Trang Chủ TRANG CHỦ ĐỂ CẢM THÔNG NHAU

ĐỂ CẢM THÔNG NHAU

806
0
SHARE

ĐỂ CẢM THÔNG NHAU: CHÚNG TA CẦN PHẢI CÓ ƯỚC MUỐN CẢM THÔNG

Bác sĩ Paul Tournier MD

images (25)

Cách đây mấy hôm tôi được giới thiệu đến một đồng nghiệp người Mỹ là một Bác sĩ chuyên khoa giải phẫu New York. Vừa gặp nhau tôi có cảm tưởng là chúng tôi thích nhau lắm. Tuy nhiên, chúng tôi lại gặp khó khăn để thông cảm nhau vì tôi chỉ bặp bẹ được dăm ba câu tiếng Anh, còn ông chỉ nói được vài chữ tiếng Pháp. Vì vậy chúng tôi tìm cách khai thông bế tắc cho nhau vì cả hai chúng tôi đều hết sức muốn hiểu biết nhau. Tôi nêu câu chuyện trên vì nó hết sức liên hệ đến đề tài nghiên cứu của chúng ta ở đây.

Cần phải biết rằng điều kiện tiên quyết để thông cảm nhau là ước muốn, là khao khát, là thiện chí tìm kiếm sự thông cảm. Điều này có vẻ tầm thường có thể ai cũng biết. Tuy nhiên thái độ căn bản để đạt đến sự thông cảm nhau này thật là hiếm có, hiếm có hơn là chúng ta tưởng rất nhiều. Hãy lắng nghe tất cả những cuộc đàm thoại của thế giới chúng ta. Những cuộc đàm thoại giữa những quốc gia cũng như giữa những cặp vợ chồng. Phần lớn, hầu như đó là những cuộc đối thoại giữa những người điếc. Mọi người chủ yếu nói để giải bày ý tưởng của chính mình, để biện minh cho mình, để đề cao mình và để lên án người khác. Họa hoằn lắm mới có vài sự trau đổi quan điểm bày tỏ một niềm ao ước chân thật để hiểu nhau.

Người bạn bác sĩ của tôi hết sức bận rộn với công việc tại một bệnh viện ở New York. Lương tâm nghề nghiệp và sự thành công rực rỡ của ông đã mang đến cho ông một cảm giác hoàn toàn thỏa mãn. Chỉ có một việc sai là vợ ông bị khủng hoảng tinh thần rất nặng. Ông đưa bà đến một người bạn là một trong hàng ngàn bác sĩ chuyên khoa về tâm lý ở New York để chữa. Mẹ ông cũng bị khủng hoảng tinh thần nên ông lại đưa bà đến một bác sĩ tâm bệnh thứ hai. Sau đó ông lại phải đưa mẹ của vợ ông đến một bác sĩ tâm bệnh thứ ba. Vậy ông đã chu toàn trách nhiệm của mình, là bác sĩ chuyên về giải phẫu không thể làm như mình biết những vấn đề thuộc lãnh vực tâm lý, nên những bệnh nhân bệnh này phải đưa tới các nhà chuyên môn về tâm bệnh.

Một ngày nọ, vị bác sĩ tâm bệnh đang chữa trị cho vợ ông mời ông đến và nói rằng: “Anh có biết là anh đã không quan tâm đầy đủ đến chị nhà không? Anh phải đưa chị đi chơi ít nhất mỗi tuần một lần.” Vị bác sĩ giải phẫu không còn thiếu thiện chí nữa ông hoàn toàn sẵn sàng làm theo lời khuyên của bạn. Ông nói, “được tôi sẽ đưa nhà tôi đi chơi, đi xem văn nghệ mỗi chiều thứ sáu” và ông đã làm đúng như vậy. Vợ ông được đi ra ngoài với ông vào mỗi cuối tuần, bà không còn có thể phàn nàn là ông đã vì công việc mà để bà ở nhà một mình suốt tuần nữa.

Chúng ta có thể thấy lời khuyên của vị bác sĩ tâm lý này thật là chí lý. Ông thấy rõ ràng căn nguyên của người vợ là do người chồng không quan tâm đầy đủ đến người vợ. Đây là một trong số những cặp vợ chồng đang đi dần đến chỗ xa cách nhau mà không có sự xung đột trầm trọng nào xảy ra giữa hai người. Đó là lý do tôi nêu câu chuyện này ở đây. Khi chúng ta nói chuyện về vấn đề “Tâm vấn hôn nhân” chúng ta nghĩ ngay đến những trường hợp nghiêm trọng, những sự toan tính ly dị, những cặp vợ chồng hay cải vả rồi ấu đả nhau. Tuy nhiên có những người khác đáng được chúng ta quan tâm lưu ý đến vì cuộc sống chung của họ cũng là một thất bại. Họ vẫn sống bên nhau, không làm thương tổn nhau, nhưng họ sống như hai địa cực tách rời vì giữa họ chẳng có sự cảm thông nhau gì cả.

x 1

Bây giờ vị bác sĩ giải phẫu của chúng ta sau khi được người bạn là một bác sĩ tâm lý giúp đỡ thì hiểu được rằng vợ ông cần phải đi xem hát với ông ít nhất mỗi tuần một lần. Đó là một bước đi đúng hướng. Tuy nhiên, thật sự, ông vẫn không hiểu vợ ông, có một sự khác biệt quan trọng giữa những mức độ hiểu biết nhau. Có nhiều người sống chung với nhau nhiều năm mà không cảm thông được nhau và cũng chẳng chịu tìm cách cảm thông nhau. Chúng ta thấy trường hợp này thường xảy ra trong những gia đình có tiếng tăm, có nề nếp, có học thức. Giữa những con người cao trọng, những con người tri thức, ngay cả những giáo sư về khoa tâm lý. Họ sống như thể không biết có một điều họ đang thiếu sót dù điều đó rất là tuyệt diệu. Gia đình họ không còn là một thực thể sống. Nếu họ cảm thấy lương tâm không được yên ổn về điều đó, họ có thể xoa dịu lòng mình bằng cách đưa vợ mình đi xem hát vào một tối thứ sáu nào đó.

Hầu hết những cặp vợ chồng bước vào đời sống hôn nhân với một lý tưởng thật cao. Có người theo học những lớp dự bị hôn nhân dành cho những cặp mới đính hôn. Có người đọc những quyển sách dày cộm và rất chuyên môn về đời sống tình dục. Họ học được nhiều điều thú vị, nghiên cứu những sách về tâm lý, đôi khi còn làm quá nhiều hơn nữa. Nhưng mười năm sau có bao nhiêu người sẽ có thể tuyên bố rằng gia đình họ đã trở nên một gia đình đúng như là họ kỳ vọng? Ít lắm! Đây chính là vấn đề chúng ta đang đối viện và sẽ tiếp tục suy nghĩ.

Mỗi người khi niềm hy vọng của mình bất thành thì thường có khuynh hướng đổ lỗi cho người khác. Đó không phải là lỗi của tôi! Đổ lỗi cho người khác thì dễ hơn là tìm ra lỗi lầm, sai trật của mình, nhưng lại chỉ làm cho mọi sự trở thành hoàn toàn bế tắc. Đổ lỗi cho nhau chỉ đưa đến sự khinh bỉ, cay đắng, chống đối ngấm ngầm và có thành kiến với nhau, đó là điều mà vợ chồng thường hay làm. Nếu không thì họ sẽ nguyền rủa số phận. Người đàn ông nghĩ rằng phận mình xui xẻo đã dung rủi gặp người đàn bà bất trị. Người vợ oán trách duyên kiếp đã dành cho mình một người đàn ông bất kham.

Để tránh trách nhiệm của mình, người nào cũng có khuynh hướng đổ lỗi cho tánh tình của người kia cho tình trạng sức khỏe kém của nàng, cho những lầm lỗi nàng phạm, cho giáo dục của gia đình nàng hay cho ảnh hưởng của môi trường nàng đã lớn lên. Những vấn đề như thế rất quan trọng. Chúng ta phải tìm cách hướng dẫn con cái chúng ta trong việc lựa chọn người bạn đời của nó. Có chung một số bối cảnh sinh trưởng nào đó thì cũng rất hữu ích cho hạnh phúc gia đình. Nhưng nếu nghĩ rằng sự thành công trong hôn nhân và sự cảm thông đầy đủ tùy thuộc chủ yếu vào bối cảnh trên hết là những gì chúng ta xây đắp từng ngày. Nó là một “Tác phẩm nghệ thuật.”

Chúng ta cũng hay chống lại quan niệm sai lầm qui mọi thứ cho số phận may rủi, là quan niệm thường dẫn người đàn ông đến việc tưởng tượng rằng mình có thể vớ được một “viên ngọc” làm vợ như một người trúng số vậy. Hơn nữa, khó có thể cưới “một viên ngọc” nếu bạn không cảm thấy mình cũng là ngọc.

Bởi thế điều quan trọng là hãy cùng nhau xây dựng hạnh phúc cho hôn nhân. Nó là cái đích để hướng tới chứ không phải là một quyền lợi để thụ hưởng cách đương nhiên ngay từ ban đầu.

Để xây dựng hạnh phúc khả năng cảm thông nhau là điều cần thiết. Cái gọi là “sự không hợp nhau về tình cảm” là một huyền thoại mà các trạng sư thiếu lý lẽ đặt ra để yêu cầu tòa cho thân chủ ly dị. Nó cũng là một lý lẽ thông thường người ta dùng để che giấu sự thất bại của chính mình. Không hề có sự không hòa hợp về tình cảm mà chỉ có những sự hiểu lầm và lỗi lầm có thể sửa đổi được khi người ta có thiện chí sửa đổi. Theo tôi lầm lỗi thông thường nhất là thiếu sự hoàn toàn thành thật. Nhiều cặp vợ chồng bên sau những khó khăn của họ tôi luôn luôn khám phá họ thiếu sự cởi mở với nhau – Sự cởi mở trung thực và hoàn toàn đối với nhau – Nếu không có nó thì không thể nào có sự cảm thông thật. Một cặp vợ chồng dù can đảm để luôn luôn nói ra mọi việc thì chắc chắn sẽ gặp phải bất bình nhưng họ sẽ càng ngày càng xây dựng được một cuộc sống chung thành công hơn. Trái lại mọi sự che giấu tình cảm chân thật đó điều trở thành một triệu chứng xấu và là con đường đưa đến thất bại.

Nhiều cặp vợ chồng không còn nhận thức là họ đang che giấu một phần những cảm giác thật của họ với nhau, che giấu một phần những ý nghĩ những sự xác tín và những phản ứng cá nhân của họ. Khi bước vào văn phòng của tôi một người chồng đã nói với tôi rất thành thật rằng “Tôi chắc chắn là không hề giấu nhà tôi điều gì cả. Việc gì tôi cũng bàn với nhà tôi cả.” Sau đó tôi trao đổi với ông về nhiều vấn đề rất quan trọng và cần thiết cho ông. Rồi tôi hỏi ông “thế bà nhà nghĩ thế nào về những điều đó?” Ông liền trả lời “Tôi chẳng bao giờ đề cập những vấn đề này với nhà tôi, bà không hiểu được.”

x 2

“Bà sẽ không hiểu được,” hay nói khác, nàng sẽ không chia sẻ ý kiến của tôi, và tôi muốn tránh bất cứ cuộc cãi cọ nào. Vậy để gia đình được êm thấm, nhiều cặp vợ chồng đã tránh né một số vấn đề nhất là những vấn đề đầy tình cảm dễ bị va chạm. Nhưng đó lại là những vấn đề quan trọng để đưa họ đến sự cảm thông chân thật. Vì thế, dần dần, cánh cửa tương giao giữa vợ chồng bị án ngữ. Họ bắt đầu trở thành xa lạ với nhau. Họ đang đánh mất sự hiệp nhất toàn diện, là qui luật mà Đức Chúa Trời đã định cho hôn nhân.

Vì thế, dần dần, cánh cửa tương giao giữa vợ chồng bị án ngữ. Họ bắt đầu trở thành xa lạ với nhau. Họ đang đánh mất sự hiệp nhất toàn diện, là qui luật mà Đức Chúa Trời đã định cho hôn nhân.

Khi thiết lập hôn nhân Đức Chúa Trời phán rằng “Cả hai sẽ trở nên một.” Trở nên một rõ ràng có ý nghĩa là không còn có bí mật riêng tư của mỗi người. Khi nào một cặp vợ chồng bắt đầu che giấu những vấn đề của riêng mình thì lúc ấy họ vi phạm sự hiệp nhất căn bản của đời sống hôn nhân. Họ bắt đầu rẽ sang con đường đưa đến thất bại. Đúng vậy dù động cơ thúc đẩy che giấu có là những ý tưởng tốt đẹp đi nữa.

Ngay cả che giấu những cái đáng phải giấu. Chúng ta có thể che giấu dễ dàng những điều chúng ta tự hào cũng như những điều chúng ta hổ thẹn. Chúng ta có thể cố sức hàn gắn bắt đầu trở lại, cố gắng sức làm hòa. Nhưng sự tái sanh thật luôn luôn đòi hỏi phải có một sự cởi mở chân thật với nhau. Sự chân thật sâu xa và khó khăn hơn rất nhiều.

BÁC SĨ PAUL TOURNIER MD

 

   

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên