Trang Chủ TRANG CHỦ Phúc Âm cho Trẻ Em

Phúc Âm cho Trẻ Em

565
0
SHARE

HÃY ĐỂ CON TRẺ ĐẾN CÙNG TA  

Các môn đồ đã từng ngăn trở con trẻ đến cùng Chúa Cứu thế. Tại sao họ làm vậy?

 “Khi ấy, người ta đem các con trẻ đến, đặng Ngài đặt tay trên mình và cầu nguyện cho chúng nó; môn đồ quở trách những người đem đến. Song Đức Chúa Giê-su phán rằng: Hãy để con trẻ đến cùng ta, đừng ngăn trở; vì nước thiên đàng thuộc về những kẻ giống như con trẻ ấy. Ngài bèn đặt tay trên chúng nó, rồi từ đó mà đi” (Ma-thi-ơ 19:13-15).

Các môn đồ đấu tranh với lòng kiêu ngạo và tự cao cho đến ngày Lễ Ngũ Tuần. Phương thuốc chữa lành của Chúa Giê-su là Ngài dạy các môn đồ học theo tính cách của trẻ em để noi theo. Nhóm mười hai sứ đồ đi theo Chúa Giê-su bị ám ảnh bởi sự quan trọng của chính họ – họ muốn được trở thành người cai trị như các quan chức đời này. Chúa Giê-su hiểu đây là một cái bẫy của Satan, chính nó đã từng cám dỗ Ngài trong đồng vắng.

Chúa Giê-su không chỉ dành thời gian cho trẻ em để ban phước cho chúng, mà Ngài còn nói rằng Nước Trời thuộc về chúng. Chúa Giê-su liên tục lật ngược quan niệm của thế gian về vua và vương quốc, khiến nhiều người quay lưng lại với Ngài. Chỉ những ai “có tai để nghe” (Mác 4:9) mới có thể chấp nhận sứ điệp “phản văn hóa” của Ngài đi ngược lại khuynh hướng tự nhiên của con người.

Kinh Thánh là Lời được viết ra của Đức Chúa Trời. Nhưng ở đây, Lời được viết ra liên quan đến Lời được nói ra, bởi Lời đã trở thành xác thịt (Giăng 1:14). Lời này không thể sai lầm. Lời này được Đức Thánh Linh thần cảm. “Hãy để con trẻ đến cùng ta, đừng ngăn trở.” Câu này được xếp hạng cao trong danh sách những lẽ thật cơ bản về thuộc tánh của Đức Chúa Trời và điều Ngài mong muốn nơi chúng ta là tính cách ngây thơ, khiêm nhường như một con trẻ khi đến với người cha trần thế.

Trong các nhà hội địa phương vào thời của Chúa Giê-su, vị trí của trẻ em hầu như luôn bị đánh giá thấp. Nếu chúng được đánh giá cao, thì đó là ngược lại với truyền thống Do Thái. Ngày nay các bậc cha mẹ theo Cơ đốc giáo cũng có thể làm hại con cái bằng cách biến chúng thành trung tâm của vũ trụ. Thay vì thế, chúng ta nên chú ý đến tính cách tự nhiên của chúng khi chưa được biến đổi, dạy chúng biết rằng chỉ duy nhất Đức Chúa Trời mới là trung tâm của vũ trụ.

Cách dạy dỗ không tốt cản trở con trẻ đến với Chúa Giê-su. Nuôi dạy con bằng sự tức giận, không áp dụng kỷ luật yêu thương và không nêu gương tốt, đều là những cách phổ biến mà các bậc cha mẹ cản trở con cái đến với Chúa Giê-su. Trong các nhà thờ Mỹ và phương Tây ngày nay, sai lầm là cho trẻ em vui chơi quá mức mà không hề có một giới hạn nào. Đáng buồn thay, khi mục tiêu thực sự của một số hội thánh không phải là môn đồ hóa các con trẻ, mà là thu hút các gia đình đến với hội thánh của mình trong sự cạnh tranh với các hội thánh khác. Kết quả là, trẻ em lớn lên và rời khỏi nhà thờ ngay khi chúng có thể.

Đức tin như trẻ thơ đòi hỏi sự can đảm lớn lao. Chúa Giê-su muốn nói rằng trẻ em có một vị trí đặc biệt trong Vương quốc, và những ai cư xử với trẻ em theo lời Chúa dạy sẽ nhận lãnh nước trời.

 “Đoạn, Ngài bắt một đứa trẻ để ở giữa môn đồ; rồi ẵm nó trong tay, mà phán rằng:  Hễ ai vì danh ta tiếp một đứa trong những đứa trẻ nầy, tức là tiếp ta; còn ai tiếp ta, thì chẳng phải tiếp ta, bèn là tiếp Đấng đã sai ta vậy” (Mác 9:36-37). Nhận trẻ em mồ côi làm con nuôi và dạy chúng lớn lên trong đường lối Chúa là một nghĩa cử cao đẹp trong xã hội của chúng ta.   

Chúa kêu gọi chúng ta tin cậy vào Ngài như con trẻ tin vào cha mình, như trong câu chuyện sau đây:

Khi đám cháy bùng lên trên căn gác của một ngôi nhà. Bé Jimmy đang vui chơi trên đó. Người cha từ nơi làm việc ngoài đồng chạy về và la lớn:
– Jimmy, hãy nhảy xuống đây vào lòng của bố.

Và cậu bé Jimmy nhảy xuống không một phút do dự. Cậu bé hoàn toàn tin cậy nơi cha của mình và nhảy vào hai cánh tay đang đưa ra của người bố.  
Câu chuyện này là một bức tranh tốt minh họa cho đức tin của con trẻ.
Chúa kêu gọi chúng ta đừng đánh giá cao về bản thân và hãy nhìn nhận chúng ta là con trẻ khi trực diện với Cha trên trời, giống như cách một đứa trẻ đối diện hằng ngày với người cha trần thế của mình. Đứa trẻ hoàn toàn lệ thuộc, tin tưởng vào cha trong bất kỳ nhu cầu nào của nó.
Khi hiểu về Cha thiên thượng theo cách trên đây sẽ làm cho lời cầu nguyện của chúng ta trước ngôi thi ân của Cha trở nên khiêm nhường và dịu ngọt biết bao! Chúng ta đừng bao giờ ra lệnh cho Cha phải phục vụ mình, thay vào đó hãy nói chuyện với Chúa như con trẻ thưa chuyện với cha.

Chúng ta có áp dụng nào cho bài học này?

  1. “Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo; dù khi nó trở về già, cũng không hề lìa khỏi đó” (Châm Ngôn 22:6). Trách nhiệm của cha mẹ là dạy dỗ con trẻ theo đường lối Chúa. Nhà thờ, trường học và gia đình là ba yếu tố chính tác động đến nhân cách của con trẻ. Khi cha mẹ vì bận rộn với công việc mưu sinh mà bỏ qua thì giờ vui chơi, dạy dỗ con trẻ, nhóm gia đình lễ bái thì con trẻ trở nên xa cách Chúa chỉ còn là vấn đề thời gian.

           2. “Nếu ai gây cho chỉ một kẻ nhỏ nầy phạm tội, thì thà rằng buộc cối đá vào cổ nó mà quăng xuống biển còn hơn” (Lu-ca 17:2). Lời Chúa Giê-su phán dạy trong câu này cảnh tỉnh chúng ta nhờ ơn Chúa để không gây nên cớ vấp phạm cho con trẻ. Nếu một người cha luôn say rượu, người mẹ ham mê cờ bạc thì tính cách của con trẻ sẽ ra sao? Hoặc nếu một người cha là mục sư, nhưng vì quá bận rộn với các mục vụ, không còn thì giờ dành cho con cái. Lúc đó con cái của ông ta sẽ ra sao?

          3. Có một thành ngữ trong lĩnh vực giáo dục: “Chúng ta có thể dẫn con nai đến suối nước, nhưng không thể ép nó uống nước.” Vậy thì theo bạn, chúng ta phải làm gì?

         4. Gióp đã nêu một tấm gương tốt cho chúng ta: “Xảy khi các ngày tiệc yến xong rồi, Gióp sai người đi dọn các con cái mình cho thanh sạch, thức dậy sớm, dâng của lễ thiêu tùy số chúng nó; vì người nói rằng: Dễ thường các con ta có phạm tội, và trong lòng từ chối Đức Chúa Trời chăng. Gióp hằng làm như vậy” (Gióp 1:5). Là cha mẹ, chúng ta phải thường xuyên cầu nguyện cho con cái mình giống như Gióp. John Wesley, Billy Graham và nhiều thánh đồ tin kính khác nhờ lời cầu nguyện của người mẹ mà trở nên những chiếc bình quí trọng cho Đức Chúa Trời.

Bạn còn có những áp dụng khác cho bài học này?

Mục sư Phạm Hơn

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên