Trang Chủ TRANG CHỦ Ông Bố Nát Rượu Và Hai Người Con Trai

Ông Bố Nát Rượu Và Hai Người Con Trai

938
0
SHARE

Khởi đầu cho năm 2017, nên có những ý tưởng sáng tạo? Hãy nghe bài xã luận của một giảng viên Đại Học (môn Critical Thinking – giảng dạy bằng tiếng Anh tại trường Đại học Quốc Tế – ĐHQG-HCM)

lazy

Một bài đáng đọc đây:

Trích: “……Những căn nguyên của bệnh lười là những yếu tố khách quan bên ngoài chứ không phải là từ chính chủ thể lười biếng: chúng ta lười lao động do cơ chế làm chủ tập thể, lười suy nghĩ do cơ chế bao cấp về tư tưởng, lười học do hệ thống giáo dục yếu kém và lười tập thể dục do môi trường bị hủy hoại.

Suy nghĩ về vấn đề được đặt ra, tôi không khỏi liên tưởng đến một câu chuyện về một ông bố nát rượu và hai người con trai mà tôi đã đọc đâu đó. Ông anh thì cũng nát rượu hệt như ông bố và sống một cuộc đời vô cùng bê tha trong tối tăm vô vọng. Ngược lại, người em rất nỗ lực vượt lên hoàn cảnh, tự tìm cách học hành và sau này rất thành đạt trong cuộc sống. Mọi người xung quanh rất ngạc nhiên và hỏi tại sao là anh em một nhà nhưng họ lại khác nhau đến thế. Câu trả lời mà họ nhận được từ hai người anh em đó giống hệt nhau: “Tại tôi có một ông bố nát rượu.”
(“Người cha nát rượu” này được đề cập trong sách “Đánh Thức Con Người Phi Thường Trong Bạn” của tác giả Anthony Robbins.)
Trở lại vấn đề lười biếng, điều nên bàn là khi ta đã biết ta lười, ta chỉ tặc lưỡi, “ừ, đúng là mình lười thật” rồi… thôi, ta sẽ chờ đợi những giải pháp vĩ mô cho những nguyên nhân đã được xác định trong bài viết thứ hai, hay ta nỗ lực tìm những giải pháp tự thân để ngăn không cho bệnh lười của mình trở thành mãn tính?

Việc lựa chọn một thái độ trước một sự việc nào đó có thể quyết định sự thành công hay thất bại. Theo tôi, nếu ta cứ để mặc mình trôi đi trong sự lười biếng hoặc trông chờ vào tha lực – cái có thể không bao giờ tới – khả năng rất cao là ta sẽ trở thành người anh nát rượu trong câu chuyện trên. Vậy tại sao ta không lựa chọn một thái độ tích cực hơn để trở thành người em giỏi giang thành đạt?

Do vậy, trong bài viết này tôi xin được đề cập đến một số giải pháp cho chính chủ thể lười biếng tự thực hiện.

 Lười học – Hãy tự tìm cho mình một lối đi

Đừng đổ lỗi cho những cám dỗ vật chất như Internet, karaoke, Lotte hay Starbuck làm cho bạn trở nên lười học. Phim hay ư, cà phê ngon ư, bạn vẫn có thể thụ hưởng nó vào những ngày cuối tuần cùng bạn bè kia mà. Năm ngày đầu tuần bạn hãy ưu tiên cho công việc cần làm trong lứa tuổi của bạn là học, để hai ngày còn lại sẽ là thư thái an nhàn thay cho cảm giác uể oải và áy náy suốt tuần vì bỏ bê việc học.

study-002

Đừng đổ lỗi cho những kiến thức khó nuốt, áp đặt của một nền giáo dục nặng tính giáo điều đã làm cho bạn trở nên lười học. Bạn chán ngán nền giáo dục trong nước ư? Vậy bạn hãy tìm cách đi tị nạn giáo dục đi. Việt Nam đã ở thời mở cửa nên cơ hội cũng mở, miễn là bạn phải muốn tìm. Một số sinh viên của tôi không cần đến bố mẹ quá giàu mới được ra nước ngoài học đâu. Họ tự rèn luyện tiếng Anh để lấy những chứng chỉ với mức điểm yêu cầu của các nước họ muốn đến, rồi họ tìm các chương trình học ở các nước phát không thu học phí. Họ xác định rõ bố mẹ họ chỉ hỗ trợ ăn ở cho một vài tháng đầu tiên, và họ chấp nhận làm những việc chân tay để có thể duy trì việc học.

Nếu bố mẹ bạn không có khả năng chu cấp cho bạn một số tháng đầu ở nước ngoài, bạn hãy chọn con đường tự mình bồi dưỡng kiến thức cho mình ở trong nước vậy. Trong một bài tập tôi giao cho sinh viên hãy giải quyết bài toán cung (kiến thức/kỹ năng ở các trường đại học) và cầu (nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp) không gặp nhau, dẫn đến tình trạng 174.000 cử nhân thất nghiệp ở Việt Nam tính đến quý 3/2014, các sinh viên của tôi đã đưa ra một giải pháp rất đáng khích lệ. Theo họ, khi vẫn đang ngồi ở trường đại học, bạn nên tìm hiểu các trang tuyển dụng để biết về yêu cầu của các công việc bạn muốn làm. Thay vì ngồi đó đổ lỗi cho nhà trường không dạy những kiến thức bạn cần, bạn nên chủ động ra ngoài tìm học những cái bạn thiếu. Thời đại công nghệ và dịch vụ phát triển, bạn có nhiều cách để tự phát triển kỹ năng chứ không phải chỉ dựa vào thầy cô và trường lớp.

 Lười làm – Hãy trang bị cho mình tư duy “ông chủ”

Báo Tuổi Trẻ có đăng một so sánh của ông Vũ Ngọc Hoàng, ủy viên Trung ương Đảng, phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo trung ương:

“Cách đây bốn, năm mươi năm, Việt Nam và Hàn Quốc có trình độ phát triển tương đương. Sau mấy mươi năm, tôi rà lại tư liệu thấy Hàn Quốc hiện có khoảng 90.000 người sống tại Việt Nam và Việt Nam cũng có 90.000 người sống ở Hàn Quốc. Chỉ khác nhau ở chỗ hầu hết người Hàn Quốc tại Việt Nam làm ông chủ, làm quản lý, còn người Việt Nam ở Hàn Quốc thì chủ yếu làm ôsin.” (một sự so sánh thú vị!)

study-abroad-loans

Tại sao đồng bào chúng ta đã từng “đầu ngẩng cao bất khuất” trong các cuộc chiến tranh, giờ lại phải tha hương cúi đầu làm nô bộc trong thời đất nước thái bình? Xin hãy đừng tìm câu trả lời từ bên ngoài mà hãy tìm nó ở tự thân.

Trước tiên, bạn hãy nuôi dưỡng và phát triển tư duy “ông chủ”, không phải là làm chủ người khác mà làm chủ chính vận mệnh của mình. Ta phải biết đấy là môt nỗi nhục khi đầu ta phải cúi xuống, mắt ta phải lấm lét xem mình có đang bị dò xét hay không để mà làm việc theo kiểu đối phó, và cái tư duy “nô bộc” đó sẽ biến chúng ta thành osin ngay trên đất nước của mình chứ đâu cần phải đi sang nước bạn. Tôi chắc khi bạn giải quyết được việc lười học, bạn sẽ không lười làm. Cái quá trình tự tìm con đường sáng cho cuộc đời của bạn qua con đường học tập tự thân nó đã là chăm làm, và quá trình đó cũng giúp bạn nuôi dưỡng lòng tự trọng, tự tôn của một “ông chủ” khi bạn thực sự đi làm việc về sau.

 Lười suy nghĩ – Hãy chọn Con đường chẳng mấy ai đi

Đừng đổ lỗi cơ chế gò bó khiến bạn lười không muốn nghĩ, bởi cái chính là bạn tự quyết định bạn nghĩ cái gì. Chúng ta không chọn được vùng đất nơi chúng ta sinh ra, nhưng chúng ta chọn được vùng đất mà chúng ta muốn đến để thoải mái suy nghĩ hay có điều kiện tốt hơn để suy nghĩ, để từ đó những sáng kiến mới, những đóng góp mới vào túi khôn nhân loại sẽ ra đời. Nếu có khả năng, bạn hãy suy nghĩ như GS. Ngô Bảo Châu ở một môi trường phù hợp nào đó, rồi nhận một giải thưởng danh giá cho suy nghĩ của mình, sau đó trở về nước, gợi cảm hứng đổi mới tư duy cho lớp trẻ (thực tế là GS. Ngô Bảo Châu chưa về nước). Tôi chắc chắn rằng bạn sẽ được hân hoan chào đón, bởi thực tế đã cho thấy: phụ huynh học sinh đạp đổ cả một cổng trường thực nghiệm tại Hà Nội năm 2012 chỉ bởi họ hy vọng GS. Ngô Bảo Châu sẽ giúp con họ có được một phương pháp tư duy tích cực. (đây chỉ là một cách nhìn)

Thật ra, ở bất cứ môi trường nào bạn cũng có thể suy nghĩ, miễn là bạn phải muốn nghĩ và muốn đi “những con đường chẳng mấy ai đi”. Nếu bạn nghĩ về những cái người ta đã nghĩ chán chê rồi thì lấy đâu ra những cá nhân kiệt xuất, những phát minh làm thay đổi cuộc sống? Đọc báo, xem truyền hình, tôi rất xúc động về các học sinh rất đỗi bình thường từ những vùng đất khó nghèo của làng quê Việt Nam đã biết suy nghĩ từ những mảng khuyết của thực tế cuộc sống để đóng góp thêm cho cuộc sống. Em Đinh Công Toàn, một học sinh nghèo lớp 9 ở một làng quê lúa ở Hà Tĩnh vì thương cha mẹ vất vả mà suy nghĩ cách phát minh ra máy quạt lúa. Đặng Thị Ngọc Ánh, học sinh 12 của một trường huyện ở Thừa Thiên-Huế vì thông cảm với nỗi nhọc nhằn với những người quét rác phải vất vả thu gom, đốt xác lá khô mà suy nghĩ ra công thức chế biến “giấy xanh” từ lá chuối, lá khô và thân tre. Đó chỉ là một vài ví dụ về cách suy nghĩ tích cực bắt nguồn từ “cái khó” để từ đó “làm ló cái khôn”.

Tôi dạy tư duy phản biện ở một trường đại học. Buổi đầu tiên giới thiệu về môn học, tôi vẽ một vòng tròn lên bảng và hỏi sinh viên của tôi nhìn thấy cái gì. Câu trả lời nhanh nhất và đồng loạt từ các em là một vòng tròn. Tôi khuyến khích các em nhìn tiếp, sau một lúc, một số em trả lời ngập ngừng rằng các em nhìn thấy cái lỗ, cái khoảng không trống rỗng bên trong vòng tròn. Đó là câu trả lời tôi mong muốn, bởi cái vòng tròn mà ai cũng thấy là điều quá hiển nhiên và tôi không cần đến sinh viên học tư duy phản biện trả lời câu hỏi đó. Để phát triển tư duy, các em hãy tập nhìn những điều chưa ai nhìn thấy.

s 3

Tôi khuyến khích các em suy nghĩ để tìm cách đặt lại vấn đề hoặc tìm cách đi những con đường mới chưa ai khai phá. Đến cuối khóa học, một sinh viên gửi cho tôi một bài viết rất thú vị trong đó em sưu tầm những trường hợp đặt lại vấn đề, ví dụ như Hình học phi Euclid dựa trên cơ sở phủ nhận ít nhất một trong số những tiên đề Euclid, được khởi xướng bởi Lobachevsky trong lĩnh vực hình học trừu tượng và phát triển bởi Bolyai, Gauss, Riemann. Em lấy những ví dụ này làm cảm hứng và nói với tôi cuộc hành trình của em với cách nghĩ “thoát hộp” hay “đạp đổ” nay thực sự bắt đầu. Tôi không có đủ kiến thức Toán học hay Vật lý để đồng hành cùng em trên con đường em đi, nhưng tôi vui biết bao khi em có động lực để suy nghĩ theo cách của riêng mình.

 Lời kết

Lười biếng là một căn bệnh nguy hiểm bởi nó biến cuộc sống của chúng ta trở thành sự tồn tại nhàm chán cho bản thân và nhiều người lười biếng sẽ là một gánh nặng cho xã hội. Khi bạn biết mình lười, bạn hãy cố gắng thay đổi bằng cách chọn một thái độ phù hợp, một hướng đi đúng đắn để thay đổi và làm chủ cuộc sống của mình một cách có ý nghĩa. Chúc bạn thực hiện thành công những “nghị quyết năm mới” của riêng mình bằng nội lực thay vì chờ một “cú huých từ bên ngoài”.

 Diệu Ngọc

BÌNH LUẬN:
Bạn đang đi những lối mòn
Hay tìm đường mới thoát rào cản ngăn?
Bạn vô khuôn đúc đã lâu
Còn tính sáng tạo bây giờ ở đâu?

 

   

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên