoăn về việc viết thêm một chương với đầy những bức thư không mấy tích cực mà tôi đã nhận được khi chúng tôi cố gắng thực hành những lẽ thật cốt lõi của phúc âm trong cộng đồng đức tin của chúng tôi! Không phải tôi không bao giờ sai, tôi đã mắc rất nhiều sai lầm. Tôi còn phải học rất nhiều điều về chức vụ mục sư, và bằng chứng vĩ đại về ân điển Chúa đó là hội thánh mà tôi quản nhiệm vẫn luôn gắn bó với tôi. Tôi yêu quý họ hơn những gì tôi có thể tưởng tượng khi tôi bắt đầu dẫn dắt họ, và một niềm vui sâu thẳm nhất mà tôi không xứng đáng nhận đó là được quản nhiệm một hội thánh tại Hoa Kỳ mà tôi tin rằng, bởi năng quyền của Thánh Linh Đức Chúa Trời, có thể lay động các nước vì sự vinh quang của Ngài.

Tôi cũng sợ rằng khi tập trung vào những nền tảng cố hữu của giấc mơ Mỹ không đúng với Kinh Thánh, tôi đã tạo nên một ấn tượng rằng mọi mặt của giấc mơ Mỹ đều tiêu cực. Điều này không đúng. Mặc dù chúng ta có rất nhiều điều cần phải học hỏi từ các anh chị em bị bắt bớ tại những vùng đất không có sự tự do, và mặc dù chúng ta có rất nhiều điều cần phải học từ các anh chị em nghèo thiếu tại những vùng đất thiếu nguồn tài nguyên, nhưng tôi cảm tạ Đức Chúa Trời vì sự tự do và về những nguồn tài nguyên mà Ngài đã ban cho chúng ta tại Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Những món quà ấy từ Chúa chắc chắn phải có cái giá của nó, và nếu chúng ta không có những sự tự do và nguồn tài nguyên ấy, chúng ta sẽ không có những cơ hội để đem phúc âm đến với các nước. Thách thức cho chúng ta đó là sử dụng sự tự do, nguồn tài nguyên và cơ hội Đức Chúa Trời đã giao phó cho chúng ta cho mục đích của Ngài trên thế giới, đồng thời cẩn thận không tiếp nhận ý tưởng, giá trị và những niềm tin trái ngược với Lời Chúa.

Chúng ta đã thấy cái giá phải trả cho việc theo Chúa. Từ bỏ tất cả những gì bạn có. Bán mọi tài sản, và phân phát cho người nghèo. Đi đến những nơi thiếu thốn nhất, những nơi nguy hiểm nhất, nơi bạn có thể hy sinh tính mạng. Hãy phó cuộc sống bạn vì Đấng Christ ở giữa các quốc gia. Cái giá của việc vác thập giá và đi theo Đức Chúa Giê-su thật rất cao. Bạn phải đánh đổi mọi điều bạn có. Nhưng chung cuộc, phần thưởng thật ngọt ngào. Bạn nhận được nhiều hơn những gì bạn từng có.

Đức Chúa Giê-su phán rằng: “Quả thật, ta nói cùng các ngươi, chẳng một người nào vì ta và Tin lành từ bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái, đất ruộng, mà chẳng lãnh được đương bây giờ, trong đời nầy, trăm lần hơn về những nhà cửa, anh em, chị em, mẹ con, đất ruộng, với sự bắt bớ, và sự sống đời đời trong đời sau.”[116] Khi bạn làm một phép tính, đây thật sự không phải là hy sinh. Trong phần giới thiệu tiểu sử Jim Elliot, Elisabeth đã viết một phần tóm tắt về cuộc đời của chồng bà rất phù hợp với quan điểm trên. Bà viết rằng:

 

Mục đích của Jim là được biết Chúa. Con đường của ông, sự vâng phục – con đường duy nhất làm trọn mục đích này. Một số người gọi cái chết của ông là một cái chết phi thường, mặc dù đối diện với cái chết nhưng ông đã ngầm chỉ ra rằng rất nhiều người đã chết vì vâng phục Chúa.

Ông và những người đã chết với ông được tôn vinh như là những anh hùng, “những người tử đạo.” Tôi không đồng tình. Và họ cũng vậy.

Phải chăng có sự khác biệt quá lớn giữa sống cho Đấng Christ và chết vì Ngài? Chẳng phải điều thứ hai là kết luận của điều thứ nhất sao? Hơn thế nữa, sống cho Chúa nghĩa là chết, “mỗi ngày,” theo như lời sứ đồ Phao-lô đã nói. Nghĩa là từ bỏ mọi điều để có được Đấng Christ. Nghĩa là từ bỏ sự sống để chúng ta có thể tìm được. [117]

 

Như Elisabeth Elliot đã chỉ ra, cái chết của một người tử đạo thậm chí cũng không được cho là sự vâng phục phi thường khi bạn đi theo một Đấng Cứu Rỗi, Đấng đã chết trên thập giá. Đột nhiên, sự tử đạo trở nên một sự vâng phục bình thường.

Vậy sẽ ra sao khi sự vâng phục trọn vẹn đối với Đấng Christ trở nên một sự bình thường mới? Bạn có sẵn lòng nhìn thấy không? Bạn có một sự lựa chọn. Bạn có thể bám lấy những của báu tạm thời mà bạn không thể giữ, hoặc bạn có thể sống vì những của báu lâu dài mà bạn không thể đánh mất: những người đến với Đấng Christ; những người nam, nữ và trẻ em được cứu sống nhờ có thức ăn; những bộ tộc chưa được nghe về Chúa có cơ hội nhận lấy phúc âm. Và báu vật trên hết mọi báu vật chính là sự thỏa mãn khi được biết và kinh nghiệm Đấng Christ.

Trung bình bạn và tôi có khoảng bảy mươi hoặc tám mươi năm trên đất. Trong những tháng năm đó chúng ta phải đối diện với những điều tạm thời. Kiếm tiền. Mua sắm. Cảm thấy thoải mái. Sống an nhàn. Tìm kiếm niềm vui. Giữa những điều ấy, chúng ta không thể nhìn thấy cõi đời đời. Tuy nhiên cõi đời đời ở trước mắt chúng ta. Bạn và tôi đang đứng ở ngưỡng cửa của cõi đời đời. Tất cả chúng ta sẽ sớm đứng trước mặt Chúa để giải trình về cách chúng ta đã quản lý thời gian, các nguồn tài nguyên, các ân tứ, và trên hết, phúc âm mà Ngài đã ban cho chúng ta. Đến ngày ấy, tôi tin rằng chúng ta sẽ không muốn ước mình đã sống nhiều hơn cho giấc mơ Mỹ. Chúng ta sẽ không muốn ước mình đã kiếm nhiều tiền hơn, tích lũy nhiều của cải hơn, sống an nhàn hơn, có nhiều kỳ nghỉ hơn, xem nhiều chương trình truyền hình hơn, theo đuổi những kế hoạch nghỉ hưu tốt hơn, hoặc thành công nhiều hơn trong cuộc sống theo con mắt của thế gian. Ngược lại chúng ta sẽ ước rằng mình đã sống nhiều hơn cho ngày mà mọi nước, mọi dân tộc, mọi bộ lạc và mọi ngôn ngữ sẽ quỳ trước ngôi và hát ngợi khen Đấng Cứu Rỗi, Đấng vui về sự vâng phục trọn vẹn, và là Đức Chúa Trời Đấng xứng đáng sự thờ phượng đời đời.

Bạn đã sẵn sàng để sống cho giấc mơ này? Đừng lưỡng lự thêm nữa.

CAM KẾT THỬ NGHIỆM NGUYÊN LÝ CƠ BẢN

 

Tôi đồng ý với cam kết thử nghiệm nguyên lý cơ bản rằng tôi có thể tìm được sự thỏa mãn và thật sự phục vụ Đức Chúa Trời bằng cách từ chối bản thân vì Đức Chúa Giê-su. Chính vì thế tôi cam kết một năm thử nghiệm lối sống ảnh hưởng sâu rộng dựa trên phúc âm… và khiến tôi cởi mở với những thay đổi lâu dài mà Đức Chúa Trời muốn thực hiện trong đời sống tôi sau thử nghiệm này.

 

Trong một năm tới…

  1. Tôi sẽ cầu nguyện cho thế giới.

 

Để thực hiện cam kết này, tôi quyết định___________________________________

___________________________________________________________________

 

  1. Tôi sẽ đọc trọn Kinh Thánh.

Để thực hiện cam kết này, tôi quyết định___________________________________

___________________________________________________________________

 

  1. Tôi sẽ hy sinh tiền của cho một mục đích cụ thể.

Để thực hiện cam kết này, tôi quyết định___________________________________

___________________________________________________________________

 

  1. Tôi sẽ dành thời gian đi đến một nơi xa.

Để thực hiện cam kết này, tôi quyết định___________________________________

___________________________________________________________________

 

  1. Tôi sẽ gắn kết với một cộng đồng hội thánh đang phát triển.

Để thực hiện cam kết này, tôi quyết định___________________________________

___________________________________________________________________

 

Chữ ký___________________________________________________________________

Ngày____________________________________________________________________

 

 

 

Lời cảm ơn

Quyển sách này là kết quả của ân điển Đức Chúa Trời được bày tỏ cho tôi qua rất nhiều cách khác nhau.

Tôi mang ơn Randy, Sealy và Jeana vì đã tin tưởng vào quyển sách này; Ken và các anh chị em tại Multnomah vì đã đón nhận tác phẩm; Dave vì đã giúp quyển sách này được hoàn thành; và Mark vì đã giữ cho tính đúng đắn của nó. Tôi rất mang ơn lòng tốt của quý vị.

Tôi mang ơn Dad, Eddie, Gregg, Franklin và Jim về những thời gian mà quý vị đã đóng góp cho tôi. Tôi cầu nguyện rằng trong cõi đời đời, cuộc sống của tôi sẽ xứng đáng với mọi điều mà quý vị đã giúp đỡ tôi.

Tôi mang ơn các trưởng lão, các nhân sự và các thành viên của Hội thánh tại Brook Hills vì đã cho tôi đặc ân được quản nhiệm hội thánh của quý vị. Theo lời của Phao-lô, tôi yêu mến và mong mỏi anh chị em là sự vui mừng và là mão triều thiên của tôi (Phi-líp 4:1).

Tôi mang ơn gia đình vì luôn yêu thương tôi và kiên nhẫn hỗ trợ cho tôi. Mẹ, cảm ơn mẹ về tất cả những hy sinh mà mẹ đã dành cho các con và các cháu. Heather, Caleb, Joshua và đứa con quý báu mà chúng tôi đang trong tiến trình nhận nuôi, xin biết rằng niềm vinh dự lớn nhất trong cuộc đời tôi đó là được làm chồng và làm cha của các con.

Nguyện xin ân điển Chúa cho tôi sẽ đem lại sự vinh quang lớn lao cho Chúa (Giăng 3:30).

 

 

Chú thích

Chương 1: 1.  Người xứng đáng để chúng ta đánh đổi mọi điều

  1. Giăng 6:53
  2. Giăng 6:66-67
  3. Lu-ca 9:57-58
  4. Lu-ca 9:60
  5. Lu-ca 9:62
  6. Lu-ca 14:26
  7. Lu-ca 14:27
  8. Lu-ca 14:33
  9. Mác 10:17
  10. Mác 10:21
  11. Dietrich Bonhoeffer, The Cost of Discipleship (New York: Simon and Schuster, 1995),89.
  12. Mác 10:21
  13. Ma-thi-ơ 13:44

 

Chương 2: Đói khát Lời Chúa

  1. Đấng Tạo Hóa tể trị: Nê-hê-mi 9:6; Thi Thiên 24:1-2. Toàn tri: Gióp 37:16; 1 Giăng 3:20. Duy trì mọi vật: Thi Thiên 36:6; 104:24-30. Mọi vật đều thuộc về Ngài: Phục truyền luật lệ ký 10:14. Thánh khiết: 1 Sa-mu-ên 2:2. Công bình: Phục truyền luật lệ ký 32:4. Công bình trong cơn thạnh nộ: Rô-ma 3:5-6. Yêu thương: 1 Giăng 4:16.
  2. Ha-ba-cúc 1:13
  3. Thi Thiên 5:5
  4. Giăng 3:16, 36
  5. Giăng 8:34; 2 Ti-mô-thê 2:26
  6. Rô-ma 5:10-12; 6:23; 8:10; Ê-phê-sô 2:1, 3; 5:14; Gia-cơ 4:4
  7. Ma-thi-ơ 26:39; cũng xem Thi Thiên 75:8; Ê-sai 51:22; Giê-rê-mi 25:15; Khải Huyền 14:10
  8. Thậm chí ngày nay lời của Giăng về việc tiếp nhận Đức Chúa Giê-su (Giăng 1:12-13) cũng bị hiểu sai rằng đó là một sự chấp nhận Đấng Christ cách hời hợt thay vì là một niềm tin trọn vẹn nơi Đấng Christ.
  9. Ma-thi-ơ 7:21-23
  10. Ê-phê-sô 2:8-9

 

Chương 3: Khởi đầu tại nơi tận cùng của bản thân

  1. James Truslow Adams, The Epic of America (Boston: Little, Brown, 1933), 415.
  2. Giăng 15:5
  3. 2 Cô-rinh-tô 12:7-9
  4. Giô-suê 6:3-5
  5. Công vụ các sứ đồ 1:14
  6. Công vụ các sứ đồ 4:13
  7. Công vụ các sứ đồ 5:12
  8. George Muller, Answers to Prayer, comp. A. E. C. Brooks (Chicago: Moody, n.d.), 9-10, emphasis added.
  9. Lu-ca 11:11-13
  10. Ma-thi-ơ 7:11
  11. Giăng 14:15-19
  12. Giăng 16:13
  13. Thần khôn ngoan: Ê-phê-sô 1:17. Thánh linh năng quyền: Công vụ 1:8; 2 Ti-mô-thê 1:7. Bông trái Thánh Linh: Ga-la-ti 5:22-23.
  14. Giăng 14:12-14

 

Chương 4: Lý do quan trọng của Đức Chúa Trời

  1. Sáng thế ký 1:26-27
  2. Sáng thế ký 1:28
  3. Sáng thế ký 12:2-3
  4. Xuất Ê-díp-tô ký 14:4
  5. Đa-ni-ên 3:28-29
  6. Thi Thiên 23:3; 67; Ê-sai 43:1-13
  7. Ê-xê-chi-ên 36:22-23
  8. Ma-thi-ơ 28:18-20; Mác 16:15; Lu-ca 24:47-49; cũng xem Công vụ 1:8
  9. Khải Huyền 7:9-10

 

Chương 5: Nhân cấp cộng đồng hội thánh

  1. Giăng 17:4
  2. Giăng 17:6, 10, 12, 13, 19
  3. Ma-thi-ơ 28:18-20
  4. Rô-ma 6:1-4
  5. 1 Cô-rinh-tô 12:12-13; Ê-phê-sô 4:4-6

 

Chương 6: Bao nhiêu là đủ

  1. Châm Ngôn 28:27; Ê-sai 3:13-26; Giê-rê-mi 5:26-29; A-mốt 2:6-7; 4:1-3; 8:3-10; Lu-ca 6:24-26; Gia-cơ 5:1-6
  2. Ma-thi-ơ 25:41
  3. Điều này đặc biệt đúng với các anh chị em trong Chúa đang gặp thiếu thốn. Đây chính là điều Đức Chúa Giê-su Christ đã nhấn mạnh ở Ma-thi-ơ 25:31-36; hình ảnh của hội thánh ở Công vụ 2:42-47 và 4:32-37; và ý định của Phao-lô, Gia-cơ và Giăng ở 2 Cô-rinh-tô 8-9, Gia-cơ 2, và 1 Giăng 3.
  4. Xem đặc biệt ở Gia-cơ 2:14-26; 1 Giăng 3:11-24.
  5. Có rất nhiều khác biệt rõ ràng giữa tội lỗi tính dục và tội lỗi vật chất. Vấn đề đó là chúng ta bị cám dỗ để phạm tội cả trong đời sống tính dục lẫn đời sống vật chất, và trong cả hai trường hợp chúng ta đều cần ăn năn. Tội lỗi biết việc lành mà chẳng làm, xem cụ thể tại Gia-cơ 4:17.
  6. 1 Ti-mô-thê 6:17
  7. 2 Cô-rinh-tô 8:9
  8. Lu-ca 16:26-26
  9. Chúa nghe: Gióp 34:28. Chúa chu cấp: Thi Thiên 68:10. Chúa đáp ứng: Thi Thiên 22:26. Chúa giải cứu: Thi Thiên 35:10. Chúa bênh vực: Thi Thiên 82:1. Chúa vực dậy: 1 Sa-mu-ên 2:8; Thi Thiên 113:7. Chúa giải cứu sự công bình: Thi Thiên 140:12.
  10. Người trai trẻ giàu có thiếu đức tin nơi Đức Chúa Trời về sau được chứng tỏ ở phần cuối câu chuyện, tại đó Đức Chúa Giê-su khẳng định người Pha-ri-si chối bỏ Con Đức Chúa Trời và Lời Chúa.
  11. Một lần nữa, tôi muốn cẩn thận không ngụ ý rằng việc chăm sóc cho người nghèo là nền tảng hoặc nguyên nhân để được cứu rỗi. Như đã xem ở chương hai, công tác của Đấng Christ trên thập giá chính là lý do để chúng ta được cứu rỗi, và đức tin nơi Đấng Christ chính là phương cách để Đức Chúa Trời cứu rỗi chúng ta. Một bông trái của đức tin đó là lối quan tâm đến người nghèo (xem Gia-cơ 2:14-19 và 1 Giăng 3:16-18). Vậy khi dân sự của Đức Chúa Trời nghiên cứu lẽ thật trong Lời Chúa và nhìn thấy nhu cầu xung quanh họ trong thế gian thì họ sẽ đáp ứng cho các nhu cầu bằng tình yêu thương của Đức Chúa Giê-su Christ.
  12. Mác 10:23-24
  13. Sáng thế ký 20:14-16; 26:12-15; 30:43; 47:27; Lê-vi ký 26:3-5, 9-13; Phục truyền luật lệ ký 28:1-14
  14. 1 Các vua 8:56-66
  15. Mác 10:21-26
  16. Để hiểu sâu về khẳng định này, xem Craig L. Blomberg, Neither Poverty nor Riches: A Biblical Theology of Material Possessions, ed. D. A. Carson (Downers Grove, IL: InterVarsity, 1999). Blomberg viết rằng: “Tân Ước tiếp nối các nguyên tắc chính của Cựu Ước và Đạo Giu-đa của thời kỳ đầu Tân Ước với một điều bỏ sót đáng chú ý: không bao giờ sự giàu có vật chất được hứa là phần thưởng cho sự vâng phục thuộc linh hoặc làm việc chăm chỉ.” Ông viết tiếp: “Phần thưởng vật chất cho sự mộ đạo không bao giờ xuất hiện trở lại trong lời dạy của Đức Chúa Giê-su, và hiển nhiên trái ngược với lời dạy của Ngài” (trang 242, 145).
  17. 1 Cô-rinh-tô 6:19
  18. Mác 10:17, 21
  19. Đức Chúa Giê-su dạy rằng loại đức tin này chỉ có thể có được nhờ ân điển Chúa (Mác 10:27).
  20. Ở Lu-ca 12:33, Đức Chúa Giê-su lặp lại cùng một mệnh lệnh: “Hãy bán gia tài mình mà bố thí.”
  21. Robert H. Gundry, Matthew: A Commentary on His Handbook for a Mixed Church under Persecution, 2nd (Grand Rapids: Eerdmans, 1994), 388.
  22. Lu-ca 14:33
  23. Mác 10:17
  24. Lu-ca 12:32-33
  25. 1 Ti-mô-thê 6:9
  26. Charles Edward White, “Four Lessons on Money from One of the World’s Richest Preachers,” Christian History 7, no. 19 (1998):24.
  27. 2 Cô-rinh-tô 8:14; 9:11
  28. 2 Cô-rinh-tô 8:14
  29. John Calvin, Commentary on the Epistles of Paul the Apostle to the Corinthians, John Pringle (Grand Rapids: Baker Book, 2003), 1:297.
  30. John Calvin, Calvin: Institutes of the Christian Religion, ed., John T. McNeill, trans. Ford Lewis Battles (Philadelphia: Westminster Press, 1960), 2:1098.
  31. Calvin, Commentary on the Epistles, 1:297.
  32. 1 Ti-mô-thê 6:18
  33. 2 Cô-rinh-tô 8:2
  34. Mác 10:28
  35. Gia-cơ 1:27
  36. Châm Ngôn 6:6-8; 21:20; Lu-ca 12:16-21; Gia-cơ 5:1-6
  37. Mác 10:22
  38. Ma-thi-ơ 6:21

 

Chương 7: Không có kế hoạch B

  1. Thú vị thay, Phao-lô viết sách Rô-ma để thuyết phục Cơ Đốc Nhân tại thành phố này giúp ông đem phúc âm đến những người chưa từng được nghe phúc âm. Đặc biệt, ông muốn đi đến Tây Ban Nha (Rô-ma 15:24). Ước vọng của ông đó là “rao Tin lành ở nơi nào danh Đấng Christ chưa được truyền ra” (câu 20), và người Tây Ban Nha chưa từng được nghe về Đấng Christ. Hơn thế nữa, tôi mang ơn R. C. Sproul về phần trích dẫn ngắn gọn của ông về số phận của những người không được nghe về phúc âm trong quyển sách mà ông đã viết Reason to Believe: A Response to Common Objections to Christianity (Grand Rapids: Zondervan, 1982), 58-59. Những ý tưởng mà tôi chia sẻ tại đây được phát triển từ nhiều lẽ thật mà ông đã nêu lên trong quyển sách của mình.
  2. Rô-ma 1:19-20
  3. Rô-ma 1:21
  4. Rô-ma 1:21
  5. Rô-ma 1:21-25
  6. Rô-ma 1:25
  7. Rô-ma 1:24, 26, 29-32
  8. Rô-ma 3:10-12
  9. Rom: 3:19
  10. Rô-ma 3:20
  11. Đây là trường hợp Phao-lô đã xây dựng khi so sánh giữa người Giu-đa và người ngoại quốc ở Rô-ma 2:12-16
  12. Rô-ma 3:21-22
  13. Rô-ma 5:1
  14. Rô-ma 10:9-10
  15. Rô-ma 10:13-15
  16. Công vụ các sứ đồ 10

 

Chương 8: Khi sự chết là điều ích lợi

  1. Ma-thi-ơ 10:39
  2. Ma-thi-ơ 10:8
  3. Ma-thi-ơ 10:16
  4. Ma-thi-ơ 10:21
  5. Ma-thi-ơ 10:22
  6. Ma-thi-ơ 10:23
  7. 2 Ti-mô-thê 3:12
  8. Ma-thi-ơ 10:24-25
  9. Lu-ca 6:40
  10. Phi-líp 1:29
  11. Ma-thi-ơ 10:26, 28, 31
  12. Ma-thi-ơ 10:29
  13. Cô-lô-se 1:24
  14. Công vụ các sứ đồ 8:1, 4
  15. Ma-thi-ơ 10:30-31
  16. Ma-thi-ơ 10:28
  17. Phi-líp 1:21
  18. Khải Huyền 12:11
  19. John G. Paton, John G. Paton, D. D., Missionary to the New Hebrides: An Autobiography (London: Hodder and Stoughton, 1891), 56.
  20. Elisabeth Elliot, Shadow of the Almighty: The Life and Testament of Jim Elliot (San Francisco: HarperCollins, 1979), 132.
  21. Norman Grubb, T. Studd: Cricketer and Pioneer (Fort Washington, PA: CLC Publications, 2001), 120-21.
  22. Hê-bơ-rơ 11:16
  23. Erich Bridges, “Worldview: Remembering a Young Woman Who Followed God to the Desert,” Baptist Press, August 1, 2002, www.bpnews.net/printerfriendly.asp?ID=13951.

 

Chương 9: Thử nghiệm nguyên lý cơ bản

  1. Ma-thi-ơ 9:36-38
  2. 2 Cô-rinh-tô 4:4-6
  3. Ma-thi-ơ 6:9-15; 2 Ti-mô-thê 3:16-17
  4. Ma-thi-ơ 6:19-21
  5. Mác 10:29-30
  6. Elisabeth Elliot, Shadow of the Almighty: The Life and Testament of Jim Elliot (San Francisco: HarperCollins, 1979), 9-10.

 

 

Sơ lược về tác giả

Tiến sĩ David Platt là mục sư quản nhiệm của Hội thánh tại Brook Hills, một hội thánh bốn nghìn tín hữu tại Birmingham, Alabama, một hội thánh tự nói về mình là “một gia đình đức tin có đầy các môn đồ ảnh hưởng thế giới, những người thật sự tin rằng là một hội thánh, chúng tôi có thể tác động đến các quốc gia cho sự vinh quang của Chúa.”

Tình yêu đầu tiên của David trong mục vụ đó là công tác đào tạo môn đồ – dạy dỗ Lời Chúa, cố vấn và nhân cấp phúc âm. Tiến sĩ nói rằng: “Tôi tin rằng Đức Chúa Trời tạo dựng mỗi một người theo một cách khác nhau để tác động đến thế giới. Đức Chúa Trời hiện đang ban phước cho dân sự của Ngài để đường lối Chúa và sự cứu rỗi của Ngài sẽ được mọi dân tộc biết đến.” Cho mục đích này, David đã đi khắp Hoa Kỳ và vòng quanh thế giới, dạy dỗ Kinh Thánh và huấn luyện các lãnh đạo hội thánh.

David đã hoàn thành hai bằng cử nhân của Đại Học Georgia và ba bằng cao học, trong đó có một bằng tiến sĩ từ Chủng viện Thần học Báp-tít New Orleans. Trước khi đến hội thánh Brook Hills, tiến sĩ đã phục vụ cho chủng viện với cương vị trưởng nhà nguyện và trợ giảng môn giảng đạo theo phương pháp giải thích và biện giáo học, đồng thời tiến sĩ là nhân sự của Hội thánh Báp-tít Edgewater tại New Orleans.

David và vợ, Heather, nguyên quán tại Atlanta và sinh sống tại New Orleans cho đến khi cơn bão Katrina khiến họ phải chuyển đến chỗ mới. Họ hiện sống cùng gia đình tại Birmingham.

Để biết thêm về Thử Nghiệm Nguyên Lý Cơ Bản tại Hội thánh Brook Hills, hãy truy cập www.radicalexperiment.org.

 

 

Hãy đào sâu hiểu biết

Với các nguồn tài nguyên sau đây

Hãy bắt đầu trở nên một môn đồ trọn vẹn của Đấng Christ. Trong quyển sách nhỏ đi kèm với sách này, David Platt bày tỏ điều gì có thể xảy ra cho thế giới khi chúng ta từ bỏ những niềm tin dễ dãi để đổi lấy sự dạy dỗ về môn đồ thật của Đấng Christ. Sẵn có theo bộ 10 quyển.

Hãy tìm thông tin, công cụ để mỗi cá nhân áp dụng, các nguồn tài nguyên cho hội thánh và video tại RadicalTheBook.com.

 

Multnomah Books

Nguyên lý cơ bản: Nghiên Cứu Kinh Thánh

Những lẽ thật mạnh mẽ để chia sẻ với hội thánh, lớp học Trường Chúa Nhật, hoặc nhóm nhỏ.

  • Tám bài học Kinh Thánh tương ứng với tám chương của sách Nguyên Lý Cơ Bản
  • Mỗi bài học gồm có giải kinh, giáo án, câu hỏi thảo luận, và nhiều phần khác
  • Được thiết kế để thách thức tín hữu thực hành ý tưởng Nguyên lý cơ bản

Đặt mua tại www.lifebiblestudy.com/radical hoặc gọi 877.265.1605

 

The end

 

vào Thử Nghiệm Ảnh Hưởng Sâu Rộng – cuộc hành trình kéo dài một năm làm môn đồ thật, một năm để thay đổi cách sống trong một thế giới khao khát Tin Mừng mà Đức Chúa Giê-su đã đem đến.

 

Hãy tìm đọc sách nhỏ kèm theo,

Câu hỏi về Nguyên Lý Cơ Bản

 

David Platt là mục sư của Hội thánh tại Brook Hills, một hội thánh có bốn nghìn tín hữu tại Birmingham, Alabama. Được biết đến rộng rãi là một diễn giả xuất chúng, David đã đi và dạy dỗ khắp thế giới. Ông có hai bằng cử nhân và ba bằng cao học, trong đó có một bằng tiến sĩ tại Chủng viện Thần học Báp-tít New Orleans. David và vợ, Heather, sống tại Birmingham cùng gia đình của họ.

 

 

 

 

 

David Platt
Translated by  Vinh Hien – Tuong Vi

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

[1]

[2]

[3]

[4]

[5]

[6]

[7]

[8]

[11]

[12]

[13]

[14]

[15]

[16]

[17]

[18]

[19]

[20]

[21]

[22]

[23]

[24]

[25]

[26]

[27]

[28]

[29]

[30]

[31]

[32]

[33]

[34]

[35]

[36]

[37]

[38]

[39]

[40]

[41]

[42]

[43]

[44]

[45]

[46]

[47]

[48]

[49]

[50]

[51]

[52]

[53]

[54]

[55]

[56]

[57]

[58]

[59]

[60]

[61]

[62]

[63]

[64]

[65]

[66]

[67]

[68]

[69]

[70]

[71]

[72]

[73]

[74]

[75]

[76]

[77]

[78]

[79]

[80]

[81]

[82]

[83]

[84]

[85]

[86]

[87]

[88]

[89]

[90]

[91]

[92]

[93]

[94]

[95]

[96]

[97]

[98]

[99]

[100]

[101]

[102]

[103]

[104]

[105]

[106]

[107] Khải Huyền 12:11

[108] Khải Huyền 3:14-22

[109]

[110] Hê-bơ-rơ 11:16

[111]

[112] Ma-thi-ơ 9:37

[113]

[114]

[115]

[116] Mác 10:29, 30

[117]

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên